Showing posts with label Tự do. Show all posts
Showing posts with label Tự do. Show all posts

Sunday, September 8, 2019

Lao động và tự do

Chúng ta vẫn thường nghe thấy báo chí nói rằng một người lao động ở Singapore hay ở Nhật có năng suất lao động cao gấp mấy chục lần người Việt Nam. Người ta nói rằng năng suất lao động cao hơn thì giàu hơn, dân Việt Nam nghèo là vì năng suất lao động thấp.

Người ta cũng thường lấy ví dụ về những người già ở Nhật hay ở Singapore đến năm 70-80 tuổi vẫn phải đi làm, họ gọi đó là chăm chỉ. Chăm chỉ thì mới giàu, còn lười biếng như dân Việt Nam, 60 tuổi đã nghỉ hưu nên nghèo.

Câu hỏi: 

  1. Nếu năng suất lao động của dân Nhật hay Singapore cao gấp mấy chục lần Việt Nam thì sao mức sống của người lao động bình thường ở đó không gấp mấy chục lần Việt Nam vậy? Thực tế mức sống của một người công nhân ở Nhật hay ở Việt Nam không chênh lệch nhiều. Cái năng suất lao động cao hơn mấy chục lần ấy đã chui vào túi ai?
  2. Nếu một quốc gia thực sự giàu có và an sinh xã hội tốt thì những người già sẽ được nghỉ hưu sớm, nhường chỗ cho những người trẻ khỏe hơn. Thực tế là an sinh xã hội của Nhật hay Singapore đều không đủ tốt, người lao động phải làm việc lâu năm mà lương hưu không vẫn không đủ sống nên họ buộc phải đi làm để kiếm thêm. Tại sao một sự thất bại của xã hội tư bản lại được coi là nguyên nhân thành công của họ?
Xã hội loài người cho tới nay là xã hội có sự phân chia giai cấp: giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Lao động của người bị bóc lột bao giờ cũng bị chia làm hai phần: Phần thứ nhất để nuôi sống bản thân. Phần thứ hai là để làm giàu cho kẻ bóc lột, bất kể là dưới dạng thuế khóa nộp cho nhà nước hay lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp.

Cái phần lao động mà nhà nước và giới chủ doanh nghiệp quan tâm tới là phần thứ hai, không phải là phần thứ nhất. Họ muốn phần thứ hai càng nhiều càng tốt và phần thứ nhất càng ít càng tốt. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ nhất về năng suất lao động. Năng suất lao động của người Nhật hay người Singapore bình thường quy ra tiền (mặc dù thước đo này rất không chính xác) có cao gấp mấy chục lần người Việt Nam thì mức sống họ cũng không cao hơn đáng kể vì phần lớn thành quả lao động của họ chui vào túi doanh nghiệp và nhà nước. 

Doanh nghiệp luôn tuyên truyền năng suất lao động thấp, đòi kéo dài thời gian làm việc, đòi kéo dài độ tuổi làm việc, đều là để làm đầy túi của họ, chứ không phải để làm đầy túi người lao động. Trái lại, càng làm việc nhiều thì túi người lao động sẽ càng vơi. Nếu như trước kia một người lao động làm việc 20 năm suốt đời mình để nhận được một khoản tiền lương hưu hàng tháng, thì giờ nếu họ phải làm việc 30 năm, theo quy luật thị trường doanh nghiệp sẽ trả lương tháng thấp hơn vì người lao động có thời gian tích lũy lương hưu dài hơn và thời gian hưởng lương hưu ngắn hơn. Ở các nước tư bản, năng suất lao động tỷ lệ nghịch với mức sống của người lao động. Năng suất lao động càng cao thì người lao động sẽ càng nghèo, ngược lại chủ doanh nghiệp và nhà nước sẽ càng giàu.   

Năng suất lao động của người Việt Nam có thực sự thấp người ta như vẫn so sánh? Câu trả lời là không. Bởi vì khác với người lao động ở các nước tư bản đa số người dân Việt Nam chỉ lao động để nuôi sống bản thân mình. Sáu mươi phần trăm người lao động ở Việt Nam là nông dân tự do, họ có mảnh đất canh tác nhỏ để làm ra lương thực nuôi sống bản thân và gia đình, phần này không tính vào năng suất lao động vì không quy ra tiền được. Họ không phải đóng thuế nông nghiệp, thuế đất thì rất thấp. Người lao động rảnh rỗi thì họ làm thêm việc này việc kia để kiếm thêm thu nhập. Chủ doanh nghiệp không có cách nào ép những người lao động tự do đó làm việc với cường độ khủng khiếp như ở các nước tư bản vì họ không buộc phải lao động làm thuê để tồn tại.

Giới chủ doanh nghiệp không quan tâm đến cái phần người ta lao động để nuôi sống bản thân mình, mà chỉ quan tâm đến cái phần họ bóc lột được từ người lao động. Thế nên việc so sánh về năng suất lao động quy ra tiền kia phải hiểu là một người lao động ở Nhật hay ở Singapore bị bóc lột gấp mấy chục lần ở Việt Nam. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ hai. Bí mật cho sự giàu có của các nước tư bản là duy trì mức độ bóc lột cao khủng khiếp đối với người lao động. Chủ doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn áp dụng cái bí quyết thành công của tư bản cho Việt Nam.

Có một người bạn lại hỏi tôi rằng: Tại sao Việt Nam không có các công trình to lớn hoành tráng như các nước khác? Có phải là do năng suất lao động của Việt Nam thấp? Hay là do Việt Nam chiến tranh nhiều, của cải bị tàn phá hết, không có điều kiện làm mấy thứ đó?

Câu trả lời: Chuyện đó đều không liên quan đến năng suất lao động hay chiến tranh. Của cải đổ vào xây dựng những công trình to lớn kia ở đâu ra? Đều là phần bóc lột được từ người lao động. Ở những nước khác, khi nhà nước hay giai cấp thống trị đủ mạnh thì họ bóc lột được lượng của cải khổng lồ từ người lao động, của cải đó sẽ được dùng để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Các công trình ấy đều thuộc về nhà nước hay giai cấp thống trị, đóng vai trò như là biểu tượng cho sự thống trị của họ. Vậy nên những thứ đó là biểu tượng cho sự áp bức, đâu phải là biểu tượng cho sự tự do của người lao động. 

Từ thời xa xưa, Việt Nam đã là một đất nước có tầng lớp nông dân tương đối tự do, mặc dù họ không có quyền công dân trong các xã hội phong kiến song các thiết chế cộng đồng địa phương đại diện cho nông dân đủ mạnh để hạn chế mức độ bóc lột của chính quyền trung ương. Ngay cả những nhà nước phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam cũng không có khả năng bóc lột được những khối của cải thặng dư khổng lồ từ nông dân để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Vậy nên việc thiếu vắng các công trình kỳ vĩ ở Việt Nam không phải do năng suất lao động thấp mà ngược lại là một biểu tượng cho sự tự do tương đối của nông dân. Giới chủ doanh nghiệp tất nhiên cũng không thích điều này, nên họ tìm mọi cách công kích, hạ nhục người Việt Nam nói chung về việc không có các công trình kỳ vĩ.

Khái niệm tự do bao gồm ba nội dung cụ thể. Thứ nhất, mỗi cá nhân đều làm chủ bản thân mình, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, họ không phải làm lao động làm giàu cho ai. Thứ hai, cộng đồng công dân của những người tự do ấy không bị ai cai trị. Thứ ba, quốc gia của họ không phải lệ thuộc vào quốc gia khác. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của người Việt Nam tự do, ai cũng hiểu rằng sự độc lập tự do của quốc gia là một phần của tự do cá nhân. Nói như các cụ thời xưa là: Nước đã mất thì nhà làm gì còn. Bởi vậy nên người Việt Nam luôn chiến đấu hết mình vì độc lập của quốc gia và khinh bỉ những kẻ làm tay sai cho ngoại bang. Tuy vậy, sự bất khuất cũng không thể giúp người Việt Nam đứng vững nếu năng suất lao động không đủ cao để nuôi sống bản thân và duy trì những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài đằng đẵng hàng mấy chục năm. Về mặt chính trị, mưu đồ của những kẻ tuyên truyền năng suất lao động Việt Nam thấp chính là phủ nhận sự độc lập tự cường của Việt Nam. Chúng đều sẽ nói rằng dân Việt Nam có năng suất lao động thấp, ăn còn chả đủ lấy đâu ra của cải mà đánh Pháp đánh Mỹ, đều là nhận viện trợ của nước ngoài để đánh cả và từ đó chúng sẽ kết luận rằng giống loài Việt Nam là một giống loài hạ đẳng chỉ biết đi nhận tiền để đánh thuê cho đế quốc.

Nếu một người lao động Việt Nam tự do có phải nghe mấy câu lải nhải về năng suất lao động thấp, lười biếng hay thấp kém vì không có các công trình hoành tráng thì anh ta có thể ưỡn ngực mỉm cười: Tôi là một người tự do, một kẻ nô lệ cho dù có sống trong lâu đài bằng vàng cũng không bao giờ hiểu được tự do!

(P/s: Bài này được viết theo yêu cầu của Linh bí thư DLV.)

Monday, December 26, 2016

Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

Các phe phái chống cộng đều có một lập luận chung rằng: Chủ nghĩa xã hội là một ảo tưởng chỉ có chủ nghĩa tư bản là hiện thực vì vậy Việt Nam cần phải từ bỏ ảo tưởng và đi theo hiện thực. Hoặc tinh vi hơn thì sẽ sử dụng hình mẫu các nước Bắc Âu để nói rằng có một con đường thứ ba, kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ hay nhân quyền, tạo ra hạnh phúc ấm no. Tóm lại, tất cả những gì cần thiết là đi theo chủ nghĩa tư bản dưới hình thức này hay hình thức khác.

Đối với các vị tư sản thì trước kia có lịch sử nhưng khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện thì lịch sử chấm hết. Loài người mãi mãi dừng lại chủ nghĩa tư bản. Hãy thử tưởng tượng, bạn quay về đế quốc La Mã và nói với họ rằng xã hội chiếm hữu nô lệ trên đỉnh cao văn minh nhân loại của họ sẽ bị các bộ tộc German dã man đánh bại và thay thế nó bằng một chế độ khác. Những người La Mã văn minh ấy sẽ trả lời bạn hệt như các vị tư sản ngày nay. Hoặc gần hơn nữa, hãy nhớ lại lập luận của các vị tư sản khi họ treo cổ đám vua chúa phong kiến lên, mặc dù đám vua chúa và quý tộc phong kiến ấy giàu sang và có học hơn họ nhiều. Lúc đó nếu ai dám nói với họ rằng chế độ tư bản chỉ là ảo tưởng, chỉ có các triều đình phong kiến là hiện thực thì chỗ của người đó sẽ là trên giá treo cổ, bên cạnh vua chúa và quý tộc các loại.

Trước hết, chủ nghĩa xã hội không phải là ý tưởng kỳ quái từ đâu đó sinh ra, đó là quy luật của xã hội loài người, đó là quy luật của lịch sử, nó sinh ra khi chủ nghĩa tư bản đạt đến mức độ phát triển nhất định, ngay chính trong lòng xã hội tư bản với tư cách là sự thay thế chế độ tư bản. Quy luật ấy sẽ phải được thể hiện bằng sự lựa chọn của một số quốc gia nhất định bởi vì chủ nghĩa tư bản đã củng cố và tạo ra các biên giới quốc gia thống nhất thay cho các lãnh địa phong kiến tản mạn xưa kia.

Tại sao người Việt Nam lựa chọn chủ nghĩa xã hội mà không chọn chủ nghĩa tư bản?

Chủ nghĩa tư bản phát triển đến mức độ nhất định tại một số quốc gia thì nó sẽ phá hoại những điều kiện phát triển bình thường tại một số quốc gia khác khiến cho những quốc gia bị phá hoại không thể phát triển lên chủ nghĩa tư bản được nữa. Nếu các ngài tư sản có nói với bạn rằng hãy chọn con đường tư bản để được giàu có và hạnh phúc thì bạn hãy chỉ cho các ngài ấy thấy ngoài Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản chưa từng thành công ở bất cứ đâu, đa phần các nước khác hoặc là chìm trong đói nghèo lạc hậu của một xã hội đứng ở ngưỡng cửa của chủ nghĩa tư bản hoặc phải sử dụng một phiên bản không hoàn thiện của chủ nghĩa tư bản. Việt Nam là một nạn nhân của chủ nghĩa tư bản thời đại đế quốc, bom đạn, văn minh, dân chủ, nhân quyền phương Tây đã gần như đưa xứ sở của chúng ta về thời đồ đá, rất tiếc là họ không được như ý vì chúng ta đã tiến vào thời đại đồ nhôm. Con đường chủ nghĩa tư bản đã khép lại từ lâu và không hứa hẹn đem lại bất cứ thứ gì tốt đẹp cho Việt Nam. Lịch sử đã không cho chúng ta chọn chủ nghĩa tư bản.

Kể từ khai sinh cho đến nay, chủ nghĩa tư bản đã đạt đến độ chín của nó. Hãy nhớ rằng khi La Mã bị người German dã man đánh bại thì La Mã phát triển hơn German rất nhiều, sở dĩ có điều đó là bởi vì chế độ chiếm hữu nô lệ của La Mã đã mất hết động lực phát triển và trở thành gánh nặng. Chủ nghĩa tư bản ngày nay cũng vậy, các nước tư bản vẫn giàu có hùng mạnh và có thể hùng hổ bắt nạt cả thế giới, nhưng trong căn nguyên của chủ nghĩa tư bản thì cái quan hệ sản xuất của nó đã lạc hậu và mất hết động lực phát triển. Xưa kia khi quan lại phong kiến cố gắng bám lấy chế độ phong kiến trước sự đe dọa của chủ nghĩa tư bản bằng những lý lẽ nào thì giờ các vị tư sản lại bám lấy chế độ tư bản bằng những lý lẽ y hệt. Lý trí sáng suốt nào lại cho phép chúng ta bám lấy những gì đang suy tàn mà từ bỏ cái mới tốt đẹp hơn đang hình thành. Không, chính lý trí đã giúp người Việt có được sự lựa chọn sáng suốt. Cũng cần phải nói thêm rằng nếu không có cái lý trí sáng suốt ấy thì người Việt Nam cũng như nước Việt Nam thậm chí còn không tồn tại. Nỗi nhục nước bị xóa tên trên bản đồ, người Việt phải nói tiếng Pháp thay cho tiếng mẹ đẻ chẳng phải là mới ngày hôm qua thôi sao?

Chủ nghĩa tư bản phát triển dựa trên quan hệ giữa các cá nhân độc lập với tư cách chủ sở hữu hàng hóa, quan hệ giữa họ là mua bán. Những phương thức sản xuất khác thì không dựa trên việc mua bán hàng hóa nên buộc phải dựa vào các mối quan hệ gia tộc, huyết thống và sự mở rộng nhất định của các thiết chế mang tính tập thể. Khi các chủ nghĩa tư bản phát triển thì Việt Nam mới ở vào giai đoạn tan rã của chế độ phong kiến vì vậy các quan hệ xã hội và thiết chế mang tính tập thể của người Việt Nam vẫn còn rất mạnh. Chính yếu tố đó khi được trui rèn trong lò lửa của cách mạng vô sản và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc suốt nửa sau thế kỷ 20 đã nuôi dưỡng trong lòng xã hội Việt Nam cái hạt nhân mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội. Lý trí của người Việt bắt nguồn từ hiện thực của người Việt chứ không phải là một ảo tưởng sùng bái vĩ nhân hay học thuyết ngoại lai nào đó. 

Nói tóm lại, lịch sử đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam vì trong lòng xã hội Việt Nam đã mang sẵn những mầm mống của nó, cho dù nước Việt Nam vẫn còn chưa được giàu mạnh. Hãy nhìn lại lịch sử! Chẳng phải các bộ tộc người German dã man đã đánh bại La Mã thần thánh đó sao? Chẳng phải thương nhân Hà Lan đã đánh bại cả triều đình Habsburg lẫn đế quốc Tây Ban Nha hùng mạnh để giành độc lập sau 80 năm kháng chiến gian khổ ngay giữa lúc chế độ phong kiến châu Âu đạt tới đỉnh cao đó sao? Cần phải nói thêm rằng cũng chính người Hà Lan đã đưa William Orange lên ngai vàng nước Anh (để làm đồng minh chống lại Tây Ban Nha), mở đường cho nước Anh rệu rã sau này trở thành đế quốc của thời đại tư bản.

Để hình thành xã hội tư sản thì giai cấp tư sản của nó phải đủ mạnh, nhưng chính bản thân giai cấp tư sản ở Việt Nam lại chưa bao giờ đủ mạnh và độc lập. Giai cấp tư sản Việt Nam hình thành nhờ vào vai trò trung gian giữa đế quốc và người bản địa, thế nên dưới chế độ thuộc địa thì giai cấp tư sản hoàn toàn lệ thuộc vào đế quốc. Khi chế độ thuộc địa bị đập tan thì giai cấp tư sản cũng nhanh chóng tan rã, những mảnh còn lại của nó buộc phải bám lấy giới tiểu thương thành thị, nông dân giàu và trí thức. Sau này, khi kinh tế thị trường được phát triển trở lại ở Việt Nam, giai cấp tư sản bắt đầu hồi phục, nhưng vì không có truyền thống thống trị độc lập nên hệ tư tưởng của giai cấp này cũng không độc lập, nó phân tán và chịu đủ sự chi phối từ các tầng lớp khác, khi phải đối mặt với sự tổ chức và tính kỷ luật đã được rèn rũa bằng cách mạng của giai cấp vô sản thì nó hoàn toàn bất lực. Chính hoàn cảnh lịch sử này đã phản ánh vào tâm thức của một bộ phận tầng lớp trí thức ở Việt Nam. Trên thực tế họ là cái loa của giai cấp tư sản do đã bị tư sản hóa, do những mảnh của giai cấp tư sản ẩn náu trong họ. Sự yếu đuối bế tắc, không có tư tưởng độc lập của giai cấp tư sản được thể hiện thành những luận điệu lải nhải về sự ngu dốt thấp kém của người Việt nói chung, mặc dù đó thực ra là của giai cấp tư sản Việt Nam.

Chính người lao động Việt Nam đã chứng minh được trí tuệ và bản lĩnh của họ trong suốt nửa thế kỷ qua, những người nông dân chân lấm tay bùn, những người thợ nhem nhuốc dầu mỡ, những anh giáo làng nhút nhát đã bằng chính đôi tay của mình quật ngã những đế quốc sừng sỏ nhất của thế kỷ 20, ngay giữa thời đại phát triển thịnh vượng nhất của họ. Đó chẳng phải bản lĩnh và trí tuệ đó sao? Để làm được điều đó thì chẳng phải cần đến sự tổ chức cũng như kỷ luật sắt đá đó sao? Hãy nhớ rằng đó là kỷ luật của máu, còn cao hơn kỷ luật của ngọn roi cá đuối thời đại chiếm hữu nô lệ và kỷ luật của cái đói trong chế độ tư bản! Thật nực cười khi nói rằng người Việt Nam không biết tổ chức cũng như không có kỷ luật. Hãy nhớ rằng khi những kẻ giàu có đu càng máy bay trực thăng chạy trốn thì chính những người lao động lầm than đã xây dựng lại đất nước Việt Nam từ đống tro tàn trong cảnh bị đe dọa, bao vây, cấm vận và vẫn phải cầm khẩu súng chiến đấu. Giai cấp vô sản Việt Nam hình thành chậm hơn và thiếu sự phát triển hơn so với giai cấp vô sản ở các nước tư bản phát triển nhưng họ mang trong mình hạt nhân cách mạng mà ít có giai cấp vô sản ở các quốc gia khác có được, đó là lý do khiến nước Việt Nam vẫn còn đứng vững đến nay, ngay cả khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ.

Hoàn cảnh lịch sử ấy cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã đẩy xã hội Việt Nam vào một giai đoạn đặc biệt đáng chú ý trong lịch sử, có thể gọi nôm là "đánh võ mồm" hay "bàn phím chiến".

Sợ hãi trước trí tuệ và bản lĩnh của người lao động Việt Nam, giai cấp tư sản cũng như những kẻ tay sai của họ không ngừng tìm cách bôi nhọ người Việt Nam (nực cười thay, khi đó họ không xem bản thân là người Việt, hệt như Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại). Họ không ngừng lôi ra những cái gọi là thói hư tật xấu của người Việt Nam và so sánh với những gì gọi là văn minh, tốt đẹp của phương Tây (theo chủ nghĩa tư bản). Chuyện này đã khiến rất nhiều người bị nhầm lẫn. Nhưng hãy hình dung bằng một ví dụ đơn giản, một đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn, bố mẹ nó không khá giả lắm thì sẽ mua cho nó bộ quần áo rộng một chút để nó có thể mặc được lâu. Đứa bé mặc bộ quần áo rộng thùng thình thì trông sẽ rất xấu xí, không thể so sánh với những đứa bé con nhà giàu mặc bộ quần áo vừa vặn được. Nhưng những người hiểu biết liệu có chê bai chế nhạo đứa bé kia về bộ quần áo rộng và bộ dạng chả mấy đẹp đẽ của nó không? Chắc chắn không có người hiểu biết nào lại làm cái điều ngớ ngẩn đó. Xã hội Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nó tạo ra hàng sa số những xung đột giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, hàng sa số những vấn đề mà hiện tại không có cách nào giải quyết được, nhất là khi các điều kiện cần thiết để giải quyết chúng chưa xuất hiện. Những hiện tượng đó cho thấy xã hội Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng. Tranh luận và cãi cọ về những thứ đó chỉ tốn thời gian và chẳng đem lại lợi ích gì. Thậm chí chính tư duy của cái bộ phận dân cư không ngừng nguyền rủa và hạ nhục người Việt nói chung kia cũng là sản phẩm của hoàn cảnh ấy, nó thể hiện sự bất lực và thiếu hiểu biết của họ trước những xung đột xã hội và nó cũng sẽ tan biến khi những xung đột ấy chấm dứt. Ở đây lý trí của người vô sản bình thường sẽ mách bảo cho bạn biết rằng những gì bạn cần làm lúc này là chọn xem vấn đề nào giải quyết được và giải quyết vấn đề đó chứ không phải đứng đó gào thét và chửi bới cái mớ hỗn độn quanh bạn. 

Cần phải trả lời cái luận điệu "Phương Tây là văn minh và tốt đẹp, hãy học họ để văn minh và tốt đẹp chứ đừng biện minh cho bản thân bằng những vấn đề của họ" ra sao? Rất đơn giản, luận điểm đó dựa trên hai giả định, thứ nhất là phương Tây văn minh tốt đẹp hơn Việt Nam, thứ hai là những cái văn minh và tốt đẹp ấy không gắn liền với các vấn đề của họ. Điều thứ nhất bạn có thể chứng minh rằng đó là tâm thức của những kẻ nô lệ, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy phương Tây văn minh tốt đẹp hơn và phải "Thoát Á" hay "Thoát Trung", đó là điều nhảm nhí. Cái tâm thức ấy rất điển hình của giai cấp tư sản và một bộ phận trí thức Việt Nam, họ làm trung gian giữa các đế quốc phương Tây và người Việt thế nên sự siêu việt của văn minh phương Tây đảm bảo cho địa vị đặc quyền của họ và do đó họ sẽ phủ nhận mọi sự tốt đẹp của người Việt (vì điều đó đe dọa địa vị của họ). Phần thứ hai cũng có thể chứng minh đơn giản, các vấn đề của phương Tây gắn liền với những cái gọi là văn minh và tốt đẹp của phương Tây, đi theo con đường của phương Tây (hay chủ nghĩa tư bản) là chấp nhận những thứ đó. Hãy vạch mặt giai cấp tư sản và tay sai của giai cấp tư sản bằng cách ấy. Hãy hiểu rằng cái mà giai cấp tư sản Việt Nam muốn là chủ nghĩa tư bản phương Tây, còn tất cả những gì tệ hại như thất nghiệp, bần cùng, tội phạm, tàn phá môi trường, khủng hoảng kinh tế, sự tha hóa của nhân cách thì giai cấp vô sản sẽ phải gánh chịu, thế nên chúng sẽ luôn phớt lờ những mặt trái của xã hội phương Tây để ca ngợi những thứ phù hợp với lợi ích của chúng. Hãy luôn nhớ rằng giai cấp công nhân và nông dân sẽ phải gánh chịu toàn bộ những thảm họa đó, nếu giai cấp tư sản thành công trong việc thay đổi hướng đi của đất nước này.

Sunday, October 16, 2016

Xã hội và quan hệ xã hội

Cách đây không lâu, rất nhiều trang mạng nước ngoài và quốc tế phát tán một câu chuyện kiểu giả khoa học xuất phát từ một mạng xã hội chuyên về chuyện hài hước mô tả một thí nghiệm về khỉ và dùng nó để minh họa cho việc đàn áp vô lý các ý kiến khác biệt trong xã hội loài người. Dưới đây là câu chuyện ấy.

Đọc toàn bộ câu chuyện ở đây
Điều căn bản phi lý trong câu chuyện này chính là giả định đám khỉ sẽ đánh con khỉ nào muốn leo lên lấy chuối. Đó là điều không bao giờ xảy ra trong xã hội loài người và chính điều đó đã ngầm giả định sự đàn áp các quan điểm khác biệt. Câu chuyện này trở thành một mớ nhảm nhí theo kiểu sự đàn áp tồn tại vì có sự đàn áp và giải pháp của nó là một thứ khôi hài không tưởng theo kiểu hành vi tâm thần của sự nghiện ngập "like và share" trên mạng xã hội: Hãy chia sẻ và mọi người sẽ nghĩ khác, khi mọi người nghĩ khác thì mọi thứ sẽ khác!

Quan hệ giữa những con người là quan hệ xã hội và quan hệ xã hội sẽ trở thành một phần của bản chất tự nhiên trong con người. Hãy chú ý điều này: Kinh tế học luôn giả định con người là homo economicus, tức là một kiểu con khỉ vị kỷ chỉ biết đến bản thân khi so sánh giữa chuối và nước lạnh, khi làm điều đó nó buộc phải giả định rằng vị tha không tồn tại, tức là một ông bố sẽ không hy sinh gói thuốc lá của mình để mua sữa cho đứa con nhỏ đang đói. Thứ giả khoa học của chủ nghĩa tư bản hình dung con người là một con vật vị kỷ, do vậy nó dùng con vật để thay thế cho con người trong mọi câu chuyện.

Xã hội con người sẽ hoàn toàn khác với xã hội khỉ được mô tả trong thí nghiệm giả khoa học kia.

1-Xã hội có giai cấp 

Khi đám khỉ biết rằng một con khỉ trèo lên lấy chuối thì những con còn lại sẽ bị xịt nước lạnh, chúng sẽ làm gì? Chúng sẽ cắt cử một con khéo léo nhanh nhẹn nhất leo lên thật nhanh lấy chuối xuống để chia cho tất cả cùng ăn, cả đám còn lại sẽ cùng chịu nước lạnh và sau đó cùng ăn chuối.

Chuyện đó là bình thường cho đến khi con khỉ chuyên lấy chuối kia tưởng rằng chuối có được là nhờ sự thông minh khéo léo của nó còn những kẻ còn lại chỉ là những kẻ khốn khổ ăn bám không hơn không kém. Nó sẽ thể hiện uy quyền bằng cách ăn phần lớn chuối và chỉ chia phần nhỏ cho những con còn lại. Tất nhiên những con khỉ còn lại sẽ bất bình, chúng sẽ tìm cách thay thế con khỉ đó bằng một con khỉ khác công bằng hơn. Song cái cơ chế đó đã hình thành, những con khỉ đi lấy chuối bao giờ cũng là tầng lớp đặc quyền và đặc quyền đó được xây dựng dựa trên sự chịu đựng đau khổ của đông đảo quần chúng. Mọi con khỉ đi lấy chuối có công bằng vô tư đến đâu thì cái cơ chế xã hội tồn tại vẫn luôn đảm bảo địa vị đặc quyền của chúng và sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ ăn bám cặn bã. Điểm mấu chốt này giải thích sự duy tâm và bảo thủ của câu chuyện giả khoa học về lũ khỉ trong bức hình minh họa nói trên. Một mặt, nó thay thế quan hệ xã hội bằng lợi ích và niềm tin cá nhân. Mặt khác, nó khẳng định lối thoát là sự giải phóng của lợi ích và niềm tin cá nhân. Sự phi lý nằm ở chỗ: Nó giả định sẵn cái mà nó cần phải chứng minh. Sự bảo thủ của nó nằm ở chỗ: Nó lảng tránh quan hệ xã hội, coi quan hệ xã hội là một thuộc tính tự nhiên vĩnh viễn không thể thay đổi, do vậy nó thần thánh hóa và bảo vệ cái trật tự mà nó vờ như đang chống lại.

2-Xã hội không giai cấp

Khi xã hội loài khỉ tiến hóa đến một mức độ nhất định, lũ khỉ sẽ thay đổi cách tổ chức. Mỗi con khỉ sẽ đều phải lần lượt leo lên lấy chuối xuống chia cho cả nhóm cùng ăn và tất nhiên là con nào cũng chịu bị phun nước lạnh. Chúng sẽ cười vào mũi đám nhà khoa học dốt nát đang cố tìm hiểu chuyện gì xảy ra, đôi khi chúng sẽ thí nghiệm trở lại xem đám nhà khoa học kia sẽ làm gì khi chúng dự trữ chuối để ăn hay không thèm leo lên lấy chuối ngay cả khi bị phun nước lạnh, từ đó chúng sẽ thay đổi cách tổ chức hành động cho hiệu quả hơn. Mỗi con khỉ đều đạt tới trạng thái tự do khi tham gia vào mọi công việc chung của xã hội. Một mặt chúng có những quyền lợi và nghĩa vụ, thậm chí cả sự đau khổ ràng buộc với xã hội, nhưng mặt khác chúng không còn lệ thuộc vào những cá thể nhất định nữa. Sự xung đột chấm dứt, không còn bất cứ con nào phàn nàn về nước lạnh hay vấn đề công bằng khi chia chuối. Mọi ý kiến bất đồng đều nhanh chóng được giải quyết do mỗi thành viên trong xã hội đều có đầy đủ trải nghiệm và công cụ để kiểm chứng những ý kiến đó, chỉ trên cơ sở đó, những ý kiến khác biệt mới được tôn trọng triệt để. Đây là xã hội có ý thức, con người đã tách hoàn toàn khỏi trạng thái nguyên thủy. 

Để chống lại tình trạng những kẻ đặc quyền đặc lợi ăn bám vào xã hội thì mấu chốt không phải là thay thế kẻ đặc quyền này bằng kẻ đặc quyền khác, mà là xóa bỏ mọi đặc quyền. Việc xóa bỏ đặc quyền đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội khiến cho tất cả mọi người đều phải tham gia vào mọi công việc chung của xã hội và được hưởng lợi ích từ đó. 

3-Cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng

Từ khi một xã hội không giai cấp, chấm dứt mọi đặc quyền bắt đầu hình thành thì tầng lớp đặc quyền sẽ không thể ngồi yên, chúng sẽ tìm mọi cách chống lại điều đó để bảo vệ địa vị của mình. 

Khi những con khỉ bắt đầu tổ chức theo xã hội không giai cấp thì tất cả những thành phần tinh hoa của xã hội cũ sẽ gào thét, chúng sẽ ồn ào về sự phi lý, những hậu quả của hành động trái ngược với bản chất tự nhiên, với sự khéo léo của những con khỉ chuyên lấy chuối, với sức chịu đựng bền bỉ của những con khỉ chuyên chịu nước lạnh. Một mặt chúng sẽ đề cao sự công bằng bình đẳng, mặt khác chúng tuyên bố cái trật tự hiện có là tự nhiên, bất cứ ý kiến nào đòi thay đổi cái trật tự đó đều là ngu xuẩn và độc ác. Mọi sự tiến bộ đều có thể tiến lên bằng cách thay đổi tư duy hay nhận thức của mỗi cá thể chứ không phải là thay đổi quan hệ xã hội giữa các cá thể đó. Hãy đừng ngạc nhiên khi thấy có những xã hội đề cao ý kiến cá nhân nhất cũng chính là những xã hội đàn áp ý kiến cá nhân bậc nhất, bởi vì sự tự do đó không dành cho tất cả mọi người.

Không phải ở đâu những con khỉ thuộc tầng lớp đặc quyền cũng có thể to tiếng, nhất là khi những con khỉ còn lại đã có tổ chức tốt, việc tạo dựng xã hội mới cũng đồng nghĩa với việc đánh bại, đàn áp những kẻ thống trị bảo thủ của xã hội cũ. Đó là điều không thể tránh khỏi. Ở đây sẽ xuất hiện một bộ phận phản động bậc nhất, chúng sẽ nhân danh tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến để chống lại việc xây dựng xã hội mới. Tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến có nghĩa là tự do bảo vệ trật tự xã hội cũ của những kẻ đặc quyền và do vậy đối với những kẻ đặc quyền sẽ là giá trị tốt đẹp nhất của xã hội hiện tại. Lúc này, mấu chốt để xây dựng xã hội mới không phải là đấu tranh cho tự do ngôn luận hay bất đồng chính kiến mà là tiêu diệt chúng.

4-Lời kết

Quay trở lại với câu chuyện trong hình minh họa, tất cả thực tiễn của xã hội đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại sự phi lý trong việc đàn áp ý kiến khác biệt được minh họa bằng một thí nghiệm giả tưởng với khỉ, do vậy, chìa khóa để thay đổi là mọi ý kiến khác biệt đều phải được tôn trọng và khuyến khích. Song chỉ khi nào người ta đặt câu chuyện giả khoa học theo kiểu ngụ ngôn này vào bối cảnh lịch sử của xã hội loài người thì ý nghĩa xã hội của nó mới bộc lộ rõ, cả sự bảo thủ cũng như phản động của nó. 

Cách đây hơn một thế kỷ, những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã nhấn mạnh rằng: Thực tiễn là tiêu chuẩn của nhận thức! Chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được nhận thức và quyết định được nhận thức, do vậy dưới chủ nghĩa tư bản, một bộ phận dân chúng bị tha hóa và tách ra khỏi hiện thực xã hội, mất đi khả năng kiểm chứng nhận thức của bản thân và bị lệ thuộc vào nhận thức của kẻ khác (một ví dụ cụ thể: đám đông bị truyền thông định hướng). Trong hoàn cảnh ấy, tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến thực ra là sự mất tự do về ngôn luận và sự mất tự do về bất đồng chính kiến. Việc đề cao tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến lúc này luôn đi cùng với sự phê phán ý thức thấp kém, lệ thuộc, quần chúng ngu dốt hay các tệ nạn a dua, anh hùng bàn phím, giống như hai mặt của một đồng xu vậy. Khi các quyền tự do bị tách ra khỏi cơ sở thực tiễn xã hội thì chúng trở thành sự bảo thủ và phản động, chúng sẽ giúp cho những thế lực thống trị của xã hội tiếp tục duy trì sự nô dịch đối với quần chúng lao động, buộc quần chúng lao động phải phụ thuộc vào chúng. Khi sự phê phán ý thức tách rời khỏi thực tiễn xã hội (tức là không đi cùng với sự giải phóng người lao động) thì chúng cũng trở thành phản động vì chúng không thay đổi nhận thức của quần chúng lao động để phục vụ cho việc giải phóng họ mà ngược lại củng cố sự thống trị của tầng lớp có đặc quyền về ý thức và giáo dục. Điều khôi hài ở chỗ này mà có thể người ta đã lờ mờ nhận ra, chính là chủ nghĩa giáo dục mang tính khai sáng kiểu tư sản (hiện đang được phe dân chủ đề cao ở Việt Nam) lại gắn liền với chủ nghĩa ngu dân phản động bậc nhất, có nghĩa là "khai dân trí" để dân chúng biết rằng họ lệ thuộc vào ý thức của một tầng lớp tinh hoa có đặc quyền về trí tuệ chứ không phải để họ tự giải phóng bản thân mình và có được sự độc lập về ý thức. 

Thursday, September 15, 2016

Tiền lương và phong trào công nhân

Khi bàn về vấn đề tiền lương, người ta thường hay được nghe thấy lập luận như sau: Tiền lương tăng sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tăng, do vậy giá cả hàng hóa sẽ tăng. Nền kinh tế sẽ mất ổn định, đời sống sẽ khó khăn. Như vậy, công nhân không nên đòi tăng lương vì tăng lương là căn nguyên của mọi tai vạ về kinh tế.

Câu hỏi mấu chốt: Tại sao chi phí sản xuất tăng thì giá cả hàng hóa lại tăng?

Câu trả lời: Để duy trì tỷ suất lợi nhuận cũ cho nhà tư bản.

Vấn đề: Công nhân không được đòi tăng lương ngay cả khi chết đói còn nhà tư bản đương nhiên được tăng giá hàng hóa khi chi phí sản xuất tăng.

Chuyện này có gì mới không? Chả có gì mới, Marx đã viết từ lâu trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng" khi phê phán lập luận của Prouhdon về tiền lương. 

Trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng", Marx đã chỉ ra rằng khi tiền lương tăng lên thì giá cả hàng hóa thậm chí còn có thể giảm xuống. Lý do là bởi vì trong nền kinh tế các doanh nghiệp có mức độ sử dụng nhân công khác nhau. Doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động và ít máy móc thì sẽ chịu ảnh hưởng lớn của việc tăng lương, tức là tỷ suất lợi nhuận của họ sẽ giảm mạnh hơn so với những doanh nghiệp sử dụng ít lao động và nhiều máy móc. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn, tức là sử dụng nhiều máy móc hơn lao động, sẽ nhận thấy rằng họ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp hơn. Lúc ấy, họ sẽ hạ giá hàng hóa xuống để chiếm lấy thị trường của những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp. Lợi nhuận của họ sẽ lớn hơn cho dù tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp lúc này đồng thời phải đối mặt với hai áp lực: tỷ suất lợi nhuận sụt giảm và giá hàng hóa trên thị trường giảm đi. Nhiều doanh nghiệp thuộc loại này sẽ bị phá sản để nhường chỗ cho những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn. 

Tiền lương tăng lên là thảm họa của những doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công song là cơ hội để những doanh nghiệp sử dụng ít nhân công thâu tóm thị trường. Điều này có thể thấy rất rõ thông qua những biến động kinh tế trong thực tiễn.

Đó là chính là lý do mà các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao, sử dụng nhiều máy móc và ít nhân công, thường hay tìm các thúc đẩy việc gia tăng tiền lương phổ biến ở mức độ nhất định trong thời kỳ mà họ tìm cách thâu tóm thị trường. Để làm được điều đó, họ sẵn sàng chấp nhận cho công đoàn của công nhân hoạt động trong phạm vi được kiểm soát. Công đoàn là tổ chức bảo vệ cho quyền lợi của người công nhân, chống lại giới chủ, nhưng để tồn tại trong xã hội tư bản thì nó cũng phải thích nghi với việc bị nhà tư bản lợi dụng để cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, công đoàn không phải là thứ triệt để cách mạng và rất dễ lung lay. 

Nếu ai đó hỏi một người vô sản rằng: Tại sao công đoàn không phát động đình công đòi tăng lương, gia tăng quyền lợi cho công nhân? 

Người vô sản sẽ trả lời: Công đoàn sẽ phát động đình công khi nào người công nhân muốn chứ không phải là khi ông chủ doanh nghiệp muốn.   

Nhiều người cho rằng khi Việt Nam hội nhập quốc tế thì công đoàn cũng cần phải được tự do hoạt động để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Khi tự do, không có đảng Cộng Sản, tức là đảng của những người vô sản, dẫn dắt thì công đoàn sẽ trở thành vô chính phủ, nó sẽ dễ dàng bán mình cho doanh nghiệp và trở thành kẻ đánh thuê cho doanh nghiệp. Thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân thì lúc ấy công đoàn sẽ bảo vệ quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp. Công đoàn lúc ấy sẽ trở thành công cụ trong tay các nhà tư bản quốc tế để đè bẹp các doanh nghiệp Việt Nam và thâu tóm thị trường Việt Nam cho họ. Quyền lợi của một bộ phận công nhân này sẽ phải đánh đổi bằng sự thất nghiệp, đói nghèo của một bộ phận công nhân khác. Cuối cùng, toàn bộ giai cấp vô sản sẽ phải trả giá cho điều đó.

Chủ nghĩa tư bản luôn luôn muốn tự do cạnh tranh, người vô sản chỉ có một vũ khí duy nhất để chống lại chủ nghĩa tư bản, đó là sự đoàn kết. Sự đoàn kết ấy không chỉ là lý trí mà nó còn bắt nguồn từ quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản.

Thursday, December 31, 2015

Phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao và cái chết của điện ảnh Hoa Kỳ

Điện ảnh là chính trị, tất nhiên có nhiều người sẽ phản đối điều này. John Wight trong bài "Star Wars and the Death of American Cinema" đã mô tả quá trình thành công của những bộ phim bom tấn ăn khớp với sự tiến triển của bối cảnh chính trị Hoa Kỳ. Những người hoài nghi về thứ điện ảnh phi chính trị có thể hiểu rõ hơn cơ chế phức tạp mà chính trị tác động tới điện ảnh, phức tạp hơn nhiều so với câu chuyện tào lao kiểu như Kim Jong-un của Triều Tiên ra lệnh cho nhà làm phim nào đó sản xuất bộ phim ca ngợi chủ tịch quá cố Kim Jong-il mà những người ủng hộ điện ảnh phi chính trị vẫn bám lấy. 

Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao và cái chết của điện ảnh Hoa Kỳ

“Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” là câu chuyện đơn giản, kể một các đơn giản, về cái tốt đối đầu với cái xấu, ánh sáng đối đầu với bóng tối, tự do đối đầu với sự bạo ngược. Hay nói một cách khác là câu chuyện về một nước Mỹ cố gắng đấu tranh để bảo vệ dân chủ và văn minh trong một thế giới bị cái xấu và “những kẻ làm điều xấu” bao vây.

Điện ảnh và tuyên truyền chính trị từ lâu đã đồng hành với nhau. Nếu như có bất cứ phương tiện nào phù hợp với tuyên truyền thì đó phải là điện ảnh. Nếu như có ngành công nghiệp nào được coi là đã tạo ra một sự thay thế hiện thực hiệu quả đến mức đã thuyết phục được nhiều thế hệ người Mỹ và các dân tộc khác về một thế giới bị đảo ngược, đen thành trắng, trái thành phải, thì đó phải là Hollywood. 

George Lucas, tác giả kịch bản phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao, bao gồm cả phần mới nhất, đã tạo ra bảy bộ phim kể từ phần đầu tiên xuất hiện năm 1977, cùng với Steven Spielberg là con đẻ của sự phản ứng trước phong trào phản văn hóa Mỹ những năm 1960 và đầu những năm 1970. 

Bằng những sản phẩm của cả hai trong những năm 60 – một thập kỷ mà văn hóa và nghệ thuật, nhất là là điện ảnh, là mặt trận kháng chiến chống lại tổ hợp công nghiệp quân sự Hoa Kỳ - Lucas và Spielberg trở nên sáng chói vào giữa những năm 1970 với những bộ phim gán cho chính quyền vai trò kẻ bảo vệ và áp đặt luân lý quốc gia thay vì đả phá hay hoài nghi về nó. Đây là thời kỳ điện ảnh Hoa Kỳ có văn hóa sống động, chói lọi và được chào đón nhất - thời kỳ đã sản sinh ra những bộ phim kinh điển như ‘Bonnie and Clyde’, ‘MASH’, ‘The Last Detail’, ‘The French Connection’, ‘The Wild Bunch’, ‘Taxi Driver’, ‘Apocalypse Now’ – cùng với phim “Jaws” của Spielberg năm 1975, sau đó là phim “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” của Lucas vào năm 1977. Những bộ phim trước khiến người Mỹ sợ hãi, còn những bộ phim sau lại khiến người Mỹ cảm thấy yên ổn.

Cả hai bộ phim cùng tạo ra khái niệm về phim bom tấn, trong đó khán giả được khuyến khích cảm giác thay vì suy lý, cho phép họ đẩy lùi sự hoài nghi và thoát khỏi thực tại, thay vì chia sẻ kinh nghiệm của sự đối đầu, thông qua những câu chuyện về các nhân vật xa lạ thể hiện sự tức giận, thất vọng, bực bội và sự chống đối mà bản thân họ đã trải qua trong cuộc sống, do vậy tạo ra cảm giác đoàn kết.

Đó là kỷ nguyên của phản anh hùng, những nhân vật chính mà đối với họ là hệ thống và sự tuân phục là kẻ thù, cũng như những ai hành động đơn độc bất chấp hậu quả. Sự hoài nghi về thẩm quyền cũng như sự thật đập vào mắt đã phản ánh về một đất nước có người còn trẻ và không còn trẻ đang khát khao sự thay đổi lớn lao. Chiến tranh ở Việt Nam, Watergate, phong trào đòi quyền công dân của người da màu cũng như phong trào quốc gia đã lay chuyển xã hội Hoa Kỳ và cùng với nó là văn hóa và thẩm quyền văn hóa.

Nhưng vào giữa những năm 1970, cùng với sự kết thúc Chiến Tranh Việt Nam và phản văn hóa đã thoái trào, sự xa lạ, giận dữ cũng như nổi loạn cần phải được đóng lại và huyền thoại về giấc mơ Mỹ cũng như dân chủ cần phải được phép tiếp tục thống trị.

Trong cuốn sách lịch sử vô song về thời kỳ sống động của điện ảnh Hoa Kỳ - “Easy Riders, Raging Bulls” – tác giả và nhà phê bình văn hóa Peter Biskind viết:
“Sau tác động của đối với marketing và thương mại hóa điện ảnh, bộ phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao còn có tác động mạnh mẽ đối với văn hóa. Nó được hưởng lợi từ sự kiểm duyệt của chính quyền Carter [tổng thống Jimmy Carter], sự dịch chuyển về trung tâm sau khi kết thúc Chiến Tranh Việt Nam.”
Sự dịch chuyển về trung tâm này trở thành sự dịch chuyển sang cánh hữu dưới thời Reagan, thể hiện ở Hollywood sự trì trệ về văn hóa cũng như nghệ thuật, mà các nhà đạo diễn như Spielberg và Lucas trở nên ít quan tâm tới câu chuyện và tính cách, tập trung hơn vào hình ảnh. Lớn hơn, ồn ào hơn và giàu có hơn là câu thần chú khi mà tính cách hai mặt và cốt truyện cho khả năng hình dung và sức tưởng tượng của đứa nhóc mười tuổi chiếm địa vị thống trị. 

Biskind viết:
“Lucas hiểu rằng thể loại và quy ước điện ảnh phụ thuộc vào sự đồng thuận, tập hợp các giả định được chia sẻ đã kết thúc vào những năm 1960. Ông ta tái tạo và tái khẳng định những giá trị đó, Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao cùng với chủ nghĩa luân lý bảo thủ Manichean của nó, trắng là trắng mà đen là đen, đã khôi phục các giá trị bị bóp nghẹt như chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa cá nhân.” 
Phần mới nhất của Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao, do J. J. Abrams đạo diễn, Lucas chỉ còn được nhắc đến trong lời cảm ơn sau khi đã bán thương quyền cho hãng Disney vào năm 2012 với giá 4,05 tỷ dollar. Bạn đừng ngạc nhiên; ông ta bán nó với giá 4,05 tỷ dollar. Chừng đó tiền đủ để mua cho bạn cả núi kiếm ánh sáng.

Hãng Disney và Abrams đã kịp thời khi thương quyền đến hạn tái đăng ký, đưa bộ phim quay lại nguyên bản của nó với sự trở lại của Han Solo (Harrison Ford), công chúa Leia (Carrie Fisher), Luke Skywalker (Mark Hamill), cũng như những nhân vật được yêu thích là Chewbacca và R2D2. Trong phần giới thiệu về Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao còn có sự xuất hiện của phi thuyền không gian Millennium Falcon của Han Solo. Nhân vật phản diện trong phim, Darth Vader, được gọi là Kylo Ren, do Vladimir Putin…xin lỗi Adam Driver đóng. Một điểm thú vị nằm trong sự thay đổi của cốt truyện với những nhân vật này. Hãy lưu ý rằng, chúng ta đang nói về sự “đáng chú ý” liên quan đến phần còn lại của cốt truyện. Chúng ta không nói về Roman Polanski và “Chinatown” ở đây.

Bộ phim cũng có những vai chính cho hai người tương đối vô danh, cả hai đều là người Anh: Rey, có đôi mắt biết kể chuyện, do Daisy Ridley đóng, còn Finn do John Boyega đóng.

Sau tất cả những sự cường điệu quanh sự phát hành bộ phim cũng như các đánh giá say sưa mà nó thu nhận được, phần mới nhất của thương quyền Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao kéo dài và không nguyên bản – “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao: The Force Awakens” – rối rắm và rập khuôn khó chịu cho thấy nó không thể phát triển mà không có vấp váp.

Dĩ nhiên, khía cạnh tranh cãi nhất của bộ phim không phải là cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu như nó thể hiện mà là tin tức Harrison Ford được trả cao gấp 76 lần diễn viên mới Daisy Ridley để tham gia vào bộ phim. Gói thù lao của diễn viên 73 tuổi này bao gồm tiền thù lao cho vai chính là 20 triệu dollar cộng với 0,5% của doanh thu trước thuế của phim, vốn được dự báo là khoảng 1,9 tỷ dollar.

Đó là bằng chứng cho thấy câu chuyện về nước Mỹ không phải là cái tốt đối đầu với cái xấu hay ánh sáng đối đầu với bóng tối. Trái lại, đó là câu chuyện về kẻ siêu giàu đối đầu với mọi người còn lại.

John Wight is the author of a politically incorrect and irreverent Hollywood memoir – Dreams That Die – published by Zero Books. He’s also written five novels, which are available as Kindle eBooks. You can follow him on Twitter at @JohnWight1

Monday, November 16, 2015

Phản công ở Hàn Quốc

Gregory Elich trong bài "Fightback in Korea" đã chỉ ra mấu chốt của cuộc biểu tình lớn ở Hàn Quốc. Chính quyền và doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm cách tước bỏ quyền lợi của công nhân bằng kế hoạch cải cách lao động. Hàn Quốc đang đi theo con đường của chủ nghĩa tân tự do, tuy có chậm hơn so với Hoa Kỳ và Châu Âu. Tiền lương và phúc lợi của công nhân sẽ bị cắt giảm để doanh nghiệp có thêm lợi nhuận. Đây là nỗ lực kéo doanh nghiệp trở lại Hàn Quốc đầu tư, sau khi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã chuyển sang đầu tư ở các nước có nhân công giá rẻ hơn. Hiện tượng phổ biến này cho thấy rõ rằng công nhân không thể đấu tranh đơn lẻ ở một quốc gia mà cần đến một phong trào công nhân quốc tế.

Phản công ở Hàn Quốc

Trong bầu không khí gia tăng đàn áp, chính quyền Park Geun-hye ở Hàn Quốc tiến hành loạt tấn công mới nhất vào người dân lao động. Một kế hoạch cải cách lao động tồi tệ đang được triển khai, nhằm mục đích giảm lương và phá vỡ sự ổn định của công ăn việc làm. Công nhân và nông dân đã tham gia đấu tranh trên đường phố, đây là sự phản kháng rộng rãi và quyết định đối với kế hoạch này.

Cải cách lao động được triển khai với một danh sách các biện pháp đáng mơ ước mà chủ doanh nghiệp theo đuổi, họ hy vọng thấy lợi nhuận tăng vọt. “Từ phía cầu, chúng ta phải cắt giảm gánh nặng của doanh nghiệp có thuê nhân công bằng cách làm cho thị trường linh hoạt hơn,” bộ trưởng bộ tài chính Choi Kyung-hwan khẳng định. (1) “Sự linh hoạt” tưởng tượng, không có gì ngạc nhiên, được coi là chỉ phụ thuộc vào công nhân.

Một trong những mục tiêu chủ chốt của kế hoạch là phổ biến việc sử dụng lao động thời vụ. Trong số các quốc gia của Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển (OECD), Hàn Quốc đã xếp hạng cao nhất về mức độ sử dụng lao động thời vụ, chiếm 1/5 lực lượng lao động. (2) Công nhân thời vụ đặc trưng nhận được ít hoặc không có phúc lợi, lương của họ chỉ bằng 2/3 lương của lao động cố định. Đối với công nhân bán thời gian, tình hình còn tồi tệ hơn, lương chỉ hơn chút xíu so với một nửa lương của lao động cố định. (3) Vì những lý do rõ ràng, doanh nghiệp muốn áp dụng sự sắp xếp này cho một bộ phận lớn hơn của lực lượng lao động.

Cải cách lao động gia tăng gấp đôi thời gian một công nhân được thuê theo thời vụ, kéo dài tới 4 năm. Phạm vi của cách ngành sử dụng công nhân thời vụ cũng được mở rộng. Khi hợp đồng thuê lao động hết hạn, không có gì ngăn cản doanh nghiệp thuê lại chính công nhân đó trong thời gian 4 năm tiếp theo, cũng với mức lương thấp như cũ.

Một biện pháp sẽ phá hủy sự bảo vệ đối với công ăn việc làm ổn định là cho phép các doanh nghiệp đơn phương sa thải công nhân, dựa trên các yếu tố khách quan. Cải cách lao động cũng tạo cho doanh nghiệp quyền được đơn phương thay đổi quy định về nơi làm việc. Nhóm doanh nghiệp dẫn chứng luật hợp đồng lao động năm 2007 làm hình mẫu, luật này cho phép các doanh nghiệp “điều chỉnh quy định về lao động mà không cần sự đồng thuận của người lao động… nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.” Theo quan điểm của doanh nghiệp, tỷ lệ công đoàn thấp của Hàn Quốc vẫn là quá cao và “việc sử dụng công nhân thay thế phải được phép để đáp lại các yêu cầu vô lý thông qua bãi công của công đoàn.” (4)

Điều gây tranh cãi nhất trong cải cách lao động là việc áp dụng hệ thống lương tối đa, theo đó doanh nghiệp không chỉ được phép mà còn được khuyến khích cắt giảm lương của công nhân khi họ đến tuổi 55. Chính quyền đang bán rao quy định này như là một giải pháp đối với tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên. Lập luận được đưa ra là tiền mà doanh nghiệp tiết kiệm được bằng cách giảm lương của công nhân có kinh nghiệm sẽ giúp họ thuê nhiều lao động trẻ tuổi hơn. Logic này thật kỳ quặc. Một doanh nghiệp thuê số lao động mà nó cảm thấy cần. Cắt giảm lương của một bộ phận nhân công không tự động tạo ra các vị trí mới. Mặt khác, theo quan điểm của doanh nghiệp, lợi thế chủ yếu của việc thuê lao động trẻ tuổi là họ có thể trả mức lương khởi điểm thấp. Nếu cắt giảm thu nhập của công nhân có kinh nghiệm thì doanh nghiệp lại càng có ít động lực để thuê lao động trẻ tuổi. 

Doanh nghiệp bị tiền mặt hấp dẫn nhưng họ lại ngại ngần về chi tiêu. Chính quyền đã giảm thuế doanh nghiệp ba điểm phần trăm, một nỗ lực thất bại để thúc đẩy đầu tư. Trái lại, khuynh hướng của doanh nghiệp là tích lũy tiền mặt. (5) 1.835 doanh nghiệp đăng ký tại Sở Giao Dịch Hàn Quốc sở hữu dự trữ tiền mặt lên tới 845 nghìn tỷ won – tương đương với 730 tỷ dollar. Hiện tượng này đã gia tăng 159% so với năm 2008. (6) Hơn nữa, trong bốn thập kỷ qua, doanh nghiệp Hàn Quốc đã tăng gấp ba lần lượng tiền mặt họ cất giữ trong các tài khoản quốc tế. (7) Không có lý do gì để tin rằng việc quẳng thêm tiền vào núi tiền mặt của doanh nghiệp sẽ khuyến khích doanh nghiệp thuê thêm lao động trẻ. 

Trong khi đó, chính quyền thông báo ý định gia hạn tuổi nhận khoản lương hưu và phúc lợi nghèo nàn lên 70 tuổi. Gần một nửa công dân già sống dưới mức nghèo khổ, con số này sẽ gia tăng với kế hoạch của chính quyền. Những người đủ may mắn để giữ được việc làm sẽ bị buộc phải làm việc với mức lương thấp trong khi những người còn lại phải dựa vào con cái để sinh sống. Với độ tuổi nghỉ hưu mới, công nhân già hơn sẽ giữ việc làm trong thời gian dài hơn, chính quyền được cho là không muốn giải phóng những chỗ làm đó cho công nhân trẻ.

Sự quan tâm giả tạo đối với thanh niên là bình phong che đậy cho những người thực sự hưởng lợi từ cải cách lao động. Doanh nghiệp thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc cắt giảm lương của công nhân lớn tuổi cũng như gia tăng sử dụng lao động thời vụ. Nỗ lực đẩy người trẻ đối đầu với người già là mánh lừa gạt trong cẩm nang tân tự do cũ kỹ, nhằm mục đích đánh lạc hướng công nhân ra khỏi các đầu mối chính trị. Kế hoạch được doanh nghiệp ủng hộ chỉ là tạo thêm công việc thời vụ cho thanh niên và lời hứa hão.

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của thanh niên, bộ trưởng bộ tài chính Choi có một tầm nhìn cho tương lai của giáo dục. Ông ta thông báo rằng một sự tiến bộ đã được tạo ra cho cải cách lao động, chính quyền dự định tái cấu trúc hệ thống giáo dục. “Đại học phải có khả năng cung cấp các tài năng mà công nghiệp muốn,” ông ta khẳng định. Đây lại là một lập luận khác từ cẩm nang lừa gạt tân tự do cũ kỹ, theo đó khái niệm về giáo dục tạo ra các công dân được có hiểu biết và hoàn thiện được ném qua cửa sổ. Thay vào đó, vai trò cao quý của giáo dục chẳng là gì ngoài việc đào tạo nghề. Trên hết, đâu là sự tốt đẹp của kiến thức không trực tiếp phục vụ cho lợi nhuận của doanh nghiệp? 

Nhiều sinh viên hoài nghi về lập trường của chính quyền. Một nhóm sinh viên có tên là Misfits đã gửi thư cho Choi, nói rằng: “Chúng tôi không bất bình vì những công nhân bình thường được bảo vệ quá mức. Chúng tôi bất bình vì các công nhân thời vụ không được đảm bảo các phúc lợi như công nhân bình thường.” (8)

Doanh nghiệp cần phải cắt giảm lương của công nhân lớn tuổi, chính phủ của Park Geun-hye khẳng định, bởi vì công nhân già có năng suất kém hơn khi cao tuổi. Cũng với lý do tương tự, doanh nghiệp phải được tự do sa thải công nhân khi họ thấy giá trị giảm đi. Đâu là cơ sở của khẳng định này? Không có bằng chứng nào ủng hộ định kiến này, thực sự là những công nhân già nói chung tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong vị trí của họ.

Chính quyền và doanh nghiệp khẳng định rằng năng suất trì trệ là do công nhân được bảo vệ quá mức. Mặc dù vậy, vào thời kỳ 2007-2012, tiền lương thực tế giảm 2,3% trong khi năng suất lao động tăng gần 10%. (9) Ai thiệt hại? Năng suất lao động gia tăng không đi cùng với tăng lương để gia tăng bóc lột công nhân. Mối lo ngại thực tế của lãnh đạo doanh nghiệp là tỷ suất bóc lột không tăng đủ nhanh để thỏa mãn họ.

Cải cách lao động của chính quyền sẽ không được áp dụng đơn lẻ. Chính quyền đã cấm công đoàn giáo viên và nhân viên chính quyền, cũng như đảng Tiến Bộ Thống Nhất dựa trên các bản án vu cáo. Cảnh sát đã thường xuyên đột kích các văn phòng công đoàn, thu giữ hồ sơ và bắt giữ các cán bộ công đoàn. Theo khuynh hướng không khoan nhượng, doanh nghiệp kiện công nhân ra tòa vì “tổn thất lợi nhuận” khi công nhân đình công và tòa án thường xuyên phán xét có lợi cho doanh nghiệp. Trong một vụ kiện mới đây, điển hình cho khuynh hướng này, tòa Thượng Thẩm Seoul đã yêu cầu 139 công nhân trả tổng cộng 2,8 triệu dollar cho công ty Ssangyong Motor vì tổ chức bãi công “bất hợp pháp”. (10) Điều đó có nghĩa là mỗi công nhân phải trả hơn 20.000 dollar.

Những người nắm quyền lực “đã khiến công nhân sợ hãi rằng đấu tranh có thể dẫn đến mất tất cả,” Han Sang-kyun, chủ tịch của Tổng Liên Đoàn Công Đoàn Hàn Quốc (KCTU), giải thích. “Khoản tiền phạt khổng lồ và tịch thu tài sản cho những cái được gọi là thiệt hại, lệnh bắt giam, sa thải, giải tán các công đoàn dân chủ - đó là những hình thức trừng phạt đối với những người dám đấu tranh. Một sân chơi không công bằng, trong đó chính quyền nhất quán đứng về phía tư bản, đã phá hủy nghiêm trọng các quyền của công nhân.”

Han kể về kinh nghiệm của ông, đã bị bỏ tù ba năm vì vai trò trong cuộc đình công ngồi ở nhà máy sản xuất của công ty Ssangyong Motor. Hiện nay, ông không thể đi ra khỏi văn phòng, bị hàng trăm cảnh sát bao vây, chờ để bắt giữ ông ngay khi ông ra khỏi tòa nhà.

Trong một nỗ lực đe dọa KCTU, vào ngày 6 tháng 11, khoảng 200 cảnh sát đã đột kích trụ sở của một thành viên Tổng Liên Đoàn, Công Đoàn Công Nhân Vận Tải và Dịch Vụ Công Cộng. Cảnh sát đã tịch thu hồ sơ và ổ cứng máy tính, sau đó thâm nhập và tìm kiếm các văn phòng chi nhánh của công đoàn. Lệnh bắt giữ mười hai thành viên của công đoàn đã được phát ra.

Công nhân bị đàn áp dữ dội, nhưng vẫn chưa đủ để xoa dịu doanh nghiệp. Doanh nghiệp Hàn Quốc coi cải cách lao động chỉ là một bước trong việc tước đoạt lợi ích của công nhân. Một thông cáo được Tổng Liên Đoàn Lao Động Hàn Quốc, phòng Thương Mại và Công Nghiệp Hàn Quốc, cũng như ba nhóm doanh nghiệp khác ký tên nêu rõ rằng kế hoạch cải cách lao động “không đủ để làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn,” và “thậm chí là chưa tiến đến gần với cải cách lao động mà xã hội của chúng ta cần.” Công nhân có thể sẽ phải nhận nhiều cuộc tấn công hơn. “Doanh nghiệp sẽ không ngừng thúc đẩy nỗ lực làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn,” bản thông cáo cảnh báo. (11)

Phản kháng đang gia tăng, một cuộc tuần hành quy mô lớn ở Seoul được tổ chức vào ngày 14 tháng 11 nhằm lôi kéo khoảng 100.000 người biểu tình. Năm mươi ba tổ chức đã liên kết để tổ chức hành động, trong đó có KCTU, Liên Minh Nông Dân Hàn Quốc và Liên Minh Phụ Nữ Quốc Gia. Các cuộc tuần hành đơn lẻ cũng được tổ chức tại khắp các nơi ở Seoul, sau đó tất cả các nhóm tập hợp lại thành một cuộc biểu tình lớn ở Gwanghwamun Plaza.

Trong khi động cơ tức thời của cuộc biểu tình là kế hoạch cải cách lao động thì những bất bình đối với chính quyền bảo thủ lại có rất nhiều. Liên minh đã cho thấy phạm vi các yêu cầu trải rộng xung quanh mục tiêu được cuộc biểu tình hướng tới, khung cảnh chung là kêu gọi chấm dứt đàn áp cũng như tiến tới một xã hội hướng tới người dân nhiều hơn. (12)

Nông dân được cho là biểu dương sức mạnh, thể hiện sự bất bình đối với việc ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà bộ nông nghiệp Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng sẽ “phá vỡ các rào cản thị trường đối với nhà xuất khẩu Hoa Kỳ.” (13) Điều đó sẽ khiến nhiều nông dân Hàn Quốc bị thiệt hại, nhiều người trong số họ có thể sẽ phá sản. Kim Yeong-ho, chủ tịch của Liên Minh Nông Dân Hàn Quốc, lên án chính phủ Park Geun-hye về việc “tạo ra một cấu trúc bóc lột thường xuyên.” Ông nói thêm: “Họ đang cố gắng tước đoạt dân chủ…. Đó là lý do chúng tôi biểu tình vào ngày 14 tháng 11 – cho công nhân, nông dân, thanh niên và sinh viên để thể hiện những gì đang diễn ra và báo động.”

KCTU đã “ném mọi thứ vào cuộc chiến này,” chủ tịch Han Sang-kyun của KCTU nói. Nếu chính quyền tiếp tục triển khai cải cách lao động, “chúng tôi đã chuẩn bị tiến hành tổng bãi công. Lần này sẽ không phải là bãi công một ngày. Chúng tôi nói về việc ngừng sản xuất, xe tải chở hàng hóa ngừng chạy, công nhân đường sắt và tàu điện ngầm bãi công bất hợp pháp, làm tê liệt đất nước đến mức chính quyền sẽ cảm thấy thiếu công nhân. Đấy là điều mà chúng tôi chuẩn bị.” 

Đấu tranh đang trở nên nóng bỏng ở Hàn Quốc, một nước mà truyền thông doanh nghiệp phương Tây chắc chắn là sẽ bỏ qua. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải đi theo con đường lảng tránh của họ. Người dân Hàn Quốc đang mong đợi sự đoàn kết của chúng ta đúng vào lúc mà họ cần tới. 

Notes.

1) “Rethinking Labor Reform,” Korea Times, August 17, 2015

2) Choonsik Yoo, “In South Korea, Park’s Revamp of Rigid Labor Laws Faces Opposition,” Reuters, September 23, 2015.

3) Kim Bok-soon, “Comparison of Wages and Working Conditions by Size of Enterprise,” Issue Paper, Labor News, No. 160, Korea Labor Institute, August 25, 2015.

4) Statement, “Business Stance on the Labor Reform,” The Korea Employers Federation, The Korea Chamber of Commerce and Industry, The Federation of Korean Industries, The Korean Federation of Small and Medium Business, The Korea International Trade Association, August 31, 2015.

5) “S. Korean Firms’ Cash Reserves Hit Record High,” Korea Herald, February 16, 2015.

6) Samsung, Hyundai Motor Groups Pare Cash Reserves in H1,” Yonhap, September 13, 2015.

7) Michael Herh, “Korean Companies’ Offshore Balances Tripled Over Last 4 Years,” Business Korea, October 1, 2015.

8) Kahyun Yang, “With Jobs Scarce, South Korean Students Remain on Campus,” Reuters, January 5, 2015.

9) Wol-san Liem, “Overview of the Korean Labor Movement: the Current Moment,” Korean Public Service and Transport Workers’ Union.

10) “Ssangyong Labor Union Ordered to Pay Compensation for Strikes,” Yonhap, September 16, 2015.

11) Statement, “Business Stance on the Tripartite Agreement,” The Federation of Korean Industries, The Korean Chamber of Commerce and Industry, The Korea Federation of Small and Medium Business, The Korea International Trade Association, the Korea Employers Federation, September 15, 2015.

12) A sampling of demands: Employment and Labor (Stop Retrogressive Labor Market Reform); Agriculture (Stop rice imports, Oppose the TPP); People’s Livelihood/Urban Poor (Abolish the disability ranking system, Stop crackdowns on street vendors); Youth/Students (Open the safes of chaebols to create meaningful jobs for youth); Democracy (Stop state repression, Abolish the National Security Law, Free all prisoners of conscience); Human Rights (Stop government/municipality violation of human rights); Peace and Self-determination (Oppose THAAD deployment om the Korean Peninsula, Improve North-South relations); Sewol (Carry out the salvaging of the Sewol ferry); Environment (Abandon plans for cable car construction in national parks); Public Service (Stop privatization of healthcare, railroad, gas, and water); Chaebol Responsibility (Reclaim chaebol reserve assets to implement a minimum wage of 10,000 won).

13) “Why Trade Promotion Authority is Essential for U.S. Agriculture and the Trans-Pacific Partnership,” U.S. Department of Agriculture, April 2014.

Gregory Elich is on the Board of Directors of the Jasenovac Research Institute and the Advisory Board of the Korea Policy Institute. He is a columnist for Voice of the People, and one of the co-authors of Killing Democracy: CIA and Pentagon Operations in the Post-Soviet Period, published in the Russian language.

Tuesday, October 27, 2015

Thiên đường của tự do và nhân quyền: Phạt để kiếm tiền

Brian Platt viết về sự tồi tệ của hệ thống cảnh sát Hoa Kỳ trong bài "The Police and Court System: Neoliberal America’s Tax Collectors". Hệ thống cảnh sát và tòa án đã trở thành những kẻ tống tiền và ăn cướp chuyên nghiệp để giúp chính quyền tăng nguồn thu ngân sách. Việc tống tiền và ăn cướp đó chủ yếu nhằm vào giai cấp công nhân, những người không có quyền lực để tự bảo vệ bản thân trong xã hội tư bản. Do ở Hoa Kỳ giai cấp và chủng tộc tương đối ăn khớp với nhau nên nạn nhân của các vụ ăn cướp, tống tiền chủ yếu là người da màu và da nâu. Hệ quả là bộ máy cảnh sát ngày càng trở lên bạo lực, bởi vì nhà nước không còn kiểm soát được quyền lực ấy nữa, ngược lại nhà nước tồn tại nhờ quyền lực ấy.  

Hệ thống cảnh sát và tòa án: Những kẻ thu thuế của Hoa Kỳ tân tự do

Vào tuần trước, Biloxi, bang Mississippi là thành phố mới nhất bị ACLU kiện vì thực hiện “modern-day debtors’ prison” [bắt giam người không thể đóng tiền phạt tư pháp]. Trong hai tháng qua, các vụ kiện tương tự đã được ACLU dùng đề chống lại chính quyền của Jackson, bang Mississippi, hạt Benton, bang Washington, New Orleans, thành phố Alexander, bang Alabama, và hạt Rutherford, bang Tennessee.

Hệ thống tư pháp hình sự đang ngày càng trở thành phương thức được ưa chuộng để tài trợ cho các chính quyền thành phố trong cơn ác mộng tân tự do hiện đại ở Hoa Kỳ. Cảnh sát nhằm vào những vi phạm nhỏ nhặt của người nghèo để phạt. Khi những khoản tiền phạt này không được đóng đúng hạn, tiền phạt bổ sung sẽ được tính thêm và người dân bị quẳng vào tù. Trong nhiều vụ, các nhân viên thu nợ tư nhân được thuê để săn đuổi những người nghèo, nhưng người thường xuyên nợ tiền phạt chồng chất nhưng hiếm khi được xóa nợ. Việc bóp nặn người nghèo để kiếm tiền cho thành phố đã cho phép các chính quyền địa phương cung cấp sự miễn thuế cho cộng đồng doanh nghiệp và người giàu có. Hay nói theo cách khác là những chương trình này tạo ra một cách thức khác để phân phối tiền từ giai cấp công nhân sang giai cấp tư sản.

Trong cuộc điều tra về Ferguson, bang Missouri trước đây vào năm 2015, bộ Tư Pháp đã kết luận: “Hoạt động của lực lượng thi hành pháp luật ở Ferguson đã bị thành phố định hướng vào doanh thu hơn là nhu cầu an toàn công cộng. Sự quan trọng của doanh thu này đã lấn át cả tính chất thể chế của sở cảnh sát Ferguson… và cũng đã định hướng tòa án địa phương.” Trao đổi nội bộ giữa các quan chức thành phố và cảnh sát đã cho thấy họ âm mưu bóp nặn người nghèo để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Tất cả đều nói rằng gần một phần tư doanh thu của Ferguson là từ tiền phạt và Ferguson không phải là kẻ thi hành xuất sắc nhất ở hạt St. Louis.

Một điều tra mới đây của NPR cho thấy rằng thực tiễn dựa vào người nghèo để bù đắp cho chính quyền địa phương – bù đắp việc miễn thuế cho người giàu – không phải là duy nhất ở Ferguson hay Biloxi. Khắp đất nước, tiền phạt được dùng để tạo doanh thu. Một phân tích của NPR cho biết có 41 bang buộc người dân phải trả tiền cho “phòng và giường” khi họ bị giam giữ, 43 bang tính phí sử dụng luật sư công cho người dân, 44 bang tính phí quản thúc, 49 bang tính phí sử dụng vòng theo dõi. Kể từ năm 2010, tất cả các bang, ngoại trừ Alaska và Bắc Dakota đã tăng các khoản phí này để tăng thêm doanh thu. Trong một tuyên bố về vụ kiện chống lại Biloxi, luật sư Nusrat Choudhury của ACLU đã tóm tắt tình hình, “Đây thực sự là tống tiền bằng nhà tù. Các thành phố trên khắp đất nước, giống như Biloxi, đều đang tranh nhau gia tăng doanh thu và họ làm điều đó trên lưng của những người nghèo.”

Do giai cấp và chủng tộc có liên hệ gần gũi với nhau ở Hoa Kỳ nên sự tập trung bóp nặn người nghèo có nghĩa là nhằm vào người da màu và da nâu. Khi xem xét dữ liệu do Bộ Tư Pháp cung cấp, tờ New York Times đã phát ra ở Ferguson, nơi có 67% dân số là da màu, 83% vụ chặn xe và 93% vụ bắt giữ là nhằm vào người da màu. Một báo cáo năm 2011 của Hội Nghị Lãnh Đạo về Dân Quyền và Nhân Quyền đề cập đến sự gia tăng chủng tộc đã tiết lộ thêm về vấn đề phổ biến này. Một nghiên cứu năm 2007 ở Arizona cho thấy số người da màu, Latino, và Mỹ bản địa bị chặn xe vì “vi phạm giao thông” cao hơn rất nhiều so với lái xe da trắng. Ở Tây Virginia, một nghiên cứu năm 2009 cho thấy lái xe da màu bị chặn xe gấp 1,64 lần so với lái xe da trắng. Những nghiên cứu tương tự ở Illinois, Minesota và Texas cũng thu được kết quả tương tự. Thậm chí khi các nhà nghiên cứu tập trung hơn vào các hạt cụ thể - như những nghiên cứu ở hạt Sacramento, bang California và hạt DuPage, bang Illinois – họ cũng thấy rằng người da màu lái xe là nguyên nhân bị chặn xe. 

Đây cũng không phải là hiện tượng mới. Một điều tra của tờ Orlando Sentinel vào năm 1992 cho biết sở cảnh sát của hạt Volusia nhằm vào lái xe da màu và da nâu dọc theo đường I-95 để tống tiền dọc đường, tại đó cảnh sát sử dụng luật tịch thu tài sản dân sự - luật này cho phép cảnh sát tước đoạt tài sản cá nhân – để chiếm đoạt tiền và tài sản. Phân tích của tờ Sentinel với camera theo dõi của cảnh sát cho thấy “gần 70% vụ chặn xe là đối với người da màu hoặc Hispanic, một con số thật sự khác thường bởi vì đại đa số lái xe trên đường liên bang là da trắng.” Sở cảnh sát đã tịch thu gần 8 triệu dollar với sự bất lương đó.

Mới đây, một loạt phóng sự của tờ Washington Post cho thấy từ năm 2001 “có 61.998 vụ tước đoạt tiền mặt trên đường cao tốc và ở những nơi khác mà không có lệnh khám xét hay cáo trạng… tổng cộng là hơn 2,5 tỷ dollar.” Viết dưới bút danh Illinois, phó thống đốc Ron Hain giải thích mục đích của việc cướp bóc đúng theo nghĩa đen trên đường cao tốc là “Tất cả các thành phố quê hương của chúng ta đều đang nằm trên mỏ vàng miễn thuế.” Đàm thoại nội bộ do tờ Post thu thập đã cho thấy rằng cảnh sát và chính quyền thành phố ở Washington DC đã lên kế hoạch gia tăng doanh thu bằng cách tịch thu tài sản dân sự trong các đề án về ngân sách tương lai. 

Để tìm hiểu cách thức tịch thu diễn ra chúng ta có thể xem xét vụ việc của Ron Henderson và Jennifer Boatright, những người bản địa Texas, lái xe cùng với hai con nhỏ của Boatright từ Houston đến Linden. Sau khi dừng tại một cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Tenaha, họ bị cảnh sát theo đuôi vài dặm trên con đường cho đến khi họ bị cảnh sát vẫy vào. Viên cảnh sát tuyên bố rằng Henderson, người Latino, đã chạy xe trên làn trái quá lâu, một kiểu biện minh hời hợt cho việc chặn xe phổ biến mang tính phân biệt chủng tộc. Sau khi khám xét xe, viên cảnh sát tịch thu 6.037 dollar, toàn bộ tiền tiết kiệm của cặp vợ chồng, họ phải đưa cho thành phố tiền nếu không họ có thể bị bắt giữ vì tội rửa tiền và gây nguy hiểm cho trẻ em. Nữ cảnh sát tuyên bố rằng sau khi họ bị kết án thì con của Boatright sẽ bị đưa vào trại nuôi dưỡng trẻ em. Trong nước mắt, Boatright đã mua lại tự do cho con của cô từ thị trấn Tehana chỉ với hơn 6.000 dollar.

Đề án tân tự do đòi hỏi tiền phải được tái phân phối từ giai cấp công nhân cho giai cấp tư sản – một trường hợp đảo ngược của Robin Hood. Một cách để làm điều này là chuyển gánh nặng của việc tài trợ cho chính quyền từ người giàu sang người nghèo. Sử dụng nhà nước cảnh sát cảnh sát quy mô lớn được phát triển trong chiến tranh chống ma túy, các chính quyền địa phương đã tìm ra phương thức sáng tạo mới để “đánh thuế” người nghèo bằng các nỗ lực hành pháp có chủ định. Do giai cấp và chủng tộc liên hệ chặt chẽ với nhau ở Hoa Kỳ nên điều này đã ngày càng khiến người da màu và da nâu rơi vào tầm ngắm của cảnh sát. Khi tổ chức cảnh sát là một thể chế bạo lực và phân biệt chủng tộc thì điều đó lại càng tạo cho cảnh sát nhiều cơ hội hơn để giết hại người da màu và da nâu. 

Đây là bi kịch cuối cùng của câu chuyện. Ở Nam Carolina, Walter Scott được vẫy vào vì là lái xe da màu và sau đó bị cảnh sát giết hại. Ở Cincinnati, Samuel Dubose bị vẫy vào vì cái mà công tố viên hạt gọi là một “chicken crap stop” [chặn xe với lý do vớ vẩn] và khi DuBose từ chối ra khỏi xe, viên cảnh sát đã bắn thẳng vào đầu ông ở cự ly gần khiến ông chết ngay lập tức. Sandra Bland bị vẫy vào ở hạt Waller, bang Texas vì tội có quá nhiều melanin trên da, khi cô phản đối sự bất hợp pháp của vụ chặn xe, viên cảnh sát kéo cô ra khỏi xe, đập đầu cô xuống đất và bắt giữ cô. Ba ngày sau cô chết ở trong nhà giam, bị những thủ phạm vô danh hành hình theo kiểu lynch – đáng ngờ nhất là cảnh sát hạt Waller. Hàng sa số các nạn nhân ít được biết đến, ở Portland, Keaton Otis bị cảnh sát vẫy vào bởi vì, theo lời viên cảnh sát bắt giữ, “người này… có bề ngoài giống như một gã côn đồ.” Otis chỉ có một lỗi vi phạm giao thông nhỏ trong hồ sơ khi viên cảnh sát bắn anh ta 23 phát đạn và giết chết anh ta.

Cảnh sát đại diện cho độc quyền bạo lực của nhà nước. Nếu chúng ta chấp nhận rằng dưới chủ nghĩa tư bản, mọi dạng nhà nước, như Marx đã nói, đều là sự chuyên chế của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân thì cảnh sát là bạo lực có tổ chức của giai cấp tư sản. Chỉ bằng cách nhìn này thì việc hệ thống cảnh sát và tòa án bóp nặn một cách có tổ chức giai cấp công nhân cùng với những hệ quả tất yếu của nó mới có thể được thấu hiểu. Nếu chúng ta chấp nhận tiên đề này thì việc xóa bỏ cảnh sát trở thành một yêu cầu cách mạng. Xóa bỏ cảnh sát đối với chúng ta là một nhiệm vụ lịch sử cũng giống như xóa bỏ chế độ nô lệ đối với công nhân Mỹ vào giữa thế kỷ 19. Cảnh sát không thể cải tổ được, chúng chỉ có thể bị xóa bỏ. 

Brian Platt is an aerospace machinist who lives in Seattle.

Thursday, October 15, 2015

Thao túng thực tại: Facebook đang nghe lén bạn

Trong bài "Manipulating Reality: Facebook is Listening to You" giáo sư Mel Gurtov cảnh báo về việc các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội thu thập thông tin cá nhân người dùng để bán quảng cáo và tệ hơn nữa là cung cấp cho chương trình giám sát của chính quyền Hoa Kỳ, vi phạm quyền riêng tư căn bản của cá nhân. Nhưng xã hội tư bản là như vậy, khao khát biến con người thành cỗ máy tiêu thụ vô tận những gì doanh nghiệp sản xuất ra sẽ không bao giờ chấm dứt.

Thao túng thực tại: Facebook đang nghe lén bạn

Điều mà chúng ta đều quá quen thuộc là thực tại của chúng ta có thể bị thao túng để tạo thành vẻ ngoài của một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt. Xâm lược quốc gia khác là tự vệ, bầu cử gian lận được coi là dân chủ trong hành động, thêm súng đạn (hoặc vũ khí hạt nhân) để đảm bảo hòa bình, thương mại và đầu tư nước ngoài tạo ra nhiều công ăn việc làm ở quê nhà. Logic kiểu Orwell đã trở nên phổ biến.

Điều mà tôi muốn bàn luận ở đây là một dạng thao túng khác: Cách thức Facebook và các loại truyền thông xã hội khác sử dụng thông tin mà chúng ta hầu như không biết rằng đang cung cấp chúng cho họ – bao gồm cả những từ ngữ chúng ta nói riêng tư ở nhà – để quảng cáo các sản phẩm mà chúng ta không yêu cầu hay hầu như không muốn, cũng như chuyển dữ liệu cho chính quyền.

Tôi không phải là người đầu tiên khám phá ra năng lực đáng kinh ngạc này. Một số người khác đã bày tỏ sự ngạc nhiên và tức giận khi họ nhận thấy những từ khóa mà họ sử dụng khi trao đổi thông tin trên Facebook và Twitter, như thông điệp, vị trí, tâm trạng, cũng như các đàm thoại riêng tư ở bất cứ đâu tại nhà của họ, đã bị thu gom và hầu như ngay lập tức chuyển hóa thành quảng cáo. Anh đề cập tới một môn thể thao nào đó và quảng cáo của đại lý bán vé xuất hiện. Anh nói thích lái xe Lexus và quảng cáo xe Lexus bật ra. Anh nói về kỳ nghỉ và quảng cáo Facebook giới thiệu với anh bãi biển Hawaii hoặc một khách sạn nhỏ ở Paris – nhìn kìa và thấy đấy – anh mới chỉ nhắc đến chuyện đó ngày hôm qua!

Đây là ảo giác? Liệu Facebook (hay Instagram, Google hoặc Yahoo) có khả năng nghe được trong đàm thoại của chúng ta không? Facebook đã thừa nhận rằng mô hình kinh doanh của họ dựa trên dữ liệu mà chúng ta nhập hoặc trao đổi trực tuyến, dữ liệu mà chúng ta tạo ra trở thành tài sản của Facebook, (như Mark Zuckerberg, CEO của Facebook đã lập luận) đằng nào thì hầu hết mọi người cũng không quan tâm nhiều đến sự riêng tư. Dĩ nhiên Facebook và truyền thông xã hội đều bảo vệ mô hình của họ bằng cách nói với bạn rằng họ đáp ứng sự mong muốn của bạn và nếu bạn muốn thì họ có thể giảm bớt (nhưng không chấm dứt hoàn toàn) quảng cáo khi mà bạn chỉ cần kiểm tra danh mục được cung cấp trong phần thiết lập chương trình. Nhưng như mới đây, Facebook cam đoan rằng chỉ có bạn kiểm soát microphone và (theo lãnh đạo an ninh của Facebook) bạn phải cho phép Facebook kích hoạt nó. Có ai được nhớ là đã được xin phép không?

Có vẻ như là bạn có thể tắt chức năng của microphone ở Windows hoặc ứng dụng di động Facebook trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng của mình. Nhưng liệu “tắt” có thực sự là tắt hoàn toàn? Có vẻ như là không. Thí nghiệm của Jodi , vợ tôi, và tôi sau khi tắt microphone trên máy tính của cô ấy và nói về một số thứ khác, quảng cáo xuất hiện trong vòng vài giây sau khi chúng tôi nói.

*Jodi bình luận về diễn viên Robin Wright Penn. Quảng cáo về phim của Sean Penn đã xuất hiện ngay lập tức.

*Chúng tôi thảo luận áo phông cho cháu nội. Quảng cáo áo phông xuất hiện. 

*Jodi nói về trò chơi Scrabble dang dở. Ngay lập tức quảng cáo về trò chơi Yahtzee xuất hiện.

*Jodi mô tả bề ngoài phù hợp với tuổi của cô ấy, như nếp nhăn và tóc xám, quảng cáo về “Chiến thắng tuổi tác” của Maybeline hiện ra.

Giờ thì bạn nói ổn thôi, nhưng sự rình mò đó có phải là bất hợp pháp, một sự xâm phạm tính riêng tư không? Người ta đã phản đối trên quy mô lớn việc rình mò trên điện thoại di động của Facebook, nhưng dường như chính sách của Facebook không thay đổi, như tôi đã nhận thấy. Ở mức độ hợp pháp, một nghiên cứu của Bỉ đã chỉ ra – bằng cách này, người Châu Âu lo ngại và quan tâm tới trò lừa dối của Facebook hơn là người Mỹ —“tùy chọn tắt” quảng cáo không phải là thứ đã được thông tin và trực tiếp đồng thuận. Hơn nữa, Facebook không cần đến sự đồng thuận của chúng ta để thu thập dữ liệu từ các nguồn khác, để thu thập dữ liệu vị trí mà điện thoại di động cung cấp, để sử dụng các bức ảnh hay dữ liệu khác (như “like”) mà người dùng nhập vào.

Tôi cho rằng báo cáo của Bỉ phù hợp với tuyên bố chính sách mới đây của Facebook (2015), Facebook có thể thu thập mọi và toàn bộ dữ liệu phát sinh từ việc sử dụng facebook của bạn cũng như thiết bị mà bạn dùng để truy cập Facebook. “Mọi thông tin” có nghĩa là toàn bộ các dữ liệu bạn nhập vào, bất kể là về bản thân bạn hay một bên nào khác, bất kể là dưới dạng chữ viết, tiếng nói hay hình ảnh. Ngay cả khi bạn xóa bỏ tài khoản Facebook của mình, tất cả thông tin mà bạn cung cấp vẫn tồn tại.

Bên cạnh đó cũng có một vấn đề nghiêm trọng hơn: Các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ thu thập và sử dụng dữ liệu truyền thông xã hội, đáng chú ý là Ủy Ban An Ninh Quốc Gia (NSA). Thực tiễn đã bị Edward Snowden tiết lộ này có cả sự tham gia của Facebook, Apple và một số công ty công nghệ khác trong chương trình PRISM của NSA, nhằm thu thập trực tiếp dữ liệu từ các doanh nghiệp hơn là qua mạng Internet.

Sự xâm phạm tính riêng tư đã bị Liên Minh Châu Âu phản đối. Vào năm 2000, EU chấp nhận đề xuất của Hoa Kỳ về việc thiết lập một chương trình “Bến An Toàn” để chuyển giao dữ liệu cá nhân ở Châu Âu, mà Facebook, Google và Amazon thu thập được, cho Hoa Kỳ. Thỏa thuận này đã được Tổng Chưởng Lý của Tòa Án Hình Sự Châu Âu (ECJ) xem xét lại, họ cho rằng thỏa thuận này vi phạm quyền cơ bản của người dân Châu Âu. Tổng Chưởng Lý phát hiện ra rằng dữ liệu có thể được “NSA và các cơ quan an ninh khác của Hoa Kỳ truy cập trong khuôn khổ một chương trình giám sát quy mô lớn và không phân biệt.”

Tòa Án Hình Sự Châu Âu đã đồng ý với ý kiến này, tuyên bố “Bến An Toàn” vô hiệu. Tòa án phán quyết rằng Bến An Toàn “phải phù hợp với quyền căn bản để tôn trọng đời sống riêng tư.” Đó là cú đòn nặng, mặc dù chưa phải là đòn kết kiễu, đối với Facebook và các công ty khác tham gia vào việc chuyển giao dữ liệu ở Châu Âu. Châu Âu đã thúc ép các công ty này, đặc biệt là Google và Amazon, về những vấn đề khác, như luật anti-trust. Một cách lý tưởng, phán quyết của ECJ cũng như các hành động khác của Châu Âu sẽ tạo động lực cho người Mỹ đấu tranh đòi quyền riêng tư và sự minh bạch hơn trong cách thức các doanh nghiệp khổng lồ về công nghệ thực hiện kinh doanh.

Việc truyền thông xã hội xâm phạm sự riêng tư có khiến bạn phiền lòng, hay bạn sẽ cân nhắc sự đánh đổi giữa sự riêng tư và kết giao xã hội? Bạn có thể kiểm soát sự riêng tư của mình với máy tính, điện thoại và máy tính bảng ra sao? Bạn có kinh nghiệm về các kiểu nghe lén mà tôi đã đề cập không?

Mel Gurtov is Professor Emeritus of Political Science at Portland State University, Editor-in-Chief of Asian Perspective, an international affairs quarterly and blogs at In the Human Interest.

Tuesday, October 6, 2015

Đông Nam Á "lãng quên" sự khủng bố của phương Tây

Andre Vltchek trong bài viết "Southeast Asia “forgets” about Western Terror" tường thuật về chứng lãng quên những tội ác của đế quốc phương Tây, diễn ra trước đây chưa lâu, ở Đông Nam Á, sự lãng quên có thể khiến các quốc gia Đông Nam Á phải trả giá đắt khi đế quốc đang "xoay trục" trở lại Đông Nam Á, thúc đẩy các quốc gia ở khu vực này đối đầu với các cường quốc khu vực và thế giới. Tác giả chỉ rõ sự lãng quên mang tính thực dụng của tầng lớp thượng lưu đối lập với những ám ảnh đau thương vĩnh viễn của người dân bình thường tại các quốc gia Đông Nam Á. Tầng lớp thượng lưu nhận được tiền bạc và ân sủng của đế quốc cho sự quên lãng còn người dân thường được nhắc nhở hàng ngày bằng bom mìn nổ chậm, bằng những vết thương trên người ...

Đông Nam Á "lãng quên" sự khủng bố của phương Tây



Tầng lớp thượng lưu Đông Nam Á “đã quên” mất 10 triệu người Châu Á bị đế quốc phương Tây sát hại vào cuối và sau Thế Chiến thứ II. Họ “đã quên” mất những gì diễn ra ở phương Bắc – về vụ ném bom Tokyo và Osaka, về vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, về việc quân đội Hoa Kỳ thủ tiêu man rợ thường dân Triều Tiên. Nhưng họ cũng quên mất những nạn nhân của họ - hàng trăm ngàn người, trên thực tế là hàng triệu, người bị bom xé thành từng mảnh nhỏ, bị hóa chất thiêu cháy hoặc bị thủ tiêu trực tiếp – đàn ông, đàn bà và trẻ em ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines và Đông Timor.

Tất cả đã được tha thứ và bị quên lãng.

Một lần nữa Đế Quốc lại tự hào “chuyển trục” sang Châu Á; họ thậm chí còn khoác lác về điều đó.

Điều đó diễn ra mà không ai nhắc rằng Đế Quốc không biết xấu hổ và không còn phép tắc nữa. Nó rao giảng về dân chủ và tự do, trong khi không buồn rửa sạch máu của mười triệu người trên bàn tay của nó.

Ở khắp Châu Á, “công chúng có đặc quyền” đã lựa chọn không biết, không nhớ, hay thậm chí là xóa sạch những chương khủng khiếp của lịch sử. Những người bám chặt lấy ký ức bị bịt miệng, bị cười nhạo, hoặc bị biến thành phi lý.

Chứng lãng quên có lựa chọn, “sự độ lượng” đó sẽ sớm phải trả giá. Một cách ngắn gọn, nó sẽ quay trở lại giống như cái boomerang. Lịch sử tự lặp lại. Nó luôn như vậy, nhất là lịch sử của chủ nghĩa thực dân và khủng bố phương Tây. Như thường lệ, người nghèo châu Á sẽ bị buộc phải thanh toán. 

***

Sau khi tôi ra khỏi hang động lớn nhất ở vùng phụ cận Tham Pha Thok của Lào, tôi gửi tin nhắn cho người bạn Việt Nam tốt của tôi ở Hà Nội. Tôi muốn so sánh sự đau khổ của người dân Lào và Việt Nam. 

Hang động từng được sử dụng làm “nơi trú ẩn” của quân Pathet Lào. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II, hang động này được sử dụng làm sở chỉ huy. Giờ đây trông nó rất ám ảnh, giống như một cái xương sọ bị thực vật nhiệt đới bao phủ. 

Không lực Hoa Kỳ đã thường xuyên ném bom dữ dội toàn bộ khu vực và vẫn còn nhiều hố bom xung quanh, bị cây cối và bụi rậm che phủ.

Hoa Kỳ đã ném bom toàn bộ Lào, vốn được tặng một biệt danh đầy cay đắng: “Quốc gia bị ném bom nhiều nhất trên trái đất”.

Thật khó có thể hình dung, dù là trong tình trạng tỉnh táo, điều mà Hoa Kỳ, Australia và đồng minh Thái Lan của họ đã làm với đất nước Lào hiền hòa, thưa dân cư và thuần nông.

John Bacher, nhà sử học và nhà lưu trữ ở Metro Toronto, đã có lần viết về “Chiến tranh bí mật”: “Từ năm 1965 đến 1973, Hoa Kỳ đã ném bom xuống Lào nhiều hơn bom ném xuống Nhật Bản và Đức trong Thế Chiến thứ II. Hơn 350.000 người đã bị giết. Cuộc chiến ở Lào chỉ là bí mật đối với người dân Mỹ và Quốc Hội. Nó tiên đoán mối liên hệ bẩn thỉu giữa buôn bán ma túy và chính quyền áp bức mà chúng ta thấy sau này trong vụ Noriega.”

Trong chiến dịch bí mật lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ này, mục tiêu chính là “ngăn chặn lực lượng thân Việt Nam giành quyền kiểm soát” khu vực. Toàn bộ chiến dịch giống như trò chơi mà những cậu bé lớn xác, bị chứng bạo dâm được phép chơi: Ném bom đưa toàn bộ quốc gia về Thời Đồ Đá trong hơn một thập kỷ. Nhưng không thể gọi “trò chơi” này là gì khác ngoài vụ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử của thế kỷ 20. 

Dĩ nhiên, hầu như không có một ai ở phương Tây hay ở Đông Nam Á biết gì về điều này.

Tôi nhắn tin cho người bạn: “Điều mà tôi được thấy vài năm trước khi làm việc trên Cánh Đồng Chum dĩ nhiên là kinh khủng hơn những gì tôi đã thấy xung quanh Tham Pha Thok, nhưng ngay cả ở đây, những hành động kinh hoàng của Hoa Kỳ cũng bị lãng quên.” Tôi cũng gửi cho cô ấy đường link tới những báo cáo trước đó của tôi về Cánh Đồng Chum.

Vài phút sau, cô ấy trả lời: “Nếu anh không nói … thì tôi sẽ không bao giờ biết về cuộc chiến bí mật này. Như chúng tôi được biết thì chưa bao giờ có chiến tranh ở Lào. Thật tội nghiệp cho người Lào!”

Tôi hỏi những người bạn khác ở Việt Nam, sau đó là ở Indonesia. Không ai biết gì về việc ném bom Lào.

“Chiến tranh bí mật” vẫn thuộc loại tuyệt mật, ngay cả bây giờ, ngay cả ở đây, tại trái tim của khu vực châu Á Thái Bình Dương, hay chính xác hơn là ở ngay đây.

Khi Noam Chomsky và tôi thảo luận về tình hình thế giới cho cuốn sách của chúng tôi “Về Khủng Bố Phương Tây – Từ Hiroshima tới Chiến Tranh của Máy Bay Không Người Lái”, Noam nhắc tới chuyến thăm đất nước Lào bị chiến tranh tàn phá. Ông ấy nhớ rõ về những phi công Hoa Kỳ, cũng như hàng đoàn nhà báo phương Tây, những người sống ở Vientiane nhưng quá bận rộn để nhìn và không hỏi bất cứ câu hỏi phù hợp nào.

***

“Ở Philippine, hiện giờ đại đa số người dân bị thuyết phục rằng Hoa Kỳ đã “giải phóng” đất nước họ khỏi người Nhật”, nhà báo cánh tả và là bạn của tôi đã có lần nói như vậy.

Tiến sĩ Teresa S. Encarnación Tadem, giáo sư khoa học chính trị đại học Diliman của Philippine, giải thích với tôi vào năm ngoái, mặt đối mặt, ở Manila: “Ở đây có câu nói như thế này: “Người Philippine yêu người Mỹ hơn là người Mỹ yêu bản thân.”” 

Tôi hỏi: “Tại sao có thể thế được? Philippine bị Hoa Kỳ chiếm làm thuộc địa. Một số vụ thảm sát kinh hoàng đã diễn ra … Đất nước này chưa bao giờ thực sự được tự do. Tại sao “tình yêu” đối với Hoa Kỳ lại thịnh hành?

“Đó là bởi vì cỗ máy tuyên truyền cực kỳ rộng lớn của Bắc Mỹ,” chồng của Teresa giải thích, tiến sĩ Eduardo Climaco Tadem, giáo sư khoa nghiên cứu châu Á đại học Diliman của Philippine. “Nó đã tô vẽ thời kỳ lệ thuộc Hoa Kỳ như là một kiểu chủ nghĩa thực dân tốt lành, đối lập với thời kỳ lệ thuộc Tây Ban Nha trước đó, được mô tả là “tàn bạo hơn”. Các xung đột trong chiến tranh Hoa Kỳ-Philippine (1898-1902) không được thảo luận. Các xung đột liên quan đến việc 1 triệu người Philippine bị giết hại. Vào thời kỳ ấy là khoảng 10% dân số của chúng tôi … diệt chủng, tra tấn … Người Philippine được gọi là “Việt Nam thứ nhất” … tất cả những chuyện đó đều bị truyền thông đại chúng lãng quên, vắng mặt trong sách giáo khoa lịch sử. Dĩ nhiên, sau đó là những hình ảnh được Hollywood và văn hóa đại chúng Hoa Kỳ phổ biến: quân đội Hoa Kỳ anh hùng và tốt bụng cứu vớt đất nước bị tàn phá và giúp đỡ người nghèo …”

Về căn bản, tất cả đều trái ngược với hiện thực. 

“Hệ thống giáo dục rất quan trọng”, Teresa Tadem nói thêm. “Hệ thống giáo dục tạo ra sự đồng thuận và điều đó tạo ra sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ … ngay cả ở trường đại học của chúng tôi – Đại học của Philippine – được người Mỹ thiết lập. Anh có thể thấy điều đó được phản ánh trong chương trình đào tạo – ví dụ như các khóa học về khoa học chính trị … tất cả chúng đều bám rễ vào Chiến Tranh Lạnh và tình thần của nó.”

Hầu hết trẻ em thuộc “tầng lớp thượng lưu” châu Á được “giáo dục” ở phương Tây, hoặc ít nhất là trong “các trường quốc tế” ở quê hương của chúng, tại đó các chương trình giáo dục đế quốc được áp dụng. Hay tại các trường học tư nhân hoặc tôn giáo / Thiên Chúa Giáo … “Giáo dục” kiểu đó luôn sử dụng các khái niệm nhồi sọ thân phương Tây và ủng hộ kinh doanh.

Một điều nữa, trẻ em thuộc giới “thượng lưu” sau khi được nhồi sọ sẽ đi tẩy não phần dân chúng còn lại. Kết quả có thể dự đoán được: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc phương Tây và thậm chí là chủ nghĩa thực dân đều không thể đụng tới, đáng tôn trọng và được ngưỡng mộ. Các quốc gia và các cá nhân đã giết hại hàng triệu người lại được coi là những người thực thi tiến bộ, dân chủ và tự do. Thật là “cao quý” khi được hòa trộn với những người đó, cũng như là khát vọng được “làm theo hình mẫu của họ”. Lịch sử đã chết. Nó bị thay thế bởi những câu chuyện cổ tích nguyên thủy theo kiểu Hollywood và Disney.

***

Ở Hà Nội, một bức tranh hình tượng thể hiện một phụ nữ đang kéo chiếc cánh của máy bay Hoa Kỳ bị bắn rơi làm nổi bật lên một chứng tích mạnh mẽ. Đó là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, có sức hút. 

Người bạn của tôi, George Burchett, một nghệ sĩ Autralia nổi tiếng sinh ra ở Hà Nội và hiện giờ lại sống ở thành phố này, hộ tống tôi.

Bố của George, Wilfred Burchett, được coi là nhà báo nói tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Châu Á là nhà của Wilfred. Châu Á là nơi ông ấy tạo ra những công trình bất hủ, mô tả những hành động vô nhân đạo nhất của phương Tây tàn bạo: lời chứng của ông từ mô tả nguồn về vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima tới thảm sát hàng loạt thường dân trong “Chiến tranh Triều Tiên”. Wilfred Burchett cũng đưa tin về Việt Nam, Lào, Campuchia, đó chỉ là một số nơi bất hạnh bị Hoa Kỳ và đồng minh của họ phá hủy hoàn toàn. 

Hiện giờ sách của ông được các nhà xuất bản hàng đầu trên khắp thế giới xuất bản và tái bản, nhưng nghịch lý là chúng không tồn tại trong ý thức lệ thuộc của thanh niên châu Á.

Người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, biết rất ít về các hành động tàn bạo của phương Tây đối với các nước láng giềng của họ. Nhiều nhất thì họ biết về tội ác của Pháp và Hoa Kỳ tại đất nước họ - ở Việt Nam, họ không hoặc hầu như không biết gì về nạn nhân của những con quái vật được phương Tây tài trợ như Marcos và Suharto. Họ không biết gì về Campuchia – không biết gì về những kẻ thực sự phải chịu trách nhiệm về 2 triệu mạng người. 

“Những cuộc chiến bí mật” vẫn bí mật

Cùng với George Burchett, tôi thán phục nghệ thuật cách mạng và xã hội chủ nghĩa tuyệt vời ở Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia. Hàng sa số các hành động tàn bạo của phương Tây được mô tả cực kỳ chi tiết ở đây, cũng như sự nỗ lực phản kháng quyết định chống lại thực dân Hoa Kỳ của nhân dân Việt Nam vĩ đại và anh hùng. 

Nhưng có một cảm giác kỳ quái trong viện bảo tàng – nó hầu như trống không! Bên cạnh chúng tôi chỉ có vài người khách, tất cả đều là khách du lịch nước ngoài: những gian đại sảnh chứa của cơ sở nghệ thuật kinh ngạc này hầu như trống không.

***

Người Indonesia cũng không biết, bởi vì họ đã bị làm cho ngớ ngẩn!” Người bạn già Djokopekik của tôi quát lên, ở phòng tranh của ông tại Yogyokarte. Ông ấy được coi là nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa vĩ đại nhất của Đông Nam Á. Trong những bức tranh sơn dầu của ông, các binh lính tàn bạo đá vào lưng người dân khốn khổ, trong khi một con cá sấu khổng lồ (biểu tượng của sự tha hóa) tấn công, ngoạm và ăn thịt tất cả những người trước mặt. Djokopekik cởi mở và cực kỳ trung thực: “Đó là kế hoạch của họ; mục tiêu lớn nhất của chính quyền là tẩy não dân chúng. Người Indonesia không biết gì về lịch sử nước họ hay phần còn lại của Đông Nam Á!”

Trước khi chết, Pramoedya Ananta Toer, nhà văn có ảnh hưởng nhất Đông Nam Á đã nói với tôi: “Họ không thể suy nghĩ, không thể nữa … và họ không thể viết. Tôi không thể đọc hơn 5 trang của bất cứ nhà văn Indonesia đương đại nào … chất lượng thật đáng xấu hổ …” Trong cuốn sách mà chúng tôi (Pramoedya Ananta Toer, Rossie Indira và tôi) viết cùng nhau – “Exile” - , ông than khóc rằng người dân Indonesia không biết gì về lịch sử hay thế giới.

Nếu như họ biết, họ sẽ chắc chắn sẽ nổi dậy và lật đổ chính quyền ô nhục đang cai trị quần đảo của họ hiện nay.

Hai đến ba triệu người Indonesia đã chết sau cuộc đảo chính quân sự năm 1965, do phương Tây và các giáo sĩ, chủ yếu là dòng Kháng Cách bắt nguồn từ châu Âu, châm ngòi và hỗ trợ. Đại đa số người dân ở quần đảo vô vọng này giờ đây bị nhồi đầy sọ tuyên truyền của phương Tây, thậm chí không có khả năng nhận ra sự khốn khổ của bản thân. Họ vẫn tiếp tục lên án các nạn nhân (chủ yếu là người cộng sản, trí thức và “vô thần”) vì những sự kiện đã diễn ra cách đây đúng 50 năm, những sự kiện đã bẻ gẫy xương sống của quốc gia kiêu hãnh và tiến bộ này.

Người Indonesia hầu như hoàn toàn tin vào những câu chuyện cổ tích cánh hữu, phát xít do phương Tây chế tạo và phổ biến thông qua các kênh truyền thông đại chúng địa phương nằm trong tay tầng lớp “thượng lưu” đánh đĩ … Không có gì đáng ngạc nhiên: trong suốt 50 năm dơ dáy, họ đã được thứ tinh thần hạ cấp nhất của Hollywood, nhạc pop phương Tây và Disney nhồi nhét về “trí tuệ” và “văn hóa”.

Họ không biết gì về đất nước mình

Họ không biết gì về tội ác của bản thân. Họ không biết gì về những vụ diệt chúng mà họ đã tạo ra. Hơn một nửa số chính khách của họ là tội phạm chiến tranh, chịu trách nhiệm về hơn 30% số đàn ông, đàn bà, trẻ em bị giết hại trong cuộc đảo chính do Hoa Kỳ/Anh/Australia hậu thuẫn ở Đông Timor (hiện giờ là quốc gia độc lập), về vụ tắm máu năm 1965 và diệt chủng mới đây mà Indonesia gây ra ở Papua.

Thông tin về tất cả những sự kiện kinh hoàng này đều có sẵn trên mạng. Có hàng ngàn trang mạng đăng tải bằng chứng chi tiết và nặng ký. Mặc dù vậy, hèn nhát và cơ hội, công chúng “có giáo dục” của Indonesia đã lựa chọn “không biết”.

Dĩ nhiên, phương Tây và băng đảng của họ có lợi lớn từ việc cướp bóc Papua.

Do vậy, tội ác diệt chủng của họ đều bị che phủ bởi bí mật.

Nếu như hỏi ở Việt Nam, Myanmar và thậm chí là ở Malaysia, người dân biết gì về Đông Timor và Papua? 

Câu trả lời là chả có gì cả, hoặc hầu như không có gì cả.

Myanmar, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippine – các quốc gia này nằm trên cùng một phần của thế giới, nhưng dường như chúng nằm trên các hành tinh khác nhau. Đó là kế hoạch: công thức chia để trị cổ xưa của Anh Quốc.

Ở Manila, thủ đô của Philippine, một gia đình khẳng định rằng Indonesia nằm ở châu Âu khi nói với tôi. Gia đình này cũng không biết về tội ác do chính quyền thân phương Tây của Marcos gây ra.

***

Truyền thông đại chúng phương Tây khuếch trương Thái Lan như là “đất nước của nụ cười”, mặc dù vậy đó là một nơi cực kỳ cay đắng và tàn bạo, có tỷ lệ sát nhân (tính trên đầu người) thậm chí còn cao hơn cả ở Hoa Kỳ.

Thái Lan hoàn toàn bị phương Tây kiểm soát từ cuối Thế Chiến thứ II. Hệ quả là giới lãnh đạo của nó (ngai vàng, giới thượng lưu và quân đội) đã cho phép những tội ác tàn bạo nhất chống lại nhân loại diễn ra trên lãnh thổ nước này. Chỉ đề cập một số nhỏ: vụ thảm sát những người Thái Lan nổi dậy cánh tả và ôn hòa (một số người bị thiêu sống trong các thùng dầu), vụ sát hại hàng ngàn người tị nạn Campuchia, giết hại và cưỡng hiếp sinh viên biểu tình ở Bangkok và những nơi khác … Và điều khủng khiếp nhất của họ: Ít biết về sự can dự Thái Lan trong việc xâm lược Việt Nam dưới thời “Chiến tranh chống Mỹ” … việc sử dụng rộng rãi phi công Thái Lan trong các hoạt động ném bom ở Lào, Việt Nam và Campuchia, cũng như việc chuyển giao một số sân bay quân sự (trong đó có Pattaya) cho không lực phương Tây. Đấy là chưa nói đến việc cung cấp các bé trai và bé gái Thái Lan (phần nhiều là dân tộc thiểu số) cho binh lính phương Tây.

***

Khủng bố mà phương Tây vung vãi khắp Đông Nam Á dường như đã bị lãng quên, hay ít nhất là trong hiện tại.

“Hãy tiến lên!” Tôi được nghe ở Hà Nội và Luang Prabang.

Nhưng trong khi người dân Việt Nam, Lào và Campuchia đang bận rộn “tha thứ” cho những đao phủ của họ, Đế Quốc giết hại người dân của Iraq, Syria, Lybia, Pakistan, Afghanistan, Yemen, Ukraina và mọi ngóc ngách của Châu Phi.

Nhiều nơi đã khẳng định và một số đã chứng minh, nhất là ở Nam Mỹ, nơi mà tất cả quái vật đã thành công, rằng không có một tương lai tử tế cho hành tinh này nếu không thừa nhận và thấu hiểu quá khứ. 

Sau khi “tha thứ cho phương Tây”, một số quốc gia Đông Nam Á đã ngay lập tức bị buộc phải đối đầu với Trung Quốc và Nga. 

Khi “được tha thứ”, phương Tây không thèm nhún nhường đón nhận sự độ lượng vĩ đại của nạn nhân. Hành vi đó không thuộc về văn hóa của họ. Trái lại, họ coi sự tốt bụng là yếu đuối và ngay lập tức lợi dụng điều đó. 

Bằng cách tha thứ cho phương Tây, bằng cách “lãng quên” tội ác của phương Tây, Đông Nam Á thực sự không làm điều gì tích cực. Họ chỉ lừa dối các nạn nhân có cùng cảnh ngộ với họ, trên khắp thế giới.

Họ cũng thực dụng và ích kỷ khi mong đợi một số phần thưởng. Nhưng phần thưởng không bao giờ đến! Lịch sử đã chứng minh điều đó nhiều lần. Phương Tây muốn mọi thứ. Họ tin rằng họ xứng đáng nhận mọi thứ. Nếu không bị chống lại, họ sẽ cướp bóc đến cùng, đến khi không còn gì nữa – như họ đã làm ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo, ở Iraq hay Indonesia.

***

Nhà sử học nổi tiếng người Australia và là giáo sư danh dự tại đại học Nagasaki của Nhật Bản, Geoffrey Gunn, đã viết cho tiểu luận này: 

“Hoa Kỳ nắm giữ quyền lực cứng và mềm ngang nhau hay có vẻ như vậy. Qua lại Đông Nam Á trong bốn thập kỷ qua, tôi thừa nhận là đã bị bối rối trước những hồi ức có lựa chọn về dấu ấn của Hoa Kỳ. Như Lào và Campuchia, tại mỗi nước Hoa Kỳ đã ném số lượng bom lớn hơn ném xuống các thành phố của Nhật Bản trong Thế Chiến thứ II, tại đó bom mìn chưa nổ vẫn gây ra thiệt hại nhân mạng mỗi ngày. Trước đây không lâu, tôi hỏi một quan chức cấp cao của chính quyền ở Phnom Penh xem chính quyền Obama có xin lỗi về các tội ác đó không. “Không đời nào,” ông ấy nói, nhưng sau đó ông ấy cũng không siết chặt nắm đấm, dân chúng dường như chỉ là số liệu cơ bản trong lịch sử phía sau những cảm giác chung chung về sự kinh hoàng của quá khứ. Ở Lào vào tháng 12 năm 1975, tôi đã tình cờ ở đó khi những người cách mạng giành lấy đất nước trước cơn thịnh nộ của Hoa Kỳ; việc trưng bày tội ác của Hoa Kỳ – mặc dù chủ yếu là tuyên truyền – đã bị bỏ xó trong các góc của bảo tàng. Cũng như ở Việt Nam, chậm rãi trở thành đối tác chiến lược của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ không ăn năn hối lỗi với các nạn nhân của bom đạn, vũ khí hóa học và các tội ác khác. Ở Đông Timor, bị tổng thống Ford và ngoại trưởng Henry Kissinger hiến tế cho các tướng quân Indonesia để đổi lấy các lợi ích của phủ nhận chiến lược, khoảng 30% dân số đã bị xóa sổ, Hoa Kỳ được tha thứ hay ít nhất là xóa bỏ khỏi các tường thuật chính thống. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ cấp nhà nước đầu tiên, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quảng cáo rùm beng về các hợp tác kinh doanh lớn với Hoa Kỳ, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “bình thường mới” và giờ là đối tác của Hoa Kỳ trong “cuộc chiến chống khủng bố”, như ở Afghanistan. Tốt thôi, vừa mới dạy lịch sử ở trường đại học của Trung Quốc, tôi có thể nói thêm rằng lịch sử không quan trọng ở Trung Quốc nhưng Nhật Bản là dẫn chứng quá đủ rõ ràng.” 

***

“Trung Quốc thường coi việc chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân và tân thực dân phương Tây là lời hiệu triệu chủ chốt trong chính sách đối ngoại, Geoff thở dài, khi chúng tôi ngắm nhìn cái vịnh của thành phố quê hương ông – Nagasaki. “Giờ chỉ có tội ác của Nhật Bản là được nhớ tới ở Bắc Kinh.”

Nhưng quay trở lại Đông Nam Á …

Tất cả đều bị lãng quên và được tha thứ, lý do “tại sao” là rất rõ ràng, đơn giản. Họ được trả tiền để lãng quên! “Sự tha thứ” được tài trợ; nó đảm bảo “các học bổng”, một trong những cách các nước phương Tây phổ biến sự tha hóa của họ tại các nước chư hầu và tại các nước họ muốn lôi kéo vào quỹ đạo của họ. 

Tầng lớp thượng lưu với những căn nhà xa hoa, du lịch nước ngoài, trẻ em tại trường học ngoại quốc, tất cả gắn liền với sự tha thứ.

Nhưng khi anh đến vùng nông thôn, nơi mà đa số người dân Đông Nam Á vẫn sống. Mọi chuyện rất khác. Mọi chuyện ở đó khiến anh rùng mình.

Trước khi rời khỏi Lào, tôi ngồi bên chiếc bàn ngoài trời ở làng Nam Bak, cách Luang Prabang khoảng 100 km. Bà Nang Oen kể cho tôi nghe câu chuyện về vụ ném bom trải thảm của Hoa Kỳ và ông Un Kham chỉ cho tôi những vết thương trên người: 

“Ngay cả ở đây, ở Nam Bak, chúng tôi có nhiều hố bom ở khắp nơi, nhưng giờ chúng đã bị các cánh đồng lúa và nhà cửa che phủ. Vào năm 1968, nhà của bố mẹ tôi bị trúng bom… Tôi nghĩ rằng họ đã ném bom 500 bảng vào đó. Cuộc sống thật là khổng thể chịu nổi trong chiến tranh. Chúng tôi phải ngủ trên cánh đồng hoặc trong hang. Chúng tôi luôn phải di chuyển. Nhiều người đã bị đói khi chúng tôi không thể thu hoạch mùa màng.”

Tôi hỏi bà Nang Oen về người Mỹ. Bà có quên, tha thứ không?

“Tôi cảm thấy thế nào về họ? Thực sự tôi không biết nói gì. Sau tất cả những năm tháng đó, tôi vẫn không thể nói lên lời. Họ giết sạch mọi thứ, kể cả gà. Tôi biết rằng họ vẫn đang làm chuyện tương tự khắp thế giới…”

Bà tạm ngừng, nhìn về phía chân trời. 

“Đôi khi tôi nhớ những gì đã xảy ra với chúng tôi… Đôi khi tôi quên”. Bà nhún vai. “Nhưng khi tôi quên thì đó chỉ là trong chốc lát. Chúng tôi không nhận được bất cứ sự bồi thường nào, thậm chí lời xin lỗi cũng không. Tôi không thể làm được gì. Đôi khi tôi thức giấc vào nửa đêm và khóc.”

Tôi lắng nghe bà và hiểu, sau nhiều thập kỷ làm việc ở phần này của thế giới: đối với nhân dân Lào, Việt Nam, Campuchia và Đông Timor, không có gì bị lãng quên và không có gì được tha thứ. Sẽ không bao giờ!

Andre Vltchek is a philosopher, novelist, filmmaker and investigative journalist. He covered wars and conflicts in dozens of countries. His latest books are: “Exposing Lies Of The Empire” and “Fighting Against Western Imperialism”.Discussion with Noam Chomsky: On Western Terrorism. Point of No Return is his critically acclaimed political novel. Oceania – a book on Western imperialism in the South Pacific. His provocative book about Indonesia: “Indonesia – The Archipelago of Fear”. Andre is making films for teleSUR and Press TV. After living for many years in Latin America and Oceania, Vltchek presently resides and works in East Asia and the Middle East. He can be reached through his website or his Twitter.