Showing posts with label Kinh tế chính trị. Show all posts
Showing posts with label Kinh tế chính trị. Show all posts

Tuesday, November 5, 2019

Công nhân, chủ doanh nghiệp và nhà nước

Khi có xung đột giữa công nhân và doanh nghiệp, như hiện nay, doanh nghiệp đòi tăng giờ làm thêm, công nhân đòi giảm giờ làm từ 48 tiếng/tuần xuống 44 tiếng/tuần, một vị đại diện cho nhà nước đứng ra nói như thế này: Bây giờ đất nước ta còn nghèo, giảm giờ làm xuống thì chi phí lao động tăng lên, giá cả hàng hóa tăng lên thế là hàng hóa xuất khẩu mất cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế giảm, thì nước ta thoát nghèo thế nào được.


Ấy thế là cái lý gì? Tất nhiên người nhà nước là phải lo lắng cho lợi ích quốc gia, đứng trên cả chủ doanh nghiệp lẫn công nhân rồi. Người ta nói ắt hẳn có lý do chính đáng. Mà lý lẽ hợp lý hợp tình đến thế kia thì ai mà không nghe cho được nhỉ?

Ở đây mấu chốt của vấn đề không phải là việc nhồi nhét lợi ích quốc gia vào cái việc bắt công nhân làm 48 tiếng/tuần mà là cái căn cứ để người ta tính toán cái lợi ích đó. Đại thể người ta sẽ tính thế này, trước kia công nhân làm 48 tiếng/tuần, giờ làm 44 tiếng/tuần thì với năng suất như cũ muốn có sản lượng như cũ sẽ phải thuê công nhân làm thêm 4 tiếng, chi phí lao động sẽ tăng thêm 4/44, tức là 9,1%. Chi phí lao động đội lên 9.1%, giá cả hàng hóa xuất khẩu vì thế cũng tăng lên, hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn. Mọi thứ rõ ràng là rất thuyết phục.

Chìa khóa của vấn đề: Tiền lương là giá cả của lao động hay sức lao động?

Trong tính toán của người nhà nước thì tổng tiền lương khi làm 44h với 48h là khác nhau, hay nói cách khác tiền lương được tính theo số giờ lao động và không cố định, làm nhiều hưởng nhiều, ẩn giấu đằng sau cái tính toán đó là cái luận điểm: Tiền lương là giá cả của lao động! Đằng sau những thứ kêu choang choang về lợi ích quốc gia, thực ra là lợi ích và quan điểm của chủ doanh nghiệp. Khi anh nhà nước tính toán theo quan điểm của chủ doanh nghiệp thì anh ta đứng về phía chủ doanh nghiệp.

Còn bây giờ là quan điểm của công nhân: Tiền lương của công nhân là giá cả của sức lao động, được tạo thành từ chi phí nuôi sống và đào tạo nghề nghiệp cho công nhân, do đó nó cố định, làm 44h/tuần hay 48h/tuần cũng không làm thay đổi nó được. Việc giảm thời gian lao động xuống không làm tăng chi phí lao động, lại càng không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.

Người ta sẽ lại thắc mắc rằng chủ doanh nghiệp phải thuê thêm lao động 4h mỗi tuần, phải trả thêm tiền mà anh lại nói rằng chi phí lao động không tăng là sao? Nhưng người ta quên mất rằng đâu có gì buộc chủ doanh nghiệp vẫn phải giữ nguyên mức lương cũ khi thời gian làm việc giảm xuống. Ví dụ, công nhân đi làm 48h/ tuần, nhận được 96 đồng tiền lương, giờ họ chỉ phải làm việc 44h/tuần. Chủ doanh nghiệp biết rằng công nhân sẽ buộc phải đi làm để kiếm đủ sống, họ sẽ hạ lương tuần xuống 88 đồng và trả 8 đồng cho 4h làm thêm. Vậy là công nhân vẫn phải đi làm với mức lương như cũ. Tổng mức tiền lương vẫn như cũ, chủ doanh nghiệp không cần phải tăng lương thêm đồng nào cả.

Khi người ta hiểu rằng tiền lương là giá cả của sức lao động thì việc tăng hay giảm thời gian lao động sẽ không ảnh hưởng đến chi phí lao động và không ảnh hưởng gì đến giá cả hàng hóa cả, nhưng việc giảm thời gian lao động sẽ làm thời gian lao động thặng dư và ảnh hưởng tới lợi nhuận của chủ doanh nghiệp. Đấy mới là cái khiến chủ doanh nghiệp không hài lòng và tất nhiên là người nhà nước phải bảo vệ lợi ích quốc gia trên quan điểm của chủ doanh nghiệp.

Thế còn việc kéo dài thời gian làm thêm? Người ta sẽ nói: công nhân làm thêm thì có thêm tiền, cũng tốt chứ sao? Vẫn là giả định: Tiền lương là giá cả của lao động. Sự thực là doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian làm thêm để hạ lương thời gian làm chính xuống, nên vào thời kỳ ít việc thì doanh nghiệp sẽ trả cho công nhân đồng lương chết đói. Mặt khác, theo luật Việt Nam tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội nên chủ doanh nghiệp sẽ còn ăn bớt cả lương hưu của công nhân nữa.

Ví dụ cụ thể: Công nhân đang đi làm 8 tiếng mỗi ngày, tiền lương theo giờ là 12,5 đồng/h, tổng lương là 100 đồng / ngày, bảo hiểm xã hội chủ phải đóng là 10% tiền lương. Tổng chi phí lao động là 110 đồng. Bây giờ chủ doanh nghiệp được phép tổ chức làm thêm 2h mỗi ngày với điều kiện tiền lương làm thêm phải gấp đôi tiền lương chính, kết quả không phải là công nhân nhận được 140 đồng. Thực tế là như thế này, chủ doanh nghiệp sẽ hạ tiền lương tính theo giờ xuống còn 100/12 = 8.33 đồng, 8h làm chính thức chỉ còn mang lại cho công nhân 66,67 đồng, còn 2h làm thêm sẽ mang lại thu nhập: 33,33 đồng. Song bi kịch chưa dừng ở chỗ đó, tiền bảo hiểm xã hội 10% trước kia được tính trên 8h làm chính thức là 10 đồng, bây giờ chỉ còn 6,67 đồng vì tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp sẽ đút túi thêm 3,33 đồng đó. Bi kịch thế đã đủ chưa? Vẫn chưa đâu. Những doanh nghiệp được tùy ý tổ chức làm thêm thì họ sẽ chỉ cho công nhân làm thêm vào thời kỳ họ cần, chỉ vào thời kỳ đó công nhân mới nhận được mức lương đủ sống, còn bình thường họ sẽ trả mức lương bị hạ thấp của thời gian làm chính thức, công nhân sẽ phải nhận đồng lương chết đói.

Khi nhìn từ góc độ của công nhân thì người ta sẽ thấy rõ cái mánh khóe của chủ doanh nghiệp nhằm móc túi công nhân. Mặt khác, ai cũng biết rằng bảo hiểm xã hội lấy nguồn thu hiện tại để thanh toán cho người lao động nghỉ hưu, khi doanh nghiệp có thể kéo dài thời gian làm thêm thì họ sẽ dồn tiền lương sang tiền làm thêm giờ để giảm khoản đóng góp cho bảo hiểm xã hội. Sự thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội ấy tất yếu sẽ buộc nhà nước phải bù vào để giúp cho những người lao động nghỉ hưu có thể sống sót.


Lợi ích quốc gia được đồng nhất với lợi nhuận của doanh nghiệp trong vấn đề giảm số giờ làm việc của công nhân còn 44h/tuần. Giới chủ than vãn như trời sắp sập đến nơi. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên giảm giờ làm mà Việt Nam cũng không phải nước duy nhất giảm giờ làm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi giờ làm giảm đi thì lương công nhân cũng không thay đổi nhiều. Giảm giờ làm 4h mỗi tuần thì cũng không phải là quá nhiều, chủ doanh nghiệp sẽ đẩy cường độ lao động cao hơn để duy trì sản lượng như cũ, tức là không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa hay tăng trưởng GDP. Tuy vậy, chưa phải là hết, chủ doanh nghiệp sẽ có thêm một phần lợi nhuận từ chi phí tiết kiệm được, đó là chi phí cơ sở vật chất và chi phí quản lý, giảm giờ làm thì những chi phí này cũng giảm đi. Thật tình cờ là cái khoản mà chủ doanh nghiệp tiết kiệm được này bị giấu biệt, không xuất hiện trong bất cứ tính toán nào về tác động của việc giảm giờ làm.

Những kẻ nhân danh lợi ích quốc gia để thuyết phục công nhân hy sinh lợi ích của bản thân bao giờ cũng là những tôi tớ trung thành nhất của chủ doanh nghiệp. Họ tính toán lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế, nhưng tính toán của họ không bao giờ có chỗ cho người lao động.