Saturday, November 10, 2012

Quản lý phương tiện giao thông và hệ lụy của chế độ hộ khẩu

Bắt đầu từ ngày 10.11.2012 chính quyền triển khai Nghị Định 71 trong đó có mục xử phạt nặng các phương tiện giao thông đã mua bán mà không sang tên đổi chủ.   Lý do mà chính quyền đưa ra là nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế và giải quyết nhanh chóng án hình sự cũng như vi phạm giao thông.

Tuy vậy căn cứ của chính sách này lại hoàn toàn không rõ ràng, hiện tại không có bất cứ thống kê chính thức nào của chính quyền về số người mua xe chưa sang tên đổi chủ và phân bố của số người đó theo các địa phương, tức là chính quyền hoàn toàn không biết được số lượng người mua xe mà không sang tên đổi chủ là bao nhiêu, do vậy cũng sẽ không thể biết được những nỗ lực của mình sẽ giảm được bao nhiêu người sử dụng xe không sang tên đổi chủ. Việc thực thi chính sách theo kiểu phong trào như hiện nay đang làm lãng phí các nguồn lực của chính quyền mà hiệu quả thì không đến đâu.

Việc sang tên đổi chủ gắn liền với đăng ký xe, tức là gắn liền với chế độ hộ khẩu, nói một cách ngắn gọn là hộ khẩu của chủ xe ở đâu thì đăng ký xe ở đó. Phí sang tên cao có thể làm giảm động lực đăng ký sở hữu xe, nhưng bài này sẽ không bàn cụ thể về vấn đề đó. Người ta mua xe để sử dụng tại nơi họ thường xuyên sinh sống chớ không phải tại nơi họ đăng ký hộ khẩu nhưng theo luật thì họ sẽ phải mang xe về nơi có hộ khẩu để đăng ký. Các chính quyền địa phương sẽ phải quản lý một số lượng lớn xe không lưu hành tại địa phương đồng thời trên địa phương lại có một số lượng lớn xe lưu hành thường xuyên mà lại thuộc quản lý của các địa phương khác.

Sự tách biệt giữa nơi sử dụng xe và nơi đăng ký xe ngày càng trở nên phổ biến do sự năng động của cư dân khiến cho chính quyền phải đối đầu với sự bất hợp lý trong hệ thống tài chính và quản lý giao thông, cụ thể như sau:

1) Các địa phương phải đầu tư cho đường sá cũng như chi phí cho hệ thống quản lý giao thông theo số lượng xe lưu hành thường xuyên nhưng nguồn thu của lại theo số lượng xe đăng ký, trong khi sự chênh lệch giữa hai con số đó ngày càng lớn. Hệ quả tất yếu là các địa phương bị thâm hụt thu-chi sẽ tìm cách nâng các khoản thu lên để bù đắp lại phần bị thâm hụt trong khi các địa phương có thặng dư thu-chi sẽ chi tiêu cho hết khoản thặng dư. Ý tưởng về việc giảm phí sang tên nhằm khuyến khích người mua xe đăng ký chính chủ sẽ có hiệu quả với người mua xe song có thể sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính của các chính quyền địa phương.

2) Xe được đăng ký ở một nơi nhưng sử dụng thường xuyên ở một nơi khác gây khó khăn cho cơ quan công quyền của địa phương trong việc xác minh chủ xe và thu các khoản thuế phí. Ngay cả khi tất cả những người mua xe đều đăng ký chính chủ thì việc xác minh chủ xe và thu các khoản thuế phí đối với các chính quyền địa phương vẫn rất phức tạp.

3) Chi phí đăng ký xe đối với người mua xe không chỉ bao gồm các khoản phí do chính quyền thu mà còn bao gồm cả chi phí cũng như thời gian để đưa xe và chủ xe từ nơi mua (thường cũng là nơi sử dụng) về nơi đăng ký hộ khẩu. Chi phí này có thể rất lớn và khiến cho người mua xe không thể đăng ký chính chủ được, họ sẽ sử dụng đăng ký xe của chủ cũ hoặc nhờ người có hộ khẩu tại nơi họ đang sử dụng xe đứng tên. Trong trường hợp thứ nhất thì có thể phát sinh việc trốn thuế nhưng trong trường hợp thứ hai thì không phải là trốn thuế vì không có quan hệ mua bán giữa người đứng tên và người sử dụng xe, rất khó có căn cứ để phân biệt hai trường hợp đã nêu. Gia tăng mức xử phạt để buộc chủ xe phải làm thủ tục sang tên đổi chủ có thể làm giảm trường hợp thứ nhất nhưng sẽ là bất hợp lý đối với trường hợp thứ hai. Tình trạng đăng ký dưới tên người khác còn được các chính quyền địa phương làm gia tăng bằng những chính sách đầy bất cập, ví dụ như quy định hạn chế mỗi người chỉ được đăng ký một số lượng xe nhất định ở thành phố Hà Nội trước đây mặc dù sau một thời gian thi hành quy định đó đã bị bãi bỏ nhưng đã có rất nhiều xe được đăng ký dưới tên người khác.

Nội dung phạt xe không sang tên đổi chủ thực ra đã xuất hiện trong Nghị Định 34/2010 tức là cách đây 2 năm, nhưng hầu như không được thực hiện. Chính sách về căn bản không dựa trên tình hình thực tế, không có một mục tiêu cụ thể nên tất yếu dẫn đến sự tùy tiện trong thi hành. Sự tùy tiện đó ngay lập tức đã bộc lộ ra trong việc làm thế nào phân biệt xe chưa sang tên đổi chủ với xe đi thuê đi mượn. Sự tùy tiện của cơ quan chính quyền là cái nguồn sinh ra nạn lạm dụng quyền lực của nhân viên công quyền.

Tài liệu tham khảo:
1) Mức xử phạt mới: "Nóng" câu chuyện xe chính chủ
2) "Ở tạm" trên đất nước mình