Showing posts with label Tony Buổi Sáng. Show all posts
Showing posts with label Tony Buổi Sáng. Show all posts

Saturday, August 18, 2018

Ai lạc hậu? Ai văn minh?

Dân xứ Nam ta vẫn còn mông muội lắm, cứ phải Tây mới văn minh. Hà cớ chi các chú bày ra ba cái trò này để dân xứ Nam được dịp kiêu căng, nhận xằng mình văn minh nhỉ?


Người ta thường đem cái ảnh biển đề cấm ăn cắp hay cấm lấy đồ dư bằng tiếng Việt ở Nhật hay Thái Lan đăng lên để chứng minh dân Việt Nam ý thức kém, không cư xử văn minh. Cái truyền thống tự quản của làng xã từ xa xưa, ví như những quán nước đầu làng chả có ai trông coi, gia chủ bận đi làm đồng, ai vào uống nước hay mua gì thì tự tính tiền rồi để đó, thì không bao giờ được truyền thông ngày nay nhắc tới.

Quay lại cái quán có hình ở trên, tại sao chủ quán lại dám áp dụng mô hình tự quản ở một xứ mà ngày ngày truyền thông rao giảng không biết mệt mỏi về tệ nạn trộm cắp, cư xử kém văn minh?

Thứ nhất là ông chủ quán biết rõ truyền thông báo chí chỉ rặt nói láo, cũng có thể có người lấy nước không tự giác trả tiền, song số đó không đáng kể.

Thứ hai là mô hình kinh doanh của ông chủ quán khiến ông buộc phải làm vậy, ông bán buffet giá rất rẻ, muốn giá rẻ mà có lãi thì tất phải tiết kiệm chi phí phục vụ, có nghĩa là phải để khách hàng tự phục vụ tối đa. Khách vào quán này ăn nhiều tất sẽ quen với cách đó.

Ý thức không phải tự nhiên mà có, nó được sinh ra từ sinh hoạt hàng ngày, mà cái sinh hoạt đó, nhất là việc mua bán lại do mô hình kinh doanh quyết định, tức là do tư bản quyết định.

Ở những xứ tư bản phát triển thì họ áp dụng mô hình tự phục vụ, tự thanh toán nhiều để tiết kiệm chi phí, do vậy dân xứ họ buộc phải quen với những việc đó. Song điều đó không có nghĩa là không có nạn trộm cắp, gian lận.

Việc truyền thông hàng ngày hàng giờ bêu riếu những cái gọi là thói hư tật xấu, cư xử kém văn minh, mặc dù điều đó hoàn toàn là tào lao, không hẳn chỉ là để thu hút sự chú ý hay truyền bá văn minh phương Tây. Ngược lại đó là một sự đe dọa, một hình phạt bằng sự lên án thường trực của công luận để giúp cho các chủ doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng các mô hình tự phục vụ, tự quản,  nhằm tiết kiệm chi phí cho họ. Những khách hàng định gian lận sẽ luôn bị những bảng hiệu lên án trộm cắp bằng tiếng Việt ở Nhật Bản ám ảnh. Đây chính là bản chất của chế độ tư bản, chủ doanh nghiệp từ bỏ các nghĩa vụ và quyền lực công cộng để có quyền lực tuyệt đối trong việc kiếm lợi, ngược lại một bộ phận khác sẽ đảm nhiệm quyền lực công cộng đó để hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp.

Người ta thường nói rằng truyền thông Việt Nam càng ngày càng thối nát, đưa tin xàm, nói láo câu view vô tội vạ, nhưng cái mà người ta không hiểu là truyền thông giờ đang chuyển sang phục vụ cho tư bản, lợi nhuận của tư bản mới là lợi ích tối cao mà nó phục vụ. Trên phương diện đó thì truyền thông lại là sức mạnh công cộng đáng kể mà doanh nghiệp nắm được, do vậy đối với chủ tư bản mà nói thì truyền thông không nát chút nào, nó đang làm đúng cái việc cần phải làm.

Bởi vậy mà nói, nếu lấy chế độ tư bản ra làm chuẩn mực cho cái gọi văn minh thì mọi chế độ khác đều sẽ kém văn minh. Hơn nữa, đó là một sự đề cao chế độ tư bản vì đã lấy chế độ tư bản làm giá trị phổ quát, thang đo cho mọi xã hội. Việt Nam đã xây dựng một chế độ xã hội khác, người Việt Nam trước hết phải bỏ qua cái thang đo lạc hậu ấy và tự tạo ra cho mình những chuẩn mực mới.

P/s: Cái ảnh này không phải ở thủ đô thanh lịch lại càng không phải ở đô thành hoài nhớ thời thuộc địa hoa lệ quằn quại dưới gót giày lính lê dương, mà là ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Thursday, July 19, 2018

Doanh nghiệp tặng sách để làm gì?


Kiến thức hay soi cầu lô đề?

Nhân có việc một anh chủ doanh nghiệp dùng chương trình tặng sách để quảng bá thương hiệu, khẩu hiệu thì hoành tráng lắm, nào là “Lập Chí Vĩ Đại”, “Khởi Nghiệp Kiến Quốc”, nghe cứ tưởng như đọc hết mớ sách ấy thì xứ Nam ta sẽ hóa Rồng hóa Hổ liền, một người bạn mới hỏi tôi rằng: Cớ sao tụi nó hay làm màu vậy bác?

Ba cái chương trình tặng sách đó thế giới người ta làm đầy quanh năm suốt tháng, mà có thấy ai hóa Rồng hóa Hổ chi đâu. Cái ngày tôi còn ở xứ Hitler, cuối tuần nào cũng có lũ lượt các hội đoàn đến tặng các loại Kinh Thánh để dụ vào đạo, cũng may là xứ ấy người ta cấm tiệt cuốn Mein Kampf (sách của Hitler) không thì chắc giờ tôi cũng thành tín đồ Nazis đòi thanh tẩy lũ An Nam mọi rợ để làm trong sạch nòi giống Aryan thượng đẳng không biết chừng.

Nếu bạn google thì sẽ thấy hàng mớ các cái chương trình tặng sách kiểu như bạn tặng bất kỳ ai đó một cuốn sách thì sẽ nhận được 20 cuốn sách từ những người khác tặng lại.

Nói chung ba cái vụ tặng sách ruồi bu vậy thường chả có tác dụng chi hết, có chăng là thêm mớ giấy lộn rác nhà vì giờ giấy vệ sinh được bán rất rẻ mà lại mềm mại hơn.

Có người sẽ cãi rằng: Ấy tôi đọc cuốn “Khuyến học” thấy hay lắm, cuốn ấy đầy cảm hứng quốc gia dân tộc, khuyên ta thoát Á, gây dựng sự độc lập tự cường, học sách ấy theo ắt xứ ta sẽ giống Nhật Bản. Cái mà người ta thấy hay thấy đúng đâu có nghĩa là nó đúng nhỉ?

Lại có người nói: Sách cũng có chút kiến thức, cho người ta đọc sách biết đâu người ta thoát nghèo, đổi đời thì cũng tốt. Cái biết đâu ấy liệu có xác suất cao bằng trúng đề hay trúng Vietlott? Nếu không bằng thì phát cho người ta 10 ngàn đi chơi Vietlott cho nhanh.

Thực ra ba cái trò này đều dùng cái mẹo của đám soi cầu lô đề để lừa người cả. Mẹo ấy ra sao? Nếu xác suất trúng đề là 1/100 thì mấy gã thầy bà chỉ cần dụ được 100 tín đồ, mỗi ngày ban cho mỗi đứa một số khác nhau thế là ngày nào cũng có đứa cảm ơn gã vì trúng đề. Nếu gã cao tay dụ được 10.000 đứa tin theo thì mỗi ngày sẽ có 100 đứa ca tụng, đốt vàng mã cho gã vì được ăn đậm. Lúc ấy, lúc ấy người ta đều sẽ mê muội, nói gì cũng không tin nữa, bằng chứng người thực việc thực ra đó, mỗi ngày có cả trăm đứa đổi đời nhờ lộc thánh, liệu ai không tin cho được? Đứa nào dại miệng nói tau theo hầu thánh mãi chưa ăn phát nào thì sẽ được nghe trả lời là mày chưa đủ đức tin. Đứa nào xấu miệng nói rằng ăn đề hay không chả liên quan gì đến thánh sẽ gom đủ gạch xây biệt thự to hơn cả trung tâm thương mại Vincom.

Mà kỳ thực người ta thấy hay, thấy có kết quả đâu có liên quan gì đến việc soi cầu, thế nhưng kẻ chơi lô đề tất phải soi cầu, để có hy vọng mà chơi.

Mấy anh doanh nghiệp vốn thạo cái trò quảng cáo kiểu này nên thường gom mấy cuốn sách nổi tiếng nhưng vô thưởng vô phạt, đọc xong hiểu thế nào cũng được, lại của mấy tác giả ngoại quốc để đỡ bị soi mói rồi đem tặng linh tinh, phát không càng nhiều sách thì càng dễ có mấy câu ca tụng kiểu hôm nay nhờ đọc sách của anh mà em ăn Vietlott.

Tại sao lại vậy?

Sở dĩ có chuyện đó là vì kinh tế thị trường một mặt tạo ra sự giàu có, nhưng sự giàu có đó chống lại con người, nó chỉ phục vụ cho tư bản, bỏ mặc đa số con người sống trong thất bại, nghèo đói, tuyệt vọng. Vì vậy con người cần có một thứ gì đó để nuôi hy vọng, để có thể tiếp tục tồn tại. Rất nhiều sách viết cho mục đích đó, nó được gọi là truyền cảm hứng, đọc nó xong thì người ta thấy mình thay đổi, thấy có động lực làm việc này việc kia. Song cái mà người ta không hiểu được là sự thay đổi của người ta có hay không cũng chả liên quan gì đến ba cái cuốn sách ấy. Một thứ không thể tự nhiên xuất hiện nếu nó không tồn tại sẵn ở đâu đó. Cái khát vọng thay đổi nó vốn đã ẩn náu trong bản thân người ta, chỉ chờ cơ hội thích hợp là bùng lên. Cuốn sách truyền cảm hứng kia vốn cũng như trò soi cầu lô đề, nó trở nên có giá trị vì gặp được người muốn thay đổi và có thể thay đổi vào đúng thời điểm đọc nó, chính người đó khiến nó có giá trị chứ không phải ngược lại.

Hàng sa số những người đọc cuốn sách đó mà không thay đổi gì sẽ bị lãng quên.

Hàng sa số những người không cần đọc cuốn sách đó mà có sự thay đổi sẽ chẳng bao giờ được biết đến.

Nếu cuốn sách đó thực sự có tác dụng thần kỳ như người ta quảng cáo thì sau vài ngày không ai cần phải đọc nó nữa. Mọi người đọc nó và trở nên giàu có cả rồi. Sự tồn tại của nó chứng minh rằng nó chẳng có tác dụng gì hết.

Nó đơn giản là một liều thuốc phiện để người ta tiếp tục mơ màng với đời và an ủi cho những thất bại của đời mình.

Kết luận là gì?

Thông thường mấy cuộc tranh luận triền miên lặp đi lặp lại về các cuốn sách truyền cảm hứng hay tạo động lực là vô nghĩa, như chính bản thân chúng. Người ta sẽ luôn mang kinh nghiệm ra chứng minh nó đúng, mặc dù kinh nghiệm không phải là bằng chứng.

Mánh lái buôn của Lã Bất Vi

Lã Bất Vi là lái buôn rất giàu, nhưng ông ta còn giàu hơn nhiều khi buôn vua.

Quay lại với anh chàng chủ doanh nghiệp, việc đầu tiên cần nhớ rằng anh ta kinh doanh và phải kiếm lợi. Bất kể mục tiêu hoành tráng đến đâu thì cuối cùng nó phải được hiện thực hóa bằng tiền, nếu không anh ta sẽ phá sản và đi ăn mày, bất chấp mớ sách vĩ đại, có giá trị như vàng của anh ta, mặc dù bán giấy cân thì cũng sẽ có đồng nát gom. Việc tặng sách chỉ là quảng cáo, mục đích chính của anh ta là kinh doanh cái khác.

Vậy việc tặng sách sẽ hỗ trợ việc kinh doanh của anh ta ra sao? Đó mới là câu hỏi đúng.

Thứ nhất, khi anh ta tặng một số lượng sách rất lớn thì các nhà xuất bản và giới trí thức, vốn làm công việc môi giới kiến thức, sẽ rất vui mừng, vì điều đó tạo công ăn việc làm cho họ. Tức là họ sẽ ủng hộ anh ta hết mình.

Thứ hai, những cuốn sách anh ta tặng đều là là sách phương Tây, con đẻ tinh thần của chủ nghĩa tư bản, bàn chuyện làm ăn kiếm lợi. Tức là anh ta sẽ được lòng giới trí thức thân phương Tây.

Thứ ba, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vốn bị phân mảnh bởi sự phân mảnh của hệ thống chính trị, tạo ra vô số những rào cản về chính sách, thủ tục giữa các chính quyền địa phương, giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương. Do vậy, một doanh nghiệp muốn làm ăn lớn thì phải có khả năng đàm phán về chính sách với cả chính quyền trung ương lẫn địa phương. Giới trí thức thân phương Tây đang dần dần trở nên có thế lực trong việc tham mưu chính sách cả ở chính quyền trung ương lẫn địa phương, khi nhận được sự ủng hộ của họ thì doanh nghiệp sẽ có khả năng đàm phán chính sách. Lối làm ăn này thể hiện sự phân mảnh của hệ thống chính trị, nó có thể tạo ra những doanh nghiệp cực lớn ở ngay những nơi nghèo khó lạc hậu nhất, vì nó có khả năng tập trung nguồn giá trị thặng dư mà không một nền kinh tế tư bản nào sánh được.

Nhiều năm quy ẩn trong rừng cuối cùng cũng khiến anh chủ doanh nghiệp ngộ ra chân lý thời đại.

Thế nên anh ấy có mang siêu xe với người mẫu để đi tặng sách cho mấy cháu dân tộc miền núi cởi truồng, một chữ bẻ đôi đọc còn chưa nổi thì bạn cũng đừng vội chê cười. Anh ta vốn hiểu rõ việc mình làm, ấy là tạo dựng mối quan hệ với trí thức địa phương.

Mạng lưới trí thức rộng lớn ủng hộ anh ta từ những vùng quê đói nghèo đến những thành thị xa hoa, đấy là cái anh ta muốn và cần để kiếm tiền.

Thế nên anh ta tuyên bố sẽ phung phí hàng tỷ đồng tiền Mỹ để tặng sách thì các bạn cũng đừng nghĩ đó là tiền cho người nghèo để đổi đời, kỳ thực anh ta mua sự ủng hộ của giới trí thức trong công cuộc làm giàu của bản thân.

Chân lý của thời đại tư bản chỉ có vậy. Thời đại tư bản chỉ biết đến một thứ minh triết duy nhất, đó là minh triết của đồng tiền. Hoặc là bạn hiểu nó hoặc là bạn bị nó nghiền nát.

Thursday, October 30, 2014

Tony Buổi Sáng và trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc

Trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc trước đây có công ty cafe Trung Nguyên, với câu khẩu hiệu rất oách "Uống cafe Trung Nguyên là yêu nước", nhưng Trung Nguyên không quảng cáo cafe Trung Nguyên bằng hình ảnh người trồng cafe Việt Nam mà bằng mấy ông nhạc sĩ cổ điển Châu Âu từ xưa lắc. Người Việt Nam yêu nước thì phải uống cafe Trung Nguyên, còn công ty cafe Trung Nguyên yêu nước thì quảng cáo bằng người nước ngoài.

Giờ lại có trang Tony Buổi Sáng, với bài viết "Cô bán hàng mỹ phẩm ở Seoul", nói chuyện Hàn Quốc để ám chỉ chuyện Việt Nam, cũng trò tống tiền tinh thần dân tộc, nhưng trang Tony Buổi Sáng nguy hiểm hơn công ty Cafe Trung Nguyên ở chỗ trắng trợn bịa đặt và xuyên tạc lịch sử.

Về góc độ lịch sử văn hóa

Bài viết của trang Tony Buổi Sáng được mở đầu bằng một đoạn như sau:

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định mang sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn khoảng cách, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người đã thành công, thời gian thay vì mày mò tìm hiểu, mình dùng để lo việc khác, hay hơn. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Đọc những dòng được rất nhiều độc giả trẻ Việt Nam tung hô nhiệt liệt này, điều mà tôi thốt lên là: Ôi, giọng điệu của một gã phát xít Nhật! Họ viết như thể Triều Tiên là một dân tộc mông muội, ăn lông ở lỗ nhờ có ánh sáng văn minh Nhật Bản mới vươn lên được. 

Vào năm 1875, chính quyền Nhật Bản gửi một chiến hạm tới đảo Ganghwa của Triều Tiên và gây sự. Sau đó Nhật Bản buộc Triều Tiên phải ký Hiệp Ước Nhật-Triều 1876. Sau Hiệp Ước 1876, Nhật Bản buộc Triều Tiên phải mở cửa ba cảng là Wonsan, Busan và Incheon cho thương mại. Khi cảng Wonsan được mở cửa vào năm 1879, người Triều Tiên đã cải cách trường học truyền thống để lập ra trường học kiểu phương Tây đầu tiên theo mô hình của Nhật. Cũng kể từ sau năm Hiệp Ước 1876, Triều Tiên đã ký kết các hiệp ước khác với Hoa Kỳ vào năm 1882, với Anh và Đức năm 1883. Vào những năm 1880, Triều Tiên đã tích cực trao đổi kiến thức với phương tây. Tức là từ sau năm 1876, Triều Tiên đã bắt đầu mở cửa, học tập các kiến thức khoa học của nước ngoài cũng như tổ chức trường học theo kiểu phương tây.

Triều Tiên đã sử dụng sách giáo khoa của Nhật Bản từ rất sớm chứ không phải đến tận năm 1968 mới dùng. Vào đầu những năm 1900, các nhà toán học Triều Tiên đã biên tập lại các sách giáo khoa toán học của Nhật Bản và sử dụng cho trường tiểu học và trung học cơ sở của Triều Tiên. Ngoài ra họ cũng viết các sách giáo khoa về toán học khác dựa trên sách của các nước phương tây. Các sách giáo khoa về toán học của Nhật Bản đã được sử dụng trong một thời gian dài cho tận tới khi Triều Tiên giành được độc lập.

Vào năm 1910, Nhật Bản chính thức sáp nhập Triều Tiên vào lãnh thổ Nhật Bản. Kể từ đó Nhật Bản kiểm soát hoàn toàn hệ thống giáo dục của Triều Tiên. Tất cả mọi thứ ở Triều Tiên đều phải theo làm mô hình Nhật Bản. Hệ thống trường Nhật dạy bằng sách giáo khoa Nhật rất phát triển, các gia đình thượng lưu và giàu có Triều Tiên thường theo học trường Nhật. Ngôn ngữ và văn hóa Nhật được phổ biến rộng rãi ở Triều Tiên. Cho đến năm 1945 có tới 16% người Triều Tiên nói được tiếng Nhật. Sau khi giành được độc lập, chính quyền Hàn Quốc đã phải ra lệnh cấm sử dụng các sách giáo khoa bằng tiếng Nhật ở Hàn Quốc.

Vào cuối những năm 1950, sau khi đã chán ngấy những món hàng nhái Châu Á, chính quyền Hàn Quốc cải cách hệ thống giáo dục sang kiểu Mỹ, xây dựng các trường học theo tinh thần của nhà triết học John Dewey. Hệ thống trường thực nghiệm ở Việt Nam sau này mà giáo sư Ngô Bảo Châu từng học cũng được xây dựng theo tinh thần đó. Song thời gian tồn tại của chính sách mới rất ngắn ngủi, một cuộc đảo chính đã phá hủy tất cả mọi thứ.

Vào năm 1961, Park Chung-hee, một sĩ quan quân đội tốt nghiệp trường quân sự Nhật Bản và từng làm việc cho Nhật đã đảo chính và thiết lập chế độ độc tài quân sự, ông này chính là bố của đương kim tổng thống Hàn Quốc. Đến tận năm 1965 Hàn Quốc mới ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Trong thời kỳ cầm quyền Park Chung-hee đã ban lệnh thiết quân luật, vô hiệu hóa Quốc Hội, xóa bỏ Hiến Pháp và phổ thông đầu phiếu. Sinh viên các trường đại học biểu tình chống chế độ độc tài liên miên. Do Park Chung-hee và các thành viên chính phủ hầu hết xuất thân là cựu quan chức của chính quyền phát xít Nhật, đường lối chính trị lại theo xu hướng thân Nhật, nên bài Nhật trở thành một trong những vũ khí chính trị của người dân Hàn Quốc để chống lại chế độ độc tài. Park Chung-hee đã đàn áp rất khốc liệt các phong trào đối lập đặc biệt là trong vấn đề lên án tội ác chiến tranh của Nhật Bản. Sau khi Park Chung-hee bị ám sát vào năm 1979, chính quyền Hàn Quốc đã nới lỏng sự đàn áp đối với các phong trào đối lập, tinh thần bài Nhật của người Hàn Quốc lập tức bùng phát. Kể từ đó đến nay, hầu như không năm nào mà người Hàn Quốc không lên án chính quyền Nhật Bản chỉnh sửa sách giáo khoa về lịch sử để che đậy các tội lỗi ở Hàn Quốc thời kỳ 1910-1945, họ còn lên án cả chính quyền Hàn Quốc tìm cách sửa sách giáo khoa lịch sử để bào chữa cho những người đã hợp tác với người Nhật thời thuộc địa.

Trang Tony Buổi Sáng cho rằng nhờ dùng sách giáo khoa Nhật Bản, được đúc kết từ hàng trăm năm văn minh nhân loại nên người Hàn Quốc đã thoát khỏi nghèo khổ, nhưng không giải thích tại sao suốt gần một thế kỷ trước đó người Hàn Quốc cũng dùng những sách giáo khoa Nhật Bản mà đến những năm 1960 vẫn nghèo nhất Châu Á. Thậm chí trong một thời gian dài, suốt 35 năm Triều Tiên được tổ chức y hệt như Nhật Bản, học trực tiếp từ người Nhật, được người Nhật quản lý, vậy tại sao sau này họ còn phải thành bản sao của Nhật Bản?

Trang Tony Buổi Sáng cũng quên không giải thích tại sao Hàn Quốc không dùng các sách giáo khoa về địa lý, lịch sử và văn học. Lý do rất đơn giản, sách giáo khoa của Nhật Bản thường xuyên tạc lịch sử và địa lý Triều Tiên. Ví dụ một cuốn sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản dùng cho học sinh trung học trước năm 1945 viết là vua Triều Tiên đã bán nước cho đế quốc Nhật Bản. Còn gì sỉ nhục người Hàn Quốc hơn thế nữa? Trang Tony Buổi Sáng có thể chọn nhiều thứ khác để nói về điều thần kỳ Hàn Quốc, song nếu lựa chọn sách giáo khoa và giáo dục thì đã đụng đến một vấn đề mà ngay cả người Hàn cũng cảm thấy rất khó nói.

Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc có rất nhiều loại trường, sách giáo khoa của họ cũng có nhiều bộ chứ không phải là một bộ duy nhất. Bộ sách giáo khoa của Nhật được dịch ra tiếng Hàn cũng chỉ được giảng dạy ở một số trường nhất định, kiến thức khoa học của Nhật không thể phổ biến rộng rãi như dưới thời Triều Tiên bị Nhật cai trị. Mặt khác những sách giáo khoa Nhật không ngừng bị những người theo phong trào bài Nhật nhất là giới trẻ đả kích và tẩy chay. Do vậy, gán cho bộ sách giáo khoa Nhật Bản có tác dụng thần kỳ thì quả thật là nực cười.

Tinh thần bài Nhật của người Hàn Quốc rất cao. Mặc dù bình thường hóa quan hệ từ năm 1965, nhưng đến tận năm 2003 các bài hát Nhật Bản vẫn bị cấm phát trên truyền hình Hàn Quốc. Trên báo chí ở Hàn Quốc thường xuyên xuất hiện các tranh châm biếm về sự sa đọa của văn hóa Nhật Bản. Người Hàn Quốc luôn cho rằng tất cả những gì tinh hoa nhất của văn hóa truyền thống Nhật Bản, như Judo, Karate, kiếm đạo, cắm hoa, Chanoyu hay trà đạo đều có nguồn gốc từ Triều Tiên. Vào năm 2005, một nhà hàng ở Seoul còn treo biển "Cấm chó và người Nhật Bản", một sân golf nổi tiếng trương biển "Không phục vụ người Nhật". Không hiểu với sự thù ghét như vậy có người Hàn Quốc nào dám tuyên bố học theo tinh thần Nhật Bản không?

Về góc độ kinh tế

Những cái loa của giai cấp tư sản thường gán cho giai cấp tư sản sứ mệnh dẫn dắt một quốc gia về kinh tế. Mô tả mọi thành công về kinh tế của một quốc gia như là sự phát triển của giai cấp tư sản. Thật nực cười khi tuôn ra hàng tràng giang đại hải những thứ kiểu như nước ngoài có gì hay gì mới, giai cấp tư sản chỉ cần cho người sang đó học rồi về làm với sự ủng hộ của người trong nước, thế là hóa rồng hóa hổ ngay.

Khi đọc được những dòng mà trang Tony Buổi Sáng viết như: "Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào", thì đương kim tổng thống Hàn Quốc sẽ khóc hết nước mắt, tặng ngay cho trang Tony Buổi Sáng một huân chương hữu nghị Việt-Hàn to oạch trong một buổi lễ có các ụ pa đẹp giai hát hò và vỗ mông đành đạch để góp vui. Cho tới năm 1973, có 300.000 lính Hàn Quốc bận đi đánh Việt Cộng thuê cho Mỹ ở chiến trường Việt Nam nên đâu có nắm tay được. Việc đầu tiên khi Park Chung-hee lên nắm quyền là bắt giam 24 chủ nhân của các công ty lớn nhất Hàn Quốc để ép họ phải cam kết ủng hộ chính sách kinh tế của ông ta, chỉ có chủ tịch của công ty Samsung thoát nạn vì đang ở nước ngoài, nhưng khi quay về nước cũng bị bắt luôn. Thế nên cái sự "nắm tay chặt tay với quyết tâm" ấy đối với nhiều người là sự cưỡng bức. Park Chung hee cũng đã ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản bất chấp ý muốn của người Hàn Quốc, thay vì đòi bồi thường chiến tranh thì chấp nhận các khoản viện trợ và cho vay lãi suất thấp, đồng thời từ bỏ quyền được kiện chính quyền Nhật Bản về tội ác chiến tranh của người dân Hàn Quốc. Chính điều đó đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội. Sinh viên và thanh niên biểu tình chống chế độ độc tài liên miên, họ không nắm tay với chế độ độc tài như trang Tony Buổi Sáng viết. Nhà độc tài Park Chung-hee bị giám đốc cơ quan tình báo bắn chết trong một cuộc họp được cho là Park đã ra lệnh đàn áp một cuộc biểu tình ngay cả khi phải gây nguy hiểm cho tính mạng của 30.000 người Hàn Quốc. Cái câu mà trang Tony Buổi Sáng viết thì người Hàn thường xuyên hiểu ngược lại, tức là họ bị cưỡng bức phải làm theo những gì chính quyền muốn.

Một chi tiết nhỏ mà trang Tony Buổi Sáng không chú ý khi ca ngợi sự mẫn cán của tập đoàn Lotte. Tập đoàn đó mặc dù do người Hàn Quốc làm chủ nhưng là công ty Nhật Bản, được thành lập và phát triển ở Nhật. Ban đầu họ chỉ là một xưởng sản xuất bánh gạo nhỏ và phất lên nhờ trúng thầu cung cấp hàng hóa cho các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Sau này, dưới chế độ Park thân Nhật Lotte mới mở rộng việc kinh doanh ở Hàn Quốc.

Một điều cần lưu ý là Hàn Quốc, một trong các con hổ Châu Á, thường được đưa vào chương trình giảng dạy kinh tế như là một hình mẫu của chính sách phát triển kinh tế nhờ khuyến khích xuất khẩu, tức là bán hàng cho nước ngoài. Hình mẫu Hàn Quốc đã nhiều năm được dùng để phê phán mô hình phát triển nhờ thay thế hàng nhập khẩu mà Việt Nam từng theo đuổi, tức là tự sản xuất lấy mọi thứ, trong các trường đại học ở Việt Nam hơn một thập kỷ trước đây. Hàn Quốc phát triển thần kỳ trong những năm 60-80 của thế kỷ trước là nhờ hàng rào thuế quan khốc liệt ngăn chặn hàng nhập khẩu và tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tức là họ giàu lên nhờ xuất khẩu chứ không phải dựa vào thị trường nội địa nhỏ bé. Hoàn cảnh kinh tế Hàn Quốc lúc đó cũng rất thuận lợi khi nhận được nguồn vốn đầu tư và viện trợ dồi dào từ Nhật và Hoa Kỳ đổ vào. Triết lý kinh tế chế độ Park Chung-hee lúc đó là bản sao của triết lý Nhật Bản, khẩu hiệu của họ rất ngắn gọn: "dân nghèo, quốc gia mạnh" tức là người dân phải hy sinh vì quốc gia. Chính quyền Park Chung-hee đã đứng ra vay tiền nước ngoài rồi cho các doanh nghiệp thân hữu vay lại với lãi suất bằng không, đó là nguyên nhân họ lập lên các cheabol và có tới 9/20 cheabol của Hàn Quốc có nguồn gốc từ tỉnh quê hương của nhà độc tài Park Chung-hee. Gánh nặng chi phí đổ lên đầu người dân, mọi người phải thắt lưng buộc bụng, thanh niên Hàn phải bán mạng ở chiến trường Việt Nam, phụ nữ Hàn phải làm lụng cực nhọc ở Đức, để kiếm tiền bù đắp chi phí của chính sách kinh tế mà chính quyền Park Chung-hee áp dụng. Một nhóm nhỏ các tài phiệt đã "nắm chặt tay" nhau để kiếm lãi to trên sự hy sinh (bị ép buộc) của cả dân tộc Hàn Quốc.

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính Châu Á năm 1997, câu chuyện cổ tích hiện đại đã trở thành ác mộng, Hàn Quốc rơi vào nợ nần và trì trệ, bắt kịp Nhật Bản, Châu Âu hay Hoa Kỳ đối với Hàn Quốc giờ là chuyện không tưởng. Thậm chí họ còn bị Trung Quốc vượt qua rất xa, mặc dù Trung Quốc đến tận năm 1979 mới mở cửa. Các giáo sư kinh tế ở Việt Nam đã từng ca ngợi mô hình kinh tế Hàn Quốc nhiệt thành cách đây hơn chục năm thì giờ thậm chí không còn nhớ tới. Lý do là thời thế đã đổi thay, các hiệp định tự do thương mại không cho phép bảo hộ thương mại nữa, nguồn vốn nước ngoài không còn dồi dào và các chính phủ cũng không thể đứng ra vay tiền nước ngoài để cho các công ty lớn vay lại một cách phổ biến.

Người Hàn Quốc phải dùng những đồ xấu xí chất lượng tồi là do chính sách bảo hộ thương mại khốc liệt hồi đó, và cũng chính là cách Park ưu đãi cho các tập đoàn thân hữu với ông ta, chứ chả phải họ có tinh thần dân tộc gì. Nhưng tầng lớp giàu có thì chưa bao giờ chịu ảnh hưởng. Dưới thời Park Chung-hee, viện trợ của Hoa Kỳ chiếm tới 50% ngân sách dân sự và 75% ngân sách quân sự, phần lớn số tiền đó bị các quan chức chính quyền và tướng lĩnh quân đội biển thủ và dùng để mua hàng tiêu dùng ngoại nhập.Tầng lớp giàu có ở Hàn Quốc coi đồ ngoại nhập giá cao là thứ thể hiện đẳng cấp của họ. Sau khi lệnh cấm đi nước ngoài bị dỡ bỏ năm 1988, các gia đình Hàn Quốc giàu có đã gửi con cái ra đi học tập ở nước ngoài ngày càng nhiều, nói theo kiểu hiện đại là họ đã mua dịch vụ giáo dục của nước ngoài.

Trang Tony Buổi Sáng viết:

Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại như bây giờ. Mỗi cá nhân chịu thiệt thòi một chút thì đã sao. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?

Đây chính là trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc mà tôi muốn nói tới. 

Nếu ai đó nói với bạn về việc ủng hộ hàng nội địa xấu xí giá cao nhân danh tinh thần dân tộc thì hãy trả lời như sau: Việc ủng hộ hoàn toàn đúng, song tại sao doanh nghiệp không bày tỏ lòng yêu nước bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tốt giá rẻ, có thiệt lợi nhuận một chút thì vấn đề gì đâu?

Nếu họ vẫn chưa hài lòng, thì bạn hãy viện dẫn đến lý trí của các nhà khoa học kinh tế như sau: Một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng tồi, giá cao, ế không bán được cho ai thì có nghĩa là họ đang sử dụng lãng phí tài nguyên của quốc gia. Ủng hộ họ tức là bao che cho sự lãng phí tài nguyên quốc gia. Yêu nước như thế bằng mười hại nước.

Nếu bạn là người lao động mà nghe được câu khẩu hiệu trên thì hãy nhớ rằng: Tiêu dùng hàng hóa chính là để tái tạo ra sức lao động của bạn. Nếu bạn vì tinh thần dân tộc mà dùng những hàng hóa kém chất lượng thì không chỉ túi tiền của bạn vơi và mà sức lao động của bạn cũng bị suy giảm. Hậu quả là bạn sẽ không đủ sức lực nuôi sống bản thân, chăm lo cho gia đình hay phục vụ đất nước. Bạn sẽ nghèo đói khố rách áo ôm, lúc đó bạn sẽ được nghe giai cấp tư sản nói rằng những kẻ nghèo đói là những kẻ ngu dốt.

Cái trò mị dân ấy của giai cấp tư sản đã tố cáo sự tham lam của họ. Giai cấp tư sản mong muốn trở nên giàu có bằng cách bóc lột người lao động hai lần, lần thứ nhất trong nhà xưởng, lần thứ hai bằng cách bán cho họ những đồ kém chất lượng. Nếu như thế kỷ 19 ở Anh thịnh hành những cái tommy-shop [cửa hàng của chủ xưởng, công nhân làm thuê cho chủ xưởng bị bắt buộc phải mua hàng hóa tại cửa hàng này] thì giờ đây giai cấp tư sản muốn biến cả quốc gia thành một cái tommy-shop.

Tài liệu tham khảo: