Showing posts with label Canada. Show all posts
Showing posts with label Canada. Show all posts

Thursday, March 17, 2016

Những huyền thoại an ủi: Canada và chiến tranh Việt Nam

Trong bài viết "Những huyền thoại an ủi: Canada và Chiến Tranh Việt Nam", tác giả Yves Engler đã phơi bày sự thật về huyền thoại một cựu thủ tướng Canada chống chiến tranh Việt Nam, mà thực ra ông ta ủng hộ nó. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến huyền thoại Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc và chống lại Hoa Kỳ. Tất nhiên đó là sự dối trá.

Những huyền thoại an ủi: Canada và chiến tranh Việt Nam

Trong khi việc đưa tin về chuyến viếng thăm Washington mới đây của Justin Trudeau vô vị một cách đáng ngạc nhiên trong sự nhấn mạnh vào “sự thân thiết” giữa Obama và thủ tướng Canada, ít nhất nó cũng chính xác (theo nghĩa giới hạn mà truyền thông chính thống đặt ra), ngoại trừ việc chương trình 60 Phút đã nhầm lẫn một cách nực cười bức ảnh ngôi sao Kim Cattral của phim Sex and the City với Margaret Trudeau. Tuy vậy, một nội dung khác đã không bị truyền thông chống lại như là lời nói dối và huyền thoại quốc gia nguy hiểm.

Một số hãng truyền thông đã thảo luận về việc Lester Pearson viếng thăm Lyndon Johnson sau khi ông ta được cho là “có một bài phát biểu lên án sự can dự của Hoa Kỳ ở Việt Nam.” Báo chí Canada đã tường thuật bài phát biểu của cự thủ tướng và cuộc gặp mặt với tổng thống Hoa Kỳ như sau: “’Pearson không bao giờ viếng thăm nữa, sau xung đột nổi tiếng năm 1965. Ông ấy phản đối chiến tranh Việt Nam và Johnson đã tóm lấy ve áo của ông ta rồi nói gằn giọng: “Đừng đến phòng ngủ của tao và đái ra chăn của tao.’”

Phát biểu của Pearson tại đại học Temple ở Philadelphia vào đêm trước khi ông ta gặp Johnson dường như là ví dụ được trích dẫn nhiều nhất về việc lãnh đạo Canada (được cho là) phản đối chủ nghĩa quân phiệt Hoa Kỳ. Ngay cả các tác giả nói chung là quan trọng như Linda McQuaig cũng nhắc đến nó như là “sự đóng góp vào nỗ lực chấm dứt của chiến tranh Hoa Kỳ ở Việt Nam.”

Nhưng đây là điều mà Pearson đã thực sự nói ở Philadelphia: “Chính quyền và đại đa số người dân ở đất nước tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách giữ gìn hòa bình và tạo dựng hòa bình của Hoa Kỳ ở Việt Nam.” 

Trong Sự đồng phạm lặng lẽ: Sự can dự của Canada trong Chiến Tranh Việt Nam, Victor Levant đặt phát biểu của Pearson vào bối cảnh chính xác: 

“Trong bài diễn văn ở Temple, thủ tướng không chấp nhận tất cả những điều kiện và hầu hết các kết luận của chính sách Hoa Kỳ. Theo quan điểm của Pearson, nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng chiến tranh ở Việt Nam là sự xâm lược của Bắc Việt. Ông ta nói, ‘tình hình này không thể cải thiện được cho đến khi Bắc Việt hiểu rằng sự xâm lược, dưới bất cứ vỏ bọc nào, vì bất kỳ lý do gì, đều không được chấp nhận và sẽ không thể thành công.’ Điều này có tác động rộng lớn, do ‘không có quốc gia nào… có thể cảm thấy an toàn nếu như sự đầu hàng ở Việt Nam dẫn đến sự biện hộ cho xâm lược thông qua lật đổ và chiến tranh giải phóng quốc gia giả tạo.’ Nếu như hòa bình có thể đạt được, điều kiện đầu tiên là ngừng bắn và điều này chỉ diễn ra nếu như Hà Nội thừa nhận những sai lầm trong đường lối của họ: ‘hành động xâm lược của Bắc Việt để mang sự giải phóng cộng sản (có nghĩa là sự cai trị của cộng sản) đến Nam Việt Nam phải chấm dứt, chỉ khi đó thì đàm phán mới có thể diễn ra.’ Hành động quân sự của Hoa Kỳ nhằm mục đích chống lại sự xâm lược của Hà Nội, các biện pháp có đi quá xa, trong đó có việc ném bom miền Bắc, song hoàn toàn chính đáng: ‘các cuộc tấn công trả đũa đối với các mục tiêu quân sự của Bắc Việt, vốn là một sự khiêu khích lớn, nhằm mục đích cho thấy rõ rằng việc duy trì chính sách xâm lược đối với miền nam sẽ trở thành một gánh nặng lớn đối với chế độ miền Bắc. Sau khoảng hai tháng không kích, thông điệp đã được đưa ra rõ ràng và sáng tỏ.’”

Levant viết tiếp:

“Mặt khác, Pearson khẳng định rằng việc tiếp tục ném bom, thay vì làm suy yếu ý chí kháng cự của Hà Nội, có thể dẫn đến tình thế không khoan nhượng. Do đó, ông ta đề xuất một động thái chiến thuật là Hoa Kỳ nên cân nhắc “tạm ngừng” ném bom: ‘có nhiều yếu tố mà tôi không ở vị thế để cân nhắc. Nhưng ở đây ít nhất là việc tạm ngừng không kích Bắc Việt, vào đúng thời điểm, có thể cho nhà cầm quyền Hà Nội một cơ hội. Nếu họ muốn đón nhận cơ hội đó, để tạo ra một số sự linh hoạt cho chính sách của họ mà không có vẻ như là phải làm điều đó dưới sức ép quân sự. Nếu như sự tạm ngừng diễn ra trong một thời gian giới hạn, tỷ lệ đụng độ ở Nam Việt Nam có thể cho thấy cách đo lường chính xác sự hữu dụng và mong muốn tiếp tục. Dĩ nhiên, tôi không đề xuất bất cứ sự nhượng bộ nào về nguyên tắc, hay bất cứ cắt giảm sức kháng cự xâm lược nào ở Nam Việt Nam. Sự kháng cự có thể đòi hỏi gia tăng sức mạnh quân sự được dùng để chống lại và tấn công cộng sản có vũ trang. Tôi chỉ muốn đề xuất rằng một sự tạm ngừng có tính toán và được thông báo trên chiến trường vào đúng lúc có thể tạo điều kiện thuật lợi cho sự phát triển các giải pháp ngoại giao vốn không dễ dàng áp dụng cho vấn đề trong tình thế hiện tại. Ít nhất, điều đó cũng có thể cho thấy sự không khoan nhượng của chính quyền Bắc Việt.’” 

Hãy tiếp tục phân tích lập trường “chống chiến tranh” của Pearson. Khoảng 3 triệu người Việt Nam đã chết trong chiến tranh của Hoa Kỳ ở Đông Dương, với khoảng 100.000 người chết khi Hoa Kỳ ném bom miền Bắc. Đánh giá phát biểu của Pearson ở Temple theo các khái niệm hời hợt nhất, sự phản đối ném bom miền Bắc là lời kêu gọi chấm dứt 3,3% số người chết.

Khi Pearson gặp Johnson vào ngày kế tiếp, tổng thống đang phát khùng vì các quan chức lập chính sách đối ngoại cao cấp đã tranh luận về việc tạm ngừng ném bom Bắc Việt (điều sẽ diễn ra một tháng sau đó và khi Washington tái khởi động chiến dịch ném bom thì Pearson lại công khai bảo vệ nó). Bằng phát biểu của mình, Pearson đã đứng về phía các đối thủ của Johnson trong chính quyền Hoa Kỳ sau khi Johnson ra lệnh ném bom. Theo các tài liệu nội bộ của chính quyền được tiết lộ trong Hồ Sơ Lầu Năm Góc, vào tháng 5 năm 1964, Pearson đã đồng ý với yêu cầu của Johnson về việc có các thanh sát viên Canada trong Ủy Ban Kiểm Soát Quốc Tế, vốn được coi là để giám sát việc triển khai Hiệp Định Geneva và thống nhất hòa bình Việt Nam, để chuyển thông điệp đe dọa ném bom của Hoa Kỳ cho các lãnh đạo Bắc Việt. Khi làm điều đó, chủ nhân giải Nobel Hòa Bình của Canada đã tiếp tay cho tội ác chiến tranh nghiêm trọng. 

Câu chuyện về việc Johnson phản đối Pearson vào ngày kế tiếp chỉ được phơi bày một thập kỷ sau đó, khi hành động của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã hoàn toàn tai tiếng. Vào năm 1974, cựu đại sứ Canada ở Washington Charles Ritchie viết, “tổng thống bước về phía ông ta và nắm lấy ve áo khoác của ông ta, đồng thời đưa tay kia lên trời.” Ritchie tường thuật Johnson đã nói: “Mày đừng có đến đây và đái ra chăn của tao.”

Trong khi mô tả của vị đại sứ hầu như là một sự cường điệu, các nhà bình luận sau đó đã tô vẽ cho lời kể của Ritchie. Một người nói Johnson “tóm lấy ve áo khoác của Pearson và lắc ông ta rất mạnh.”

Dĩ nhiên là một câu chuyện giải trí nhưng không phải là sự thật, cũng như việc nói rằng Lester Pearson phản đối chiến tranh là sự dối trá.

Trong khi đối với những người tạo ra huyền thoại quốc gia logic và sự kiện không cần phù hợp thì điều quan trọng là chúng ta hiểu thực tế của quá khứ nếu như chúng ta muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Yves Engler là tác giả của cuốn sách The Ugly Canadian: Stephen Harper’s Foreign Policy