Saturday, September 28, 2013

Ông bộ trưởng ở tù

Mới đây, ông Ksor Phước chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội có phát biểu: "Dân phạm tội 2 triệu thì đi tù, cán bộ mấy tỉ đồng lại án treo". Có lẽ ông quên mất chuyện từng có một ông bộ trưởng bị đi tù vì tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Chuyện ấy diễn ra đã lâu, từ thời Internet chưa phổ biến, nên giờ có lẽ ít người nhớ đến. Ông bộ trưởng ấy đi tù vì chót phê vào đơn tham gia đấu thầu của một doanh nghiệp là "Đề nghị thứ trưởng, nếu thấy đủ điều kiện thì cho tham gia đấu thầu".  

Đó là bộ trưởng bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, người trực tiếp chịu trách nhiệm về công trình đường dây 500 kV Bắc-Nam. Bài viết này sẽ không đề cập về tội trạng của ông bộ trưởng mà chỉ đề cập việc ông ấy phải ngồi tù ra sao.

Theo lời ông bộ trưởng kể lại thì một năm ông ấy phải ngồi tù có thủ tướng, phó thủ tướng và 28 bộ trưởng thứ trưởng vào thăm.

Ông Hải kể lại thời gian ở trong tù: "Khi tôi nhập trại, ông Lê Minh Hương, khi đó là thứ trưởng bộ Nội vụ (nay là bộ Công an), vào kiểm tra trại giam và cho "giải phóng" một cái trạm xá cũ để tôi vừa ở vừa tiếp khách. Cái trạm xá này một nửa nằm trong trại, một nửa nằm nhô vào khu tập thể của cán bộ trại. Vì hàng ngày khách đến thăm tôi nhiều, thấy tôi tiếp khách trong phòng bất tiện nên anh em trong trại bố trí một phòng gần phòng làm việc của cán bộ trại giam. Tôi tiếp khách không có công an ngồi kèm đâu. Nhưng phòng đó chỉ tiếp khách thường, còn từ thứ trưởng, bộ trưởng trở lên lãnh đạo bố trí tiếp ở phòng tiếp khách của trại"

Ông bộ trưởng cải tạo thì như sau: "Tôi vào trại nhưng ngày nào cũng tiếp khách. Thấy thế anh em họ cũng ái ngại, bàn đi bàn lại sau đó quyết định dọn bỏ một cái gara ô-tô để làm chuồng gà cho tôi chăn nuôi. Tôi bàn với vợ mua vài chục gà giống, thức ăn mang vào. Thế là hàng ngày tôi chỉ phải làm mỗi việc là nuôi gà. Cứ vỗ béo xong thì "anh em" trong trại lại mang bán.

Tôi bị án ba năm tù, thụ án được một năm mấy ngày thì được đặc xá. Thông thường, khi đặc xá thì mỗi phạm nhân phải viết bảng tường trình ghi lại nhận thức về quá trình cải tạo của mình nhưng tôi chỉ viết là "tôn trọng quy chế của trại, tích cực lao động...". Ngay như giờ sinh hoạt của phạm nhân họ cũng cho tôi miễn. Hôm ra trại, tôi mới hỏi ông Hân (giám thị): "Vì sao trong các buổi sinh hoạt chung của trại không thấy triệu tập tôi?". Ông Hân bảo: " Thì anh biết rồi còn gì". Tôi cười: "Thế tôi đơán nhé, khi sinh hoạt, các phạm nhân ngồi dưới đất, còn cán bộ trại ngồi trên ghế. Như thế, tôi sinh hoạt mà các anh để tôi ngồi trên ghế cũng khó mà ngồi dưới đất cũng khó". Thế là anh em cười. Nói chung, "anh em" đối xử với tôi rất tốt." 

Không biết là ông bộ trưởng có thấy những ưu đãi mà cán bộ trại dành cho ông tiêu tốn rất nhiều công sức và thời gian của họ. Chưa kể việc khách đến thăm ông toàn là lãnh đạo cao cấp của nhà nước cũng tạo ra rất nhiều áp lực cũng như xáo trộn đối với hoạt động hàng ngày của trại, chỉ đơn cử như việc thủ tướng đến thăm ông thôi thì "Khi thủ tướng đến, trại chưa cho anh em phạm nhân ra, Đến khi thủ tướng về thì anh em phạm nhân mới ra khỏi phòng".

Ông bộ trưởng chỉ ngồi tù có một năm, nếu lâu hơn nữa dưới những áp lực công việc như vậy, giả sử tôi là cán bộ trại giam thì tôi sẽ tìm cách chuyển ông sang trại khác hoặc không thì chính tôi cũng phải xin chuyển đi. 

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang ra sức đấu tranh chống lại nạn tham nhũng cũng như làm trong sạch bộ máy lãnh đạo. Cuộc đấu tranh đó khi đi đến cùng thì ắt hẳn khả năng một số cán bộ lãnh đạo cấp cao bị tha hóa phải ngồi tù là không thể không đặt ra. Nhìn lại chuyện ngồi tù của ông bộ trưởng bộ Năng lượng thì thấy rằng việc các quan chức cấp cao ngồi tù, với văn hóa ứng xử còn nặng tình nặng nghĩa như ở xứ ta cũng không đơn giản chút nào, sẽ gây rất nhiều áp lực lên hệ thống trại giam và những con người đang hàng ngày hàng giờ phải làm việc tại đó. Họ cũng cần phải được chuẩn bị, được đào tạo, được đầu tư thích hợp để sẵn sàng thực hiện công việc của mình.

Tài liệu tham khảo:
20 năm những bài báo đổi mới _ Nhà Xuất Bản Trẻ - Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 2010; trang 359-363.


Friday, September 27, 2013

Kibbutz của Israel có phải là mô hình chủ nghĩa xã hội?

Thấy nhiều người ca ngợi các cộng đồng kibbutz của Israel, thậm chí coi nó là chủ nghĩa xã hội (đao to búa nhớn ra phết). Nhưng đây là mặt trái của tấm huân chương:

1) Các kibbutz cực kỳ phân biệt chủng tộc: Chỉ chấp nhận người Israel, còn người Arab hay Palestine thì quên khẩn trương, thậm chí một người đàn ông Israel mà lấy vợ Arab thì cũng không có cửa sống trong kibbutz toàn người Israel.

2) Các kibbutz nhận được rất nhiều ưu đãi và trợ cấp các loại của nhà nước Israel: Do vậy chúng mới thành công về mặt kinh tế, không thì cũng giải tán sớm. 

3) Các kibbutz có liên hệ chặt chẽ với quân đội: Các sĩ quan quân đội cũng như bính lính của các đơn vị tinh nhuệ Israel phần lớn xuất thân từ các kibbutz.

4) Cấu trúc xã hội của các kibbutz là khép kín và hoàn toàn độc đoán về tư tưởng: Cả cộng đồng sẽ ủng hộ một quan điểm chính trị, thậm chí đọc cùng một tờ báo, bất cứ ai làm khác sẽ bị cô lập.

Chủ nghĩa xã hội là gì thì vẫn còn phải đi tìm câu trả lời và chắc chắn một điều là mô hình kibbutz không phải là câu trả lời cho câu hỏi ấy.


Tuesday, September 24, 2013

Uống trà đá chém gió chuyện thời sự thế giới

Tối mát giời, một đám thanh niên ngồi vỉa hè uống trà đá chém gió. Một đứa kể, chỗ tao có chuyện như thế này: 

Nhà nọ vợ chồng lục đục, ông chồng hay say rượu đánh vợ đánh con. Ông hàng xóm ngứa tai họp cả xóm lại bảo phải can thiệp để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, chớ cứ để nhà ấy mãi thế mất cái danh hiệu khu phố văn hóa thì bỏ đời. Sau nhà kia lại có chuyện ầm ĩ, ông hàng xóm liền kéo người vào can thiệp. Đầu tiên, ông ấy tẩn mấy đứa nhóc chết luôn tại chỗ, rồi hỏi vợ chồng nhà kia đã chừa chưa. Bà vợ thấy con tự nhiên bị chết đánh thì gào khóc rống lên, thế là ông hàng xóm liền đập tiếp cho ông chồng chết luôn. Bà vợ tự nhiên mất chồng mất con, khóc không nổi nữa. Ông hàng xóm ra về hoan hỉ thông báo với cả khu phố là bà mẹ và trẻ em đã được bảo vệ khỏi ông bố bạo lực.

Mấy đứa khác liền nhao nhao phản đối: Chuyện bịa là chắc! Đời đâu ra chuyện vô lý như thế được!

Đứa kể chuyện mới nói tiếp: Ấy thế mà có thật đấy nhé! Tụi mày thấy nước Mỹ hay lấy lý do bảo vệ nhân quyền để tấn công quốc gia khác không. Ví dụ như Iraq chẳng hạn, chả biết chế độ của Saddam vi phạm nhân quyền kiểu gì, nhưng kết quả của việc Mỹ và đồng minh trừng phạt chế độ Saddam là nửa triệu trẻ em Irag chết queo.

Mấy đứa khác lại nhao nhao phản đối: Bịa, làm gì có bằng chứng! Mỹ là nước văn minh nhất thế giới, đời nào lại làm thế!

Đứa kể chuyện liền rút phắt cái máy tính bảng ra chọc chọc, đây bằng chứng đây nhé.

Tháng 5 năm 1996, phóng viên đài truyền hình CBS Lesley Stahl hỏi bà Madeleine Albright đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc về hậu quả của việc trừng phạt chế độ Saddam: "We have hear that a half a million children have died. I means, that more children than died in Hiroshima. And, you know, is the price worth it? 

Madaleine Albright liền trả lời: "I think this is a very hard choice, but the price-we think the price is worth it."

(Một đoạn trích từ quyển "The Politics of Genocide" của giáo sư kinh tế người Mỹ Edward S. Herman.)

Mấy đứa kia lại lao nhao: Nói tiếng Việt đi mày, bày đặt nói tiếng Anh ai hiểu được. 

Đứa kể chuyện mới thủng thẳng: Ông phóng viên hỏi bà đại sứ là "Tôi được biết có nửa triệu trẻ em đã chết, nhiều hơn cả số trẻ em chết ở Hiroshima. Theo bà thì cái giá đó có đáng không?". Bà đại sứ trả lời rằng "Tôi nghĩ đây là một sự lựa chọn khó khăn-nhưng chúng tôi nghĩ cái giá đó là đáng".

Một đứa liền nói: Kinh khủng thật đấy, tao chưa bao giờ tưởng tượng được rằng điều đó lại có thật. Nửa triệu trẻ em chết thì dân xứ ấy coi như tàn mạt rồi. Nhân quyền cái gì nữa, gọi là diệt chủng mới đúng.

Đứa kể chuyện nói lớn: Mày lại sai rồi!

Cả bọn liền hỏi: Sai chỗ nào?

Đứa kể chuyện hỏi lại: Thế tụi mày so với ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, cựu thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng, thì ai am hiểu và có uy tín để nhận xét về chính trị hơn?

Cả bọn trả lời: Tất nhiên là ông ấy hơn rồi!

Đứa kể chuyện nói: Ông Nguyễn Trung trong bài viết "Suy ngẫm về thời cuộc" bảo rằng dù có làm bất cứ điều gì thì "ngọn cờ dân chủ-nhân quyền mà siêu cường Mỹ đang giương cao" vẫn "phù hợp với khát vọng chung của thời đại" và "có tác dụng hậu thuẫn ở mức nào đó khát vọng chung của thời đại". Cái "khát vọng chung của thời đại" ấy chính là "hòa bình, phát triển, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường".

Cả bọn im lặng hồi lâu. Trước lúc giải tán, một đứa nói: Từ lần sau tụ tập cấm lôi đề tài chính trị ra nhé, lợm giọng lắm, uống trà đà cũng không trôi.

Monday, September 23, 2013

Mục tiêu khả thi hay kế hoạch khả thi?

Ở một vùng nọ, có một chàng trai trẻ làm công nhân xây dựng. Công việc tuy vất vả nhưng trời phú chàng trai có thân hình rất lực lưỡng. Một hôm xem ti vi thấy có cuộc thi của các lực sĩ thể hình, chàng tự nhủ, thân hình mình cũng chả thua kém mấy, giờ tập luyện rồi đi thi kiếm cái giải biết đâu đổi đời.  

Chàng đem ý tưởng đó nói với đám bạn bè người quen, có người thì giễu chàng viển vông không tưởng, cũng có người khuyến khích chàng thử vận may. Có người mách chàng rằng muốn đi thi được thì mỗi ngày phải tập luyện ít nhất 4 tiếng, lại còn tặng chàng một đĩa video hướng dẫn tập luyện nữa. 

Chàng trai ngẫm nghĩ, nếu giờ tập thể hình 4 tiếng một ngày thì chả còn sức đâu mà đi làm kiếm sống, mà đi làm thì mệt mỏi sức đâu tập được 4 tiếng nữa. 

Sau nhiều đêm suy nghĩ mà không thấy lối thoát, chàng trai đành bằng lòng với việc tạm gác lại cái mục tiêu kia, tiếp tục làm việc kiếm sống và để nuôi dưỡng ước mơ của mình mỗi ngày sau giờ làm chàng đều tập luyện chút ít. Dần dần chàng trai nhận thấy rằng nếu cứ tập luyện đều đặn thì sức khỏe sẽ tốt hơn nên có thể nâng thời gian tập lên mà không làm ảnh hưởng tới công việc. Chàng liền phác thảo kế hoạch thực hiện mục tiêu lớn của mình.

Thời gian trôi qua, chàng trai cứ nâng dần thời gian tập luyện của mình lên, 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng, rồi 4 tiếng mỗi ngày, thân hình chàng phát triển giống như các vận động viên thể hình chuyên nghiệp. Chàng đi thi và đạt giải cao, rồi trở thành một lực sĩ thể hình danh tiếng.  

Khi phải đối mặt với một mục tiêu, người đời hay cố gắng xem xét nó khả thi hay không khả thi nhưng lại quên mất rằng mục tiêu dù lớn dù nhỏ thì có đạt được hay không còn phải phụ thuộc vào kế hoạch thực hiện. Mục tiêu dù nhỏ mà không có kế hoạch phù hợp để thực hiện thì nó sẽ không bao giờ là khả thi, ngược lại mục tiêu dù lớn đến đâu nhưng có kế hoạch phù hợp để thực hiện thì nó sẽ luôn khả thi.