Showing posts with label Bộ trưởng Vinh. Show all posts
Showing posts with label Bộ trưởng Vinh. Show all posts

Wednesday, March 9, 2016

Chuyện tầm phào của một ông bộ trưởng


Mới rồi có ông bộ trưởng liên hệ tới câu chuyện động đất sóng thần xảy ra tại Nhật Bản năm 2011 nói rằng:
Truyền thông quốc tế đưa tin một cháu bé 9 tuổi phải xếp hàng chờ phát bánh mì cứu trợ. Dù được ưu tiên đưa bánh mì trước, thế nhưng cháu bé đã bước lên trả lại và quay trở lại để xếp hàng. Một đất nước như vậy mới mong phát triển được.
Câu chuyện này diễn ra chưa lâu, nhưng sau này hầu hết những người chú ý theo dõi tin tức trên mạng đều biết rằng câu chuyện về cậu bé Nhật Bản đó là sản phẩm hư cấu của một nhà văn Việt Nam thuộc dạng cực hữu, chuyên đả kích chính quyền. Đây là một câu chuyện bịa, chưa từng có ai xác thực được nó và cũng không có truyền thông quốc tế nào đưa tin ngoài mấy trang blog lề trái và đám báo mạng Việt Nam luôn sao chép chụp giật không cần kiểm chứng. Ông bộ trưởng thậm chí còn kể sai cả câu chuyện (bịa) đó, đứa bé đang xếp hàng ấy không được ưu tiên phát đồ cứu trợ (không phải bánh mỳ, một người bình thường cũng biết là người Nhật không ăn bánh mỳ) mà được một người khác cho túi lương khô nhưng lại đem bỏ vào thùng chứa đồ cứu trợ để phát cho mọi người, còn nó thì tiếp tục xếp hàng.

Câu chuyện này được ông bộ trưởng dùng để so sánh với việc cầu lộc cầu tài của quan chức và doanh nghiệp và lý giải lý do Việt Nam thua kém các nước. Đại ý của ông là do dân Việt Nam chỉ thích ăn sẵn, không chịu hy sinh và không cố gắng phấn đấu. Truyền thông Việt Nam ưa thích những câu chuyện kiểu này, đám cực hữu lề trái cũng vậy, thế nên không có gì lạ khi phát biểu cũng như bản thân ông bộ trưởng được coi là hình mẫu của sự 'nói thẳng nói thật', 'thực sự có tâm vì đất nước'. Tất nhiên, sự 'nói thẳng nói thật' có bắt đầu bằng những điều dối trá thì cũng không vấn đề gì, vì ý nghĩa của nó quan trọng hơn nhiều. 

Nhiều năm trở lại đây, người ta được chứng kiến sự xét lại điên cuồng của những kẻ cực hữu và chống chế độ ở Việt Nam đối với câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa về một cậu bé anh hùng. Đó là câu chuyện về thiếu niên Lê Văn Tám tự châm lửa lên mình để đốt kho xăng của địch. Cả truyền thông cũng như đám lề trái đều ra sức chứng minh rằng đó là một câu chuyện bịa đặt, được dựng lên để tuyên truyền và đó là bằng chứng cho sự nói láo của chế độ cộng sản. Tất nhiên, một người 'nói thẳng nói thật' như ông bộ trưởng thì có lẽ sẽ không bao giờ lấy hình ảnh tuyên truyền như Lê Văn Tám, cho dù hình ảnh ấy có được đưa vào sách giáo khoa và là của Việt Nam, để ca ngợi tinh thần hy sinh vì đất nước hay minh họa cho phát biểu của ông, bởi vì thật nguy hiểm khi dựa vào một điều mà nhiều người cho là sự bịa đặt.

Hình ảnh Lê Văn Tám về bản chất không khác gì hình ảnh cậu bé Nhật Bản (được bịa ra) kia, họ đều hy sinh vì đất nước, đều vì cái chung mà hy sinh cái riêng. Nếu như đám quan chức và dân đen trong bài phát biểu của ông bộ trưởng cầu xin một thánh thần xa lạ nào đó ban bổng lộc cho họ mà không tự mình chịu gian khổ kiếm lấy, làm cho hình ảnh dân tộc Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt quốc tế và cho thấy một não trạng trì trệ khó có thể phát triển, thì việc vay mượn hình ảnh nước ngoài (bịa đặt) để minh họa cho lý tưởng của mình bất chấp hình ảnh tương tự có thật và đã tồn tại lâu dài của xứ sở mình, trên thực tế, cũng tương tự như hành động khấn vái thần thánh của đám quan chức và dân đen mê muội kia. Cả hai đều không tin vào những gì mình đã có, do vậy không tin ở bản thân mình và buộc phải cầu khẩn đến những thứ xa lạ. 

Đám dân đen và quan chức mê muội thì cầu xin của thánh thần, còn những người 'nói thẳng nói thật' 'hết lòng vì dân vì nước' thì cầu khẩn những bóng ma ngoại quốc. Những câu chuyện thật là tầm phào, tất nhiên dưới những hình thức khác nhau.

Lưu ý: Một số báo sau khi đăng bài phát biểu của ông bộ trưởng có lẽ đã nhận ra vấn đề với câu chuyện em bé Nhật Bản nên đã cắt bỏ phần đó, tuy nhiên một số báo khác vẫn đăng đầy đủ.

Thursday, November 6, 2014

Ba nguyên tắc chi tiêu ngân sách của bộ trưởng Vinh

Trước đây cũng khá lâu, bác Giao có yêu cầu bình luận về phát biểu của bộ trưởng bộ kế hoạch đầu tư Nguyễn Quang Vinh trong bài "Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư: Việt Nam vi phạm ba nguyên tắc trụ cột", bình luận qua comment thì sẽ quá dài nên phải viết một bài riêng cho bác Giao.

Hoàn cảnh của cuộc tranh luận về ngân sách

Trước hết nếu chỉ nhìn vào bài báo đó thì không thể bình luận nhiều, cần phải nhìn vào bối cảnh lịch sử của Việt Nam để hiểu tại sao có bài báo đó.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây đang chậm lại, nguồn thu ngân sách bị giảm sút trong khi đó các khoản phải chi lại phình ra rất nhanh. Kế hoạch tăng lương đã phải hoãn hai năm, chính phủ thậm chí đã phải phát hành trái phiếu để đảo nợ. Thu chi ngân sách trở thành vấn đề nóng bỏng tại diễn đàn Quốc Hội. 

Ngân sách thì có rất nhiều cơ quan tiêu nhưng giải trình về ngân sách trước Quốc Hội thì chỉ có hai bộ là Bộ Tài Chính (BTC) và Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư (BKHĐT). Song hai bộ này cũng chỉ nắm chung về chi tiêu và đầu tư, họ không nắm được chi tiêu của các bộ khác và các địa phương. Ngân sách cũng là vấn đề phức tạp, dưới Luật Ngân Sách Nhà Nước thì còn có 300 văn bản khác. Đa phần các đại biểu cũng không bao quát hết được vấn đề ngân sách.

Tuy cùng phải giải trình về vấn đề ngân sách trước Quốc Hội song quan điểm của BTC và BKHĐT lại đối chọi nhau. Điều này dẫn đến bài phát biểu của bộ trưởng Vinh.

Gần đây nhất hai bộ này đã trực tiếp đối thoại với nhau về ngân sách là trong cuộc hội thảo về Kế Hoạch và Đầu Tư ở Đà Nẵng vào ngày 7.8.2014. Trong cuộc hội thảo đó đại diện của BKHĐT đã nói về việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, còn đại diện của BTC nhấn mạnh việc ưu tiên chi cho cải cách tiền lương và an sinh xã hội.

Mới đây, chủ tịch Quốc Hội đã phát biểu về vấn đề chi ngân sách, nhấn mạnh việc phải thực hiện cải cách tiền lương, trong khi bộ trưởng BTC muốn ưu tiên trả nợ và chi cho quốc phòng. 

Chưa đầy hai tuần sau, bộ trưởng Vinh đã phát biểu về ba trụ cột kinh tế của quản lý ngân sách, quan điểm của BKHĐT là giảm chi thường xuyên, giảm chi an sinh xã hội và gia tăng chi đầu tư phát triển. BTC cũng đã nhanh chóng đưa ra quan điểm của mình. BTC một lần nữa nhấn mạnh việc chi cho an sinh xã hội là dựa trên các nghị quyết của Quốc Hội và chính phủ. Một điểm đáng chú ý là BTC đã đề cập đến vấn đề phải xiết lại việc lập dự toán đầu tư, tức là công việc của BKHĐT.

Nguyên tắc kinh tế nào?

Về nguyên tắc kinh tế, dựa trên kinh tế học thì chỉ có hai loại quan điểm. Quan điểm của trường phái Keynes là nhà nước có thể can thiệp vào thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại theo quan điểm của phái tân cổ điển thì nhà nước nên hạn chế can thiệp vào thị trường, chỉ nên can thiệp để sửa chữa các khuyết tật của thị trường.

Thu chi ngân sách về bản chất là liên quan chặt chẽ đến nhau, không thể tách rời việc thu riêng và chi riêng. Ví dụ như tăng chi lương chẳng hạn, thì cũng có nghĩa là khoản thu từ thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng cũng tăng lên, do vậy phải tính toán cân đối cả thu và chi. Khoa kinh tế học gộp hai vấn đề đó lại thành chính sách tài khóa.

Phái Keynes khuyến khích nhà nước chi tiêu để điều tiết nền kinh tế do vậy chính sách tài khóa là vấn đề trọng tâm của họ. Một người theo phái Keynes, giáo sư kinh tế học Warron Smith đã đúc kết nguyên tắc về chính sách tài khóa là: "Quy tắc tốt nhất là ngân sách không bao giờ nên cân bằng, trừ một khoảnh khắc khi thay đổi từ dư thừa để chống lạm phát sang thâm hụt để chống suy thoái". Còn các đại biểu của phái tân cổ điển thì thường dẫn quan điểm ngắn gọn của người sáng lập ra khoa kinh tế chính trị cổ điển, Adam Smith: "Ngân sách tốt duy nhất là ngân sách cân bằng"

Khoản 1 điều 8 Luật Ngân Sách Nhà Nước năm 2002 ghi rõ: Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao vào chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách.

Bàn về ba nguyên tắc của bộ trưởng Vinh

Nguyên tắc trong trường hợp này chỉ có hai loại, một là dựa trên lý thuyết kinh tế, hai là dựa trên luật.

Về vi phạm nguyên tắc thứ nhất, "tăng chi cho lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Đây là vi phạm nguy hiểm, bởi ở các nước chỉ tăng lương khi năng suất lao động tăng, hiệu quả lao động tăng lên thì được bù đắp.". Khoa kinh tế học chưa bao giờ chứng minh được lương tương ứng với năng suất lao động. Khoa kinh tế học cho rằng lương là do cung và cầu về lao động quyết định. Doanh nghiệp thuê lao động dựa trên nguyên tắc lương bằng giá trị sản phẩm biên của lao động, tức là không chỉ liên quan đến năng suất lao động của lao động, mà còn phụ thuộc vào giá cả của sản phẩm đầu ra và công nghệ sản xuất. Khoa kinh tế chính trị học Marx-Lenin thì coi lương là giá cả của sức lao động, nên cũng không liên quan đến năng suất lao động. Khoa kinh tế chính trị học cổ điển thì còn có quy luật sắt về tiền lương, như của Malthus, tức là theo quy luật thị trường thì lương thực tế luôn chỉ bằng mức tối thiểu đủ sống. Còn về mặt thực tiễn thì doanh nghiệp không bao giờ áp dụng tăng lương bằng tăng năng suất lao động, nguyên tắc được áp dụng phổ biến là tỷ lệ tăng lương nhỏ hơn tỷ lệ lạm phát.

Vi phạm nguyên tắc thứ hai, tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách, mất cân đối ngayChi an sinh xã hội là nhu cầu bức xúc quan trọng của mọi quốc gia nhưng dù muốn thế nào thì muốn, nhu cầu an sinh xã hội rất lớn phải cân đối, phải thấp hơn tốc độ thu về ngân sách.

Vi phạm nguyên tắc thứ ba là trong quy luật kinh tế quy định tốc độ tăng chi cho phát triển phải cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên, để tiến lên nếu ngược lại thì khó khăn.

Tôi đã tra cứu các loại sách giáo khoa về kinh tế học và không tìm thấy nguyên tắc thứ hai và thứ ba của bộ trưởng ở bất cứ chỗ nào, có lẽ đó là loại nguyên tắc cao cấp chỉ dành riêng cho các chuyên gia cao cấp chăng?

Nếu đối chiếu với quy định của khoản 1 điều 8 của luật NSNN thì nguyên tắc số 2 và 3 của Bộ trưởng Vinh chỉ là những trường hợp cụ thể của quy định ấy. Lý do là cả chi lương, chi an sinh xã hội đều thuộc về khoản chi thường xuyên. Hãy lấy quy tắc thứ 3 để xem xét, tốc độ tăng chi thường xuyên phải thấp hơn tốc độ tăng chi phát triển, điều đó có nghĩa là tốc độ tăng chi thường xuyên phải thấp hơn tốc độ tăng thu ngân sách, vì chi thường xuyên cộng với chi đầu tư phát triển chính bằng tổng chi. Nhưng ngay cả khi tốc độ tăng chi thường xuyên lớn tốc độ tăng thu ngân sách thì tốc độ tăng chi đầu tư phát triển vẫn có thể lớn hơn nhờ bội chi theo luật NSNN. Xét quy tắc thứ hai, khi tốc độ tăng chi thường xuyên được duy trì thấp hơn tốc độ tăng thu ngân sách, đương nhiên theo logic đơn giản thì các cấu thành của chi thường xuyên, như  tốc độ chi an sinh xã hội phải thấp hơn tốc độ tăng thu ngân sách, nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì chi an sinh xã hội vẫn có thể có tốc độ cao hơn tốc độ thu ngân sách nếu tốc độ gia tăng của các khoản khác thuộc về chi thường xuyên giảm đi. 

Trong bài báo bộ trưởng nêu rõ là Việt Nam đang gặp rắc rối vì không tuân thủ ba nguyên tắc này, nhưng suy nghĩ kĩ hơn một chút sẽ thấy áp dụng cả ba nguyên tắc này thì Việt Nam cũng không tránh khỏi rắc rối. Các khoản chi cho lương, an sinh xã hội đều nằm trong khoản chi thường xuyên. Trong thực tế sẽ xảy ra tình huống các nguyên tắc đó tạo sức ép lên nhau, ví dụ tuân thủ nguyên tắc thứ ba, giữ tốc độ tăng chi phát triển lớn hơn tốc độ tăng chi thường xuyên mà năng suất lao động tăng nhanh buộc phải tăng lương đẩy tốc độ tăng chi thường xuyên vượt quá tốc độ chi phát triển thì lúc đó không biết sẽ phải hy sinh nguyên tắc nào. Nếu có thể hy sinh nguyên tắc này để chọn nguyên tắc khác thì ba nguyên tắc đó không thể là nguyên tắc mà chỉ có thể là tùy chọn.

Tại sao quan điểm của Bộ trưởng Vinh được ủng hộ?

Quan điểm của bộ trưởng Vinh là gia tăng chi đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chi đầu tư phát triển là những khoản chi như sau: chi xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, chi hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước và góp vốn vào doanh nghiệp, chi dự trữ nhà nước. Bộ trưởng Vinh vốn chỉ nắm được khoản chi xây dựng cơ sở hạ tầng còn hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước và góp vốn lại thuộc BTC, dự trữ nhà nước thì do Tổng Cục Dự Trữ quản lý trong đó khoản dự trữ lớn nhất là ngoại tệ lại do Ngân Hàng Nhà Nước nắm. Với các dự án cơ sở hạ tầng thì đương nhiên là doanh nghiệp có lợi, xét trên phương diện kinh tế vĩ mô thì cơ sở hạ tầng tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, xét trên phương diện trực tiếp thì các doanh nghiệp sẽ được nhận thầu thêm các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ thì quan điểm của bộ trưởng Vinh sẽ được nhóm doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng ủng hộ mạnh mẽ. 

Song vấn đề nằm ở chỗ, Việt Nam đã từng sử dụng chính sách tài khóa theo kiểu Keynes trước đây không lâu. Vào năm 2008 khi thế giới bị chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính do nợ dưới chuẩn của Mỹ gây ra, chính phủ Việt Nam đã tung ra gói kích thích tài khóa trị giá 8 tỷ USD. Cho đến nay chưa có bất cứ nghiên cứu nào đánh giá tác động của gói kích thích kinh tế đó. Những năm tiếp theo Việt Nam đã phải chứng kiến mức lạm phát kinh hoàng và tình trạng các doanh nghiệp đua nhau đầu cơ làm rối loạn thị trường. Hiện nay trong chính phủ không còn nhiều người nhắc đến kích thích tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa nữa. Từ sau cuộc chạy đua lãi suất của hệ thống ngân hàng năm 2012, chính sách tiền tệ đã bắt đầu có tiếng nói nhất định đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều đáng chú ý hơn trong bài phát biểu của bộ trưởng Vinh.

Đó là đoạn cuối bài:

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kể rằng, Quốc hội từng yêu cầu ông phải trả lời câu hỏi những dự án nào không hiệu quả, kém hiệu quả. Để làm việc này, Bộ Kế hoạch đã gửi công văn đến tất cả các địa phương thì nhận được phản hồi là "dự án nào cũng hiệu quả". “Tôi hỏi tiêu chí nào là hiệu quả thì các ông ấy bảo không hiệu quả chỗ này thì hiệu quả chỗ khác”, Bộ trưởng chia sẻ.

Những người làm quản lý doanh nghiệp đều thuộc lòng câu cách ngôn của nhà kinh tế học Peter Drucker "Không thể quản lý khi thiếu đo lường". Câu chuyện của bộ trưởng Vinh cho thấy BKHĐT hoàn toàn không có chuẩn mực để đo lường hiệu quả dự án. Việc bộ hỏi các địa phương là vô ích vì thứ nhất họ sẽ không biết dựa trên tiêu chí nào để trả lời BKHĐT. Thứ hai là cho dù có được đầy đủ báo cáo của các địa phương thì BKHĐT cũng chẳng thể làm gì vì mỗi báo cáo ấy sẽ theo một chuẩn mực khác nhau và không thể nào tổng hợp vào một báo cáo để phân tích hay đánh giá. Chỗ này làm tôi nhớ đến câu khen của một người bạn khi phải chứng kiến tình trạng tương tự ở nhiều bộ ngành: "Thế mà Việt Nam vẫn quản lý được mới tài!".