Showing posts with label Triết học. Show all posts
Showing posts with label Triết học. Show all posts

Saturday, May 18, 2019

Tư duy biện chứng để làm gì?

Dạo nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy trụi, bên cạnh đám me Tây khóc than ầm ĩ cho nước Pháp thực dân thì cũng có một số người nhân dịp ấy mới nói rằng:
- Ngày xưa nước Pháp đi xâm lược thuộc địa, cướp bóc đốt phá không biết bao nhiêu chùa chiền miếu mạo, giờ là quả báo thôi, có gì mà phải than khóc. Pháp cũng đốt bảo nhiêu chùa chiền ở Việt Nam mà có đứa me Tây nào chịu khóc đâu.

Một hôm nọ, có vị giáo sư khoa Triết học mới dạy dỗ quần chúng ngu lâu mãi không chịu hiểu rằng:
- Họ nói vậy là sai, sai vì họ không có tư duy biện chứng. Thứ nhất, cái nhà thờ ấy là tài sản nhân loại, không phải chỉ riêng của người Pháp. Thứ hai, chúng ta có thù với chính quyền thực dân Pháp chứ không phải người dân Pháp. Thế nên khi cái nhà thờ ấy cháy thì ta phải tỏ lòng thương tiếc, không được tỏ thái độ vui mừng như vậy.

Phải tư duy biện chứng theo kiểu như vậy thì khác gì khổ dâm?


Bây giờ cứ thử hỏi vị giáo sư khoa Triết học ấy rằng nếu cái nhà thờ ấy là cái chùa to nhất Việt Nam và vị giáo sư của chúng ta là người Pháp thì đức ngài tôn quý ấy sẽ nói sao?  Chắc chắn đức ngài biện chứng của chúng ta sẽ hét lên sung sướng rằng: Đúng rồi, hãy đốt ra tro đám tà đạo đó đi, hãy dựng lên nhà thờ mới của Đức Chúa Trời Gô Loa! 

Nghe chuyện đến đây chắc hẳn sẽ có người bỉ bôi cái thằng tôi rằng: Thật là loại ếch ngồi đáy giếng, biết gì về 'Hai nguyên lý, ba quy luật và sáu cặp phạm trù mà chê ngài giáo sư triết học?

Đã chót thì phải chét vậy, tôi đành mổ xẻ cái xảo thuật của món Triết học này cho rõ. Vốn là giáo sư của chúng ta khi đả phá quan niệm bị coi là sai trái kia thì ngài ấy không nghiên cứu nó đến nơi đến chốn, tìm hiểu cơ sở xã hội của nó mà dùng phép logic hình thức để phủ nhận. Bởi vì bắt đầu bằng một quan niệm trừu tượng, không gắn liền với cơ sở xã hội đã sinh ra nó nên giáo sư khoa của chúng ta buộc phải sử dụng đến 'bù nhìn rơm', đây là một xảo thuật phổ biến trong tranh biện. 'Bù nhìn rơm' ở đây là 'tài sản nhân loại', bằng từ 'tài sản nhân loại' thì ngài đã gán cho người Pháp, người Việt và đủ các loại người nói chung quyền lợi và trách nhiệm với cái nhà thờ ấy, đáng lẽ ngài phải chứng minh điều này, nhưng chứng minh cái này thì ngài sẽ hớ nặng, vì không có thứ quyền lợi và trách nhiệm nào như vậy tồn tại cả. Nếu có me Tây nào đó ở Việt Nam vì hết lòng với nước mẹ tuyên bố cái nhà thờ là tài sản nhân loại và me Tây sẽ có quyền bán vé kiếm tiền ở đó thì nước mẹ Đại Pháp sẽ vả cho me Tây ấy không còn cái răng nào. Vậy nên câu thứ nhất của giáo sư là vô nghĩa hoàn toàn, đó là lối nói trùng lắp để khẳng định cái mà ngài đã giả định. Câu thứ hai của giáo sư cũng tiếp tục với xảo thuật ấy, nhân dân cũng là một cái bù nhìn rơm, theo truyền thống chính trị học phương tây người ta thường dùng nhân dân để nhét đủ thứ phi lý thậm chí mâu thuẫn nhau vào đó. Ở đây ngài giáo sư của chúng ta giả định là nhân dân Pháp đang đau buồn vì cái nhà thờ đó bị cháy rụi, mặc dù về mặt triết học đó chính là điều mà ngài phải chứng minh. Nhân dân Pháp có bao gồm đám vui sướng hay thờ ơ vì cái nhà thờ đó cháy không? Ngài giáo sư của chúng ta sẽ tuyên bố rằng đám người Pháp đó không phải là nhân dân Pháp. Thế là một mặt ngài giáo sư bắt toàn bộ dân Pháp phải khóc than cho cái nhà thờ bị cháy và mặt kia bắt dân Việt Nam phải khóc than theo vì dân Pháp đang khóc.

Những chuyện tào lao kiểu này giờ đầy rẫy trên mạng xã hội, người ta nói xuôi hay nói ngược cũng được. Ai cũng tỏ ra là mình đúng, mình là chân lý.

Vậy thì tư duy biện chứng hay không là ở cách người ta chỉ ra cái khuôn khổ xã hội đã sinh ra những quan niệm phủ nhận nhau mà chả ảnh hưởng gì đến nhau, chứ không phải ở chỗ dùng quan niệm này bác bỏ quan niệm kia. Sở dĩ những quan niệm phủ nhận nhau cùng tồn tại được trên truyền thông, va chạm nhau chan chát mà không ai bị sứt mẻ tí gì là bởi vì truyền thông đã trở nên độc lập với tương đối với xã hội.

Kinh tế thị trường là sự tách rời giữa chức năng chính trị và chức năng kinh tế. Truyền thông không còn là chính trị nữa, nó hướng vào việc đưa tin và kiếm tiền từ quảng cáo cho doanh nghiệp. Vậy nên nó phải đưa càng nhiều tin càng tốt, thứ hút được càng nhiều người theo dõi càng tốt. Điều đó làm cho truyền thông mất đi sự cấp tiến và đặc tính chính trị, bị tách rời khỏi bộ máy chính trị. Một mặt, nó chỉ đóng vai trò truyền tải tin tức, ai đó sẽ lựa chọn và làm việc cần phải làm. Mặt khác, do kinh tế thị trường dựa trên các cá nhân đơn lẻ tự do cạnh tranh với nhau trong việc mua bán hàng hóa, điều đó phản ánh vào truyền thông thành các quan niệm xung đột, có khuynh hướng phủ nhận lẫn nhau, nhưng truyền thông không thể từ bỏ cái cơ sở kinh tế ấy được, nó buộc phải tạo ra một cơ chế cho các quan niệm phủ nhận lẫn nhau ấy cùng tồn tại. Từ đó, trên truyền thông hình thành một lớp người chuyên đại diện cho các quan niệm xung đột nhau, họ đánh trận giả với nhau, thu hút sự chú ý của công chúng và giải trí cho công chúng bằng cách dùng các xảo thuật để tấn công nhau, không ngừng tạo ra các làn sóng công luận theo hướng này hoặc hướng kia.

Đấy là cách mà truyền thông tạo ra công luận, tạo ra những quan niệm phủ nhận lẫn nhau. Ngài giáo sư của chúng ta là một sản phẩm của hệ thống ấy, ngài tưởng rằng mình đang dạy dỗ công chúng về tư duy biện chứng nhưng thực ra chỉ lải nhải lặp đi lặp lại những gì mà truyền thông muốn. Nếu gặp may, ngài giáo sư sẽ tạo thành một làn sóng công luận, ngài sẽ kiếm được nhiều con nhang, đệ tử, tiền bạc và danh tiếng. Nếu không thì ngài cũng chẳng tốn gì ngoài mớ nước bọt giá rẻ, việc đầu tư cho phép biện chứng của ngài cũng chẳng tốn kém gì nhiều hơn trong khi chờ đợi những đợt sóng công luận khác.

Những người cộng sản hay những cộng đồng có tính cộng sản nguyên thủy xưa kia họ xử lý những sự xung đột này thế nào? Rất đơn giản, họ tập hợp những người đại diện cho những quan điểm phủ nhận nhau lại, mời các quý ngài trình bày, tranh luận thoải mái, cuối cùng tất cả cộng đồng biểu quyết để chốt lại một cái, tất cả sẽ phải tuân thủ theo quan điểm đã được lựa chọn ấy, bất kể trước đó theo quan điểm nào. Ai còn nói khác thì xử phạt nghiêm khắc. Thế nhưng đó lại là điều không bao giờ ngài giáo sư của chúng ta muốn, nhân danh phép biện chứng, triệu lần không, bởi vì đặc quyền tư duy biện chứng của ngài sẽ trở thành món đồ cổ mất giá thảm hại khi đám dân đen ngu dốt thất học được quyền quyết định cái gì là đúng và cái gì là sai.