Tuesday, August 25, 2020

Giáo dục và sự nghiệp thu tiền

Dẫn nhập 

Việt Nam trước đây theo chế độ bao cấp dịch vụ công ích. Ví dụ điển hình là hai ngành y tế và giáo dục. Nhà nước dùng tiền ngân sách để chi trả cho y tế và giáo dục, do vậy người dân đi khám chữa bệnh và đi học đều không phải đóng tiền, hoặc có phải nộp phí thì chỉ nộp một phần rất nhỏ. Thế nên nói rằng phí dịch vụ thấp vừa đúng vừa sai, đúng ở chỗ người dân đóng phí thấp, nhưng sai ở chỗ phí đó không phải là toàn bộ khoản tiền mà ngành dịch vụ công nhận được. 

Nhờ có quỹ bảo hiểm y tế mà ngành y tế tăng giá dịch vụ thành công, thế là hàng sa số các dịch vụ y tế ra đời nhằm tối đa hóa các khoản thu từ quỹ bảo hiểm y tế. Các bệnh viện đua nhau mời người dân đến khám chữa bệnh, tất nhiên không ai trả phí nhiều, phần lớn nguồn thu là từ quỹ bảo hiểm y tế và thế là không thấy bệnh viện kêu rằng phí dịch vụ thấp nên chất lượng thấp nữa.

Giáo dục thì chưa có cái quỹ bảo hiểm giáo dục nào nên vẫn chưa đâu với đâu cả. Ngành giáo dục vẫn đang đòi thu tiền, càng nhiều càng tốt, lý do chủ yếu là những ưu đãi nhà nước cấp cho họ không phải là tiền mặt, họ cần biến cái đó thành tiền mặt. Do đó, câu chuyện lại quay về vấn đề học phí và chất lượng.

Vào năm 2006, nước Đức vốn có truyền thống bao cấp giáo dục cũng thông qua luật thu học phí đại học, lý do y hệt Việt Nam bây giờ, cũng là thu học phí cao để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu tình trạng đi học đại học bừa bãi do không mất tiền. Chỉ sau hai năm, chính sách tân tự do của nước Đức bị bãi bỏ một cách lặng lẽ, 

Việc thu học phí cao có những tác động gì?

1. Chất lượng giáo dục hỗn loạn: 

Chỉ cần nhìn sang nước Mỹ là thấy, tự do thu học phí nên bên cạnh những trường chất lượng tốt thì cũng có hàng sa số những xưởng bán bằng cấp, các trung tâm giáo dục chẳng ra gì với mức phí hợp túi tiền để đáp ứng nhu cầu của người học. Do vậy, nước Mỹ buộc phải dựa vào một hệ thống kiểm định giáo dục phức tạp để xác định xem trường nào cấp bằng thật, trường nào là bằng dỏm. Việc thu học phí cao trong nền kinh tế thị trường không tạo ra một hệ thống giáo dục chất lượng cao, ngược lại còn tạo điều kiện để những dạng kinh doanh giáo dục chất lượng thấp sinh sôi nảy nở. Tất nhiên các nhà kinh doanh thích điều đó, họ kiếm tiền đầy túi từ sự bát nháo ấy. 

2. Suy giảm số lượng người đi học: 

Do rào cản chi phí cao nên một số lượng lớn người đi học sẽ từ bỏ việc học và tham gia vào thị trường lao động. Số lượng sinh viên có khả năng chi trả học phí cao không phải là vô hạn. Việc thu học phí đại học ở nước Đức vào năm 2006 đã cho thấy điều đó. Các trường đại học kinh hãi trước điều này, sinh viên là nguồn thu nhập của họ, nhưng giờ nguồn thu nhập đó suy giảm nhanh chóng. Các trường đại học buộc phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút sinh viên đủ khả năng chi trả học phí cao. Bài toán trở nên luẩn quẩn, cơ sở giáo dục muốn có tiền thì phải đầu tư thu hút sinh viên, nhưng muốn đầu tư thì lại phải có tiền. Cơ sở giáo dục tư nhân hoàn toàn có thể làm được điều này khi kêu gọi các nhà tư bản đầu tư, còn cơ sở giáo dục công thì tình hình tồi tệ hơn nhiều do ngân sách nhà nước ít có khả năng đáp ứng. Hệ quả của việc này là một số lượng lớn các cơ sở giáo dục công sẽ buộc phải tư nhân hóa để tồn tại.

3. Gia tăng sử dụng lao động giá rẻ và suy giảm nhu cầu về lao động có kỹ năng:

Học phí cao dẫn đến hệ quả là một phần lớn lực lượng lao động từ bỏ việc học sớm hơn và chấp nhận tham gia vào thị trường lao động có kỹ năng thấp. Tiền lương của người lao động là do chi phí tạo ra sức lao động quyết định. Chi phí tạo ra sức lao động giờ thấp hơn nên tiền lương của người lao động cũng sẽ thấp hơn. Doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng điều này bằng cách chuyển sang các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nhân công giá rẻ để gia tăng tỷ suất lợi nhuận. Làn sóng này sẽ khiến cho các lao động có tri thức và kỹ năng bị thất nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu về giáo dục và buộc các cơ sở giáo dục phải cơ cấu lại tổ chức để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Xu hướng đào tạo nghề thay cho giáo dục đại học là biểu hiện cụ thể của việc cho thấy người học giảm việc học và tham gia thị trường lao động sớm hơn. Tất cả những điều này có nghĩa là tri thức phải quy phục thị trường, giới trí thức trong lĩnh vực công bị đẩy vào tình trạng bấp bênh, nhất là khi họ không có truyền thống sống nhờ việc kinh doanh giáo dục.

Đây chính là chỗ tiết lộ bí mật của nước Đức, giới tinh hoa lãnh đạo ngành giáo dục ở Đức cảm thấy việc thu học phí cao mặc dù đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư tư nhân, song lại lại đe dọa đến đặc quyền, lợi ích và sự tôn kính của xã hội đối với ngành giáo dục. Do đó, họ nhanh chóng tìm cách loại bỏ chính sách thu học phí cao. Nước Đức lặng lẽ quay lại với truyền thống cổ xưa.

Kết luận

Thực ra không có kết luận nào cả. Học phí vốn không do người học quyết định. Đó là sự xung đột giữa lợi nhuận và đặc quyền. Do đó, học phí đi theo hướng nào là do sức mạnh của các thế lực tham gia vào sự xung đột ấy quyết định. Hôm nay, người ta nói thu học phí cao để nâng cao chất lượng giáo dục, ngày mai người ta sẽ nói phải miễn học phí để ai cũng được đi học. Ngày kia, người ta có thể nói phải mở trường học ở sao Hỏa để khai hóa văn minh cho các tộc man di ngoài vũ trụ. Mọi thứ đều có thể diễn ra, song bản chất của vấn đề thì không bao giờ thay đổi.

No comments:

Post a Comment