Showing posts with label Hàn Quốc. Show all posts
Showing posts with label Hàn Quốc. Show all posts

Tuesday, February 19, 2019

Đầu năm nói chuyện ăn Tết theo dương lịch

Từ độ hơn chục năm trở lại đây, năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi độ xuân về là chúng ta lại phải chứng kiến một bản nhạc cũ mèm được những cái  loa rè của đám trí thức thân phương Tây phát đi phát lại không biết nhàm. Ấy là chuyện Việt Nam ta nên ăn Tết theo Tây lịch để được văn minh, hiệu quả về kinh tế và thoát ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lập luận về văn minh là rất nhàm, phương Tây ăn Tết theo dương lịch, phương Đông ăn Tết theo âm lịch, người Hồi giáo hay Do Thái giáo đều nghỉ ngơi theo lịch riêng của họ, đằng nào cũng là văn minh và có bản sắc riêng của cả. Lấy cái chuẩn mực nào để nói cái nào văn minh hơn cái nào, thật là thô thiển hết chỗ nói. Như ông bà ta vẫn nhắn nhủ, ấy là cái đám me Tây nên cứt tây cũng thơm. Phương Tây văn minh hơn hết là tư duy từ thời thuộc địa, các đế quốc phương Tây nhồi vào đầu các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ để dễ bề cai trị. Bây giờ các  nước Châu Á độc lập tự do, kinh tế cũng đã khởi sắc, cớ gì ngu dại tin vào điều đó nữa.

Lập luận về hiệu quả kinh tế mới nghe thì xuôi tai nhưng kỳ thực là bịp bợm. Họ nói rằng ăn Tết theo dương lịch để cho đỡ gián đoạn việc sản xuất, bán hàng cho phương Tây. Điều này là vô nghĩa, thực tiễn công nghiệp hiện đại cho thấy điều đó được xử lý rất dễ dàng về mặt kỹ thuật, tức là sản lượng hụt đi do nghỉ lễ thì sẽ được làm bù trước đó hoặc sau đó. Bên cạnh đó vẫn còn một khía cạnh nữa mà các nhà giả trí thức bịp bợm của chúng ta lờ tịt đi, ấy là chuyện Việt Nam hiện giờ xuất khẩu đi khắp thế giới chứ không phải mỗi phương Tây, trong đó Trung Quốc cũng là một bạn hàng lớn. Nếu bây giờ lấy cái lập luận về hiệu quả kinh tế đó áp vào thì những người bán hàng cho Trung Quốc sẽ đòi phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc, những người bán hàng cho Ấn Độ sẽ đòi ăn Tết theo lịch Ấn Độ... vậy thì sẽ phải nghe ai. Nếu nghe một người thì những người khác sẽ hỏi lại rằng tại sao tôi phải hy sinh lợi nhuận của mình cho anh kia, anh ta có chia cho tôi đồng nào không? Thế đấy, những chuyện về kinh tế này chả đi đến đâu hết. Lại còn có một chuyện nữa là người ta kêu ca tết âm với tết dương gần nhau nên người lao động có tâm lý ăn chơi từ tết dương đến tết âm rồi chơi cả tháng giêng làm thiệt hai cho doanh nghiệp, chuyện này cũng vớ vẩn nốt. Thực tế tháng trước Tết âm lịch là tháng làm hàng bù cho kỳ nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp trước Tết đều tăng ca, công nhân thì tích cực hơn vì có thêm lương thưởng. Sau Tết thì hoạt động mua sắm tiêu dùng giảm đi,  vì đã chi tiêu trước Tết, do vậy các doanh nghiệp đều có sản lượng thấp sau Tết, người lao động có nhiều thời gian rảnh rang để đi lễ hội hơn. Một ví dụ điển hình ở Việt Nam là ngành lắp ráp ô tô, trước Tết, hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô đều chạy hết công suất, làm việc 3 ca/ngày, sản lượng ô tô bán ra các tháng trước Tết cực lớn. Ngược lại, tháng sau Tết là thảm họa của các đại lý bán xe vì ai mua xe được đã mua từ trước Tết, sau Tết họ chạy xe mới đi chơi lễ hội, không còn mấy ai đi mua xe cả. Các trí giả của chúng ta khi nói về hiệu quả kinh tế cũng lờ tịt đi một khía cạnh khác nữa, họ giả định rằng sự thống trị về thương mại quốc tế thì sẽ thống trị về văn hóa, tức là giờ chúng ta bán hàng cho phương Tây thì phải ăn Tết theo dương lịch cho đúng điệu toàn cầu hóa. Câu hỏi ngược lại: Nếu Trung Quốc thống trị thương mại thế giới thì Việt Nam và cả phương Tây sẽ phải ăn Tết theo lịch Trung Quốc? Đến đây thì các bạn hẳn đã biết câu trả lời, các trí giả của chúng ta sẽ tự vả vào miệng họ mà khăng khăng nói rằng, kinh tế có mạnh nhưng Trung Quốc vẫn kém văn minh, không nên theo Trung Quốc. Thực tế cho thấy các nước phương Tây giờ đây cũng đua nhau tổ chức các hoạt động mừng Tết âm lịch cho cộng đồng người Trung Quốc để mong phát tài.

Cuối cùng, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là chuyện hài hước nhất tôi được nghe trong đời mình. Người Việt giờ ra đường đều mặc áo phông, quần jeans, uống cafe kiểu phương Tây, lúc cần lịch sự thì mặc veston, nói tiếng Anh ào ào trong làm ăn, đâu có thứ gì của Trung Quốc mà kêu ảnh hưởng. Việc buôn bán làm ăn với Trung Quốc của Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chuyện buôn bán không phải là ảnh hưởng hay phải thoát ảnh hưởng gì hết. Về mặt chính trị thì Việt Nam đã từng bước ký hiệp định phân chia biên giới rõ ràng với Trung Quốc để khẳng định sự độc lập của mình, chỉ có một phần tranh chấp trên những đảo ngoài khơi, nhưng chuyện tranh chấp đó là bình thường giữa các quốc gia ở gần nhau và Việt Nam không chỉ có tranh chấp duy nhất với Trung Quốc, còn có những nước khác như Malaysia, Đài Loan, Philippines, Brunei. Nếu có đòi lại đảo thì đòi mấy nước kia chắc chắn dễ hơn đòi Trung Quốc, nhưng các trí giả hậm hực của chúng ta thường lờ tịt điều đó đi, họ chỉ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, tránh phải động tới các đồng minh của Mỹ.

Nhật Bản quá khứ và hiện tại

Người ta thường ca ngợi rằng Nhật Bản bỏ âm lịch theo dương lịch nên sau 100 năm đã trở thành giàu thứ hai thế giới nhưng người ta quên mất rằng Trung Quốc chả cần bỏ cái gì, chỉ cần 40 năm đã thành giàu thứ hai thế giới và đang trên đà trở thành giàu nhất thế giới.

Người Nhật bỏ âm lịch theo dương lịch vào năm 1873, nhưng họ giàu lên là nhờ quá trình tư bản hóa thành công giai đoạn sau Thế Chiến Thứ 2, chứ không phải nhờ vào việc bỏ âm lịch. Giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản mặc dù hùng mạnh nhưng chỉ là một đế quốc nhỏ ở phương Đông. Sau Thế Chiến Thứ 2, khi nước Nhật thua trận và trở thành thị trường của Mỹ và phương Tây thì mới nhanh chóng phất lên, nhưng cái giá phải trả là quá đắt. Việc nói Nhật Bản giàu lên nhờ bỏ âm lịch là tào lao.

Sau hơn một thế kỷ ăn Tết theo dương lịch thì người Nhật Bản cảm thấy rằng họ đã đánh mất bản sắc và lại đang muốn khôi phục lại bản sắc của mình. Họ muốn khôi phục Tết theo âm lịch, tuy vậy chưa thành công.


"Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện "chúng ta là ai?".
Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì.
Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng".
Lý do của Nhật Bản rất rõ ràng, họ muốn tạo ra một bản sắc văn hóa riêng với sức kết nối cộng đồng mạnh mẽ để gia tăng sức cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.

Hàn Quốc khôi phục Tết âm lịch

Người ta hay nhắc đến Nhật Bản như là hình mẫu bỏ âm lịch để giàu có nhưng lại quên mất nước láng giềng Hàn Quốc đã nỗ lực khôi phục lại Tết âm lịch sau gần 100 năm bị từ bỏ.

Năm 1910, Nhật Bản sáp nhập Triều Tiên vào Nhật Bản và buộc người Triều Tiên phải sử dụng dương lịch như họ, điều này có nghĩa là Triều Tiên cũng phải ăn Tết theo dương lịch. Thế nên đối với người Triều Tiên khi đó, Tết theo dương lịch là biểu tượng của sự ô nhục, của sự mất nước. Suốt thời kỳ bị Nhật Bản cai trị, TriềuTiên cũng không vì ăn Tết theo dương lịch mà giàu lên được.

Sau đó, Triều Tiên bị tách thành hai miền Bắc-Nam, miền Nam được gọi là Hàn Quốc. Nắm chính quyền ở Hàn Quốc là các cựu sĩ quan quân đội đánh thuê cho Nhật,  họ vẫn làm ăn với Nhật Bản và áp dụng dương lịch cho đến tận năm 1985. Khi đó, người Hàn Quốc đấu tranh dữ dội để bỏ Tết theo dương lịch và khôi phục âm lịch, điều này không chỉ là yếu tố văn hóa mà nó còn phản ánh sự trỗi dậy của Hàn Quốc, họ muốn có bản sắc riêng và đoạn tuyệt với cái dấu hiệu ô nhục của thời mất nước. Vào năm 1989, Hàn Quốc chính thức khôi phục Tết âm lịch. Cùng với việc Tết âm lịch được khôi phục, hàng loạt các nghi lễ và phong tục truyền thống được tiếp thêm sức mạnh từ không gian và thời gian truyền thống, điều này đã góp phần tạo ra một Hàn Quốc có bản sắc văn hóa độc đáo và gia tăng các mối liên kết cộng đồng của thời kỳ hiện đại.

Hàn Quốc đã đi ngược dòng, thậm chí với sự giàu có của mình, các nước phương Tây cũng phải nở nụ cười cầu tài, chúc người Hàn Quốc ăn Tết âm lịch vui vẻ hàng năm. Giờ đây có ai dám nói Hàn Quốc lạc điệu với thế giới, âm lịch hay bị Hán hóa không?

Việt Nam trên con đường đi tới

Việc kêu gào đòi bỏ âm lịch để ăn Tết theo dương lịch ở Việt Nam thể hiện rõ một mặt là sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản, họ muốn phá vỡ các mối liên kết cộng đồng để thay nó bằng quan hệ tiền-hàng lạnh lùng, bởi vì sự thống trị của họ dựa vào quan hệ đó, mặt khác thể hiện sự yếu thế của họ, họ không có khả năng dựa vào những điều kiện văn hóa xã hội sẵn có của Việt Nam mà phải dựa vào sức mạnh của tư bản quốc tế, thế nên họ muốn tất cả mọi thứ phải dập khuôn theo phương Tây. Mặc dù những lập luận của đám trí giả trong vấn đề này rất tào lao và dễ dàng bị bẻ gãy, họ giống như những con rối mua vui cho đám báo lá cải mỗi độ xuân về, song không vì vậy mà chúng ta quên mất động cơ thật sự ẩn giấu sau việc này.

Với việc chuyển sang dương lịch, âm mưu của họ là xóa bỏ toàn bộ ý niệm về thời gian tuần hoàn của phương Đông, các giá trị văn hóa của phương Đông vốn sinh tồn trong cái ý niệm về thời gian đó. Thay vào đó, họ áp đặt một ý niệm thời gian cơ giới, một chiều, mọi thứ đều trở nên vô định, quá khứ, hiện tại và tương lai không còn là một vòng tuần hoàn nữa mà là sự kết hợp ngẫu nhiên trong đó quá khứ và tương lai chỉ là chức năng của hiện tại. Điều này có nghĩa là xóa bỏ lịch sử, lịch sử Việt Nam chấm dứt, các giá trị văn hóa của Việt Nam cũng sẽ biến mất cùng với ý niệm về thời gian tuần hoàn. Lịch sử sẽ được bắt đầu bằng một cái mốc trống rỗng nào đó theo dương lịch và nó sẽ được lấp đầy bằng sự xét lại, bằng sự du nhập văn hóa tư bản. Không phải ngẫu nhiên mà đám trí giả ca tụng việc bỏ âm lịch là một cuộc cách mạng vĩ đại của Nhật Bản và thúc giục Việt Nam học theo điều đó. Cái giá Việt Nam phải trả sẽ là rất khủng khiếp, nhưng đám trí giả đâu có thèm quan tâm đến sự khủng khiếp đó, đối với họ cuộc cách mạng đó sẽ đưa họ lên địa vị thống trị, với tư cách là những kẻ môi giới của phương Tây. Miệng thì rêu rao rằng muốn Việt Nam trở nên hùng cường nhưng đằng sau những lời dối trá đó là âm mưu bán rẻ Việt Nam cho phương Tây, dìm Việt Nam vào vũng bùn tăm tối mất gốc, trở thành một thứ nô lệ văn hóa, đấy là bản chất của đám trí giả ngày nay.

Nếu ai đó hỏi tôi về việc ăn Tết theo dương lịch thì tôi sẽ trả lời như thế này: Khi nào Việt Nam đủ giàu, cả thế giới sẽ chung vui Tết âm lịch với Việt Nam.

Wednesday, September 7, 2016

Hàn Quốc: Tham nhũng cộng sinh với sự phát triển kinh tế thần kỳ

Tham nhũng gắn liền với sự tăng trưởng thần tốc là vấn đề bế tắc của cả nghiên cứu về tham nhũng cũng như mô hình tăng trưởng kinh tế của các nước công nghiệp mới (NIC). Tuy vậy, điều này không quá xa lạ khi được đối chiếu với lịch sử hình thành của các nước tư bản phương Tây. Hàn Quốc là một trường hợp điển hình ở Đông Á cho thấy tham nhũng gắn liền với công nghiệp hóa và phát triển kinh tế thần tốc. Hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển nhưng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nạn tham nhũng trong cả chính quyền cũng như doanh nghiệp tư nhân. Trong quá khứ, chính quyền Hàn Quốc đã trực tiếp can thiệp vào kinh tế, chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển theo định hướng, cung cấp tín dụng ưu đãi, ưu đãi về các điều kiện hành chính và kinh doanh, đổi lại sẽ nhận được những khoản lại quả hậu hĩnh của doanh nghiệp để đầu tư cho mạng lưới bảo trợ về chính trị, tức là doanh nghiệp và chính quyền cùng nhau củng cố sự thống trị và đàn áp người lao động. Trong tình hình đó thì nạn tham nhũng cũng gạt bỏ các tổ chức chính trị của người lao động và vì vậy nó gắn liền với sự tích lũy tư bản nhanh chóng của Hàn Quốc. Các nhóm tài phiệt lớn của Hàn Quốc đều được hình thành trong giai đoạn đầy tham nhũng của Hàn Quốc và vươn lên trở thành các đế chế tư bản quốc tế, mặc dù họ vẫn tuân thủ theo các truyền thống quan hệ dựa trên địa phương, gia tộc hoặc cá nhân. Điều này cho thấy chủ nghĩa tư bản trên một góc độ nào đó đã thích nghi với những truyền thống lâu đời của xã hội phương Đông.

Dưới đây là bản dịch bài báo “Corruption and NIC development: A case study of South Korea” của Jonathan Moran, Khoa Kinh Doanh, Đại học John Moores Liverpool, Anh Quốc.

Tham nhũng và sự phát triển của NIC: Một nghiên cứu điển hình về Hàn Quốc

Tóm lược. Cuộc tranh luận về tham nhũng và thành tích kinh tế đã nghiêng ngả từ lập trường này sang lập trường khác trong nhiều thập kỷ. Vào những năm 1960, trường phái tư tưởng gắn với lý thuyết hiện đại hóa cho rằng tham nhũng thường có quan hệ tích cực với tăng trưởng kinh tế (Huntington, 1968: Leff, 1964). Sau đó, tham nhũng bị coi là tai hại đối với sự tăng trưởng do phá hoại cơ sở của các chính sách công ổn định, duy lí cũng như sự phân bổ thông qua thị trường (Rose-Ackerman, 1978; Theobald, 1990), tham nhũng vẫn được đánh giá theo tình huống đó cho đến hiện nay, đặc biệt là sau “sự bùng nổ tham nhũng” của những năm 1990 (Alam, 1989; Leiken, 1997; Naim, 1995). Các nước Đông Á đóng vai trò là các nghiên cứu điển hình quan trọng về vai trò của tham nhũng trong công nghiệp hóa: bài báo này tập trung vào Hàn Quốc. Thứ nhất là do tham nhũng đồng tồn tại với sự phát triển. Thứ hai, tham nhũng ở Hàn Quốc  vào nhiều thời điểm khác nhau là thực dụng, gây hại, phi lý và hợp lý, nhưng luôn luôn hiện diện trong thời kỳ công nghiệp hóa thần tốc. Dĩ nhiên điều này không hàm ý cho rằng tham nhũng nuôi dưỡng tăng trưởng hay khuyến nghị tham nhũng như là một lựa chọn chính sách cho các nền kinh tế đang phát triển hay đang chuyển đổi, do có bằng chứng cho thấy trong nhiều trường hợp thì tham nhũng là có hại cho sự phát triển. Bài báo này tìm hiểu vai trò của tham nhũng trong sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc để hiểu rõ hơn về bản thân hiện tượng tham nhũng.

Dẫn nhập

Đông Á có một vị trí ngoại lệ trong cuộc tranh luận về tham nhũng và thành tích kinh tế. Thứ nhất, bằng chứng cho thấy mức độ tham nhũng cao bất thường đã đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế thần tốc. Câu trả lời thường là giả định không có sự tồn tại của hiện tượng này, ví dụ như Alam khẳng định: “Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore là những nước không có tham nhũng mang tính hệ thống” trong khi Indonesia dường như chỉ tham nhũng dưới thời Sukarno (Alam, 1989, p.444). Logic ở đây là rõ ràng: do những nước này đã phát triển về kinh tế nên họ không thể có tham nhũng mang tính hệ thống. Hay nói cách khác, tham nhũng được giải thích là xảy ra ở mức độ không nghiêm trọng hoặc không tập trung (Wade, 1990) hoặc không phù hợp với quá trình phát triển kinh tế chủ đạo. Tuy vậy, những bê bối gần đây ở Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia cũng như những bê bối hiện tại ở Nhật Bản đã cho thấy một quá trình đã tồn tại – và là hệ thống – trong nhiều thập kỷ.

Thứ hai, kết quả là mọi phân tích triệt để về tham nhũng hầu như đều vắng mặt trong các công trình về tăng trưởng kinh tế Đông Á. Trong công trình nổi bật về sự phát triển của Châu Á, Robert Wade chỉ dành 5 trong số 393 trang cho tham nhũng, coi tham nhũng chỉ là thứ diễn ra ở cấp độ thấp (Wade, 1990). Các bộ sách tăng lên nhanh chóng của các cựu kỹ trị đã từng thi hành các chính sách cấp cao trong thời kỳ công nghiệp hóa cũng lảng tránh tham nhũng, thường là theo nguyện vọng của họ về việc không tiết lộ các hành động phi pháp và/hay mong muốn được tái tuyển dụng trong tương lai. Trong nhiều năm gần đây, nhiều nhà kỹ trị - một số người đã viết những tác phẩm về sự phát triển kinh tế không có tham nhũng của Hàn Quốc – đã bị cáo buộc về liên quan đến tham nhũng và tiết lộ thông tin.

Thứ ba, một phần lý do của việc phân tích hiện tượng này một cách miễn cưỡng là mức độ tham nhũng cao tạo ra các vấn đề cho những mô hình phát triển cố gắng giải thích sự tăng trưởng thần tốc. Nhiều công trình cổ điển về công nghiệp hóa Hàn Quốc của cả cánh tả và cánh hữu đều dựa vào các khái niệm (của Weber hay Khổng Tử) về một giới hành chính duy lý, độc lập, trong việc triển khai các kế hoạch phát triển quốc gia. Nếu như tham nhũng tồn tại thì đó là do giới thượng lưu chính trị, họ nhận các khoản lại quả lớn còn các công chức thì không nhận được gì. Điều này đã hoàn toàn bỏ qua (a) hoàn cảnh chính trị tổng thể của sự phát triển và (b) cách thức mà giới công chức, kinh tế và thượng lưu chính trị ở Hàn Quốc (cũng như Đông Á) đã tham gia sâu vào các hoạt động phi pháp, bóp hầu bóp cổ, tìm kiếm đặc lợi, vân vân. Các công trình gần đây đã bắt đầu mô tả vai trò của tham nhũng trong sự tăng trưởng kinh tế thành công và chỉ ra sự quan trọng của việc phân phối quyền lực chính trị đối với tác động kinh tế tích cực hay tiêu cực của tham nhũng (Khan, 1996; 1998). Tuy vậy, việc áp dụng một tầm nhìn lịch sử/theo bối cảnh vẫn là cần thiết.

Bài báo này lập luận rằng mức độ tham nhũng cao đã đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế và cho rằng giới công chức đã (a) bện chặt với giới lãnh đao chính trị, (b) bản thân giới công chức là tham nhũng, (c) việc xây dựng chính sách kinh tế không chỉ là duy lý/Khổng Giáo mà còn bị chính trị hóa sâu sắc và (d) sự hiện diện của tham nhũng có tác động đến tăng trưởng kinh tế, nếu không rõ ràng trong ngắn hạn, tức là sự ổn định dài hạn.

Nhà nước, sự phát triển và hoàn cảnh tham nhũng ở Hàn Quốc

Sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc đã thể hiện hai đặc trưng sau: công nghiệp hóa thần tốc gắn với sự biến đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang một nền công nghiệp đa dạng với công nghiệp nặng, hóa chất, điện tử, chế tạo máy và công nghệ cao, vài trò to lớn của nhà nước trong việc tạo dựng, củng cố thị trường và kiểm soát đầu tư, cuối cùng là vai trò của xuất khẩu trong việc định hướng tăng trưởng.

Nhà nước là một biến số quan trọng trong các cuộc tranh luận về phát triển. Chủ đề đã thay đổi từ giải thích mô hình tăng trưởng theo định hướng thị trường của Hàn Quốc sang nghiên cứu vai trò to lớn của nhà nước, nhưng bản thân điều này này lại bị thay thế bằng chủ đề về cách thức nhà nước tương tác với thị trường. Tuy vậy, vai trò của nhà nước là trung tâm, bất kể là sửa chữa các méo mó của thị trường hay các chính sách củng cố. Bên cạnh đó, vai trò chính trị/cưỡng bức của nhà nước cũng không thể đặt ra ngoài sự phát triển. Các thức mà nhà nước đàn áp cả người lao động cũng như giới kinh doanh là nhân tố sống còn, như là bản chất chính trị của việc lập chính sách nói chung.

Mặc dù các di sản của chế độ thực dân Nhật Bản và thời kỳ hậu chiến là quan trọng song sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc hiện đại có thể coi là bắt nguồn những thay đổi kinh tế được áp dụng sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961, vốn được coi là sự trỗi dậy của một nhà nước mạnh, độc lập với các lợi ích cục bộ. Nhà nước kiểm soát kinh doanh, người lao động và các nhóm xã hội dân sự trong một hệ thống gần như hợp tác xã mà quân đội đóng vai trò là xương sống của chế độ và các cơ quan tình báo kiểm soát hoàn toàn sự bất đồng. Trên phương diện kinh tế, các Kế Hoạch Năm Năm liên tiếp được xây dựng dựa trên sự kiểm soát toàn diện của nhà nước đối với hệ thống tài chính. Nhà nước cung cấp sự hỗ trợ và phần thưởng cho doanh nghiệp thường xuyên – nếu không nói là luôn luôn – kết hợp với các tín hiệu của thị trường. Hơn nữa, uy tín của chính sách kinh tế chủ yếu dựa trên quyền lực chính trị của tổng thống và Cục Tình Báo Trung Ương Hàn Quốc (KCIA).

Về tham nhũng thì nhà nước cũng quan trọng song không phải là biến số duy nhất. Sự tham nhũng ở Hàn Quốc bắt nguồn từ sự tác động qua lại của nhiều nhân tố lịch sử và cấu trúc. Nhà nước mạnh là sống còn nhưng các lực lượng xã hội (cụ thể là các nhóm doanh nhân mới) yếu và truyền thống về mạng lưới bảo trợ-thân hữu (guanxi) của các gia đình, trường học, các mối liên hệ địa phương, vân vân. Phần tiếp theo sẽ giải thích ngắn gọn những điểm này.

Ngay cả trước khi được thành lập như một nhà nước có chủ quyền vào năm 1948, Hàn Quốc đã mang đặc trưng là quyền lực trung ương mạnh. Thời kỳ cai trị tàn bạo của đế quốc Nhật Bản 1910-1945 gắn liền với chương trình hiện đại hóa cưỡng bức theo cái được gọi là một nhà nước “phát triển thái quá”, tức là các chức năng chính trị, hành chính, cưỡng bức và kinh tế quá lớn so với quốc tế (Cumings, 1984). Mô hình nhà nước mạnh đã sống sót qua các cuộc nội loạn hậu chiến và Chiến Tranh Triều Tiên. Một phần là nhờ vào Chính Quyền Quân Sự Hoa Kỳ (AMG) trong khoảng thời gian 1945-48, duy trì các chức năng cưỡng bức của nhà nước để đàn áp các hoạt động dân túy, cánh tả và cộng sản. Syngman Rhee, tổng thống từ năm 1948 đến 1960, đã tuyển mộ lực lượng cảnh sát, mật vụ và các nhóm du kích cánh hữu để đe dọa các đối thủ và thao túng các cuộc bầu cử cho đến khi ông ta bị các cuộc biểu tình của sinh viên lật đổ. Tuy vậy, nhà nước quyền lực đã mở rộng và hồi phục sau cuộc đảo chính năm 1961 của Park Chung Hee. Dân chủ “có quản lý” được áp dụng sau cuộc đảo chính chỉ chấm dứt vào năm 1972 để nhường chỗ cho một nhà nước an ninh quốc gia trưởng thành hoàn toàn, khi mà Park dường như sẽ thất bại trong bầu cử. Một cuộc đảo chính khác vào năm 1980 sau vụ ám sát Park đã đưa một chính quyền do quân đội hậu thuẫn khác dưới sự lãnh đạo của Chun Doo Hwan lên cầm quyền. Do đó, trong giai đoạn 1961-1987, nhà nước quân sự đã thống trị sự phát triển chính trị ở Hàn Quốc. Sự yếu đuối của các nhóm xã hội dân sự là một đặc trưng quan trọng liên quan tới hoàn cảnh tham nhũng. Ví dụ, so với Mỹ Latin thì tổ chức của người lao động yếu và hoàn toàn bị AMG cũng như chính quyền Rhee vô hiệu hóa. Các nhóm xã hội dân sự khác cũng yếu do các cấu trúc tiền thuộc địa hoặc sự biến đổi hiện đại của chế độ thuộc địa và Chiến Tranh Triều Tiên. Các nhóm kinh doanh/doanh nhân (cũng giống như Đông Bắc Á – ngoại trừ Nhật Bản – và Đông Nam Á) rất nhỏ bé về quy mô, nguồn lực và sự hợp pháp chính trị. Tầng lớp kinh doanh ở Hàn Quốc rất yếu và không được ưa thích do sự hợp tác của họ với người Nhật. Những tính chất đó được củng cố thêm bằng những thỏa thuận tham nhũng của họ với chính quyền Rhee và việc họ kiếm lợi trong Chiến Tranh Triều Tiên.

Nhiều mạng lưới bảo trợ-thân hữu phi chính thức đan kết với quan hệ đó, ví dụ các mối liên hệ địa phương. Tỉnh phía nam Kyongsang là căn cứ của nhóm sĩ quan quân sự tổ chức đảo chính vào năm 1961, trong đó có Park Chung Hee và cháu vợ của ông ta là Kim Jong Pil, người sáng lập tổ chức KCIA. Cuộc đảo chính đã củng cố sự thống trị của Kyongsang. Cả Chun Doo Hwan, người tổ chức đảo chính năm 1979-80 sau vụ ám sát Park, lẫn Roh Tae Woo (người giúp Chun lên nắm quyền, sau này vào những năm 1980 đổi phe thành dân chủ và thắng cử tổng thống năm 1987) đều có liên quan đến tỉnh này. Trong số 20 tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất (chaebol), chín người sáng lập xuất thân từ Kyongsang, ba trong số năm tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất cũng vậy (Chon, 1992, p.168). “Số lượng người lớn bất thường có xuất thân từ tỉnh Kyongsang tham gia vào các vị trí có ảnh hưởng sâu sắc trong chính quyền và công nghiệp” (Chon, 1992, p.166). Kim Woochoong, người sáng lập tập đoàn Daewoo đã được tham gia vào mạng lưới quyền lực do bố ông ta đã dạy Park Chung Hee ở trường Kỹ Thuật Taegu. Trong Kyongsang, “phái T-K” (trường Kỹ Thuật Taegu/trường Sư Phạm Trung Học Kyongbuk) là mối quan hệ quan trọng nhất, các thành viên của chúng và hậu duệ của họ đã thống trị các thiết chế quân sự/an ninh và chính trị. Các mối quan hệ khác cũng được thiết lập, thường là các liên minh địa phương trong trường học, Học Viện Quân Sự, cựu sinh viên. Một mạng lưới các mạng lưới được mở rộng, kết nối quân đội, chính trị và kinh doanh, thường xuyên được bổ sung bằng các hội nhóm bí mật hoặc phi chính thức. Ví dụ, trước cuộc cải cách dân chủ, quân đội kiềm chế khoảng 40 hội nhóm bí mật, nổi tiếng nhất là Hanahoe (Một Tư Duy), cơ sở mà Chun Doo Hwan dùng để tổ chức đảo chính vào năm 1980. Giới thượng lưu nhà nước là các nhân tố chủ chốt trong những quan hệ đó.

Động lực khiến tham nhũng nở rộ cả trong nền dân chủ yếu (1948-1961) lẫn chế độ quân sự (1961-1987) bắt nguồn từ tác động qua lại của nhiều yếu tố: nhà nước mạnh, các nhóm xã hội dân sự yếu và hoạt động của các nhóm có mối liên hệ “bí ẩn” (della Porta and Pizzorno, 1996). Mối quan hệ đã phát triển, coi dấu hiệu của các thể chế hiện đại là năng lực, sự lập kế hoạch và tổ chức, mà tổ chức lại được thâm nhập bằng quan hệ cá nhân, các hội nhóm và các mạng lưới phi chính thức. Động lực này đã thường xuyên bị bỏ qua khi xem xét sự tăng trưởng và tham nhũng của Hàn Quốc.

Vấn đề tham nhũng ở Hàn Quốc: chính quyền Rhee 1948-1960

Để giải thích cách tham nhũng đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế thì cần phải nghiên cứu Hàn Quốc trong những năm 1950, khi tham nhũng đã gây tổn hại rõ ràng cho sự phát triển kinh tế. Các chính sách chính trị và hệ tư tưởng của Syngman Rhee dựa trên việc duy trì sự cai trị của bản thân ông ta, sự thống nhất bán đảo Triều Tiên và một lập trường chống Nhật Bản. “Chính sách” kinh tế của ông ta thể hiện khát vọng nắm quyền lực vĩnh viễn. Kinh tế Hàn Quốc có đặc trưng là sự kiểm soát chặt chẽ đối với sản phẩm nội địa và sự phân bổ tài chính bắt nguồn từ Chiến Tranh Triều Tiên. Hơn nữa, nền kinh tế cũng được bảo vệ trước sự cạnh tranh quốc tế, hàng nhập khẩu được kiểm soát bằng giấy phép và các khoản viện trợ quốc tế cần thiết được cung cấp dưới dạng không hoàn lại, viện trợ kỹ thuật và lương thực, vân vân. “Mục tiêu chủ chốt của kinh tế đối ngoại Hàn Quốc dưới thời Rhee là tối đa hóa dòng viện trợ kinh tế và quân sự từ các nguồn công ích; dòng tư bản từ các nguồn lực tư nhân không được khuyến khích” (Westphal et al., 1979: 360). Rhee hoàn toàn nằm trong sự điều khiển của chính quyền Hoa Kỳ, nhất là khi họ cần ông ta trong vai trò của một đồng minh chống cộng.

Rhee sử dụng ảnh hưởng của ông ta đối với viện trợ nước ngoài và kinh tế nội địa để tạo ra cấu trúc bảo trợ-thân hữu liên kết cộng đồng kinh doanh yếu của Hàn Quốc. Những người kinh doanh thân hữu nhận được các hãng trước đây thuộc về người Nhật với giá thấp, các giấy phép nhập khẩu hàng hóa khan hiếm, các khoản vay bằng đồng dollar cũng như các lợi thế khác giúp cho họ độc quyền trên thị trường. “Tỷ lệ chênh lệch 3:1 của tỷ giá thị trường ngoại hối chính thống và chợ đen có thể khiến bất cứ ai cũng có thể tức thì trở nên giàu có nếu như anh ta tiếp cận được việc trao đổi ngoại tệ” và vào lúc đó Rhee phê chuẩn mọi khoản giao dịch ngoại tệ lớn hơn 500 dollar (Kim, 1971, p.24). Đảng Tự Do được cho là đã thu được 50% giá trị của mọi dự án tư nhân nhận viện trợ của Hoa Kỳ (Kim, 1976, p.152). Nền kinh tế bị bóp nặn thông qua việc phân bổ lợi tức đã tài trợ cho Rhee, đảng Tự Do và giới cảnh sát. Rhee đã tẩy chay việc lập kế hoạch và phát triển một giới công chức kinh tế độc lập.

Trong môi trường này, sự tăng trưởng chủ yếu xuất phát từ các hoạt động kinh tế “tổng bằng 0”, sự hình thành lợi nhuận thông qua các hoạt động tìm kiếm lợi tức phi sản xuất (Jones&Sakong, 1980). Việc kinh doanh được phát triển thông qua độc quyền nguồn cung tài chính, đầu vào và hàng hóa tiêu dùng. Samsung và nhiều doanh nghiệp khác đã mở rộng hoạt động trong thời kỳ này, nhưng có thể nói rằng không có viện trợ của Hoa Kỳ thì nền kinh tế sẽ sụp đổ (Mason, 1980, pp.192–205) [1]. Lĩnh vực kinh doanh vẫn yếu về kinh tế và không được ủng hộ về chính trị, đặc biệt là do các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận trong Chiến Tranh Triều Tiên và thời kỳ thắt lưng buộc bụng những năm 1950. Nói chung, “Hàn Quốc vào những năm 1950 thể hiện đặc trưng chính trị rõ ràng là thù địch với việc lập kế hoạch phát triển. Chính quyền kém được bảo vệ trước các đòi hỏi của khu vực tư nhân và bị các mạng lưới bảo trợ-thân hữu thâm nhập. Bộ phận quản lý kinh tế là đối tượng can thiệp chính trị của cả bộ phận hành pháp cũng như giới hành chính.” (Haggard, Moon & Kim, 1991, p.855). Người ta có thể nói một cách có lý rằng nếu Hàn Quốc tiếp tục đi theo quỹ đạo đó thì họ sẽ lặp lại kịch bản của Philippines. Trong các khảo sát về triển vọng phát triển tốt nhất vào những năm 1950, Hàn Quốc hiếm khi xuất hiện so với những nước như (nực cười thay) Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon.

Cuộc đảo chính quân sự của Park Chung Hee đã đem tới những sự thay đổi quan trọng nhưng cũng vẫn tiếp tục với tham nhũng và tăng trưởng. Park cũng thu gom các viện trợ quốc cần thiết, tạo ra sự độc quyền, cung cấp các khoản vay giá rẻ, các tiếp cận đặc quyền đối với trao đổi ngoại tệ và cấp miễn phí các lợi ích phi chính thống cho doanh nghiệp. Giới hành chính bị chính trị hóa. Tuy vậy, chính quyền mới cũng tạo ra những thay đổi quan trọng. Đó là sự kết hợp của những điều cần thiết cho việc giải thích sự cộng sinh giữa tham nhũng và tăng trưởng. Tham nhũng bị giới hạn bởi những nhân tố cụ thể, cho tới mức độ nhất định mà nhà nước quốc hữu hóa hoàn toàn tham nhũng.

Tham nhũng và chủ nghĩa quốc gia dưới chính quyền Park Chung Hee

Thực tiễn tham nhũng đã tuân thủ khuynh hướng phát triển quốc gia. Bốn nhân tố sẽ được xem xét để giải thích quá trình này:

Hệ tư tưởng nhà nước

Mối quan hệ giữa hệ tư tưởng và tổ chức vật chất là phức tạp nhưng có thể chấp nhận rằng hệ tư tưởng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội, một quá trình rõ ràng ở Hàn Quốc. Cuộc đảo chính năm 1961 đã không chỉ mang đến sự thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức chính trị - từ nền dân chủ trục trặc đến chính quyền do quân đội hậu thuẫn – nó cũng mang đến sự thay đổi chủ chốt trong hệ tư tưởng, với hệ quả tác động đến sự phát triển kinh tế và tham nhũng. Park Chung Hee, lãnh đạo của cuộc đảo chính, cũng như một số các sĩ quan trẻ khác đều chịu ảnh hưởng và trộn lẫn các hệ tư tưởng thu được từ kinh nghiệm của người Nhật. Park thể hiện rõ ràng sự thán phục các nhà lãnh đạo Trung Hưng Minh Trị ở Nhật Bản và công thức “Nước giàu, Quân mạnh”, có nghĩa là mối liên hệ chặt chẽ giữa an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, người Nhật cũng khẳng định khái niệm phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết xã hội và quay trở lại củng cố sự gắn kết đó. Trung tâm của dạng hợp tác xã này là quan niệm cho rằng các lợi ích cục bộ phải bị đàn áp: cả lao động và doanh nghiệp đều phải chấp nhận quyền lực của nhà nước và phục vụ cho sự phát triển của quốc gia. Park Chung Hee (nực cười thay khi là người quốc gia Hàn Quốc) đã phục vụ quân đội Hoàng Gia Nhật Bản ở Mãn Châu Lý, chứng kiến trước hết quá trình công nghiệp hóa do nhà nước chỉ đạo để phục vụ cho an ninh quốc gia. [2]

Park triển khai những ý tưởng đó sau cuộc đảo chính. Doanh nghiệp đối mặt với một nhà nước chuẩn bị cưỡng ép và quấy rối cũng như hỗ trợ. Chỉ những doanh nghiệp hành động theo lợi ích quốc gia bằng cách tuân thủ sự hướng dẫn của nhà nước và chuyển sang sự tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu mới nhận được các lợi ích. Tham nhũng vốn tràn lan dưới thời Syngman Rhee, vẫn tiếp tục trong phạm vi một khuôn khổ mới. Doanh nghiệp nhận được trợ cấp nhờ vào nguồn gốc địa phương của họ hay họ có quan hệ với tầng lớp thượng lưu nhà nước hoặc với Park (Clifford, 1994; Chon, 1992) và có thể nhận được sự đảm bảo bổ sung khi đóng góp tiền bạc. Tuy vậy, nếu họ không thực hiện thì sự hỗ trợ bị cắt giảm hay hủy bỏ: các khoản tiền của doanh nghiệp đảm bảo thái độ thân thiện hoặc tốt đẹp của nhà nước, nhưng hiếm khi là sự đáp ứng tự động và thường xuyên. Khi sao chép cách tiếp cận kiểu doanh nghiệp, các khoản đóng góp sẽ thường xuyên được dựa trên các nguyên nhân xã hội có thể chấp nhận được, như “nạn nhân lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác…tổ chức Chữ Thập Đỏ, quốc phòng, tổ chức USO kiểu Hàn Quốc, liên đoàn chống cộng sản, các tổ chức phúc lợi, các tổ chức thể thao, các quỹ thể thao, các quỹ giáo dục, xây dựng đường tàu điện ngầm” và vân vân (Woo, 1991, p.236 n.82), trên thực tế là sự bổ sung cho hệ thống thuế chưa hoàn chỉnh. [3]

Do đó, vai trò của hệ tư tưởng, tập trung vào sự ảnh hưởng và sự hấp dẫn của hệ tư tưởng “hiện đại” từ các nguồn cụ thể (Nhật Bản và Hoa Kỳ) và hiện thực lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng về một khái niệm phát triển cụ thể, cũng như vai trò của tham nhũng trong sự phát triển, của giới thượng lưu quân sự ở Hàn Quốc.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc có thể hữu ích khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Không giống quân đội Hàn Quốc, có tổ chức cấp bậc bắt nguồn từ lý tưởng về chủ nghĩa tư bản quốc gia của Nhật Bản và hệ tư tưởng quản lý của Hoa Kỳ (Lee, 1968), quân đội Thái Lan áp dụng nghệ thuật lãnh đạo nhà nước truyền thống Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại, trong lĩnh vực đối nội thì dựa trên thuốc phiện và một số lĩnh vực kinh tế năng động nhất định để đảm bảo sự cai trị của quân đội (McCoy, 1991, pp.180–192). Việc Hoa Kỳ sử dụng Thái Lan làm căn cứ logistic khổng lồ cho Chiến Tranh Việt Nam đã củng cố kịch bản này. Những năm 1960 là đỉnh điểm của sự hậu thuẫn cho các tướng lĩnh Thái Lan, với việc Hoa Kỳ viện trợ chính thức 2 tỷ dollar từ năm 1965 đến 1975 1975 (Girling, 1981, p.96 n.85) để đảm bảo “một hệ thống phù hợp với Hoa Kỳ sẽ được duy trì ngay cả khi có sự thay đổi về nhân sự (Girling, 1981, p.94). Một sư đoàn Thái Lan tham chiến ở Việt Nam nhưng đóng góp chủ yếu của nước này là căn cứ logistic mà Hoa Kỳ dùng để vận chuyển cho chiến trường Miền Nam Việt Nam, bao gồm đường sá, doanh trại, hậu cần, các cơ sở nghỉ ngơi và giải trí cho lính Mỹ (khoảng 50.000 vào năm 1968-69). Việc đó kéo theo một sự gia tăng lớn bất ngờ về gái bán dâm (Girling, 1981, p.236 n.15). Miền Nam Việt Nam, cũng được Hoa Kỳ tạo ra và hậu thuẫn, lặp lại những kịch bản đó ở cấp độ rất cao. Các ngành thuốc phiện và mại dâm bùng nổ cùng với sự hiện diện quy mô lớn của người Mỹ. Vào năm 1967, một người quan sát đã viết “hoạt động kinh tế ở miền Nam thực tế đã ngừng lại ngoại trừ phục vụ cho chiến tranh; Sài Gòn là một nhà thổ khổng lồ; nằm giữa những người Mỹ, đang cố gắng ít nhiều thúc đẩy một bản sao xã hội của họ ở đất Việt Nam, và đám đông dân chúng đang cố gắng “tái thiết” là những con mèo béo ú ở Sài Gòn” (Sayle được trích dẫn trong Knightley, 1989, p.384). Tham nhũng và chủ nghĩa bè phái quân sự/hành chính trở nên phổ biến, chế độ đã tan rã từ trước khi Bắc Việt thống nhất đất nước (McCoy, 1991, p.260).

Nếu việc Syngman Rhee tiếp tục nắm quyền ở Hàn Quốc, điều đó có thể được coi như là một sự hối lộ khổng lồ và vô ích tại nhà nước chống nổi loạn ở Đông Nam Á. Rhee và Diệm, lãnh tụ Nam Việt Nam từ năm 1955 đến 1962, có sự tương đồng. Cả hai đều cho rằng họ có thể dựa vào sự ủng hộ quân sự của Hoa Kỳ để bảo vệ nền dân chủ yếu kém tham nhũng của họ. Mặc dù Rhee bị sinh viên lật đổ và không có sự can thiệp quân sự, Diệm bị quân đội lật đổ, song quỹ đạo phát triển của hai nước này rất khác nhau. Như đã nói, các sĩ quan trẻ ở Hàn Quốc có nhiều lý tưởng khác nhau về sự phát triển chính trị và kinh tế của Hàn Quốc. Mặc dù các chính sách bắt nguồn từ những lý tưởng này thường mờ nhạt vào lúc đầu và phản ánh sự khác biệt nội bộ của những người đảo chính quân sự, song cùng với thời gian thì họ đã phát triển gắn kết hơn và kết hợp đầu vào từ Hoa Kỳ và Nhật Bản. Do vậy, ở Hàn Quốc, những sĩ quan dưới thời Park Chung Hee đã bắt đầu ngập ngừng và sau đó quyết đoán tái cấu trúc kinh tế, mối quan hệ chính quyền-doanh nghiệp và thậm chí là cả xã hội. Ở Nam Việt Nam và Thái Lan, chính quyền quân sự đã củng cố thêm các thực tiễn trong kinh tế và xã hội. “Giống như ở phần còn lại của Đông Nam Á, các dạng quan liêu lạc hậu của phương Tây đã bám chặt lấy tầng lớp thượng lưu quyền lực truyền thống, tạo ra một sự kết hợp của tham nhũng, truyền thống và hiện đại” (McCoy, 1991, p.200) [4], với những nước như Thái Lan và Nam Việt Nam, chịu tác động bởi sự giao thoa của những ảnh hưởng văn hóa/tư tưởng và tiến trình lịch sử khác nhau, với những liên hệ quốc tế đang thúc đẩy kịch bản quyền lực và thực tiễn chính trị hiện tồn.

Sự độc lập của nhà nước

Sự độc lập của nhà nước đối với các nhóm xã hội có tổ chức là một nhân tố quan trọng để giải thích các quỹ đạo phát triển. Tuy vậy, trong thực tế điều này thường được sử dụng theo cách quá “gọn gàng” trong các phân tích cánh tả hoặc cấu trúc, vốn tập trung vào việc nhà nước/giới hành chính duy lí tách biệt triển khai các chiến lược dài hạn (Haggard, 1990). Sau cuộc đảo chính, giới hành chính được bảo vệ khỏi sức ép xã hội. Tuy vậy, các cơ quan nhà nước và hành chính ở Hàn Quốc vẫn có đặc trưng tham nhũng – trên thực tế việc họ bóp nặn tiền từ doanh nghiệp và cung cấp các lợi ích cho những nhóm nhất định chính là dấu hiệu của sự độc lập mà nhiều tác giả đã tập trung làm rõ. Độc lập với các nhóm xã hội dân sự cho phép nhà nước đặt ra các khuôn khổ của quan hệ bảo trợ-thân hữu và các quy tắc cho tham nhũng, có nghĩa là quốc hữu hóa thực tiễn tham nhũng.

Sau thời kỳ mở rộng nhanh chóng vào những năm 1950, quân đội đã mở rộng về tổ chức, nguồn lực và năng lực. Cuộc đảo chính năm 1961 – được một số chính khách Hàn Quốc coi là không thể tránh khỏi – đã xác nhận các cơ quan quân sự và an ninh là lực lượng thống trị ở Hàn Quốc. Các nhóm xã hội dân sự là tương đối yếu. “Quan hệ trường đại học-báo chí” đã lật đổ Rhee không thể tiếp tục hoạt động như là một nhà nước thay thế hay vận động trong thời gian dài.

Người lao động thì suy yếu và không được tổ chức. Tầng lớp kinh doanh – một trong những nguyên nhân là – bất chấp mối quan hệ với nhà nước dưới thời Rhee, vẫn yếu đuối về chính trị và văn hóa. “Do các doanh nhân truyền thống không có được địa vị đáng kính trọng trong xã hội Hàn Quốc, sự trỗi dậy của họ vào những năm 1950 tạo ra một sự oán giận và nghi ngờ được củng cố thêm bằng mức độ tham nhũng hiện hành” (Cole&Lyman, 1971, p.83). Khi chế độ do quân đội hậu thuẫn được hình thành, một sự tái tổ chức các mối quan hệ nhà nước-xã hội đã diễn ra và sự kiểm soát đối với kinh tế được củng cố, cải cách hay mở rộng. Điều quan trọng là sự kiểm soát nhà nước đối với hệ thống tài chính thông qua quốc hữu hóa đã đạt tới mức độ rất lớn, [5] và dòng tư bản quốc tế từ Hoa Kỳ và từ Nhật Bản vào cuối những năm 1960 chảy vào hệ thống đã giúp cho tầng lớp thượng lưu nhà nước độc lập về tài chính đối với giới kinh doanh bản địa. Tuy vậy, cũng cần phải ghi nhận rằng sự độc lập của nhà nước không đủ để làm cơ sở cho một chiến lược phát triển hiệu quả. Năng lực của nhà nước, tầm ảnh hưởng và phạm vi của nhà nước, phải được kết hợp với tính chất hợp tác của nhà nước; có nghĩa là khả năng tạo dựng và thi hành chính sách thành công (Evans and Rueschemeyer, 1985).Tham nhũng hoạt động trong phạm vi cấu trúc nhà nước này.

Sự độc lập và chính sách

Sức mạnh chính trị bắt nguồn từ các mối liên hệ bảo trợ-thân hữu được tổ chức để phục vụ cho sự phát triển quốc gia. Doanh nghiệp không thể đảo ngược các ưu tiên phát triển của nhà nước trong khi nhà nước có thể quyết định nhóm nào sẽ được cấp nguồn lực để đổi lấy sự ủng hộ. Quá trình tham nhũng trong việc kinh doanh nói chung là trả một khoản tiền lớn mà không có đảm bảo về sự trợ giúp, chỉ là đảm bảo chọn đúng phe nhà nước, trả các khoản lại quả cho nhà nước vì sự trợ giúp trong các dự án phát triển kinh tế hay đóng góp chính trị cho giới thượng lưu nhà nước về các dự án từ thiện hoặc cho phép giới thượng lưu nhà nước xây dựng các căn cứ quyền lực. Tuy vậy, những khoản chi này không được coi là khinh suất do chúng là một phần của quan hệ động lực tổng thể.

Mặc dù cả Chung Ju Yung (Hyundai) và Kim Woo-choong (Daewoo) đều có quan hệ cá nhân với tổng thống Park và nhận được sự hỗ trợ rộng rãi nhưng Park được cho là sẽ chọn người thắng cuộc. Chung xuất sắc trong việc phát triển công nghiệp xây dựng ở Hàn Quốc và nhận được sự hỗ trợ phi chính thống cần thiết khi đáp ứng được mục tiêu phát triển công nghiệp đóng tàu của Park. Kim phất lên nhờ cải cách các ngành thua lỗ. Cho Chung-hun của Hanjin nhận được sự hỗ trợ lớn hơn sau khi thay đổi tình hình của hãng hàng không Hàn Quốc từng thuộc về nhà nước vào những năm 1960. Mặc dù các hãng khác cũng nhận được sự bảo trợ nhưng nếu thất bại thì sự bảo trợ sẽ bị thu hồi. Yonhap Steel, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc vào những năm 1960, có sự bảo trợ của Lee Hu Rak, giám đốc KCIA, nhưng thất bại khi chuyển đổi sang tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu, dẫn đến sự suy thoái của họ (Clifford, 1994, p.57). Các hãng cần phải có hiệu quả bởi vì họ sẽ thực hiện để nhận được sự hỗ trợ tiếp theo và phải trả một khoản phần trăm trên sự hỗ trợ nhận được cho nhà nước dưới dạng quỹ chính trị. Các khoản vay được cấp cho doanh nghiệp với điều kiện khoản lại quả được trả cho tổng thống và đảng cầm quyền [6] nhưng đáng chú ý là hành vi này phải tuân thủ hiệu quả về kinh tế.

Một nhà kinh tế học ước lượng rằng khoản lại quả thêm vào mà các hãng xuất khẩu phải trả cho việc được vay với lãi suất ưu đãi đã khiến cho lãi suất vay vốn tương đương với lãi suất thông thường (Patrick, 1994, p.337). Điều tương tự cũng áp dụng với thuế. Các công ty có thành tích cảm thấy sự mập mờ của nhà nước hoặc thậm chí được khuyến khích né tránh đóng thuế. Nói chung là “hệ thống tín dụng và thuế khóa tạo ra một cơ chế tặng thưởng cho thành tích tốt và trừng phạt thành tích tồi. Trong khi sự ảnh hưởng của ủng hộ chính trị hầu như bị xóa bỏ trong hệ thống thuế khóa, các trừng phạt kinh tế vẫn tiếp tục là một phần của việc thu thuế, cả phần thưởng cũng như sự trừng phạt đều là những khía cạnh quan trọng của hệ thống tín dụng” (Mason et al., 1980, p.322). Nói tóm lại, mối quan hệ bảo trợ-thân hữu, sự trợ giúp phi chính thức tiếp đó và sự khuyến khích trong các hoạt động phi pháp đã tồn tại, nhưng trên cơ sở sự hiệu quả thay vì chỉ dựa trên sự ủng hộ chính trị. Sự tương phản sâu sắc với mối quan hệ nhà nước-doanh nghiệp của Châu Phi là rõ ràng.

Ngay cả sự tham nhũng phổ biến dưới thời Chun Doo Hwan cũng tuân thủ khuôn khổ hiệu quả. Ví dụ vào năm 1985, tập đoàn Kukje, là tập đoàn lớn thứ bảy của Hàn Quốc, bị nhà nước giải tán, bề ngoài là do cấu trúc nợ quá hạn nhưng trên thực tế là do chủ tịch của tập đoàn này thể hiện thái độ không sẵn sàng đóng góp cho các quỹ “từ thiện” của Chun, như Ilhae. Tuy vậy, tập đoàn này được tái phân phối cho các tập đoàn khác đã đóng góp hào phóng và nhiều doanh nghiệp nói chung tiếp tục có lợi nhuận dưới trướng của chủ nhân mới (Clifford, 1994, Chapter 16). Trong mối quan hệ mà nhà nước thu gom các khoản đóng góp khổng lồ từ doanh nghiệp, các chiến dịch chống tham nhũng không đóng vai trò như là chính sách theo dõi thường trực để đảm bảo giới hành chính hay nền kinh tế trong sạch, trái lại để “kiểm soát” doanh nghiệp, và cụ thể là những doanh nghiệp kém hiệu quả hay hành động theo cách phá hoại quyền lực nhà nước. Quan hệ tham nhũng nhà nước-doanh nghiệp cần được xem xét trên góc độ động lực.

Tham nhũng đã là một phần tích hợp của mối liên hệ nhà nước-doanh nghiệp và quá trình phát triển thay vì là một hiện tượng bất thường. Doanh nghiệp thường xuyên phàn nàn về “khoản thuế thứ cấp” khổng lồ mà họ buộc phải trả, và vào năm 1992, sau cuộc dân chủ hóa mà Chung Ju Yung của Hyundai đứng về phe tổng thống cũng như tạo ra tư bản chính trị bằng cách chấm dứt khoản đóng góp khổng lồ mà chaebol được “khuyến khích” trả cho các tổng thống Park, Chun và Roh trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, sự trợ giúp phi chính thống/phi pháp mà nhà nước cung cấp cho những công ty thành công như Hyundai là thiết yếu đối với sự phát triển của họ.

Quyền lực chính trị của nhà nước cũng không thể tránh khỏi việc điều chỉnh và triển khai chính sách phát triển. Như Woo đã nói thẳng thừng: “nhà nước làm tiền trở thành mặt trái của nhà nước phát triển tốt lành” (1991, p.199-200). Động lực này phải được phân tích trong câu chuyện về sự phát triển của Hàn Quốc cho dù là từ góc độ kinh tế vĩ mô hay nghiên cứu chính sách công hoặc lịch sử kinh doanh tư nhân (xem Kirk, 1994 hay sau đó). Lập luận được phác thảo ở đây dẫn đến một sự khác biệt nhỏ so với Michell. Ông khẳng định rằng “hệ thống các quan hệ cá nhân phi chính thống đan xen các cấu trúc chính thống (và) quan hệ chính quyền/doanh nghiệp theo cách thức mà ở quốc gia khác sẽ dẫn đến sự phổ biến tham nhũng” đã không hoạt động ở Hàn Quốc bởi vì “kẻ thù bên ngoài và sự hấp thụ mạnh mẽ chủ nghĩa quốc gia kinh tế” (1984, p.36). Trái lại, sự tham nhũng phổ biến ở đây đã được quốc hữu hóa.

Những sức ép bên ngoài

Hai sức ép có tác dụng củng cố khuôn khổ quốc gia đã được mô tả phía trên. Thứ nhất, mối quan hệ bên ngoài với Hoa Kỳ và Nhật Bản tạo thuận lợi cho cả sự phát triển cũng như tham nhũng. Viện trợ bên ngoài và sức ép ngoại giao của Hoa Kỳ đã thúc đẩy Hàn Quốc chuyển từ chiến lược phát triển vốn tạo thuận lợi cho loại tham nhũng làm suy yếu – Công Nghiệp Hóa Bằng Thay Thế Nhập Khẩu – sang một dạng có trật tự hơn – Công Nghiệp Định Hướng Xuất Khẩu (Haggard,Moon & Kim, 1991). Viện trợ của Hoa Kỳ được hứa hẹn khi Hàn Quốc chuyển hướng từ chiến lược sang tự lực cánh sinh và qua đó giảm thiểu viện trợ của Hoa Kỳ. Các khoản tài trợ công không hoàn lại giảm xuống và bị thay thế bằng các khoản cho vay. Mặc dù các khoản cho vay tiếp tục đổ vào Hàn Quốc cho tới cuối những năm 1960 song sự thay đổi đáng kể là sự gia tăng mạnh mẽ của tài chính tư nhân từ Hoa Kỳ, Nhật Bản (do Hoa Kỳ khuyến khích) và Châu Âu, theo sau sự thay đổi trong chiến lược phát triển (Wade & Kim, 1977; Chang, 1982). Nực cười là mức độ gia tăng viện trợ tài chính và các viện trợ khác cho Thái Lan và Nam Việt Nam lại khiến Hoa Kỳ tìm cách tạo ra nền kinh tế tự cường ở Hàn Quốc.

Sự hấp thụ và tăng trưởng kinh tế trong những năm 1960 đã thu hút tài chính tư nhân quốc tế và kết hợp với sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đã tạo ra một nhóm đoan chính mà tham nhũng đóng vai trò nổi bật trong đó. Nhật Bản quan tâm tới sự phát triển của Hàn Quốc vì mục tiêu của họ, cũng giống như các doanh nghiệp và tổ chức Hoa Kỳ đang cho vay hoặc đầu tư. Khoản lại quả khổng lồ là một phụ phẩm của những mối liên hệ tích cực này. Khoảng 2 tỷ dollar tiền lại quả được tạo ra cho nhà cầm quyền Hàn Quốc từ thỏa thuận với các hãng Nhật Bản trong việc xây dựng hệ thống đường tàu điện ngầm Seoul, giám đốc KCIA Lee Hu Rak nhận được 500.000 triệu dollar (Kim, 1978, p.53). Các mối liên hệ giữa công ty Nhật Bản, doanh nghiệp Hàn Quốc và giới thượng lưu nhà nước Hàn Quốc được gọi là yuchaku (cùng nhau phát triển). Một lần nữa, động lực lại là tham nhũng tích cực, cũng như đối với các công ty Hoa Kỳ đầu tư ở Hàn Quốc, không chỉ là tập trung vào hợp đồng của chính quyền mà còn tham gia vào việc mở rộng có lợi nhuận các cơ sở công nghiệp. Do đó, “ít nhất 8,5 tỷ dollar từ quỹ hợp tác của Hoa Kỳ đã chảy vào túi đảng cầm quyền ở Hàn Quốc trong cuộc bầu cử năm 1971” (Congressional Quarterly Almanac, 1978, p.811). Các công ty dầu lửa Hoa Kỳ và các doanh nghiệp lớn khác đã có mối quan hệ đầy lợi nhuận với các quan chức chủ chốt của Hàn Quốc (Kim, 1978, pp.51–52).

Thứ hai, mối đe dọa bên ngoài từ Bắc Triều Tiên cũng làm nổi bật động lực phát triển quốc gia. Ít nhất vào những năm 1950, có thể nói rằng Bắc Triều Tiên hợp pháp hơn Nam Triều Tiên và hơn nữa nếu miền Nam tiếp tục tình trạng mạo hiểm thì miền Bắc có thể tiếp tục tấn công. Một trong những động cơ của cuộc đảo chính năm 1961 là an ninh quốc gia: sự tham nhũng của Rhee không chỉ cản trở các quân nhân chuyên nghiệp, nó còn làm kinh tế đình đốn. Sau cuộc đảo chính, miền Bắc tấn công, mối đe dọa trở thành thường trực, trong đó có việc cử đội ám sát tới ám sát tổng thống Hàn Quốc vào năm 1968 và suýt thành công trong việc ám sát tổng thống Chun Doo Hwan vào năm 1983. Nhưng sự hùng mạnh của kinh tế Hàn Quốc đã củng cố tình hình an ninh quốc gia của họ cũng như ngăn cản chiến lược lật đổ và thống nhất đất nước của miền Bắc.

Những mối liên hệ bên ngoài

Cách thức mà các nhà nước-quốc gia tham gia vào kinh tế thế giới là sống còn trong việc xác định các ưu tiên, nhận thức và quỹ đạo phát triển của nhà nước. Như đã đề cập trước đây trong sự kết hợp với lập luận về hệ tư tưởng và thực tiễn nhà nước, sự tham gia của Thái Lan vào thị trường toàn cầu trong Chiến Tranh Việt Nam đã dựa trên du lịch (và ít lãng mạn hơn là gái mại dâm) như là nguồn thu nhập quốc tế. Tương tự, viện trợ của Hoa Kỳ đã khuyến khích sự tiếp tục cầm quyền của một quân đội trung thành với lợi nhuận của việc buôn bán ma túy toàn cầu (McCoy, 1991). Hàn Quốc không có đặc điểm đó. Mặc dù là một quốc gia hấp dẫn song các cơ hội du lịch và “nghỉ ngơi” dường như là không khả thi trên bán đảo bị chiến tranh tàn phá và một cuộc chiến khác có thể tiếp diễn vào bất cứ lúc nào. Với một ít tài nguyên tự nhiên (không có thuốc phiện và rừng nhiệt đới của Thái Lan) và triển vọng về sự cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ, chiến lược phát triển được áp dụng là hướng tới việc hội nhập quốc tế trên lĩnh vực thương mại. [7] “Chiến lược” kinh tế Công Nghiệp Hóa Thay Thế Nhập Khẩu được theo đuổi dưới thời Syngman Rhee đã thúc đẩy tham nhũng do nó bảo vệ công nghiệp nội địa khỏi sự cạnh tranh đồng thời tạo ra các thiên đường thuận lợi cho việc tìm kiếm lợi tức. Công Nghiệp Hóa Định Hướng Xuất Khẩu (EOI) lại giúp nền kinh tế Hàn Quốc hội nhập vào trật tự kinh tế quốc tế tự do. Tác động của việc đó là các doanh nghiệp Hàn Quốc được đặt vào kỷ luật thị trường thế giới. Các doanh nghiệp nhận được các khoản vay nhờ vào các quan hệ địa phương hoặc cá nhân phải thành công trên thị trường thế giới để tiếp tục nhận được sự trợ giúp (cũng như thiên đường lợi nhuận của họ dưới dạng độc quyền nội địa) do những sự trợ giúp chính thức và phi chính thức của chính quyền được cấp trên cơ sở các lệnh xuất khẩu được đáp ứng (Lim 1981). “Các nhà xuất khẩu có thành tích nổi bật được miễn thế chấp cho các nghĩa vụ hải quan đặc biệt cũng như các nghĩa vụ hải quan nói chung, không phải chịu các cuộc thanh tra thuế bất thường và được ưu tiên trong việc phân bổ ngoại tệ cho các hoạt động kinh doanh” (Kim, 1975, p.272).

Kết luận

Viêc tập trung vào các chi tiết lịch sử cho thấy sau cuộc đảo chính năm 1961 một loạt các nhân tố đan xen với nhau tạo ra một động lực và một khuôn khổ có thể “kiềm chế” tham nhũng. Tham nhũng không giải thích được sự phát triển kinh tế ở Hàn Quốc bằng bất cứ sự liên tưởng nào, nhưng nó cộng sinh với sự tăng trưởng thần tốc và ở một số lĩnh vực thì tạo ra sự linh hoạt cho chính sách kinh tế vốn coi sự chuyển giao nguồn lực cho một số doanh nghiệp có khả năng nhất là cách sử dụng chúng tốt nhất. Người ta có thể lập luận rằng tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế ở Hàn Quốc – điều này là đúng trong trường hợp những năm 1950 – nhưng điều này sẽ là võ đoán trong trường hợp công nghiệp hóa cực nhanh và thành công của những năm 1960.

Rõ ràng là tham nhũng là sự bế tắc trong các nghiên cứu về sự phát triển của Đông Á dựa trên các khái niệm “thuần khiết” về sự độc lập của nhà nước, các mối liên hệ nhà nước-xã hội và vai trò của chính sách công đối với sự phát triển. Bài báo này cố gắng thúc đẩy các nghiên cứu tiếp theo thể hiện phân tích lịch sử xuyên suốt về các thức hình thành chính sách một cách chính xác và sự triển khai được thực hiện trong môi trường mang tính chính trị. Đây là tính chất chung cho hoàn cảnh của tham nhũng tại các nước NICs ở Đông Á (nhà nước mạnh, giới kinh doanh bản địa yếu, sự phổ biến của các mạng lưới phi chính thống). Tuy vậy, kinh nghiệm không điển hình của Hàn Quốc ở đây không phải là sự biện minh cho lập luận chung rằng tham nhũng vừa tích cực vừa tiêu cực. Hơn nữa, tham nhũng luôn đi kèm với những phí tổn cụ thể, ngay cả khi nó cộng sinh với sự phát triển nhanh thần tốc: “tham nhũng có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi đặc tính của nó nhưng quan trọng nhất là không bị phá hủy” (Werner, 1983, p.638). Bằng chứng về phí tổn của tham nhũng là rõ ràng, như hệ thống tài chính đang cần có sự tái cấu trúc và là cốt lõi của các bê bối chính trị và trên góc độ phát triển chính trị nói chung. Trong hiện tại, bằng chứng cho thấy rất khó có thể xóa bỏ tham nhũng mang tính cấu trúc trong kinh tế chính trị Hàn Quốc và nhấn mạnh sự thật rằng sự cộng sinh của tham nhũng và phát triển kinh tế có những tác động dài hạn mà giờ mới bộc lộ rõ ràng, nếu không nói đến những tác động ngắn hạn.

Chú thích

1. Theo các công trình mới được điều chỉnh (Michell, 1981; Lie, 1997), sự tăng trưởng kinh tế nghèo nàn không chỉ là lỗi của chính quyền Rhee mà còn do chính quyền Hoa Kỳ, vốn đang kiểm soát các lĩnh vực quan trọng của chính sách kinh tế Hàn Quốc, thúc giục ổn định hóa và tiêu dùng thay vì đầu tư, vốn có thành tích nghèo nàn dưới thời Rhee. Tuy vậy, điều vẫn còn gây tranh cãi là nếu không có ảnh hưởng của Hoa Kỳ thì giới hành chính, vẫn mong muốn một chính sách công nghiệp và phát triển tích cực, có ảnh hưởng gì không, khi mà Rhee quyết định sử dụng kinh tế để đảm bảo cho sự tồn tại của ông ta thông qua các quan hệ bảo trợ-thân hữu với các doanh nhân đầu cơ trục lợi.

2. Quân đội Quan Đông Nhật Bản đã xâm lược Mãn Châu Lý, đổi tên thành tỉnh Manchukuo. Quốc gia độc lập trên hình thức này trên thực tế do quân đội điều hành như là một thực thể độc lập và hoạt động như phòng thí nghiệm cho quá trình phát triển kinh tế và tập trung hóa chính trị dưới sự kiểm soát của nhà nước.

3. Vào đầu những năm 1970, thuế của nhà nước chiếm 14% GPD (Wade and Kim, 1977, p.118) Vào năm 1987 giảm xuống còn 2% (Kwack and Lee, 1991, p.14).

4. Quan hệ bảo trợ-thân hữu đặc trưng của Đông Nam Á thời thuộc địa và độc lập là một hỗn hợp của “hiện đại” – quan hệ đảng phái, các chương trình phát triển, các doanh nghiệp bị quốc hữu hóa, vân vân, và các mạng lưới huyết thống và quê quán truyền thống. “Ở bất kỳ dạng cụ thể nào của chúng, mạng lưới bảo trợ-thân hữu vẫn đóng vai trò là cơ sở chính của các hệ thống liên minh giữa những người không phải họ hàng khắp Đông Nam Á” (Scott, 1972, p.105). Các quan hệ bảo trợ-thân hữu vận hành trong các xã hội và kinh tế kém hiện đại (trên góc độ sự phát triển tổ chức và thể chế) cũng được đặt dưới thống trị của những ảnh hưởng hệ tư tưởng và văn hóa khác nhau ở Đông Nam Á.

5. Khoản tài chính nước ngoài lớn đã tạo ra cho quân đội các quỹ lớn và sự ảnh hưởng thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước. “Không có nhà nước nào ngoài khối xã hội chủ nghĩa có thể đạt được biện pháp kiểm soát đó đối với các nguồn lực có thể đầu tư của nền kinh tế” (Datta-Chaudhuri được trích dẫn trong Harris, 1987, p.212 n.9). Viện trợ/khoản vay của Hoa Kỳ cho Hàn Quốc vào giai đoạn 1946-1976 là 12,6 tỷ dollar; viện trợ/khoản vay của Nhật Bản là 1 tỷ dollar; các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp 1,9 tỷ dollar E. Mason et al. (eds. 1980, p.165). Đảng Dân Chủ Tự Do, được quân đội thành lập ngay sau cuộc đảo chính đã nhận được 2/3 ngân quỹ từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong giai đoạn 1961-1965  (Woo, 1991, p.86).

6. “Do các khoản vay tư nhân đều phải được chính quyền phê chuẩn và đảm bảo trả nợ, phía Hàn Quốc nhận được các khoản vay nước ngoài phải trả một tỷ lệ nhất định (phổ biến được cho là 10-15% và đôi khi là 20% tổng số tiền) để nhận được sự bảo lãnh của chính quyền”
(Kim, 1976, p.264).

7. Mặc dù Hàn Quốc đi theo con đường tăng trưởng nhờ thương mại, mức độ hội nhập của nền kinh tế nội địa – chịu ảnh hưởng rõ ràng của con đường này – vẫn ở mức thấp: tư bản nước nước ngoài được tìm kiếm bằng con đường vay mượn thay vì FDI và hiếm thấy đầu tư nước ngoài được phê duyệt.

Tài liệu tham khảo

M. Alam (1989) Anatomy of Corruption: An Approach to the Political Eonomy of Underdevelopment. American Journal of Economics and Sociology Vol.48 No.4.

D.-J. Chang (1982) Japanese Corporations and the Political Economy of South Korea-Japanese Relations 1965–1979. PhD Diss. University of California: Berkeley.

S. Chon (1992) Political Economy of Regional Development in Korea. in R. Appelbaum and J. Henderson (eds.), “States and Development in the Asian Pacific Rim.” London: Sage.

M. Clifford (1994) Troubled Tiger: Businessmen. Bureaucrats and Generals in South Korea. East Gate Press: ME Sharpe.

D. Cole and P. Lyman (1971) Korean Development: the Interplay of Politics and Economics. Cambridge Mass: Harvard University Press.

Congressional Quarterly Almanac (1978) “Congress Ends ‘Koreagate’ Lobbying Probe.” Congressional Quarterly Almanac Vol. 34.

B. Cumings (1984) The Origins and Development of the Northeast Asian Political Economy.International Organisation Vol. 38 No. 1.

D. della Porta and A. Pizzorno (1996) The Business Politician: Reflections from a Study ofPolitical Corruption. in M. Levi and D. Nelken (eds.), “The Corruption of Politics and the Politics of Corruption.” Oxford: Blackwell.

P. Evans and D. Rueschemeyer (1985) The State and Economic Transformation. in T. Skocpol, P. Evans and D. Rueschemeyer (eds.), “Bringing the State Back In” Cambridge: Cambridge University Press.

J.L. Girling (1981) Thailand: Society and Politics. Ithaca: Cornell University Press.

S. Haggard (1990) Pathways from the Periphery. Ithaca: Cornell University Press.

S. Haggard, B-K Kim and C. Moon (1991) The Transition to Export-Led Growth in South Korea. The Journal of Asian Studies Vol. 50, No. 4.

N. Harris (1987) The End of the Third World. London: Penguin.

S. Huntington (1968) Political Order in Changing Societies. New Haven: Yale University Press.

L. Jones and I. Sakong (1980) Government, Business and Entrepreneurship in Economic Development: the Korean Case. Cambridge: Harvard.

M. Khan (1996) The Efficiency Implications of Corruption. Journal of International Development Vol. 8, No. 5.

M. Khan (1998) Patron-Client Networks and the Economic Effects of Corruption in Asia Paper presented at the UNDP-PACT and OECD Conference, Corruption and Integrity Improvement Initiatives in the Context of Developing Countries, Paris.

J. Kim(1975) Recent Trends in the Government’s Management of the Economy. in E.R. Wright (Ed) “Korean Politics in Transition” Seattle: University of Washington Press.

J.A. Kim (1976) Divided Korea: the Politics of Development. Cambridge Mass: Harvard University Press.

H. Kim (1978) Statement of Kim Hyung Wook, Former Director Korean Central Intelligence Agency to US Congress Subcommittee on International Organisations, Investigation of Korean-American Relations Part 7.

D. Kirk (1994) Korean Dynasty: Hyundai and Chung Ju Yung. Hong Kong: East Gate Press.

P. Knightley (1989) The First Casualty. London: Pan.

T.W. Kwack and K.S. Lee (1991) Tax Reform in Korea. Korea Development Institute Paper No. 9103.

H.B. Lee (1968) Korea: Time, Change and Administration. Honolulu: East-West Center Press.

N. Leff (1964) Economic Development Through Bureaucratic Corruption. American Behavioural Scientist Vol. 8.

R. Leiken (1997) Controlling the Global Corruption Epidemic. Foreign Policy No.105.

J. Lie (1997) Aid Dependence and the Structure of Corruption: The Case of Post-Korean War South Korea International Journal of Sociology and Social Policy Vol. 17, No. 11–12.

Y. Lim (1981) Government Policy and Private Enterprise: Korean Experience in Industrialisation. Centre for Korean Studies, Berkeley: California.

A. McCoy (1991) The Politics of Heroin. CIA Complicity in the Global Drug Trade. Lawrence Hill Books: USA.

E. Mason et al. (eds. 1980) The Economic and Social Modernisation of the Republic of Korea. Cambridge Mass: Harvard University Press.

T. Michell (1984) Administrative Traditions and Economic Decision-making in South Korea. IDS Bulletin Vol. 15, No. 2.

T. Michell (1989) Control of the Economy During the Korean War: the 1952 Coordination Agreement and its Consequences. in J. Cotton and I. Neary (eds.), “The Korean War in History.” Manchester: Manchester University Press.

M. Naim (1995) The Corruption Eruption. Brown Journal of World Affairs Vol.II, No.2.

H.T. Patrick (1994) Comparisons, Contrasts and Implications. in H.T. Patrick and Y.C.

Park (eds.), ‘The Financial Development of Japan, Korea and Taiwan.’ Oxford: Oxford University Press.

S. Rose-Ackerman (1978) Corruption: A Study in Political Economy. New York: Academic Press.

J.C. Scott (1972) Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia. The American Political Science Review Vol. 66, No. 1.

R. Theobald (1990) Corruption, Development and Underdevelopment. Durham: Duke University Press.

L. Wade and B. Kim (1977) The Political Economy of Success. Seoul: Kyung Hee Press.

R. Wade (1990) Governing the Market. Princeton: Princeton University Press.

S.B.Werner (1983) The Development of Political Corruption: a Case Study of Israel. Political Studies Vol.XXXI.

L. Westphal et al. (1979) Foreign Influences on Korean Industrial Development Oxford Bulletin of Economics and Statistics Vol. 41, No. 4.

J.-E.Woo (1991) Race to the Swift: State and Finance in Korean Industrialisation. Columbia: Columbia University Press.


Jon Moran is Senior Research Assistant, DFD Corruption Project on corruption and anti-corruption strategies, Liverpool Business School, Liverpool John Moores University.

Monday, May 9, 2016

Hàn Quốc lãng quên sự tham chiến ở Việt Nam: Sự chiếm đoạt và phá hủy hình ảnh Chiến Tranh Việt Nam trong trí óc của người dân Hàn Quốc

Hàn Quốc đã tạo ra điều kỳ diệu sông Hàn nhờ lợi nhuận khổng lồ của việc tham gia Chiến Tranh Việt Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền Hàn Quốc đã kiểm duyệt chủ đề sự tham chiến của Hàn Quốc tại Việt Nam trong nhiều năm và thành công trong việc dựng lên một hình ảnh xuyên tạc về chiến tranh Việt Nam trong trí óc người dân. Trong hình ảnh xuyên tạc đó, họ chỉ là lính đánh thuê cho Hoa Kỳ để kiếm tiền và không phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi đã gây ra. Việc lảng tránh trách nhiệm được thực hiện bằng cách khai thác khía cạnh đau khổ của người Hàn để chứng tỏ rằng họ cũng chịu đau khổ như Việt Nam và qua đó lảng tránh bản chất của cuộc chiến tranh, nhưng đồng thời chính quyền Hàn Quốc cũng bỏ mặc cựu chiến binh Hàn Quốc, không thừa nhận họ. Hàn Quốc lảng tránh trách nhiệm trong khi không ngừng lên án tội ác chiến tranh của Mỹ và Nhật Bản đối với Hàn Quốc trong Chiến Tranh Triều Tiên với cùng một luận điểm. Điều này trở thành một thứ đạo đức giả mà người Hàn không thể thoát ra được.

Khi kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, Hàn Quốc trở thành nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam thì hình ảnh Việt Nam tại Hàn Quốc lại bị biến thành một kiểu hình ảnh thuộc địa với lợi nhuận dễ kiếm và các cơ hội phiêu lưu kỳ thú. Nhưng điều này cũng đánh dấu sự cáo chung cho quan điểm đạo đức giả mập mờ của Hàn Quốc về chiến tranh Việt Nam, họ buộc phải đối mặt với sự thật, do không thể tiếp tục hợp tác kinh tế với Việt Nam đồng thời vẫn tiếp tục lảng tránh quá khứ. Đây có lẽ là lý do khiến phong trào hối lỗi và đền bù cho Việt Nam nổi lên ở Hàn Quốc.  

Lý do của bài báo này tất nhiên là để chống lại quan điểm phổ biến của người Hàn về chiến tranh Việt Nam và việc đổ trách nhiệm sang cho Hoa Kỳ. Song tại sao Hàn Quốc, một chư hầu dễ bảo của Hoa Kỳ, lại chống lại Hoa Kỳ bằng cách này? Câu trả lời là sau những cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-98, Hoa Kỳ đã cho thấy không còn giữ được địa vị siêu cường, do vậy Hàn Quốc tìm cách thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Hoa Kỳ để vươn lên. Trong bối cảnh đó, phong trào bài Mỹ phát triển mạnh mẽ hơn ở Hàn Quốc và việc Hàn Quốc tự nạn nhân hóa mình để lên án Mỹ trở thành chìa khóa cho tình thế lưỡng nan khi mà họ vừa là đồng minh thân cận Mỹ vừa phải hòa giải với các cựu thù để tìm cách thoát Mỹ. Giới học giả Mỹ hiểu điều này, do vậy họ tìm buộc Hàn Quốc phải gánh trách nhiệm về những gì đã làm. 

Một điểm đáng chú ý nữa là khi Hàn Quốc và Mỹ tìm cách đổ lỗi cho nhau về sự tham chiến của Hàn Quốc ở Việt Nam thì giới trí thức thân phương Tây ở Việt Nam cũng bị mắc kẹt theo, một mặt họ ca ngợi Hàn Quốc là hình mẫu phát triển nhờ theo Mỹ bất chấp việc Hàn Quốc đã kiếm tiền trên xương máu đồng bào họ, nhưng mặt khác khi phải đối diện với sự đả kích Hàn Quốc từ phía Mỹ thì mặc dù đi theo hướng thân Mỹ nhưng lại không thể ủng hộ Mỹ trong việc đó, kết quả là một sự tự kiểm duyệt quan điểm của Mỹ ngay cả khi thân Mỹ. 

Dưới đây là bản dịch bài báo:

Korea’s Forgotten War: Appropriating and subverting the Vietnam War in Korean popular imaginings

Remco Breuker

Dẫn nhập

Một trong những bộ phim hay nhất được sản xuất ở Hàn Quốc (HQ) trong thời kỳ điện ảnh bùng nổ vào những năm 1990 và 2000 là Raybang 라이방, một bộ phim không thể ra đời nếu không có Chiến Tranh Việt Nam (CTVN) và trên thực tế là một sự liên hệ không trực tiếp tới vai trò của HQ trong cuộc chiến tranh đó cũng như những vấn đề xoay quanh sự can dự của HQ. Tiêu đề bộ phim, Raybang, là phiên âm tiếng Hàn của nhãn hiệu kính râm Ray-Bans của Mỹ, nổi tiếng ở HQ trong thời kỳ CTVN, khi nhiều binh lính gửi về nhà những bức ảnh họ đeo loại kính râm đó, được mua tại các trạm đổi quân (PX) của quân đội Mỹ2. Trong bộ phim, ba tài xế taxi tìm cách thoát khỏi cuộc sống khó khăn về kinh tế và cuối cùng quyết định cướp một phụ nữ giàu có trong khu phố của họ. Với tiền cướp được, họ định thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ và bế tắc bằng cách làm lại từ đầu ở Việt Nam (VN). Một tài xế có chú là người thu gom rác thải của quân đội và từng tham chiến ở VN. Người chú này ăn mặc như thể là ông ta vẫn tại ngũ, khuyên bảo đứa cháu và liên hệ với những cựu chiến binh khác. Chưa bao giờ kết hôn và làm một công việc ít được kính trọng về mặt xã hội, ông ta là hình tượng đặc trưng của các cựu chiến binh trong xã hội HQ đương thời: cô lập, những đóng góp của họ cho sự tăng trưởng kinh tế của HQ không được công nhận và chỉ được chấp nhận nếu họ tách bản thân khỏi những trải nghiệm của chiến tranh (là điều mà ông chú không thể và sẽ không làm). Raybang là sự thừa nhận nhẹ nhàng đối với những nỗ lực và hy sinh không được thừa nhận của đa số những người đàn ông và phụ nữ chăm chỉ thầm lặng, những người chưa bao giờ có ý định làm điều tốt. Trong bộ phim, kính râm của họ đóng vai trò phân chia ranh giới giữa thế giới bên ngoài và những yêu cầu của nó với không gian nội tại tràn ngập những giấc mơ của họ. Các yếu tố khác trong bộ phim, như sự bất mãn của một trong số những người đàn ông, một cựu sinh viên, của truyền thông quốc nội cũng như các phân tích về kinh tế và chính trị của ông chú, không chỉ cho thấy mức độ hiểu biết cao về vị trí của họ trong xã hội HQ mà còn củng cố sự quan trọng của hình ảnh đa giá trị của VN trong trí tưởng tưởng của dân chúng HQ.     

Câu chuyện về sự can dự của HQ trong CTVN cũng cho thấy sự hiểu biết về sự tương tác giữa những quan điểm lịch sử chuyên nghiệp với quan điểm của công chúng hay nghiệp dư. Tôi sẽ chứng minh rằng quan điểm lịch sử chuyên nghiệp chính thống về sự can dự của HQ đã vay mượn mọi thứ từ quan điểm công chúng/nghiệp dư, vốn đã dự báo chúng. Với ngoại lệ là một số rất nhỏ các nhà sử học chuyên nghiệp (những người mới chỉ bắt đầu công bố về chủ đề này gần đây), nhận thức chuyên nghiệp, chính thống và công chúng về CTVN hầu như là trùng khớp, ngay cả khi tín hiệu được truyền tải trong chúng có thể khác biệt. Nhận thức lịch sử về sự tham gia của HQ dường như thoát khỏi định nghĩa về đặc trưng của sử học HQ thời hậu chiến tranh Triều Tiên: trên phương diện lịch sử thành văn, nhà sử học (bất kể là chuyên nghiệp hay nghiệp dư) đều sẽ cố gắng quy trách nhiệm cá nhân (sự kiện) nhằm đạt được một đánh giá đạo đức đối với một phần cụ thể của lịch sử. Bất chấp tầm quan trọng của CTVN trong lịch sử HQ, điều đó không xảy ra giống như đối với lịch sử của chiến tranh ở HQ. Trái lại, chính trị chịu đựng (sự khai thác cho các mục tiêu chính trị đối với nỗi đau khổ của con người) đã được xác định và ngăn chặn tranh luận, tôi sẽ bổ sung. Đây là hiện tượng mà tôi muốn tìm hiểu và đưa ra những cái nhìn sâu sắc về sự kết nối của sử học công chúng, cá nhân, chuyên nghiệp cũng như chính thống.

Bài báo này chủ yếu đề cập đến những trải nghiệm của binh lính HQ đã tham chiến ở VN. Do vậy, nó chỉ đề cập tới trải nghiệm của nam giới. Mặc dù vậy, CTVN là cuộc chiến mà phụ nữ cũng tham gia nhiều như nam giới. Hơn nữa, không chỉ có người VN chiến đấu mà cả phụ nữ HQ cũng tham gia, như một bộ phim mới đây (Sunny 님은 곳에) đã cho thấy3. Phụ nữ HQ đến VN với những lý do cũng giống như nam giới: thoát khỏi đói nghèo, thỏa mãn khát khao thay đổi và phiêu lưu, nắm bắt cơ hội thành công và giàu có, hay bởi vì bị công việc bắt buộc. Những phụ nữ HQ đến VN là nghệ sĩ giải trí, ca sĩ, vũ công, nhạc công, gái bán hoa, nữ doanh nhân và thương nhân. May mắn là chủ đề này không hoàn toàn bị bỏ qua4, có nhiều nghiên cứu vẫn đang được hoàn thành về chủ đề này nhằm bác bỏ huyền thoại cho rằng phụ nữ ở VN, giống như huyền thoại cho rằng họ trong tình thế xung đột, là những người quan sát thụ động hoặc nạn nhân. Tuy vậy, bài báo này không làm việc đó.

Cần phải nói là sự bóc lột và đau khổ của một nhóm nhất định cho các mục tiêu chính trị là một hiện tượng phổ biến. Không chỉ trong lịch sử Triều Tiên (sự đau khổ của phụ nữ giải trí đã trở thành mối quan tâm quốc gia), mà đặc biệt là trong bối cảnh hậu thuộc thực dân. Các ví dụ về sự phản ứng của người Mỹ đối với CTVN, người Hà Lan phủ nhận những sự kinh hoàng của thời kỳ thực dân ở Indonesia hay người Nhật không thừa nhận các tội ác trong Thế Chiến II – một danh sách đầy đủ các trường hợp sẽ dài bất tận. Những trường hợp đó được thống nhất bằng một cơ chế ưu tiên (và công khai thừa nhận) sự đau khổ của thủ phạm và phụ thuộc vào sự chấp thuận (câm lặng) của công chúng.

Việc các đơn vị quân đội của HQ tham gia CTVN là sự kiện hầu như đã bị quên lãng trong trí nhớ của dân chúng HQ, ngay cả khi lợi ích tài chính của cái được gọi là wŏllam p’abyŏng 南派兵 (việc gửi quân đến VN) đã giúp kinh tế HQ tăng trưởng đáng kể vào cuối những năm 1960 và 1970. Sự miễn cưỡng của truyền thông đại chúng trong việc phản ánh về sự can dự của HQ trong CTVN – ước tính là tổng cộng khoảng 350.000 lính HQ được triển khai trong thời gian mười năm, chưa bao giờ có ít hơn 50.000 lính trong suốt thời kỳ đó – gắn liền với một tập hợp phức tạp những nhận thức về VN, CTVN và vai trò của HQ trong cuộc chiến đó. Sự miễn cưỡng này cũng được thể hiện trong sự thiếu vắng các nghiên cứu lịch sử đối với phần quan trọng của lịch sử HQ thời hậu chiến5. Trong những thập kỷ gần đây, HQ đã xem xét VN với sự quan tâm mới, coi đó là một quốc gia để đầu tư, để thu hút lao động được đào tạo với giá rẻ và nhập khẩu cô dâu. VN cũng được coi là một sự phản chiếu, cả với tương lai một quốc gia thống nhất của HQ cũng như hoài niệm về một quốc gia đang phát triển. Tuy vậy, sự xuất hiện của các hồi ký lịch sử về VN – một quốc gia có 350.000 lính HQ tham chiến và hơn 5.000 đã chết – lại ít ỏi một cách đáng ngạc nhiên.

Sự kiểm duyệt nhà nước trong nghiên cứu lịch sử về CTVN chỉ giải thích một phần của hiện tượng này6. Sự ngạc nhiên tiềm tàng đối với chính quyền HQ vẫn còn rất lớn: những vụ thảm sát do lính HQ gây ra ở VN đã được biết đến. Nếu như HQ đã trải qua những cuộc thảm sát của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Triều Tiên, chính quyền HQ sẽ cảm thấy tình thế khó xử khi họ bị chính quyền VN cáo buộc về các tội ác tương tự7. Kết quả là sự kiểm duyệt đối với các nghiên cứu học thuật xuất hiện và CTVN vẫn là một trong những chủ đề bế tắc nhất trong giới học thuật HQ8. Sự kiểm duyệt đã được dỡ bỏ hơn một thập kỷ, nhưng CTVN vẫn tiếp tục vắng mặt trong trí tưởng tưởng của dân chúng HQ. Lĩnh vực duy nhất mà trong đó CTVN và sự can dự của HQ được nhớ đến là nghệ thuật, nhất là văn học và điện ảnh, mặc dù cũng không phải là phong phú. Trong bài báo này, tôi sẽ chi tiết hóa các quan điểm văn chương và điện ảnh về sự can dự của HQ trong CTVN trên nền quan hệ đương thời giữa HQ và VN. Bối cảnh này – được tạo nên từ công nhân nhập cư, cô dâu nhập khẩu, doanh nhân và nhà đầu tư thường trú, cựu chiến binh, ngôn ngữ phổ thông và sách hướng dẫn văn hóa, cũng như người Bắc Triều Tiên đang chuyển tiếp – đặt sự vắng mặt của những hồi ức chung ở HQ về CTVN vào một khía cạnh phức tạp và thú vị, thứ bị lảng tránh nhiều hơn là được làm rõ. Khía cạnh này cũng cho thấy câu hỏi về khả năng định nghĩa nhiệm kỳ tổng thống của Park Chung-Hee’s 정희, và của lịch sử hiện đại HQ, vẫn tiếp tục bế tắc, trong khi đồng thời lại có thể tiếp cận được. Đa số cựu chiến binh tham chiến ở VN vẫn còn sống, tuy vậy ngoài những hoạt động của họ (hiện giờ là trên web) trong các hội cựu chiến binh vốn ít được công chúng chú ý tới, họ hầu như không hiện hữu trong xã hội HQ như là một nhóm xã hội đáng chú ý.

Sự tắc nghẽn cần được tháo gỡ là vai trò của chiến tranh VN, giống như một sự gia tốc về kinh tế ở các nền kinh tế đang phát triển của Châu Á trong những năm 1960 và 1970, được thể hiện trong sự lảng tránh ở HQ về sự can dự của HQ trong cuộc chiến tranh này. Sự phong phú của văn học và điện ảnh Hoa Kỳ về CTVN tương phản sâu sắc với sự vắng mặt của chúng ở HQ9. Australia, vốn gửi chưa đến 4.500 quân đến VN, cũng tạo ra cái được gọi là văn học CTVN10. Văn học HQ đã chỉ tạo ra một số ít tiểu thuyết hay tường thuật về CTVN, mặc dù trong số những tiểu thuyết đó, The Shadow of Arms của Hwang Sok-yong là một tác phẩm bậc thầy của văn học HQ thời hậu chiến. Tương tự, điện ảnh HQ, bất chấp việc đã trải qua sự bùng bổ trong hai thập kỷ qua và bất chấp việc gắn liền với các phim có bối cảnh lịch sử, đã không sản xuất nhiều phim về CTVN. Hơn nữa, không có nhiều phim thực sự xuất sắc trong số các phim có liên quan đến CTVN và chiến tranh, không có bộ phim nào có thể so sánh với The Shadow of Arms của Hwang. Đáng chú ý là văn học Mỹ về CTVN chủ yếu đề cập đến trải nghiệm của cá nhân binh lính trong và sau chiến tranh, trong khi phần HQ thì thể hiện sự nhận thức mạnh mẽ về tình hình quốc tế rộng lớn hơn, khiến cho cá nhân binh lính tự nhận thức là “lính đánh thuê cho Hoa Kỳ”11. Sự nhận thức này tương phản với hồi ức được lựa chọn. Sự can dự của HQ trái ngược với bản thân HQ, tại đó những quan điểm tương tự hầu như vắng mặt hoàn toàn. Đây là sự xung đột giữa nhận thức về hoàn cảnh của binh lính HQ ở VN (cả bởi bản thân cũng như bởi quốc gia đã cử họ đi) và sự đóng góp quan trọng của anh ta đối với sự phát triển kinh tế và xã hội ở HQ, mặt khác là sự lãng quên mà anh ta nhận được ở HQ sau cuộc chiến tranh, đó sẽ là trung tâm của bài báo này.  

Binh lính HQ ở VN, 1966-1975: những nhận thức lịch sử

Vào năm 1965, những binh lính chiến đấu HQ đầu tiên được gửi tới VN (sau lần gửi quân ban đầu vào năm 1960 với 130 huấn luyện viên quân sự và 10 võ sư Taekwondo)12. Trong bài phát biểu từ biệt, tổng thống Park Chung-Hee đã so sánh các binh lính được gửi đi với đạo quân thánh chiến, thể hiện rõ ràng tính chất lịch sử của nhiệm vụ. Quyết định của Park đáp ứng tích cực lời kêu gọi của Lyndon Johnson về việc tham chiến được coi là “không thể tránh khỏi”, cũng như nó cho chép chính quyền HQ thanh toán khoản viện trợ quân sự của 16 quốc gia đối với HQ vào những năm 195013. Trong khi điều này nhanh chóng được tổng thống và các cố vấn nhận ra14 thì đồng thời họ cũng quyết định rằng binh lính HQ sẽ không có giá rẻ đối với Hoa Kỳ15. Theo một viên chức cao cấp trong chính quyền Park, VN là “El Dorado của HQ, nơi mà họ kiếm của cải ngay tức khắc”16. Bên cạnh lý do kinh tế rõ ràng của việc tham chiến ở VN, mối lo ngại về sự tổn thất an ninh do Hoa Kỳ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên cũng được tính tới17. Sự tham chiến cũng được cho là sẽ tạo ra ảnh hưởng có lợi đối với sự đoàn kết trong nước, tạo thành những công cụ hiệu quả để chống lại sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á18. Sự chia cắt giữa miền Nam và miền Bắc VN cũng có thể là một hình mẫu đáng kể đối với tình hình của HQ. Các nhà sử học đồng ý rằng mối lo ngại về an ninh và lợi ích kinh tế là những lý do chính khiến chính quyền HQ đã đồng ý tham chiến ở VN19. Các lợi ích kinh tế gắn liền với viện trợ trực tiếp và không trực tiếp của Hoa Kỳ, tiền ngoại hối mà mỗi binh lính gửi về nhà, khoản thanh toán cho binh lính, các khoản vay ưu đãi, các điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu hàng hóa của HQ sang thị trường Hoa Kỳ và cơ hội chế tạo cũng như bán các sản phẩm của HQ ở VN cho quân đội Hoa Kỳ. Mặc dù sự đánh giá của Park về các cơ hội kinh tế mà HQ thu được từ việc tham chiến ở  VN – vốn dựa trên ví dụ về lợi ích khổng lồ mà Nhật Bản kiếm được trong chiến tranh Triều Tiên – là chính xác, nhưng nực cười là Nhật Bản (mặc dù không gửi quân đến VN) đã kiếm lợi gấp mười lần HQ từ CTVN20. Tuy vậy, kinh tế HQ đã được tạo dựng dựa trên những lợi ích kinh tế sinh ra từ CTVN và không quá khi nói rằng sự thần kỳ của Hàn sẽ không diễn ra nếu như quân đội HQ không tham chiến ở VN21. Đáng chú ý là chỉ có rất ít các phân tích trình bày về tầm quan trọng của CTVN đối với sự xuất hiện của sự thần kỳ kinh tế ở HQ (và các quốc gia Châu Á khác)22. Một cuốn sách lịch sử HQ nói chung (một trong những cuốn sách lịch sử HQ bán chạy nhất ở HQ) đã khẳng định như sau:     

Việc gửi binh lính tới VN bị chỉ trích dựa trên lý do cho rằng việc đó giống như “bán máu thanh niên của chúng ta” và nhiều binh lính đã chết ở đó, đồng thời hiện giờ nhiều cựu chiến binh phải chịu đựng đủ mọi loại di chứng do hóa chất khai quang [được sử dụng ở VN], nhưng điều đó cũng được coi là đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp xây dựng xâm nhập VN đã mở ra con đường xuất khẩu lao động và sau chiến tranh những lao động và cơ sở này lại chuyển sang Trung Đông. Dựa trên những đặc quyền của CTVN, sự phát triển kinh tế đã xuất hiện ở nửa sau của những năm 196023.   

Cuốn sách này coi sự phát triển kinh tế của HQ có vai trò lớn hơn các yếu tố khác, như các chính sách kinh tế của chính quyền Park Chung-Hee (nền kinh tế do nhà nước lập kế hoạch và định hướng), viện trợ quân sự của Hoa Kỳ (đồng thời không cụ thể hóa được tác động gia tốc của chi tiêu liên quan đến CTVN đối với các nền kinh tế các nước ở Châu Á) cũng như sự đúng đắn của nền kinh tế định hướng xuất khẩu24. Theo như ví dụ đã nêu trên, một đoạn dài đã mô tả sự can dự của HQ trong CTVN25. Sự xâm nhập thành công của các công ty xây dựng HQ vào VN được coi là bước đầu của sự tăng trưởng kinh tế đáng kể và được đã được hoan nghênh. Mọi sự chú ý đối với các yếu tố phi kinh tế đều được hướng tới những hậu quả mà cựu chiến binh phải gánh chịu, sự ốm yếu và chấn thương của họ không bao giờ được chính quyền thừa nhận26. Trong hầu hết các tường thuật về CTVN (cũng như trong những tường thuật có ảnh hưởng nhất), sự phê phán đối với chính quyền đều hướng tới sự lảng tránh đối với các binh lính trung thành, chứ không phải là quyết định tham chiến ở VN. Thái độ phê phán đó đã tạo thành đặc trưng của sử học hiện đại, hoàn toàn tập trung vào các vấn đề quốc nội liên quan đến CTVN, lảng tránh khía cạnh quốc tế của cuộc chiến.

Về mặt quốc nội, các nhà sử học chuyên nghiệp và chính thống đều đồng thuận cả về lý do kinh tế cũng như an ninh, HQ không có bất cứ lựa chọn nào khác ngoài việc gửi binh lính tới VN. Ngay cả khi thừa nhận người VN phải chịu sự đau khổ do quyết định này, một quyết định đã được kéo dài suốt một thập kỷ, ý kiến trong các cuộc tranh luận đều nhấn mạnh rằng bản thân người HQ cũng phải chịu đau khổ như người VN (nếu không nói là hơn: bán đảo vẫn chưa được thống nhất). Có ba nhóm sự đau khổ của HQ thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thảo luận về CTVN: 1. thiệt hại nhân mạng của HQ (hơn 5.000 binh lính đã chết ở VN và rất nhiều bị thương); 2. các thương bệnh binh; 3. sự huấn luyện và kinh nghiệm mà quân đội HQ thu được ở VN đã được sử dụng để chống lại người dân HQ khi quân đội được đưa tới đàn áp cuộc nổi dậy ở Kwangju (khi cựu chiến binh tham chiến ở VN Chun Doo Hwan làm tổng thống). Điều thứ ba rất đáng chú ý. Thực sự là quân đội HQ đã thu được các kỹ năng, vũ khí và phương tiện để đàn áp người nổi dậy của Kwangju từ VN. Tuy vậy, quan điểm này – CTVN gây ra bể máu ở Kwangju – cũng cho thấy rõ mức độ thiếu hiểu biết của công chúng về những hậu của sự tham chiến của HQ ở VN đối với VN. Khó có thể hình dung được sự khẳng định đó, hoàn toàn im lặng về những đau khổ của người VN, lại có thể xuất hiện. Đồng thời, những lợi ích của sự tham chiến đã mang cho HQ cũng không được thừa nhận, ngay cả các học giả cánh tả.

Bảng 1: Quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam (1964-1972)


Tổng số
Quân đồn trú
Hỗn hợp
Tổng số
Bộ binh
Hải quân
Không quân
Hải quân đánh bộ
1964
140
140
140




1965
20.541
20.541
15.973
261
21
4.286

1966
45.605
45.605
40.534
722
54
4.295

1967
48.839
48.839
41.877
735
83
6.144

1968
49.869
49.838
42.745
785
93
6.215
31
1969
49.755
49.720
42.772
767
85
6.096
35
1970
48.510
48.478
41.503
772
107
6.096
34
1971
45.694
45.663
42.345
662
98
2.558
31
1972
37.438
37.405
36.871
411
95
28
33

Nguồn: Bộ Quốc Phòng, Kunsa p’yŏnch’an yŏn’guso, Pe’tŭnam chŏnjaeng-gwa Han’gukkun (Seoul: Bộ Quốc Phòng, 2004), p. 196.

Bảng 1 cho thấy số lượng binh lính HQ tham chiến ở VN từ năm 1964 đến 1972. Cả binh lính cũng như chính quyền HQ đều được Hoa Kỳ thanh toán theo đầu số lính được gửi đi; thêm vào đó, HQ cũng thu lợi trực tiếp và không trực tiếp tự sự gia tăng viện trợ của Hoa Kỳ cũng như từ những biệt đãi của Hoa Kỳ. Có thể nói rằng tác động kinh tế của CTVN đối với HQ là rất lớn. Các lợi ích kinh tế của CTVN dĩ nhiên là không phải không được nhận ra, mặc dù sự đo lường đầy đủ ít khi được thực hiện27. Như với khẳng định về việc người HQ cũng chịu đau khổ nhiều như người VN, các động cơ kinh tế của sự tham chiến thường xuyên được trình bày như là sự bắt buộc:

Lời khai của bộ trưởng Bộ Quốc Phòng cho thấy chính quyền HQ không thể rút quân khỏi VN bởi vì HQ có được những lợi ích kinh tế khổng lồ từ việc tham chiến […] theo thống kê của Hoa Kỳ, số tiền mà binh lính HQ ở VN đã nhận được là 171 triệu dollar vào năm 1968 và 200 triệu dollar vào năm 1969. Bên cạnh đó, số lượng viện trợ tài chính của Hoa Kỳ là 200 triệu dollar sau khi chính quyền HQ gửi thêm quân đội đến VN. So với GNP của HQ chưa bao giờ vượt qua 5,2 tỷ, rõ ràng là HQ không thể rút quân khỏi VN28.
   
Hay nói cách khác, sự nghèo khổ của HQ vào những năm 1960 đã khiến họ không thể từ chối các lợi ích kinh tế (và lợi ích khác) của việc tham chiến ở VN. Lập luận về sự nghèo khổ không chỉ phổ biến đối với các nhà kinh tế mà cũng được các nhà sử học chính thống bảo vệ29. Lập luận này cũng được thể hiện trong văn học và điện ảnh, chi tiết hơn sẽ được đề cập ở dưới.

Một yếu tố quan trọng trong cách thức tham chiến của HQ ở VN được cho là chức năng phản ánh của VN. Không chỉ có người VN và HQ có chung gánh nặng là người Châu Á trong một thế kỷ tràn ngập chiến tranh, bóc lột và thuộc địa hóa, ở cấp độ thấp hơn thì VN phản ánh cách thức HQ sẽ tồn tại trong quá khứ cũng như tương lai. Các nhà sử học đồng ý rằng sự xem xét chức năng phản ánh cho thấy một phần của quá trình ra quyết định dẫn tới sự tham chiến của HQ30. Như Ch’ae Myŏngshin, tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội HQ ở VN, viết trong hồi ký The Vietnam War and Myself: The Memoirs of Ch’ae Myŏngshin (베트 전쟁과 : 채명신의 회고록), trong chương cuối về sự sụp đổ của tự do và Nam VN sẽ đóng vai trò là bài học đối với HQ31. Trong khi binh lính tới VN đã mô tả những trải nghiệm của bản thân trong gần hai thập kỷ trước đó, đối với các nhà hoạch định chính sách thì VN mang lại một chất liệu tốt cho tư duy. Quan niệm, cho rằng VN có thể phản ánh những gì diễn ra ở một quốc gia được thống nhất bằng vũ lực nhưng vẫn bị chia rẽ bởi ý thức hệ, rất gần gũi với ý tưởng coi VN là sa trường huấn luyện cho quân đội HQ để chuẩn bị cho sự đụng độ không thể tránh khỏi với cộng sản Châu Á nói chung và Bắc Triều Tiên nói riêng. Quân đội HQ được huấn luyện những kỹ năng thực tiễn, trong số những kỹ năng thu được từ hàng sa số các nhiệm vụ tìm kiếm và phá hủy mà họ đã thực hiện; họ cũng được tìm hiểu và làm quen với những vũ khí mới (đáng chú ý nhất là M-16). Hơn nữa, VN cũng thể hiện chiến trường xảy ra xung đột với chủ nghĩa cộng sản mà họ sẽ phải chống lại trong trường hợp xung đột lại xảy ra trên bán đảo Triều Tiên32.

Quan điểm này về VN trong quan hệ với HQ chắc chắn sẽ lấn át quan điểm về sự quan trọng thực tế của CTVN đối với sự phát triển của HQ. Nó khiến cho việc xác định lợi ích của chiến tranh không khả thi, ngay cả khi nó cho thấy rõ vị trí của HQ trên thế giới và cho thấy sự bất lực của HQ khi đối mặt với chủ nghĩa đế quốc của Hoa Kỳ. Cả hai bài học sau này đều đã được học và khẳng định bởi các nhà sử học HQ. Bài học thứ nhất đã bế tắc. Cùng với một sự đánh giá thấp sự quan trọng kinh tế của CTVN đối với sự phát triển của HQ, hai vấn đề khác, ít nhận được sự phê phán hơn những vấn đề khác, cũng cần được nhắc đến. Vấn đề thứ nhất là câu hỏi về việc binh lính HQ có phải chỉ là lính đánh thuê kiếm tiền. Câu hỏi thứ hai là chủ ý trong các vụ thảm sát thường dân VN mà quân đội HQ gây ra.

Các ý kiến bị chia rẽ về việc quân đội HQ có phải là lính đánh thuê hay không33, nhưng đây không phải là câu trả lời mà là chỉ là bản thân sự tranh luận có ích. Sự tranh luận đã cho thấy rõ rằng các khuynh hướng đạo đức của việc tham chiến ở VN đã được đem ra tranh luận (nguyên tắc ngầm định là làm lính đánh thuê là sai về đạo đức, đồng thời tham chiến để xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản hay trả nợ thì không vô đạo đức), nhưng những khuynh hướng đạo đức này cũng bị hạn chế đối với HQ. Hầu như không có cuộc tranh luận nào về bản thân sự tham chiến; cuộc thảo luận chỉ tập trung vào tình trạng của nó. Đây là bối cảnh thường xuyên được tái hiện trong các tác phẩm giả tưởng về CTVN, kể từ khi vấn đề này có liên quan mật thiết với sự tự nhận thức của cựu chiến binh tham chiến ở VN.

Chủ đề thứ hai nghiêm túc hơn và có tác động sâu sắc hơn. Một phần do các cuộc tranh luận của Hoa Kỳ về các vụ thảm sát như Mỹ Lai thúc đẩy, báo cáo về các vụ thảm sát thường dân đã xuất hiện trong thời kỳ quân đội HQ tham chiến ở VN. Hiệu quả của quân đội HQ không thể tránh khỏi mức độ thiệt hại cao về thường dân34, đã khiến tổng tư lệnh Ch’ae Myŏngshin ban hành quy định về việc không gây tổn thương cho thường dân. Một điều tự hào đối với Ch’ae, đồng thời việc ban hành quy định cũng đóng vai trò lá cờ đỏ đối với các nhà sử học35. Trong hồi ký, Ch’ae đưa ra giải thích về nhiều vụ thảm sát thường dân như sau:

Các vụ thảm sát thường dân do Việt Cộng gây ra được dàn dựng trông giống như thể là người Mỹ đã gây ra chúng36.

Ông ta cũng khẳng định rằng các vụ thảm sát là do Việt Cộng và lính Bắc Triều Tiên ngụy trang thành lính HQ gây ra37. Trong khi những khẳng định này không thể được coi là đại diện, sự can dự của lính HQ trong nhưng vụ thảm sát là một chủ đề gai góc. Chủ đề này không ngừng được chính quyền VN nhắc lại và vẫn là một nguồn gây ra sự khó chịu đối với chính quyền HQ38. Mặc dù một nhà sử học đã ước lượng có 31 vụ thảm sát thường dẫn xảy ra chỉ riêng từ năm 1970 đến 197239, vấn đề này vẫn hầu như là bị lảng tránh trong cả lịch sử chính thống cũng như chuyên nghiệp. Các nhà sử học nói chung không để cập đến chủ đề này hoặc trích dẫn quy định nổi tiếng của Ch’ae Myŏngshin về việc “thà để 100 du kích trốn thoát còn hơn giết hại một người vô tội,” mặc định coi khẳng định đó là sự thật lịch sử.

Ngoại trừ trong các công trình gần đây của một số rất nhỏ các nhà sử học, sự can dự của HQ trong chiến tranh VN hầu như ít được nghiên cứu. Điều này rất đáng chú ý khi mà cuộc chiến tranh này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của HQ và sự quan trọng hiện tại của VN đối với HQ. Sự khái quát ngắn về quan điểm chuyên nghiệp và chính thống về CTVN cho thấy những quan điểm này không bắt nguồn từ lĩnh vực sử học chuyên nghiệp, vốn bị hạn chế đáng kể trong việc khảo sát và sự tương đồng của chúng với những quan điểm đã phổ biến đối với cả chính khách và thường dân. Như đã đề cập ở trên, nghệ thuật là một sự khởi đầu tốt để xem xét quan điểm về CTVN. Một trong những tác giả nổi tiếng nhất của HQ, Hwang Sok-yong, hầu như hoàn toàn tạo dựng sự nghiệp dựa trên những trải nghiệm về VN. Tác phẩm mới ra mắt của ông, Camel’s Eye (낙타 눈깔)40, là một câu chuyện ngắn về người lính HQ mới trở về từ VN và đang đợi tàu về nhà. The Shadow of Arms, được cho là tác phẩm giả tưởng vĩ đại nhất của Hwang, là một sự khám phá và châm biếm các cơ chế kinh tế và chính trị toàn cầu ẩn sau CTVN.

Chiến Tranh Việt Nam trong văn học

Sự tham chiến của quân đội HQ ở VN kéo dài một thập kỷ và đóng góp khoảng 350.000 binh lính, nhưng chỉ có rất ít tiểu thuyết và tường thuật chính thống bàn luận về chủ đề này. Những tiểu thuyết đó là The Shadow of Arms41 của Hwang Sokyong, The Faraway River của Pak Yŏnghan và White Badge của An Junghyo. Sự nghèo nàn của văn học CTVN ở HQ liên quan tới sự đóng góp “thụ động” của HQ đối với chiến tranh42. Sự biện minh cơ bản là do binh lính HQ tham chiến với tư cách lính đánh thuê nên cảm xúc phát sinh của họ không đủ để tạo ra tác phẩm văn học “thực” với bất kỳ số lượng đáng kể nào43. Sự thiếu vắng truyền thống văn chương về CTVN cũng được cho là hậu quả của sự lảng tránh chủ đề chiến tranh trong các thảo luận của công chúng HQ44. Bất kể lý do nào đằng sau hiện tượng này – vốn không thể tách khỏi sự thiếu quan tâm nói chung về CTVN – một số ít tiểu tuyết bàn luận về sự tham chiến của HQ có một số điểm tương đồng với quan điểm chung. Ngay cả khi The Shadow of Arms The Faraway River là sản phẩm của lực lượng tiến bộ trong xã hội HQ, sự thiếu vắng các tiểu thuyết về những mối lo ngại, bối cảnh và hoàn cảnh tương tự đã tạo ra tình hình mà sự diễn giải về mức độ quan trọng của CTVN không thực sự bị thách thức45. Một tình hình tương tự cũng diễn ra trong điện ảnh HQ, bởi vì mối liên hệ giữa văn học và điện ảnh thông thường là mạnh ở HQ.

Cả quan điểm chính thống cũng như phổ thông về sự tham chiến ở VN đều được tái hiện trong các tác phẩm này. Nhận thức về việc tiền là động cơ của sự tham chiến và các binh lính trẻ, thường xuất thân từ gia đình nghèo, đã hy sinh để cải thiện kinh tế, được trình bày chi tiết trong The Shadow of Arms46. Tiểu thuyết hoàn toàn chỉ bàn luận cơ chế kinh tế đứng sau chiến tranh hiện đại; nó có thể được hiểu là sự khám phá về động cơ kinh tế đưa đến và duy trì chiến tranh47. Cách tiếp cận phổ quát của tiểu thuyết này cũng nhấn mạnh chức năng phản ánh của VN liên quan đến HQ: HQ cũng trải qua cuộc nội chiến tương tự và bị quân đội Mỹ xâm lược. Nhân vật chính của The Shadow of Arms cũng nhận thức được vị thế của anh ta ở VN, bị kẹt giữa quân đội Hoa Kỳ và người VN. Cả trong tiểu thuyết cũng như trong các tiểu luận riêng biệt, Hwang phản ánh sự nghèo khổ là lý do chính khiến binh lính HQ tham chiến ở VN48. Đồng thời, Hwang phủ nhận trách nhiệm của những người lính HQ bình thường, khẳng định rằng HQ không có mấy sự lựa chọn:

Liệu có sự khác biệt nào giữa thế hệ của cha tôi, đăng lính cho quân đội Nhật Bản hay phục vụ cho các khát vọng liên Á của đế quốc Nhật Bản, và của tôi, được người Mỹ gửi tới VN để thiết lập một khu vực “Liên Mỹ” ở Viễn Đông trong Chiến Tranh Lạnh?49

Bị Hoa Kỳ ép buộc, khát vọng đế quốc của họ vốn cũng không kém cạnh so với đế quốc Nhật Bản vào những năm 1930 và 1940, HQ đưa quân đội tới VN và – đây là điều ngầm định – không phải gánh chịu trách nhiệm về những vụ thảm sát đã gây ra trong chiến tranh VN giống như những vụ thảm sát mà quân đội Đế Quốc Nhật Bản đã gây ra trong Thế Chiến II50. Cuốn tiểu thuyết không bao giờ trực tiếp đối mặt với các vụ thảm sát của HQ ở VN, nhưng trong một vài đoạn, Hwang thừa nhận rằng những nạn nhân trước kia của nội chiến và các vụ thảm sát của Hoa Kỳ đã trở thành kẻ thủ ác51. Tuy vậy, cuối cùng, cách tiếp cận của Hwang là phổ quát: các vụ thảm sát là sự thật không thể tránh khỏi của chiến tranh và không liên quan mấy đến quốc tịch của thủ phạm52 (mặc dù trong cuốn tiểu thuyết chỉ có các vụ thảm sát thực sự do lính Mỹ gây ra được mô tả, đồng thời Hwang im lặng về các vụ thảm sát do lính HQ có mối quan hệ cá nhân với ông gây ra)53. Cuốn The Shadow of Arms là tác phẩm bậc thấy có chất lượng rất tốt bởi vì nó cố gắng mô tả cơ chế tất yếu của chiến tranh hiện đại và những hậu quả đối của nó với thứ ngôn ngữ phổ quát được thể hiện không dễ chịu và không hạn chế.  Tuy vậy, đồng thời, việc Hwang mô tả song song người VN và người HQ trên góc độ họ phải đau khổ vì là người Châu Á trong thế kỷ 20 đã loại trừ mọi cảm giác về sai lầm của người HQ. Trên hết, người HQ cũng đau khổ như người VN và họ chịu đựng cùng nhau. Trong một đoạn gợi mở, Hwang đã tách lính HQ ra khỏi đồng minh Hoa Kỳ bằng cách cho một lính Mỹ nói đầy đạo đức giả với nhân vật chính rằng lính HQ trên thực tế cũng là người da trắng danh giá, cũng giống như phụ nữ HQ:

“Mày là người Hàn phải không? Gái xứ mày cũng xinh đấy. Có hai cô gái Hàn trong màn múa thoát y ở câu lạc bộ tối qua. Cả hai đều trông giống hệt như gái Mỹ.”

“Mày nói là câu lạc bộ Mỹ?”

“Phải, nhưng người Hàn có thể đến đó nếu như họ làm việc cho ban thanh tra. Nhưng đám gook thì không.”

“Gook là ai?”

"Đám Việt Nam, chúng thật sự bẩn thỉu. Nhưng tụi mày thì giống tụi tao. Chúng ta là đồng minh."54

Những diễn biến tiếp theo đã cho thấy rõ ràng rằng quân đội Hoa Kỳ không coi binh lính HQ hoàn toàn bình đẳng với lính Mỹ. Hwang kiên định trong trong lập luận cho rằng người Hàn và người Việt có nhiều điểm chung với nhau hơn là với người Mỹ. Ngay lúc đầu trong mối quan hệ của họ, trợ lý người VN của nhân vật chính An Yŏnggyu (Ahn Yong Kyu theo tiếng Anh) đã khẳng định rõ ràng trong một trong những bối cảnh chính của cuốn sách về sự tương đồng giữa người Hàn và người VN cũng như lịch sử tự hào của họ:

“Mày và tao, Ahn, cả hai chúng ta đều là gook. Đồ mọi Á.”

“Tao cho là tụi Mỹ nghĩ vậy.”

“Tao cũng nghĩ vậy. Không cần phải buồn phiền về điều đó.”55
  
Sự thật là khái niệm phân biệt chủng tộc nhất được dùng cho người VN là “gook”, sự châm biếm của đoạn này sẽ khiến độc giả khó có thể quên (nhất là khi Hwang giải thích từ “gook” được biến đổi từ từ “Hanguk”; trong Chiến Tranh Triều Tiên thì từ đó được dùng để chỉ người Triều Tiên theo cùng nghĩa phân biệt chủng tộc). Lính HQ không phải là người da trắng cũng như da trắng đáng kính; họ có chung những sự biến động trong định mệnh hiện đại với người VN. Tiếp đó trong cuốn tiểu thuyết, những đoạn đối thoại giữa An Yŏnggyu, một người Hàn, và đồng nghiệp VN và là bạn của anh ta đã đi theo cùng một hướng: người Hàn không có việc gì ở VN và họ biết điều đó, khi họ tự mình đi qua những trải nghiệm. Tới một mức độ nhất định, những trải nghiệm chung cho phép binh lính HQ thấy hình ảnh HQ được thể hiện ở VN. The Shadow of Arms chứa nhiều đoạn gợi nhắc những đau khổ của người Hàn trong Chiến Tranh Triều Tiên được phản ánh trực tiếp trong đau khổ của người VN56. Các binh lính của Ahn Junghyo cũng thấy quê nhà được gợi nhắc đến trong những trải nghiệm ở VN của họ: họ thường xuyên nhớ đến những trải nghiệm trong Chiến Tranh Triều Tiên, hầu hết là do những cậu bé người VN thường xuyên xuất hiện quanh gợi nhắc cho họ. Chức năng phản ánh của VN không chỉ giới hạn trong quá khứ; tương lai của HQ cũng được phản ánh trong tương lai của VN (vốn là hiện tại khi ba cuốn tiểu thuyết đã được hoàn thành và do vậy là hiện tại đối với độc giả của chúng) như là một quốc gia thống nhất. The Shadow of Arms đã tạo ra một sự liên hệ mạnh mẽ giữa tương lai của HQ và hiện tại của VN như là một quốc gia thống nhất57. Không may mắn thay, như đã trình bày ở trên, điều này có tác dụng như là một cơ chế để uốn nắn hình ảnh VN cho phù hợp với các mục tiêu của (chính quyền) HQ.

Mối liên hệ thân thiết của họ với người VN (thông qua trải nghiệm lịch sử chung cũng như di sản Châu Á chung) đã khiến người Hàn vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm: sự trung lập (“trước hết, không làm hại”) là lối thoát duy nhất, vừa đạo đức vừa thực tế. Hwang đã tiếp nhận quan điểm của HQ về CTVN, hoàn toàn đẩy sự lên án sang phía Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, mặc dù cần phải nói rằng Hwang không thể hiện một lời biện minh đơn giản cho sự tham chiến của HQ như Ahn Junghyo đã làm (bằng cách khẳng định rằng binh lính HQ không có sự lựa chọn nào khác). Sự lập luận của Hwang không phải là không có giá trị; siêu phân tích của ông về cách thức chiến tranh hiện đại bắt đầu, diễn biến và duy trì đã áp đảo sự tham chiến của HQ ở VN và do vậy đã đẩy vấn đề phức tạp của sự lên án xuống phía sau. Từ tầm nhìn này, sự lựa chọn “không làm hại” mà nhân vật chính của Hwang theo đuổi là hoàn toàn có thể hiểu được. Sự biến mất tiếp đó của câu hỏi đạo đức cho thấy sự liên hệ với việc HQ tham chiến là logic và thông thường, trái ngược với cơ sở của những tường thuật quốc nội ở HQ. Trong đoạn dưới đây, khi nhân vật chính của The Shadow of Arms tham gia vào một tranh luận gay gắt với một lính Mỹ đào ngũ mà anh ta đã giúp trốn khỏi quân đội, quan điểm của Hwang được thể hiện:

Khi tôi làm việc với người Mỹ, điều mà tôi ghét nhất là phải nghe họ nói chúng ta giống nhau ra sao, tôi không khác với người Mỹ thế nào, và những điều rác rưởi tương tự khác. Cùng lúc đó tôi nghe người Mỹ thì thầm về sự bẩn thỉu của đám gook VN. “Gook” là từ mà lính Mỹ rút ra từ từ “Hanguk” hồi Chiến Tranh Triều Tiên, bị phát âm nhầm thành “Han-gook”. Người Mỹ dùng nó với nghĩa phân biệt chủng tộc. Tôi chỉ nói với người Mỹ rằng tôi giống người VN hơn.   

Điều kiện sống mà chúng tôi đang trải qua hiện giờ cũng chính là những điều kiện mà hầu hết người Châu Á đã phải chịu đựng trong thế kỷ qua. Ở nhiều lục địa, người da trắng đã chém giết lẫn nhau, giống như thú săn mồi hành hạ con mồi. Đừng lảng tránh sự thật. Ngay cả khi anh từ chối tham gia cuộc chiến dơ bẩn này và trốn thoát, anh sẽ phải sống nốt phần đời còn lại với những gì đã thấy trên chiến trường. Đó là điều tương tự với tôi, tất nhiên, nhưng tôi phải chuẩn bị tư tưởng khi tôi trở về nhà. Trên báo chí nước anh, tôi thấy những bức ảnh về người biểu tình giơ cao khẩu hiệu: “Chúng tối không muốn chết cho VN!” Điều gì nực cười hơn thế nữa? Cái gì cơ? Chết cho VN? Lính của nước anh đổ xô tới đây từ những con hẻm sau nhà của các khu ổ chuột bẩn thỉu, từ các quán bar tăm tối mà họ uống say khướt, từ các siêu thị mà họ lao tới với phiếu giảm giá, từ những sàn nhà trơn trượt nằm dưới gầm xe hơi. Anh hỏi tôi tại sao? Bởi vì con cái của gia đình giàu có không đến đây, đó là lý do. Hãy hỏi các doanh nhân và thương nhân đang điều khiển chính trị ở nước của anh xem. Đối với họ thì anh phải chết như một con chó trong đầm lầy ở VN58.

Tuy vậy, một yếu tố rất có vấn đề ẩn giấu phía sau quan điểm của Hwang. Trong tiểu luận đã được nhắc đến ở phía trên, Hwang khẳng định một cách thẳng thừng rằng việc HQ hiện giờ cũng đang trong tình trạng đặt ra câu hỏi về các vụ thảm sát do binh lính HQ gây ra ở VN chỉ cho thấy rằng HQ đã thành công trong việc tạo dựng giải phóng kinh tế (và do đó là tâm lý) hay thoải mái tận hưởng “sự nhân đạo phương Tây”59. Tạm gác lại vấn đề về đạo đức đáng ngờ (và lười biếng) nằm sau khẳng định này, nó cho thấy một khuynh hướng đạo đức khó chịu của sự tham chiến đang đòi hỏi phải được giải quyết. Câu hỏi đạo đức dường như không hoàn toàn biến mất. Lập luận này, vừa trung thực vừa nguy hiểm, cũng xuất hiện dưới một dạng đơn giản hơn trong White Badge, trong đó việc thảm sát thường dân được coi là đáng tiếc nhưng không thể tránh khỏi60. Tuy vậy, lập luận này chỉ được áp dụng cho VN; chừng nào mà nó được áp dụng cho HQ trong Chiến Tranh Triều Tiên, những cân nhắc cá nhân sẽ phải được đặt ra. Sự xung đột giữa việc buộc phải thảm sát người vô tội trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào và sự thảm sát trong Chiến Tranh Triều Tiên xuất hiện trong cả ba cuốn tiểu thuyết và không được giải quyết ở bất cứ đâu. Dĩ nhiên giải pháp của nhân vật chính trong The Shadow of Arms chỉ mang tính tình thế: duy trì sự trung lập đến chừng nào có thể. Nhân vật chính tự hứa với bản thân là không làm điều gì sai và không kiếm lợi từ chiến tranh bằng cách đánh đổi người VN. Tuy vậy, HQ đã kiếm lợi từ chiến tranh. Các ước lượng chi tiết đáng tin cậy không có sẵn, nhưng trên phương diện tài chính thuần túy, gần 10% GNP của HQ được tạo ra trực tiếp từ CTVN, kéo dài từ năm 1968 đến năm 197361. Sự thừa nhận về tiền bạc, hàng hóa và đặc quyền mang về quê nhà từ VN đã xuyên suốt cả ba cuốn tiểu thuyết, nhưng không có cuốn nào (kể cả cuốn của Hwang, vốn nhận thức rất rõ về nguyên nhân và hệ quả kinh tế) theo đuổi một sự đánh giá về việc tiền đã được sử dụng ra sao khi được đưa về HQ62. Các yếu tố tạo thành câu chuyện về cách thức CTVN tài trợ cho sự tăng trưởng kinh tế của HQ đều có sẵn nhưng câu chuyện đã không được tạo ra,

Cuối cùng, ngay cả khi binh lính tham chiến cũng không coi chiến tranh VN như một cuộc chiến của HQ. Người HQ không thuộc về nơi đó, họ ở đó chỉ là bởi vì họ bị hoạt động của đế quốc Hoa Kỳ lôi kéo vào cuộc chiến. Kết quả là mọi sự lên án đạo đức gắn với CTVN bị đẩy sang phía Hoa Kỳ. Điều còn lại là sự đau khổ của người Hàn, cũng giống như sự đau khổ của người VN, đều do Hoa Kỳ gây ra. Trong khi Faraway River White Badge nhấn mạnh vào sự đau khổ của binh lính HQ ở VN (cũng như các cựu chiến binh trở về nhà), bị mắc kẹt giữa chỉ huy của họ và quân đội Hoa Kỳ, The Shadow of Arms đẩy sự lên án về phía Hoa Kỳ:

Chúng tôi ở đây bởi vì anh yêu cầu chúng tôi tới. Chính quyền của các anh muốn chúng tôi tham gia để bảo vệ sinh mạng của thanh niên Mỹ. Chúng tôi chẳng có gì liên quan đến cuộc chiến tranh bẩn thỉu này. Thật sự là chúng tôi đã bán mình cho mớ tiền còm cõi mà anh đã ném vào mặt chúng tôi, và giờ thì chúng tôi ở đây. Nhưng đừng quên rằng hai người lính đó vừa mới thoát khỏi những trận giao tranh do mệnh lệnh từ sở chỉ huy của các anh giao cho họ. Họ ở chiến tuyến thay cho anh. Tiền mà anh biển thủ và không trả lại là tiền máu!63

Sự xung đột giữa động cơ tham chiến ở VN của HQ, sự đau khổ của binh lính và sự đau khổ của người VN không được giải tỏa trong những cuốn tiểu thuyết đề cập đến chúng. Trên hết, các tiểu thuyết về CTVN đẩy vấn đề sang phía Hoa Kỳ, vốn được coi là chủ mưu. Hơn nữa, VN không phải là trung tâm của tiểu thuyết như HQ, ngay cả khi một sự phê phán có ảnh hưởng cho rằng cuốn tiểu thuyết như The Shadow of Arms cần phải có nhiều liên hệ rõ ràng với tình hình của HQ để nhấn mạnh sự quan trọng của nó trong vai trò là một cuốn tiểu thuyết cho xã hội HQ64.

Mặc dù không có cựu chiến binh tham chiến ở VN nào giống như ba tác giả đã đề cập phía trên và điều đó cũng không nằm trong phạm vi bài báo này, tác phẩm của Pang Hyŏnsŏk không thể không đề cập ở đây. Một ngoại lệ đáng chú ý trong bối cảnh văn chương ở HQ theo nghĩa cuốn sách của ông ta mô tả VN theo khía cạnh của nó (hay ít nhất là không chỉ theo khía cạnh của HQ), cuốn tiểu thuyết của Pang Hyŏnsŏk bàn luận không trực tiếp CTVN và vị thế của VN ở HQ. Một thành viên sáng lập của Hiệp Hội Nhà Văn Trẻ Vì Hiểu Biết Vietnam (베트남을 해하려는 젊은 작가들의 모임 ), Pang đồng thời là một nhà văn từ những năm 1980 trở lại đây đã thể hiện là người ủng hộ kiên định của các lực lượng tiến bộ trong xã hội HQ. Trong cuốn Form of Being 존재의 형식 (năm 2003 nhận được giải thưởng văn chương Hwang Sunwŏn 순원문학상), ông tiến công vào vấn đề dịch thuật văn chương và đối thoại văn hóa bằng cách cho một nhà văn HQ hợp tác cùng với một biên dịch viên VN để dịch một kịch bản phim về CTVN65.Trong tiểu thuyết Time To Have Lobsters 랍스터를 먹는 시간, ông đã ghi lại đoạn hội thoại dưới đây về chiến tranh VN và quyết định đưa quân đội HQ tới đó:

Chúng tôi cũng biết rằng Hoa Kỳ không đúng. Nhưng chúng tôi vẫn không thể chống lại lệnh của Hoa Kỳ, thế nên chúng tôi đưa quân tới, bất chấp sự phản đối của người dân. Có khi nào họ gọi binh lính được gửi tới Iraq là “lính Roh Moo Huyn” giống như anh gọi binh lính được gửi tới VN là “lính Park Chung Hee”? Kŏnsŏk cố gắng lảng tránh điều đó với một câu chuyện đùa. Nhưng Pham Banh Cuc không hiểu. Nụ cười trên khuôn mặt anh ta đã biến mất:

“Tức là người dân Iraq hiểu rằng HQ đến chỗ họ với súng chĩa vào họ, giống như ở VN. Anh không nghĩ là điều đó quá đơn giản sao?”

“Nhiều người Hàn cảm thấy đáng tiếc về VN.”

“Rồi tất cả họ cũng sẽ cảm thấy đáng tiếc về Iraq, khi mà mọi chuyện đã qua đi.”66

Sự tích cực về văn chương và xã hội liên quan đến VN của Pang gợi nhớ đến sáng kiến Hangyŏre 21 mà Hwang Sok-yong ủng hộ. Cũng giống như sự cô lập đáng kể của sáng kiến liên quan đến việc tiếp tục nhận thức của HQ về tư tưởng VN, văn chương của Pang (ít nhất là đối với quan điểm của ông về VN) cũng chỉ hạn chế trong một thiểu số nhỏ: cũng là thiểu số có cảm tình với sáng kiến Hangyŏre 21. Nhận thức phổ thông của người HQ về VN không phải là đơn nhất; có những quan điểm đối lập nhau, nhưng chúng được ít người biết tới. So với những đóng góp to lớn của HQ vào CTVN và tầm ảnh hưởng lớn đối với sự hình thành của xã hội HQ đương đại, các nhà văn viết đã rất ít về cuộc chiến tranh này, và từ góc độ dễ gây tổn thương như của Pang thì còn ít hơn nữa.

Chiến tranh VN trong điện ảnh

Một số bộ phim nổi bật về sự tham chiến của HQ trong CTVN đã được sản xuất67. Trên hết trong số chúng là chuyển thể điện ảnh của The Shadow of Arms, nhưng sau nhiều năm đồn thổi về việc sản xuất nó (một đạo diễn đã được chọn và dự án được cho là đồng sản xuất với chính quyền VN), bộ phim vẫn chưa được thực hiện. Một tiểu thuyết khác đã được chuyển thể thành phim: White Badge, do  An Sŏnggi thủ vai chính, được phát hành năm 1992. Bộ phim về VN này tiếp sau phim kinh dị R-point năm 2004, là phim kinh dị tuổi thiếu niên Muoi vào năm 2005 và Sunny (một sự dịch thuật tai hại từ tên gốc có nghĩa là My Love in a Faraway Place) vào năm 2008. Tính tất cả, một số lượng phim rất nhỏ về CTVN đã được sản xuất, đặc biệt là khi so với số lượng phim của Mỹ về CTVN. Raybang trên thực tế không được tính đến trong số những bộ phim này, do nó không đề cập tới CTVN và chỉ sử dụng VN như là biểu tượng. Song nghịch lý thay, đây là bộ phim duy nhất đề cập tới tác động thực sự của trải nghiệm VN đối với xã hội HQ.

Điện ảnh HQ có truyền thống mạnh mẽ về việc sản xuất các bộ phim phê phán xã hội đương đại với các loại hình hiện thực, châm biếm, hài kịch hay bi kịch. Tuy vậy, cũng giống như văn chương về CTVN, thái độ phê phán không dễ dàng xuất hiện trong các bộ phim về VN. White Badge là một sự chuyển thể trung thành của tiểu thuyết, thể hiện sự tuyệt vọng của cựu chiến binh HQ tham chiến ở VN, có sự đau khổ không được thừa nhận và hồi ức không được phép trong lĩnh vực công khai68. Sự nhấn mạnh của bộ phim vào trải nghiệm bi kịch của cựu chiến binh tham chiến ở VN, được thể hiện rõ ràng qua nhân vật chính, một cựu trung sĩ đã kết thúc bằng cách tự tử. Ý tưởng và sự triển khai của White Badge rất giống với phim điển hình về CTVN của Hoa Kỳ: lảng tránh mọi sự đối đầu trực tiếp với vấn đề HQ tham chiến ở VN, tập trung vào sự đau khổ của binh lính HQ và giảm nhẹ một cách đáng kể sự đau khổ của người VN. Đồng thời, cảm giác đặc biệt về những trải nghiệm được phản ánh xuất hiện, người VN trải qua những gì mà người Hàn đã trải qua nhiều thập kỷ trước đó. Cảnh tiết lộ diễn ra trong một câu lạc bộ tình dục ở It’aewŏn, quận ăn chơi thường xuyên được lính Mỹ đóng quân ở Seoul lui tới. Sự tương đồng giữa người VN và người HQ được nhấn mạnh bằng cách thể hiện phụ nữ Hàn (lao động tình dục) phục vụ lính Mỹ, những cảnh trước đó trong bộ phim đã mô tả phụ nữ VN phục vụ binh lính HQ. Sự so sánh giữa người Việt và người Hàn được diễn tả lặp đi lặp lại (trong cả ngôn ngữ và hình tượng của tiểu thuyết), đồng thời sự so sánh ngầm giữa lính HQ ở VN và lính Mỹ ở HQ bị bỏ qua. Những bối cảnh khác trong tiểu thuyết (có trong cả hai cuốn tiểu thuyết của Hwang và Pak đã được đề cập phía trên) cũng xuất hiện trong phim. White Badge thể là chuyển thể điện ảnh của lời biện minh thường xuyên được sử dụng, giải thích các vụ thảm sát thường dân là: binh lính HQ nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là kẻ thù và họ chịu thiệt hại nhân mạng (do bẫy mìn) trước khi sát hại cả toàn bộ dân chúng của một làng.

Bối cảnh nghèo khổ cũng nổi lên. Trước khi lên tàu sang VN, binh lính trong trung đội tụ tập và uống say. Đến cuối buổi tối say sưa, máy quay phim chiếu cận cảnh bức tường, nơi có ai đó viết: “Hãy đợi anh, Sunja, anh sẽ quay trở về với sự giàu có từ VN.” Cuối cùng, ý tưởng cho rằng VN là bài thực hành cho Kwangju quay lại trong bi kịch chung cuộc của bộ phim: nhân vật chính đón cựu hạ sĩ quan của anh ta ở bệnh viện, tại đó viên hạ sĩ đã chấp nhận bị cắt mất tai (trong một ca phẫu thuật, giống như số phận tương tự của những Việt Cộng đã chết và những thường dân VN đã chết bị báo cáo là Việt Cộng). Đi trên những đường phố của Seoul, những anh lính lạc lõng trong cuộc biểu tình của sinh viên và những cảnh bạo lực của cảnh sát, nhấn mạnh rằng VN là khúc dạo đầu và là sự ám chỉ tới những đau khổ của HQ hiện đại. Bộ phim Sunny năm 2008 đã được chờ đợi nồng nhiệt, khi Yi Chunik làm đạo diễn. Yi cũng là đạo diễn của phim The King anh the Clown, một phim lịch sử nhạy cảm về tình yêu giữa hai người đàn ông và Once upon a Time in a Battlefield, một bộ phim hay về lịch sử, xung đột địa phương và sự hy sinh cá nhân, trái ngược với tiêu đề tiếng Anh ngây ngô của nó.

Yi Chunik cũng chứng tỏ bản thân là một đạo diễn sáng tạo, không ngại ngần tấn công các chủ đề nhạy cảm như tình dục đồng giới và chủ nghĩa địa phương. Hơn nữa, ông còn làm điều đó theo hướng cho phép các điều cấm kỵ ấy được thảo luận trong xã hội. Trong cả hai bộ phim, Yi đã thành công trong việc giúp cho các nhóm thiểu số câm lặng (và bị áp bức) bày tỏ tiếng nói. Trong cảm xúc của người xem, đó là một bộ phim mạnh mẽ thể hiện nỗ lực của một phụ nữ cố gắng tìm kiếm người chồng đang tham chiến ở VN để thụ thai và mang bào thai về nhà. Mẹ chồng thúc giục cô làm như vậy, Sunny là một bức tranh nhạy cảm về người phụ nữ vật lộn với chế độ gia trưởng. Đây cũng là một câu chuyện có tính thời đại về một cô gái nông thôn ngây thơ và trinh trắng bị biến thành một nghệ sĩ giải trí từng trải và chín chắn về tình dục. Bối cảnh của câu chuyện ở VN tạo ra tính bi kịch đủ lớn để thu hút khán giả vào nhiệm vụ phi lý của Suni, nhưng đồng thời nó cũng mang đến cho bộ phim hương vị thuộc địa và viễn đông trong phạm vi truyền thống đen và trắng của điện ảnh viễn đông Anh Quốc. Người VN không nổi bật trong Sunny, chỉ là một nhóm (đã được dự báo) tú bà, gái mại dâm, thanh niên ngây thơ, du kích Việt Cộng (người này chỉ thừa nhận là lính Việt Cộng khi mọi việc đã quá muộn). Trong một cảnh đáng nhớ, Suni và cả nhóm bị một nhóm Việt Cộng bắt giữ và hỏi tại sao họ tới đây. “Để kiếm tiền”, họ trả lời, viên chỉ huy Việt Cộng đáp lại: “Thế là tụi mày đến đây với cùng một lý do như quân đội HQ.” Cảnh này đáng nhớ cả vì nó cho thấy rõ ràng đạo diễn nghĩ gì về vai trò của quân đội HQ ở VN cũng như người đa sầu đa cảm bẽn lẽn và đơn giản được thể hiện sau đó. Khi cả nhóm bị đưa đi hành quyết, Suni bắt đầu hát, giải tỏa những cảm xúc dồn nén của du kích VN. Cả nhóm sau đó trở thành khách, làm việc cùng với các du kích Việt Cộng và gia đình của họ, đào hào và sau đó vào buổi tối tất cả bọn họ cùng đến để nghe Suni hát, đung đưa và vỗ tay theo những bài hát HQ của cô. Quan niệm cho rằng người Hàn và người Việt về cơ bản là giống nhau và chỉ có cuộc chiến tranh (hay nói cách khác là Hoa Kỳ) là chia rẽ họ được thể hiện rõ ràng trong phần cuối của bộ phim. Sau khi trại ngầm của du kích bị quân đội Mỹ đột kích, du kích bị giết hoặc bắt làm tù binh, một lần nữa âm nhạc lại cứu cả nhóm. Khi ba chỉ huy của quân du kích bị hành quyết tại chỗ, trưởng nhóm bắt đầu hát bài Star-Spangled Banner, thể hiện sự tương đồng giữa người Hàn và người Mỹ. Sự tái lập sự khác biệt giữa họ với người VN khi đối mặt với quân đội Hoa Kỳ, các thành viên HQ sống sót nhờ hát giai điệu của Hoa Kỳ. Mặc dù đạo diễn có thành tích và đã từng biến một bộ phim về tình dục đồng giới thành bộ phim nổi tiếng nhất từng được sản xuất ở HQ (cho đến khi kỷ lục này bị bộ phim The Host vượt qua vào năm sau), ông cũng không khám phá tiếp về sự mập mờ căn bản trong vị thế của HQ ở VN. Trong khi bộ phim là câu chuyện về một người phụ nữ phiêu lưu trong môi trường nam giới thống trị hoàn toàn, và trong khi nó không thu hẹp những sự lựa chọn khó khăn (như khi Suni đồng ý ngủ với viên chỉ huy người Mỹ vì anh ta có thể giúp cô tìm chồng), Sunny là bộ phim đơn thuần lấy HQ làm trung tâm, trong đó VN chỉ là bối cảnh để gia tăng thêm cho sức nặng của những lo lắng trong nước.

Dĩ nhiên truyền thống trình diễn về CTVN quá mạnh để đạo diễn có thể vượt qua hoặc ông có thể muốn đưa ra một số quan điểm khác, nhưng sự mô tả mập mờ về sự bất lực hoàn toàn của quân đội HQ ở VN trong việc tự ra quyết định hoặc giúp Suny tìm chồng chỉ củng cố thêm luận điểm đã có về văn học, sử học và điện ảnh HQ liên quan đến VN: quân đội HQ chỉ là lính đánh thuê ở VN. Họ không cần phải có tiếng nói trong hành động và hệ quả là không phải gánh chịu trách nhiệm. Trong bộ phim này, cũng như văn học về chủ đề này, trách nhiệm cần được đặt vào quân đội Hoa Kỳ.


Bộ phim kinh dị Muoi: Legend of a Portrait, trong phim một nữ văn sĩ HQ viếng thăm người bạn già ở VN và bị bi kịch gắn với bức chân dung của một cô gái trẻ cuốn hút, hoàn toàn theo nghĩa là một bộ phim thực dân. Muoi là dạng phim kinh dị viễn xứ lấy bối cảnh một nơi kỳ thú ở nước ngoài. Bối cảnh đầu tiên là một khu Vườn Địa Đàng có thực: thảm thực vật nhiệt đới tươi tốt được tô điểm bằng các nam gia nhân và nữ hầu xinh đẹp mặc áo dài. Đó là một nơi bí ẩn mà tiền mua được nhiều thứ hơn ở quê nhà: vai phản diện có thể sống xa hoa trong căn biệt thự của bà ta với gia tài mang theo từ HQ. Bất chấp những khung hình đẹp và kỹ thuật quay phim khéo léo, cho thấy VN trong những chi tiết quyến rũ, bộ phim này không nói về VN. Đó là phim về HQ và hầu hết là về sự tưởng tượng của người Hàn về VN. Đồng thời phần của HQ trong CTVN không được thảo luận cũng như dẫn dắt, sự tương đồng giữa lịch sử gần đây của VN và HQ chỉ được phác thảo vài lần.

Góc độ thực dân trong cách người Hàn tưởng tượng về VN cũng được thể hiện rõ trong một phim kinh dị khác là R-point. Vượt trội trên tất cả mọi góc độ (quay phim, giá trị sản xuất, diễn xuất, kịch bản, đạo diễn, biên tập, vân vân…), đó là câu chuyện về một trung đội lính HQ được điều tới một nông trại của Pháp bị bỏ hoang (được gọi là R-point), tại đó họ phải tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với một trung đội lính HQ khác đã mất tích. Những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra và binh lính bắt đầu phát điên hoặc đột tử, đồng thời mọi thứ trở nên rõ ràng là người Hàn trở thành mục tiêu bởi vì họ xâm lược và chiếm đóng VN. Nông trại được xây dựng trên một cái hồ bị lấp, nơi từng là chiến trường giữa quân xâm lược Trung Quốc và quân đội VN. Một tấm bia xuất hiện vào cuối bộ phim, trên đó viết rằng tất cả những kẻ xâm lược VN đều sẽ bị giết. Người Hàn, trong vai trò một đồng minh của người Mỹ, cũng bị coi là những kẻ xâm lược như người Trung Quốc, người Pháp và người Mỹ, tất cả đều sẽ bị giết chết tại cùng một nơi. R-point là một ngoại lệ theo nghĩa là trực tiếp lên án quân đội HQ vì đã xâm lược VN. Một lần nữa, cũng giống như các bộ phim khác, người VN không thực sự được khắc họa trong bộ phim này, nhưng thông điệp của R-point là rõ ràng: những kẻ xâm lược là sai về mặt đạo đức và sẽ bị trừng phạt – ít nhất là trong phim kinh dị, nếu không phải là trong đời thực. Các thức huyền ảo mà R-point được tạo ra khiến người ta hầu như không phân định được rằng những người lính Hàn bất hạnh là nạn nhân trong sự trả thù của những hồn ma VN, thủ phạm hay cả hai, gợi nhớ đến The Shadow of Arms, trong đó thế lưỡng nan tương tự cũng được trình bày nhưng không được giải quyết. R-point đã tiến thêm một bước trong việc đưa ra lời lên án; bộ phim vẫn phù hợp với tư tưởng thông thường của người HQ, khi nó thể hiện binh lính HQ ở VN trước hết là nạn nhân (của chính quyền, Hoa Kỳ và Việt Cộng), trước khi thừa nhận quyền lực thực dân mà họ thi hành (và sự lạm quyền). Tính đạo đức giả của Muoi hay White Badge, những bộ phim nhấn mạnh sự đau khổ chung của VN và HQ, không xuất hiện, nhưng người VN vẫn không xuất hiện (trong bộ phim này có thể nói theo nghĩa đen như vậy).

Cuối cùng, Raybang, trong khi không phải là một bộ phim về VN, dĩ nhiên là biểu tượng đẹp nhất về VN trong trí tưởng tượng của công chúng HQ. Bộ phim ít đề cập đến VN, nhưng thiếu VN thì sẽ không có bộ phim. VN được mô tả như là nơi mà những giấc mơ sẽ trở thành hiện thực và vẫn có thể kiếm được tiền (như bức ảnh cũ kỹ về ông chú đeo kính Ray-Bans đứng cạnh một phụ nữ VN xinh đẹp cho thấy). Sự ám chỉ về VN có ba phần: nó tồn tại trong lịch sử của chiếc kính râm, trong giấc mơ của ba tài xế taxi về việc trốn sang VN để sống cuộc sống tốt hơn và trong việc so sánh giữa sự hi sinh cho kinh tế của thế hệ người chú với sự hi sinh cho kinh tế của thế hệ hiện tại, trong khi cùng phải chịu đựng chung một sự lảng tránh. VN thường xuyên bị giấu đi, nhưng luôn luôn hiện diện như là nơi của những giấc mơ chưa thành hiện thực và những hy sinh chưa được thừa nhận.


Nhận thức về VN

VN đã nhận được sự quan tâm lớn ở HQ vào những năm 90 và những năm gần đây trong thiên niên kỷ mới. Sau khi quan hệ ngoại giao được khôi phục vào năm 1993, doanh nhân HQ bắt đầu tới VN để tuyển dụng thực tập sinh (rẻ hơn công nhân HQ và dễ xin giấy phép lao động hơn), thuê ngoài các hoạt động chế tạo và lập các văn phòng hay nhà máy chi nhánh69. Những bài báo do doanh nhân HQ viết ngay sau khi tái lập quan hệ ngoại giao cho thấy họ phản ánh tư tưởng phổ thông về VN70. Tác giả sắp xếp sự kích động nhuốm màu sợ hãi theo cách ít nhiều phản ánh các tác phẩm của những tác giả thực dân viếng thăm các tỉnh ngoại vi của đế quốc: Có thể nói rằng người HQ viếng thăm VN gần đây đã trải qua các hiện tượng kỳ lạ của trải nghiệm cá nhân về sự siêu việt của người HQ chứ không phải nỗi sợ hãi đối với chủ nghĩa xã hội71.

Sự kết hợp giữa nỗi sợ hãi những điều bí ẩn và cảm giác siêu việt là phép chuyển nghĩa thực dân nổi tiếng (nhất là khi kết hợp với sự bóc lột kinh tế đối với thực tập sinh và công nhân VN ở HQ vào những năm 1990). Thái độ tương tự cũng được phản ánh trong sự thanh thản mà tác giả triển khai hình mẫu thực dân để lảng tránh những hồi ức về sự tham chiến của HQ trong CTVN. Người VN, cũng giống như các dân Đông Nam Á khác, đã dễ dàng quên sự đau khổ của họ và “quá khứ là quá khứ.”72 Hơn nữa, như tất cả các tác giả đã khẳng định, người VN giờ đây cũng giống như người Hàn: “Những nỗi sợ hãi từ chiến tranh vẫn hiện diện nhưng người VN đã quên việc HQ  sát cánh của Hoa Kỳ trong CTVN.”73 Chiến tranh vẫn hiện diện trong hồi ức của khách du lịch HQ; nó không bị quên lãng, chỉ bị đè nén và lảnh tránh, giống như con cừu đen trong gia đình, ông chú ngây ngô mà không ai muốn gặp. Đồng thời, tác giả thường xuyên vui vẻ đến thăm đất nước này, tìm kiếm “Hòn Ngọc Viễn Đông”, như người Pháp đã từng gọi Hà Nội74. Tất cả các trang viết của ông ta đều toát lên cảm giác hoài niệm về một thuộc địa đã mất của thời xa xưa. Khi nhắc lại rằng “những ngôi làng nông thôn của người VN cũng giống như những ngôi làng nông thôn của HQ”75, tác giả đã hoàn toàn chìm đắm trong giấc mơ của thời thực dân. Sự hiểu biết về chiến tranh của ông ta dường như mất tích. Bất cứ nơi nào ông ta tới, ông ta đều nghe thấy rằng “Ttaihan [HQ] là số một!”76 Không ở đâu ông ta vướng vào một cuộc tranh luận về chiến tranh, hay thậm chí là trong tác phẩm du hành của ông ta.

Di tích duy nhất còn lại của chiến tranh được cho phép tham gia vào hiện tại là cái mà ông ta (và những người khác) gọi là “thế hệ thứ hai của Ttaihan”, hay những đứa trẻ có bố là người Hàn và mẹ là người Việt. Toàn bộ chiến tranh bị rút gọn lại thành những đứa trẻ đó, nhiều trong số chúng có cuộc sống khó khăn vì nguồn gốc của bản thân. Nói tóm lại, quan điểm dạng này (tràn ngập trong các tác phẩm du hành được xuất bản trên các tuần báo và nhật báo phổ thông) là thực dân và bảo hộ theo nghĩa đen: tác giả đề cập tới một vài doanh nhân có mối quan tâm huyết thống với thế hệ trẻ em Ttaihan thứ hai và thể hiện vai trò là cha của chúng. Mọi cảm giác về sai lầm liên quan đến chiến tranh đều được thăng hoa trong mối phẫn nộ đúng đắn liên quan đến số phận của con lai Hàn-Việt và những hậu quả của sự tham chiến của HQ chỉ được coi là thiệt hại về con người đối với thế hệ thứ hai của Ttaihan ở VN.

VN hầu như biến mất khỏi nhận thức phổ thông và chỉ tái xuất hiện dưới dạng nơi thực hiện những ước mơ, một phần là bởi vì những gì cựu chiến binh tham chiến ở VN nhận được khi trở về quê nhà. Hướng tới việc kết thúc sự can thiệp quân sự ở VN, sự tiếp nhận cựu chiến binh ở HQ đã thay đổi nhanh chóng, trở thành tiêu cực vào đầu những năm 1970. Có một số yếu tố đóng góp vào sự thay đổi này: thái độ của truyền thông Hoa Kỳ, ngày càng trở nên tiêu cực, số lượng thiệt mạng gia tăng của lính HQ, các chiến thắng của quân đội Bắc Việt và cuối cùng là sự hiểu biết gia tăng của xã hội HQ về các vụ thảm sát thường dân VN mà quân đội HQ gây ra77. Theo một nhà xã hội học: 

Những yếu tố quyết định nhất đối với hồi ức về VN không bao giờ được coi là hồi ức chung, trên thực tế đó là trải nghiệm của một nhóm thiểu số, không bao giờ được người dân HQ chấp nhận; hệ quả là sự đồng cảm của tất cả mọi người nói chung không bao giờ đạt được78.

Nếu như chúng ta bổ sung thêm sự kiểm duyệt, sự đè nén và sự đảo ngược của hồi ức vào đẳng thức, khẳng định này rõ ràng là chân thật. Kết quả là một số thứ theo kiểu phương đông hóa VN đã diễn ra. Trên nền sự phát triển kinh tế thần tốc của HQ và sự thèm khát đối với đầu tư ra nước ngoài của họ vào những năm 1990, VN được tái cấu trúc trong nhận thức phổ thông thành nơi của những tiềm năng, nơi mà người ta có thể tới và tạo ra điều gì đó cho bản thân. Chiến tranh dường như phải bị quên lãng. Khi nói với chủ tịch VN vào năm 1992 ngay trước khi tái lập quan hệ ngoại giao, tổng thống Roh Dae Woo (một cựu binh tham chiến ở VN) đã bóng gió đề cập đến chiến tranh. Ông ta tuyên bố: “Tôi cảm thấy đáng tiếc về những thời kỳ bất hạnh trong lịch sử của chúng ta.”79 Kim Dae Jung đã thận trọng khi nói với chủ tịch VN vào năm 2001: “Tôi lấy làm tiếc về sự thật là việc tham chiến vào một cuộc chiến tranh bất hạnh mà chúng tôi không sẵn sàng đã gây ra cho người dân VN những đau khổ và xin gửi tới các bạn những lời chia buồn.”80

Mặc dù chiến tranh chỉ được liên hệ một cách không trực tiếp song rõ ràng là trách nhiệm về những gì đã xảy ra không nằm ở phía HQ. Đồng thời, VN được coi là mối quan tâm mới ở HQ và trong nhận thức phổ thông của HQ. Với việc HQ là nhóm di dân lớn thứ hai ở VN (54.000 vào năm 2007 và 84.000 vào năm 2009)81, đầu tư ở Việt Năm tăng từ 2 tỷ dollar vào năm 1996 lên 11 tỷ dollar vào năm 20782. Có khoảng từ 2.000 đến 3.000 trung tâm môi giới được thành lập ở HQ để môi giới hôn nhân giữa phụ nữ VN và đàn ông HQ83. Các biển quảng cáo “Trinh nữ VN베트남 ” thường xuyên xuất hiện ở các khu vực nông thôn. Các trung tâm này có vẻ khá hiệu quả: từ năm 2006 trở lại đây có khoảng 5.000 phụ nữ VN kết hôn với đàn ông HQ mỗi năm (chủ yếu là nông dân), nhằm tìm kiếm sự ổn định tài chính và phong cách sống xa hoa mà Làn Sóng Hàn phổ biến (phim truyền hình ủy mị dài tập rất được ưa chuộng ở VN)84. Các hướng dẫn thực hành, lịch sử phổ thông về VN và bộ tra cứu tiếng Việt tràn ngập thị trường, mặc dù những điều đáng chú ý trong lịch sử tham chiến của quân đội HQ ở VN hiếm khi được đề cập (nếu không nói là hoàn toàn không)85. Sự quan trọng hiện tại của VN đối với HQ bị phức tạp hóa bởi quá khứ chung của hai quốc gia. Khi tổng thống Lee Myoung Bak viếng thăm VN vào năm 2009, xung đột đã vây quanh việc chuẩn bị chuyến tham. Giống như người tiền nhiệm Roh Moo Hyun, Lee quyết định tới thăm lăng Hồ Chí Minh để đặt vòng hoa, giải thích rằng Hồ “trong vai trò lãnh đạo của nhân dân VN là biểu tượng mà tôi không thể vờ như không biết đến.” Ông ta làm việc đó bất chấp sự phản đối quốc nội đáng kể chống lại ý tưởng của tổng thống HQ về việc bày tỏ sự tôn kính đối với một người từng là kẻ thù của quốc gia. Cả Kim Young Sam lẫn Kim Dae Jung đều không viếng thăm lăng khi họ đến thăm VN vào năm 1996 và 1998. Vấn đề phức tạp hồi đó là việc Lee ký một đề xuất lập pháp về việc cải thiện sự chăm sóc đối với cựu chiến binh HQ tham chiến ở VN. Đề xuất này có một câu khiến chính quyền VN phản đối kịch liệt: “các cựu chiến binh tận tụy của CTVN là những người đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình thế giới.”

Chính quyền HQ đã nhượng bộ trước sức ép của VN và hứa hẹn “theo đuổi một lộ trình loại bỏ mọi sự biểu đạt mang tính tiêu cực về ngoại giao đối với cả hai bên.” Bị buộc phải đánh đu giữa những người ủng hộ bảo thủ bằng cách “trở nên cực kỳ lịch sự khi đề cập tới quá khứ [quốc gia] của chúng ta” và “khiêm nhường” tìm kiếm các quan hệ kinh tế quan trọng với VN “cho tương lai”, Lee đã phải trải qua những cạm bẫy của nhận thức của HQ về CTVN86.

VN (nhờ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với HQ và vị thế một nhà nước cộng sản) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý người tị nạn Bắc Triều Tiên. HQ tổ chức một số nhà an toàn ở VN cho người tị nạn Bắc Triều Tiên và con đường tới VN không nguy hiểm như các đường thoát khác87. Vào năm 2004, VN đã gánh chịu sự tức giận của Bắc Triều Tiên khi cho phép 468 người tị nạn được di tản bằng đường hàng không khỏi VN và bay tới HQ88. Hay nói cách khác, VN đóng vai trò người trung gian trong mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và HQ.

Vai trò của cựu chiến binh tham chiến ở VN trong mối quan hệ mới giữa VN và HQ là gì? Hầu như không, có lẽ vậy. Họ bị loại hoàn toàn khỏi bối cảnh. Sau khi bị lảng tránh suốt hai thập kỷ, vào năm 1992, việc nhiều cựu chiến binh chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam và các chất khai quang khác đã được sử dụng ở VN được công khai89. Một số hội cựu chiến binh đấu tranh để hội chứng được công nhận và các cựu chiến binh được bồi thường90. Trong khi sự đấu tranh vẫn tiếp diễn, các hội cựu chiến binh tham chiến ở VN chủ yếu hoạt động trên web, có ít hoạt động trong các lĩnh vực khác. Duy trì các website chìm đắm trong hoài niệm về một VN đã biến mất bốn thập kỷ trước, các hội cựu chiến binh muốn thông qua các website và thành viên của họ lưu giữ ký ức về CTVN: những sự hi sinh đã xảy ra và những điều kinh hoàng đã trải qua91

Đây là một ngoại lệ đối với hầu hết sự lãng quên đối với sự tham chiến của HQ trong CTVN. Ngay giữa sự bùng nổ của VN vào năm 1999, tuần báo cánh tả Hangyŏre 21 phát động sáng kiến bù đắp thiệt hại mà quân đội HQ gây ra cho VN92. “Hãy cầu xin để lịch sử đáng buồn của chúng ta có thể được tha thứ” – một sáng kiến nhằm gây quỹ cho nhiều mục tiêu: xây dựng bệnh viện ở VN; đưa các nhà báo tới thăm các địa điểm thảm sát thường dân để phục vụ cho mục đích nghiên cứu; thực hiện các cuộc phỏng vấn với người VN sống sót trong các vụ thảm sát cũng như các cựu chiến binh HQ sẵn sàng nói về phía họ trong các vụ thảm sát93. Sáng kiến đã nhanh chóng thu được sự ủng hộ của phụ nữ HQ, những người đã bị buộc phải làm phụ nữ giải trí phục vụ lính Nhật Bản trong Thế Chiến thứ II94. Nhanh chóng nổi tiếng (kích động), sáng kiến đã giúp cho ba NGO về bồi thường cho VN dưới dạng viện trợ nhân đạo được thành lập. Đồng thời nó cũng khiến cho các cựu chiến binh tham chiến ở VN tức giận, họ cảm thấy bị phản bội khi Hangyŏre 21 phủ nhận sự biện minh đạo đức của họ. Họ tổ chức biểu tình và thậm chí tấn công và chiếm đóng các cơ sở của nhóm Hangyŏre, tấn công một số nhân viên của nhóm với gậy sắt95. Sau nhiều năm, có một số người lên tiếng thúc giục việc xem xét lại vai trò của HQ trong chiến tranh VN, nhưng những người này bị cô lập, không bao giờ đạt được mức độ thừa nhận (hoặc là sự sỉ nhục đối với một số người) giống như sáng kiến Hangyŏre 21. Bất chấp quy mô và hoạt động kéo dài cả năm (với hàng trăm bài báo về các vụ thảm sát ở VN được công bố), sáng kiến đã không thành công trong việc xâm nhập vào ý thức phổ thông của người HQ.

Điều này là rõ ràng dựa trên sự thực là dân chúng HQ đã không thay đổi một cách đáng kể nhận thức của họ về VN sau khi sáng kiến kết thúc vào năm 2001: các sản phẩm từ văn hóa đại chúng (điện ảnh, phim truyền hình, tiểu thuyết, vân vân…) vẫn tiếp tục lảng tránh đề cập về CTVN và sự tham gia của HQ.

Kết luận

Trong khi lợi nhuận thu được từ chiến tranh VN là quan trọng đối với sự phát triển kinh tế thần tốc của HQ vào những năm 1970, sức mạnh của “chính trị đau khổ” ở HQ khiến cho HQ tham gia vào CTVN đã được công thức hóa thành khái niệm sự đau khổ của HQ, với một số ngoại lệ nhỏ. Lập luận này khẳng định rằng HQ cũng chịu đau khổ từ chiến tranh như VN, một khẳng định mà sự thật đã không và không thể đo lường. Lập luận này còn khai thác hình ảnh phản chiếu của lịch sử VN trong phạm vi tường thuật về sự phát triển kinh tế của HQ theo hướng có lợi cho lập luận của HQ về đặc trưng và lịch sử. Chính trị đau khổ giờ đây thuộc về phạm vi công một cách chắc chắn, đã được sự kiểm duyệt của chính quyền đối với các nghiên cứu liên quan đến CTVN nuôi dưỡng trong nhiều năm. Sự đau khổ thực sự của lính HQ ở VN cũng như người lao động HQ đã đóng góp vào sự thần kỳ của Hàn đã bị bỏ qua trong lập luận này. Một ít tiểu thuyết viết về CTVN của cựu chiến binh tham chiến ở VN chỉ củng cố thêm hình ảnh cho thấy sự tham chiến của HQ là sự bắt buộc, trách nhiệm của HQ biến mất (Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm) và người Hàn cũng chịu sự đau khổ lớn lao như người VN.

Sử học chuyên nghiệp hầu như tuân theo một cách không phê phán quan điểm phổ thông về CTVN tới mức mà lịch sử của VN do một nhà sử học chuyên nghiệp xuất bản ở HQ hoàn toàn bỏ sót việc tham chiến của quân đội HQ trong CTVN. Việc các nhà sử học chuyên nghiệp (cho đến rất gần đây) không tham gia vào cái mà một nhà sử học HQ coi là “sự kiện quốc tế có ảnh hưởng lớn nhất mà HQ từng đối mặt ngoài Chiến Tranh Triều Tiên”96, đã khiến cho hai huyền thoại quốc gia và lịch sử phổ thông không bị thách thức: huyền thoại về việc điều thần kỳ ở Hàn hoàn toàn là sản phẩm tự thân thay vì được CTVN tài trợ và huyền thoại về việc HQ chưa bao giờ xâm lược một quốc gia khác. Những huyền thoại này – vốn trên thực tế là những huyền thoại căn bản hay huyền thoại chính trị căn bản – tối quan trọng trong việc duy trì sự tự nhận thức và đặc trưng quốc gia của HQ. Việc xem xét lại tầm quan trọng của CTVN trong lịch sử và xã hội HQ sẽ không thể tránh khỏi sự liên quan đến việc xem xét lại đặc trưng quốc gia của HQ đương đại.

Theo nhiều cách, CTVN là một lĩnh vực không điển hình của nghiên cứu lịch sử. Các tranh luận về đạo đức thường xuyên bao quanh các chủ đề gây tranh cãi khác trong sử học HQ đều bị chính trị đau khổ loại bỏ và dường như không có mấy hội thoại hay đối thoại giữa lĩnh vực nhận thức phổ thông và nghiên cứu chuyên nghiệp. Trái lại, hầu hết các trường hợp nghiên cứu chuyên nghiệp đều nhắc lại các nội dung của nhận thức phổ thông. Một ví dụ mâu thuẫn do tạp chí Hangyŏre (cũng do nhà xuất bản ủng hộ sáng kiến chuộc lỗi Hangyŏre 21 phát hành) cung cấp. Vào cùng một ngày, bài báo dài và đầy phẫn nộ về vụ thảm sát thường dân do quân đội Hoa Kỳ gây ra ở Nogŭn-ri vào năm 1950 và Hoa Kỳ không xin lỗi chiếm ngay trang nhất, trang ba đăng tải nổi bật một cuộc phỏng vấn Ch’ae Myŏngshin, cựu tổng tư lệnh của quân đội HQ ở VN, trong đó Ch’ae biện minh trước những lời cáo buộc của VN về việc lính của ông ta thảm sát thường dân VN. Theo Ch’ae, lính HQ không đáng bị lên án, do họ không thể phân biệt được giữa du kích Việt Cộng và thường dân VN. Nực cười thay, đó cũng chính là lập luận mà bính lính Hoa Kỳ dùng để biện minh cho vụ thảm sát Nogŭn-ri.

Cần phải khẳng định rõ ràng rằng sự đối xử đối với CTVN trong lịch sử hiện đại của HQ không phải là không có sự tương tự. Nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có quá khứ thuộc địa, cũng cung cấp những ví dụ tương tự trong lịch sử quốc gia của họ. Ví dụ gần gũi là quá khứ thực dân của Hà Lan không bao giờ được nhận thức phổ thông của người Hà Lan thừa nhận (và cũng gần như không được các nhà sử học chuyên nghiệp thừa nhận). Bằng cách thể hiện sự đau khổ của người Hàn trong Chiến Tranh Triều Tiên và binh lính HQ trong và sau CTVN, phần VN đã bị đẩy ra khỏi câu chuyện, việc người Hà Lan đau khổ trong những trại tử thần của Nhật Bản thời Thế Chiến II97 đã khiến cho việc đối mặt với hậu quả của chính sách thực dân (bóc lột, lạm dụng, thảm sát) kéo dài 350 năm ở Indonesia98 hoàn toàn là bất khả thi. Sự đau khổ của cựu chiến binh Hà Lan trong cái vẫn được nói trại là “hoạt động cảnh sát của Hà Lan” (hiện giờ được coi là các cuộc tấn công do cựu thực dân chủ mưu để đàn áp cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia) cũng góp phần ngăn cản tiếng nói của Indonesia  trong cuộc tranh luận phổ thông của Hà Lan99. Cũng giống như đồng sự HQ, binh lính Hà Lan đã trải qua một cuộc chiến tranh dài tại quốc nội trước khi được gửi tới vùng nhiệt đới. Sự đau khổ của họ (ngẫu nhiên là rất thực), cả trong và sau cuộc chiến độc lập, vẫn tiếp tục cản trở quan điểm tự do hơn của lịch sử thuộc địa, lợi ích của bản thân nó không thể hiện như là chủ nghĩa vị tha. Chính trị đau khổ, việc khai thác sự đau khổ của con người cho mục tiêu chính trị, không có quốc tịch. Câu chuyện này có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, trong hàng sa số các phiên bản, hình dạng và hiện tượng, hằng số duy nhất là sự đau khổ của con người và sự thao túng nó.    

Sự thịnh hành của chính trị đau khổ trong hồi ức về CTVN (được sự kiểm duyệt của chính quyền hỗ trợ) đã tạo ra hình ảnh xuyên tạc về VN, trong đó VN chỉ được nhớ tới như là nơi dễ kiếm lợi nhuận và phiêu lưu cũng như là nơi thể hiện sự ưu việt của người Hàn. Sự bùng nổ của VN vào những năm 1990 xác nhận khái niệm này đã đến hồi kết thúc, do HQ trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào VN. Điện ảnh về VN của HQ phản ánh thái độ này một cách trung thành. Cũng giống như các tác phẩm phổ biến về VN, nhìn chung chúng mang tính chất thực dân, phương đông hóa và kỳ thú. Người VN được mô tả (nếu như họ được mô tả) giống như người Đông Nam Á điển hình, dễ dàng hài lòng và vui lòng tha thứ, sự kỳ thú phong phú, nhiệt đới và huyền bí bao quanh họ. Trong đó, những bộ phim trình bày một sự tương đồng với các bộ phim kỳ thú dựa trên bối cảnh thuộc địa ở khắp nơi trên thế giới. Ban đầu tôi đã dẫn chứng tác phẩm của Hwang Sok-yong cho thấy trong tưởng tượng của ông thì sự khác biệt giữa thế hệ cha của ông, phải phục vụ cho Quân Đội Đế Quốc Nhật Bản, và thế hệ của ông, phải phục vụ và chết ở VN cho Hoa Kỳ, không lớn. Tác giả có thể mở rộng sự so sánh này bằng cách lưu ý rằng Manchuria trong trí tưởng tượng thực dân của Triều Tiên dưới thời Nhật Bản cai trị Triều Tiên là nơi tìm kiếm lợi nhuận, phiêu lưu và tiềm năng, cũng có thể chuyển sang cho VN vào những năm 1990. Trong khi Manchuria là thuộc địa của thuộc địa (ít nhất là trong trí tưởng tượng của công chúng) dưới thời thực dân Nhật Bản, VN trở thành thuộc địa của thuộc địa dưới thời phụ thuộc vào Hoa Kỳ vào cuối những năm 1960 và 1970100. Cả hai đều sinh ra các tường thuật về sự chinh phục (tình dục hoặc chủ đề khác), lợi nhuận và sự hứa hẹn về cuộc phiêu lưu kỳ thú. Chiến tranh, nếu như được đề cập, chỉ là một hồi ức bị quên lãng, một thân xác nằm trong nấm mộ không dấu vết. Nhưng cùng với thời gian, mùi hôi thối của nó bốc lên.

Chú thích:

Phần này tôi không dịch để rút gọn bài, xin hãy xem bản gốc tiếng Anh được dẫn link ở tiêu đề.