Showing posts with label Y tế. Show all posts
Showing posts with label Y tế. Show all posts

Thursday, October 22, 2015

TPP: Ưu tiên số 1 của doanh nghiệp đa quốc gia Hoa Kỳ

Tiến sĩ Jack Rasmus trong bài viết "The TPP: Priority #1 of US Multinational Corporations" đã đề cập một ý quan trọng là TPP hướng tới việc tạo ra các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Hoa Kỳ ở nước ngoài, sau đó họ sẽ xuất khẩu hàng hóa trở lại Hoa Kỳ và được miễn thuế nhập khẩu. Chính quyền Obama hy vọng TPP sẽ là hình mẫu cho nhiều hiệp định tự do thương mại khác. Như vậy, TPP có thể trở thành một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của nước Mỹ trong một tương lai gần.
 
TPP: Ưu tiên số 1 của doanh nghiệp đa quốc gia Hoa Kỳ


Đàm phán về hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Hoa Kỳ và 11 quốc gia bên bờ Thái Bình Dương đã kết thúc vào ngày 5 tháng 10 năm 2015.

Mặc dù toàn bộ văn kiện TPP vẫn là bí mật – đối với tất cả mọi người ngoại trừ đại diện của các doanh nghiệp đa quốc gia, họ nắm giữ 30 ủy ban và nói cho đại diện thương mại của chính quyền biết phải đàm phán những gì – một số chi tiết của hiệp định cực kỳ bí mật này đã bị tiết lộ ra ngoài.

Nếu như các tiết lộ mới chỉ cảnh báo về những gì sẽ xuất hiện thì khi toàn bộ chi tiết được công bố, người tiêu dùng, công nhân, bất cứ ai quan tâm tới sự gia tăng doanh nghiệp hóa dân chủ toàn cầu đều sẽ cảm thấy rất sốc.

Một số tiết lộ trước đây 

Một trong những điều khoản khó khăn nhất đã bị tiết lộ liên quan tới các doanh nghiệp dược phẩm lớn. Ở Hoa Kỳ, họ nhận được 12 năm độc quyền bán các dược phẩm cấp cứu nhất định. Các sản phẩm phổ thông tương đương có chi phí thấp bị cấm trong thời gian này. Việc cấm cạnh tranh đã khiến giá thuốc tăng mạnh, làm giá với những người bệnh đang tuyệt vọng về thuốc cấp cứu. Sự gia tốc của chi phí thuốc men ở Hoa Kỳ cũng làm cho phí bảo hiểm trở nên quá đắt đỏ. Sự bảo vệ kéo dài nhiều năm dành cho “các hãng dược phẩm lớn” để ngăn chặn các sản phẩm phổ thông giờ đây cũng được áp dụng trong TPP. Những người bệnh và cần thuốc cấp cứu tại 11 quốc gia – hầu hết là nghèo và thuộc giai cấp công nhân – sẽ không nhận được các thuốc cấp cứu phổ thông giá thấp hơn, cũng giống như ở Hoa Kỳ.

Số năm bảo vệ giá tối thiểu trước thuốc phổ thông theo TPP được cho là từ 5 đến 8 năm. Nhưng 5 đến 8 năm có thể gia hạn tới 11 năm. Hàng triệu người ở trên 11 quốc gia, vốn có thể mua thuốc phiên bản phổ thông và giữ mạng sống của mình, sẽ phải đợi hơn một thập kỷ để làm điều đó.

Một lĩnh vực khác là chế tạo phụ tùng ô tô. Hoa Kỳ đã đồng ý cho phép phụ tùng ô tô Nhật Bản được nhập khẩu nhiều hơn vào Hoa Kỳ. Nhưng chúng sẽ là phụ tùng ô tô Nhật Bản được chế tạo tại các nhà máy ở Trung Quốc. Đổi lại, các công ty ô tô Hoa Kỳ sẽ được phép mở nhiều nhà máy hơn ở Đông Nam Á. Cả hai điều khoản này đều dẫn đến tổn thất công ăn việc làm ở Hoa Kỳ.

Một điều khoản chết chóc khác liên quan đến doanh nghiệp thuốc lá. Trước đây doanh nghiệp thuốc lá có những tranh chấp với các chính quyền cố gắng giảm nạn hút thuốc, giờ đây doanh nghiệp thuốc có thể kiện chính quyền về việc đó. Tranh chấp sẽ được phân xử ở tòa hòa giải đặc biệt của TPP. Có nghĩa những giới hạn đối với việc bán thuốc lá sẽ chỉ mang tính hình thức. Ngược lại điều đó cũng có nghĩa là chính quyền không được phép giới hạn các sản phẩm thuốc lá bằng luật và quy định. Họ phải tới tòa hòa giải của TPP để theo đuổi các nỗ lực giới hạn việc bán thuốc lá, tại đó các doanh nghiệp có thể trì hoãn quyết định trong nhiều năm trong khi vẫn tiếp tục kinh doanh.

TPP nói chung sẽ tạo cho doanh nghiệp nhiều quyền hơn. Với TPP, họ có thể kiện chính quyền để ngăn chặn luật hay quy định mâu thuẫn với hiệp định TPP. Muốn làm gì đó với việc “làm giá” của các hãng dược phẩm lớn như ở Hoa Kỳ? Hãy quên đi. Lập pháp quy định về việc làm giá mâu thuẫn với hiệp định. Muốn điều tiết ư? Hãy quên đi, gặp lại anh ở tòa hòa giải của TPP.

Việc cấm mọi luật và quy định mâu thuẫn với TPP có nghĩa là dân chủ và chủ quyền quốc gia không tồn tại, nếu như chúng không tuân thủ hiệp định thương mại mà các doanh nghiệp tự đàm phán. Do vậy, TPP thể hiện một bước nhảy vọt quan trọng đối với hệ thống chính trị doanh nghiệp toàn cầu, ở đó lợi ích kinh tế của doanh nghiệp cao hơn chính quyền quốc gia, các đại biểu dân cử và chủ quyền của nhân dân.

Bán TPP 

Chính quyền Obama đã công khai tuyên bố TPP sẽ giảm thuế quan của Hoa Kỳ đối với 18.000 mặt hàng xuất khẩu. Điều này sẽ làm giảm chi phí của doanh nghiệp Hoa Kỳ khi họ bán hàng sang nước khác và tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu. Tuy vậy, không có gì ngăn chặn các quốc gia khác hạ giá đồng tiền của họ để vô hiệu hóa việc cắt giảm thuế quan. Nhật Bản và 11 quốc gia khác đã làm điều đó và sẽ tiếp tục làm chừng nào mà kinh tế toàn cầu còn trì trệ. Nhật Bản là nước thao túng tiền tệ lớn nhất, giảm giá đồng Yen hơn 20% so với đồng dollar, nhưng không người Mỹ nào phàn nàn. Trái lại họ phàn nàn về việc Trung Quốc “thao túng” đồng nội tệ, ngay cả khi đồng tiền của Trung Quốc đã bị neo vào đồng dollar trong nhiều năm.

TPP không thực sự là để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ. TPP là để tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào các nước khác, sau đó tái xuất khẩu từ những nước có chi phí thấp trở lại Hoa Kỳ mà không phải đóng thuế, do vậy thu được lợi nhuận cao hơn. TPP cũng hướng tới việc bao vây Trung Quốc. 

Sáng kiến kinh tế toàn cầu mới đây của Trung Quốc đã chống lại Hoa Kỳ, thách thức sự thống trị kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ. Ngân Hàng Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á mới được Trung Quốc thiết lập, sáng kiến thương mại “con đường tơ lụa” của họ, khu vực tự do thương mại Châu Á của họ, việc IMF sắp tới chấp thuận đồng tiền của họ, đồng Nhân Dân Tệ, như là đồng tiền dự trữ và thanh toán toàn cầu, quan hệ kinh tế sâu sắc của họ với Anh Quốc, Đức cũng như các quốc gia Châu Âu khác đã chống lại Hoa Kỳ. Do vậy, việc thông qua TPP đóng vai trò đòn trả đũa chiến lược của Hoa Kỳ trước những sáng kiến và xung lực kinh tế của Trung Quốc. Nếu như TPP thất bại, xung lực kinh tế chắc chắn sẽ được gia tốc. Điều này sẽ làm cho chiến lược bao vây Trung Quốc về chính trị và quân sự của Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn. Do vậy, TPP là điểm mấu chốt trong chính sách nói chung của Hoa Kỳ ở Châu Á – kinh tế, chính trị và quân sự.

TPP và di sản tự do thương mại của Obama 

TPP là đứa con tinh thần của doanh nghiệp đa quốc gia Hoa Kỳ, những người đã yêu cầu hiệp định tự do thương mại khu vực Thái Bình Dương ngay khi tổng thống Obama nhậm chức vào năm 2009. Một sự đáp ứng nhanh chóng trước sức ép của doanh nghiệp đa quốc gia Hoa Kỳ, vào đầu năm 2010 Obama đã chỉ định người sau này là giám đốc điều hành của General Electric Corporation, Jeff Immelt, đảm nhiệm sáng kiến của chính quyền để mở rộng tự do thương mại. Cùng với những khuyến nghị để bảo vệ bản quyền của Hoa Kỳ và mở rộng miễn thuế cho các nhà xuất khẩu, Ủy Ban Immelt đã đưa ra đề xuất cho TPP vào năm 2010. 

Mặc dù Obama đã tranh cử vào năm 2008 với lời hứa đàm phán lại các hiệp định tự do thương mại gây tổn thất hàng triệu việc làm của công nhân Mỹ, như NAFTA, cũng như hứa hẹn không ký kết các hiệp ước mới, ông ta đã nhanh chóng tham gia, thúc đẩy và ký kết các hiệp định thương mại mới với Châu Mỹ Latin (Panama, Colombia) và châu Á (Hàn Quốc).

Trên thực tế, Obama hoặc là khởi sự hoặc là tiếp tục các đàm phán tự do thương mại song phương với không dưới 18 quốc gia khác nhau kể từ khi nhậm chức. Bên cạnh đó là đàm phán tự do thương mại đã được tiến hành với 20 nước thuộc Liên Minh Châu Âu, cũng như các hiệp ước tự do thương mại đa phương được bắt đầu với nhiều nước Trung Đông.

Do đó, một trong những di sản tăm tối của Obama sẽ là việc thừa nhận rằng ông ta là người thúc đẩy tự do thương mại vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ - vĩ đại hơn cả những người tiền nhiệm như George W. Bush và Bill Clinton. Mặc dù vậy, di sản tăm tối đó trước hết phụ thuộc vào việc thông qua TPP. Nếu như hiệp định được thông qua vào năm 2016, có nhiều khả năng, TPP chắc chắn sẽ đóng vai trò như là “khuôn mẫu” cho các hiệp định đang được xem xét liên quan tới hơn 50 quốc gia, những nước sẽ nhanh chóng nhập cuộc khi TPP được phê chuẩn. Cuộc đấu tranh chống lại tự do thương mại mới chỉ bắt đầu. Xếp hàng sau TPP là các hiệp định tự do thương mại với nhiều nước khác.

Jack Rasmus is the author of the forthcoming book, ‘Systemic Fragility in the Global Economy’, by Clarity Press, 2015. He blogs at jackrasmus.com

His website is www.kyklosproductions.com 
and twitter handle, @drjackrasmus.

Sunday, October 11, 2015

Trung Quốc cho Việt Nam thuốc chữa sốt rét còn Mỹ cho Việt Nam chất độc màu da cam

Trong bài viết "For Vietnam: Artemisinin From China, Agent Orange From America", giáo sư John Walsh so sánh về nỗ lực của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã thất bại trong việc phát triển thuốc chữa bệnh sốt rét trong khi Trung Quốc nghèo nàn hơn lại thành công. Thuốc chữa bệnh sốt rét đóng vai trò rất quan trọng trong việc cứu sống nhiều triệu mạng người, nỗ lực của Trung Quốc đã được công nhận rất muộn bằng giải Nobel sinh học/y học. Ngay cả khi phải thừa nhận thành công của Trung Quốc, truyền thông phương Tây cũng không quên xuyên tạc, bóp méo sự thật để hạ thấp Trung Quốc. 


Chiến dịch Ranch Hand, rải chất độc màu da cam ở Việt Nam
Một nửa giải Nobel về y học hoặc sinh lý học sẽ được trao cho Tu Youyou vì khám phá ra thuốc artemisinin chống lại bệnh sốt rét. Nhiều người nghiên cứu khoa học công nghệ sinh học cảm thấy điều này đã bị trì hoàn quá lâu.

Phát hiện ra artemisinin đã cứu sống hàng triệu người. Giải Nobel là một thừa nhận xứng đáng đối với tiến sĩ Tu, đối với Trung Quốc và vai trò tiến bộ của phụ nữ trong khoa học ở Trung Quốc cũng như khắp thế giới.

Đây là câu chuyện kể thú vị về phát kiến của bác sĩ Tu. Tờ The Hindu của Ấn Độ đã công bố câu chuyện ở đây:
(Vào những năm 1960, Bắc Việt và Việt Cộng đang có chiến tranh chống lại sự xâm lược quy mô lớn của Hoa Kỳ, bệnh sốt rét lan tràn trong khu vực. jw) Đấu tranh với căn bệnh sốt rét đang tàn phá quân đội, thủ tướng Hồ Chí Minh [1] của Việt Nam yêu cầu chủ tịch Mao thiết lập một chương trình nghiên cứu quân sự bí mật để điều trị bệnh sốt rét với thuốc truyền thống của Trung Quốc. Dự án 523 (có thể được khởi sự vào ngày 23 tháng 5) bắt đầu nghiên cứu cách điều trị vào năm 1967. Chương trình được chính thức kết thúc vào năm 1981.
Sự thúc giục của Mao dẫn đến khám phá của Tu 

Trong gần hai thiên niên kỷ, các thầy thuốc Trung Quốc đã sử dụng lá cây thanh hao hoa vàng để chữa sốt. Nhóm của Tu đã thu thập 2.000 công thức với 640 loại thảo mộc, từ đó Tu thu gọn lại thành một số ứng cử viên tiềm năng. Dự án dẫn đến việc khám phá ra thuốc chữa sốt rét artemisinin, là một trong những sự chuyển hóa thành công nhất liệu pháp truyền thống thành phương thuốc hiện đại.

“Trong vài năm, hàng trăm nhà khoa học đã thử nghiệm hàng ngàn chất tổng hợp nhân tạo mà không thành công, cũng cần phải biết rằng chương trình tương tự ở Hoa Kỳ cũng không đem lại kết quả gì,” một bài báo trên tờ New Scientist được xuất bản vào thứ hai sau thông báo về giải thưởng ghi nhận. “Thuốc tổng hợp không được tiếp tục, sự chú ý quay trở lại với các phương thuốc truyền thống của Trung Quốc. Chính quyền yêu cầu Học Viện Y Học Cổ Truyền Trung Quốc ở Bắc Kinh bổ nhiệm một nhà nghiên cứu để tìm kiếm các thảo mộc trong vườn của Trung Quốc cho việc chữa trị. Học viện chọn Tu, một nhà khoa học ở giữa sự nghiệp đã nghiên cứu cả thuốc Trung Quốc và phương tây, đủ hiểu biết về cả hai để thực hiện điều đó không phải là công việc đơn giản.” Tu làm theo các hướng dẫn trong văn bản cổ 1.600 tuổi đời có tên là “Đơn thuốc cấp cứu giữ mạng người”. Văn bản viết rằng cây thanh hao hoa vàng phải sắc bằng nước và uống lỏng. 

“Các nhà nghiên cứu thủ nghiệm liều thuốc trên khỉ và chuột và thấy hiệu quả 100%,” tờ New Scientist trích dẫn lời của Tu. “Chúng tôi đã tạo ra thuốc chữa sốt rét,” Tu nói. “Chúng tôi rất phấn khởi.”

Giờ là điều mà Hoa Kỳ làm cùng lúc đó, Hoa Kỳ tham gia vào cuộc chiến bất hợp pháp và tội ác ở Việt Nam dựa trên lời nói dối về sự kiện Vịnh Bắc Bộ, cáo buộc tàu chiến Việt Nam đã bắn vào tàu chiến Hoa Kỳ trên Vịnh Bắc Bộ [2]. Kết thúc cuộc xâm lược của Hoa Kỳ, có ít nhất hai triệu người Đông Nam Á đã bị giết hại, theo Robert McNamara, kiến trúc sư trưởng của cuộc chiến do JFK bổ nhiệm. Còn có nhiều người Châu Á hơn nữa bị thương và phải di cư – 50.000 người Mỹ thiệt mạng, cũng không kém phần bi thảm hơn con số nhỏ của họ.

Để chống lại cuộc chiến tranh du kích của người Việt Nam, Hoa Kỳ đã rải nhiều tấn chất độc màu da cam xuống rừng rậm và dân cư, chắc chắn là một tội ác chiến tranh khủng khiếp. Điều này gây ra các bệnh tật nghiêm trọng và dị tật bẩm sinh của hàng trăm ngàn người, một di sản vẫn đang ám ảnh người Việt Nam. Hàng chục ngàn, có thể là hàng trăm ngàn, lĩnh Mỹ cũng bị nhiễm độc.*

Nhưng sự tương phản không thể rõ ràng hơn. Trung Quốc phát triển thuốc artemisinin trong khi đế quốc Hoa Kỳ rải chất độc màu da cam tại Việt Nam. Mỗi quốc gia có sự ưu tiên của mình và một hóa chất để phục vụ.

Rõ ràng là ngày nay vẫn không hề có sự thay đổi căn bản – khung cảnh những cánh đồng chết của đế quốc chỉ chuyển sang Trung Đông trong chốc lát và đang được lên kế hoạch để quay trở lại Đông Á với móng vuốt Nhật Bản của Hoa Kỳ vào lúc này. Nếu như kẻ khát máu Hillary trở thành tổng thống, Việt Nam và Iraq sẽ chỉ như là trò trẻ con so với những tàn phá và thiệt hại nhân mạng mà bà ta sẽ mang đến Đông Á. 

Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng đây là lúc để chống lại chiến tranh và thừa nhận sự độc ác của đế quốc. Mark Twain và Andrew Carnegie đã đúng khi họ tham gia thành lập Liên Đoàn Phản Đế để phản đối cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Philippine. Từ lâu, chống chiến tranh đã không còn đủ nữa. Liên Đoàn Phản Đế thế kỷ 21 của chúng ta đâu? 

Bình luận bài đưa tin về bác sĩ Tu của tờ New York Time 

Nhìn chung, mục khoa học của tờ New York Times tương đối khách quan, tạo ra độ tin cậy cho một tờ tạp chí mà sự thật bị bác bỏ và nhào nặn điên cuồng trong phần tin tức quốc tế và chính trị. Nhưng ngay cả mục khoa học của tờ NYT cũng không thể tránh được việc tấn công kẻ thù chính thống như Trung Quốc.

Ví dụ, khi tờ Times đưa tin về thành tích của bác sĩ Tu, họ viết:
Nhưng người ta đã từ chối công nhận vị trí học giả cho bác sĩ Tu trong tổ chức khoa học danh giá nhất của Trung Quốc, dường như là bởi vì bà không được đào tạo ở nước ngoài và thiếu bằng tiến sĩ, một nhà bình luận khác cho biết. 
Đó có thể là sự thật và cũng có thể là không, nhưng tình hình đó không phải là duy nhất ở Trung Quốc. Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoa Kỳ cũng không kết nạp các nhà khoa học xuất chúng – sau đó họ lại vội vã công nhận khi các nhà khoa học gây bất ngờ và nhận giải Nobel. Tôi quen biết hai người được giải Nobel được Viện Hàn Lâm Quốc Gia công nhận “muộn” và rất nhanh chóng.

Sau đó là điều tương tự trong bài báo của tờ NYT:
Bà nói rằng bà “rất may mắn” là phụ nữ được tới trường đại học, theo một bài đăng trên blog của Songshuhui, một tổ chức phi chính phủ chuyên viết về khoa học.
Nhưng ở đây chúng ta đã không xem xét tới bối cảnh lịch sử. Bác sĩ Tu sinh năm 1930 và bà đủ lớn để tới trường đại học trước Giải Phóng vào năm 1949. Ít nhất cùng cần phải nói rằng, vào thời gian trước Giải Phóng, phụ nữ có ít quyền và là công dân hạng hai. Sau đó cùng với Giải Phóng và tuyên ngôn của Mao về việc phụ nữ “giữ một nửa bầu trời”, vị thế của phụ nữ đã tiến một bước khổng lồ chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Dĩ nhiên là hồ sơ lưu trữ của Hoa Kỳ không công nhận bất cứ thành tích nào của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Cuối cùng, có hai lý do lớn khiến Hoa Kỳ chiếm phần lớn số người được giải Nobel. Thứ nhất, Hoa Kỳ rất giàu có – mặc dù nguồn gốc của sự giàu có đó không liên quan đến chủ đề của chúng ta ở đây. Làm khoa học cần phải có rất nhiều tiền, Hoa Kỳ có sự giàu có đó. Thứ hai, nhà khoa học chúng ta đi đến nơi có tiền để có thể làm công việc của mình, đó là vấn đề ưu tiên số một đối với chúng ta. Do vậy, các nhà khoa học ngoại quốc tới Hoa Kỳ khi họ có thể. Hầu hết các những người giành giải Nobel của Hoa Kỳ được giáo dục ở quốc gia khác và là sản phẩm của hệ thống giáo dục và nền văn hóa khác. Hoa Kỳ thực chất là chỉ mua lại những khoản đầu tư. 

Dĩ nhiên sự xuyên tạc của tờ New York Times không chỉ là những điều trơ trẽn được Michael R. Gordon và các cộng sự đăng hầu như mỗi ngày trên mục tội phạm của trang nhất.

*Một ghi nhận về phát triển thuốc chữa sốt rét. Hoa Kỳ được cho là cũng có chương trình phát triển thuốc chữa sốt rét vào thời chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng bất chấp nguồn lực khổng lồ của Hoa Kỳ, họ đã thất bại trong khi Trung Hoa nghèo nàn hơn lại thành công. Khi chú ý tới việc Hoa Kỳ sẵn sàng khiến cho binh lính của họ nhiễm chất độc màu da cam, người ta không ngạc nhiên về sự nghiêm túc của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ binh lính. Nếu như vậy thì dĩ nhiên là Hoa Kỳ không thực sự nỗ lực phát triển thuốc chữa sốt rét. Đây là câu hỏi đáng để đặt ra.


Prof. John V. Walsh, MD, can be reached at john.endwar@gmail.com. He usually does not include his title in a little bio like this, but in this case the political essay above involved a bit about science. Can be reached at John.Endwar@gmail.com

Chú thích của người dịch:

[1] Giáo sư John V. Walsh đã nhầm lẫn, thủ tướng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ những năm 1955 trở đi là Phạm Văn Đồng chứ không phải Hồ Chí Minh. 

[2] Hoa Kỳ đã can dự vào Việt Nam từ những năm 1954 khi viện trợ cho Pháp để chống lại Việt Minh. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ chính thức đưa quân đội vào chiếm đóng miền Nam Việt Nam và ném bom miền Bắc Việt Nam.

Wednesday, December 31, 2014

Lý do chủ nghĩa tư bản sẽ là cái chết của chúng ta

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bình luận ngắn "Why Capitalism Will be the Death of Us" của tác giả William Blum về vấn đề y tế trong chủ nghĩa tư bản.

Lý do chủ nghĩa tư bản sẽ là cái chết của chúng ta

Vi khuẩn kháng kháng sinh - "những siêu rệp" - nhưng vẫn chưa được nghiên cứu, có thể dẫn đến 10 triệu cái chết mỗi năm cho đến năm 2050. Các loại thuốc mới chống lại những siêu rệp được được chờ mong vô vọng. Nhưng một nhóm cộng tác viên cố vấn cho tổng thống Obama đã cảnh báo vào tháng 9 rằng "không có kênh cung cấp hiệu quả các loại thuốc mới để thay thế các loại thuốc cũ bị kháng kháng sinh vô hiệu hóa."

Vấn đề dường như là "Kháng sinh nhìn chung mang lại lợi nhuận thấp, nên chúng không phải là lĩnh vực hấp dẫn đối với nghiên cứu và phát triển."

A ha! "Lợi nhuận thấp"! Có gì đơn giản hơn nữa? Đó có phải là khái niệm đáng để giết hại và chết chóc? Giống như hàng triệu người Mỹ đã chết trong thế kỷ 20 để các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách không bảo vệ công chúng trước thuốc lá, chì và a-mi-ăng.

Các doanh nghiệp được lập trình để tối ưu hóa lợi nhuận bất chấp cái xã hội mà họ hoạt động trong đó, cũng giống như cách mà các tế bào ung thư được lập trình để nhân lên bất chấp sức khỏe của sinh vật chủ.

Wednesday, October 8, 2014

Chăm sóc trẻ em dưới ba tuổi

Ở Việt Nam hiện nay bà mẹ chỉ được nghỉ 6 tháng sau khi sinh con, nhưng nhà trẻ công chỉ nhận trẻ em từ ba tuổi. Thế là nảy sinh ra vấn đề quan trọng, từ 6 tháng đến 3 tuổi trẻ em sẽ được chăm sóc ra sao khi mẹ phải đi làm. Thông thường nhất là trông cậy vào ông bà (nếu ông bà còn khỏe) hoặc nhà có điều kiện kinh tế thì thuê người giúp việc. Một lựa chọn khác là gửi nhà trẻ tư, nhưng nhà trẻ tư thì nhận chỉ nhận trẻ từ 1 tuổi, tức là cho đến khi trẻ tròn 1 tuổi thì gia đình vẫn phải tự xoay sở. 

Ở các nước Châu Âu như Đức thì bà mẹ được nghỉ làm ở nhà hưởng lương để chăm sóc con, cho đến khi trẻ đủ tuổi đi nhà trẻ. Còn ở Mỹ thì tình hình cũng như Việt Nam, tức là có một hệ thống đa dạng các nhà giữ trẻ công cũng như tư, và người giúp việc, để trông trẻ khi bố mẹ đi làm. Các ông bố bà mẹ ở Mỹ cũng như Việt Nam đều phải đối đầu với tình trạng khó kiếm nơi giữ trẻ và lo lắng về chất lượng của nơi giữ trẻ. Đối với trẻ dưới ba tuổi thì yếu tố hàng đầu là chăm sóc sức khỏe, nếu được chăm sóc sức khỏe tốt, đứa trẻ sẽ phát triển tốt và ít bệnh tật. Các cơ sở giữ trẻ tư nhân thì chủ yếu làm công việc trông trẻ chứ không đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em, vì điều đó quá đắt đỏ. Ở Việt Nam thì gần đây báo chí hay đưa tin về các nhà ngục trẻ em, tức là các nhà giữ trẻ tư nhân nhưng thường đánh đập và hành hạ trẻ em. Bố mẹ của trẻ, đặc biệt là tầng lớp lao động có thu nhập thấp thì chỉ còn trông chờ vào may mắn, hy vọng con mình không rơi vào một trong những nhà ngục đó.

Trước đây khi Liên Bang Soviet chưa sụp đổ thì họ đã có cách giải quyết rất đáng chú ý đối với vấn đề này. Các cơ sở chăm sóc trẻ em dưới ba tuổi có thể do bất cứ đơn vị sản xuất nào như nhà máy, doanh nghiệp hay nông trại xây dựng ở gần nơi làm việc để các bà mẹ có thể cho con ăn, và thời gian cho con ăn vẫn được tính là giờ là việc. Các cơ sở này được Bộ Y Tế giám sát, có chức năng chủ yếu là chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và được một bác sĩ điều hành. Trẻ em được dạo chơi, được nghe các bài hát dân gian do một cô điều dưỡng hát và được ăn đúng giờ ngủ đủ giấc. Giờ giữ trẻ tuân theo giờ làm việc của bà mẹ, có nghĩa là cơ sở sẽ trông trẻ cả ban đêm nếu bà mẹ phải làm ca đêm.

Điều mấu chốt ở đây là các cơ sở của chế độ Xô Viết được đặt dưới sự giám sát của Bộ Y Tế chứ không phải Bộ Giáo Dục, cho thấy cách đây nửa thế kỷ họ đã nhận thức rất đúng đắn về vấn đề trẻ em dưới ba tuổi. Thứ hai là giờ cho con ăn được tính là giờ làm việc, riêng điểm này thì họ tiến bộ hơn xã hội hiện nay rất xa. Điểm thứ ba là các cơ sở có thể được lập ra theo nhu cầu của từng đơn vị sử dụng lao động nên tránh được tình trạng thiếu nơi giữ trẻ như Việt Nam đang phải đối đầu. 

Nhân đọc sách cũ mà ghi lại vài ý vậy.

Thursday, May 22, 2014

Công an đã xong việc còn bộ y tế thì sao?

Ngày 22 tháng 5, công an tỉnh Quảng Trị đã có kết luận điều tra về vụ tiêm nhầm thuốc dẫn đến cái chết của 3 trẻ em ở Quảng Trị. Nội dung toàn bộ vụ việc có thể tham khảo trên báo Nhân Dân. Ngành công an đã làm xong việc của họ, song kết quả điều tra cho thấy phía Bộ Y Tế còn rất nhiều việc phải làm, đây là lúc bộ trưởng bộ y tế cho mọi người thấy quyết tâm và sức mạnh của bà.


(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thứ nhất, việc quản lý tủ thuốc của bệnh viện rất lộn xộn. Thuốc gây mê Esmeron được để chung với vắc xin viêm gan B một cách tùy tiện, chỉ ghi chú bằng bút lông phía ngoài vỏ hộp. Việc đặt thuốc gây mê lẫn vào vắc xin trong tủ diễn ra hai ngày trước đó nhưng nữ hộ sinh có thể không được lưu ý, do không thấy bệnh viện đưa ra bất cứ quy trình nào nhằm thông báo hay cập nhật về tình trạng thuốc trong tủ cho những người có thể tiếp cận tủ thuốc. Điều nguy hiểm nữa là, mọi người đều có thể tự vào phòng lấy thuốc dễ dàng mà không qua bất cứ khâu kiểm tra hay theo dõi nào nên khi lấy nhầm thuốc cũng không ai biết và lấy thuốc không rõ mục đích cũng không ai biết. Nữ hộ sinh sau khi lấy nhầm ba lọ thuốc đầu với lệnh của bác sĩ, lại có thể dễ dàng lấy tiếp ba lọ thuốc khác để ngụy tạo hiện trường. 

Thứ hai, nữ hộ sinh là một người không biết ngoại ngữ, không có chuyên môn sâu về thuốc, trên thực tế không biết thuốc Esmeron là thuốc gì hay phân biệt được nó với vắc xin viêm gan B, nhưng lại được phép tự đi lấy thuốc để tiêm trực tiếp cho trẻ em mà không phải trải qua bất cứ một khâu kiểm tra xác nhận lại nào. Như vậy, rủi ro sai lầm rất dễ xảy ra. 

Thứ ba, nữ hộ sinh gây ra vụ tiêm thuốc nhầm chưa được tập huấn và cấp chứng chỉ tiêm chủng trẻ em, nhưng bệnh viện vẫn để cho người này tiêm vắc xin cho trẻ em. Như vậy, nữ hộ sinh này tiêm thuốc theo kinh nghiệm thông thường, không có những kiến thức cần thiết về tiêm chủng trẻ em. Điều này cũng không kém phần nguy hiểm, ngay cả khi tiêm đúng thuốc thì việc không tuân thủ đúng quy trình và thiếu những kiến thức cần thiết để theo dõi cũng có thể gây ra rủi ro cho trẻ được tiêm vắc xin. Việc quản lý tiêm chủng cho trẻ em cần được xem xét lại.

Thứ tư, sau khi nữ hộ sinh tiêm nhầm thuốc, trung tâm y tế dự phòng đã cấp chứng chỉ tiêm chủng trẻ em cho nữ hộ sinh để đối phó với đoàn kiểm tra. Rõ ràng việc quản lý cấp chứng chỉ rất lỏng lẻo, đến nỗi người ta có thể cấp chứng chỉ cho một nữ hộ sinh chưa qua tập huấn và kiểm tra. Trung tâm y tế dự phòng đã che dấu sự thiếu trách nhiệm trong quản lý tiêm chủng của họ, những người chưa được tập huấn hay chưa có chứng chỉ đều có thể tiêm chủng cho trẻ em. Đây chính là vấn đề bộ y tế cần vào cuộc.

Mặc dù vụ việc được coi là sai sót cá nhân, nhưng qua những điều đã nêu trên thì sai sót cá nhân đó xảy ra trong bối cảnh việc quản lý chuyên môn của ngành y tế hết sức lộn xộn, đây chính là lúc bộ y tế nên nhanh chóng chấn chỉnh lại. Công an có thể điều tra phơi bày sự việc, có thể quy trách nhiệm cho một cá nhân, nhưng họ không thể quản lý bệnh viện thay ngành y tế.