Wednesday, October 31, 2012

Tăng phí dịch vụ y tế có làm dân bớt khổ?

Nếu có ai đó đi một vòng quanh hệ thống cơ sở y tế của Việt Nam thì sẽ nhận thấy một điều kỳ lạ, có những bệnh viện chật cứng người đến khám chữa bệnh trong khi những cơ sở khác vắng tanh. Ở những bệnh viện đông khách thì bệnh nhân xếp hàng chen chúc khổ sở trong khu vực khám chữa bệnh chính thức theo đơn giá nhà nước quy định, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu với đơn giá riêng của bệnh viện, nơi mà mọi sự đều hết sức dễ chịu, người bệnh được phục vụ nhanh chóng với trang thiết bị tốt hơn.

Hệ thống y tế ở Việt Nam về bản chất là một hệ thống cung cấp dịch vụ y tế công ích, nó được phân bổ theo khu vực hành chính chứ không theo nhu cầu khám chữa bệnh thực tế của dân cư. Trải qua một thời gian dài sự phát triển của kinh tế khiến nhu cầu khám chữa bệnh và bản thân việc khám chữa bệnh cũng biến đổi tương ứng, hệ thống y tế phân bổ theo khu vực hành chính không thể thích ứng được với tình hình một số lượng lớn dân cư dồn vào các thành phố lớn, cũng như giao thông đã được cải thiện đáng kể. Một số lượng lớn cư dân có thể dễ dàng tiếp cận các bệnh viện có chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn hơn trong hệ thống và bỏ qua các cơ sở chỉ cung cấp những dịch vụ tối thiểu ở địa phương. Hệ quả tất yếu là các cơ sở y tế tốt ở đô thị luôn bị quá tải trong khi các cơ sở ở địa phương lại hầu như không có bệnh nhân. Việc tiếp tục duy trì hệ thống không theo nhu cầu thực tế như vậy sẽ tạo ra một gánh nặng tài chính lớn, do một mặt phải không ngừng đầu tư cho các cơ sở y tế đông bệnh nhân mà vẫn phải bù lỗ cho các cơ sở y tế vắng khách ở các địa phương.

Sự phát triển của nền kinh tế cũng tạo ra sự phân hóa trong khối bệnh nhân, nếu như trước kia cái khối đó chỉ gồm toàn những người không có nhiều khả năng chi trả cho dịch vụ y tế thì giờ đây đã xuất hiện một số lượng lớn những người sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những dịch vụ y tế tốt hơn. Song đó chỉ là một nửa của vấn đề nếu không nhìn nhận thấy rằng chính bản thân ngành y tế cũng đã thay đổi, từ chỗ chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu hạn chế trước kia thì giờ đây đã có thể đáp ứng những nhu cầu cao hơn. Ở các bệnh viện mà bệnh nhân dồn về đông đã xuất hiện các hình thức khám chữa bệnh theo yêu cầu, tức là đáp ứng yêu cầu cao hơn và với đơn giá thỏa thuận khác với đơn giá của nhà nước, về bản chất chính là hoạt động kinh doanh vì phần lớn thu nhập từ phần khám dịch vụ sau khi khấu trừ chi phí sẽ được chuyển thành thu nhập của các nhân viên y tế.

Hệ thống khám chữa bệnh theo dịch vụ một mặt đáp ứng nhu cầu cao hơn của người bệnh, mặt khác cũng tạo ra sự cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế. Một ví dụ dễ thấy là việc bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh với chất lượng tốt hơn, đó chính là làm kinh doanh một cách phi chính thức. Vấn đề là ở chỗ cũng bệnh viện ấy, cũng những y bác sĩ ấy, cũng hệ thống trang thiết bị y tế đó giờ phải đáp ứng cho cả hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh. Khi nhu cầu và thu nhập từ phần kinh doanh càng ngày càng trở nên lớn hơn phần công ích thì tất yếu cơ sở vật chất, thời gian hoạt động của y bác sĩ sẽ được phân bổ sang phần kinh doanh nhiều hơn trong khi vẫn phải duy trì dịch vụ công ích ở mức độ đúng theo quy định của nhà nước. Những nguồn lực dành cho dịch vụ công ích tất yếu sẽ bị bớt xén dưới nhiều hình thức khác nhau và do đó chất lượng dịch vụ y tế công ích sẽ giảm sút.

Hệ thống khám chữa bệnh theo yêu cầu cần phải được đánh giá theo cơ chế thị trường tức là được phải được thể hiện qua việc hạch toán độc lập chi phí và lợi nhuận, nhưng ở ngành y tế thì không diễn ra như vậy. Có hai khía cạnh có thể nhận thấy là một mặt thì doanh thu của dịch vụ này không được hạch toán đầy đủ, mặt khác là chi phí của phần dịch vụ vẫn được các cơ sở y tế hạch toán như là chi phí của phần công ích, như vậy rất khó có thể biết được lợi nhuận, thứ duy nhất tồn tại công khai là bảng giá dịch vụ. Ví dụ như việc bác sĩ nhận phong bì để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn thì tiền trong phong bì chính là doanh thu của dịch vụ nhưng sẽ không được hạch toán, cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư khi sử dụng cho phần dịch vụ sẽ chỉ được bù đắp chi phí đầu tư mà không tính đến chi phí cơ hội. Phần khám chữa bệnh theo yêu cầu là do cơ sở tự chủ nên Bộ Y Tế hầu như là không nắm được con số cụ thể. Những vấn đề như: Phần kinh doanh của các bệnh viện thực tế là lỗ hay lãi? Nếu lỗ thì khoản lỗ đó được hạch toán vào đâu? Nếu lãi thì khoản lãi đó đi đâu? Có thể so sánh lỗ lãi giữa các cơ sở y tế có dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để đánh giá hiệu quả không? Các cơ sở y tế có đóng thuế thu nhập cho phần kinh doanh không? Hoàn toàn không thể có câu trả lời, đây chính là khoảng trống trong quản lý của ngành y tế. Điều này cũng dẫn đến một hệ quả khác, khi các cơ sở y tế công không phải tính toán chi phi cơ hội của các khoản đầu tư thì họ có khả năng cung cấp các dịch vụ có chất lượng tương đương với giá thấp hơn các cơ sở tư nhân, tức là tạo ra cạnh tranh không bình đẳng với các cơ sở tư nhân.

Hệ thống y tế phải đối mặt với sự lộn xộn về tài chính do hạch toán chi phí không hợp lý ngay chính trong bản thân các cơ sở y tế. Nếu chỉ đơn thuần tăng chi phí dịch vụ khám chữa bệnh công ích lên mà không tách bạch phần hai phần chi phí kinh doanh và chi phí công ích cũng như đánh giá hiệu quả tài chính của phần kinh doanh thì sẽ không thay đổi được hiện trạng. Khi các bệnh viện phải gia tăng chất lượng dịch vụ y tế công ích, một phần lớn bệnh nhân sẽ chuyển từ dịch vụ theo yêu cầu sang dịch vụ công ích, điều đó làm giảm sút thu nhập của nhân viên y tế, thì việc tiếp theo mà các bệnh viện sẽ làm là gia tăng chất lượng hơn nữa cho phần dịch vụ theo yêu cầu để giữ chân bệnh nhân, tức là sẽ phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn nữa cho phần kinh doanh. Các nguồn lực cho dịch vụ công ích có thể tăng thêm trên sổ sách nhưng phần lớn nó sẽ bị hút vào phần dịch vụ theo yêu cầu.

Bảo hiểm y tế có thể giúp gia tăng số lượng người bệnh có khả năng chi trả cho dịch vụ công ích nhưng chính nó cũng lại gia tăng sức ép lên phần dịch vụ công ích của các cơ sở y tế, chất lượng dịch vụ y tế công ích vì thế sẽ khó có thể được cải thiện.

Việc gia tăng đầu tư cơ sở vật chất cũng như tăng số lượng bác sĩ cho các cơ sở y tế tuyến dưới có thể trở thành sự lãng phí khi các cơ sở đó không thu hút được nhiều bệnh nhân hơn, nhưng ngay cả khi thu hút được nhiều bệnh nhân hơn thì lại hoàn toàn có thể rơi vào trường hợp rối loạn về tài chính do không hạch toán chi phí của phần kinh doanh đúng theo giá trị thực.

Mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh đang bị quá tải hay xây thêm cơ sở mới đều có thể làm tình trạng quá tải về tài chính trở nên trầm trọng hơn, vì hệ thống tài chính y tế sẽ gánh vác phần bất hợp lý về chi phí lớn hơn. Tăng lương cho các nhân viên y tế cũng khó lòng cải thiện được chất lượng dịch vụ vì nguyên nhân chính của chất lượng dịch vụ kém chính là hệ thống y tế bị quá tải khi vừa phải đáp ứng các chỉ tiêu ngày càng tăng của Bộ Y Tế về khám chữa bệnh công ích vừa phải cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu.

Gia tăng đầu tư cho khu vực y tế công nhưng không hạch toán chi phi cơ hội và minh bạch hóa doanh thu của phần dịch vụ sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa cơ sở y tế công và tư nhân, các cơ sở công có cơ hội đặt giá thấp hơn đối với dịch vụ có chất lượng tương đương để thu hút bệnh nhân và khiến cho các cơ sở tư nhân không phát triển được.

Bộ Y Tế tăng phí dịch vụ khám chữa bệnh khi thấy rằng phí đó đã quá lạc hậu so với thực tế là việc làm hoàn toàn cần thiết, song nếu việc đó không đi cùng với hai việc, thứ nhất là sắp xếp lại mạng lưới y tế theo nhu cầu sử dụng dịch vụ, thứ hai là hạch toán phần kinh doanh tách bạch khỏi phần công ích thì có thể sẽ không giải quyết được tình trạng lộn xộn về tài chính cũng như không cải thiện được chất lượng dịch vụ y tế. Tăng chi phí dịch vụ y tế vì vậy có thể không làm người dân đỡ khổ nếu Bộ Y Tế không thay đối cách thức quản lý đối với các cơ sở y tế.

Tài liệu tham khảo:

1) Dân phải chịu khổ vì giá dịch vụ y tế thấp
2) Liệu có sự phân biệt giàu-nghèo trong khám chữa bệnh
3) Nghị định số 43/2006/NĐ-CP


Monday, October 29, 2012

Mốt sách

Sách giờ là mốt. Người đẹp chụp ảnh thì phải giở "Vô Tri" của Milan Kundera còn trí thức dân chủ thì cũng phải chìa gáy "Chính Thể Đại Diện" của J.S. Mill. 

Hồi ông Vũ Trọng Phụng còn viết phóng sự, có cô đầu ngày nào cũng bắt em út đi mua nhật báo về đọc. Thời ấy có tới hơn 95% dân chúng mù chữ, gái làng chơi mà biết đọc báo thì sang chả kém mấy ông tiến sĩ biết nói tiếng ngoại quốc. 

Nhắc đến tên Milan Kundera thì tuyệt đại đa số dân Việt Nam chả biết là ai, còn "Chính Thể Đại Diện" xuất bản có 1.500 cuốn. 

Một em gái làng chơi bị khách bùng tiền lên mạng chửi đổng: Cùng là kiếp ca-ve mà Thúy Kiều được vào sách giáo khoa kể chuyện, còn bà đây bị quịt tiền đếch biết kêu ai. 

Cả đám nhẩy bổ vào hỏi lao xao: "Đứa nào mua dâm?" 

Chủ hiệu sách đóng cửa, miệng lầm bầm: "Phen này ông quyết đi buôn bao cao su!" 

Saturday, October 27, 2012

Ngân hàng có lợi gì khi huy động vàng?

Thị trường vàng đang rung chuyển sau khi nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng và buộc các ngân hàng chấm dứt huy động vàng. Tại sao ngân hàng huy động vàng? Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước lại muốn chấm dứt điều đó? Tất cả những câu hỏi đó đều sẽ không thể trả lời được nếu không hiểu ngân hàng kinh doanh như thế nào với vàng.

Trong thời kỳ lạm phát cao và giá vàng gia tăng ổn định thì người dân thường chuyển các khoản tiền tiết kiệm của mình sang vàng, đó hoàn toàn là một việc bình thường và thiết thực để bảo vệ lợi ích của bản thân. Khi nhận thấy một khối lượng vàng lớn được tích tụ lại trong dân cư thì ngân hàng sẽ tìm cách khai thác khối giá trị đó để kinh doanh, việc huy động vàng ra đời trong bối cảnh như vậy.

Ngân hàng sẽ nhận vàng gửi của người dân và sử dụng số vàng đó vào việc kinh doanh khi hết hạn gửi thì người dân sẽ nhận lại số vàng đã gửi vào ngân hàng kèm theo một khoản tiền lãi nhất định tính theo giá trị bằng tiền của số vàng đã gửi tại thời điểm gửi vào. Nếu nhìn một cách hời hợt theo bề ngoài của quan hệ này thì ngân hàng hoàn toàn không có lợi gì khi huy động vàng mà thậm chí còn thiệt vì phải trả lãi suất. Khi vàng ở trong tay người dân chỉ là phương tiện tiết kiệm, còn ở trong tay ngân hàng thì là phương tiện kinh doanh, sẽ không thể hiểu được lợi ích của ngân hàng khi không dõi theo cách thức họ kinh doanh. 

1) Các mô hình kinh doanh của ngân hàng

Giả sử một ngân hàng huy động được 10 lượng vàng của người gửi với lãi suất 1,6%/năm, giá vàng tại thời điểm huy động là 47 triệu, lãi suất huy động tiền mặt là 9%, lãi suất cho vay là 14%. Ngân hàng sẽ kinh doanh như sau:

Cách thứ nhất: 

Ngân hàng có thể bán đi 9 lượng vàng để thu được: 9x47= 423 triệu, chỉ cần giữ lại 1 lượng để thanh toán cho người gửi đến hạn. 

Khi huy động 10 lượng vàng trị giá 10x47= 470 triệu với lãi suất 1,6% thì số tiền lãi ngân hàng phải trả cho người gửi là: 470x1,6%= 7,52 triệu. 

Ngân hàng thu được 423 triệu tiền mặt, số tiền này khi phải huy động tiền gửi là tiền mặt với lãi suất 9% thì khoản tiền lãi mà ngân hàng phải trả cho người gửi là: 470x9%= 42,3 triệu. Sở dĩ có con số 470 ở đây vì muốn có 423 triệu khả dụng thì ngân hàng phải huy động 470 triệu, tức là giữ lại 47 triệu để trả cho người rút tiền đến hạn.

Chênh lệch tiền lãi phải trả giữa huy động tiền mặt và huy động vàng là 42,3-7,52= 34.78 triệu.

Việc huy động vàng giúp ngân hàng có được nguồn tiền mặt với chi phí  thấp hơn huy động tiền mặt rất nhiều, tiết kiệm tới: 34,78/42,3 = 82,22%. 

Ngân hàng có thể đem số tiền 423 triệu cho vay với lãi suất 14% tức là sẽ thu được khoảng tiền lãi là: 423x14%= 59.22 triệu. Lợi nhuận khi huy động vốn bằng vàng sẽ là: 59,22 - 7,52= 51,7 triệu, trong khi đó lợi nhuận khi huy động vốn bằng tiền mặt là: 59,22 - 42,3 = 16,92 triệu, có thể dễ dang nhận thấy lợi nhuận khi huy động vốn bằng vàng cao gấp 3 lần lợi nhuận khi huy động vốn bằng tiền mặt.

Điều này giải thích tại sao các ngân hàng ưa thích huy động vốn bằng vàng. Tuy nhiên, cách kinh doanh này cũng có một khía cạnh bất lợi nhất định, đó là rủi ro về giá vàng. Khi giá vàng giảm thì ngân hàng đương nhiên có lợi nhưng khi giá vàng tăng thì ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận vì phải mua vàng giá cao hơn để trả lại cho người gửi, có thể dễ dàng tính được mức giá vàng khiến các ngân hàng mất hết lợi nhuận: (423+ 51,7)/9 = 52,74 triệu. Giá vàng phải tăng từ 47 triệu lên 52,74 triệu, tức là tăng 12,2% thì mới làm cho lợi nhuận của ngân hàng bằng 0.

Cách thứ 2: 

Ngân hàng sẽ phát hành tín phiếu được đảm bảo bằng vàng, chứ không bán số vàng huy động được để lấy tiền mặt. Ngân hàng sẽ bán những tín phiếu ghi 1 lượng vàng cho người mua với giá 47 triệu và mua lại những tín phiếu này khi người đó muốn bán với giá vàng tại thời điểm thanh toán.

Với 10 lượng vàng trị giá 470 triệu huy động được thì ngân hàng có thể phát hành 100 tín phiếu với giá trị mỗi tín phiếu là 47 triệu, theo nguyên tắc đảm bảo 10% dự trữ như ở cách thứ nhất, số tiền ngân hàng thu được sẽ là 47x100= 4700 triệu.

Muốn huy động số tiền 4700 triệu này bằng tiền mặt thì ngân hàng sẽ phải trả khoản lãi là: 4700x9%= 423 triệu. Ở cách thứ nhất đã tính được chi phí huy động vàng là: 7,52 triệu, ngân hàng thông qua cách này đã tiết kiệm được: 423-7,52= 415,48 triệu. Khoản tiết kiệm được lên tới 98,22% tổng chi phí, cao hơn con số 82,22% ở cách thứ nhất rất nhiều.

Nếu ngân hàng cho vay khoản tiền 4700 triệu với lãi suất 14% thì tiền lãi thu được là 4700x14%= 658 triệu. Lợi nhuận sẽ là; 658 - 7,52 = 650,48 triệu.

Trong khi đó nếu huy động 4700 triệu với lãi suất 9% và cho vay 4230 triệu với lãi suất 14% thì ngân hàng chỉ thu được lợi nhuận là: 4230x14% - 423 = 169,2 triệu.

Có thể thấy lợi nhuận từ phát hành tín phiếu đảm bảo bằng vàng cao gấp 3,84 lần so với huy động tiền mặt. Trong cách kinh doanh thứ hai này ngân hàng cũng có thể gặp rủi ro khi giá vàng tăng lên, trường hợp khiến cho lợi nhuận của ngân hàng bằng 0 là khi, giá vàng tăng lên mức: 47 + (50,48/10) = 52,048 triệu, tức là giá vàng phải tăng lên 11,66 %.

Tổng kết lại các trường hợp:

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vốn bằng tiền mặt: 16,92 triệu

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vàng, bán lấy tiền và cho vay: 51,7 triệu, mức độ rủi ro liên quan đến giá vàng tăng 12,2%

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vàng và phát hành tín phiếu: 650,48 triệu, mức độ rủi ro liên quan đến giá vàng tăng 11,66%.

2) Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước buộc các ngân hàng ngừng huy động vàng?

Việc huy động vốn vay bằng vàng đem lại cho ngân hàng lợi nhuận rất lớn so với việc huy động tiền mặt. Điều này hoàn toàn trái ngược với những quan điểm nông cạn cho rằng việc huy động vàng làm thiệt hại cho ngân hàng. Với phương pháp phát hành tín phiếu thì ngân hàng có thể tiền tệ hóa vàng miếng và cung cấp một lượng vốn rất lớn để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế. Ngân Hàng Nhà Nước hoàn toàn nắm rất rõ điều này.  

Rủi ro duy nhất mà ngân hàng khi huy động vàng đó chính là vấn đề giá vàng, trong trường hợp giá vàng đột ngột tăng hoặc giảm mạnh. Song với việc các ngân hàng tính toán các thời hạn huy động vàng một cách hợp lý thì rủi ro từ việc tăng giá vàng không phải là quá lớn. Mặt khác các ngân hàng còn có tài khoản vàng tại thị trường quốc tế để tiến hành các nghiệp vụ tự bảo hiểm về giá vàng, nên rủi ro là có thể kiểm soát được. Có thể thấy rủi ro về giá vàng không phải là nguyên nhân lớn nhất của việc nhà nước cấm ngân hàng huy động vàng.

Một khả năng rất lớn có thể xảy ra là sau khi nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng, đưa vàng miếng vào dự trữ ngoại hối quốc gia theo như khoản 2 điều 16 của nghị định 24/2012/NĐ-CP, thì nhà nước sẽ nắm lấy các quỹ dự trữ vàng và độc quyền phát hành các tín phiếu đảm bảo bằng vàng. Quyền huy động vàng của các ngân hàng cần phải được chấm dứt sẽ hoàn toàn là dễ hiểu. Các ngân hàng có thể không vay vàng của dân cư để kinh doanh nữa, song không có gì ngăn cản họ mua vàng rồi phát hành tín phiếu cho số vàng đó, tất nhiên phương án đó tốn kém hơn nhiều so với việc vay vàng, nhưng vẫn còn tốt hơn là không có vàng để phát hành tín phiếu. Do vậy, bước tiếp theo có thể thấy được trong lộ trình nắm quyền tiền tệ hóa vàng miếng của nhà nước là đánh thuế thật cao với việc mua bán vàng để ngăn chặn việc các ngân hàng mua vàng và giữ vàng.

Vấn đề cần làm rõ là tại sao nhà nước lại muốn độc quyền tiền tệ hóa vàng miếng, việc đó giúp nhà nước thu được một nguồn tiền lớn từ tay các ngân hàng nhưng mục tiêu của nhà nước không phải là kinh doanh. Điều này không thể giải thích bằng chính quan hệ vay mượn vàng mà cần được nhìn nhận trên một góc độ rộng hơn. Nhà nước đã áp trần lãi suất huy động tiền gửi trong một thời gian dài nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng, để duy trì được trần lãi suất đó thì nhà nước cần có một nguồn tiền rất lớn bơm vào hệ thống ngân hàng. Kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, các nguồn thu của nhà nước bị co hẹp, trái phiếu chính phủ khó phát hành thậm chí còn bị ế, dự trữ ngoại tệ cũng giảm nhanh do xuất khẩu giảm sút, tất cả những điều đó cho thấy phương án nắm lấy quyền tạo tiền từ vàng là khả thi hơn cả để tiếp tục bảo trợ cho hệ thống ngân hàng.

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay có sự phân chia thành hai nhóm: Các ngân hàng yếu về thanh khoản cần sự bảo trợ của nhà nước để tiếp tục tồn tại,  nhóm kia là các ngân hàng mạnh có khả năng tự huy động vốn tiền mặt hay vàng thậm chí đủ uy tín để phát hành tín phiếu trên số vàng huy động được, nhóm thứ nhất không thể cạnh tranh được với nhóm thứ hai trong việc huy động vốn dù là tiền mặt hay vàng. Nhà nước muốn nắm lấy quyền tiền tệ hóa vàng miếng thì sẽ phải tước cái quyền đó từ tay các ngân hàng mạnh. Những vụ án bất ngờ gần đây liên quan đến các ngân hàng lớn, tin tức dồn dập trên phương tiện truyền thông đại chúng về nợ xấu, sự lũng đoạn của các chủ ngân hàng, sở hữu chéo, gian lận tài chính, thua lỗ do vay và kinh doanh vàng, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng.. tình cờ đã giúp cho nhà nước có cơ hội rất lớn để thực hiện việc nắm lấy quyền kinh doanh vàng.

Việc nhà nước hạn chế người dân sở hữu vàng miếng và đánh thuế cao trên giao dịch vàng miếng sẽ giúp nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng, độc quyền tạo tiền từ vàng và ngăn chặn các ngân hàng tự do tạo tiền từ vàng, nhưng hoàn toàn không ngăn chặn được người dân giao dịch vàng miếng tự do khi nhu cầu tích trữ vẫn còn. Một thị trường chợ đen về vàng miếng chắc chắn sẽ hình thành, người dân giao dịch trên thị trường chợ đen sẽ không nhận được sự bảo vệ thích hợp của pháp luật và sẽ phải chịu tất cả mọi nguy cơ rủi ro từ các giao dịch đó.   








Wednesday, October 24, 2012

Trần lãi suất tiền gửi có lợi cho ai?

Hiện nay trên phương tiện thông tin đại chúng đều phổ biến quan điểm cho rằng nếu không áp trần lãi suất tiền gửi thì các ngân hàng sẽ đua nhau nâng lãi suất tiền gửi dẫn đến nâng lãi suất cho vay và gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn. Điều này hoàn toàn là phi lý và không có bất cứ cơ sở thực tế nào. Thứ nhất, các ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi thông thường là các ngân hàng gặp khó khăn trong thanh khoản nên phải nâng lãi suất để thu hút tiền gửi nhằm có tiền trả cho những người rút. Như vậy, lãi suất tiền gửi được nâng lên thì cũng không làm gia tăng lượng vốn khả dụng, tức là lượng tiền có thể cho vay của ngân hàng đó. Khi lãi suất tiền gửi không thể gia tăng vốn khả dụng thì cũng không ảnh hưởng đến cung tiền cho vay do đó không ảnh hưởng được đến lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Thứ hai, trong trường hợp một số ngân hàng nâng lãi suất huy động tiền gửi thì các ngân hàng khác dồi dào thanh khoản cũng nâng lãi suất theo, nhưng chính các ngân hàng này cũng thừa nhận là việc nâng lãi suất chỉ để giữ chân khách hàng, tức là không làm gia tăng vốn khả dụng. Ngay cả trong trường hợp các ngân hàng lớn thu hút được nhiều tiền gửi hơn làm tăng thêm vốn khả dụng thì họ cũng không thể nâng lãi suất cho vay nếu như doanh nghiệp không gia tăng nhu cầu vay vốn, thậm chí trong trường hợp đó họ có thể còn phải giảm lãi suất cho vay để tìm kiếm khách hàng mới cho số tiền mới huy động được. Người ta cũng có thể phản bác điều này bằng cách đưa giả định có doanh nghiệp sẵn sàng vay vốn nên ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất cao tương ứng để cho vay, nhưng điều đó có nghĩa là lãi suất cho vay tạo ra lãi suất huy động tiền gửi cao, chứ không phải là ngược lại. Tóm lại, lãi suất huy động tiền gửi hoàn toàn không thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay.

Các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản thường xuyên khi phải huy động tiền gửi với lãi suất cao sẽ gặp rủi ro lớn. Họ phải vay lãi suất cao nhưng không thể cho vay thêm, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận sút giảm, điều này nếu kéo dài sẽ làm họ thua lỗ và thậm chí phá sản. Ngân hàng nhà nước áp dụng trần lãi suất huy động tiền gửi, lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường tự do và cố định, chính là để bảo vệ các ngân hàng thiếu thanh khoản khỏi rủi ro. Việc áp trần lãi suất khiến các ngân hàng thiếu thanh khoản sẽ không huy động được đủ vốn từ thị trường nên bắt buộc phải vay trên thị trường liên ngân hàng hoặc vay Ngân Hàng Nhà Nước. Vay trên thị trường liên ngân hàng thì sẽ không thể kéo dài được vì vốn khả dụng tạm thời nhàn rỗi của hệ thống ngân hàng không thể dồi dào như nguồn tiền gửi và thời hạn cho vay thường là rất ngắn, do vậy các ngân hàng thiếu thanh khoản thường xuyên sẽ phụ thuộc vào nguồn vay từ Ngân Hàng Nhà Nước, chính điều đó làm gia tăng quyền lực của Ngân Hàng Nhà Nước đối với hệ thống ngân hàng.

Ngân Hàng Nhà Nước bảo vệ các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản thường xuyên bằng trần lãi suất tiền gửi cũng tạo ra một hiệu ứng phụ đối với các ngân hàng trong hệ thống. Các ngân hàng có thanh khoản tốt có thể cho vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, mặt khác lại được huy động vốn với lãi suất trần thấp hơn lãi suất thị trường tự do, tức là sẽ có lãi lớn hơn. Điều này được thể hiện qua các báo cáo lãi khủng của nhiều ngân hàng trong thời gian trần lãi suất được duy trì.

Trần lãi suất tiền gửi cũng có mặt tiêu cực, người gửi tiền khi thấy lãi suất thấp hơn mức kỳ vọng thì họ sẽ rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng sẽ bị suy giảm, do đó ngay cả khi lãi suất cho vay không thay đổi thì một số doanh nghiệp sẽ không thể vay được vốn. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn vay để sản xuất kinh doanh, không phải vì lãi suất vay cao hay thấp mà vì ngân hàng không có đủ vốn để đáp ứng. Người gửi rút tiền ra khỏi ngân hàng thì sẽ mua sắm hàng tiêu dùng hoặc các tài sản có giá khác như vàng hay ngoại tệ mạnh. Ngân Hàng Nhà Nước muốn duy trì trần lãi suất huy động tiền gửi thì sẽ phải tìm cách ngăn chặn việc người gửi tiền rút tiền ra khỏi ngân hàng và mua sắm. Thị trường vàng và ngoại tệ hiển nhiên được Ngân Hàng Nhà Nước can thiệp để hạn chế sự gia tăng giao dịch, nhưng Ngân Hàng Nhà Nước lại không thể can thiệp vào thị trường hàng tiêu dùng, do đó nhu cầu hàng tiêu dùng sẽ gia tăng.

Tóm lại, duy trì trần lãi suất huy động tiền gửi trong một thời gian dài thì có lợi cho hệ thống ngân hàng, có lợi cho ngân hàng nhà nước trong việc kiểm soát hệ thống ngân hàng nhưng sẽ dẫn đến việc làm giảm nhu cầu tiết kiệm của dân cư và gia tăng tình trạng thiếu vốn của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1) 8 năm thăng trầm lãi suất
2) Thống đốc NHNN: Chưa thể bỏ trần lãi suất huy động
3) Ngân hàng lại chạy đua vượt rào lãi suất

Friday, October 19, 2012

Chính quyền bênh cán bộ hay bênh dân?

Theo lối thông thường xưa nay người ta vẫn nghĩ chính quyền bênh cán bộ hơn bênh dân, nhưng chuyện mới đây cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Số là Bộ Công Thương có xin Quốc Hội cho thu phí điều tiết điện lực với lý do là chi phí hoạt động này vẫn do Tập đoàn Điện lực gánh giúp một phần, giờ Bộ muốn Tập đoàn Điện lực không gánh nữa thì phải thu của dân.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại đứng lên và phân bua thêm: “Lâu nay chúng tôi chưa thu, nhưng do tính chất hoạt động của Cục là nhiều việc không được phân bổ kinh phí thường xuyên. Để đảm bảo hoạt động, lâu nay chúng tôi có trao đổi với EVN và họ cũng có gánh vác giúp một phần kinh phí này”.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, do nhiệm vụ của Cục điều tiết điện lực là giám sát hoạt động của thị trường điện lực nên việc phải “xin” hỗ trợ kinh phí từ phía EVN sẽ khiến cho giám sát thiếu khách quan. Nên giải pháp là phải thu thêm phí để bù đắp.
Nguồn: Bộ Công Thương vẫn đòi thu phí điện lực

Việc Bộ Công Thương nhận tiền của Tập đoàn Điện lực để trang trải chi phí hoạt động cũng giống như bác sĩ nhận tiền phong bì của bệnh nhân, giáo viên nhận phong bì của phụ huynh học sinh, cán bộ nhận phong bì của dân thường... đều là do dân đồng ý gánh vác giúp một phần kinh phí hoạt động của nhà trường, của bệnh viện, của bộ máy hành chính để cho công việc được thuận lợi cả.

Nhưng cái việc bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, giáo viên nhận phong bì của phụ huynh học sinh, cán bộ nhận phong bì của dân thường thì truyền thông với chính quyền đều phê phán dữ lắm. Người ta thường nói đó là nghĩa vụ phải làm, kinh phí có nhà nước cấp rồi, cớ chi nhận thêm nữa. Vậy nên cũng không lạ khi Quốc Hội không đồng ý cho Bộ Công Thương thu phí.

Rõ ràng là chính quyền bênh người dân chớ đâu có bênh cán bộ, vì nếu bênh cán bộ thì đã đồng ý cho thu phí rồi. Mà không chỉ có vậy đâu, giờ Quốc Hội biết là Bộ Công Thương lấy tiền của Tập đoàn Điện lực thì cũng sẽ không cho lấy nữa, tức là bênh cả Tập đoàn Điện lực. Bộ Công Thương sẽ vẫn phải chi phí mọi việc như cũ mà lại thiệt mất một khoản thu nhập.


Tuesday, October 16, 2012

Tham nhũng nhìn từ nhân tố con lừa

Có hai con lừa cùng đi thồ hàng, một con lừa tên là Quan, một con lừa tên là Dân. Người chủ hàng hết hàng lên lưng con lừa Dân còn con lừa Quan được đi không thảnh thơi. Con lừa Dân thấy thế liền bảo con lừa Quan rằng thồ hộ nó ít hàng cho nhẹ, con lừa Quan liền trả lời rằng muốn nó thồ bớt thì phải có gì cho nó mới được. Con lừa Dân chả có gì cho, cũng chả bắt con lừa Quan thồ hàng được, cứ cố thồ hàng một mình kết quả là mệt quá gục xuống chết, thế là người chủ chất hết hàng chỗ hàng lên con lừa Quan.

Chuyện lừa này được viết để bình luận cái bài : "Tham nhũng-Nhìn từ nhân tố con người" tại trang Bauxit Việt Nam
Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là hiểm họa thực sự trên con đường phát triển của dân tộc. Nó không đứng riêng rẽ trong bức tranh tổng thể chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam mà ngược lại, tham nhũng đã, đang thể hiện sự liên hệ ràng buộc logic giữa các vấn đề xã hội với nhau. Nó là nguyên nhân, là chủ thể trong lĩnh vực này nhưng đồng thời cũng là hệ quả, là khách thể trong lĩnh vực khác.

Tham nhũng là một vấn đề xã hội và nó phải dựa trên những điều kiện xã hội nhất định còn không nó chỉ đem lại tai họa cho chính bản thân cái người tham nhũng mà thôi, giống như cái chuyện lừa ở trên. Mặt khác nếu thấy tham nhũng có nghĩa là tạo ra lợi ích nào đó cho các bên tham gia thì rõ ràng tham nhũng không phải là thảm họa, ngược lại còn giúp xã hội vận hành trơn tru hơn, nếu con lừa Dân có thể cho con lừa Quan một ít cỏ tươi chẳng hạn thế là hàng hóa sẽ được hai con cùng thồ, sẽ không có con nào phải chết vì thồ hàng quá nặng cả.

Trước hết, tham nhũng xuất phát từ tư tưởng “thích làm quan”, “một người làm quan cả họ được nhờ” đã ăn sâu vào  tiềm thức bao thế hệ người Việt chúng ta. Tư tưởng này có cội rễ từ chế độ phong kiến, chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ tư tưởng Nho giáo, lấy con đường khoa cử làm công danh sự nghiệp, trở thành “phụ mẫu chi dân” được “ăn mâm trên, ngồi chiếu trước” trong xã hội.
Bất cứ con lừa nào cũng thích làm quan cũng giống như con lừa Quan, được đi thảnh thơi trong khi con khác phải thồ hàng nặng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nó kiếm chác được thứ gì đó từ con lừa Dân, bởi vì muốn làm điều đó thì con lừa Dân phải có cái gì có thể cho được đã.

Thứ hai, lòng tham trong mỗi chúng ta chính là cội nguồn của tham nhũng. Lòng tham tồn tại trong con người là một điều kiện sinh học – xã hội tất yếu, khi điều kiện xã hội “cho phép”: cơ chế quản lý lỏng lẻo, hệ thống luật pháp sơ hở, không nghiêm minh lòng tham sẽ có cơ hội bùng phát. 
Con lừa Quan thật là tham lam, nó muốn nhận được cái gì đó của con lừa Dân để thì mới chịu thồ hàng. Nhưng sự tham lam cũng có giá của nó, muốn tham lam thì con lừa Quan phải thồ hàng giúp con lừa Dân, nếu không thì cho dù con lừa Dân có gì cho nó thì nó cũng chẳng thể tham lam được. Việc tuyên bố lòng tham là một yếu tố sinh học, có nghĩa là có sẵn trong bản thân con lừa,  đồng thời là yếu tố xã hội tất yếu, có nghĩa là có sẵn trong quan hệ giữa những con lừa cũng giống như việc tuyên bố sự ngu xuẩn của một số người là điều kiện sinh học xã hội tất yếu vậy.
Thái độ bàng quan, thờ ơ, vô tất trách trước những xấu xa, sai trái và khiếp sợ, yếu hèn trước cường quyền là nguyên nhân thứ ba. Không biết từ lúc nào, câu cửa miệng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành tiền lệ, là luật bất thành văn của xã hội Việt Nam khi cần làm việc với các cơ quan nhà nước. 
Giả sử con lừa Dân có một ít cỏ tươi nên đưa cho con lừa Quan, vậy là hai con san sẻ gánh nặng với nhau. Đột nhiên bây giờ có một con lừa thứ ba xuất hiện, nó sẽ to mồm tố cáo con lừa Quan xấu xa, sai trái và tố cáo con lừa Dân là khiếp sợ trước cường quyền, rồi đòi con lừa Quan phải thồ hàng mà không được lấy cỏ tươi thì kết quả ra sao? Cả hai con lừa kia sẽ đá cho nó một đá rụng hàm!
Cuối cùng, chống tham nhũng đòi hỏi cần có tập thể những cá nhân khát khao thực thi công lý, dám đương đầu với các nhóm thế lực, dũng cảm đấu tranh vì một xã hội công bằng và minh bạch.
Vậy là phải có con lừa trung thực và khát khao công lý, dũng cảm đứng ra tố cáo con lừa Quan tham lam xấu xa, tố cáo con lừa Dân hèn nhát trước cường quyền để nhằm mục đích làm cho con lừa Quan phải thồ bớt hàng giúp con lừa Dân. Chuyện đó không có gì nực cười hơn, nếu thế thì con lừa trung thực và khát khao công lý ấy chả cần phải mất công tố cáo gì nhiều, nó hãy thồ hàng giúp con lừa Dân, vậy là sẽ chả có tham nhũng nào nữa. Tất nhiên trong trường hợp con lừa dân có cỏ tươi thì cũng không có gì đảm bảo con lừa trung thực và khát khao không lý ấy từ chối cả.
Chống quốc nạn tham nhũng trong bài toán tổng thể phức tạp của dân tộc bằng các biện pháp đổi mới hệ thống pháp luật, thay đổi thể chế quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế chỉ mang tính chất cục bộ, “giật gấu vá vai” và tạm bợ trước bối cảnh hiện tại. Yêu cầu cấp thiết phải giải quyết nhân tố con người mới chính là chiến lược mang tầm nhìn dài hạn. 
Sau khi lòng vòng với con lừa Trung Thực và Khát Khao Công Lý thì quay lại trường hợp hai con lừa. Như vậy, vấn đề là gửi đám lừa vào trại cải tạo dài hạn để tạo ra con lừa Quan sẵn sàng giúp con lừa Dân thồ hàng mà không đòi hỏi gì cả, và tạo ra con lừa Dân có khả năng bắt con lừa Quan thồ hàng mà không đưa bất cứ cái gì cả. Nhưng lũ lừa vốn ngu dốt không hiểu điều này, chúng sẽ chỉ hỏi lại rằng tại sao phải làm thế khi ngay từ đầu người chủ có thể chất đều hàng hóa lên cả hai con lừa. Khi người chủ chất hàng đều lên hai con lừa để hai con cùng phải thồ hàng thì rõ ràng là mọi chuyện về trung thực, khát khao công lý hay tham nhũng đều là chuyện tào lao. Rõ ràng là cái con lừa có tên Trung Thực và Khát Khao Công Lý đang xun xoe với người chủ, nó coi cái việc người chủ chất gánh nặng lên hai con lừa kia một cách bất hợp lý là hoàn toàn hợp lý, nó coi vấn đề chỉ là ở chỗ hai con lừa kia không đủ thông minh để thỏa thuận với nhau thôi. Có lẽ nó đã nhìn thấy bó cỏ tươi nào đó trong tay người chủ chăng?


Thursday, October 11, 2012

Những mâu thuẫn trong chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam

Đất đai là vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam, hồ sơ các vụ khiếu kiện về đất đai tràn ngập các ban ngành liên quan. Những vụ chống đối thu hồi đất trở nên thường xuyên hơn, khắp các phương tiện thông tin đại chúng đâu cũng bàn về đất đai, phần lớn đòi bồi thường theo giá thị trường cho nông dân bị thu hồi đất. Tuy vậy chưa từng ở đâu nêu ra được bản chất của hiện tượng xung đột đất đai đó là gì, người ta thường chỉ đổ lỗi cho sự tham lam của một số quan chức chính quyền,  đất đai bị thu hồi từ nông dân với giá rẻ mạt được doanh nghiệp bán với giá cao ngất ngưởng tạo nên những ấn tượng xấu về mặt xã hội.

1) Mô tả quan hệ:

Để hiểu được xung đột về đất đai thì trước hết phải hiểu chế độ sở hữu đất đai của Việt Nam là chế độ sở hữu nhà nước vì nhà nước toàn quyền định đoạt về mặt pháp lý đất đai, nhưng điều đó chỉ bao hàm đất đai trong vai trò là tư liệu sản xuất mà thôi, còn đất đai với trong vai trò là tư liệu sinh hoạt thì trên thực tế hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân. Nông dân được nhà nước giao đất một cách hạn chế về diện tích, thời gian và mục đích sản xuất, có thể mua bán quyền sử dụng đất nhưng không thể chuyển nhượng quyền sở hữu bởi vì quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Quan hệ giữa nhà nước và nông dân là quan hệ chủ sở hữu và người thuê đất, do vậy nông dân phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước, khoản tiền đó là giá trị hoa lợi thu được từ đất đai chứ không phải là từ giá trị của đất đai.

Khi nhà nước thu hồi đất đai từ nông dân thì theo đúng quan hệ giữa chủ sở hữu và người sử dụng không phải là mua bán đất đai, do vậy không thể đặt vấn đề giá trị mảnh đất là bao nhiêu. Việc bồi thường cho nông dân thực ra chỉ phụ thuộc vào khả năng tài chính của nhà nước mà thôi.

Nhà nước thường thu hồi đất đai của nông dân để làm công trình công cộng và giao cho doanh nghiệp kinh doanh. Đất đai khi được giao cho doanh nghiệp thì nhà nước vẫn là chủ sở hữu, doanh nghiệp cũng chỉ là người thuê đất trong một khoảng thời gian nhất định, chính vì vậy mà doanh nghiệp cũng chỉ đóng tiền thuê đất cho nhà nước mà thôi chứ không phải trả toàn bộ giá trị của đất đai. Vậy là khi nhà nước giao đất cho doanh nghiệp thì bản chất vẫn là cho thuê, khoản tiền thu được không phải là giá trị đất đai mà chỉ là khoản tiền thuê đất của doanh nghiệp.

Quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân là quan hệ giữa những người thuê đất với nhau. Trong trường hợp nông dân trực tiếp cho doanh nghiệp thuê lại đất đai được nhà nước giao thì cái giá cả thị trường cho quyền thuê đất ấy được tính dựa trên thu nhập của nông dân từ đất đai. Giá của quyền sử dụng đất ấy không liên quan gì đến những khoản đầu tư của nông dân cho đất đai, cũng như thu nhập cần thiết để nuôi sống họ. Phần lớn nông dân ở Việt Nam vẫn còn canh tác để nuôi sống gia đình mình, chỉ phần sản phẩm dư thừa mới đem bán trên thị trường. Khi chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì nông dân cũng mất luôn cái nguồn nuôi sống mình mặc dù họ nhận được khoản tiền bù đắp nhất định, song không ai có thể ăn tiền để sống cả, nông dân đột ngột bị ném vào thị trường hàng hóa. Thực tế cho thấy ở những khu vực mà nông dân giao đất cho doanh nghiệp thì nông dân sẽ có nhiều tiền hơn trước kia song giờ đây họ không thể sản xuất để tự nuôi sống mình nữa mà phải mua những thứ ấy trên thị trường, một lượng cầu hàng hóa tăng đột ngột trong khi cung lại giảm xuống khiến cho giá cả tăng lên nhanh chóng dẫn đến sự mất ổn định trong đời sống của nông dân nhất là khi họ thất nghiệp kéo dài.

Xuyên suốt chuỗi quan hệ giữa nhà nước, nông dân và doanh nghiệp chỉ có những quan hệ thuê đất giữa chủ đất và người đi thuê, đất đai luôn chỉ xuất hiện trong vai trò là tư liệu sản xuất. Giá thuê đất cũng như giá bồi thường cho khoản đầu tư của người thuê đất hoàn toàn khác nhau, hai loại giá ấy cũng không phải là giá trị của đất đai. Người ta không thể tìm thấy giá thị trường của đất đai ở đâu cả.

Sự thay đổi người thuê đất luôn hàm chứa trong đó thay đổi về thu nhập cho chủ đất, nếu như những nông dân đối diện với nhà nước như là những người thuê đất đơn lẻ với những mảnh đất canh tác bị hạn chế đủ thứ thì doanh nghiệp lại thuê của nhà nước diện tích đất lớn và có thể sử dụng cho nhiều mục đích hơn, điều đó có nghĩa là quy mô sản xuất lớn hơn và mục đích sử dụng cũng linh hoạt hơn dẫn đến thu nhập cao hơn cho doanh nghiệp. Do vậy, thông thường thì tổng tiền thuê đất mà nông dân trả cho nhà nước luôn thấp hơn tiền thuê đất mà doanh nghiệp trả cho nhà nước. Khi thu hồi đất từ nông dân và cho doanh nghiệp thuê thì nhà nước đã hành xử như một chủ đất đầy lý trí, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đồng thời tạo ra nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Điều ấy sự phát triển khách quan của kinh tế, năng suất lao động của doanh nghiệp đã vượt qua năng suất lao động của nông dân tự do, một phần đất đai do vậy với tư cách là tư liệu sản xuất phải được chuyển từ nông dân sang cho doanh nghiệp.

Một phần lớn đất đai nông nghiệp giao cho doanh nghiệp được chuyển từ đất canh tác sang đất làm nhà ở. Vấn đề phức tạp nảy sinh chính ở đây, đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất thì thuộc sở hữu nhà nước nhưng đất đai với tư cách là tư liệu tiêu dùng thì thuộc sở hữu tư nhân. Khi doanh nghiệp bán mảnh đất làm nhà ở cho người tiêu dùng thì có nghĩa là đất đai được chuyển từ tư liệu sản xuất sang tư liệu tiêu dùng, người mua đất làm nhà ở đó không phải là người thuê đất của nhà nước mà là chủ sở hữu thực sự của mảnh đất đó, cái giá mà họ phải trả không phải là tiền thuê đất mà là giá thị trường của mảnh đất. Thuật luyện vàng đã xuất hiện, đất đai trong các quan hệ trước thì không phải là hàng hóa nhưng khi đối diện với người tiêu dùng thì là hàng hóa, trước kia người ta chỉ thuê nó thì giờ người ta có thể mua bán quyền sở hữu. Đất đai chuyển từ tư liệu sản xuất sang tư liệu sinh hoạt thì khó khăn nhưng chuyển ngược lại từ tư liệu sinh hoạt sang tư liệu sản xuất thì lại rất dễ dàng, người sở hữu không những có thể sử dụng như là đất ở mà còn có thể kinh doanh nữa. Con đường vòng vèo biến đất đai từ sở hữu nhà nước thành tư hữu ấy đã được các chủ doanh nghiệp nắm lấy một cách chắc chắn. Tình trạng doanh nghiệp nhận đất được giao để kinh doanh rồi bán làm đất nhà ở phổ biến đến mức chính quyền phải rất vất vả để duy trì trật tự mà không có mấy hiệu quả. Lợi nhuận của doanh nghiệp là rất lớn khi so sánh sự chênh lệch giữa giá thuê và giá bán.

2) Mô hình hóa với con số cụ thể:

Có thể mô tả mô hình giao dịch đất đai giữa nông dân, nhà nước và doanh nghiệp với một ví dụ như sau:

Giả sử có một mảnh đất có trị giá không đổi là 100 triệu đồng được nhà nước giao cho nông dân sử dụng. Nông dân canh tác thu được 20 triệu đồng mỗi năm và nộp cho nhà nước 1 triệu đồng/năm.

A) Trường hợp chỉ có nhà nước và nông dân:

Nếu sau 1 năm nhà nước quyết định thu hồi đất thì rõ ràng là nhà nước chỉ thu được 1 triệu từ nông dân, vì vậy chỉ có thể đền bù cho nông dân tối đa là 1 triệu đó thôi.

 B) Trường hợp doanh nghiệp thuê lại đất của nhà nước:

Giả định là doanh nghiệp có thể sử dụng đất đai tạo ra giá trị 40 triệu đồng/năm, sẵn sàng nộp cho nhà nước 5 triệu đồng/năm tiền sử dụng đất và ứng trước khoản tiền ấy. Khi nhà nước thu hồi đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê thì nhà nước sẽ có ngân sách là 6 triệu để thanh toán đền bù cho nông dân. So với trường hợp không có doanh nghiệp thì tình trạng kinh tế của nông dân rõ ràng được cải thiện hơn so với trước, vì họ có thể nhận được 6 triệu đồng thay vì 1 triệu đồng.

Trong trường hợp này giả định là nhà nước hoàn toàn vô tư, nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp có quan chức nhà nước nảy lòng tham, chỉ trả cho nông dân 1 triệu đồng và đút túi 5 triệu đồng, đấy chính là cái gọi là tham nhũng, nhưng rõ ràng là tham nhũng có được là nhờ có sự chênh lệch ấy và cũng bị giới hạn bởi sự chênh lệch ấy.

C) Trường hợp doanh nghiệp trực tiếp thuê đất của nông dân:

Trong trường hợp này thì nhà nước chỉ nhận tiền thuê đất của doanh nghiệp. Với mảnh đất trị giá 100 triệu đồng thì doanh nghiệp tạo ra được 40-5= 35 triệu đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận sẽ là 35%/năm. Còn nông dân tạo ra được 19 triệu đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận là 19%/năm. Theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng thì tỷ suất lợi nhuận cao hơn sẽ được dùng làm cơ sở tính toán giá trị sử dụng đất, do vậy giá trị quyền sử dụng đất của nông dân sẽ là 19/35% = 54,28 triệu đồng. Số tiền này xét về mặt tuyệt đối lớn hơn so với các trường hợp kia.

Song con số lớn ấy không cho thấy thực tế là thu nhập của nông dân đã bị giảm xuống, vì tỷ suất lợi nhuận thực tế của nông dân chỉ là 19% nên có đem 54,28 triệu đồng đi làm vốn sản xuất thì thu nhập của nông dân sẽ là  54,28x19%= 10,31 triệu/năm trong khi đó trước kia họ tạo ra 19 triệu đồng/năm. Lợi nhuận của nông dân giảm đi 8,69 triệu/năm, tức là giảm 45,73%.

Khoản tiền doanh nghiệp phải trả cho nông dân sẽ làm tụt giảm tỷ suất lợi nhuận của họ như sau: 35/(100+54,28)= 22,68%. Lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp sẽ bị giảm là 35-22,68= 12,32 triệu đồng, tức là giảm 35,2%

Việc trực tiếp thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp đem lại số tiền lớn nhất và thiệt hại thu nhập ít nhất cho nông dân về mặt tuyệt đối, song xét về mặt tương đối thì thu nhập của nông dân vẫn giảm mạnh hơn doanh nghiệp, thu nhập của nông dân giảm 45,73% so với mức 35,2% của doanh nghiệp.

Mô hình với các trường hợp A, B, C có thể áp dụng để giải thích tâm lý của nông dân. Ở trường hợp A thì người nông dân thiệt hại lớn nhất vì họ mất hoàn toàn nguồn thu nhập mà chỉ nhận lại được một khoản ít ỏi nhưng họ sẽ không cảm thấy bất mãn vì họ biết rằng điều đó là hệ quả tất yếu từ sức sản xuất của họ. Trong trường hợp B thì người nông dân sẽ cảm thấy bất mãn vì mặc dù khoản đền bù mà họ nhận được lớn hơn trong trường hợp A kia nhưng vẫn không thể thay thế cho thu nhập của họ và hơn nữa thu nhập của doanh nghiệp trên chính mảnh đất ấy lại cao ghê ghớm. Trong trường hợp C thì nông dân sẽ cảm thấy hài lòng hơn vì họ nhận được một khoản tiền lớn so với thu nhập của họ cũng như trong các trường hợp A và B, nhưng tình trạng phổ biến tiếp theo là cảm giác chán nản bế tắc vì mặc dù có nhiều tiền hơn nhưng không sao duy trì được mức thu nhập như cũ. Như vậy là khác với hình dung phổ biến về người nông dân sau khi bán đất thì ăn tiêu phung phí, không chịu làm ăn chăm chỉ và trở thành nghèo khó thì phân tích trường hợp C cho thấy sự tụt giảm trong thu nhập của nông dân sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hoàn toàn khách quan do trình độ sản xuất của nông dân không thể thay đổi ngay lập tức, suy nghĩ một cách tích cực thì những nông dân cố gắng tăng thu nhập của mình bằng cách nâng cao trình độ sản xuất sẽ thầm cảm ơn những người nông dân ăn tiêu phung phí vì những người đó đã tạo ra cơ hội cho sự cải thiện ấy thông qua việc chi tiêu của mình.

Mô hình phân tích cũng cho thấy cơ hội và giới hạn của tham nhũng hoặc cái được gọi là lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai hiện nay. Sự chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất giữa các trường hợp A, B, C là động cơ để nông dân hoặc doanh nghiệp câu kết với quan chức nhà nước nhằm áp dụng cơ chế có lợi cho mình. Ví dụ: nông dân bị thu hồi đất theo trường hợp B có thể mua chuộc quan chức nhà nước để được áp dụng trường hợp C để thay vì nhận 6 triệu đồng sẽ nhận được 54,28 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng có thể cấu kết với quan chức nhà nước để áp dụng thu hồi đất theo trường hợp B thay cho trường hợp C để chỉ tốn 5 triệu đồng thay vì 54,28 triệu đồng. Phần chênh lệch sẽ được doanh nghiệp chia với quan chức hoặc nông dân chia với quan chức. Đây chính là cơ sở để hình thành nên các nhóm lợi ích liên kết giữa quan chức và nông dân hoặc giữa quan chức và doanh nghiệp tạo nhằm điều khiển chính sách có lợi cho họ, quyền lực và sự tham lam của quan chức tưởng như là vô hạn nhưng cuối cùng lại bị giới hạn bởi chính những điều kiện kinh tế tạo ra nó. Lợi ích nhóm hay tham nhũng trong đất đai là hệ quả tất yếu của sự cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế có mức độ phát triển chênh lệch nhau nhưng chưa bên nào chiếm ưu thế. Người ta có ấn tượng kinh khủng về sự nhũng nhiễu không phải bởi vì chỉ có nông dân hay chỉ doanh nghiệp bị quan chức đòi hỏi tiền hối lộ mà là ở chỗ bất cứ bên nào cũng có thể bị đòi tiền hối lộ, ấn tượng kinh khủng không nằm ở chỗ chỉ có nông dân hay chỉ doanh nghiệp có thể hối lộ quan chức mà là ở chỗ ai cũng có thể hối lộ để có lợi, ấn tượng kinh khủng không nằm ở chỗ lợi ích nhóm chỉ thuộc về nông dân hay chỉ thuộc về doanh nghiệp mà là ở chỗ lợi ích nhóm có thể thuộc về bất kỳ ai. Thành ra người ta có ấn tượng đâu cũng có tham nhũng, đâu cũng có lợi ích nhóm nhưng thật ra chúng không ngừng chạy từ bên này sang bên kia, điều đó cũng giải thích tại sao quan chức có thể làm giàu từ tham nhũng một cách nhanh chóng bởi vì các bên luôn phải tìm cách giành quan chức về phe mình bằng cách trả nhiều tiền hơn bên kia.

3) Kết luận:

Tóm lại những xung đột về đất đai có nguyên nhân nằm chính trong mẫu thuẫn nội tại của chế độ sở hữu đất đai, mâu thuẫn giữa đất đai  với tư cách là tư liệu sản xuất và tiêu dùng, mâu thuẫn giữa quan hệ sử dụng và quan hệ sở hữu. Phân tích trên cho thấy những yêu sách như bồi thường giá trị đất đai cho nông dân theo giá thị trường hay tự do thỏa thuận giá đất giữa nông dân và doanh nghiệp hoàn toàn là ảo tưởng. Yêu sách thứ nhất là sự lẫn lộn giữa việc thuê đất và chuyển nhượng quyền sở hữu đất. Yêu sách thứ hai là sự lẫn lộn về chủ sở hữu đất. Những yêu sách đó cho thấy chính sự mâu thuẫn trong bản thân người nông dân, khi nhận đất thì họ muốn là người thuê đất, khi bán đất thì họ lại muốn mình là chủ đất. Cái ảo tưởng đó nếu được áp dụng cùng với chế độ sở hữu nhà nước sẽ gây hỗn loạn hơn hiện nay rất nhiều. Nhà nước chỉ thu tiền thuê đất của nông dân nhưng khi thu hồi đất đai thì lại phải mua đất với giá thị trường, điều đó sẽ làm nhà nước phá sản. Nếu chính quyền được tự do bán đất với giá thị trường thì sẽ càng thúc đẩy sự tham lam vô độ của một số quan chức, nạn lạm dụng quyền lực để thu hồi đất rồi bán sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Nông dân thay vì đối diện với chính quyền như là một người thuê đất được bảo vệ thì sẽ đối diện với doanh nghiệp trong một quan hệ mua bán đầy bất lợi xuất phát từ sự bất bình đẳng về địa vị kinh tế của hai bên. Ngay cả khi nông dân tự do thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp thì điều đó giả định rằng doanh nghiệp và nông dân bình đẳng với nhau, song thực tế là họ không bình đẳng. Một mặt nền sản xuất nhỏ của nông dân tạo ra giá trị thu nhập thấp hơn doanh nghiệp, mặt khác doanh nghiệp sẽ đối mặt với những người nông dân tự do để đàm phán về giá cả, chính những người nông dân sẽ phải cạnh tranh với nhau trong việc cho doanh nghiệp thuê lại đất và làm giảm giá chuyển nhượng.

Khi duy trì chế độ sở hữu đất đai thuộc nhà nước thì chính quyền đã bảo vệ nông dân tự do khỏi sự cạnh tranh của giới chủ doanh nghiệp, điều đó thích hợp với tình trạng phát triển thấp của nông dân, thu nhập từ ruộng đồng của họ chỉ cần đủ để nuôi sống họ và trả tiền thuê đất cho nhà nước. Nếu chuyển sang chế độ sở hữu tư nhân, cho dù nhà nước có cấp miễn phí đất cho nông dân, thì nông dân sẽ phải tìm cách tăng thu nhập của mình lên để không chỉ đủ đóng thuế thu nhập, nuôi sống gia đình mà còn phải đủ cao để cạnh trạnh với doanh nghiệp để duy trì sở hữu đất đai nữa, việc ấy đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều và sẽ làm cho phần lớn nông dân phá sản.

Quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp là tách nông dân tự do ra khỏi mảnh đất của họ, biến những mảnh đất ấy thành tư liệu sản xuất xã hội đồng thời biến nông dân tự do thành lao động làm thuê. Để kéo nông dân ra khỏi ruộng đất thì giới chủ doanh nghiệp cần phải tách nông dân ra khỏi sự bảo vệ của nhà nước, buộc nông dân cạnh tranh với họ theo nguyên tắc tự do cạnh tranh trên thị trường, sự bình đẳng ấy lại che giấu sự bất bình đẳng về địa vị kinh tế của các bên tham gia. Chủ doanh nghiệp cũng tìm thấy sự ủng hộ của một bộ phận dân cư nhất định, đó là những nông dân đã gia nhập vào thị trường lao động làm thuê không còn canh tác ruộng đất hoặc những nông dân đã trở thành tiểu chủ, những người ấy vẫn còn đất đai và muốn bán nó với tư cách là chủ sở hữu thay vì cứ phải tiếp tục gánh các nghĩa vụ liên quan đến đất đai hoặc trả lại cho nhà nước.

Nhiều người sẽ có thể đặt câu hỏi, phân tích bản chất của mâu thuẫn về chế độ sở hữu đất đai như vậy rồi thì sẽ đi đến giải pháp nào, song trước khi hỏi về giải pháp thì có lẽ người đó nên tự hỏi mình muốn cái gì đã.


Wednesday, October 10, 2012

Bác sĩ Hồ Hải, quyền lực và con lừa

Một con lừa tự do trên đồng cỏ, ăn bất cứ lúc nào nó muốn, ngủ bất cứ khi nào nó thích. Nó chiếm lĩnh đồng cỏ như một chủ sở hữu thực thụ, bất cứ kẻ nào xâm lấn vào đó thì sẽ được đón tiếp bằng cú đá hậu nặng như búa tạ và cặp hàm rắn như thép của nó. Mặc dù là chủ sở hữu đầy quyền lực và tham lam nhưng nó không thể bán đồng cỏ cho ai, chẳng để làm gì và chả để lấy cái gì được.

Một ngày nọ, có ông bác sĩ tên là Hồ Hải, chữ bác sĩ xin chớ có hiểu là thầy thuốc mà xin hãy hiểu theo nguyên gốc tiếng Hán là người học rộng hiểu nhiều, với quyền lực của mình tóm cổ con lừa về buộc nó vào cần cối xay rồi buộc một củ cà rốt trước mặt nó, thế là quanh năm suốt tháng con lừa cứ đi vòng tròn để kéo cối xay. Quyền sở hữu con lừa đã đáp ứng cho sự tham lam của ông bác sĩ, nhưng lòng tham thường thì không có giới hạn. Một ngày kia ông bác sĩ thấy là dùng con lừa thồ hàng ra chợ bán thì có lợi hơn là để nó kéo cối xay. Vậy là ông bác sĩ chất hàng hóa lên lưng con lừa rồi dắt nó đi nhưng con lừa không đi thẳng mà theo thói quen đi vòng tròn thậm chí kéo ngã cả ông bác sĩ, với tất cả mọi quyền lực của mình ông bác sĩ không cách nào làm cho nó đi thẳng được.

Chuyện về con lừa không có thật ở trên chỉ là để nhắc tới cái lý thuyết sáng láng về bản chất tư hữu và quyền lực của con người mà ông bác sĩ Hồ Hải có thật vẫn tuyên truyền bấy lâu nay. Việc tranh luận với tín đồ tôn giáo về tôn giáo của họ thì thật là vô vọng, vì vậy người ta chỉ có thể yêu cầu họ cho biết chúa của họ răn bảo họ những gì.

Bây giờ, xấu là xấu ở đâu? Ở cái chỗ là lòng tham, là giá bất động sản quá sức cầu của dân, là cái nơi xấu về bản chất của vấn đề kinh tế Việt hiện nay. Giải quyết cái chỗ này, thị trường bất động sản sẽ chảy thông suốt, kinh tế sẽ lại lành mạnh. Thế thì, phải làm gì để giải quyết. Có ba giải pháp đồng bộ như sau, thực hiện tốt thì chỉ trong 1 tháng thôi, kinh tế Việt sẽ trở lại bình thường:

1. Giảm giá mỗi mét vuông đất hoặc nhà chung cư xuống bằng giá trị một tháng lương tối thiểu phải đóng thuế của người dân. Vì đất anh không tốn tiền mua, không lý do gì anh lại đẩy giá cao. Anh tự làm giá quá sức dân thì đóng băng là hiển nhiên, không bàn cãi.

2. Bán trả góp với giá như đã giảm cho công nhân, cán bộ nhà nước chưa có nhà ở bằng phương thức trả chậm trừ lương hằng tháng, mà không tính lãi suất của ngân hàng. Vừa được lòng dân, mà vừa giải quyết được kinh tế nước nhà đang thiếu triển, mà lại giúp đồng tiền chạy thông suốt trong nền kinh tế và giải quyết được quỹ lương.

3. Từ bỏ lòng tham và lợi dụng hiến pháp và pháp luật để trục lợi cho nhóm cầm quyền là biện pháp cốt tử để cứu nền kinh tế nước nhà. Vì biện pháp này mà không được thực thi, thì dù có thực hiện 2 biện pháp trên, nó sẽ còn những cái đóng băng khác diễn ra trong tương lai. Muốn từ bỏ lòng tham của nhóm cầm quyền thì buộc phải xóa bỏ cơ chế độc quyền. Bằng cách nào thì ai cũng quá rõ.
Nguồn trích dẫn:  Ở đây

Đầu tiên thì ông bác sĩ cho rằng nợ xấu nằm ở ở thị trường bất động sản, do vậy cần giảm giá bất động sản để thanh toán nợ xấu. Đúng theo phương pháp duy vật biện chứng mà ông bác sĩ hay dùng thì mọi tranh luận về mặt logic thuần túy là vô nghĩa, chỉ có hiện thực mới là tiêu chuẩn của nhận thức, do vậy cần phải nhìn xem hiện thực ra sao.

Thị trường bất động sản ở Việt Nam sau nhiều năm phát triển đã hình thành hai cấp thị trường rất rõ ràng. Ở thị trường cấp một, nhà đầu tư bất động sản sau khi xây dựng xong sẽ bán cho đám lái buôn bất động sản, sau đó đám lái buôn bất động sản sẽ bán lại cho những người mua để sử dụng trên thị trường cấp hai. Giá bất động sản trên thị trường cấp một bao giờ cũng thấp hơn giá trên thị trường cấp hai, cho dù là có được núp dưới những danh từ dễ chịu hơn như giá ngoại giao hay giá ưu đãi hay giá quan hệ thì bất cứ nhà buôn nào cũng mỉm cười  và xoa tay trước nó vì họ biết rằng đó là giá bán buôn. Sở dĩ chủ đầu tư buộc phải bán cho đám lái buôn thì không phải bởi đám lái buôn có thân hình đẹp với ba vòng bốc lửa hay giọng nói ngọt ngào dễ nghe (mặc dù đôi khi họ cũng thích thế) mà bởi vì buôn bán với đám lái buôn giúp họ nhanh chóng bán sạch hàng hóa, thu lại cả tiền vốn lẫn lãi và bắt tay vào làm dự án mới hoặc đi mua sắm ở nước ngoài chẳng hạn.

Trên thị trường bất động sản như vậy là có ba người chơi là chủ đầu tư, lái buôn và người tiêu dùng. Vậy ai đang đang khiến ngân hàng lo lắng về khoản tiền của mình? Chủ đầu tư dự án bất động sản không phải là vấn đề của ngân hàng vì nếu họ có vay nợ ngân hàng thì đó phải là một kế hoạch chắc chắn và được giám sát chặt chẽ, giải ngân theo từng công đoạn. Các chủ ngân hàng khôn ngoan thường không thích cho các chủ đầu tư bất động sản vay nhiều, vì vậy các chủ đầu tư bất động sản láu cá thường xoay vốn theo nhiều cách khác nhau, cách phổ biến nhất là vay của người mua, tức là vay của đám lái buôn, trước đây người ta thấy dự án bất động sản thường được bán xong trước cả khi được khởi công. Tất nhiên cũng sẽ có trường hợp rủi ro gây nợ xấu, nhưng chắc chắn là sẽ không nhiều như trường hợp được tính tiếp theo.

Đám lái buôn luôn nhanh chân gom hết các dự án bất động sản để rồi sau đó bán lại cho người tiêu dùng kiếm lãi, nhưng để có thể gom được bất động sản nhanh chóng với quy mô lớn thì chỉ tiền túi thì không bao giờ đủ cả, cần phải xoay được vốn. Khi đối diện với chủ ngân hàng thì đám lái buôn luôn là những con người khả kính, các khoản vay luôn được đảm bảo bằng tài sản có giá trị chớ không phải là những lời có cánh như đám chủ đầu tư. Thế là đám lái buôn cứ việc thế chấp các tài sản bất động sản để lấy tiền mua vào các bất động sản khác, rồi lại tiếp tục thế chấp và mua. Ngân hàng luôn khôn ngoan trong việc nắm dao đằng chuôi bằng cách đặt hạn mức cho các khoản vay có tài sản đảm bảo, nhưng đó là đối với các cá nhân lẻ tẻ thôi, đối với các khách hàng khả tín có quan hệ tốt và đem lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng thì cần phải được biệt đãi, một số vụ án được phanh phui ra gần đây đã tiết lộ điều đó, để giữ chân đám lái buôn thì ngân hàng đã tạm thời quên cái quy định khôn ngoan kia đi.

Cuối cùng còn lại người tiêu dùng, nếu người tiêu dùng muốn vay tiền để mua nhà thì cần phải có nguồn trả đảm bảo cũng như tài sản thế chấp và tất nhiên sự khôn ngoan của ngân hàng sẽ được thực thi triệt để. Rất hiếm khi có nợ xấu ở phía người tiêu dùng.

Như vậy, trong số ba người chơi trên thị trường bất động sản thì đám lái buôn bất động sản sẽ là mối nguy lớn nhất của ngân hàng nếu thị trường bất động sản bị đóng băng, chính sự cạnh tranh giữa đám lái buôn với nhau đã đẩy việc sử dụng vốn ngân hàng lên tối đa.

Quay lại với ông bác sĩ thông thái với cái chính sách giảm giá bất động sản xuống thật thấp để xóa nợ xấu cho ngân hàng. Khi vừa nghe thấy thế, đám lái buôn bất động sản ngay lập tức reo to: "Chúng tôi tuyên bố phá sản!" Khi giá bất động sản giảm xuống thấp đến mức khiến cho giá trị của bất động sản nhỏ hơn khoản vay mà nó được dùng làm vật đảm bảo thì đám lái buôn sẽ không cần phải xoay sở các khoản tín dụng mới để đảo nợ nữa, cái gì đã thế chấp cho ngân hàng giờ sẽ là của ngân hàng. Đang vất vả nuôi đám nợ xấu để chờ tới lúc những khách hàng khả kính trả nợ thì giờ đây những khách hàng ấy quyết tâm không trả nợ nữa, ngân hàng sẽ bán tài sản thế chấp nhưng giờ đây những tài sản đó có giá trị thấp hơn khoản vay rất nhiều. Vậy là nợ xấu không những giảm đi mà còn tăng lên, thậm chí còn làm cho ngân hàng thua lỗ trầm trọng hơn nữa. Sự khôn ngoan sáng láng của ông bác sĩ thật là tai họa!

Có lẽ ông bác sĩ cũng lờ mờ hiểu được cái tai họa của mình, mặc dù đám lái buôn bất động sản sẽ hoan hô nhiệt tình sáng kiến của ông, cái sáng kiến giúp họ thanh toán nợ nần một cách hợp lý bằng cách đẩy gánh nặng ấy sang vai ngân hàng. Tất nhiên không thể thú nhận sự khôn ngoan của mình như vậy được thế nên ông quay ra vuốt ve giai cấp cần lao, công nhân và nhân viên nhà nước, với hy vọng họ ủng hộ mình. Ông kêu gọi bán nhà với giá thấp cho họ đồng thời cung cấp các khoản vay không lãi suất nữa, thật tốt đẹp làm sao, tất nhiên chỉ là trên các chữ cái mà thôi.

Đại bộ phận công nhân làm thuê rất cần một cái nhà tốt để ở, nhưng mua thì lại là chuyện khác, vì họ làm thuê nên cần phải tìm kiếm công việc ở nơi nào trả lương đủ sống và dễ dàng chuyển đến, mua nhà có nghĩa là buộc chặt họ vào một nơi cố định, điều đó đẩy họ tới cảnh phải chấp nhận bất cứ mức lương nào ở đó, những công nhân khôn ngoan sẽ trả lời ông bác sĩ thông thái rằng cảm ơn ông vì ý định tốt đẹp nhưng tôi tự biết cái gì là tốt cho mình. Nhân viên nhà nước thì thường làm việc ở một nơi cố định hơn, họ ít di chuyển nhưng trước khi ông bác sĩ đề nghị với họ về ưu đãi nhà ở thì các cơ quan mà họ làm việc đã cung cấp cho họ rồi, một phần trong số họ đã có nhà của mình và phần còn lại đang chờ tới lượt. Họ được mua rẻ thì tốt nhưng giảm giá đồng loạt trên thị trường để ai cũng mua được thì lại là chuyện khác vì điều đó có nghĩa là những đặc quyền đặc lợi gắn với vị trí nhân viên nhà nước sẽ bị hủy bỏ. Mức lương thực tế của họ bị giảm xuống theo sự biến mất của đặc quyền đặc lợi, họ phải sẽ đòi tăng thêm lương để đúng với mặt bằng thị trường. Vấn đề quỹ lương mà ông bác sĩ cho là giải quyết được lại đang đâm bổ vào ông để kể lể than khóc.

Sự phá sản thảm hại của ông bác sĩ đã phơi bày rõ ràng trước thực tế, nó chỉ tốt đẹp trong cái ảo tưởng của ông mà thôi. Nếu ông hỏi bất cứ người nông dân tự do nào về sự tham lam của nhóm cầm quyền, về việc lợi dụng hiến pháp và pháp luật thì người ta sẽ nói với ông rằng phần lớn nông dân có được mảnh ruộng canh tác là nhờ chế độ sở hữu ấy (chế độ sở hữu ấy đã cho phép người ta tước đoạt đất đai của địa chủ để chia cho nông dân), cái chế độ sở hữu đất đai được nêu trong hiến pháp ấy đã bảo vệ cho nông dân tránh khỏi cạnh tranh, tránh khỏi bị phá sản, chính chế độ sở hữu ruộng đất ấy đã tạo ra những người lính cường tráng nhất để chiến đấu bảo vệ xứ sở vững vàng trước các cuộc xâm lăng của nhiều đế quốc khác nhau, chính chế độ sở hữu ấy với tham lam của nhóm cầm quyền đã giúp những người nông dân đạt được mức sống mà bất cứ vua chúa giàu có nào trước đây cũng không mơ tới được. Còn nếu ông muốn nói rằng chế độ sở hữu ruộng đất không còn phù hợp với tình hình hiện tại nữa thì đó là chuyện khác, và chuyện ấy không thể phán xét dựa trên lòng tham hay quyền lực được.

Chuyện con lừa của ông bác sĩ đến đây có lẽ cần phải kết thúc, tất nhiên con lừa độc quyền cung cấp sự phục vụ cho ông bác sĩ và vì thế sự độc quyền của nó làm ông khó chịu, có lẽ ông nên kiếm thêm vài con lừa nữa, nhưng điều đó không đảm bảo rằng không có những điều khó chịu khác, thậm chí có thể là khó chịu hơn, ví dụ như lũ lừa hợp sức nhau làm làm cách mạng và bắt ông bác sĩ kéo cối xay hay thồ hàng chẳng hạn.






Dân trí thấp

Có một xứ nọ dân trí vốn thấp nên hay vi phạm luật lệ một cách ngớ ngẩn đại loại như đi xe vượt đèn đỏ, đi vệ sinh không rửa tay hoặc hất thức ăn thừa xuống gầm bàn. Các quan công bộc xứ ấy đặt ra đủ các loại luật lệ hình phạt từ nặng đến nhẹ để răn đe dân chúng rồi lại tuyên truyền ngày đêm nhưng mọi thứ chẳng hề suy suyển. Chiến đấu mãi với dân trí thấp mà không xong, các quan mẫn cán liền họp nhau lại bàn bạc suốt một tháng ròng rồi đưa ra quyết định, từ nay mỗi người dân khi làm bất cứ việc gì cũng sẽ có một quan đi kèm theo giám sát để trực tiếp ngăn ngừa việc vi phạm luật lệ từ gốc.

Sáng sớm hôm ấy vị quan giám sát dân thức dậy hơi muộn, có lẽ là do cái đồng hồ báo thức bị hỏng, ai có thể thức giấc đúng giờ mà không cần đồng hồ cơ chứ. Dân chúng đã đi làm cả, sắp đến giờ uống trà buổi sáng, vị quan giám sát nhẩm tính nếu chạy xe nhanh chút thì vừa kịp giám sát, vậy nên khi đến cái ngã tư vắng tanh có đèn đỏ thì không dừng lại mà tăng ga chút nữa để vượt qua.

Nhưng người tính không bằng trời tính, quan chạy được một đoạn thì gặp ngay cảnh sát giao thông vẫy vào kiểm tra vậy là phải xuất trình giấy tờ rồi, đợi xác nhận xe công vụ được ưu tiên. Cảnh sát giao thông vốn nổi tiếng mẫn cán và coi trọng thủ tục nên hết cả buổi sáng mới xong, đến gần giờ ăn trưa quan mới đến được chỗ dân, bao bực dọc trong người dồn nén đòi xả, quan chạy vội vào nhà vệ sinh. Khi quan đang trút cái bực dọc ấy ra thì chuông reo báo giờ ăn trưa, thế là quan ba chân bốn cẳng chạy ngay đến phòng ăn quên cả rửa tay, không đến kịp thì lại có kẻ hất thức ăn thừa xuống sàn nhà cũng nên.

Cuối cùng giờ ăn trưa cũng đã hết, dân chúng tranh thủ ngủ trưa, lúc ấy vị quan cần mẫn mới được thong thả ngồi ăn, làm quan đi trước thiên hạ ăn sau thiên hạ là vậy đấy. Quan vừa ăn vừa nhủ đúng là làm quan xứ dân trí thấp thật là khổ như trâu như bò vậy mà có ai hiểu cho đâu. Đúng lúc ấy có người vào báo, kẻ được quan giám sát xin phép về nhà sớm, quan liền vội vàng chạy ra, vô tình hất đổ cả đĩa thức ăn ra sàn nhà mà không biết, quan mà không nhanh chân không khéo kẻ kia lại chạy xe vượt đèn đỏ.

Kết thúc đợt triển khai giám sát trực tiếp ấy, các quan công bộc họp nhau lại, họp suốt một tháng, tài liệu cao hàng mét. Tổng kết lại thì thấy tình trạng thiếu ý thức mặc dù có thuyên giảm nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra nên các quan quyết định sẽ tăng gấp đôi số quan giám sát lên, đồng thời để giúp hai quan giám sát phối hợp nhịp nhàng thì đặt thêm một chức quan trưởng giám sát nữa, vậy là từ giờ mỗi người dân làm gì thì đều có ba quan theo dõi.

Có mấy người Sao Hỏa đi du lịch qua xứ ấy, thấy một người làm gì thì cũng có ba người theo dõi, liền hỏi tại sao. Sau khi được người ta giải thích cho, người Sao Hỏa gật gù nói quan xứ này thật biết chăm lo đến dân chúng, chả lười như quan xứ tôi, xứ tôi đến cái loại ngu như bò đi ra đường cũng chả có quan nào theo dõi chứ đừng nói đến người. Người ta lúc ấy mới bảo, các quan xứ ấy cũng đang tính đến chuyện giám sát cả các loại động vật ấy nữa, gì chứ cái đám ý thức kém hay không có ý thức là hay gây chuyện rắc rối lắm.