Friday, March 29, 2013

Tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu?

Một trong những lập quen thuộc thường được đưa ra là tăng giá xăng để chống buôn lậu nhằm giảm thiệt hại ngoại tệ cho nhà nước. Nhiều chuyên gia trong nước đã đưa ra phản biện lập luận này, song phần lớn các phản biện cũng không dựa trên một cơ sở rõ ràng. Vậy xem xét lập luận này cần những cơ sở nào? 

1) Có nên vì bắt một con chuột mà đốt cả căn nhà?

Thứ nhất, hiện nay không có thống kê nào về khối lượng xăng dầu buôn luậu qua biên giới được đưa ra. Lượng xăng dầu qua được buôn lậu qua biên giới được phỏng đoán là rất nhỏ, không đánh kể so với lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Lý do là là cách thức buôn lậu cho thấy điều đó. Người buôn lậu thường mua xăng tại các cây xăng sát biên giới sau đó đóng vào can rồi chở sang bên kia biên giới bán. Việc quản lý thị trường được làm rất chặt, các cây xăng thường phải đăng ký số lượng tiệu thụ với đầu mối sau đó các đầu mối mới giao cho các cây xăng theo số lượng đã đăng ký chứ không giao vô tư. Lượng xăng dầu buôn lậu do vậy không thể lớn. Việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến việc buôn lậu xăng dầu nhỏ lẻ phải chấm dứt song tăng giá xăng dầu cũng gây ra chi phí rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Chi phí ấy tính bằng tiền lớn hơn rất nhiều so với phần ngoại tệ tiết kiệm được do chống buôn lậu thành công.

Thứ hai, nếu số liệu cho thấy lượng xăng dầu buôn lậu qua biên giới lớn tới mức cần phải tăng giá thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Nước bạn muốn nhập xăng dầu lậu từ Việt Nam thì cần có Việt Nam Đồng (VNĐ), khi lượng xăng dầu nhập lậu càng lớn thì càng cần phải có nhiều VNĐ. Vậy nước bạn sẽ lấy đâu ra VNĐ? Tất nhiên là nước bạn phải bán hàng hóa cho Việt Nam để lấy VNĐ, càng cần nhiều VNĐ thì càng phải bán nhiều, hàng hóa nhập khẩu từ nước bạn về do vậy sẽ giảm giá, tức là người Việt Nam được lợi và tiết kiệm được ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa. Muốn chứng minh rằng chống buôn lậu xăng dầu là cần thiết thì phải có những tính toán chỉ ra rằng thiệt hại do buôn lậu xăng dầu gây ra lớn hơn cái lợi thương mại thu được, song rõ ràng là điều đó chưa bao giờ được quan tâm đến.

2) Nếu tăng giá xăng dầu chống được buôn lậu thì cũng cần hạ giá xăng dầu để chống buôn lậu.

Cứ coi lập luận tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu là hợp lý thì cần xem xét trường hợp sau đây. Khi giá xăng trong nước cao hơn giá xăng nước bạn thì sẽ dẫn đến việc nhập lậu xăng dầu từ nước bạn vào Việt Nam. Việc nhập lậu xăng dầu như vậy dẫn đến một số lượng nhất định xăng dầu trong nước bị ế không tiêu thụ được, tức là một khoản ngoại tệ mà nhà nước chi ra để nhập xăng dầu coi như mất không. Muốn chống việc nhập lậu xăng dầu để giảm thiểu thiệt hại ngoại tệ cho nhà nước thì phải hạ giá xăng dầu trong nước xuống bằng nước bạn. 

Một điều thú vị là người ta luôn cho rằng cần tăng giá xăng để chống buôn lậu mà không bao giờ đề cập đến việc hạ giá xăng để chống buôn lậu, mặc dù cả hai việc đó có cùng bản chất.

Cập nhật:

Chuyện giá xăng dầu ở Việt Nam tốn không biết bao giấy mực nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy ai có thể trình bày nó một cách rõ ràng. Thực ra câu chuyện về giá xăng dầu rất dễ hiểu nếu người ta tư duy một cách đơn giản và rành mạch. Các nhà nhập khẩu xăng dầu đều được nhà nước thu xếp ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu nhưng ngoại tệ ấy không theo giá thị trường mà theo giá nhà nước quy định, có nghĩa là nhà nước phải dùng dự trữ ngoại tệ để đảm bảo. Rõ ràng là nhập khẩu xăng dầu phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ mà nhà nước có khả năng thu xếp, vì vậy giá xăng dầu không lên xuống theo giá xăng dầu thế giới. Nó sẽ lên xuống phù hợp với nguồn ngoại tệ mà nhà nước có khả năng phân bổ. Một điều cần lưu ý là dự trữ ngoại hối của nhà nước không được công khai do vậy giá xăng cũng luôn nằm sau một lớp màn bí ẩn.