Showing posts with label Noam Chomsky. Show all posts
Showing posts with label Noam Chomsky. Show all posts

Wednesday, November 5, 2014

Hoa Kỳ là quốc gia khủng bố hàng đầu và tự hào về điều đó

Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài bình luận của giáo sư Noam Chomsky, một chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, "Noam Chomsky: The Leading Terrorist State" . Bài bình luận nhấn mạnh vai trò của Hoa Kỳ trong việc tạo ra những kẻ khủng bố trên khắp thế giới. Tiêu đề do người dịch đặt.

Noam Chomsky: Quốc Gia Khủng Bố Hàng Đầu

“Tin chính thống: Hoa Kỳ là quốc gia khủng bố hàng đầu thế giới, và tự hào về điều đó.”

Đó nên là tiêu đề cho câu chuyện nổi bật trên tờ New York Time vào ngày 15 tháng 10, vốn được đặt tiêu đề rất lịch sự “Nghiên cứu về viện trợ bí mật của CIA dấy lên thái độ hoài nghi về sự trợ giúp những kẻ nổi loạn Syria.”

Bài báo đưa tin về một đánh giá của CIA đối với các chiến dịch bí mật của Hoa Kỳ nhằm xác định hiệu quả của chúng. Nhà Trắng kết luận rằng không may mắn là thành công rất hiếm hoi nên sự cân nhắc về chính sách đã được đặt ra.

Bài báo trích dẫn lời của tổng thống Barack Obam khi nói rằng ông ta đã yêu cầu CIA thực hiện đánh giá để tìm ra các trường hợp “tài trợ và cung cấp vũ khí cho sự nổi loạn ở một quốc gia hiện nay có kết quả tốt. Và họ đã không thể tìm ra”. Do đó Obama cảm thấy miễn cưỡng về việc tiếp tục những nỗ lực kiểu này.

Đoạn đầu của bài báo trên tờ Times trích dẫn ba ví dụ chính của “viện trợ bí mật”: Angola, Nicaragua và Cuba. Trên thực tế, mỗi trường hợp là một chiến dịch khủng bố trọng yếu của Hoa Kỳ.

Angola bị Nam Phi xâm lược, mà theo Washington là bảo vệ bản thân khỏi một trong những “nhóm khủng bố tàn bạo hơn” của thế giới – Đại Hội Dân Tộc Phi của Nelson Mandela. Đó là vào năm 1988.

Sau đó chính quyền Reagan dường như đã đơn độc ủng hộ chính quyền arpartheid, ngay cả khi vi phạm các biện pháp trừng phạt của Quốc Hội để gia tăng thương mại với đồng minh Nam Phi.

Khi đó Washington ủng hộ Nam Phi bằng cách cung cấp các viện trợ thiết yếu cho quân đội Unita của tên khủng bố Jonas Savimbi ở Angola. Washington tiếp tục làm việc đó ngay cả sau khi Savimbi đã bị đánh bại hoàn toàn trong một cuộc bầu cử tự do được theo dõi kỹ càng, và Nam Phi cũng đã hủy bó sự ủng hộ của họ. Savimbi là một “quái vật khát khao với quyền lực đã mang đến nghèo khổ cùng cực cho người dân của hắn”, theo lời của Marrack Goulding, đại sứ Anh ở Angola.

Hậu quả thật kinh hoàng. Một cuộc khảo sát năm 1989 của Liên Hiệp Quốc ước lượng rằng sự cướp bóc của Nam Phi đã dẫn đến cái chết của 1,5 triệu người ở quốc gia láng giềng, đó là chỉ tính riêng phần của Nam Phi. Quân đội Angola cuối cùng đã đẩy lui được những kẻ xâm lược Nam Phi và kêu gọi họ từ bỏ chiếm đóng bất hợp pháp Namibia. Hoa Kỳ đã một mình tiếp tục ủng hộ quái vật Savimbi.

Ở Cuba, sau thất bại trong cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn năm 1961, tổng thống John F. Kenedy đã tiến hành một chiến dịch giết chóc và phá hủy để mang “sự kinh hoàng của trái đất” đến Cuba – theo lời một cộng sự thân tín của Kenedy, sử gia Arthur Shlesinger, trong tiểu sử bán chính thức của Robert Kennedy, người được gán trách nhiệm về cuộc chiến tranh khủng bố.

Sự tàn ác đối với Cuba là rất kinh khủng. Các kế hoạch khủng bố lên đến cực điểm trong cuộc nổi dậy vào tháng 10 năm 1962, dẫn đến cuộc xâm lược của Hoa Kỳ. Hiện nay, giới học giả thừa nhận rằng đó là lý do khiến thủ tướng Nga Nikita Khrushchev đặt tên lửa ở Cuba, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng đến gần chiến tranh hạt nhân. Bộ trưởng Quốc Phòng Robert McNamara sau đó đã thừa nhận rằng nếu ông ta là lãnh đạo Cuba thì ông ta “sẽ tiên lượng một cuộc xâm lược của Hoa Kỳ” 

Cuộc tấn công khủng bố của Hoa Kỳ vào Cuba tiếp diễn hơn 30 năm. Chi phí mà Cuba phải gánh chịu dĩ nhiên là khắc nghiệt. Số lượng nạn nhân, hiếm khi được nghe thấy ở Hoa Kỳ, được báo cáo chi tiết lần đầu tiên trong một nghiên cứu của học giả Canada Keith Bolender vào năm 2010, “Tiếng nói từ phía khác: Một lịch sử truyền miệng về chủ nghĩa khủng bố chống Cuba”.

Thiệt hại trong cuộc chiến tranh khủng bố kéo dài được khuếch đại bởi lệnh cấm vận chí mạng, thứ vẫn tiếp tục thách thức cả thế giới cho đến ngày nay. Vào ngày 28 tháng 10, Liên Hiệp Quốc lần thứ 23 xác nhận “sự cần thiết phải chấm dứt các cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính do Hoa Kỳ áp đặt đối với Cuba”. Kết quả bỏ phiếu là 188 thuận và 2 chống (Hoa Kỳ, Israel), với ba đảo quốc độc lập ở Thái Bình Dương thuộc Hoa Kỳ bỏ phiếu trắng.

Hiện nay, một số phản đối lệnh cấm vận đã lên cao ở Hoa Kỳ, ABC News đưa tin, bởi vì “đã từ lâu không còn cần thiết” (trích dẫn cuốn sách mới của Hillary Clinton “Những sự lựa chọn khó khăn”). Học giả người Pháp Salim Lamrani đánh giá chi phí cay đắng của người Cuba trong cuốn sách của ông ta vào năm 2013 “Cuộc chiến kinh tế chống Cuba”.

Nicaragua khó có thể không đề cập. Cuộc chiến tranh khủng bố của tổng thống Ronald Reagan đã bị Tòa Án Quốc Tế lên án, họ yêu cầu Hoa Kỳ ngừng “sử dụng vũ lực bất hợp pháp” và bồi thường. 

Washington phản hồi bằng cách gia tăng chiến tranh và phủ quyết một nghị quyết năm 1986 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kêu gọi mọi quốc gia – có nghĩa là cả Hoa Kỳ - tôn trọng luật pháp quốc tế.

Một ví dụ khác về chủ nghĩa khủng bố được kỷ niệm vào ngày 16 tháng 10, lễ tưởng niệm lần thứ 25 ngày 6 mục sư dòng Jesuit ở San Salvador bị một đơn vị khủng bố của quân đội Salvador sát hại. Quân đội Salvador được Hoa Kỳ vũ trang và huấn luyện. Theo lệnh của tư lệnh cấp cao quân đội, các binh lính xông vào trường đại học dòng Jesuit để giết hại các mục sư và mọi nhân chứng – bao gồm cả gia nhân và con gái của họ.

Sự kiện này đẩy những cuộc chiến tranh khủng bố của Hoa Kỳ ở Trung Mỹ lên đến cực điểm vào những năm 1980, nhưng hậu quả thì đến nay vẫn còn xuất hiện trên trang nhất báo chí trong các bản tin về “tị nạn bất hợp pháp”, chạy trốn khi không có bất cứ cách nào thoát khỏi hậu quả của của vụ tàn sát đó, và bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ để sống sót nếu họ có thể, trong đống hoang tàn đổ nát của quê nhà. 

Washington cũng vô địch thế giới trong kiến tạo khủng bố. Cựu chuyên gia phân tích CIA Paul Pillar cảnh báo về “tác động hình thành sự oán giận của các cuộc tấn công của Hoa Kỳ” ở Syria, có thể xui khiến các tổ chức jihad Jabhat al-Nusra và Nhà Nước Hồi Giáo “hàn gắn sự chia rẽ vào năm ngoài và cùng tiến hành các chiến dịch chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ bằng coi chúng là cuộc chiến chống lại Hồi giáo”. 

Cho đến hiện giờ những hậu quả tương tự của các chiến dịch của Hoa Kỳ đã phát tán chủ nghĩa jihad từ một góc của Afghanistan sang một phần lớn thế giới.

Biểu hiện rụt rè nhất của chủ nghĩa jihad là Nhà Nước Hồi Giáo, hay ISIS, thiết lập đế chế giết chóc của họ ở những khu vực rộng lớn của Iraq và Syria. 

“Tôi nghĩ Hoa Kỳ là một trong những người kiến tạo chủ chốt của tổ chức này”, cựu chuyên viên phân tích CIA Grahm Fuller, một nhà bình luận xuất sắc về khu vực đó, cho biết. Ông ta bổ sung thêm: “Hoa Kỳ không lập kế hoạch tạo ra ISIS, nhưng sự can thiệp phá hủy của họ ở Trung Đông và cuộc chiến Iraq là nguyên nhân căn bản sinh ra ISIS”. 

Chúng ta có thể bổ sung chiến dịch khủng bố lớn nhất thế giới vào đó: Dự án ám sát toàn cầu đối với “những kẻ khủng bố” của Obama. “Tác động hình thành sự oán giận” của những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và lực lượng đặc nhiệm đã quá rõ để có thể bình luận thêm.

Đây là một kỷ lục cần phải lo ngại.

© 2014 Noam Chomsky
Distributed by The New York Times Syndicate

Tuesday, April 1, 2014

Công nghệ trong một xã hội tự do

Xin được giới thiệu với bạn đọc blog bài phỏng vấn học giả nổi tiếng chuyên về quan hệ quốc tế, được giải Nobel Hòa Bình, giáo sư ngôn ngữ học Noam Chomsky của nhà báo John Malkin với tiêu đề "Technology in a Free Society" về tác động của công nghệ đối với đời sống xã hội. Qua đó cung cấp một góc nhìn tổng quan hơn về sự thay đổi của công nghệ và tác động của chúng đối với xã hội con người. Noam Chomsky cũng cảnh báo về việc trẻ em bị đánh mất thời thơ ấu, nguy cơ các chính quyền sử dụng công nghệ để theo dõi người dân.

John Malkin: Mạng Internet, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng và truyền thông xã hội đang thay đổi cách chúng ta sống và tạo ra ảnh hưởng tới tư duy, trao đổi thông tin và hợp tác của nhân loại, Mặt khác, Edward Snowden và Wikileaks đã tiết lộ cách thức công nghệ mới được sử dụng để theo dõi và kiểm soát. Công nghệ kỹ thuật số mới có đóng góp vào việc làm cho xã hội dân chủ hay tự do hơn không?

Noam Chomsky: Không. Đó là những ví dụ rất chính xác, nhưng hiệu quả tích cực của công nghệ như đã đề cập là có giới hạn. Ví dụ, khi mùa xuân Arab diễn ra ở Ai Cập năm 2011, chế độ độc tài Mubarak đã ngắt mạng Internet để ngăn cản cái đã được nhắc đến. Nhưng điều đó không có hiệu quả. Mọi người chuyển sang dạng trao đổi thông tin trực tiếp, thứ đó có lẽ là tốt hơn.

Bây giờ là mặt trái. Công nghệ tạo ra cơ hội cho hệ thống quyền lực-nhà nước và các doanh nghiệp-làm cái điều mà lẽ ra họ không nên làm, điều đó rất có hại, như một trong số các tiết lộ của Snowden cho thấy.

Công nghệ cũng có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Tôi sử dụng Internet để nghiên cứu và nó rất đáng giá. Trong trường hợp Internet, đó là công cụ tốt nếu bạn biết bạn tìm kiếm cái gì. Nếu bạn không biết bạn đang tìm kiếm cái gì thì nó chỉ đem đến sự lẫn lộn. Ví dụ, ai đó nói với tôi rằng họ muốn trờ thành nhà sinh học và tôi nói “Hãy đến thư viện sinh học của trường đại học và mọi thứ bạn cần biết đều ở đó”. Điều đó là vô nghĩa, bạn chẳng thể làm bất cứ gì với thông tin bởi vì bạn không biết mình đang tìm kiếm gì.

Internet còn tệ hơn thế, bởi vì phần lớn những thứ trong thư viện sinh học là phù hợp và quan trọng. Khi bạn sử dụng Internet, bạn tìm thấy hàng đống những thứ vớ vẩn, sai lệch, vô giá trị và tuyền truyền. Mọi người giống như ở giữa đại dương mà không có vài hiểu biết cơ bản.

Và để hiểu biết thì cần phải có giáo dục, các hiệp hội và hợp tác với những người khác. Thiếu hiểu biết cần thiết thì Internet chỉ dẫn đến sự mất trí, sùng bái thông tin, tạo ra ảo tưởng rằng bạn biết mọi thứ trong khi thực tế là bạn bị lầm lẫn bởi những chuyện tầm phào hay tuyên truyền. Đó là những mặt tiêu cực. Công nghệ bản thân nó không quan tâm; nó có thể được sử dụng để cải thiện tự do, phẩm giá và hiểu biết. Nó cũng có thể được dùng để ép buộc, kiểm soát và làm sai lệch. 

John Malkin: Giờ đây tôi ngạc nhiên khi nghe thấy mọi người nói “Tôi chưa bao giờ cảm thấy được liên kết gần gũi hơn với những người khác,” và họ ngồi một mình trong phòng nhìn vào màn hình. Ông vừa nói là một người bạn thời thơ ấu giữ một cuốn sách có tên của 200 bạn bè. Ông không thể tin là người ta có tới 200 người bạn. Nó giống như facebook trước khi có facebook. Cảm giác kết nối con người qua máy tính có phải là hão huyền?

Noam Chomsky: Tôi chưa từng thực hiện nghiên cứu nào để có thể kết luận, song ấn tượng của tôi là có rất nhiều điều viển vông. Tệ hơn nữa, nó đẩy con người ra xa khỏi các mối quan hệ bạn bè thật sự vởi vì họ tin rằng họ có bạn, nếu giả dụ họ đăng lên trang facebook “Tôi có kỳ thi chiều nay” và họ nhận được 200 phản hồi, đại loại như “Này, tôi hy vọng bạn làm tốt”, của những người chưa từng biết họ kể từ thời Adam. Nếu đó là những gì mà lũ trẻ tin là tình bạn thì cuối cùng chúng sẽ gặp rắc rối trong cuộc sống. Đó không phải là tình bạn.

John Malkin: Phần lớn những thiết bị mà mọi người đang nhìn, nói và chơi ngày nay được quân đội phát triển và sau đó chuyển sang cho người tiêu dùng. Tôi ngạc nhiên nếu các nghiên cứu và phát triển ban đầu của công nghệ và thiết bị số có chứa đựng và ảnh hưởng nào đó?

Noam Chomsky: Có những công nghệ được phát triển cho các mục tiêu đặc biệt mà các bạn hay tôi có thấy là có hại. Nếu Viện Sức Khỏe Quốc Gia (INH) tài trợ cho nghiên cứu về vũ khí sinh học, có thể một ngày nào đó, một ai đó tìm ra cách sử dụng tốt đối với chúng. Song đó là chuyện hết sức ngẫu nhiên. Chúng vốn dĩ được thiết kế để gây hại và phá hủy. Tôi không nghĩ là INH làm vậy, đó hoàn toàn chỉ là giả thiết.

Nếu các bạn trở lại với trường hợp đã đề cập-máy tính và mạng Internet-chúng được phát triển trong những năm 1950 tại các phòng thí nghiệm và cơ sở được Lầu Năm Góc tài trợ, bao gồm cả nơi tôi làm việc, Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Điện Tử tại MIT. Đó là một trong những nơi chính diễn ra quá trình phát triển. Toàn bộ được quân đội tài trợ. Thật sự, lúc đó tôi được quân đội tài trợ 100 phần trăm. Mọi người làm việc trong phòng thí nghiệm đều hiểu rằng mọi thứ rất thuận lợi để phát triển những thứ đó. Rất nhiều động lực phía sau việc phát triển mạng Internet chỉ đơn giản là cải thiện khả năng trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học.

Tiền thân của mạng Internet là mạng ARPAnet của quân đội. Mạng này được thiết kế cho mục tiêu quân sự cũng như các máy tính vậy. Nhưng bạn có thể sử dụng máy tính và mạng Internet cho rất nhiều mục tiêu. Rất nhiều phát triển ban đầu chỉ là cho quân sự, bởi vì chỉ họ mới có thể sử dụng chúng. Ví dụ vào năm 1950, IBM làm cái mà ngày nay chúng ta được biết là thử nghiệm công nghệ quân sự trong việc chế tạo các máy tính số có tốc độ cao. Đó là mục đích của quân đội: họ cố gắng phát triển pha tiếp theo của nền kinh tế công nghệ cao. Vào đầu những năm 1960, IBM cuối cùng cũng tạo ra được chiếc máy tính nhanh nhất thế giới-siêu máy tính Stretch-nhưng nó quá đắt nên doanh nghiệp không thể mua được và người tiêu dùng thì lại càng không. Vậy nên chính quyền mua nó và sử dụng trong các vụ thử vũ khí hạt nhân ở Los Alamos.

Chính quyền có thể chi trả được cho những thứ đắt đỏ ấy. Nếu bạn nhìn vào kết quả, chính quyền đã dùng tiền của người đóng thuế để trợ cấp cho doanh nghiệp tư nhân. Rất nhiều dạng trợ cấp như mua lại các nhà băng, và các vụ mua lại tương tự. Nếu khu vực doanh nghiệp học được từ nghiên cứu của chính quyền cách sản xuất ra cái gì đó và những sản phẩm ban đầu quá đắt đối với thị trường, chính quyền có thể đứng ra mua chúng. Kiểu đặc trưng này là quân đội vì họ có nguồn lực không bị hạn chế và luôn tìm ra cách sử dụng.

Tôi biết nhiều người tham gia vào quá trình phát triển các công nghệ mới như-máy tính và Internet-họ không có động cơ phát triển những thứ đó cho ứng dụng quân sự.

John Malkin: Ông nói rằng tivi làm đần độn tinh thần và ông viết cũng như nghiên cứu rất nhiều về việc sử dụng truyền thông để tuyên truyền và kiểm soát. Ông cũng nói rằng sách dường như đã biến mất và niềm tin phổ biến rằng con người-đặc biệt là trẻ em-không bị ảnh hưởng bởi các chương trình và trò chơi video bạo lực.

Noam Chomsky: Tôi không thể đảm bảo về điều này nhưng tôi được đọc từ những nguồn tin cậy rằng phi công điều khiển máy bay không người lái-những người nhìn vào màn hình và điều khiển máy bay không người lái-được huấn luyện bằng các trò chơi video. Có một số nghiên cứu về tác động của các hình ảnh bạo lực đối với trẻ em mà tôi được đọc đã cho thấy họ không tìm được bất cứ tác động nào của việc xem các trò chơi bạo lực đối với trạng thái tiếp theo hay sử dụng bạo lực. Có thể có một số, nhưng dường như không phải là tất cả.

Tôi muốn lưu ý về trẻ em và máy tính và màn hình video một số điểm khác và diễn ra âm thầm, không cần viện dẫn đến các nghiên cứu. Tôi đã sống năm mươi năm qua ở khu vực ngoại ô. Vợ tôi và tôi chuyển đến đó vì đó là nơi tuyệt vời cho trẻ con. Năm mươi năm trước, con cái của chúng tôi còn bé và có thể chơi đùa trên đường phố; không có nhiều phương tiện giao thông qua lại và rừng thì ở ngay cạnh. Quanh hàng xóm luôn đầy trẻ con, chạy chơi khắp nơi, qua lại nhà nhau. Điều đó tạo lên bầu không khí làng xóm. Bạn cần phải biết người hàng xóm vì con của bạn sẽ ăn trưa ở đó. Điều ấy dẫn tới các mối quan tâm cộng đồng. Đó là năm mươi năm trước.

Giờ đây bạn đi quanh chính cái cộng đồng đó và không thấy bất cứ đứa trẻ nào. Bạn chỉ có thể thấy những người trưởng thành. Nếu là người trưởng thành, họ dường như chỉ dắt chó đi dạo. Trẻ con thì ở trong nhà và chơi các trò chơi video hay làm gì đó hoặc chúng tham gia vào các hoạt động do người trưởng thành tổ chức. Điều này đã được nghiên cứu. Trẻ em đánh mất thời thơ ấu. Chúng đánh mất khả năng chơi đùa, khả năng trở nên độc lập và khả năng sáng tạo.

Một đứa cháu nội của tôi thích thể thao khi nó còn bé. Có một sân thể thao ở gần nhà và tôi hỏi nó: “Sao cháu không ra ngoài đó và chơi với những đứa trẻ khác?” Đó là điều mà tôi làm khi tôi còn bé và là cách mà con cái tôi chơi đùa cho tới khi chúng lớn lên. Cháu nội tôi thậm chí còn không hiểu câu hỏi. Đối với nó thể thao là thứ được người trưởng thành tổ chức, trong cái giải đấu của người trưởng thành, và các giải đấu ấy diễn ra theo cách không dễ chịu. Có rất nhiều điều diễn ra, với cuộc sống của trẻ em và các hoạt động được tổ chức dựa trên ứng dụng máy tính. Điều đó làm giảm sự thích thú, kinh nghiệm và các hoạt đông học hỏi rất quan trọng đối với tương tác và các hoạt động độc lập thời thơ ấu. Tôi không nghĩ rằng chúng được đo lường, nhưng tôi cho rằng chúng sẽ rất nguy hiểm về lâu dài

Tác động đối với việc đọc là rất đáng chú ý. Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng thỉnh thoảng tôi đọc báo trên mạng và trải nghiệm hời hợt hơn đọc báo giấy rất nhiều, với báo giấy bạn có thể lật trang hay gạch chân. Đôi khi bạn chỉ lướt qua báo mạng. Tôi ngờ là sự thay đổi này tạo ra những yếu tố hời hợt trong hoạt động trí óc, bất kể là đọc báo hay tiểu thuyết. Tôi đọc trên mạng để cập nhật các thông tin chuyên môn. Nhưng nếu tôi thực sự muốn nghĩ về chúng thì tôi sẽ in chúng ra và đọc lại. Với sách cũng tương tự như vậy. Có thể đó là văn hóa mà tôi đã lớn lên trong đó, nhưng tôi ngờ rằng nó còn sâu sắc hơn thế. 

John Malkin: Tôi chia sẻ cùng mối lo ngại. Tôi cảm thấy rằng sự kiểm soát của người trưởng thành đang tăng lên và trẻ em học được nhiều hơn cũng như vui vẻ hơn khi chúng xây dựng các trải nghiệm của chúng. 

Noam Chomsky: Chính xác, Đó là trò chơi. Các trò chơi đem lại trải nghiệm học hỏi tuyệt vời. Các trò chơi tạo ra tính sáng tạo và tính độc lập. Tôi muốn nói với các bạn một ví dụ: Căn nhà tôi ở suốt 50 năm có rừng ở ngay phía sau. Có một cái cây được mọi đứa trẻ gọi là cây leo trèo. Giờ chúng không biết. Nếu bạn quay lại 30 hay 40 năm trước, cái cây đó là hoạt động chung của mọi đứa trẻ trong xóm. Lũ trẻ trèo lên cây với một mảnh gỗ và cắm nó vào cái cây, những đứa khác lại trèo lên với mảnh gỗ khác. Chuyện đó bắt đầu vào mùa xuân và đến mùa thu thì hoàn tất, một căn nhà gỗ hoàn hảo trên cây cho lũ trẻ chơi đùa. Giờ cái cây trống không. Trẻ em không chơi ở đó. Có thể là bố mẹ chúng không cho phép, những lũ trẻ hiện giờ không muốn ra ngoài và sáng tạo hay hợp tác với những đứa khác trong công việc thiết kế một nơi hoàn hảo nơi chúng có thể chơi các trò chơi thú vị. Tôi nghĩ nhiều thứ đã mất đi như vậy.

John Malkin: Tiểu thuyết khoa học thường mô tả ý tưởng con người tạo ra các cỗ máy có cảm xúc hay trí tuệ. Trong thời đại chúng ta, con người dường như trở nên giống máy móc hơn. Ray Kurzweil đã tiên đoán rằng trong vòng 30 năm nữa máy móc sẽ tự tuyên bố chúng sống và không ai tranh luận về điều đó.

Noam Chomsky: Ngay lập tức các bạn có thể tạo ra một cỗ máy biết nói: “Tôi sống”. Bạn cũng có thể tạo ra một cơ sở dữ liệu đủ hoàn hảo để đánh lừa mọi người rằng nó sống. Nhưng điều đó là vô nghĩa. Phần lớn chúng được tạo ra từ bản thảo của Alan Turing, một nhà toán học vĩ đại và cha đẻ của khoa học máy tính và nền tảng của máy tính. Ông ấy viết trong nghiên cứu của mình năm 1950 về máy móc biết suy nghĩ [“Computing Machinery and Intelligence’]. Bản thảo đó đưa ra nhiều phỏng đoán đoán về công nghiệp. Ông ấy đề xuất một loại kiểm tra mà giờ được gọi là kiểm tra Turing-nếu một cỗ máy vượt qua kiểm tra thì chúng ta có thể nói là nó biết suy nghĩ.

Nhưng khi Turing nói về máy móc, ông ta đề cập tới những chương trình điều khiển máy móc. Các cỗ máy tự nó, ví dụ như máy tính xách tay, không làm gì cả. Nó có thể đóng vai trò như một tập giấy trắng. Nếu có điều gì đó diễn ra thì là do chương trình mà bạn cài vào đó. Nó giống như R2D2 nếu bạn mô tả theo cách ấy. Giờ là câu hỏi “Có thể tạo được một chương trình đánh lừa người quan sát trong thời kỳ kiểm tra rằng máy móc sống?” Theo cách đó, bạn có thể thiết kế chương trình vượt qua được kiểm tra Turing và nhận 100’000 USD.

IBM và những người khác nắm bắt được ý tưởng và IBM thiết kế một chương trình được gọi là Deep Blue, chương trình này có thể đánh bại cả đại kiện tướng cờ vua. Tất cả là vô nghĩa. Thực tế là Turing cũng đã chỉ ra điều đó trong tập bản thảo 8 trang. Ông ta nói rằng câu hỏi máy móc có biết suy nghĩ hay không là quá vô nghĩa để tranh luận. Dĩ nhiên, chúng ta không còn nghĩ rằng tàu ngầm có thể bơi. Nếu chúng ta muốn gọi đó là bơi thì cũng được thôi, nhưng đó chỉ là chuyện thuật ngữ. Bất cứ cái gì con người làm khi họ suy nghĩ thì không phải là cái mà một cơ sở dữ liệu lớn làm. Đó không phải là cái mà Deep Blue làm. Đó hoàn toàn là một hành động khác. Một chương trình máy tính nhanh chóng tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu khổng lồ. Không nghi ngờ gì cả, bạn có thể tạo ra một chương trình và một bộ nhớ cho phép tìm kiếm thần tốc khắp cơ sở dữ liệu khổng lồ và đưa ra kết quả trông bề ngoài giống như trí tuệ. Cũng như bạn tìm thứ gì đó bằng Google và bạn nhận được kết quả ngay lập tức. Bạn có thể đánh lừa bản thân rằng cỗ máy đó thông minh khi có thể tìm kiếm nhanh chóng trong một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Nhưng điều đó không có gì liên quan đến con người hay động vật thông minh. Nó có thể rất hữu dụng song không phải là trí tuệ. Tôi dùng Google để tìm kiếm, nhưng chúng ta không bị nó đánh lừa. Tôi nghĩ rằng Kurzweil là một nhà khoa học tốt. Ông ấy có thể bị công nghệ đánh lừa, hay ít nhất, tôi nghĩ là ông ấy đánh lừa người khác.

John Malkin: Julian Assange đã mô tả Internet là công cụ để giám sát của chính quyền. Thông tin được tiết lộ của Chelsea (Bradley) Manning, Julian Assange, và Edward Snowden đã cho thấy việc sử dụng trên quy mô lớn các công nghệ mới vào việc giám sát và kiểm soát. Tất nhiên chính quyền Hoa Kỳ có một lịch sử dài về giám sát, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, quy mô của việc thu thập và lưu trữ rất nhiều dữ liệu số đã gây hoảng hốt.

Noam Chomsky: Về mặt cá nhân, tôi ngạc nhiên vì quy mô của chương trình hiện nay. Những người khác bị sốc. Bạn có thể thấy tổng thống của Brazil, Dilma Rousseff, hủy cuộc viếng thăm cấp quốc gia vì sự sỉ nhục khi biết rằng các cơ sở kinh doanh và chính quyền, thậm chí cả văn phòng của ông ta bị NSA theo dõi. Nếu chúng ta biết rằng Trung Quốc bí mật theo dõi Obama, ông ta sẽ nghĩ rằng đã đến lúc chiến tranh.

Quy mô của sự giám sát là rất đáng kinh ngạc. Nhưng không phải là hiện tượng mới. Lý do là một trong số đã được các bạn đề cập. Nếu các bạn quay lại quá khứ, hệ thống quyền lực-nhà nước và tư nhân-đã cố gắng thực hiện kiểm soát nhiều nhất có thể đối với mục tiêu của họ. Trong trường hợp chính quyền, mục tiêu là dân chúng và các xã hội khác. Họ muốn kiểm soát những thứ ấy. Kiểm soát cần có một số dạng thông tin và một số phương pháp giám sát. Sau khi giám sát là đến những công cụ khác như tuyên truyền, can thiệp, giết hại và tương tự. Tại Hoa Kỳ điều đó đã diễn ra từ lâu và đó là đặc trưng của hệ thống được sáng chế cho mục đích quân sự sau đó nhanh chóng ứng dụng để kiểm soát thường dân. Chính quyền coi thường dân là một dạng kẻ thù. Kẻ thù cần phải bị kiểm soát, chia rẽ, phá hủy, đẩy lùi và giữ trong bóng tối. Hệ thống thương mại cũng làm tương tự.

Có một cuốn sách hay của Alfred McCoy, một nhà sử học nổi tiếng (Policing America’s Empire: The United States, The Philippines, and the Rise of Surveilance State). McCoy nghiên cứu các kỹ thuật và phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng tại Philippine một thế kỷ trước đây, sau khi Hoa Kỳ xâm lược nước này, đó là giết người, cuộc xâm lược đẫm máu giết hại hàng chục nghìn người. Nhưng họ gặp khó khăn trong việc bình định hòn đảo ấy. Họ đã dùng các công nghệ hiện đại nhất để thiết lập các cơ sở dữ liệu phức tạp, tiến hành giám sát quy mô lớn, can thiệp và trấn áp các phong trào, chia rẽ mọi người, bôi nhọ và tương tự. Đó là những kỹ thuật giám sát, kiểm soát và chia rẽ rất hiệu quả, sau đó đã nhanh chóng được áp dụng để chống lại công dân Hòa Kỳ. Những kỹ thuật đó được sử dụng suốt thời kỳ sợ đỏ của Woodrow Wilson và vài năm sau đó nước Anh cũng sử dụng. Danh sách tiếp tục kéo được kéo dài.

Không có gì đáng ngạc nhiên là Washington và các tập đoàn lớn làm những gì mà họ làm được được để giám sát, thống trị và kiểm soát nhằm đảm bảo rằng dân chúng và các quốc gia khác không thể bẻ gẫy các hoạt động của họ. Trong những năm 1960, chương trình tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã diễn ra. Đó là COINTERPRO, chương trình của lực lượng cảnh sát liên bang, FBI. Mục tiêu của chương trình không chỉ là giám sát, mà là bẻ gẫy, đàn áp và phá hủy trên quy mô lớn các tổ chức. Bắt đầu là Đảng Cộng sản và sau đó là phong trào độc lập Puerto Rico, phong trào người Da Đỏ Mỹ, toàn bộ cánh tả mới, phong trào phụ nữ, phong trào quốc gia của người da màu, và các phong trào khác. Điều đó rất nghiêm trọng và tiến tới các vụ ám sát có tính chính trị. Cuối cùng chương trình bị tòa án bãi bỏ vào giữa những năm 1970. Tôi đoán là nó đã bị bãi bỏ.

Nhưng những cơ chế khác vẫn được phát triển trừ khi chính quyền bị đặt trong vòng kiểm soát. Chính quyền chỉ có thể bị đặt trong vòng kiểm soát bởi những người dân được thông tin, tích cực và có tổ chức do đó những người mà các bạn đã đề cập-Assange, Manning, Snowden-đang làm việc cần thiết. Họ hành động như những công dân đáng kính. Họ cho công chúng biết những người được công chúng chọn làm đại diện đang làm gì với các bạn. Tất nhiên, những người có quyền lực không thích điều đó và chính quyền đưa ra đủ mọi cớ để giám sát, như an ninh hay tương tự. Nhưng chúng ta giữ trong lòng rằng thực chất của những gì đang diễn ra và những hành động đó của công dân là cần thiết cho một xã hội tự do.

Friday, March 14, 2014

Chomsky: Từ Hiroshima tới Fukushima, Việt Nam tới Fallaujah, quyền lực nhà nước lảng tránh tác hại hàng loạt của nó.

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài phát biểu của giáo sư ngôn ngữ học Noam Chomsky, người có những quan điểm độc đáo về chính trị và quan hệ quốc tế, tại lễ tưởng niệm 3 năm thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Tokyo Nhật Bản.

Amy Goodman: Chúng ta kết thúc lễ tưởng niệm 3 năm thảm họa Fukushima với bài phát biểu của nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng thế giới, nhà ngôn ngữ học, tác giả sách, giáo sư đại học MIT Noam Chomsky, người đã đến Tokyo tuần qua. Noam Chomsky đã 85 tuổi. Ông gặp mặt những người sống sót, bao gồm cả các gia đình đã được sơ tán. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi được kênh truyền hình độc lập trực tuyến OurPlanet-TV ghi hình. Đây là phát biểu của giáo sư Chomsky ở Nhật Bản.

Noam Chomsky: Những gì đã diễn ra ở Nhật Bản thật khủng khiếp, với những trải nghiệm kinh khủng và duy nhất mà chúng ta không muốn nhắc tới. Và tất nhiên, cực kỳ khủng khiếp đối với trẻ em, chúng vô tội và không có khả năng tự bảo vệ mình. Đáng tiếc là điều đó luôn xảy ra. Tôi muốn nói rằng, tôi có hai đứa con gái-khi chúng bằng tuổi của con gái các bạn, sau khi ở trường học về đã kể rằng chúng được dạy phải trốn dưới gầm bàn nếu có chiến tranh hạt nhân. Đó là thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, thế giới đã đến rất gần một cuộc chiến tranh hạt nhân. Lũ trẻ đã rất bối rối. Tôi muốn nói rằng, lũ trẻ vốn là bạn của những gia đình biết chắc chắn họ không bao giờ sống sót nếu thế giới bị phá hủy bởi chiến tranh hạt nhân. Nhưng nguồn chính thống nói: "Đừng lo ngại, mọi thứ đều được kiểm soát." Sự thật là như vậy đấy-chúng tôi đã ngừng cho con gái uống sữa khi chúng khi đó, do các nhà khoa học lo ngại, khẳng định rằng nồng độ cao của chất strontium-90 trong sữa là do các thử vũ khí hạt nhân ở Mỹ gây ra, rất nhiều vụ thử ngoài trời. Chính phủ đảm bảo với mọi người rằng đó không phải là vấn đề, nhưng chúng tôi-rất nhiều người như chúng tôi, đã ngừng cho trẻ em uống sữa, chỉ cho chúng uống sữa bột, được sản xuất từ trước khi có những vụ thử vũ khí hạt nhân.

Điều đó luôn diễn ra. Ngay như bây giờ, ví dụ Fallujah, một thành phố ở Iraq, bị quân Mỹ tấn công bằng thứ vũ khí mà không ai biết đến, nhưng nó gây ra mức độ phóng xạ cao. Các nghiên cứu của bác sĩ Iraq và Mỹ cho thấy tỷ lệ ung thư rất cao ở trẻ em của thành phố Fallujah, cao hơn rất nhiều so với trước đó. Nhưng chính quyền Mỹ đã phủ nhận. Chính quyền Iraq không đoái hoài tới. Các tổ chức quốc tế từ chối xem xét. Chỉ có các tổ chức độc lập và các nhóm dân sự gánh vác.

Đó là điều diễn ra ở mọi nơi. Tôi muốn nhắc tới, vào năm 1961 Mỹ tiến hành chiến tranh hóa học ở Việt Nam, miền Nam Việt Nam, chiến tranh hóa học đã phá hủy mùa màng và thú nuôi. Việc đó diễn ra suốt bảy năm. Mức độ độc hại-họ đã dùng chất gây ung thư mạnh nhất được biết tới: dioxin. Chuyện đó kéo dài nhiều năm. Hậu quả rất khủng khiếp ở miền Nam Việt Nam. Nhiều trẻ em bị dị dạng, dị dạng kinh hoàng, được sinh ra tại các bệnh viện ở Sài Gòn. Chính quyền từ chối điều tra. Họ chỉ điều tra tác động đối với các lính Mỹ, nhưng không điều tra tác động đối với người Việt Nam ở miền Nam. Hầu như không có nghiên cứu nào ngoài các nghiên cứu của các nhóm dân sự độc lập.

Hết trường hợp này đến trường hợp khác, đó là một câu chuyện kinh khủng, và đặc biệt kinh khủng đối với các bạn vì các bạn phải chịu đựng nó. Nhưng các chính quyền thì hành động theo cách này: Họ bảo vệ mình trước công dân của họ. Các chính quyền tin rằng công dân là kẻ thù chính và họ phải-tự bảo vệ. Do đó mà có những luật về bí mật. Công dân không được biết những gì mà chính quyền làm với họ. Ví dụ cuối cùng, trước khi Edward Snowden tiết lộ bí mật, lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia James Clapper đã khai trước trước Quốc Hội là liên lạc điện thoại của người Mỹ không bị theo dõi. Một lời dối trá ngoài sức tưởng tượng. Nói dối Quốc Hội là tội ác: có thể bị phạt nhiều năm tù. Không chỉ là lời nói. Chính quyền đang nói dối công dân của họ.

Amy Goodman: Tác  giả sách và giáo sư MIT Noam Chomsky, phát biểu trong chuyến đến thăm Tokyo tuần qua. Chân thành cảm ở OurPlanet-TV. Các bạn có thể truy cập website để theo dõi ba ngày tin tức của chúng tôi từ Tokyo, Nhật Bản, tại democracynow.org.