Sunday, October 16, 2016

Xã hội và quan hệ xã hội

Cách đây không lâu, rất nhiều trang mạng nước ngoài và quốc tế phát tán một câu chuyện kiểu giả khoa học xuất phát từ một mạng xã hội chuyên về chuyện hài hước mô tả một thí nghiệm về khỉ và dùng nó để minh họa cho việc đàn áp vô lý các ý kiến khác biệt trong xã hội loài người. Dưới đây là câu chuyện ấy.

Đọc toàn bộ câu chuyện ở đây
Điều căn bản phi lý trong câu chuyện này chính là giả định đám khỉ sẽ đánh con khỉ nào muốn leo lên lấy chuối. Đó là điều không bao giờ xảy ra trong xã hội loài người và chính điều đó đã ngầm giả định sự đàn áp các quan điểm khác biệt. Câu chuyện này trở thành một mớ nhảm nhí theo kiểu sự đàn áp tồn tại vì có sự đàn áp và giải pháp của nó là một thứ khôi hài không tưởng theo kiểu hành vi tâm thần của sự nghiện ngập "like và share" trên mạng xã hội: Hãy chia sẻ và mọi người sẽ nghĩ khác, khi mọi người nghĩ khác thì mọi thứ sẽ khác!

Quan hệ giữa những con người là quan hệ xã hội và quan hệ xã hội sẽ trở thành một phần của bản chất tự nhiên trong con người. Hãy chú ý điều này: Kinh tế học luôn giả định con người là homo economicus, tức là một kiểu con khỉ vị kỷ chỉ biết đến bản thân khi so sánh giữa chuối và nước lạnh, khi làm điều đó nó buộc phải giả định rằng vị tha không tồn tại, tức là một ông bố sẽ không hy sinh gói thuốc lá của mình để mua sữa cho đứa con nhỏ đang đói. Thứ giả khoa học của chủ nghĩa tư bản hình dung con người là một con vật vị kỷ, do vậy nó dùng con vật để thay thế cho con người trong mọi câu chuyện.

Xã hội con người sẽ hoàn toàn khác với xã hội khỉ được mô tả trong thí nghiệm giả khoa học kia.

1-Xã hội có giai cấp 

Khi đám khỉ biết rằng một con khỉ trèo lên lấy chuối thì những con còn lại sẽ bị xịt nước lạnh, chúng sẽ làm gì? Chúng sẽ cắt cử một con khéo léo nhanh nhẹn nhất leo lên thật nhanh lấy chuối xuống để chia cho tất cả cùng ăn, cả đám còn lại sẽ cùng chịu nước lạnh và sau đó cùng ăn chuối.

Chuyện đó là bình thường cho đến khi con khỉ chuyên lấy chuối kia tưởng rằng chuối có được là nhờ sự thông minh khéo léo của nó còn những kẻ còn lại chỉ là những kẻ khốn khổ ăn bám không hơn không kém. Nó sẽ thể hiện uy quyền bằng cách ăn phần lớn chuối và chỉ chia phần nhỏ cho những con còn lại. Tất nhiên những con khỉ còn lại sẽ bất bình, chúng sẽ tìm cách thay thế con khỉ đó bằng một con khỉ khác công bằng hơn. Song cái cơ chế đó đã hình thành, những con khỉ đi lấy chuối bao giờ cũng là tầng lớp đặc quyền và đặc quyền đó được xây dựng dựa trên sự chịu đựng đau khổ của đông đảo quần chúng. Mọi con khỉ đi lấy chuối có công bằng vô tư đến đâu thì cái cơ chế xã hội tồn tại vẫn luôn đảm bảo địa vị đặc quyền của chúng và sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ ăn bám cặn bã. Điểm mấu chốt này giải thích sự duy tâm và bảo thủ của câu chuyện giả khoa học về lũ khỉ trong bức hình minh họa nói trên. Một mặt, nó thay thế quan hệ xã hội bằng lợi ích và niềm tin cá nhân. Mặt khác, nó khẳng định lối thoát là sự giải phóng của lợi ích và niềm tin cá nhân. Sự phi lý nằm ở chỗ: Nó giả định sẵn cái mà nó cần phải chứng minh. Sự bảo thủ của nó nằm ở chỗ: Nó lảng tránh quan hệ xã hội, coi quan hệ xã hội là một thuộc tính tự nhiên vĩnh viễn không thể thay đổi, do vậy nó thần thánh hóa và bảo vệ cái trật tự mà nó vờ như đang chống lại.

2-Xã hội không giai cấp

Khi xã hội loài khỉ tiến hóa đến một mức độ nhất định, lũ khỉ sẽ thay đổi cách tổ chức. Mỗi con khỉ sẽ đều phải lần lượt leo lên lấy chuối xuống chia cho cả nhóm cùng ăn và tất nhiên là con nào cũng chịu bị phun nước lạnh. Chúng sẽ cười vào mũi đám nhà khoa học dốt nát đang cố tìm hiểu chuyện gì xảy ra, đôi khi chúng sẽ thí nghiệm trở lại xem đám nhà khoa học kia sẽ làm gì khi chúng dự trữ chuối để ăn hay không thèm leo lên lấy chuối ngay cả khi bị phun nước lạnh, từ đó chúng sẽ thay đổi cách tổ chức hành động cho hiệu quả hơn. Mỗi con khỉ đều đạt tới trạng thái tự do khi tham gia vào mọi công việc chung của xã hội. Một mặt chúng có những quyền lợi và nghĩa vụ, thậm chí cả sự đau khổ ràng buộc với xã hội, nhưng mặt khác chúng không còn lệ thuộc vào những cá thể nhất định nữa. Sự xung đột chấm dứt, không còn bất cứ con nào phàn nàn về nước lạnh hay vấn đề công bằng khi chia chuối. Mọi ý kiến bất đồng đều nhanh chóng được giải quyết do mỗi thành viên trong xã hội đều có đầy đủ trải nghiệm và công cụ để kiểm chứng những ý kiến đó, chỉ trên cơ sở đó, những ý kiến khác biệt mới được tôn trọng triệt để. Đây là xã hội có ý thức, con người đã tách hoàn toàn khỏi trạng thái nguyên thủy. 

Để chống lại tình trạng những kẻ đặc quyền đặc lợi ăn bám vào xã hội thì mấu chốt không phải là thay thế kẻ đặc quyền này bằng kẻ đặc quyền khác, mà là xóa bỏ mọi đặc quyền. Việc xóa bỏ đặc quyền đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội khiến cho tất cả mọi người đều phải tham gia vào mọi công việc chung của xã hội và được hưởng lợi ích từ đó. 

3-Cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng

Từ khi một xã hội không giai cấp, chấm dứt mọi đặc quyền bắt đầu hình thành thì tầng lớp đặc quyền sẽ không thể ngồi yên, chúng sẽ tìm mọi cách chống lại điều đó để bảo vệ địa vị của mình. 

Khi những con khỉ bắt đầu tổ chức theo xã hội không giai cấp thì tất cả những thành phần tinh hoa của xã hội cũ sẽ gào thét, chúng sẽ ồn ào về sự phi lý, những hậu quả của hành động trái ngược với bản chất tự nhiên, với sự khéo léo của những con khỉ chuyên lấy chuối, với sức chịu đựng bền bỉ của những con khỉ chuyên chịu nước lạnh. Một mặt chúng sẽ đề cao sự công bằng bình đẳng, mặt khác chúng tuyên bố cái trật tự hiện có là tự nhiên, bất cứ ý kiến nào đòi thay đổi cái trật tự đó đều là ngu xuẩn và độc ác. Mọi sự tiến bộ đều có thể tiến lên bằng cách thay đổi tư duy hay nhận thức của mỗi cá thể chứ không phải là thay đổi quan hệ xã hội giữa các cá thể đó. Hãy đừng ngạc nhiên khi thấy có những xã hội đề cao ý kiến cá nhân nhất cũng chính là những xã hội đàn áp ý kiến cá nhân bậc nhất, bởi vì sự tự do đó không dành cho tất cả mọi người.

Không phải ở đâu những con khỉ thuộc tầng lớp đặc quyền cũng có thể to tiếng, nhất là khi những con khỉ còn lại đã có tổ chức tốt, việc tạo dựng xã hội mới cũng đồng nghĩa với việc đánh bại, đàn áp những kẻ thống trị bảo thủ của xã hội cũ. Đó là điều không thể tránh khỏi. Ở đây sẽ xuất hiện một bộ phận phản động bậc nhất, chúng sẽ nhân danh tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến để chống lại việc xây dựng xã hội mới. Tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến có nghĩa là tự do bảo vệ trật tự xã hội cũ của những kẻ đặc quyền và do vậy đối với những kẻ đặc quyền sẽ là giá trị tốt đẹp nhất của xã hội hiện tại. Lúc này, mấu chốt để xây dựng xã hội mới không phải là đấu tranh cho tự do ngôn luận hay bất đồng chính kiến mà là tiêu diệt chúng.

4-Lời kết

Quay trở lại với câu chuyện trong hình minh họa, tất cả thực tiễn của xã hội đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại sự phi lý trong việc đàn áp ý kiến khác biệt được minh họa bằng một thí nghiệm giả tưởng với khỉ, do vậy, chìa khóa để thay đổi là mọi ý kiến khác biệt đều phải được tôn trọng và khuyến khích. Song chỉ khi nào người ta đặt câu chuyện giả khoa học theo kiểu ngụ ngôn này vào bối cảnh lịch sử của xã hội loài người thì ý nghĩa xã hội của nó mới bộc lộ rõ, cả sự bảo thủ cũng như phản động của nó. 

Cách đây hơn một thế kỷ, những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã nhấn mạnh rằng: Thực tiễn là tiêu chuẩn của nhận thức! Chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được nhận thức và quyết định được nhận thức, do vậy dưới chủ nghĩa tư bản, một bộ phận dân chúng bị tha hóa và tách ra khỏi hiện thực xã hội, mất đi khả năng kiểm chứng nhận thức của bản thân và bị lệ thuộc vào nhận thức của kẻ khác (một ví dụ cụ thể: đám đông bị truyền thông định hướng). Trong hoàn cảnh ấy, tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến thực ra là sự mất tự do về ngôn luận và sự mất tự do về bất đồng chính kiến. Việc đề cao tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến lúc này luôn đi cùng với sự phê phán ý thức thấp kém, lệ thuộc, quần chúng ngu dốt hay các tệ nạn a dua, anh hùng bàn phím, giống như hai mặt của một đồng xu vậy. Khi các quyền tự do bị tách ra khỏi cơ sở thực tiễn xã hội thì chúng trở thành sự bảo thủ và phản động, chúng sẽ giúp cho những thế lực thống trị của xã hội tiếp tục duy trì sự nô dịch đối với quần chúng lao động, buộc quần chúng lao động phải phụ thuộc vào chúng. Khi sự phê phán ý thức tách rời khỏi thực tiễn xã hội (tức là không đi cùng với sự giải phóng người lao động) thì chúng cũng trở thành phản động vì chúng không thay đổi nhận thức của quần chúng lao động để phục vụ cho việc giải phóng họ mà ngược lại củng cố sự thống trị của tầng lớp có đặc quyền về ý thức và giáo dục. Điều khôi hài ở chỗ này mà có thể người ta đã lờ mờ nhận ra, chính là chủ nghĩa giáo dục mang tính khai sáng kiểu tư sản (hiện đang được phe dân chủ đề cao ở Việt Nam) lại gắn liền với chủ nghĩa ngu dân phản động bậc nhất, có nghĩa là "khai dân trí" để dân chúng biết rằng họ lệ thuộc vào ý thức của một tầng lớp tinh hoa có đặc quyền về trí tuệ chứ không phải để họ tự giải phóng bản thân mình và có được sự độc lập về ý thức.