Sunday, August 27, 2017

Chủ nghĩa tư bản và nền sản xuất hàng hóa nhỏ

Trong nhiều cuộc thảo luận về kinh tế chính trị, tôi để ý thấy rằng phần lớn những người tham gia đều cho rằng chủ nghĩa tư bản đối lập với sản xuất nhỏ. Điều này diễn ra ở hai khía cạnh. Thứ nhất, chủ nghĩa tư bản làm phá sản nền sản xuất nhỏ để tạo ra một đội quân làm thuê đồng thời tiêu thụ hàng hóa do nhà tư bản sản xuất ra. Thứ hai, chủ nghĩa tư bản thống trị dựa vào bóc lột giá trị thặng dư từ lao động làm thuê, do vậy nó độc lập với nền sản xuất hàng hóa nhỏ và không có lợi ích gì từ nền sản xuất nhỏ. Tóm lại, chủ nghĩa tư bản xung đột với nền sản xuất nhỏ và cần phải phá hủy nền sản xuất nhỏ.

Điều đó có đúng không? Nếu người ta chỉ đọc quyển 1 của bộ Tư Bản thì điều đó rất đúng. Sở dĩ như vậy là bởi vì toàn bộ phần đầu Marx trình bày quan hệ sản xuất tư bản dưới dạng bản chất nhất của nó, tạm gác lại mối quan hệ của nó với toàn bộ nền sản xuất, trong đó có bộ phận sản xuất hàng hóa nhỏ và tự cấp tự túc.

Vấn đề ở đây là gì? Hãy nhìn vào lịch sử, nếu theo lập luận đã nêu trên thì sau hơn hai trăm năm phát triển, chủ nghĩa tư bản phải phá hủy hoàn toàn nền sản xuất hàng hóa nhỏ và biến tất cả thành lao động làm thuê. Nhưng điều đó không xảy ra, ngược lại, lịch sử cho thấy chủ nghĩa tư bản tạo dựng được sản xuất hàng hóa lớn ở chỗ này thì lại duy trì sản xuất hàng hóa nhỏ, thậm chí là cả phương thức sản xuất lạc hậu hơn ở chỗ khác. Chúng ta có thể giải thích thế nào về chế độ thực dân kiểu cũ và kiểu mới kéo dài cho đến tận nay ở nhiều nước trong khi chủ nghĩa tư bản vẫn phát triển ở một số nước. Chúng ta giải thích ra sao về hàng sa số các hộ sản xuất hàng hóa nhỏ, nông dân tự cấp tự túc vẫn tồn tại bên cạnh các tập đoàn đa quốc gia.

Hơn nữa, lịch sử cũng đặt ra câu hỏi khác, nếu nền sản xuất hàng hóa nhỏ và chủ nghĩa tư bản độc lập nhau, không có mối liên hệ kinh tế nào ngoài mâu thuẫn sống còn vậy thì sự tồn tại của nền sản xuất hàng hóa nhỏ có phải là sự suy thoái của chủ nghĩa tư bản không. Điều này sẽ dẫn đến con đường kỳ quặc mà giai cấp tiểu tư sản vẫn tán dương, đó là chỉ cần tước đoạt sản xuất lớn, chia đều cho người lao động, biến mỗi người lao động thành một tiểu chủ, thế là có chủ nghĩa xã hội.

May mắn thay, Marx cũng đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề này ở quyển thứ 3 của bộ Tư Bản, phần đó nằm trong sự phân tích quá trình chuyển hóa giá trị thành giá cả, tức là phân tích toàn bộ nền sản xuất tư bản. Khi xem xét quá trình chuyển hóa giá trị thành giá cả, Marx đã chỉ ra rằng ngay khi hình thành giá cả sản xuất thì một phần giá trị thặng dư do công nhân tạo ra đã chuyển từ bộ phận có cấu tạo hữu cơ thấp sang bộ phận có cấu tạo hữu cơ cao. Điều này có nghĩa là bên cạnh những bộ phận sản xuất lớn, có cấu tạo hữu cơ cao thì chủ nghĩa tư bản không thể tách rời bộ phận sản xuất nhỏ có cấu tạo hữu cơ thấp. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì nó lại càng cần một nền tảng lớn những đơn vị sản xuất có cấu tạo hữu cơ thấp để cung cấp giá trị thặng dư cho phần có cấu tạo hữu cơ cao.

Điều này sẽ góp phần làm sáng tỏ sự tồn tại của nền sản xuất hàng hóa nhỏ trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Thứ nhất, chủ nghĩa tư bản phá hủy nền sản xuất nhỏ để tạo ra đội quân làm thuê và tiêu thụ hàng hóa, nhưng mặt khác lại không ngừng tái tạo lại nền sản xuất hàng hóa nhỏ dưới khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, tức là sản xuất hàng hóa và chịu sự chi phối của quy luật giá trị. Thông qua quy luật giá trị, chủ nghĩa tư bản với lợi thế của khoa học và công nghệ sẽ tước đoạt một phần giá trị thặng dư của nền sản xuất nhỏ.

Điều này giải thích được sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân và cách thức chủ nghĩa tư bản thống trị toàn cầu dựa vào một số nước phát triển và duy trì sự kém phát triển ở các nước khác. Khi mà các nước tư bản phát triển ngày càng phụ thuộc vào việc tước đoạt nền sản xuất nhỏ để duy trì sự phồn thịnh của họ đồng thời nuôi dưỡng một đạo quân thất nghiệp khổng lồ thì cũng có nghĩa là chủ nghĩa tư bản đã qua thời thanh xuân và trở thành một thứ ăn bám đúng nghĩa. Song điều đó không có nghĩa là nền sản xuất hàng hóa nhỏ là cứu cánh cho loài người, ngược lại nền sản xuất nhỏ đã trở thành nô lệ của chủ nghĩa tư bản, nó vĩnh viễn không thể phát triển độc lập, nếu được tự do thì sự tích lũy trong lòng nó sẽ lại sinh ra chủ nghĩa tư bản vì nó hoạt động theo quy luật giá trị, là quy luật của chủ nghĩa tư bản. 

Tóm lại, nền sản xuất hàng hóa nhỏ dưới sự thống trị của chủ nghĩa tư bản đã trở thành một bộ phận của chủ nghĩa tư bản, nó không thể tồn tại độc lập với chủ nghĩa tư bản. Nền sản xuất hàng hóa nhỏ là cần thiết với chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn độc quyền và đế quốc, chính vì vậy nó sinh ra mâu thuân giữa các nước tư bản trên quy mô quốc tế. Giai cấp tư sản ở quốc gia phát triển luôn muốn duy trì sản xuất hàng hóa nhỏ ở các nước chậm đang triển, ngược lại giai cấp tư sản ở các nước đang phát triển lại muốn phá vỡ nền sản xuất hàng hóa nhỏ để mở rộng nền sản xuất tư bản của họ. Chiến tranh thế giới là kết quả tất yếu của mâu thuẫn đó. Song chủ nghĩa tư bản vốn thống trị chủ yếu nhờ vào quy luật giá trị nên chiến tranh phải nhường chỗ cho các hiệp định thương mại tự do, một thứ hợp đồng nô lệ hiện đại.

Sunday, August 20, 2017

Phải dùng vũ khí phê phán hay phải phê phán bằng vũ khí?



Vấn đề thứ nhất: Đất nước Việt Nam là một thể thống nhất từ năm 1945, sau khi Việt Nam giành độc lập từ tay đế quốc Nhật Bản, Việt Nam chỉ có một chính quyền duy nhất hợp pháp do nhân dân bầu ra, đó là chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Các đế quốc xâm lược và đám tay sai đều đòi công nhận sự chính danh cho đám bù nhìn của chúng. Cha ông chúng ta đã trả lời chúng bằng súng, đối với kẻ thù thì không có lý lẽ nào thuyết phục hơn đạn chì. Người Việt Nam chân chính sẽ tiếp tục làm điều đó nếu cần thiết.

Việc tranh luận về một vấn đề đã được giải quyết dứt khoát và dứt điểm bằng xương máu của hàng triệu người Việt Nam là vô nghĩa. Kẻ thù luôn đòi hòa giải hòa hợp bằng cách công nhận và bù đắp thiệt hại của chúng nhưng chính chúng không bao giờ chịu công nhận và bù đắp thiệt hại của những người Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Do đó, hòa giải với chúng có nghĩa là đầu hàng, có nghĩa là cúi đầu làm nô lệ và phủ nhận sạch công lao cũng như xương máu của cha ông. Không một người Việt Nam tự do và có lương tri nào lại có thể chấp nhận điều đó.

Vấn đề thứ hai: Thừa nhận sự hợp pháp của chính quyền bù nhìn để được tiếp quản lãnh thổ của chúng hay lập luận theo kiểu luật pháp quốc tế về việc chiếm hữu lãnh thổ liên tục với tư cách nhà nước cũng là điều vô nghĩa. Chính quyền bù nhìn không sở hữu bất cữ lãnh thổ nào. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đế quốc Mỹ mới là kẻ chiếm hữu miền Nam Việt Nam. Ngụy quyền Sài Gòn chỉ là đám đánh thuê cho Mỹ, không có bất cứ thứ quyền lực tế nào đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Thế nên công nhận sự hợp pháp của ngụy quyền Sài Gòn thì điều đó có nghĩa là nước Việt Nam hiện tại phải bồi thường cho các quyền lợi của đế quốc Mỹ đã bị thiệt hại trước năm 1975. Người Việt Nam giờ phải trả tiền cho bom đạn đã ném xuống đầu mình, thật là bỉ ổi hết sức. Tất cả chỉ là lối nói lắt léo của đám cặn bã, cái lý lẽ của mà chúng giấu đằng sau là thừa nhận ngụy quyền hợp pháp hay thừa nhận lợi ích hợp pháp của đế quốc Mỹ vì vậy Mỹ sẽ ra sức bảo vệ lợi ích của họ ở miền Nam. Đây chính là con đường bán nước, chúng nhân danh bảo vệ đất nước để bán nước. Việc tranh cãi điều này cũng vô nghĩa, Mỹ đã từng đến đây nói cái lý lẽ đó cùng với bom đạn, chúng ta đã trả lời bằng súng và chúng ta đã thắng.

Vấn đề thứ ba: Nhiều người sẽ không hiểu tại sao hiện nay có một bộ phận lớn trí thức, dân chúng đòi công nhận ngụy quyền Sài Gòn hợp pháp, mặc dù dân tộc Việt Nam đã trả lời một lần và dứt khoát điều đó vào năm 1975. Đây không chỉ là vấn đề chính trị đơn thuần mà còn là vấn đề giai cấp. Cuộc chiến tranh chống Mỹ thống nhất đất nước Việt Nam cũng là chiến tranh giai cấp, do giai cấp tư sản và đại địa chủ ở miền Nam dựa vào Mỹ để âm mưu thiết lập sự thống trị ở Việt Nam, nhưng chúng đã bị đập tan. Sau khi hòa bình lập lại, Việt Nam tái thiết đất nước từ đống tro tàn chiến tranh, buộc phải sử dụng đến kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường tức là chế độ tư bản, tức là đặt quyền lực kinh tế vào tay giai cấp tư sản. Do đó, giai cấp tư sản phản động bắt đầu ngóc đầu dậy, cái lý lẽ mà chúng viện đến là: Anh đã phá hủy con đường của tôi nhưng giờ anh lại phải đi con đường đó, như vậy anh sai còn tôi mới đúng, thế nên anh phải thừa nhận đã sai và hòa giải với tôi, sau đó làm theo những gì tôi muốn. 

Chúng ta cần phải hiểu rằng đằng sau âm mưu kêu gọi công nhận sự hợp pháp của ngụy quyền Sài Gòn chính là âm mưu khôi phục chế độ tư bản. Khi ngụy quyền Sài Gòn được coi là hợp pháp thì chế độ tư bản mà ngụy quyền Sài Gòn tạo dựng cũng được coi là hợp pháp và có thể danh chính ngôn thuận bàn luận, , khôi phục, khai thác và tìm cách áp dụng cho xã hội hiện tại, từ giáo dục, văn hóa, nghệ thuật cho đến mô hình kinh tế chính trị. Đấy chính là cái mưu toan mà giới trí thức phản động mong muốn, cái âm mưu đó cũng phù hợp với những lợi ích của giai cấp tư sản vốn đã bị kiềm chế. Do vậy, chúng nhận được sự ủng hộ nhất định từ một bộ phận giai cấp tư sản và trí thức phản động. Đây chính là sự khởi đầu cho công cuộc phản cách mạng, đánh đổ các nền tảng của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 

Ẩn mình sau cuộc tranh luận về tính hợp pháp của ngụy quyền Sài Gòn chính là đấu tranh giai cấp, không phải là sự ảo tưởng của đám tàn dư cờ vàng hay sự ngu dốt của một bộ phận dân chúng. Những người vô sản cần luôn hiểu rõ điều này. Một bộ phận trong bộ máy nhà nước cũng đang từng bước ngả theo giai cấp tư sản, điều này không thể tránh khỏi do giai cấp tư sản đang nắm quyền lực về kinh tế, do vậy họ sẽ ủng hộ giai cấp tư sản dưới những hình thức lắt léo và tinh vi. Những người vô sản trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và duy trì quyền lực nhà nước của mình không thể tránh khỏi việc phải đối đầu với những thế lực phản động ấy. Nếu người vô sản từ bỏ lập trường giai cấp, nhắm mắt làm ngơ không chịu nhìn nhận sự trỗi dậy của giai cấp tư sản thì tất sẽ không đoàn kết được các lực lượng tiến bộ và để cho giai cấp tư sản dễ dàng đạt được điều mà chúng mong muốn, trong khi đó những người vô sản sẽ phải vật lộn với những rối loạn mà chúng đã tạo ra. 

Cuối cùng, vũ khí phê phán không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí. Có những vấn đề không thể giải quyết bằng lời nói mà phải dùng đến đạn chì. Đó chính là điều mà cha ông chúng ta đã làm.