Monday, May 27, 2013

Chế độ sở hữu đất đai tư nhân chưa từng tồn tại ở Việt Nam

Hàng ngàn năm trong các xã hội phong kiến, mọi đất đai đều thuộc về nhà vua.  Nông dân chưa bao giờ sở hữu đất đai và phổ biến là một nền nông nghiệp gia trưởng dựa trên lao động của gia đình. Việc canh tác cũng chỉ để nuôi sống gia đình chứ không phải để sản xuất hàng hóa. Do vậy, những cộng đồng nhỏ như làng trở thành phần vững chãi nhất của xã hội. Các triều đại có thể thay đổi, những kẻ xâm lược đến rồi đi, nhưng cái làng vẫn sẽ luôn tồn tại như nó đã tồn tại.

Khi người Pháp xâm lược Việt Nam thì họ chỉ thiết lập nên chế độ tư hữu ruộng đất hiện đại ở một phần rất nhỏ của thuộc địa, chủ yếu để phục vụ cho các nhà tư bản kinh doanh các loại nguyên vật liệu thô để cung cấp cho thị trường mẫu quốc. Phần lớn đất đai còn lại vẫn tiếp tục thuộc về nhà vua như cũ. Gần nửa thế kỷ sau mặc dù không còn tồn tại trên giấy tờ thì chế độ sở hữu phong kiến vẫn còn in đậm trong tập quán của người dân. Vào năm 1903, khi chính quyền thành phố Hà Nội quyết định thu hồi đất thuộc sở hữu tập thể, các phố trưởng đã xác thực giấy chứng nhận sở hữu các khu đất đó cho các chủ tư nhân khiến chính quyền không thể thu hồi được (1). Theo tập quán thì các phố trưởng xác nhận việc sử dụng chứ không phải việc sở hữu bởi vì không có ai sở hữu đất đai cả, nhưng chính quyền Pháp thường mặc nhiên coi đó là giấy chứng nhận sở hữu để dễ dàng trong giao dịch và các phố trưởng đã lợi dụng chính điều đó để chống lại họ.

Các nhà tư bản Pháp tới thuộc địa dễ dàng chiếm được những mảnh đất lớn nhưng họ không thể nào kiếm được đủ lao động làm thuê vì phần lớn nông dân bám chặt lấy mảnh đất canh tác nhỏ của gia đình. Chính quyền thuộc địa dưới sức ép phải đảm bảo quyền lợi cho các nhà tư bản Pháp đã thi hành hai chính sách nhằm tách người nông dân ra khỏi đất đai. Một mặt chính quyền thuộc địa đánh thuế rất cao đối với nông dân, một thống kê so sánh thuế giữa chế độ phong kiến với chế độ thực dân cuối năm 1874 cho thấy: thuế quan điền đã tăng hơn 2 lần trong khi diện tích đất canh tác không tăng, thuế thân tăng gấp 14 lần (2). Tất cả các khoản thuế này đều thu bằng tiền trong khi nông dân canh tác để nuôi sống gia đình mình chứ không bán nông sản lấy tiền. Thuế khóa nặng nề khiến cho phần lớn nông dân rơi vào tay đám cho vay nặng lãi và cuối cùng bị phá sản hoàn toàn. Mặt khác chính quyền thực dân dung túng cho các địa chủ cướp đất của nông dân một cách có hệ thống thông qua những nhập nhằng trong hệ thống pháp lý. Vụ án đồng Nọc Nạn nổi tiếng chính là kết quả của chính sách ấy, nực cười thay nó lại được dùng để ca ngợi tinh thần công minh của các quan tòa Pháp và cổ vũ cho chủ trương "Pháp-Việt đề huề" của tầng lớp tư sản bản địa. Chính sách của người Pháp đã tạo cơ hội cho những địa chủ rất lớn ở Nam Kỳ xuất hiện, như ông bố của công tử Bạc Liêu có tới 100 ngàn ha ruộng lúa và 50 ngàn ha ruộng muối. Tuy vậy, chưa bao giờ các địa chủ lớn lại phổ biến ở Việt Nam và lối kinh doanh của họ cũng không phải là lối kinh doanh dựa trên lao động làm thuê như ở nước Pháp. Tất cả các địa chủ đều giao đất cho tá điền canh tác và thu tô dưới dạng hiện vật.

Mặc dù người Pháp nỗ lực tìm cách khai thác thuộc địa nhưng trên thực tế không đem lại nhiều kết quả vì hai lý do chủ yếu. Thứ nhất là tập quán sản xuất tự cấp tự túc vẫn còn mạnh mẽ và năng suất lao động thấp nên người dân không mấy gắn bó với chế độ làm thuê, chỉ cần có dịp thuận tiện là họ lại bỏ về làng làm ruộng. Thứ hai là công nghiệp Pháp không cạnh tranh được với công nghiệp Đức nên thị trường xuất khẩu nguyên vật liệu thô của thuộc địa bị thu hẹp lại. Dần dần, người Pháp từ bỏ việc kinh doanh không đem lại nhiều lợi nhuận và trở thành một tầng lớp ăn bám, lợi dụng những quan hệ sản xuất phong kiến để trút cái gánh nặng tài chính cho cuộc sống xa hoa của mình lên người dân thuộc địa. Thay vì trở thành những người khai hóa văn minh cho thuộc địa thì chính họ lại bị phong kiến hóa và tụt xuống trạng thái xã hội trung cổ ngay trên những tiện nghi và quan hệ sản xuất hiện đại mà họ mang theo từ mẫu quốc.

Sau khi người Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc được giải phóng và chế độ công hữu về đất đai được thiết lập từng bước để đảm bảo nó phù hợp với tình hình thời chiến. Miền Nam rơi vào tay người Mỹ, chính quyền do người Mỹ dựng lên cố gắng tư hữu hóa đất đai theo hướng có lợi cho địa chủ và bắt nông dân phải gánh toàn bộ phí tổn. Chính quyền ấy xóa bỏ vương triều phong kiến song lại thực thi quy chế tá điền của thời phong kiến. Điều đó đã khiến nông dân chống lại họ, chính sách tư hữu hóa đất đai bị thất bại. Cuối cùng, người Mỹ thua trận và Việt Nam trở thành một quốc gia thống nhất, chế độ sở hữu đất đai ở miền Bắc được đem ra áp dụng cho toàn quốc cho tới nay.

Như vậy, do những quanh co của lịch sử mà chế độ sở hữu đất đai tư nhân hiện đại, tức là dựa trên lao động làm thuê, chưa bao giờ tồn tại ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

(1) Philippe Papin-Lịch sử Hà Nội; NXB Mỹ Thuật 2010; trang 255

(2) Trương Bá Cần-Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại  Nam Kỳ (1862-1874); NXB Thế Giới 2011; trang 447

Saturday, May 25, 2013

Nhân sĩ chống Tàu

Hai nhân sĩ chống Tàu gặp nhau trong nhà giam, tay bắt mặt mừng cùng nhau hô vang dân chủ tự do với yêu nước thương dân rồi quay qua tâm sự về chiến tích. 

Nhân sĩ thứ nhất hỏi:
- Sao mày phải vào đây vậy?

Nhân sĩ thứ hai trả lời:
- Vì tao dán khẩu hiệu "Tàu khựa cút đi" lên tường đại sứ quán Tàu. Còn mày thì sao?

- À, tao thì vì tội dán cái khẩu hiệu "Tàu khựa vào đây".

- Sao kỳ vậy? Nhân sĩ thứ hai tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Ừ, nhưng tau dán khẩu hiệu đó lên tường nhà Quốc Hội. Nhân sĩ thứ nhất nói tiếp.

(Chuyện bịa, chỉ có tính chất giải trí!)

Thursday, May 16, 2013

Hạ lãi suất cho vay không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế

Thông thường lập luận được đưa ra như sau: Ngân hàng hạ lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp vay thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm GDP cho nền kinh tế. 

Lập luận này dựa trên giả định cho rằng doanh nghiệp họat động vì lợi nhuận nên khi có cơ vội vay vốn với chi phí thấp hơn thì doanh nghiệp sẽ vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm tăng thêm lợi nhuận. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp quyết định về đầu tư dựa trên tỷ suất lợi nhuận chứ không phải dựa trên lợi nhuận. 

1. Phân tích: 

Cần phải xem xét lập luận đó trong hai trường hợp cụ thể hơn.

1. Toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế vay vốn để đầu tư:

Khi lãi suất cho vay giảm xuống thì doanh nghiệp phải trả lãi ít hơn, phần dôi ra trở thành lợi nhuận mà không cần thay đổi chi phí cũng như doanh thu, tỷ suất lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp đều tăng lên, có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế cũng tăng lên đúng như vậy. Không doanh nghiệp nào có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân để có thể quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh. Hạ lãi suất cho vay làm tăng lợi nhuận  của doanh nghiệp nhưng sẽ không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế.

2. Một phần doanh nghiệp vay vốn, phần còn lại sử dụng vốn tự có: 

Tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp vay vốn sẽ tăng lên trong khi tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp sử dụng vốn tự có giữ nguyên. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận bình quân tăng lên song các doanh nghiệp vay vốn sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân trong khi các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có thì lại có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân. Các doanh nghiệp vay vốn sẽ vay thêm vốn để mở rông sản xuất kinh doanh trong khi các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có sẽ thu hẹp sản xuất kinh doanh để chuyển sang các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vay vốn đi cùng với sự thu hẹp sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp sử dụng vốn tự có. Như vậy, hạ lãi suất cho vay không mang lại kích thích tăng trưởng kinh tế.

2. Vai trò của ngân hàng: 

Hai trường hợp được phân tích ở trên đều không nhắc tới vai trò của ngân hàng. Nếu có đưa ngân hàng vào phân tích cũng không có gì thay đổi nhiều. Ở trường hợp thứ nhất hạ lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động của ngân hàng không thay đổi thì tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng sẽ thấp đi trong khi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên. Điều này sẽ dẫn đến vốn bị rút ra khỏi các ngân hàng và đầu tư vào các doanh nghiệp, tức là lãi suất cho vay sẽ lại bị kéo lên. Ở trường hợp thứ hai thì các ngân hàng sẽ trở thành kênh dẫn vốn từ các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có sang các doanh nghiệp vay vốn.

3. Tác động thực của việc hạ lãi suất cho vay:

Tất cả những phân tích ở trên đều dựa trên giả định rằng tất cả các doanh nghiệp đều có cùng một cấu tạo hữu cơ của tư bản (Giá trị vốn cố định và nguyên vật liệu/ tiền lương), song trên thực tế các nhóm doanh nghiệp thường có cấu tạo hữu cơ của tư bản khác nhau. 

Trong trường hợp thứ nhất thì không có gì thay đổi. Trong trường hợp thứ hai thì vốn được phân bổ từ các doanh nghiệp sử dụng vốn tự có về các doanh nghiệp vốn vay. Tùy thuộc sự khác biệt về cấu tạo hữu cơ của hai loại doanh nghiệp này mà phân bổ nguồn lực qua vốn vay sẽ dẫn đến sự phân bổ lại nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu hay lao động. Ví dụ: Giả sử doanh nghiệp vay vốn có cấu tạo hữu cơ là 6/4 trong khi doanh nghiệp kinh doanh bằng vốn tự có có cấu tạo hữu có là 4/6. Nếu rút ra 10 đồng vốn từ doanh nghiệp thứ hai để chuyển sang doanh nghiệp thứ nhất thì nhu cầu về lao động sẽ giảm đi trong khi nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu tăng lên. Ngược lại nếu doanh nghiệp vay vốn có cấu tạo hữu cơ là 4/6 và doanh nghiệp sử dụng vốn tự có có cấu tạo hữu cơ là 6/4 thì sự phân bổ lại nguồn vốn sẽ làm tăng nhu cầu về lao động trong khi nhu cầu về máy móc và nguyên liệu giảm đi.

 4. Ý nghĩa của phân tích:

Xét trên phương diện kinh tế vĩ mô, tác động đến lãi suất cho vay của ngân hàng không đem lại tăng trưởng kinh tế song có thể thay đổi nhu cầu của nền kinh tế về vốn vật chất và nhân lực. Tức là hoàn toàn có thể dựa vào đó để thúc đẩy tạo công ăn việc mới làm hoặc gia tăng tiêu thụ máy móc và nguyên vật liệu, song hai yếu tố này mang tính đánh đổi có nghĩa là giải quyết công ăn việc làm sẽ dẫn tới giảm nhu cầu về máy móc và nguyên vật liệu hay ngược lại.

Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ sử dụng vốn tự có với cấu tạo hữu cơ rất thấp (có nghĩa là sử dụng nhiều lao động hơn vốn) trong khi chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn sử dụng vốn vay với cấu tạo hữu cơ cao hơn. Việc hạ lãi suất cho vay sẽ chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp lớn và dẫn đến gia tăng nhu cầu về máy móc và nguyên liệu, phần lớn những thứ này Việt Nam phải nhập khẩu, tức là sẽ thúc đẩy nhập khẩu máy móc và nguyên liệu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tìm cách thu hồi vốn và đầu tư vào những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, do đó tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Song phần lớn các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lại có nhiều rào cản, không dễ dàng gì có thể ngay lập tức đầu tư vào đó vì vậy các chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ phải chờ đợi thời cơ bằng cách tạm gửi tiền của mình vào ngân hàng hoặc mua các tài sản có giá như vàng hoặc ngoại tệ, hạ lãi suất cho vay chắc chắn sẽ làm tăng giá ngoại tệ và vàng. 

Friday, May 10, 2013

Tham nhũng có làm tăng giá bất động sản?

Bất động sản là một loại hàng hóa, vì vậy câu hỏi đúng sẽ là: Tham nhũng có làm tăng giá hàng hóa? Trước hết cần phải hiểu tăng giá là gì, ví dụ m2 đất có giá 10 triệu đồng sau đó tăng lên gấp 3 lần là 30 triệu đồng nhưng tiền vẫn phải giữ nguyên giá thì mới có thể coi là đất tăng giá, nếu đất tăng giá gấp 3 lần mà tiền mất giá 3 lần thì chả có nghĩa lý gì,tức là 30 triệu cũng chỉ có giá trị như 10 triệu trước kia. 

Thông thường người ta suy diễn như sau: Doanh nghiệp hối lộ quan chức một khoản tiền để được quyền lợi nhất định, sau đó mua các yếu tố đầu vào đem sản xuất rồi bán hàng hóa ra với giá thị trường cộng thêm khoản hối lộ. Do vậy, giá hàng hóa bán ra trong trường hợp có tham nhũng cao hơn trong trường hợp không có tham nhũng.

Nếu như doanh nghiệp có quyền tăng giá như vậy thì chủ doanh nghiệp có thể cộng vào giá bán hàng hóa không chỉ khoản hối lộ quan chức mà còn có thể cộng vào đó tiền đi du lịch, tiền mua xe siêu sang, tiền nuôi bồ nhí, tiền nuôi người giúp việc, tiền nuôi thú cảnh, tiền mua sắm đồ trang sức của vợ nữa. Không có bất cứ lý do nào để chủ doanh nghiệp không làm vậy cả, ngược lại chủ doanh nghiệp sẽ rất thích thú làm điều đó. Khi chủ doanh nghiệp làm vậy thì giá cả hàng hóa có thể tăng vô tội vạ, không có bất cứ giới hạn nào hết. 

Doanh nghiệp khi là người bán thì có quyền tăng giá vô tội vạ, nhưng doanh nghiệp không thể bán mà không mua. Doanh nghiệp buộc phải mua các yếu tố đầu vào như đất đai, máy móc và lao động trên thị trường. Khi doanh nghiệp đóng vai trò là người mua thì những người bán khác lại có cái quyền tăng giá. Người bán đất, bán máy móc hay bán sức lao động đều có thể cộng thêm vào giá bán không giới hạn những gì họ muốn. Suy luận theo kiểu tăng giá như vậy sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu hết.

Mỗi nền kinh tế là một vòng tuần hoàn khép kín. Doanh nghiệp mua hàng hóa đầu vào đem sản xuất rồi bán ra thị trường, những người khác trên thị trường bán cho doanh nghiệp hàng hóa đầu vào rồi lại mua hàng hóa đầu ra của doanh nghiệp. Tức là mỗi người bán đều là người mua, nếu khi bán họ tăng giá lên thì khi mua họ phải trả lại cái phần tăng thêm đó. Nếu giả định rằng doanh nghiệp nhờ vào quan chức tham nhũng mà có đặc quyền bán hàng hóa cao hơn hoặc mua hàng hóa thấp hơn giá thị trường thì cái mà doanh nghiệp được chính là cái mà những người khác trên thị trường mất, tức là giá trị hàng hóa thực tế cũng không tăng lên chút nào mà chỉ là phân bổ lại thu nhập giữa doanh nghiệp và những người khác, điều đó kéo dài sẽ dẫn việc những người khác phá sản hoàn toàn và doanh nghiệp chẳng thể bán được hàng hóa cho ai nữa. Nếu chỉ cần phân phối lại thu nhập thì doanh nghiệp và quan chức nhà nước cứ việc đè người khác ra mà thu thuế chứ chả cần phải nhọc công sản xuất rồi buôn bán làm gì.

Tham nhũng do vậy chỉ chia phần thu nhập với doanh nghiệp chứ không thể làm tăng giá hàng hóa được. Điều đó có nghĩa là tham nhũng chỉ chia phần lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chứ không làm tăng giá bất động sản. 

Tại sao cái điều nhầm lẫn đó không ngừng được lặp đi lặp lại trong giới chuyên gia kinh tế? Nếu tư duy một cách hợp lý thì người ta có thể thấy ngay rằng cái mưu toan đó chỉ để bảo vệ lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chứ chẳng liên quan gì đến giá bất động sản cả. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ! Các dự án bất động sản ở Việt Nam thường phải trải qua các thủ tục hành chính rất phức tạp và tốn thời gian, dựa vào các quan chức tham nhũng là cách duy nhất để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án. Khi nạn tham nhũng bị xử lý thì cũng có nghĩa là các thủ tục hành chính sẽ diễn ra đúng theo trật tự của nó, như vậy sẽ hạn chế các số lượng các dự án bất động sản được cấp phép mới. Đây mới là điểm mấu chốt của vấn đề, hạn chế sự gia tăng nguồn cung dự án bất động sản sẽ giúp các dự án bất động sản hiện tại dễ bán hơn.

Thursday, May 9, 2013

Một phân tích về giá cả đất đai dựa trên học thuyết giá trị thặng dư

Dưới đây là một thử nghiệm ứng dụng học thuyết giá trị thặng dư để phân tích bản chất giá cả đất đai trong nền kinh tế thị trường.

1. Mô hình lý thuyết:

Đất đai không có giá trị mà chỉ có giá cả, giá cả của đất đai là do địa tô quy định. Mô hình phân tích sử dụng học thuyết giá trị thặng dư áp dụng cho trường hợp một nền kinh tế chỉ có tư bản sản xuất và đất đai, không tính đến các lĩnh vực phi sản xuất và lợi tức cho vay vì điều đó sẽ làm mô hình phân tích trở nên quá phức tạp mà lại không thể hiện rõ được mối quan hệ giữa tư bản sản xuất và giá đất.

Một nền kinh tế chỉ bao gồm tư bản sản xuất sẽ có tư bản ứng trước là c+v, với c là tư bản bất biến và v là tư bản khả biến. Nền sản xuất này tạo ra khoản giá trị thặng dư là m, tổng giá trị sản phẩm xã hội khi đó sẽ là Y=c+v+m.

Tư bản sản xuất cần phải thuê đất để hoạt động, do đó phải trả cho chủ đất khoản địa tô là r và giữ lại lợi nhuận là i, tức là m=r+i.

Theo quy luật san bằng tỷ suất lợi nhuận thì tỷ suất lợi nhuận thu được từ việc cho thuê đất phải bằng với tỷ suất lợi nhuận của tư bản sản xuất. Gọi giá của toàn bộ đất đai là L thì: r/L = i/(c+v). (3). Từ đó suy ra giá đất L = (c+v).r/i, ở trên đã giả định là m = r+i tức là i = m-r. Như vậy, giá cả của toàn bộ đất đai: L = (c+v).r/(m-r)

Kết quả cho thấy giá của toàn bộ đất đai trong một nền kinh tế là một hàm số tỷ lệ thuận với quy mô tư bản ứng trước (c+v), tỷ lệ thuận với tiền thuê đất r và tỷ lệ nghịch với giá trị thặng dư m.

2. Ứng dụng mô hình để giải thích một số trường hợp thực tế:

Trường hợp thứ nhất là giá đất rất cao trong khi tiền thuê đất lại thấp. Sử dụng công thức L = (c+v).r/(m-r) thì có thể giải thích rằng giá đất ở rất cao trong khi địa tô và lợi nhuận tăng không nhiều là do nền kinh tế thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đổ vào sản xuất, tức là tư bản ứng trước c+v tăng đột biến. Đây có lẽ là trường hợp điển hình của các quốc gia có mức phát triển thấp mở cửa nền kinh tế đón nhận đầu tư nước ngoài. Các nhà kinh tế thường bất lực trong việc phân tích trường hợp giá đất tăng do quy mô tư bản ứng trước tăng lên, thông thường họ đổ tại đó là do đầu cơ đất đai và nhìn nhận trường hợp này là một trường hợp tăng trưởng thiếu bền vững.

Trường hợp thứ hai giá đất thấp trong khi quy mô tư bản ứng trước lớn và tiền thuê đất cao. Dựa vào công thức đã nêu thì có thể thấy rằng sản xuất đồng thời cũng tạo ra một khối lượng giá trị thặng dư rất lớn để kéo tụt giá đất xuống. Đây là trường hợp điển hình của các nền kinh tế phát triển. Trường hợp này thường được tán dương như là sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Trường hợp thứ ba là ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất khiến giá đất cao. Vẫn sử dụng công thức L = (c+v).r/(m-r) nhưng chia cả tử số và mẫu số vế bên phải công thức cho v, kết quả sẽ là L = (1+c/v).r/(m/v - r/v). Phần c/v chính là kết quả của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hay nói cụ thể hơn là công nghệ được phát triển để làm gia tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản. Giá đất tỷ lệ thuận với c/v, do vậy c/v càng cao thì giá đất càng cao.

Ngoài ra, hoàn toàn có thể sử dụng công thức này để phân tích các giai đoạn biến đổi lớn của giá cả đất đai trong một nền kinh tế. Các giai đoạn đó chắc chắn là kết quả của nhau, do những sự biến đổi nội tại của sản xuất.