Showing posts with label Bắc Triều Tiên. Show all posts
Showing posts with label Bắc Triều Tiên. Show all posts

Wednesday, May 21, 2014

Chiến tranh và hòa bình ở Triều Tiên và Việt Nam

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết "War and Peace in Korea and Vietnam" của nhà hoạt động hòa bình Hoa Kỳ David Hartsough, bài viết cung cấp nhiều cảm nhận chân thực của một người Mỹ về Việt Nam sau những ấn tượng kinh hoàng của chiến tranh.

Tôi mới quay trở lại sau 3 tuần ở Triều Tiên và Việt Nam, những đất nước trong quá khứ đã phải chịu đựng và đang tiếp tục phải chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh.

Hàn Quốc

Bắc và Nam đang bị giam hãm trong trạng thái bi kịch của chiến tranh lạnh với đất nước bị chia rẽ mà Hoa Kỳ áp đặt (và không có Liên Bang Soviet phản đối) từ năm 1945 và được củng cố vào năm 1948. Mười triệu gia đình bị chia rẽ bởi sự chia cắt của miền Bắc và miền Nam. Người dân ở Nam Triều Tiên không thể gọi điện, viết thư hay thăm viếng người thân hay bạn bè ở Bắc Triều Tiên và ngược lại. Một giáo sĩ Catholic từ Nam Triều Tiên mà tôi gặp đã trải qua ba năm rưỡi ngồi tù ở Nam Triều Tiên vì thăm viếng Bắc Triều Tiên trong một sứ mạng hòa bình. Biên giới giữa Bắc và Nam Triều Tiên là khu vực chiến tranh, nơi mà chiến tranh súng đạn có thể nổ ra bất cứ khi nào. Quân đội Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên thường xuyên tập trận bắn đạn thật với 300,000 lính đóng vai phòng thủ và tấn công với các chiến đấu cơ ở biên giới Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên cũng thường xuyên đe dọa chiến tranh. Liên Bang Soviet không còn tồn tại và đây là lúc Hoa Kỳ cầu khẩn sự tha thứ của người dân Nam và Bắc Triều Tiên vì đã áp đặt trạng thái chiến tranh lên hai đất nước, ký kết một thỏa thuận hòa bình với Bắc Triều Tiên để chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, công nhận chính quyền của Bắc Triều Tiên và đồng ý đàm phán về mọi xung đột trên bàn hội thảo, không phải trên chiến trường.

Tôi dành phần lớn thời gian ở Triều Tiên trên đảo Jeju, một hòn đảo xinh đẹp ở cách đất liền phía nam của Nam Triều Tiên 50 dặm, nơi đó đó có khoảng từ 30,000 đến 80,000 ngượi bị sát hại kể từ năm 1948 theo mệnh lệnh của chỉ huy quân đội Hoa Kỳ. Người dân đảo Jeju đã phản kháng mạnh mẽ sự chiếm đóng của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai và cùng với phần lớn người dân ở Triều Tiên, trông mong một quốc gia tự do và độc lập. Mặc dù vậy, thay vì một quốc gia thống nhất, Hoa Kỳ đã áp đặt một chính quyền chống cộng sản cực đoan ở Nam Triều Tiên và đặc biệt là ở đảo Jeju. Tất cả những người phản kháng một Nam Triều Tiên chống cộng sản và quân sự hóa đều bị sát hại (hơn một phần ba dân số thời đó). Bởi vì chế độ độc tài chống cộng sản kéo dài nhiều thập kỷ sau năm 1948, nên người dân đảo Jeju thậm chí không được phép nói về quá khứ hoặc họ sẽ bị tình nghi là thân cộng sản và bị trừng phạt. Chỉ đến năm 2003, tổng thống Roh Moo-huyn mới xin lỗi theo lệnh của chính quyền Hàn Quốc về việc thảm sát người dân đảo Jeju vào năm 1948. Đảo Jeju hiện nay được công bố là “Đảo Hòa Bình” và cũng được coi là “Vùng Di sản Thế giới” do có những dải san hô ngầm và vẻ đẹp tự nhiên.

Nhưng hiện nay chính quyền Hoa Kỳ quyết định “xoay trục sang châu Á” và lập kế hoạch chuyển tâm điểm của các chiến dịch quân sự sang châu Á – có lẽ là để bao vây Trung Quốc với các căn cứ quân sự và chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo. Làng Gangjeong được lựa chọn làm cảng cho một căn cứ quân sự quy mô lớn, ở đó hiện nay chính thức là một căn cứ quân sự Hàn Quốc, nhưng thực tế được coi là nơi để các tàu chiến Hoa Kỳ giúp “bao vây” Trung Quốc. Do vậy, đảo Jeju có nguy cơ lại trở thành tâm điểm trong một cuộc chiến mới - thậm chí là cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Kể từ khi kế hoạch về căn cứ được thông báo lần đầu tiền bẩy năm trước đây, người dân Gangjeong đã phản đối việc xây dựng căn cứ và trong bốn năm qua đã ngăn chặn phi bạo lực các máy ủi và các xe tải xi măng đi vào căn cứ. Các nhà hoạt động Nam Triều Tiên (nhiều người thuộc các nhà thờ Catholic) đã tham gia phong trào phản kháng phi bạo lực. Hàng ngày có một đám đông tín đồ Catholic trong đó các thầy tu và nữ tu chặn đường chính vào căn cứ và mỗi ngày bị cảnh sát giải tán khi nhiều xe tải chở xi măng xếp hàng để đi vào căn cứ. Khi cảnh sát rút lui sau khi những xe tải tiến vào căn cứ, các thầy tu và nữ tu lại mang ghế ngồi ra tiếp tục chặn lối vào căn cứ - họ cầu nguyện suốt. Tôi tham gia với họ trong hai ngày cuối cùng trên đảo Jeju. Sau khi đám đông duy trì mỗi ngày khoảng hai giờ, các nhà hoạt động tới và khiêu vũ để chặn cửa chính khoảng một giờ. Một số người hành động theo lương tâm bằng cách chặn lối vào đã phải ngồi tù hơn một năm. Những người khác bị áp đặt các án phạt tiền nặng nề vì những hành động xuất phát từ lương tâm. Nhưng phong trào phản kháng phi bạo lực vẫn tiếp tục.

Một số người Triều Tiên làm việc chăm chỉ cho hòa giải và hòa bình giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Nhưng các chính quyền Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục đối đầu quân sự và hiện nay nếu căn cứ được xây dựng, sẽ là một căn cứ rất lớn khác ở Nam Triều Tiên. Những người Mỹ quan ngại cần phải hỗ trợ phong trào phi bạo lực của người dân đảo Jeju để chấm dứt xây dựng căn cứ quân sự ở đó.

Tôi tin rằng người dân Mỹ cần phải yêu cầu chính quyền của chúng ta chấm dứt lối hòa bình theo kiểu Mỹ đối với phần còn lại của thế giới. Chúng ta cần xử lý xung đột với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và tất các các quốc gia bằng đàm phán trên bàn họp, chứ không phải triển khai quân đội hay đe dọa và xây dựng nhiều căn cứ quân sự hơn.

Và giờ tới Việt Nam.

Việt Nam

Vào tháng tư tôi đã dành ra hai tuần ở Việt Nam với tư cách là một thành viên trong đoàn đại biểu Cựu chiến binh vì Hòa bình do một nhóm cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ sống ở Việt Nam tổ chức. Tâm điểm trong chuyến viếng thăm của chúng tôi là tìm hiểu xem người dân Việt Nam tiếp tục phải chịu đựng đau khổ của cuộc chiến tranh đã kết thúc cách đây 39 năm ra sao.

Một số ấn tượng/điểm nhấn trong chuyến viếng thăm Việt Nam của tôi như sau:

*Sự thân thiện của người dân Việt Nam, những người chào đón chúng tôi, mời chúng tôi tới nhà họ và tha thứ cho chúng tôi mọi đau khổ, thương tích và chết chóc mà đất nước của chúng ta đã bắt họ phải gánh chịu trong cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Việt Nam, với hy vọng rằng họ và chúng ta có thể sống trong hòa bình với nhau. 

*Sự đau khổ, thương tích và chết chóc khủng khiếp do cuộc chiến ở Việt Nam gây ra. Nếu Hoa Kỳ tôn trọng hiệp định Geneva, theo đó kết thúc cuộc chiến tranh với Pháp-Việt Nam vào năm 1954 và cho phép bầu cử tự do trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1956, ba triệu người Việt Nam (trong đó có hai triệu thường dân) đã không phải chết trong chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Quân đội Hoa Kỳ đã ném hơn tám triệu tấn bom (nhiều hơn tất cả các bên trong thế chiến thứ hai cộng lại) giết hại, gây thương tật và buộc người dân phải bỏ nhà cửa chạy trốn và nhiều người trong số họ phải sống dưới hầm. Ở tỉnh Quảng Trị, bốn tấn bom được ném xuống mỗi đầu người trong tỉnh (tương đương với tám quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima).

*Người dân Việt Nam vẫn tiếp tục đau khổ và chết bởi bom chưa nổ và chất độc màu da cam được Hoa Kỳ ném xuống Việt Nam trong cuộc chiến. Mười phần trăm số bom ném xuống Việt Nam chưa nổ ngay và vẫn tiếp tục nổ trên sân vườn của người dân, trên cánh đồng và trong làng của họ, dẫn đến người dân ở mọi độ tuổi, có cả trẻ em bị mất chi, bị mù hay bị chết hoặc bị các thương tật khác. Tám trăm ngàn tấn bom chưa nổ vẫn nằm trên mặt đất Việt Nam. Kể từ khi kết thúc cuộc chiến, ít nhất có 42,000 người chết và 62,000 người khác bị thương hay tàn phế vĩnh viễn do bom chưa nổ. Chúng tôi đã chứng kiến một quả bom bướm chưa nổ được cho nổ an toàn sau khi được tìm thấy cách mười feet ở phía sau một căn nhà trong ngôi làng khi họ phát quang cỏ dại một ngày trước khi chúng tôi tới đó.

*Hơn 20 triệu gallon thuốc diệt cỏ đã được phun xuống con người và đất nước Việt Nam, trong đó có 15 triệu gallon chất độc màu da cam hủy diệt cây cối và mùa màng. Có ba triệu người Việt Nam là nạn nhân của chất độc màu da cam với cơ thể và trí óc dị dạng, ba thế hệ tiếp theo vẫn chịu đựng đau khổ do chất hóa học cực độc này gây ra, nó làm biến đổi gen và di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nên trẻ em vẫn tiếp tục bị dị dạng bẩm sinh trong trí óc và cơ thể. Chúng tôi thăm viếng một trại trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, những đứa trẻ không bao giờ có khả năng sống một cuộc đời bình thường. Chúng tôi tới thăm một gia đình nơi những đứa trẻ nằm trên giường hay sàn nhà không có khả năng điều khiển cơ thể hay thậm chí nhận ra những người xung quanh. Một người mẹ hay người bà dành 24 giờ một ngày để chăm sóc chúng. Điều đó vượt quá sức chịu đựng của trái tim chúng ta.

*Tổ chức Cựu chiến binh (Hoa Kỳ) vì Hòa Bình Hiến Chương 160 ở Việt Nam đang trợ giúp các dự án giống như dự án Renew, trong đó người Việt Nam được hướng dẫn cách vô hiệu hóa hay cho nổ an toàn những quả bom chưa nổ mà họ tìm thấy ở cộng đồng. Họ cũng hỗ trợ các trại trẻ mồ côi và gia đình mà có một hay nhiều thành viên không thể lao động bằng cách mua cho gia đình ấy một con bò hay lợp mái nhà và hỗ trợ gia đình ấy. Đoàn của chúng tôi đóng góp 21,000 dollar cho trại trẻ mồ côi và hỗ trợ các gia đình bị nhiễm chất độc màu da cam và bị ảnh hưởng của bom chưa nổ - một giọt nhỏ so với nhu cầu, nhưng cũng rất đáng giá.

*Chính quyền Hoa Kỳ nên gánh trách nhiệm giải phóng sự đau khổ và thương tích mà cuộc chiến của chúng ta vẫn đang gây ra cho người dân Việt Nam và đóng góp hàng trăm triệu dollar cần thiết để làm sạch cả chất độc màu da cam lẫn bom chưa nổ và hỗ trợ các gia đình cũng như nạn nhân đang phải chịu đau khổ của chiến tranh. Người Việt Nam đã sẵn sàng làm việc, nhưng cần sự trợ giúp tài chính. Người Mỹ chúng ta đã gây ra thảm kịch này. Chúng ta có trách nhiệm -đạo đức phải dọn sạch nó.

*Ấn tượng rất mạnh mẽ với các cựu chiến binh Hoa Kỳ, những người đã tham gia giết chóc và phá hủy Việt Nam và giờ đang tìm thấy sự hồi phục những chấn thương trong chiến tranh cách đây 40 năm hoặc nhiều hơn, qua việc tiếp xúc với những người Việt Nam vẫn đang phải chịu đựng đau khổ của chiến tranh. Một cựu chiến binh Hoa Kỳ kể với tôi là sau chiến tranh ông ấy đã không thể sống với bản thân hay với bất cứ ai khác và sống xa cách mọi người đến chừng nào ông ấy có thể - khoảng hàng trăm dặm về phía bắc Anchorage, Alaska, làm việc với đường ống dẫn dầu ngày qua ngày, uống nhiều rượu hoặc sử dụng chất gây nghiện trong phần thời gian còn lại để trốn tránh khỏi những ấn tượng đau thương về chiến tranh. Ông ấy nói có hàng trăm cựu chiến binh khác cũng như vậy trong các cánh rừng ở Alaska. Chỉ sau ba mươi năm trong địa ngục, ông ấy cuối cùng cũng quyết định quay trở lại Việt Nam để hiểu người Việt Nam và tìm thấy cách chữa lành vết thương chiến tranh – bằng cách cố gắng chữa lành vết thương cho những người Việt Nam cũng như bản thân. Ông ấy nói rằng quyết định tồi tệ nhất trong cuộc đời là đến Việt Nam như một người lính và quyết định tốt nhất là trở lại Việt Nam như một người bạn của người dân Việt Nam.

*Có một đạo luật được quốc hội thông qua phân bổ 66 triệu dollar để kỷ niệm chiến tranh Việt Nam vào năm 2015, lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh. Nhiều người ở Washington muốn làm đẹp hình ảnh của cuộc chiến ở Việt Nam – coi đó là một “cuộc chiến tốt” và thứ gì đó mà người Mỹ nên tự hào. Sau chuyến viếng thăm mới đây tới Việt Nam, tôi cảm thấy rằng chúng ta phải không cho phép chính phủ làm đẹp hình ảnh chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến khủng khiếp như mọi cuộc chiến. Chúng ta có thể học được từ lịch sử cũng như từ bài giảng tôn giáo của chúng ta rằng chiến tranh không phải là câu trả lời, rằng chiến tranh không giải quyết xung đột mà gieo mầm cho các cuộc chiến tương lai. Chiến tranh là thảm họa đọa đức đối với mọi người nhất là đối với những người tham gia giết chóc. (Có một số lượng lớn các vụ tự tử do các binh lính đang làm nghĩa vụ và cựu binh thực hiện, và linh hồn của tất cả những người còn lại trong số chúng ta cũng bị tổn thương).

*Hoa Kỳ có thể là quốc gia được yêu mến nhất trên thế giới nếu chúng ta chuyển từ hòa bình kiểu Mỹ trong quan hệ với thế giới sang một tầm nhìn thế giới về gia đình nhân loại toàn cầu. Chúng ta cần làm việc vì “an ninh được chia sẻ” cho mọi người dân trên trái đất và hành động theo niềm tin đó bằng cách hiến hàng trăm tỷ dollar mà chúng ta đang chi cho các cuộc chiến và chuẩn bị chiến tranh cho nhu cầu nhân đạo và môi trường ở Hoa Kỳ cũng như khắp thế giới. Chúng ta có thể giúp kết thúc nạn đói thế giới, xây dựng trường học cũng như bệnh xã trong các cộng đồng quanh thế giới – tạo dựng một cuộc đời tử tế cho tất cả mọi người trên hành tinh. Điều đó sẽ là biện pháp chiến đấu chống khủng bố hiệu quả hơn những nỗ lực hiện nay để duy trì an ninh bằng nhiều vũ trang hơn, nhiều bom nguyên tử hơn hay nhiều doanh trại quân đội bao quanh hành tinh hơn.