Showing posts with label Huy Đức Osin. Show all posts
Showing posts with label Huy Đức Osin. Show all posts

Thursday, October 23, 2014

Một huyền thoại chống Cộng Sản: Bức Tường Berlin

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài báo "The Berlin Wall: Another Cold War Myth" của tác giả nổi tiếng William Blum về sự thật phía sau Bức Tường Berlin. Tiêu đề do người dịch đặt.

Bức Tường Berlin: Một Huyền Thoại Chiến Tranh Lạnh Khác

Ngày 9 tháng 11 là dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày Bức Tường Berlin sụp đổ. Sự huyên náo cuồng nhiệt đã bắt đầu nhiều tháng trước ở Berlin. Ở Hoa Kỳ, chúng ta có thể tiên đoán rằng tất cả những sáo ngữ thời Chiến Tranh Lạnh về Thế Giới Tự Do đối đầu với Chuyên Chế Cộng Sản sẽ được được tuôn ra ào ạt và câu chuyện cổ tích ngây ngô về bức tường sẽ được nhắc lại: Vào năm 1961, cộng sản Đông Berlin đã dựng một bức tường để ngăn công dân bị đàn áp của họ khỏi trốn sang Tây Berlin và tự do. Tại sao? Bởi vì cộng sản không thích nhân dân tự do hay biết được “sự thật”. Còn lý do nào khác nữa không?

Đầu tiên, trước khi bức tường được dựng lên vào năm 1961 hàng ngàn người Đông Đức vẫn đi làm hàng ngày ở phía Tây và sau đó trở về nhà ở phía Đông vào buổi tối; nhiều người quay lại và tiếp tục mua sắm hay vì lý do khác. Rõ ràng là không có gì ở phía Đông chống lại ý muốn của họ. Tại sao bức tường được dựng lên? Có hai lý do chính:

1) Phía Tây làm phía Đông điêu đứng với một chiến dịch lớn tuyển dụng lao động chuyên môn và lành nghề, những người vốn được đào tạo bằng kinh phí của chính quyền cộng sản. Điều này dẫn tới khủng hoảng lao động và sản xuất nghiêm trọng ở phía Đông. Một trong những ghi nhận về điều đó, tờ New York đưa tin vào năm 1963: “Tây Berlin gánh chịu hậu quả kinh tế từ bức tường khi mất khoảng 60.000 lao động lành nghề, những người đi từ nhà của họ ở Đông Berlin đến làm công việc hàng ngày ở Tây Berlin.”

Cần phải ghi nhận rằng vào năm 1999, tờ USA Today đưa tin: “Khi Bức Tường Berlin sụp đổ [1989], người Đông Đức tưởng tượng về một cuộc sống tự do thừa thãi hàng tiêu dùng và khó khăn bị đẩy lùi. Mười năm sau, 51% nói rằng họ hạnh phúc hơn với chủ nghĩa cộng sản”. Các khảo sát trước đó hơn thậm chí còn cho thấy hơn 51% thể hiện cùng quan điểm, trong mười năm nhiều người trong còn nhớ cuộc sống ở Đông Đức với sự yếu mến đã qua đời; mặc dù vậy mười năm sau nữa, vào năm 2009, tờ Washington Post đã đưa tin: “Người Tây [Berlin] nói rằng họ chán ngấy với xu hướng đánh bóng các hoài niệm về thời cộng sản của những người đồng bào phía đông”. Đó là thời kỳ hậu thống nhất mà câu tục ngữ của nước Nga mới và Đông Âu được khai sinh: “Mọi thứ cộng sản nói về chủ nghĩa cộng sản là dối trá, nhưng mọi thứ họ nói về chủ nghĩa tư bản lại trở thành sự thật”. 

Cũng cần phải ghi nhận thêm rằng sự phân chia nước Đức thành hai quốc gia vào năm 1949 – đánh dấu 40 năm thù địch trong Chiến Tranh Lạnh – là quyết định của Hoa Kỳ, không phải là quyết định của Soviet.

2) Trong những năm 1950, những người hùng chiến tranh lạnh Hoa Kỳ ở Tây Đức đã thiết lập một chiến dịch phá hoại và lật đổ thô thiển chống lại Đông Đức, nhằm phá hoại bộ máy kinh tế và hành chính của nước này. CIA và các cơ quan tình báo khác của Hoa Kỳ cùng với quân đội đã tuyển mộ, trang bị, huấn luyện và tài trợ cho các nhóm hành động và cá nhân người Đức, cả Đông lẫn Tây, để thực hiện các hoạt động từ tội phạm vị thành niên cho tới khủng bố; bất cứ thứ gì gây khó khăn cho cuộc sống của người Đông Đức và làm suy yếu sự ủng hộ của họ đối với chính quyền; bất cứ thứ gì làm cho cộng sản có vẻ xấu xa. 

Đó là những âm mưu đáng chú ý. Hoa Kỳ và các tay sai của họ đã sử dụng chất nổ, phóng hỏa, cắt đường dây điện và những phương pháp khác để phá hoại các trạm điện, bến tàu, kênh, tòa nhà công cộng, trạm xăng, cầu…; họ làm chệch đường ray tàu hàng, gây thương tích nghiêm trọng cho công nhân; đốt cháy 12 toa của một tàu chở hàng và phá hủy nồi hơi của một tàu khác; sử dụng a xít để phá hoại máy móc của các nhà máy phục vụ cho đời sống; bỏ cát vào tua bin của một nhà máy, khiến nó ngừng hoạt động; phóng hỏa một nhà máy sản xuất ngói; kích động lãn công trong các nhà máy; đầu độc chết 7.000 con bò của một hợp tác xã sữa; bỏ xã phòng vào sữa bột cung cấp cho các trường học Đông Đức; bị bắt khi lưu trú, mang theo một lượng lớn chất độc cantharindin với kế hoạch sản xuất thuốc lá độc để giết hại các lãnh đạo Đông Đức; đặt bom bẩn để phá rối các cuộc họp chính trị; âm mưu phá hoại Liên Hoan Thanh Niên Thế Giới ở Đông Berlin bằng cách gửi các giấy mời bị tẩy xóa, lừa dối về chỗ ngủ và đi lại miễn phí, giả các thông báo về thay đổi chương trình… ; thực hiện các vụ tấn công người tham dự với chất nổ, bom cháy, và các thiết bị quấy nhiễu; tẩy xóa và phân phát một số lượng lớn các phiếu khẩu phần ăn gây rối loạn, thiếu hụt và oán giận, tẩy xóa các bản fax thông báo và hướng dẫn khác của chính quyền rồi gửi đi để ly gián tổ chức và vô hiệu hóa các ngành công nghiệp cũng như công đoàn… tất cả những chuyện như vậy và còn hơn nữa. 

Trung Tâm Học Giả Quốc Tế Woodrow Wilson, ở Washington DC, chiến binh chiến tranh lạnh bảo thủ, một trong số các nghiên cứu của họ, Văn Bản Nghiên Cứu Dự Án Lịch Sử Chiến Tranh Lạnh Quốc Tế (#58, trang 9) viết: “Biên giới mở ở Berlin đã đưa đến GDR [Đông Berlin] hàng loạt các hoạt động gián điệp cũng như lật đổ, và theo như hai tài liệu trong phụ lục cho thấy, việc đóng cửa đã giúp cho cộng sản an toàn hơn”.

Suốt những năm 1950, Đông Đức và Liên Bang Soviet thường xuyên đưa các bản kháng với nghị đồng minh trước kia của Soviet ở phía Tây và Liên Hiệp Quốc về hoạt động phá hoại và gián điệp nghiêm trọng cũng như kêu gọi đóng cửa các văn phòng ở Tây Berlin mà họ khẳng định là phải chịu trách nhiệm, họ cũng cung cấp tên và địa chỉ của những văn phòng đó. Các kháng nghị của họ đã bị lờ đi. Không còn cách nào khác, Đông Đức buộc phải đóng các lối vào từ phía Tây, dẫn đến bức tường tai tiếng. Mặc dù vậy, ngay cả khi bức tường đã được dựng lên thì vẫn thường có dòng người di cư hợp pháp tuy có giới hạn từ đông sang tây. Vào năm 1984, Đông Đức cho phép 40.000 người rời khỏi. Vào năm 1985, tạp chí Đông Đức khẳng định hơn 20.000 cựu công dân đã định cư ở phía Tây muốn quay trở về nhà sau khi thất vọng với hệ thống tư bản. Chính quyền Tây Đức nói rằng có 14.300 người Đông Đức đã trở về nhà trong 10 năm trước đó.

Chúng ta đừng quên rằng khi Đông Đức đã tẩy sạch phát xít, ở Tây Đức hơn một thập kỷ sau chiến tranh, các vị trí cao nhất trong chính quyền từ hành pháp, lập pháp cho tới tư pháp vẫn còn hàng sa số các “cựu” phát xít.

Cuối cùng, cần phải nhớ rằng miền đông Châu Âu trở thành cộng sản là do Hitler, với sự chấp thuận của phương Tây, đã dùng họ như là đường cao tốc tiến đến Liên Bang Soviet nhằm xóa sổ vĩnh viễn chủ nghĩa Bôn-sê-vích, và nước Nga trong thế chiến thứ I cũng như thứ II đã tổn thất 40 triệu người bởi phương Tây sử dụng con đường cao tốc này để xâm lược nước Nga. Không có gì ngạc nhiên khi sau thế chiến thứ II Soviet quyết định đóng cửa con đường cao tốc đó.

Một quan điểm bổ sung và rất thú vị về kỷ niệm Bức Tường Berlin, xin hãy xem bài báo “Humpty Dumpty and the Fall of Berlin’s Wall” của tác giả Victor Grossman. Grossman (tên khác là Steve Wechsler) trốn khỏi quân đội Hoa Kỳ ở Đức do những đe dọa thời kỳ MacCarthy, trở thành một nhà báo và nhà văn trong suốt những năm ông ở Cộng Hòa Dân Chủ (Đông) Đức. Ông hiện vẫn sống ở Berlin và gửi đi “Bản tin Berlin” về sự phát triển của Đức trên nền tảng sai lệch. Bạn có thể gửi đăng ký theo dõi vào địa chỉ email Wechsler_grossman@yahoo.de . Tiểu sử của ông: “Crossing the River: a Memoir of the American Left, the Cold War and Life in East Germany” được xuất bản bởi University of Massachusetts Press. Ông khẳng định là mình cá nhân duy nhất trên thế giới có bằng cử nhân của cả đại học Harvard và và đại học Karl Marx ở Leipzig.

Saturday, September 27, 2014

Rosa Park và những điều các nhà dân chủ ở Việt Nam không nói đến

Các đại diện của phong trào dân chủ Việt Nam thường lấy tấm gương Rosa Park, một phụ nữ da đen đấu tranh cho quyền bình đẳng ở Mỹ vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, để làm hình mẫu phong trào dân chủ Việt Nam. Chỉ cần một người bình thường, dũng cảm đứng lên đấu tranh là có thể thúc đẩy phong trào dân chủ hay nhân quyền tiến tới. Song sự thật ra sao?

Nhà báo Huy Đức, thường được biết đến dưới cái tên Osin viết trong bài báo đăng trên tờ Tuổi Trẻ vào năm 2005 về diễn biến vụ Rosa Park như sau:

Ngày 1-12-1955, sau một ngày làm việc, Rosa Parks, năm ấy 42 tuổi, leo lên một chiếc xe buýt và ngồi vào hàng ghế phía trước, phần được ghi là dành riêng cho người da trắng. Dù được yêu cầu Rosa vẫn không chịu đứng lên. Bà bị bắt. Luật của tiểu bang Alabama khi đó buộc những người da đen như bà phải ngồi ở những hàng ghế sau và lúc nào có yêu cầu đều phải nhường chỗ cho những người da trắng.

Tường thuật đó hoàn toàn sai lệch với những gì xảy ra trong thực tế. Hồi đó các xe bus ở Montgomery được chia làm ba khu vực. Bốn hàng ghế đầu tiên được dành riêng cho người da trắng, người da đen phải ngồi ở các hàng ghế ở cuối xe, và một hàng ghế ở giữa xe thì người da đen có thể ngồi nếu không có người da trắng ngồi ở đó, nếu có người da trắng muốn ngồi ở hàng ghế giữa xe thì tất cả người da đen đang ngồi ở hàng giữa phải rời khỏi hàng ghế đó.

Vào ngày hôm ấy, hàng ghế dành riêng cho người da trắng đã kín chỗ, và hàng ghế ở giữa có bốn người da màu ngồi, Rosa Park là một trong số những người da màu đó. Một người da trắng mới lên xe phải ngồi vào hàng ghế giữa, theo luật cả bốn người da màu phải rời khỏi hàng ghế giữa. Ba người da màu đã thực hiện trừ Rosa Park.

Câu chuyện là như vậy nhưng nhà báo (hiện giờ là nhà dân chủ) của chúng ta đã bịa ra chuyện Rosa Park ngồi vào hàng ghế dành riêng cho người da trắng. Không bao giờ Rosa Park có thể làm như vậy vì ngay lập tức bà sẽ bị ném khỏi xe bus. Thậm chí sau đó có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình, vì đó không phải là phản kháng mà là khiêu khích. Người da trắng không ngồi gần người da đen, nên nếu Rosa Park ngồi vào khu vực dành riêng cho người da trắng thì có nghĩa là bà đuổi tất cả người da trắng xuống khỏi xe bus. 

Điều mà các nhà dân chủ ở Việt Nam không bao giờ nói đến là trước khi sự kiện Rosa Park xảy ra đã có nhiều nỗ lực của người da màu đấu tranh cho quyền bình đẳng, nhiều người đã hành động tương tự như Rosa Park. Họ bị bắt, bị đưa ra tòa và bị kết án, hầu như không có hiệu quả hay tạo thu hút được sự chú ý của công chúng. Ví dụ chỉ vài ngày trước Rosa Park đã có một cô gái da màu 15 tuổi đang mang bầu tên là Caludette Colvin, trên một chuyến xe bus ở chính Montgomery cũng đã từ chối rời khỏi hàng ghế giữa khi có người da trắng muốn ngồi, theo giáo sư Noam Chomsky trong cuốn "Nhận diện quyền lực" đã xuất bản ở Việt Nam thì Hiệp Hội Quốc Gia Vì Sự Tiến Bộ Của Người Da Màu (NAACP) đã nhận định Colvin không phải là biểu tượng thích hợp để phát động phong trào. Rất nhiều người đã đấu tranh bền bỉ trong nhiều thập kỷ và đến sự kiện Rosa Park, khi tổ chức của họ đã thực sự vững mạnh và thời cơ đã chín muồi thì phong trào đòi bình đẳng mới đạt được thắng lợi quan trọng. Sự kiện Rosa Park chỉ là một trong số rất nhiều nỗ lực đấu tranh của phong trào nhân quyền. Sự khác biệt căn bản là vụ Rosa Park không phải là một hành động bột phát ngẫu nhiên vì mệt mỏi hay bức xúc, đó là một hành động có chủ ý trong một chiến dịch được tổ chức tốt. Theo tác giả Aldon Morris trong cuốn "The Origin of Civil Rights Movement" thì chiến dịch tẩy chay xe bus ở Montgomery đã được NAACP lên kế hoạch cẩn thận và chọn Rosa Park làm người châm ngòi nổ. 

Rosa Park không phải là một người phụ nữ bình thường, học vấn thấp như truyền thông chính thống Hoa Kỳ và các đại diện của phong trào dân chủ Việt Nam vẫn mô tả. Thực tế bà được NAACP chọn làm biểu tượng vì bà hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết cho chiến dịch của họ, cả về giới tính, gia đình, độ tuổi lẫn học vấn và trình độ chính trị. Mặc dù chỉ có bằng tốt nghiệp trung học, song Rosa Park thuộc về một nhóm rất nhỏ có học vấn cao trong cộng đồng người da màu vì vào thời đó chỉ có 7% người da màu tốt nghiệp trung học. Điều quan trọng nhất là Rosa Park được đào tạo và hoạt động nhiều năm trong phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu. Chồng của Rosa Park là một nhà hoạt động đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu thuộc NAACP. Bản thân Rosa Park hoạt động rất tích cực trong phong trào đăng ký cử tri và bảo vệ quyền lợi cho người da màu ngay từ khi còn trẻ. Từ năm 1943, Rosa Park đã là thư ký của chi nhánh NAACP ở địa phương. Cần nói thêm là thư ký cho một tổ chức chính trị thì không phải là người làm các công việc ghi chép thông thường, thực tế đó là một chức vụ lãnh đạo. Năm tháng trước khi xảy ra sự kiện trên xe bus, Rosa Park đã theo học tại trường Highlander Folk, đó là nơi chuyên đào tạo các nhà hoạt động cho phong trào chính trị của công nhân, có lẽ là sự chuẩn bị cho chiến dịch sau này.

Cuối cùng, phe cực hữu của Mỹ thời đó đã nhanh chóng đưa ra các bằng chứng cho thấy Rosa Park có liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng Sản Mỹ, nhằm tố cáo bà là cộng sản. Họ đã không chứng minh được Rosa Park là thành viên của Đảng Cộng Sản Mỹ, nhưng việc Rosa Park được huấn luyện và chịu ảnh hưởng của những người cộng sản Mỹ thì rất rõ ràng. Trường Highlander Folk mà Rosa Park theo học do Myles Horton và James Dombroski, hai đảng viên Đảng Cộng Sản Mỹ, lập ra vào năm 1932 để đào tạo các nhà hoạt động cho phong trào Cộng Sản. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Montgomery, Alamamba được NAACP chọn làm nơi phát động phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da màu, ở đó cộng đồng dân cư địa phương chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa cộng sản và được tôi luyện trong các phong trào công nhân nên họ hiểu biết sâu sắc về chính trị, can đảm, có kỷ luật và được tổ chức tốt. Thực tế cho thấy NAACP đã lựa chọn đúng và Montgomery trở thành điểm đột phá trong phong trào đòi nhân quyền cho người da màu.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây không chỉ là việc bóp méo sự thật, chống lại phong trào của giai cấp lao động bằng cách biến nó thành một thứ huyền thoại ngớ ngẩn về chủ nghĩa anh hùng cá nhân, mà còn là ở chỗ các nhà dân chủ ở Việt Nam cố biến một thành công của những người cộng sản thành tấm gương để khích lệ việc chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Một năm sau bài viết trên tình cờ tôi được đọc một bài viết bằng tiếng Anh, có nội dung gần giống với bài viết của mình nhân dịp kỷ niệm sự kiện Rosa Park: Today in history: Rosa Parks takes a stand by sitting down