Showing posts with label Lao động. Show all posts
Showing posts with label Lao động. Show all posts

Sunday, September 8, 2019

Lao động và tự do

Chúng ta vẫn thường nghe thấy báo chí nói rằng một người lao động ở Singapore hay ở Nhật có năng suất lao động cao gấp mấy chục lần người Việt Nam. Người ta nói rằng năng suất lao động cao hơn thì giàu hơn, dân Việt Nam nghèo là vì năng suất lao động thấp.

Người ta cũng thường lấy ví dụ về những người già ở Nhật hay ở Singapore đến năm 70-80 tuổi vẫn phải đi làm, họ gọi đó là chăm chỉ. Chăm chỉ thì mới giàu, còn lười biếng như dân Việt Nam, 60 tuổi đã nghỉ hưu nên nghèo.

Câu hỏi: 

  1. Nếu năng suất lao động của dân Nhật hay Singapore cao gấp mấy chục lần Việt Nam thì sao mức sống của người lao động bình thường ở đó không gấp mấy chục lần Việt Nam vậy? Thực tế mức sống của một người công nhân ở Nhật hay ở Việt Nam không chênh lệch nhiều. Cái năng suất lao động cao hơn mấy chục lần ấy đã chui vào túi ai?
  2. Nếu một quốc gia thực sự giàu có và an sinh xã hội tốt thì những người già sẽ được nghỉ hưu sớm, nhường chỗ cho những người trẻ khỏe hơn. Thực tế là an sinh xã hội của Nhật hay Singapore đều không đủ tốt, người lao động phải làm việc lâu năm mà lương hưu không vẫn không đủ sống nên họ buộc phải đi làm để kiếm thêm. Tại sao một sự thất bại của xã hội tư bản lại được coi là nguyên nhân thành công của họ?
Xã hội loài người cho tới nay là xã hội có sự phân chia giai cấp: giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Lao động của người bị bóc lột bao giờ cũng bị chia làm hai phần: Phần thứ nhất để nuôi sống bản thân. Phần thứ hai là để làm giàu cho kẻ bóc lột, bất kể là dưới dạng thuế khóa nộp cho nhà nước hay lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp.

Cái phần lao động mà nhà nước và giới chủ doanh nghiệp quan tâm tới là phần thứ hai, không phải là phần thứ nhất. Họ muốn phần thứ hai càng nhiều càng tốt và phần thứ nhất càng ít càng tốt. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ nhất về năng suất lao động. Năng suất lao động của người Nhật hay người Singapore bình thường quy ra tiền (mặc dù thước đo này rất không chính xác) có cao gấp mấy chục lần người Việt Nam thì mức sống họ cũng không cao hơn đáng kể vì phần lớn thành quả lao động của họ chui vào túi doanh nghiệp và nhà nước. 

Doanh nghiệp luôn tuyên truyền năng suất lao động thấp, đòi kéo dài thời gian làm việc, đòi kéo dài độ tuổi làm việc, đều là để làm đầy túi của họ, chứ không phải để làm đầy túi người lao động. Trái lại, càng làm việc nhiều thì túi người lao động sẽ càng vơi. Nếu như trước kia một người lao động làm việc 20 năm suốt đời mình để nhận được một khoản tiền lương hưu hàng tháng, thì giờ nếu họ phải làm việc 30 năm, theo quy luật thị trường doanh nghiệp sẽ trả lương tháng thấp hơn vì người lao động có thời gian tích lũy lương hưu dài hơn và thời gian hưởng lương hưu ngắn hơn. Ở các nước tư bản, năng suất lao động tỷ lệ nghịch với mức sống của người lao động. Năng suất lao động càng cao thì người lao động sẽ càng nghèo, ngược lại chủ doanh nghiệp và nhà nước sẽ càng giàu.   

Năng suất lao động của người Việt Nam có thực sự thấp người ta như vẫn so sánh? Câu trả lời là không. Bởi vì khác với người lao động ở các nước tư bản đa số người dân Việt Nam chỉ lao động để nuôi sống bản thân mình. Sáu mươi phần trăm người lao động ở Việt Nam là nông dân tự do, họ có mảnh đất canh tác nhỏ để làm ra lương thực nuôi sống bản thân và gia đình, phần này không tính vào năng suất lao động vì không quy ra tiền được. Họ không phải đóng thuế nông nghiệp, thuế đất thì rất thấp. Người lao động rảnh rỗi thì họ làm thêm việc này việc kia để kiếm thêm thu nhập. Chủ doanh nghiệp không có cách nào ép những người lao động tự do đó làm việc với cường độ khủng khiếp như ở các nước tư bản vì họ không buộc phải lao động làm thuê để tồn tại.

Giới chủ doanh nghiệp không quan tâm đến cái phần người ta lao động để nuôi sống bản thân mình, mà chỉ quan tâm đến cái phần họ bóc lột được từ người lao động. Thế nên việc so sánh về năng suất lao động quy ra tiền kia phải hiểu là một người lao động ở Nhật hay ở Singapore bị bóc lột gấp mấy chục lần ở Việt Nam. Điều này trả lời cho câu hỏi thứ hai. Bí mật cho sự giàu có của các nước tư bản là duy trì mức độ bóc lột cao khủng khiếp đối với người lao động. Chủ doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn áp dụng cái bí quyết thành công của tư bản cho Việt Nam.

Có một người bạn lại hỏi tôi rằng: Tại sao Việt Nam không có các công trình to lớn hoành tráng như các nước khác? Có phải là do năng suất lao động của Việt Nam thấp? Hay là do Việt Nam chiến tranh nhiều, của cải bị tàn phá hết, không có điều kiện làm mấy thứ đó?

Câu trả lời: Chuyện đó đều không liên quan đến năng suất lao động hay chiến tranh. Của cải đổ vào xây dựng những công trình to lớn kia ở đâu ra? Đều là phần bóc lột được từ người lao động. Ở những nước khác, khi nhà nước hay giai cấp thống trị đủ mạnh thì họ bóc lột được lượng của cải khổng lồ từ người lao động, của cải đó sẽ được dùng để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Các công trình ấy đều thuộc về nhà nước hay giai cấp thống trị, đóng vai trò như là biểu tượng cho sự thống trị của họ. Vậy nên những thứ đó là biểu tượng cho sự áp bức, đâu phải là biểu tượng cho sự tự do của người lao động. 

Từ thời xa xưa, Việt Nam đã là một đất nước có tầng lớp nông dân tương đối tự do, mặc dù họ không có quyền công dân trong các xã hội phong kiến song các thiết chế cộng đồng địa phương đại diện cho nông dân đủ mạnh để hạn chế mức độ bóc lột của chính quyền trung ương. Ngay cả những nhà nước phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam cũng không có khả năng bóc lột được những khối của cải thặng dư khổng lồ từ nông dân để xây dựng các công trình kỳ vĩ. Vậy nên việc thiếu vắng các công trình kỳ vĩ ở Việt Nam không phải do năng suất lao động thấp mà ngược lại là một biểu tượng cho sự tự do tương đối của nông dân. Giới chủ doanh nghiệp tất nhiên cũng không thích điều này, nên họ tìm mọi cách công kích, hạ nhục người Việt Nam nói chung về việc không có các công trình kỳ vĩ.

Khái niệm tự do bao gồm ba nội dung cụ thể. Thứ nhất, mỗi cá nhân đều làm chủ bản thân mình, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, họ không phải làm lao động làm giàu cho ai. Thứ hai, cộng đồng công dân của những người tự do ấy không bị ai cai trị. Thứ ba, quốc gia của họ không phải lệ thuộc vào quốc gia khác. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của người Việt Nam tự do, ai cũng hiểu rằng sự độc lập tự do của quốc gia là một phần của tự do cá nhân. Nói như các cụ thời xưa là: Nước đã mất thì nhà làm gì còn. Bởi vậy nên người Việt Nam luôn chiến đấu hết mình vì độc lập của quốc gia và khinh bỉ những kẻ làm tay sai cho ngoại bang. Tuy vậy, sự bất khuất cũng không thể giúp người Việt Nam đứng vững nếu năng suất lao động không đủ cao để nuôi sống bản thân và duy trì những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài đằng đẵng hàng mấy chục năm. Về mặt chính trị, mưu đồ của những kẻ tuyên truyền năng suất lao động Việt Nam thấp chính là phủ nhận sự độc lập tự cường của Việt Nam. Chúng đều sẽ nói rằng dân Việt Nam có năng suất lao động thấp, ăn còn chả đủ lấy đâu ra của cải mà đánh Pháp đánh Mỹ, đều là nhận viện trợ của nước ngoài để đánh cả và từ đó chúng sẽ kết luận rằng giống loài Việt Nam là một giống loài hạ đẳng chỉ biết đi nhận tiền để đánh thuê cho đế quốc.

Nếu một người lao động Việt Nam tự do có phải nghe mấy câu lải nhải về năng suất lao động thấp, lười biếng hay thấp kém vì không có các công trình hoành tráng thì anh ta có thể ưỡn ngực mỉm cười: Tôi là một người tự do, một kẻ nô lệ cho dù có sống trong lâu đài bằng vàng cũng không bao giờ hiểu được tự do!

(P/s: Bài này được viết theo yêu cầu của Linh bí thư DLV.)

Sunday, October 16, 2016

Xã hội và quan hệ xã hội

Cách đây không lâu, rất nhiều trang mạng nước ngoài và quốc tế phát tán một câu chuyện kiểu giả khoa học xuất phát từ một mạng xã hội chuyên về chuyện hài hước mô tả một thí nghiệm về khỉ và dùng nó để minh họa cho việc đàn áp vô lý các ý kiến khác biệt trong xã hội loài người. Dưới đây là câu chuyện ấy.

Đọc toàn bộ câu chuyện ở đây
Điều căn bản phi lý trong câu chuyện này chính là giả định đám khỉ sẽ đánh con khỉ nào muốn leo lên lấy chuối. Đó là điều không bao giờ xảy ra trong xã hội loài người và chính điều đó đã ngầm giả định sự đàn áp các quan điểm khác biệt. Câu chuyện này trở thành một mớ nhảm nhí theo kiểu sự đàn áp tồn tại vì có sự đàn áp và giải pháp của nó là một thứ khôi hài không tưởng theo kiểu hành vi tâm thần của sự nghiện ngập "like và share" trên mạng xã hội: Hãy chia sẻ và mọi người sẽ nghĩ khác, khi mọi người nghĩ khác thì mọi thứ sẽ khác!

Quan hệ giữa những con người là quan hệ xã hội và quan hệ xã hội sẽ trở thành một phần của bản chất tự nhiên trong con người. Hãy chú ý điều này: Kinh tế học luôn giả định con người là homo economicus, tức là một kiểu con khỉ vị kỷ chỉ biết đến bản thân khi so sánh giữa chuối và nước lạnh, khi làm điều đó nó buộc phải giả định rằng vị tha không tồn tại, tức là một ông bố sẽ không hy sinh gói thuốc lá của mình để mua sữa cho đứa con nhỏ đang đói. Thứ giả khoa học của chủ nghĩa tư bản hình dung con người là một con vật vị kỷ, do vậy nó dùng con vật để thay thế cho con người trong mọi câu chuyện.

Xã hội con người sẽ hoàn toàn khác với xã hội khỉ được mô tả trong thí nghiệm giả khoa học kia.

1-Xã hội có giai cấp 

Khi đám khỉ biết rằng một con khỉ trèo lên lấy chuối thì những con còn lại sẽ bị xịt nước lạnh, chúng sẽ làm gì? Chúng sẽ cắt cử một con khéo léo nhanh nhẹn nhất leo lên thật nhanh lấy chuối xuống để chia cho tất cả cùng ăn, cả đám còn lại sẽ cùng chịu nước lạnh và sau đó cùng ăn chuối.

Chuyện đó là bình thường cho đến khi con khỉ chuyên lấy chuối kia tưởng rằng chuối có được là nhờ sự thông minh khéo léo của nó còn những kẻ còn lại chỉ là những kẻ khốn khổ ăn bám không hơn không kém. Nó sẽ thể hiện uy quyền bằng cách ăn phần lớn chuối và chỉ chia phần nhỏ cho những con còn lại. Tất nhiên những con khỉ còn lại sẽ bất bình, chúng sẽ tìm cách thay thế con khỉ đó bằng một con khỉ khác công bằng hơn. Song cái cơ chế đó đã hình thành, những con khỉ đi lấy chuối bao giờ cũng là tầng lớp đặc quyền và đặc quyền đó được xây dựng dựa trên sự chịu đựng đau khổ của đông đảo quần chúng. Mọi con khỉ đi lấy chuối có công bằng vô tư đến đâu thì cái cơ chế xã hội tồn tại vẫn luôn đảm bảo địa vị đặc quyền của chúng và sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ ăn bám cặn bã. Điểm mấu chốt này giải thích sự duy tâm và bảo thủ của câu chuyện giả khoa học về lũ khỉ trong bức hình minh họa nói trên. Một mặt, nó thay thế quan hệ xã hội bằng lợi ích và niềm tin cá nhân. Mặt khác, nó khẳng định lối thoát là sự giải phóng của lợi ích và niềm tin cá nhân. Sự phi lý nằm ở chỗ: Nó giả định sẵn cái mà nó cần phải chứng minh. Sự bảo thủ của nó nằm ở chỗ: Nó lảng tránh quan hệ xã hội, coi quan hệ xã hội là một thuộc tính tự nhiên vĩnh viễn không thể thay đổi, do vậy nó thần thánh hóa và bảo vệ cái trật tự mà nó vờ như đang chống lại.

2-Xã hội không giai cấp

Khi xã hội loài khỉ tiến hóa đến một mức độ nhất định, lũ khỉ sẽ thay đổi cách tổ chức. Mỗi con khỉ sẽ đều phải lần lượt leo lên lấy chuối xuống chia cho cả nhóm cùng ăn và tất nhiên là con nào cũng chịu bị phun nước lạnh. Chúng sẽ cười vào mũi đám nhà khoa học dốt nát đang cố tìm hiểu chuyện gì xảy ra, đôi khi chúng sẽ thí nghiệm trở lại xem đám nhà khoa học kia sẽ làm gì khi chúng dự trữ chuối để ăn hay không thèm leo lên lấy chuối ngay cả khi bị phun nước lạnh, từ đó chúng sẽ thay đổi cách tổ chức hành động cho hiệu quả hơn. Mỗi con khỉ đều đạt tới trạng thái tự do khi tham gia vào mọi công việc chung của xã hội. Một mặt chúng có những quyền lợi và nghĩa vụ, thậm chí cả sự đau khổ ràng buộc với xã hội, nhưng mặt khác chúng không còn lệ thuộc vào những cá thể nhất định nữa. Sự xung đột chấm dứt, không còn bất cứ con nào phàn nàn về nước lạnh hay vấn đề công bằng khi chia chuối. Mọi ý kiến bất đồng đều nhanh chóng được giải quyết do mỗi thành viên trong xã hội đều có đầy đủ trải nghiệm và công cụ để kiểm chứng những ý kiến đó, chỉ trên cơ sở đó, những ý kiến khác biệt mới được tôn trọng triệt để. Đây là xã hội có ý thức, con người đã tách hoàn toàn khỏi trạng thái nguyên thủy. 

Để chống lại tình trạng những kẻ đặc quyền đặc lợi ăn bám vào xã hội thì mấu chốt không phải là thay thế kẻ đặc quyền này bằng kẻ đặc quyền khác, mà là xóa bỏ mọi đặc quyền. Việc xóa bỏ đặc quyền đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội khiến cho tất cả mọi người đều phải tham gia vào mọi công việc chung của xã hội và được hưởng lợi ích từ đó. 

3-Cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng

Từ khi một xã hội không giai cấp, chấm dứt mọi đặc quyền bắt đầu hình thành thì tầng lớp đặc quyền sẽ không thể ngồi yên, chúng sẽ tìm mọi cách chống lại điều đó để bảo vệ địa vị của mình. 

Khi những con khỉ bắt đầu tổ chức theo xã hội không giai cấp thì tất cả những thành phần tinh hoa của xã hội cũ sẽ gào thét, chúng sẽ ồn ào về sự phi lý, những hậu quả của hành động trái ngược với bản chất tự nhiên, với sự khéo léo của những con khỉ chuyên lấy chuối, với sức chịu đựng bền bỉ của những con khỉ chuyên chịu nước lạnh. Một mặt chúng sẽ đề cao sự công bằng bình đẳng, mặt khác chúng tuyên bố cái trật tự hiện có là tự nhiên, bất cứ ý kiến nào đòi thay đổi cái trật tự đó đều là ngu xuẩn và độc ác. Mọi sự tiến bộ đều có thể tiến lên bằng cách thay đổi tư duy hay nhận thức của mỗi cá thể chứ không phải là thay đổi quan hệ xã hội giữa các cá thể đó. Hãy đừng ngạc nhiên khi thấy có những xã hội đề cao ý kiến cá nhân nhất cũng chính là những xã hội đàn áp ý kiến cá nhân bậc nhất, bởi vì sự tự do đó không dành cho tất cả mọi người.

Không phải ở đâu những con khỉ thuộc tầng lớp đặc quyền cũng có thể to tiếng, nhất là khi những con khỉ còn lại đã có tổ chức tốt, việc tạo dựng xã hội mới cũng đồng nghĩa với việc đánh bại, đàn áp những kẻ thống trị bảo thủ của xã hội cũ. Đó là điều không thể tránh khỏi. Ở đây sẽ xuất hiện một bộ phận phản động bậc nhất, chúng sẽ nhân danh tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến để chống lại việc xây dựng xã hội mới. Tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến có nghĩa là tự do bảo vệ trật tự xã hội cũ của những kẻ đặc quyền và do vậy đối với những kẻ đặc quyền sẽ là giá trị tốt đẹp nhất của xã hội hiện tại. Lúc này, mấu chốt để xây dựng xã hội mới không phải là đấu tranh cho tự do ngôn luận hay bất đồng chính kiến mà là tiêu diệt chúng.

4-Lời kết

Quay trở lại với câu chuyện trong hình minh họa, tất cả thực tiễn của xã hội đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại sự phi lý trong việc đàn áp ý kiến khác biệt được minh họa bằng một thí nghiệm giả tưởng với khỉ, do vậy, chìa khóa để thay đổi là mọi ý kiến khác biệt đều phải được tôn trọng và khuyến khích. Song chỉ khi nào người ta đặt câu chuyện giả khoa học theo kiểu ngụ ngôn này vào bối cảnh lịch sử của xã hội loài người thì ý nghĩa xã hội của nó mới bộc lộ rõ, cả sự bảo thủ cũng như phản động của nó. 

Cách đây hơn một thế kỷ, những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã nhấn mạnh rằng: Thực tiễn là tiêu chuẩn của nhận thức! Chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được nhận thức và quyết định được nhận thức, do vậy dưới chủ nghĩa tư bản, một bộ phận dân chúng bị tha hóa và tách ra khỏi hiện thực xã hội, mất đi khả năng kiểm chứng nhận thức của bản thân và bị lệ thuộc vào nhận thức của kẻ khác (một ví dụ cụ thể: đám đông bị truyền thông định hướng). Trong hoàn cảnh ấy, tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến thực ra là sự mất tự do về ngôn luận và sự mất tự do về bất đồng chính kiến. Việc đề cao tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến lúc này luôn đi cùng với sự phê phán ý thức thấp kém, lệ thuộc, quần chúng ngu dốt hay các tệ nạn a dua, anh hùng bàn phím, giống như hai mặt của một đồng xu vậy. Khi các quyền tự do bị tách ra khỏi cơ sở thực tiễn xã hội thì chúng trở thành sự bảo thủ và phản động, chúng sẽ giúp cho những thế lực thống trị của xã hội tiếp tục duy trì sự nô dịch đối với quần chúng lao động, buộc quần chúng lao động phải phụ thuộc vào chúng. Khi sự phê phán ý thức tách rời khỏi thực tiễn xã hội (tức là không đi cùng với sự giải phóng người lao động) thì chúng cũng trở thành phản động vì chúng không thay đổi nhận thức của quần chúng lao động để phục vụ cho việc giải phóng họ mà ngược lại củng cố sự thống trị của tầng lớp có đặc quyền về ý thức và giáo dục. Điều khôi hài ở chỗ này mà có thể người ta đã lờ mờ nhận ra, chính là chủ nghĩa giáo dục mang tính khai sáng kiểu tư sản (hiện đang được phe dân chủ đề cao ở Việt Nam) lại gắn liền với chủ nghĩa ngu dân phản động bậc nhất, có nghĩa là "khai dân trí" để dân chúng biết rằng họ lệ thuộc vào ý thức của một tầng lớp tinh hoa có đặc quyền về trí tuệ chứ không phải để họ tự giải phóng bản thân mình và có được sự độc lập về ý thức. 

Thursday, September 15, 2016

Tiền lương và phong trào công nhân

Khi bàn về vấn đề tiền lương, người ta thường hay được nghe thấy lập luận như sau: Tiền lương tăng sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tăng, do vậy giá cả hàng hóa sẽ tăng. Nền kinh tế sẽ mất ổn định, đời sống sẽ khó khăn. Như vậy, công nhân không nên đòi tăng lương vì tăng lương là căn nguyên của mọi tai vạ về kinh tế.

Câu hỏi mấu chốt: Tại sao chi phí sản xuất tăng thì giá cả hàng hóa lại tăng?

Câu trả lời: Để duy trì tỷ suất lợi nhuận cũ cho nhà tư bản.

Vấn đề: Công nhân không được đòi tăng lương ngay cả khi chết đói còn nhà tư bản đương nhiên được tăng giá hàng hóa khi chi phí sản xuất tăng.

Chuyện này có gì mới không? Chả có gì mới, Marx đã viết từ lâu trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng" khi phê phán lập luận của Prouhdon về tiền lương. 

Trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng", Marx đã chỉ ra rằng khi tiền lương tăng lên thì giá cả hàng hóa thậm chí còn có thể giảm xuống. Lý do là bởi vì trong nền kinh tế các doanh nghiệp có mức độ sử dụng nhân công khác nhau. Doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động và ít máy móc thì sẽ chịu ảnh hưởng lớn của việc tăng lương, tức là tỷ suất lợi nhuận của họ sẽ giảm mạnh hơn so với những doanh nghiệp sử dụng ít lao động và nhiều máy móc. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn, tức là sử dụng nhiều máy móc hơn lao động, sẽ nhận thấy rằng họ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp hơn. Lúc ấy, họ sẽ hạ giá hàng hóa xuống để chiếm lấy thị trường của những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp. Lợi nhuận của họ sẽ lớn hơn cho dù tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp lúc này đồng thời phải đối mặt với hai áp lực: tỷ suất lợi nhuận sụt giảm và giá hàng hóa trên thị trường giảm đi. Nhiều doanh nghiệp thuộc loại này sẽ bị phá sản để nhường chỗ cho những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn. 

Tiền lương tăng lên là thảm họa của những doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công song là cơ hội để những doanh nghiệp sử dụng ít nhân công thâu tóm thị trường. Điều này có thể thấy rất rõ thông qua những biến động kinh tế trong thực tiễn.

Đó là chính là lý do mà các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao, sử dụng nhiều máy móc và ít nhân công, thường hay tìm các thúc đẩy việc gia tăng tiền lương phổ biến ở mức độ nhất định trong thời kỳ mà họ tìm cách thâu tóm thị trường. Để làm được điều đó, họ sẵn sàng chấp nhận cho công đoàn của công nhân hoạt động trong phạm vi được kiểm soát. Công đoàn là tổ chức bảo vệ cho quyền lợi của người công nhân, chống lại giới chủ, nhưng để tồn tại trong xã hội tư bản thì nó cũng phải thích nghi với việc bị nhà tư bản lợi dụng để cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, công đoàn không phải là thứ triệt để cách mạng và rất dễ lung lay. 

Nếu ai đó hỏi một người vô sản rằng: Tại sao công đoàn không phát động đình công đòi tăng lương, gia tăng quyền lợi cho công nhân? 

Người vô sản sẽ trả lời: Công đoàn sẽ phát động đình công khi nào người công nhân muốn chứ không phải là khi ông chủ doanh nghiệp muốn.   

Nhiều người cho rằng khi Việt Nam hội nhập quốc tế thì công đoàn cũng cần phải được tự do hoạt động để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Khi tự do, không có đảng Cộng Sản, tức là đảng của những người vô sản, dẫn dắt thì công đoàn sẽ trở thành vô chính phủ, nó sẽ dễ dàng bán mình cho doanh nghiệp và trở thành kẻ đánh thuê cho doanh nghiệp. Thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân thì lúc ấy công đoàn sẽ bảo vệ quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp. Công đoàn lúc ấy sẽ trở thành công cụ trong tay các nhà tư bản quốc tế để đè bẹp các doanh nghiệp Việt Nam và thâu tóm thị trường Việt Nam cho họ. Quyền lợi của một bộ phận công nhân này sẽ phải đánh đổi bằng sự thất nghiệp, đói nghèo của một bộ phận công nhân khác. Cuối cùng, toàn bộ giai cấp vô sản sẽ phải trả giá cho điều đó.

Chủ nghĩa tư bản luôn luôn muốn tự do cạnh tranh, người vô sản chỉ có một vũ khí duy nhất để chống lại chủ nghĩa tư bản, đó là sự đoàn kết. Sự đoàn kết ấy không chỉ là lý trí mà nó còn bắt nguồn từ quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản.

Friday, November 27, 2015

Mô hình kibbutz của Israel sụp đổ từ những năm 80 của thế kỷ trước

Hiện nay ở Việt Nam người ta có khuynh hướng ca tụng mô hình kibbutz của Israel là mô hình của chủ nghĩa cộng sản với những ưu điểm đáng mơ ước. Mặc dù vậy, mô hình kibbutz thường xuyên bị khủng hoảng và phải được chính quyền Israel cứu trợ. Sau một trăm năm tồn tại mô hình kibbutz đã hoàn toàn thay đổi, vào năm 2010 tờ Haaretz của Israel đã đưa tin như sau:  
Chỉ một phần tư số kibbutz là vẫn tiếp tục hoạt động như là hợp tác xã bình đẳng, trong khi phần còn lại đã bắt đầu trả lương cho các thành viên, một nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Về Kibbutz và Hợp Tác Xã của Đại học Haifa đã cho thấy điều đó. Ngay cả Deganya Aleph, kibbutz đầu tiên của Israel hiện giờ cũng hoạt động theo mô hình tư nhân hóa.
Một khảo sát khác trong năm nay đã cho thấy 70% số thành viên của kibbutz nhận lương tháng ít hơn 7.000 NIS, trong khi 11% nhận lương cao hơn 12.000 NIS. 188 kibbutz (72%) đang được vận hành theo mô hình tư nhân hóa “kibbutz mới”, tức là có các mức lương khác nhau cho các thành viên; 65 kibbutz (25%) do cộng đồng điều hành; 9 kibbutz (3%) được điều hành theo kiểu “tích hợp”. 
  
Đây là điều hiếm được nhắc đến ở Việt Nam, do ở Việt Nam người ta chỉ biết đến  mô hình kibbutz cộng đồng kiểu cũ và không biết gì về khủng hoảng cũng như sự thay đổi của mô hình kibbutz từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Cuộc khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của mô hình kibbutz là vào năm 1985, từ đó đến nay mô hình kibbutz có vẻ như không hồi phục được nữa và bắt đầu đi vào con đường tư bản hóa (tức là thuê lao động). Để hiểu thêm về quá trình sụp đổ của kibbutz xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch chương 6 "Sự sụp đổ năm 1985" trong cuốn sách "The Kibbutz: Awakening From Utopia" (Kibbutz: Thức Dậy Từ Sự Không Tưởng) của Daniel Gavron do nhà xuất bản Rowman&Littlefield phát hành năm 2000. 

Sự sụp đổ năm 1985

Khi Aharon Yadlin, cựu bộ trưởng giáo dục, được kibbutz Hatzerim giải phóng vào tháng 6 năm 1985 để tái hội nhập vào đời sống công cộng trong vai trò tổng thư ký của Liên Minh Kibbutz Thống Nhất (UKM), những người tiền nhiệm cho ông biết rằng đang nắm giữ doanh nghiệp mạnh nhất của nhà nước Israel. UKM là liên minh của kibbutz Meuhab và Ihud, được thành lập vào năm 1980. Với 167 khu định cư, đại diện cho 2/3 số kibbutz của quốc gia. Họ đảm bảo với ông đây là công việc lớn hơn, tốt hơn và ổn định hơn bất cứ công việc nào khác, kể cả so với các ngân hàng.

Mười ngày sau, những người quản lý ngân khố của Liên Minh đến chỗ ông trong hoảng loạn, thốt ra những lời định mệnh “Balas không thể trả lại tiền của chúng ta.” Họ nói tới David Balas, một cố vấn đầu tư, “Quỹ UKM” đã ủy thác cho người này 100 triệu dollar. Đó là thời kỳ lạm phát bùng nổ và những người phụ trách tài chính của UKM cảm thấy có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn cho các quỹ của họ khỏi sự tổn thất giá trị, nhưng họ đã đi quá xa. Một mặt, đó là chuyện bảo vệ tiền trước lạm phát. Mặt khác đó là chuyện tìm kiếm các lợi nhuận phi lý ở những kẻ hở của pháp luật, trong những cái được gọi là “thị trường xám”. Ban đầu các khoản đầu tư chỉ ở quy mô nhỏ, nhưng sau đó khi thu nhập kỳ vọng quay về, quy mô đầu tư được gia tăng. 

Người tiền nhiệm Eli Zamir của ông ở Maagan Michael (một kibbutz liên quan tới Hatzerim mà chúng ta sẽ đề cập tới trong bài này) hồi tưởng lại rất khác.

“Có thể là mười ngày trước khi Aharon biết về Balas,” ông nói.

“Mọi thứ kéo dài sáu tháng và chúng tôi đã kêu đến cảnh sát. Đằng nào cũng vậy, chúng tôi thực tế đã thu hồi được 80% số tiền ủy thác cho Balas.”

Rất đáng phải hỏi rằng tại sao UKM vay một số tiền lớn như vậy. Zamir giải thích rằng vấn đề này liên quan đến việc phe Likud cánh hữu lên nắm quyền vào năm 1977. Sự tiến triển đó là đỉnh điểm trong sự thay đổi đáng chú ý của giá trị và ưu tiên quốc gia, ông tin rằng, mặc dù vậy các lãnh đạo của kibbutz đã không nhận ra vào lúc đó. Họ cho rằng chiến thắng trong bầu cử của Likud là một sự ngẫu nhiên lịch sử và sẽ không kéo dài. Cùng lúc đó, các kibbutz đã lớn lên và phát triển, vì vậy họ cần đến tiền. Quỹ phát triển của UKM đã bắt đầu vay tiền trên quy mô ngoài dự tính. Mặc dù tiền thường được chuyển cho các kibbutz cũng như các hợp tác xã và nhà máy của kibbutz địa phương, đôi khi các khoản vay cũng được đảm bảo, nhưng sự đầu tư thực sự vẫn chưa được cần đến.

Zamir cho biết về việc UKM không biết cách bảo vệ tiền trước lạm phát. Không có ngân hàng nào hữu ích, ngay cả ngân hàng Hapoalim (ngân hàng Công Nhân, lúc đó thuộc về Liên Đoàn Lao Động Histadrut) cũng chỉ cung cấp các biện đảm bảo tiền chống lại lạm phát nhưng không chống lại sự mất giá. Các lãnh đạo UKM viện tới Balas trong sự tuyệt vọng, hy vọng rằng ông ta sẽ là cứu cánh của họ trong cả việc chống lại lạm phát cũng như chống mất giá tiền.

Chỉ hai năm trước khi Liên Minh Kibbutz mất tiền vì khờ dại và đầu cơ vô đạo đức, một số kibbutz và các thiết chế tài chính của họ đã tổn thất lớn khi cổ phiếu tại các ngân hàng chủ chốt của Israel, vốn bị thổi giá, bị mất giá mạnh. Vào lúc đó, chính quyền đã giải cứu họ, cũng như đã cứu thoát hàng ngàn cá nhân người Israel, bằng cách nắm quyền sở hữu các ngân hàng đang gặp rắc rối. 

Vào lúc ấy thì không có nhiều thất bại trong đầu tư bị lên án nhưng sự thật là các kibbutz đều đã đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nguyên nhân bổ sung cho sự quan ngại này là những người quản lý tiền của kibbutz đã tiến hành đầu tư mà không được ủy quyền thích hợp. Giờ đây, với “vụ Balas”, rõ ràng là các viên chức tài chính đã không học được gì mà vẫn tiếp tục hoạt động đáng ngờ của họ.

Mặc dù nhiều thành viên kibbutz bị sốc khi họ biết điều gì xảy ra, vụ Balas và tổn thất cổ phiếu ngân hàng chỉ là phần nổi của tảng băng. Nếu chỉ có tiền tổn thất trong đầu tư thì điều đó có thể xử lý tương đối dễ dàng. Tuy vậy, sự mạo hiểm đó là triệu chứng của thứ gì đó nghiêm trọng hơn: Liên Minh Kibbutz - Kibbutz Artzi cũng như UKM và nhiều kibbutz đơn lẻ khác – đã vay tiền trên quy mô lớn mà không có gì đảm bảo là họ có thể trả lại. 

Ban đầu các khoản vay của kibbutz và sự hợp tác của họ như quỹ UKM không kết nối với nhau và khi tỷ lệ lạm phát gia tăng thì họ dễ dàng trả lại chúng. Mặc dù vậy, thói quen đã trở thành sự nghiện ngập và khi ngay cả các khoản vay gắn với chi phí sinh hoạt thì các kibbutz, quỹ của họ, các nhà máy địa phương và hợp tác xã bắt cũng vay mượn. Không có sai lầm nghiêm trọng trong chuyện vay mượn, nếu họ đầu tư vào các chi nhánh nông nghiệp mới, đó sẽ là hành vi hoàn toàn chấp nhận được. Không may mắn là đa số tiền được đầu tư vào các biện pháp để cải thiện mức sống của các thành viên kibbutz. Vào những năm 1970, nhiều kibbutz đã mang con cái về nhà ngủ, một phần lớn số tiền vay mượn được chi ra để mở rộng các căn hộ cá nhân nhằm đáp ứng sự thay đổi này. Các khoản chi tiêu khác là nhà ăn, bể bơi, phòng tập thể thao, nhà hát, sân bóng đá và thư viện.

Vào đầu những năm 1980, lạm phát ở Israel vượt qua mức 400% và có nguy cơ tăng cao hơn. Vào năm 1985, chính quyền giải quyết lạm phát bằng các biện pháp quyết liệt và đưa nó vào tầm kiểm soát. Điều này đạt được bằng cách áp dụng một lần việc giảm giá 15% đồng tiền của Israel và cố định tiền lương cũng như giá cả, trong khi thả nổi lãi suất rất cao. Mặc dù chiến thuật có hiệu quả và tỷ lệ lạm phát giảm nhanh nhưng hàng trăm doanh nghiệp đã phá sản.

Phản ứng đầu tiên của Liên Minh Kibbutz chứa đựng sai lầm cơ bản: Họ yêu cầu ngân hàng giãn nợ. Yêu cầu này sẽ có ý nghĩa nếu như họ có phương tiện để trả nợ trong thời gian dài hơn, nhưng đa phần là họ không có những phương tiện đó. Hơn nữa, khi lãi suất tăng vọt, khoản nợ của kibbutz cộng đồng nhanh chóng tăng lên 5 và 6 tỷ dollar. Họ không có cách nào trả nợ.

Không chỉ có kibbutz trong tình trạng này. Các làng hợp tác xã moshav và nông dân cá thể cũng đối mặt với vấn đề tương tự, cùng với hàng trăm doanh nghiệp nhỏ khắp đất nước, nhưng kibbutz đặc biệt dễ tổn thương, khi họ lạm dụng vốn và không có tài sản thế chấp. Toàn bộ các doanh nghiệp kibbutz đều dựa trên tín dụng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể thoát khỏi khủng hoảng do việc đóng băng tiền lương là biện pháp cắt giảm chi tiêu hiệu quả, nhưng kibbutz không trả lương theo nghĩa thông thường. Sự mất giá của tiền đã gia tăng chi phí sinh hoạt của các thành viên, có nghĩa là mức sống của nhiều kibbutz đã giảm mạnh.

Liên Minh Kibbutz có hai thứ thuận lợi: chính quyền không muốn sự sụp đổ hàng loạt của các kibbutz (hay moshavim và các nông dân cá thể), ngân hàng không thu được gì khi tịch biên các tài sản không sinh lợi. Ngân hàng sẽ làm gì với việc thu hoạch sữa thua lỗ, một nhà ăn đang xây dở, hay một nhà máy đang gặp khó khăn? Hơn nữa, ngân hàng cũng có trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Nếu như các kibbutz đã hành động cực kỳ ngu ngốc thì sự ngu ngốc đó đã được ngân hàng dung túng. Các kibbutz không trả nợ; ngân hàng đã tiếp tục gia hạn cho họ. Do vậy, con đường duy nhất để thoát khỏi sự điên rồ này là thỏa thuận ba bên giữa chính quyền, ngân hàng và kibbutz.

Tiến sĩ Shimon Ravid, hiện nay là giám đốc điều hành hỗn hợp của ngân hàng Hapoalim, ngân hàng lớn nhất của Israel, từng là giám đốc tài chính của Cục Do Thái, chịu trách nhiệm về định cư nông nghiệp ở Israel, khi quy mô của cuộc khủng hoảng kibbutz (cũng như các khu định cư khác) trở nên rõ rệt. Shimon Peres là thủ tướng của Israel, lãnh đạo của chính quyền thống nhất quốc gia, đã áp đặt gói giải pháp kinh tế chống lạm phát, ông ta bổ nhiệm Ravid làm cố vấn đặc biệt về chương trình khôi phục lĩnh vực nông nghiệp.

Vào năm 1986, cuộc khủng hoảng vẫn còn trong trứng nước và chỉ có các hợp tác xã moshav và 36 kibbutz đối mặt với nợ nần không thể thanh toán.

Ravid đưa ra một gói giải pháp kết hợp giữa xóa nợ có cân nhắc và giãn nợ. Theo các điều khoản của “Kế Hoạch Ravid”, chính quyền sẽ cung cấp cho ngân hàng khoản tín dụng cần thiết nhưng không bao hàm một nghĩa vụ tài chính trực tiếp. Vào lúc mà Ravid trình bày đề xuất, một cuộc bầu cử đã diễn ra, Yizhak Shamir của đảng Likud cánh hữu trở thành thủ tướng, nhưng ông ta và bộ trưởng bộ tài chính vẫn ủng hộ kế hoạch. Không may mắn cho các kibbutz là một số lượng lớn đảng viên của Likud thì không. 

Mặc dù chính quyền, ngân hàng và kibbutz cũng như moshav đồng ý với gói giải pháp, một nhóm thành viên Likud của Knesset, quốc hội Israel, đã bác bỏ Kế Hoạch Ravid tại Ủy Ban Tài Chính của Knesset. Bất chấp sự chấp thuận của chính phủ, một số thành viên ủy ban đã nói thẳng với Ravid rằng họ không quan tâm tới việc bảo lãnh cho các khu định cư, họ vốn coi đó là một phần thiết chế của đảng Lao Động. Do vậy, Kế Hoạch Ravid trở thành dĩ vãng, một kế hoạch giải cứu tham vọng hơn vào ba năm sau được đặt ra. Ravid vẫn tiếp tục thuyết phục mọi người rằng kế hoạch của ông ta sẽ có hiệu quả và chi phí vào lúc đó sẽ là tương đối thấp. Ông khẳng định rằng kế hoạch đã bị bác bỏ vì những lý do chính trị nhỏ bé. Khi kế hoạch giải cứu được triển khai, nó khiến đất nước tiêu tốn rất nhiều tiền. 

Tiến sĩ Ariel Halperin, người chịu trách nhiệm chính về kế hoạch khôi phục, Thỏa Thuận Kibbutz 1989, có quan điểm triết lý hơn. Cần phải ghi nhận rằng Thỏa Thuận đã được bổ sung hai lần – vào năm 1996 và năm 1999 – ông cho rằng cuộc khủng hoảng lớn và phức tạp lớn tới mức chính quyền, ngân hàng và kibbutz cần thời gian để hiểu rõ các khuynh hướng của nó. Theo ý kiến của ông ta, đó là vấn đề phải giải quyết theo nhiều bước.

Trong khi đó vấn đề nợ nần của moshav được giải quyết bằng lập pháp, nhưng nợ của kibbutz thì vừa lớn hơn lại vừa phức tạp hơn. Vấn đề này được giải quyết (như Ravid trước đây đã đề xuất) bằng thỏa thuận tự nguyện giữa chính quyền, ngân hàng và các kibbutz. Tuy vậy, cho đến lúc đó vấn đề vẫn quá phức tạp để xử lý. Nợ tập thể đã gia tăng mạnh và nhiều kibbutz bị ảnh hưởng.

Một ủy ban thỏa thuận kibbutz độc lập được chính quyền, ngân hàng và kibbutz thiết lập để giám sát thỏa thuận, được một doanh nghiệp phi lợi nhuận hỗ trợ, với một nhóm các nhà kinh tế, kế toán và luật sư. Đó là nhóm đã tạo ra Thỏa Thuận Kibbutz năm 1989, hiện giờ tất cả các kibbutz của quốc gia đều tham gia – không chỉ 36 kibbutz trước kia. Thỏa Thuận Kibbutz là một khuôn khổ cho hàng trăm thỏa thuận khác. Ủy ban chịu trách nhiệm về các đầu vào kinh tế, nhiều giao dịch tài chính cũng như các chương trình khôi phục riêng lẻ của các kibbutz khác nhau. Ủy ban cũng đóng vai trò là trọng tài khi mâu thuẫn xuất hiện giữa ba bên. 

Cả Ravid và Halperin đều nhấn mạnh rằng sự phức tạp của vấn đề là kết quả của hệ thống đảm bảo qua lại không được định trước, hệ thống chi phối các hoạt động kinh tế của kibbutz. Hệ thống bắt nguồn từ những năm 1920 và 1930, khi kinh tế Do Thái được xây dựng chủ yếu bởi phong trào lao động ở Palestine.

Vào năm 1920, Liên đoàn Lao động Do Thái Histadrut được các nhóm và đảng lao động tồn tại hồi đó thành lập, bao gồm cả các đại diện của kibbutz, để thiết lập một “Cộng Đồng Công Nhân Do Thái” ở Palestine. Ban đầu nó là một tổ chức điều phối của các hội đồng công nhân và công đoàn, sau đó nhanh chóng vươn ra với phong trào thanh niên, câu lạc bộ thể thao, chi nhánh tiếp nhận người nhập cư và trao đổi lao động. Trước khi Histadrut tham gia vào an sinh xã hội rất lâu, họ đã có quỹ ốm đau Kupat Holim, do các công nhân nông nghiệp thành lập, cũng như các quỹ hưu trí, thất nghiệp, tàn tật, góa bụa và mồ côi.

Tại đại hội thứ hai vào năm 1923, Histadrut thiết lập Hevrat Ovdim (Doanh Nghiệp Công Nhân) để tổ chức các hoạt động kinh tế của cộng đồng công nhân dựa trên sự hỗ trợ qua lại và trách nhiệm. Mọi thành viên của Histadrut cũng là thành viên của Hevrat Ovdim, sở hữu toàn bộ các thể chế hợp tác và tài chính của Histadrut.

Trong số các doanh nghiệp của Histadrut có ngân hàng Hapoalim (Ngân Hàng Công Nhân); công ty xây dựng Solely Boneh, thành lập Koor Industries cho các nhà máy của họ; công ty nhà ở Shikun Ovdim; công ty bảo hiểm Sneh; hiệp hội marketing Tnuva; hợp tác xã mua sắm Hamashbir. Vận tải công cộng được các hợp tác xã xe bus Dan, Egged và Mekasher đảm nhiệm.

Tất cả các công nhân nông nghiệp tham gia công đoàn, bao gồm cả các thành viên kibbutz, là thành viên của chi nhánh Hevrat Ovdim, Nir Shitufi, vốn hướng tới mục đích khuyến khích nông nghiệp hợp tác, hiện đại hóa nông nghiệp, đào tạo công nhân mới cũng như mở rộng hỗ trợ tài chính cho nông dân. Trong quá trình phát triển, Nir Shituri trở thành công ty mẹ, đại diện cho kibbutz và moshavim trong việc cho thuê đất và vay nợ, tránh các thỏa thuận đơn lẻ. Trong nhiều năm, Histadrut và các doanh nghiệp của nó đã trở thành sức mạnh kinh tế thống trị ở nhà nước Do Thái đang trỗi dậy. 

Tuy vậy, những cánh tay tài chính của phong trào Zionist – Cục Do Thái cho Palestine, Quỹ Quốc Gia Do Thái, Quỹ Foundation – không phải là một phần của Histadrut, chúng hợp tác với nhau và dần dần được điều hành bởi cùng một đội ngũ nhân sự. Tổng thư ký của Histadrut, David Ben-Gurion, từng được bầu làm chủ tịch của Cục Do Thái và trở thành thủ tướng đầu tiên của Israel. Do vậy, Cục Do Thái và Histadrut là những phôi thai gắn kết chặt chẽ với nhau, mà từ đó nhà nước sinh ra, mặc dù chúng tiếp tục tồn tại sau khi nhà nước được thiết lập. Do vậy, liên minh do đảng Lao Động Mapai của Ben-Gurion lãnh đạo đã điều hành Israel trong suốt ba thập kỷ đầu tiên.

Đất nước Israel bị một nền kinh tế lao động thống trị, với khuynh hướng hợp tác xã mạnh mẽ. Mặc dù các kibbutz luôn chỉ là thiểu số trong xã hội, hầu hết chỉ chiếm 3% dân số, song chúng hoạt động trong môi trường cực kỳ thuận lợi. Vì lý do đó chúng đã thịnh vượng; vì lý do đó chúng được hỗ trợ bất cứ khi nào có vấn đề xuất hiện; vì lý do đó mà cuộc bầu cử năm 1977 là một cú sốc đối với Liên Minh Kibbutz. 

Cũng phải nói một cách công bằng rằng năm 1977 đã trở thành đỉnh cao của một quá trình trong xã hội Israel, xác nhận sự thay đổi các quan niệm và giá trị về kinh tế và xã hội của Israel. Quá trình này được đảng Lao Động khởi đầu vào những năm 1960, khi họ thúc đẩy công nghiệp hóa và khuyến khích đầu tư tư nhân. Khi đảng Lao Động quay lại nắm quyền sau đó, bất kể là dưới dạng liên minh thống nhất quốc gia hay tự bản thân họ, họ là đảng theo đuổi “thị trường tự do” và chỉ sẵn sàng hỗ trợ kibbutz hơn đảng Likud. Từ lâu, hợp tác xã không còn là điều tốt đẹp. Kibbutz không thể kêu gọi tình cảm từ lý tưởng và Ủy Ban Thỏa Thuận Kibbutz xử lý cuộc khủng hoảng đúng theo khái niệm kinh doanh. 

Ưu tiên thứ nhất của ủy ban là đối đầu với hệ thống bảo lãnh qua lại, vốn không thích hợp vào những năm 1980 và theo nhiều cách bắt nguồn từ những năm 1930. Tất các các kibbutz của Liên Minh Kibbutz Thống Nhất đều là thành viên của Quỹ UKM. liên Minh Kibbutz Artzi có quỹ riêng. Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp kibbutz địa phương, bao gồm các nhà máy, lò mổ, nhà máy đông lạnh, doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các kho hàng. Các doanh nghiệp địa phương và quốc gia kết nối với nhau và với từng kibbutz riêng biệt bằng một hệ thống bảo lãnh qua lại, có nghĩa là bên cạnh khoản nọ của bản thân, mọi kibbutz đều có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ tập thể khổng lồ. 

Ủy ban tìm cách chặn “con bạch tuộc” này lại, cho phép mỗi kibbutz tự xử lý vấn đề kinh tế của bản thân. Sau một thời gian, điều đó thành công, rõ ràng là thỏa thuận năm 1989 có thể không được triển khai. 130 kibbutz – hơn một nửa – đã không thể trả các khoản nợ đã được giãn. Vào năm 1996, một Thỏa Thuận Kibbutz bổ sung được đàm phán và vào năm 1999 một điều khoản bổ sung đã được thông qua.

Thỏa thuận sau này đã đặt ra vấn đề về đất đai trong thỏa thuận, khai thác thực tế là 55 kibbutz đang nắm giữ những vùng đất có giá trị ở trung tâm của đất nước. Nó cho phép sự xóa nợ cho các kibbutz nằm ở khu vực hẻo lánh, giãn nợ cho các kibbutz nằm ở khu vực trung tâm để “bán lại” một phần đất đai của họ cho chính quyền, đất đai đó sẽ dùng để bù đắp cho các ngân hàng.

Thỏa thuận về đất đai đã gây ra xung đột đáng kể ở Israel, do hầu hết các kibbutz thuê đất đai quốc gia và thỏa thuận thuê đất của họ quy định rằng nếu họ không cần đất đai cho nông nghiệp hay công nghiệp thì họ phải trả lại đất đai cho quốc gia. 

Nhiều tin tức xuất hiện trên truyền thông về việc “cướp bóc đất đai quốc gia”. Mặc dù vậy, ủy ban phủ nhận rằng đề xuất của họ là quá ưu ái đối với các kibbutz. Ủy ban đã quyết định công nhận quyền của các kibbutz, chiếm hữu đất đai trong thời hạn từ 40 đến 60 năm và đưa ra một nhượng bộ. Đáng chú ý là vấn đề có thể được đưa ra tòa án để xem xét xem việc chiếm hữu của kibbutz có được coi là trao quyền cho họ không, nhưng không có bất cứ người cáo buộc nào thử làm như vậy. Cũng cần phải chỉ ra rằng một số kibbutz và moshav – trong đó có Givat Brenner mà chúng ta đã nhắc tới – mua đất bằng tiền của họ trước khi quốc gia Israel được thành lập và sau đó đã hiến đất cho Quỹ Quốc Gia Do Thái. Số đất đai đó trở thành đất đai của nhà nước. Trong trường hợp của Givat Brenner thì dĩ nhiên là từ cướp bóc trở thành lố bịch. 

Mặc dù còn quá sớm để nói rằng cuộc khủng hoảng nợ của kibbutz đã qua đi, song chúng ta có thể nói rằng sau các thỏa thuận 1989, 1996 và 1999, nó đã được kiểm soát. Một số kibbutz vẫn tiếp tục có vấn đề tài chính nghiêm trọng, nhưng rõ ràng là chúng sẽ được xử lý cùng với thời gian. Tuy vậy, vết thương đã tàn phá lối sống kibbutz trong hơn 15 năm qua có thể không hàn gắn được. Ở nhiều kibbutz, sự tin tưởng giữa kibbutz và các thành viên riêng lẻ hầu như đã đổ vỡ. Ngay cả khi không có cuộc khủng hoảng, kibbutz chắc chắn cũng nằm trong một quá trình thay đổi, nhưng cuộc khủng hoảng đã mang tới một động lực lớn cho quá trình đó, khiến cho kibbutz mất kiểm soát và gây ra những hoài nghi chết chóc về sự sống sót của kibbutz trong vai trò một thể chế.

Ở các kibbutz và quy mô quốc gia, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra. Có nhiều người tin rằng kibbutz là nạn nhân của các vấn đề kinh tế của Israel. Họ lập luận rằng những chính sách khắc nghiệt được áp dụng để kìm hãm lạm phát năm 1980 đã phá vỡ các kibbutz. Có nhiều người coi cuộc khủng hoảng nợ của kibbutz là “giả tưởng” xuất phát từ sự phi điều tiết ngân hàng đối với lãi suất cao bất hợp pháp. Đây là điều không thể chứng minh được và thậm chí những sự cáo buộc đó có chút ít sự thật nào thì kibbutz phải chịu trách nhiệm về việc không nhận thức được tình hình lúc đó. Ít nhất thì họ cũng phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán cẩu thả.

Đối với Aharon Yadlin, cựu chủ nhiệm văn phòng chính phủ và là thành viên của một kibbutz thịnh vượng, câu trả lời rất đơn giản: Người quản lý tiền của kibbutz phải bị lên án vì đã đưa đa số các kibbutz đến bờ vực sụp đổ. Mặc dù Yadlin không có ý định trở thành chuyên gia kinh tế, ông ta đã trích dẫn ví dụ về kibbutz của mình, Hatzerim, vẫn tiếp tục đầy tin tưởng vào các nguyên tắc bình đẳng, không bao giờ vay nợ, không bao giờ thuê lao động từ bên ngoài và mong đợi các thành viên làm việc chăm chỉ. Ông ta khẳng định Hartzerim là bằng chứng tích cực cho thấy hệ thống kibbutz có hiệu quả. 

Một ví dụ cực đoan khác là Israel Oz, quan chức cao cấp của bộ tài chính thời đó, người đã tham gia soạn thảo Thỏa Thuận Kibbutz theo lệnh của chính quyền. Oz coi kibbutz là “một sự hoang tưởng về kinh tế” chỉ có thể sống sót chừng nào còn được hỗ trợ. Ông ta khẳng định, ngay khi kibbutz xuất hiện trong thế giới thực thì 80 đến 90% số chúng không thể chi trả cho lối sống của chúng. Ông ta khinh rẻ những người tin tưởng như Yadlin, những người cho rằng kibbutz truyền thống có thể sống sót và thịnh vượng.

“Có bao nhiêu Hatzerim ở đây?” ông ta hỏi. “Thậm chí không đến một tá!” Hệ thống dựa trên sự phụ thuộc, Oz tuyên bố. Các thành viên của kibbutz hoàn toàn phụ thuộc vào kibbutz. Họ thậm chí không trông nom con cái. Họ không chịu trách nhiệm về đời sống hàng ngày và ra quyết định giống như mọi người khác. Mọi thứ đều được các thể chế của kibbutz làm cho họ. Mặc dù Oz thừa nhận mọi xã hội đều phải trợ cấp cho nông nghiệp song ông ta phân biệt giữa hỗ trợ một nông dân cá thể với “chi trả cho một nhà trẻ em và nhà ăn tập thể, thứ tiêu tốn một khoản tiền khủng khiếp chỉ để sưởi ấm trong mùa đông hay chạy máy điều hòa nhiệt độ vào mùa hè.”

Kibbutz là công cụ hữu hiệu để thử nghiệm, thiết lập biên giới và xây dựng một quốc gia mới, Oz nói, nhưng nó không bao giờ là lối sống khả thi trong các điều kiện bình thường. Ông ta hiện là nhà tư vấn, cố vấn cho các kibbutz về sự thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế của họ, về vấn đề phân bổ tài sản cho các thành viên và cấu trúc tiền lương theo nguyên lý “tặng thưởng cho nỗ lực”.

Thực tế cho thấy cả Yadlin và Oz đều quá trớn. Trong khi chỉ có rất ít kibbutz là giàu có như Hatzerim, khoảng 50 kibbutz thành công cho thấy hệ thống có hiệu quả. Cùng lúc đó, hơn hai trăm kibbutz ở nhiều cấp độ khủng hoảng khác nhau cho thấy có sai lầm nghiêm trọng. Hầu hết các thành viên kibbutz chín chắn đều thừa nhận rằng kibbutz, đã tồn tại trong một thời đại khác, phải thay đổi một cách thích hợp nếu như chúng muốn sống sót trong thế giới hiện đại. 

Chủ ngân hàng Shimon Ravid không chuẩn bị để xóa sổ kibbutz trong vai trò hệ thống tổ chức kinh tế. Ông đồng ý rằng ý tưởng ban đầu của kibbutz Hameuhad vào những năm 1920 về việc tạo ra quốc gia Do Thái mới như là một kibbutz lớn là phi thực tế, do lối sống kibbutz không phù hợp với đa số. Ông cho rằng, điều này không có nghĩa là các đơn vị thiểu số dựa trên nguyên tắc cộng đồng không thể tồn tại. Các kibbutz đã tồn tại suốt hơn một nửa thế kỷ. Đó là khu vực nông nghiệp hiệu quả nhất của Israel và cũng hoạt động hiệu quả hơn trung bình trong công nghiệp.

Theo quan điểm của Ravid, cấu trúc kibbutz rất phù hợp với công nghệ cao, nhưng các liên minh đã không may mắt khi đạt đến đỉnh cao trong “thời đại plastic” vào những năm 1960. Khi thời kỳ công nghệ cao đến vào những năm 1980, hầu hết các kibbutz không còn năng lượng và tài nguyên để chiếm lĩnh công nghệ cao nữa. Cuộc khủng hoảng của những năm 1980s khiến cho các thành viên của kibbutz không hài lòng và phá hủy những thứ cho đến nay trở thành các năng lực đáng giá đối với sự thích nghi. Ravid đồng ý rằng sự thay đổi nghiêm túc trong hệ thống sẽ rất cần thiết, nhưng nếu không có khủng hoảng kinh tế, chúng sẽ được triển khai theo một cách có trật tự hơn.

Trả lời những cáo buộc rằng kibbutz luôn được các tổ chức định cư và chính quyền hỗ trợ, Ravid ghi nhận rằng mọi quốc gia đều phải trợ cấp cho khu vực nông thôn: Hoa Kỳ chi hàng tỷ dollar trợ cấp cho nông nghiệp; Chính quyền Na-uy đổ tiền vào các khu vực miền bắc; Người Đức hỗ trợ cho các vườn nho dọc bên bờ sông Rhein, ngay cả khi chúng không bao giờ trở nên cạnh tranh. 

Ravid nói, “Câu hỏi căn bản là có phải anh muốn chỉ có các thành phố với vùng ngoại vi bị bỏ mặc, hay anh muốn duy trì một vùng nông thôn lành mạnh có thể mang lại cho chúng ta cuộc sống tốt hơn?” Nếu các kibbutz không sống sót dưới một số dạng, điều đó sẽ khiến kho bạc quốc gia tổn thất nhiều hơn trong dài hạn và toàn bộ xã hội Israel cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại. Ravid nói. 

Ariel Halperin đã đắm chìm trong vấn đề kể từ khi ông trở thành chủ tịch của Ủy Ban Thỏa Thuận Kibbutz vào năm 1992. Ban đầu Halperin, người được sinh ra và lớn lên trong một kibbutz, bị thuyết phục rằng với các điều chỉnh tương đối nhỏ và kế hoạch khôi phục kinh tế tinh tế, lối sống kibbutz có thể tồn tại nguyên vẹn. Sau đó ông nhận ra rằng vấn đề nghiêm trọng hơn và cần phải có những sự thay đổi căn bản. 

Halperin chỉ ra một số cách mà theo đó hầu hết các kibbutz đang suy sụp, ngay cả khi vấn đề nợ nần của họ được giải quyết. Về mặt tổng thể, kinh tế của kibbutz đang trì trệ và điều này diễn ra ngay cả trong các thời kỳ mà kinh tế Israel tăng trưởng khá nhanh. Năng suất tính theo đầu người của các thành viên kibbutz thấp hơn trung bình, dẫn đến mức sống thấp. Dân số kibbutz đã giảm theo khía cạnh tuyệt đối kể từ cuối những năm 1980, Trên hết, hệ thống việc làm đã sụp đổ.

Như chúng ta đã thấy, các kibbutz đã sử dụng công nhân bên ngoài trong nhiều năm, nhưng cho đến gần đây thực tế này mới chủ yếu giới hạn trong các nhà máy. Nguyên lý tự lao động chủ yếu được duy trì trong các dịch vụ và nhiều nhánh nông nghiệp. Mặc dù vậy, ngày nay công nhân được thuê có thể thấy ở mọi nhánh của kibbutz, họ thay thế các thành viên thích làm công việc bên ngoài. Người ngoài làm việc ở nhà trẻ em, trường mẫu giáo và trường học, nhà bếp, chuồng bò, chuồng gà, vườn cây và cánh đồng. Đáng chú ý là họ thường xuyên phục vụ như là các quản lý cấp cao trong các nhà máy của kibbutz, đôi khi nhận được phần tiền lương rất lớn. Chúng ta đã thấy ví dụ này ở Givat Brenner, với các giám đốc điều hành được thuê. 

Mặc dù những sự phát triển này có thể khiến cho những người sáng lập kibbutz bật dậy khỏi mộ song chúng không hoàn toàn là gây hại.

Một trong những ý tưởng của kibbutz mà Yehuda Harel đưa ra là làm cho kibbutz trở nên hấp dẫn hơn bằng cách cho phép cách thành viên tự do lựa chọn công việc. Việc buộc các thành viên chịu trách nhiệm về khoản thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của họ có thể gia tăng năng suất lao động, như chúng ta đã thấy trong trường hợp của Hasolelim. Nhưng Halperin cũng thấy rằng hiện nay về tổng thể thì các thành viên làm việc ở ngoài kiếm được ít hơn so với phí tổn mà kibbutz dùng để thay thế họ. Bản kết toán là âm. Các quản lý cấp cao kiếm được khoảng 100.000 dollar mỗi năm từ kibbutz mà họ làm việc; rất ít thành viên kibbutz kiếm được chừng đó tiền.

Halperin tin rằng công việc quan trọng nhất mà các kibbutz phải thực hiện là tìm ra cơ chế khôi phục sự tin cậy giữa các thành viên kibbutz và kibbutz của họ. Sự biến đổi này cần đến một sự thay đổi cấu trúc căn bản bởi vì thành viên ở kibbutz truyền thống không có gì ngoài lời hứa là kibbutz sẽ luôn luôn chăm sóc họ và gia đình. Mặt khác, mặc dù các thành viên được kỳ vọng làm việc ở nơi mà cộng đồng quyết định là họ nên làm việc, nhưng không có cách nào bắt buộc họ làm vậy. Công đồng không có quyền lực thực tế đối với thành viên hay lên án pháp lý đối với họ.

Toàn bộ hệ thống dựa trên sự tin cậy và nó hoạt động bởi vì cả hai phía giữ lời hứa. Với rất ít ngoại lệ, các thành viên thực hiện bất cứ công việc nào kibbutz giao cho họ; kibbutz chăm sóc mọi mặt trong cuộc sống của thành viên từ khi họ sinh ra cho tới khi họ xuống mộ. Kibbutz lại được các Liên Minh Kibbutz hỗ trợ, các Liên Minh Kibbutz nhận được sự hỗ trợ từ Cục Định Cư Do Thái, vốn được chính quyền Israel hỗ trợ, trong một bầu không khí xã hội nhìn chung thuận lợi.

Vì lý do này, trong những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây một số người luôn sẵn sàng thanh toán các khoản nợ. Cuộc khủng hoảng đầu tiền vào những năm 1920. Các cuộc khủng hoảng tiếp theo vào những năm 1930, 1950 và 1960, nhưng phong trào vẫn luôn được “hệ thống” giải cứu bởi vì các khu định cư – cả kibbutz và moshav – được coi là sống còn đối với sự thành công của doanh nghiệp Zionist.

Tại sao lĩnh vực nông nghiệp trong cộng đồng Do Thái thời tiền quốc gia ở Palestine và sau đó là ở quốc gia Israel cần được giải cứu thường xuyên? Một phần của câu trả lời, như Ravid đã chỉ ra, là khu vực nông thôn ở mọi quốc gia đều phải được trợ cấp, nhưng những người khác cũng ghi nhận những thất bại nghiêm trọng trong năng suất của kibbutz. Như tiến sĩ Amir Helman đã ghi nhận, đáng ngạc nhiên là trái ngược với những gì mà các nhà kinh tế chuyên nghiệp dự đoán.

Helman sinh ra tại kibbutz Afikim ở thung lũng Jordan. Ông dạy kinh tế học và quản lý – bao gồm cả “kinh tế học thay thế” – tại trường đại học Ruppin trong 21 năm qua. Ông cũng giảng dạy tại một số trường đại học, tham gia nhiều ủy ban và thực hiện nhiều nghiên cứu ở Israel cũng như quốc tế. Ông ghi nhận rằng vào những năm 1920, các nhà kinh tế học chuyên nghiệp quả quyết rằng nếu không có các phần thưởng vật chất thông thường thì các thành viên kibbutz sẽ sản xuất ít hơn và tiêu dùng nhiều hơn người ở các doanh nghiệp tư nhân. Họ đã sai: các thành viên kibbutz siêng năng và tự nguyện – thậm chí là cạnh tranh – cho những công việc khó khăn nhất mà không có phần thưởng vật chất. Điều này là đúng, như chúng ta đã thấy, vào nững ngày đầu lý tưởng của Degania, khi những người tiên phong thấy thỏa mãn trong việc tạo ra thứ gì đó mới và phục vụ cho các thành viên theo họ, mà không cần có phần thưởng cá nhân. 

Một sự tiến triển đáng chú ý khác, trái ngược với các dự báo của chuyên gia kinh tế, quan ngại về sự đầu tư quá mức, như chúng ta đã thấy trong trường hợp của Givat Brenner, vào đầu những năm 1930. Các nhà kinh tế học cho rằng cấu trúc tập thể sẽ dẫn đến sự thiếu nỗ lực và thiếu sáng kiến. Trên thực tế, mọi thứ ngược lại: kibbutz là xã hội năng suất, trong đó đầu tư rất cao. Các quản lý của kibbutz nói chung rất có tinh thần kinh doanh, bởi vì mục tiêu tổng thể của chủ nghĩa Zion là mở rộng và tăng trưởng và bởi vì hệ thống bảo lãnh qua lại ngăn chặn mọi rủi ro thực tế. Một vấn đề khác là hệ thống quản lý luân phiên dân chủ của kibbutz, có nghĩa là giống như các chính khách hay các quan chức dân cử, họ muốn chứng tỏ bản thân càng nhanh càng tốt. Đồng thời, cấu trúc của kibbutz có nghĩa là người quản lý không phải giải trình trước ban giám đốc. Anh ta thực sự chịu trách nhiệm trước đại hội của kibbutz, nhưng đó không phải là cơ quan chuyên môn và các quản lý không phải chịu trách nhiệm cá nhân khi anh ta thất bại. Vị trí thành viên của anh ta trong kibbutz được đảm bảo, ngay cả khi sự phục vụ của anh ta đối với kibbutz là thất bại. Nếu chúng ta bổ sung thêm thực tế là mọi kibbutz đều được Liên Minh Kibbutz, Cục Do Thái và chính quyền hỗ trợ thì rõ ràng là hệ thống đã thúc đẩy doanh nghiệp đến điểm phi lý.

Cấu trúc của kibbutz có một yếu điểm nội tại, có thể tóm tắt bằng một từ: nhân đôi. Đây là sự thật khó chịu trong lời lên án của Israel Oz về việc nhà ăn tập thể, nhà trẻ em, giặt là và cửa hàng quần áo – chưa nói đến bể bơi, nhà hát và phòng tập thể thao – là hoang phí. Mặc dù nhà ăn tập thể đặc trưng cho lối sống kibbutz, nhưng nó ít có ý nghĩa khi mỗi căn nhà đều có bếp và phòng ăn, các thành viên có thể ăn thỏa thích ở nhà. Nhà trẻ em lớn một cách không cần thiết khi mà trẻ em của kibbutz ngủ ơ nhà. Cũng giống như vậy, giặt là tập thể (trừ khi nó trở thành dịch vụ thương mại) là điều xa xỉ khi mỗi căn nhà đều có máy giặt.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên kibbutz tiếp tục tận hưởng mức sống trung lưu trong thi tham gia vào tổ chức của giai cấp lao động. Chính xác về mặt tư tưởng thì điều này không có ý nghĩa về kinh tế. Rất thường xuyên có các thành viên kibbutz sống ở mức đỉnh cao của xã hội Israel, trong khi nhận lương ở mức thấp. Hơn nữa, Helman đã chỉ ra, mức sống ở mọi kibbutz của Israel là tương đồng, bất kể sức khỏe kinh tế thực tế của kibbutz ra sao. Do đó, trong khi các kibbutz giàu có có thể tiết kiệm và đầu tư, các kibbutz nghèo ngày càng lún sâu vào nợ nần. Hệ thống kibbutz có tác dụng đối với một số này nhưng không có tác dụng đối với một số khác.

Tình hình kỳ quái này đã ngự trị cho đến những năm 1980 bởi vì chính quyền, Cục Do Thái và Liên Minh Kibbutz coi kibbutz là sự quan trọng sống còn và cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết, như chúng ta đã thấy. Mặc dù vậy, khi cuộc khủng hoảng năm 1985 nổ ra, hệ thống sụp đổ. Các vòng bảo vệ của chính quyền, Cục Do Thái, Liên Minh Kibbutz và kibbutz riêng lẻ đã sụp đổ đối với các thành viên kibbutz bất hạnh. Vào lúc này, chính quyền không chuẩn bị để bảo lãnh cho các khu định cư; Cục Do Thái không sẵn sàng hỗ trợ họ; Liên Minh Kibbutz từ lâu không còn nguồn lực; kibbutz riêng lẻ nhiều khi không thực hiện được lời hứa. 

Đột nhiên các thành viên của kibbutz khám phá ra rằng trên thực tế họ không có gì mặc dù họ tự coi mình là đối tác của một doanh nghiệp thịnh vượng. Họ không có bảo hiểm hưu trí, không có an sinh xã hội, không có nhà, không có bất cứ tài sản gì, không có quyền trao thừa kế - và hầu như chẳng có gì để lại. Các thành viên kibbutz, vốn cảm thấy là những người được đảm bảo nhất trên hành tinh, đột nhiên thấy mình bị bỏ rơi, trần trụi và bị xô đậy giữa một bộ tộc dã man. Sự tổn thương rất sâu sắc: mất sự tin cậy, méo mó. 

Halperin tin rằng với phương pháp đúng đắn thì tình hình có thể được giải quyết. Ông theo đuổi một sự thay đổi căn bản trong hệ thống để thay thế niềm tin của các thành viên riêng lẻ đối với kibbutz. Kibbutz phải thừa nhận về mặt pháp lý quyền của các thành viên đối với tài nguyên. Các nhà máy của kibbutz và các chi nhánh nông nghiệp phải tài trợ cho bảo hiểm y tế, hưu trí và trợ cấp xã hội của các thành viên. Họ phải trả cho việc giáo dục trẻ em. Các thành viên phải sở hữu căn nhà của họ và được trao quyền di chúc phần của họ trong tài sản của kibbutz cho người kế tục.

Mỗi kibbutz sẽ áp dụng mô hình riêng, Halperin đề xuất, nhưng sự phân bổ tài sản cho các thành viên, được đảm bảo bằng luật pháp, là nền tảng của mọi kế hoạch tái tổ chức. Câu hỏi về các khoản thanh toán khác nhau, phần thưởng cho nỗ lực, thanh toán cho làm việc thêm giờ và tư nhân hóa ngân sách đều là bổ sung. Khi niềm tin căn bản được khôi phục và các thành viên phục hồi cảm giác an toàn, phần còn lại sẽ được triển khai. 

Bất kể là Halperin đúng hay không, chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Như chúng ta đã thấy trong những chương trước, 5 kibbutz đã nỗ lực thích nghi với tình hình mới. Sau này chúng ta sẽ tìm hiểu một nhóm định cư khác cho thấy các lựa chọn thay thế của tương lai, trong đó có các giải pháp phù hợp với những đề xuất của Halperin.

Mặc dù vậy, trước khi đi tiếp, sẽ rất hữu ích khi quay trở lại xem xét toàn bộ hệ thống giáo dục của kibbutz. Chúng ta phải xem xét cả lý do bên ngoài cũng như bên trong của sự sụp đổ kinh tế vào năm 1985. Có thể là không công bằng khi bỏ qua toàn bộ kết án tiêu cực về những người quản lý tiền của kibbutz, giống như nhiều doanh nghiệp thất bại khác, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng kinh tế chung, nhưng thủ quỹ và kế toán của kibbutz không chỉ hành động thiếu thận trọng theo quan điểm kinh doanh; họ cũng hành động không phù hợp với các giá trị của kibbutz.

Tại sao giáo dục của kibbutz không truyền tải được những giá trị đó? Cảm giác chung về trách nhiệm, vốn mạnh mẽ trong thế hệ sáng lập của kibbutz, được truyền tải cho thế hệ thứ hai, nhưng với thế hệ thứ ba và thứ tư của kibbutz, mệnh đề gốc của các nhà kinh tế đã đúng. Nhiều thành viên luôn không đóng góp năng lực tốt nhất của họ; kibbutz cảm thấy không thể thỏa mãn được nhu cầu của các thành viên.

Sự thật là kibbutz đã sống sót qua bảy thập kỷ, nhưng dường như nó là một ảo giác. Ở mức độ vật chất, hệ thống không phải luôn hoạt động, mặc dù thất bại kinh tế của nhiều kibbutz đã được che dấu. Về mặt lý tưởng cũng vậy, tất cả đều có vẻ như vậy: mặc dù thế hệ thứ ba và thứ tư vẫn tuân theo học thuyết, niềm tin của họ bị giới hạn và họ trở nên hoài nghi. Khi hệ thống đối mặt với khủng hoảng thực sự đầu tiên, một sự sụp đổ kinh tế đã khiến nó phải đối mặt với thế giới, nó hầu như đã sụp đổ và sự sống sót của nó là không chắc chắn.

Vào những ngày đầu của Degania, Yosef Bussel viết, trong một đoạn đã được trích dẫn của cuốn sách này: 
Đối con người, để suy nghĩ và cảm thấy rằng họ phải sống hoàn toàn bình đẳng và hoàn toàn hợp tác, họ phải được sinh ra trong điều đó và để điều đó diễn ra thì phải trải qua nhiều thế hệ. Nhiều điều chúng ta không thể đạt được hôm nay thì các đồng chí lớn lên trong môi trường kvutza mới sẽ đạt được. 
Sau Bussel, các nhà tư tưởng và giáo dục kibbutz đã công khai tuyên bố ý định tạo dựng “con người mới”, một con người được giải phóng khỏi các giá trị tư sản của khát vọng cá nhân và chủ nghĩa vật chất. Trong 70 năm, kibbutz là thể chế có ảnh hưởng lớn lao đối với các thành viên. Không có chế độ toàn trị nào từng thực hiện được sự kiểm soát tuyệt đối đối với các công dân như là kibbutz tự do, tự nguyện, dân chủ đã làm được đối với thành viên của nó. Israel Oz đã đúng khi chỉ ra rằng kibbutz tổ chức mọi mặt đời sống của thành viên: ăn ở, công việc, sức khỏe, giải trí, văn hóa, thực phẩm, quần áo, nghỉ ngơi, sở thích và trên hết là giáo dục và nuôi dưỡng con cái.

Bất chấp những điều kiện tối ưu, dự báo của Bussel đã sai. “Các đồng chí lớn lên trong môi trường kvutza mới” không thấm nhuần các giá trị cộng đồng và bình đẳng. Chương tiếp theo chúng ta sẽ cố gắng khám phá lý do của việc đó.

Wednesday, September 16, 2015

Rủi ro đạo đức của chủ nghĩa tư bản

Giáo sư xã hội học người Mỹ Michael Schwalbe sử dụng khái niệm rủi ro đạo đức của kinh tế học để mô tả đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Đặc trưng hình thành từ sự bóc lột và trút gánh nặng sang vai người khác đã khiến phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành trò lừa đảo bất tận. Dưới đây là bản dịch nội dung bài báo "The moral hazard of capitalism" của giáo sư Michael Schwalbe.

Hình minh họa: Khủng hoảng nợ cầm cố dưới chuẩn
Nguồn: Internet
Trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính, rủi ro đạo đức được cho là xuất hiện khi một bên tham gia hợp đồng hoặc giao dịch thoát khỏi gánh nặng rủi ro vì bên còn lại sẽ gánh chịu chi phí nếu mọi thứ trở nên tồi tệ. Ví dụ cổ điển được đưa ra là chính sách bảo hiểm chống lại thiệt hại hay tổn thất tài sản và do vậy khiến những người hưởng chính sách mạo hiểm với tài sản, do biết rằng hãng bảo hiểm sẽ trả hoàn toàn chi phí thay thế hay sửa chữa. Tránh rủi ro đạo đức được cho là mục tiêu của khấu trừ và đồng thanh toán. Nếu người được bảo hiểm phải gánh chịu một phần chi phí của hành vi mạo hiểm, họ sẽ ít mạo hiểm hơn và không bóc lột hãng bảo hiểm, logic tiếp tục như vậy.

Ý tưởng về rủi ro đạo đức thu hút được sự chú ý của công luận đương thời khi các phê phán về lĩnh vực ngân hàng sử dụng điều đó để giải thích sự sụp đổ tài chính năm 2008. Họ cho rằng, tự do hóa tạo điều kiện cho rủi ro đạo đức, dẫn đến hành vi mạo hiểm của tất cả những người tham gia đầy quyền lực của hệ thống.

Ngân hàng thương mại có động lực để tạo ra các khoản cho vay thế chấp mạo hiểm do việc dỡ bỏ đạo luật Glass-Steagall cho phép họ giải phóng toàn bộ rủi ro bằng cách bán những khoản cho vay này cho ngân hàng đầu tư. Ngân hàng đầu tư biến những khoản cho vay đó thành chứng khoán mua bán được trên thị trường và trả nhiều tiền cho các cơ sở đánh giá để các cơ sở này định mức rủi ro của chúng thấp, để bán chứng khoán cho các nhà đầu tư cả tin dễ dàng hơn. Nhiều nhà đầu tư xảo quyệt hơn đã mua bảo hiểm cho sự phá sản, khi nhận ra rằng nhiều chứng khoán dựa trên các khoản cho vay cầm cố này chỉ là giấy lộn. Lịch sử cứu trợ của chính quyền liên bang đối với các ngân hàng và hãng bảo hiểm là một lý do khác khiến họ tin rằng họ sẽ không phải gánh chịu khi toàn bộ kế hoạch sụp đổ. 

Tình hình thực sự phổ biến với rủi ro đạo đức. Mọi người chơi có tổ chức đều đặt cược vào kết quả là chi phí tiềm tàng của sự mạo hiểm khinh suất mà họ thực hiện sẽ được thanh toán bằng tiền túi của người khác. Đó thực sự là điều đã diễn ra, người mua nhà và người đóng thuế là những người phải thanh toán hóa đơn. Sự tự do hóa giúp cho điều này xảy ra là rất rõ ràng. Mặc dù vậy, theo một cách khác, sự sụp đổ tài chính không phải là trường hợp đặc biệt. Rủi ro đạo đức là dịch bệnh đặc trưng của chủ nghĩa tư bản; điều tiết chỉ giúp cho hệ thống không sụp đổ thường xuyên hơn.

Điều mà khái niệm rủi ro đạo đức chỉ ra là các thức sự can thiệp chính trị, pháp lý và kinh tế dẫn đến hành vi mạo hiểm, gây ra hay có nguy cơ thực sự, thiệt hại nghiêm trọng cho người khác. Chủ nghĩa tư bản chính là một nhóm sự can thiệp. Một số người mạo hiểm không phải bởi vì họ xấu xa. Hoạt động thông thường của chủ nghĩa tư bản là mời gọi, thúc đẩy, cho phép và thường xuyên ép buộc con người – những người kiểm soát tư liệu sản xuất và tài chính – hàng động theo cách thức sẽ gây ra thiệt hại lớn cho người khác hoặc khiến người khác phải gánh chịu nguy cơ thiệt hại lớn. 

Sự can thiệp chính trị, pháp lý và kinh tế có ý nghĩa quan trọng nhất – sự can thiệp xác định nền kinh tế tư bản chủ nghĩa – là sở hữu tư nhân và kiểm soát tư liệu sản xuất chủ chốt; kiểm soát tư nhân đối với đầu tư; tích lũy của cải bằng cách bóc lột giá trị thặng dư từ lao động của người khác. Những sự can thiệp này cho phép nhà tư bản có khả năng và động lực để hành động theo cách bất chấp đạo đức. Đây không phải giả thuyết tưởng tượng kiểu Marxist mà là điều mà chúng ta thấy diễn ra hàng ngày.

Chúng ta thấy chúng khi nhà tư bản lừa dối công nhân về tiền lương. Chúng ta thấy chúng khi nhà tư bản cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách từ chối trả tiền cho thiết bị an toàn và bảo vệ sức khỏe hay kiểm soát ô nhiễm, do đó mạo hiểm cuộc sống và sức khỏe của những công nhân trong nhà máy cũng như của tất cả ngững người sống ở cuối gió hay cuối dòng nước. Chúng ta thấy chúng khi nhà tư bản khai thác năng lượng hóa thạch ngày càng tăng theo cách liều lĩnh, gây rủi ro hoặc tạo ra các thiệt hại môi trường nghiêm trọng.

Đây không phải là những chiến lược sai lầm trong hệ thống của chủ nghĩa tư bản. Logic của chủ nghĩa tư bản đòi hỏi, đặc biệt là trong các lĩnh vực cạnh tranh của nền kinh tế, không chỉ tối thiểu hóa chi phí mà còn đẩy chi phi càng nhiều càng tốt ra bên ngoài và tập trung vào các doanh thu ngắn hạn. Điều mà logic đòi hỏi, hay nói theo cách khác, là sự lảng tránh trách nhiệm. 

Sự cưỡng bách phải vô đạo đức của chủ nghĩa tư bản cũng được thể hiện mỗi khi nhà tư bản hoặc đám tay chân của họ xuất hiện trước công chúng và nói dối – về hút thuốc lá gây ra ung thư, về tác động của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cũng như các hóa chất công nghiệp khác đối với sức khỏe; về chất aerosol gây hại cho tầng ozon; về sự biến đổi khí hậu; về tình yêu sâu đậm của họ đối với trái đất. Hành động theo cách có trách nhiệm đạo đức đòi hỏi phải tìm kiếm và chấp nhận sự thật về động cơ và hậu quả hành động của con người. Nhưng sự thật là nhà tư bản không chỉ lảng tránh mà còn phủ nhận dữ dội bất cứ khi nào lợi nhuận và quyền lực của họ bị đe dọa. 

Mọi loại hình kinh tế bóc lột, bao gồm cả chủ nghĩa tư bản, được xây dựng dựa trên điều kiện về rủi ro đạo đức. Điều kiện này xuất hiện ngay khi mà con người bị hạ xuống thành phương tiện để đạt mục tiêu. Con người bị “hạ xuống” theo nghĩa này bởi vì giá trị của họ, trong mắt của kẻ bóc lột, chỉ là số lượng công việc họ có thể làm và giá trị có thể khai thác được từ họ. Thứ mà điều kiện này mời gọi là đối xử với con người như là những vật có thể thao túng được và xài một lần rồi vứt bỏ. Sự đối xử được thừa nhận là vô nhân đạo, nhưng sự thừa nhận về tính vô nhân đạo đó vẫn chưa được bình thường hóa. 

Các lãnh chúa trung cổ, chủ đồn điển và nhà tư bản, về mặt cá nhân, có thể tàn bạo nhiều hơn hoặc ít hơn đối với những người bị họ bóc lột lao động. Nhưng hành vi cá nhân không thay đổi đặc trưng của thể chế. Nếu như lợi nhuận của nhà tư bản sống sót phụ thuộc vào việc giá trị thặng dư bóc lột từ lao động của người khác, thì hắn phải thường xuyên cắt giảm chi phí lao động. Những thứ mà công nhân phải gánh chịu dưới chủ nghĩa tư bản – khó khăn kinh tế, thiếu sự tự chủ và kiểm soát, sự sỉ nhục trong công việc, tăng tốc, suy giảm kỹ năng, thất nghiệp định kỳ hay thường xuyên – bắt nguồn từ nguyên lý vận hành cơ bản đó.

Nhưng không chỉ có “công nhân” theo nghĩa hẹp phải gánh chịu hoặc bị đặt vào rủi ro bởi vì rủi ro đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Tất cả chúng ta đều bị nguy hiểm bởi chiến lược trút bỏ chi phí làm ô nhiễm môi trường hay làm hành tinh nóng lên. Tất cả chúng ta đều bị rủi ro bởi các sản phẩm không an toàn và hư hỏng. Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương từ những phản ứng đối với nỗ lực bóc lột tài nguyên tự nhiên, lao động và thị trường các nước khác của nhà tư bản. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị tổn thương khi cơ sở hạ tầng công cộng suy tàn bởi vì chính quyền thiếu ngân sách do bị các nhà tư bản, những người chỉ tập trung vào làm giàu cho bản thân, sử dụng quyền lực chính trị để cắt giảm hoặc trốn thuế. 

Dĩ nhiên, tất cả những sự dễ tổn thương này không được phân bổ đều; những người dưới đáy của hệ thống giai cấp gánh chịu nguy cơ thiệt hại lớn hơn. Nhận thức được điều này và khát khao tránh khỏi sự tồi tệ bị hệ thống đánh bại là điều thúc đẩy cạnh tranh tiến thẳng đến xã hội tư bản. Điều này tạo ra điều kiện thứ cấp về rủi ro đạo đức: động lực để đối xử với những thành viên dưới quyền thuộc giai cấp bị bóc lột như những kẻ cạnh tranh cần phải đánh bại, hoặc như nguồn lực được sử dụng cho sự thăng tiến của bản thân. Về phần họ, nhà tư bản có động lực để gia tăng cạnh tranh, chỉ có thể thông qua rao giảng tàn nhẫn huyền thoại về sự thăng tiến, bởi vì nó chia rẽ và qua đó làm suy yếu giai cấp lao động. Một lần nữa chủ nghĩa tư bản lại cho thấy sự độc hại của nó đối với đạo đức, trong xu hướng thúc giục chúng ta coi người khác như là phương tiện hay sự cản trở mục tiêu của mình 

Quan điểm đối lập thường được tạo dựng dựa theo ý tưởng của Adam Smith. Trong cuốn sách The Wealth of Nations, Smith lập luận rằng các cá nhân làm việc vì lợi ích của bản thân, với sự dẫn dắt của bàn tay vô hình của thị trường, để gia tăng phúc lợi xã hội. Smith viết, “Không phải từ đạo đức của người hàng thịt, người nấu bia hay người thợ làm bánh mà chúng ta mong đợi bữa tối, mà từ sự quan tâm tới lợi ích riêng của họ”. Những thị dân kinh doanh có khuynh hướng làm giàu không phải là vấn đề quan trọng. Tuy vậy, kết quả là một xã hội thịnh vượng mà con người gắn kết chặt chẽ với nhau trong sự hài hòa, khi khát khao về thịt, bia và bánh mì của họ được đáp ứng đầy đủ. 

Lập luận của Smith có ý nghĩa khi áp dụng cho giao dịch giữa các tiểu thương thành thị và khách hàng của họ. Nhưng triết lý của ông thường sai lầm khi cho rằng lợi ích tiền tài ích kỷ không cần phải kiềm chế bằng những đức hạnh khác. Điều mà Smith hiểu, nhưng nhiều học trò hiện đại của ông không hiểu, là các thương nhân thành đạt phải có khả năng nhìn bằng con mắt của khách hàng và công nhận khát khao của họ không chỉ là thịt bò, bia hay bánh mì mà là sự đoàn kết với những người hàng xóm đáng kính và đáng tin cậy. Smith khẳng định sự đồng cảm với nhau, được củng cố bằng quan hệ cá nhân, đóng vai trò như là sự đánh giá về hành vi vô đạo đức tổng quát hơn. 

Những người ủng hộ trường phái đạo đức tư bản chủ nghĩa tham lam-là-tốt – nổi tiếng nhất là Milton Friedman – sẽ khiến chúng ta tin rằng luận điểm của Smith về tiểu thương thành thị ở năm 1776 cũng đúng với hành vi của các doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư khổng lồ phi nhân tính ở thế kỷ 21. Họ sẽ đánh đồng lợi ích tạo ra cuộc sống của người làm bánh với lợi ích giết chóc của nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm. Dĩ nhiên là khát vọng tốt đẹp về mặt kinh tế có thể thúc đẩy hành vi xây dựng. Nhưng với những điều kiện của rủi ro đạo đức đã thu được hiện nay, khát vọng do các thế lục doanh nghiệp thổi phồng lên ở quy mô mà Smith không bao giờ mơ tới đã biến thành thảm họa. 

Điều tiết chỉ là sự xoa dịu rủi ro đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Luật pháp có thể cấm các hành vi mạo hiểm thái quá đe dọa đến sức khỏe và an ninh kinh tế của người khác. Luật pháp có thể áp đặt các chế tài đủ nghiêm khắc cho những hành vi mạo hiểm khiến cho rủi ro trở nên quá đắt để mạo hiểm. Nhưng sự điều tiết hiệu quả phụ thuộc vào dân chủ; có nghĩa là nó phụ thuộc vào khả năng thường dân sử dụng chính quyền để hạn chế những thiệt hại tiềm tàng, hành vi ích kỷ của những tác nhân kinh tế thế lực. Đó là lý do khiến cùng những tác nhân – những người kinh doanh giàu có hiện nay – phản đối dân chủ kịch liệt ngoại trừ sự ủng hộ ngoài mặt. Nếu coi dân chủ là đức hạnh thì sự suy tàn không thể tránh khỏi của nó là một rủi ro đạo đức khác của chủ nghĩa tư bản khi tư bản tập trung hóa hơn và quyền lực hơn.

Nói ngắn gọn, hiện nay không có kết luận lạc quan nào cả. Điều kiện của rủi ro đạo đức là thành phần nền tảng của chủ nghĩa tư bản và hiện giờ chúng ta mắc kẹt với động lực và sự ép buộc về hành vi vô đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Hơn nữa, cố gắng sử dụng các điều tiết để giải quyết vấn đề buộc chúng ta phải chơi trò ném chuột, bởi vì nhà tư bản, có quyền lực bắt nguồn từ sở hữu và kiểm soát các tư liệu sản sản xuất chủ chốt của xã hội, sẽ luôn luôn tìm ra cách vô hiệu hóa hoặc lẩn tránh mọi kế hoạch và thực thi điều tiết mà chúng ta tạo ra. Mặt khác, nỗ lực hạn chế thiệt hại sẽ là cách thả lỏng cho nhà tư bản thấy rằng đáng để khai thác cơ hội. Trò chơi ném chuột có thể giữ họ khỏi phá nát mọi thứ như họ có thể làm. 

Thừa nhận rằng mức độ rủi ro đạo đức có thể hàm chứa trong sự can thiệp pháp lý, chính trị và kinh tế ít nhất cũng cho phép lạc quan trong dài hạn. Rủi ro đạo đức hàm chứa trong chủ nghĩa tư bản có thể tháo gỡ với một nền kinh tế dân chủ, không bóc lột. Nền kinh tế đó sẽ không đòi hỏi mọi người trở thành các vị thánh chủ nghĩa xã hội, luôn luôn đầy đủ khả năng đồng cảm như Adam Smith vẫn coi là cơ sở của đạo đức. Nó sẽ đòi hỏi, các thủ tục luật pháp, chính sách và ra quyết định trần tục hơn để phá bỏ sự ích kỷ, sự theo đuổi không giới hạn của cải và quyền lực. 

Đôi khi ngay cả những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản cũng công khai thừa nhận rằng nó là một trò chơi lừa đảo. Mặc dù vậy, nhiệm vụ lịch sử không phải là vạch mặt nó, việc đó sẽ không bao giờ kết thúc, mà là tạo ra một trò chơi bình đẳng hơn.

Michael Schwalbe is a professor of sociology at North Carolina State University. He can be reached at MLSchwalbe@nc.rr.com.

Thursday, August 13, 2015

Chiến tranh tiền tệ Hoa Kỳ-Trung Quốc: Kẻ thắng và người thua

Bài viết "The US-China “Currency War”: Winners and Losers" Geoffrey McDonald cho rằng trong cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giai cấp công nhân sẽ luôn là người thua khi đứng về phía chủ nghĩa quốc gia. 

Chiến tranh tiền tệ Hoa Kỳ - Trung Quốc: Kẻ thắng và người thua

Chính khách Hoa Kỳ không hoan nghênh Đảng Cộng Sản ở Bắc Kinh về thành công trong việc theo đuổi câu thành ngữ tư bản “tự làm giàu”, mà kêu gào chơi bẩn: Trung Quốc làm sai lệch tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ để có thể kiếm nhiều tiền hơn từ Hoa Kỳ, hơn là ngược lại. Cáo buộc được tất cả mọi người từ Donald Trump cho tới Bernie Sanders đưa ra là chính sách của Trung Quốc đang giết chết các công việc được trả lương cao của Hoa Kỳ - và rất nhiều thứ khác nữa. Điều tồi tệ đối với Hoa Kỳ không phải do Hoa Kỳ gây ra mà là do sự bịp bợm của Trung Quốc. 

Quyền thành công của Hoa Kỳ

Giải pháp cho vấn đề cũng rõ ràng như lời cáo buộc: Trung Quốc phải áp dụng các quy định đã được Hoa Kỳ chấp thuận trong thương mại và trao đổi quốc tế. Nếu Trung Quốc thả nổi đồng tiền của họ, sau đó giá trị của đồng nhân dân tệ sẽ được điều chỉnh, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ sẽ trở nên đắt hơn, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ mua nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ hơn và công ăn việc làm sẽ quay trở lại Hoa Kỳ. 

Giả định là những nhà buôn tiền toàn cầu, theo sự thông thái vĩnh cửu của họ, sẽ tìm ra tỷ giá hối đoái “chính xác” giữa đồng nhân dân tệ và dollar khi họ được tự do tiếp cận cung và cầu đồng nhân dân tệ. Tỷ giá hối đoái chính xác là thế nào? Đó là tỷ giá đảm bảo cho thắng lợi của doanh nghiệp Hoa Kỳ. 

Trước khi có động thái đáp lại sự suy thoái tuần này, Trung Quốc đã tiến tới thị trường chuyển đổi đồng nhân dân tệ tự do. Từ năm 2005, họ đã để cho đồng tiền tăng giá 30% so với đồng dollar, trong khi cố gắng kiểm soát sự gia tăng. Mặc dù vậy kết quả cán cân thương mại với Hoa Kỳ vẫn không thay đổi. Suy luận là gì? Trung Quốc vẫn làm chưa đủ. Làm sao chúng ta biết họ đã làm đủ? Khi Hoa Kỳ là người thắng cuộc.

Đối với Hoa Kỳ, khi họ thiết lập hệ thống thị trường thế giới, thị trường này phải phục vụ cho lợi ích của nhà sản xuất Hoa Kỳ, thế nên khi họ không thành công như họ muốn thì đó không phải là thị trường mà là những người chơi khác có vấn đề.

Cộng và trừ 

Việc Hoa Kỳ lên án lợi thế thương mại của Trung Quốc đã bỏ qua sự kiện này: nhiều sản phẩm đang “tràn ngập” thị trường Hoa Kỳ được các công ty Hoa Kỳ sản xuất ở Trung Quốc. Đây là lợi ích của đồng dollar giá trị cao. Nhà đầu tư Hoa Kỳ đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ ở Trung Quốc. Trái với điều này, tất cả “chúng ta” đều được coi ở cùng một phe và bị Trung Quốc đe dọa. 

Chính khách Hoa Kỳ đang gây chiến về việc thao túng tiền tệ đã không kêu gọi hạn chế các nhà đầu tư Hoa Kỳ kinh doanh ở Trung Quốc – thứ có thể tàn phá công ăn việc làm “Hoa Kỳ”. Tại sao? Hoa Kỳ thấy lợi nhuận nhờ chi phí sản xuất thấp ở Trung Quốc gấp nhiều lần so với thiệt hại công ăn việc làm và thuế khóa ở nội địa. Các tay chơi toàn cầu của Hoa Kỳ phải lợi dụng mọi cơ hội để trở nên cạnh tranh hơn hàng sa số các tay chơi từ các quốc gia khác, vốn cũng thuê ngoài ở Trung Quốc. 

Chính khách Hoa Kỳ luôn luôn nói với công nhân Hoa Kỳ: “chúng ta” là một phần của kinh tế toàn cầu, thế nên “chúng ta” phải đảm bảo rằng doanh nghiệp “của chúng ta” phải cạnh tranh hơn, “chúng ta” phải làm việc chăm chỉ hơn và cắt giảm lương. Khi chính khách nói: “Người Mỹ là công nhân năng suất nhất thế giới,” điều đó không phải là tâng bốc mà là yêu cầu: anh phải rẻ hơn và chăm chỉ hơn. Đây là quy luật, bất kể hàng hóa Trung Quốc có cướp thị trường hay không.

Trong nhiều năm, Hoa Kỳ giữ một cán cân thương mại âm, đủ để phá hủy bất cứ quốc gia nào khác. Hoa Kỳ có đặc quyền này bởi vì đồng dollar là đồng tiền thế giới, được sử dụng cho các giao dịch kinh doanh khắp thế giới. Nhưng sau vụ sụp đổ tài chính năm 2007 và khoản nợ đầu cơ lớn mà họ phải gánh để quản lý khủng hoảng, tình hình mới đã xuất hiện: Hoa Kỳ phải lo ngại về độ tin cậy của họ. Nó vẫn chưa bị hoài nghi, nhưng không còn không thể bị hoài nghi. Ở Washington có cảm giác rằng cần phải làm điều gì đó để chứng minh độ tin cậy của đồng dollar trong vai trò tiền tệ thế giới. Họ phải cải thiện cán cân thương mại để chứng tỏ quan hệ giữa khoản nợ và năng lực tài chính của họ.

Trung Quốc đã tài trợ cho nợ của Hoa Kỳ hàng nghìn tỷ. Dịch vụ này đã được Washington thừa nhận, nhưng nó cũng cho thấy nguy cơ tiềm tàng. Nếu Trung Quốc ngừng mua trái phiếu ngân khố hoặc chuyển sang sắp xếp đồng tiền cạnh tranh, đó sẽ là sự suy tàn không thể đảo ngược của quyền lực tài chính Hoa Kỳ. Trung Quốc đang tiến những bước thăm dò theo hướng này, cùng với việc cảnh báo Hoa Kỳ rằng họ phải quản lý đồng tiền theo các nguyên tắc thị trường tốt; ví dụ như cắt bớt phúc lợi nhà nước.

Tại sao Trung Quốc không làm điều chúng ta muốn? 

Thực tế là Trung Quốc điều tiết tỷ giá hối đoái để kích thích xuất khẩu. Đây không phải là chiến thuật xa lạ khi nhà nước cố gắng khẳng định vị thế của mình. Đức, cựu vô địch xuất khẩu, đã làm điều đó trong thời kỳ hậu chiến; Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy. Nhưng không ai cáo buộc những quốc gia này về việc thao túng đồng tiền bởi vì sự phát triển kinh tế của họ không thách thức sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ giống như Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ giá thấp không phải là điều rõ ràng đối với Trung Quốc. Theo quan điểm đảm bảo sự cạnh tranh về giá của xuất khẩu thì cần phải duy trì tỷ giá hối đoái không cao; nhưng theo quan điểm xuất khẩu tư bản, sự thật ngược lại: tỷ giá hối đoái cao cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc có sức mua lớn hơn tại các quốc gia khác. Nếu như đồng tiền tăng giá, nhập khẩu dầu và nguyên liệu thô sẽ rẻ hơn; nếu đồng tiền mất giá, điều này sẽ làm yếu khả năng đầu tư của đồng nhân dân tệ ở Hoa Kỳ. Công nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu theo đuổi các chính sách xung đột. Nhà nước Trung Quốc thể hiện rõ rằng họ đang cố gắng xây dựng một chính sách thúc đẩy sức mạnh kinh tế của Trung Quốc trên thế giới.

Lý do khác khiến Trung Quốc không thể mở cửa hoàn toàn thị trường tư bản: họ không muốn người Mỹ và người Nhật chiếm lấy các công ty Trung Quốc. Họ muốn kiểm soát dòng tư bản vào và ra. Trung Quốc đang tiến một cách thận trọng tới việc chuyển giao quyền ra quyết định tài chính cho thị trường. Phải mất tới 20 năm để chuyển giao quyết định công nghiệp cho thị trường nội địa. Giao phó sự tăng trưởng của một quốc gia cho các lợi ích tư nhân là sự chuyển tiếp nguy hiểm đối với mọi quyền lực nhà nước. Kết quả của điều đó cũng rất rõ ràng; đối với phần lớn các quốc gia trên thế giới, nó dẫn đến sự phá hủy tài sản quốc gia, như đã được thấy ở “thế giới thứ ba”. Thế nên Trung Quốc thận trọng. Ý đồ của họ - như họ đã nói và thể hiện – là giám sát sự tự do hóa nền kinh tế theo cách của họ, với tốc độ của họ và khi họ đánh giá nó theo lợi ích của bản thân.

Với vị thế của Hoa Kỳ thì mọi thứ ở Trung Quốc đều có lợi cho Hoa Kỳ - thị trường nội địa, cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính của họ. Hoa Kỳ muốn tiếp cận lao động Trung Quốc mà không cần thông qua đối tác Trung Quốc, đầu tư hoặc là trực tiếp thông qua các công cụ tài chính hoặc xây dựng các chi nhánh kinh doanh ở Trung Quốc. Họ muốn đến và đi mà không cần thông qua kinh tế địa phương. Hoa Kỳ đòi hỏi rằng kinh tế Trung Quốc phải làm cho Hoa Kỳ thành công. 

Công ăn việc làm: tất cả và kết thúc tất cả 

Chính khách Hoa Kỳ nói rằng khi họ chống lại việc Trung Quốc “thao túng đồng tiền” thì họ đấu tranh vì công ăn việc làm cho công nhân Mỹ. Đây là lời nói dối. Họ đấu tranh cho các công việc sinh lợi nhuận, là sự phục vụ cho kinh doanh. Điều này có nghĩa là thiết lập các điều kiện tối ưu – thuế thấp, các quy định môi trường hạn chế, ít luật về sức khỏe và an toàn – để làm cho đầu tư ở Hoa Kỳ hấp dẫn trở lại. Đối với công nhân Mỹ, điều này có nghĩa là đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn sinh lợi đã được tư bản thiết lập trên toàn cầu, trong đó có Trung Quốc. Họ không phải là những người được hưởng lợi, nhưng nguồn nhân lực cho sự thành công của Hoa Kỳ thì có.

Chính khách nói với công nhân rằng mục tiêu của kinh doanh là tạo ra nhiều công việc với chi phí thấp nhất là lợi ích tối cao của họ. Họ đe dọa công nhân với thực tế là công nhân không có nguồn thu nhập nào khác ngoài việc bán sức lao động, thế nên phải mong muốn công ty thành công và đảm bảo điều đó. Những trách nhiệm công cao cả này ngăn chặn bất cứ câu hỏi không trung thành nào như: Tôi nhận được gì từ công việc? Tôi được gì khi dành cả đời để làm việc? Công nhân phải bỏ qua lý do đầu tiên khiến họ phải đi làm – để có tiền và thời gian tự do – vì lợi ích của bản thân công việc. 

Một công việc được coi là điều tốt nhất mà công nhân muốn ở hệ thống này. Nhưng thật ra: công việc tốt ở điểm nào? Không phải nó cho thấy công việc với thu nhập ít ỏi ra sao khi nó có thể chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác vào thời điểm xác định bởi vì lao động rẻ hơn và điều kiện làm việc ít đắt đỏ hơn ở đây? Công việc không rời khỏi Hoa Kỳ hay được kéo trở lại đây – chúng có sự khác nhau nào không? Họ tồn tại khi và chỉ khi họ làm giàu cho công ty, điều có nghĩa là: thu nhập thấp và công việc nặng nhọc. 

Nhiều công nhân cùng phe với quốc gia hay công ty “của họ” với hy vọng rằng điều này có thể tạo ra công việc ổn định hoặc ngăn chặn thu nhập mất đi. Sự phụ thuộc của họ vào thứ họ buộc phải làm khiến cho kinh doanh dễ dàng đe dọa họ và thúc đẩy họ chống lại những công nhân cùng cảnh ngộ khác. Điều này khiến cho lương và điều kiện làm việc bị hạ thấp ở mọi nơi. Về mặt kinh tế, chủ nghĩa quốc gia luôn đánh chặn giai cấp lao động. Đó là sự thật ở Hoa Kỳ cũng như ở Trung Quốc.

Geoffrey McDonald is an editor at Ruthless Criticism
He can be reached at: ruthless_criticism@yahoo.com