Friday, June 27, 2014

Thế nào là phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế?

Giữa lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng thì chuyện thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là mốt, người người nói chuyện thoát Trung, nhà nhà nói chuyện thoát Trung. Báo chí cũng nhân dịp đưa các chuyên gia đủ các loại ra vẽ đường cho xứ Việt Nam nhanh chóng độc lập về kinh tế. Rất nhiều giải pháp đông tây kim cổ, từ cao đơn hoàn tán đến mãi võ Sơn Đông hay bí quyết bán hàng đa cấp đều đã được trưng ra, song câu hỏi đầu tiên: "Phụ thuộc về kinh tế là gì?" thì dường như không có câu trả lời.

Sự phụ thuộc kinh tế  theo quan niệm phổ biến

Nhìn chung thì giới chuyên gia kinh tế đưa ra các nhận định về phụ thuộc như sau:

1. Việt Nam xuất khẩu phần lớn nông sản với giá rẻ sang Trung Quốc, tức là phụ thuộc Trung Quốc về thị trường nông sản.

2. Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa nguyên liệu và tiêu dùng với giá rẻ của Trung Quốc, tức là phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.

3. Trung Quốc thắng phần lớn các dự án đấu thầu ở Việt Nam bằng cách bỏ giá thấp, các dự án này hay bị đội vốn, tức là Việt Nam phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc.

Quanh đi quẩn lại, bao nhiều bài báo, bao nhiêu nhận định, bao nhiêu đánh giá , bao nhiêu diễn văn hoành tráng đều có thể tóm tắt bằng ba nội dung đó. 

Đối với bất cứ người nào có chút ít hiểu biết thì ba nội dung đó hoàn toàn vô nghĩa. 

Nếu bán nông sản cho Trung Quốc mà là phụ thuộc vào Trung Quốc thì cả thế giới này phụ thuộc vào Trung Quốc, vì Trung Quốc đang là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới, không có hàng hóa nào mà họ không nhập với số lượng lớn từ nhiều nước khác nhau từ Việt Nam tới Mỹ hay Brazil. Không có quốc gia nào điên rồ tới mức từ chối bán hàng một thị trường lớn đến như vậy để được độc lập về kinh tế. Chuyện hàng nông sản Việt Nam bán sang Trung Quốc với giá rất rẻ là đúng, nhưng hàng nông sản Việt Nam xuất sang các nước khác như Philippine hay các nước châu Phi với giá cũng rẻ không kém. Sau nữa là vấn đề bán hàng hóa không phải là giá rẻ hay giá đắt mà là ở lợi nhuận, bán hàng giá rẻ mà có lợi nhuận thì vẫn nên làm còn bán hàng giá đắt mà mình không có lợi nhuận do phải đầu tư lớn hơn thì không phải là quyết định khôn ngoan. Nguyên nhân chính của việc phải bán nông sản giá rẻ khắp thế giới là do nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, phát triển tự phát manh mún, chưa hình thành nền sản xuất hàng hóa lớn. 

Nếu nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc mà là phụ thuộc vào Trung Quốc thì cả thế giới này phụ thuộc vào Trung Quốc vì khắp thế giới không nước nào không tiêu thụ hàng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Chẳng có quốc gia nào điên rồ đến mức độ tránh dùng hàng hóa của Trung Quốc, dùng hàng hóa đắt hơn và ít hơn để gánh chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế, để được độc lập trong nghèo đói. Nước Mỹ là nước nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lớn nhất thế giới, nhập siêu từ Trung Quốc của họ cao gấp cả chục lần Việt Nam, có ai dám nói Mỹ phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế không? Các chuyên gia lại còn giở cái giọng hàng tôm hàng cá rằng hàng Trung Quốc chất lượng kém, độc hại, không nên dùng. Trong chuyện buôn bán người mua là người có quyền lựa chọn, hàng hóa của Trung Quốc cũng có loại tốt có loại xấu, tại sao không mua hàng tốt mà cứ đi mua hàng xấu rồi nói nó kém, nó độc hại? Thế nên chuyện ấy phải hỏi trách nhiệm của các nhà nhập khẩu hàng hóa, đổ lỗi cho Trung Quốc thì chỉ làm trò cười cho họ mà thôi.

Điều nực cười là mua hàng của Trung Quốc bị coi là phụ thuộc, đến bán hàng cho Trung Quốc cũng bị coi là phụ thuộc. Tức là buôn bán với Trung Quốc bị coi là lệ thuộc, còn buôn bán với nước khác thì không bị coi là lệ thuộc.

Trong đấu thầu thì nguyên tắc quan trọng nhất là giá cạnh tranh, ai đặt giá cạnh tranh hơn là thắng, ở bất cứ nước nào bất cứ lĩnh vực nào cũng đều thế cả. Trước Trung Quốc cả trăm năm, doanh nghiệp Nhật Bản cũng từng đưa nhân công bản địa đi nhận thầu các công trình với giá rất rẻ trên khắp thế giới, đâu đâu cũng coi họ là một món hời bất ngờ vì nhờ có họ mà chủ đầu tư tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Lúc đó không thấy có ai lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế vào Nhật Bản. Các gói thầu của Việt Nam bị đội vốn lên cao là do năng lực quản lý của chủ đầu tư Việt Nam yếu kém. Không chỉ có các công trình do doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu mà ngay cả các công trình do doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản hay doanh nghiệp trong nước nhận thầu cũng bị đội vốn khủng khiếp bởi hàng trăm, hàng ngàn các lý do phát sinh khác nhau. Mặt khác, thủ tục hành chính nhiêu khê, sự thiếu nhất quản trong quản lý nhà nước, sự quan liêu trì trệ của chủ đầu tư đã khiến nhiều nhà thầu nước ngoài dù trúng thầu cũng phải bỏ chạy, thậm chí ngay cả trong các công trình quan trọng bậc nhất. Không thiếu những nhà thầu uy tín trên thế giới không muốn nhận thầu các công trình ở Việt Nam vì mức độ rủi ro quá lớn. Việc Trung Quốc trúng thầu các dự án quan trọng ở Việt Nam không phải là bằng chứng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, mà ngược lại cho thấy Việt Nam đang chưa bắt kịp sự phát triển của thế giới.

Tự do buôn bán làm ăn không thể bị coi là lệ thuộc kinh tế, nếu coi đó là lệ thuộc kinh tế thì tốt hơn hãy đóng cửa mà tự cấp tự túc, khỏi lo bị lệ thuộc ai. Lại càng không thể lập luận buôn bán với nước này là lệ thuộc còn buôn bán với nước kia thì không lệ thuộc. Đó là lập luận của đám trẻ con tiểu học, thích ai thì người đó tốt, ghét ai thì người đó xấu. 

Sự phụ thuộc kinh tế thật sự

Hiện nay, các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư nhiều vào Việt Nam và đòi hỏi những khoản ưu đãi khổng lồ về đất đai, thuế khóa và cơ chế, trong khi lợi ích mà họ đem lại thì lại rất không tương xứng. Để phục vụ cho dự án của các tập đoàn đa quốc gia này, hàng ngàn hàng vạn gia đình Việt Nam đã bị mất nhà cửa, mất sinh kế hàng ngày, và phải gánh chịu các ảnh hưởng tiêu cực về môi trường sống, sinh hoạt xã hội bị xáo trộn nghiêm trọng. Nhà nước phải gánh chịu một khoản chi phí an sinh xã hội ngày càng lớn hơn trong khi nguồn thu bị thâm hụt nặng nề dẫn đến chỗ có thể phá sản. Chính sách kinh tế của quốc gia đang dần dần rơi vào sự kiểm soát các tập đoàn nước ngoài, không phục vụ cho lợi ích của đa số dân chúng mà chỉ phục vụ cho nhu cầu kiếm lợi của họ. Đó là mới chính là sự lệ thuộc về kinh tế. Sự lệ thuộc này gần như vô hình, không thấy rõ trong đời sống hàng ngày nhưng so với một món hàng Trung Quốc kém chất lượng thì nguy hiểm hơn hàng triệu lần. Một món hàng độc hại có thể giết chết một người còn một chính sách kinh tế độc hại có thể giết chết cả một quốc gia.


Monday, June 16, 2014

Cấm ngủ trưa tại chỗ làm việc và tư duy lẩm cẩm của lãnh đạo FPT

Mới đây, công ty hệ thống thông tin (IS) trực thuộc FPT đã ban hành lệnh cấm nhân viên ngủ trưa tại khu vực làm việc. Tất nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể cấm việc đó nếu họ muốn, cũng như nhiều doanh nghiệp khác khuyến khích nhân viên ngủ trưa bằng cách xây phòng ngủ hoặc tạo điều kiện cho người lao động có một giấc ngủ dễ chịu thay vì phải xoay xở với cái bàn làm việc. Song nếu nhân viên FPT IS không có chỗ nào khác ngoài chỗ làm việc để ngủ thì quy định cấm ngủ trưa tại chỗ làm việc của công ty chính là một quy định cấm ngủ trưa trá hình, điều đó vi phạm pháp luật Việt Nam và công ty FPT IS có thể sẽ bị phạt.

Trong bài trả lời được đăng trên báo Vietnamnet, ông chủ tịch công ty IS đã nói như sau:

“Lý do duy nhất là vì sự nghiệp Toàn cầu hóa. Tôi đã trực tiếp nghe một khách hàng Mỹ và một khách hàng Hà Lan nói là họ bị “sốc” khi nhìn thấy cảnh buổi trưa nhân viên của chúng ta ngủ trong văn phòng làm việc. Họ giải thích rằng, ở Mỹ và châu Âu tuyệt đối không có chuyện ngủ trong văn phòng. 

Đối với họ, văn phòng là văn phòng, nhà ở là nhà ở, không thể có chuyện biến văn phòng thành chỗ ngủ. Nếu buổi trưa nhân viên nào muốn ngủ thì có thể ra xe ôtô cá nhân ngủ tạm. Họ lo ngại rằng nếu sau này chúng ta cử cán bộ sang hãng họ làm việc mà mang văn hóa ngủ trưa sang thì vừa làm xấu hình ảnh Việt Nam, hình ảnh FPT mà có thể nhân viên đó còn bị trả về Việt Nam, nặng hơn nữa là bị cắt hợp đồng.

Trong công cuộc toàn cầu hóa về ICT, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Trung Quốc và như thế, ngoài yếu tố chuyên môn còn có yếu tố văn hóa. Họ đã chân tình khuyên chúng ta muốn lấy được hợp đồng của họ, muốn vượt lên so với Ấn Độ và Trung Quốc thì nên bỏ thói quen ngủ trưa”.

Hình 1: Giường ngủ tại chỗ làm việc của một nhân viên trung tâm truyền thông Google ở San Francisco

Thứ nhất, việc tuyệt đối không có chuyện ngủ trưa trong văn phòng ở Hà Lan và Mỹ là chuyện hoàn toàn đáng ngờ. Người lao động ở đó có một khoản thời gian nghỉ trưa nhất định, họ hoàn toàn có thể ngủ. Cũng như ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp chấp nhận cho nhân viên ngủ tại bàn làm việc, có những doanh nghiệp lớn như Google, Nike hay British Airways còn xây khu phòng ngủ riêng hoặc sắp đặt cho nhân viên một cái giường ngay cạnh bàn làm việc. Không phải người nào cũng có thể ngủ trong phòng làm việc trên cái bàn cứng và giữa hàng đống máy móc, nên có người ngủ ngoài trời hoặc trong ô tô riêng của họ. Lựa chọn hợp lý nhất là trên ô tô riêng vì ở đó họ có thể biến nó thành phòng ngủ lưu động. Ở một nước châu Á như Nhật Bản, nơi hiện đang là thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT về phần mềm, dịch vụ cung cấp chỗ ngủ trưa thậm chí còn làm một lĩnh vực kinh doanh rất phát đạt.

Hình 2: Một nhân viên ngủ trưa tại trụ sở chính của Google

Thứ hai, lo ngại rằng việc ngủ trưa làm xấu hình ảnh Việt Nam hay FPT hay thậm chí bị cắt hợp đồng là chuyện thừa. Người nước ngoài cũng có nhiều người ngủ trưa, và họ hoàn toàn hiểu điều đó. Việc kinh doanh là hiệu quả là lợi nhuận, chứ không phải vì vấn đề ai đó ngủ trưa hay không ngủ trưa. Một trong những hình mẫu về tập đoàn công nghệ của FPT là công ty Google khuyến khích nhân viên ngủ trưa, họ không hề coi ngủ trưa là xấu hay đòi cắt hợp đồng của ai vì chuyện ngủ trưa. Không ai ở Google lo lắng việc ngủ trưa làm xấu mặt Google hay nước Mỹ, vì điều đó hoàn toàn không liên quan. Một công ty công nghệ Việt Nam khác là BKAV lại còn cấp cả chăn gối cho nhân viên ngủ trưa ngay tại chỗ làm việc, vốn là công ty công nghệ có tên tuổi, BKAV cũng có rất nhiều khách hàng nước ngoài. Song có lẽ do họ biết cách sắp xếp cho ngủ trưa một cách hợp lý nên không thấy lãnh đạo của BKAV lo khách hàng nước ngoài phản đối. 

Thứ ba, ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng giống như Việt Nam, chuyện ngủ trưa rất phổ biến, mặc dù cũng có một số người Trung Quốc hay kêu ca về chuyện ngủ trưa, coi đó là một thói quen xấu giống như lãnh đạo FPT IS vậy. Về mặt kinh doanh, muốn lấy được hợp đồng của khách hàng thì phải có chiến lược đúng đắn, có kế hoạch bài bản và có một sự thấu hiểu sâu sắc về khách hàng, việc bỏ thói quen ngủ trưa hoàn toàn không có liên quan. Một khách hàng nước ngoài sẽ không từ chối một hợp đồng đem lại nhiều lợi nhuận chỉ vì ai đó ngủ trưa, và ngược lại một khách hàng nước ngoài cũng không vì ai đó không ngủ trưa mà chấp nhận một hợp đồng kém cạnh tranh. Cho đến nay cả người Trung Quốc cũng như người Ấn Độ không hề nhắc đến chuyện bỏ ngủ trưa để cạnh tranh với Việt Nam, họ biết rằng đó không phải là yếu tố quyết định trong cạnh tranh. 

Thứ tư, ông chủ tịch một công ty lớn nhưng khi ban hành lệnh cấm ngủ trưa hoàn toàn không đưa ra được những lý lẽ thuyết phục chỉ mà viện dẫn ông khách nước ngoài này hay nước ngoài kia, là những người ở tận đẩu tận đâu, không ai kiểm chứng được. Hơn nữa đó cũng chỉ là những ý kiến cá nhân của những người nước ngoài, hoàn toàn không phải đánh giá chuyên môn. Ông chủ tịch còn loay hoay với ngụy biện về công bằng giữa người ngủ trưa với người không ngủ trưa hay với khách hàng đến FPT làm việc, trong khi đó là việc hoàn toàn có thể sắp xếp một cách đơn giản. Dường như khả năng tạo dựng sự đồng thuận là một vấn đề đối với lãnh đạo của FPT IS.

Hình 3: Một nghiên cứu về giá trị của việc ngủ trưa

Về mặt khoa học, một nghiên cứu của đại học California năm 2010 đã cho thấy nhóm người ngủ trưa ngắn có kết quả là việc tốt hơn và nhóm không được ngủ trưa thì có kết quả làm việc kém hơn. Thế nên nếu ông chủ tịch IS cần bằng chứng về ích lợi của việc ngủ trưa có thể tham khảo rất nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới. Tất nhiên 80% lãnh đạo FPT không ngủ trưa mà vẫn làm việc hiệu quả không chứng minh điều ngược lại. Lãnh đạo FPT có thể nên thử ngủ trưa, kết quả làm việc sẽ tốt hơn và công cuộc toàn cầu hóa của FPT sẽ tiến nhanh hơn nữa.

Hình 4: Ngủ trưa tại chỗ làm việc ở công ty TOPICA Việt Nam

Nhiều công ty nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng rất ủng hộ việc ngủ trưa và tạo điều kiện cho nhân viên có một giấc ngủ trưa một cách dễ chịu. Trong danh sách đó có rất nhiều tập đoàn lớn toàn cầu của Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, có lẽ đối với họ toàn cầu hóa không nằm ở vấn đề ngủ trưa. Đáng ngạc nhiên là một công ty Việt Nam lớn như FPT lại coi ngủ trưa là vấn đề liên quan đến cạnh tranh toàn cầu.

Tư duy về toàn cầu hóa lạc hậu sẽ khiến FPT gặp rất nhiều vấn đề trong tương lai. Lãnh đạo của họ không nắm bắt được cốt lõi của chiến lược toàn cầu hóa mà chỉ loay hoay với những hiện tượng bề ngoài, thậm chí còn sử dụng sức mạnh hành chính quan liêu để áp đặt ý muốn chủ quan của mình. Không ngủ trưa, nói tiếng Anh hay giành được các hợp đồng với nước ngoài không phải là toàn cầu hóa. Một công ty Việt Nam dù cho có bán được hàng cho khách hàng ở Mỹ hay châu Âu thì vẫn chỉ là một doanh nghiệp địa phương không hơn không kém. Không đâu xa, những ví dụ thành công trong toàn cầu hóa của doanh nghiệp Việt Nam đang ở ngay trước mắt FPT, đó là Hoàng Anh Gia Lai và Viettel. Trong khi Viettel phát triển dịch vụ viễn thông ở nhiều nước trên thế giới thì Hoàng Anh Gia Lai trồng mía ở Lào và bán đường sang Trung Quốc, những doanh nghiệp này đã mở rộng chuỗi giá trị gia tăng của họ ra toàn cầu. Không có ai ngạc nhiên khi cả Viettel lẫn Hoàng Anh Gia Lai đều chưa bao giờ băn khoăn về chuyện ngủ trưa, nói tiếng Anh hay ăn cà ri để cạnh tranh với người Ấn Độ. Đó chính là điểm khác biệt mà các lãnh đạo FPT cho đến nay vẫn chưa nhận ra, hay nói cách khác tư duy toàn cầu hóa thực sự là khi FPT IS nghĩ đến việc lập công ty gia công phần mềm cho khách hàng Việt Nam ở Ấn Độ và chăm sóc họ với tổng đài điện thoại ở Philippine.

(Ghi chú: Tất cả các hình minh họa lấy từ Internet)

Saturday, June 14, 2014

Washington thúc đẩy các căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài báo "Washington drives escalating tensions in South China Sea" của Joseph Santolan, bài viết cung cấp một góc nhìn khác về vai trò của Hoa Kỳ trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Hoa Kỳ đang thúc ép cả Philippine và Việt Nam đối đầu với Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa như là một phần trong “chuyển trục sang châu Á”, nhằm chôn vùi Bắc Kinh và củng cố sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với khu vực.

Vào thứ hai, phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Vương Minh, đã trình tuyên cáo lập trường lên Tổng Thư Ký Ban Ki-moon, trong đó ông ta yêu cầu loan tin tới Đại Hội Đồng. Văn bản cáo buộc Việt Nam thường xuyên quấy rối một dàn khoan của Công Ty Dầu Đại Dương Quốc Gia Trung Quốc mà Bắc Kinh triển khai vào ngày 1 tháng 5 tại vùng biển cách 32 km về phía tây của quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa

Bắc Kinh khẳng định rằng các tàu của Việt Nam đã đâm tàu của Trung Quốc 1,416 lần, thêm vào đó Hà Nội đã sử dụng “người nhái” tiếp cận dàn khoan từ dưới nước và giăng lưới cũng như rải các vật cản để cản đường đi của tàu Trung Quốc.

Văn bản khẳng định rằng những hành động đó là “sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán và pháp lý của Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của các nhân viên Trung Quốc và dàn khoan HSSY 981, và xâm phạm trắng trợn các luật pháp quốc tế có liên quan”. Văn bản cũng kêu gọi đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam để giải quyết vấn đề.

Trong một đáp trả khiêu khích, Quốc Hội Việt Nam thông báo vào thứ ba rằng họ thông qua một ngân sách trị giá 762 triệu dollar để đóng thêm các tàu cảnh sát biển(*). Vào thứ tư, Hà Nội đã đệ trình tuyên cáo lập trường đáp lại Bắc Kinh lên Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Trung Quốc “rút tàu ra khỏi lãnh hải Việt Nam và chấm dứt mọi hoạt động quấy rầy an toàn và cũng như an ninh hàng hải, và tôn trọng an ninh cũng như hòa bình khu vực”.

Washington đang sử dụng căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh để thúc ép Việt Nam đưa đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa ra Tòa Hòa Giải Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS) tại Hague, cùng với vụ kiện của chính quyền Philippine vào ngày 30 tháng 3.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố vào cuối tháng 5, trong một cuộc họp với thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ben Cardin, một thành viên của Ủy Ban Quan Hệ Quốc Tế, rằng Hà Nội đã “chuẩn bị và sẵn sàng cho hoạt động pháp lý… Chúng tôi đang cân nhắc thời điểm thích hợp nhất để thực hiện biện pháp này.” Ông cũng khẳng định rằng Việt Nam mong đợi “Hoa Kỳ có những đóng góp rõ ràng hơn, hiệu quả hơn vào hòa bình và ổn định khu vực.”

Suốt tuần qua, chính quyền Philippine của tổng thống Benigno Aquino khẳng định rằng Trung Quốc đã triển khai một số máy nạo vét và tàu kéo để nạo vét đáy biển cũng như phun cát và đá lên năm đảo san hô ở phía bắc quần đảo Trường Sa, mở rộng diên tích mặt đất lên 9 ha. Manila phỏng đoán rằng Bắc Kinh đang xây dựng một sân bay và có ý định sử dụng sân bay này để tuyên bố Khu Vực Xác Thực Phòng Không (ADIZ) trên biển Nam Trung Hoa.

Washington sử dụng những cáo buộc này để gia tăng sức ép lên Trung Quốc. Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về quan hệ Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nói vào ngày thứ ba, “Có nhiều bản tin báo chí về các hoạt động trên biển Nam Trung Hoa, như sự cải tạo đang diễn ra và… xây dựng trên quy mô lớn các vị trí tiền đồn vượt qua mức mà một cá nhân có lý trí có thể khẳng định là phù hợp với việc duy trì hiện trạng”.

Với giọng điệu đạo đức giả trắng trợn, Russel, người phát ngôn cho chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, tiếp tục, “sự ép buộc và đe dọa vũ lực như là cơ chế để thỏa mãn đòi hỏi lãnh thổ đơn giản là không thể chấp nhận.

Washington thường sử dụng ép buộc và đe dọa vũ lực để thỏa mãn các lợi ích của họ, và thậm chí dẫn đến chiến tranh, không chỉ trên biển Nam Trung Hoa mà còn tại hàng loạt các điểm nóng quanh địa cầu. Bình luận của Russel diễn ra chỉ trong vòng hai tuần sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Chuck Hagel phát biểu tại Singapore, phác thảo sự chuẩn bị quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh tại khu vực.

Yếu tố chủ chốt trong các cáo buộc chống lại việc “xây dựng đảo” của Bắc Kinh là lo ngại của Manila và Philippine cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tới vụ kiện của Manila tại ITLOS.

Vào ngày 3 tháng 6, tòa hòa giải đưa ra Quy Tắc Thủ Tục số 2, yêu cầu Bắc Kinh cho tới ngày 15 tháng 12 phải nộp bị vong lục phản kháng trong vụ kiện của Manila. Bắc Kinh trả lời bằng một thông cáo ngoại giao, lặp lại sự từ chối tham gia vụ kiện.

Vụ kiện của Manila tại ITLOS được Washington lôi kéo và thuyết phục, nhằm mục đích vô hiệu hóa các đòi hỏi của Bắc Kinh trên biển Nam Trung Hoa.

Russel diễn giải các câu hỏi của vụ kiện ITLOS vào tháng 2, khẳng định rằng Hoa Kỳ cho rằng “mọi tranh chấp lãnh hải phải được xuất phát từ đặc điểm đất đai và mặt khác phải phù hợp với luật quốc tế về biển… các đòi hỏi ở biển Nam Trung Hoa mà không xuất phát từ đặc điểm đất đai về căn bản là sai lầm”.

Paul Reichler, cộng sự của hãng luật Hoa Kỳ Foley Hoag và chịu trách nhiệm tư vấn cho vụ kiện tại ITLOS của Philippine, phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở New York, cho rằng kiện Trung Quốc ở Hague sẽ biến Bắc Kinh thành “kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế”, và Bắc Kinh sẽ có “một cái giá đắt phải trả”.

Đòi hỏi lịch sử của Manila đối với các hòn đảo và lãnh thổ có vẻ như yếu hơn của Bắc Kinh. Điều đó cho thấy tại sao Manila không đưa ra kiện tranh chấp lãnh thổ, mà là tranh chấp biển theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS), dựa trên các vùng biển tranh chấp chứ không phải các hòn đảo. Họ lập luận rằng tranh chấp phải được phán xét tiên quyết dựa trên sự gần gũi về bờ biển chứ không phải là các đòi hỏi có tính lịch sử.

Yếu tố cốt lõi trong đòi hỏi của Manila, theo đó trạng thái của các vùng đất trên biển Nam Trung Hoa là đá không phải là đảo, và là đối tượng của pháp lý về biển chứ không phải là lãnh thổ. Đòi hỏi này đối mặt với thực tế là Manila có một đơn vị hành chính chính thức trên đảo Pag-asa tại Trường Sa, tại đó có 300 thường dân, một trường tiểu học và 40 binh lính. Tuy nhiên, lập luận pháp lý đã củng cố cho sự phản đối của Manila đối với việc nạo vét và xây dựng của Bắc Kinh tại phần phía bắc quần đảo Trường Sa.

Russel ủng hộ ranh giới của Manila vào ngày 12 tháng 6, kêu gọi các bên tranh chấp đưa ra một “đảm bảo đơn giản như không chiếm đóng bất cứ dạng đất nào hiện chưa bị chiếm đóng trên biển Nam Trung Hoa”. Bắc Kinh rõ ràng là mục tiêu của tuyên bố này.

Các phán xét nhân đạo giả tạo giúp đế quốc Hoa Kỳ can thiệp vào Lybia, Syria hay Ukraina không dễ dàng để áp dụng trong tranh chấp lãnh hải, nơi không có ảnh hưởng trực tiếp đến dân chúng, và điều rõ ràng trên nguyên tắc là xung đột về lợi ích kinh tế của các quốc gia tham gia tranh chấp.

Washington đang tìm cách thúc đẩy vụ đối đầu với Trung Quốc dựa trên khái niệm “tự do giao thông hàng hải”, và làm vậy để vô hiệu hóa các đòi hỏi lãnh thổ của Bắc Kinh tại tòa án quốc tế. Washington thúc ép cả Philippines lẫn Việt Nam lôi kéo Trung Quốc vào trò chơi nguy hiểm bên bờ vực hải chiến trên biển Nam Trung Hoa, và sau đó đệ đơn kiện tại ITLOS dựa trên những tranh chấp đó.

Sự đột phá của chiến dịch này là tạo ra một cái cớ hợp pháp cho chiến tranh.

Washington cùng lúc cũng tiến hành các sự chuẩn bị quân sự cần thiết. Vào cuối tháng tư, Washington ký một thỏa thuận với Manila để đóng quân không giới hạn trên khắp lãnh thổ Philippines. Họ cũng đang có các đàm phán với Hà Nội để đậu các tàu chiến Hoa Kỳ tại vịnh Cam Ranh.

Chú thích của người dịch: (*) Tác giả bài báo nhầm lẫn về khoản ngân sách 16.000 tỷ đồng mà Quốc Hội Việt Nam mới thông qua, ngân sách đó không chỉ dành cho việc đóng tàu cảnh sát biển mà còn được sử dụng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt và trang bị cho lực lượng kiểm ngư. Khoản hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân lên tới 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 ngân sách đã được phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Philippine nhận tiền lại quả từ Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam?

Mới đây báo chí Philippine lại tiếp tục đưa tin về vụ án tham ô liên quan đến Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Philippine, đáng chú ý là vụ án này còn liên quan đến các hợp đồng cung cấp gạo cho Philippine của Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam (Vinafood II). Theo thông tin của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó tổng giám đốc Vinafood 2 đã phủ nhận việc lại quả cho quan chức Philippine. Điều đáng tiếc là ông phó tổng giám đốc Vinafood II đã rất hồ đồ và vượt quá phạm vi thẩm quyền khi tuyên bố phía Philippine đưa ra chuyện này là do đấu đá nội bộ. Một người đại diện doanh nghiệp lớn nên tránh đánh giá bạn hàng lớn một cách bất cẩn và thiếu tế nhị như vậy. Trong cả Luật Cạnh Tranh cũng như Luật Phòng Chống Tham Nhũng và Luật Hình Sự của Việt Nam đều không có điều khoản nào đề cập đến việc hối lộ quan chức nước ngoài để đạt được thỏa thuận thương mại. Có lẽ đây là một lỗ hổng cần được chính quyền Việt Nam lưu ý.

Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài báo "Alcala faces fourth plunder raps over rice import ‘midnight’ deal" để biết thêm thông tin chi tiết.

MANILA, Philippines – Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Proceso Alcala đối mặt với bốn cáo buộc tham ô của Cục Thanh Tra, cáo buộc về sự can dự của ông ta vào các hợp đồng nhập khẩu gạo của Việt Nam với giá cao. 

Hiệp Hội Người Bán Hàng Metro Manila, trong lời khai tuyên thệ do chủ tịch hiệp hội Flora Santos trình bày, cáo buộc Alcala và chủ tịch đã từ chức của Ủy Ban Lương Thực Quốc Gia (NFA) Orlan Calayag kiếm lợi hơn 1 tỷ peso trong hợp đồng nêu trên.

“Hợp đồng rõ ràng đã cướp của chính phủ một khoản tiền rất lớn, đáng lẽ ra phải được sử dụng cho các dự án và dịch vụ quan trọng khác của chính phủ…” đơn kiện viết. 

Theo đơn kiện, Alcala và Calayag đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu 800,000 tấn gạo của Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam (VINAFOOD II) vào tháng tư vừa qua. 

Hợp đồng hoàn tất chỉ một tháng trước khi cựu thượng nghị sĩ Francis “Kiko” Pangilinan được bổ nhiệm làm cố vấn tổng thống về an ninh lương thực và hiện đại hóa nông nghiệp, dự án nhập khẩu bị coi là “hợp đồng đi đêm”, bên nguyên đơn khẳng định.

“Có lẽ biết rằng thời cơ sắp hết, họ đã tận dụng những ngày cuối cùng tại nhiệm và dàn xếp các hợp đồng mang lại cho họ một cách hào phóng các khoản lại quả bất hợp pháp…” đơn kiện viết.

Bên nguyên đơn cáo khẳng định giá của hợp đồng chênh lệch tới 30 dollar mỗi tấn gạo – giá của NFA là chênh lệch tới 54 dollar Mỹ một tấn so với giá thị trường phổ biến chênh lệch là 24 dollar Mỹ một tấn. 

Điều đó có nghĩa là phía bị đơn đã kiếm lợi 24 triệu dollar Mỹ hay 1,080 tỷ peso. (Bên nguyên đơn sử dụng tỷ giá 45 peso ăn 1 dollar để tính toán. Nhưng tỷ giá vào ngày 12 tháng 6 là 43,659 peso ăn 1 dollar, có nghĩa là bên bị đơn đã thu lợi 1,048 tỷ peso.)

Bên nguyên đơn cũng nói rằng hợp đồng đó là bất công bởi vì được thông qua vào tháng tư năm nay tức là đúng vào vụ thu hoạch, khi nguồn cung gạo đạt đỉnh cao.

Hợp đồng cũng mâu thuẫn với lời hứa của chính quyền về việc tự túc gạo, bên nguyên đơn nói. Người phát ngôn tổng thống Edwin Lacierda đã được trích dẫn trong một báo cáo cho biết Philippines sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2014.

Alcala cũng phải đối mặt với ba cáo buộc tham ô khác. Cáo buộc đầu tiên được Kilusang Magbubukid Pilipinas đưa ra vào tháng 11 năm 2013 chống lại Alcala và tổng thống Aquino về việc lạm dụng Quỹ Viện Trợ Phát Triển Ưu Tiên trong vụ án của Janet Lim-Napoles.

Vào tháng 12 năm 2013, Alcala cũng bị cáo buộc về việc nâng giá nhập khẩu 205,700 tấn gạo của Việt Nam vào tháng 5 năm 2013 tới 457,2 triệu peso.

Trong khi đó vào tháng 1 năm 2014, Alcala và chủ tịch công ty Kinh Doanh Nông Nghiệp Quốc Gia (Nabcor) Honesto Baniqued phải đối mặt với cáo buộc tham ô 1,07 tỷ peso, một phần trong quỹ đen trị giá 11,4 tỷ pesos của Nabcor theo một báo cáo của Ủy Ban Kiểm Toán.

Alcala cũng bị cáo buộc là tham gia vào vụ gian lận trọng lượng thịt lợn. Ông ta có tên trong danh sách những người hưởng lợi mà Janet Lim-Napoles cung cấp, người này được coi là kẻ chủ mưu trong vụ gian lận.

Thursday, June 12, 2014

Hoa Kỳ gần như đã sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Việt Nam

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết "U.S. nearly used nukes during Vietnam war" của Marjorie Cohn, bài viết giới thiệu phát biểu của các nhà hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam nổi tiếng nhân dịp đoàn tụ của phong trào ngày 3 tháng 4 ở đại học Stanford.

Chúng ta đã tới gần một cách nguy hiểm cuộc chiến hạt nhân khi Hoa Kỳ đánh nhau ở Việt Nam, người tiết lộ Tài Liệu Lầu Năm Góc Daniel Ellsberg nói trong cuộc đoàn tụ của Phong Trào Phản Chiến Việt Nam ở Stanford vào tháng 5 năm 2014. Ông nói rằng vào năm 1965, Bộ Tham mưu thuyết phục tổng thống Lyndon B. Johnson rằng cuộc chiến có thể thắng, nhưng sẽ tốn ít nhất là từ 500,000 đến một triệu lính. Bộ Tham mưu khuyến nghị tấn công các mục tiêu tới tận biên giới Trung Quốc. Ellsberg cho rằng mục tiêu thật sự của họ là kích động Trung Quốc đáp trả. Nếu Trung Quốc tham chiến, Bộ Tham mưu sẽ được phép vượt qua biên giới Trung Quốc và sử dụng vũ khí hạt nhân để dọn sạch những người cộng sản. Cựu tổng thống Dwight D. Eisenhower cũng khuyến nghị Johnson rằng nên sử dụng vũ khí hạt nhân cả ở miền Bắc và Nam Việt Nam. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng cử viên cộng hòa Barry Goldwater cũng kêu gọi tấn công hạt nhân. Johnson lo ngại rằng Bộ Tham mưu sẽ từ chức và công khai nếu Johnson không tuân theo ít nhất là một vài khuyến nghị của họ và ông ta cần một số sự ủng hộ của đảng cộng hòa cho các chương trình “Đại xã hội” cũng như “Chiến tranh chống đói nghèo”. May mắn là Johnson đã phản đối các đề xuất cực đoan nhất của họ, ngay cả khi Bộ Tham mưu cho rằng chúng cần phải thành công. Ellsberg không thể kết luận rằng phong trào phản chiến đã cắt ngắn cuộc chiến, nhưng ông nói rằng phong trào là đỉnh điểm của cuộc chiến. Nếu tổng thống thực hiện những gì Bộ Tham mưu khuyến nghị, phong trào sẽ phát triển lớn hơn, nhưng cũng như cuộc chiến sẽ lớn hơn nhiều. 

“Người nguy hiểm nhất nước Mỹ”

Ellsberg, một cựu nhân viên phân tích quân sự và hải quân ở Việt Nam, làm việc tại tập đoàn RAND và Lầu Năn Góc. Ông đối mặt với hàng thập kỷ ngồi tù để công bố 7,000 tại liệu tối mật cho tờ New York Times cũng như những tạp chí khác vào năm 1971. Tài Liệu Lầu Năm Góc cho thấy 5 đời tổng thống Hoa Kỳ đã thường xuyên nói dối nhân dân Mỹ về cuộc chiến Việt Nam, cuộc chiến đã giết hại hàng ngàn người Mỹ và hàng triệu người Đông Dương. Hành động can đảm của Ellsberg đã trực tiếp dẫn đến vụ scandal Watergate, khiến Nixon từ chức và giúp kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, đã gọi Ellsberg là “người nguy hiểm nhất nước Mỹ”, người “cần phải bị chặn đứng bằng mọi giá”. Nhưng Ellsberg đã không bị chặn đứng. Đối mặt với bản án 115 năm tù vì tội gián điệp và âm mưu, ông đã kháng án. Vụ án chống lại ông đã bị hủy bỏ do sự lạm dụng tồi tệ của chính quyền Nixon. Câu chuyện của Ellsberg đã được dựng thành phim “Người nguy hiểm nhất nước Mỹ”, bộ phim được đề cử giải Oscar. Edward Snowden nói với Ellsberg rằng bộ phim đã khích lệ anh trong việc công bố các tài liệu của Ủy Ban An Ninh Quốc Gia.

Phong trào ngày ba tháng tư 

Vào ngày 3 tháng 4 năm 1969, 700 sinh viên Stanford thống nhất chiếm đóng phòng thí nghiệm điện tử ứng dụng (AEL), nơi các nghiên cứu bí mật về vũ khí điện tử (radar-jamming) mới được bắt đầu ở Stanford. Đó là sự xuất hiện của phong trào ngày 3 tháng 4 (A3M), cuộc đoàn tụ của phong trào được tổ chức 5 đến 10 năm mỗi lần. Vụ chiếm đóng AEL do đại đa số sinh viên Stanford ủng hộ đã kéo dài 9 ngày, với hàng sa số các bản in trong tòa nhà làm bằng chứng cho việc các ủy viên hội đồng quản trị Stanford có liên hệ với các nhà thầu quân sự. Stanford đã phải chuyển việc nghiên cứu ra khỏi khu vực trường đại học, nhưng A3M vẫn tiếp tục chiếm đóng, bãi khóa, và đối đầu với cảnh sát tại khu công nghiệp Stanford. Nhiều nhà hoạt động trong thời kỳ này vẫn tiếp tục công việc tiến bộ, dựa trên kinh nghiệm của họ trong phong trào A3M. Năm nay, chúng ta thảo luận về kinh tế chính trị của sự biến đổi khí hậu, và mối quan hệ giữa phản văn hóa những năm 1960 với sự phát triển của Thung Lũng Silicon. Tiêu điểm của cuối tuần bao gồm ba ghi nhận chủ chốt – của Ellsberg; của nhà khoa học chính trị Stanford giáo sư Terry Karl; và một bài phát biểu của giáo sư H. Bruce Franklin khoa nghiên cứu Anh và Hoa Kỳ từ Rutgers.

“Trách nhiệm giải trình về các tội ác chiến tranh: từ Việt Nam đến Mỹ Latin”

Terry Karl là giáo sư Stanford được biến đến trong các công trình nghiên cứu kinh tế chính trị học về phát triển, chính sách dầu mỏ, Mỹ Latin và châu Phi, cũng như nhân quyền. Bà làm chứng với tư cách nhân chứng chuyên gia trong các phiên tòa chống lại các nhà độc tài cũng như quan chức quân sự Mỹ Latin, những kẻ đã tra tấn, làm mất tích và giết hại nhiều thường dân những năm 1970 và 1980, khi chính phủ của họ được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Lời khai của Karl đã giúp xác định tội ác và trách nhiệm giải trình trong vụ sát hại tổng giám mục El Salvador Romero, vụ cưỡng hiếp và giết hại 4 nữ tu Hoa Kỳ và các trường hợp tội các khác.

Karl trích dẫn lời tổng thống George H. W. Bush, người tuyên bố đầy tự hào sau cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, “Bóng ma Việt Nam đã bị chôn vùi vĩnh viễn trong các sa mạc của bán đảo Arab”. Mặc dù vậy, Karl cho rằng, chúng ta đã can dự vào “cuộc chiến thường trực” kể từ chiến tranh Việt Nam, một phần bởi vì không có trách nhiệm giải trình, cả quốc tế cũng như nội địa. Sự hiện diện toàn cầu của quân đội Hoa Kỳ, theo Karl, không phải là để phòng thủ mà là để duy trì Hoa Kỳ ở “vị trí dẫn đầu”. Không có bất cứ sự phòng thủ nào cần tới sự có mặt của quân đội ở 150 nước.

Khởi đầu với Việt Nam, chúng ta ngừng đóng thuế cho những cuộc chiến mà chúng ta tham gia, Karl nói. Cuộc chiến Triều Tiên được tài trợ bằng thuế, nhưng cuộc chiến Việt Nam được trả bằng lạm phát. Điều này đã tạo ra khủng hoảng kinh tế dẫn đến sự thắng cử của Ronald Reagan năm 1980. Các cuộc chiến ở Trung Mỹ, Iraq và Afghanistan được trả bằng nợ nần. Theo quan điểm này, cuộc chiến thường trực không chỉ đe dọa nền dân chủ của chúng ta, Karl chỉ ra, mà còn đe dọa tương lai kinh tế của chúng ta. Trong một ví dụ, Karl cho biết Hoa Kỳ tham gia các cuộc chiến để đảm bảo dầu mỏ và khí đốt, mặc dù kẻ tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Bộ Quốc Phòng, do những cuộc chiến đó.

Karl cũng cho rằng chúng ta đã không thắng những cuộc chiến không công – nếu kết quả trái với mục tiêu ban đầu. Hoa Kỳ đã tham chiến ở Việt Nam để ngăn chặn những người cộng sản thống nhất đất nước; mặc dù vậy đó chính là điều đã diễn ra. Chính quyền Reagan quyết định “vạch ranh giới” ở El Salvador để ngăn những người nổi loạn FLMN nắm lấy quyền lực; mặc dù vậy hiện giờ FMLN là chính quyền. Và chính quyền Reagan hỗ trợ lực lượng contras ở Nicaragua để ngăn chặn Sandinistas điều hành đất nước này; giờ thì Sandinistas đang kiểm soát. Bà tiên đoán rằng chúng ta sẽ thấy “các chiến thắng” tương tự ở Iraq và Afghanistan.

“Ký ức văn hóa về chiến tranh Việt Nam trong kỷ nguyên Chiến tranh vĩnh viễn”

H. Bruce Franklin là giáo sư chính thức đầu tiên bị đại học Stanford đuổi việc, và là người đầu tiên bị một trường đại học chủ chốt đuổi việc kể từ những năm 1950. Franklin, một người Marxist và thành viên tích cực của A3M, bị phá hủy bởi vì những điều ông nói tại cuộc mít-ting phản chiến, theo ACLU, chung quy là bảo vệ ngôn luận theo Tu chính Án thứ nhất. Franklin, một chuyên gia nổi tiếng về Herman Melville, lịch sử và văn hóa, đã giảng dạy ở đại học Rutgers từ năm 1975. Ông đã viết và biên tập 19 cuốn sách và hàng trăm bài báo, bao gồm cả những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam. Trước khi trở thành nhà hoạt động, Franklin đã làm việc 3 năm trong không lực Hoa Kỳ, ông nói, “bay trong các chiến dịch do thám và khiêu khích Liên bang Soviet cũng như tham gia triển khai chiến tranh nhiệt hạch quy mô toàn diện”. Franklin nói tại cuộc họp mặt về những huyền thoại mà chính quyền Hòa Kỳ tạo ra kể từ cuộc chiến Việt Nam. “Một trong những điều hoang đường được phổ biến rộng rãi về chiến tranh Việt Nam là cáo buộc phong trào phản chiến là nguyên nhân thua trận, quân đội buộc phải ‘chiến đấu với một cánh tay bị giữ sau lưng’”, Franklin nói. “Điều đó trái với sự thật”, ông khẳng định. Franklin trích dẫn những người Mỹ phản đối chiến tranh. “Giống như phần còn lại của phong trào ở quê nhà”, ông cho biết, “A3M được truyền cảm hứng và sức mạnh bởi sự giận dữ trước cả chiến tranh và những lời nói dối về chiến tranh của chính quyền và truyền thông, cũng như sự tham gia của những thể chế là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như đại học Stanford”. Cuộc chiến cuối cùng cũng kết thúc, Franklin nghĩ, bởi vì phong trào phản chiến, đặc biệt là phản đối trong nội bộ quân đội.

Hai huyền thoại khác mà Franklin đã phơi bày, thứ nhất, những người hùng thật sự là tù binh Mỹ trong chiến tranh (POW) vẫn bị cầm tù ở Việt Nam; và thứ hai, nhiều cựu binh chiến tranh Việt Nam bị những người phản chiến phỉ nhổ khi trở về nhà. Lá cờ đen trắng POW/MIA (mất tích trong chiến tranh) đã bay trên Nhà Trắng, bưu điện Hoa Kỳ và các tòa nhà công sở, Sở Giao Dịch chứng khoán New York, và xuất hiện trên ống tay phải áo choàng sĩ quan của Ku Klux Klan, theo Franklin. “Lá cờ ấy giờ đã trở thành biểu tượng văn hóa của quan điểm chính thống Hoa Kỳ về các chiến binh anh hùng bị “Việt Nam” trù dập nhưng đã trỗi dậy như Rambo được cởi trói”, ông nói. Sau khi nói chuyện với một số học giả Nhật Bản mà ông đã gặp trong chuyến đi tới Nhật Bản, Franklin nhận ra rằng ông đã quên mất “ý nghĩa cốt yếu nhất và bí mật nhất” của huyền thoại POW/MIA. Các học giả nói với ông, “Khi quân đội thống trị ở Nhật Bản, người cuối cùng được sử dụng làm biểu tượng của chủ nghĩa quân sự là POW. Tại sao việc anh ta làm là anh hùng? Anh ta đã không chiến đấu tới chết. Anh ta đã đầu hàng.” Franklin nói tại cuộc đoàn tụ: “Cả POW lẫn các cựu binh bị sỉ nhục đều trở thành các biểu tượng ở Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với người Mỹ, như là nạn nhân của “Việt Nam”, không phải là nhân dân hay dân tộc mà là một thứ gì đó khủng khiếp đã xảy ra đối với chúng ta. Ông cũng nói rằng hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy các cựu binh chiến tranh Việt Nam bị những người phản chiến sỉ nhục. “Đó là hai huyền thoại biến “Việt Nam” thành cơ sở văn hóa của chiến tranh thường trực”, Franklin nói. Ông trích dẫn lời tuyên bố của George H. W. Bush năm 1991, “Nhờ ơn Chúa, chúng ta đã thanh toán hội chứng Việt Nam một lần và vĩnh viễn.”

Di sản của cuộc chiến Việt Nam

Nhưng như Karl và Franklin đã thấy, hiện giờ chúng ta đã can dự vào một “cuộc chiến thường trực” hay “cuộc chiến vĩnh viễn”. Chính quyền Hoa Kỳ khởi sự hai cuộc chiến chủ chốt và nhiều cuộc can thiệp quân sự trong những năm qua kể từ cuộc chiến Việt Nam. Trong tuyên bố mới đây về chính sách đối ngoại, tổng thống Obama nói: “Hoa Kỳ sẽ sử dụng quân lực, đơn phương nếu cần thiết, khi lợi ích cốt lõi của chúng ta yêu cầu – khi người dân của chúng ta bị đe dọa, khi lối sống của chúng ta bị hiểm nguy, khi an ninh của đồng minh bị nguy hiểm”. Obama không bao giờ đề cập tới Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, vốn cấm sự can thiệp “đơn phương” – sử dụng hay đe dọa sử dụng quân lực trừ trường hợp phòng vệ hay được sự đồng thuận của Hội Đồng Bảo An

Quân đội Hoa Kỳ, Karl cho biết, được dạy rằng cuộc chiến Việt Nam đã thành công. Và trong 11 năm tới, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Việt Nam, chính quyền Hoa Kỳ sẽ tiếp tục rêu rao những bài tường thuật dối trá về cuộc chiến. [Xem http://www.vietnamwar50th.com/]. May mắn thay, Các cựu chiến binh vì Hòa bình đã phát động một phong trào phản kỷ niệm, giải thích di sản thật sự của cuộc chiến Việt Nam [Xem http://www.vietnamfulldisclosure.org/]. Chỉ có hiểu rõ về lịch sử của chúng ta thì chúng ta mới có thể chống lại việc chính quyền sử dụng quân lực trước hết, thay vì sau cùng, để phòng thủ.

Saturday, June 7, 2014

Người ta có thể hiểu sai Marx đến mức nào?

Trong bài viết phân tích về khủng hoảng kinh tế của của ông Vũ Quang Việt, một chuyên gia về thống kê, đăng trên tạp chí Thời Đại Mới số 27 tháng 3 năm 2013 có một đoạn ở trang 2 và 3 như sau: 

Karl Marx trong tư bản luận xuất bản trong thời kỳ 1867-1894 cho rằng khủng hoảng có nguyên nhân nội tại trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Thặng dư lao động là do bóc lột công nhân, đẩy tư bản đến việc dùng máy thay người, do đó không còn chỗ để bóc lột, lợi nhuận sẽ giảm và đưa đến khủng hoảng. Nguyên nhân Marx đưa ra rõ ràng là sai vì ngày nay dù tư bản vẫn dùng máy thay người nhưng lợi nhuận lại tăng vì lợi nhuận của tư bản phát triển phần lớn không đi từ bóc lột lao động mà đi từ sản phẩm tri thức (và sẵn sàng biến tri thức thành tư bản để cùng chia lợi nhuận) dù qua phát triển đẩy lao động tay chân vào thất nghiệp hoặc vào hoạt động dịch vụ không cần tri thức.

Xem phần chú thích thì được biết ông Vũ Quang Việt tham khảo cuốn Crisis Economics của Nouriel Roubin và Stephen Mihm trong nhận xét về các lý thuyết khủng hoảng, do không có cuốn sách đó trong tay nên tạm thời chưa biết đây là quan điểm của ông Việt hay được trích dẫn từ cuốn sách đã nêu.

Nhưng cần phải nói là đoạn được trích dẫn cho thấy người viết nó hoàn toàn hiểu sai hoàn toàn về kinh tế chính trị học của Marx.

Thứ nhất, lý thuyết của Marx trình bày về sự bóc lột giá trị thặng dư chứ không phải lao động thặng dư, cái được gọi là lao động thặng dư là mục tiêu bóc lột của thời phong kiến, khi đó nông dân phải làm việc không công một số ngày nhất định trong năm cho lãnh chúa.

Thứ hai, việc bóc lột giá trị thặng dư không thúc đẩy nhà tư bản (chứ không phải tư bản vì tư bản là quan hệ sản xuất, không phải là người) đến việc buộc phải sử dụng máy móc thay người. Như Marx đã lập luận trong chương 13 quyển 3 bộ "Tư Bản", việc nâng cao cấu tạo hữu cơ tức là sử dụng nhiều tư liệu sản xuất (không chỉ máy móc mà còn cả nguyên vật liệu) hơn so với lao động là xu hướng tất yếu thể hiện sự tiến bộ sức sản xuất xã hội, nhà tư bản buộc phải tuân theo xu hướng ấy. Một điều cần nhắc nữa là tác giả hiểu sai hoàn toàn về vấn đề giảm số lượng lao động một cách tuyệt đối. Theo Marx giá trị của máy móc nguyên vật liệu sẽ tăng lên so với tiền lương, còn số lượng lao động tuyệt đối có thể tăng lên, giảm xuống hoặc giữ nguyên. Ví dụ một nhà tư bản có một cái máy trị giá 10 triệu đồng và 2 triệu đồng để thuê nhân công thì khi nhà tư bản đầu tư tăng giá trị máy móc lên gấp đôi, số tiền thuê nhân công sẽ không tăng thêm tương ứng là 2 triệu đồng mà có thể chỉ là 1 triệu đồng thôi. Với 20 triệu tiền máy và 3 triệu tiền thuê nhân công thì số lượng nhân công nhà tư bản thuê còn tùy thuộc vào mức tiền lương cho mỗi nhân công nữa, nếu tiền công được giữ nguyên thì số lượng công nhân sẽ tăng gấp rưỡi nhưng nếu tiền công tăng gấp rưỡi thì số nhân công được thuê sẽ không tăng thêm. Lập luận là dùng máy móc thay thế nhân công thì sẽ đến lúc không còn nhân công để bóc lột nữa để phản bác Marx chỉ là sự hiểu sai Marx.

Thứ ba, Marx đã chứng minh rất rõ trong chương viết về xu hướng giảm sút của tỷ suất lợi nhuận bình quân ở quyển 3 bộ "Tư Bản" là khi sử dụng nhiều tư liệu sản xuất hơn so với lao động thì thứ bị giảm sút là tỷ suất lợi nhuận bình quân, trong khi khối lượng lợi nhuận vẫn tăng lên. Lập luận trong đoạn trích hoàn toàn không phải là của Marx.

Thứ tư, lý thuyết của Marx không có gì sai khi ngày nay máy móc được sử dụng thay cho người mà khối lượng lợi nhuận vẫn tăng, bởi vì chính Marx cũng đã lập luận như vậy. Tỷ suất lợi nhuận bình quân suy giảm mới là tai họa của chủ nghĩa tư bản. Khủng hoảng là do tỷ suất lợi nhuận bình quân giảm sút chứ không phải là do khối lượng lợi nhuận giảm sút như tác giả gán cho Marx.

Thứ năm, tác giả đã đưa quan niệm lợi nhuận là không chỉ do lao động mà phần lớn do sản phẩm tri thức tạo ra. Nhưng cách nói này cũng sai nốt, vì các nhà kinh tế học tư sản từ hàng trăm năm nay đã cố gắng chứng minh rằng tri thức tạo ra lợi nhuận, hay lợi nhuận là sản phẩm của tri thức, nói sản phẩm tri thức tạo ra lợi nhuận thì thật vô nghĩa. Mặt khác, khi cả lao động và tri thức cùng tạo ra lợi nhuận mà tri thức có thể được biến thành tư bản để cùng thu lợi nhuận thì lao động cũng có thể biến thành tư bản để cùng chia sẻ lợi nhuận. Người công nhân sẽ tự thuê bản thân mình thay vì làm việc cho nhà tư bản.

Thứ sáu, Marx khẳng định lao động tạo ra giá trị, nhưng lao động đó không phải là lao động cụ thể như chân tay hay trí óc mà là lao động trừu tượng, tức là sự tiêu hao sinh lực của con người. Gán cho Marx cái quan niệm chỉ có lao động chân tay mới tạo ra giá trị để phủ nhận bằng quan niệm lao động trí óc mới tạo ra giá trị lớn hơn chính là xuyên tạc Marx.

Hiện nay phong trào nghiên cứu kinh tế chính trị Marxist rất phát triển ở các nước phương Tây. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ năm 2008 đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị Marxist như Fred Moseley, Andrew Kliman, Deepankar Basu, Micheal Thomas, Guglielmo Carchedi sử dụng lý thuyết của Marx để giải thích khủng hoảng kinh tế rất thành công, một trong những tác phẩm đáng chú ý là cuốn "The Failure of Capital Production" xuất bản năm 2009 của giáo sư người Mỹ Andrew Kliman. Nhưng có lẽ chưa có nhiều người Việt được tiếp cận với những thành tựu trên. Còn về phía phản bác lý thuyết khủng hoảng của Marx thì đã có hàng sa số các lập luận kể từ Ladislaus von Bortkiewiecz tới định lý của Nobuo Okishio đã được giới học giả phương Tây bàn thảo rộng rãi trong suốt nửa thế kỷ qua, phần lớn sự phản bác Marx về sau này đều dựa trên các lập luận đó, song có lẽ những người phản bác Marx ở Việt Nam cũng không hề biết tới.

Thursday, June 5, 2014

Nhà nước do Obama hậu thuẫn khủng bố miền đông Ukraina

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Obama backs state terror against eastern Ukraine" của tác giả Bill Van Auken, bình luận những tin tức mới nhất về tình hình chiến sự tại Ukraina.

Trong cuộc họp với tổng thống tỷ phú Ukraina Petro Poroshenko ở Warsaw vào thứ tư, tổng thống Obama đã tuyên bố hoàn toàn ủng hộ cái được gọi là “chiến dịch chống khủng bố” ở miền đông Ukraina và hứa hẹn về quân nhu mới cũng như huấn luyện để thực hiện thứ mà đang nhanh chóng trở thành một vụ tắm máu.

Tuyên bố trung thành với Poroshenko của Obama, Poroshenko được biết đến như “vua sô cô la”, được đưa ra giữa những bằng chứng mới về tội ác chiến tranh của của quân đội chính quyền Kiev và du kích phát xít đang chiến đấu theo lệnh của họ. Những tội ác này nhằm khủng bố để buộc người dân Donetsk và Luhansk phải khuất phục, đây là những khu vực đã phủ nhận tính hợp pháp của chính phủ được dựng lên bằng cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn và do phát xít đóng vai trò mũi nhọn vào tháng hai vừa qua.

Quan chức thành phố Krasnyi Lyman ở khu vực Donetsk phát biểu với truyền thông là bệnh viện địa phương đã bị nã pháo dồn dập vào đêm thứ ba, gây ra thiệt hại lớn. Một báo cáo sơ bộ cho biết bác sĩ phẫu thuật hàng đầu bị giết bởi mảnh đạn và ít nhất ba bệnh nhân bị một số thương tích. Nhưng vào thứ tư, nước cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR), tự phong sau cuộc trưng cầu dân ý về chủ quyền tháng trước, đã đưa tin là quân đội chính quyền xâm nhập vào bệnh viện và xử tử hơn 25 thương binh địa phương.

“Hơn 25 người đã bị giết, và con số có thể tăng lên”, chủ tịch DPR Denis Pushilin nói với hãng truyền hình Rossiya-24. “Đây là tội ác chiến tranh hiển nhiên; đó là diệt chủng”.

Đó chỉ là một trong số những trận chiến chống đang gia tăng nhằm chống lại các mục tiêu dân sự khi chính quyền Kiev sử dụng chiến đấu cơ phản lực, trực thăng chiến đấu, pháo binh hạng nặng, súng phóng rocket và các vũ khí chiến tranh khác để tấn công khu vực nhằm buộc những người đối lập phải công nhận sự cai trị của họ.

Các trường học, các trung tâm chăm sóc trẻ em, các khu nhà ở và các tòa nhà công sở đều bị tấn công, buộc các gia đình phải trú ẩn dưới hầm tránh bom hoặc tìm cách rời khỏi khu vực chiến sự.

Một trong những cuộc tấn công đẫm máu, vào thứ hai một chiến đấu cơ phản lực bắn đạn rocket trụ sở chính quyền địa phương ở Luhansk, giết chết 5 phụ nữ, những người đang nói chuyện với nhau phía bên ngoài tòa nhà. Ba người đàn ông trong tòa nhà cũng thiệt mạng và có ít nhất 11 người bị thương.

Một video được đăng lên mạng vào thứ tư cho thấy kết quả thảm khốc của vụ không kích. 

Chính quyền Kiev tìm cách phủ nhận việc chiến đấu cơ của họ phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công – cho dù đã bị nhiều cư dân địa phương ghi hình – tuyên bố rằng vụ nổ xảy ra là do các phần tử chống chính quyền bắn nhầm một tên lửa đất đối không cá nhân.

Lời nói dối đó nhanh chóng bị một nhóm điều tra của tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu lật tẩy, nhóm điều tra dựa trên đường đạn đạo và sự phá hủy đối với cây cối ở công viên gần đó đã kết luận là vụ nổ chỉ có thể do tên lửa bắn từ máy bay. Tuy nhiên, Bộ ngoại giao và phần lớn truyền thông Hoa Kỳ vẫn tiếp tục khẳng định rằng nguyên nhân của vụ thảm sát dân thường này vẫn “chưa rõ ràng”. 

Vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công được xác định là tên lửa loại S-8KO, một dạng bom chùm đã bị nhiều công ước quốc tế coi là bất hợp pháp.

Bản thân chính quyền Kiev cũng đã đưa ra các báo cáo mâu thuẫn nhau về số thiệt mạng trong “chiến dịch chống khủng bố” của họ. Chỉ huy chiến dịch báo cáo là có 300 người chống chính quyền đã bị tiêu diệt và 500 người khác bị thương. Lãnh đạo của các nhóm tự vệ ở Luhansk và Donetsk đã chế nhạo khẳng định đó, tuyên bố rằng quân đội và du kích của chính quyền chịu nhiều thiệt hại hơn phía họ.

Một ước lượng khác của chưởng công tố lâm thời Kiev, Oleg Makhnitsky, một thành viên của đảng tân phát xít Svoboda, cho biết có 181 người chết, trong đó có 59 quân nhân chính quyền, và 293 người bị thương.

Các khẳng định của Kiev rằng quân đội của họ “đang dọn sạch” miền đông khỏi những kẻ nổi loạn mâu thuẫn với các sự kiện hiện trường, với sự thừa nhận của chính quyền vào thứ tư rằng trại lính biên phòng và các sở chỉ huy của trung đoàn vệ binh quốc gia, cả hai đều ở khu Luhansk đã đầu hàng sau các cuộc tấn công tiếp đó của một lực lượng hoàn toàn vượt trội với các chiến binh chống chính quyền

Trong một nỗ lực đảo ngược thất bại, chính quyền thông báo vào thứ tư rằng họ đang triển khai một kế hoạch áp đặt thiết quân luật tại các khu vực Donetsk và Luhansk. “Đây là một cuộc chiến thật sự, và những gì chúng ta đang làm là nâng cấp tình trạng pháp luật để đáp ứng hiện thực”, Victoria Siuma, phó thư ký hội đồng anh ninh và quốc phòng quốc gia nói với báo chí. “Đây là quyết định gọi sự vật đúng với tên đích thực của nó”, bà ta bổ sung thêm.

Dường như mục tiêu chính của sự thay đổi là cho phép chính phủ ra lệnh thường dân phải di tản khỏi những khu vực như Luhansk, một thành phố có nửa triệu dân, nhờ đó họ có thể đặt những người còn ở lại vào một trận ném bom tổng lực.

Quan đội Kiev đã tăng cường bao vây Slovyansk, trung tâm trọng yếu của phe đối lập. Cùng với các trận không kích và pháo kích, họ đã ngắt nguồn cung cấp nước của thành phố.

Trong cuộc gặp với Poroshenko vào thứ tư, Obama đã bày tỏ thẳng thắn rằng Washington bị thuyết phục khi chứng kiến chiến lược tội ác này thành công, không quan trọng là bao nhiêu người chết. Có nhiều lý do để tin rằng các chiến dịch quân sự được triển khai dưới sự điều phối của Hoa Kỳ. Cuộc tấn công mới nhất nổ ra ngay sau khi trợ lý an ninh quốc tế của bộ quốc phòng Hoa Kỳ, Derek Chollet, tới thăm Kiev.

Obama thông báo về một khoản bổ sung trị giá 5 triệu dollar cho cái được gọi là viện trợ không sát thương để hỗ trợ chính quyền Kiev trong các trận chiến ở miền đông Ukraina. Khoản này được bổ sung thêm cho gói viện trợ các thiết bị quân sự trị giá 18 triệu dollar đã được chấp nhận trước đó, bao gồm kính nhìn đêm, áo giáp, và thiết bị liên lạc. Ông ta cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ cũng sẽ cung cấp huấn luyện quân sự.

Ông ta hợp với tổng thống Ukraina trong 70 phút, vượt qua cả cuộc hợp lâu nhất giữa Poroshenko và ngoại trưởng John Kerry. Ông ta nói họ thảo luận về “các kế hoạch mang tới hòa bình và trật tự cho miền đông” của Kiev cũng như “các kế hoạch kinh tế” sẽ áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng cực quyết liệt chống lại giai cấp lao động Ukraina.

Obama gọi việc thiết lập Poroshenko làm tổng thống là “một sự lựa chọn thông thái” mặc dù theo các tài liệu điện tín ngoại giao bí mật bị công khai bởi WikiLeaks thì Washington trước đó vẫn coi nhà tỷ phú này là một “tài phiệt tha hóa”, người “bị bại hoại bởi các cáo buộc tham nhũng đáng tin cậy”

Obama bày tỏ là “ấn tượng sâu sắc bởi tầm nhìn của ông ấy, một phần là bởi kinh nghiệm của ông ấy trong vai trò là doanh nhân”. “Tầm nhìn” này đã dẫn dắt Poroshenko tới sự tha hóa và kịp thời cướp bóc đầy bạo lực tài sản quốc gia, thứ đã biến ông ta thành tỷ phú.

Trong khi đó Nga đã cố gắng không thành công để thúc đẩy một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt bạo lực ở miền đông Ukraina và thiết lập “các hành lang nhân đạo” cho phép thường dân rời khỏi khu vực giao tranh và cho phép tổ chức Chữ Thập Đỏ cũng như các tổ chức nhân đạo khác tiếp cận. Washington và các quyền lực phương Tây chủ chốt khác đã ngăn cản các biện pháp đó bằng cách khẳng định rằng không có khủng hoảng nhân đạo.

Một quan chức Nga xác nhận vào thứ tư là Moscow không đề xuất áp đặt khu vực cấm bay tại miền đông Ukraina. Tuyên bố trên rõ ràng gợi nhắc đến thủ đoạn của Hoa Kỳ và đồng minh năm 2011 tại Liên Hiệp Quốc, thiết lập vùng cấm bay đối với Lybia với lý do là ngăn chặn quân đội chính quyền thảm sát dân thường ở miền đông quốc gia này.

Mặc dù chính quyền Ukraina tiến hành các cuộc đàn áp đẫm máu ở miền đông, Washinton và các chính quyền châu Âu vẫn không quan tâm tới vấn đề nhân đạo. Trái lại, với sự hợp tác với chính quyền được dựng lên sau cuộc đảo chính tháng hai vừa qua, họ quyết định củng cố chính quyền tay sai bằng cách loại bỏ mọi sự phản kháng.