Sunday, November 24, 2019

Ba bi kịch của siêu nhân

Như mọi người đã biết, siêu nhân là siêu anh hùng có sức mạnh siêu việt, bay nhanh hơn cả ánh sáng, nhấc bổng vật nặng hàng trăm tấn, mắt có thể bắn ra tia laser đốt cháy mọi thứ. Siêu nhân ở trên trái đất vẫn phải kiếm sống và anh ta làm một phóng viên cho mục tin hình sự.

Nguồn tin cảnh sát báo có một người đàn ông sắp nhảy cầu ở phố X. Phóng viên siêu nhân lao ngay đến hiện trường. Khi thấy người đàn ông nhảy từ nóc nhà cao tầng xuống, siêu nhân thấy ngay việc phải làm và vèo một cái người đàn ông nọ đã được đưa xuống mặt đất trong sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh.

Bi kịch thứ nhất của siêu nhân

Báo chí đưa tin: Người đàn ông nhảy lầu được siêu nhân cứu thoát bị hãng bảo hiểm kiện ra tòa vì âm mưu lừa đảo bảo hiểm nhân thọ.

Bi kịch thứ hai của siêu nhân

Báo chí đưa tin: Vợ của người đàn ông nhảy lầu được siêu nhân cứu thoát đã chết vì không có tiền điều trị bệnh ung thư.

Bi kịch thứ ba của siêu nhân

Ngày làm việc cuối cùng trong tuần, siêu nhân được chủ tòa báo gọi lên phòng làm việc. Chủ tòa báo nói với siêu nhân:
- Này, anh được giao mục tin hình sự, nhưng mục của anh chẳng có cái tin hình sự nào cả. Người nhảy lầu được ai đó cứu thoát chết, kẻ trộm ở cửa hàng tiện lợi thì mất tích còn đám cướp nhà băng thì bị trói gô chờ cảnh sát vào giải đi....Không người chết, không truy đuổi, không con tin, không đấu súng, không có bất cứ thứ gì hết. Độc giả phải trả tiền cho một tờ giấy lộn.
Siêu nhân hỏi lại:
- Thưa ông chủ! Không phải mọi thứ đều ổn sao?
Chủ tòa báo nói:
- Đúng, mọi thứ đều ổn, trừ việc anh không có tin hình sự để đăng. Do vậy, anh bị sa thải.

Kết thúc hạnh phúc của siêu nhân

Thế là siêu nhân đã trải qua ba bi kịch của đời mình. 

Anh ta kiếm được việc làm mới ở rạp xiếc. Ở đó, anh ta có thể thoải mái biểu diễn các siêu năng lực của mình mà không sợ mất việc.

Đọc đến đây hẳn sẽ có người hỏi: Còn những kẻ trộm vặt ngoài phố thì sao? Ồ, hãy để chúng nuôi sống mục tin hình sự!

Tuesday, November 5, 2019

Công nhân, chủ doanh nghiệp và nhà nước

Khi có xung đột giữa công nhân và doanh nghiệp, như hiện nay, doanh nghiệp đòi tăng giờ làm thêm, công nhân đòi giảm giờ làm từ 48 tiếng/tuần xuống 44 tiếng/tuần, một vị đại diện cho nhà nước đứng ra nói như thế này: Bây giờ đất nước ta còn nghèo, giảm giờ làm xuống thì chi phí lao động tăng lên, giá cả hàng hóa tăng lên thế là hàng hóa xuất khẩu mất cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế giảm, thì nước ta thoát nghèo thế nào được.


Ấy thế là cái lý gì? Tất nhiên người nhà nước là phải lo lắng cho lợi ích quốc gia, đứng trên cả chủ doanh nghiệp lẫn công nhân rồi. Người ta nói ắt hẳn có lý do chính đáng. Mà lý lẽ hợp lý hợp tình đến thế kia thì ai mà không nghe cho được nhỉ?

Ở đây mấu chốt của vấn đề không phải là việc nhồi nhét lợi ích quốc gia vào cái việc bắt công nhân làm 48 tiếng/tuần mà là cái căn cứ để người ta tính toán cái lợi ích đó. Đại thể người ta sẽ tính thế này, trước kia công nhân làm 48 tiếng/tuần, giờ làm 44 tiếng/tuần thì với năng suất như cũ muốn có sản lượng như cũ sẽ phải thuê công nhân làm thêm 4 tiếng, chi phí lao động sẽ tăng thêm 4/44, tức là 9,1%. Chi phí lao động đội lên 9.1%, giá cả hàng hóa xuất khẩu vì thế cũng tăng lên, hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn. Mọi thứ rõ ràng là rất thuyết phục.

Chìa khóa của vấn đề: Tiền lương là giá cả của lao động hay sức lao động?

Trong tính toán của người nhà nước thì tổng tiền lương khi làm 44h với 48h là khác nhau, hay nói cách khác tiền lương được tính theo số giờ lao động và không cố định, làm nhiều hưởng nhiều, ẩn giấu đằng sau cái tính toán đó là cái luận điểm: Tiền lương là giá cả của lao động! Đằng sau những thứ kêu choang choang về lợi ích quốc gia, thực ra là lợi ích và quan điểm của chủ doanh nghiệp. Khi anh nhà nước tính toán theo quan điểm của chủ doanh nghiệp thì anh ta đứng về phía chủ doanh nghiệp.

Còn bây giờ là quan điểm của công nhân: Tiền lương của công nhân là giá cả của sức lao động, được tạo thành từ chi phí nuôi sống và đào tạo nghề nghiệp cho công nhân, do đó nó cố định, làm 44h/tuần hay 48h/tuần cũng không làm thay đổi nó được. Việc giảm thời gian lao động xuống không làm tăng chi phí lao động, lại càng không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.

Người ta sẽ lại thắc mắc rằng chủ doanh nghiệp phải thuê thêm lao động 4h mỗi tuần, phải trả thêm tiền mà anh lại nói rằng chi phí lao động không tăng là sao? Nhưng người ta quên mất rằng đâu có gì buộc chủ doanh nghiệp vẫn phải giữ nguyên mức lương cũ khi thời gian làm việc giảm xuống. Ví dụ, công nhân đi làm 48h/ tuần, nhận được 96 đồng tiền lương, giờ họ chỉ phải làm việc 44h/tuần. Chủ doanh nghiệp biết rằng công nhân sẽ buộc phải đi làm để kiếm đủ sống, họ sẽ hạ lương tuần xuống 88 đồng và trả 8 đồng cho 4h làm thêm. Vậy là công nhân vẫn phải đi làm với mức lương như cũ. Tổng mức tiền lương vẫn như cũ, chủ doanh nghiệp không cần phải tăng lương thêm đồng nào cả.

Khi người ta hiểu rằng tiền lương là giá cả của sức lao động thì việc tăng hay giảm thời gian lao động sẽ không ảnh hưởng đến chi phí lao động và không ảnh hưởng gì đến giá cả hàng hóa cả, nhưng việc giảm thời gian lao động sẽ làm thời gian lao động thặng dư và ảnh hưởng tới lợi nhuận của chủ doanh nghiệp. Đấy mới là cái khiến chủ doanh nghiệp không hài lòng và tất nhiên là người nhà nước phải bảo vệ lợi ích quốc gia trên quan điểm của chủ doanh nghiệp.

Thế còn việc kéo dài thời gian làm thêm? Người ta sẽ nói: công nhân làm thêm thì có thêm tiền, cũng tốt chứ sao? Vẫn là giả định: Tiền lương là giá cả của lao động. Sự thực là doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian làm thêm để hạ lương thời gian làm chính xuống, nên vào thời kỳ ít việc thì doanh nghiệp sẽ trả cho công nhân đồng lương chết đói. Mặt khác, theo luật Việt Nam tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội nên chủ doanh nghiệp sẽ còn ăn bớt cả lương hưu của công nhân nữa.

Ví dụ cụ thể: Công nhân đang đi làm 8 tiếng mỗi ngày, tiền lương theo giờ là 12,5 đồng/h, tổng lương là 100 đồng / ngày, bảo hiểm xã hội chủ phải đóng là 10% tiền lương. Tổng chi phí lao động là 110 đồng. Bây giờ chủ doanh nghiệp được phép tổ chức làm thêm 2h mỗi ngày với điều kiện tiền lương làm thêm phải gấp đôi tiền lương chính, kết quả không phải là công nhân nhận được 140 đồng. Thực tế là như thế này, chủ doanh nghiệp sẽ hạ tiền lương tính theo giờ xuống còn 100/12 = 8.33 đồng, 8h làm chính thức chỉ còn mang lại cho công nhân 66,67 đồng, còn 2h làm thêm sẽ mang lại thu nhập: 33,33 đồng. Song bi kịch chưa dừng ở chỗ đó, tiền bảo hiểm xã hội 10% trước kia được tính trên 8h làm chính thức là 10 đồng, bây giờ chỉ còn 6,67 đồng vì tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp sẽ đút túi thêm 3,33 đồng đó. Bi kịch thế đã đủ chưa? Vẫn chưa đâu. Những doanh nghiệp được tùy ý tổ chức làm thêm thì họ sẽ chỉ cho công nhân làm thêm vào thời kỳ họ cần, chỉ vào thời kỳ đó công nhân mới nhận được mức lương đủ sống, còn bình thường họ sẽ trả mức lương bị hạ thấp của thời gian làm chính thức, công nhân sẽ phải nhận đồng lương chết đói.

Khi nhìn từ góc độ của công nhân thì người ta sẽ thấy rõ cái mánh khóe của chủ doanh nghiệp nhằm móc túi công nhân. Mặt khác, ai cũng biết rằng bảo hiểm xã hội lấy nguồn thu hiện tại để thanh toán cho người lao động nghỉ hưu, khi doanh nghiệp có thể kéo dài thời gian làm thêm thì họ sẽ dồn tiền lương sang tiền làm thêm giờ để giảm khoản đóng góp cho bảo hiểm xã hội. Sự thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội ấy tất yếu sẽ buộc nhà nước phải bù vào để giúp cho những người lao động nghỉ hưu có thể sống sót.


Lợi ích quốc gia được đồng nhất với lợi nhuận của doanh nghiệp trong vấn đề giảm số giờ làm việc của công nhân còn 44h/tuần. Giới chủ than vãn như trời sắp sập đến nơi. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên giảm giờ làm mà Việt Nam cũng không phải nước duy nhất giảm giờ làm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi giờ làm giảm đi thì lương công nhân cũng không thay đổi nhiều. Giảm giờ làm 4h mỗi tuần thì cũng không phải là quá nhiều, chủ doanh nghiệp sẽ đẩy cường độ lao động cao hơn để duy trì sản lượng như cũ, tức là không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa hay tăng trưởng GDP. Tuy vậy, chưa phải là hết, chủ doanh nghiệp sẽ có thêm một phần lợi nhuận từ chi phí tiết kiệm được, đó là chi phí cơ sở vật chất và chi phí quản lý, giảm giờ làm thì những chi phí này cũng giảm đi. Thật tình cờ là cái khoản mà chủ doanh nghiệp tiết kiệm được này bị giấu biệt, không xuất hiện trong bất cứ tính toán nào về tác động của việc giảm giờ làm.

Những kẻ nhân danh lợi ích quốc gia để thuyết phục công nhân hy sinh lợi ích của bản thân bao giờ cũng là những tôi tớ trung thành nhất của chủ doanh nghiệp. Họ tính toán lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế, nhưng tính toán của họ không bao giờ có chỗ cho người lao động.

Saturday, November 2, 2019

Sức lao động và lao động

Kéo dài thời gian làm thêm đang là vấn đề thời sự nóng bỏng ở Việt Nam. Về bản chất, việc kéo dài thời gian làm thêm chỉ là kéo dài thời gian lao động của công nhân.

Bản chất vấn đề

Người ta không sẽ không thể hiểu rõ được vấn đề này nếu không trả lời câu hỏi: Nhà tư bản mua cái gì của công nhân, lao động hay sức lao động?

Chủ doanh nghiệp thì luôn khẳng định rằng: Họ mua lao động của công nhân. Công nhân làm bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Không ai bóc lột ai cả. Sở dĩ phải kéo dài thời gian làm việc là bởi vì công nhân năng suất thấp, muốn làm nhiều giờ hơn để có thu nhập cao hơn. Lợi nhuận của tư bản là do tư bản sinh ra vậy nên nếu muốn họ có thể dùng máy móc thay thế hoàn toàn công nhân mà vẫn có lợi nhuận.

Công nhân thì trả lời rằng: Họ bán sức lao động, không bán lao động. Lao động là sự kết hợp giữa sức lao động và tư liệu sản xuất mà tư liệu sản xuất nằm trong tay giới chủ. Nếu không bán sức lao động cho giới chủ thì sức lao động của công nhân không có cách nào kết hợp được với tư liệu sản xuất. Nhưng cũng từ đó thì nảy sinh vấn đề, giá trị của sức lao động và giá trị do lao động tạo ra là hai thứ khác nhau. Nhà tư bản có được lợi nhuận là từ việc bóc lột lao động làm thuê. Việc kéo dài thời gian lao động là để gia tăng lợi nhuận cho tư bản chứ không phải làm tăng thu nhập cho công nhân.

Một ví dụ đơn giản cho vấn đề này:  Người công nhân cần 100 đồng mỗi ngày để nuôi sống bản thân, nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi ngày anh ta chỉ làm ra 100 đồng. Nếu nhà tư bản thuê anh ta 100 đồng và anh ta chỉ làm ra đúng 100 đồng thì lợi nhuận ở đâu ra? Nên điều đó có nghĩa là công nhân phải làm ra 200 đồng hoặc nhiều hơn nữa, một phần để bù đắp lại sức lao động của anh ta, một phần trở thành lợi nhuận của nhà tư bản.

Điều này sẽ tiết lộ cái bí mật mà nhà tư bản che giấu. Ngày lao động của công nhân được chia làm hai phần, một phần bù đắp lại sức lao động đã bỏ ra của anh ta và một phần tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản. Cái mà nhà tư bản muốn không phải là lao động của công nhân mà là lợi nhuận nên họ phải tìm cách kéo dài mãi cái phần lao động không công kia ra.

Vào buổi bình minh của chế độ tư bản, chủ doanh nghiệp tăng lợi nhuận bằng cách kéo dài một cách điên cuồng ngày lao động của công nhân. Ví dụ, một ngày lao động có 8 giờ thì người công nhân chỉ cần làm 2h là đủ bù đắp tiền công, còn lại 6 giờ là làm không công tạo ra lợi nhuận. Chủ doanh nghiệp muốn có thêm lợi nhuận thì họ kéo dài ngày lao động thành 10 tiếng, 12 tiếng hay 14 tiếng. Nhưng việc bóc lột công nhân bằng cách kéo dài thời gian lao động không thể duy trì mãi, nó vấp phải giới hạn sinh học của con người, nên sau đó giới chủ doanh nghiệp phải nghĩ ra cách khác, đấy là vẫn trong giới hạn 8 tiếng một ngày thì đẩy cái thời gian lao động cần thiết để bù đắp lại tiền công thấp xuống, từ 2 tiếng xuống còn 1 tiếng, thậm chí 30 phút, điều này được thực hiện nhờ việc sử dụng máy móc và áp dụng công nghệ tự động hóa trên quy mô lớn. Điều này có nghĩa là việc sử dụng máy móc một mặt giảm số lượng công nhân được thuê xuống nhưng lại bắt số công nhân được thuê phải làm việc nhiều hơn với cường độ cao hơn. Tuy vậy, việc giới hạn giờ lao động trên thực tế không ở đâu và không bao giờ do giai cấp tư sản tự nguyện áp dụng, bất chấp mọi lợi ích, mà chỉ được áp dụng một cách phổ biến dưới sự đấu tranh dữ dội của công nhân. Vậy nên có thể nói rằng chính sự đấu tranh của công nhân mới thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của chủ nghĩa tư bản.

Quay lại ví dụ ở trên, nếu mỗi công nhân làm ngày 8 tiếng và nhận được 100 đồng thì tiền lương theo giờ của họ là 12.5 đồng. Giờ lao động được tăng lên 10 tiếng mỗi ngày thì tiền lương theo giờ của công nhân sẽ chỉ còn 10 đồng. Sở dĩ có điều này là vì tiền lương trả cho sức lao động chứ không phải lao động, giá trị của sức lao động là cố định và được tạo ra trước khi ném vào quá trình sản xuất. Theo quy luật kinh tế thị trường, nhà tư bản mua sức lao động đúng với giá trị của nó chứ không mua cao hơn hay thấp hơn cái giá trị đó. Cái lập luận công nhân có năng suất lao động thấp nên cần làm thêm để cải thiện thu nhập của giới chủ thực ra là chỉ để cải thiện cái túi tiền của chính họ mà thôi. Việc giảm tiền lương theo giờ (hoặc theo sản phẩm) của công nhân xuống có ý nghĩa rất quan trọng đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, họ có sẽ có được lợi nhuận cao hơn và cạnh tranh được với các doanh nghiệp sử dụng tự động hóa. Ngược lại đối với công nhân có nghĩa là họ phải làm việc nhiều hơn, mất đi nhiều thời gian của bản thân để kiếm sống.

Lập luận của giới chủ cho rằng cần kéo dài giờ làm giúp giới chủ tích lũy tư bản để ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa sản xuất là hoàn toàn vô nghĩa. Chừng nào họ còn kéo dài được thời gian lao động của công nhân thì không có lý do gì họ phải đưa máy móc vào thay thế công nhân cả, ngay cả khi họ đủ điều kiện để làm việc đó. Ngược lại họ chỉ làm điều đó khi đối mặt với việc giờ lao động của công nhân bị giới hạn một cách cưỡng bức. Ngay cả các nhà kinh tế học tư sản, những nô lệ trung thành nhất của chủ doanh nghiệp, cũng thừa nhận điều này trong cái phân tích hoa mỹ về đánh đổi giữa công nhân và máy móc khi tiền lương thay đổi.

Sự tha hóa của người lao động

Khi công nhân bán sức lao động cho nhà tư bản thì sức lao động của họ trở thành một vật thuộc sở hữu của nhà tư bản. Nhà tư bản sở hữu những thứ mà tư bản mua được. Họ đem chúng kết hợp lại trong quá trình sản xuất mà họ là chủ sở hữu, là chỉ huy tối cao. Vậy nên trong quá trình sản xuất thì công nhân phải từ bỏ lý tính của mình, họ không còn được tư duy nữa, họ chỉ là một cái máy như mọi cái máy khác, hoạt động theo mệnh lệnh của nhà tư bản. Trong quá trình sản xuất thì chỉ có nhà tư bản là con người, là kẻ có tư duy và ra mọi quyết định đối với những thứ thuộc sở hữu của mình. Vậy nên một mặt công nhân với tư cách là con người phải có lý tính, mặt khác họ phải trở thành vật vô tri trong quá trình sản xuất. Do vậy, lý tính của công nhân khi xuất hiện bao giờ cũng thể hiện ra là sự chống lại cái quá trình biến họ thành vật vô tri. Dưới con mắt của nhà tư bản, chỉ huy tối cao của quá trình sản xuất, thì đó là sự ngu dốt, sự nổi loạn, một tội ác không thể tha thứ. Vấn đề này chỉ có thể hiểu được nếu xuất phát từ thực tế là công nhân bán sức lao động, còn nếu giả định là công nhân bán lao động, tức là họ còn tư duy và làm chủ quá trình lao động, thì không bao giờ có thể hiểu được điều này.

Sự ngu dốt của công nhân trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản phẩm của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, không thể nào xóa bỏ nó chừng nào không xóa bỏ cái quan hệ sản xuất ấy. Mọi lập luận cho rằng công nhân cần phải học tập nhà tư bản để xóa bỏ quan hệ lao động làm thuê đều dựa trên giả định công nhân bán lao động, tức là lập luận của giới chủ, và do đó phục vụ cho giới chủ doanh nghiệp.


Kết luận


Các lập luận của giới chủ đòi tăng giờ làm thêm của công nhân, một cách nói mỹ miều cho việc kéo dài thời gian lao động, trái với những tô vẽ của họ, đều chỉ nhằm mục đích giảm tiền lương theo giờ hoặc theo sản phẩm của công nhân, để gia tăng lợi nhuận. Mặt khác quá trình này cũng chống lại việc hiện đại hóa và áp dụng máy móc vào sản xuất, bởi vì việc hiện đại hóa bao giờ cũng phải bắt đầu bằng việc hạn chế số giờ lao động hàng ngày của công nhân.

Đối với công nhân việc kéo dài thời gian lao động có nghĩa là kéo lùi mọi tiến bộ xã hội. Họ phải làm việc nhiều giờ hơn để kiếm sống, có nghĩa là ít thời gian hơn để chăm sóc cho bản thân và gia đình. Họ sẽ không có thời gian để học hành, tức là không thể tiến bộ được. Họ sẽ không chăm sóc được cho gia đình, có nghĩa là những cặp đôi chung sống tạm bợ với nhau sẽ tăng lên, gây ra những hậu quả nặng nề về mặt xã hội. Họ sẽ không có thời gian chăm sóc con cái, điều này có nghĩa là họ sẽ không sinh đẻ nữa hoặc con cái của họ sẽ được gửi vào các nhà ngục trẻ em đang mọc lên như nấm quanh các khu công nhân. Sự giàu có của chủ nghĩa tư bản gắn liền với sự bần cùng của giai cấp vô sản, hay nói cách khác sự bần cùng của giai cấp vô sản là cái nguồn tạo ra của cải cho chủ nghĩa tư bản. Đây mới là điều cần phải chấm dứt.