Showing posts with label Tham nhũng. Show all posts
Showing posts with label Tham nhũng. Show all posts

Wednesday, September 7, 2016

Hàn Quốc: Tham nhũng cộng sinh với sự phát triển kinh tế thần kỳ

Tham nhũng gắn liền với sự tăng trưởng thần tốc là vấn đề bế tắc của cả nghiên cứu về tham nhũng cũng như mô hình tăng trưởng kinh tế của các nước công nghiệp mới (NIC). Tuy vậy, điều này không quá xa lạ khi được đối chiếu với lịch sử hình thành của các nước tư bản phương Tây. Hàn Quốc là một trường hợp điển hình ở Đông Á cho thấy tham nhũng gắn liền với công nghiệp hóa và phát triển kinh tế thần tốc. Hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển nhưng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nạn tham nhũng trong cả chính quyền cũng như doanh nghiệp tư nhân. Trong quá khứ, chính quyền Hàn Quốc đã trực tiếp can thiệp vào kinh tế, chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển theo định hướng, cung cấp tín dụng ưu đãi, ưu đãi về các điều kiện hành chính và kinh doanh, đổi lại sẽ nhận được những khoản lại quả hậu hĩnh của doanh nghiệp để đầu tư cho mạng lưới bảo trợ về chính trị, tức là doanh nghiệp và chính quyền cùng nhau củng cố sự thống trị và đàn áp người lao động. Trong tình hình đó thì nạn tham nhũng cũng gạt bỏ các tổ chức chính trị của người lao động và vì vậy nó gắn liền với sự tích lũy tư bản nhanh chóng của Hàn Quốc. Các nhóm tài phiệt lớn của Hàn Quốc đều được hình thành trong giai đoạn đầy tham nhũng của Hàn Quốc và vươn lên trở thành các đế chế tư bản quốc tế, mặc dù họ vẫn tuân thủ theo các truyền thống quan hệ dựa trên địa phương, gia tộc hoặc cá nhân. Điều này cho thấy chủ nghĩa tư bản trên một góc độ nào đó đã thích nghi với những truyền thống lâu đời của xã hội phương Đông.

Dưới đây là bản dịch bài báo “Corruption and NIC development: A case study of South Korea” của Jonathan Moran, Khoa Kinh Doanh, Đại học John Moores Liverpool, Anh Quốc.

Tham nhũng và sự phát triển của NIC: Một nghiên cứu điển hình về Hàn Quốc

Tóm lược. Cuộc tranh luận về tham nhũng và thành tích kinh tế đã nghiêng ngả từ lập trường này sang lập trường khác trong nhiều thập kỷ. Vào những năm 1960, trường phái tư tưởng gắn với lý thuyết hiện đại hóa cho rằng tham nhũng thường có quan hệ tích cực với tăng trưởng kinh tế (Huntington, 1968: Leff, 1964). Sau đó, tham nhũng bị coi là tai hại đối với sự tăng trưởng do phá hoại cơ sở của các chính sách công ổn định, duy lí cũng như sự phân bổ thông qua thị trường (Rose-Ackerman, 1978; Theobald, 1990), tham nhũng vẫn được đánh giá theo tình huống đó cho đến hiện nay, đặc biệt là sau “sự bùng nổ tham nhũng” của những năm 1990 (Alam, 1989; Leiken, 1997; Naim, 1995). Các nước Đông Á đóng vai trò là các nghiên cứu điển hình quan trọng về vai trò của tham nhũng trong công nghiệp hóa: bài báo này tập trung vào Hàn Quốc. Thứ nhất là do tham nhũng đồng tồn tại với sự phát triển. Thứ hai, tham nhũng ở Hàn Quốc  vào nhiều thời điểm khác nhau là thực dụng, gây hại, phi lý và hợp lý, nhưng luôn luôn hiện diện trong thời kỳ công nghiệp hóa thần tốc. Dĩ nhiên điều này không hàm ý cho rằng tham nhũng nuôi dưỡng tăng trưởng hay khuyến nghị tham nhũng như là một lựa chọn chính sách cho các nền kinh tế đang phát triển hay đang chuyển đổi, do có bằng chứng cho thấy trong nhiều trường hợp thì tham nhũng là có hại cho sự phát triển. Bài báo này tìm hiểu vai trò của tham nhũng trong sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc để hiểu rõ hơn về bản thân hiện tượng tham nhũng.

Dẫn nhập

Đông Á có một vị trí ngoại lệ trong cuộc tranh luận về tham nhũng và thành tích kinh tế. Thứ nhất, bằng chứng cho thấy mức độ tham nhũng cao bất thường đã đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế thần tốc. Câu trả lời thường là giả định không có sự tồn tại của hiện tượng này, ví dụ như Alam khẳng định: “Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore là những nước không có tham nhũng mang tính hệ thống” trong khi Indonesia dường như chỉ tham nhũng dưới thời Sukarno (Alam, 1989, p.444). Logic ở đây là rõ ràng: do những nước này đã phát triển về kinh tế nên họ không thể có tham nhũng mang tính hệ thống. Hay nói cách khác, tham nhũng được giải thích là xảy ra ở mức độ không nghiêm trọng hoặc không tập trung (Wade, 1990) hoặc không phù hợp với quá trình phát triển kinh tế chủ đạo. Tuy vậy, những bê bối gần đây ở Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia cũng như những bê bối hiện tại ở Nhật Bản đã cho thấy một quá trình đã tồn tại – và là hệ thống – trong nhiều thập kỷ.

Thứ hai, kết quả là mọi phân tích triệt để về tham nhũng hầu như đều vắng mặt trong các công trình về tăng trưởng kinh tế Đông Á. Trong công trình nổi bật về sự phát triển của Châu Á, Robert Wade chỉ dành 5 trong số 393 trang cho tham nhũng, coi tham nhũng chỉ là thứ diễn ra ở cấp độ thấp (Wade, 1990). Các bộ sách tăng lên nhanh chóng của các cựu kỹ trị đã từng thi hành các chính sách cấp cao trong thời kỳ công nghiệp hóa cũng lảng tránh tham nhũng, thường là theo nguyện vọng của họ về việc không tiết lộ các hành động phi pháp và/hay mong muốn được tái tuyển dụng trong tương lai. Trong nhiều năm gần đây, nhiều nhà kỹ trị - một số người đã viết những tác phẩm về sự phát triển kinh tế không có tham nhũng của Hàn Quốc – đã bị cáo buộc về liên quan đến tham nhũng và tiết lộ thông tin.

Thứ ba, một phần lý do của việc phân tích hiện tượng này một cách miễn cưỡng là mức độ tham nhũng cao tạo ra các vấn đề cho những mô hình phát triển cố gắng giải thích sự tăng trưởng thần tốc. Nhiều công trình cổ điển về công nghiệp hóa Hàn Quốc của cả cánh tả và cánh hữu đều dựa vào các khái niệm (của Weber hay Khổng Tử) về một giới hành chính duy lý, độc lập, trong việc triển khai các kế hoạch phát triển quốc gia. Nếu như tham nhũng tồn tại thì đó là do giới thượng lưu chính trị, họ nhận các khoản lại quả lớn còn các công chức thì không nhận được gì. Điều này đã hoàn toàn bỏ qua (a) hoàn cảnh chính trị tổng thể của sự phát triển và (b) cách thức mà giới công chức, kinh tế và thượng lưu chính trị ở Hàn Quốc (cũng như Đông Á) đã tham gia sâu vào các hoạt động phi pháp, bóp hầu bóp cổ, tìm kiếm đặc lợi, vân vân. Các công trình gần đây đã bắt đầu mô tả vai trò của tham nhũng trong sự tăng trưởng kinh tế thành công và chỉ ra sự quan trọng của việc phân phối quyền lực chính trị đối với tác động kinh tế tích cực hay tiêu cực của tham nhũng (Khan, 1996; 1998). Tuy vậy, việc áp dụng một tầm nhìn lịch sử/theo bối cảnh vẫn là cần thiết.

Bài báo này lập luận rằng mức độ tham nhũng cao đã đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế và cho rằng giới công chức đã (a) bện chặt với giới lãnh đao chính trị, (b) bản thân giới công chức là tham nhũng, (c) việc xây dựng chính sách kinh tế không chỉ là duy lý/Khổng Giáo mà còn bị chính trị hóa sâu sắc và (d) sự hiện diện của tham nhũng có tác động đến tăng trưởng kinh tế, nếu không rõ ràng trong ngắn hạn, tức là sự ổn định dài hạn.

Nhà nước, sự phát triển và hoàn cảnh tham nhũng ở Hàn Quốc

Sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc đã thể hiện hai đặc trưng sau: công nghiệp hóa thần tốc gắn với sự biến đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang một nền công nghiệp đa dạng với công nghiệp nặng, hóa chất, điện tử, chế tạo máy và công nghệ cao, vài trò to lớn của nhà nước trong việc tạo dựng, củng cố thị trường và kiểm soát đầu tư, cuối cùng là vai trò của xuất khẩu trong việc định hướng tăng trưởng.

Nhà nước là một biến số quan trọng trong các cuộc tranh luận về phát triển. Chủ đề đã thay đổi từ giải thích mô hình tăng trưởng theo định hướng thị trường của Hàn Quốc sang nghiên cứu vai trò to lớn của nhà nước, nhưng bản thân điều này này lại bị thay thế bằng chủ đề về cách thức nhà nước tương tác với thị trường. Tuy vậy, vai trò của nhà nước là trung tâm, bất kể là sửa chữa các méo mó của thị trường hay các chính sách củng cố. Bên cạnh đó, vai trò chính trị/cưỡng bức của nhà nước cũng không thể đặt ra ngoài sự phát triển. Các thức mà nhà nước đàn áp cả người lao động cũng như giới kinh doanh là nhân tố sống còn, như là bản chất chính trị của việc lập chính sách nói chung.

Mặc dù các di sản của chế độ thực dân Nhật Bản và thời kỳ hậu chiến là quan trọng song sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc hiện đại có thể coi là bắt nguồn những thay đổi kinh tế được áp dụng sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961, vốn được coi là sự trỗi dậy của một nhà nước mạnh, độc lập với các lợi ích cục bộ. Nhà nước kiểm soát kinh doanh, người lao động và các nhóm xã hội dân sự trong một hệ thống gần như hợp tác xã mà quân đội đóng vai trò là xương sống của chế độ và các cơ quan tình báo kiểm soát hoàn toàn sự bất đồng. Trên phương diện kinh tế, các Kế Hoạch Năm Năm liên tiếp được xây dựng dựa trên sự kiểm soát toàn diện của nhà nước đối với hệ thống tài chính. Nhà nước cung cấp sự hỗ trợ và phần thưởng cho doanh nghiệp thường xuyên – nếu không nói là luôn luôn – kết hợp với các tín hiệu của thị trường. Hơn nữa, uy tín của chính sách kinh tế chủ yếu dựa trên quyền lực chính trị của tổng thống và Cục Tình Báo Trung Ương Hàn Quốc (KCIA).

Về tham nhũng thì nhà nước cũng quan trọng song không phải là biến số duy nhất. Sự tham nhũng ở Hàn Quốc bắt nguồn từ sự tác động qua lại của nhiều nhân tố lịch sử và cấu trúc. Nhà nước mạnh là sống còn nhưng các lực lượng xã hội (cụ thể là các nhóm doanh nhân mới) yếu và truyền thống về mạng lưới bảo trợ-thân hữu (guanxi) của các gia đình, trường học, các mối liên hệ địa phương, vân vân. Phần tiếp theo sẽ giải thích ngắn gọn những điểm này.

Ngay cả trước khi được thành lập như một nhà nước có chủ quyền vào năm 1948, Hàn Quốc đã mang đặc trưng là quyền lực trung ương mạnh. Thời kỳ cai trị tàn bạo của đế quốc Nhật Bản 1910-1945 gắn liền với chương trình hiện đại hóa cưỡng bức theo cái được gọi là một nhà nước “phát triển thái quá”, tức là các chức năng chính trị, hành chính, cưỡng bức và kinh tế quá lớn so với quốc tế (Cumings, 1984). Mô hình nhà nước mạnh đã sống sót qua các cuộc nội loạn hậu chiến và Chiến Tranh Triều Tiên. Một phần là nhờ vào Chính Quyền Quân Sự Hoa Kỳ (AMG) trong khoảng thời gian 1945-48, duy trì các chức năng cưỡng bức của nhà nước để đàn áp các hoạt động dân túy, cánh tả và cộng sản. Syngman Rhee, tổng thống từ năm 1948 đến 1960, đã tuyển mộ lực lượng cảnh sát, mật vụ và các nhóm du kích cánh hữu để đe dọa các đối thủ và thao túng các cuộc bầu cử cho đến khi ông ta bị các cuộc biểu tình của sinh viên lật đổ. Tuy vậy, nhà nước quyền lực đã mở rộng và hồi phục sau cuộc đảo chính năm 1961 của Park Chung Hee. Dân chủ “có quản lý” được áp dụng sau cuộc đảo chính chỉ chấm dứt vào năm 1972 để nhường chỗ cho một nhà nước an ninh quốc gia trưởng thành hoàn toàn, khi mà Park dường như sẽ thất bại trong bầu cử. Một cuộc đảo chính khác vào năm 1980 sau vụ ám sát Park đã đưa một chính quyền do quân đội hậu thuẫn khác dưới sự lãnh đạo của Chun Doo Hwan lên cầm quyền. Do đó, trong giai đoạn 1961-1987, nhà nước quân sự đã thống trị sự phát triển chính trị ở Hàn Quốc. Sự yếu đuối của các nhóm xã hội dân sự là một đặc trưng quan trọng liên quan tới hoàn cảnh tham nhũng. Ví dụ, so với Mỹ Latin thì tổ chức của người lao động yếu và hoàn toàn bị AMG cũng như chính quyền Rhee vô hiệu hóa. Các nhóm xã hội dân sự khác cũng yếu do các cấu trúc tiền thuộc địa hoặc sự biến đổi hiện đại của chế độ thuộc địa và Chiến Tranh Triều Tiên. Các nhóm kinh doanh/doanh nhân (cũng giống như Đông Bắc Á – ngoại trừ Nhật Bản – và Đông Nam Á) rất nhỏ bé về quy mô, nguồn lực và sự hợp pháp chính trị. Tầng lớp kinh doanh ở Hàn Quốc rất yếu và không được ưa thích do sự hợp tác của họ với người Nhật. Những tính chất đó được củng cố thêm bằng những thỏa thuận tham nhũng của họ với chính quyền Rhee và việc họ kiếm lợi trong Chiến Tranh Triều Tiên.

Nhiều mạng lưới bảo trợ-thân hữu phi chính thức đan kết với quan hệ đó, ví dụ các mối liên hệ địa phương. Tỉnh phía nam Kyongsang là căn cứ của nhóm sĩ quan quân sự tổ chức đảo chính vào năm 1961, trong đó có Park Chung Hee và cháu vợ của ông ta là Kim Jong Pil, người sáng lập tổ chức KCIA. Cuộc đảo chính đã củng cố sự thống trị của Kyongsang. Cả Chun Doo Hwan, người tổ chức đảo chính năm 1979-80 sau vụ ám sát Park, lẫn Roh Tae Woo (người giúp Chun lên nắm quyền, sau này vào những năm 1980 đổi phe thành dân chủ và thắng cử tổng thống năm 1987) đều có liên quan đến tỉnh này. Trong số 20 tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất (chaebol), chín người sáng lập xuất thân từ Kyongsang, ba trong số năm tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất cũng vậy (Chon, 1992, p.168). “Số lượng người lớn bất thường có xuất thân từ tỉnh Kyongsang tham gia vào các vị trí có ảnh hưởng sâu sắc trong chính quyền và công nghiệp” (Chon, 1992, p.166). Kim Woochoong, người sáng lập tập đoàn Daewoo đã được tham gia vào mạng lưới quyền lực do bố ông ta đã dạy Park Chung Hee ở trường Kỹ Thuật Taegu. Trong Kyongsang, “phái T-K” (trường Kỹ Thuật Taegu/trường Sư Phạm Trung Học Kyongbuk) là mối quan hệ quan trọng nhất, các thành viên của chúng và hậu duệ của họ đã thống trị các thiết chế quân sự/an ninh và chính trị. Các mối quan hệ khác cũng được thiết lập, thường là các liên minh địa phương trong trường học, Học Viện Quân Sự, cựu sinh viên. Một mạng lưới các mạng lưới được mở rộng, kết nối quân đội, chính trị và kinh doanh, thường xuyên được bổ sung bằng các hội nhóm bí mật hoặc phi chính thức. Ví dụ, trước cuộc cải cách dân chủ, quân đội kiềm chế khoảng 40 hội nhóm bí mật, nổi tiếng nhất là Hanahoe (Một Tư Duy), cơ sở mà Chun Doo Hwan dùng để tổ chức đảo chính vào năm 1980. Giới thượng lưu nhà nước là các nhân tố chủ chốt trong những quan hệ đó.

Động lực khiến tham nhũng nở rộ cả trong nền dân chủ yếu (1948-1961) lẫn chế độ quân sự (1961-1987) bắt nguồn từ tác động qua lại của nhiều yếu tố: nhà nước mạnh, các nhóm xã hội dân sự yếu và hoạt động của các nhóm có mối liên hệ “bí ẩn” (della Porta and Pizzorno, 1996). Mối quan hệ đã phát triển, coi dấu hiệu của các thể chế hiện đại là năng lực, sự lập kế hoạch và tổ chức, mà tổ chức lại được thâm nhập bằng quan hệ cá nhân, các hội nhóm và các mạng lưới phi chính thức. Động lực này đã thường xuyên bị bỏ qua khi xem xét sự tăng trưởng và tham nhũng của Hàn Quốc.

Vấn đề tham nhũng ở Hàn Quốc: chính quyền Rhee 1948-1960

Để giải thích cách tham nhũng đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế thì cần phải nghiên cứu Hàn Quốc trong những năm 1950, khi tham nhũng đã gây tổn hại rõ ràng cho sự phát triển kinh tế. Các chính sách chính trị và hệ tư tưởng của Syngman Rhee dựa trên việc duy trì sự cai trị của bản thân ông ta, sự thống nhất bán đảo Triều Tiên và một lập trường chống Nhật Bản. “Chính sách” kinh tế của ông ta thể hiện khát vọng nắm quyền lực vĩnh viễn. Kinh tế Hàn Quốc có đặc trưng là sự kiểm soát chặt chẽ đối với sản phẩm nội địa và sự phân bổ tài chính bắt nguồn từ Chiến Tranh Triều Tiên. Hơn nữa, nền kinh tế cũng được bảo vệ trước sự cạnh tranh quốc tế, hàng nhập khẩu được kiểm soát bằng giấy phép và các khoản viện trợ quốc tế cần thiết được cung cấp dưới dạng không hoàn lại, viện trợ kỹ thuật và lương thực, vân vân. “Mục tiêu chủ chốt của kinh tế đối ngoại Hàn Quốc dưới thời Rhee là tối đa hóa dòng viện trợ kinh tế và quân sự từ các nguồn công ích; dòng tư bản từ các nguồn lực tư nhân không được khuyến khích” (Westphal et al., 1979: 360). Rhee hoàn toàn nằm trong sự điều khiển của chính quyền Hoa Kỳ, nhất là khi họ cần ông ta trong vai trò của một đồng minh chống cộng.

Rhee sử dụng ảnh hưởng của ông ta đối với viện trợ nước ngoài và kinh tế nội địa để tạo ra cấu trúc bảo trợ-thân hữu liên kết cộng đồng kinh doanh yếu của Hàn Quốc. Những người kinh doanh thân hữu nhận được các hãng trước đây thuộc về người Nhật với giá thấp, các giấy phép nhập khẩu hàng hóa khan hiếm, các khoản vay bằng đồng dollar cũng như các lợi thế khác giúp cho họ độc quyền trên thị trường. “Tỷ lệ chênh lệch 3:1 của tỷ giá thị trường ngoại hối chính thống và chợ đen có thể khiến bất cứ ai cũng có thể tức thì trở nên giàu có nếu như anh ta tiếp cận được việc trao đổi ngoại tệ” và vào lúc đó Rhee phê chuẩn mọi khoản giao dịch ngoại tệ lớn hơn 500 dollar (Kim, 1971, p.24). Đảng Tự Do được cho là đã thu được 50% giá trị của mọi dự án tư nhân nhận viện trợ của Hoa Kỳ (Kim, 1976, p.152). Nền kinh tế bị bóp nặn thông qua việc phân bổ lợi tức đã tài trợ cho Rhee, đảng Tự Do và giới cảnh sát. Rhee đã tẩy chay việc lập kế hoạch và phát triển một giới công chức kinh tế độc lập.

Trong môi trường này, sự tăng trưởng chủ yếu xuất phát từ các hoạt động kinh tế “tổng bằng 0”, sự hình thành lợi nhuận thông qua các hoạt động tìm kiếm lợi tức phi sản xuất (Jones&Sakong, 1980). Việc kinh doanh được phát triển thông qua độc quyền nguồn cung tài chính, đầu vào và hàng hóa tiêu dùng. Samsung và nhiều doanh nghiệp khác đã mở rộng hoạt động trong thời kỳ này, nhưng có thể nói rằng không có viện trợ của Hoa Kỳ thì nền kinh tế sẽ sụp đổ (Mason, 1980, pp.192–205) [1]. Lĩnh vực kinh doanh vẫn yếu về kinh tế và không được ủng hộ về chính trị, đặc biệt là do các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận trong Chiến Tranh Triều Tiên và thời kỳ thắt lưng buộc bụng những năm 1950. Nói chung, “Hàn Quốc vào những năm 1950 thể hiện đặc trưng chính trị rõ ràng là thù địch với việc lập kế hoạch phát triển. Chính quyền kém được bảo vệ trước các đòi hỏi của khu vực tư nhân và bị các mạng lưới bảo trợ-thân hữu thâm nhập. Bộ phận quản lý kinh tế là đối tượng can thiệp chính trị của cả bộ phận hành pháp cũng như giới hành chính.” (Haggard, Moon & Kim, 1991, p.855). Người ta có thể nói một cách có lý rằng nếu Hàn Quốc tiếp tục đi theo quỹ đạo đó thì họ sẽ lặp lại kịch bản của Philippines. Trong các khảo sát về triển vọng phát triển tốt nhất vào những năm 1950, Hàn Quốc hiếm khi xuất hiện so với những nước như (nực cười thay) Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon.

Cuộc đảo chính quân sự của Park Chung Hee đã đem tới những sự thay đổi quan trọng nhưng cũng vẫn tiếp tục với tham nhũng và tăng trưởng. Park cũng thu gom các viện trợ quốc cần thiết, tạo ra sự độc quyền, cung cấp các khoản vay giá rẻ, các tiếp cận đặc quyền đối với trao đổi ngoại tệ và cấp miễn phí các lợi ích phi chính thống cho doanh nghiệp. Giới hành chính bị chính trị hóa. Tuy vậy, chính quyền mới cũng tạo ra những thay đổi quan trọng. Đó là sự kết hợp của những điều cần thiết cho việc giải thích sự cộng sinh giữa tham nhũng và tăng trưởng. Tham nhũng bị giới hạn bởi những nhân tố cụ thể, cho tới mức độ nhất định mà nhà nước quốc hữu hóa hoàn toàn tham nhũng.

Tham nhũng và chủ nghĩa quốc gia dưới chính quyền Park Chung Hee

Thực tiễn tham nhũng đã tuân thủ khuynh hướng phát triển quốc gia. Bốn nhân tố sẽ được xem xét để giải thích quá trình này:

Hệ tư tưởng nhà nước

Mối quan hệ giữa hệ tư tưởng và tổ chức vật chất là phức tạp nhưng có thể chấp nhận rằng hệ tư tưởng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội, một quá trình rõ ràng ở Hàn Quốc. Cuộc đảo chính năm 1961 đã không chỉ mang đến sự thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức chính trị - từ nền dân chủ trục trặc đến chính quyền do quân đội hậu thuẫn – nó cũng mang đến sự thay đổi chủ chốt trong hệ tư tưởng, với hệ quả tác động đến sự phát triển kinh tế và tham nhũng. Park Chung Hee, lãnh đạo của cuộc đảo chính, cũng như một số các sĩ quan trẻ khác đều chịu ảnh hưởng và trộn lẫn các hệ tư tưởng thu được từ kinh nghiệm của người Nhật. Park thể hiện rõ ràng sự thán phục các nhà lãnh đạo Trung Hưng Minh Trị ở Nhật Bản và công thức “Nước giàu, Quân mạnh”, có nghĩa là mối liên hệ chặt chẽ giữa an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, người Nhật cũng khẳng định khái niệm phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết xã hội và quay trở lại củng cố sự gắn kết đó. Trung tâm của dạng hợp tác xã này là quan niệm cho rằng các lợi ích cục bộ phải bị đàn áp: cả lao động và doanh nghiệp đều phải chấp nhận quyền lực của nhà nước và phục vụ cho sự phát triển của quốc gia. Park Chung Hee (nực cười thay khi là người quốc gia Hàn Quốc) đã phục vụ quân đội Hoàng Gia Nhật Bản ở Mãn Châu Lý, chứng kiến trước hết quá trình công nghiệp hóa do nhà nước chỉ đạo để phục vụ cho an ninh quốc gia. [2]

Park triển khai những ý tưởng đó sau cuộc đảo chính. Doanh nghiệp đối mặt với một nhà nước chuẩn bị cưỡng ép và quấy rối cũng như hỗ trợ. Chỉ những doanh nghiệp hành động theo lợi ích quốc gia bằng cách tuân thủ sự hướng dẫn của nhà nước và chuyển sang sự tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu mới nhận được các lợi ích. Tham nhũng vốn tràn lan dưới thời Syngman Rhee, vẫn tiếp tục trong phạm vi một khuôn khổ mới. Doanh nghiệp nhận được trợ cấp nhờ vào nguồn gốc địa phương của họ hay họ có quan hệ với tầng lớp thượng lưu nhà nước hoặc với Park (Clifford, 1994; Chon, 1992) và có thể nhận được sự đảm bảo bổ sung khi đóng góp tiền bạc. Tuy vậy, nếu họ không thực hiện thì sự hỗ trợ bị cắt giảm hay hủy bỏ: các khoản tiền của doanh nghiệp đảm bảo thái độ thân thiện hoặc tốt đẹp của nhà nước, nhưng hiếm khi là sự đáp ứng tự động và thường xuyên. Khi sao chép cách tiếp cận kiểu doanh nghiệp, các khoản đóng góp sẽ thường xuyên được dựa trên các nguyên nhân xã hội có thể chấp nhận được, như “nạn nhân lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác…tổ chức Chữ Thập Đỏ, quốc phòng, tổ chức USO kiểu Hàn Quốc, liên đoàn chống cộng sản, các tổ chức phúc lợi, các tổ chức thể thao, các quỹ thể thao, các quỹ giáo dục, xây dựng đường tàu điện ngầm” và vân vân (Woo, 1991, p.236 n.82), trên thực tế là sự bổ sung cho hệ thống thuế chưa hoàn chỉnh. [3]

Do đó, vai trò của hệ tư tưởng, tập trung vào sự ảnh hưởng và sự hấp dẫn của hệ tư tưởng “hiện đại” từ các nguồn cụ thể (Nhật Bản và Hoa Kỳ) và hiện thực lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng về một khái niệm phát triển cụ thể, cũng như vai trò của tham nhũng trong sự phát triển, của giới thượng lưu quân sự ở Hàn Quốc.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc có thể hữu ích khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Không giống quân đội Hàn Quốc, có tổ chức cấp bậc bắt nguồn từ lý tưởng về chủ nghĩa tư bản quốc gia của Nhật Bản và hệ tư tưởng quản lý của Hoa Kỳ (Lee, 1968), quân đội Thái Lan áp dụng nghệ thuật lãnh đạo nhà nước truyền thống Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại, trong lĩnh vực đối nội thì dựa trên thuốc phiện và một số lĩnh vực kinh tế năng động nhất định để đảm bảo sự cai trị của quân đội (McCoy, 1991, pp.180–192). Việc Hoa Kỳ sử dụng Thái Lan làm căn cứ logistic khổng lồ cho Chiến Tranh Việt Nam đã củng cố kịch bản này. Những năm 1960 là đỉnh điểm của sự hậu thuẫn cho các tướng lĩnh Thái Lan, với việc Hoa Kỳ viện trợ chính thức 2 tỷ dollar từ năm 1965 đến 1975 1975 (Girling, 1981, p.96 n.85) để đảm bảo “một hệ thống phù hợp với Hoa Kỳ sẽ được duy trì ngay cả khi có sự thay đổi về nhân sự (Girling, 1981, p.94). Một sư đoàn Thái Lan tham chiến ở Việt Nam nhưng đóng góp chủ yếu của nước này là căn cứ logistic mà Hoa Kỳ dùng để vận chuyển cho chiến trường Miền Nam Việt Nam, bao gồm đường sá, doanh trại, hậu cần, các cơ sở nghỉ ngơi và giải trí cho lính Mỹ (khoảng 50.000 vào năm 1968-69). Việc đó kéo theo một sự gia tăng lớn bất ngờ về gái bán dâm (Girling, 1981, p.236 n.15). Miền Nam Việt Nam, cũng được Hoa Kỳ tạo ra và hậu thuẫn, lặp lại những kịch bản đó ở cấp độ rất cao. Các ngành thuốc phiện và mại dâm bùng nổ cùng với sự hiện diện quy mô lớn của người Mỹ. Vào năm 1967, một người quan sát đã viết “hoạt động kinh tế ở miền Nam thực tế đã ngừng lại ngoại trừ phục vụ cho chiến tranh; Sài Gòn là một nhà thổ khổng lồ; nằm giữa những người Mỹ, đang cố gắng ít nhiều thúc đẩy một bản sao xã hội của họ ở đất Việt Nam, và đám đông dân chúng đang cố gắng “tái thiết” là những con mèo béo ú ở Sài Gòn” (Sayle được trích dẫn trong Knightley, 1989, p.384). Tham nhũng và chủ nghĩa bè phái quân sự/hành chính trở nên phổ biến, chế độ đã tan rã từ trước khi Bắc Việt thống nhất đất nước (McCoy, 1991, p.260).

Nếu việc Syngman Rhee tiếp tục nắm quyền ở Hàn Quốc, điều đó có thể được coi như là một sự hối lộ khổng lồ và vô ích tại nhà nước chống nổi loạn ở Đông Nam Á. Rhee và Diệm, lãnh tụ Nam Việt Nam từ năm 1955 đến 1962, có sự tương đồng. Cả hai đều cho rằng họ có thể dựa vào sự ủng hộ quân sự của Hoa Kỳ để bảo vệ nền dân chủ yếu kém tham nhũng của họ. Mặc dù Rhee bị sinh viên lật đổ và không có sự can thiệp quân sự, Diệm bị quân đội lật đổ, song quỹ đạo phát triển của hai nước này rất khác nhau. Như đã nói, các sĩ quan trẻ ở Hàn Quốc có nhiều lý tưởng khác nhau về sự phát triển chính trị và kinh tế của Hàn Quốc. Mặc dù các chính sách bắt nguồn từ những lý tưởng này thường mờ nhạt vào lúc đầu và phản ánh sự khác biệt nội bộ của những người đảo chính quân sự, song cùng với thời gian thì họ đã phát triển gắn kết hơn và kết hợp đầu vào từ Hoa Kỳ và Nhật Bản. Do vậy, ở Hàn Quốc, những sĩ quan dưới thời Park Chung Hee đã bắt đầu ngập ngừng và sau đó quyết đoán tái cấu trúc kinh tế, mối quan hệ chính quyền-doanh nghiệp và thậm chí là cả xã hội. Ở Nam Việt Nam và Thái Lan, chính quyền quân sự đã củng cố thêm các thực tiễn trong kinh tế và xã hội. “Giống như ở phần còn lại của Đông Nam Á, các dạng quan liêu lạc hậu của phương Tây đã bám chặt lấy tầng lớp thượng lưu quyền lực truyền thống, tạo ra một sự kết hợp của tham nhũng, truyền thống và hiện đại” (McCoy, 1991, p.200) [4], với những nước như Thái Lan và Nam Việt Nam, chịu tác động bởi sự giao thoa của những ảnh hưởng văn hóa/tư tưởng và tiến trình lịch sử khác nhau, với những liên hệ quốc tế đang thúc đẩy kịch bản quyền lực và thực tiễn chính trị hiện tồn.

Sự độc lập của nhà nước

Sự độc lập của nhà nước đối với các nhóm xã hội có tổ chức là một nhân tố quan trọng để giải thích các quỹ đạo phát triển. Tuy vậy, trong thực tế điều này thường được sử dụng theo cách quá “gọn gàng” trong các phân tích cánh tả hoặc cấu trúc, vốn tập trung vào việc nhà nước/giới hành chính duy lí tách biệt triển khai các chiến lược dài hạn (Haggard, 1990). Sau cuộc đảo chính, giới hành chính được bảo vệ khỏi sức ép xã hội. Tuy vậy, các cơ quan nhà nước và hành chính ở Hàn Quốc vẫn có đặc trưng tham nhũng – trên thực tế việc họ bóp nặn tiền từ doanh nghiệp và cung cấp các lợi ích cho những nhóm nhất định chính là dấu hiệu của sự độc lập mà nhiều tác giả đã tập trung làm rõ. Độc lập với các nhóm xã hội dân sự cho phép nhà nước đặt ra các khuôn khổ của quan hệ bảo trợ-thân hữu và các quy tắc cho tham nhũng, có nghĩa là quốc hữu hóa thực tiễn tham nhũng.

Sau thời kỳ mở rộng nhanh chóng vào những năm 1950, quân đội đã mở rộng về tổ chức, nguồn lực và năng lực. Cuộc đảo chính năm 1961 – được một số chính khách Hàn Quốc coi là không thể tránh khỏi – đã xác nhận các cơ quan quân sự và an ninh là lực lượng thống trị ở Hàn Quốc. Các nhóm xã hội dân sự là tương đối yếu. “Quan hệ trường đại học-báo chí” đã lật đổ Rhee không thể tiếp tục hoạt động như là một nhà nước thay thế hay vận động trong thời gian dài.

Người lao động thì suy yếu và không được tổ chức. Tầng lớp kinh doanh – một trong những nguyên nhân là – bất chấp mối quan hệ với nhà nước dưới thời Rhee, vẫn yếu đuối về chính trị và văn hóa. “Do các doanh nhân truyền thống không có được địa vị đáng kính trọng trong xã hội Hàn Quốc, sự trỗi dậy của họ vào những năm 1950 tạo ra một sự oán giận và nghi ngờ được củng cố thêm bằng mức độ tham nhũng hiện hành” (Cole&Lyman, 1971, p.83). Khi chế độ do quân đội hậu thuẫn được hình thành, một sự tái tổ chức các mối quan hệ nhà nước-xã hội đã diễn ra và sự kiểm soát đối với kinh tế được củng cố, cải cách hay mở rộng. Điều quan trọng là sự kiểm soát nhà nước đối với hệ thống tài chính thông qua quốc hữu hóa đã đạt tới mức độ rất lớn, [5] và dòng tư bản quốc tế từ Hoa Kỳ và từ Nhật Bản vào cuối những năm 1960 chảy vào hệ thống đã giúp cho tầng lớp thượng lưu nhà nước độc lập về tài chính đối với giới kinh doanh bản địa. Tuy vậy, cũng cần phải ghi nhận rằng sự độc lập của nhà nước không đủ để làm cơ sở cho một chiến lược phát triển hiệu quả. Năng lực của nhà nước, tầm ảnh hưởng và phạm vi của nhà nước, phải được kết hợp với tính chất hợp tác của nhà nước; có nghĩa là khả năng tạo dựng và thi hành chính sách thành công (Evans and Rueschemeyer, 1985).Tham nhũng hoạt động trong phạm vi cấu trúc nhà nước này.

Sự độc lập và chính sách

Sức mạnh chính trị bắt nguồn từ các mối liên hệ bảo trợ-thân hữu được tổ chức để phục vụ cho sự phát triển quốc gia. Doanh nghiệp không thể đảo ngược các ưu tiên phát triển của nhà nước trong khi nhà nước có thể quyết định nhóm nào sẽ được cấp nguồn lực để đổi lấy sự ủng hộ. Quá trình tham nhũng trong việc kinh doanh nói chung là trả một khoản tiền lớn mà không có đảm bảo về sự trợ giúp, chỉ là đảm bảo chọn đúng phe nhà nước, trả các khoản lại quả cho nhà nước vì sự trợ giúp trong các dự án phát triển kinh tế hay đóng góp chính trị cho giới thượng lưu nhà nước về các dự án từ thiện hoặc cho phép giới thượng lưu nhà nước xây dựng các căn cứ quyền lực. Tuy vậy, những khoản chi này không được coi là khinh suất do chúng là một phần của quan hệ động lực tổng thể.

Mặc dù cả Chung Ju Yung (Hyundai) và Kim Woo-choong (Daewoo) đều có quan hệ cá nhân với tổng thống Park và nhận được sự hỗ trợ rộng rãi nhưng Park được cho là sẽ chọn người thắng cuộc. Chung xuất sắc trong việc phát triển công nghiệp xây dựng ở Hàn Quốc và nhận được sự hỗ trợ phi chính thống cần thiết khi đáp ứng được mục tiêu phát triển công nghiệp đóng tàu của Park. Kim phất lên nhờ cải cách các ngành thua lỗ. Cho Chung-hun của Hanjin nhận được sự hỗ trợ lớn hơn sau khi thay đổi tình hình của hãng hàng không Hàn Quốc từng thuộc về nhà nước vào những năm 1960. Mặc dù các hãng khác cũng nhận được sự bảo trợ nhưng nếu thất bại thì sự bảo trợ sẽ bị thu hồi. Yonhap Steel, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc vào những năm 1960, có sự bảo trợ của Lee Hu Rak, giám đốc KCIA, nhưng thất bại khi chuyển đổi sang tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu, dẫn đến sự suy thoái của họ (Clifford, 1994, p.57). Các hãng cần phải có hiệu quả bởi vì họ sẽ thực hiện để nhận được sự hỗ trợ tiếp theo và phải trả một khoản phần trăm trên sự hỗ trợ nhận được cho nhà nước dưới dạng quỹ chính trị. Các khoản vay được cấp cho doanh nghiệp với điều kiện khoản lại quả được trả cho tổng thống và đảng cầm quyền [6] nhưng đáng chú ý là hành vi này phải tuân thủ hiệu quả về kinh tế.

Một nhà kinh tế học ước lượng rằng khoản lại quả thêm vào mà các hãng xuất khẩu phải trả cho việc được vay với lãi suất ưu đãi đã khiến cho lãi suất vay vốn tương đương với lãi suất thông thường (Patrick, 1994, p.337). Điều tương tự cũng áp dụng với thuế. Các công ty có thành tích cảm thấy sự mập mờ của nhà nước hoặc thậm chí được khuyến khích né tránh đóng thuế. Nói chung là “hệ thống tín dụng và thuế khóa tạo ra một cơ chế tặng thưởng cho thành tích tốt và trừng phạt thành tích tồi. Trong khi sự ảnh hưởng của ủng hộ chính trị hầu như bị xóa bỏ trong hệ thống thuế khóa, các trừng phạt kinh tế vẫn tiếp tục là một phần của việc thu thuế, cả phần thưởng cũng như sự trừng phạt đều là những khía cạnh quan trọng của hệ thống tín dụng” (Mason et al., 1980, p.322). Nói tóm lại, mối quan hệ bảo trợ-thân hữu, sự trợ giúp phi chính thức tiếp đó và sự khuyến khích trong các hoạt động phi pháp đã tồn tại, nhưng trên cơ sở sự hiệu quả thay vì chỉ dựa trên sự ủng hộ chính trị. Sự tương phản sâu sắc với mối quan hệ nhà nước-doanh nghiệp của Châu Phi là rõ ràng.

Ngay cả sự tham nhũng phổ biến dưới thời Chun Doo Hwan cũng tuân thủ khuôn khổ hiệu quả. Ví dụ vào năm 1985, tập đoàn Kukje, là tập đoàn lớn thứ bảy của Hàn Quốc, bị nhà nước giải tán, bề ngoài là do cấu trúc nợ quá hạn nhưng trên thực tế là do chủ tịch của tập đoàn này thể hiện thái độ không sẵn sàng đóng góp cho các quỹ “từ thiện” của Chun, như Ilhae. Tuy vậy, tập đoàn này được tái phân phối cho các tập đoàn khác đã đóng góp hào phóng và nhiều doanh nghiệp nói chung tiếp tục có lợi nhuận dưới trướng của chủ nhân mới (Clifford, 1994, Chapter 16). Trong mối quan hệ mà nhà nước thu gom các khoản đóng góp khổng lồ từ doanh nghiệp, các chiến dịch chống tham nhũng không đóng vai trò như là chính sách theo dõi thường trực để đảm bảo giới hành chính hay nền kinh tế trong sạch, trái lại để “kiểm soát” doanh nghiệp, và cụ thể là những doanh nghiệp kém hiệu quả hay hành động theo cách phá hoại quyền lực nhà nước. Quan hệ tham nhũng nhà nước-doanh nghiệp cần được xem xét trên góc độ động lực.

Tham nhũng đã là một phần tích hợp của mối liên hệ nhà nước-doanh nghiệp và quá trình phát triển thay vì là một hiện tượng bất thường. Doanh nghiệp thường xuyên phàn nàn về “khoản thuế thứ cấp” khổng lồ mà họ buộc phải trả, và vào năm 1992, sau cuộc dân chủ hóa mà Chung Ju Yung của Hyundai đứng về phe tổng thống cũng như tạo ra tư bản chính trị bằng cách chấm dứt khoản đóng góp khổng lồ mà chaebol được “khuyến khích” trả cho các tổng thống Park, Chun và Roh trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, sự trợ giúp phi chính thống/phi pháp mà nhà nước cung cấp cho những công ty thành công như Hyundai là thiết yếu đối với sự phát triển của họ.

Quyền lực chính trị của nhà nước cũng không thể tránh khỏi việc điều chỉnh và triển khai chính sách phát triển. Như Woo đã nói thẳng thừng: “nhà nước làm tiền trở thành mặt trái của nhà nước phát triển tốt lành” (1991, p.199-200). Động lực này phải được phân tích trong câu chuyện về sự phát triển của Hàn Quốc cho dù là từ góc độ kinh tế vĩ mô hay nghiên cứu chính sách công hoặc lịch sử kinh doanh tư nhân (xem Kirk, 1994 hay sau đó). Lập luận được phác thảo ở đây dẫn đến một sự khác biệt nhỏ so với Michell. Ông khẳng định rằng “hệ thống các quan hệ cá nhân phi chính thống đan xen các cấu trúc chính thống (và) quan hệ chính quyền/doanh nghiệp theo cách thức mà ở quốc gia khác sẽ dẫn đến sự phổ biến tham nhũng” đã không hoạt động ở Hàn Quốc bởi vì “kẻ thù bên ngoài và sự hấp thụ mạnh mẽ chủ nghĩa quốc gia kinh tế” (1984, p.36). Trái lại, sự tham nhũng phổ biến ở đây đã được quốc hữu hóa.

Những sức ép bên ngoài

Hai sức ép có tác dụng củng cố khuôn khổ quốc gia đã được mô tả phía trên. Thứ nhất, mối quan hệ bên ngoài với Hoa Kỳ và Nhật Bản tạo thuận lợi cho cả sự phát triển cũng như tham nhũng. Viện trợ bên ngoài và sức ép ngoại giao của Hoa Kỳ đã thúc đẩy Hàn Quốc chuyển từ chiến lược phát triển vốn tạo thuận lợi cho loại tham nhũng làm suy yếu – Công Nghiệp Hóa Bằng Thay Thế Nhập Khẩu – sang một dạng có trật tự hơn – Công Nghiệp Định Hướng Xuất Khẩu (Haggard,Moon & Kim, 1991). Viện trợ của Hoa Kỳ được hứa hẹn khi Hàn Quốc chuyển hướng từ chiến lược sang tự lực cánh sinh và qua đó giảm thiểu viện trợ của Hoa Kỳ. Các khoản tài trợ công không hoàn lại giảm xuống và bị thay thế bằng các khoản cho vay. Mặc dù các khoản cho vay tiếp tục đổ vào Hàn Quốc cho tới cuối những năm 1960 song sự thay đổi đáng kể là sự gia tăng mạnh mẽ của tài chính tư nhân từ Hoa Kỳ, Nhật Bản (do Hoa Kỳ khuyến khích) và Châu Âu, theo sau sự thay đổi trong chiến lược phát triển (Wade & Kim, 1977; Chang, 1982). Nực cười là mức độ gia tăng viện trợ tài chính và các viện trợ khác cho Thái Lan và Nam Việt Nam lại khiến Hoa Kỳ tìm cách tạo ra nền kinh tế tự cường ở Hàn Quốc.

Sự hấp thụ và tăng trưởng kinh tế trong những năm 1960 đã thu hút tài chính tư nhân quốc tế và kết hợp với sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đã tạo ra một nhóm đoan chính mà tham nhũng đóng vai trò nổi bật trong đó. Nhật Bản quan tâm tới sự phát triển của Hàn Quốc vì mục tiêu của họ, cũng giống như các doanh nghiệp và tổ chức Hoa Kỳ đang cho vay hoặc đầu tư. Khoản lại quả khổng lồ là một phụ phẩm của những mối liên hệ tích cực này. Khoảng 2 tỷ dollar tiền lại quả được tạo ra cho nhà cầm quyền Hàn Quốc từ thỏa thuận với các hãng Nhật Bản trong việc xây dựng hệ thống đường tàu điện ngầm Seoul, giám đốc KCIA Lee Hu Rak nhận được 500.000 triệu dollar (Kim, 1978, p.53). Các mối liên hệ giữa công ty Nhật Bản, doanh nghiệp Hàn Quốc và giới thượng lưu nhà nước Hàn Quốc được gọi là yuchaku (cùng nhau phát triển). Một lần nữa, động lực lại là tham nhũng tích cực, cũng như đối với các công ty Hoa Kỳ đầu tư ở Hàn Quốc, không chỉ là tập trung vào hợp đồng của chính quyền mà còn tham gia vào việc mở rộng có lợi nhuận các cơ sở công nghiệp. Do đó, “ít nhất 8,5 tỷ dollar từ quỹ hợp tác của Hoa Kỳ đã chảy vào túi đảng cầm quyền ở Hàn Quốc trong cuộc bầu cử năm 1971” (Congressional Quarterly Almanac, 1978, p.811). Các công ty dầu lửa Hoa Kỳ và các doanh nghiệp lớn khác đã có mối quan hệ đầy lợi nhuận với các quan chức chủ chốt của Hàn Quốc (Kim, 1978, pp.51–52).

Thứ hai, mối đe dọa bên ngoài từ Bắc Triều Tiên cũng làm nổi bật động lực phát triển quốc gia. Ít nhất vào những năm 1950, có thể nói rằng Bắc Triều Tiên hợp pháp hơn Nam Triều Tiên và hơn nữa nếu miền Nam tiếp tục tình trạng mạo hiểm thì miền Bắc có thể tiếp tục tấn công. Một trong những động cơ của cuộc đảo chính năm 1961 là an ninh quốc gia: sự tham nhũng của Rhee không chỉ cản trở các quân nhân chuyên nghiệp, nó còn làm kinh tế đình đốn. Sau cuộc đảo chính, miền Bắc tấn công, mối đe dọa trở thành thường trực, trong đó có việc cử đội ám sát tới ám sát tổng thống Hàn Quốc vào năm 1968 và suýt thành công trong việc ám sát tổng thống Chun Doo Hwan vào năm 1983. Nhưng sự hùng mạnh của kinh tế Hàn Quốc đã củng cố tình hình an ninh quốc gia của họ cũng như ngăn cản chiến lược lật đổ và thống nhất đất nước của miền Bắc.

Những mối liên hệ bên ngoài

Cách thức mà các nhà nước-quốc gia tham gia vào kinh tế thế giới là sống còn trong việc xác định các ưu tiên, nhận thức và quỹ đạo phát triển của nhà nước. Như đã đề cập trước đây trong sự kết hợp với lập luận về hệ tư tưởng và thực tiễn nhà nước, sự tham gia của Thái Lan vào thị trường toàn cầu trong Chiến Tranh Việt Nam đã dựa trên du lịch (và ít lãng mạn hơn là gái mại dâm) như là nguồn thu nhập quốc tế. Tương tự, viện trợ của Hoa Kỳ đã khuyến khích sự tiếp tục cầm quyền của một quân đội trung thành với lợi nhuận của việc buôn bán ma túy toàn cầu (McCoy, 1991). Hàn Quốc không có đặc điểm đó. Mặc dù là một quốc gia hấp dẫn song các cơ hội du lịch và “nghỉ ngơi” dường như là không khả thi trên bán đảo bị chiến tranh tàn phá và một cuộc chiến khác có thể tiếp diễn vào bất cứ lúc nào. Với một ít tài nguyên tự nhiên (không có thuốc phiện và rừng nhiệt đới của Thái Lan) và triển vọng về sự cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ, chiến lược phát triển được áp dụng là hướng tới việc hội nhập quốc tế trên lĩnh vực thương mại. [7] “Chiến lược” kinh tế Công Nghiệp Hóa Thay Thế Nhập Khẩu được theo đuổi dưới thời Syngman Rhee đã thúc đẩy tham nhũng do nó bảo vệ công nghiệp nội địa khỏi sự cạnh tranh đồng thời tạo ra các thiên đường thuận lợi cho việc tìm kiếm lợi tức. Công Nghiệp Hóa Định Hướng Xuất Khẩu (EOI) lại giúp nền kinh tế Hàn Quốc hội nhập vào trật tự kinh tế quốc tế tự do. Tác động của việc đó là các doanh nghiệp Hàn Quốc được đặt vào kỷ luật thị trường thế giới. Các doanh nghiệp nhận được các khoản vay nhờ vào các quan hệ địa phương hoặc cá nhân phải thành công trên thị trường thế giới để tiếp tục nhận được sự trợ giúp (cũng như thiên đường lợi nhuận của họ dưới dạng độc quyền nội địa) do những sự trợ giúp chính thức và phi chính thức của chính quyền được cấp trên cơ sở các lệnh xuất khẩu được đáp ứng (Lim 1981). “Các nhà xuất khẩu có thành tích nổi bật được miễn thế chấp cho các nghĩa vụ hải quan đặc biệt cũng như các nghĩa vụ hải quan nói chung, không phải chịu các cuộc thanh tra thuế bất thường và được ưu tiên trong việc phân bổ ngoại tệ cho các hoạt động kinh doanh” (Kim, 1975, p.272).

Kết luận

Viêc tập trung vào các chi tiết lịch sử cho thấy sau cuộc đảo chính năm 1961 một loạt các nhân tố đan xen với nhau tạo ra một động lực và một khuôn khổ có thể “kiềm chế” tham nhũng. Tham nhũng không giải thích được sự phát triển kinh tế ở Hàn Quốc bằng bất cứ sự liên tưởng nào, nhưng nó cộng sinh với sự tăng trưởng thần tốc và ở một số lĩnh vực thì tạo ra sự linh hoạt cho chính sách kinh tế vốn coi sự chuyển giao nguồn lực cho một số doanh nghiệp có khả năng nhất là cách sử dụng chúng tốt nhất. Người ta có thể lập luận rằng tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế ở Hàn Quốc – điều này là đúng trong trường hợp những năm 1950 – nhưng điều này sẽ là võ đoán trong trường hợp công nghiệp hóa cực nhanh và thành công của những năm 1960.

Rõ ràng là tham nhũng là sự bế tắc trong các nghiên cứu về sự phát triển của Đông Á dựa trên các khái niệm “thuần khiết” về sự độc lập của nhà nước, các mối liên hệ nhà nước-xã hội và vai trò của chính sách công đối với sự phát triển. Bài báo này cố gắng thúc đẩy các nghiên cứu tiếp theo thể hiện phân tích lịch sử xuyên suốt về các thức hình thành chính sách một cách chính xác và sự triển khai được thực hiện trong môi trường mang tính chính trị. Đây là tính chất chung cho hoàn cảnh của tham nhũng tại các nước NICs ở Đông Á (nhà nước mạnh, giới kinh doanh bản địa yếu, sự phổ biến của các mạng lưới phi chính thống). Tuy vậy, kinh nghiệm không điển hình của Hàn Quốc ở đây không phải là sự biện minh cho lập luận chung rằng tham nhũng vừa tích cực vừa tiêu cực. Hơn nữa, tham nhũng luôn đi kèm với những phí tổn cụ thể, ngay cả khi nó cộng sinh với sự phát triển nhanh thần tốc: “tham nhũng có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi đặc tính của nó nhưng quan trọng nhất là không bị phá hủy” (Werner, 1983, p.638). Bằng chứng về phí tổn của tham nhũng là rõ ràng, như hệ thống tài chính đang cần có sự tái cấu trúc và là cốt lõi của các bê bối chính trị và trên góc độ phát triển chính trị nói chung. Trong hiện tại, bằng chứng cho thấy rất khó có thể xóa bỏ tham nhũng mang tính cấu trúc trong kinh tế chính trị Hàn Quốc và nhấn mạnh sự thật rằng sự cộng sinh của tham nhũng và phát triển kinh tế có những tác động dài hạn mà giờ mới bộc lộ rõ ràng, nếu không nói đến những tác động ngắn hạn.

Chú thích

1. Theo các công trình mới được điều chỉnh (Michell, 1981; Lie, 1997), sự tăng trưởng kinh tế nghèo nàn không chỉ là lỗi của chính quyền Rhee mà còn do chính quyền Hoa Kỳ, vốn đang kiểm soát các lĩnh vực quan trọng của chính sách kinh tế Hàn Quốc, thúc giục ổn định hóa và tiêu dùng thay vì đầu tư, vốn có thành tích nghèo nàn dưới thời Rhee. Tuy vậy, điều vẫn còn gây tranh cãi là nếu không có ảnh hưởng của Hoa Kỳ thì giới hành chính, vẫn mong muốn một chính sách công nghiệp và phát triển tích cực, có ảnh hưởng gì không, khi mà Rhee quyết định sử dụng kinh tế để đảm bảo cho sự tồn tại của ông ta thông qua các quan hệ bảo trợ-thân hữu với các doanh nhân đầu cơ trục lợi.

2. Quân đội Quan Đông Nhật Bản đã xâm lược Mãn Châu Lý, đổi tên thành tỉnh Manchukuo. Quốc gia độc lập trên hình thức này trên thực tế do quân đội điều hành như là một thực thể độc lập và hoạt động như phòng thí nghiệm cho quá trình phát triển kinh tế và tập trung hóa chính trị dưới sự kiểm soát của nhà nước.

3. Vào đầu những năm 1970, thuế của nhà nước chiếm 14% GPD (Wade and Kim, 1977, p.118) Vào năm 1987 giảm xuống còn 2% (Kwack and Lee, 1991, p.14).

4. Quan hệ bảo trợ-thân hữu đặc trưng của Đông Nam Á thời thuộc địa và độc lập là một hỗn hợp của “hiện đại” – quan hệ đảng phái, các chương trình phát triển, các doanh nghiệp bị quốc hữu hóa, vân vân, và các mạng lưới huyết thống và quê quán truyền thống. “Ở bất kỳ dạng cụ thể nào của chúng, mạng lưới bảo trợ-thân hữu vẫn đóng vai trò là cơ sở chính của các hệ thống liên minh giữa những người không phải họ hàng khắp Đông Nam Á” (Scott, 1972, p.105). Các quan hệ bảo trợ-thân hữu vận hành trong các xã hội và kinh tế kém hiện đại (trên góc độ sự phát triển tổ chức và thể chế) cũng được đặt dưới thống trị của những ảnh hưởng hệ tư tưởng và văn hóa khác nhau ở Đông Nam Á.

5. Khoản tài chính nước ngoài lớn đã tạo ra cho quân đội các quỹ lớn và sự ảnh hưởng thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước. “Không có nhà nước nào ngoài khối xã hội chủ nghĩa có thể đạt được biện pháp kiểm soát đó đối với các nguồn lực có thể đầu tư của nền kinh tế” (Datta-Chaudhuri được trích dẫn trong Harris, 1987, p.212 n.9). Viện trợ/khoản vay của Hoa Kỳ cho Hàn Quốc vào giai đoạn 1946-1976 là 12,6 tỷ dollar; viện trợ/khoản vay của Nhật Bản là 1 tỷ dollar; các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp 1,9 tỷ dollar E. Mason et al. (eds. 1980, p.165). Đảng Dân Chủ Tự Do, được quân đội thành lập ngay sau cuộc đảo chính đã nhận được 2/3 ngân quỹ từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong giai đoạn 1961-1965  (Woo, 1991, p.86).

6. “Do các khoản vay tư nhân đều phải được chính quyền phê chuẩn và đảm bảo trả nợ, phía Hàn Quốc nhận được các khoản vay nước ngoài phải trả một tỷ lệ nhất định (phổ biến được cho là 10-15% và đôi khi là 20% tổng số tiền) để nhận được sự bảo lãnh của chính quyền”
(Kim, 1976, p.264).

7. Mặc dù Hàn Quốc đi theo con đường tăng trưởng nhờ thương mại, mức độ hội nhập của nền kinh tế nội địa – chịu ảnh hưởng rõ ràng của con đường này – vẫn ở mức thấp: tư bản nước nước ngoài được tìm kiếm bằng con đường vay mượn thay vì FDI và hiếm thấy đầu tư nước ngoài được phê duyệt.

Tài liệu tham khảo

M. Alam (1989) Anatomy of Corruption: An Approach to the Political Eonomy of Underdevelopment. American Journal of Economics and Sociology Vol.48 No.4.

D.-J. Chang (1982) Japanese Corporations and the Political Economy of South Korea-Japanese Relations 1965–1979. PhD Diss. University of California: Berkeley.

S. Chon (1992) Political Economy of Regional Development in Korea. in R. Appelbaum and J. Henderson (eds.), “States and Development in the Asian Pacific Rim.” London: Sage.

M. Clifford (1994) Troubled Tiger: Businessmen. Bureaucrats and Generals in South Korea. East Gate Press: ME Sharpe.

D. Cole and P. Lyman (1971) Korean Development: the Interplay of Politics and Economics. Cambridge Mass: Harvard University Press.

Congressional Quarterly Almanac (1978) “Congress Ends ‘Koreagate’ Lobbying Probe.” Congressional Quarterly Almanac Vol. 34.

B. Cumings (1984) The Origins and Development of the Northeast Asian Political Economy.International Organisation Vol. 38 No. 1.

D. della Porta and A. Pizzorno (1996) The Business Politician: Reflections from a Study ofPolitical Corruption. in M. Levi and D. Nelken (eds.), “The Corruption of Politics and the Politics of Corruption.” Oxford: Blackwell.

P. Evans and D. Rueschemeyer (1985) The State and Economic Transformation. in T. Skocpol, P. Evans and D. Rueschemeyer (eds.), “Bringing the State Back In” Cambridge: Cambridge University Press.

J.L. Girling (1981) Thailand: Society and Politics. Ithaca: Cornell University Press.

S. Haggard (1990) Pathways from the Periphery. Ithaca: Cornell University Press.

S. Haggard, B-K Kim and C. Moon (1991) The Transition to Export-Led Growth in South Korea. The Journal of Asian Studies Vol. 50, No. 4.

N. Harris (1987) The End of the Third World. London: Penguin.

S. Huntington (1968) Political Order in Changing Societies. New Haven: Yale University Press.

L. Jones and I. Sakong (1980) Government, Business and Entrepreneurship in Economic Development: the Korean Case. Cambridge: Harvard.

M. Khan (1996) The Efficiency Implications of Corruption. Journal of International Development Vol. 8, No. 5.

M. Khan (1998) Patron-Client Networks and the Economic Effects of Corruption in Asia Paper presented at the UNDP-PACT and OECD Conference, Corruption and Integrity Improvement Initiatives in the Context of Developing Countries, Paris.

J. Kim(1975) Recent Trends in the Government’s Management of the Economy. in E.R. Wright (Ed) “Korean Politics in Transition” Seattle: University of Washington Press.

J.A. Kim (1976) Divided Korea: the Politics of Development. Cambridge Mass: Harvard University Press.

H. Kim (1978) Statement of Kim Hyung Wook, Former Director Korean Central Intelligence Agency to US Congress Subcommittee on International Organisations, Investigation of Korean-American Relations Part 7.

D. Kirk (1994) Korean Dynasty: Hyundai and Chung Ju Yung. Hong Kong: East Gate Press.

P. Knightley (1989) The First Casualty. London: Pan.

T.W. Kwack and K.S. Lee (1991) Tax Reform in Korea. Korea Development Institute Paper No. 9103.

H.B. Lee (1968) Korea: Time, Change and Administration. Honolulu: East-West Center Press.

N. Leff (1964) Economic Development Through Bureaucratic Corruption. American Behavioural Scientist Vol. 8.

R. Leiken (1997) Controlling the Global Corruption Epidemic. Foreign Policy No.105.

J. Lie (1997) Aid Dependence and the Structure of Corruption: The Case of Post-Korean War South Korea International Journal of Sociology and Social Policy Vol. 17, No. 11–12.

Y. Lim (1981) Government Policy and Private Enterprise: Korean Experience in Industrialisation. Centre for Korean Studies, Berkeley: California.

A. McCoy (1991) The Politics of Heroin. CIA Complicity in the Global Drug Trade. Lawrence Hill Books: USA.

E. Mason et al. (eds. 1980) The Economic and Social Modernisation of the Republic of Korea. Cambridge Mass: Harvard University Press.

T. Michell (1984) Administrative Traditions and Economic Decision-making in South Korea. IDS Bulletin Vol. 15, No. 2.

T. Michell (1989) Control of the Economy During the Korean War: the 1952 Coordination Agreement and its Consequences. in J. Cotton and I. Neary (eds.), “The Korean War in History.” Manchester: Manchester University Press.

M. Naim (1995) The Corruption Eruption. Brown Journal of World Affairs Vol.II, No.2.

H.T. Patrick (1994) Comparisons, Contrasts and Implications. in H.T. Patrick and Y.C.

Park (eds.), ‘The Financial Development of Japan, Korea and Taiwan.’ Oxford: Oxford University Press.

S. Rose-Ackerman (1978) Corruption: A Study in Political Economy. New York: Academic Press.

J.C. Scott (1972) Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia. The American Political Science Review Vol. 66, No. 1.

R. Theobald (1990) Corruption, Development and Underdevelopment. Durham: Duke University Press.

L. Wade and B. Kim (1977) The Political Economy of Success. Seoul: Kyung Hee Press.

R. Wade (1990) Governing the Market. Princeton: Princeton University Press.

S.B.Werner (1983) The Development of Political Corruption: a Case Study of Israel. Political Studies Vol.XXXI.

L. Westphal et al. (1979) Foreign Influences on Korean Industrial Development Oxford Bulletin of Economics and Statistics Vol. 41, No. 4.

J.-E.Woo (1991) Race to the Swift: State and Finance in Korean Industrialisation. Columbia: Columbia University Press.


Jon Moran is Senior Research Assistant, DFD Corruption Project on corruption and anti-corruption strategies, Liverpool Business School, Liverpool John Moores University.

Monday, September 5, 2016

Tại sao Italy thất bại trong việc chống lại nạn tham nhũng?

Italy là nền kinh tế lớn thứ ba Châu Âu nhưng mức độ tham nhũng của họ vượt xa so với các quốc gia Châu Âu khác, xét theo vị trí xếp hạng trên bảng về chỉ số nhận thức tham nhũng CPI thì họ đứng thứ 61/174 (năm 2016) và Viện Kiểm Toán Tối Cao Italy ước lượng rằng tham nhũng làm thiệt hại của nền kinh tế Italy mỗi năm 60 tỷ dollar, bằng khoảng 4% GDP hàng năm của nước này. Tuy vậy, Italy chưa bao giờ thành công trong việc chống tham nhũng. Thậm chí, như các học giả đã nhận định, tham nhũng còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Italy cất cánh vào giai đoạn công  nghiệp hóa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Paolo Ferrari, giảng viên môn lịch sử hiện đại tại đại học Pavia và tổng biên tập của tạp chí “Italia contemporanea”, Italy, tìm cách lý giải hiện tượng tham nhũng ở Italy dưới góc độ cấu trúc. Tuy vậy, định kiến về sự kiểm soát tham nhũng bằng chính trị đa nguyên hay coi tham nhũng chỉ là vấn đề tư pháp đã khiến ông thất bại trong việc làm rõ cách thức sự tham nhũng phát triển trong lòng một xã hội tư bản mà giai cấp tư sản trực tiếp sử dụng quyền lực nhà nước vào việc kinh doanh. Hậu quả tiêu cực của tham nhũng cũng chỉ được xem xét dựa trên giả định không rõ ràng về chi phí kinh tế mà không gắn với sự biến đổi của tình hình chính trị-xã hội cụ thể. Sự ám ảnh về chế độ Phát xít vẫn còn để lại dấu ấn cho thời kỳ hiện đại khi mà tác giả cố gắng lý giải mức độ tham nhũng thấp của chế độ Phát xít bằng cách cho rằng họ đã che giấu tham nhũng. Italy cũng cho thấy sự thất bại của việc dùng Quốc Hội như là một quyền lực tư pháp chống lại sự tham nhũng. 

Dưới đây là bản dịch bài viết "Corruption in Italy: a structural approach" của Paolo Ferrari (pp. 165-178) trong cuốn sách trong cuốn The History of Corruption in Cetral Government của Seppo Tiihonnen do nhà xuất bản IOS phát hành năm 2003. 


Tham nhũng ở Italy: Một tiếp cận cấu trúc 

Paolo Ferrari*

Một Định Nghĩa

Vấn đề tham nhũng liên quan đến ba yếu tố khác nhau: hành chính công, chính giới và lợi ích tư nhân. Trong tiểu luận này, chúng tôi xem xét việc tham nhũng được coi là hành vi tham nhũng của công chức, tức là họ nhận tiền, hoặc lợi ích, để đổi lấy hành động, quyết định, trong trách nhiệm công của họ, có nghĩa là liên quan đến hoạt động theo luật định của họ, nhưng nhằm mục đích thu lợi cá nhân với chi phí công cộng. Bên cạnh đó, chính giới cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động hành chính công và trong một thời gian dài của lịch sử Italy, người ta có thể thấy sự yếu đuối, lệ thuộc của hành chính công vào giới thượng lưu chính trị, thường là tác nhân chủ chốt trong sự tham nhũng. [1]

Nếu như sự chú ý được tập trung vào hành chính công thì trước hết cần phải thấy rằng không có kết luận chung nào có thể được đưa ra. Vấn đề này chỉ nhận được sự chú ý đáng kể từ năm 1992, khi hiện tượng “Tangentopoli” xảy ra, cho thấy sự tham nhũng lan tràn ở hầu hết mọi phần của xã hội Italy. Một hiện tượng dĩ nhiên sẽ thu hút sự chú ý vào các đảng phái hơn là hành chính công, dẫn tới sự biến đổi của hệ thống chính trị Italy – ít nhất là khi được xem xét từ quan điểm của đảng phái chính trị. Dĩ nhiên nhiều học giả đã nghiên cứu tham nhũng trong nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử Italy, nhưng trên góc độ của hệ thống chính trị và không có bất cứ sự chú ý đặc biệt nào đến cơ chế của nó. 

Trong thập kỷ qua, nhiều tác giả đã nghiên cứu về tham nhũng, đặc biệt là trong lịch sử nước Cộng Hòa. Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày rằng sự lan rộng của hiện tượng liên kết chặt chẽ với cấu trúc hành chính công của Italy cũng như quan hệ của nó với xã hội dân sự, như đã được định nghĩa vào những năm ba mươi. Có thể kể ra 5 thời kỳ như sau:

• Từ khi khai sinh nhà nước mới cho đến Thế Chiến thứ I (1861-1914);

• Từ Thế Chiến I đến chế độ Phát xít (1915-1921);

• Dưới chế độ Phát xít (1922-1945);

• Từ kết thúc Thế Chiến II đến cuối những năm 1970;

• Hai thập kỷ vừa qua (chúng tôi không xem xét trong bài này).

Không có bằng chứng nào cho thấy sự liên hệ giữa tham nhũng và phát triển kinh tế, tham nhũng tồn tại trong những xã hội có những cấu trúc kinh tế đặc trưng rất khác nhau. Sự chú ý hiện tại tới vấn đề, dưới sự thúc ép của các tổ chức quốc tế, cho thấy ngay cả ở những quốc gia phát triển nhất thì tham nhũng cũng được coi là vấn đề quan trọng. Quan trọng, không chỉ là bởi vì nó liên quan đến sự lãng phí nguồn lực công mà còn bởi vì nó có thể phá hoại tính hợp pháp của hệ thống chính trị, với những hậu quả lớn cho hệ thống chính trị nói chung cũng như với những đảng phái trực tiếp liên can đến tham nhũng nói riêng.

Có hai câu hỏi cần được xem xét. Tham nhũng được coi là một ví dụ đặc biệt về việc sử dụng nguồn lực công cho lợi ích riêng, bất kể là xảy ra theo lệnh của nhóm nắm quyền hay là bởi vì thiếu đạo đức. Điều này có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào và ở bất kỳ nhà nước nào. Trên góc độ này, người ta có thể cho rằng nó liên quan đến bản chất con người và sự lựa chọn về đạo đức – tức là sự trộm cắp nguồn lực công, thì sự lan rộng của hiện tượng này cho thấy nó ít chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử. Quan điểm trái ngược lại cho rằng hoàn cảnh lịch sử là đặc biệt quan trọng để giải thích hiện tượng này, theo góc độ đó thì người ta tập trung chú ý vào những vấn đề sau:

1) Cấu trúc của những quan hệ giữa lợi ích tư nhân, đặc biệt là quyền lực của lợi ích tư nhân bên trong xã hội, khả năng ảnh hưởng tới quyết định chính trị và hành chính của chúng.

2) Sự kiểm soát đối với hành chính công, nội bộ cũng như bên ngoài: đặc biệt là sự tồn tại của quyền lực tư pháp độc lập có thể trừng phạt các công chức và chính khách.

3) Thời kỳ đặc biệt: một cuộc khủng hoảng nổ ra, nhằm mở rộng quyền lực của chính quyền, cũng như một số khu vực hành chính công, đồng thời làm suy yếu sự kiểm soát, do đó mang lại nhiều cơ hội cho lợi ích tư nhân, lợi ích này sẽ cố gắng tác động đến sự lựa chọn công.

4) Địa vị của công chức trong xã hội, văn hóa, thái độ của họ, sự đánh giá xã hội đối với công việc của họ.

Ba chủ đề đầu liên quan đến vấn đề mang tính cấu trúc liên quan đến vị trí của hành chính công trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau: hành vi của công chức có thể hiểu được không chỉ từ góc độ tâm lý học mà còn từ việc nghiên cứu vị trí xã hội của họ cũng như hoàn cảnh hoạt động của họ.


Nước Italy Tự Do

Thời gian từ khi thành lập nhà nước mới vào năm 1861 cho đến khi bắt đầu Thế Chiến I có những đặc trưng chung. Nhiều học giả nhấn mạnh rằng Nhà Nước Tự Do có mục tiêu rất hạn chế và hoạt động trong hoàn cảnh có sự phân chia rõ ràng giữa khu vực tư nhân và khu vực công. Theo quan điểm của chúng tôi, những xem xét khác cũng hữu ích.

Thứ nhất, trong thời kỳ lịch sử này của Italy, nhà nước có mức độ độc lập lớn nhất trong mối quan hệ với lợi ích tư nhân. Kể từ năm 1861, nhà nước là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh tế. Các hoạt động của nhà nước đã định hình một xã hội mới, thống nhất quốc gia, chống lại các kẻ thù bên trong cũng như bên ngoài, cung cấp các cơ hội để phát triển hoạt động tư nhân. Mặc dù có cấu trúc gọn nhẹ nhưng nhà nước đã quan tâm tới cả lợi ích tư nhân lớn cũng như nhỏ. Các lợi ích thường được phát triển nhờ vào các sáng kiến được tài trợ công [3]. Nhà nước Italy có sức mạnh tác động đến sự phát triển của các trung tâm quyền lực kinh tế lớn nhưng vẫn duy trì sự độc lập cao. Ví dụ điển hình nhất là sự phát triển của các ngành cơ khí và sắt thép. Cả hai ngành đều gắn liền với các rào cản thương mại và chi tiêu công – và đặc biệt là với sự gia tăng của ngân sách quân sự, thay vì gắn với hệ thống đường sắt như ở nhiều quốc gia Châu Âu khác. Trong cả hai trường hợp, chi tiêu công trở thành cơ hội gắn kết doanh nhân và công chức. Có rất nhiều trường hợp tham nhũng; nguồn lực công cũng được sử dụng cho các mục đích tư nhân trong thời kỳ này

Theo quan điểm này, chúng tôi cần phải xem xét hai khía cạnh khác nhau của vấn đề. Tham nhũng “vặt”, liên quan đến những người quản lý nguồn lực công: một ví dụ cụ thể là tin đồn liên quan đến việc quản lý các kho quân sự. Ở mức độ này, tham nhũng được coi là ví dụ về việc sử dụng nguồn lực công cho mục đích cá nhân, theo lệnh của những công chức có cấp bậc thấp – tức là sử dụng các cơ hội nhất định gắn liền với vị trí của công chức. Hiện nay, một ví dụ đương thời là việc sử dụng mạng Internet cho các mục đích cá nhân, việc này rấ khó kiểm soát. Điều này có thể coi là vấn đề đạo đức nhưng tham nhũng là một việc khác; như chúng tôi đã nhấn mạnh, đó là sự trao đổi giữa một công chức và một cá nhân và mục tiêu của sự trao đổi này là hành động gắn liền với hành chính công.

Chúng tôi cần phải nhắc lại rằng lợi ích tư nhân là yếu so với quyền lực nhà nước trong thời kỳ Tự Do. Trước hết chúng tôi xem xét – một ví dụ cụ thể là sự hình thành của nhà máy sắt quan trọng nhất của Italy, Societa alti forni, fonderie e acciaierie di Terni, vào năm 1884 – nhà nước là cơ sở cho sự phát triển công nghiệp này. Sự lựa chọn được coi là quyết định dưới sự thúc ép của giới kinh doanh đang cố gắng chế tạo ra các công cụ đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của nhà nước

Nhưng những khẳng định này cần thêm sự giải thích -

Nhà nước Italy đã trực tiếp tham gia vào phát triển kinh tế, mặc dù về lý thuyết thì tầng lớp thượng lưu chính trị chống lại việc trực tiếp gánh vác trách nhiệm tại các doanh nghiệp tư nhân và ủng hộ chính sách laissez faire – mặc dù vậy, họ cũng luôn bảo vệ các rào cản thương mại. Trường hợp “Terni” là điển hình theo quan điểm này bởi vì ngành sắt đã được hỗ trợ bằng các đơn đặt hàng vật liệu của ngành đóng tàu, mà không có bất cứ sự can thiệp trực tiếp nào theo lệnh của chính quyền vào doanh nghiệp tư nhân. Do đó, một trong những nỗ lực quan trọng nhất để phát triển nền tảng công nghiệp Italy đã được thực hiện bằng các công cụ pháp luật truyền thống, tức là thông qua việc mua sắm các vật liệu mà Bộ Hải Quân đòi hỏi.

Khi xem xét vụ bê bối quan trọng nhất trong nửa sau thế kỷ 19, liên quan đến ngân hàng Banca Romana và các ngân hàng Italy khác, chúng tôi xác thực được một số các khẳng định đã nêu. Banca Romana là một trong số các ngân hành phát hành tiền của Italy và cho các lãnh đạo chính trị vay tiền, trong đó có Crispi và Giolitti, để chi cho các chiến dịch tranh cử của họ và tác động đến báo chí. Banca Romana đã in tiền bất hợp pháp và gia tăng lượng tiền. Điều quan trọng nhất cần phải nhắc đến là Bộ Nông Nghiệp, Công Nghiệp và Thương Mại đã yêu cầu điều tra các ngân hàng phát hành tiền vào năm 1889. Alvisi, một thượng nghị sĩ, cùng với các công chức của Ngân Khố đảm nhiệm cuộc điều tra đó. Họ đã phát hiện ra rằng ngân hàng thường xuyên che giấu các khoản tiền để ủng hộ các chiến dịch tranh cử, đó là hành động bất hợp pháp. Như Gustapane đã nhấn mạnh [4] – vào năm 1893, lệnh bắt giữ, khám xét và lệnh tịch biên tạm thời đã được đưa ra trong cuộc họp của thủ tướng, bộ trưởng Bộ Nội Vụ, bộ trưởng Bộ Tư Pháp và các quan tòa cấp cao nhất của Italy. Vụ bê bối liên quan đến giới thượng lưu chính trị, bốn bộ trưởng, một số trưởng ban và nghị sĩ Quốc Hội cũng như Giolitti bị buộc phải từ chức. Chỉ có ngân hàng nhà nước mới, Banca d'ltalia, được quyền phát hành tiền. Như Gustapane đã nhận thấy, không có bất cứ sáng kiến phi pháp nào khác liên quan đến Banca Romana kể từ đó, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng của Nhà Nước Tự Do. Điều này có nghĩa là sáng kiến tập trung quyền phát hành tiền là hữu ích, nhằm đạt được mục đích phòng ngừa dạng tham nhũng đó. Một sự tổ chức khác của hệ thống ngân hàng cũng được hình thành và mang tới một kết quả rất quan trọng. Sáng kiến thể chế [5] này quan trọng không chỉ bởi vì đó là một trong những điều kiện để Italy cất cánh vào cuối thế kỷ mà còn bởi vì nó cho thấy phản ứng của hệ thống chính trị. Điều này dĩ nhiên là một sự xem xét tập trung để thấu hiểu tại sao hệ thống chính trị muốn phá hủy nguyên nhân đã tạo ra việc sử dụng nguồn lực công một cách ngược ngạo. Có thể nói rằng không có bất cứ điều gì tương tự đã xảy ra trong các giai đoạn khác của lịch sử Italy.

Hai sáng kiến khác có thể đem đến sự giải thích tốt hơn cho lý thuyết này. Trong thời kỳ Italy cất cánh, từ những năm cuối thế kỷ 19 đến năm 1914, hành chính công đã bắt đầu thay đổi nhanh chóng và phát triển những mối quan hệ mới với lợi ích tư nhân. Điều này cũng tạo ra các cơ hội mới cho sự tham nhũng. Các tầng lớp chính trị cố gắng kiểm soát hiện tượng đó. Như đã được thấy, không chỉ có ba cuộc điều tra của Quốc Hội mà còn có hai sáng kiến thể chế được đưa ra.

Vào năm 1912, sáng kiến đầu tiên là quyết định thành lập một Ủy Ban mới – Commissione per gli approvvigionamenti e forniture di Stato – trực thuộc Ngân Khố, nhằm mục đích phối hợp hành động của các bộ phận khác nhau trong hành chính công, vốn đang đặt hàng của các ngành tư nhân. Đây là hệ quả của sự phát triển công nghiệp nhưng cũng là hệ quả của cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1911-12, đã làm gia tăng chi tiêu nhà nước. Sự hình thành cơ quan mới đã cho thấy cách thức mà tầng lớp chính trị nhận thức được sự tồn tại của vấn đề. Đồng thời, các lợi ích tư nhân cũng được tổ chức theo cùng một cách đó, như vậy có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến sự lựa chọn của hành chính công. Cụ thể là có thể ảnh hưởng tới công việc của Ủy Ban Ngân Khố mới. Trong chiến tranh và những thập kỷ tiếp theo, vấn đề đại diện cho lợi ích tư nhân trong phạm vi nhà nước tiếp tục là vấn đề trung tâm và giải pháp trong nhiều giai đoạn khác nhau là cơ sở để thấu hiểu hiện tượng tham nhũng.

Sáng kiến thứ hai, rất đáng để chú ý, là quyết định của nội các vào ngày 28/7/1913 về mối quan hệ giữa công chức và hãng tư nhân. Nội các quyết định rằng không có bất cứ công chức, viên chức quân sự hay cựu công chức nào được phép làm đại diện hay trung gian của một hãng tư nhân với bất kỳ bộ phận hành chính công nào. Trước hết, quyết định đó cho thấy rằng đây là vấn đề trung tâm. Quyết định – đã thay đổi tình hình kéo dài – liên quan đến toàn bộ các bộ phận nhà nước và kéo theo các phản ứng nội bộ mạnh mẽ, cùng với một cuộc thảo luận về cách thi hành quyết định đó.  Sindacato del funzionari di Stato, công đoàn của công chức, phản đối quyết định và cũng có những phản ứng của nhiều công chức. Họ phản đối tại một tòa án hành chính, lập luận rằng quyết định đó không liên quan đến bất kỳ công chức nào mà chỉ liên quan đến các đại diện thương mại đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền.

Trong thời kỳ kinh tế phát triển và các mối quan hệ được tái sinh giữa khu vực công và tư, quyết định của thủ tướng sẽ bảo vệ chính quyền chống lại các bê bối và tham nhũng. Cùng lúc đó, Giolitti không thay đổi mối liên hệ truyền thống với khu vực hành chính công, vốn đã phát triển quan hệ với lợi ích tư nhân kể từ nhưng thập kỷ cuối của thế kỷ 19. Bộ trưởng Bộ Hải Quân viết thư cho Giolitti rằng việc thi hành quyết định đó sẽ tạo ra nhiều rắc rối. Các quan chức hải quân cấp cao được tuyển dụng là giám đốc kỹ thuật cho các ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh. Theo quan điểm này, Millo – người được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Hải Quân sau cuộc họp ngày 28/7 của nội các – nói rằng ông phản đối việc thi hành quyết định trên đối với bộ. Theo quan điểm của ông, quyết định đó sẽ tạo ra một vấn đề lớn cho cả các ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh cũng như Bộ Hải Quân. “Kinh nghiệm sâu sắc” của những cựu sĩ quan đã được công nhận, trong cả các vấn đề về hợp đồng cũng như trong các nghiên cứu đã xuất hiện trước đó. Bộ trưởng đề nghị chỉ thi hành quyết định đối với các công chức làm đại diện cho các hãng tư nhân.

Vấn đề này không phải là mới. Vào năm 1885, một chi nhánh của Armstrong, Mitchell & Co. – một trong những hãng phục vụ chiến tranh lỡn nhất thế giới – được thành lập ở Naples để sản xuất pháo cho hải quân. Hãng được thành lập dựa trên hợp đồng giữa hải quân Italy và Armstrong, trong các cuộc thảo luận, đô đốc Augusto Albini có vai trò quan trọng. Hai thập kỷ sau, vào năm 1903, cuộc điều tra của ủy ban Quốc Hội đã kết luận rằng Albini, trong vài trò tổng chỉ huy pháo binh, đã bảo vệ một hợp đồng nội bộ của bộ. Nhưng “năm tiếp theo, khi việc thực hiện hợp đồng bắt đầu, ông đã rời hải quân và trở thành trưởng đại diện của Armstrong ở Rome” [6]. Nhiều sĩ quan khác, vốn kiểm soát các hãng tư nhân theo nghĩa vụ của họ, sau này cũng trở thành đại diện của chính những doanh nghiệp ấy. Bên cạnh đó, các cựu sĩ quan cấp cao cũng là người đứng đầu ở hầu hết các hãng phục vụ chiến tranh.

Quyết định năm 1913 của nội các được đưa ra sau một thời gian dài mà các doanh nghiệp phục vụ chiến tranh đều sử dụng các cựu công chức. Họ được sử dụng để thu được các thông tin hữu ích liên quan đến nhu cầu của chính quyền cũng như khả năng gây ảnh hưởng tới quyết định của họ.

Salandra, thủ tướng kế nhiệm Giolitti, vào tháng giêng năm 1915, đã cho phép cựu sĩ quan hải quân tiếp tục làm việc – ngay cả khi chỉ làm rõ “các chi tiết kỹ thuật” – trong vai trò đại diện của Compagnia Marconi trong các cuộc đàm phán để gia hạn hợp đồng về máy điện báo và bộ trưởng Bộ Dịch Vụ Bưu Chính và Điện Tín cũng đã bảo vệ quyết định này.

Quyết định này xác nhận rằng mục tiêu của quyết định năm 1913 đã được giảm thiểu các hệ quả tiêu cực đối với chính quyền trong sự xuất hiện của các cựu sĩ quan tại các hãng tư nhân, nhưng không cố gắng thay đổi quan hệ giữa nhà nước và lợi ích tư nhân.

Những quan hệ khác liên quan đến văn hóa hành chính công cũng có thể xảy ra. Cho đến Thế Chiến I, nhà nước nước thuộc về tầng lớp thượng lưu chính trị và hành chính, vốn có một văn hóa chung. Cảm giác thuộc về nhà nước và một sự đồng thuận về dự án xây dựng nhà nước được hình thành. Đây là hệ quả của lý tưởng “Risorgimento” về đấu tranh thống nhất quốc gia. Lý tưởng này cho rằng cuộc đấu tranh phải tiếp tục với việc tạo ra nhà nước mới, có mục tiêu là tổ chức xã hội dân sự và khuyến khích sự phát triển của xã hội dân sự. Hầu hết các công chức đều coi bản thân là một phần của nỗ lực ấy và cảm thấy trách nhiệm đối với nhà nước cũng như nhà vua. Họ cảm thấy bản thân phải trung thành với nhà nước và không phải – như đã xảy ra với chế độ Phát xít và thường xuyên sau đó – với một đảng chính trị coi chính quyền là công cụ cai trị của họ. Đồng thời, sự giảm thiểu các liên hệ trực tiếp với giới kinh doanh cũng không làm giảm các cơ hội tham nhũng. Theo góc độ này, các giá trị đạo đức được hệ thống hành kiểm soát xã hội củng cố mà không có bất cứ sự can thiệp trực tiếp và liên tục nào vào các hoạt động kinh tế. Thêm vào đó, giới kinh doanh vốn đã yếu so với quyền lực nhà nước và không được tổ chức để tạo ra ảnh hưởng trực tiếp tới nhà nước, như dưới chế độ Phát xít và sau Thế Chiến II.

Hoàn cảnh đã thay đổi khi thế kỷ mới bắt đầu, sự quốc hữu hóa hệ thống đường sắt, sự hình thành Quỹ Bảo Hiểm Quốc Gia, Ina, cũng sự đại diện của các lợi ích tư nhân trong một số nhánh của hành chính công. Các hoạt động của nhà nước mới tạo ra các quan hệ mới giữa hành chính công và lợi ích tư nhân. Cuộc chiến tranh giữa Italy và Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra tình hình mới: chi tiêu công gia tăng và nhũng cơ hội mới cho lợi ích tư nhân xuất hiện. Khi Italy cất cánh, chúng mạnh hơn và tự tổ chức lại để tác động đến hành chính công theo cả cách hợp pháp – ví dụ như yêu cầu các thủ tục mới cho hoạt động của hành chính công – lẫn ảnh hưởng trực tiếp đến sự lựa chọn của hành chính công, cũng như sử dụng các công cụ tham nhũng. Theo góc độ này, một ví dụ rất rõ ràng là việc mua sắm hàng hóa trong cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế Chiến I tạo ra một sự biến đổi mới. Khủng hoảng chiến tranh làm suy giảm sự kiểm soát đối với chi tiêu công và các lãnh đạo chính trị cũng như quân sự chấp nhận ở một mức độ nhất định sự lãng phí nguồn lực công – để có được sản lượng vật liệu cần thiết cao hơn. Đồng thời, các bộ phận quân sự cũng tạo ra một sự hợp tác mới giữa lợi ích công và tư nhân. Các công chức thường xuyên đàm phán nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến giới kinh doanh và công nghiệp mà không có các phương tiện văn hóa và pháp luật cần thiết. Do vậy, họ bị yếu đi so với giới công nghiệp, vốn đã tạo dựng được tổ chức và cố gắng chiếm lấy mọi khả năng sử dụng nguồn lực công cho bản thân.

Dưới chế độ Phát xít

Cho đến khi kết thúc Thế Chiến I, Quốc Hội được sử dụng như một dạng quyền lực tư pháp. Điều đó được thể hiện bằng các cuộc điều tra của Quốc Hội, mang tính quyết định trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi có các vụ bê bối, hay do các vụ tham nhũng dẫn tới.

Dưới đây là một số cuộc điều tra:
1864 – về hiệp hội đường sắt, Societa delle ferrovie Meridionali.
1869 – về nhà máy thuốc lá nhà nước, Regia dei Tabacchi.
1894 – về Banca Romana.
1904 – về Hải Quân, Regia Marina.
1908 – về quân đội, Regie Esercito.
1912 – về việc xây dưng tòa nhà Tư Pháp ở Rome.
1917 – về việc quản lý các lễ kỷ niệm và triển lãm ở Rome, Turin và Palermo.
1920 – hai cuộc điều tra: về chi tiêu chiến tranh, về việc quản lý việc hỗ trợ dân chúng và tái thiết các khu vực được giải phóng,
1921 – về việc tổ chức hành chính nhà nước và các điều kiện về nhân sự.

Các cuộc điều tra của Quốc Hội được hình thành dựa trên cơ sở pháp lý; nhiều trong số chúng tạo ra quyền lực đặc biệt cho ủy ban Quốc Hội. Những quyền lực này mang tính tư pháp liên quan tới thu thập tài liệu và sử dụng nhân chứng. Kể từ sau những năm bảy mươi, nhiều cuộc điều tra hành chính đã được tạo ra, như là công cụ để điều tra hành chính công và tham nhũng. Tầng lớp thượng lưu chính trị đặc biệt chú ý tới tham nhũng và một trong số các cuộc điều tra này – liên quan tới việc xây dưng tòa nhà Tư Pháp ở Rome – một số nghị sĩ đã bị đưa ra tòa.

Quyết định ban đầu của chính phủ Mussolini là chấm dứt cuộc điều tra của ủy ban, vốn đảm nhiệm vệc phân tích chi tiêu nhà nước trong Thế Chiến I. Ủy ban bị buộc phải trình bày báo cáo chung cuộc, làm rõ các hoạt động bất phợp pháp của nhiều hãng để nhận được các đặt hàng của chính quyền. Công việc bị ngừng lại trước khi chạm tới một số hãng đứng đầu trong công nghiệp Italy. Ủy ban điều tra đã tập trung sự chú ý vào mối quan hệ giữa chính quyền, đặc biệt là giới quân sự, với các hãng tư nhân. Hoàn cảnh có thể làm suy yếu sự ủng hộ, như giới kinh doanh đã thể hiện, thuận lợi cho chính quyền Mussolini.

Cả thời kỳ Tự Do cũng như Cộng Hòa của Italy, sự tồn tại của phe đối lập chính trị về mặt lý thuyết đóng vai trò như là sự kiểm soát đối với tham nhũng nói riêng và việc sử dụng nguồn lực công nói chung. Trên thức tế, mức độ kiểm soát rất khác biệt so với lý thuyết nhưng rõ ràng là sự tồn tại của hệ thống chính trị có sự xuất hiện của nhiều nhóm có thể kiểm soát tham nhũng. Với chế độ Phát xít thì không có phe đối lập hợp pháp nào có thể kiểm soát công việc hành chính công, trong giai đoạn mà đặc trưng là sự tăng trưởng của cả nhân sự cũng như các bộ phận và hoạt động. Sự xem xét tương tự về sự tồn tại của tòa án độc lập – vốn cần có một khuôn khổ pháp lý phù hơn, cũng có thể nhắc đến.

Chế độ Phát xít kiểm soát chặt chẽ tư pháp, trong khi Hiến Pháp năm 1948 tạo thành nền tảng cho sự độc lập của tư pháp. Điều này có nghĩa là “khả năng sử dụng tư pháp chống lại hiện tượng tham nhũng một cách hiệu quả tương ứng với mức độ độc lập của quan tòa và đặc biệt là cơ quan điều tra.” Điều đó cũng có nghĩa là “bên cạnh việc tạo ra các công cụ phi tư pháp khả thi để ngăn chặn hiện tượng, mối quan tâm hàng đầu phải là duy trì sự độc lập của quan tòa và đặc biệt là cơ quan điều tra, cơ quan nói riêng, có thể đảm bảo sự tự do hành động của họ trong việc chống lại mọi loại tội phạm.” [8]

Dưới chế độ Phát xít, tham nhũng luôn được che dấu. Mussolini cố gắng tạo ra sự đồng thuận, đồng thời cho thấy hiệu quả của nhà nước độc tài. Ông ta cố gắng tạo ra hành chính công khác với hình mẫu của Weber và tích cực ủng hộ các mục tiêu của chế độ. Hệ quả của tình hình này là không có cuộc điều tra hành chính nào trong giai đoạn đó, đồng thời cũng có thể thu đươc số phán đoán hữu ích về cách thức che dấu một vụ bê bối vào đầu những năm ba mươi.

Tướng Carlo Cavallero rời khỏi quân đội sau khi kết thúc Thế Chiến I và trở thành người quản lý hãng Pirelli ở Milano. Vào năm 1925, ông được Mussolini bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Chiến Tranh. Sau đó, ông trở thành thượng nghị sĩ và vào năm 1928 ông quay trở lại hoạt động dân sự, trong vai trò chủ tịch của hãng Ansaldo. Ông bị buộc phải từ chức vì vụ bê bối liên quan đến vật liệu mà hãng Ansaldo cung cấp cho hải quân Italy. Mussolini đã làm ngơ vụ bê bối có thể chạm tới tầng lớp thống trị về chính trị, quân sự và kinh tế của Italy, vụ này liên quan đến cả gia đinh Ciano. Vụ bê bối không tạo ra bất cứ hậu quả nào, chỉ có một kỹ sư bị kết án. Cavallero trở lại quân đội vào năm 1938 và trở thành tham mưu trưởng – đứng đầu Stato Maggiore Generate từ năm 1940 đến 1943.

Dưới chế độ Phát xít, điều gây tranh cãi là hậu quả của chiến tranh và/hay sự phá hủy của thế giới văn hóa, đạo đức mà chiến tranh tạo ra đã gây ra tham nhũng, sự suy giảm nói chung của đạo đức, vốn là cơ sở của hành chính công trong thời kỳ Tự Do đã xuất hiện. Đặc tính của hành chính Italy, dựa trên trật tự và đẳng cấp, là phù hợp với mục tiêu của chế độ Phát xít và lý tưởng về xã hội mà theo đó công dân không có sự độc lập thật sự. Đảng Phát xít can thiệp trực tiếp vào các quyết định công ở mọi cấp và áp dụng một văn hóa mới cũng như thái độ mới mà giới hành chính không phản đối.

Với chế độ Phát xít, lần đầu tiên trong lịch sử Italy, một đảng là trung tâm của hệ thống chính trị - tầng lớp thượng lưu Tự Do cai trị không cần có đảng phái – và khôi phục mối quan hệ gần gũi với nhà nước: Partito nazionale fascista cố gắng mở rộng sự ủng hộ của quần chúng đối với chế độ Phát xít. Đảng kiểm soát những bộ phận khác nhau của bộ máy nhà nước, mặc dù mục đích chỉ đạt được ở nhiều cấp độ khác nhau. Điều đáng chú ý hơn theo quan điểm của chúng tôi là một số nhóm kinh tế và tài chính quan trọng nhất có khả năng thực thi các chức năng công theo một cách trực tiếp hơn. Lãnh đạo chính trị trực tiếp tham gia ban điều hành của các công ty quan trọng nhất, trong khi Confidustria – tổ chức tư nhân của các nhà công nghiệp Italy – chiếm lấy các chức năng công cộng. Ở cấp địa phương, thị trưởng, được bầu chọn trước chế độ Phát xít, bị thay thế bằng podesta do đảng kiểm soát.

Một số thay đổi đó – đặc biệt là sự hiện diện của lợi ích tư nhân trong hành chính công – không phải là đặc trưng của riêng Italy, nhưng ở Italy thì chúng phát triển trong hoàn cảnh của chế độ độc tài chính trị và khiến cho chúng có một đặc tính độc nhất. Trong hoạt động của Confindustria, khó có thể phân biệt được ranh giới giữa lợi ích công và tư. Những mối quan hệ mới giữa lợi ích tư nhân và chính quyền nhà nước cũng giống như các nước công nghiệp khác sau cuộc khủng hoảng 1929. Từ sau Thế Chiến II, sự cộng sinh này đã thay đổi, trong khi đó ở Italy thì nó vẫn tiếp tục hoạt động, với quyền lực công đóng vai trò như là công cụ cho các mục đích tư nhân.

Trong khi những lợi ích tư nhân quan trọng nhất có thể tương tác với quyền lực công thì đồng thời sự tự cấp tự túc và lập kế hoạch kinh tế là cơ sở cho sự phát triển của một nhóm công chức kỹ thuật mới. Họ hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các tổ chức công tới các bộ ngành kinh tế, xử lý các vấn đề công nghiệp, thương mại và tiền tệ. Sự can thiệp của nhà nước đã phát triển lĩnh vực kinh tế công hơn tất cả các nước phương Tây khác: vào năm 1939, IRI – Istituto per la ricostruzione industrial – nắm giữ 44% cổ phần của Italy. Ở Italy, sự ra đời của nhà nước kinh doanh là vào thời Phát xít và điều này có một số tính chất khác biệt. Điều đó là kỳ lạ trên góc độ mối quan hệ của nó với công nghiệp tư nhân và khả năng của hệ thống chính trị trong việc kiểm soát hoạt động của các cơ quan công quyền mới. Do đó, ở Italy, một hiện tượng chung – sự phát triển của nhà nước kinh doanh – có một sự phát triển đặc biệt và đặc tính đặc biệt bởi vì nó đã phát triển trong hoàn cảnh của chế độ độc tài. Một số đặc điểm, như chúng ta đã thấy, vẫn tiếp tục tồn tại sau khi Thế Chiến II kết thúc.

Các nhà quản lý thường chuyển từ các vị trí công sang vị trí tư. Giới kinh doanh và quản lý nhà nước không phải là các lĩnh vực tách biệt, được thể hiện trong một ví dụ điển hình: Felice Guarneri, người đã làm việc ở Confindustria và Assonime, vào khoảng thời gian 1936-1939 làm bộ trưởng thương mại quốc tế và tiền tệ, sau này quay trở lại các vị trí tư nhân. Bản thân Mussolini cũng trao quyền lực lớn cho các nhóm công nghiệp để nhận được sự ủng hộ của họ trong cải cách kinh tế vào nửa cuối của những năm 1930. Một sự cộng sinh được xác nhận trong thời kỳ Tái Thiết, khi mà đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng nắm quyền cho đến năm 1992, xây dựng quyền lực dựa trên sự nắm giữ kinh tế công và quản lý nhà nước [10].

Tham nhũng, trên khía cạnh này là có khả năng, hàm chứa trong cấu trúc quan hệ công-tư. Hay nói cách khác, giới kinh doanh đã luôn luôn gắn liền với hoạt động nhà nước – đây là tính chất được phục hồi của “những kẻ đến muộn” trong công nghiệp hóa, nhưng với chế độ Phát xít, nó đã tạo ra khuynh hướng mới. Các doanh nghiệp đã phát triển nhanh nhất là những doanh nghiệp có khả năng gia tăng vị thế của họ trên thị trường và đồng thời sử dụng mọi cơ hội do nhà nước cung cấp. Trên góc độ này, doanh nghiệp phải luôn luôn cố gắng thiết lập mối quan hệ hữu ích với một số bộ phận hành chính công và điều này tạo ra cơ sở cho hiện tượng tham nhũng. Kể từ chế độ Phát xít, hành chính công đã luôn có một số cách để tự bảo vệ trước các đòi hỏi tư nhân được sự ủng hộ của sức mạnh chính trị.

Nước Cộng Hòa

Tình hình chính trị và thể chế mới tiếp tục mang đặc trưng đã nêu, sự kiểm soát đối với mối quan hệ giữa lợi ích tư nhân và hành chính công là yếu và mô hình cũ vẫn tồn tại. Sau năm 1945, đảng nắm quyền đã không tạo ra không gian cho sự kiểm soát thực tế đối với hoạt động hành chính của họ [11]. Do đó, các cơ quan công quyền đã tiếp tục duy trì sự độc lập để đóng vai trò như là công cụ hữu ích của tầng lớp thượng lưu chính trị. Cấu trúc và hoạt động của viện kiểm toán tối cao nhà nước, Corte de conti, là một ví dụ điển hình. Viện không có quyền lực thực tế và điều này khiến cho chính quyền Italy có khả năng tránh được mọi sự kiểm soát thực tế. Hiến Pháp Cộng Hòa trao sự độc lập hoàn toàn cho viện, nhưng một đạo luật năm 1934 đã tiếp tục tạo ra quyền lực can thiệp lớn cho chính quyền bằng cách bổ nhiệm và thăng chức cho các thành viên của viện. Quyền lực lớn cũng được cung cấp cho thổng thống, trong khi các thẩm phán có thể bị bãi chức, điều này xung đột với điều 100 của Hiến Pháp. Theo cách này, viện đã được sử dụng như là công cụ của chính quyền và không thể thực sự kiểm soát được hoạt động của nó [12].

Vào năm 1923-24, hệ thống kế toán truyền thống được phê chuẩn. Đồng thời, chế độ Phát xít cũng tạo ra các cơ quan công quyền mới độc lập với tổ chức cấp bộ, nhưng không tạo ra hệ thống kiểm soát, hữu dụng để kiểm soát hoạt động của chúng. Điều này là bởi vì các cơ quan công quyền mới được coi là công cụ chính sách của Phát xít. Chúng cần phải hoạt động theo mối liên hệ chặt chẽ với các quyết định của chính quyền. Người đứng đầu các cơ quan công quyền khác nhau này được Mussolini trực tiếp bổ nhiệm, do đó thực sự quyền lực khi sử dụng các tài nguyên công. Cùng lúc đó, công chức phải trung thành, không phải với nhà nước mà với chế độ Phát xít, một điều kiện được củng cố bằng nhiều sự kiện trong những năm 1930, do đó hành động của họ có thể đánh giá về mặt chính trị.

Sau Thế Chiến II, hệ thống này vẫn tiếp tục tồn tại. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo coi hành chính công là một trong những công cụ chính để củng cố vị thế của họ. Tham nhũng tiếp tục phát triển bởi vì phần lớn hoạt động của cơ quan công quyền không được đặt dưới bất kỳ sự kiểm soát nào của bên ngoài. Mục tiêu của chúng trở thành củng cố sự đồng thuận, sử dụng tài nguyên công cho các mục tiêu của đảng, do vậy mọi sự kiểm soát tự bên ngoài đều được coi là sự can thiệp không được mong muốn. Mặt khác, các công chức lại một lần nữa được đòi hỏi trung thành với đảng thay vì nhà nước. Trong hoàn cảnh Chiến Tranh Lạnh cùng với sự tồn tại của một phe đối lập cộng sản và xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, đảng cầm quyền đã phát triển chế độ gia đình trị và công chức phải ủng hộ chính quyền cũng như không chống lại việc nhà nước hướng tới các lợi ích tư nhân.

Hiện tượng này có thể thấy rõ trong việc hình thành và phát triển nhiều cơ quan công quyền. Một trong những cơ quan quan trọng nhất là Cassa per il Mezzogiorno, được thành lập vào năm 1950 với quyền can thiếp lớn cũng như nguồn lực lớn, tại các khu vực kém phát triển của Italy. Cassa per il Mezzogiorno quản lý ngân sách lớn nhưng ngay từ ban đầu, Tòa Án Kiểm Toán Italy, Corte dei conti, đã không thể kiểm soát hoạt động của họ. Các vụ bê bối và tranh cãi về hoạt động của cơ quan quan trọng nhất, tạo ra sự can thiệp trực tiếp vào kinh tế Italy, là đương nhiên do thiếu sự kiểm soát đối với các hoạt động của nó. Cassa per il Mezzogiorno cũng không phải là ngoại lệ: hai cơ quan công quyền lớn khác là IRI và ENI cũng thường xuyền bác bỏ sự kiểm soát tương tự cho đến những năm 1960, trong khi các tổ chức tiết kiệm công – như INPS là tổ chức quan trọng nhất – tiếp tục hoạt động dựa trên các nghị định của thời Phát xít. Vào năm 1988, sau khi việc biển thủ ngân quỹ bị phát hiện, đa số nghị viện đã bác bỏ việc thành lập ủy ban điều tra. Chức năng kiểm soát của Quốc Hội đã suy giảm mạnh, cụ thể là về việc sử dụng nguồn lực công. Lợi thế của hệ thống này là tạo ra cơ hội sử dụng các cơ quan công quyền cho các mục đích của đảng. Trên góc độ này, tham nhũng không phải là hiện tượng khó hiểu, mà là hệ quả của cấu trúc trong một số bộ phận của hành chính công. Những cơ quan không được coi là định hướng hay kiểm soát sự phát triển kinh tế mà là công cụ hữu ích để mở rộng sự đồng thuận cho đảng cầm quyền. Vào năm 1981, đa số trong một ủy ban Quốc Hội đã quyết định khởi sự một vụ kiện chống lại hai nghị sĩ Quốc Hội. Họ là các bí thư thường trực của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (DC) và đảng Dân Chủ Xã Hội Italy, các đảng đang tham gia chính quyền, họ bị cáo buộc nhận các quỹ phi pháp từ ITALCASSE. Họ tuyên bố được bảo vệ bằng quyền miễn tố của nghị sĩ, bởi vì hoạt động của họ không phải là “tư nhân” mà là chính trị. Một mệnh đề - giá trị công của hoạt động gây quỹ phi pháp cho các đảng phái chính trị - được sử dụng nhiều lần trong “Tangentopoli”, tức là trong các vụ bê bối vào những năm 1990. Những người bảo vệ ý tưởng này cho rằng chức năng của đảng phái chính trị là chức năng công cộng, do đó không bị truy tố hình sự. Không khó để nhận thấy một số quan hệ trực tiếp với vai trò của đảng Phát xít. Do đó, tham nhũng không phải là hiện tượng khó hiểu, bởi vì tầng lớp thượng lưu chính trị không cố gắng tổ chức lĩnh vực công nhằm tránh sự lãng phí tài nguyên công kiểu đó và cũng không có sáng kiến chính trị nào thành công trong việc ngăn chặn hay làm giảm tham nhũng. Trên góc độ đó, tham nhũng là một khía cạnh của việc sử dụng tài nguyên công cho việc gia tăng sự đồng thuận với một chính đảng cụ thể. Nói chung, sự phát triển của tham nhũng cũng gắn liền với sự tồn tại của một phe đối lập chính trị ít nhiều có thể kiểm soát hoạt động của đảng cầm quyền. Cuối những năm 1970, đa số mới đã tạo ra quan hệ mới giữa hai đảng quan trọng nhất trong chính quyền, DC và đảng Xã Hội Italy (PSI), cũng như các nhóm kinh tế tư nhân và công cộng lớn. Việc quản lý các quỹ được gắn với nhiều luật chuyên biệt cho thấy mức độ cao của tham nhũng, vốn là hệ quả của thỏa thuận chính trị mới. Theo nhiều học giả, điểm chuyển biến là năm 1979. Sau năm đó, tham nhũng đạt tới cấp độ mới, mà “Chiến Dịch Bàn Tay Sạch” đã cố gắng chống lại từ năm 1992.

Điều quan trọng cần phải nhắc tới là cho đến ngày 5/12/1969, đạo luật số 932 – cảnh sát có nhiệm vụ đệ trình mọi tội hình sự cho công tố - Procuratore della Repubblica – và tiến hành điều tra sơ bộ. Điều này bảo vệ vị thế của các lãnh đạo chính trị, bởi vì Bộ Nội Vụ kiểm soát những cuộc điều tra liên quan đến họ. Chỉ từ sau năm 1969, luật pháp mới cho phép công tố thực hiện các cuộc điều tra, do vậy trở thành chìa khóa chủ chốt để khám phá tham nhũng.

Từ quan điểm văn hóa, vai trò của hai chính đảng quan trọng nhất cũng cần được nghiên cứu. DC và đảng Cộng Sản Italy, PCI, đều là các đảng “mục đích luận”, viện dẫn truyền thống văn hóa, nhà thờ Catholic và chủ nghĩa Marx, không chú ý nhiều đến các vấn đề của Nhà Nước Hiện Đại hay sự quản lý nhà nước hiện đại [13]. Bên cạnh đó, các chính khách của các đảng phái mới đã không tham gia chính quyền dưới thới Phát xít, do vậy không có kinh nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực này. Trong khi PCI phát triển kinh nghiệm quản lý ở cấp địa phương, DC nắm quyền ở Italy dựa trên cơ sở cấu trúc hành chính được thừa hưởng từ chế độ Phát xít.


Một số xem xét tiếp theo

Thế Chiến I đã khiến hiện tượng tham nhũng trỗi dậy, một phần được các lãnh đạo chính trị và quân sự chấp nhận như là cái giá để gia tăng sản xuất công nghiệp nhanh nhất có thể. Theo quan điểm khác, chúng tôi có thể nói rằng vào Thế Chiến I thì nhà nước Italy đã chấp nhận một mức độ tham nhũng và lãng phí nguồn lực công nhất định, để hoàn thành sự hợp tác của công nghiệp Italy. Điều này hàm chứa hai mục tiêu: để thắng trong chiến tranh – có nghĩa là bảo vệ sự tồn tại của bản thân nhà nước – và mở rộng cấu trúc kinh tế của quốc gia – một mục tiêu mà tầng lớp thượng lưu tự do đã theo đuổi từ năm 1861.

Mặt khác, khi nói tới sự tham nhũng sau năm 1945, điều quan trọng là trình bày cách nó tạo ra sự lãng phí nguồn lực công, cả bởi vì nó hàm chứa chi phí cao hơn cho mọi sản phẩm hay dịch vụ mà nhà nước chi trả cũng như bởi vì nó đẩy đầu tư công từ các mục tiêu công ích sang các lĩnh vực có khả năng nhận được hối lộ lớn hơn. Theo cách này thì tham nhũng không còn là phụ phẩm hữu ích mà chỉ có tác dụng hỗ trợ cho một số đảng phái chính trị. Theo một số nhà quan sát, cuộc chiến chống lại tham nhũng, bắt đầu vào năm 1992, cũng là thời kỳ khủng hoảng tài chính của nhà nước Italy – phải tôn trọng các quy định của Châu Âu, với hệ quả là việc kiểm soát nguồn lực công chặt chẽ hơn. Trong một nhà nước, luôn mang đặc trưng là sự kiểm soát công yếu, các điều kiện của Liên Minh Châu Âu có thể có những tác động quan trọng trong cuộc chiến chống lại tham nhũng [14].

Một số học giả chỉ ra rằng vào Thế Chiến I, cơ sở của sự tham nhũng là sắc lệnh số 770 ngày 4/8/1914, vốn củng cố sự độc lập truyền thống của giới quân sự. Sắc lệnh này – sau đó được phê chuẩn cho toàn bộ cuộc chiến tranh – đã đem lại cho họ khả năng hoạt động mà không cần tuân thủ các quy định chung về kế toán của nhà nước, “khi liên quan đến các sự kiện quốc tế”. Những sắc lệnh khác, trước Thế Chiến I, đã đề cập tới khả năng thực thi quyền lực lớn của chính quyền trong các sự kiện bất thường, đặc biệt là chiến tranh. Các sự kiện khác – ví dụ động đất – cũng được viện dẫn những quyết định này. Trong mọi hoàn cảnh, các sắc lệnh này được coi là hệ quả của tình hình khủng hoảng và được chấp nhận với sự bảo lưu lớn, ngay cả trong nội bộ tầng lớp thượng lưu cai trị. Từ góc độ của việc lập kế hoạch sử dụng  nguồn lực công cũng như từ góc độ kiểm soát và đạo đức công, gần 80 năm sau, vào năm 1992, Quốc Hội Italy đã quyết định xóa bỏ mọi sự kiểm soát công đối với các sự kiện “bất thường và khẩn cấp”. Chúng là phát kiến của Colombo – nhưng chúng đã được chờ đợi từ năm 1492 [15].
  
Paolo Ferrari, giảng viên môn lịch sử hiện đại tại đại học Pavia và tổng biên tập của tạp chí “Italia contemporanea”, Italy.

Chú thích:

1. We do not consider, in this context, corruption in relation with organised criminality. Where (and when) organisations as mafia or 'ndrangheta exercise a great power in civil society, their possibility of influencing public administration needs a peculiar attention. The use of public resources at local level has always been one of the most important aspects of the activity of these criminal organisations. Massimo Vari, Social Defence, Corruption, Protection of the Public Administration and Independence of the Judicial Power: Constitutional Law and Public Law Measures, in International Society of Social Defence-Societe Internationale de Defence Sociale, Responding to Corruption. Social Defence, Corruption, and the Protection of Public Administration and the Independence of Justice, edited by Paolo Bernasconi, Napoli, Istituto Italiano per gli Studi Filosofici, 2000, pp. 278-282. It is not possible to quote a very large literature on corruption. A fundamental recent study is Guido Melis (ed.), Etica e pubblica amministrazione. Per una storia della corruzione nell'Italia contemporanea, Napoli, Cuen, 1999. See also Vito Marino Caferra, // sistema della corruzione. Le ragioni, i soggetti, I luoghi, Roma-Bari, Laterza, 1992; Franco Cazzola, Delia corruzione. Fisiologia e patologia di un sistema politico, Bologna, II Mulino, 1988; Luciano Barca, Sandro Trento (eds.), L'economia della corruzione, Roma-Bari, Laterza, 1994 (in particular the essays by Stefano
Rodota, Su alcune ragioni istituzionali della corruzione, and L. Barca, La patologia degli anni ottanta).

2. This is one of the main themes studied in Fabio Rugge (ed.), L'administration et la gestion de la crise: le cas de la guerre-Administration and Crisis Management: the Case of Wartime, Bruxelles, IISA-IIAS, 2000.

3. Franco Bonelli, "II capitalismo italiano. Linee generali d'interpretazione", in Storia d'ltalia. Annali I. Dal feudalesimo al capitalismo, Torino, Einaudi, 1978; Marcello De Cecco, Antonio Pedone (a cura di), "Le istituzioni dell'economia", in Raffaele Romanelli (a cura di), Storia dello Stato italiano, Roma, Donzelli, 1995.

4. Enrico Gustapane, Per una storia della corruzione nell'Italia contemporanea, in G. Melis (ed.), Etica epubblica amministrazione, op. cit.

5. Also the opposite reaction is of course possible, i.e. to destroy the institutional means and procedures which react to the presence of corruption. Liberal elite used institutional means to reduce corruption and in that way tried to increase the efficiency of public action in a vital point of the economic system.

6. Commissione di inchiesta sulla R. Marina, Roma, 1906, vol. II, p. 157. See also Paolo Ferrari, "Amministrazioni statali e Industrie nell'eta giolittiana. Le commesse pubbliche tra riarmo e crisi economica", in Italia contemporanea, 1990, n. 180.

7. Fabio Rugge, "Institutional instruments against corruption: the Italian case", in IISA-IIASTodaie, La corruption politique et administrative-Political and Administrative Corruption, Bruxelles-Ankara, 1999, p. 150.

8. Carlo Federico Grosso, "Independence of the Judiciary and Judicial Repression of the Phenomenon of Corruption", in International Society of Social Defence-Societe Internationale de Defense Sociale, Responding to Corruption, op. cit., p. 288. Grosso adds that "it is also necessary to provide the judiciary with appropriate resources and structures for realising the objective of an effective fight against crime", p. 291; M. Vari, Social Defence, Corruption, Protection of the Public Administration and Independence of the Judicial Power, op. cit.; F. Rugge, Institutional instruments against corruption: the Italian case, op. cit.

9. G. Melis, Storia.dell'amministrazione italiana 1861-1993, Bologna, II Mulino, 1996, and G. Melis, L 'amministrazione, in R. Romanelli (ed.), Storia dello Stato italiano dall'Unita a oggi, op. cit.

10. Marco Maraffi, Politica ed economia. Le vicende dell'impresa pubblica dagli anni trenta agli anni cinquanta, Bologna, II Mulino, 1990; Liborio Mattina, Gli industriali e la democrazia. La Confmdustria nella fondazione dell'Italia repubblicana, Bologna, II Muliono, 1991; Massimo Legnani, L'ltalia dalfascismo alia repubblica. Sistema dipotere e alleanze sociali, Roma, Carocci, 2000.

11. Domenico Preti, "Una modernizzazione a rischio. II silenzio dei controlli nell'Italia repubblicana", Italia contemporanea, 1991, n. 183.

12. In recent times, however, the Italian Corte dei Conti (State Audit Court) has acquired a greater function: see F. Rugge, Institutional instruments against corruption: the Italian case, cit, p. 152, and M. Van, Social Defence, Corruption, Protection of the Public Administration and Independence of the Judicial Power, op. cit., p. 174.

13. L. Barca, Lapatologia degli anni ottanta, op. cit, pp. 74-75.

14. See, for example, Yolanda Gallego-Casilda Grau, "The European Union's Initiatives in the Fight against Corruption", in Unicri-Ispac-Centro Nazionale di Prevenzione e Difesa Sociale, Responding to the Challenges of Corruption, edited by Anna Alvazzi del Frate, Giovanni Pasqua, Roma-Milano, 2000.

15. L. Barca, Lapatologia degli anni ottanta, op. cit.