Showing posts with label amakudari. Show all posts
Showing posts with label amakudari. Show all posts

Wednesday, October 8, 2014

Một dạng hối lộ mới ở Việt Nam từ kinh nghiệm của Nhật Bản

Mới đây báo chí đưa tin ông cựu bộ trưởng Bộ Giao Thông trở thành lãnh đạo của một công ty xây dựng đã nhận được nhiều ưu ái của ông thời còn tại vị, chỉ sáu tháng sau khi ông rời văn phòng bộ. Tình trạng các cựu quan chức trở thành lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội dân sự hay các doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến, dễ nhận thấy là trong lĩnh vực ngân hàng. Một mặt điều đó giúp cho doanh nghiệp tận dụng được trình độ cũng như kinh nghiệm của các cựu quan chức, mặt khác lại tạo ra nguy cơ về một dạng hối lộ mới, bên cạnh các dạng hối lộ trực tiếp bằng tiền bạc hay tài sản. Các quan chức có thể ưu đãi cho doanh nghiệp để đổi lấy một vị trí béo bở tại doanh nghiệp đó sau khi về hưu. Ở Việt Nam điều này có lẽ là còn mới mẻ, nhưng ở Nhật Bản thì không phải là mới. Người Nhật đã phải nhiều năm đối đầu với dạng hối lộ đó, dạng hối lộ mà họ gọi là amakudari.

Một trong những ví dụ điển hình về amakudari là Yamada Corporation và Bộ Quốc Phòng Nhật Bản. Công ty Yamada được đưa vào danh sách các nhà thầu quốc phòng và có một thỏa thuận bất thành văn là sẽ thuê một quan chức bộ hay sĩ quan quân đội nghỉ hưu cho mỗi tỷ Yên mà họ được thanh toán. Với thỏa thuận đó, công ty đã thuê 10 cựu sĩ quan bộ binh, không quân và hải quân làm cố vấn và khoảng 120 người làm nhân viên ở các cấp khác nhau. Công ty Yamada đã lập ra một công ty bình phong ở Hoa Kỳ để chuyển lợi nhuận, nhưng thực tế không làm bất cứ việc gì ngoài việc trả lương cho ban giám đốc.

Nhật Bản có một danh sách dài các cựu thứ trưởng được thuê làm chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch/ủy viên hội đồng quản trị tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp lớn khác. Họ thực tế chỉ làm việc vài ngày tại một tổ chức, và thường xuyên thay đổi công việc tại những doanh nghiệp nhất định với một khoản tiền nghỉ hưu lớn.

Một báo cáo của Cục Nghiên Cứu Hạ Viện vào tháng 3 năm 2007 cho thấy trong năm 2005 có 29 công ty cung cấp dịch vụ công cộng thuộc quyền quản lý của Bộ Đất Đai, Cơ sở Hạ Tầng và Giao Thông đã thuê 523 cựu quan chức nhà nước, trong đó có 73% làm nhân viên toàn thời gian. Doanh thu của các công ty này đã tăng lên từ 33 đến 100% nhờ vào trợ cấp quốc gia. Khoản trợ cấp quốc gia tính bình quân trên mỗi nhân viên toàn phần là cựu quan chức là ít hơn 100 triệu Yên ở 8 công ty, khoảng từ 100-500 triệu Yên ở 14 công ty, và hơn 500 triệu Yên ở 5 công ty.

Các đời thủ tướng Nhật đều rất nỗ lực để chấm dứt nạn amakudari, nhưng hiệu quả cũng rất hạn chế bởi hệ thống chính trị phụ thuộc vào quan chức hành chính hơn là các chính khách, trong việc xây dựng chính sách. Mặt khác các quan chức chính trị cũng e ngại rằng cấm các cựu quan chức nhận các công việc có đãi ngộ cao trong lĩnh vực dân sự sẽ làm giảm chất lượng của những người muốn gia nhập bộ máy nhà nước. 

Nhật Bản đã ban hành Luật Bổ Sung về Phục Vụ Dân Sự vào ngày 30/6/2007, sau này trở thành một phần của Luật Công Chức Dân Sự nhằm kiểm soát amakudari. Các nội dung chính bao gồm:

1. Thiết lập một ngân hàng nhân lực trong phạm vi văn phòng chính phủ vào năm 2008 để hỗ trợ các quan chức nghỉ hưu kiếm việc làm.

2. Cấm các quan chức các bộ và các ngành kiếm việc thông qua môi giới nhân sự tư nhân vào năm 2011.

Việc đề xuất và bổ nhiệm các cựu quan chức cho vị trí điều hành tại các công ty dịch vụ công cộng phải được thông qua ở cả thượng và hạ viện. Nhưng vấn đề là khi một đảng chiếm đa số tại hai viện thì các yêu cầu được thông qua không mấy khó khăn. Vào năm 2007, lần đầu tiên sau 56 năm một cuộc bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiêm bị phe đối lập ngăn chặn thành công với cáo buộc amakudari. Điều này cho thấy việc kiểm soát amakundari bằng nghị viện là không hiệu quả.

Trở lại với Việt Nam, sau khi bị báo chí lên án dữ dội, ông cựu bộ trưởng Bộ Giao Thông đã từ chức ở công ty xây dựng. Dư luận cũng chìm xuống. Điều đó cho thấy Việt Nam chưa sẵn sàng để đấu tranh với nạn amakudari. Vấn đề không phải là lên án một quan chức về một dạng hối lộ tinh vi, mà vấn đề là kiểm soát để các quan chức không thể tiếp cận nó.