Saturday, September 27, 2014

Rosa Park và những điều các nhà dân chủ ở Việt Nam không nói đến

Các đại diện của phong trào dân chủ Việt Nam thường lấy tấm gương Rosa Park, một phụ nữ da đen đấu tranh cho quyền bình đẳng ở Mỹ vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, để làm hình mẫu phong trào dân chủ Việt Nam. Chỉ cần một người bình thường, dũng cảm đứng lên đấu tranh là có thể thúc đẩy phong trào dân chủ hay nhân quyền tiến tới. Song sự thật ra sao?

Nhà báo Huy Đức, thường được biết đến dưới cái tên Osin viết trong bài báo đăng trên tờ Tuổi Trẻ vào năm 2005 về diễn biến vụ Rosa Park như sau:

Ngày 1-12-1955, sau một ngày làm việc, Rosa Parks, năm ấy 42 tuổi, leo lên một chiếc xe buýt và ngồi vào hàng ghế phía trước, phần được ghi là dành riêng cho người da trắng. Dù được yêu cầu Rosa vẫn không chịu đứng lên. Bà bị bắt. Luật của tiểu bang Alabama khi đó buộc những người da đen như bà phải ngồi ở những hàng ghế sau và lúc nào có yêu cầu đều phải nhường chỗ cho những người da trắng.

Tường thuật đó hoàn toàn sai lệch với những gì xảy ra trong thực tế. Hồi đó các xe bus ở Montgomery được chia làm ba khu vực. Bốn hàng ghế đầu tiên được dành riêng cho người da trắng, người da đen phải ngồi ở các hàng ghế ở cuối xe, và một hàng ghế ở giữa xe thì người da đen có thể ngồi nếu không có người da trắng ngồi ở đó, nếu có người da trắng muốn ngồi ở hàng ghế giữa xe thì tất cả người da đen đang ngồi ở hàng giữa phải rời khỏi hàng ghế đó.

Vào ngày hôm ấy, hàng ghế dành riêng cho người da trắng đã kín chỗ, và hàng ghế ở giữa có bốn người da màu ngồi, Rosa Park là một trong số những người da màu đó. Một người da trắng mới lên xe phải ngồi vào hàng ghế giữa, theo luật cả bốn người da màu phải rời khỏi hàng ghế giữa. Ba người da màu đã thực hiện trừ Rosa Park.

Câu chuyện là như vậy nhưng nhà báo (hiện giờ là nhà dân chủ) của chúng ta đã bịa ra chuyện Rosa Park ngồi vào hàng ghế dành riêng cho người da trắng. Không bao giờ Rosa Park có thể làm như vậy vì ngay lập tức bà sẽ bị ném khỏi xe bus. Thậm chí sau đó có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình, vì đó không phải là phản kháng mà là khiêu khích. Người da trắng không ngồi gần người da đen, nên nếu Rosa Park ngồi vào khu vực dành riêng cho người da trắng thì có nghĩa là bà đuổi tất cả người da trắng xuống khỏi xe bus. 

Điều mà các nhà dân chủ ở Việt Nam không bao giờ nói đến là trước khi sự kiện Rosa Park xảy ra đã có nhiều nỗ lực của người da màu đấu tranh cho quyền bình đẳng, nhiều người đã hành động tương tự như Rosa Park. Họ bị bắt, bị đưa ra tòa và bị kết án, hầu như không có hiệu quả hay tạo thu hút được sự chú ý của công chúng. Ví dụ chỉ vài ngày trước Rosa Park đã có một cô gái da màu 15 tuổi đang mang bầu tên là Caludette Colvin, trên một chuyến xe bus ở chính Montgomery cũng đã từ chối rời khỏi hàng ghế giữa khi có người da trắng muốn ngồi, theo giáo sư Noam Chomsky trong cuốn "Nhận diện quyền lực" đã xuất bản ở Việt Nam thì Hiệp Hội Quốc Gia Vì Sự Tiến Bộ Của Người Da Màu (NAACP) đã nhận định Colvin không phải là biểu tượng thích hợp để phát động phong trào. Rất nhiều người đã đấu tranh bền bỉ trong nhiều thập kỷ và đến sự kiện Rosa Park, khi tổ chức của họ đã thực sự vững mạnh và thời cơ đã chín muồi thì phong trào đòi bình đẳng mới đạt được thắng lợi quan trọng. Sự kiện Rosa Park chỉ là một trong số rất nhiều nỗ lực đấu tranh của phong trào nhân quyền. Sự khác biệt căn bản là vụ Rosa Park không phải là một hành động bột phát ngẫu nhiên vì mệt mỏi hay bức xúc, đó là một hành động có chủ ý trong một chiến dịch được tổ chức tốt. Theo tác giả Aldon Morris trong cuốn "The Origin of Civil Rights Movement" thì chiến dịch tẩy chay xe bus ở Montgomery đã được NAACP lên kế hoạch cẩn thận và chọn Rosa Park làm người châm ngòi nổ. 

Rosa Park không phải là một người phụ nữ bình thường, học vấn thấp như truyền thông chính thống Hoa Kỳ và các đại diện của phong trào dân chủ Việt Nam vẫn mô tả. Thực tế bà được NAACP chọn làm biểu tượng vì bà hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết cho chiến dịch của họ, cả về giới tính, gia đình, độ tuổi lẫn học vấn và trình độ chính trị. Mặc dù chỉ có bằng tốt nghiệp trung học, song Rosa Park thuộc về một nhóm rất nhỏ có học vấn cao trong cộng đồng người da màu vì vào thời đó chỉ có 7% người da màu tốt nghiệp trung học. Điều quan trọng nhất là Rosa Park được đào tạo và hoạt động nhiều năm trong phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu. Chồng của Rosa Park là một nhà hoạt động đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu thuộc NAACP. Bản thân Rosa Park hoạt động rất tích cực trong phong trào đăng ký cử tri và bảo vệ quyền lợi cho người da màu ngay từ khi còn trẻ. Từ năm 1943, Rosa Park đã là thư ký của chi nhánh NAACP ở địa phương. Cần nói thêm là thư ký cho một tổ chức chính trị thì không phải là người làm các công việc ghi chép thông thường, thực tế đó là một chức vụ lãnh đạo. Năm tháng trước khi xảy ra sự kiện trên xe bus, Rosa Park đã theo học tại trường Highlander Folk, đó là nơi chuyên đào tạo các nhà hoạt động cho phong trào chính trị của công nhân, có lẽ là sự chuẩn bị cho chiến dịch sau này.

Cuối cùng, phe cực hữu của Mỹ thời đó đã nhanh chóng đưa ra các bằng chứng cho thấy Rosa Park có liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng Sản Mỹ, nhằm tố cáo bà là cộng sản. Họ đã không chứng minh được Rosa Park là thành viên của Đảng Cộng Sản Mỹ, nhưng việc Rosa Park được huấn luyện và chịu ảnh hưởng của những người cộng sản Mỹ thì rất rõ ràng. Trường Highlander Folk mà Rosa Park theo học do Myles Horton và James Dombroski, hai đảng viên Đảng Cộng Sản Mỹ, lập ra vào năm 1932 để đào tạo các nhà hoạt động cho phong trào Cộng Sản. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Montgomery, Alamamba được NAACP chọn làm nơi phát động phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da màu, ở đó cộng đồng dân cư địa phương chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa cộng sản và được tôi luyện trong các phong trào công nhân nên họ hiểu biết sâu sắc về chính trị, can đảm, có kỷ luật và được tổ chức tốt. Thực tế cho thấy NAACP đã lựa chọn đúng và Montgomery trở thành điểm đột phá trong phong trào đòi nhân quyền cho người da màu.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây không chỉ là việc bóp méo sự thật, chống lại phong trào của giai cấp lao động bằng cách biến nó thành một thứ huyền thoại ngớ ngẩn về chủ nghĩa anh hùng cá nhân, mà còn là ở chỗ các nhà dân chủ ở Việt Nam cố biến một thành công của những người cộng sản thành tấm gương để khích lệ việc chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Một năm sau bài viết trên tình cờ tôi được đọc một bài viết bằng tiếng Anh, có nội dung gần giống với bài viết của mình nhân dịp kỷ niệm sự kiện Rosa Park: Today in history: Rosa Parks takes a stand by sitting down

Thursday, September 25, 2014

Tự do ngôn luận

Có một lần tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam, ông ta kết luận là ở Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận. 

Obama đăng lên twitter đầy tự hào: Ở Mỹ, bất cứ ai cũng có thể đi ra phố và hét lên rằng "Obama là đồ khốn".

Một người Việt Nam liền bình luận ngay sau đó: Tại sao mọi người ở Mỹ lại đi ra phố và hét lên "Obama là đồ khốn"?

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Tuesday, September 23, 2014

Những vụ bắn hạ máy bay trong hệ thống tuyên truyền

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Plane Shootdowns in the Propaganda System" của giáo sư người Mỹ chuyên nghiên cứu về kinh tế và chính trị quốc tế Edward S. Herman, để có một cái nhìn so sánh về cách thức truyền thông chính thống đưa tin các vụ bắn hạ máy bay dân sự.

Cách thức truyền thông Hoa Kỳ đổ lỗi vụ bắn hạ máy bay dân sự số hiệu 17 của hãng hàng không Malaysia cho “những người ly khai” miền đông Ukraina và đặc biệt là Putin và Nga, tuân thủ theo một kịch bản đã có từ lâu về việc chấp nhận nhanh chóng và đầy phẫn nộ các cáo buộc chính thống phục vụ cho chính trị, bất chấp các kỷ lục lừa dối đã có về vấn đề này. Nếu chúng ta tập trung vào hành xử của truyền thông trong các trường hợp Hoa Kỳ hay Israel bắn hạ máy bay dân sự, sự tương phản và tiêu chuẩn kép sẽ đầy bi kịch và thậm chí là lố bịch.

Khi Họ làm điều đó

KAL-007. Trường hợp yêu thích của tôi là vụ Soviet bắn hạ máy bay KAL-007 của hãng hàng không Hàn Quốc vào ngày 31 tháng 8 năm 1983. Đó là thời kỳ mà chính quyền Reagan đang trong thời kỳ chạy đua vũ trang và liên minh tấn công “đế chế ma quỷ”. Như âm mưu ám sát Giáo hoàng vào năm 1981, sự kiện đó đã được chào đón như một cơ hội tuyên truyền tuyệt vời, chính quyền lên án Liên Bang Soviet nhanh chóng và đầy phẫn nộ. Chiếc máy bay đã rời quá xa đường bay và bay trên bầu trời Soviet cũng như phía trên căn cứ hải quân của Soviet, nó cũng không phản hồi lại điện đàm của máy bay chiến đấu Soviet. Một trường hợp tốt nhất có thể tạo ra là chiếc máy bay thực hiện nhiệm vụ quân sự đồng thời chuyên chở hành khách dân sự (P.Q. Mann, “Reassessing the Sakhalin Incident,” Defense Attache, June 1994; David Pearson, “K.A.L. 007,” the Nation, August 25, 1984). Cáo buộc của chính quyền Reagan là Soviet đã cố ý bắn hạ máy bay dân sự – được biên tập cho truyền thông để phục vụ cho lời tuyên truyền dối trá – mặc dù các trao đổi thông điệp điện đàm đã cho thấy là Soviet không xác định được chiếc máy bay đó là dân sự. 

Truyền thông tham gia chiến dịch tuyên truyền này rất hăng hái, lên án Soviet là “man rợ” và can dự vào vụ “sát hại máu lạnh”. Tờ New York Times đã đăng 147 tin tức về vụ bắn hạ chỉ riêng trong tháng 9 năm 1983, tổng số cột báo dài tới gần 71 m, và trong 10 ngày liên tục họ xuất bản các bản đặc biệt của tạp chí về sự kiện này. “Hành động dã man” của Liên Bang Soviet theo như James Reston mô tả là “tự gánh lấy sự căm hờn của thế giới văn minh” (NYT, September 4, 1983). Bài xã luận của tờ Times vào ngày 2 tháng 9 đề cập rằng “Không thể có lời xin lỗi chính đáng đối với bất kỳ quốc gia nào bắn hạ máy bay dân sự vô hại”.

Chiến dịch tuyên truyền là một thành công lớn của Hoa Kỳ, khi Liên Bang Soviet bị tổn hại danh tiếng và phải chịu sự tẩy chay tạm thời ở khắp các sân bay trên thế giới. Như phóng viên Bernard Gwertzman ghi nhận một năm sau thảm kịch, các quan chức Hoa Kỳ “xác nhận sự chỉ trích toàn cầu đối với hành xử của Soviet trong cuộc khủng hoảng đã gia tăng sức mạnh cho Hoa Kỳ trong các tác động với Moscow” (NYT, August 31, 1984). Khi các bằng chứng cho thấy KAL-007 thực hiện nhiệm vụ do thám, và khi chính quyền Reagan lặng lẽ thừa nhận rằng phi công Soviet không biết đó là máy bay dân sự, bằng chứng mới đó đã bị tảng lờ, hoàn toàn không được chú ý tới hay bị coi như chưa được chứng minh hoặc tuyên truyền của Soviet. Nó hoàn toàn không gây trở ngại cho chiến thắng của truyền thông. Gwertzman không cần phải dè dặt khi tuyên bố về một chiến thắng mãn nguyện của chiến dịch truyền thông chính thống trước sự dã man.

Vào ngày 18 tháng 1 năm 1988, tờ New York Times xuất bản bài xã luận có tiêu đề “Lời nói dối rằng đó không phải là bắn hạ”. Trong đó các biên tập viên thừa nhận rằng chính quyền Reagan đã biết trong vòng vài giờ sau vụ bắn hạ là Soviet không coi máy bay 007 là máy bay dân sự và chính quyền đã “đánh lừa người dân Mỹ cũng như thế giới”. Nhưng bản thân tờ báo cũng là một phần của chương trình nói dối, khi nó nhảy bổ vào các lên án phẫn nộ và đưa tin ồ ạt mà không có chút hoài nghi hay bất cứ nỗ lực điều tra nào. Cần biết rằng năm năm sau đó tờ báo đã thừa nhận rằng họ là một thành viên có lỗi của truyên truyền và đã không thực hiện bất cứ điều tra nào để đưa ra kết luận. Sau năm năm, tờ báo đã bỏ qua hay lảng tránh đưa thông tin về các nỗ lực điều tra nhằm tìm kiếm sự thật về vụ việc, các biên tập viên ưu tiên bỏ qua việc lời nói dối mà họ đã hung hăng và cấp tốc gieo rắc khắp nơi được làm rõ bởi những người khác.

Pan Am-103. Tờ Times và các đồng sự chính thống của họ làm báo rất tệ nhưng tuyên truyền rất tốt trong vụ đánh bom và rơi máy bay Pan Am-103 vào tháng 12 năm 1988 tại Lockerbie, Scotland , khiến 270 người thiệt mạng. Ngay lập tức Iran bị nghi ngờ là đứng sau vụ đánh bom, và vụ việc nhanh chóng trở thành lời cáo buộc Tổng Chỉ Huy Mặt Trận Nhân Dân Giải Phóng Palestine (PFLP-GC) hành động theo lệnh của Iran. Vụ việc được tin rằng là để trả đũa việc Hoa Kỳ bắn hạ máy bay số 655 của hãng hàng không Iran, một máy bay dân sự với 299 người thiệt mạng, vào tháng 7 năm 1988, chỉ 5 tháng rưỡi trước vụ Lockerbie. Việc PFLP-GC có liên hệ với Iran được truyền thông chấp nhận và phát tán đúng lúc. Nhưng chỉ một năm sau, sự thay đổi của địa chính trị do Hoa Kỳ và Anh quốc muốn xoa dịu Syria, nơi trú ẩn của PFLP, và Iran, có ảnh hưởng ở Lebanon, để giúp họ đối đầu với Iraq và giải cứu con tin ở Lebanon. Chỉ trong thời gian ngắn, cáo buộc đối với PFLP (và gián tiếp là Iran) bị đặt sang một bên, những gã quê mùa của Muammar Qaddafi và Lybia bị coi là kẻ đánh bom.

Sự lạc quan chính trị trong vụ này đã thất bại trong việc báo động truyền thông chính thống, họ đưa tin theo mục tiêu mới mặc dù họ vẫn giữ mục tiêu cũ (khi mà mọi thứ đã được chuẩn bị tốt hơn). Lybia bị cưỡng bách phải bắt giữ hai công dân của họ, những người bị cáo buộc là thực hiện vụ tấn công và khi họ từ chối thực hiện thì “cộng đồng quốc tế” áp đặt các trừng phạt đắt giá đối với Lybia, cho tới khi họ đầu hàng và đồng ý chịu xét xử theo luật Scotland bởi quan tòa Scotland tại Camp Zeist ở Hà Lan. Các quan tòa đã phán quyết một trong số hai người Libya có tội mặc dù họ thừa nhận rằng mọi bằng chứng là “suy diễn”.

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy sự can thiệp ngay từ ban đầu khi CIA và FBI có mặt tại hiện trường vụ Lockerbie chỉ hai giờ sau khi máy bay rơi và dường như được nhà cầm quyền Scotland trao quyền (for a good account, see John Ashton and Ian Ferguson, Cover-Up of Convenience: The Hidden Scandal of Lockerbie). Quyết định là một cú sốc đối với các chuyên gia như giáo sư luật Scotland Robert Black và nhà quan sát Hoa Kỳ Hans Kochler, cả hai người cảm thấy “không thể hiểu nổi” và là “thất bại mất mặt nhất trong lịch sử tư pháp Scotland hàng trăm năm nay” (Black, in Scotsman, November 1, 2005). Lời kêu gọi và quyết định vào tháng 6 năm 2007 của Ủy Ban Thẩm Tra Các Vụ Án Hình Sự Scotland giải thích sáu cơ sở riêng biệt của quyết định năm 2001 có thể là sai lầm. Nhưng trước khi phiên tòa mới được mở, tù nhân Ali Al-Megrahi đã được thả vì lý do sức khỏe và trở về Lybia. 

Truyền thông chính thống thất bại trong việc ghi nhận sự kỳ quặc về việc chỉ một trong số những người cáo buộc bị buộc tội, khi mà các quan tòa Scotland, dưới sức ép chính trị nặng nề và định kiến của truyền thông, đã quyết định rằng họ phải quăng ít nhất một khúc xương cho những con chó như là biện pháp chính trị cần thiết. Truyền thông, trong khi thừa nhận với các quan tòa về sự suy diễn của vụ án, đã không kêu gọi sự chú ý đối với hàng loạt các vi phạm đáng chú ý trong quản lý bằng chứng và thủ tục tố tụng, điều mà Black, Kochler và dường như là Ủy Ban Thẩm Tra của Scotland. Trong số 15 bài xã luận của tờ Times về vụ hạ máy bay Pan Am 103 và liên hệ với Libya, không có bất cứ bài nào biểu lộ sự e dè dù là nhỏ nhất về quy trình hay sự xác thực của cáo buộc chống lại những người Lybia. Truyền thông tỏ ra phẫn nộ với việc phóng thích về lý do sức khỏe của Al-Megrahi, nhưng khi họ lảng tránh các quyết định và phân tích căn bản của Hội Đồng Thẩm Tra, thì họ cũng bỏ qua khả năng trong đó công bố là biện pháp tốt nhất để tránh các hệ quả của đánh giá đó. Hai người Libya bị xét xử - đặc biệt là Al-Megrahi, và Libya trong suốt nhiều năm bị trừng phạt và Kaddafi cũng như Lybia bị tô vẽ như kẻ khủng bố - đã nhận những đòn nặng nề. Đồng thời Phương Tây tô điểm cho hình ảnh của họ là chiến sĩ đấu tranh cho công lý, luật pháp và trật tự toàn cầu, trái với sự thật trong vụ việc này, các lãnh đạo của họ đã lạm dụng nghiêm trọng các nguyên tắc danh nghĩa về tư pháp dựa trên cơ sở mà họ đưa ra một cách giả định cho vụ việc.

Khi Chúng Ta làm điều đó 

Iran Air Flight 655. Chiếc máy bay dân sự của hãng hàng không Iran bị bắn hạ vào tháng 7 năm 1988 theo lệnh của chỉ huy tàu chiến USS Vincennes, khi thi hành nhiệm vụ tại Vịnh Ba Tư trong chiến dịch hỗ trợ cuộc chiến xâm lược Iran của Saddam Hussein. Không giống như chiếc máy bay 007, chiếc 655 không rời khỏi đường bay và cũng không tạo ra mối đe dọa đối với binh lính Hoa Kỳ. Tờ New York Times, đã có một xã luận mang tiêu đề “Sát hại” liên hệ với vụ hạ máy bay 007 và nhắc lại năm 1983 rằng, “Không thể có lời xin lỗi chính đáng đối với bất kỳ quốc gia nào bắn hạ máy bay dân sự vô hại,” dường như là một dự đoán cho trường hợp chiếc 655: “sự cố vẫn không được coi như là một tội ác [chỉ riêng “sát hại”] mà chỉ là một sai lầm và là một bi kịch.” Cả Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ lẫn Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng đều không lên án Hoa Kỳ về hành động đó, mặc dù cả hai đã làm điều đó với Soviet trong vụ KAL-007. Tất nhiên, Hội Đồng An Ninh đã tiến hành một hoạt động trả đũa Lybia trong vụ Pan Am 103. Không có bất cứ trừng phạt nào đối với thuyền trưởng Will Rogers (được biết tới với biệt danh Rambo), người được “chào đón như người hùng” khi trở về San Diego năm tháng sau vụ bắn hạ (Robert Reinhold, “Crew of Cruiser That Downed Iranian Airliner Gets a Warm Homecoming,” NYT, October 25, 1988), và tiếp đó được trao tặng phần thưởng Legion of Merit cho “hành xử phi thường xứng đáng được khen ngợi trong khi thi hành nhiệm vụ nổi bật.”

Người Iran đã giận dự với sự đón tiếp và cách đối xử với người đàn ông phải chịu trách nhiệm về sinh mạng của 290 thường dân Iran và cảm thấy phẫn uất về hoạt động của hệ thống tư pháp quốc tế cũng như tác động của nó đối với họ. Các khảo sát cho thấy sự đón tiếp nồng nhiệt Rogers nhận được ở San Diego là một sự lầm lạc – công chúng hài lòng với những gì ông ta đã hoàn thành. 

Điều này phản ánh sự thật là truyền thông đưa tin về vụ bắn hạ 655 đã tập trung vào các cáo buộc chính thống về nguyên nhân của hành động chết chóc, chứ không phải hoàn cảnh của các nạn nhân và nỗi đau khổ của gia đình họ - những thứ được tập trung mạnh mẽ và liên tục trong cả vụ chiếc 007 lẫn Pan Am 103. Sự đau khổ của thuyền trưởng Rogers nhận được nhiều sự chú ý hơn sự đau khổ của 290 nạn nhân và gia đình của họ. Chúng ta quay trở lại sự tương phản giữa nạn nhân “đáng giá” và “không đáng giá” và “mục đích hữu ích” của sự tập trung chú ý, như chính quyền và truyền thông Hoa Kỳ thấy.

Israel bắn hạ máy bay Libya 

Vào ngày 21 tháng 2 năm 1973, chiếc máy bay dân sự số 114 của hãng hàng không Libya, đi lệch đường bay trong một trận bão cát, lấn vào vùng trời bán đảo Sinai, và đã bị chiến đấu cơ Israel bắn hạ, 108 người thiệt mạng. Israel bị Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế lên án và bị Hoa Kỳ chỉ trích, mặc dù là họ biết rằng đã bắn hạ máy bay dân sự, nhưng không có bất cứ sự trừng phạt nào, không có tố cáo nào đối với Israel. Họ không bị buộc tội sát nhân, tấn công, tàn ác hay man rợ - những từ ngữ được áp dụng cho Soviet năm 1983. Lãnh đạo Israel Golda Meier được chào đón tới Washington trong vòng một tuần sau sự cố mà không có bất cứ câu hỏi gây ngạc nhiên nào của truyền thông hay chính giới. 

Tờ New York Times đã có 25 bài báo về vụ bắn hạ (so với 147 trong vụ chiếc 007), và không có số tạp chí đặc biệt nào cho vụ việc. Đáng chú ý nhất là các xã luận của họ về sự cố, khẳng định rằng “Không có mục đích hữu ích nào trong tranh luận về các chi tiết của cáo buộc đối với vụ hạ máy bay của hãng hàng không Libya tại bán đảo Sinai tuần qua” (Ngày 1 tháng 3 năm 1973).

Nhưng cũng như truyền tải cấp tốc và tranh luận cho mục đích hữu ích trong vụ chiếc 007, giúp biến “đế chế ma quỷ” thành ác quỷ, thì truyền tải tối thiểu và lảng tránh tranh luận phục vụ cho lợi ích của đồng minh Israel. Chúng ta thấy sự thừa nhận công khai về tiêu chuẩn kép và chính trị hóa báo chí.

Nga và đối tác Ukraina có thể đã bắn hạ máy bay 

Vụ bắn hạ máy bay số 17 của hãng hàng không Malaysia vào ngày 17 tháng 7 là một của trời cho về tuyên truyền đối với phe cánh hiếu chiến Hoa Kỳ và đối tác Ukraina của họ, cũng như tiếp tục nuôi dưỡng việc biến Putin và nước Nga hung hăng thành ác quỷ, có thể biện minh cho các chính sách khắc nghiệt đối với Nga, tăng thêm viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev và ủng hộ cuộc chiến bình định của họ. Sự tương đồng với vụ 007 là rất rõ ràng, khi việc sử dụng vụ bắn hạ năm 2014 để giành lợi thế cho phe hiếu chiến tương tự như chính quyền Reagan đối đầu với “đế chế ma quỷ” vào năm 1983.

Sự khác biệt quan trọng trong hai trường hợp là vào năm 1983 xác định phe bắn hạ máy bay là rõ ràng, mặc dù chính quyền Reagan lựa chọn sự dối trá về động cơ của Soviet để đạt được mục đích, trong khi vụ chiếc 17 thì ai bắn hạ vẫn chưa được xác định tại thời điểm này (ngày 2 tháng 8). Obama và Kerry nhanh chóng cáo buộc “những người ly khai” miền đông Ukraina, cùng với Nga, đã cung cấp cho họ tên lửa. Nga cũng bị cáo buộc là đã không ngăn chặn những người ly khai và che chở cho cuộc kháng chiến.

Obama và Kerry nhanh chóng khẳng định rằng những người ly khai-người Nga có lỗi trong vụ bắn hạ, khẳng định về các bằng chứng vững chắc, mà họ không cung cấp để kiểm tra công khai. Nga đã phủ nhận trách nhiệm của họ và người ly khai, đồng thời cung cấp bằng chứng cho Liên Hiệp Quốc và công chúng thấy rằng chiếc 17 đã rời khỏi đường bay và bị hai chiến đấu cơ phản lực của Không Quân Ukraina bám đuổi, thậm chí chỉ cách chiếc máy bay của Malaysia khoảng từ 3 đến 5 km (see letter dated July 22 from the Permanent Representative of the Russian Federation to the United Nations addressed to the Secretary-General. One can actually watch this on a 29-minute video at the RT website). Trung tướng Nga A. V. Kartapolov hỏi: “Tại sao máy bay quân sự lại bay vào đường bay dân sự hầu như cùng lúc và cùng trạng thái với máy bay dân sự? Chúng tôi muốn câu hỏi này được trả lời.” Nga đã liên tục kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế để tìm ra chân tướng vụ việc, đồng thời thúc giục Hoa Kỳ cung cấp các bằng chứng cho việc điều tra.

Điều chưa rõ ràng là ai đã bắn hạ máy bay, nhưng điều rõ ràng là người ly khai và Nga không có lợi ích gì khi làm điều đó, nên nếu họ có trách nhiệm thì đó sẽ là một sai lầm tệ hại và đắt giá về mặt chính trị đối với họ. Chính quyền Kiev, trái lại, có lợi ích khi làm điều đó nếu nó có thể gán cho người ly khai và Nga, và nó đã được gán ngay cả khi các bằng chứng chưa rõ ràng. Như vụ 007 và Lockerbie, sức mạnh tuyên truyền Hoa Kỳ có thể tạo ra dối trá về chuyến bay (007) và kẻ hung đồ có thể được chọn cũng như thay đổi để phục vụ cho lợi ích chính trị (Lockerbie, từ Iran sang Libya), cùng với các đòn tuyên truyền khổng lồ về vụ chiếc 17 thì mục tiêu đã đạt được trước khi sự thật được phơi bày. Chiến thắng tuyên truyền dựa trên hãng truyền thông, chiến dịch tuyên truyền của truyền thông trong vụ này cũng tương tự như vụ 007 và Lockerbie. Điểm chủ chốt của chiến dịch tuyên truyền là chấp nhận một cách phổ biến khẳng định của Obama-Kerry về trách nhiệm của người ly khai-Nga trong vụ bắn hạ. Cũng như vụ chiếc 007, không có câu hỏi nào được đưa ra và sự chân thực trong khẳng định của Kerry về bằng chứng được chấp nhận mà không cần phải thấy bằng chứng, bất chấp kỷ lục về các tuyên bố sai lệch của Kerry (On these false statements, and more, see Veteran Intelligence Professionals for Sanity Steering Committee, “Obama Should Release Ukraine Evidence,” ConsortiumNews.com, July 29, 2014.) Một đặc trưng khác của truyền thông là sự chấp nhận giả định của Obama/Kerry về trách nhiệm tối cao của tất cả những gì khó chịu đang diễn ra ở miền đông Ukraina thuộc về Putin và chính sách của ông ta – sự ủng hộ của ông ta đối với “những người ly khai” và thất bại của ông ta trong việc ngăn chặn họ cũng như chấp nhận hay thậm chí là ủng hộ nỗ lực bình định của Kiev.

Xã luận của tờ Times, “Vladimir Putin có thể ngăn chặn cuộc chiến này” (ngày 18 tháng 7) là mẫu mực về sự thiên lệch. Hoa Ky có thể ngăn chặn cuộc chiến dễ dàng hơn nhiều băng cách thuyết phục chính quyền tay sai Kiev ngừng cuộc tấn công của họ ở miền đông và đàm phán một giải pháp với “những người ly khai”. Điều đó không được bàn luận ở tờ Times và truyền thông chính thống một cách rộng rãi hơn.

Đối với truyền thông, Hoa Kỳ có quyền hỗ trợ tích cực chính quyền Kiev, ở rất xa biên giới Hoa Kỳ; nhưng Nga thì không có quyền hỗ trợ những người ly khai láng giềng trong một cuộc nội chiến kết hợp với chiến tranh tay sai của Hoa Kỳ nhắm chống lại Nga. Trong khi cáo buộc Nga đã giật dây các hoạt động ly khai ở miền đông (Sabrina Tavernise, “Orchestrated Conflict,” NYT, June 15, 2014) thì Hoa Kỳ không bao giờ “giật dây” các xung đột, chỉ là sự giúp đỡ từ bên ngoài đối với chính quyền Ukraina hợp pháp trong việc ổn định và chống trả xâm lược nước ngoài. Đó là những sự thật được thể chế hóa trong hệ thống tuyên truyền hoạt động đẹp đẽ, đôi khi là sống sượng.

Sunday, September 21, 2014

Dân chủ và chuyên chế

Dân chủ là chân lý vĩnh cửu của nhân loại, đó là câu người ta thường được nghe thấy từ những người tự xưng là đấu tranh cho dân chủ. Tất nhiên dân chủ ở đây được hiểu là làm chủ quyền lực nhà nước, tức là mọi quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân, không có giai cấp phe phái gì hết.

Như vậy muốn hiểu được dân chủ là gì thì trước hết phải hiểu được bản chất của quyền lực nhà nước. Nhân dân là một khái niệm trừu tượng chung chung, từ không thể mọc ra các thiết chế như nhà nước được. Những người tự xưng là dân chủ thường lập luận rằng nhà nước sinh ra để bảo vệ lợi ích chung của nhân dân, nhưng trong tập hợp được gọi là nhân dân đó lại tồn tại những mâu thuẫn về lợi ích không thể dung hợp với nhau. Lợi ích của chủ nô không thể dung hòa với lợi ích của nô lệ, lợi ích của lãnh chúa phong kiến không thể dung hòa với lợi ích của nông dân, lợi ích của nhà tư bản không thể không mâu thuẫn với lợi ích của người công nhân làm thuê. Mỗi bộ phận dân cư có lợi ích chung đó hợp thành một giai cấp, và giai cấp này đối lập với giai cấp kia về lợi ích. Chính các nhà triết học tư sản, từ trước Marx rất lâu đã chứng minh rằng mọi xung đột cũng như tiến bộ của xã hội là xoay quanh đấu tranh giai cấp. 

Khi lợi ích của các giai cấp không thể dung hợp với nhau thì tất yếu phải sinh ra một bộ máy đứng trên các giai cấp để thiết lập trật tự, để các giai cấp không xung đột tới mức tiêu diệt luôn cái xã hội ấy. Các nhà triết học tư sản luôn lập luận rằng xung đột giữa các giai cấp là có thể điều hòa được và nhà nước chính là thiết chế để điều hòa cái xung đột ấy, do vậy nó đứng trên mọi giai cấp cũng như cá nhân, nó chỉ phục vụ cho lợi ích chung cả xã hội. Song nếu xung đột giữa các giai cấp có thể điều hòa được thì lại không cần đến nhà nước, bởi vì khi đó chỉ cần các thỏa thuận đơn giản, các thiết chế dân sự và sự tự giác là đủ để xóa bỏ mọi xung đột về lợi ích. Bộ máy đàn áp như quân đội, cảnh sát, nhà tù, tòa án là hoàn toàn không cần thiết và bộ máy hành chính quan liêu ăn lương lại càng thừa. Điểm khác biệt mà Marx đã vạch ra giữa ông và các nhà triết học tư sản trước ông là xung đột giai cấp không thể điều hòa. Đấu tranh giữa các giai cấp tất yếu dẫn đến sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, nhà nước là công cụ để duy trì cái trật tự thống trị ấy, tức là quyền lực nhà nước luôn nằm trong tay giai cấp thống trị.

Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân do vậy là một câu nói chỉ mang tính khẩu hiệu. Quyền lực nhà nước luôn thuộc về giai cấp thống trị, dân chủ có nghĩa là dân chủ đối với giai cấp thống trị còn giai cấp bị trị không bao giờ có cơ hội nắm được quyền lực ấy trừ khi họ lật đổ trật tự xã hội và thay thế nó bằng một cái khác. Giai cấp chủ nô có khi nào trao quyền lực nhà nước vào tay những người nô lệ? Các lãnh chúa phong kiến có khi nào đặt vương miện lên đầu người nông dân? Nhà tư bản có khi nào để cho người công nhân điều hành xã hội? Không bao giờ có chuyện đó cả. Nếu mâu thuẫn giai cấp thực sự có thể điều hòa thì giai cấp tư sản đã không đưa giai cấp quý tộc phong kiến lên giá treo cổ.

Theo thăng trầm của lịch sử, có những giai đoạn mà nội bộ giai cấp thống trị bị xáo trộn mạnh mẽ khiến họ bị suy yếu, hoặc khi giai cấp bị trị có được sức mạnh nhất định để phản kháng. Khi đó quyền lực nhà nước buộc phải tập trung lại trong tay một nhóm rất nhỏ để đảm bảo trật tự xã hội ấy, bằng bất cứ giá nào, cho dù có phải sử dụng đến các thủ đoạn bạo lực đẫm máu nhất. Đấy chính là các giai đoạn độc tài trong xã hội tư sản. Sức mạnh ấy không những đe dọa xã hội mà còn đe dọa chính những thành viên của giai cấp thống trị nữa, nhưng điều đó là cần thiết để tiếp tục duy trì sự thống trị. Chính vì vậy một mặt giai cấp tư sản tỏ ra thù ghét các chế độ độc tài, nhưng mặt khác lại không cảm thấy có vấn đề về lương tâm hay đạo đức gì khi áp dụng chúng vào lúc cần thiết. Trên hết cho dù là áp dụng chế độ chính trị dân chủ hay độc tài thì giai cấp tư sản luôn áp đặt một chế độ chuyên chế vĩnh viễn đối với giai cấp vô sản. Nếu như dân chủ là chân lý vĩnh viễn của nhân loại, thì cần phải hiểu nhân loại ở đây chỉ bao gồm giai cấp tư sản, cũng như dưới chế độ chiếm hữu nô lệ thì chỉ có chủ nô được coi là người mà thôi.

Các đại biểu của phong trào dân chủ ở Việt Nam phần lớn là xuất thân từ tầng lớp tinh hoa trong xã hội, nhiều người trong số họ vốn từng là những người có địa vị chính trị nhất định trong bộ máy nhà nước. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì dường như sau khi bị hất ra khỏi hệ thống chính trị đương thời, họ trở nên bất mãn và quay ra chống đối nhà nước. Song nếu nhìn sâu hơn vào sự biến đổi kinh tế trong bản thân các giai cấp thì bí mật ấy sẽ hiện ra một cách rõ ràng. Nền kinh tế Việt Nam sau khi mở cửa vào năm 1992 của thế kỷ trước là một nền sản xuất hàng hóa nhỏ, các thị trường địa phương còn tương đối phân tán, liên hệ với nhau một cách lỏng lẻo. Trong tình hình đó giai cấp tư sản cũng phát triển hết sức phân tán theo các thị trường địa phương, chủ yếu là tư sản nhỏ, lợi nhuận kiếm được nhờ vào các đặc quyền đặc lợi mang tính địa phương hay cục bộ. Sau nhiều năm phát triển, tầng lớp tư sản lớn hình thành, tích lũy và tập trung tư bản với quy mô lớn đã giúp cho tầng lớp tư sản lớn hình thành, có được sức cạnh tranh mạnh mẽ đồng thời sự phân tán của các thị trường địa phương cũng đã bị phá vỡ. Tầng lớp tư bản nhỏ dần dần mất hết cơ sở về kinh tế, rơi vào tình trạng bi đát bấp bênh, bất cứ lúc nào cũng có thể bị phá sản và rơi xuống địa vị của giai cấp vô sản. Các đại biểu của phong trào dân chủ vốn đại diện cho lợi ích của tầng lớp tư bản nhỏ. Bề ngoài thì họ bị loại khỏi quyền lực nhà nước vì mang lý tưởng chính trị khác biệt, nhưng thực tế là do tầng lớp mà họ đại diện đã mất hết sức mạnh về mặt kinh tế nên những sách lược chính trị của họ nhằm phục vụ cho lợi ích của tầng lớp ấy không thể nào áp dụng được cho tình hình hiện tại nữa, tức là họ bị phá sản về mặt chính trị.

Sự phá sản về mặt chính trị của tầng lớp tư sản nhỏ tất yếu đẩy họ tới việc tìm cách liên minh với những người tiểu tư sản thành thị và nông dân. Chính vì vậy từ những năm 2007 trở lại đây người ta thấy những đại biểu của tầng lớp tư sản nhỏ đã tích cực liên kết với những người dân chủ cũ, vốn đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông dân. Những ông giáo sư, chuyên gia cố vấn xưa kia từng là người đàn áp phong trào dân chủ tích cực nhất thì nay lại cố gắng lôi kéo các nạn nhân của mình vào dòng người biểu tình chống Tàu và tiện thể kiến nghị dân chủ. Nhưng sự liên kết ấy hết sức lỏng lẻo, bởi vì điều kiện kinh tế của các giai cấp ấy hết sức khác nhau, nên một mặt họ cố sức liên kết với nhau những mặt khác lại luôn tìm cách triệt hạ lẫn nhau để giành quyền lực chính trị. Tất cả những tấn bi hài kịch, mà phần lớn là hài kịch của phong trào dân chủ sinh ra từ đó.

Khi cơ sở kinh tế của tầng lớp tư sản nhỏ đã bị phá vỡ thì tất yếu địa vị chính trị của họ cũng bị mất đi. Các đại biểu của tầng lớp tư sản nhỏ hiểu rất rõ điều này. Họ không có cách nào nắm được quyền lực nhà nước nữa, cho dù có may mắn nắm được thì họ cũng không có cách nào bảo vệ được nó, thế nên tất cả mưu toan của họ là dàn xếp và mua lấy sự bảo trợ chính trị của giai cấp thống trị hoặc thậm chí cả các thế lực ngoại quốc. Tất cả mục tiêu chính trị mà họ có chỉ là hy vọng về một tầng lớp đối lập hợp pháp. Không có gì lạ lùng khi họ luôn phê phán chính quyền nhưng lại sẵn sàng khúm núm kiến nghị đủ thứ, không có gì ngạc nhiên khi họ kêu gào bảo vệ chủ quyền đất nước hay lãnh thổ quốc gia bằng cách bán chính quyền cho đế quốc nước ngoài, không có gì khó hiểu khi họ viện đến cả những thế lực phản động nhất miễn là điều đó đem lại cho họ một chút ít ỏi tiếng nói chính trị.

Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng chỉ cho thấy sự phá sản của tầng lớp tư sản nhỏ cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng tiết lộ cái chân lý vĩnh cửu của giai cấp tư sản rằng mọi thứ đều có thể mua bán được. Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng chỉ là một khẩu hiệu bịp bợm nhằm cố cứu vãn những gì không thể cứu vãn được.

Thursday, September 18, 2014

Bình luận ngắn về hai bài viết của Đoan Trang

Đầu tiên là bài "Lại chuyện chụp ảnh công an":

1. Chị này khoe chụp ảnh với một anh cảnh sát cao to đẹp trai, rất thân thiện đứng ở tượng Con Trâu gần phố Wall. Có lẽ chị cựu nhà báo này không biết rằng cơ quan cảnh sát Hoa Kỳ có Cục Quan Hệ Công Chúng chuyên nghiệp chứ không phải là nghiệp dư như Ban Báo Chí như ở Bộ Công An của Việt Nam. Anh cảnh sát cao to đẹp trai đầy thân thiện đứng ở cái góc phố đông khách du lịch qua lại ấy chính là một phần trong chiến dịch quan hệ công chúng của cảnh sát Hoa Kỳ, công việc của anh ta là đứng đó, chỉ đường và cười tươi khi chụp ảnh chung với du khách. Mỗi ngày sẽ có hàng trăm lượt người ghé qua, hỏi đường rồi chụp ảnh và phát tán các bức ảnh về sự thân thiện của cảnh sát Hoa Kỳ. Đấy PR chuyên nghiệp nó là như vậy.

2. Anh cảnh sát Việt Nam từ chối chụp ảnh với người lạ là hợp lý thôi. Thứ nhất là anh cảnh sát Việt Nam đang đứng chốt làm nhiệm vụ, không phải làm PR như anh cảnh sát Mỹ, chụp ảnh với khách du lịch không phải là công việc của anh ta, làm việc riêng trong khi thành nhiệm vụ có thể bị kỷ luật. Thứ hai nữa là tình trạng phóng viên báo chí hay dân thường gài bẫy rồi chụp ảnh công an hiện giờ khá phổ biến nên anh công an cảnh giác cũng không thừa. Nói dại, anh công an chụp ảnh với nữ Việt Kiều xong hôm sau trên facebook lại có tin công an dê gái giữa phố Hà Nội thì anh công an kia chắc chắn là viết giải trình mệt nghỉ.

3. Thế nên việc so sánh giữa Mỹ và Việt Nam nhất là so sánh giữa một cảnh sát đang làm PR với một cảnh sát làm nhiệm vụ thông thường thì quả thật khập khiễng. 

4. Chị này viết:  tất cả các vụ cảnh sát lạm quyền ở Mỹ đều được điều tra độc lập và bị đưa ra xét xử, trừng phạt thích đáng bởi tòa án (đương nhiên là độc lập). Cảnh sát Mỹ mà vớ vẩn, dân kiện cho thì vỡ mặt. Và trên thực tế là trong các vụ dân kiện cảnh sát từ trước tới nay, cảnh sát Mỹ thua rất nhiều, te tua vì thua kiện, đã thế còn bị báo chí-truyền thông cho lên thớt mà “băm” tơi tả. Thực ra chị tô vẽ công lý ở Hoa Kỳ hơi quá đáng, người Mỹ mà đọc được có khi người ta cũng ngượng. Cảnh sát Mỹ đối xử bạo lực với thường dân thậm chí lạm sát là chuyện xảy ra như cơm bữa và họ cũng không mấy khi bị trừng phạt thích đáng như chị nói đâu, có thể tham khảo ở đây và ở đây. Hiện nay chính quyền Mỹ hoàn toàn không thu thập số liệu thống kê về tình trạng bạo lực của cảnh sát, nên chị cũng chả có cách nào mà so sánh với Việt Nam đâu. Cảnh sát Hoa Kỳ cũng ghét nhất là việc bị quay phim hay chụp ảnh khi đang làm việc, họ sẵn sàng vô hiệu hóa người nào làm việc đó ngay lập tức. Hiện giờ Mỹ vẫn chưa có luật về vấn đề này. Khuyên chị là chụp ảnh với anh cảnh sát đứng góc phố ở New York thì được nhưng nếu thấy cảnh sát đang tóm cổ một ai đó thì chị chớ có dại vác máy ảnh ra mà làm nhà báo độc lập, ăn đòn mềm xương ngay đấy mà cũng không có tòa án nào bảo vệ chị được đâu.


1. Đầu bài sử dụng thuật ngữ kiểu quân sự nhằm ám chỉ sự liên hệ nào đó với chính quyền hay quân đội, một tiểu xảo của giới báo chí nhằm tác động tới tâm lý người đọc, nhất là khi không có bằng chứng cụ thể.

2. Thật ngạc nhiên khi một người yêu nước chống Tàu cuồng nhiệt như chị Đoan Trang lại không nhận thấy rằng trang Tin Khmer Krom chuyên đưa các tin tức kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và đòi Việt Nam phải trả lại miền Nam Việt Nam cho Campuchia. Trung Quốc đưa dàn khoan vào vùng biển Việt Nam thì các chị nhảy tưng tưng, còn đám dân tộc cực đoan Campuchia đòi lấy một nửa lãnh thổ Việt Nam thì các chị im lặng. Yêu nước kiểu gì mà lạ vậy? 

3. Việc dùng nút "báo cáo lạm dụng" của facebook để triệt hạ đối thủ vốn ban đầu là mánh của các chiến sĩ dân chủ cùng phe với chị Đoan Trang chuyên dùng để chặn họng những người bất đồng ý kiến. Ban đầu có nhiều người yếu thế, họ đành chịu, nhưng sau đó họ tập hợp nhau lại và phản công khiến các nhà dân chủ lãnh hậu quả ê chề. Trong khi không có bằng chứng nào chứng minh chính quyền đứng sau việc phong tỏa các tài khoản facebook của nhà dân chủ thì việc các nhà dân chủ hè nhau báo cáo lạm dụng để triệt hạ những người nói trái ý họ lại rất rõ ràng.

4. Nhưng sự việc không chỉ dừng ở chỗ các nhà dân chủ đàn áp những người trái ý, bị phản đòn và kêu la ầm ĩ. Sự việc đã được đẩy lên cao trào khi chính các nhà dân chủ lợi dụng việc đó để khóa mõm các nhóm dân chủ mà họ không ưa, tức là họ tấn công triệt hạ lẫn nhau. Mặt khác một số các nhà dân chủ do đã viết quá nhiều thứ bậy bạ lên facebook nên cũng nhân dịp này xóa luôn tài khoản facebook đi và hô hoán lên là bị tấn công, thật là một công đôi việc, vừa thủ tiêu được bằng chứng về sự ngu xuẩn của bản thân vừa bảo toàn được danh tiếng với giới dân chủ. Các nhà dân chủ tuyên bố thắng lợi giòn giã, làm thất bại các âm mưu phong tỏa tài khoản facebook, thật nực cười là chính việc bị/được phong tỏa cũng là thắng lợi của nhiều người trong số họ.

5. Các nhà dân chủ hoàn toàn không chứng minh được với Facebook là chiến dịch báo cáo lạm dụng do chính quyền Việt Nam tổ chức nhưng Facebook thì biết rất rõ rằng họ thường xuyên bị cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đột nhập. Người sáng lập Facebook đã phải kêu lên rằng công việc của các kỹ sư công nghệ thông tin ở Facebook là đối đầu với những tên tin tặc chứ không phải suốt ngày tìm cách chống lại các vụ đột nhập của NSA. Thế nên trước khi lo lắng đến việc các nhà dân chủ bị đàn áp trên facebook thì hãy nhớ rằng bất cứ khi nào thông tin cá nhân của họ cũng có thể nằm trên bàn của NSA và được dùng để chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Kết luận: Thế là chấm hết cho một cây viết đã từng khá nổi tiếng ở Việt Nam.

Sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam

Ở Mỹ:

Một quan chức chính quyền dắt chó đi dạo trong rừng. Một con chó sói nhảy ra tấn công con chó và sau đó cắn vị quan chức.

1. Quan chức định can thiệp, giống như trong phim hoạt hình "Chú nai Bambi", nhưng sau đó ông ta ngừng lại vì biết rằng con sói chỉ hành động theo bản năng.

2. Ông ta gọi Kiểm Soát Động Vật. Con sói bị Kiểm Soát Động Vật tóm gọn và chính quyền nhận được một hóa đơn trị giá 200 dollar cho việc kiểm tra dịch bệnh, một hóa đơn khác trị giá 500 dollar để thả con sói vào rừng.

3. Ông ta gọi người dọn rác. Người dọn rác nhặt xác con chó bị chết và gửi cho chính quyền hóa đơn trị giá 200 dollar về kiểm tra dịch bệnh. 

4. Quan chức chính quyền đi tới bệnh viện và chi 3,500 dollar để kiểm tra dịch bệnh từ con sói và băng bó vết thương.

5. Đường đi dạo trong rừng bị đóng cửa 6 tháng để tổ chức Fish&Game thực hiện việc khảo sát, đảm bảo rằng khu vực đó không có động vật nguy hiểm.

6. Quan chức chính quyền chi 50,000 dollar ngân sách để triển khai chương trình "Nhận Biết Chó Sói" cho cư dân địa phương.

7. Lập pháp chi 2 triệu dollar để nghiên cứu cách chữa trị bệnh dại và xóa sổ vĩnh viễn bệnh dại trên toàn thế giới.

8. Nhân viên bảo vệ của quan chức chính quyền bị sa thải vì không ngăn chặn vụ tấn công. Chính quyền chi 150,000 dollar để thuê và huấn luyện nhân viên bảo vệ mới với bài huấn luyện bổ sung đặc biệt: Bản năng của chó sói.

9. Tổ chức PETA phản đối việc thả con chó sói vào rừng và đòi chính quyền bồi thường 5 triệu dollar

Ở Việt Nam:

Một quan chức chính quyền dắt chó đi dạo trong rừng. Một con chó sói nhảy ra tấn công con chó.

1. Quan chức chính quyền nhặt ngay hòn đá ở gần đó và ném chết con sói rồi đi dạo tiếp.

2. Một người tình cờ đi ngang qua nhặt xác con sói, đem bán cho nhà hàng đặc sản thịt thú rừng và kiếm được 50 dollar.

Kết luận:

Sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam là rất lớn, nhất là về mặt tốn tiền.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Tuesday, September 16, 2014

Nhà dân chủ đã tìm ra dư luận viên

Ba nhà dân chủ từ các nước Nga, Mỹ và Việt Nam gặp nhau trong một hội nghị quốc tế. Cả ba cùng đồng ý rằng lực lượng dư luận viên là đối thủ nguy hiểm nhất của phong trào dân chủ, cần phải nhanh chóng tìm ra dư luận viên để nhân dân đấu tố.

Nhà dân chủ Nga sử dụng hệ thống vệ tinh do thám cực kỳ hiện đại chụp ảnh từng cm trên bề mặt trái đất nhưng không phát hiện được dư luận viên nào.

Nhà dân chủ Mỹ dùng hệ thống máy tính siêu hiện đại lùng sục khắp các ngóc ngách của các mạng xã hội nhưng cũng không tìm được dư luận viên.

Nhà dân chủ Việt Nam đi ra phố, một lúc sau dắt về một con chó hoang và nói: Đây chính là dư luận viên!

Hai nhà dân chủ Nga và Mỹ ngạc nhiên hỏi: Sao anh biết điều đó?

Nhà dân chủ Việt Nam trả lời: Vì nó bỏ chạy khi tôi cho nó ngửi bài viết của tôi.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhân dịp ông Nguyễn Quang Lập đăng bài tự thú của một dư luận viên)

Monday, September 15, 2014

Chọn cô gái nào?

Hai chàng trai nói chuyện với nhau. Một người hỏi: Nếu có hai cô gái cùng thích cậu, một cô muốn giữ trinh tiết cho đến khi kết hôn, còn cô kia sẵn sàng làm tình thoải mái trước khi kết hôn, cậu sẽ chọn ai?

Người kia trả lời: Mình sẽ chọn cô chân dài, eo thon, mông to, ngực khủng.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhân dịp chị em lên báo choảng nhau về chuyện tình dục trước hôn nhân.)

Friday, September 12, 2014

Cuộc đời vinh quang của một chiến sĩ dân chủ ở miền đất hứa

Một lần, một ông bầu bóng bầu dục nổi tiếng ở Mỹ vô tình ngó vào ti vi đang tường thuật cảnh các nhà dân chủ Việt Nam biểu tình chống Tàu. Với con mắt nhà nghề, ông bầu nhanh chóng khám phá ra một chàng trai trẻ với cánh tay phi thường. Chỉ bằng một cú ném duy nhất, chàng trai đã cho cửa kính của một cửa sổ trên tầng 15 cách đó khoảng gần 200 thước vỡ tan. Một nhóm mười cảnh sát đứng cách đó khoảng 100 thước, chàng trai quăng vào giữa đám một chai xăng cháy. Một chiếc ô tô lướt qua đó cách chừng 90 thước cũng lĩnh ngay một chai xăng khác xuyên qua ô cửa kính để mở và bốc cháy ngùn ngụt ở bên trong.

Ông bầu nói với bản thân: "Anh chàng này có đôi tay hoàn hảo, ta phải lôi anh ta về đội bóng mới được". Thế là ông bầu bay sang Việt Nam mang chiến sĩ dân chủ trẻ tuổi về Mỹ và dạy anh ta chơi bóng bầu dục. Anh chàng trẻ tuổi đã phá mọi kỷ lục của giải bóng bầu dục chuyên nghiệp và dẫn dắt đội bóng đến trận chung kết Super Bowl. Đội bóng giành thắng lợi giòn giã, anh chàng trẻ tuổi được bình chọn làm người hùng của Super Bowl.

Khi ông bầu hỏi chàng trai trẻ muốn làm gì thì anh ta trả lời là muốn gọi điện cho mẹ.

Chàng trai trẻ nói qua điện thoại: "Mẹ ơi, con vừa thắng Super Bowl".

Bà mẹ hét lên: "Tao không muốn nói chuyện với mày. Mày đã bỏ rơi mọi người. Mày không phải là con trai ta."

Chàng trai giải thích: "Con không nghĩ là mẹ không hiểu. Con vừa mới giành chiến thắng tại sự kiện thể thao vĩ đại nhất hành tinh đấy. Con đang ở giữa hàng chục ngàn người hâm mộ phát cuồng" 

Bà mẹ nói: "Không, để tao nói cho mày nghe. Ngay lúc này, súng nổ khắp quanh đây. Cả khu dân cư chỉ còn là một đống đổ nát. Hai em trai của mày bị đánh gần chết vào tuần trước, còn tuần này thì em gái mày bị cưỡng hiếp trên đường phố ngay giữa ban ngày". 

Bà mẹ ngừng một lúc, nghẹn ngào nước mắt rồi nói tiếp: "Tao không bao giờ tha thứ cho mày vì việc đã đưa cả gia đình tới Oakland".

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Sunday, September 7, 2014

Nằm xuống cho đất nước đứng lên

Một nữ dân chủ đến xưng tội với cha cố: Thưa cha, con có tội vì đã gọi một anh dân chủ là đồ con hoang.

Cha cố nói: Nếu có vậy thì ta chưa thể kết luận được, con hãy nói xem việc đó xảy ra như thế nào.

Nữ dân chủ nói tiếp: Anh ta hô "Nằm xuống cho đất nước đứng lên!", thế là con nằm xuống như thế này.

Cha cố nói: Vậy vẫn chưa đến nỗi phải gọi anh ta là đồ con hoang.

Nữ dân chủ nói tiếp: Sau đó anh ta lột hết quần áo của con ra.

Cha cố bèn lột hết quần áo nữ dân chủ ra rồi hỏi: Như thế này phải không?

Nữ dân chủ trả lời: Vâng, đúng vậy.

Cha cố nói: Vậy vẫn chưa đến nỗi phải gọi anh ta là đồ con hoang.

Nữ dân chủ nói tiếp: Anh ta nằm đè lên rồi cắm sâu vào con như dàn khoan HD981 của Tàu vậy.

Cha cố nằm đè lên nữ dân chủ, khoan sâu vào rồi hỏi: Như thế này đúng không?

Một lúc sau nữ dân chủ hét lên: A! A! A! Đúng rồi!

Cha cố nói: Vậy vẫn chưa đáng để gọi anh ta là đồ con hoang.

Nữ dân chủ hổn hển: Nhưng anh ta bị AIDS.

Cha cố hét lên: Ôi, đồ con hoang!

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Wednesday, September 3, 2014

Bất đồng chính kiến

Cán bộ tuyên giáo nói: Chúng ta đều biết là 2+2=4!

Ngay lập tức một nhà dân chủ gào lên: Nói dối, mị dân, lừa gạt, 2+2=5!

Thế là nhà dân chủ phải đi trại phục hồi nhân phẩm 3 năm.

Ba năm sau, cán bộ tuyên giáo lại nói: Chúng ta đều biết là 2+2=4!

Nhà dân chủ lại gào lên: Nói dối, mị dân, lừa gạt, 2+2=5!

Thế là nhà dân chủ phải đi trại phục hồi nhân phẩm 3 năm nữa.

Ba năm sau, cán bộ tuyên giáo nói: Chúng ta đều biết 2+2=4!

Nhà dân chủ tiếp tục gào lên: Nói dối, mị dân, lừa gạt, 2+2=5!

Cán bộ tuyên giáo ôn tồn: Thôi được, anh hãy chứng minh điều đó đi!

Nhà dân chủ nói: Đó là điều hiển nhiên, chân lý vĩnh cửu không cần phải chứng minh!

Cán bộ tuyên giáo nói: Thôi được, tôi cũng không muốn anh phải đi trại phục hồi nhân phẩm nữa, vậy thì 2+2=5.

Nhà dân chủ lập tức hét lên: Nói dối, mị dân, lừa gạt, 2+2=4!

Cán bộ tuyên giáo ngạc nhiên: Sao lúc nào anh cũng nói ngược lại tôi, bất chấp sự thật vậy?

Nhà dân chủ trả lời: Nếu đồng ý với anh thì sao có thể là bất đồng chính kiến được nữa chứ?

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí.)

Tuesday, September 2, 2014

Cái ghế của nhà dân chủ

Hôm ấy, bác phó mộc sang nhà cụ tiên chỉ nói có việc nhờ cậy. Vừa nhìn thấy cụ tiên chỉ bác phó mộc đã vồn vã:
- Ôi, bẩm cụ đây rồi, phi cụ chắc không có ai giúp nhà con được việc này.

Cụ tiên chỉ từ tốn:
- Thế nhà bác phó mộc có việc gì mà gấp gáp vậy?


Bác phó mộc nói:
- Bẩm cụ, số là con mới có người đặt làm một lô ghế lớn cho một cái hội rất to ở trên tỉnh.


Cụ tiên chỉ ngạc nhiên:
- Việc đóng ghế thì bác biết hơn tôi mới phải chứ?


Bác phó mộc nói tiếp: 
- Cụ cứ nghe con nói nốt đã. Cái hội ấy vốn là hội dân chủ, tức là ai cũng làm chủ cả, do vậy mà ghế của người nào cũng phải làm cho cao hơn ghế của những người khác. Cái điều kiện ấy con nghĩ mãi không ra, nên đến nhờ cụ chỉ dẫn cho.


Cụ tiên chỉ ngẩng mặt lên trời than: 
- Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chưa bao giờ nghe thấy điều gì kì quái như thế. Người ta nỡm bác rồi!


(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhưng không nhất thiết phải khác với sự thật.)

Monday, September 1, 2014

Tự do của trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc

Một trí thức "dân chủ" nói: Tôi thấy là trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc được tự do hơn bây giờ rất nhiều, ngoại trừ việc không được vào công viên và phải nhận người Gô Loa làm tổ tiên.

Chú thích:
1) Các công viên thời Pháp thuộc thường gắn biển "Cấm chó và người An Nam"
2) Ở trường học thì trẻ em được dạy rằng "Tổ tiên chúng ta là người Gô Loa"

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhưng không nhất thiết khác sự thật)