Wednesday, November 21, 2012

Một cái nhìn thiển cận về đất đai, giáo dục và tự do

Viết cái này nhân đọc bài "Đất đai, giáo dục và tự do" của Phạm Hồng Sơn đăng trên Pro&Contra.
Năm 1215 tại Anh quốc một nhóm chủ đất đã hợp nhau lại bắt vua phải cam kết tôn trọng một số quyền tự do của họ, trong đó, đương nhiên, có quyền định đoạt, sở hữu về đất và các lợi tức từ đất. Cam kết đó có cái tên Latin rất nổi tiếng: Magna Carta (Đại Hiến chương 1215). Tinh thần tự do cho đất, độc lập với kẻ cầm quyền của Magna Carta, dù phải trải qua rất nhiều thử thách, đã được duy trì và bảo tồn cho tới tận ngày nay. Anh quốc hiện là một trong những nước tự do nhất và là một nền dân chủ mạnh và bền vững tới mức không cần có văn bản có tên là hiến pháp.
Hiến chương Magna Carta được ký giữa các lãnh chúa và vua Anh  với các điều khoản chủ yếu là chính trị chứ không phải là đất đai vì đất đai trên thực tế thuộc về lãnh chúa. Nhưng các lãnh chúa lại chưa bao giờ tự mình canh tác đất đai mà họ giao chúng vĩnh viễn cho các nông nô cày cấy, cuộc sống của nông nô hoàn toàn lệ thuộc vào các lãnh chúa phong kiến. Vì vậy sự độc lập của các lãnh chúa có nghĩa là tự do bóc lột nông nô, tự do chém giết cướp bóc lẫn nhau. Hạn chế quyền lực của nhà vua có nghĩa là nông nô bỏ trốn khỏi lãnh địa không thể tìm thấy sự che chở của các thành thị nữa. Cái được gọi là "tinh thần tự do cho đất" là kiếp lệ thuộc vĩnh viễn của nông nô, không ở đâu sự tự do của giới quý tộc phải đánh đổi bằng tự do của giới bình dân nhiều đến thế. Nước Anh tư bản ngày nay đã xé bỏ cái Hiến Chương 1215 từ lâu vì chế độ tư bản đòi hỏi sự tự do của lao động, giới quý tộc cũng đã biến thành giới chủ doanh nghiệp, cái vương triều Anh giờ chỉ còn là món đồ trang sức cũ kỹ còn sót lại từ thời trung cổ.
Hơn 700 năm sau, tại Nga cùng một số nước châu Âu, rồi lần lượt tới Trung Quốc lục địa, Bắc Việt Nam và một số nơi khác, lại xảy ra một hiện tượng ngược lại: quyền sở hữu, định đoạt đất và các lợi tức từ đất đã được (bị) chuyển hoàn toàn cho nhà nước – thực chất là những người cầm quyền kiểu vua chúa theo chủ thuyết cộng sản. Ngày nay Trung Quốc, Việt Nam (thống nhất) vẫn tiếp tục duy trì quyền sở hữu và sự định đoạt tuyệt đối của nhà nước đối với đất và hiện là những quốc gia thuộc hạng thiếu tự do, phi dân chủ nhất thế giới. Còn Nga và những nước khác đã có những tự do, dân chủ hơn, ở nhiều mức khác nhau, kể từ khi quyền sở hữu đất được trao lại tay người dân.
Chỉ có sự thiếu hiểu biết đến nực cười về lịch sử mới có thể tuyên bố như vậy, mấu chốt để hiểu về thời kỳ phong kiến ở các đế quốc phương Đông chính là tình trạng không có chế độ sở hữu đất đai tư nhân. Suốt 700 năm ấy toàn bộ đất đai thuộc về nhà vua, nông dân hoàn toàn không có quyền sở hữu đối với mảnh đất mà họ cày cấy. Chế độ Xô viết sụp đổ của Đông Âu đã khiến cho một phần lớn nông dân tự do phá sản ngay trên chính mảnh đất mà họ giành được quyền sở hữu do mất đi những hỗ trợ cần thiết từ chính quyền. Nếu có ai đó sống ở Đức thì cũng không xa lạ với dòng người từ các nước Đông Âu đổ sang Đức vào mùa hè để làm thuê, phần lớn trong số họ là nông dân vẫn có đất đai nhưng lại không có đủ vốn để canh tác. Tức là quyền sở hữu đất đai cũng không là gì cả nếu phải chết đói trên mảnh đất ấy, vì không hiểu được ý nghĩa của quyền sở hữu đất đai nên tác giả chỉ có thể lựa chọn cái quyền tự do chết đói mà thôi.
Đã và đang có rất nhiều quốc gia vẫn mất tự do, vẫn đói nghèo và còn thêm cả chiến tranh, bạo loạn mặc dù đất và giáo dục không bị nhà nước thôn tính, thậm chí còn được thả nổi. Nhưng, nếu lấy mốc khoảng 100 năm nay, có một mối tương quan luôn thuận chiều và tất yếu: đã là nước tự do, văn minh và thịnh vượng thì chắc chắn giáo dục và đất đai đã phải được tự do.
Hãy nhìn sang châu Phi, từ hàng ngàn năm nay đất đai vốn thuộc về các bộ tộc sau đó các chủ doanh nghiệp phương Tây đi đến tuyên bố chế độ sở hữu tư nhân rồi cướp sạch đất đai khiến cho các người châu Phi chìm trong chiến tranh và đói nghèo. Hãy nhìn sang nước Mỹ, từ hàng ngàn năm nay đất đai thuộc về các tộc người da đỏ nhưng khi người châu Âu đến thì tự do sở hữu tư nhân về đất đai có nghĩa là dùng súng đạn quét sạch người da đỏ. Nếu lấy mốc 100 năm trở lại đây thì tự do đất đai là lời nguyền của quỷ sứ đặt lên cuộc sống của người châu Phi cũng như người da đỏ ở Mỹ.
Năm 1897, John Dewey[i], “thủ lĩnh” của Giáo dục cấp tiến, nhấn mạnh: “Giáo viên không phải là người đến trường để áp đặt một vài suy nghĩ lên trẻ em, hoặc cũng không phải để tạo ra một thói quen nào đó cho người học, mà ở đó họ (vẫn) là một thành viên của xã hội đến để tìm xem những gì sẽ ảnh hưởng, tác động tới người học và trợ giúp người học có được sự đáp ứng đúng đắn trước những ảnh hưởng, tác động đó.”, “Để chuẩn bị cho cuộc đời tương lai của người học có nghĩa là phải trao cho người học quyền quyết định, định đoạt về chính bản thân họ; cũng có nghĩa là huấn luyện để anh ấy/chị ấy/em ấy sẽ huy động được và luôn sẵn sàng huy động và sử dụng được một cách đầy đủ mọi khả năng, tài năng của mình.[ii] Đương nhiên, Giáo dục cấp tiến, với cái nền dân chủ, không chấp nhận bất cứ lực lượng nào trong xã hội, kể cả nhà nước, có quyền khống chế hay chăm sóc tuyệt đối giáo dục.
Tác giả trích dẫn John Dewey để ca ngợi giáo dục cấp tiến nhưng hoàn toàn không hiểu gì về giáo dục cấp tiến. Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản cho thấy một quá trình biến đổi từ nhà tư bản-chủ xưởng sang nhà tư bản-người quản lý và hiện giờ là nhà tư bản-nhà đầu tư. Triết lý giáo dục của John Dewey, vốn là một triết gia, đã đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn ấy. Nếu như trước kia nhà tư bản đồng thời là nhà quản lý nên đòi hỏi một sự phục tùng kỷ luật máy móc của người lao động thì giờ đây chính người quản lý cũng là người làm thuê như công nhân. Một mặt người quản lý ấy có quyền lực lớn lao với công nhân nhưng mặt khác bản thân họ cũng là người làm thuê, tức là phải là người bạn đồng hành đáng tin cậy của công nhân, cơ chế ấy không thể tồn tại nếu nền giáo dục không đào tạo người lao động theo những chuẩn mực phù hợp với nó. Nền giáo dục ấy phản ánh mối quan hệ giữa người lao động làm thuê và người quản lý làm thuê, đó là sự lắng nghe, hướng dẫn dựa trên thuyết phục nhiều hơn là áp đặt bằng quyền lực và phát huy năng lực tự chủ của mỗi cá nhân. Giáo dục cấp tiến suy cho cùng hoàn toàn không phải là cái gì đó hướng tới tự do như tác giả vẫn ảo tưởng, về bản chất giáo dục cấp tiến vẫn là giáo dục của chế độ tự do làm thuê. Giáo dục không thể thoát khỏi sự kiểm soát của chế độ ấy, ở bất cứ đâu nó cũng bị giám sát để đi theo đúng cái đường đã được chọn. Giai cấp tư sản trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nhà nước cung cấp tài chính, cung cấp con người, đặt ra các quy chế để vận hành hệ thống giáo dục, bất cứ phe phái chính trị nào nắm được được nhà nước thì đồng thời cũng nắm lấy hệ thống giáo dục, bắt nó phục vụ cho phương thức sản xuất đã được lựa chọn.

Buộc chặt nông dân vào đất đai là phương thức nô dịch thời trung cổ, tự do làm thuê là phương thức nô dịch thời hiện đại, giáo dục luôn chỉ làm cái công việc là đào tạo ra các cá nhân phù hợp với cái phương thức sản xuất ấy. Nếu  coi giáo dục là phương tiện để giải thoát con người khỏi phương thức sản xuất cũ tức là tự do thì đồng thời nó cũng dẫn đến việc buộc con người lệ thuộc vào phương thức sản xuất mới tức là đánh mất tự do. Cái ảo tưởng sở hữu tư nhân đất đai và tự trị giáo dục đem đến tự do ấy sẽ sớm tan như bóng bóng xà phòng mà thôi.


Cập nhật:

Cái Magna Carta Libertatum nổi tiếng ấy đã hoàn toàn phá sản vào thời kì mà giới quý tộc nhân danh quyền tư hữu thiêng liêng đuổi nông dân ra khỏi ruộng đất của họ với 4000 đạo luật về rào đất kéo suốt trong hơn hai trăm năm. Những người nông dân mất hết đất đai phải sống lang thang khổ sở được tiếp đón bằng các đạo luật về người lang thang cho phép người ta có thể đóng dấu sắt nung lên mặt họ và bắt họ làm nô lệ. Một nhà sử học Anh đã phải kêu lên rằng: Xưa kia khi người Mông Cổ xâm lược Trung Quốc họ định san bằng xứ ấy để làm đồng cỏ chăn nuôi, cái ý tưởng ấy đã được người Anh thực thi ngay trên đất của mình với đồng bào của mình.

Saturday, November 10, 2012

Quản lý phương tiện giao thông và hệ lụy của chế độ hộ khẩu

Bắt đầu từ ngày 10.11.2012 chính quyền triển khai Nghị Định 71 trong đó có mục xử phạt nặng các phương tiện giao thông đã mua bán mà không sang tên đổi chủ.   Lý do mà chính quyền đưa ra là nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế và giải quyết nhanh chóng án hình sự cũng như vi phạm giao thông.

Tuy vậy căn cứ của chính sách này lại hoàn toàn không rõ ràng, hiện tại không có bất cứ thống kê chính thức nào của chính quyền về số người mua xe chưa sang tên đổi chủ và phân bố của số người đó theo các địa phương, tức là chính quyền hoàn toàn không biết được số lượng người mua xe mà không sang tên đổi chủ là bao nhiêu, do vậy cũng sẽ không thể biết được những nỗ lực của mình sẽ giảm được bao nhiêu người sử dụng xe không sang tên đổi chủ. Việc thực thi chính sách theo kiểu phong trào như hiện nay đang làm lãng phí các nguồn lực của chính quyền mà hiệu quả thì không đến đâu.

Việc sang tên đổi chủ gắn liền với đăng ký xe, tức là gắn liền với chế độ hộ khẩu, nói một cách ngắn gọn là hộ khẩu của chủ xe ở đâu thì đăng ký xe ở đó. Phí sang tên cao có thể làm giảm động lực đăng ký sở hữu xe, nhưng bài này sẽ không bàn cụ thể về vấn đề đó. Người ta mua xe để sử dụng tại nơi họ thường xuyên sinh sống chớ không phải tại nơi họ đăng ký hộ khẩu nhưng theo luật thì họ sẽ phải mang xe về nơi có hộ khẩu để đăng ký. Các chính quyền địa phương sẽ phải quản lý một số lượng lớn xe không lưu hành tại địa phương đồng thời trên địa phương lại có một số lượng lớn xe lưu hành thường xuyên mà lại thuộc quản lý của các địa phương khác.

Sự tách biệt giữa nơi sử dụng xe và nơi đăng ký xe ngày càng trở nên phổ biến do sự năng động của cư dân khiến cho chính quyền phải đối đầu với sự bất hợp lý trong hệ thống tài chính và quản lý giao thông, cụ thể như sau:

1) Các địa phương phải đầu tư cho đường sá cũng như chi phí cho hệ thống quản lý giao thông theo số lượng xe lưu hành thường xuyên nhưng nguồn thu của lại theo số lượng xe đăng ký, trong khi sự chênh lệch giữa hai con số đó ngày càng lớn. Hệ quả tất yếu là các địa phương bị thâm hụt thu-chi sẽ tìm cách nâng các khoản thu lên để bù đắp lại phần bị thâm hụt trong khi các địa phương có thặng dư thu-chi sẽ chi tiêu cho hết khoản thặng dư. Ý tưởng về việc giảm phí sang tên nhằm khuyến khích người mua xe đăng ký chính chủ sẽ có hiệu quả với người mua xe song có thể sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính của các chính quyền địa phương.

2) Xe được đăng ký ở một nơi nhưng sử dụng thường xuyên ở một nơi khác gây khó khăn cho cơ quan công quyền của địa phương trong việc xác minh chủ xe và thu các khoản thuế phí. Ngay cả khi tất cả những người mua xe đều đăng ký chính chủ thì việc xác minh chủ xe và thu các khoản thuế phí đối với các chính quyền địa phương vẫn rất phức tạp.

3) Chi phí đăng ký xe đối với người mua xe không chỉ bao gồm các khoản phí do chính quyền thu mà còn bao gồm cả chi phí cũng như thời gian để đưa xe và chủ xe từ nơi mua (thường cũng là nơi sử dụng) về nơi đăng ký hộ khẩu. Chi phí này có thể rất lớn và khiến cho người mua xe không thể đăng ký chính chủ được, họ sẽ sử dụng đăng ký xe của chủ cũ hoặc nhờ người có hộ khẩu tại nơi họ đang sử dụng xe đứng tên. Trong trường hợp thứ nhất thì có thể phát sinh việc trốn thuế nhưng trong trường hợp thứ hai thì không phải là trốn thuế vì không có quan hệ mua bán giữa người đứng tên và người sử dụng xe, rất khó có căn cứ để phân biệt hai trường hợp đã nêu. Gia tăng mức xử phạt để buộc chủ xe phải làm thủ tục sang tên đổi chủ có thể làm giảm trường hợp thứ nhất nhưng sẽ là bất hợp lý đối với trường hợp thứ hai. Tình trạng đăng ký dưới tên người khác còn được các chính quyền địa phương làm gia tăng bằng những chính sách đầy bất cập, ví dụ như quy định hạn chế mỗi người chỉ được đăng ký một số lượng xe nhất định ở thành phố Hà Nội trước đây mặc dù sau một thời gian thi hành quy định đó đã bị bãi bỏ nhưng đã có rất nhiều xe được đăng ký dưới tên người khác.

Nội dung phạt xe không sang tên đổi chủ thực ra đã xuất hiện trong Nghị Định 34/2010 tức là cách đây 2 năm, nhưng hầu như không được thực hiện. Chính sách về căn bản không dựa trên tình hình thực tế, không có một mục tiêu cụ thể nên tất yếu dẫn đến sự tùy tiện trong thi hành. Sự tùy tiện đó ngay lập tức đã bộc lộ ra trong việc làm thế nào phân biệt xe chưa sang tên đổi chủ với xe đi thuê đi mượn. Sự tùy tiện của cơ quan chính quyền là cái nguồn sinh ra nạn lạm dụng quyền lực của nhân viên công quyền.

Tài liệu tham khảo:
1) Mức xử phạt mới: "Nóng" câu chuyện xe chính chủ
2) "Ở tạm" trên đất nước mình

Chống tham nhũng: Ai chống? Chống ai?

Một thanh niên đăng trên facebook: Tối qua đi nhà nghỉ với máy bay về bị cá vàng vẫy vào hỏi giấy tờ xe, thế là toi mất 5 lít. Tổ cha lũ cá vàng chuyên nghề anh hùng núp ăn bẩn!

Cảnh sát giao thông: Giám đốc mới gợi ý chức đội trưởng, không biết đứng đường đến bao giờ mới đủ vốn đây?

Giám đốc công an: Vợ với chả con, tối ngày lấy tiền nuôi giai, bao nhiêu cũng không đủ, li dị quách cho rồi!

Vợ giám đốc công an gọi điện cho chủ tịch tỉnh: Chuyện nhà em căng lắm, dễ li dị mất. Mà anh cũng biết đấy ra tòa ly dị là phải công khai tài sản để phân chia, người ta thấy cán bộ nhà nước có tài sản lớn là sẽ hỏi nguồn gốc.

Chủ tịch tỉnh gọi điện cho giám đốc công an: Chuyện nội bộ gia đình chú thì anh không can thiệp, chú xử lý sao cho khéo, đừng để mất uy tín của chính quyền là được.

Báo lề phải lướt facebook rồi đăng bài: Tình trạng ăn tiền mãi lộ của cảnh sát giao thông đang gia tăng.

Chủ tịch tỉnh gọi cho giám đốc công an: Chú đọc báo chưa? Tính giải quyết sao?

Giám đốc công an trả lời: Chuyện này sẽ được xử lý êm, đảm bảo không ảnh hưởng tới uy tín của chính quyền.

Báo lề phải đăng bài: Cảnh sát giao thông quyết tâm nói không với nạn mãi lộ.

Báo lề trái lướt facebook và đọc báo lề phải rồi đưa tin: Tham nhũng tràn lan, chính quyền bất lực.

Giám đốc công an xem báo bài lề trái: Lối dẫn đến ghế chủ tịch đây rồi.

Một đàn lừa lặc lè cõng cả đống sách ra chợ, quyển nào cũng ghi: Chống tham nhũng bằng cách nào?


Monday, November 5, 2012

Tiếng nói vớ vẩn các loại của kẻ cơ hội

Tình cờ đọc được bài "Đừng bắt nông dân gánh chủ nghĩa xã hội treo!" của tác giả Hoàng Kim đăng trên boxitvn.net, thật ngạc nhiên khi một bài viết ngây ngô, đầy những thiên kiến chống lại lợi ích chính đáng của đa số nông dân lại được đăng trên diễn đàn dành cho trí thức phản biện của Việt Nam. Mặc dù không phải là nông dân học hết lớp bốn trường làng nhưng cũng cố viết dăm ba dòng để ông/bà Hoàng Kim khỏi cảm thấy dương dương tự đắc về những điều vớ vẩn mạo xưng là bảo vệ quyền lợi của nông dân.

1) Chế độ sở hữu đất đai toàn dân là bảo vệ quyền lợi của nông dân cá thể:

Dưới tác động của những hoàn cảnh đặc biệt về mặt lịch sử nên Việt Nam bị tách ra khỏi thị trường nông sản thế giới, nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa mới manh nha hình thành dưới thời Pháp thuộc đã bị phá sản, các diện tích đất đai canh tác lớn buộc phải xé nhỏ để chuyển cho các hộ nông dân cá thể canh tác nhằm mục đích tự cấp tự túc sau đó tiến dần lên hình thức sản xuất hàng hóa giản đơn.

Ban đầu với năng suất lao động thấp, nông dân muốn tồn tại được trên mảnh đất canh tác nhỏ với lao động của gia đình thì cần phải có hai điều kiện khác kèm theo. Thứ nhất là hệ thống thủy lợi đủ lớn để tưới tiêu nước, thứ hai là một diện tích đất đai nhất định phải được sử dụng chung. Đất công được sử dụng chung làm bãi chăn thả trâu bò cung cấp sức kéo để cày bừa cũng như chuyên chở nông sản, và cung cấp cấp các nguyên liệu phục vụ chăn nuôi gia súc gia cầm hoặc khai thác thủy sản. Việc chăn nuôi gia súc gia cầm không chỉ cung cấp thực phẩm cho nông dân mà còn cung cấp cả nguồn phân bón quan trọng cho nông nghiệp. Tất cả những yếu tố cần thiết để duy trì chế độ sản xuất dựa trên hộ gia đình như hạn chế về thời gian, diện tích và mục đích sử dụng đất, phân chia đất đai, bảo vệ hệ thống đất công và thủy lợi chỉ có thể tiến hành được khi những quyền đó nằm trong tay nhà nước. Chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam chính là xuất phát từ quyền lợi, từ tâm tư nguyện vọng chính đáng của nông dân.

Việt Nam dưới thời kỳ phong kiến thì mọi đất đai thuộc về nhà vua, nông dân không có quyền sở hữu đất đai. Đại thể cũng chia làm công điền do làng quản lý và phân chia cho nông dân cày cấy, với tư điền của địa chủ, song hình thức sở hữu đó hoàn toàn không phải là sở hữu tư nhân theo nghĩa ngày nay, tư điền cũng gắn bó chặt chẽ với hệ thống thủy lợi và đất công của các làng.

Chỉ có những vị ngây ngô như ông/bà Hoàng Kim mới có thể tưởng tượng ra một chế độ sở hữu đất đai đi ngược với quyền lợi của nông dân, bởi vì chế độ sở hữu đó không bao giờ thể tồn tại được, đòi hỏi nhà nước phải đối xử với nông dân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong khi điều kiện kinh tế của nông dân hoàn toàn khác hẳn thì chính là phản bội lại lợi ích của nông dân. Khi mà ông/bà cố tình viện dẫn đến đời cụ kỵ tổ tông của mình để chứng minh về quyền sở hữu đất đai thì người ta sẽ trả lời ông/bà rằng dưới chế độ phong kiến thì mọi đất đai ở xứ sở này thuộc về nhà vua, nông dân có thể chiếm hữu và sử dụng nhưng không có quyền sở hữu.

2) Mở rộng quyền sở hữu của các thành phần kinh tế khác là một bước tiến của xã hội:

Kinh tế hộ của nông dân cá thể phát triển trong một thời gian dài cùng với hệ thống thủy lợi được cải thiện dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất là tăng mức độ thâm canh trên đồng ruộng, từ làm một vụ lúa trong một năm lên hai hay thậm chí ba vụ trong một năm. Thứ hai là sự thu hẹp của phần đất công, theo nghĩa tuyệt đối là do chính quyền địa phương giao cho nông dân canh tác hoặc nông dân tự lấn chiếm để canh tác, theo nghĩa tương đối là quy mô của phần đất sử dụng chung không đủ để đáp ứng nhu cầu đã gia tăng của kinh tế hộ. Phần đất công không đủ để nuôi trâu bò cung cấp sức kéo, không cung cấp đủ nguyên liệu để nuôi gia súc gia cầm và qua đó không đủ để cung cấp phân bón ruộng, điều này có nghĩa là cần phải có máy móc nông nghiệp và phân bón tổng hợp để bổ sung. Trong khi đó, thâm canh trên đồng ruộng lại khiến cho đất đai chậm hồi phục và tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển do vậy cần nhiều phân bón cũng như thuốc trừ sâu hơn. Ở những tỉnh sát với Hà Nội ví dụ như Hưng Yên do tốc độ đô thị hóa nhanh phần đất công hoàn toàn biến mất, nông dân không có gì để nuôi trâu bò, chi phí cho máy cày lại quá đắt đỏ, nên xảy ra tình trạng người phải đi kéo cày thay cho trâu. Nông nghiệp dựa trên hộ nông dân cá thể muốn tiếp tục tồn tại thì buộc phải có một nền công nghiệp phát triển để cung cấp các đầu vào cần thiết như: máy nông nghiệp, phân bón và thuốc trừ sâu... Việc chuyển một phần đất nông nghiệp và lao động sang phát triển công nghiệp là tất yếu, để đáp ứng nhu cầu thực tế của sản xuất nông nghiệp. Với cái tư duy thiển cận của ông/bà Hoàng Kim thì sẽ hoàn toàn không thể hiểu nổi việc chuyển đổi đất đai sang sử dụng cho công nghiệp đem lại lợi ích lớn như thế nào cho nông dân, mà chỉ có thể phỉnh phờ bịp bợm bằng cái điều khôi hài rằng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai là để cướp bóc nông dân.

Công nghiệp muốn phát triển thì đòi hỏi không chỉ đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn đòi hỏi cả thị trường mua bán tự do, việc nhà nước mở rộng quyền sở hữu cho các thành phần sản xuất công nghiệp là một bước tiến bộ lớn không chỉ là của công nghiệp mà còn là của toàn xã hội.

Nông dân đã thông qua nhà nước nắm lấy công nghiệp, tài trợ cho công nghiệp bằng quyền sử dụng đất đai để công nghiệp có thể nhanh chóng cung cấp các sản phẩm đầu vào cần thiết của sản xuất nông nghiệp. Đất đai được giao cho doanh nghiệp với giá rẻ thì cũng có nghĩa là các hàng hóa thiết yếu như: máy nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu... phải được cung cấp cho nông dân với giá rẻ, chính sách trợ giá đầu vào cho nông dân đã được nhà nước thực hiện rất tốt trong suốt một thời gian dài giúp cho nông nghiệp Việt Nam có sản lượng không những đủ để nuôi sống cư dân mà còn xuất khẩu với khối lượng lớn vào loại nhất thế giới.

3) Sự phân hóa trong nội bộ nông dân dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích:

Nông nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào công nghiệp dẫn đến sự phân hóa lớn trong nội bộ nông dân. Ở những nơi mà sản phẩm công nghiệp được cung cấp đủ cho nông dân với giá rẻ thì các phần đất công trở nên thừa, nông dân sẽ tìm cách chiếm lấy đất công để sử dụng riêng rồi mua đi bán lại, một phần lớn các hồ sơ kiện tụng tranh chấp về quyền sử dụng đất sinh ra chính từ đây. Ở những nơi mà sản phẩm công nghiệp không được cung cấp đủ thì đất canh tác bị bỏ hoang hoặc trả lại cho chính quyền, nông dân di cư ra thành phố kiếm việc làm. Tình trạng nông dân ở các vùng đó không đóng các loại thuế và phí cho chính quyền địa phương phổ biến đến nỗi chính quyền địa phương phải lập những sổ nợ để khi nông dân nhận được khoản trợ cấp nào là họ khấu trừ thẳng hoặc khi nông dân cần chứng nhận giấy tờ thì truy thu cho bằng được, tức là gây ra xung đột giữa nông dân và chính quyền trong quản lý hành chính. Công nghiệp phát triển cũng dẫn đến việc một bộ phận nông dân tách ra khỏi sản xuất nông nghiệp biến thành tầng lớp trung lưu sống bằng việc buôn bán hay làm dịch vụ, tầng lớp này rất phổ biến ở các vùng nông thôn tiếp giáp với các đô thị lớn. Họ vẫn có quyền sử dụng đất đai nhưng không còn quyền lợi gắn trực tiếp với sản xuất nông nghiệp nữa vì vậy cái mà họ nhìn thấy ở đất đai chỉ còn là một tài sản có giá và muốn được tự do mua bán cái tài sản đó để kiếm tiền. Đây là nguồn lớn thứ hai phát sinh tranh chấp kiện tụng về đất đai, nhất là trong việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất. Quan điểm về chế độ sở hữu đất đai của ông/bà Hoàng Kim không hề đại diện cho toàn thể nông dân như vẫn tự xưng mà chỉ đại diện cho một bộ phận rất nhỏ nông dân vẫn còn ruộng đất nhưng chỉ muốn bán để kiếm lợi.

Trả lại quyền sở hữu đất đai cho nông dân có nghĩa là gì? Đối với hàng triệu nông dân đang chiếm hữu đất công có nghĩa là đất đai của họ sẽ bị tịch thu và bán đấu giá. Đối với hàng triệu hộ nông dân cá thể đang làm ăn bình thường có nghĩa là không còn đất công nữa, giá cả hàng công nghiệp sẽ tăng vọt và làm họ phá sản hoàn toàn. Đối với hàng triệu hộ nông dân cá thể đã phá sản có nghĩa là gánh nặng thuế khóa sẽ trở nên nặng nề hơn nữa. Đối với chính quyền có nghĩa là một khối lượng khổng lồ xung đột về lợi ích sẽ nổ ra mà không có cách nào xử lý được. Vì vậy nếu đem chế độ sở hữu đất đai theo kiểu của ông/bà Hoàng Kim ra trưng cầu ý kiến nông dân thì có thể là 99.99% nông dân sẽ lôi ông/bà ra đấu tố không thương tiếc, phần còn lại tất nhiên được trừ hao vì họ bận cung cấp cà chua trứng thối để cho những người kia ném ông/bà.

4) Kết luận:

Với sự ngây ngô của ông/bà Hoàng Kim thì không cần đến một chục chuyên gia cao cấp của Đảng và nhà nước, bất cứ nông dân học hết lớp bốn trường làng nào cũng đủ mở mắt cho ông/bà về chế độ sở hữu đất đai.

Số lượng khiếu nại, tranh chấp về đất đai sẽ tăng lên khủng khiếp nếu ngay lập tức áp dụng chế độ sở hữu đất đai tư nhân. Không chỉ nông dân kiện cáo lẫn nhau hay kiện chính quyền, mà ngay cả chính quyền cũng sẽ đưa nông dân ra tòa về các vấn đề liên quan tới đất đai. Khi đó không chỉ có nông dân than khóc về mất đất, mà còn có công nhân sẽ than khóc về mất việc làm, tiểu thương sẽ than khóc vì phá sản. Chế độ sở hữu đất đai không đơn giản là cái quyền ký vào khế ước bán đất, đằng sau nó là cả một lịch sử biến động đầy phức tạp trong sự phát triển sức sản xuất của nông dân. Cái mâu thuẫn trong chế độ sở hữu không thể diễn giải một cách hời hợt thành sự mâu thuẫn giữa chính quyền và nông dân mà phải nhìn nhận một cách thực tế từ sự phân hóa trong trình độ sản xuất của của chính người nông dân. Nếu ai đó mong muốn xây dựng một chế độ sở hữu phù hợp với người nông dân thì cần đưa ra một phân tích tổng thể về trình độ sản xuất của nông dân chứ không thể dựa vào dăm ba câu đạo đức giả.

Nếu như chế độ sở hữu đất đai toàn dân có tạo kẽ hở cho doanh nghiệp mua chuộc quan chức nhà nước để chiếm đoạt đất đai của với nông dân giá rẻ thì nó cũng đồng thời tạo kẽ hở cho nông dân cấu kết với quan chức nhà nước bắt chẹt doanh nghiệp phải mua đất giá cao. Bộ mặt đạo đức của ông/bà Hoàng Kim lộ rõ chính ở điểm này khi chỉ ca thán về thiệt hại của nông dân để ăn vạ mà lờ tịt đi lợi thế nông dân được hưởng. Ông/bà Hoàng Kim trích dẫn về số lượng 1 lượt triệu tố cáo về đất đai trong đó có một nửa là tố cáo đúng và cho rằng số lượng dân oan lên có thể lên đến 2 triệu người. Thứ nhất, cái số liệu của bên tư pháp dẫn ra kia thì mục đích của họ chỉ là muốn làm nghiêm trọng vấn đề lên để vận động tăng thêm ngân sách cho họ, cái mà họ muốn chính là những cái lưỡi gỗ như ông/bà giúp họ rêu rao khắp nơi. Thứ hai, số lượng đơn thư đó nếu được phân loại ra thì sẽ thấy nó không chỉ bao gồm đơn kiện về việc chính quyền thu hồi đất đâu mà còn bao gồm rất nhiều đơn kiện về việc lấn chiếm và tranh chấp đất công, về tranh chấp đất đai giữa những người dân, về thu hồi và quy hoạch đất ở đô thị nhưng người ta đã cố tình lờ nó đi. Thứ ba, ngay cả khi con số nửa triệu đơn kiện là đúng thì ông/bà Hoàng Kim cũng không thể hiểu nổi nửa triệu đơn kiện sai kia là cái gì và tại sao lại có. Nếu như nửa triệu đơn kiện đúng tạo ra 2 triệu dân oan theo lập luận của ông/bà thì thử hỏi nửa triệu đơn kiện sai tạo ra bao nhiêu cán bộ chính quyền oan? Nếu như ông/bà nghĩ thanh gươm dân oan sẽ treo trên đầu Đảng thì tại sao không tự hỏi tại sao dân lại treo trên đầu mình thanh gươm cán bộ oan? Tất cả những vấn đề đó tất nhiên nằm ngoài sự tưởng tượng của ông/bà.

Vì đứng trên góc nhìn đầy hạn hẹp của nông dân đã rời bỏ nông nghiệp chỉ khăng khăng đòi bán mảnh ruộng của mình với giá cao nên ông/bà Hoàng Kim không thể hiểu được nỗ lực của chính quyền trong việc sửa đổi luật đất đai. Nếu như trước kia chính quyền địa phương hoàn toàn tự do ban hành khung giá đất dựa trên một khung giá đất rất rộng và phức tạp của chính quyền trung ương, tức là tạo ra một mê hồn trận về giá đất đai, thì giờ đây chính họ với quyền tự ban hành khung giá ấy phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn với nông dân địa phương về giá đất đai. Những kẽ hở tuy vẫn còn nhưng sẽ bị hạn chế hơn so với trước kia.
Chế độ sở hữu đất đai cần phải được thay đổi, nhưng nó phải dựa trên sự thay đổi bắt nguồn từ phương thức sản xuất của nông dân chứ không phải bằng các trò cơ hội để bán rẻ nông dân như ông/bà Hoàng Kim đang cố gắng bày ra.

Với việc đăng bài viết "Đừng bắt nông dân gánh chủ nghĩa xã hội treo!" của ông/bà Hoàng Kim thì trang boxitvn.net nên đổi cái khẩu hiệu nổi tiếng "Tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức" thành "Tiếng nói vớ vẩn các loại của kẻ cơ hội".

Saturday, November 3, 2012

Lan man chuyện tấu hài

Có một dạo người ta tranh luận về tấu hài, đại thể chia làm hai loại là tấu hài kiểu miền Nam và tấu hài kiểu miền Bắc, rồi tranh cãi chê bai lẫn nhau ỏm tỏi cả lên. Tỏi mà phi với mỡ lợn thì tất nhiên thơm điếc mũi hàng xóm. Thời bao cấp hay phổ biến chuyện cười kiểu như nhà chả có gì nhưng bữa nào cũng phi tỏi thơm lừng để tỏ vẻ nhà mình ăn sang lắm.

Tranh cãi về tấu hài thì thường là dựa vào những định kiến chung chung kiểu như: Tấu hài miền Nam thì nhạt nhẽo chỉ cốt chọc cười nên chóng quên còn tấu hài miền Bắc thì thâm sâu không cốt chọc cười nên đã hiểu thì khó quên. Ngày nào mà cũng phải ngửi mùi tỏi phi với mỡ lợn thì tất nhiên đến lúc ăn món gì có cái mùi đó thì dễ bị lợm giọng, nuốt không nổi.

Hôm rồi có cuộc thi tấu hài, cái đề thi được đặt như vầy.

Có hai người nói chuyện với nhau.

Người thứ nhất nói: "Em nói rồi mà anh đâu có chịu nghe, cứ hứa hẹn đủ thứ rồi làm tới, giờ có hậu quả rồi nè. Anh tính sao đây?"

Người thứ hai nói: "Tại lúc đó sướng quá nên anh chả nhớ được gì ráo, mà hậu quả sao em?"

Người thi tấu hài sẽ phải nói tiếp để chọc cười, có hai người làm được, một người theo kiểu miền Nam còn người kia theo kiểu miền Bắc.

Người tấu hài theo kiểu miền Nam nói: "Thiệt ra em thấy hậu quả cũng chưa rõ lắm, hay mình làm lại lần nữa cho chắc ăn nghe cưng."

Người tấu hài theo kiểu miền Bắc nói: "Anh không thấy em phải đứng từ nãy giờ đó hả, có ngồi nổi nữa đâu."

Mới đây có bà đại biểu Quốc Hội đưa ra một đề xuất như sau:

498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”.

Đối với cán bộ công chức trong bộ máy Nhà nước, theo nữ đại biểu này, những ai đã lỡ tham nhũng thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố, nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản bất minh đã có được.
Có thể thấy đề xuất này là một chuyện hoàn toàn nghiêm túc, không phải là đầu bài cho một cuộc thi tấu hài. Mà lỡ ra nếu có kẻ nào táo gan dám đưa chuyện hứa hẹn đàng hoàng đó ra làm đầu bài thi tấu hài thì cuộc thi sẽ bể, cho dù có tấu hài kiểu Nam hay kiểu Bắc cũng sẽ không thể nào chọc cười người ta được như trong cuộc thi ở trên. Mọi cố gắng sẽ chỉ đem lại những điều nhạt nhẽo vô bổ, khán giả sẽ bỏ về sạch cho thí sinh tấu hài đứng đó mà diễn với nhau.

Nói chung, tỏi vẫn phải phi với mỡ lợn mới tra tấn được lỗ mũi hàng xóm chớ cho vào nước để luộc thì chỉ có phí tỏi.