Showing posts with label Kinh Tế. Show all posts
Showing posts with label Kinh Tế. Show all posts

Sunday, March 7, 2021

Các Phiên Bản Người Đẹp Ngủ Trong Rừng

Câu chuyện cổ tích "Người Đẹp Ngủ Trong Rừng" của phương Tây được kể lại nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay.

Phiên bản của thủ tướng.




Phiên bản của các tỉnh.



Còn đây có lẽ là phiên bản gốc.


Chuyện "Người Đẹp Ngủ Trong Rừng" có nhiều phiên bản cổ hơn phiên bản của anh em nhà Grimm. Một phiên bản đó là của Italia. Trong phiên bản này, không phải hoàng tử đã đánh thức người đẹp. Trái lại, anh ta đã cưỡng hiếp người đẹp rồi bỏ đi, khiến cô sinh ra hai đứa bé trong khi ngủ. Một đứa bé đã mút ngón tay cô và làm cái rằm cắm ở đó rơi ra, thế là cô tỉnh giấc ngủ trăm năm.

Người đẹp sẽ thức giấc, nhưng đôi khi không phải theo cách mà anh em nhà Grimm vẫn kể.

P/s: Đây là phiên bản đời thực, không phải chuyện cổ tích.

Tuesday, November 5, 2019

Công nhân, chủ doanh nghiệp và nhà nước

Khi có xung đột giữa công nhân và doanh nghiệp, như hiện nay, doanh nghiệp đòi tăng giờ làm thêm, công nhân đòi giảm giờ làm từ 48 tiếng/tuần xuống 44 tiếng/tuần, một vị đại diện cho nhà nước đứng ra nói như thế này: Bây giờ đất nước ta còn nghèo, giảm giờ làm xuống thì chi phí lao động tăng lên, giá cả hàng hóa tăng lên thế là hàng hóa xuất khẩu mất cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế giảm, thì nước ta thoát nghèo thế nào được.


Ấy thế là cái lý gì? Tất nhiên người nhà nước là phải lo lắng cho lợi ích quốc gia, đứng trên cả chủ doanh nghiệp lẫn công nhân rồi. Người ta nói ắt hẳn có lý do chính đáng. Mà lý lẽ hợp lý hợp tình đến thế kia thì ai mà không nghe cho được nhỉ?

Ở đây mấu chốt của vấn đề không phải là việc nhồi nhét lợi ích quốc gia vào cái việc bắt công nhân làm 48 tiếng/tuần mà là cái căn cứ để người ta tính toán cái lợi ích đó. Đại thể người ta sẽ tính thế này, trước kia công nhân làm 48 tiếng/tuần, giờ làm 44 tiếng/tuần thì với năng suất như cũ muốn có sản lượng như cũ sẽ phải thuê công nhân làm thêm 4 tiếng, chi phí lao động sẽ tăng thêm 4/44, tức là 9,1%. Chi phí lao động đội lên 9.1%, giá cả hàng hóa xuất khẩu vì thế cũng tăng lên, hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn. Mọi thứ rõ ràng là rất thuyết phục.

Chìa khóa của vấn đề: Tiền lương là giá cả của lao động hay sức lao động?

Trong tính toán của người nhà nước thì tổng tiền lương khi làm 44h với 48h là khác nhau, hay nói cách khác tiền lương được tính theo số giờ lao động và không cố định, làm nhiều hưởng nhiều, ẩn giấu đằng sau cái tính toán đó là cái luận điểm: Tiền lương là giá cả của lao động! Đằng sau những thứ kêu choang choang về lợi ích quốc gia, thực ra là lợi ích và quan điểm của chủ doanh nghiệp. Khi anh nhà nước tính toán theo quan điểm của chủ doanh nghiệp thì anh ta đứng về phía chủ doanh nghiệp.

Còn bây giờ là quan điểm của công nhân: Tiền lương của công nhân là giá cả của sức lao động, được tạo thành từ chi phí nuôi sống và đào tạo nghề nghiệp cho công nhân, do đó nó cố định, làm 44h/tuần hay 48h/tuần cũng không làm thay đổi nó được. Việc giảm thời gian lao động xuống không làm tăng chi phí lao động, lại càng không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.

Người ta sẽ lại thắc mắc rằng chủ doanh nghiệp phải thuê thêm lao động 4h mỗi tuần, phải trả thêm tiền mà anh lại nói rằng chi phí lao động không tăng là sao? Nhưng người ta quên mất rằng đâu có gì buộc chủ doanh nghiệp vẫn phải giữ nguyên mức lương cũ khi thời gian làm việc giảm xuống. Ví dụ, công nhân đi làm 48h/ tuần, nhận được 96 đồng tiền lương, giờ họ chỉ phải làm việc 44h/tuần. Chủ doanh nghiệp biết rằng công nhân sẽ buộc phải đi làm để kiếm đủ sống, họ sẽ hạ lương tuần xuống 88 đồng và trả 8 đồng cho 4h làm thêm. Vậy là công nhân vẫn phải đi làm với mức lương như cũ. Tổng mức tiền lương vẫn như cũ, chủ doanh nghiệp không cần phải tăng lương thêm đồng nào cả.

Khi người ta hiểu rằng tiền lương là giá cả của sức lao động thì việc tăng hay giảm thời gian lao động sẽ không ảnh hưởng đến chi phí lao động và không ảnh hưởng gì đến giá cả hàng hóa cả, nhưng việc giảm thời gian lao động sẽ làm thời gian lao động thặng dư và ảnh hưởng tới lợi nhuận của chủ doanh nghiệp. Đấy mới là cái khiến chủ doanh nghiệp không hài lòng và tất nhiên là người nhà nước phải bảo vệ lợi ích quốc gia trên quan điểm của chủ doanh nghiệp.

Thế còn việc kéo dài thời gian làm thêm? Người ta sẽ nói: công nhân làm thêm thì có thêm tiền, cũng tốt chứ sao? Vẫn là giả định: Tiền lương là giá cả của lao động. Sự thực là doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian làm thêm để hạ lương thời gian làm chính xuống, nên vào thời kỳ ít việc thì doanh nghiệp sẽ trả cho công nhân đồng lương chết đói. Mặt khác, theo luật Việt Nam tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội nên chủ doanh nghiệp sẽ còn ăn bớt cả lương hưu của công nhân nữa.

Ví dụ cụ thể: Công nhân đang đi làm 8 tiếng mỗi ngày, tiền lương theo giờ là 12,5 đồng/h, tổng lương là 100 đồng / ngày, bảo hiểm xã hội chủ phải đóng là 10% tiền lương. Tổng chi phí lao động là 110 đồng. Bây giờ chủ doanh nghiệp được phép tổ chức làm thêm 2h mỗi ngày với điều kiện tiền lương làm thêm phải gấp đôi tiền lương chính, kết quả không phải là công nhân nhận được 140 đồng. Thực tế là như thế này, chủ doanh nghiệp sẽ hạ tiền lương tính theo giờ xuống còn 100/12 = 8.33 đồng, 8h làm chính thức chỉ còn mang lại cho công nhân 66,67 đồng, còn 2h làm thêm sẽ mang lại thu nhập: 33,33 đồng. Song bi kịch chưa dừng ở chỗ đó, tiền bảo hiểm xã hội 10% trước kia được tính trên 8h làm chính thức là 10 đồng, bây giờ chỉ còn 6,67 đồng vì tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp sẽ đút túi thêm 3,33 đồng đó. Bi kịch thế đã đủ chưa? Vẫn chưa đâu. Những doanh nghiệp được tùy ý tổ chức làm thêm thì họ sẽ chỉ cho công nhân làm thêm vào thời kỳ họ cần, chỉ vào thời kỳ đó công nhân mới nhận được mức lương đủ sống, còn bình thường họ sẽ trả mức lương bị hạ thấp của thời gian làm chính thức, công nhân sẽ phải nhận đồng lương chết đói.

Khi nhìn từ góc độ của công nhân thì người ta sẽ thấy rõ cái mánh khóe của chủ doanh nghiệp nhằm móc túi công nhân. Mặt khác, ai cũng biết rằng bảo hiểm xã hội lấy nguồn thu hiện tại để thanh toán cho người lao động nghỉ hưu, khi doanh nghiệp có thể kéo dài thời gian làm thêm thì họ sẽ dồn tiền lương sang tiền làm thêm giờ để giảm khoản đóng góp cho bảo hiểm xã hội. Sự thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội ấy tất yếu sẽ buộc nhà nước phải bù vào để giúp cho những người lao động nghỉ hưu có thể sống sót.


Lợi ích quốc gia được đồng nhất với lợi nhuận của doanh nghiệp trong vấn đề giảm số giờ làm việc của công nhân còn 44h/tuần. Giới chủ than vãn như trời sắp sập đến nơi. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên giảm giờ làm mà Việt Nam cũng không phải nước duy nhất giảm giờ làm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi giờ làm giảm đi thì lương công nhân cũng không thay đổi nhiều. Giảm giờ làm 4h mỗi tuần thì cũng không phải là quá nhiều, chủ doanh nghiệp sẽ đẩy cường độ lao động cao hơn để duy trì sản lượng như cũ, tức là không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa hay tăng trưởng GDP. Tuy vậy, chưa phải là hết, chủ doanh nghiệp sẽ có thêm một phần lợi nhuận từ chi phí tiết kiệm được, đó là chi phí cơ sở vật chất và chi phí quản lý, giảm giờ làm thì những chi phí này cũng giảm đi. Thật tình cờ là cái khoản mà chủ doanh nghiệp tiết kiệm được này bị giấu biệt, không xuất hiện trong bất cứ tính toán nào về tác động của việc giảm giờ làm.

Những kẻ nhân danh lợi ích quốc gia để thuyết phục công nhân hy sinh lợi ích của bản thân bao giờ cũng là những tôi tớ trung thành nhất của chủ doanh nghiệp. Họ tính toán lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế, nhưng tính toán của họ không bao giờ có chỗ cho người lao động.

Saturday, November 2, 2019

Sức lao động và lao động

Kéo dài thời gian làm thêm đang là vấn đề thời sự nóng bỏng ở Việt Nam. Về bản chất, việc kéo dài thời gian làm thêm chỉ là kéo dài thời gian lao động của công nhân.

Bản chất vấn đề

Người ta không sẽ không thể hiểu rõ được vấn đề này nếu không trả lời câu hỏi: Nhà tư bản mua cái gì của công nhân, lao động hay sức lao động?

Chủ doanh nghiệp thì luôn khẳng định rằng: Họ mua lao động của công nhân. Công nhân làm bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Không ai bóc lột ai cả. Sở dĩ phải kéo dài thời gian làm việc là bởi vì công nhân năng suất thấp, muốn làm nhiều giờ hơn để có thu nhập cao hơn. Lợi nhuận của tư bản là do tư bản sinh ra vậy nên nếu muốn họ có thể dùng máy móc thay thế hoàn toàn công nhân mà vẫn có lợi nhuận.

Công nhân thì trả lời rằng: Họ bán sức lao động, không bán lao động. Lao động là sự kết hợp giữa sức lao động và tư liệu sản xuất mà tư liệu sản xuất nằm trong tay giới chủ. Nếu không bán sức lao động cho giới chủ thì sức lao động của công nhân không có cách nào kết hợp được với tư liệu sản xuất. Nhưng cũng từ đó thì nảy sinh vấn đề, giá trị của sức lao động và giá trị do lao động tạo ra là hai thứ khác nhau. Nhà tư bản có được lợi nhuận là từ việc bóc lột lao động làm thuê. Việc kéo dài thời gian lao động là để gia tăng lợi nhuận cho tư bản chứ không phải làm tăng thu nhập cho công nhân.

Một ví dụ đơn giản cho vấn đề này:  Người công nhân cần 100 đồng mỗi ngày để nuôi sống bản thân, nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi ngày anh ta chỉ làm ra 100 đồng. Nếu nhà tư bản thuê anh ta 100 đồng và anh ta chỉ làm ra đúng 100 đồng thì lợi nhuận ở đâu ra? Nên điều đó có nghĩa là công nhân phải làm ra 200 đồng hoặc nhiều hơn nữa, một phần để bù đắp lại sức lao động của anh ta, một phần trở thành lợi nhuận của nhà tư bản.

Điều này sẽ tiết lộ cái bí mật mà nhà tư bản che giấu. Ngày lao động của công nhân được chia làm hai phần, một phần bù đắp lại sức lao động đã bỏ ra của anh ta và một phần tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản. Cái mà nhà tư bản muốn không phải là lao động của công nhân mà là lợi nhuận nên họ phải tìm cách kéo dài mãi cái phần lao động không công kia ra.

Vào buổi bình minh của chế độ tư bản, chủ doanh nghiệp tăng lợi nhuận bằng cách kéo dài một cách điên cuồng ngày lao động của công nhân. Ví dụ, một ngày lao động có 8 giờ thì người công nhân chỉ cần làm 2h là đủ bù đắp tiền công, còn lại 6 giờ là làm không công tạo ra lợi nhuận. Chủ doanh nghiệp muốn có thêm lợi nhuận thì họ kéo dài ngày lao động thành 10 tiếng, 12 tiếng hay 14 tiếng. Nhưng việc bóc lột công nhân bằng cách kéo dài thời gian lao động không thể duy trì mãi, nó vấp phải giới hạn sinh học của con người, nên sau đó giới chủ doanh nghiệp phải nghĩ ra cách khác, đấy là vẫn trong giới hạn 8 tiếng một ngày thì đẩy cái thời gian lao động cần thiết để bù đắp lại tiền công thấp xuống, từ 2 tiếng xuống còn 1 tiếng, thậm chí 30 phút, điều này được thực hiện nhờ việc sử dụng máy móc và áp dụng công nghệ tự động hóa trên quy mô lớn. Điều này có nghĩa là việc sử dụng máy móc một mặt giảm số lượng công nhân được thuê xuống nhưng lại bắt số công nhân được thuê phải làm việc nhiều hơn với cường độ cao hơn. Tuy vậy, việc giới hạn giờ lao động trên thực tế không ở đâu và không bao giờ do giai cấp tư sản tự nguyện áp dụng, bất chấp mọi lợi ích, mà chỉ được áp dụng một cách phổ biến dưới sự đấu tranh dữ dội của công nhân. Vậy nên có thể nói rằng chính sự đấu tranh của công nhân mới thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của chủ nghĩa tư bản.

Quay lại ví dụ ở trên, nếu mỗi công nhân làm ngày 8 tiếng và nhận được 100 đồng thì tiền lương theo giờ của họ là 12.5 đồng. Giờ lao động được tăng lên 10 tiếng mỗi ngày thì tiền lương theo giờ của công nhân sẽ chỉ còn 10 đồng. Sở dĩ có điều này là vì tiền lương trả cho sức lao động chứ không phải lao động, giá trị của sức lao động là cố định và được tạo ra trước khi ném vào quá trình sản xuất. Theo quy luật kinh tế thị trường, nhà tư bản mua sức lao động đúng với giá trị của nó chứ không mua cao hơn hay thấp hơn cái giá trị đó. Cái lập luận công nhân có năng suất lao động thấp nên cần làm thêm để cải thiện thu nhập của giới chủ thực ra là chỉ để cải thiện cái túi tiền của chính họ mà thôi. Việc giảm tiền lương theo giờ (hoặc theo sản phẩm) của công nhân xuống có ý nghĩa rất quan trọng đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, họ có sẽ có được lợi nhuận cao hơn và cạnh tranh được với các doanh nghiệp sử dụng tự động hóa. Ngược lại đối với công nhân có nghĩa là họ phải làm việc nhiều hơn, mất đi nhiều thời gian của bản thân để kiếm sống.

Lập luận của giới chủ cho rằng cần kéo dài giờ làm giúp giới chủ tích lũy tư bản để ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa sản xuất là hoàn toàn vô nghĩa. Chừng nào họ còn kéo dài được thời gian lao động của công nhân thì không có lý do gì họ phải đưa máy móc vào thay thế công nhân cả, ngay cả khi họ đủ điều kiện để làm việc đó. Ngược lại họ chỉ làm điều đó khi đối mặt với việc giờ lao động của công nhân bị giới hạn một cách cưỡng bức. Ngay cả các nhà kinh tế học tư sản, những nô lệ trung thành nhất của chủ doanh nghiệp, cũng thừa nhận điều này trong cái phân tích hoa mỹ về đánh đổi giữa công nhân và máy móc khi tiền lương thay đổi.

Sự tha hóa của người lao động

Khi công nhân bán sức lao động cho nhà tư bản thì sức lao động của họ trở thành một vật thuộc sở hữu của nhà tư bản. Nhà tư bản sở hữu những thứ mà tư bản mua được. Họ đem chúng kết hợp lại trong quá trình sản xuất mà họ là chủ sở hữu, là chỉ huy tối cao. Vậy nên trong quá trình sản xuất thì công nhân phải từ bỏ lý tính của mình, họ không còn được tư duy nữa, họ chỉ là một cái máy như mọi cái máy khác, hoạt động theo mệnh lệnh của nhà tư bản. Trong quá trình sản xuất thì chỉ có nhà tư bản là con người, là kẻ có tư duy và ra mọi quyết định đối với những thứ thuộc sở hữu của mình. Vậy nên một mặt công nhân với tư cách là con người phải có lý tính, mặt khác họ phải trở thành vật vô tri trong quá trình sản xuất. Do vậy, lý tính của công nhân khi xuất hiện bao giờ cũng thể hiện ra là sự chống lại cái quá trình biến họ thành vật vô tri. Dưới con mắt của nhà tư bản, chỉ huy tối cao của quá trình sản xuất, thì đó là sự ngu dốt, sự nổi loạn, một tội ác không thể tha thứ. Vấn đề này chỉ có thể hiểu được nếu xuất phát từ thực tế là công nhân bán sức lao động, còn nếu giả định là công nhân bán lao động, tức là họ còn tư duy và làm chủ quá trình lao động, thì không bao giờ có thể hiểu được điều này.

Sự ngu dốt của công nhân trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản phẩm của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, không thể nào xóa bỏ nó chừng nào không xóa bỏ cái quan hệ sản xuất ấy. Mọi lập luận cho rằng công nhân cần phải học tập nhà tư bản để xóa bỏ quan hệ lao động làm thuê đều dựa trên giả định công nhân bán lao động, tức là lập luận của giới chủ, và do đó phục vụ cho giới chủ doanh nghiệp.


Kết luận


Các lập luận của giới chủ đòi tăng giờ làm thêm của công nhân, một cách nói mỹ miều cho việc kéo dài thời gian lao động, trái với những tô vẽ của họ, đều chỉ nhằm mục đích giảm tiền lương theo giờ hoặc theo sản phẩm của công nhân, để gia tăng lợi nhuận. Mặt khác quá trình này cũng chống lại việc hiện đại hóa và áp dụng máy móc vào sản xuất, bởi vì việc hiện đại hóa bao giờ cũng phải bắt đầu bằng việc hạn chế số giờ lao động hàng ngày của công nhân.

Đối với công nhân việc kéo dài thời gian lao động có nghĩa là kéo lùi mọi tiến bộ xã hội. Họ phải làm việc nhiều giờ hơn để kiếm sống, có nghĩa là ít thời gian hơn để chăm sóc cho bản thân và gia đình. Họ sẽ không có thời gian để học hành, tức là không thể tiến bộ được. Họ sẽ không chăm sóc được cho gia đình, có nghĩa là những cặp đôi chung sống tạm bợ với nhau sẽ tăng lên, gây ra những hậu quả nặng nề về mặt xã hội. Họ sẽ không có thời gian chăm sóc con cái, điều này có nghĩa là họ sẽ không sinh đẻ nữa hoặc con cái của họ sẽ được gửi vào các nhà ngục trẻ em đang mọc lên như nấm quanh các khu công nhân. Sự giàu có của chủ nghĩa tư bản gắn liền với sự bần cùng của giai cấp vô sản, hay nói cách khác sự bần cùng của giai cấp vô sản là cái nguồn tạo ra của cải cho chủ nghĩa tư bản. Đây mới là điều cần phải chấm dứt.

Sunday, September 8, 2019

Lao động và tự do

Chúng ta vẫn thường nghe thấy báo chí nói rằng một người lao động ở Singapore hay ở Nhật có năng suất lao động cao gấp mấy chục lần người Việt Nam. Người ta nói rằng năng suất lao động cao hơn thì giàu hơn, dân Việt Nam nghèo là vì năng suất lao động thấp.

Người ta cũng thường lấy ví dụ về những người già ở Nhật hay ở Singapore đến năm 70-80 tuổi vẫn phải đi làm, họ gọi đó là chăm chỉ. Chăm chỉ thì mới giàu, còn lười biếng như dân Việt Nam, 60 tuổi đã nghỉ hưu nên nghèo.

Câu hỏi: 

  1. Nếu năng suất lao động của dân Nhật hay Singapore cao gấp mấy chục lần Việt Nam thì sao mức sống của người lao động bình thường ở đó không gấp mấy chục lần Việt Nam vậy? Thực tế mức sống của một người công nhân ở Nhật hay ở Việt Nam không chênh lệch nhiều. Cái năng suất lao động cao hơn mấy chục lần ấy đã chui vào túi ai?
  2. Nếu một quốc gia thực sự giàu có và an sinh xã hội tốt thì những người già sẽ được nghỉ hưu sớm, nhường chỗ cho những người trẻ khỏe hơn. Thực tế là an sinh xã hội của Nhật hay Singapore đều không đủ tốt, người lao động phải làm việc lâu năm mà lương hưu không vẫn không đủ sống nên họ buộc phải đi làm để kiếm thêm. Tại sao một sự thất bại của xã hội tư bản lại được coi là nguyên nhân thành công của họ?
Xã hội loài người cho tới nay là xã hội có sự phân chia giai cấp: giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Lao động của người bị bóc lột bao giờ cũng bị chia làm hai phần: Phần thứ nhất để nuôi sống bản thân. Phần thứ hai là để làm giàu cho kẻ bóc lột, bất kể là dưới dạng thuế khóa nộp cho nhà nước hay lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp.

Cái phần lao động mà nhà nước và giới chủ doanh nghiệp quan tâm tới là phần thứ hai, không phải là phần thứ nhất. Họ muốn phần thứ hai càng nhiều càng tốt và phần thứ nhất càng ít càng tốt. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ nhất về năng suất lao động. Năng suất lao động của người Nhật hay người Singapore bình thường quy ra tiền (mặc dù thước đo này rất không chính xác) có cao gấp mấy chục lần người Việt Nam thì mức sống họ cũng không cao hơn đáng kể vì phần lớn thành quả lao động của họ chui vào túi doanh nghiệp và nhà nước. 

Doanh nghiệp luôn tuyên truyền năng suất lao động thấp, đòi kéo dài thời gian làm việc, đòi kéo dài độ tuổi làm việc, đều là để làm đầy túi của họ, chứ không phải để làm đầy túi người lao động. Trái lại, càng làm việc nhiều thì túi người lao động sẽ càng vơi. Nếu như trước kia một người lao động làm việc 20 năm suốt đời mình để nhận được một khoản tiền lương hưu hàng tháng, thì giờ nếu họ phải làm việc 30 năm, theo quy luật thị trường doanh nghiệp sẽ trả lương tháng thấp hơn vì người lao động có thời gian tích lũy lương hưu dài hơn và thời gian hưởng lương hưu ngắn hơn. Ở các nước tư bản, năng suất lao động tỷ lệ nghịch với mức sống của người lao động. Năng suất lao động càng cao thì người lao động sẽ càng nghèo, ngược lại chủ doanh nghiệp và nhà nước sẽ càng giàu.   

Năng suất lao động của người Việt Nam có thực sự thấp người ta như vẫn so sánh? Câu trả lời là không. Bởi vì khác với người lao động ở các nước tư bản đa số người dân Việt Nam chỉ lao động để nuôi sống bản thân mình. Sáu mươi phần trăm người lao động ở Việt Nam là nông dân tự do, họ có mảnh đất canh tác nhỏ để làm ra lương thực nuôi sống bản thân và gia đình, phần này không tính vào năng suất lao động vì không quy ra tiền được. Họ không phải đóng thuế nông nghiệp, thuế đất thì rất thấp. Người lao động rảnh rỗi thì họ làm thêm việc này việc kia để kiếm thêm thu nhập. Chủ doanh nghiệp không có cách nào ép những người lao động tự do đó làm việc với cường độ khủng khiếp như ở các nước tư bản vì họ không buộc phải lao động làm thuê để tồn tại.

Giới chủ doanh nghiệp không quan tâm đến cái phần người ta lao động để nuôi sống bản thân mình, mà chỉ quan tâm đến cái phần họ bóc lột được từ người lao động. Thế nên việc so sánh về năng suất lao động quy ra tiền kia phải hiểu là một người lao động ở Nhật hay ở Singapore bị bóc lột gấp mấy chục lần ở Việt Nam. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ hai. Bí mật cho sự giàu có của các nước tư bản là duy trì mức độ bóc lột cao khủng khiếp đối với người lao động. Chủ doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn áp dụng cái bí quyết thành công của tư bản cho Việt Nam.

Có một người bạn lại hỏi tôi rằng: Tại sao Việt Nam không có các công trình to lớn hoành tráng như các nước khác? Có phải là do năng suất lao động của Việt Nam thấp? Hay là do Việt Nam chiến tranh nhiều, của cải bị tàn phá hết, không có điều kiện làm mấy thứ đó?

Câu trả lời: Chuyện đó đều không liên quan đến năng suất lao động hay chiến tranh. Của cải đổ vào xây dựng những công trình to lớn kia ở đâu ra? Đều là phần bóc lột được từ người lao động. Ở những nước khác, khi nhà nước hay giai cấp thống trị đủ mạnh thì họ bóc lột được lượng của cải khổng lồ từ người lao động, của cải đó sẽ được dùng để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Các công trình ấy đều thuộc về nhà nước hay giai cấp thống trị, đóng vai trò như là biểu tượng cho sự thống trị của họ. Vậy nên những thứ đó là biểu tượng cho sự áp bức, đâu phải là biểu tượng cho sự tự do của người lao động. 

Từ thời xa xưa, Việt Nam đã là một đất nước có tầng lớp nông dân tương đối tự do, mặc dù họ không có quyền công dân trong các xã hội phong kiến song các thiết chế cộng đồng địa phương đại diện cho nông dân đủ mạnh để hạn chế mức độ bóc lột của chính quyền trung ương. Ngay cả những nhà nước phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam cũng không có khả năng bóc lột được những khối của cải thặng dư khổng lồ từ nông dân để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Vậy nên việc thiếu vắng các công trình kỳ vĩ ở Việt Nam không phải do năng suất lao động thấp mà ngược lại là một biểu tượng cho sự tự do tương đối của nông dân. Giới chủ doanh nghiệp tất nhiên cũng không thích điều này, nên họ tìm mọi cách công kích, hạ nhục người Việt Nam nói chung về việc không có các công trình kỳ vĩ.

Khái niệm tự do bao gồm ba nội dung cụ thể. Thứ nhất, mỗi cá nhân đều làm chủ bản thân mình, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, họ không phải làm lao động làm giàu cho ai. Thứ hai, cộng đồng công dân của những người tự do ấy không bị ai cai trị. Thứ ba, quốc gia của họ không phải lệ thuộc vào quốc gia khác. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của người Việt Nam tự do, ai cũng hiểu rằng sự độc lập tự do của quốc gia là một phần của tự do cá nhân. Nói như các cụ thời xưa là: Nước đã mất thì nhà làm gì còn. Bởi vậy nên người Việt Nam luôn chiến đấu hết mình vì độc lập của quốc gia và khinh bỉ những kẻ làm tay sai cho ngoại bang. Tuy vậy, sự bất khuất cũng không thể giúp người Việt Nam đứng vững nếu năng suất lao động không đủ cao để nuôi sống bản thân và duy trì những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài đằng đẵng hàng mấy chục năm. Về mặt chính trị, mưu đồ của những kẻ tuyên truyền năng suất lao động Việt Nam thấp chính là phủ nhận sự độc lập tự cường của Việt Nam. Chúng đều sẽ nói rằng dân Việt Nam có năng suất lao động thấp, ăn còn chả đủ lấy đâu ra của cải mà đánh Pháp đánh Mỹ, đều là nhận viện trợ của nước ngoài để đánh cả và từ đó chúng sẽ kết luận rằng giống loài Việt Nam là một giống loài hạ đẳng chỉ biết đi nhận tiền để đánh thuê cho đế quốc.

Nếu một người lao động Việt Nam tự do có phải nghe mấy câu lải nhải về năng suất lao động thấp, lười biếng hay thấp kém vì không có các công trình hoành tráng thì anh ta có thể ưỡn ngực mỉm cười: Tôi là một người tự do, một kẻ nô lệ cho dù có sống trong lâu đài bằng vàng cũng không bao giờ hiểu được tự do!

(P/s: Bài này được viết theo yêu cầu của Linh bí thư DLV.)

Sunday, October 7, 2018

Thời gian và chủ nghĩa tư bản

Nhân đọc lại cuốn sách của G. Carchedi về chủ nghĩa duy vật lịch sử và nhớ đến câu hỏi của một bạn về nhận thức luận trong cuộc hội thảo hôm trước, bạn đó chưa hiểu rõ vấn đề là ngay ý thức của con người cũng là sản phẩm của một lịch sử cụ thể, nên tôi đã dịch một đoạn nói về đồng hồ và sự hình thành quan niệm về thời gian của con người trong cuốn sách của G. Carchedi, để minh họa cho điều đó.


Dưới đây là ví dụ về một kiến thức vừa mang tính liên thời đại vừa mang tính liên giai cấp: khái niệm thời gian.170 Nhận thức về thời gian của chúng ta bị quy định bởi loại hình xã hội mà chúng sống trong đó. Khái niệm về thời gian của những xã hội trước đây là tuần hoàn – có nghĩa là được gắn liền với các vòng tuần hoàn của tự nhiên, như sự kế tiếp của ngày, mùa và năm – cụ thể và định tính, được gắn liền với công việc cụ thể được gán cho những phần khác nhau trong một ngày. Cho dù được tạo thành từ thợ săn hay thợ cày, các xã hội đó cũng được gắn chặt với các sự kiện cụ thể lặp đi lặp lại. Trong khi các xã hội săn bắn được điều chỉnh bởi các sự kiện sinh thái thì các xã hội nông nghiệp tính toán thời gian dựa vào việc quan sát vị trí của các hành tinh và các ngôi sao. Nếu khái niệm đồng hồ tồn tại thì tự nhiên chính là đồng hồ của họ.171 Trái lại, trong chủ nghĩa tư bản, thời gian trở thành tuyến tính – có nghĩa là đi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, mà tương lai không phải là sự lặp lại của quá khứ, cứ như thể là đi theo một đường thẳng – và trừu tượng, có nghĩa là định lượng bởi vì các khoảng thời gian không còn gắn liền với những hoạt động cụ thể: mọi hoạt động đều có thể thực hiện trong bất cứ khoảng thời gian nào.172 Do đó, thời gian dần dần được chia thành những đoạn nhỏ. Chỉ trong khái niệm thời gian đó thì khái niệm tiến bộ mới có thể xuất hiện, đó là điều không thể tưởng tượng được trong các tôn giáo truyền thống và thế giới quan tin vào sự lặp lại theo chu kỳ của lịch sử. Tương lai không còn cố định trong sự phát triển và lặp lại của quá khứ, trái lại là bỏ ngỏ.

Dấu hiệu quan trọng trong sự xuất hiện khái niệm mới về thời gian là đồng hồ. Đồng hồ chia thời gian thành giờ, phút và giây. Đồng hồ cơ khí được dòng tu Benedictine áp dụng vào thế kỷ thứ bảy sau Công Nguyên. Dòng tu Benedictine khác với các dòng tu khác ở chỗ họ cầu nguyện và thực hiện các công việc tín ngưỡng suốt ngày. Thời gian là khan hiếm và không thể lãng phí. Thời gian cho việc cầu nguyện, thời gian cho việc ăn uống, thời gian để tắm giặt, thời gian để làm việc và thời gian để ngủ. Dòng tu Benedictine dùng giờ làm đơn vị thời gian (xã hội thời trung cổ hiếm khi sử dụng đơn vị giờ). Mọi hoạt động đều được gắn với một giờ cụ thể. Ví dụ, bốn giờ đầu tiên của ngày là dành cho các hoạt động thiết yếu. Bốn giờ tiếp theo để đọc kinh, và cứ tiếp tục như vậy. Điều này có thể coi như là khái niệm hiện đại về thời gian đã xuất hiện ở dòng tu Benedictine. Nhưng các giờ trong ngày vẫn là thời gian cụ thể: mỗi giờ được sử dụng cho một hoạt động cụ thể. Trong chủ nghĩa tư bản thì điều đó sẽ trở thành phi lý, người ta không thể nào hình dung được các hoạt động gắn với một giờ cụ thể: thời gian trở thành trừu tượng.

Đồng hồ ra đời trong hoàn cảnh đó. Nó mang lại nhịp điệu cơ giới cho đời sống thường nhật, do vậy nó được sử dụng trong chủ nghĩa tư bản sau này, khi nhịp điệu cơ giới bắt đầu định hình công việc và đời sống thường nhật của con người. Khái niệm lao động trừu tượng của Marx, một ý tưởng xuất hiện trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, là sự hao phí năng lượng của con người bất kể là loại lao động nào được thực hiện, tìm thấy chỗ trú ẩn trong khái niệm thời gian trừu tượng. Không phải ngẫu nhiên mà đồng hồ đạt được sự ổn định và tính chính xác chỉ sau khi Galileo phát hiện ra chuyển động con lắc vào năm 1649, Huygens ứng dụng chuyển động con lắc cho đồng hồ vào năm 1656. Phút và giây trở thành cảm nhận thường nhật khi chúng xuất hiện trên mặt đồng hồ. Nội dung xã hội của khái niệm thời gian và đồng hồ, vai trò của chúng đối với tái sản xuất của kinh tế tư bản và xã hội, đã được thể hiện rõ. Giờ đây, các hoạt động thương mại và công nghiệp phức tạp được tổ chức một cách sinh lợi dựa vào việc tái cấu trúc lại ngày theo các đơn vị thời gian trừu tượng, bất kể là hoạt động gì, đều có thể được nhồi nhét vào trong một đơn vị thời gian nhỏ dần, cũng giống như tiền. Thời gian trở thành tiền bạc. Kinh tế cũng trở thành kinh tế về thời gian. Cuộc sống của con người và bắt đầu với cuộc sống của người lao động, bị thống trị bởi nhịp điệu của đồng hồ cơ học và sau đó là máy móc, nhịp điệu của chúng cũng đều đặn như đồng hồ. Các khái niệm sinh thái học và vũ trụ về thời gian bị thay thế bằng tiếng tích tắc trống rỗng của đồng hồ.

Dẫu sao khái niệm thời gian này còn có thể hình dung được. Máy tính đưa ra một đơn vị thời gian mà con người không còn hình dung được nữa, nanosecond, một phần tỷ của một giây. Khái niệm về thời gian đó vượt qua khỏi kinh nghiệm của con người và chỉ có máy móc ‘nhận thức’ và đếm được. Như đã nói ở trên, nội dung xã hội của khái niệm này được thể hiện bằng việc áp dụng ý tưởng mới về sự hoàn hảo, người giống như máy hoặc máy giống như người có khả năng nhận thức thời gian như máy tính. Tất cả những phần còn lại của đời sống con người bị tiêu chuẩn hóa, bần cùng hóa, dễ dàng thao túng bằng kỹ thuật gen và hoàn toàn phục tùng tư bản. Đó là khuynh hướng nội tại của khoa học tự nhiên và kỹ thuật hiện nay. Ngay cả nơi trú ẩn cuối cùng của khái niệm thời gian tuần hoàn, chiếc đống hồ có hai kim và hoàn tất chu kỳ sau mỗi 12h, cũng bị thay thế bằng đồng hồ kỹ thuật số và đồng hồ đeo tay, trên đó thời gian chỉ là con số. Mọi sự liên hệ với quá khứ và tương lai đều bị xóa sạch trong đồng hồ kỹ thuật số. Chỉ có hiện tại là tồn tại. Đồng thời, tiếng tích tắc của đồng hồ cơ khí cũng bị thay thế bằng đồng hồ điện tử. Như Rifkins đã bình luận chính xác, đồng hồ kỹ thuật số là ẩn dụ về một xã hội mà trong đó quá khứ cũng như tương lai đều chỉ là chức năng của hiện tại: quá khứ là một tập hợp thông tin có thể truy xuất lại trong ngân hàng dữ liệu và tương lai chỉ là một trong số các sự kết hợp khả thi của những đơn vị thông tin đó. Tương lai không phải là sự hiện thực hóa của những tiềm năng đang trú ẩn trong thực tại đã diễn ra mà chỉ là sự tái kết hợp những thành phần của thực tại đã diễn ra. Vũ trụ không còn được coi là một chiếc đồng hồ vĩ đại, theo truyền thống Newton, mà được nhiều nhà khoa học coi là một dạng hệ thống thông tin tự hành khổng lồ, một dạng máy tính khổng lồ. Cuộc sống được coi là mã hóa của của hàng tỷ đơn vị thông tin, có thể tái cấu trúc tùy ý cho mục đích tạo ra dạng sống mới. Đó là nguồn gốc văn hóa của kỹ thuật gen.

Do vậy, nhờ vào những mâu thuẫn nội tại của hiện tượng xã hội, khai niệm thời gian có thể được kết hợp vào khái niệm hóa mang tính chức năng cho cả sự thống trị của tư bản cũng như sự phản kháng. Ngay cả trong trường hợp sau thì sự phản kháng cũng phụ thuộc vào khái niệm thời gian mang tính chức năng đối với sự liên tục của sự thống trị. Lao động bị buộc phải sử dụng khái niệm thời gian này để chống lại sự thống trị của tư bản, nhưng đồng thời, nó cũng sử dụng khái niệm do tư bản quy định và có nội dung giai cấp ủng hộ tư bản, do vậy, đồng thời vừa tái sản xuất vừa thay thế sự thống trị của tư bản đối với lao động.

170 Much of what follows on this point has been received from Rifkin 1989.
171 Rifkin 1989, pp. 64–5.
172 It has been argued that the notion of concrete time is abstract too, because it is the result of human abstraction. This is trivially true. But concrete vs. abstract here refers to time to be spent for specific activities versus time which can be spent on any activity.

( Phía trên là bản dịch từ trang 264-267, đoạn trích bàn về khái niệm thời gian của chủ nghĩa tư bản, trong cuốn sách "Behind the Crisis" của G. Carchedi.)

Sản xuất tri thức và sản xuất vật chất

Guigliemo Carchedi có một cuốn sách đáng chú ý về chủ nghĩa duy vật lịch sử tên là Behind The Crisis, trong đó có một chương bàn về vai trò của tri thức trong xã hội tư bản.

Trước hết cần phải hiểu là Carchedi phủ nhận lối phân chia lao động trí óc và lao động chân tay, ông phân chia thành hai loại lao động là lao động tinh thần (mental labour) và lao động vật  chất (objective labour), và cả hai loại lao động này đều cấu thành từ lao động trừu tượng và lao động cụ thể, ông phủ nhận lao động trí óc hay lao động chân tay thuần túy, mà coi mọi loại lao động đều bao gồm cả chân tay và trí óc.

Carchedi đặt vấn đề tri thức là vật chất, dựa trên cơ sở quá trình sản xuất ra tri thức cũng là quá trình vật chất, do có sự hao phí sức lao động của con người. Song không phải mọi loại tri thức đều là vật chất, trong quá trình sản xuất ra tri thức thì người lao động sử dụng tri thức chủ quan (công cụ lao động) để biến đổi tri thức khách quan (đối tượng lao động), đã được vật chất hóa, ví dụ một sáng kiến được lưu trong máy tính, thành tri thức mới. Theo quan điểm của Carchedi thì tri thức khách quan mới là vật chất, hay nói cách khác, tri thức đã được vật chất hóa.

Tại sao điều đó lại cần thiết? Bởi vì nó là cơ sở để giải thích quá trình sản xuất và tích lũy tri thức xã hội, nó bác bỏ quan niệm của giới tri thức về việc đồng nhất tri thức chủ quan với khách quan và dẫn đến quan niệm kiểu workerism.

Trong chương về tri thức, G. Carchedi phê phán quan niệm của phái workerism, phái này dựa vào một đoạn trích dẫn Marx nói về vai trò của tri thức chung, tức là tri thức chung trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Họ lập luận rằng dưới chủ nghĩa tư bản thì tri thức xã hội tăng lên không ngừng, được khuếch tán rộng rãi khiến cho nhà tư bản không còn dựa vào lao động trực tiếp được nữa mà ngày càng phải dựa vào tri thức chung của xã hội để tồn tại, mà tri thức này lại nằm trong tay công nhân. Do đó xã hội tư bản sẽ tự biến đổi thành xã hội của công nhân. G. Carchedi chỉ ra rằng các nhà kinh tế chính trị theo phái workerism đã lảng tránh vấn đề sản xuất tri thức trong chủ nghĩa tư bản. Dựa trên phân tích về sản xuất tri thức theo phương pháp phân tích hàng hóa của Marx, tức là phân tích giá trị sử dụng và giá trị, quá trình sản xuất giá trị đồng thời là sản xuất giá trị thặng dư, G. Carchedi chỉ ra rằng, tri thức xã hội chung là món quà tặng miễn phí mà chủ nghĩa tư bản chiếm được, nó chỉ tạo ra giá trị sử dụng, không tạo ra giá trị, rất nhiều tri thức được tạo ra nhằm phục vụ trực tiếp cho sản xuất hoặc phi sản xuất nhưng không bán được cũng không phải là sản xuất giá trị. Bên cạnh đó, việc sản xuất tri thức để bán, tức là sản xuất giá trị ngày càng phát triển, tức là trái ngược với hình dung của phái workerism, việc sản xuất tri thức lại ngày càng rơi vào sự kiểm soát của tư bản, thay vì công nhân.

G. Carchedi nhấn mạnh vào phần sản xuất tri thức trở thành sản xuất giá trị, tức là để đem bán. Việc sản xuất đó hoàn toàn diễn ra trong các điều kiện của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và không cần đến sự thay thế nó. Phái workerism hình dung rằng việc tri thức xã hội trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội theo tiến trình tự nhiên. Carchedi phê phán quan niệm này và chỉ ra là chủ nghĩa tư bản có khả năng kiểm soát việc sản xuất tri thức.

Tóm lại, trong chủ nghĩa tư bản thì sản xuất tri thức ngày càng trở thành sản xuất giá trị, tức là để đem bán lấy tiền. Các nhà khoa học, kỹ sư vĩ đại ngồi trên ngai vàng lấp lánh của chúng ta luôn mơ đến ngày họ sẽ biến thế giới này thành một cỗ máy do họ điều khiển, thay cho những nhà tư bản béo mập, nhưng thực tại đập vào mặt họ là cần phải bán những tri thức họ tạo ra lấy tiền đã, còn không thì về mặt giá trị xã hội họ còn thua cả anh chàng dọn vệ sinh bẩn thỉu mà họ vẫn thường gọi một cách khinh bỉ là đám lao động chân tay hạ đẳng.

Thursday, September 27, 2018

Bàn về chuyện kinh doanh sách giáo khoa

Đánh giá của ủy ban Quốc Hội 
Hệ thống cung cấp sách giáo khoa bao gồm:

1. 90 nhà in sách ở các tỉnh thầu in sách cho NXB Giáo Dục
2. 3 cấp đại lý: đại lý khu vực, đại lý địa phương, đại lý bán lẻ

Về mặt logistic: Việc đặt in tại 90 nhà in ở các tỉnh cho thấy quy mô của các nhà in là nhỏ so với sản lượng sách giáo khoa. Việc gom sách về kho trung tâm rồi sau đó phân phối cho các cấp đại lý là cách làm bình thường. Đây là mô hình mạng lưới tập trung, theo mô hình này không ai lại đi chuyển trực tiếp từ nhà in tới các cấp đại lý phân phối cả, điều đó sẽ phát sinh chi phí vận chuyển lớn hơn nhiều do sản lượng vận chuyển không được tối ưu ở các tuyến vận chuyển. Muốn chuyển sang mô hình phân tán, tức là sản lượng phát hành tại các địa phương sẽ phải cực nhỏ hoặc cực lớn, song điều đó cũng có nghĩa là phải thay đổi chiến lược sản phẩm để khai thác tối đa thị trường địa phương.

Về mặt chiết khấu cho đại lý: Tỷ lệ chiết khấu 40% trông có vẻ cao, nhưng nếu chia theo 3 cấp đại lý thì không nhiều. Phần chiết khấu cũng không phải là lợi nhuận mà các đại lý được hưởng, chúng dùng để bù đắp chi phí kinh doanh của các đại lý nữa, sau khi trừ chi phí mới là lợi nhuận. Ở đây, doanh thu bán sách giáo khoa lên đến 1.000 tỷ đồng, các đại lý được chiết khấu 250 tỷ đồng, có nghĩa là doanh thu thực của các đại lý chỉ là 250 tỷ. Sau khi trừ đi chi phí kinh doanh thì phần lợi nhuận của họ ít hơn 250 tỷ đồng nhiều.
Kết quả kinh doanh SGK của NXB Giáo Dục

Vấn đề thực sự: Chỉ cần một mô tả đơn giản ở trên và chút ít kiến thức về logistic thì người ta thấy ngay là việc phát hành sách giáo khoa đối với các đại lý là gánh nặng. Vấn đề là sách giáo khoa thuộc độc quyền của bộ Giáo Dục và hệ thống đại lý buộc phải cung cấp, họ không được phép từ chối.

NXB Giáo Dục độc quyền phát hành sách giáo khoa thì họ cũng độc quyền gánh vác nghĩa vụ công ích. Điều này thể hiện ở chỗ hệ thống đại lý của họ sẽ phải cung cấp cho các địa phương ngay cả khi sản lượng thấp, họ cũng phải chấp nhận giá bán thống nhất không được quyền điều chỉnh trên toàn quốc do Bộ Tài Chính quy định cho dù giá này không đủ bù chi phí tại nhiều địa phương. Sản lượng và giá cả ở đây không phụ thuộc vào thị trường mà sẽ phụ thuộc vào nhu cầu phổ cập giáo dục của nhà nước.

Các công ty phát hành sách địa phương đã nhanh chóng tìm cách bù đắp thiệt hại từ việc cung cấp sách giáo khoa bằng cách liên kết với các nhà xuất bản khác và nhà trường để đưa thêm sách tham khảo đủ loại vào bộ sách giáo khoa bán cho học sinh. Như vậy, NXB Giáo Dục trên thực tế không kiểm soát được bộ sách giáo khoa mà họ cung cấp cho học sinh. NXB Giáo Dục biết rõ điều này nhưng họ không thể can thiệp, vì thứ nhất là họ không có quyền và thứ hai là nếu họ có thể can thiệp thì cũng sẽ phải đối đầu với vấn đề chi phí phát hành.

Vậy làm thế nào để các đại lý có lãi?

Câu trả lời: Tư nhân hóa việc cung cấp sách giáo khoa bằng cách cho phép doanh nghiệp tư nhân tự do in nhiều bộ khác nhau để các địa phương tùy ý lựa chọn, các đại lý sẽ được giải phóng khỏi nghĩa vụ buộc phải cung cấp sách giáo khoa theo cấp hành chính. Họ sẽ lựa chọn cung cấp sách giáo khoa ở những khu vực nào có mức sản lượng đủ để mang lại lợi nhuận. Khu vực nào sản lượng thấp, không có đại lý nào muốn cung cấp thì nhà nước sẽ phải dùng ngân sách để bù đắp phần thâm hụt nhằm đảm bảo trẻ em đi học có sách giáo khoa để dùng. Điều này trên thực tế chỉ là một bước hợp thức hóa sự kiểm soát việc cung cấp sách giáo khoa của các đại lý.

Việc tư nhân hóa thị trường sách giáo khoa sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành sách giáo khoa giành được thế độc quyền ở địa phương và phát hành sách theo cách mà họ thu được lợi nhuận. Địa phương chỉ có thể lựa chọn bộ sách mà doanh nghiệp cung cấp.

Ý nghĩa: Tất cả những chuyện ồn ào này chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Tách vai trò kinh doanh ra khỏi nghĩa vụ công ích trong việc cung cấp sách giáo khoa. Lợi nhuận để doanh nghiệp hưởng, còn phần lỗ thì nhà nước bù đắp. Đấy là bản chất của kinh tế thị trường. Mọi triết lý cao đẹp về giáo dục đều sẽ phải phục tùng triết lý của tiền bạc.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khi người ta nói "vì người dân" thì nên hiểu là vì doanh nghiệp và lợi nhuận. Ngay cả đối với NXB Giáo Dục, mặc dù họ độc quyền kinh doanh sách giáo khoa, nhưng khi được giải phóng khỏi những ràng buộc chính trị và chỉ còn phải theo đuổi lợi nhuận thì họ cũng sẽ rất vui mừng.

Mọi thứ có thể đảo ngược không?

Lợi nhuận sẽ quyết định điều đó, hiện giờ lợi nhuận đòi hỏi phải tư nhân hóa việc cung cấp sách giáo khoa, nên điều này không có nghĩa là không thể đảo ngược. Đến một lúc nào đó lợi nhuận từ việc cung cấp sách giáo khoa không đủ hấp dẫn tư nhân kinh doanh nữa thì lĩnh vực này sẽ quay trở lại độc quyền nhà nước. Tất cả những điều đó tất nhiên sẽ luôn được biện minh bằng quyền lợi của người dân.

Vụ ồn ào về sách giáo khoa công nghệ giáo dục:

Có phải ngẫu nhiên mà một bộ sách giáo khoa được sử dụng từ lâu bất ngờ gây tranh cãi bất tận trên truyền thông? Không, nếu người ta biết rằng thành phố Hồ Chí Minh được phép sử dụng bộ sách giáo khoa riêng. Đó là thị trường lớn nhất ở Việt Nam và có điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất nhờ cơ sở hạ tầng phát triển. Doanh nghiệp nào nhanh chân thâu tóm được thị trường sách giáo khoa ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ có lợi nhuận lớn. Vậy nên ông giáo sư công nghệ giáo dục khi đi trả lời phỏng vấn báo chí mới lăm lăm trong tay cuốn "Gạc Ma-Vòng tròn bất tử". Ngay cả ông trưởng ban tuyên giáo cũng không bỏ qua cơ hội cho bàn dân thiên hạ thấy cuốn sách ấy trên tay mình. Đằng sau cuốn sách ấy là một công ty phát hành sách mà kẻ đứng đầu vốn lọc lõi về kinh doanh. Những sự tình cờ nhưng không hề tình cờ, nhất là khi nó đều hướng về thị trường sách giáo khoa ở thành phố Hồ Chí Minh.

Saturday, August 18, 2018

Ai lạc hậu? Ai văn minh?

Dân xứ Nam ta vẫn còn mông muội lắm, cứ phải Tây mới văn minh. Hà cớ chi các chú bày ra ba cái trò này để dân xứ Nam được dịp kiêu căng, nhận xằng mình văn minh nhỉ?


Người ta thường đem cái ảnh biển đề cấm ăn cắp hay cấm lấy đồ dư bằng tiếng Việt ở Nhật hay Thái Lan đăng lên để chứng minh dân Việt Nam ý thức kém, không cư xử văn minh. Cái truyền thống tự quản của làng xã từ xa xưa, ví như những quán nước đầu làng chả có ai trông coi, gia chủ bận đi làm đồng, ai vào uống nước hay mua gì thì tự tính tiền rồi để đó, thì không bao giờ được truyền thông ngày nay nhắc tới.

Quay lại cái quán có hình ở trên, tại sao chủ quán lại dám áp dụng mô hình tự quản ở một xứ mà ngày ngày truyền thông rao giảng không biết mệt mỏi về tệ nạn trộm cắp, cư xử kém văn minh?

Thứ nhất là ông chủ quán biết rõ truyền thông báo chí chỉ rặt nói láo, cũng có thể có người lấy nước không tự giác trả tiền, song số đó không đáng kể.

Thứ hai là mô hình kinh doanh của ông chủ quán khiến ông buộc phải làm vậy, ông bán buffet giá rất rẻ, muốn giá rẻ mà có lãi thì tất phải tiết kiệm chi phí phục vụ, có nghĩa là phải để khách hàng tự phục vụ tối đa. Khách vào quán này ăn nhiều tất sẽ quen với cách đó.

Ý thức không phải tự nhiên mà có, nó được sinh ra từ sinh hoạt hàng ngày, mà cái sinh hoạt đó, nhất là việc mua bán lại do mô hình kinh doanh quyết định, tức là do tư bản quyết định.

Ở những xứ tư bản phát triển thì họ áp dụng mô hình tự phục vụ, tự thanh toán nhiều để tiết kiệm chi phí, do vậy dân xứ họ buộc phải quen với những việc đó. Song điều đó không có nghĩa là không có nạn trộm cắp, gian lận.

Việc truyền thông hàng ngày hàng giờ bêu riếu những cái gọi là thói hư tật xấu, cư xử kém văn minh, mặc dù điều đó hoàn toàn là tào lao, không hẳn chỉ là để thu hút sự chú ý hay truyền bá văn minh phương Tây. Ngược lại đó là một sự đe dọa, một hình phạt bằng sự lên án thường trực của công luận để giúp cho các chủ doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng các mô hình tự phục vụ, tự quản,  nhằm tiết kiệm chi phí cho họ. Những khách hàng định gian lận sẽ luôn bị những bảng hiệu lên án trộm cắp bằng tiếng Việt ở Nhật Bản ám ảnh. Đây chính là bản chất của chế độ tư bản, chủ doanh nghiệp từ bỏ các nghĩa vụ và quyền lực công cộng để có quyền lực tuyệt đối trong việc kiếm lợi, ngược lại một bộ phận khác sẽ đảm nhiệm quyền lực công cộng đó để hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp.

Người ta thường nói rằng truyền thông Việt Nam càng ngày càng thối nát, đưa tin xàm, nói láo câu view vô tội vạ, nhưng cái mà người ta không hiểu là truyền thông giờ đang chuyển sang phục vụ cho tư bản, lợi nhuận của tư bản mới là lợi ích tối cao mà nó phục vụ. Trên phương diện đó thì truyền thông lại là sức mạnh công cộng đáng kể mà doanh nghiệp nắm được, do vậy đối với chủ tư bản mà nói thì truyền thông không nát chút nào, nó đang làm đúng cái việc cần phải làm.

Bởi vậy mà nói, nếu lấy chế độ tư bản ra làm chuẩn mực cho cái gọi văn minh thì mọi chế độ khác đều sẽ kém văn minh. Hơn nữa, đó là một sự đề cao chế độ tư bản vì đã lấy chế độ tư bản làm giá trị phổ quát, thang đo cho mọi xã hội. Việt Nam đã xây dựng một chế độ xã hội khác, người Việt Nam trước hết phải bỏ qua cái thang đo lạc hậu ấy và tự tạo ra cho mình những chuẩn mực mới.

P/s: Cái ảnh này không phải ở thủ đô thanh lịch lại càng không phải ở đô thành hoài nhớ thời thuộc địa hoa lệ quằn quại dưới gót giày lính lê dương, mà là ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Thursday, July 19, 2018

Doanh nghiệp tặng sách để làm gì?


Kiến thức hay soi cầu lô đề?

Nhân có việc một anh chủ doanh nghiệp dùng chương trình tặng sách để quảng bá thương hiệu, khẩu hiệu thì hoành tráng lắm, nào là “Lập Chí Vĩ Đại”, “Khởi Nghiệp Kiến Quốc”, nghe cứ tưởng như đọc hết mớ sách ấy thì xứ Nam ta sẽ hóa Rồng hóa Hổ liền, một người bạn mới hỏi tôi rằng: Cớ sao tụi nó hay làm màu vậy bác?

Ba cái chương trình tặng sách đó thế giới người ta làm đầy quanh năm suốt tháng, mà có thấy ai hóa Rồng hóa Hổ chi đâu. Cái ngày tôi còn ở xứ Hitler, cuối tuần nào cũng có lũ lượt các hội đoàn đến tặng các loại Kinh Thánh để dụ vào đạo, cũng may là xứ ấy người ta cấm tiệt cuốn Mein Kampf (sách của Hitler) không thì chắc giờ tôi cũng thành tín đồ Nazis đòi thanh tẩy lũ An Nam mọi rợ để làm trong sạch nòi giống Aryan thượng đẳng không biết chừng.

Nếu bạn google thì sẽ thấy hàng mớ các cái chương trình tặng sách kiểu như bạn tặng bất kỳ ai đó một cuốn sách thì sẽ nhận được 20 cuốn sách từ những người khác tặng lại.

Nói chung ba cái vụ tặng sách ruồi bu vậy thường chả có tác dụng chi hết, có chăng là thêm mớ giấy lộn rác nhà vì giờ giấy vệ sinh được bán rất rẻ mà lại mềm mại hơn.

Có người sẽ cãi rằng: Ấy tôi đọc cuốn “Khuyến học” thấy hay lắm, cuốn ấy đầy cảm hứng quốc gia dân tộc, khuyên ta thoát Á, gây dựng sự độc lập tự cường, học sách ấy theo ắt xứ ta sẽ giống Nhật Bản. Cái mà người ta thấy hay thấy đúng đâu có nghĩa là nó đúng nhỉ?

Lại có người nói: Sách cũng có chút kiến thức, cho người ta đọc sách biết đâu người ta thoát nghèo, đổi đời thì cũng tốt. Cái biết đâu ấy liệu có xác suất cao bằng trúng đề hay trúng Vietlott? Nếu không bằng thì phát cho người ta 10 ngàn đi chơi Vietlott cho nhanh.

Thực ra ba cái trò này đều dùng cái mẹo của đám soi cầu lô đề để lừa người cả. Mẹo ấy ra sao? Nếu xác suất trúng đề là 1/100 thì mấy gã thầy bà chỉ cần dụ được 100 tín đồ, mỗi ngày ban cho mỗi đứa một số khác nhau thế là ngày nào cũng có đứa cảm ơn gã vì trúng đề. Nếu gã cao tay dụ được 10.000 đứa tin theo thì mỗi ngày sẽ có 100 đứa ca tụng, đốt vàng mã cho gã vì được ăn đậm. Lúc ấy, lúc ấy người ta đều sẽ mê muội, nói gì cũng không tin nữa, bằng chứng người thực việc thực ra đó, mỗi ngày có cả trăm đứa đổi đời nhờ lộc thánh, liệu ai không tin cho được? Đứa nào dại miệng nói tau theo hầu thánh mãi chưa ăn phát nào thì sẽ được nghe trả lời là mày chưa đủ đức tin. Đứa nào xấu miệng nói rằng ăn đề hay không chả liên quan gì đến thánh sẽ gom đủ gạch xây biệt thự to hơn cả trung tâm thương mại Vincom.

Mà kỳ thực người ta thấy hay, thấy có kết quả đâu có liên quan gì đến việc soi cầu, thế nhưng kẻ chơi lô đề tất phải soi cầu, để có hy vọng mà chơi.

Mấy anh doanh nghiệp vốn thạo cái trò quảng cáo kiểu này nên thường gom mấy cuốn sách nổi tiếng nhưng vô thưởng vô phạt, đọc xong hiểu thế nào cũng được, lại của mấy tác giả ngoại quốc để đỡ bị soi mói rồi đem tặng linh tinh, phát không càng nhiều sách thì càng dễ có mấy câu ca tụng kiểu hôm nay nhờ đọc sách của anh mà em ăn Vietlott.

Tại sao lại vậy?

Sở dĩ có chuyện đó là vì kinh tế thị trường một mặt tạo ra sự giàu có, nhưng sự giàu có đó chống lại con người, nó chỉ phục vụ cho tư bản, bỏ mặc đa số con người sống trong thất bại, nghèo đói, tuyệt vọng. Vì vậy con người cần có một thứ gì đó để nuôi hy vọng, để có thể tiếp tục tồn tại. Rất nhiều sách viết cho mục đích đó, nó được gọi là truyền cảm hứng, đọc nó xong thì người ta thấy mình thay đổi, thấy có động lực làm việc này việc kia. Song cái mà người ta không hiểu được là sự thay đổi của người ta có hay không cũng chả liên quan gì đến ba cái cuốn sách ấy. Một thứ không thể tự nhiên xuất hiện nếu nó không tồn tại sẵn ở đâu đó. Cái khát vọng thay đổi nó vốn đã ẩn náu trong bản thân người ta, chỉ chờ cơ hội thích hợp là bùng lên. Cuốn sách truyền cảm hứng kia vốn cũng như trò soi cầu lô đề, nó trở nên có giá trị vì gặp được người muốn thay đổi và có thể thay đổi vào đúng thời điểm đọc nó, chính người đó khiến nó có giá trị chứ không phải ngược lại.

Hàng sa số những người đọc cuốn sách đó mà không thay đổi gì sẽ bị lãng quên.

Hàng sa số những người không cần đọc cuốn sách đó mà có sự thay đổi sẽ chẳng bao giờ được biết đến.

Nếu cuốn sách đó thực sự có tác dụng thần kỳ như người ta quảng cáo thì sau vài ngày không ai cần phải đọc nó nữa. Mọi người đọc nó và trở nên giàu có cả rồi. Sự tồn tại của nó chứng minh rằng nó chẳng có tác dụng gì hết.

Nó đơn giản là một liều thuốc phiện để người ta tiếp tục mơ màng với đời và an ủi cho những thất bại của đời mình.

Kết luận là gì?

Thông thường mấy cuộc tranh luận triền miên lặp đi lặp lại về các cuốn sách truyền cảm hứng hay tạo động lực là vô nghĩa, như chính bản thân chúng. Người ta sẽ luôn mang kinh nghiệm ra chứng minh nó đúng, mặc dù kinh nghiệm không phải là bằng chứng.

Mánh lái buôn của Lã Bất Vi

Lã Bất Vi là lái buôn rất giàu, nhưng ông ta còn giàu hơn nhiều khi buôn vua.

Quay lại với anh chàng chủ doanh nghiệp, việc đầu tiên cần nhớ rằng anh ta kinh doanh và phải kiếm lợi. Bất kể mục tiêu hoành tráng đến đâu thì cuối cùng nó phải được hiện thực hóa bằng tiền, nếu không anh ta sẽ phá sản và đi ăn mày, bất chấp mớ sách vĩ đại, có giá trị như vàng của anh ta, mặc dù bán giấy cân thì cũng sẽ có đồng nát gom. Việc tặng sách chỉ là quảng cáo, mục đích chính của anh ta là kinh doanh cái khác.

Vậy việc tặng sách sẽ hỗ trợ việc kinh doanh của anh ta ra sao? Đó mới là câu hỏi đúng.

Thứ nhất, khi anh ta tặng một số lượng sách rất lớn thì các nhà xuất bản và giới trí thức, vốn làm công việc môi giới kiến thức, sẽ rất vui mừng, vì điều đó tạo công ăn việc làm cho họ. Tức là họ sẽ ủng hộ anh ta hết mình.

Thứ hai, những cuốn sách anh ta tặng đều là là sách phương Tây, con đẻ tinh thần của chủ nghĩa tư bản, bàn chuyện làm ăn kiếm lợi. Tức là anh ta sẽ được lòng giới trí thức thân phương Tây.

Thứ ba, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vốn bị phân mảnh bởi sự phân mảnh của hệ thống chính trị, tạo ra vô số những rào cản về chính sách, thủ tục giữa các chính quyền địa phương, giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương. Do vậy, một doanh nghiệp muốn làm ăn lớn thì phải có khả năng đàm phán về chính sách với cả chính quyền trung ương lẫn địa phương. Giới trí thức thân phương Tây đang dần dần trở nên có thế lực trong việc tham mưu chính sách cả ở chính quyền trung ương lẫn địa phương, khi nhận được sự ủng hộ của họ thì doanh nghiệp sẽ có khả năng đàm phán chính sách. Lối làm ăn này thể hiện sự phân mảnh của hệ thống chính trị, nó có thể tạo ra những doanh nghiệp cực lớn ở ngay những nơi nghèo khó lạc hậu nhất, vì nó có khả năng tập trung nguồn giá trị thặng dư mà không một nền kinh tế tư bản nào sánh được.

Nhiều năm quy ẩn trong rừng cuối cùng cũng khiến anh chủ doanh nghiệp ngộ ra chân lý thời đại.

Thế nên anh ấy có mang siêu xe với người mẫu để đi tặng sách cho mấy cháu dân tộc miền núi cởi truồng, một chữ bẻ đôi đọc còn chưa nổi thì bạn cũng đừng vội chê cười. Anh ta vốn hiểu rõ việc mình làm, ấy là tạo dựng mối quan hệ với trí thức địa phương.

Mạng lưới trí thức rộng lớn ủng hộ anh ta từ những vùng quê đói nghèo đến những thành thị xa hoa, đấy là cái anh ta muốn và cần để kiếm tiền.

Thế nên anh ta tuyên bố sẽ phung phí hàng tỷ đồng tiền Mỹ để tặng sách thì các bạn cũng đừng nghĩ đó là tiền cho người nghèo để đổi đời, kỳ thực anh ta mua sự ủng hộ của giới trí thức trong công cuộc làm giàu của bản thân.

Chân lý của thời đại tư bản chỉ có vậy. Thời đại tư bản chỉ biết đến một thứ minh triết duy nhất, đó là minh triết của đồng tiền. Hoặc là bạn hiểu nó hoặc là bạn bị nó nghiền nát.

Monday, June 26, 2017

Grab/Uber Bike và xe ôm truyền thống

Mỗi khi ai đó nhắc đến sự bùng nổ của mấy mô hình kinh doanh kiểu Grab Bike hay Uber Bike và sự suy tàn của xe ôm truyền thống, tôi thường được nghe thấy câu kết luận rằng: Xe ôm truyền thống cứ cải thiện chất lượng dịch vụ, hạ giá, làm ăn nghiêm chỉnh minh bạch như Grab/Uber Bike đi, đừng lừa đảo bắt chẹt khách nữa, thì lo gì không có khách.

Câu hỏi ngược lại thường khiến người kết luận im lặng ngay lập tức: Ngay cả khi xe ôm truyền thống làm ăn nghiêm chỉnh minh bạch như Grab Bike hay Uber thì họ có cạnh tranh được về thương hiệu, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà và hệ thống tiếp cận khách hàng với mấy hãng kia không?

Những người làm xe ôm truyền thống hầu hết là người nghèo, không trình độ, vốn liếng chỉ có chiến xe máy rẻ tiền, họ không bao giờ có hàng triệu dollar để ném vào các chương trình quảng cáo, giảm giá, tặng quà và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin như Grab hay Uber. Trong cuộc chiến này, họ đã thua chắc chắn.

Thông thường người ta thấy giá một cuốc xe hay tính trên km của xe ôm truyền thống đắt hơn của Uber hay Grab, họ sẽ cho rằng xe ôm truyền thống tính đắt hơn. Song người ta sẽ không khó để hiểu được điều này, xác suất kiếm được khách hàng của xe ôm truyền thống thấp hơn Grab/Uber, ngược lại xác xuất kiếm được khách hàng của Grab/Uber cao hơn rất nhiều do họ kết nối với số lượng lớn khách hàng qua một hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cực kỳ tốn kém. Do vậy, mặc dù xe ôm truyền thống tính phí/km cao hơn nhưng thu nhập một ngày của họ thấp hơn rất nhiều so với người chạy Grab/Uber, ngược chính điều này cho phép  người chạy xe Grab/Uber tính phí/km thấp hơn nhưng vẫn có thu nhập lớn hơn xe ôm truyền thống. 

Hơn nữa, Grab/Uber hiện giờ đang là những doanh nghiệp start-up, tức là họ chưa cần phải tính toán đến lợi nhuận, họ lại nhận được một khoản tiền khổng lồ để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Sức cạnh tranh của họ rất khủng khiếp với các chương trình khuyến mại giảm giá, tặng quà và quảng cáo mạnh mẽ. Liệu có xe ôm truyền thống nào có đủ tiền để đối đầu với họ? 

Cơn bão start-up đã cho thấy rõ cách thức mà các start-up phát triển. Nó cần phải thu hút được đủ tiền để làm phá sản các doanh nghiệp hoặc những người kinh doanh nhỏ trên thị trường và sau đó nó sẽ đủ lớn để kiếm lợi. Công nghệ hay tính hữu dụng chỉ là vỏ bọc phù phiếm. Những vụ mua bán start-up trị giá nhiều triệu dollar cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá hủy.

Một điều chắc chắn là phần lớn những người chạy xe ôm truyền thống hiện nay sẽ thất nghiệp, tạo ra một gánh nặng mới cho xã hội. Đó là cái giá phải trả thứ hai của cơn mê start-up. Khác với doanh nghiệp taxi, vốn đóng thuế nhiều cho nhà nước, có thể lên tiếng đòi nhà nước bảo vệ, tiếng nói của những người chạy xe ôm truyền thống lẻ loi sẽ chẳng có ai lắng nghe.

Nhưng phần còn lại của xe ôm truyền thống sẽ ra sao? Họ sẽ vẫn tồn tại, chỉ có điều theo cách khác. Nếu tiếp tục hoạt động đơn lẻ, họ chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Nếu họ đầu quân cho các doanh nghiệp vận tải kiểu mới với ứng dụng tương tự như Grab hay Uber thì họ sẽ bị chúng nuốt chửng và trở thành người làm thuê.

Cách duy nhất giúp xe ôm truyền thống tiếp tục tồn tại là hợp tác hóa. Điều này đã xuất hiện tại nhiều nơi nhưng ít người để ý. Các lái xe sẽ kết hợp với nhau thành một kiểu hợp tác xã, dùng điện thoại để liên hệ, điều phối xe và đón khách. Việc đó giúp họ có thể tăng xác suất kiếm được khách, hạ giá cước, cũng như thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều mấu chốt trong cách làm này là họ cần phải thực hiện việc hợp tác hóa và chiếm lấy những thị trường Grab/Uber chưa vươn tới, để khi Grab/Uber bắt đầu vươn sang những thị trường đó thì xe ôm truyền thống đã đứng vững với cách kinh doanh mới rồi.

Sunday, April 16, 2017

Sự trỗi dậy của miền Trung và hệ quả

Bài viết ngắn này được rút ra từ những chuyến đi qua nhiều tỉnh của tôi và nhằm mục đích trình bày mâu thuẫn giai cấp ở Việt Nam liên quan đến vùng miền dưới dạng phổ thông nhất cho đại đa số người đọc. 

Sự bất ngờ từ khu vực miền Trung

Thời gian vừa qua tôi đi đến các tỉnh của Việt Nam khá nhiều để khảo chất lượng dịch vụ tại các chi nhánh của một doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp này cung cấp loại sản phẩm rất đắt tiền, khách hàng của họ là hầu hết là những người giàu và có thu nhập cao ở Việt Nam. Điều này có nghĩa là yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng rất cao

Nhiều người khi đối mặt với câu hỏi “Chất lượng dịch vụ ở đâu tốt nhất?” hầu như đều cho rằng chất lượng dịch vụ ở miền Nam là tốt nhất, sau đó đến miền Bắc và không ai cho rằng chất lượng dịch vụ ở miền Trung là tốt nhất cả, đặc biệt là chất lượng của những dịch vụ cao cấp. Đa số người miền trung mà tôi gặp cũng nghĩ như vậy.

Nhưng kết quả khảo sát đã làm tôi thực sự bất ngờ, chất lượng dịch vụ của khu vực miền Trung là tốt nhất, vượt trội hẳn so với miền Nam và miền Bắc. Người lao động và các chi nhánh miền Trung tuân thủ rất tốt các quy định về chất lượng dịch vụ.

Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường kinh doanh ở miền Trung, điều đó có nghĩa là khách hàng sẽ hài lòng hơn, mua nhiều hàng hóa hơn và doanh nghiệp ở miền Trung sẽ nhận được các khoản đầu tư lớn hơn. Điều này cũng cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của người lao động và doanh nghiệp miền Trung, họ đang trên đà cất cánh.

Mâu thuẫn trong kinh tế thị trường

Chủ nghĩa tư bản hay kinh tế thị trường tồn tại dựa trên sự cạnh tranh không ngừng, giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương, cũng như giữa nông thôn và thành thị. Khi khu vực miền Trung vươn lên, trở nên mạnh mẽ và độc lập hơn về kinh tế thì tất yếu vị thế thống trị từ trước tới nay của các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng. Thứ nhất, các nguồn đầu tư lớn hơn sẽ đổ vào miền Trung thay vì các trung tâm kinh tế lớn. Thứ hai, các doanh nghiệp miền Trung sẽ giành được thị phần lớn hơn từ các doanh nghiệp ở hai đầu đất nước.

Liệu các doanh nghiệp và các địa phương ở hai đầu đất nước sẽ đứng yên nhìn điều đó? Không, họ sẽ tìm mọi các chống lại điều đó. Ngoài việc gia tăng đầu tư thì họ cũng sẽ tìm cách chống lại sự tăng trưởng của miền Trung bằng những hàng rào kỹ thuật. Ví dụ, vận động chính quyền trung ương áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt hơn về bảo vệ môi trường cho khu vực miền Trung, điều này sẽ khiến các việc đầu tư vào công nghiệp ở miền Trung có chi phí cao hơn ở các khu vực khác, tức là giảm bớt sự hấp dẫn của khu vực miền Trung.

Từ kinh tế đến chính trị

Đó là mâu thuẫn tất yếu của kinh tế thị trường và rất nhiều thế lực khác nhau sẽ sống ký sinh vào mâu thuẫn đó. Ví dụ, báo chí quảng cáo cho các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Nam sẽ rất sốt sắng khi đưa tin tức về những rối loạn của môi trường kinh doanh hay sự tham nhũng của quan chức chính quyền các tỉnh miền Trung. Hãy lưu ý, sự định hướng là rõ ràng ngay cả khi báo chí đưa tin trung thực và chính xác, chưa cần đến việc họ xuyên tạc hay bóp méo sự việc. Trên chính trường, người ta thường xuyên bắt gặp hơn những vận động chính trị liên quan đến của miền Trung, sẽ không ai thấy làm lạ khi các đại biểu Quốc Hội ở khu vực phía Bắc hay phía Nam bắt đầu chú ý và đòi làm rõ sai lầm tại các tỉnh miền Trung. Ngay cả khi việc này là minh bạch và đúng đắn thì nó cũng làm phân tán nguồn lực và khiến cho lãnh đạo các tỉnh miền Trung phải bảo thủ hơn trong các quyết định của mình, nhất là các quyết định liên quan đến môi trường kinh doanh.

Việt Nam đang trong tiến trình của một nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chấp nhận kinh tế thị trường tức là chấp nhận những mâu thuẫn của kinh tế thị trường và cần phải kiểm soát được những mâu thuẫn ấy. Sự vận động và phát triển của quốc gia cũng sẽ gắn liền với việc kiểm soát những mâu thuẫn đó.

Các thế lực phản động tại Việt Nam hiện nay cũng tồn tại bám vào những mâu thuẫn của cơ thế thị trường cũng như khoảng trống do sự vận động mà các mâu thuẫn đó tạo ra. Ví dụ, khi vấn đề môi trường ở miền Trung đang nóng bỏng thì không có lãnh đạo nào dại dột đi xử lý mạnh tay một nhúm biểu tình về môi trường, mặc dù biết rằng đó là những kẻ phá hoại mượn danh bảo vệ môi trường. Lý do rất đơn giản: anh tự đưa mình vào thế bất lợi khi làm việc đó, anh sẽ khiến công chúng tin rằng anh bảo kê cho sự phá hoại môi trường. Chính việc sống ký sinh này khiến cho một số người ngộ nhận và cố tình ngộ nhận rằng các nhóm phản động là do chính quyền nuôi dưỡng. Sự ngộ nhận này khiến cho họ trở thành một phần của thế lực phản động, họ luôn cho rằng muốn chống lại những kẻ phản động thì trước hết phải chống lại chính quyền nói chung. Đó là một lập luận vô cùng kỳ quặc và chống lại giai cấp vô sản vì chính quyền là công cụ duy nhất để giai cấp vô sản thực hiện cuộc cách mạnh của mình. Hãy lưu ý rằng mục đích của các thế lực phản động luôn là lợi dụng các mâu thuẫn sẵn có để lật đổ chế độ hiện tại, vậy thì những người kia khác gì với chúng?


Kết luận

Miền Trung đang vươn lên mạnh mẽ và các lãnh đạo ở đây cũng sẽ phải học cách chung sống với những cạnh tranh gay gắt hơn cả về kinh tế lẫn chính trị. Miền đất sắt đá nhất trong cách mạng giải phóng dân tộc giờ đây sẽ phải học cách đương đầu với những mâu thuẫn đòi hỏi phải xử lý bằng nghệ thuật ứng xử chính trị tinh tế hơn là cách làm dân vận truyền thống. Điều này có lẽ là một cơ hội hơn là thách thức.

Thursday, September 15, 2016

Tiền lương và phong trào công nhân

Khi bàn về vấn đề tiền lương, người ta thường hay được nghe thấy lập luận như sau: Tiền lương tăng sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tăng, do vậy giá cả hàng hóa sẽ tăng. Nền kinh tế sẽ mất ổn định, đời sống sẽ khó khăn. Như vậy, công nhân không nên đòi tăng lương vì tăng lương là căn nguyên của mọi tai vạ về kinh tế.

Câu hỏi mấu chốt: Tại sao chi phí sản xuất tăng thì giá cả hàng hóa lại tăng?

Câu trả lời: Để duy trì tỷ suất lợi nhuận cũ cho nhà tư bản.

Vấn đề: Công nhân không được đòi tăng lương ngay cả khi chết đói còn nhà tư bản đương nhiên được tăng giá hàng hóa khi chi phí sản xuất tăng.

Chuyện này có gì mới không? Chả có gì mới, Marx đã viết từ lâu trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng" khi phê phán lập luận của Prouhdon về tiền lương. 

Trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng", Marx đã chỉ ra rằng khi tiền lương tăng lên thì giá cả hàng hóa thậm chí còn có thể giảm xuống. Lý do là bởi vì trong nền kinh tế các doanh nghiệp có mức độ sử dụng nhân công khác nhau. Doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động và ít máy móc thì sẽ chịu ảnh hưởng lớn của việc tăng lương, tức là tỷ suất lợi nhuận của họ sẽ giảm mạnh hơn so với những doanh nghiệp sử dụng ít lao động và nhiều máy móc. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn, tức là sử dụng nhiều máy móc hơn lao động, sẽ nhận thấy rằng họ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp hơn. Lúc ấy, họ sẽ hạ giá hàng hóa xuống để chiếm lấy thị trường của những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp. Lợi nhuận của họ sẽ lớn hơn cho dù tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp lúc này đồng thời phải đối mặt với hai áp lực: tỷ suất lợi nhuận sụt giảm và giá hàng hóa trên thị trường giảm đi. Nhiều doanh nghiệp thuộc loại này sẽ bị phá sản để nhường chỗ cho những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn. 

Tiền lương tăng lên là thảm họa của những doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công song là cơ hội để những doanh nghiệp sử dụng ít nhân công thâu tóm thị trường. Điều này có thể thấy rất rõ thông qua những biến động kinh tế trong thực tiễn.

Đó là chính là lý do mà các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao, sử dụng nhiều máy móc và ít nhân công, thường hay tìm các thúc đẩy việc gia tăng tiền lương phổ biến ở mức độ nhất định trong thời kỳ mà họ tìm cách thâu tóm thị trường. Để làm được điều đó, họ sẵn sàng chấp nhận cho công đoàn của công nhân hoạt động trong phạm vi được kiểm soát. Công đoàn là tổ chức bảo vệ cho quyền lợi của người công nhân, chống lại giới chủ, nhưng để tồn tại trong xã hội tư bản thì nó cũng phải thích nghi với việc bị nhà tư bản lợi dụng để cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, công đoàn không phải là thứ triệt để cách mạng và rất dễ lung lay. 

Nếu ai đó hỏi một người vô sản rằng: Tại sao công đoàn không phát động đình công đòi tăng lương, gia tăng quyền lợi cho công nhân? 

Người vô sản sẽ trả lời: Công đoàn sẽ phát động đình công khi nào người công nhân muốn chứ không phải là khi ông chủ doanh nghiệp muốn.   

Nhiều người cho rằng khi Việt Nam hội nhập quốc tế thì công đoàn cũng cần phải được tự do hoạt động để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Khi tự do, không có đảng Cộng Sản, tức là đảng của những người vô sản, dẫn dắt thì công đoàn sẽ trở thành vô chính phủ, nó sẽ dễ dàng bán mình cho doanh nghiệp và trở thành kẻ đánh thuê cho doanh nghiệp. Thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân thì lúc ấy công đoàn sẽ bảo vệ quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp. Công đoàn lúc ấy sẽ trở thành công cụ trong tay các nhà tư bản quốc tế để đè bẹp các doanh nghiệp Việt Nam và thâu tóm thị trường Việt Nam cho họ. Quyền lợi của một bộ phận công nhân này sẽ phải đánh đổi bằng sự thất nghiệp, đói nghèo của một bộ phận công nhân khác. Cuối cùng, toàn bộ giai cấp vô sản sẽ phải trả giá cho điều đó.

Chủ nghĩa tư bản luôn luôn muốn tự do cạnh tranh, người vô sản chỉ có một vũ khí duy nhất để chống lại chủ nghĩa tư bản, đó là sự đoàn kết. Sự đoàn kết ấy không chỉ là lý trí mà nó còn bắt nguồn từ quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản.