Thursday, April 25, 2013

Tại sao vàng miếng là vàng nhưng lại không phải là vàng?

Cách đây hơn hai trăm năm, các nhà kinh tế học đã phải nghĩ nát óc để giải thích tại sao tiền vàng là vàng nhưng giá trị của nó lại chả liên quan gì đến vàng. Đủ các loại học thuyết đã được đưa ra rồi bị quên lãng. Giờ đây, Việt Nam lại đang đối mặt với câu hỏi đó.

1. Vàng miếng là vàng

Về mặt chất liệu thì vàng miếng cũng là vàng, khi mua bán thì người ta cũng coi nó là vàng không khác với gì vàng được dùng làm đồ trang sức hay đồ dùng. Vàng miếng vì vậy mang giá trị của vàng. Song có một vấn đề trong thực tế là vàng miếng mặc dù cũng là vàng nhưng lại không được sử dụng làm đồ trang sức hay chế tác đồ trang sức, tức là không được sử dụng như vàng, mà thường chỉ dùng để thanh toán hoặc tích trữ thay cho tiền mặt.

2. Vàng miếng không phải là vàng

Vàng miếng khi được sử dụng để thanh toán hay tích trữ thay cho tiền mặt thì nó không còn là vàng nữa mà đóng vai trò như tiền tệ. Nếu đem vàng miếng ra khỏi phạm vi Việt Nam thì nó lại trở lại thành vàng. Khi được sử dụng như là tiền tệ thì vàng miếng không còn mang giá trị của vàng nữa mà mang giá trị của tiền tệ, giá của vàng miếng lúc này chịu sự chi phối của cung cầu về tiền tệ. Tại sao vàng miếng trở thành tiền tệ thì đó là một câu chuyện dài về lịch sử kinh tế. Vàng miếng trong vai trò là tiền tệ không thích hợp với giao dịch của người dân bình thường, không ai mang vàng miếng đi chợ mua rau cả, nhưng lại rất thích hợp với giao dịch của những tổ chức tài chính lớn ví dụ như ngân hàng. Do vậy, muốn hiểu được tại sao vàng miếng có vai trò tiền tệ thì cần phải nghiên cứu lịch sử việc sử dụng vàng miếng trong ngân hàng, song những tài liệu về vấn đề đó có lẽ là không có sẵn hoặc nếu có sẵn thì cũng khó có thể tiếp cận được. 

3. Vàng miếng trở thành tiền tệ như thế nào? 

Thoạt nhìn thì quá trình biến đổi vàng thành vàng miếng rất đơn giản, doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu về, đem dập thành vàng miếng có trọng lượng 1 cây, đóng gói rồi đem bán trên thị trường. Ẩn giấu sau đó là những quy luật kinh tế hoàn toàn khác nhau chi phối mà người ta không thể hiểu được nếu không tách biệt giá trị sử dụng của vàng và vàng miếng. Khi doanh nghiệp mua vàng về dập thành vàng miếng thì vàng miếng đó vẫn chỉ là vàng, chỉ khi nó được trao vào tay người mua thì mới trở thành phương tiện giao dịch. Trong tay doanh nghiệp thì vàng miếng có giá trị của vàng nhưng khi được bán cho người mua thì nó bị biến thành tiền tệ, tức là có giá trị của tiền tệ. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể dập vàng thành vàng miếng, song chỉ có vàng miếng của một số doanh nghiệp nhất định mới có thể lưu thông trên thị trường như là vàng miếng, điều đó phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.

4. Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước lại độc quyền kinh doanh vàng miếng?

Khi hầu hết các chủ doanh nghiệp và ngân hàng có tiềm lực tài chính lớn đổ xô vào kinh doanh vàng miếng, tức là kinh doanh tiền tệ thì điều đó ảnh hưởng tới lợi ích của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN). Một trong những hệ quả thấy rõ là việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tạo sức ép lên tỷ giá hối đoái mà NHNN muốn duy trì ổn định, tình trạng nhập khẩu vàng kéo dài sẽ làm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ. Quyền lực của NHNN là phát hành tiền, khi có một loại tiền tệ khác xuất hiện cạnh tranh với tiền của NHNN thì NHNN phải tìm cách loại bỏ loại tiền tệ ấy. Ban đầu, NHNN tìm cách loại bỏ vai trò tiền tệ của vàng miếng song nỗ lực ấy không mấy hiệu quả nên đã nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng, tức là độc quyền phát hành vàng miếng với tư cách là tiền tệ. Ở đây cần chú ý, vàng miếng là tiền tệ nhưng lại không phải lại ngoại tệ bởi vàng miếng chỉ có giá trị là vàng miếng trong phạm vi quốc gia khi ra khỏi phạm vi đó thì vàng miếng cũng chỉ là vàng nguyên liệu, ngược lại vàng nguyên liệu không phải là tiền tệ trong nước nhưng lại là tiền tệ quốc tế vì có thể dùng để trao đổi giữa các quốc gia với nhau.

5. Hệ quả của vàng miếng trong vai trò tiền tệ

Khi NHNN độc quyền kinh doanh vàng miếng thì vai trò tiền tệ của vàng miếng càng trở nên vững chắc, giá cả vàng miếng giờ đây sẽ phụ thuộc vào cung cầu vàng miếng với vai trò là tiền tệ chứ không chịu sự chi phối của thị trường vàng nguyên liệu. Vì vậy vàng miếng sẽ có giá hoàn toàn khác so với vàng nguyên liệu cho dù là trên thị trường vàng nguyên liệu trong nước hay thị trường thế giới. Mọi nỗ lực của NHNN sẽ tập trung vào việc kiểm soát giá cả vàng miếng với vai trò là tiền tệ chứ không phải là vàng miếng với vai trò là vàng. 

Bán lẻ vàng miếng là hoàn toàn không khả thi, do vậy NHNN buộc phải bán buôn cho các tổ chức có năng lực tài chính. Sau đó, các tổ chức này sẽ bán lẻ lại cho người mua khác. Điều này có nghĩa là giá vàng miếng do NHNN bán ra trên thị trường bán buôn sẽ phải thấp hơn giá giao dịch trên thị trường bán lẻ. Khoản chênh lệch giữa giá bán buôn với giá bán lẻ vàng miếng sẽ tạo ra lợi nhuận cho tổ chức kinh doanh, phần lớn các tổ chức kinh doanh lại là các ngân hàng nên nảy sinh ra một hệ quả khác đối với nền kinh tế. Nếu lợi nhuận từ mua bán vàng miếng lớn hơn lợi nhuận thu được từ việc cho vay thì các ngân hàng giảm cho vay và tăng cường mua bán vàng miếng, ngược lại nếu lợi nhuận thu được từ việc cho vay cao hơn từ việc mua bán vàng miếng thì ngân hàng sẽ giảm mua bán vàng miếng và tăng cường cho vay. Điều này có nghĩa là giá mua vào cũng như bán ra của vàng miếng mà các tổ chức tham gia đấu thầu đặt ra sẽ phụ thuộc vào sự biến động của tình hình sản xuất và kinh doanh trong nước.

Dập vàng miếng là công việc tốn thời gian nên NHNN sẽ phải dự trữ một khối lượng lớn vàng miếng để luôn kịp thời cung cấp cho thị trường. Hiện nay, giá vàng miếng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì nhiều người sẽ nghĩ NHNN lãi lớn trong việc kinh doanh vàng miếng, vì chỉ việc mua vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới rồi về dập thành vàng miếng đem bán để hưởng chênh lệch. Song sự thực không phải như vậy, NHNN luôn phải dự trữ một khối lượng lớn vàng miếng nhưng vàng miếng trong kho của NHNN thì chưa phải là vàng miếng với tư cách tiền tệ mà nó vẫn chỉ là vàng nên chịu sự chi phối của giá vàng nguyên liệu, tức là khi giá vàng thế giới giảm thì giá của nó cũng giảm còn khi giá vàng thế giới tăng thì giá của nó cũng tăng. Khoản tiền chênh lệch giữa giá vàng miếng đã bán và vàng nguyên liệu phải bù đắp cho sự biến động về giá trị của số vàng trong kho dự trữ. Trong trường hợp NHNN mua vào vàng miếng, nếu thoạt nhìn thì NHNN sẽ phải mua giá cao hơn giá trên thị trường bán lẻ, tức là có cảm giác lỗ, song khoản chênh lệch đó lại được bù đắp bởi giá trị tăng lên của số vàng dự trữ. Giá mua tối đa và giá bán vàng miếng tối thiểu của NHNN hoàn toàn có thể tính được dựa trên các tham số như: số lượng vàng miếng dự định mua vào hay bán ra, khối lượng vàng dự trữ và sự biến động của giá vàng trên thị trường thế giới. Doanh thu thực của NHNN có thể ước tính dựa trên chênh lệch giữa giá đề xuất của NHNN và giá trúng thầu mua bán vàng miếng. Lợi nhuận mà NHNN thu được chắc chắn là nhỏ hơn rất nhiều so với khoản chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu và giá vàng miếng (như đã nói ở trên, phần lớn khoản chênh lệch phải được trích lập quỹ dự phòng giảm giá vàng). 

Khi giá vàng trên thị trường thế giới có xu hướng giảm thì giá trị của kho vàng miếng dự trữ trong tay NHNN cũng giảm xuống, do vậy NHNN sẽ chịu áp lực phải bán ra. Ngược lại, khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng thì giá trị kho vàng dự trữ trong tay NHNN cũng tăng lên do vậy NHNN sẽ phải mua vào. Trong ngắn hạn thì NHNN có thể mua vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới rồi dập thành vàng miếng nhưng trong dài hạn thì không thể làm như vậy vì hai lý do chính: thứ nhất là việc dập vàng miếng bị giới hạn bởi công suất hoạt động của doanh nghiệp nên có thể sẽ không kịp thời và thứ hai là việc mua vàng trên thị trường thế giới cần có ngoại tệ, tức là sẽ làm ảnh hưởng tới dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Như vậy, trong dài hạn khi thị trường vàng miếng đạt tới quy mô nhất định thì NHNN sẽ phải mua vàng miếng chủ yếu từ thị trường trong nước còn nguồn vàng nguyên liệu từ thị trường thế giới sẽ chỉ đóng vai trò bổ sung.

Trên thị trường vàng miếng, NHNN cũng sẽ phải cân nhắc các quyết định mua bán để giữ giá vàng miếng ổn định. Khi giá vàng miếng có xu hướng giảm thì NHNN phải mua vào và ngược lại khi giá vàng miếng có xu hướng tăng thì NHNN phải bán ra. Mọi vấn đề sẽ là đơn giản trong hai trường hợp: giá vàng thế giới có xu hướng giảm đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng tăng và giá vàng thế giới có xu hướng tăng đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng giảm. Song rõ ràng là thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi như vậy, rất có thể xảy ra trường hợp khác như: giá vàng thế giới có xu hướng giảm đồng thời giá vàng miếng trong nước cũng có xu hướng giảm và giá vàng thế giới có xu hướng tăng đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng tăng, khi đó NHNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành thị trường vàng miếng cũng như duy trì quỹ dự trữ vàng.  

Kết luận

Quy luật kinh tế đã khiến cho vàng miếng là vàng nhưng lại không còn là vàng khi được ném vào lưu thông, đã khiến cho thị trường vàng trong nước chịu ảnh hưởng của thị trường vàng thế giới nhưng lại tách thị trường vàng miếng khỏi thị trường vàng. Nếu không hiểu được quá trình đó thì sẽ không thể hiểu được sự biến động khác nhau giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới. 





Monday, April 15, 2013

Đã dốt toán thì đừng bàn chuyện chính trị

Hôm nay, tình cờ thấy trang Bô Shit lại tiếp tục bôi nhọ giới trí thức Việt Nam với bài "Trung lập: Quyền lợi dân tộc hay quyền lợi giai cấp" của một người tự xưng là Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu. Không biết người này là tiến sĩ thiệt hay dỏm nhưng với những gì người này đã viết thì rõ ràng rất đáng ngờ về thực chất của cái danh hiệu TS.

Về mặt phương pháp thì vị TS này đã mắc sai lầm cơ bản khi sử dụng logic hình thức vốn chỉ phù hợp với đại số để khảo sát quan hệ của biến số. Sức mạnh của một quốc gia không phải là một đại lượng độc lập với chiến lược quan hệ quốc tế. Một quốc gia khi lựa chọn một chiến lược quan hệ quốc tế thì chiến lược ấy sẽ có tác động ngược trở lại làm gia tăng hoặc suy yếu sức mạnh của quốc gia đó. Vị TS này định làm toán nhưng đến phương pháp cơ bản của toán học cũng không nắm được thì thật là khó mà tưởng tượng. 

1. Quốc gia mạnh mới có thể lựa chọn trung lập?

Vị TS này viết rằng: "Trên bàn cờ quốc tế chỉ có các cường quốc lớn mới đủ năng lực để tự cho mình quyền trung lập, tức là quyền độc lập với các nước khác, quyền tự mình đứng riêng hay dẫn đầu một phe. Các nước nhỏ không đủ năng lực để tự bảo vệ mình trong tư cách của một quốc gia trung lập và sớm hay muộn sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn vào một cường quốc lớn. Trò chơi trung lập là trò chơi của các cường quốc lớn, không phải là trò chơi của nước nhỏ." Điều này hoàn toàn sai. Một quốc gia lựa chọn chiến lược quan hệ quốc tế thế nào hoàn toàn không phụ thuộc vào việc nó mạnh hay yếu mà phụ thuộc vào chiến lược mà các quốc gia khác trong tập hợp đó lựa chọn, các sự lựa chọn dựa trên tính toán về lợi ích của mỗi quốc gia sẽ tác động qua lại lẫn nhau để dẫn đến một thế cân bằng, tại thế cân bằng đó thì mỗi quốc gia sẽ có một chiến lược xác định. Sự tương quan này thường rất phức tạp và mô tả sẽ rất dài dòng bằng lý thuyết trò chơi, chỉ có thể lấy một ví dụ minh họa thế này, một tập hợp ba quốc gia mà có hai quốc gia mạnh ngang nhau đang đối đầu và một quốc gia khác yếu hơn thì rõ ràng mọi nỗ lực của hai quốc gia mạnh sẽ là trung lập hóa quốc gia yếu hơn vì lôi kéo làm đồng minh sẽ không khả thi. Bất cứ quốc gia mạnh nào định tấn công quốc gia yếu hơn sẽ có nguy cơ bị quốc gia mạnh còn lại thừa cơ tấn công tức là đẩy mình vào thế chống lại hai kẻ thù cùng lúc, nguy cơ bị tiêu diệt là chắc chắn. Bản thân quốc gia yếu hơn chắc chắn sẽ lựa chọn trung lập thay vì ngả theo một trong hai phía để phía còn lại bị tiêu diệt và chính mình sẽ là nạn nhân kế tiếp. 

Hồi Thế Chiến II đã có một ví dụ điển hình về trường hợp nêu trên, hai nước đế quốc Đức và Pháp hùng mạnh đã cố gắng trung lập hóa Thụy Sĩ yếu hơn. Sau đó, Thụy Sĩ đã khéo léo tiếp tục duy trì được tình trạng trung lập của mình ngay cả khi Đức chiếm đóng hầu như toàn bộ châu Âu cho đến khi kết thúc chiến tranh. Nếu theo đúng lập luận của vị TS này, Thụy Sĩ phải bị xóa khỏi bản đồ châu Âu từ lâu rồi.

Vị TS khi bắt đầu giải bài toán thì đã ngay lập tức đánh tráo điều kiện của bài toán nên không chỉ sai hoàn toàn mà còn bất chấp cả thực tế. Tất cả cái trò xảo trá ấy chỉ để ngụy biện rằng nước yếu thì không thể trung lập, để sau đó lén lút đưa cái việc bị một nước lớn đe dọa vào nhằm cổ vũ cho việc liên minh với một nước lớn khác.  

2. Mối đe dọa từ Trung Quốc hay mối đe dọa từ Mỹ lớn hơn?

Người Việt Nam ai cũng biết tâm địa của Trung Quốc với Việt Nam ra sao và ai cũng biết Mỹ đã làm gì với Việt Nam trong một cuộc chiến kéo dài suốt hơn hai mươi năm. Hiện giờ tâm địa của Mỹ đối với Việt Nam ra sao? Vị TS này chỉ nêu ra vế thứ nhất mà giấu biệt đi vế thứ hai, không so sánh được các nguy cơ từ phía Mỹ và từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam, gian trá lấy luôn cái cần chứng minh ra để khẳng định, tức là khẳng định luôn Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất.

Thậm chí nửa quan trọng nhất trong việc phân tích mối quan hệ tay ba Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam cũng đã bị lờ đi đó là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ quan hệ với Việt Nam ra sao rõ ràng phải tính đến phản ứng chiến lược của Trung Quốc và ngược lại Trung Quốc định làm gì với Việt Nam cũng phải tính đến phản ứng chiến lược của Mỹ. Bởi vì các lựa chọn đó có thể phát sinh những chi phí và lợi ích chiến lược khác nhau đối với Mỹ cũng như Trung Quốc, nhưng vị TS này có vẻ không biết đến những điều điều đơn giản như vậy. Trên thực tế, đây là một cân bằng động rất phức tạp, nhiều quốc gia thường phải sử dụng một đội ngũ chuyên gia hùng hậu về lý thuyết trò chơi lập nên các mô hình tính toán để xác định được chiến lược cân bằng. Có thể minh họa rõ hơn một chút thế này: Nếu Trung Quốc định lôi kéo Việt Nam về phía mình thì Trung Quốc phải tính được Mỹ phản ứng thế nào về điều đó, không phải lập luận vớ vẩn kiểu Việt Nam không chơi với Mỹ thì Mỹ không cần quan tâm mà Mỹ sẽ hành động ra sao để bảo vệ lợi ích của mình. Về mặt địa thế, Việt Nam nằm tiếp giáp với Trung Quốc và giống như cái sân bay tự nhiên kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Nam Á, nơi có rất nhiều các nước đồng minh của Mỹ và con đường biển quan trọng hàng đầu thế giới đi qua. Nếu Trung Quốc lôi kéo Việt Nam thành công thì Mỹ sẽ bị mất toàn bộ ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á vào tay Trung Quốc, vậy là Mỹ phải tìm cách chống lại điều đó. Ngược lại nếu Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam về phía mình thì phải tính đến việc Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngăn cản Mỹ vì nếu có được liên minh với Việt Nam thì Mỹ có thể khóa chặt con đường biển quan trọng nhất của Trung Quốc và mở rộng tầm ảnh hưởng tới các khu vực tự trị miền núi nằm sâu trong lục địa của Trung Quốc. Cả hai trường hợp đều dẫn đến sự thay đổi chiến lược trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc và đó là cái mà hai nước này cần phải tính toán. Rõ ràng là vị TS toán này thậm chí còn không hiểu mình đang nói về cái gì, lập luận hoàn toàn trẻ con.

3. Liên minh với Mỹ đòi hỏi phải có dân chủ và nhân quyền?

Không chỉ có dốt về toán học, vị TS này còn diễn món tập làm văn đầy những gian lận kiểu học trò với các vấn đề chính trị. Tại sao Việt Nam không liên minh với Mỹ? Vì sợ Mỹ đòi cải cách dân chủ và nhân quyền dẫn đến đa đảng? Lập luận của vị TS này thật nực cười! Giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ nổi tiếng Noam Chomsky đã viết trong cuốn sách "What the Uncle Sam really want" như thế này: while the US pays lip service to democracy, the real commitment is to "private, capitalist enterprise."  When the rights of investors are threatened, democracy has to go; if these rights are safeguarded, killers and torturers will do just fine. hay cụ thể hơn là to install governments that favor private investment of domestic and foreign capital, production for export and the right to bring profits out of the country. Mục tiêu Mỹ đối với các quốc gia độc lập là thiết lập lên các chính phủ phục vụ lợi ích của nhà đầu tư Mỹ, nếu chính phủ nào chấp nhận bán rẻ nhân dân của mình theo cách đó thì Mỹ sẽ để chính phủ đó được tự do tồn tại còn không sẽ là phá hoại và lật đổ. Đối với Mỹ tự do, nhân quyền, dân chủ, độc đảng hay đa đảng, hoàn toàn không phải là vấn đề đáng được quan tâm. Ai cũng biết điều đó chỉ là trò bịp bợm để kiếm chác, tại sao vị TS này lại  ngây ngô đến mức cho rằng điều đó đe dọa được Đảng cầm quyền ở Việt Nam nhỉ?

4. Có thể bảo vệ quyền lợi dân tộc dựa vào liên minh với Mỹ? 

Hãy nhìn lại lịch sử thế giới gần đây, nước Mỹ chẳng đã tài trợ cho những chế độ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử đó sao? Những cái tên quốc gia như Guatemala, Nicaragua, Honduras, Panama, El Salvado, Haiti, có gợi lên cho vị TS này điều gì không nhỉ? Những quốc gia ấy nhờ vào sự bảo trợ dân chủ và tự do của Mỹ đã đắm chìm trong nghèo nàn, lạc hậu, nội chiến, đã gần như biến mất khỏi bản đồ thế giới. Ở những quốc gia ấy, một bộ phận giàu có đã dựa vào sức mạnh của   nước Mỹ để đàn áp và cướp bóc nhân dân một cách kinh khủng chưa từng thấy, đó là bảo vệ quyền lợi dân tộc hay giai cấp? Vị TS này mong muốn Mỹ sẽ làm điều tương tự với dân tộc Việt Nam chăng?

Kết luận:

Lập luận của vị TS này hoàn toàn là vớ vẩn và gian lận chỉ nhằm kêu gào Việt Nam phải trở thành sân sau Mỹ để chống lại Trung Quốc, tức là đẩy Việt Nam vào thế đối đầu khốc liệt hơn với Trung Quốc. Lúc đó Mỹ sẽ giúp Việt Nam ư? Nước Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh của mình bằng cách một lần nữa đưa quân đội vào Việt Nam chăng? Thực ra thì mục đích chính của tác giả bài viết tầm bậy trên trang boxit là muốn nhân danh quyền lợi dân tộc để đòi đa nguyên đa đảng, chỉ có điều quá ngây ngô và ngớ ngẩn, chẳng thể thuyết phục được ai, ngược lại còn làm người ta phải hoài nghi trình độ của những người tự nhận mình là trí thức.



Sunday, April 14, 2013

Vì tự do

Có một lần, chó sói gặp cừu lang thang trên đồng cỏ. Chó sói liền hỏi cừu:
- Này cừu, mày sống có lý tưởng không?
Cừu liền trả lời:
- Ồ, có chứ, lý tưởng của tao là tự do.
Chó sói liền hỏi tiếp:
- Mày có sẵn sàng chết vì lý tưởng không?
Cừu lại trả lời:
- Có chứ, lý tưởng là lẽ sống của tao mà.
Chó sói liền xé xác cừu ra ăn thịt. Kết thúc bữa tiệc thịnh soạn, nó nói: 
- Tao cũng có chung lý tưởng với mày, nhưng tao phải sống vì tự do.


Saturday, April 13, 2013

Tại sao phải tăng lương cho công nhân?

1) Tăng lương cho công nhân để đảm bảo đời sống cho công nhân, tạo điều kiện cho họ chăm sóc bản thân và gia đình, để họ có thể tham gia vào đời sống văn hóa-xã hội. Như vậy, tăng lương sẽ có tác dụng cải tạo con người mạnh mẽ giúp tạo ra những con người không chỉ khỏe mạnh về thể chất mà còn khỏe mạnh về tinh thần, sẽ giúp cho xã hội phát triển mạnh mẽ hơn.

2) Tăng lương cho công nhân không làm tăng giá cả hàng hóa mà chỉ làm giảm lợi nhuận của chủ doanh nghiệp, góp phần tạo dựng sự bền vững trong phân phối thu nhập.

3) Tăng lương cho công nhân làm không làm tăng lạm phát vì nhu cầu về lương thực thực phẩm của công nhân tăng song nhu cầu về hàng xa xỉ của chủ doanh nghiệp lại giảm, phần giảm đi và tăng lên bù trừ nhau nên tổng cầu về hàng hóa của xã hội không tăng.

4) Tăng lương cho công nhân làm gia tăng nhu cầu về lương thực thực phẩm tức là tăng thu nhập cho nông dân và làm giảm nhu cầu về hàng hóa xa xỉ tức là có tác dụng tiết kiệm tài nguyên của đất nước, giảm bớt tiêu xài lãng phí.

5) Tăng lương cho công nhân sẽ hạn chế việc chủ doanh nghiệp tiêu dùng lãng phí sức lao động, nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất của quốc gia.

6) Tăng lương cho công nhân sẽ thúc đẩy chủ doanh nghiệp phải sử dụng nhiều máy móc hơn trong sản xuất, tức là thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền sản xuất.

Bàn về chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở của Ngân Hàng Nhà Nước

Ngân hàng Nhà nước mới công bố dự thảo Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02. Các đối tượng vay vốn bao gồm người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng thu nhập thấp mua nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Doanh nghiệp xây nhà xã hội hoặc từ nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội cũng thuộc đối tượng được ưu đãi.

Chính sách của Ngân Hàng Nhà Nước sẽ phải đối mặt với ba vấn đề thực tế sau đây.

1) Khó xác định chính xác đối tượng được hưởng hỗ trợ: 

Hệ thống kê thu nhập của Việt Nam chưa được hoàn chỉnh nên sẽ rất khó xác định được chính xác thu nhập của các đối tượng thuộc nhóm được hỗ trợ. Một nghiên cứu xã hội học năm 2012 của Thanh Tra Chính Phủ cho thấy 79% công chức và cán bộ được hỏi có thu nhập ngoài lương, có tới 11,5% số đó có thu nhập ngoài lớn hơn hoặc bằng 50% mức lương. Như vậy, việc hỗ trợ cho cán bộ công chức mua nhà hoàn toàn có thể rơi vào những đối tượng không cần được ưu đãi. 

2) Mục tiêu của chính sách khó có duy trì trong dài hạn:

Nhóm người có thu nhập thấp là nhóm dễ bị tổn thương trong dài hạn do thu nhập của họ chỉ đủ chi tiêu nên không có tích lũy. Tài sản có giá trị như nhà có thể bị bán đi  hoặc cầm cố lấy tiền chi tiêu cho những nhu cầu phát sinh bất thường như chữa bệnh, cho con cái đi học hoặc để sinh sống khi bị mất việc làm. Rõ ràng là nếu không có một hệ thống an sinh xã hội thích hợp thì việc duy trì một tài sản có giá trị đối với hộ gia đình có thu nhập thấp trong dài hạn là một việc không khả thi. Khoản cho vay hỗ trợ nhà ở có thể bị biến tướng thành trợ cấp y tế, trợ cấp thất nghiệp hoặc trợ cấp giáo dục trong trường hợp người dân bán nhà để chi tiêu.

3) Chính sách không hấp dẫn đối với ngân hàng:

Doanh nghiệp phải thu hồi vốn ngay để tiếp tục đầu tư do vậy sẽ cần tới trung gian của ngân hàng. Người có thu nhập thấp sẽ vay tiền của ngân hàng để mua nhà, nhưng người thu nhập thấp sẽ không có tài sản nào có giá trị để thế chấp mà cho vay tín chấp thì lại rất rủi ro đối với ngân hàng, giải pháp duy nhất là dùng chính căn nhà mua được đó để thế chấp cho ngân hàng. Hiện nay, thị trường bất động sản đang đi xuống, số lượng các khoản thế chấp bằng bất động sản nằm tại ngân hàng rất lớn vì vậy các ngân hàng có xu hướng hạn chế cung cấp tín dụng thế chấp bằng bất động sản. Chính sách hỗ trợ mua nhà cho người thu nhập thấp sẽ khó kiếm được ngân hàng chịu đứng ra cấp tín dụng. Mặt khác nhà ở xã hội thường có điều kiện mua bán rất chặt chẽ, khi đứng ra cấp tín dụng có thế chấp bằng nhà ở xã hội thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý rủi ro, ví dụ nếu người mua nhà không trả được nợ thì ngân hàng cũng không thể xiết nhà để thu hồi nợ.

Như vậy, nếu cho hỗ trợ các khoản vay của cá nhân thì chính sách của Ngân Hàng Nhà Nước sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà xã hội thì những vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều, có thể chính sách sẽ được điều chỉnh theo hướng ưu tiên cho doanh nghiệp hơn là các cá nhân. 

Wednesday, April 10, 2013

Đội mũ "Ngu như lừa"

Ở phố nọ có một bà nhà giàu thuê người giúp việc ở quê ra. Bà này mồm miệng rất đáo để còn cô giúp việc lại cứng đầu cứng cổ hay cãi. Chủ tớ thường hay cãi vã nhau ầm xóm từ chuyện nhỏ xọ đến chuyện lớn, không ngày nào được yên. 

Một hôm bà chủ nghe thiên hạ kháo nhau giá đất đang xuống liền đi buôn khắp xóm, gặp ai cũng xui có đất thì bán mau kẻo nó xuống giá nữa thì mất tiền oan. 

Cô người làm đi đâu về nghe bà chủ buôn chuyện thì bâng quơ: "Ôi giời, người ta có mảnh đất đang mong đất đai sốt lên bán lấy cái vốn cho con cái lấy vợ gả chồng, giờ lại có kẻ đi xui người ta bán rẻ". 

Bà chủ mới nhảy chồm lên: "Cái con này, mày ăn gì mà nói ngu thế, đất đai có rẻ thì mày mới mua được mảnh cắm dùi mà làm người thành phố chứ, lại mong đất giá cao để về cắm mặt vào ruộng hả?"

Cô người làm cười khằng khặc: "Ôi giời ơi, đi ở cho bà ăn ba bữa còn chả no mà mơ đến chuyện mua đất thành phố à?"

Bà chủ tức lộn ruột không nói lại được câu nào, nghĩ bụng: "Rồi mày biết tay bà!". Bà chủ liền may một cái mũ có gắn ba chữ "Ngu như lừa", rồi bắt cô người làm cứ đi đâu là phải đội cái mũ ấy. Cô giúp việc cũng trơ mặt, đội cái mũ "Ngu như lừa" đi diễu khắp phố phường.

Hàng xóm thấy lạ mới hỏi bà chủ sao làm vậy thì bà chủ trả lời: "Bởi nó ngu như lừa nên mới phải đội cái mũ đó". Mọi người đều cười ồ: "Đúng rồi, phải cho nó đội cái mũ ấy để người ta thấy bà khác với nó chớ!"

Saturday, April 6, 2013

Chuyện ngụ ngôn mới: Cừu, dê và chó sói

Cừu vốn là loài ăn cỏ, thường sống theo đàn lớn. Khi có chó sói xuất hiện thì cừu luôn có thói quen chạy tán loạn mỗi con một nơi, chó sói đuổi bắt cừu rất dễ dàng. Dê là loài ăn cả cỏ và lá cây thường sống theo nhóm nhỏ nhưng phàm ăn lại khéo leo trèo nên ở đâu có đàn dê xuất hiện thì chỉ một thời gian sau là cây cối bị ăn trụi sạch. Khác với cừu, khi chó sói xuất hiện thì đàn dê luôn đứng sát lại với nhau và chĩa sừng ra phía ngoài khiến chó sói thường không bắt được dê. 

Người chăn cừu có kinh nghiệm thường thả vào đàn cừu một bầy dê. Khi sống cùng với dê, cừu cũng thay đổi thói quen. Nếu chó sói có xuất hiện thì cừu không chạy tứ tung nữa mà chúng tập trung lại quanh bầy dê, do vậy chó sói khó có thể lùa bắt được cừu.

Một lần, có một con cừu lạc đàn lang thang trên đồng cỏ bị chó sói bắt gặp. Chó sói liền nói với cừu rằng loài sói vốn rất kính trọng loài cừu vì cừu không làm tổn hại tới cây cối, nhưng đối với loài dê tham lam chuyên phá hoại cây cối thì khác. Chó sói đề nghị cừu tránh xa bầy dê ra để chúng có thể tấn công dê nhằm bảo vệ cây cối cũng như đồng cỏ của loài cừu. Con cừu trở về nói với đàn của nó, tất cả lũ cừu đều thấy có lý và chúng quyết định tránh xa bầy dê.

Chó sói xuất hiện, đàn cừu không còn ở gần bầy dê nữa nên mạnh con nào con ấy bỏ chạy theo bản năng, thế là chó sói thoải mái vồ lấy cừu ăn thịt.

Tuesday, April 2, 2013

Thị trường bất động sản và nhóm lợi ích

Khi tìm hiểu trường bất động sản thì cần phải thấy có hai loại hàng hóa khác nhau là đất đai và bất động sản (ví dụ như nhà ở, chung cư, khu thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê). Đất đai không có giá trị mà chỉ có giá cả, giá cả của đất đai là do địa tô (tiền thuê đất) quyết định. Giá cả của bất động sản được tính bằng giá đất cộng với chi phí xây dựng và lợi nhuận được tạo ra. Như vậy, giá cả của đất đai sẽ biến động theo mức độ tăng trưởng của khu vực sản xuất, tức là tùy thuộc vào khối lượng tiền thuê đất mà khu vực sản xuất có thể trả cho cho chủ đất, còn giá cả của bất động sản thì phụ thuộc vào sự phát triển của chính ngành xây dựng hơn là giá cả đất đai.

1.  Những nét chính về thị trường bất động sản:

Kinh tế Việt Nam trải qua một thời kỳ tăng trưởng nhanh kéo dài, việc kinh doanh bất động sản cũng rất phát đạt, nhưng nguồn cung đất đai tăng trưởng chậm hơn dẫn đến giá cả của đất đai tăng vọt. Đây là lý do chủ yếu khiến giá cả đất đai ở Việt Nam rất cao, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nơi tập trung phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh. Giá đất cao tất nhiên cũng ảnh hưởng tới giá bất động sản, tuy nhiên trong thời kỳ giá đất cao đi liền với kinh tế tăng trưởng nhanh thì vẫn có nhiều người dân mua được nhà. Có hai lý do chủ yếu khiến điều đó diễn ra, thứ nhất là kinh tế tăng trưởng nhanh dẫn đến thu nhập của người dân tương đối cao và nguồn tín dụng dồi dào cho phép họ mua nhà, thứ hai là một bộ phận người dân vốn có nhà hoặc đất đai ở khu vực giá cao có thể dễ dàng bán đi và mua nhà hoặc đất ở khu vực có giá thấp hơn để cải thiện mức sống.

Hiện nay, khu vực sản xuất tăng trưởng chậm lại, tiền thuê đất giảm xuống khiến cho giá cả của đất đai sụt giảm mạnh nhưng giá cả bất động sản lại giảm chậm hơn, do giá đất đai chỉ chiếm một phần trong giá trị của bất động sản trong khi chi phí xây dựng chưa có sự thay đổi đột biến. Kinh tế tăng trưởng chậm lại nên số lượng người có khả năng mua nhà cũng giảm xuống, ngay cả khi giá nhà thấp hơn. Thị trường bất động sản cho thấy một nghịch lý là khi giá bất động sản cao thì có nhiều người mua được nhà còn khi giá thấp thì lại có nhiều người không mua được nhà, lý do đằng sau đó chính là sự tăng trưởng của nền kinh tế.

2. Các nhóm lợi ích:

Trên thị trường bất động sản có hai nhóm chính, nhóm thứ nhất là các chủ đất bao gồm các tổ chức hay cá nhân có quyền sử dụng đối với các diện tích đất đai thích hợp cho xây dựng, nhóm thứ hai là các chủ đầu tư xây dựng bất động sản. Nhóm thứ hai thường mua hoặc thuê đất của nhóm thứ nhất để xây dựng rồi bán hoặc cho thuê trên thị trường.

Giá đất giảm xuống khiến thu nhập của chủ đất giảm nhưng lại có tác động tích cực đối với những nhà đầu tư xây dựng bất động sản. Giá đất giảm dẫn đến chi phí đầu tư ban đầu giảm đồng thời tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư xây dựng bất động sản do đó sẽ tăng lên. Rõ ràng là lợi ích của hai nhóm này không thống thất trên phương diện giá cả đất đai. Chủ đất muốn đất đai phải giữ giá để bảo vệ nguồn thu nhập và tài sản. Đối với nhóm thứ hai thì bảo vệ giá đất đai không phải là ưu tiên lớn nhất, cái họ cần là có thể tự điều chỉnh linh hoạt giá bất động sản để nhanh chóng bán hết hàng nhằm thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư mới, tỷ suất lợi nhuận từ xây dựng sẽ giúp họ bù đắp các khoản thua lỗ trước đó.

Do sự khác biệt về lợi ích nên hai nhóm này mong muốn sự trợ giúp của nhà nước trong thời kỳ thị trường bất động sản suy thoái cũng rất khác nhau. Chủ đất thường vận động nhà nước thực hiện các biện pháp giữ cho giá cả đất đai không giảm quá mạnh, ví dụ như hạn chế cấp phép các dự án bất động sản mới, điều này cũng khiến cho giá bất động sản kém linh hoạt do các chủ đầu tư bắt buộc phải trả giá cao cho đất. Trong khi các chủ đầu tư xây dựng bất động sản thì lại muốn nhà nước hỗ trợ việc kinh doanh của họ ví dụ hỗ trợ để người dân vay tiền mua nhà, hơn là can thiệp vào giá cả đất đai hay bất động sản.


Friday, March 29, 2013

Tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu?

Một trong những lập quen thuộc thường được đưa ra là tăng giá xăng để chống buôn lậu nhằm giảm thiệt hại ngoại tệ cho nhà nước. Nhiều chuyên gia trong nước đã đưa ra phản biện lập luận này, song phần lớn các phản biện cũng không dựa trên một cơ sở rõ ràng. Vậy xem xét lập luận này cần những cơ sở nào? 

1) Có nên vì bắt một con chuột mà đốt cả căn nhà?

Thứ nhất, hiện nay không có thống kê nào về khối lượng xăng dầu buôn luậu qua biên giới được đưa ra. Lượng xăng dầu qua được buôn lậu qua biên giới được phỏng đoán là rất nhỏ, không đánh kể so với lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Lý do là là cách thức buôn lậu cho thấy điều đó. Người buôn lậu thường mua xăng tại các cây xăng sát biên giới sau đó đóng vào can rồi chở sang bên kia biên giới bán. Việc quản lý thị trường được làm rất chặt, các cây xăng thường phải đăng ký số lượng tiệu thụ với đầu mối sau đó các đầu mối mới giao cho các cây xăng theo số lượng đã đăng ký chứ không giao vô tư. Lượng xăng dầu buôn lậu do vậy không thể lớn. Việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến việc buôn lậu xăng dầu nhỏ lẻ phải chấm dứt song tăng giá xăng dầu cũng gây ra chi phí rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Chi phí ấy tính bằng tiền lớn hơn rất nhiều so với phần ngoại tệ tiết kiệm được do chống buôn lậu thành công.

Thứ hai, nếu số liệu cho thấy lượng xăng dầu buôn lậu qua biên giới lớn tới mức cần phải tăng giá thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Nước bạn muốn nhập xăng dầu lậu từ Việt Nam thì cần có Việt Nam Đồng (VNĐ), khi lượng xăng dầu nhập lậu càng lớn thì càng cần phải có nhiều VNĐ. Vậy nước bạn sẽ lấy đâu ra VNĐ? Tất nhiên là nước bạn phải bán hàng hóa cho Việt Nam để lấy VNĐ, càng cần nhiều VNĐ thì càng phải bán nhiều, hàng hóa nhập khẩu từ nước bạn về do vậy sẽ giảm giá, tức là người Việt Nam được lợi và tiết kiệm được ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa. Muốn chứng minh rằng chống buôn lậu xăng dầu là cần thiết thì phải có những tính toán chỉ ra rằng thiệt hại do buôn lậu xăng dầu gây ra lớn hơn cái lợi thương mại thu được, song rõ ràng là điều đó chưa bao giờ được quan tâm đến.

2) Nếu tăng giá xăng dầu chống được buôn lậu thì cũng cần hạ giá xăng dầu để chống buôn lậu.

Cứ coi lập luận tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu là hợp lý thì cần xem xét trường hợp sau đây. Khi giá xăng trong nước cao hơn giá xăng nước bạn thì sẽ dẫn đến việc nhập lậu xăng dầu từ nước bạn vào Việt Nam. Việc nhập lậu xăng dầu như vậy dẫn đến một số lượng nhất định xăng dầu trong nước bị ế không tiêu thụ được, tức là một khoản ngoại tệ mà nhà nước chi ra để nhập xăng dầu coi như mất không. Muốn chống việc nhập lậu xăng dầu để giảm thiểu thiệt hại ngoại tệ cho nhà nước thì phải hạ giá xăng dầu trong nước xuống bằng nước bạn. 

Một điều thú vị là người ta luôn cho rằng cần tăng giá xăng để chống buôn lậu mà không bao giờ đề cập đến việc hạ giá xăng để chống buôn lậu, mặc dù cả hai việc đó có cùng bản chất.

Cập nhật:

Chuyện giá xăng dầu ở Việt Nam tốn không biết bao giấy mực nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy ai có thể trình bày nó một cách rõ ràng. Thực ra câu chuyện về giá xăng dầu rất dễ hiểu nếu người ta tư duy một cách đơn giản và rành mạch. Các nhà nhập khẩu xăng dầu đều được nhà nước thu xếp ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu nhưng ngoại tệ ấy không theo giá thị trường mà theo giá nhà nước quy định, có nghĩa là nhà nước phải dùng dự trữ ngoại tệ để đảm bảo. Rõ ràng là nhập khẩu xăng dầu phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ mà nhà nước có khả năng thu xếp, vì vậy giá xăng dầu không lên xuống theo giá xăng dầu thế giới. Nó sẽ lên xuống phù hợp với nguồn ngoại tệ mà nhà nước có khả năng phân bổ. Một điều cần lưu ý là dự trữ ngoại hối của nhà nước không được công khai do vậy giá xăng cũng luôn nằm sau một lớp màn bí ẩn.

Saturday, March 23, 2013

"Animal Farm" của G. Orwell và hệ thống truyền thông bị kiểm duyệt

Truyện "Animal Farm" của G. Orwell vốn rất được giới truyền thông ưa chuộng khi sử dụng để châm biếm các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô trước đây. Sách đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng và ở nhiều nước khác nhau, rất nhiều người đã đọc nó song có lẽ ít người tự hỏi tại sao sách không có lời mở đầu. Câu trả lời đơn giản là phần lời mở đầu của G. Orwell đã bị cắt bỏ, ban đầu thì bởi người Anh và sau đó là ở hầu hết các quốc gia đã xuất bản cuốn sách.

Phần lời mở đầu của G. Orwell được Ian August tìm thấy và được Bernard Crick công bố vào năm 1972, sau đó phần lời mở đầu đã được xuất hiện cùng với tác phẩm khi được xuất bản ở Italia vào năm 1976 (1). Kể từ đó tới nay, tác phẩm của G. Orwell hầu hết vẫn xuất hiện mà không có lời mở đầu, bản bằng tiếng Việt mới đây nhất cũng không có ngoại lệ.

Đoạn quan trọng nhất trong lời mở đầu như sau:

"The sinister fact about literary censorship in England is that it is largely voluntary. Unpopular ideas can be silenced, and inconvenient facts kept dark, without the need for any official ban.

Anyone who has lived long in a foreign country will know of instances of sensational items of news -- things which on their own merits would get the big headlines -- being kept right out of the British press, not because the government intervened but because of a general tacit agreement that "it wouldn't do" to mention that particular fact. So far as the daily newspapers go, this is easy to understand. The British press is extremely centralized, and most of it is owned by wealthy men who have every motive to be dishonest on certain important topics. But the same kind of veiled censorship also operates in books and periodicals, as well as in plays,films and radio. At any given moment there is an orthodoxy, a body of ideas which it is assumed that all right-thinking people will accept without question. It is not exactly forbidden to say this, that or the other, but it is "not done" to say it, just as in mid-Victorian times it was "not done" to mention trousers in the presence of a lady. Anyone who challenges the prevailing orthodoxy finds himself silenced with surprising effectiveness. A genuinely unfashionable opinion is almost never given a fair hearing, either in the popular press or in the highbrow periodicals." (2)


G. Orwell nói rằng chế độ kiểm duyệt báo chí ở Anh cũng tương tự như ở Liên Xô, nhưng sự khác biệt là mọi ý kiến khác biệt đều bị dập tắt mà không cần bất cứ sự cấm đoán công khai nào. Kiểm duyệt được thực hiện không phải bằng sự can thiệp của chính quyền mà bằng những nguyên tắc ngầm định. G. Orwell mô tả cách thức mà hệ thống truyền thông hoạt động là rất đáng chú ý. Thứ nhất, hệ thống truyền thông ở nước Anh là rất tập trung, nó thuộc sở hữu của những người giàu có, những người này có động cơ để làm cho một số chủ đề không nên được đề cập tới. Thứ hai là dựa vào những tín điều mà những con người chấp nhận không cần bàn cãi, những ai nỗ lực chống lại tín điều đó sẽ không được lắng nghe và bị cô lập. Điều thứ nhất có nghĩa là truyền thông phải phục vụ lợi ích của những người sở hữu nó và điều thứ hai có nghĩa là truyền thông không tách rời với giáo dục, thực ra nó chỉ tiếp tục cái công việc mà giáo dục đã hoàn thành một nửa, giáo dục nhồi vào đầu con người những định kiến còn truyền thông sẽ lặp đi lặp lại những định kiến đó để loại bỏ mọi sự hoài nghi. Một câu hỏi tiếp theo được đặt ra là hệ thống giáo dục sẽ do ai kiểm soát, tất nhiên là những người trả tiền cho hệ thống ấy, không phải người học mà là doanh nghiệp hoặc chính quyền, tức là những người cùng nhóm với những người sở hữu hệ thống truyền thông. Như vậy, có thể thấy hệ thống truyền thông kiểu Anh được ưa chuộng không phải bởi vì nó đảm bảo tự do ngôn luận mà ngược lại vì nó rất hiệu quả trong việc kiểm soát tự do ngôn luận.

Nếu dõi theo quan điểm của G. Orwell, có thể thấy hệ thống truyền thông được cấu trúc theo kiểu Anh ngày nay đã phổ biển khắp thế giới. Khi G. Orwell nói ra sự thật thì hệ thống đó đã sử dụng thứ vũ khí mà nó hay đả kích nhất để chống lại ông.

Tài liệu tham khảo:
(2): N. Chomsky-Footnote of Understanding Power: Footnote 14 Page 121

Friday, March 22, 2013

Bác sĩ Hồ Hải và lý luận về mâu thuẫn

Cây keo châu Phi là một loài thực vật có cách tự bảo vệ kỳ lạ nhất hành tinh. Bình thường thì chúng không độc nhưng khi bị những con dê đến ăn lá thì chỉ một lúc sau chúng sẽ tiết ra nhựa độc khiến dê không thể tiếp tục ăn được nữa. Nếu lũ dê cứ cố ăn thì sẽ chết sạch.

Lũ dê nhanh chóng thích nghi với điều đó, chúng chỉ ăn lá cây keo trong một thời gian ngắn, khi cây keo tiết ra chất độc thì chúng lập tức di chuyển sang ăn lá cây keo khác. Cứ như vậy, dê có thể ăn no lá keo mà không sợ ngộ độc.

Sau một thời gian, những cây keo phát minh ra một chiến thuật đặc biệt, chúng không chỉ tiết ra nhựa độc để bảo vệ mình mà còn tiết ra một mùi hương để báo động cho các cây khác. Khi các cây keo khác nhận được mùi hương đó thì ngay lập tức sẽ tiết nhựa độc. Do đó, lũ dê không thể ăn lá lần lượt các cây keo được nữa. 

Loài dê nhanh chóng tìm ra cách đối phó với cây keo, chúng nhận thấy rằng các cây keo báo hiệu cho nhau bằng mùi hương mà mùi hương thì lan tỏa nhờ gió. Thế là lũ dê liền tập hợp nhau ở cuối gió và ăn lá lần lượt những cây keo theo hướng ngược lên đầu gió. Chiến thuật đó rất đơn giản nhưng đã phá vỡ khả năng báo động cho nhau của các cây keo. 

Đến đây có ông bác sĩ Hồ Hải nhìn thấy, ông ấy liền nhào vô phán rằng: "...không chấp nhận đa nguyên, đa đảng tức là triệt tiêu mâu thuẩn, triệt tiêu đối lập. Nó đồng nghĩa với đi ngược lại các quy luật mâu thuẩn và đối lập.". Lũ  dê chả hiểu gì sất, nhìn nhau be be. Ông bác sĩ mới bảo rằng: Cả đàn dê cùng ăn theo một hướng thế là vi phạm quy luật mâu thuẫn, triệt tiêu đối lập nên dê không thể phát triển được. Giờ phải thay đổi như vầy, con dê nào muốn ăn ở đâu theo chiều nào cũng được. Có con xuôi chiều gió thì cũng phải có con ngược chiều gió thì mới là đa nguyên, mới đúng quy luật mâu thuẫn chớ.

Đàn dê gõ móng be be ầm ĩ rồi tiếp tục ăn lá keo từ cuối gió lên đầu gió. Ông bác sĩ bực mình, tóm cổ một con dê lên đầu gió rồi bắt ăn lá keo. Con dê ấy cũng ăn, nhưng chỉ một lúc sau, cả đàn dê xông đến đến húc cả cho con dê kia lẫn bác sĩ Hồ Hải một trận nhừ tử. 

Ông bác sĩ thương tích đầy mình thất thểu ra về, dọc đường gặp một gã chăn dê liền kể chuyện xảy ra. Gã chăn dê mới bảo rằng: Ông ơi, chỉ khi nào cây keo không tiết nhựa độc hoặc dê không sợ nhựa độc của cây keo thì lũ dê mới có thể ăn cây nào cũng được. Chứ giờ mà bắt chúng ăn kiểu ấy thì chỉ có chết cả đàn thôi.

Bác sĩ Hồ Hải nghĩ đi nghĩ lại mãi chả hiểu gã chăn dê nói gì liền viết bài (hình như) có tiêu đề là "Đàn dê tự đào hố chôn mình vì vi phạm quy luật mâu thuẫn" rồi đăng lên blog. Người hâm mộ vô coi, khen hay ào ào. 





Thursday, March 14, 2013

Dự thảo xử phạt mũ bảo hiểm dỏm tốn kém và không hiệu quả

Sau khi bộ trưởng Thăng tuyên bố“Chất lượng MBH rởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể bắt người dân phải chịu trách nhiệm được, không thể phạt người dân vì đội MBH rởm hay mũ kém chất lượng" thì ngay trong buổi họp báo chiều cùng ngày ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An Toàn Giao Thông (ATGT) khẳng định“CSGT chỉ xử phạt đối với hành vi không đội MBH có đủ 3 lớp: vỏ mũ, đệm bảo vệ hay còn gọi là xốp cứng và quai đeo. Người điều khiển phương tiện đội chiếc mũ chỉ có 1-2 lớp, đã ghi rõ ràng dòng chữ “mũ dành cho người đi xe đạp” sẽ bị xử phạt về hành vi không đội MBH” để giải thích cho việc tiếp tục dự thảo phạt mũ bảo hiểm không hợp quy cách. Rõ ràng là ngay giữa các ban ngành chức năng cũng không có sự thống nhất trong việc xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

1. Thế nào là mũ bảo hiểm dỏm?

Trước hết, ông Đinh Mạnh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) có lý khi nhận xét rằng: "Các phóng viên đó có lẽ là thế nào đó, thiểu năng gì đó, có gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ rởm, mà cứ phải đưa ra bằng những lời lẽ, những giả thiết.", tuy nhiên để phân biệt được mũ thật và mũ dỏm thì ngay cả người không thiểu năng thậm chí thông minh kiệt xuất cũng chưa chắc đã làm được.

Cách đây 5 năm Bộ Khoa Học và Công Nghệ đã ban hành quy Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe máy (QCVN 2:2008/BKHCN). Theo đó, kể từ ngày 15.11.2008, tất cả MBH sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường khi đạt chất lượng, được chứng nhận hợp quy (dán tem CR). Tức là những mũ bảo hiểm được dán tem CR mới là mũ xịn còn lại thì cho dù có hợp quy cách hay không đều là dỏm. Quy chuẩn kỹ thuật quy định rất chi tiết về mũ bảo hiểm, khái niệm hợp quy cách mà ủy ban ATGT đưa ra là dựa trên mục 2.1 của quy chuẩn kỹ thuật

Tuy vậy, mũ bảo hiểm có dán tem CR cũng chưa hẳn là mũ xịn vì chỉ hai tháng sau khi áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì mũ dỏm dán tem CR đã tràn lan trên thị trường, điều này đã được ông Lương Thanh Liêm - Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà sản xuất mũ bảo hiểm thời trang xác nhận, mũ bảo hiểm dỏm hoàn toàn hợp quy cách với đủ cả vỏ, đệm và quai đeo đúng như hướng dẫn của ủy ban ATGT được bán công khai không chỉ ở lề đường mà còn ngay cả trong các siêu thị lớn. Có lẽ người ta chỉ còn biết hy vọng rằng những nhà sản xuất tên tuổi dán tem CR đàng hoàng sẽ cung cấp mũ bảo hiểm xịn, nhưng (lại một lần nữa nhưng) phần lớn các mũ có dán tem CR của các nhà sản xuất có đăng ký khi được đem đi kiểm định đều không đạt chuẩn, theo tin do báo Đất Việt đưa ngày 13.03.2009, tức là vẫn có thể dỏm.

Mũ bảo hiểm không hợp quy cách là một dạng của mũ bảo hiểm dỏm, chắc chắn không được phép lưu hành theo quy chuẩn của bộ KH&CN nhưng mũ bảo hiểm nào là xịn thì cũng chưa chắc đã có ai có thể khẳng định được. 

2. Tại sao người ta dùng mũ bảo hiểm không hợp quy cách hay mũ dỏm?

Lý do sử dụng thường được nêu ra là vì mũ đó rẻ và để đối phó với cảnh sát giao thông chứ không phải vì lý do an toàn, theo số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, có tới 70% người tham giao thông đội MBH không đảm bảo chất lượng song có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, người ta sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng thì khác với mũ bảo hiểm không đúng quy cách vì mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng thường là vẫn đúng quy cách, điều này có nghĩa là ủy ban ATGT cũng không nắm rõ được số lượng người sử dụng mũ bảo hiểm không hợp quy cách. Thứ hai, người ta sử dụng mũ đó như thế nào thì hầu như không thấy nêu ra.

Muốn biết người ta sử dụng mũ bảo hiểm dỏm như thế nào thì chỉ cần ra phố nhìn mấy bác xe ôm là thấy ngay, mấy bác tài xế thường sắm một cái mũ xịn cho mình và 1 hoặc 2 cái mũ dỏm dành cho khách vì khách đi có một chốc thì tốn tiền trang bị mũ xịn làm gì. Lãng mạn hơn một chút có thể liên tưởng đến một chàng sinh viên cuối buổi học đột nhiên có cô bạn gái học cùng đi nhờ, không lẽ lấy lý do không có mũ bảo hiểm để từ chối, thôi thì chạy ra vỉa hè mua đại cái mũ dỏm cho cô ấy xài đỡ (chớ phải mua mũ xịn đắt tiền thì kêu cô ấy đi taxi cho lẹ). Thực dụng hơn nữa thì xài mũ bảo hiểm dỏm chính là để chống trộm, các bãi gửi xe không nhận trông coi mũ bảo hiểm, nên người ta xài cái mũ dỏm rẻ tiền treo luôn ở xe cũng không sợ bị chôm mất. Mũ bảo hiểm dỏm được sử dụng phổ biến không hẳn là để cố tình vi phạm luật pháp hay đùa giỡn với sự an toàn của bản thân mà là để đối phó với hoàn cảnh nhiều hơn.

3. Nếu dự thảo được thông qua, ai sẽ có lợi?

Có ba nhóm chính được hưởng lợi trong việc xử phạt này. 

Nhóm thứ nhất là nhà sản xuất mũ, quy định xử phạt sẽ khiến nhu cầu về số lượng mũ bảo hiểm hợp quy chuẩn tăng vọt, các nhà sản xuất mũ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. 

Nhóm thứ hai là cơ quan kiểm định chất lượng và cấp tem cho mũ, các nhà sản xuất mũ sẽ phải xếp hàng chờ được kiểm định và cấp tem CR. Những nhà sản xuất nào biết lo liệu thì chắc chắn sẽ thuận lợi còn không thì cứ xếp hàng chờ tới lượt.

Nhóm thứ ba là kẻ ăn trộm mũ, trước kia các bãi giữ xe toàn mũ dỏm không đáng tiền thì bây giờ đầy mũ xịn đắt tiền, nghề ăn trộm mũ bảo hiểm chắc chắn hốt bạc.


4. Nếu dự thảo được thông qua, ai sẽ xử phạt?

Việc xử phạt mũ bảo hiểm không hợp quy cách hay mũ bảo hiểm dỏm rất nhiêu khê. Cảnh sát giao thông không có quyền dừng xe phạt mũ bảo hiểm dỏm, họ chỉ có quyền dừng xe để phạt khi người ta vi phạm luật giao thông. Việc xử phạt mũ bảo hiểm không hợp quy cách thuộc về cơ quan quản lý thị trường, bộ KH&CN và hải quan (vì trên thị trường có cả mũ nhập khẩu được lưu thông), nhưng các cơ quan có quyền xử phạt thì lại không có quyền dừng xe để phạt.

Để xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm dỏm thì sẽ phải lập các đội xử lý liên ngành bao gồm: cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, bộ KH&CN và hải quan. Các đội liên ngành này cũng không có quyền dừng xe khi phát hiện mũ bảo hiểm dỏm mà chỉ có thể dừng các xe vi phạm luật giao thông rồi kiểm tra luôn mũ bảo hiểm. Tức là người ta đội mũ bảo hiểm dỏm mà không vi phạm luật giao thông thì vẫn không sao hết nhưng lỡ vi phạm luật giao thông thì cho dù có đội mũ xịn vẫn có thể bị kiểm tra mũ. Việc phạt mũ bảo hiểm dỏm như vậy rõ ràng là không hiệu quả mà rất tốn kém nhân lực của chính quyền. Theo ước tính của ủy ban ATGT thì có thể ước đoán số lượng người đội mũ bảo hiểm dỏm vào khoảng 22,68 triệu người đang xài mũ dỏm, không biết cần bao nhiêu tổ liên ngành để kiểm tra một số lượng lớn như vậy?

Cuối cùng, muốn xử phạt thì phải có cơ sở để xử phạt. Cơ sở về mặt luật pháp thì phải dựa vào quy chuẩn kỹ thuật của bộ KH&CN, nhưng làm thế nào để đánh giá mũ bảo hiểm có đúng quy chuẩn ấy không thì không thể kiểm tra đầy đủ được theo đúng quy trình mà chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan của người xử phạt. Tới đây, có một vấn đề lớn đặt ra, đánh giá cảm quan thế nào là chính xác và thuyết phục đối với người bị phạt. Một cái mũ phải có đủ vỏ cứng, đệm và quai nhưng: Vỏ cứng bằng bìa carton có phải là vỏ cứng không? Mũ được lót thêm cái khăn mặt được coi là đệm không? Quai mũ là dây thừng có được coi là quai mũ không? Mũ xịn nhưng bị đứt quai, mất xốp, hay nứt vỏ cứng có được coi là hợp quy chuẩn không?...Rõ ràng là phạm vi có thể xử phạt rất hẹp, chỉ có thể xử phạt mũ không đủ ba thành phần. Không phải tự nhiên mà quy chuẩn kỹ thuật quy định việc kiểm tra một cách chi tiết và đầy đủ, tách riêng một mục nhỏ trong quy chuẩn kỹ thuật ra để kiểm tra sẽ không đem lại hiệu quả.

Dự thảo được thông qua sẽ khiến cơ quan nhà nước tốn kém rất nhiều nhân lực và tài nguyên nhưng lại chỉ có thể kiểm tra xử phạt một phạm vi rất nhỏ và không đem lại nhiều hiệu quả.

4. Nếu dự thảo không được thông qua, ai sẽ có lợi?

Bộ trưởng bộ Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng!

Sunday, March 10, 2013

Điều quan trọng nhất trong Hiến Pháp Việt Nam

Trong Hiến Pháp 1992 cũng như dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 2013, mục quan trọng nhất là điều 2: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Điều 4 của Hiến Pháp là hệ quả tất yếu của điều 2, thậm chí ngay cả bộ máy nhà nước được tổ chức ra sao cũng là hệ quả của điều 2. Cho đến nay vẫn chưa hề có nhiều thay đổi trong vai trò của tầng lớp chủ doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đối với quyền lực nhà nước, ngoài sự nới lỏng của Đại hội Đảng X năm 2006 cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân.

Một số phe phái cố gắng tấn công vào điều 4 chắc chắn sẽ không đi tới đâu nhưng lại có thể dẫn đến việc thực thi điều 2 bị xiết chặt và thành quả đổi mới tư duy của Đại Hội Đảng X có thể bị mất hiệu lực. Tầng lớp chủ doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể sẽ rất không hài lòng với việc đó.

Tham khảo: Đề cao vai trò doanh nhân trong Hiến pháp

Wednesday, February 27, 2013

Vài lời với ông Alan Phan về lịch sử

Ở phần đầu bài viết "Quay về chút lịch sử", ông Alan Phan đã rào trước đón sau rằng quan điểm của ông được hình thành từ việc theo dõi truyền thông, tức là những gì hoàn toàn công khai minh bạch và ai cũng biết, có lẽ vì thế mà ông cảm thấy hoàn toàn không cần phải đưa bằng chứng cho những điều mình nói. Sau khi đọc những gì ông viết, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Mỹ có thể vỗ tay cười thật tươi rằng họ đã thành công rực rỡ trong việc nhồi sọ một thế hệ. Lý do rất đơn giản: Ông tuyên bố là 68 năm rồi không thèm quan tâm đến các khẩu hiệu chính trị nhưng ông đã lặp lại chính xác những gì họ muốn ông nói.

Ông Alan Phan viết: Theo tôi biết, năm 1977, khi lên nắm quyền, dù chuyện Việt Nam không đem lại một lợi ích chính trị nào (dân Mỹ vừa chán ghét cuộc chiến tranh dài lê thê này, vừa bị nhục thua trận), Tổng thống Carter qua kênh ngoại giao không chánh thức đã ngỏ ý với các lãnh đạo Hà Nội là muốn tái lập bang giao và sẽ viện trợ nhân đạo cho một chương trình tái thiết hậu chiến. Câu trả lời sau đó từ phía Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của Carter là Mỹ phải “bồi thường chiến tranh” (dường như con số đưa ra là 2 tỷ USD thời đó) , “xin lỗi chánh thức Việt Nam” trước khi nói đên chuyện thiết lập bang giao (vì chúng tao mới thắng bọn chúng mày, hãy đến mà xin tha thứ). Tổng thống Mỹ muốn hạ nhục Việt Nam bằng đề nghị đó. Viện trợ nhân đạo có nghĩa là nước Mỹ muốn bố thí cho Việt Nam bao nhiêu, dưới dạng như thế nào và với điều kiện nào là do phía Mỹ quyết định. Nó giống như việc ông bị đụng xe nhưng kẻ đụng vào ông không chịu bồi thường mà lại nói rằng tôi sẽ bố thí cho ông theo cách tôi muốn. Đây là một lối chơi xấu chứ không phải tốt đẹp gì, cố tình không chịu bồi thường nhưng lại đổ lỗi là Việt Nam không chịu hợp tác bằng cách đặt ra điều kiện mà không ai có thể hợp tác. Nếu phía Việt Nam dại dột mà chui vào cái bẫy đã giăng ra thì cũng chưa chắc đã nhận được đồng nào mà lại chịu nhục với Mỹ. Nói theo ngôn ngữ của ông thì nó như thế này: Mày đánh thắng tao đấy nhưng tao giàu và mạnh hơn mày nhiều, nếu mày biết điều thì có thể tao sẽ bố thí cho mày vài đồng.

Ông mô tả phong cách Mỹ là: Tuy nhiên, trong mọi cư xử với Việt Nam từ 1975 đến nay, ngoài thái độ dửng dưng, phần lớn lãnh đạo và nhân dân Mỹ đã không mang một “hận thù quá khứ” hay “mặc cảm thua cuộc” nào. Hoàn toàn không thấy ông đưa ra được một bằng chứng nào về việc đó nhưng bằng chứng ngược lại thì rất phổ biến trên truyền thông, không hiểu sao ông lại không thấy. Chính quyền Mỹ không chỉ cấm vận công khai về mặt kinh tế mà còn ngăn cản cả những nỗ lực của bên thứ ba hỗ trợ Việt Nam. Chính quyền Mỹ không chỉ trực tiếp mà còn thông qua các đồng minh của Mĩ để phá hoại nỗ lực tái thiết đất nước của Việt Nam (1). Khi các thượng nghị sĩ thúc giục dỡ bỏ lệnh cấm vận thì tổng thống Bush đã lờ đi và gia tăng áp đặt cấm vận lên Việt Nam (2).

Trong quan hệ song phương, chính quyền Mỹ đã không ngừng sử dụng lá bài tìm kiếm hài cốt lính Mỹ để gây khó dễ cho Việt Nam. Ai cũng biết tìm kiếm hài cốt là công việc tốn rất nhiều tài nguyên và thời gian, trong khi Việt Nam còn rất nghèo và phải tập trung tái thiết lại đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề thì việc tìm kiếm hài cốt thực sự là một gánh nặng kinh khủng. Giáo sư ngôn ngữ học nổi tiếng người Mỹ N.Chomsky đã nhận xét một cách châm biếm như sau: Vì vậy, George Bush có thể đứng dậy và nói: "Người Việt Nam phải hiểu rằng chúng ta căm thù họ, chúng ta sẽ không bắt họ phải trả mọi thứ họ đã gây ra cho chúng ta. Nếu cuối cùng họ thật sự hối cải, các bạn biết đấy, dành toàn bộ cuộc đời của họ và toàn bộ nguồn tài nguyên mà họ có vào việc tìm kiếm các hài cốt của một trong những người mà họ đã ném ra ngoài trời một cách ác ý, thì có thể  chúng ta sẽ cho phép họ đi vào thế giới văn minh" . Sau đó, giáo sư Chomsky còn bình luận thêm đầy mỉa mai rằng: "Gã này còn tồi hơn cả Đức quốc xã" (3)

Ông ca ngợi Mỹ hành động rất cao thượng: Chuyện Mỹ vẫn “cúi xin lập bang giao” với Việt Nam, trở thành một đối tác thương mại và đầu tư lớn, mở cửa xã hội cho người giàu Việt Nam qua lại, làm ăn, học hành…theo tôi, đã là một “phép lạ” của tinh thần Mỹ. Nhưng sự thật là chẳng có phép lạ nào của tinh thần Mỹ cả, phép lạ nếu có thì nằm ở phía Việt Nam kia. Sau một quá trình nỗ lực phát triển kinh tế trong điều kiện bị phong tỏa cô lập, Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt và mở cửa nền kinh tế để làm ăn với các nước khác. Giới chủ doanh nghiệp Mỹ phát cuồng lên khi thấy món lợi nhuận béo bở đã bị chủ doanh nghiệp nước khác nẫng mất ngay trước mũi họ nên đã gây sức ép buộc chính quyền Mỹ phải xóa bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Nước Mỹ là xứ sở của tinh thần thực dụng, mọi "phép lạ của tinh thần" đều phải ngay lập tức nhường chỗ cho phép lạ của lợi nhuận(4).

Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã không công bố lý do khi quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Nếu muốn nêm món gia vị chính trị thì ông có thể tham khảo lý do được thượng nghị sĩ John McCain đưa ra: "Quyền lợi của Mỹ là một nước Việt Nam có đủ sức về kinh tế để cưỡng lại những chiến thuật áp chế của nước láng giềng khổng lồ phương Bắc" (5). Xin được lưu ý là ông J. McCain nhấn mạnh vào yếu tố kinh tế và vì thế một cách vô thức ông ấy thừa nhận việc cấm vận Việt Nam của chính quyền Mĩ đã thất bại, bởi cấm vận là để làm cho nền kinh tế Việt Nam suy kiệt nhưng đất nước này đã không bị lụn bại mà còn hồi sinh. Ông J. McCain có lẽ đã không biết đến cái "phép lạ tinh của thần Mỹ" do ông Alan Phan sáng tác ra.

Toàn bộ bài viết của ông có thể quy lại đúng theo quan điểm chính thống của Mỹ như sau: Nước Mỹ đã không làm gì sai cả. Chính quyền Mỹ đã cư xử anh minh và đầy cao cả chỉ có Việt Nam là mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác và họ phải tự gánh lấy những hậu quả do chính họ gây ra khi cố gắng chống lại chúng ta. Tôi thật sự không tìm ra bất cứ từ ngữ nào để diễn tả cái quan điểm của ông, nhưng tôi đồng ý với giáo sư N. Chomsky rằng luận điệu tuyên truyền ấy được sử dụng rất phổ biến và rất thành công trong các quốc gia chuyên đi xâm lược.

Cuối cùng, tôi không biết luật Việt Nam cấm ông nói gì nhưng có một điều tôi đang thấy là bộ máy truyền thông Mỹ làm việc rất hiệu quả, hệ thống ấy đã giúp ông không nhìn thấy những thứ mà lẽ ra ông phải thấy. Cái khả năng mà ông cho là có thể phân tích được quyền lợi quốc gia nằm đằng sau quyết định chính trị rõ ràng là rất đáng ngờ.

Danh mục tài liệu tham khảo:

(1) Noam Chomsky- What the Uncle Sam really want; 1993; Chapter: Inoculating Southeast Asia

After the Vietnam war was ended in 1975, the major policy goal of the US has been to maximize repression and suffering in the countries that were devastated by our violence. The degree of the cruelty is quite astonishing.

When India tried to send 100 water buffalo to Vietnam to replace the huge herds that were destroyed by the American attacks -- and remember, in this primitive country, water buffalo mean fertilizer, tractors, survival -- the United States threatened to cancel Food for Peace aid. (That's one Orwell would have appreciated.) No degree of cruelty is too great for Washington sadists. The educated classes know enough to look the other way.

In order to bleed Vietnam, we've supported the Khmer Rouge indirectly through our allies, China and Thailand. The Cambodians have to pay with their blood so we can make sure there isn't any recovery in Vietnam. The Vietnamese have to be punished for having resisted US violence.

In October 1991, the US once again overrode the strenuous objections of its allies in Europe and Japan, and renewed the embargo and sanctions against Vietnam. The Third World must learn that no one dare raise their head. The global enforcer will persecute them relentlessly if they commit this unspeakable crime.



và tham khảo mục (1): In October 1991, the US once again overrode the strenuous objections of its allies in Europe and Japan, and renewed the embargo and sanctions against Vietnam.

(3) Noam Chomsky- Nhận diện quyền lực; Hoàng Văn Vân dịch, Đinh Hoàng Thắng hiệu đính; NXB Tri Thức, 2012; trang 379


(5) Nguyễn Ngọc Giao - Thời kỳ sau cấm vận

Cập nhật:

Khi tìm hiểu thêm về ông Alan Phan trên mạng Internet thì thấy có rất nhiều thông tin không thấy được đưa lên truyền thông ở Việt Nam.

1) Vấn đề bằng cấp của ông Alan Phan

1.1) Ông Alan Phan đã không đưa lên trên trang tiểu sử của mình tại Góc Nhìn Alan phần bằng cấp của  trường Sussex College of Techology, về trường này thì có thể tham khảo ở đây

Theo một nguồn khác thì có thể xem giới thiệu về bằng cấp của ông Alan Phan tại các công ty mà ông đã tham gia: CRIMMS FAIRY TALES:ALAN PHAN OF "THE HARTCOURT COMPANIES" GETS THE THIRD DEGREE

1.2) Bằng DBA của ông này tại Southern Cross University Australia không biết học khi nào? Hiện tại chương trình tiến sĩ này được đào tạo từ xa và đang trong quá trình đánh giá lại (tạm thời không nhận người học). Nguồn: DBA at SCU 

1.3) Một ý kiến về bằng cấp tại trường Penn State của ông Alan Phan ở đây

2) Vụ Sở Giao Dịch Chứng Khoán kiện công ty Hartcourt của ông Alan Phan về hành vi phạm luật chứng khoán: SECURITIES AND EXCHANGE COMMISSION v. PHAN và Litigation Release No. 19133 / March 15, 2005

3) Người Đức cũng biết đến ông Alan Phan và công ty Hartcourt:  Neuste Beiträge aus: Hartcourt ! Wann wandert Dr. Alan Phan endlich in den Knast ???

3.1) Link đã dẫn có nhắc về công ty Hartcourt là công ty dựa trên đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ, được niêm yết trên sàn OTC chứ không phải là sàn NASDAQ, có nhiều bài báo về việc làm ăn của ông Alan Phan tại Trung Quốc, ví dụ như vụ thỏa thuận mua lại công ty China Infohighway nhưng bị công ty này phủ nhận.

3.2) Link đã dẫn đăng lại tài liệu vụ "Jazz Cigarette" của ông Alan Phan tại Mỹ

3.3) Link đã dẫn đăng lại những tài liệu về những người làm ăn với ông Alan Phan tại công ty Hartcourt như: Regis Possino, Red Breitman, Pattinson Hayton, Joanne Dally, Robert Harper,...Hầu hết những người này gặp nhiều rắc rối với luật pháp, ông Alan Phan cũng không phải ngoại lệ.

Tạm thời liệt kê các nguồn thông tin kiếm được ở đây, lúc nào có thời gian sẽ kiểm tra và tổng hợp lại xem ông Alan Phan thực sự là ai.

Sunday, February 24, 2013

Số phận bi thảm của một bản Hiến pháp

Viết về Hiến pháp Mỹ mãi cũng nhàm, thôi thì chuyển sang tán dăm câu về Hiến pháp Đức vậy. Nhiều người luôn ca ngợi sự thiêng liêng của Hiến pháp mà không biết rằng trong lịch sử gần đây ở quốc gia vào hàng cường quốc trên thế giới đã từng có một bản Hiến pháp có số phận rất bi thảm, được sinh ra để bảo vệ nền cộng hòa tư sản nhưng lại che chở cho chế độ phát xít, bị mất hiệu lực ngay trong khi vẫn đang có hiệu lực, và cuối cùng bị thay thế bằng một đạo luật đảm bảo cho sự can dự của quân Đồng minh vào chính quyền.

Một trong những điều lầm tưởng kỳ khôi nhất, hay được lưu truyền nhất là chế độ phát xít của Hitler không có Hiến pháp. Thực ra, bản Hiến pháp Đức năm 1919 (Weimarer Verfassung) có từ trước khi Hitler lên nắm quyền cũng chính là Hiến pháp được chế độ phát xít sử dụng, nó chưa bao giờ bị xóa bỏ nhưng bị vô hiệu hóa bởi Nghị định về bảo vệ Nhân dân và Nhà nước (Reichstagsbrandverordnung) do Tổng thống Hildenburg ký năm 1933 nhằm hạn chế các quyền công dân và Luật Trao quyền (Ermächtigungsgesetz) do Quốc hội Đức thông qua năm 1933. Luật Trao quyền năm 1933 cho phép Hitler toàn quyền ban hành và thi hành các đạo luật mà không cần thông qua Quốc hội hay chịu sự hạn chế của Tổng thống cũng như Hiến pháp.

Chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên rằng tại sao Nghị viện Đức lại có thể thông qua một đạo luật kinh khủng như Luật Trao quyền năm 1933, họ sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng đạo luật đó được thông qua hoàn toàn hợp lệ với 444 phiếu thuận của các đảng: Quốc Xã, Nhân Dân Quốc Gia, Trung Dung, Nhân Dân Bayern, Quốc Gia Đức; chỉ có duy nhất Đảng Dân Chủ Xã Hội đã chống lại với 94 phiếu (1). Một chế độ đa nguyên đa đảng tốt đẹp đáng mơ ước đã quỳ gối trước chế độ độc tài phát xít. Các đảng phái ở Đức đã tự nguyện quy hàng Hitler, thậm chí đã tự ký vào bản án tử hình cho chính mình.

Sau khi chế độ phát xít sụp đổ, nước Đức bị chia cắt làm hai miền. Ở phần Tây Đức dưới sự chiếm đóng của quân Đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ), bản Hiến pháp Đức 1919 bị vứt bỏ và thay vào đó là Luật Cơ sở (Grundgesetz) được Hội đồng nghị viện với sự chấp nhận của ủy ban quân quản của Đồng minh ban hành năm 1949 tại Bonn. Luật Cơ sở không phải là Hiến pháp mà chỉ là giải pháp tạm thời cho tình trạng nước Đức bị chia cắt và bị quân Đồng minh chiếm đóng. Điều 146 của Luật Cơ sở nêu rõ rằng Luật Cơ sở sẽ hết hiệu lực khi nước Đức hoàn toàn thống nhất, tự do và Hiến pháp do nhân dân tự quyết có hiệu lực (Dieses Grundgesetz, das nach Vollendung der Einheit und Freiheit Deutschlands für das gesamte deutsche Volk gilt, verliert seine Gültigkeit an dem Tage, an dem eine Verfassung in Kraft tritt, die von dem deutschen Volke in freier Entscheidung beschlossen worden ist)Hiện nay, chính phủ Đức tuyên bố rằng với sự thống nhất của nước Đức năm 1990 thì Luật Cơ sở cũng trở thành Hiến pháp của toàn bộ nước Đức (2). Tuy vậy, vẫn có nhiều người Đức hiểu điều 146 theo cách khác, họ cho rằng nước Đức thống nhất cần có Hiến pháp mới thay thế cho Luật Cơ sở và đấu tranh đòi lập Hiến pháp. Lập luận của những người đòi lập Hiến pháp mới xoay quanh các góc độ như: Luật Cơ bản là do nước ngoài áp đặt, vi phạm nhân quyền và chỉ phục vụ cho lợi ích của giới chủ doanh nghiệp... Tất nhiên, họ bị cảnh sát Đức bắt giữ và thẩm vấn ngay lập tức (3) cho dù có viện dẫn điều 146 của Luật Cơ bản.

Nguồn trích dẫn:

Tuesday, February 19, 2013

Có nên chống người tham gia thập tự chinh?

Vào năm 1096, giáo hoàng Urbain II đã phát động cuộc thập tự chinh đầu tiên nhằm giải phóng Jérusalem. Đoàn quân thập tự chinh không được tổ chức tốt, đi về phía Đông mà không biết là phải đi qua những quốc gia nào, vì thiếu lương thực nên họ đã cướp phá suốt dọc đường đi, thậm chí vì quá đói nên đã ăn cả thịt người. Đoàn quân chiến đấu vì đức tin đã nhanh chóng biến thành một đoàn quân du đãng và phá hoại, đe dọa cả châu Âu. Vua Hungary vốn cũng là người theo đạo Thiên chúa giáo đã quyết định tàn sát tất cả đoàn quân đó để bảo vệ cho các lãnh địa của mình.

Những người tham gia cuộc thập tự chinh thảm hại ấy có thể giương cao những khẩu hiệu kiểu như "Chiến đấu vì Chúa trời"  hay "Xả thân vì đức tin" hay "Bảo vệ đất thánh khỏi lũ vô đạo"... đầy thiêng liêng và ý nghĩa nhưng không thể thay đổi hiện thực đầy nghiệt ngã rằng hành động của họ là côn đồ, nguy hiểm và tàn phá châu Âu nhiều hơn là các thế lực thù địch ở châu Á. Họ có thể lập luận rất hợp lý rằng họ chiến đấu vì Chúa trời nên những ai chống lại họ là chống lại Chúa trời, nhưng cuối cùng những đạo hữu khác đã buộc phải tiêu diệt họ để bảo vệ chính mình. Bài học cay đắng về đạo quân thập tự chinh đầu tiên ấy cách đây đã cả ngàn năm nhưng vẫn luôn rất thời sự.

Người Buôn Gió và lập luận phản động

Trước khi chụp mũ cho lập luận của nhà văn Nguyễn Thanh Tú trong bài "Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lý, hợp tìnhlà phi lý và phản động thì Người Buôn Gió nên tham khảo câu châm ngôn ưa thích của John Jay, người đứng đầu Cơ quan lập hiến và là chánh án đầu tiên của Tòa án Tối cao Mỹ, câu đó như sau: "Những người giành lại được/sở hữu đất nước phải cai trị nó".

Điều 4 của Hiến Pháp Mỹ không ghi Đảng nào sẽ lãnh đạo nước Mỹ nhưng toàn bộ Hiến Pháp Mỹ thì lại thể hiện rất rõ rằng đảng kinh doanh sẽ độc quyền cai trị nước Mỹ vô thời hạn. Nếu ai đó đòi xóa bỏ Hiến Pháp Mỹ để xóa bỏ sự độc quyền cai trị của đảng kinh doanh thì sao nhỉ? Đó là một câu hỏi không có câu trả lời vì chưa có ai định làm điều đó mà còn có thể tiếp tục tồn tại.

Cập nhật:

1) Câu phát biểu của John Jay nguyên văn tiếng Anh là “Those who own the country ought to govern it. ” có thể tìm thấy đầy rẫy trên internet, ví dụ. Tuy vậy, nếu ai đó là fan hâm mộ của giới tinh hoa trí thức (không phải trí ngủ) xứ Việt thì hẳn biết tới nhà xuất bản Tri Thức, chắc hẳn nhiều trí thức (không ngủ) khi tung hô bài viết của Người Buôn Gió thì đã quên không đọc cuốn sách của giáo sư N. Chomsky - "Nhận diện quyền lực" do nhà xuất bản Tri Thức phát hành năm 2012, cụ thể là trang 452.

2) Cái ý chế độ độc đảng kinh doanh ở Mỹ thực ra chả có gì mới, nó đã được F. Engels nêu ra cách đây gần hơn trăm năm, sau này giáo sư N. Chomsky có nhắc lại trong bài trả lời phỏng vấn báo Spiegel số 41/20 ngày 6/10/2008. Bản tiếng Việt được đăng trên talawas 2008, một diễn đàn thu hút được sự tham gia của rất nhiều trí thức đủ loại xứ Việt, tình cờ làm sao là có nhiều trí thức (không ngủ song có lẽ cũng không thèm đọc sách) tham gia.

3) Hiến Pháp Mỹ là một chủ để thú vị có thể tham khảo thêm bài viết này.

Friday, February 8, 2013

Mánh lái buôn

Những con lừa luôn kêu be be vì gánh nặng, ai cũng biết vậy. Khi gần đến chợ, đám lái buôn láu cá thường quất lũ lừa thật lực để chúng kêu rống lên ầm ĩ. Người đi chợ sẽ nghĩ rằng đám lái buôn mang nhiều hàng hóa lắm và đổ xô đến xem. Đã đến chỗ đám lái buôn rồi thì họ khó có thể đi khỏi mà không bị moi  mất chút ít tiền trong túi, đôi khi còn bị moi sạch.

Cái nghề tuyên truyền cũng thường phải dùng tới mánh lái buôn, muốn người ta chú ý tới mình thì cứ phải quất đám lừa thật lực để chúng rống lên.

Thursday, January 24, 2013

Ông Hà Văn Thịnh đã "ăn ốc nói mò" về Hiến Pháp Mỹ ra sao?

Ông Hà Văn Thịnh có viết một bài nhan đề "Vài nét về Hiến Pháp Mỹ" được đăng trên trang Bô Shit. Thật không hiểu sao ông ấy lại có thể hồ đồ ăn ốc nói mò, bàn toàn những chuyện mà chính ông ấy cũng không hiểu gì như vậy được. Hiến pháp cũng chỉ là một cách thức của thiết lập thế chế, các quốc gia vẫn có thể xây dựng hệ thống pháp luật mà không cần đến Hiến pháp, ví dụ nước Anh không có Hiến pháp. Do vậy, Hiến pháp không phải là thánh thần hay chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề về thể chế.

Ngay từ đầu ông này đã tỏ ra ngây ngô khi lập luận đầy mâu thuẫn: những nhà cách mạng Mỹ không thành lập một chính quyền cho tương xứng với công lao của những người đã khai sinh ra nền độc lập; hầu như họ không quan tâm đến việc ai sẽ giữ chiếc ghế nào, “ăn chia” ra sao chiếc bánh lợi quyền béo bở mà phải mất bao xương máu, suốt 10 năm trời mới giành được (17.12.1773-4.9.1783) và Ý định đó của sự ấu trĩ của lòng tốt nhanh chóng bị thực tế tàn nhẫn của xã hội sau chiến tranh giày xéo, tình trạng vô chính phủ nhanh chóng xảy ra, tiểu bang nào cũng muốn giành cho mình sự độc quyền cao nhất, có lợi nhất, khiến cho 13 tiểu bang gây ra bao cảnh huynh đệ tương tàn. Vấn đề cơ bản là các bang vốn độc lập với nhau chưa thỏa thuận được quyền lợi  để lập nước Mỹ, những người cha sáng lập nước Mỹ đành phải chấp nhận thực tế đó và chờ đợi chớ chả phải lòng tốt hay hy sinh gì. Có lẽ ông muốn vặn nghéo sự thật đi để đá xoáy một ai đó, song điều đó chỉ khiến cho người ta nực cười, một món làm tập văn kiểu học trò.

Ông Hà Văn Thịnh tiếp tục nói mò rằng: Những bậc tiên tổ của nhà nước Mỹ tương lai giật mình bởi họ đoan quyết rằng phải thành lập một mô hình nhà nước hoàn toàn mới, không giống với bất kỳ ai; và, quan trọng nhất, nó phải là nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Sáu chữ đó là sáu chữ vàng bởi nó trở thành nền tảng, cội nguồn, nguyên tắc bao trùm mọi nguyên tắc trong suốt quá trình soạn thảo Hiến pháp. Nếu ai đó chịu đọc bất cứ quyển sách vỡ lòng nào về Hiến pháp Mỹ thì cũng có thể bò lăn ra cười với lập luận ngô nghê của ông. James Madison, kiến trúc sư trưởng của Hiến Pháp liên bang Mỹ (ngoài Hiến pháp Liên Bang thì các tiểu bang cũng có Hiến pháp riêng), chính là người được ông nhắc tới ở đoạn tiếp theo, đã nhấn mạnh trong những cuộc tranh luận tại Cơ quan lập hiến 1787 rằng toàn bộ hệ thống phải được thiết kế để "bảo vệ thiểu số những người giàu có khỏi đa số (dân chúng)", đó là mục đích của chính phủ.(1) Nếu ông Hà Văn Thịnh muốn biết cái nguyên tắc được ông hóa vàng (ý lộn: vàng hóa) đó thể hiện như thế nào thì hãy xem tóm tắt các điều kiện bầu cử của các bang ở Hoa Kỳ ngay sau khi có Hiến pháp, hầu hết các bang đều quy định chỉ những người có tài sản hoặc thu nhập ở một mức độ nhất định mới được đi bầu cử (2), tức là nhân dân trong Hiến pháp Mỹ nhắc tới chỉ bao gồm những người giàu có, những người giàu có tối thượng chính là nguyên tắc đầu tiên của Hiến Pháp Mỹ, mà cũng phải nhắc thêm là người da màu, thổ dân và phụ nữ cũng không phải là nhân dân được nhắc tới trong Hiến Pháp Mỹ.

Những người giàu có thời đó là chủ đất, chủ nô hoặc chủ doanh nghiệp đã lựa chọn mô hình nhà nước tam quyền phân lập để loại bỏ một cách có hệ thống những người bình dân và nô lệ vốn chiếm đa số ra khỏi hệ thống quyền lực nhà nước. Chính họ đã áp đặt mô hình đó lên đại bộ phận dân chúng Mỹ chớ không phải là: Không một ai có quyền áp đặt mô hình nhà nước không tương thích với mong muốn và lợi ích của người dân như ông Hà Văn Thịnh ngộ nhận. Nếu ông còn nghi ngờ thì hãy tụng lại 100 lần cái câu của James Madison đã được nêu ở trên.

Cái nguyên tắc vàng mà ông Hà Văn Thịnh nhắc tới về việc sửa đổi Hiến pháp: chỉ khi nào có trên 2/3 thượng nghị sĩ hoặc thống đốc bang yêu cầu thì việc xem xét sửa đổi HP mới được đặt ra đã thể hiện rất rõ điều đó, thượng nghị sĩ là do các nghị viện bang bầu lên, mà các nghị viện bang lại chỉ bao gồm đại diện của tầng lớp giàu có. Như vậy, Hiến pháp Mỹ chỉ được sửa đổi khi bộ phận chóp bu trong tầng lớp giàu có muốn, đa số người dân chẳng thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ngay cả khi họ có vận động được một vài đại diện của những người giàu có.

Ông Hà Văn Thịnh tiếp tục đưa ra một điều khẳng định không cần chứng minh rằng: Xu hướng lạm quyền và lộng quyền là thuộc tính tất nhiên của con người, vì thế, phải thiết lập cơ chế sao cho đủ khả năng để ngăn chặn mọi ý đồ lạm quyền đóTừ trước đến nay chưa có bất cứ ngành khoa học nào chứng minh được thuộc tính tất nhiên của con người là gì, nếu làm được có lẽ ông nên thử chứng minh việc nói láo là thuộc tính tất nhiên của con người xem sao. Thẩm phán tòa án được giữ quyền trọn đời nên dẫn đến việc: tòa án sẽ không phải chịu bất kỳ áp lực nào từ phía chính quyền hoặc cử tri ; là chuyện hoàn toàn tào lao vì chức vụ đó phụ thuộc vào chính quyền, ví dụ thẩm phán tòa án tối cao do thượng viện phê chuẩn và tổng thống bổ nhiệm, thứ hai nữa là nếu ông ta cứng đầu cứng cổ thì lại có giải pháp khác, ví dụ như luật Mỹ lại tình cờ cho phép người ta lựa chọn tòa án để khởi kiện đối với các tòa khu vực tức là một ông tòa khu vực không biết điều sẽ suốt đời phải xử những vụ kiện gà kiện chó. Một quan tòa mẫu mực sẽ phải tuyên bố như Roger Taney trong vụ Scott kiện Stanford vào năm 1857 rằng người da đen như Scott không phải là công dân thuộc phạm vi của Hiến pháp Mỹ vì tại thời điểm hình thành Hiến pháp thì người da đen được "coi là tầng lớp thấp kém và hèn mọn" và không thuộc phạm vi "mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng" (3)

Ông Hà Văn Thịnh tiếp tục bài ca mùi mẫn mà không cần suy nghĩ : Các tiểu bang lớn luôn có xu hướng chèn ép các tiểu bang nhỏ hơn, vì thế, cơ chế tổ chức nhà nước phải hạn chế đến mức thấp nhất sự chèn ép này. Đây là lý do để các tiểu bang dù lớn hay nhỏ đều có hai thượng nghị sĩ trong thượng viện. Các tiểu bang nhỏ không thể bị chèn ép thì họ cũng chẳng thể có lợi thế nào trước các bang lớn, nhưng cái kỹ thuật tinh vi này nhằm một mục đích khác cao hơn ông tưởng tượng nhiều. Mỗi người dân chỉ sống tại một bang, nếu may mắn họ chỉ có hai thượng nghị sĩ xem xét đến quyền lợi. Còn các công ty lớn, tình cờ nó lại có mặt ở nhiều bang một lúc, như vậy lợi ích của các công ty lớn khi đưa ra thượng viện sẽ được ưu tiên cao hơn của dân thường bởi vì được nhiều thượng nghị sĩ của các bang khác nhau quan tâm đến.

Ông Hà Văn Thịnh có lẽ cũng xem qua những kiến thức cơ bản về Hiến pháp Liên bang Mỹ, nhưng mục tiêu của ông chỉ là trích dẫn một cách bừa bãi để minh họa cho sự chọc ngoáy của mình đối với ai đó chớ không thực sự tìm hiểu một cách đến đầu đến đũa, điều đó hoàn toàn được phơi bày một cách thảm hại. Ông kết luận: Không phải ngẫu nhiên mà Lời Tuyên thệ của Tổng thống Mỹ chỉ có một ý ngắn gọn là BẢO VỆ HIẾN PHÁP. Một khi HP được soạn thảo hoàn chỉnh thì mọi cố gắng của công dân – kể cả TT, chỉ duy nhất một vấn đề là bảo vệ để thực thi đúng như HP đặt ra, không cần bất kỳ một sự thêm, bớt nào bởi những thêm hay bớt đó đều làm vẩn đục HP! Nghe thì rất xuôi tai nhưng ông không hề biết rằng các tổng thống Mỹ có một kỷ lục về việc vi phạm Hiến pháp. Thomas Jefferson đã chống lại Đạo luật  chống nổi loạn năm 1798 bằng cách tha bổng các bị can bị kết án bởi đạo luật đó. Abraham Lincoln đã phản đối phán quyết của tòa án trong vụ Scott kiện Stanford (4). G.W.Bush đã lập kỷ lục về việc vi phạm Hiến pháp với việc bắt giam công dân Mỹ, công dân nước ngoài ở nước ngoài đem giam giữ ở Vịnh Guantanamo mà không thông qua tòa án, thậm chí còn đòi tra tấn họ để thu thập tin tức (5). Người Mỹ đã phàn nàn rằng Bush không phải là tổng thống hợp hiến vì ông ta đã không tuyên thệ theo Hiến pháp (6).

Nếu ông Hà Văn Thịnh muốn dùng Hiến pháp Mỹ để lưu ý rằng Hiến pháp của một nước nào đó cần phải tuân thủ theo những chuẩn mực đã được ông hóa vàng, ấy lại nhầm, vàng hóa ấy thì trước hết ông cần phải hiểu rõ nó đã, không thì đừng viết lung tung chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi!

Nguồn của các trích dẫn:

(1): Noam Chomsky - "Nhận diện quyền lực"; Hoàng Văn Vân dịch / Đinh Hoàng Thắng hiệu đính; NXB Tri Thức 2012, trang 452

(2): Alexis de Tocqueville - "Nền dân trị Mỹ"; Phạm Toàn dịch / Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính; NXB Tri Thức 2006 tái bản lần thứ nhất, trang 135

(3): Jay M. Feinman - "Luật 101 Mọi điều bạn cần biết về Pháp luật Hoa Kỳ"; Nguyễn Hồng Tâm, Trần Quang Hồng, Nguyễn Thị Thanh dịch / GS. Nguyễn Đăng Dung, TS. Vũ Công Giao hiệu đính; NXB Hồng Đức 2012, trang 39

(4): Jay M. Feinman - "Luật 101 Mọi điều bạn cần biết về Pháp luật Hoa Kỳ"; Nguyễn Hồng Tâm, Trần Quang Hồng, Nguyễn Thị Thanh dịch / GS. Nguyễn Đăng Dung, TS. Vũ Công Giao hiệu đính; NXB Hồng Đức 2012, trang 59

(5) Jay M. Feinman - "Luật 101 Mọi điều bạn cần biết về Pháp luật Hoa Kỳ"; Nguyễn Hồng Tâm, Trần Quang Hồng, Nguyễn Thị Thanh dịch / GS. Nguyễn Đăng Dung, TS. Vũ Công Giao hiệu đính; NXB Hồng Đức 2012, trang 77

(6): Noam Chomsky - "Nhận diện quyền lực"; Hoàng Văn Vân dịch / Đinh Hoàng Thắng hiệu đính; NXB Tri Thức 2012, trang 90

PS: Tình cờ làm sao 2 trong số 3 cuốn sách được trích dẫn lại rất có liên quan tới những người đứng đằng sau trang Bô Shit, thế mới biết làm sách là một chuyện còn thực sự đọc và hiểu nó hay không là chuyện khác.

Cập nhật:

Về một vị thánh thần của nhân loại mà ông Hà Văn Thịnh đã ca tụng thì có một đoạn trích từ David E. Stannard, American Holocaust: Columbus and the Conquest of the New World, New York: Oxford University Press, 1992. An excerpt (p. 120):

[T]he surviving Indians later referred to [President George] Washington by the
nickname "Town Destroyer," for it was under his direct orders that at least 28 out of 30 Seneca towns from Lake Erie to the Mohawk River had been totally obliterated in a period of less than five years, as had all the towns and villages of the Mohawk, the Onondaga, and the Cayuga. As one of the Iroquois told Washington to his face in 1792: "to this day, when that name is heard, our women look behind them and turn pale, and our children cling close to the necks of their mothers."

Khi biết được những cha già nước Mỹ đã tàn sát người dân bản địa da đỏ ra sao thì không lấy gì làm lạ khi gần hai trăm năm sau con cháu của vị thánh thần được ông Hà Văn Thịnh tung hô ồn ào đã vinh danh cha ông mình bằng vụ những vụ thảm sát kiểu như Mỹ Lai và Mỹ Khê.








Cần phải trả lời những con lừa bợ đít Mỹ như thế nào?

Không biết từ đâu xuất hiện thể loại lừa bỡ đít Mỹ một cách trắng trợn như vậy! Hồi trước còn văn hoa nào là hòa giải dân tộc hay nhìn lại lịch sử một cách đa chiều... giờ thì:
BỘ PHIM VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM BỊ GIẤU KÍN(Thùy Linh). “Tôi căm thù tất cả những gì mà người Mỹ đã gây ra cho đất nước Việt Nam nhưng dần dần tôi đã hiểu ra một sự thật rằng Mỹ không phải là người khởi sự cuộc chiến đó. Người khởi sự cuộc chiến đó chính lại là chính quyền mà chúng ta đã bỏ mồ hôi, xương máu dựng nên Nếu chính quyền Miền Bắc, chính quyền của chúng ta không bị sự thúc đẩy của chính quyền Bắc Kinh để gây ra cuộc chiến tranh thì dân tộc Việt Nam đỡ được bao đau khổ, mất mát”.
- Nếu không mở được thì vào đây xem: Vietnam! Vietnam! by John Ford (Vimeo). “Đây là một phim tài liệu rất có giá trị về sự thật của chiến tranh VN, với cái nhìn công bằng và khách quan của người Mỹ. Nó cho thấy lý do mà Hoa Kỳ đổ quân vào VN vì thấy rõ ý đồ của Hà Nội là muốn xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực với sự giúp đỡ của Trung cộng”.
Được điểm trên blog Ba Sàm "Xóa vòng nô lệ", có lẽ giờ nên đổi thành tại "Cúi đầu nô lệ"

Các con lừa có mốt ca ngợi sự công bằng và khách quan của người Mỹ nên quyết định trích dẫn một số đoạn trong cuốn "Nhận diện quyền lực" của giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ nổi tiếng N. Chomsky do Nhà xuất bản Tri Thức (vốn thuộc về giới tinh hoa trí thức dân chủ đứng đằng sau cái Bô Shit và vô khối thứ tương tự) đã xuất bản tại Việt Nam năm 2012 để cho những con lừa ấy biết người Mỹ thực sự công bằng và khách quan đã nói gì về sự lừa dối của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Giống như chúng ta nói "bảo vệ" miền Nam Việt Nam. Trong suốt ba mươi năm tôi đã nghiên cứu rất sát sao nhưng chưa bao giờ thấy trên  các phương tiện truyền thông một cụm từ nào có ý nói rằng không phải chúng ta đang bảo vệ miền Nam Việt Nam, và rằng chúng ta đang tấn công miền Nam Việt Nam. Chúng ta tấn công miền Nam Việt Nam rõ ràng như bất cứ cuộc xâm lược nào trong lịch sử. Nhưng không thể tìm thấy sự thật giản đơn đó được đề cập trên bất kì một tờ báo nào ở Mỹ, trừ một vài sách báo nhỏ lẻ ngoài lề. Đó là điều không thể nói ra được.

Điều đó cũng không thể nói ra được trong cả sách báo của giới nghiên cứu học thuật. Một lần nữa khi Gaddis nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi người Pháp cố cầm cự để duy trì thuộc địa ở Đông Dương, ông mô tả nó như là một cuộc đấu tranh tự vệ của Pháp. McGreorge Bundy, trong cuốn sách về lịch sử hệ thống quân sự, nói về việc nước Mỹ đã từng có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân vào năm 1954 để giúp người Pháp duy trì vị thế của họ ở Điện Biên Phủ. Ông phát biểu rằng: Chúng ta đã suy nghĩ về việc đó để hỗ trợ người Pháp ''bảo vệ'' Đông Dương. Ông ta không nói bảo vệ khỏi ai. Bạn biết đấy, sẽ thật ngớn ngẩn nếu nói để bảo vệ khỏi người Nga chẳng hạn. Không. Đó là bảo vệ Đông Dương khỏi người Đông Dương. Nhưng dù có vô lý đến đâu đi nữa, thì ở Mỹ các bạn cũng không thể chất vấn điều đó. Ý tôi là, đây là sự cực đoan của tư tưởng cuồng tín. (Trang 76-77)
Lý do thật sự của việc Mỹ xâm lược Việt Nam là gì? Hãy nhìn xem khu vực Đông Nam Á khi ấy, hầu hết là các nước thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Việt Nam độc lập và phát triển theo cách riêng của mình ở ngay giữa các thuộc địa kiểu mới của Mỹ có thể dẫn đến nguy cơ làm tan vỡ cả hệ thống thuộc địa đó. Chính vì vậy Gs. Chomsky đã khẳng định:
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã được diễn ra là để ngăn chặn không cho Việt Nam trở thành một mô hình phát triển kinh tế và xã hội thành công trong con mắt các nước Thế giới thứ Ba. (Trang 142-143)
Ban đầu người Mỹ sử dụng lực lượng tay sai người bản địa với hy vọng có thể tách miền Nam ra khỏi Việt Nam bằng các biện pháp chính trị, nhưng đã thất bại nên buộc phải tiến hành chiến tranh:
 ...ở miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng - được gọi là "Việt Cộng" - đã giành được dân chúng về phía họ, bởi vì họ có những chương trình chính trị hữu hiệu. Những người nông dân ủng hộ Mặt trận bởi vì họ chính là những người xứng đáng được ủng hộ, lẽ ra chúng ta cũng phải ủng hộ các chương trình đó của họ. Một cuộc cách mạng xã hội đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam, và đó là cuộc cách mạng thật sự cần thiết, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tổ chức cuộc cách mạng ấy, đó là lý do tại sao Mặt trận nhận được sự ủng hộ của nông dân; còn chúng ta chẳng thể làm gì được họ. Và sau đó thì phần kết xuất hiện. Phần kết đó là, chúng ta phải leo thang chiến tranh, chúng ta phải quét sạch Mặt trận dân tộc Giải phóng. (Trang 63)
Người Mỹ có lương tri đã nhận thức một cách rõ ràng về cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở Việt Nam như vậy đó, nó hoàn toàn đối lập với cái được gọi là "cái nhìn công bằng và khách quan của người Mỹ" ( nên được hiểu là công bằng và khách quan xuất phát từ lợi ích của chính quyền Mỹ).

Nguyên nhân của cuộc chiến xuất phát từ tham vọng của nước Mỹ muốn duy trì hệ thống thuộc địa kiểu mới. Nước Mỹ muốn biến Việt Nam trở thành một thuộc địa của họ. Chính quyền Mỹ đã làm mọi cách để tiêu diệt khát vọng tự do độc lập của người Việt Nam do đó người Việt Nam buộc phải cầm súng để bảo vệ mình, nếu có ai thúc đẩy người Việt Nam cầm súng chống lại Mỹ thì đó chính là Mỹ. Cuộc chiến của Mỹ đã tàn phá Việt Nam nặng nề khiến cho Việt Nam phải mất hàng thập kỷ sau mới có thể hồi phục được, mục tiêu của Mỹ là làm cho Việt Nam không thể phát triển được nên cái luận điệu ngớ ngẩn cho rằng dưới ách thống trị của Mỹ thì Việt Nam sẽ trở nên giàu có thì rõ ràng là nói láo. Nước Việt Nam là một lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn nên những kẻ rêu rao rằng miền Bắc xâm lược miền Nam hoàn toàn là những kẻ bịp bợm. Ở đây chỉ có một cuộc chiến duy nhất là cuộc chiến của người Việt Nam chống lại Mỹ, khi chiến tranh kết thúc thắng lợi thì đó là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam có người cầm súng đánh Mỹ, có người cầm súng theo Mỹ nhưng khi cuộc chiến kết thúc thì tất cả xung đột cũng chấm dứt, cuộc sống tự nó đã hóa giải mọi hằn thù mọi đau khổ, dân tộc Việt Nam thực sự đã bước sang một trang sử mới.

Tiếc rằng vẫn có những con lừa mang có tên bằng chữ Việt Nam vẫn tiếp tục đi mang những thứ rác rưởi tuyên truyền của chính quyền Mỹ về để khấn vái. Những kẻ bóp méo sự thật để biện hộ cho việc nước khác xâm lược Tổ quốc mình thì không có tư cách gì để nói về độc lập, tự do hay yêu nước! Tất cả chỉ là lũ rác rưởi không hơn không kém!