Wednesday, December 19, 2012

Nhóm lợi ích và sự lẫn lộn

Nhân đọc bài của tiến sĩ Nguyễn Quang A về nhóm lợi ích, thật ngạc nhiên khi thấy tác giả không đi sâu vào làm rõ các khái niệm như lợi ích hay nhóm lợi ích mà chỉ dựa vào cách hiểu thông thường để bàn luận chuyện ngôn từ. Cái khái niệm thông thường đó vốn dĩ chứa đựng rất nhiều sự lẫn lộn, nên khi dựa vào đó để bàn luận ngôn từ thì chỉ đi từ sự lẫn lộn này đến sự lẫn lộn khác mà thôi.
Mỗi người đều có lợi ích của mình và các lợi ích đó chi phối hoạt động của họ. Lợi ích không chỉ là lợi ích kinh tế. Những người có chung một tập hợp lợi ích nhất định tạo thành một nhóm, gọi là nhóm lợi ích. Đấy là cách hiểu thông thường. Và theo cách hiểu ấy, nhóm lợi ích không gắn với giá trị (tốt-xấu, đạo đức-phi đạo đức).
Thứ nhất, những người có lợi ích chung không hẳn đã tập hợp thành nhóm lợi ích, họ có thể theo đuổi lợi ích chung một cách đơn lẻ. Lấy ngay cái ví dụ về những người khiếu kiện đất đai mà tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nêu ra, mặc dù tất cả những người khiếu kiện đất đai đều có chung lợi ích về đất đai nhưng không ai đặt vấn đề vận động cho lợi ích chung về đất đai mà mỗi người chỉ quan tâm đến lợi ích của mình.

Thứ hai, các lợi ích có thể mâu thuẫn nhau và mỗi người lại luôn có nhiều lợi ích khác nhau. Người dân khi nhận đất từ nhà nước thì lợi ích của họ là giá đất đai phải thật rẻ, còn khi bán ra thị trường thì họ lại muốn giá đất đai phải thật cao.   Điều này có nghĩa là không có cách nào để cùng lúc đáp ứng mọi lợi ích, do vậy mỗi cá nhân đều phải lựa chọn lấy một lợi ích mà họ cho là đáng để theo đuổi và khi theo đuổi lợi ích này thì họ sẽ phải hy sinh lợi ích khác. Đó là cơ sở để các lợi ích khác nhau có thể cùng tồn tại đồng thời trong xã hội và cũng đồng thời là cơ sở để các cá nhân có thể đạt được các lợi ích không giống nhau.

Từ hai điều trên có thể thấy rằng, nhóm lợi ích chỉ hình thành khi một lợi ích nào đó trở nên phổ biến và có những điều kiện nhất định để những người có chung lợi ích đó có thể liên kết với nhau. Tức là, nhóm lợi ích không phải là thứ gì đó tồn tại vĩnh viễn, nó chỉ tồn tại trong những điều kiện nhất định và ngay cả khi nó tồn tại thì cũng không loại trừ được việc các cá nhân theo đuổi lợi ích của mình một cách riêng lẻ.
Các nhóm lợi ích thường thúc đẩy hay vận động chính sách vì lợi ích của chính nhóm mình. Đó là điều bình thường và chẳng có gì đáng trách cả, thậm chí phải tạo điều kiện để cho các nhóm lợi ích tồn tại, phát triển, tạo môi trường cho chúng thể hiện, tranh luận, phê phán và qua đó thúc đẩy các lợi ích chung phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Nhóm lợi ích có nhiều phương cách để theo đuổi lợi ích mà hoàn toàn không cần phải vận động chính sách, ví dụ những người thợ dệt có thể cùng nhau đình công để đòi tăng lương mà không cần vận động chính quyền đưa ra một chính sách nào đó bảo vệ quyền lợi cho họ. Các phương cách theo đuổi buộc phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, bởi nếu không thì hoạt động của nhóm đó sẽ bị trừng phạt. Khi nhóm lợi ích vận động chính sách tức là định hướng quyền lực nhà nước, về cơ bản đó là hoạt động chính trị. Thực tế cho thấy không phải nhóm lợi ích nào cũng hoạt động chính trị. Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã lẫn lộn giữa nhóm lợi ích không hoạt động chính trị với nhóm lợi ích có hoạt động chính trị. Nhóm lợi ích có hoạt động chính trị có khả năng tác động đến luật lệ và chính sách của nhà nước, tức là họ rất có quyền lực về mặt nhà nước. Nếu như nhóm lợi ích không hoạt động chính trị chỉ sử dụng những khuôn khổ luật lệ sẵn có để theo đuổi lợi ích của mình thì nhóm lợi ích hoạt động chính trị lại vận động để tạo ra luật lệ phục vụ cho lợi ích của mình. Đối với loại nhóm lợi ích thứ nhất thì chỉ khuôn khổ pháp luật thông thường là đủ kiểm soát nên không cần đặt ra vấn đề chống hay không chống, đối với loại nhóm lợi ích thứ hai thì rõ ràng cần có một khuôn khổ pháp luật thích hợp để kiểm soát nhằm đảm bảo pháp luật không bị vô hiệu hóa.
Xã hội không thể tồn tại mà không có vô vàn các nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích và hoạt động của chúng có thể chồng lấn lên nhau. Chúng có thể hợp tác với nhau và xung đột với nhau. Xã hội tồn tại, phát triển hay suy đồi chính là do sự tương tác của các nhóm lợi ích đó. Bóp nghẹt sự hoạt động của chúng đồng nghĩa với sự gây méo mó các nhóm lợi ích, với sự suy đồi xã hội. Hoạt động lành mạnh của các nhóm lợi ích, một phần quan trọng của hoạt động xã hội dân sự, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Xã hội tồn tại nhờ vô vàn các lợi ích khác nhau nhưng tồn tại nhờ các nhóm lợi ích có hoạt động chính trị thì không đúng, bởi vì bên cạnh đó còn có các cá nhân theo đuổi lợi ích đơn lẻ và các nhóm lợi ích không hoạt động chính trị. Các nhóm lợi ích có hoạt động chính trị mặc dù có tác động tích cực nhưng nếu không được kiểm soát một cách thích hợp bởi pháp luật thì có thể tàn phá bộ máy nhà nước, vô hiệu hóa pháp luật và làm rối loạn xã hội. Xây dựng các khuôn khổ để kiểm soát các nhóm này hoàn toàn không tác động đến các nhóm lợi ích không hoạt động chính trị cũng như các cá nhân theo đuổi lợi ích đơn lẻ, tức là không ảnh hưởng tới việc theo đuổi quyền lợi bằng các phương thức khác mà chỉ giới hạn các phương thức có liên quan đến quyền lực nhà nước. Mặt khác cũng phải thấy rằng nhóm lợi ích có hoạt động chính trị chỉ tồn tại trong những điều kiện nhất định, khi những điều kiện đó biến mất thì nhóm lợi ích đó cũng sẽ biến mất theo.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A chỉ chú ý vào phân tích ngôn từ nên đã rơi vào mâu thuẫn trong tư duy, không làm rõ được nội dung của các vấn đề nên đã lẫn lộn về lợi ích và các loại nhóm lợi ích. Điều đó vô hình chung đã đặt các nhóm lợi ích cao hơn nhà nước.

Bài của tiến sĩ Nguyễn Quang A: Sao lại chống nhóm lợi ích?