Showing posts with label Công An. Show all posts
Showing posts with label Công An. Show all posts

Sunday, August 31, 2014

Tại sao người yêu nước bị bắt?

Một người đang lái xe ô tô đi trên đường thì bị công an chặn lại.

Anh công an nói: Xin chúc mừng anh, nhờ lòng yêu nước nhiệt thành và công lao đi biểu tình Bờ Hồ không biết mệt mỏi của anh, Trung Quốc đã phải rút dàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Chúng tôi đã quyên góp được 10 triệu đồng và quyết định tặng cho anh.

Người kia đờ người ra không biết nói gì.

Anh công an lại hỏi vui vẻ: Thế nào? Anh sẽ làm gì với số tiền này?

Người kia trả lời: Tôi sẽ đi mua bằng lái xe.

Người ngồi cạnh ở ghế trước liền giãy nảy lên: Đừng tin ông ấy, ông ấy uống say rồi.

Một người ngồi ở ghế sau cằn nhằn: Đã bảo rồi mà, đi bằng xe ăn cắp thế nào cũng có chuyện.

Chợt có ánh sáng đèn flash lóe lên. Sau đó, một người khác ngồi ở ghế sau nói: Đã chụp ảnh và đăng lên facebook rồi nhé, tin "Công an xâm phạm quyền tự do đi lại hợp pháp của người yêu nước" sẽ hot nhất ngày hôm nay cho mà xem.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí)

Thursday, May 22, 2014

Công an đã xong việc còn bộ y tế thì sao?

Ngày 22 tháng 5, công an tỉnh Quảng Trị đã có kết luận điều tra về vụ tiêm nhầm thuốc dẫn đến cái chết của 3 trẻ em ở Quảng Trị. Nội dung toàn bộ vụ việc có thể tham khảo trên báo Nhân Dân. Ngành công an đã làm xong việc của họ, song kết quả điều tra cho thấy phía Bộ Y Tế còn rất nhiều việc phải làm, đây là lúc bộ trưởng bộ y tế cho mọi người thấy quyết tâm và sức mạnh của bà.


(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thứ nhất, việc quản lý tủ thuốc của bệnh viện rất lộn xộn. Thuốc gây mê Esmeron được để chung với vắc xin viêm gan B một cách tùy tiện, chỉ ghi chú bằng bút lông phía ngoài vỏ hộp. Việc đặt thuốc gây mê lẫn vào vắc xin trong tủ diễn ra hai ngày trước đó nhưng nữ hộ sinh có thể không được lưu ý, do không thấy bệnh viện đưa ra bất cứ quy trình nào nhằm thông báo hay cập nhật về tình trạng thuốc trong tủ cho những người có thể tiếp cận tủ thuốc. Điều nguy hiểm nữa là, mọi người đều có thể tự vào phòng lấy thuốc dễ dàng mà không qua bất cứ khâu kiểm tra hay theo dõi nào nên khi lấy nhầm thuốc cũng không ai biết và lấy thuốc không rõ mục đích cũng không ai biết. Nữ hộ sinh sau khi lấy nhầm ba lọ thuốc đầu với lệnh của bác sĩ, lại có thể dễ dàng lấy tiếp ba lọ thuốc khác để ngụy tạo hiện trường. 

Thứ hai, nữ hộ sinh là một người không biết ngoại ngữ, không có chuyên môn sâu về thuốc, trên thực tế không biết thuốc Esmeron là thuốc gì hay phân biệt được nó với vắc xin viêm gan B, nhưng lại được phép tự đi lấy thuốc để tiêm trực tiếp cho trẻ em mà không phải trải qua bất cứ một khâu kiểm tra xác nhận lại nào. Như vậy, rủi ro sai lầm rất dễ xảy ra. 

Thứ ba, nữ hộ sinh gây ra vụ tiêm thuốc nhầm chưa được tập huấn và cấp chứng chỉ tiêm chủng trẻ em, nhưng bệnh viện vẫn để cho người này tiêm vắc xin cho trẻ em. Như vậy, nữ hộ sinh này tiêm thuốc theo kinh nghiệm thông thường, không có những kiến thức cần thiết về tiêm chủng trẻ em. Điều này cũng không kém phần nguy hiểm, ngay cả khi tiêm đúng thuốc thì việc không tuân thủ đúng quy trình và thiếu những kiến thức cần thiết để theo dõi cũng có thể gây ra rủi ro cho trẻ được tiêm vắc xin. Việc quản lý tiêm chủng cho trẻ em cần được xem xét lại.

Thứ tư, sau khi nữ hộ sinh tiêm nhầm thuốc, trung tâm y tế dự phòng đã cấp chứng chỉ tiêm chủng trẻ em cho nữ hộ sinh để đối phó với đoàn kiểm tra. Rõ ràng việc quản lý cấp chứng chỉ rất lỏng lẻo, đến nỗi người ta có thể cấp chứng chỉ cho một nữ hộ sinh chưa qua tập huấn và kiểm tra. Trung tâm y tế dự phòng đã che dấu sự thiếu trách nhiệm trong quản lý tiêm chủng của họ, những người chưa được tập huấn hay chưa có chứng chỉ đều có thể tiêm chủng cho trẻ em. Đây chính là vấn đề bộ y tế cần vào cuộc.

Mặc dù vụ việc được coi là sai sót cá nhân, nhưng qua những điều đã nêu trên thì sai sót cá nhân đó xảy ra trong bối cảnh việc quản lý chuyên môn của ngành y tế hết sức lộn xộn, đây chính là lúc bộ y tế nên nhanh chóng chấn chỉnh lại. Công an có thể điều tra phơi bày sự việc, có thể quy trách nhiệm cho một cá nhân, nhưng họ không thể quản lý bệnh viện thay ngành y tế. 

Saturday, April 26, 2014

Quyền tự do ngôn luận ở Mỹ: Bị bắt giam vì quay phim cảnh sát

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết "Light, Camera, Arrest" của tác giả John W. Whitehead đăng trên tạp chí Coldtype số 84, tháng 4 năm 2014. Bài viết cho biết về tình trạng cảnh sát xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ, và hiện nay người dân Mỹ chưa có cách nào để xử lý tình trạng đó một cách hiệu quả. Tiêu đề bài viết là do người dịch đặt.

Một lần nữa, chính quyền Hoa Kỳ lại cố trở thành cảnh sát của thế giới khi họ biến các nhân viên hành pháp thành cảnh sát. Chúng ta có chiến hạm tuần tiễu trên mặt Biển Đen, chiến đấu cơ phản lực tuần tra trên bầu trời Baltic, và các tàu khu trục mang tên lửa hành trình đang lùng sục chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia trên biển Nam Trung Hoa. Nhưng bất cứ khi nào, ở Hoa Kỳ các quyền hợp hiến của chúng ta bị xóa bỏ không thương tiếc, các chủ nhà bị đe dọa đuổi ra khỏi nhà vì sống theo kiểu không sử dụng các tiện nghi đô thị, phụ nữ lớn tuổi bị bỏ tù vì cho quạ ăn, và công dân mang điện thoại di dộng bị bắt vì đe dọa quay phim các hoạt động của cảnh sát.

Robin Speronis đang bị đe dọa đuổi khỏi nhà ở Florida, vì sống theo kiểu không sử dụng các tiện nghi đô thị như nước và điện. Thành phố chính thức khẳng định là các cư dân ở Cape Coral đã chọn cách sống vi phạm luật duy trì tài sản quốc gia và quy định của thành phố. Mary Musselman, cũng là công dân Florida, bị giam giữ không có lệnh của tòa vì đã “cho động vật hoang dã ăn”. Musselman đã 81 tuổi, bị quản thúc sau khi bị phạt vì cho gấu ăn ở gần nhà. Brandy Berning ở Florida bị giam một đêm trong tù vì ghi âm lại cuộc đối thoại giữa cô với nhân viên cảnh sát chặn xe của cô.

Xin chào mừng đến với sự nực cười được luật pháp và trật tự của Hoa Kỳ tạo ra hiện nay, tôi đã từng chỉ ra trong cuốn sách của mình, “Chính phủ của chó sói: Sự trỗi dậy của nhà nước cảnh sát Hoa Kỳ”, là mức độ tội phạm thấp, hoạt động cảnh sát được quân sự hóa gia tăng, và người Mỹ bị trừng phạt vì sống theo kiểu không sử dụng tiện nghi đô thị, cho động vật hoang dã ăn, tổ chức nghiên cứu kinh thánh ở sân sau, trồng rau ở sân trước, thu gom nước mưa, và quay phim cảnh sát.

Những chuyện tiếp theo sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Giống như một sự mỉa mai: Chính quyền khẳng định họ có thể giám sát chúng ta dưới bất kỳ hình thức nào - nghe điện thoại, đọc trộm email và tin nhắn, theo dõi việc đi lại của chúng ta, chụp ảnh bằng lái xe, thậm chí xâm nhập vào thông tin sinh học của chúng ta trong ngân hàng DNA - nhưng nếu chúng ta định chống lại, dù chỉ là một chút ít thôi, chúng ta sẽ bị cảnh sát điều tra, bắt giam và phạt vì vi phạm những tội lặt vặt (thường là không đáng kể), và buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu.

George Thompson ở Boston bị bắt sau khi anh ta sử dụng điện thoại di động quay phim một viên cảnh sát mà anh ta nói là “mất kiểm soát”. Sinh viên đại học Texas Abie Kyle Ikhinmwi bị bắt giữ sau khi cô dùng điện thoại di động quay lại một vụ bẫy tốc độ của cảnh sát. Thiếu niên ở bang Kansas Addison Mikelson bị bắt vì quay phim một chiếc xe tuần tra phóng nhanh và không bật đèn xin nhan khi rẽ.

Leon Rosby đang quay phim vụ đối đầu với cảnh sát vào tháng 6 năm 2013, một tay cầm điện thoại và tay kia giữ con chó, ba sĩ quan tiến đến chỗ anh ta. Cảm thấy có vấn đề, Rosby đặt con chó Rottweiler 2 tuổi tên là Max vào xe ô tô. Tờ LA Times đưa tin: “Khi các sĩ quan còng tay Rosby, con chó thoát qua cửa sổ mở, sủa và lao vào các sĩ quan. Một sĩ quan cố nắm lấy dây xích chó, sau đó chĩa súng và bắn bốn phát, giết chết Max. Video ghi lại sự cố được lan truyền trên YouTube, dẫn đến sự phẫn nộ của công chúng và thu hút người biểu tình tới trụ sở của Sở Cảnh Sát”. Rosby chuẩn bị hồ sơ vụ kiện nhân quyền chống lại thành phố và 3 sĩ quan cảnh sát. 

Và người đàn ông Baltimore bị cảnh sát đe dọa sau khi họ biết anh ta quay phim họ trong khi bắt giữ. Trạm CBS địa phương tường thuật về vụ đối đầu như sau:

“Tôi được phép làm vậy”, người đàn ông nói với viên sĩ quan.

“Đi khỏi đây ngay”, viên sĩ quan trả lời.

“Anh không có quyền”, viên sĩ quan nói.

Nhưng người đàn ông không ngừng quay phim và tiếp tục tiến đến.

“Anh có thấy cảnh sát hiện diện ở đây không? Anh có thấy chúng tôi không? Chúng tôi không [văng tục] đi dạo. Anh có hiểu không? Đừng có khing thường chúng tôi và đừng có không thèm nghe lời của chúng tôi”, sĩ quan nói. “Giờ thì đi đi và ngậm miệng lại [văng tục] hoặc anh sẽ vào tù, anh có hiểu không?”

Sau khi quay đi, viên sĩ quan quay lại chỗ người đàn ông lần thứ ba, cố tóm lấy anh ta.

“Tôi cho rằng tôi có quyền tự do ngôn luận”, người đàn ông nói.

“Anh không có, Anh vừa đánh mất nó rồi”, viên sĩ quan trả lời.

Và đó là bản tóm tắt lại những gì diễn ra khi các viên chức hành pháp - không chỉ cảnh sát, mà mọi nhân viên của chính quyền được giao nhiệm vụ thi hành pháp luật, từ tổng thống trở xuống - được phép bỏ qua luật lệ khi thuận tiện. Tại những nơi mà tiêu chuẩn kép được sử dụng thì chỉ có công dân mới phải tuân thủ pháp luật, những viên chức hành pháp thì không, “khế ước xã hội” mà John Locke hình dung là nền tảng của xã hội đã đổ vỡ. Chúng ta cho phép quan chức chính quyền hoạt động ngoài pháp luật càng nhiều thì luật pháp càng nhanh chóng trở thành công cụ để trả thù chúng ta, hơn là ràng buộc và kiểm soát chính quyền như mục tiêu ban đầu.

Điều này đưa tôi quay trở lại với vấn đề người Mỹ bị bắt vì quay phim cảnh sát. Cho đến nay, điều đó chủ yếu diễn ra với những nhà báo và phóng viên ảnh, những người cố gắng ghi lại các cuộc biểu tình chính trị và sự quấy rầy của cảnh sát. Mặc dù vậy, với ưu thế của điện thoại di động về thu âm và ghi hình, các cá nhân đe dọa ghi hình cảnh sát trong những hành động đáng ngờ hoặc lạm quyền tại nơi công cộng đang ngày càng trở thành đối tượng phải chịu sự đối xử thô bạo vì những tư liệu đó. Những video đó khi được phổ biến rộng rãi, có thể trở thành công cụ đầy sức mạnh để buộc cảnh sát phải hành động cẩn trọng và buộc họ phải tôn trọng những quyền mà họ phải bảo vệ.

Tất nhiên, các nhân viên cảnh sát và liên minh của họ tìm cách cấm những video đó. Cảnh sát Massachusett đã viện dẫn một luật giám sát bang cho phép trừng phạt các hành vi quay video của công nhân như là tội ác. Do luật giám sát bang yêu cầu sự đồng thuận của “hai phía”, nên phần lớn các kiểu quay phim công khai có thể coi là bất hợp pháp. Luật tương tự cũng xuất hiện ở California, Florida, Illinois, Michigan và Pennsylvania. Luật được ban hành để bảo vệ các công dân khỏi bị giám sát theo cách xâm phạm vào đời tư, nhưng cảnh sát lại khai thác chúng để ngăn cản quyền tự do ngôn luận nhằm ngụy trang hình ảnh của họ trước công chúng. Cảnh sát cho rằng quy định đó cho phép họ ngăn cản một cách hợp pháp việc quay phim của các công dân như Jeffrey Manzelli, một nhà báo đã ghi lại hình ảnh cảnh sát đe dọa người biểu tình tại mít-ting và đã bị bắt và phạt theo luật đã nêu trên. 

Do phải mang gánh nặng chi phí kiện tụng trong những vụ cảnh sát khủng bố công dân vì không muốn các hành động của họ bị ghi hình nên một số thành phố đã cố gắng áp dụng các chính sách bảo vệ các công dân ghi hình cảnh sát. Ở Troy, N. Y. viên chức cảnh sát thành phố phải đối mặt với án phạt tiền và ngồi tù nếu họ ngăn cản người dân chụp hình hoặc quay phim họ một cách hợp pháp. Nếu được áp dụng, sắc lệnh của Troy, có mức phạt tối đa 5,000 USD và án tù tới 15 ngày đối với các viên chức vi phạm, sẽ là luật đầu tiên của quốc gia này về việc cấm cảnh sát ngăn cản công dân quay phim hay chụp ảnh hoạt động của họ. Sau khi phải thanh toán 200,000 USD thì sở cảnh sát Indianapolis sẽ sớm phải nhắc nhở các viên chức của họ rằng công dân có quyền quay phim các nhân viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Đó là trường hợp một công dân Indianapolis 66 tuổi bị quật ngã xuống đất, bắt giữ và phạt vì chống lại việc bắt giữ, gây rối trật tự và say rượu nơi công cộng (ông ấy được chứng minh không có tội này) sau khi sử dụng điện thoại di động ghi hình cảnh sát bắt giữ một thanh niên trên đường ô tô trong khu ông ấy ở.

Hiện nay đang có phong trào yêu cầu cảnh sát phải mang theo camera theo dõi của công sở để ghi lại những gì các viên chức cảnh sát nhìn thấy 

Tòa án ủng hộ quyền của những nhân chứng quay phim, mặc dù chính quyền muốn đặt những hành động đó ra ngoài pháp luật. Vào năm 2012, Tòa Tối Cao Hoa Kỳ từ chối xét xử vụ kháng án về luật nghe trộm của Illinois, luật đó trừng phạt việc quay phim các nhân viên hành pháp như tội ác cấp độ một [chú thích: ví dụ như tội giết người, hãm hiếp] với mức án có thể lên đến 15 năm tù.

Năm 2013, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đưa ra báo cáo về vụ án Mannie Garcia v. hạt Montgomery, Md., tuyên bố rằng các cá nhân không chỉ có quyền quay phim các viên chức khi thi thành công vụ theo Tu Chính Án Thứ Nhất, mà theo Tu Chính Án Thứ Tư và Thứ Mười Bốn họ còn có quyền không bị bắt giữ mà không có lệnh của tòa án. Trường hợp của Garcia là một nhà báo bị bắt giữ và phạt tội gây rối trật tự vì quay phim cảnh sát bắt giữ hai người đàn ông. Theo hồ sơ vụ kiện, cảnh sát “ấn Garcia vào xe cảnh sát, còng tay anh ta, làm anh ta ngã ra sàn bằng cách đá văng chân của anh ta, chế nhạo anh ta và đe dọa sẽ bắt giữ vợ anh ta nếu cô ấy tới nhặt camera, thu giữ thẻ nhớ và không bao giờ trả lại.”

Vấn đề như tòa thượng thẩm Hoa Kỳ khu vực số 7 khẳng định vụ trong Payne v. Pauley là “nhân viên cảnh sát phải bị trừng phạt nặng hơn các thường dân và phải kiềm chế khi va chạm với công chúng” và “không được đưa ra bất kỳ sự đe dọa hay từ ngữ hoặc cử chỉ lăng mạ, hay ám hiệu gây rối nào”

Sự phức tạp mà chúng ta phải đối mặt là viên chức cảnh sát ngày càng chỉ bị trừng phạt nhẹ, ít kiềm chế hơn trong va chạm với công chúng, và sử dụng mọi loại từ ngữ, cử chỉ hay ám hiệu đe dọa. Trong thế giới lý tưởng, cảnh sát được coi là những đầy tớ của công chúng, họ là đối tượng bị ghi hình và giám sát khi thi hành công vụ. Nhưng thực tế hoàn toàn khác với thế giới lý tưởng. Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải tiếp tục bảo vệ quyền của mình, ghi hình cảnh sát khi có cơ hội, và nhắc nhở một cách lịch sự bất cứ viên chức đối đầu nào rằng họ là đầy tớ của công chúng, và hành vi của họ là đối tượng kiểm tra của công chúng. Nếu họ không đồng ý và ngăn cản chúng ta quay phim, chúng ta có thể viện dẫn Hiến Pháp Hoa Kỳ, thứ mà họ đã thề sẽ tuân thủ, thứ bảo vệ quyền được quay phim các sự kiện liên quan đến lợi ích công cộng. Và nếu họ tiếp tục chống lại bằng cách dọa tống người ta vào tù vì họ không thích sự minh bạch và trách nhiệm, họ có thể trả lời trước tòa án.

Mục tiêu là đi đến trạng thái mà chúng ta có thể giám sát quan chức chính quyền, thay vì bỏ qua. Như quan tòa Louis D. Brandeis đã nhận xét, “Ánh sáng mặt trời là có thể nói là chất tẩy uế tốt nhất; ánh sáng điện là nhân viên cảnh sát hiệu quả nhất.”

Monday, April 14, 2014

Cảnh sát giết thường dân thì sao?

Chuyện cảnh sát lạm quyền giết người diễn ra không chỉ ở Việt Nam. Ngay cả ở Hoa Kỳ, xứ sở tự xưng là tự do dân chủ và công bằng nhất thế giới cũng vậy. Nếu như ở Việt Nam nạn nhân bị đánh bằng dùi cui thì ở Hoa Kỳ họ bị bắn bằng súng. Tất nhiên ở đâu thì nạn nhân cũng chết còn cảnh sát thì không sao cả, hoặc là chỉ nhận một mức án rất nhẹ.

Tháng trước, cảnh sát ở Albuquerque bang New Mexico đã bắn chết James Boyd, một người vô gia cư cắm trại dưới chân đồi bên ngoài thành phố. Vụ giết người của cảnh sát đã được quay video và đưa lên Youtube. Hơn một triệu người đã xem video đó. Nhiều cảnh sát mặc áo chiến đấu, đội mũ quân sự và mang súng trường tấn công có kính ngắm, bao vây một người vô gia cư đơn độc. Họ bắn lựu đạn gây lóa vào anh chàng khốn khổ đó, xua chó cắn anh ta, sau đó bắn tám phát đạn vào lưng anh ta, tiếp tục nã một phát đạn phá mảnh vào thân hình bất động của anh ta, rồi lại xua chó cắn.

Đó không phải là vụ duy nhất ở thành phố ấy. Từ năm 2010 tới nay chỉ riêng ở Albuquerque đã xảy ra 23 vụ cảnh sát bắn chết người.

Đó cũng không phải là vụ duy nhất ở Hoa Kỳ. Chỉ một ngày sau đó, cảnh sát Albuquerque bắn chết một người đàn ông khác. Alfre Lionel Redwine, 30 tuổi bị bắn chết bên ngoài một khu tổ hợp căn hộ. Ngay hôm sau ngày Redwine bị bắn chết, cảnh sát ở Spokane, Washington bắn chết một người đàn ông 30 tuổi khác tên là Steven C. Cordery khi anh ta rời khỏi nhà theo lệnh của cảnh sát. Ngày 14 tháng 1, cảnh sát bắn vào phía sau Manuel Orosco Longoria lúc anh ta giơ tay lên đầu khi bị chặn xe ở Phoenix, Arizona. Vào ngày 14 tháng 1, cảnh sát đánh chết Luis Rodriguez, 44 tuổi ở Moore, Oklahoma sau khi anh ta bị kêu gọi chịu trách nhiệm về việc đánh vợ và con gái.

Dường như cảnh sát Hoa Kỳ đang ngày càng trở lên bạo lực hơn. Năm 2011, cảnh sát địa phương Los Angeles bắn chết 54 người, nhiều hơn năm 2010 tới 70%. Từ năm 2008 đến 2013, số người bị cảnh sát Massachuset bắn tăng lên hàng năm. Năm 2012, cảnh sát New York bắn chết 16 người. Các đồng nghiệp ở Philadenphia vượt xa New York với việc hạ sát 52 mạng. 

Trong một thập kỷ qua, có tới 5000 người Mỹ bị cảnh sát giết hại, gấp 8 lần số người chết bởi khủng bố. Cảnh sát Hoa Kỳ giết hại nhiều thường dân hơn cả khủng bố, đó có lẽ không phải là chuyện đùa. Các cảnh sát giết người ở Hoa Kỳ hầu như không bị truy tố, những cảnh sát gây ra các vụ giết người hầu hết chỉ bị tạm nghỉ việc có lương để điều tra. Năm ngoái, cảnh sát Los Angeles khi truy đuổi can phạm đã nhầm một chiếc xe đưa báo của hai bà già là mục tiêu, họ đã không kiểm tra mục tiêu mà bắn vào đó hơn 100 viên đạn. Sở cảnh sát Los Angeles phải bồi thường 4,7 triệu USD, nhưng các nhân viên cảnh sát chỉ bị đưa đi đào tạo lại sau đó được tái bổ nhiệm. Vài tháng sau đó, viên cảnh sát Chicago tên là Gilardo Sierra, sau khi gặp vấn đề về nổ súng sáu tháng trước được tiếp tục tuần tra, đã bắn 16 phát đạn vào một người dân không có vũ trang. Cho đến nay Sierra vẫn được tự do. Viên cảnh sát bắn chết một thiếu niên13 tuổi cầm súng đồ chơi ở Santa Rosa chỉ bị tạm nghỉ điều tra hai tháng, sau đó đã quay trở lại làm việc.

Cảnh sát ở nhiều bang của Hoa Kỳ ưa chuộng trò giết người vô gia cư theo kiểu "bắn gà tây". Chính quyền các bang thường lờ chuyện đó đi vì giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng những người vô gia cư rất tốn kém. 17,000 sở cảnh sát không hề công bố thông tin về việc sử dụng bạo lực và chính quyền liên bang cũng không quan tâm thu thập thông tin đó một cách nghiêm túc. Mặt khác, chính quyền lại rất sốt sắng thu thập thông tin về bạo lực của công dân, để lấy cớ gia tăng ngân sách cho an ninh.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, các phương pháp trấn áp bằng bạo lực vốn chỉ được sử dụng ở Afghanistan, Iraq, Lybia đã được áp dụng ở Hoa Kỳ. Cảnh sát đang được quân sự hóa, 500 xe bọc thép chiến đấu bị loại khỏi Trung Đông đã được chuyển giao cho cảnh sát. Xe bọc thép được gắn súng máy bắn đạn cỡ 50, súng phóng lựu tự động, đã được trang bị cho các đội SWAT ở các đô thị. Chắc chắn những vũ khí nguy hiểm đó không dùng để làm cảnh.

Cho đến nay nguyên nhân của tình trạng việc cảnh sát bắn chết thường dân ngày một phổ biến ở Hoa Kỳ vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết. Song có một số ý kiến đề cập tới các nguyên nhân sau:

- Hàng ngũ cảnh sát thu hút những kẻ đầu gấu, những kẻ có vấn đề về xã hội và tâm lý.

- Cảnh sát không phải chịu trách nhiệm về việc mà họ làm.

- Cảnh sát được chính quyền liên bang quân sự hóa, được trang bị vũ khí quân sự, và được huấn luyện phải coi công chúng là kẻ thù.

- Chính sách chống khủng bố của chính quyền Bush/Cheney/Obama coi mọi người Mỹ là nghi phạm.

- Chính sách phân biệt chủng tộc, tôn giáo của Hoa Kỳ khiến cảnh sát có cơ hội lạm quyền.

- Sự bất lực của các chính quyền địa phương trước nạn nghèo khổ ngày càng gia tăng, dẫn đến bất ổn xã hội, do đó cảnh sát được trao quá nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát.

Còn rất nhiều nguyên nhân nữa có thể đề cập, nhưng nói chung là chưa có nguyên nhân nào thật sự thuyết phục. 

Đó là ở Hoa Kỳ, còn ở Việt Nam thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng công an đánh chết thường dân? Khó có thể trả lời được. Có một điều chắc chắn là ngành công an hiện nay không phải thu thập và công bố thông tin về tình trạng bạo lực của công an, cũng như không phải đưa ra kế hoạch bất cứ kế hoạch nào để giảm thiểu tình trạng đó. Một số người tự xưng là dân chủ luôn dựa vào những trường hợp cụ thể để lên án ngành công an và đả kích chính quyền, đó không phải là đấu tranh, đó là phá hoại. Muốn thay đổi tình hình thì thay vì tập trung vào những vụ án cụ thể, người dân cần phải yêu cầu chính quyền thu thập, công bố thông tin và đấu tranh cho một chính sách bài trừ bạo lực của công an. Chỉ khi nào người dân biết phải yêu cầu chính sách thay cho một bản án, lúc đó mới có thể hy vọng về một tương lai tốt đẹp.