Showing posts with label Indonesia. Show all posts
Showing posts with label Indonesia. Show all posts

Monday, May 12, 2014

Người Indonesia cần cuộc cách mạng!

Nếu có một ngày nào đó, bạn thấy người dân Indonesia đổ ra đường giương cao những khẩu hiệu như: "Đả đảo chế độ độc tài đa đảng", "Chủ nghĩa xã hội muôn năm", "Thoát Mỹ để phát triển", "Độc lập và Dân chủ"; thì có thể bạn sẽ không thấy ngạc nhiên, bởi vì bạn đã đọc bản dịch này.  Người trả lời phỏng vấn trong bài "Indonesians needs revolution", Andre Vlcheck là nhà văn, nhà làm phim, nhà báo điều tra, nghiên cứu về các cuộc chiến tranh ở nhiều nước trên thế giới. Andre Vlcheck đã đưa ra một cái nhìn độc đáo và khác biệt về hệ thống chính trị Indonesia, một quốc gia láng giềng trong khối ASEAN với Việt Nam.

Sau đây là bản dịch.

Ở Indonesia, sự lạ thường và đầy hy vọng đang xuất hiện. Sau một mùa đông trí tuệ kéo dài, những mầm xanh đang trồi lên khỏi mặt tuyết (nếu được phép sử dụng phép ẩn dụ này cho một đất nước miền nhiệt đới).

Một nhà xuất bản tiến bộ Indonesia – Badak Merah (“Tê giác đỏ”) – đang phát hành đầu sách đầu tiên, cuốn sách của Andre Vltchek’s “Indonesia – Quần đảo của nỗi sợ hãi”, được dịch từ tiếng Anh sang ngôn ngữ bản địa là ‘Indonesia: Untaian Ketakutan di Nusantara’. Một sự phê phán mạnh mẽ về Indonesia thời kỳ trước năm 1965, thời kỳ mà cả Andre Vlchek và Naomi Klein tin rằng không có gì hơn là một cuộc thí nghiệm của phương Tây trên con người, sau đó được sao chép lại tại nhiều nơi trên thế giới.

Nhà văn và nhà xuất bản người Indonesia Rossie Indira (RI) phỏng vấn Andre Vltchek (AV) cho báo CounterPunch:

RI: Anh có thể nói gì về tình hình hiện tại ở Indonesia? Anh so sánh tình hình hiện tại với tình hình thời kỳ mà anh sản xuất và đạo diễn bộ phim tài liệu “Terlena – Breaking of a Nation” như thế nào?

AV: Hiện giờ tình hình còn tồi tệ hơn 10 năm trước đây. Bởi vì trước đây còn có chút ít hy vọng. Nhà lãnh đạo tiến bộ Hồi giáo Abdurrahman Wahid (được gọi là Gus Dur) vẫn còn sống và Pramoedya Ananta Toer cũng vậy. Ngài Wahid, cựu tổng thống Indonesia, là một người xã hội chủ nghĩa bí mật. Ông ấy bị tầng lớp tinh hoa và quân sự Indonesia lật đổ bằng một cuộc đảo chính tư pháp, nhưng nhiều người Indonesia vẫn tin rằng ông ấy chuẩn bị quay lại.

Sau nữa, có một số nhóm nhà hoạt động, vẫn thuần khiết và chưa “bị tẩy não”, chiến đấu cho nước Indonesia mới. Nhân dân, ít nhất là nhiều người trong số họ, quan sát và tìm ra những cách thức mới để thay đổi đất nước.

Giờ đây chế độ độc tài hay còn gọi là “chính phủ Indonesia”, đã thống nhất hoàn toàn quyền lực… Bạn thấy đấy, phương Tây nói với người Indonesia, tất nhiên là gián tiếp, rằng “dân chủ” là khi bạn có nhiều đảng phái chính trị, và nhân dân ít nhất cũng được bỏ phiếu vào lúc nào đó. Nhưng điều đó hoàn toàn là vô nghĩa. Dân chủ là khi bạn bỏ phiếu và lá phiếu của bạn có thể thay đổi hoàn toàn đường lối của quốc gia: giống như Venezuela. “Quyền lực của nhân dân” thực sự … Có quá nhiều đảng phái chính trị và nhét những mẩu giấy vào một cái hộp chả đảm bảo điều gì hết. Ở Indonesia có rất nhiều đảng phái, nhưng tất cả bọn họ đều ủng hộ doanh nghiệp và tầng lớp tinh hoa, và mọi ứng cử viên của họ, gồm cả Jokowi, đều được chính phủ lựa chọn cũng như chấp nhận trước. Vậy nên bất kể mọi người bầu cử ra sao, chẳng có gì thay đổi hết.

Thực tế, bỏ phiếu ở những quốc gia như Indonesia là không yêu nước, chỉ để hợp pháp hóa chính phủ, thứ phục vụ cho lợi ích kinh tế và chính trị của ngoại bang, cũng như lũ điếm “tinh hoa”. Indonesia giờ đây là không thể phủ nhận là một quốc gia đang bị tàn phá. Đất nước này đã rơi xuống cấp độ của các quốc gia châu Phi cận Sahara (Tôi làm việc ở châu Phi và có thể dễ dàng so sánh). Có những khách sạn nhỏ và sang trọng ở một số thành phố, nhưng ở giữa chúng là ác mộng thực sự, thiếu hay hoàn toàn không có những dịch vụ căn bản.

Thậm chí Rwanda còn có đường xá tốt hơn Indonesia. Ngay cả Zimbabwe cũng có trường công tốt hơn. Ngay cả Kenya cũng có mạng thông tin di động và Internet tốt hơn. Ngay cả Botswana cũng có các bệnh viện công tốt hơn. 

Chính phủ dối trá về mọi thứ, gồm cả dân số, và số người nghèo (chiếm đa số dân chúng trong thực tế). Giáo dục hầu như không tồn tại. Cái được gọi là hệ thống giáo dục chỉ là sự tẩy não, và để duy trì tình trạng nguyên thủy. Và đây: một quốc gia với hơn 300 triệu người (con số thực) không có lấy một nhà khoa học hay tư tưởng lớn nào, trái ngược với những nơi như Nigeria, ở đó có rất nhiều.

Và không có sự đối lập thật sự.

Tất nhiên là nhà nước thất bại được giới hàn lâm và truyền thông phương Tây hoàn toàn ủng hộ; bởi vì nó làm những gì được sai bảo: trở thành một đất nước bị tẩy não khổng lồ, bị cướp bóc và xuất khẩu sự giàu có, trong khi không có lấy một người từng trải thấy rằng nhiều nơi trên thế giới đang đấu tranh cho sự độc lập thật sự, thoát khỏi kẻ độc đoán phương Tây, và đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.

RI: Trong cuốn sách “Quần đảo của nỗi sợ hãi” của anh, đã được nhà xuất bản Pluto ở London phát hành, và sẽ có mặt trong hai tuần nữa ở Bahasa Indonesia: tại sao anh mô tả Indonesia là một “quần đảo của nỗi sợ hãi”? Nhiều người ở đây hỏi tôi điều này và dường như họ không nhận thấy hay không chấp nhận những gì anh mô tả?

AV: Nhân dân Indonesia sống trong nỗi sợ hãi thường trực, trong sự kinh hoàng. Họ thường xuyên không nhận thấy điều đó, bởi vì tâm trạng, “sống trong nỗi sợ hãi”, vốn là “biasa” (sự bình thường). Nỗi sợ hãi, cũng có thể giải thích tại sao hầu như không có những người nổi loạn, hay sẵn lòng khơi dậy sự nổi loạn chống chính phủ. Nhân dân bị chia rẽ bởi nỗi sợ hãi vô hình, thứ bắt nguồn từ sự thờ ơ và thiếu an toàn.

Chỉ có những kẻ cướp và tha hóa mới được bảo vệ và tôn trọng. Những người còn lại là các nạn nhân. Họ là các nạn nhân bị dọa nạt, bị làm nhục và không được biết tới. Công nhân sợ hãi vì họ không được bảo vệ: nông dân sợ hãi, các cô gái (pembantus) sợ hãi (và trốn chạy để tìm việc làm sang tận Trung Đông, một bến đỗ khắc nghiệt cho phụ nữ), và ngay cả những người quản lý thuê cho doanh nghiệp cũng sợ hãi. Trẻ em sợ hãi bởi vì chúng là tài sản của cha mẹ và bị đối xử như tài sản. Phụ nữ sợ hãi bởi vì họ bị hạ nhục trong hoạt động thường ngày và bị coi như miếng thịt, như đối tượng tình dục, như nô lệ. Nhiều phụ nữ phải chịu đựng việc cắt môi âm đạo (một số người nói phần lớn họ bị), bị tấn công tình dục, cưỡng hiếp (thậm chí ngay trong phạm vi gia đình của họ), và trong khi tỷ lệ lạm dụng tình dục cao nhất thế giới, phần lớn các vụ án không được trình báo do sợ hãi.

Ở Indonesia, cưỡng hiếp là chuyện thường xuyên xảy ra và một số vụ cưỡng hiếp trên quy mô lớn có tổ chức đã được chứng kiến: năm 1965/1966, ở Đông Timor và giờ là Papua. Phụ nữ bị bắt vào đồn cảnh sát thường bị cưỡng hiếp.

Nhiều phụ nữ sợ xã hội và gia đình của họ, nên nếu họ có thai ngoài hôn nhân, họ sẽ bỏ con (ném chúng xuống cống) hơn là đối mặt với xã hội. Indonesia là một trong những nước có tỷ lệ bỏ con cao nhất thế giới, nhưng một lần nữa, phần lớn không được thông tin. 

Người dân sợ bị tấn công, làm hại, cướp bóc hay cưỡng hiếp bởi vì họ không được bảo vệ. Cảnh sát và hệ thống pháp luật tha hóa hay/và theo phe của người giàu. Nạn nhân không thấy công lý. Làm sao bạn có thể không sợ hãi trong tình trạng hoàn toàn vô pháp luật?

Nếu người dân trông “khác biệt”, họ phải e ngại. Kẻ phân biệt chủng tộc làm hại những ai trông không giống như những người thuộc nhóm đa số. Indonesia là một trong những quốc gia phân biệt chủng tộc nhất trái đất, và đã có vài cuộc diệt chủng diễn ra ở đây. Nhưng không có nhận thức, trải nghiệm, hay hiểu biết về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hiện tại. Không có sự tự phê phán. 

Người dân sợ bị ốm, bởi vì Indonesia có một hệ thống y tế tồi tệ nhất thế giới, hoàn toàn bỏ mặc cho các lực lượng thị trường. Chăm sóc y tế là công việc “kinh doanh”, cũng như mọi thứ khác đều trở thành “kinh doanh”. Thật là khủng khiếp và kinh hoàng.

Nạn nhân của vụ thảm sát năm 1965 sợ hãi! Thay vì yêu cầu công lý và đưa những kẻ chịu trách nhiệm về vụ diệt chủng vào tù, họ thực sự sợ hãi! Bởi vì họ không có khả năng tự vệ. Bạn thấy điều đó trong phim “Act of Killing”! Nhưng trong khi cả thế giới kinh hoàng, khi thấy những kẻ giết người hàng loạt ở địa phương được tôn kính và ca tụng, nhiều người Indonesia lại coi đó là chuyện bình thường – chỉ là biasa.

Nỗi sợ hãi sinh ra khi một người nhìn thấy toàn bộ quần đảo – bị tàn phá, phong tỏa, cướp bóc, đầu độc. Sumatra đã đi tong. Kalimantan đã đi tong, Papua… Java… Bangka… Bali trở thành một hòn đảo “miễn thuế” nhem nhuốc và bị đầu độc.

Có thể nhiều người không thể định nghĩa được nỗi sợ hãi của họ. Nhưng họ có nỗi sợ hãi và thể hiện nó trong hành vi. Đó là sự tức giận và cáu kỉnh.

Một số người nói họ hài lòng, nhưng thực tế phần lớn họ đang chán ngán. Người dân nói họ không nghèo, ngay cả khi họ lấy nước từ dưới cống và sống trong hộp carton. Họ nói họ không e ngại, bởi vì sự kinh khủng mà họ trải qua hàng ngày không được phép mô tả là nỗi sợ hãi. Nếu không, gia đình, quan chức, truyền thông sẽ nhại lại.

Tất nhiên, trên hết người dân Indonesia sợ bị “khác biệt”. Trở nên khác biệt sẽ bị trừng phạt tàn bạo. Những người khác biệt bị nhại, bị cách ly, bị cưỡng hiếp, bị tra tấn và bị giết hại. Họ bị cấm đoán. Trở thành người cộng sản bị cấm. Trở thành đồng tính bị cấm. Trở thành vô thần bị cấm. Theo Lão giáo bị cấm. Trở thành một trong hàng ngàn thứ bị cấm.

Đó là lý do tại sao đây là một trong những nơi kém sáng tạo, đơn điệu nhất trái đất. Nhiều người ẩn mình sau tôn giáo, một số thực sự đã trở nên hoàn toàn điên khùng. Họ cũng ẩn mình sau các bộ tộc theo huyết thống. Đối với đa số, thiếu sự hiểu biết và không có khả năng suy nghĩ khiến họ không thể thoát khỏi sự ngu dốt, lại được coi là thế mạnh. Indonesia là một trong những nơi kinh sợ và đáng sợ nhất trái đất. 

RI: Chúng tôi có những cuộc bầu cử lập pháp và ngày 9 tháng năm 2014. Đáng tiếc là như anh mới nói xong, chúng tôi đã bị tẩy não để nghĩ rằng có những cuộc bầu cử với nhiều đảng phái là dân chủ. Đại diện của chúng tôi ở Quốc hội quên sạch những lời hứa của họ sau khi được bầu hay tái cử, và rõ ràng là họ chỉ phục vụ cho lợi ích của bản thân. Cuộc bầu cử tổng thống cũng tương tự như vậy: một khi được bầu, tổng thống “quên luôn” những lời hứa và nhiệm vụ bảo vệ dân chúng. Vậy đâu là hệ thống tốt nhất cho một quốc gia như Indonesia? Bốn cây cột của Pancasila (triết lý nền tảng của nhà nước Indonesia) – “Dân chủ được dẫn dắt bởi sự thông thái nội tại trong sự đồng thuận được tạo nên từ sự cẩn trọng của những người đại diện” – có đúng không?

AV: Tôi tin rằng Indonesia trước hết cần được cai trị bằng một hệ thống chủ nghĩa xã hội, trước khi chúng ta có thể bắt đầu nói về “dân chủ”.

Bởi vì trước hết, người dân Indonesia cần được giáo dục và biết cái mà họ muốn và cái mà đất nước của họ là. Lợi ích của nhân dân cần phải được đặt lên đầu tiên! Toàn bộ xã hội phải làm việc ngày đêm để cải thiện cuộc sống của đa số. Điều căn bản là chúng ta cần đối lập với những gì mà Indonesia đang là hiện nay, đó là: đại đa số đang phục vụ cho lợi ích của những tên côn đồ địa phương và thương nhân ngoại quốc.

Cần phải giáo dục người dân một cách mạnh mẽ. Như hiện nay, sau cuộc đảo chính quân sự được Hoa Kỳ tài trợ năm 1965 và dẫn đến tắm máu, văn hóa Indonesia đã bị phá hủy và thay thế bằng văn hóa đại chúng địa phương và chủ yếu là văn hóa đại chúng Hoa Kỳ. Tư duy bị coi thường. Giáo dục đúng đắn chỉ dành cho tầng lớp tinh hoa, và những người có giáo dục sử dụng kiến thức của họ để bóc lột đất nước nhiều hơn, thay vì cải thiện.

Do đó, người dân Indonesia không biết nên bỏ phiếu cho ai, hay hệ thống chính trị của họ theo đuổi cái gì. Làm cho họ ngớ ngẩn rất dễ.

Người đại diện cho nhân dân: tốt… tất nhiên! Nhưng đó phải là những người đàn ông và đàn bà rất dũng cảm, trung thực và chuyên nghiệp. Họ phải sẵn sàng sống hay chết vì quốc gia: đặt lợi ích cá nhân, hay lợi ích gia đình, dưới lợi ích của quần đảo!

Để tạo ra những người đó, những người đại diện cho nhân dân, cần phải có hàng thập kỷ, và họ chỉ có thể lớn lên trong một hệ thống chính trị khác biệt về căn bản, và một nền văn hóa hoàn toàn mới. Những gì đang thống trị ở Indonesia là sự bại hoại về đạo đức, đó là sự tha hóa. Những gì thống trị ở quốc gia này không phải là hệ thống văn hóa hay chính trị: đó là bệnh ung thư.

Như hiện nay, nhiều thập kỷ sau năm 1965, người dân Indonesia không được trải nghiệm về hệ thống nào khác ngoài hệ thống họ có, hay nền dân chủ thực sự.

Nếu Hoa Kỳ và phương Tây không cưỡng hiếp đất nước năm 1965, một dạng tự nhiên của chính quyền đã tồn tại như đã được tạo ra bởi người cha của quốc gia, người theo chủ nghĩa quốc gia (và quốc tế) Sukarno, người đã liên minh chặt chẽ với đảng Cộng Sản Indonesia (PKI), sau này trở thành đảng Cộng Sản lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Liên Bang Soviet. Theo đó, những phần – chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa quốc tế và “dân chủ cộng sản chủ nghĩa – sẽ là sự phát triển tự nhiên và bình thường nhất đối với Indonesia, đối với văn hóa và trí tuệ. Chỉ có phương Tây khủng bố, tầng lớp tinh hoa tha hóa Indonesia, cũng như những chức sắc tôn giáo đố kỵ (mọi tôn giáo, không chỉ đạo Hồi), đã chặn đứng quá trình bằng giết chóc, cưỡng hiếp, và bỏ tù hàng triệu người, phong tỏa đất nước bằng nỗi sợ hãi thường trực, trong sự kinh hoàng, trong sự đầu hàng về đạo đức. 

Tất cả những điều này cần phải giải thích cho công chúng Indonesia: đâu là đất nước của họ trước cuộc đảo chính, và đâu là thứ mà cuộc đảo chính tạo ra. Cuộc đảo chính không “bảo vệ Indonesia khỏi chủ nghĩa cộng sản”. Nó đã biến một đất nước tiến bộ và theo chủ nghĩa quốc gia thành thuộc địa của phương Tây. “Chủ nghĩa thực dân” và “dân chủ” là hai khái niệm đối lập. Để trở thành “dân chủ” thì một quốc gia phải tự do. Ngay hiện giờ, người dân Indonesia là nô lệ: của phương Tây và tầng lớp tinh hoa địa phương.

Ngay hiện giờ, ở đó không phải là “sự cai trị của nhân dân” (dân chủ), mà là sự cai trị của các bố già địa phương tham lam và các chủ sở hữu nước ngoài.

RI: Anh cũng đề cập tới hệ thống giáo dục. Đâu là kiểu giáo dục cần được triển khai? Chúng tôi hiểu rằng không thể tạo dựng nền dân chủ tiến bộ nếu người dân chưa được giáo dục, và để giáo dục họ, đất nước phải trả giá rất cao; bất cứ giá nào, thực sự. Nhưng theo Tòa Án Hiến Pháp Indonesia, “sự tham gia tự nguyện của công chúng vào việc tài trợ cho giáo dục” không trái với hiến pháp. Tòa án tuyên bố rằng đối với sự phát triển của bản thân, mỗi công dân cần gánh vác trách nhiệm giáo dục bản thân đạt tới mức độ mà họ mong muốn. Điều này có nghĩa là nhà nước có trách nhiệm chung nhưng các công dân cần phải đóng góp ngân quỹ. Đây là chủ nghĩa tân tự do, nếu tôi đọc chính xác?

AV: Chính xác. Không thể có dân chủ trong một quốc gia mà người dân không được giáo dục và không hiểu vị trí của bản thân trong xã hội và thế giới. Nhân dân “cai trị” chỉ khi họ có thể tạo ra “các quyết định có giáo dục”. Dân chủ có nghĩa là “sự cai trị của nhân dân”, nhưng dân dân thực sự cai trị khi tất cả họ có thể đếm xem mình thu được bao nhiêu tiền nếu bỏ phiếu vào hòm, hay họ có thể bỏ phiếu cho những ứng cử viên sẽ đảm bảo rằng trạng thái nguyên thủy sẽ giữ nguyên? Tất cả các ứng cử viên ở Indonesia đã được chính phủ lựa chọn và chấp nhận trước, đặc biệt là những người “hơi khác biệt một chút”, như Jokowi.

Tất nhiên mỗi công dân nên tự giáo dục bản thân, nhưng chỉ sau khi nhận được một số kiến thức căn bản và cần thiết. Giáo dục phổ cập nên miễn phí; từ bậc mẫu giáo cho đến tiến sĩ. Chúng được miễn phí tại nhiều quốc gia châu Âu, và ở một số nước Mỹ Latin (bao gồm Cuba, Mexico và Argentina). Trung Quốc quay trở lại miễn phí giáo dục, cũng như quay lại bảo hiểm y tế phổ cập. Ở những quốc gia như Chile, người dân đang đấu tranh trên các đường phố đòi giáo dục miễn phí và họ chiến thắng!

Văn hóa cũng phải được ưu tiên thường xuyên. Nó sẽ giáo dục người dân, như ở Mỹ Latin: hàng ngàn nhà hát lớn, rạp chiếu phim nghệ thuật, hàng triệu sách miễn phí được chính phủ phân phát, đọc thơ công khai, tự do văn học công chúng, và tất cả các cửa hàng sách mở cửa cho tới sáng sớm, triển lãm phản ánh nhu cầu và lo lắng của xã hội, các buổi hòa nhạc khích lệ.

Xin hãy nhìn các thành phố Indonesia: Jakarta, Surabaya, Medan… có bất cứ thành phố nào trên thế giới có cùng quy mô mà mọi người biết lại hoàn toàn thiếu văn hóa và các thiết chế như vậy không? Như nhà hát, kho lưu trữ, thư viện lớn, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim nghệ thuật, các nhà sách tiến bộ… Chả có gì hết. 

Làm thế nào mà bạn tự giáo dục bản thân ở Indonesia? Bạn có thể tự giáo dục, chỉ bằng cách tiêu thụ những thứ ngớ ngẩn – văn hóa đại chúng của tư bản tài phiệt, các kênh truyền hình vô vị, hay hòa mình với “đa số thất học chức năng”, những người che dấu sự dốt nát trong một đại dương những công dân có suy nghĩ giống nhau. 

RI: Nếu anh khuyến nghị về một dạng hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ cai trị Indonesia, anh có phỏng đoán nào về cách thức mà chúng tôi có thể đi theo hướng đó không? Nhiều đất nước trên thế giới đấu tranh cho điều đó, và ví dụ hiện nay, chúng ta có thể thấy phần lớn các đất nước Mỹ Latin đang thắng lợi và quay lại chủ nghĩa xã hội. Nhưng dường như người Indonesia, phần lớn trong số họ, không tham gia vào làn sóng này. Phần lớn họ thậm chí còn khác biệt. Chúng ta chỉ dạy người dân Indonesia như thế nào về một hệ thống chính trị, kinh tế và văn hóa hoàn toàn khác mà họ cần phải có để thoát ra khỏi tình thế vô vọng hiện nay?

AV: Điều đó cần phải thực hiện bằng giáo dục và sự cởi mở. Bất cứ ai có thể, nên tham gia vào “dự án” này. Không chỉ những nhà giáo dục và giáo viên chuyên nghiệp (những người này thường bị nhồi sọ và tẩy não), mà đặc biệt là những nghệ sĩ, những người sáng tạo, những nhà tư tưởng. Cần phải có nhiều sự khích lệ, đặc biệt là từ báo chí tự do! Điều gì đang xảy ra với xuất bản độc lập tiến bộ ở Indonesia? Chả có gì – họ không bao giờ phát hành! Thật đáng xấu hổ. 

Một nhà xuất bản như của các bạn – Badak Merah – nên là trụ cột chính cho sự đối lập. Những công dân phẫn nộ của Indonesia – luật sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học – nên cất cao tiếng nói; họ nên gào thét. Tất nhiên, tiếng nói của nông dân và công nhân, những câu chuyện khủng khiếp của họ, cũng nên được đọc và nghe từ các trang của tạp chí và blog độc lập, cũng như từ YouTube và các hãng phim độc lập.

Văn hóa đại chúng là quá đủ! Văn hóa đại chúng là thứ giải trí thấp kém và ích kỷ cho đám đông bị chết não và bị nhồi sọ. Phương Tây phân phối chúng, khắp đế chế, để những người dân tại thuộc địa mới của họ ngừng cùng nhau tư duy, trong khi họ bị cưỡng hiếp thì họ lại tưởng rằng mình đang làm tình! Đó là phản động, cách thức biểu hiện thực tại tâm lý kiểu cánh hữu. Phần còn lại được đảm bảo: cực kỳ thiếu tốt đẹp và bảo thủ.

Người dân Indonesia phải học, hiểu rằng chiến đấu cho một quốc gia tốt hơn là cao cả và giàu cảm hứng. Như những người đàn ông, đàn bà, thậm chí trẻ em ở Mỹ Latin đã hiểu biết cách đây nhiều thập kỷ. Đặc biệt là những người trẻ tuổi cần biết: Nổi loạn là tốt. Cách mạng là tốt. Tư duy là tốt. Tiến bộ là tốt. Trở nên cách mạng, một người nổi loạn, là tốt – rất tốt. Tốt hơn là lái một chiếc xe Ferrari đỏ hay vàng được mua bằng tiền mà ông bố ăn cắp của người nghèo!

Học hỏi, đi xa và so sánh thế giới, viết những bài thơ phẫn nộ, sản xuất nghệ thuật cách mạng, biểu tình, buộc tầng lớp già hơn (bao gồm cha mẹ và ông bà họ) phải gánh trách nhiệm vì đã phá hủy đất nước, và hướng tới xây dựng một quốc gia mới và đẹp đẽ được gọi là “Indonesia”. Điều đó tốt hơn và vinh quang hơn ngồi trong quán Starbucks, nhìn chăm chăm như kẻ đần độn vào điện thoại thông minh được sản xuất hàng loạt, và giết một cuộc đời… cuộc sống của người khác… chả vì cái gì cả.

Người dân phải được khích lệ. Chủ nghĩa hư vô là quá đủ rồi! Chủ nghĩa bại trận và yếm thế là quá đủ rồi! Chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn là điều đúng đắn duy nhất đáng để làm, nó cũng vui vẻ; nó đầy ý nghĩa và đầy công sức.

RI: Anh có nghĩ Indonesia phải trải qua một cuộc cách mạng để có chăm sóc y tế phổ cập và giáo dục miễn phí. Có cần một cuộc cách mạng để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn?

AV: Họ có một số kế hoạch về chăm sóc y tế, nhưng không có tác dụng, như kiểu “chó-mèo” vậy. Không phải là một kế hoạch cụ thể để cung cấp cho công dân Indonesia dịch vụ chăm sóc y tế phổ cập và miễn phí (ít nhất là tương tự như thứ đang tồn tại ở Thái Lan), mà một dạng che đậy tình trạng khủng khiếp, che đậy một vết thương hở. Một lần nữa chúng ta phải nhớ rằng chất lượng chăm sóc y tế ở Indonesia chỉ ngang với Kenya hay Tanzania, chứ không ngang với Malaysia hay Thái Lan, và hệ thống hoàn toàn tha hóa, cả về tài chính cũng như đạo đức, không bao giờ cho phép bất cứ thứ gì “công cộng”, hay “miễn phí”.

Cũng như giáo dục miễn phí, chăm sóc y tế phổ cập và các quyền căn bản khác: Phải, người dân phải chiến đấu! Tất nhiên họ phải. Giáo dục tốt và miễn phí là quyền của họ, bất chấp những thứ mà cố vấn và “chuyên gia” đến từ Hoa Kỳ nói.

Đất nước đã bị các bố già mù dở cai trị quá lâu, họ đã bán quốc gia cho chính quyền và công ty nước ngoài. Những người đó không có đạo đức và tình thương. Nếu bạn đàm phán với họ, họ sẽ chỉ làm những gì mà họ đang làm suốt nhiều thập kỷ: họ sẽ lừa gạt và nói dối, cố gắng câu giờ. Họ không quan tâm tới Indonesia và dân chúng! Họ muốn những chiếc xe Porsche và bằng diploma cho con cái của họ, các dinh thự xa hoa ở Australia, Hoa Kỳ, Singapore và Hong Kong.

Chỉ có một cách duy nhất để lật đổ họ, để đá họ ra khỏi ngai vàng. Người dân Indonesia phải giành lại quyền lực, giành lại sự kiểm soát đất nước. Và điều đó không bao giờ đến mà không có đấu tranh.

Nhưng nó có thể thành công; nó phải thành công. Nhân danh đa số người dân Indonesia, những người đang sống trong sự đau khổ khủng khiếp! Nhân danh một quốc gia gần như đã mất tất cả. Nhân danh cuộc sống của hàng triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em!