Sunday, January 19, 2014

Khi anh dân chủ gặp chị nhân quyền

Một lần anh dân chủ gặp chị nhân quyền ở nơi kín đáo ngoài tầm soi mói của thiên hạ để bàn chuyện đại sự.
Chị nhân quyền hỏi: Anh mới có bài đăng trên Ba Sàm phải không?
Anh dân chủ trả lời: Không phải, bài của tôi đăng trên BBC
Chị nhân quyền hỏi tiếp: Anh mới đi Sài Gòn khuấy động phong trào phải không?
Anh dân chủ trả lời: Không phải, tôi đi Đà Nẵng.
Chị nhân quyền lại hỏi tới: Cuối tuần này anh có đi biểu tình ủng hộ bà con giáo xứ không?
Anh dân chủ liền quát lớn: Dân chủ với nhân quyền thế là đủ rồi! Đồ điếm, lột hết quần áo ra mau lên.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Wednesday, January 15, 2014

Kinh tế học hay giáo lý?

Vào năm 2000, một nhóm sinh viên trường đại học thuộc hạng danh tiếng nhất ở Pháp đã phát động phong trào phản đối môn kinh tế học phi thực tế và lạm dụng toán học, đòi hỏi việc giảng dạy môn kinh tế phải đa nguyên nghĩa là tiếp cận tất cả học thuyết kinh tế. Phong trào của sinh viên Pháp chống lại môn khoa học tự kỷ (kinh tế học theo cách gọi của họ) nhanh chóng lan rộng và được cả các giáo sư giảng dạy môn kinh tế học ở châu Âu ủng hộ. 

Trước đó ba năm, Mark Blaug, một giáo sư kinh tế hàng đầu người Anh, đã mở đầu bài viết nổi tiếng của mình bằng tuyên bố kinh tế học đã trở thành một trò chơi trí tuệ vì lợi ích của bản thân nó chứ không nhằm giải thích thực tiễn, các nhà kinh tế đã biến mọi chủ đề kinh tế thành một dạng toán học xã hội, mà sự chặt chẽ về mặt toán học là tất cả còn phù hợp với thực tế không là gì cả (Mark Blaug 1997; 3).  

Hệ quả của điều đó là các nhà kinh tế học hiện nay hiểu về thị trường còn ít hơn Leon Walras hay Adam Smith, các nhà nghiên cứu kinh tế cách đây hàng trăm năm (Mark Blaug 1997; 4). Những sinh viên Pháp tham gia phong trào phản đối kinh tế học chính thống sau khi so sánh các cuốn sách giáo khoa về kinh tế học của ba học giả hàng đầu thế giới là P. Samuelson (1998), G. Mankiw (1998) và J. Stiglitz (1997) đã chỉ ra rằng các học giả này không hề giải thích được cơ chế thị trường hoạt động ra sao (Edward Fullbrook 2003;83-85). 

Mark Blaug cho rằng khó để thay đổi thực trạng nói trên bởi vì lý do là kinh tế học phương Tây bị thống trị bởi kinh tế học Mỹ, mà kinh tế học Mỹ lại bị thống trị bởi một cái vòng khép kín là các tiến sĩ mới hàng năm muốn kiếm việc làm có thu nhập cao tại các cơ sở giảng dạy của Mỹ thì phải viết các bài báo khoa học theo lối chính thống để được đăng tại các tờ báo khoa học (Mark Blaug 1997; 7).

Nguyên nhân của tình trạng ấy bắt đầu từ xa hơn nhiều, cần phải quay lại thời kỳ ra đỉnh cao của môn kinh tế chính trị học cổ điển. Khi ấy, các nhà kinh tế chính trị học cổ điển đã phát hiện ra lý thuyết giá trị lao động và sử dụng nó làm vũ khí chống lại các thế lực phong kiến. Marx đã phê phán học thuyết giá trị lao động và trên cơ sở đó tạo ra một thứ vũ khí mạnh mẽ giúp giai cấp công nhân chống lại chủ nghĩa tư bản. Để loại bỏ học thuyết kinh tế chính trị của Marx, các nhà kinh tế chính trị học đã từ bỏ môn kinh tế chính trị cổ điển và xây dựng môn kinh tế học, họ không nghiên cứu quá trình sản xuất nữa mà chỉ tập trung vào nghiên cứu quá trình trao đổi (Michael Perelman 1996; 14). Khoa kinh tế học đã loại bỏ một phần lớn hoạt động kinh tế của loài người ra khỏi phạm vi nghiên cứu thì các giả định của nó tất yếu cũng phải rất hạn hẹp. Do vậy, kinh tế học không có cách nào bao quát được hiện thực, không có cách nào tiếp cận được thực tiễn và ngày càng trở thành một thứ mang tính giáo lý hơn là khoa học.

Sinh viên ở Mỹ khi mới học kinh tế luôn bày tỏ sự phản kháng về tính phi thực tế, các mô hình quá đơn giản, kèm theo hàng tá các câu hỏi nghi vấn tới giáo sư. Song cùng với thời gian, những sinh viên nào tiếp tục phản kháng sẽ bị loại khỏi việc nghiên cứu kinh tế. Những người còn lại sẽ tập trung chủ yếu vào rèn luyện các kỹ năng toán học và thống kê để có thể diễn giải các vấn đề theo phương thức truyền thống. Khi tốt nghiệp họ phải thuyết phục một hội đồng gồm những thành viên bảo thủ mà việc chống lại là hoàn toàn không thể. Sinh viên học được rằng họ có thể làm bất cứ thứ gì miễn là đừng có đi chệch ra khỏi truyền thống. Hệ thống sẽ thưởng cho họ ngay cả khi họ trình bày những vấn đề giống nhau nhưng biết cách trang trí bằng các kỹ thuật toán học hay thống kê mới (Michael Perelman 1996; 20-21).

Nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế dựa trên sự bảo hộ và trợ cấp của chính quyền thành công nhất trong lịch sử kinh tế thế giới nhưng chính người Mỹ lại không ngừng ca ngợi và truyền bá lý thuyết kinh tế về thị trường tự do. Đó là tín điều hay khoa học?

Tài liệu tham khảo:

1.Edward Fullbrook "The crisis in economic/ The post-austistic economics movement:  The first 600 days", Routledge London 2003
2.Mark Blaug "The ugly currents in modern economics" September 1997
3.Michael Perelman "The end of economics", Routledge London 1996

Saturday, January 11, 2014

Bàn về việc nghỉ lễ

Trên thế giới nhiều nước đã thực hiện chính sách làm việc 35 giờ một tuần.

Trên thế giới ở nhiều nước người lao động được nghỉ phép 34 ngày một năm chưa kể nghỉ lễ.

Những chính sách tốt cho quyền lợi của người lao động ấy sao không thấy được kêu gọi áp dụng ở Việt Nam? 

Ngược lại kỳ Tết cổ truyền đang được kêu gọi nhập với kỳ nghỉ Tết dương lịch trong khi người lao động Việt Nam chỉ có 12 ngày nghỉ phép mỗi năm và một tuần phải làm việc 45-50 giờ, thậm chí công nhân ở nhiều nơi phải làm việc gấp rưỡi số thời gian đó để có thể kiếm đủ tiền sinh sống.

Bởi đó là tiếng nói của giới chủ doanh nghiệp, họ muốn cắt giảm số ngày nghỉ của người lao động nhờ đó mà tăng thêm lợi nhuận.

Tầm mắt hạn hẹp của giới chủ doanh nghiệp chỉ quanh quẩn với số ngày người lao động phải làm việc trong năm, chỉ loay hoay với bộ máy hành chính quan liêu mà bất cứ ngày nào cũng có thể là ngày nghỉ lễ.

Tầm mắt thiển cận của giới chủ không bao giờ có thể thấy được điều đơn giản là một người làm việc trong hai giờ luôn tạo ra giá trị thặng dư thấp hơn so với hai người làm việc trong một giờ.

Giới chủ doanh nghiệp chỉ luôn tìm mọi cách trút gánh nặng kinh tế của họ lên lưng người lao động.

Bởi vậy giải quyết các vấn đề xã hội không bao giờ là xóa bỏ sự cản trở nào mà là giai cấp nào sẽ xóa bỏ nó và xóa bỏ theo cách nào.

Thursday, January 9, 2014

Lý thuyết về năng suất biên của tư bản: Một thất bại của kinh tế học.

1. Samuelson viết trong cuốn sách giáo khoa được phổ biến khắp thế giới về kinh tế học: the extra product or output added by one extra unit of that factor, while other factors are being held constant. Mọi sinh viên khoa kinh tế đều được dạy rằng số lượng đầu ra tăng thêm nếu một đầu vào được tăng thêm một đơn vị trong khi các đầu vào khác không đổi được gọi là năng suất biên của đầu vào đó. Giả sử hàm sản xuất có dạng Q=F(K,L) với K là tư bản và L là lao động thì năng suất biên của tư bản MPK=dQ/dK. Samuelson khẳng định lý thuyết năng suất biên không nhằm giải thích lương, địa tô hay hay lãi suất mà chỉ giải thích doanh nghiệp thuê các yếu tố sản xuất ra sao, dựa trên những giá cả đã được biết (M. Linder and J. Sensat, 1977).  

2.Một nhà kinh tế học nổi tiếng khác Joan Robinson vào năm 1950 đã chỉ ra lý thuyết về năng suất biên của tư bản gặp vấn đề về tổng hợp. Khái niệm tư bản được khoa kinh tế học dùng để đề cập tới những giá trị sử dụng cụ thể như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, bất động sản..). Nhưng bản thân những hàng hóa vốn này xét trên phương diện giá trị sử dụng là hoàn toàn khác nhau, không thể có bất cứ điểm chung nào để tổng hợp lại thành một dạng hàng hóa vốn chung, tức là không có cách nào để tổng hợp được năng suất biên của tư bản nói chung. (F. Moseley, 2012)

3.Quá trình sản xuất bao giờ cũng là quá trình tạo ra giá trị sử dụng, khoa kinh tế học cũng thừa nhận điều này, song để tạo ra giá trị sử dụng thì ngoài vốn và lao động còn có tác động của những lực lượng tự nhiên nữa (K. Marx). Ví dụ canh tác lúa thì ngoài hạt giống, đất đai, phân bón, nước và công nhân thì số lượng hạt lúa tăng thêm còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố tự nhiên nữa, hoặc công nghiệp hóa chất phụ thuộc rất nhiều vào các quá trình tác động của tự nhiên. Nếu không thừa nhận năng suất biên của các lực lượng tự nhiên thì năng suất biên của tư bản là một điều hoàn toàn phi lý. Ngược lại nếu thừa nhận năng suất biên của các lực lượng tự nhiên thì khoa kinh tế học chưa bao giờ giải thích được phần năng suất biên ấy đã biến đi đâu. 

4.Lý thuyết năng suất biên của tư bản không thể giải quyết vấn đề nguyên liệu trong hàm sản xuất. Sản lượng đầu ra không thể nào tăng thêm nếu không tăng nguyên liệu cho dù các yếu tố đầu vào khác có tăng thêm bao nhiêu đi nữa. Xét từ phía cầu về tư bản, giá của nguyên vật liệu sẽ được tính bằng giá trị sản phẩm biên của nguyên liệu, tức là không thể xác định được giá của nguyên liệu. Phái kinh tế học tân cổ điển giải quyết vấn đề này bằng cách loại bỏ yếu tố vật chất và giả định rằng quá trình sản xuất là chỉ là quá trình làm tăng thêm giá trị. Song điều đó cũng không đi đến đâu cả, nếu bỏ qua giá trị sử dụng thì cũng không thể xét tới giá trị vì hàng hóa mang cả giá trị và giá trị sử dụng nên quá trình sản xuất là quá trình tạo giá trị sử dụng đồng thời tạo giá trị. Nếu không biết số lượng giá trị sử dụng ở đầu vào và số đầu ra thì tính toán giá trị hoàn toàn không có cơ sở nào hết (F. Moseley). Một điểm nữa cần được xem xét là các lĩnh vực sản xuất thường liên quan tới nhau, sản phẩm đầu ra của ngành này lại là nguyên liệu của ngành khác, vì vậy khi khoa kinh tế học thất bại trong việc giải thích vấn đề nguyên liệu thì đồng thời cũng thất bại trong việc giải thích quá trình sản xuất. Ví dụ lúa là sản phẩm của nông nghiệp và là nguyên liệu cho công nghiệp xay xát, khi không xác định được giá lúa thì cũng không thể giải thích được quá trình sản xuất nông nghiệp

5.Nếu tư bản là hàng hóa vốn mà doanh nghiệp sản xuất đã có sẵn thì sẽ không đi đến đâu cả. Khoa kinh tế học giả định rằng có những doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa vốn và doanh nghiệp sản xuất phải thuê hoặc mua lại hàng hóa vốn. Do đó, hàng hóa vốn phải được sản xuất ra ở một chu kỳ kinh tế khác, khoa kinh tế học không có cách nào xác định được hàm sản xuất của hàng hóa vốn. Giá của hàng hóa vốn được cung cấp xác định bằng chi phí của doanh nghiệp cho thuê vốn cộng với lãi suất (hay còn được gọi là chi phí cơ hội-không có cách nào xác định được nguồn gốc của nó)). Điều này chỉ lặp lại sai lầm của các nhà kinh tế chính trị học cổ điển: Lợi nhuận là khoản cộng thêm vào giá thành. Hàm cung cấp yếu tố sản xuất hoàn toàn không thể xác định được (F. Moseley, 2012). Lãi suất không thể xác định được dựa vào năng suất biên của tư bản (như khẳng định của Samuelson) và cũng cần nói thêm là không thể được xác định bằng bất cứ cách nào khác.

6.Mọi doanh nghiệp đều phải tính tới chi phí cơ hội. Nhưng nếu các hãng cho thuê vốn trừ đi chi phí cơ hội thì lợi nhuận kinh tế của họ là số không. Trong dài hạn theo nguyên tắc tự do cạnh tranh các hãng cho thuê vốn sẽ cạnh tranh nhau và hạ giá cho thuê vốn xuống bằng chi phí, dẫn đến một điều phi lý khác là cầu về vốn không có ảnh hưởng gì giá cho thuê vốn. Điều nực cười là nếu lợi nhuận kinh tế của các hãng cho thuê vốn là không thậm chí còn âm trong dài hạn thì tại sao các hãng đó vẫn tiếp tục tồn tại. (F. Moseley, 2012).

7.Lý thuyết năng suất biên của vốn hoàn toàn mâu thuẫn với lý thuyết về tối đa hóa độ thỏa dụng. Theo lý thuyết về tối đa hóa độ thỏa dụng thì người mua hàng hóa sẽ đặt giá của hàng hóa bằng với độ thỏa dụng biên mà hàng hóa đó đem lại. Nhà tư bản khi mua hàng hóa thì anh ta không phải là người tiêu dùng vì không tuân theo quy luật tối đa hóa độ thỏa dụng mà tuân theo tối đa hóa lợi nhuận, tức là giá của hàng hóa vốn bằng năng suất biên của nó (M. Linder and J. Sensat, 1977). Khoa kinh tế học không thể giải thích được tại sao cùng một hành vi mua hàng hóa nhưng có hai quy luật khác nhau để xác định giá cả.

8.Lý thuyết năng suất biên của vốn thất bại hoàn toàn trong việc giải thích lợi nhuận thương nghiệp. Hàng hóa được thương nhân mua sau đó bán lại với giá cao hơn mà không cần bất cứ hoạt động sản xuất nào, tức là không làm thay đổi giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa. Áp dụng lý thuyết năng suất biên sẽ không thể thấy được nguồn gốc phần giá trị chênh lệch giữa giá cả đầu vào và đầu ra.

9.Hàng hóa vốn khi tham gia vào quá trình sản xuất thì giá trị sử dụng của nó bị mất đi, và một giá trị sử dụng khác được tạo ra. Cùng với sự mất đi của giá trị sử dụng thì giá trị của nó cũng mất theo, vì giá trị không thể tồn tại độc lập với giá trị sử dụng. Khi rèn một thỏi sắt thành cái búa thì giá trị của sắt không thể nào tiếp tục tồn tại trong cái búa, khi đó giá trị của sắt tồn tại bên ngoài giá trị sử dụng của sắt và giá trị của cái búa lại bao gồm cả giá trị của sắt. Khoa kinh tế học loay hoay với cái điều nực cười là giá trị có thể tồn tại độc lập với giá trị sử dụng và ngược lại giá trị sử dụng lại có thể bao gồm nhiều giá trị khác nhau. Sự phi lý đó là nguồn gốc của những thất bại mà khoa kinh tế học gặp phải trong trường hợp lý thuyết năng suất biên của tư bản.

10. Để kết luận về chủ đề này có thể mượn lời của giáo sư F. Moseley: If the choice between Marx’s theory and marginal productivity theory were made strictly on the basis of the standard scientific criteria of logical consistency and empirical explanatory power, Marx’s theory would win hands down.

Tài liệu tham khảo:

1-K. Marx, "The Capital", Chater 7 "The labour process and the process of producing surplus-value". epub prepared by Eduardo Brissos (2011) at marxist.org

2-Fred Moseley (2012) "A Critique of the Marginal Productivity Theory of the Price of Capital". Real-world economics review, issue no. 59

3-Marc Linder and Julius Sensat (1977) "The Anti-Samuelson", Volume 2, Chapter 18 "Marginal Productivity Theory". New York : Urizen Books.




Thursday, January 2, 2014

Xử lý nạn gia đình trị

Hôm ấy họp chi bộ thôn, đồng chí bí thư chi bộ liền phát biểu:

- Hiện nay, đang có dư luận đang là chế độ gia đình trị phình ra, dẫn đến mất dân chủ, mất đoàn kết, dẫn đến nạn cát cứ quyền lực, nói chung là rất nghiêm trọng. Cụ thể là như đồng chí hội trưởng chi hội phụ nữ thì em gái đồng chí ấy là chi hội phó, em rể là kế toán chi hội, con gái là ủy viên ban chấp hành. Hay như đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã có em rể là phó chủ nhiệm, cháu gái là kế toán. Những trường hợp như thế có thể kể ra rất nhiều. Chúng ta cần phải nhanh chóng giải quyết triệt để tình trạng này.

Phó bí thư chi bộ thôn liền phát biểu:

- Vâng, tôi xin hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đồng chí bí thư. Nạn gia đình trị là không thể chấp nhận được, cần phải chấm dứt ngay lập tức. Song cũng xin các đồng chí lưu ý cho, nhận con em vào làm là hệ quả của cơ chế ưu tiên con em trong ngành, chúng ta xóa bỏ nạn gia đình trị nhưng cũng không thể xóa bỏ ưu tiên cho con em trong ngành. Nếu cứng nhắc quá thì con cháu chúng ta thất nghiệp hết.

Trưởng thôn mỉm cười:

- Xin các đồng chí bình tĩnh, việc gì cũng có giải pháp cả. Theo ý tôi thì thế này, từ mai đồng chí này sẽ nhận con cháu đồng chí kia vào làm và ngược lại. Ví dụ như hội phụ nữ sẽ nhận cháu gái chủ nhiệm hợp tác xã làm phó chủ tịch chi hội, và chủ nhiệm hợp hợp tác xã sẽ nhận em gái chủ tịch chi hội phụ nữ làm kế toán. Thế là chấm dứt việc người cùng một nhà làm cùng một chỗ. 

Mọi người liền vỗ tay ủng hộ ào ào. 

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)


Phóng viên báo Bán Bắp Cải đưa tin về dân chủ và nhân quyền

Một phóng viên báo Bán Bắp Cải được giao viết bài về tình hình dân chủ nhân quyền xứ nọ. Anh ta liền đến đó để phỏng vấn một số người.

Đầu tiên anh ta gặp thanh niên ngoài phố và hỏi: Anh có quan tâm đến dân chủ và nhân quyền không?

Anh thanh niên trả lời: Không, tôi chỉ quan tâm tới các cô gái đẹp thôi.

Sau đó, anh ta gặp một nhà bất đồng chính kiến và hỏi: Ông đấu tranh cho dân chủ nhân quyền như thế nào?

Nhà bất đồng chính kiến trả lời: Tôi hoạt động trên mạng internet.

Cuối cùng phóng viên đến gặp một nông dân và hỏi: Bác có quan tâm tới dân chủ và nhân quyền không?

Nông dân trả lời: Tôi nuôi lợn nên chỉ quan tâm tới lợn thôi.

Phóng viên báo Bán Bắp Cải liền viết bài như sau: Tình hình dân chủ nhân quyền xứ này rất đáng quan ngại. Nông dân lên mạng suốt ngày. Thanh niên mải nuôi lợn. Giới bất đồng chính kiến thì chỉ quan tâm tới gái.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)