Saturday, November 30, 2013

Chuyện phóng viên phỏng vấn con thỏ

Tổ chức phóng viên không biên giới mở cuộc thi phóng viên giỏi nhất thế giới, ba nước có phóng viên lọt vào vòng chung kết là Mỹ, Nga và Việt Nam. Ban tổ chức thả một con thỏ vào rừng và yêu cầu ba phóng viên phải phỏng vấn con thỏ.

Phóng viên người Mỹ lập tức vác camera đi lùng sục khắp khu rừng, cuối cùng cũng phỏng vấn được con thỏ, viết được bài báo "Thỏ một mình trong rừng" nộp cho ban giám khảo.

Phóng viên người Nga sau một chầu Wodka say bí tỉ tỉnh dậy nghĩ bụng: Thỏ quái nào chả là thỏ. Thế là anh chàng người Nga liền ra chợ mua một con thỏ về rồi phỏng vấn xem nó sẽ ra sao khi bị thả vào rừng, viết được bài báo "Thỏ nghĩ gì khi được thả về rừng" rồi nộp cho ban giám khảo.

Phóng viên Việt Nam thì suốt ngày lang thang quán xá, nhậu nhẹt bia ôm, karaoke bàn tay vàng chán rồi mới múa tay gõ laptop ra bài báo "Thỏ non bị áp bức tàn bạo trong rừng" đem nộp ban giám khảo.

Ban giám khảo sau khi đọc ba bài dự thi xong thì liền gọi phóng viên Việt Nam lên và nói rằng:
- Này anh, sao anh có thể bịa chuyện quá đáng như vậy được. Nể tình anh đại diện cho nước đã chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh nên chúng tôi cho anh một cơ hội nữa, anh về viết bài khác nộp lên đây.

Phóng viên Việt Nam tỉnh bơ:
- Tôi nói cho các vị biết nhé, bài tôi đã nộp, nếu các vị không chấm cho tôi giải nhất thì tôi sẽ cho đăng phóng sự dài kỳ tố cáo các vị ăn hối lộ, gian lận thi cử và mua bán giải thưởng đấy.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Chính sách kinh tế

Có một gã ăn mày cho rằng các quan chức chính quyền thường hào phóng và thương dân nên đến chỗ họ ăn xin thì chắc chắn sẽ được no bụng. Hắn liền đến trước cửa nhà Quốc Hội và gặm cỏ.

Thủ tướng đi qua thấy vậy liền đứng lại hỏi chuyện. Gã ăn mày liền nói: Tôi đói quá, không có gì ăn nên phải gặm cỏ. Thủ tướng liền rút tờ 500 nghìn đưa cho gã ăn mày và nói: Tiền đây, anh đi mua chút gì ăn cho ấm bụng.

Gã ăn mày được tiền bèn rủ bạn vào quán đánh chén no say. Người bạn, cũng là ăn mày, hỏi sao hắn có nhiều tiền vậy. Hắn liền kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bạn nghe.

Gã ăn mày kia liền bắt chước theo, cũng đến trước cửa nhà Quốc Hội và gặm cỏ. Chủ tịch Quốc Hội đi qua thấy vậy liền đứng lại hỏi chuyện. Gã liền nói: Tôi đói quá, không có gì ăn nên phải gặm cỏ. Chủ tịch Quốc Hội ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: Cỏ ở đây ít, anh nên đến sân nhà tôi, ở đó cỏ mọc cao ngập đầu người.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)


Tuesday, November 26, 2013

Nhà hoạt động nhân quyền xứ nào can đảm nhất?

Một lần, thế giới tổ chức cuộc thi xem nhà hoạt động nhân quyền nước nào can đảm nhất. Có ba phụ nữ đại diện cho ba nước là Mỹ, Nga và Việt Nam lọt vào vòng chung kết. Ban tổ chức đã bỏ đói một con hổ trong ba ngày, lần lượt đại diện của từng nước sẽ phải vào chuồng hổ đứng, ai ở trong đó được lâu nhất sẽ thắng cuộc.

Người đầu tiên là một phụ nữ da đen to lớn đại diện cho nước Mỹ, bà này cầm quyển Hiến Pháp Mỹ dày cộp lao thẳng vào chuồng hổ. Chưa đầy một phút sau bà ta Mỹ đã phải chạy ra mặt tái mét.

Người thứ hai là một cô gái Nga tóc vàng rất xinh đẹp, cô này lột sạch quần áo, rồi trần như nhộng lao vào chuồng hổ. Chưa đầy hai phút sau cô người Nga cũng phải chạy ra, mắt cắt không còn giọt máu.

Đến lượt đại diện Việt Nam, không cần nhiều lời lao thẳng vào chuồng hổ luôn.Mọi người đợi mãi không thấy người Việt Nam quay ra, ban giám khảo lo có chuyện chẳng lành liền cử người vào xem tình hình. Người ta thấy con hổ đang đứng rúm ró ở một góc chuồng, còn nữ chiến sĩ nhân quyền Việt Nam thì hai tay giữ hai đứa trẻ còn nằm nôi dí vào mặt hổ, miệng hô lớn: Hổ dữ không ăn thịt con! Hổ dữ không ăn thịt con! Hổ dữ không ăn thịt con!

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)


Monday, November 11, 2013

Lại chuyện dân chủ chống Tàu ở xứ thiên đường

Một lần, dân chủ cuồng tín được lên thiên đường. Thấy chúa trời một mình cai quản cõi ấy, dân chủ liền nói với chúa trời rằng: 

- Bây giờ là thời đại đâu đâu cũng dân chủ cả, có dân chủ mới phát triển được. Sao cha vẫn giữ chế độ độc tài ở đây vậy?

Chúa trời mới trả lời rằng:

- Ta đâu có ham hố gì cái công việc nặng nhọc này, chẳng qua là không có ai chịu ghé vai gánh vác, nên ta cứ phải làm một mình mãi.

Dân chủ nghe thấy vậy liền tỏ ra mừng rỡ:

- Cha chớ có lo, giờ đã có con sẵn lòng đảm nhiệm. Con sẽ tập hợp mọi người lại, rồi sắp xếp để mọi người đều được thực hiện quyền làm chủ thiên đường.

Chúa trời nghe vậy mừng không xiết:

- Được thôi, vậy là sau mấy nghìn năm vất vả giờ ta cũng được nghỉ ngơi đôi chút. Công việc ở đây cũng không có gì phức tạp lắm. Hàng ngày sẽ có nhiều linh hồn đến gõ cửa thiên đường, con chỉ cần yêu cầu họ xưng tội, nếu tội nhẹ thì xá tội rồi cho họ vào, còn tội nặng thì bảo họ đi nơi khác.

Nói xong chúa trời biến mất luôn. Mấy ngày sau, chúa trời lặng lẽ quay lại, thì thấy thiên đường vắng tanh vắng ngắt, không hiểu đám con chiên dân chủ làm ăn ra sao liền biến thành một linh hồn đến gõ cửa thiên đường.

Chúa trời gặp dân chủ đứng trước cửa, xung quanh là một đám lố nhố tay lăm lăm máy quay phim chụp ảnh. Thấy lạ chúa trời liền hỏi:

- Thưa ngài, sao lại có người quay phim chụp ảnh ở đây vậy?

Dân chủ liền trả lời:

- À, đây là công khai minh bạch, dân chủ là phải công khai minh bạch. Mà thôi, anh xưng tội đi nào.

Chúa trời liền mỉm cười:

- Thưa ngài, tôi chả có tội lỗi gì cả.

Dân chủ quát lớn:

- Làm gì có ai không có tội gì, ai cũng có tội hết, chỉ là không biết mình tội gì mà thôi. Thôi được, nhân dân sẽ giúp anh sám hối tội lỗi của mình. Nào, anh có đi biểu tình chống Tàu bao giờ không?

Chúa trời trả lời:

- Không, tôi chưa từng tham gia bao giờ.

Dân chủ liền tỏ ra bực bội:

- Đấy, làm người mà không yêu nước, tội tày đình ra đấy còn gì, sám hối 10 lần đi. Thế anh có tham gia phong trào phản đối đường lưỡi bò của Tàu không?

Chúa trời lại trả lời:

- Không, tôi chưa từng tham gia bao giờ.

Dân chủ tỏ ra bực bội hơn:

- Đấy, Tổ quốc lâm nguy mà thờ ơ, tội nặng thế còn chối, sám hối 100 lần đi. Nào, anh có tham gia tẩy chay hàng Tàu độc hại không?

Chúa trời ngạc nhiên hết sức liền hỏi lại:

- Sao tội lỗi gì cũng dính đến Tàu cả thế, liệu ngài có thiên vị gì không vậy?

Dân chủ liền quát to:

- Á, dám chỉ trích người yêu nước, tội này nặng nhất, vĩnh viễn không được vào thiên đường!

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)



Monday, November 4, 2013

Tại sao lao động của nhà tư bản không tạo ra giá trị thặng dư?

1. Quan niệm giá trị thặng dư, thường hay bị nhầm lẫn thành lợi nhuận, của nhà tư bản là tiền công cao trả cho lao động giám sát, lao động trí óc, và những thứ tương tự khác, được J.B. Say đưa ra. Toàn bộ học thuyết của ông này đã phá sản một cách thảm hại khi nền kinh tế tư bản gặp phải những cuộc khủng hoảng chu kỳ.

2. Ở những nơi nào mà nhà tư bản bắt buộc phải đảm nhiệm một phần công việc của quá trình sản xuất, thì anh ta nhận được tiền công. Song tiền công đó là trả cho việc anh ta lao động chứ không phải là trả cho anh ta với tư là nhà tư bản. Với tư cách là nhà tư bản thì anh ta thu được giá trị thặng dư.

3. Giá trị thặng dư khác hoàn toàn với tiền công của nhà tư bản vì tiền công, tức là giá trị sức lao động nói chung phụ thuộc vào quy mô tư bản ứng trước và được xác định trước khi sản xuất bắt đầu. Nhà tư bản thuê một công nhân với giá 1 USD/ngày hay 1 USD/sản phẩm thì cái lượng đó phải được tính toán và cố định trong hợp đồng trước khi bắt đầu sản xuất, ngay cả với lao động của bản thân nhà tư bản cũng vậy. Nếu nhà tư bản có 100 USD thì không có cách nào thuê lao động với giá trị 1000 USD. Giá trị thặng dư lại là chuyện khác, nó không bị hạn chế bởi quy mô tư bản ứng trước và chỉ xác định được sau khi quá trình sản xuất đã kết thúc, tư bản ứng trước là 100 USD nhưng lợi nhuận hoàn toàn có thể là bất cứ con số nào 10, 100 hay 1000 USD thậm chí là âm.

4. Nói rằng nhà tư bản tính lương cho mình 1 USD/ngày nhưng sau khi vật hóa nó lại bán với giá 100 USD thì thật buồn cười vì anh ta tự lừa dối chính bản thân mình thôi. Ngược lại nếu giá trị lao động anh ta tạo ra là 100 USD và bán nó với 100 USD thì không có một mẩu giá trị thặng dư nào trong đó cả.

5. Quan niệm giá trị thặng dư là tiền công cao của nhà tư bản thường xuất hiện không phải ở tầng lớp chủ tư bản lớn, mà thường là từ những chủ cửa hàng nhỏ, nông dân hay thợ thủ công, những người thu được một tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận trung bình vì khoản lợi nhuận đó thường bao gồm cả tiền công của anh ta nữa.

6. Xã hội đã chứng minh cái quan điểm tầm thường ấy là sai lầm bằng một cách rất đơn giản: Chính các vị giám đốc khả kính, chuyên gia sáng tạo, nhà khoa học đầy trí tuệ cũng đã trở thành người làm thuê, sau khi trả lương cho họ thì nhà tư bản vẫn còn một khoản giá trị thặng dư kếch xù đút túi. Tất nhiên các vị đầy trí tuệ khả kính và sáng láng ấy vẫn hoàn toàn có thể kêu lên rằng: Nhà tư bản vẫn bỏ lao động trí óc ra đấy, còn chúng tôi giờ chỉ là những con lừa kéo cối xay.

Cập nhật ngày 24/04/2017:

Một ví dụ đơn giản về sản xuất của nhà tư bản: (100c+20v)+20m=140

Nếu coi 20m là tiền lương quản lý của nhà tư bản thì sẽ trở thành (100c+20v+20v')=140.

7. Ở đây rút ra vài điều:

7.1. Nhà tư bản bán sức lao động cho chính anh ta, điều này mâu thuẫn với khái niệm về hàng hóa (giá trị sử dụng cho người khác). Hãy thử nghĩ công nhân cũng bán sức lao động của bản thân cho chính họ!

7.2. Tiền lương là giá cả của sức lao động, tức là phải được ứng ra trước khi sản xuất và không phụ thuộc vào sản xuất, có nghĩa là sản xuất kiểu gì thì nhà tư bản cũng phải tự trả cho bản thân 20v'. Điều này mâu thuẫn với khái niệm giá trị thặng dư vì giá trị thặng dư do sản xuất tạo ra và không phụ thuộc vào tư bản ứng trước, không phụ thuộc vào quan hệ mua bán hàng hóa hay sức lao động.

7.3 Giá trị hàng hóa của nhà tư bản khi đó sẽ chỉ bao gồm giá trị tư bản ứng trước. Hãy nhớ lại công thức T-H...H'-T', lúc này H=H' do đó T=T'. Nếu mỗi nhà tư bản đều phải bán hàng hóa đúng với giá trị của nó thì giá trị thặng dư không tồn tại. Lợi nhuận biến mất, không có cạnh tranh, không có tư bản. Lúc này những người coi giá trị thặng dư là tiền công của nhà tư bản sẽ quay lại cái lập luận giá trị thặng dư=lợi nhuận= mua đắt-bán rẻ, tức là giá trị thặng dư là do sự bịp bợm sinh ra. Chúng ta có một mớ hỗn loạn các nhà tư bản ăn lương và bịp bợm để đánh cắp tiền vốn của nhau!

7.4 Việc coi tiền giá trị thặng dư là tiền lương của nhà tư bản đã làm giảm cấu tạo hữu cơ, từ 5:1 xuống còn 5:2. Điều này có nghĩa là thay vì cải tiến công nghệ sản xuất thì người ta hạ cấp công nghệ sản xuất. Nhà tư bản sẽ có xu hướng tự mình làm việc nhiều hơn để nhận được tiền lương cao hơn. Phần C sẽ ngày càng nhỏ đi còn phần V sẽ ngày càng lớn lên. Điều này trái ngược với chính sự vận động của nền sản xuất tư bản. Máy móc công nghệ sẽ dần biến mất và nhường chỗ cho một nhà tư bản cu li!