Monday, December 26, 2016

Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

Các phe phái chống cộng đều có một lập luận chung rằng: Chủ nghĩa xã hội là một ảo tưởng chỉ có chủ nghĩa tư bản là hiện thực vì vậy Việt Nam cần phải từ bỏ ảo tưởng và đi theo hiện thực. Hoặc tinh vi hơn thì sẽ sử dụng hình mẫu các nước Bắc Âu để nói rằng có một con đường thứ ba, kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ hay nhân quyền, tạo ra hạnh phúc ấm no. Tóm lại, tất cả những gì cần thiết là đi theo chủ nghĩa tư bản dưới hình thức này hay hình thức khác.

Đối với các vị tư sản thì trước kia có lịch sử nhưng khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện thì lịch sử chấm hết. Loài người mãi mãi dừng lại chủ nghĩa tư bản. Hãy thử tưởng tượng, bạn quay về đế quốc La Mã và nói với họ rằng xã hội chiếm hữu nô lệ trên đỉnh cao văn minh nhân loại của họ sẽ bị các bộ tộc German dã man đánh bại và thay thế nó bằng một chế độ khác. Những người La Mã văn minh ấy sẽ trả lời bạn hệt như các vị tư sản ngày nay. Hoặc gần hơn nữa, hãy nhớ lại lập luận của các vị tư sản khi họ treo cổ đám vua chúa phong kiến lên, mặc dù đám vua chúa và quý tộc phong kiến ấy giàu sang và có học hơn họ nhiều. Lúc đó nếu ai dám nói với họ rằng chế độ tư bản chỉ là ảo tưởng, chỉ có các triều đình phong kiến là hiện thực thì chỗ của người đó sẽ là trên giá treo cổ, bên cạnh vua chúa và quý tộc các loại.

Trước hết, chủ nghĩa xã hội không phải là ý tưởng kỳ quái từ đâu đó sinh ra, đó là quy luật của xã hội loài người, đó là quy luật của lịch sử, nó sinh ra khi chủ nghĩa tư bản đạt đến mức độ phát triển nhất định, ngay chính trong lòng xã hội tư bản với tư cách là sự thay thế chế độ tư bản. Quy luật ấy sẽ phải được thể hiện bằng sự lựa chọn của một số quốc gia nhất định bởi vì chủ nghĩa tư bản đã củng cố và tạo ra các biên giới quốc gia thống nhất thay cho các lãnh địa phong kiến tản mạn xưa kia.

Tại sao người Việt Nam lựa chọn chủ nghĩa xã hội mà không chọn chủ nghĩa tư bản?

Chủ nghĩa tư bản phát triển đến mức độ nhất định tại một số quốc gia thì nó sẽ phá hoại những điều kiện phát triển bình thường tại một số quốc gia khác khiến cho những quốc gia bị phá hoại không thể phát triển lên chủ nghĩa tư bản được nữa. Nếu các ngài tư sản có nói với bạn rằng hãy chọn con đường tư bản để được giàu có và hạnh phúc thì bạn hãy chỉ cho các ngài ấy thấy ngoài Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản chưa từng thành công ở bất cứ đâu, đa phần các nước khác hoặc là chìm trong đói nghèo lạc hậu của một xã hội đứng ở ngưỡng cửa của chủ nghĩa tư bản hoặc phải sử dụng một phiên bản không hoàn thiện của chủ nghĩa tư bản. Việt Nam là một nạn nhân của chủ nghĩa tư bản thời đại đế quốc, bom đạn, văn minh, dân chủ, nhân quyền phương Tây đã gần như đưa xứ sở của chúng ta về thời đồ đá, rất tiếc là họ không được như ý vì chúng ta đã tiến vào thời đại đồ nhôm. Con đường chủ nghĩa tư bản đã khép lại từ lâu và không hứa hẹn đem lại bất cứ thứ gì tốt đẹp cho Việt Nam. Lịch sử đã không cho chúng ta chọn chủ nghĩa tư bản.

Kể từ khai sinh cho đến nay, chủ nghĩa tư bản đã đạt đến độ chín của nó. Hãy nhớ rằng khi La Mã bị người German dã man đánh bại thì La Mã phát triển hơn German rất nhiều, sở dĩ có điều đó là bởi vì chế độ chiếm hữu nô lệ của La Mã đã mất hết động lực phát triển và trở thành gánh nặng. Chủ nghĩa tư bản ngày nay cũng vậy, các nước tư bản vẫn giàu có hùng mạnh và có thể hùng hổ bắt nạt cả thế giới, nhưng trong căn nguyên của chủ nghĩa tư bản thì cái quan hệ sản xuất của nó đã lạc hậu và mất hết động lực phát triển. Xưa kia khi quan lại phong kiến cố gắng bám lấy chế độ phong kiến trước sự đe dọa của chủ nghĩa tư bản bằng những lý lẽ nào thì giờ các vị tư sản lại bám lấy chế độ tư bản bằng những lý lẽ y hệt. Lý trí sáng suốt nào lại cho phép chúng ta bám lấy những gì đang suy tàn mà từ bỏ cái mới tốt đẹp hơn đang hình thành. Không, chính lý trí đã giúp người Việt có được sự lựa chọn sáng suốt. Cũng cần phải nói thêm rằng nếu không có cái lý trí sáng suốt ấy thì người Việt Nam cũng như nước Việt Nam thậm chí còn không tồn tại. Nỗi nhục nước bị xóa tên trên bản đồ, người Việt phải nói tiếng Pháp thay cho tiếng mẹ đẻ chẳng phải là mới ngày hôm qua thôi sao?

Chủ nghĩa tư bản phát triển dựa trên quan hệ giữa các cá nhân độc lập với tư cách chủ sở hữu hàng hóa, quan hệ giữa họ là mua bán. Những phương thức sản xuất khác thì không dựa trên việc mua bán hàng hóa nên buộc phải dựa vào các mối quan hệ gia tộc, huyết thống và sự mở rộng nhất định của các thiết chế mang tính tập thể. Khi các chủ nghĩa tư bản phát triển thì Việt Nam mới ở vào giai đoạn tan rã của chế độ phong kiến vì vậy các quan hệ xã hội và thiết chế mang tính tập thể của người Việt Nam vẫn còn rất mạnh. Chính yếu tố đó khi được trui rèn trong lò lửa của cách mạng vô sản và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc suốt nửa sau thế kỷ 20 đã nuôi dưỡng trong lòng xã hội Việt Nam cái hạt nhân mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội. Lý trí của người Việt bắt nguồn từ hiện thực của người Việt chứ không phải là một ảo tưởng sùng bái vĩ nhân hay học thuyết ngoại lai nào đó. 

Nói tóm lại, lịch sử đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam vì trong lòng xã hội Việt Nam đã mang sẵn những mầm mống của nó, cho dù nước Việt Nam vẫn còn chưa được giàu mạnh. Hãy nhìn lại lịch sử! Chẳng phải các bộ tộc người German dã man đã đánh bại La Mã thần thánh đó sao? Chẳng phải thương nhân Hà Lan đã đánh bại cả triều đình Habsburg lẫn đế quốc Tây Ban Nha hùng mạnh để giành độc lập sau 80 năm kháng chiến gian khổ ngay giữa lúc chế độ phong kiến châu Âu đạt tới đỉnh cao đó sao? Cần phải nói thêm rằng cũng chính người Hà Lan đã đưa William Orange lên ngai vàng nước Anh (để làm đồng minh chống lại Tây Ban Nha), mở đường cho nước Anh rệu rã sau này trở thành đế quốc của thời đại tư bản.

Để hình thành xã hội tư sản thì giai cấp tư sản của nó phải đủ mạnh, nhưng chính bản thân giai cấp tư sản ở Việt Nam lại chưa bao giờ đủ mạnh và độc lập. Giai cấp tư sản Việt Nam hình thành nhờ vào vai trò trung gian giữa đế quốc và người bản địa, thế nên dưới chế độ thuộc địa thì giai cấp tư sản hoàn toàn lệ thuộc vào đế quốc. Khi chế độ thuộc địa bị đập tan thì giai cấp tư sản cũng nhanh chóng tan rã, những mảnh còn lại của nó buộc phải bám lấy giới tiểu thương thành thị, nông dân giàu và trí thức. Sau này, khi kinh tế thị trường được phát triển trở lại ở Việt Nam, giai cấp tư sản bắt đầu hồi phục, nhưng vì không có truyền thống thống trị độc lập nên hệ tư tưởng của giai cấp này cũng không độc lập, nó phân tán và chịu đủ sự chi phối từ các tầng lớp khác, khi phải đối mặt với sự tổ chức và tính kỷ luật đã được rèn rũa bằng cách mạng của giai cấp vô sản thì nó hoàn toàn bất lực. Chính hoàn cảnh lịch sử này đã phản ánh vào tâm thức của một bộ phận tầng lớp trí thức ở Việt Nam. Trên thực tế họ là cái loa của giai cấp tư sản do đã bị tư sản hóa, do những mảnh của giai cấp tư sản ẩn náu trong họ. Sự yếu đuối bế tắc, không có tư tưởng độc lập của giai cấp tư sản được thể hiện thành những luận điệu lải nhải về sự ngu dốt thấp kém của người Việt nói chung, mặc dù đó thực ra là của giai cấp tư sản Việt Nam.

Chính người lao động Việt Nam đã chứng minh được trí tuệ và bản lĩnh của họ trong suốt nửa thế kỷ qua, những người nông dân chân lấm tay bùn, những người thợ nhem nhuốc dầu mỡ, những anh giáo làng nhút nhát đã bằng chính đôi tay của mình quật ngã những đế quốc sừng sỏ nhất của thế kỷ 20, ngay giữa thời đại phát triển thịnh vượng nhất của họ. Đó chẳng phải bản lĩnh và trí tuệ đó sao? Để làm được điều đó thì chẳng phải cần đến sự tổ chức cũng như kỷ luật sắt đá đó sao? Hãy nhớ rằng đó là kỷ luật của máu, còn cao hơn kỷ luật của ngọn roi cá đuối thời đại chiếm hữu nô lệ và kỷ luật của cái đói trong chế độ tư bản! Thật nực cười khi nói rằng người Việt Nam không biết tổ chức cũng như không có kỷ luật. Hãy nhớ rằng khi những kẻ giàu có đu càng máy bay trực thăng chạy trốn thì chính những người lao động lầm than đã xây dựng lại đất nước Việt Nam từ đống tro tàn trong cảnh bị đe dọa, bao vây, cấm vận và vẫn phải cầm khẩu súng chiến đấu. Giai cấp vô sản Việt Nam hình thành chậm hơn và thiếu sự phát triển hơn so với giai cấp vô sản ở các nước tư bản phát triển nhưng họ mang trong mình hạt nhân cách mạng mà ít có giai cấp vô sản ở các quốc gia khác có được, đó là lý do khiến nước Việt Nam vẫn còn đứng vững đến nay, ngay cả khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ.

Hoàn cảnh lịch sử ấy cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã đẩy xã hội Việt Nam vào một giai đoạn đặc biệt đáng chú ý trong lịch sử, có thể gọi nôm là "đánh võ mồm" hay "bàn phím chiến".

Sợ hãi trước trí tuệ và bản lĩnh của người lao động Việt Nam, giai cấp tư sản cũng như những kẻ tay sai của họ không ngừng tìm cách bôi nhọ người Việt Nam (nực cười thay, khi đó họ không xem bản thân là người Việt, hệt như Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại). Họ không ngừng lôi ra những cái gọi là thói hư tật xấu của người Việt Nam và so sánh với những gì gọi là văn minh, tốt đẹp của phương Tây (theo chủ nghĩa tư bản). Chuyện này đã khiến rất nhiều người bị nhầm lẫn. Nhưng hãy hình dung bằng một ví dụ đơn giản, một đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn, bố mẹ nó không khá giả lắm thì sẽ mua cho nó bộ quần áo rộng một chút để nó có thể mặc được lâu. Đứa bé mặc bộ quần áo rộng thùng thình thì trông sẽ rất xấu xí, không thể so sánh với những đứa bé con nhà giàu mặc bộ quần áo vừa vặn được. Nhưng những người hiểu biết liệu có chê bai chế nhạo đứa bé kia về bộ quần áo rộng và bộ dạng chả mấy đẹp đẽ của nó không? Chắc chắn không có người hiểu biết nào lại làm cái điều ngớ ngẩn đó. Xã hội Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nó tạo ra hàng sa số những xung đột giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, hàng sa số những vấn đề mà hiện tại không có cách nào giải quyết được, nhất là khi các điều kiện cần thiết để giải quyết chúng chưa xuất hiện. Những hiện tượng đó cho thấy xã hội Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng. Tranh luận và cãi cọ về những thứ đó chỉ tốn thời gian và chẳng đem lại lợi ích gì. Thậm chí chính tư duy của cái bộ phận dân cư không ngừng nguyền rủa và hạ nhục người Việt nói chung kia cũng là sản phẩm của hoàn cảnh ấy, nó thể hiện sự bất lực và thiếu hiểu biết của họ trước những xung đột xã hội và nó cũng sẽ tan biến khi những xung đột ấy chấm dứt. Ở đây lý trí của người vô sản bình thường sẽ mách bảo cho bạn biết rằng những gì bạn cần làm lúc này là chọn xem vấn đề nào giải quyết được và giải quyết vấn đề đó chứ không phải đứng đó gào thét và chửi bới cái mớ hỗn độn quanh bạn. 

Cần phải trả lời cái luận điệu "Phương Tây là văn minh và tốt đẹp, hãy học họ để văn minh và tốt đẹp chứ đừng biện minh cho bản thân bằng những vấn đề của họ" ra sao? Rất đơn giản, luận điểm đó dựa trên hai giả định, thứ nhất là phương Tây văn minh tốt đẹp hơn Việt Nam, thứ hai là những cái văn minh và tốt đẹp ấy không gắn liền với các vấn đề của họ. Điều thứ nhất bạn có thể chứng minh rằng đó là tâm thức của những kẻ nô lệ, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy phương Tây văn minh tốt đẹp hơn và phải "Thoát Á" hay "Thoát Trung", đó là điều nhảm nhí. Cái tâm thức ấy rất điển hình của giai cấp tư sản và một bộ phận trí thức Việt Nam, họ làm trung gian giữa các đế quốc phương Tây và người Việt thế nên sự siêu việt của văn minh phương Tây đảm bảo cho địa vị đặc quyền của họ và do đó họ sẽ phủ nhận mọi sự tốt đẹp của người Việt (vì điều đó đe dọa địa vị của họ). Phần thứ hai cũng có thể chứng minh đơn giản, các vấn đề của phương Tây gắn liền với những cái gọi là văn minh và tốt đẹp của phương Tây, đi theo con đường của phương Tây (hay chủ nghĩa tư bản) là chấp nhận những thứ đó. Hãy vạch mặt giai cấp tư sản và tay sai của giai cấp tư sản bằng cách ấy. Hãy hiểu rằng cái mà giai cấp tư sản Việt Nam muốn là chủ nghĩa tư bản phương Tây, còn tất cả những gì tệ hại như thất nghiệp, bần cùng, tội phạm, tàn phá môi trường, khủng hoảng kinh tế, sự tha hóa của nhân cách thì giai cấp vô sản sẽ phải gánh chịu, thế nên chúng sẽ luôn phớt lờ những mặt trái của xã hội phương Tây để ca ngợi những thứ phù hợp với lợi ích của chúng. Hãy luôn nhớ rằng giai cấp công nhân và nông dân sẽ phải gánh chịu toàn bộ những thảm họa đó, nếu giai cấp tư sản thành công trong việc thay đổi hướng đi của đất nước này.

Sunday, October 16, 2016

Xã hội và quan hệ xã hội

Cách đây không lâu, rất nhiều trang mạng nước ngoài và quốc tế phát tán một câu chuyện kiểu giả khoa học xuất phát từ một mạng xã hội chuyên về chuyện hài hước mô tả một thí nghiệm về khỉ và dùng nó để minh họa cho việc đàn áp vô lý các ý kiến khác biệt trong xã hội loài người. Dưới đây là câu chuyện ấy.

Đọc toàn bộ câu chuyện ở đây
Điều căn bản phi lý trong câu chuyện này chính là giả định đám khỉ sẽ đánh con khỉ nào muốn leo lên lấy chuối. Đó là điều không bao giờ xảy ra trong xã hội loài người và chính điều đó đã ngầm giả định sự đàn áp các quan điểm khác biệt. Câu chuyện này trở thành một mớ nhảm nhí theo kiểu sự đàn áp tồn tại vì có sự đàn áp và giải pháp của nó là một thứ khôi hài không tưởng theo kiểu hành vi tâm thần của sự nghiện ngập "like và share" trên mạng xã hội: Hãy chia sẻ và mọi người sẽ nghĩ khác, khi mọi người nghĩ khác thì mọi thứ sẽ khác!

Quan hệ giữa những con người là quan hệ xã hội và quan hệ xã hội sẽ trở thành một phần của bản chất tự nhiên trong con người. Hãy chú ý điều này: Kinh tế học luôn giả định con người là homo economicus, tức là một kiểu con khỉ vị kỷ chỉ biết đến bản thân khi so sánh giữa chuối và nước lạnh, khi làm điều đó nó buộc phải giả định rằng vị tha không tồn tại, tức là một ông bố sẽ không hy sinh gói thuốc lá của mình để mua sữa cho đứa con nhỏ đang đói. Thứ giả khoa học của chủ nghĩa tư bản hình dung con người là một con vật vị kỷ, do vậy nó dùng con vật để thay thế cho con người trong mọi câu chuyện.

Xã hội con người sẽ hoàn toàn khác với xã hội khỉ được mô tả trong thí nghiệm giả khoa học kia.

1-Xã hội có giai cấp 

Khi đám khỉ biết rằng một con khỉ trèo lên lấy chuối thì những con còn lại sẽ bị xịt nước lạnh, chúng sẽ làm gì? Chúng sẽ cắt cử một con khéo léo nhanh nhẹn nhất leo lên thật nhanh lấy chuối xuống để chia cho tất cả cùng ăn, cả đám còn lại sẽ cùng chịu nước lạnh và sau đó cùng ăn chuối.

Chuyện đó là bình thường cho đến khi con khỉ chuyên lấy chuối kia tưởng rằng chuối có được là nhờ sự thông minh khéo léo của nó còn những kẻ còn lại chỉ là những kẻ khốn khổ ăn bám không hơn không kém. Nó sẽ thể hiện uy quyền bằng cách ăn phần lớn chuối và chỉ chia phần nhỏ cho những con còn lại. Tất nhiên những con khỉ còn lại sẽ bất bình, chúng sẽ tìm cách thay thế con khỉ đó bằng một con khỉ khác công bằng hơn. Song cái cơ chế đó đã hình thành, những con khỉ đi lấy chuối bao giờ cũng là tầng lớp đặc quyền và đặc quyền đó được xây dựng dựa trên sự chịu đựng đau khổ của đông đảo quần chúng. Mọi con khỉ đi lấy chuối có công bằng vô tư đến đâu thì cái cơ chế xã hội tồn tại vẫn luôn đảm bảo địa vị đặc quyền của chúng và sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ ăn bám cặn bã. Điểm mấu chốt này giải thích sự duy tâm và bảo thủ của câu chuyện giả khoa học về lũ khỉ trong bức hình minh họa nói trên. Một mặt, nó thay thế quan hệ xã hội bằng lợi ích và niềm tin cá nhân. Mặt khác, nó khẳng định lối thoát là sự giải phóng của lợi ích và niềm tin cá nhân. Sự phi lý nằm ở chỗ: Nó giả định sẵn cái mà nó cần phải chứng minh. Sự bảo thủ của nó nằm ở chỗ: Nó lảng tránh quan hệ xã hội, coi quan hệ xã hội là một thuộc tính tự nhiên vĩnh viễn không thể thay đổi, do vậy nó thần thánh hóa và bảo vệ cái trật tự mà nó vờ như đang chống lại.

2-Xã hội không giai cấp

Khi xã hội loài khỉ tiến hóa đến một mức độ nhất định, lũ khỉ sẽ thay đổi cách tổ chức. Mỗi con khỉ sẽ đều phải lần lượt leo lên lấy chuối xuống chia cho cả nhóm cùng ăn và tất nhiên là con nào cũng chịu bị phun nước lạnh. Chúng sẽ cười vào mũi đám nhà khoa học dốt nát đang cố tìm hiểu chuyện gì xảy ra, đôi khi chúng sẽ thí nghiệm trở lại xem đám nhà khoa học kia sẽ làm gì khi chúng dự trữ chuối để ăn hay không thèm leo lên lấy chuối ngay cả khi bị phun nước lạnh, từ đó chúng sẽ thay đổi cách tổ chức hành động cho hiệu quả hơn. Mỗi con khỉ đều đạt tới trạng thái tự do khi tham gia vào mọi công việc chung của xã hội. Một mặt chúng có những quyền lợi và nghĩa vụ, thậm chí cả sự đau khổ ràng buộc với xã hội, nhưng mặt khác chúng không còn lệ thuộc vào những cá thể nhất định nữa. Sự xung đột chấm dứt, không còn bất cứ con nào phàn nàn về nước lạnh hay vấn đề công bằng khi chia chuối. Mọi ý kiến bất đồng đều nhanh chóng được giải quyết do mỗi thành viên trong xã hội đều có đầy đủ trải nghiệm và công cụ để kiểm chứng những ý kiến đó, chỉ trên cơ sở đó, những ý kiến khác biệt mới được tôn trọng triệt để. Đây là xã hội có ý thức, con người đã tách hoàn toàn khỏi trạng thái nguyên thủy. 

Để chống lại tình trạng những kẻ đặc quyền đặc lợi ăn bám vào xã hội thì mấu chốt không phải là thay thế kẻ đặc quyền này bằng kẻ đặc quyền khác, mà là xóa bỏ mọi đặc quyền. Việc xóa bỏ đặc quyền đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội khiến cho tất cả mọi người đều phải tham gia vào mọi công việc chung của xã hội và được hưởng lợi ích từ đó. 

3-Cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng

Từ khi một xã hội không giai cấp, chấm dứt mọi đặc quyền bắt đầu hình thành thì tầng lớp đặc quyền sẽ không thể ngồi yên, chúng sẽ tìm mọi cách chống lại điều đó để bảo vệ địa vị của mình. 

Khi những con khỉ bắt đầu tổ chức theo xã hội không giai cấp thì tất cả những thành phần tinh hoa của xã hội cũ sẽ gào thét, chúng sẽ ồn ào về sự phi lý, những hậu quả của hành động trái ngược với bản chất tự nhiên, với sự khéo léo của những con khỉ chuyên lấy chuối, với sức chịu đựng bền bỉ của những con khỉ chuyên chịu nước lạnh. Một mặt chúng sẽ đề cao sự công bằng bình đẳng, mặt khác chúng tuyên bố cái trật tự hiện có là tự nhiên, bất cứ ý kiến nào đòi thay đổi cái trật tự đó đều là ngu xuẩn và độc ác. Mọi sự tiến bộ đều có thể tiến lên bằng cách thay đổi tư duy hay nhận thức của mỗi cá thể chứ không phải là thay đổi quan hệ xã hội giữa các cá thể đó. Hãy đừng ngạc nhiên khi thấy có những xã hội đề cao ý kiến cá nhân nhất cũng chính là những xã hội đàn áp ý kiến cá nhân bậc nhất, bởi vì sự tự do đó không dành cho tất cả mọi người.

Không phải ở đâu những con khỉ thuộc tầng lớp đặc quyền cũng có thể to tiếng, nhất là khi những con khỉ còn lại đã có tổ chức tốt, việc tạo dựng xã hội mới cũng đồng nghĩa với việc đánh bại, đàn áp những kẻ thống trị bảo thủ của xã hội cũ. Đó là điều không thể tránh khỏi. Ở đây sẽ xuất hiện một bộ phận phản động bậc nhất, chúng sẽ nhân danh tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến để chống lại việc xây dựng xã hội mới. Tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến có nghĩa là tự do bảo vệ trật tự xã hội cũ của những kẻ đặc quyền và do vậy đối với những kẻ đặc quyền sẽ là giá trị tốt đẹp nhất của xã hội hiện tại. Lúc này, mấu chốt để xây dựng xã hội mới không phải là đấu tranh cho tự do ngôn luận hay bất đồng chính kiến mà là tiêu diệt chúng.

4-Lời kết

Quay trở lại với câu chuyện trong hình minh họa, tất cả thực tiễn của xã hội đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại sự phi lý trong việc đàn áp ý kiến khác biệt được minh họa bằng một thí nghiệm giả tưởng với khỉ, do vậy, chìa khóa để thay đổi là mọi ý kiến khác biệt đều phải được tôn trọng và khuyến khích. Song chỉ khi nào người ta đặt câu chuyện giả khoa học theo kiểu ngụ ngôn này vào bối cảnh lịch sử của xã hội loài người thì ý nghĩa xã hội của nó mới bộc lộ rõ, cả sự bảo thủ cũng như phản động của nó. 

Cách đây hơn một thế kỷ, những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã nhấn mạnh rằng: Thực tiễn là tiêu chuẩn của nhận thức! Chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được nhận thức và quyết định được nhận thức, do vậy dưới chủ nghĩa tư bản, một bộ phận dân chúng bị tha hóa và tách ra khỏi hiện thực xã hội, mất đi khả năng kiểm chứng nhận thức của bản thân và bị lệ thuộc vào nhận thức của kẻ khác (một ví dụ cụ thể: đám đông bị truyền thông định hướng). Trong hoàn cảnh ấy, tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến thực ra là sự mất tự do về ngôn luận và sự mất tự do về bất đồng chính kiến. Việc đề cao tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến lúc này luôn đi cùng với sự phê phán ý thức thấp kém, lệ thuộc, quần chúng ngu dốt hay các tệ nạn a dua, anh hùng bàn phím, giống như hai mặt của một đồng xu vậy. Khi các quyền tự do bị tách ra khỏi cơ sở thực tiễn xã hội thì chúng trở thành sự bảo thủ và phản động, chúng sẽ giúp cho những thế lực thống trị của xã hội tiếp tục duy trì sự nô dịch đối với quần chúng lao động, buộc quần chúng lao động phải phụ thuộc vào chúng. Khi sự phê phán ý thức tách rời khỏi thực tiễn xã hội (tức là không đi cùng với sự giải phóng người lao động) thì chúng cũng trở thành phản động vì chúng không thay đổi nhận thức của quần chúng lao động để phục vụ cho việc giải phóng họ mà ngược lại củng cố sự thống trị của tầng lớp có đặc quyền về ý thức và giáo dục. Điều khôi hài ở chỗ này mà có thể người ta đã lờ mờ nhận ra, chính là chủ nghĩa giáo dục mang tính khai sáng kiểu tư sản (hiện đang được phe dân chủ đề cao ở Việt Nam) lại gắn liền với chủ nghĩa ngu dân phản động bậc nhất, có nghĩa là "khai dân trí" để dân chúng biết rằng họ lệ thuộc vào ý thức của một tầng lớp tinh hoa có đặc quyền về trí tuệ chứ không phải để họ tự giải phóng bản thân mình và có được sự độc lập về ý thức. 

Thursday, September 15, 2016

Tiền lương và phong trào công nhân

Khi bàn về vấn đề tiền lương, người ta thường hay được nghe thấy lập luận như sau: Tiền lương tăng sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tăng, do vậy giá cả hàng hóa sẽ tăng. Nền kinh tế sẽ mất ổn định, đời sống sẽ khó khăn. Như vậy, công nhân không nên đòi tăng lương vì tăng lương là căn nguyên của mọi tai vạ về kinh tế.

Câu hỏi mấu chốt: Tại sao chi phí sản xuất tăng thì giá cả hàng hóa lại tăng?

Câu trả lời: Để duy trì tỷ suất lợi nhuận cũ cho nhà tư bản.

Vấn đề: Công nhân không được đòi tăng lương ngay cả khi chết đói còn nhà tư bản đương nhiên được tăng giá hàng hóa khi chi phí sản xuất tăng.

Chuyện này có gì mới không? Chả có gì mới, Marx đã viết từ lâu trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng" khi phê phán lập luận của Prouhdon về tiền lương. 

Trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng", Marx đã chỉ ra rằng khi tiền lương tăng lên thì giá cả hàng hóa thậm chí còn có thể giảm xuống. Lý do là bởi vì trong nền kinh tế các doanh nghiệp có mức độ sử dụng nhân công khác nhau. Doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động và ít máy móc thì sẽ chịu ảnh hưởng lớn của việc tăng lương, tức là tỷ suất lợi nhuận của họ sẽ giảm mạnh hơn so với những doanh nghiệp sử dụng ít lao động và nhiều máy móc. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn, tức là sử dụng nhiều máy móc hơn lao động, sẽ nhận thấy rằng họ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp hơn. Lúc ấy, họ sẽ hạ giá hàng hóa xuống để chiếm lấy thị trường của những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp. Lợi nhuận của họ sẽ lớn hơn cho dù tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ thấp lúc này đồng thời phải đối mặt với hai áp lực: tỷ suất lợi nhuận sụt giảm và giá hàng hóa trên thị trường giảm đi. Nhiều doanh nghiệp thuộc loại này sẽ bị phá sản để nhường chỗ cho những doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao hơn. 

Tiền lương tăng lên là thảm họa của những doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công song là cơ hội để những doanh nghiệp sử dụng ít nhân công thâu tóm thị trường. Điều này có thể thấy rất rõ thông qua những biến động kinh tế trong thực tiễn.

Đó là chính là lý do mà các doanh nghiệp có cấu tạo hữu cơ cao, sử dụng nhiều máy móc và ít nhân công, thường hay tìm các thúc đẩy việc gia tăng tiền lương phổ biến ở mức độ nhất định trong thời kỳ mà họ tìm cách thâu tóm thị trường. Để làm được điều đó, họ sẵn sàng chấp nhận cho công đoàn của công nhân hoạt động trong phạm vi được kiểm soát. Công đoàn là tổ chức bảo vệ cho quyền lợi của người công nhân, chống lại giới chủ, nhưng để tồn tại trong xã hội tư bản thì nó cũng phải thích nghi với việc bị nhà tư bản lợi dụng để cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, công đoàn không phải là thứ triệt để cách mạng và rất dễ lung lay. 

Nếu ai đó hỏi một người vô sản rằng: Tại sao công đoàn không phát động đình công đòi tăng lương, gia tăng quyền lợi cho công nhân? 

Người vô sản sẽ trả lời: Công đoàn sẽ phát động đình công khi nào người công nhân muốn chứ không phải là khi ông chủ doanh nghiệp muốn.   

Nhiều người cho rằng khi Việt Nam hội nhập quốc tế thì công đoàn cũng cần phải được tự do hoạt động để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Khi tự do, không có đảng Cộng Sản, tức là đảng của những người vô sản, dẫn dắt thì công đoàn sẽ trở thành vô chính phủ, nó sẽ dễ dàng bán mình cho doanh nghiệp và trở thành kẻ đánh thuê cho doanh nghiệp. Thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân thì lúc ấy công đoàn sẽ bảo vệ quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp. Công đoàn lúc ấy sẽ trở thành công cụ trong tay các nhà tư bản quốc tế để đè bẹp các doanh nghiệp Việt Nam và thâu tóm thị trường Việt Nam cho họ. Quyền lợi của một bộ phận công nhân này sẽ phải đánh đổi bằng sự thất nghiệp, đói nghèo của một bộ phận công nhân khác. Cuối cùng, toàn bộ giai cấp vô sản sẽ phải trả giá cho điều đó.

Chủ nghĩa tư bản luôn luôn muốn tự do cạnh tranh, người vô sản chỉ có một vũ khí duy nhất để chống lại chủ nghĩa tư bản, đó là sự đoàn kết. Sự đoàn kết ấy không chỉ là lý trí mà nó còn bắt nguồn từ quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản.

Wednesday, September 7, 2016

Hàn Quốc: Tham nhũng cộng sinh với sự phát triển kinh tế thần kỳ

Tham nhũng gắn liền với sự tăng trưởng thần tốc là vấn đề bế tắc của cả nghiên cứu về tham nhũng cũng như mô hình tăng trưởng kinh tế của các nước công nghiệp mới (NIC). Tuy vậy, điều này không quá xa lạ khi được đối chiếu với lịch sử hình thành của các nước tư bản phương Tây. Hàn Quốc là một trường hợp điển hình ở Đông Á cho thấy tham nhũng gắn liền với công nghiệp hóa và phát triển kinh tế thần tốc. Hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển nhưng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nạn tham nhũng trong cả chính quyền cũng như doanh nghiệp tư nhân. Trong quá khứ, chính quyền Hàn Quốc đã trực tiếp can thiệp vào kinh tế, chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển theo định hướng, cung cấp tín dụng ưu đãi, ưu đãi về các điều kiện hành chính và kinh doanh, đổi lại sẽ nhận được những khoản lại quả hậu hĩnh của doanh nghiệp để đầu tư cho mạng lưới bảo trợ về chính trị, tức là doanh nghiệp và chính quyền cùng nhau củng cố sự thống trị và đàn áp người lao động. Trong tình hình đó thì nạn tham nhũng cũng gạt bỏ các tổ chức chính trị của người lao động và vì vậy nó gắn liền với sự tích lũy tư bản nhanh chóng của Hàn Quốc. Các nhóm tài phiệt lớn của Hàn Quốc đều được hình thành trong giai đoạn đầy tham nhũng của Hàn Quốc và vươn lên trở thành các đế chế tư bản quốc tế, mặc dù họ vẫn tuân thủ theo các truyền thống quan hệ dựa trên địa phương, gia tộc hoặc cá nhân. Điều này cho thấy chủ nghĩa tư bản trên một góc độ nào đó đã thích nghi với những truyền thống lâu đời của xã hội phương Đông.

Dưới đây là bản dịch bài báo “Corruption and NIC development: A case study of South Korea” của Jonathan Moran, Khoa Kinh Doanh, Đại học John Moores Liverpool, Anh Quốc.

Tham nhũng và sự phát triển của NIC: Một nghiên cứu điển hình về Hàn Quốc

Tóm lược. Cuộc tranh luận về tham nhũng và thành tích kinh tế đã nghiêng ngả từ lập trường này sang lập trường khác trong nhiều thập kỷ. Vào những năm 1960, trường phái tư tưởng gắn với lý thuyết hiện đại hóa cho rằng tham nhũng thường có quan hệ tích cực với tăng trưởng kinh tế (Huntington, 1968: Leff, 1964). Sau đó, tham nhũng bị coi là tai hại đối với sự tăng trưởng do phá hoại cơ sở của các chính sách công ổn định, duy lí cũng như sự phân bổ thông qua thị trường (Rose-Ackerman, 1978; Theobald, 1990), tham nhũng vẫn được đánh giá theo tình huống đó cho đến hiện nay, đặc biệt là sau “sự bùng nổ tham nhũng” của những năm 1990 (Alam, 1989; Leiken, 1997; Naim, 1995). Các nước Đông Á đóng vai trò là các nghiên cứu điển hình quan trọng về vai trò của tham nhũng trong công nghiệp hóa: bài báo này tập trung vào Hàn Quốc. Thứ nhất là do tham nhũng đồng tồn tại với sự phát triển. Thứ hai, tham nhũng ở Hàn Quốc  vào nhiều thời điểm khác nhau là thực dụng, gây hại, phi lý và hợp lý, nhưng luôn luôn hiện diện trong thời kỳ công nghiệp hóa thần tốc. Dĩ nhiên điều này không hàm ý cho rằng tham nhũng nuôi dưỡng tăng trưởng hay khuyến nghị tham nhũng như là một lựa chọn chính sách cho các nền kinh tế đang phát triển hay đang chuyển đổi, do có bằng chứng cho thấy trong nhiều trường hợp thì tham nhũng là có hại cho sự phát triển. Bài báo này tìm hiểu vai trò của tham nhũng trong sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc để hiểu rõ hơn về bản thân hiện tượng tham nhũng.

Dẫn nhập

Đông Á có một vị trí ngoại lệ trong cuộc tranh luận về tham nhũng và thành tích kinh tế. Thứ nhất, bằng chứng cho thấy mức độ tham nhũng cao bất thường đã đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế thần tốc. Câu trả lời thường là giả định không có sự tồn tại của hiện tượng này, ví dụ như Alam khẳng định: “Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore là những nước không có tham nhũng mang tính hệ thống” trong khi Indonesia dường như chỉ tham nhũng dưới thời Sukarno (Alam, 1989, p.444). Logic ở đây là rõ ràng: do những nước này đã phát triển về kinh tế nên họ không thể có tham nhũng mang tính hệ thống. Hay nói cách khác, tham nhũng được giải thích là xảy ra ở mức độ không nghiêm trọng hoặc không tập trung (Wade, 1990) hoặc không phù hợp với quá trình phát triển kinh tế chủ đạo. Tuy vậy, những bê bối gần đây ở Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia cũng như những bê bối hiện tại ở Nhật Bản đã cho thấy một quá trình đã tồn tại – và là hệ thống – trong nhiều thập kỷ.

Thứ hai, kết quả là mọi phân tích triệt để về tham nhũng hầu như đều vắng mặt trong các công trình về tăng trưởng kinh tế Đông Á. Trong công trình nổi bật về sự phát triển của Châu Á, Robert Wade chỉ dành 5 trong số 393 trang cho tham nhũng, coi tham nhũng chỉ là thứ diễn ra ở cấp độ thấp (Wade, 1990). Các bộ sách tăng lên nhanh chóng của các cựu kỹ trị đã từng thi hành các chính sách cấp cao trong thời kỳ công nghiệp hóa cũng lảng tránh tham nhũng, thường là theo nguyện vọng của họ về việc không tiết lộ các hành động phi pháp và/hay mong muốn được tái tuyển dụng trong tương lai. Trong nhiều năm gần đây, nhiều nhà kỹ trị - một số người đã viết những tác phẩm về sự phát triển kinh tế không có tham nhũng của Hàn Quốc – đã bị cáo buộc về liên quan đến tham nhũng và tiết lộ thông tin.

Thứ ba, một phần lý do của việc phân tích hiện tượng này một cách miễn cưỡng là mức độ tham nhũng cao tạo ra các vấn đề cho những mô hình phát triển cố gắng giải thích sự tăng trưởng thần tốc. Nhiều công trình cổ điển về công nghiệp hóa Hàn Quốc của cả cánh tả và cánh hữu đều dựa vào các khái niệm (của Weber hay Khổng Tử) về một giới hành chính duy lý, độc lập, trong việc triển khai các kế hoạch phát triển quốc gia. Nếu như tham nhũng tồn tại thì đó là do giới thượng lưu chính trị, họ nhận các khoản lại quả lớn còn các công chức thì không nhận được gì. Điều này đã hoàn toàn bỏ qua (a) hoàn cảnh chính trị tổng thể của sự phát triển và (b) cách thức mà giới công chức, kinh tế và thượng lưu chính trị ở Hàn Quốc (cũng như Đông Á) đã tham gia sâu vào các hoạt động phi pháp, bóp hầu bóp cổ, tìm kiếm đặc lợi, vân vân. Các công trình gần đây đã bắt đầu mô tả vai trò của tham nhũng trong sự tăng trưởng kinh tế thành công và chỉ ra sự quan trọng của việc phân phối quyền lực chính trị đối với tác động kinh tế tích cực hay tiêu cực của tham nhũng (Khan, 1996; 1998). Tuy vậy, việc áp dụng một tầm nhìn lịch sử/theo bối cảnh vẫn là cần thiết.

Bài báo này lập luận rằng mức độ tham nhũng cao đã đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế và cho rằng giới công chức đã (a) bện chặt với giới lãnh đao chính trị, (b) bản thân giới công chức là tham nhũng, (c) việc xây dựng chính sách kinh tế không chỉ là duy lý/Khổng Giáo mà còn bị chính trị hóa sâu sắc và (d) sự hiện diện của tham nhũng có tác động đến tăng trưởng kinh tế, nếu không rõ ràng trong ngắn hạn, tức là sự ổn định dài hạn.

Nhà nước, sự phát triển và hoàn cảnh tham nhũng ở Hàn Quốc

Sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc đã thể hiện hai đặc trưng sau: công nghiệp hóa thần tốc gắn với sự biến đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang một nền công nghiệp đa dạng với công nghiệp nặng, hóa chất, điện tử, chế tạo máy và công nghệ cao, vài trò to lớn của nhà nước trong việc tạo dựng, củng cố thị trường và kiểm soát đầu tư, cuối cùng là vai trò của xuất khẩu trong việc định hướng tăng trưởng.

Nhà nước là một biến số quan trọng trong các cuộc tranh luận về phát triển. Chủ đề đã thay đổi từ giải thích mô hình tăng trưởng theo định hướng thị trường của Hàn Quốc sang nghiên cứu vai trò to lớn của nhà nước, nhưng bản thân điều này này lại bị thay thế bằng chủ đề về cách thức nhà nước tương tác với thị trường. Tuy vậy, vai trò của nhà nước là trung tâm, bất kể là sửa chữa các méo mó của thị trường hay các chính sách củng cố. Bên cạnh đó, vai trò chính trị/cưỡng bức của nhà nước cũng không thể đặt ra ngoài sự phát triển. Các thức mà nhà nước đàn áp cả người lao động cũng như giới kinh doanh là nhân tố sống còn, như là bản chất chính trị của việc lập chính sách nói chung.

Mặc dù các di sản của chế độ thực dân Nhật Bản và thời kỳ hậu chiến là quan trọng song sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc hiện đại có thể coi là bắt nguồn những thay đổi kinh tế được áp dụng sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961, vốn được coi là sự trỗi dậy của một nhà nước mạnh, độc lập với các lợi ích cục bộ. Nhà nước kiểm soát kinh doanh, người lao động và các nhóm xã hội dân sự trong một hệ thống gần như hợp tác xã mà quân đội đóng vai trò là xương sống của chế độ và các cơ quan tình báo kiểm soát hoàn toàn sự bất đồng. Trên phương diện kinh tế, các Kế Hoạch Năm Năm liên tiếp được xây dựng dựa trên sự kiểm soát toàn diện của nhà nước đối với hệ thống tài chính. Nhà nước cung cấp sự hỗ trợ và phần thưởng cho doanh nghiệp thường xuyên – nếu không nói là luôn luôn – kết hợp với các tín hiệu của thị trường. Hơn nữa, uy tín của chính sách kinh tế chủ yếu dựa trên quyền lực chính trị của tổng thống và Cục Tình Báo Trung Ương Hàn Quốc (KCIA).

Về tham nhũng thì nhà nước cũng quan trọng song không phải là biến số duy nhất. Sự tham nhũng ở Hàn Quốc bắt nguồn từ sự tác động qua lại của nhiều nhân tố lịch sử và cấu trúc. Nhà nước mạnh là sống còn nhưng các lực lượng xã hội (cụ thể là các nhóm doanh nhân mới) yếu và truyền thống về mạng lưới bảo trợ-thân hữu (guanxi) của các gia đình, trường học, các mối liên hệ địa phương, vân vân. Phần tiếp theo sẽ giải thích ngắn gọn những điểm này.

Ngay cả trước khi được thành lập như một nhà nước có chủ quyền vào năm 1948, Hàn Quốc đã mang đặc trưng là quyền lực trung ương mạnh. Thời kỳ cai trị tàn bạo của đế quốc Nhật Bản 1910-1945 gắn liền với chương trình hiện đại hóa cưỡng bức theo cái được gọi là một nhà nước “phát triển thái quá”, tức là các chức năng chính trị, hành chính, cưỡng bức và kinh tế quá lớn so với quốc tế (Cumings, 1984). Mô hình nhà nước mạnh đã sống sót qua các cuộc nội loạn hậu chiến và Chiến Tranh Triều Tiên. Một phần là nhờ vào Chính Quyền Quân Sự Hoa Kỳ (AMG) trong khoảng thời gian 1945-48, duy trì các chức năng cưỡng bức của nhà nước để đàn áp các hoạt động dân túy, cánh tả và cộng sản. Syngman Rhee, tổng thống từ năm 1948 đến 1960, đã tuyển mộ lực lượng cảnh sát, mật vụ và các nhóm du kích cánh hữu để đe dọa các đối thủ và thao túng các cuộc bầu cử cho đến khi ông ta bị các cuộc biểu tình của sinh viên lật đổ. Tuy vậy, nhà nước quyền lực đã mở rộng và hồi phục sau cuộc đảo chính năm 1961 của Park Chung Hee. Dân chủ “có quản lý” được áp dụng sau cuộc đảo chính chỉ chấm dứt vào năm 1972 để nhường chỗ cho một nhà nước an ninh quốc gia trưởng thành hoàn toàn, khi mà Park dường như sẽ thất bại trong bầu cử. Một cuộc đảo chính khác vào năm 1980 sau vụ ám sát Park đã đưa một chính quyền do quân đội hậu thuẫn khác dưới sự lãnh đạo của Chun Doo Hwan lên cầm quyền. Do đó, trong giai đoạn 1961-1987, nhà nước quân sự đã thống trị sự phát triển chính trị ở Hàn Quốc. Sự yếu đuối của các nhóm xã hội dân sự là một đặc trưng quan trọng liên quan tới hoàn cảnh tham nhũng. Ví dụ, so với Mỹ Latin thì tổ chức của người lao động yếu và hoàn toàn bị AMG cũng như chính quyền Rhee vô hiệu hóa. Các nhóm xã hội dân sự khác cũng yếu do các cấu trúc tiền thuộc địa hoặc sự biến đổi hiện đại của chế độ thuộc địa và Chiến Tranh Triều Tiên. Các nhóm kinh doanh/doanh nhân (cũng giống như Đông Bắc Á – ngoại trừ Nhật Bản – và Đông Nam Á) rất nhỏ bé về quy mô, nguồn lực và sự hợp pháp chính trị. Tầng lớp kinh doanh ở Hàn Quốc rất yếu và không được ưa thích do sự hợp tác của họ với người Nhật. Những tính chất đó được củng cố thêm bằng những thỏa thuận tham nhũng của họ với chính quyền Rhee và việc họ kiếm lợi trong Chiến Tranh Triều Tiên.

Nhiều mạng lưới bảo trợ-thân hữu phi chính thức đan kết với quan hệ đó, ví dụ các mối liên hệ địa phương. Tỉnh phía nam Kyongsang là căn cứ của nhóm sĩ quan quân sự tổ chức đảo chính vào năm 1961, trong đó có Park Chung Hee và cháu vợ của ông ta là Kim Jong Pil, người sáng lập tổ chức KCIA. Cuộc đảo chính đã củng cố sự thống trị của Kyongsang. Cả Chun Doo Hwan, người tổ chức đảo chính năm 1979-80 sau vụ ám sát Park, lẫn Roh Tae Woo (người giúp Chun lên nắm quyền, sau này vào những năm 1980 đổi phe thành dân chủ và thắng cử tổng thống năm 1987) đều có liên quan đến tỉnh này. Trong số 20 tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất (chaebol), chín người sáng lập xuất thân từ Kyongsang, ba trong số năm tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất cũng vậy (Chon, 1992, p.168). “Số lượng người lớn bất thường có xuất thân từ tỉnh Kyongsang tham gia vào các vị trí có ảnh hưởng sâu sắc trong chính quyền và công nghiệp” (Chon, 1992, p.166). Kim Woochoong, người sáng lập tập đoàn Daewoo đã được tham gia vào mạng lưới quyền lực do bố ông ta đã dạy Park Chung Hee ở trường Kỹ Thuật Taegu. Trong Kyongsang, “phái T-K” (trường Kỹ Thuật Taegu/trường Sư Phạm Trung Học Kyongbuk) là mối quan hệ quan trọng nhất, các thành viên của chúng và hậu duệ của họ đã thống trị các thiết chế quân sự/an ninh và chính trị. Các mối quan hệ khác cũng được thiết lập, thường là các liên minh địa phương trong trường học, Học Viện Quân Sự, cựu sinh viên. Một mạng lưới các mạng lưới được mở rộng, kết nối quân đội, chính trị và kinh doanh, thường xuyên được bổ sung bằng các hội nhóm bí mật hoặc phi chính thức. Ví dụ, trước cuộc cải cách dân chủ, quân đội kiềm chế khoảng 40 hội nhóm bí mật, nổi tiếng nhất là Hanahoe (Một Tư Duy), cơ sở mà Chun Doo Hwan dùng để tổ chức đảo chính vào năm 1980. Giới thượng lưu nhà nước là các nhân tố chủ chốt trong những quan hệ đó.

Động lực khiến tham nhũng nở rộ cả trong nền dân chủ yếu (1948-1961) lẫn chế độ quân sự (1961-1987) bắt nguồn từ tác động qua lại của nhiều yếu tố: nhà nước mạnh, các nhóm xã hội dân sự yếu và hoạt động của các nhóm có mối liên hệ “bí ẩn” (della Porta and Pizzorno, 1996). Mối quan hệ đã phát triển, coi dấu hiệu của các thể chế hiện đại là năng lực, sự lập kế hoạch và tổ chức, mà tổ chức lại được thâm nhập bằng quan hệ cá nhân, các hội nhóm và các mạng lưới phi chính thức. Động lực này đã thường xuyên bị bỏ qua khi xem xét sự tăng trưởng và tham nhũng của Hàn Quốc.

Vấn đề tham nhũng ở Hàn Quốc: chính quyền Rhee 1948-1960

Để giải thích cách tham nhũng đồng tồn tại với sự tăng trưởng kinh tế thì cần phải nghiên cứu Hàn Quốc trong những năm 1950, khi tham nhũng đã gây tổn hại rõ ràng cho sự phát triển kinh tế. Các chính sách chính trị và hệ tư tưởng của Syngman Rhee dựa trên việc duy trì sự cai trị của bản thân ông ta, sự thống nhất bán đảo Triều Tiên và một lập trường chống Nhật Bản. “Chính sách” kinh tế của ông ta thể hiện khát vọng nắm quyền lực vĩnh viễn. Kinh tế Hàn Quốc có đặc trưng là sự kiểm soát chặt chẽ đối với sản phẩm nội địa và sự phân bổ tài chính bắt nguồn từ Chiến Tranh Triều Tiên. Hơn nữa, nền kinh tế cũng được bảo vệ trước sự cạnh tranh quốc tế, hàng nhập khẩu được kiểm soát bằng giấy phép và các khoản viện trợ quốc tế cần thiết được cung cấp dưới dạng không hoàn lại, viện trợ kỹ thuật và lương thực, vân vân. “Mục tiêu chủ chốt của kinh tế đối ngoại Hàn Quốc dưới thời Rhee là tối đa hóa dòng viện trợ kinh tế và quân sự từ các nguồn công ích; dòng tư bản từ các nguồn lực tư nhân không được khuyến khích” (Westphal et al., 1979: 360). Rhee hoàn toàn nằm trong sự điều khiển của chính quyền Hoa Kỳ, nhất là khi họ cần ông ta trong vai trò của một đồng minh chống cộng.

Rhee sử dụng ảnh hưởng của ông ta đối với viện trợ nước ngoài và kinh tế nội địa để tạo ra cấu trúc bảo trợ-thân hữu liên kết cộng đồng kinh doanh yếu của Hàn Quốc. Những người kinh doanh thân hữu nhận được các hãng trước đây thuộc về người Nhật với giá thấp, các giấy phép nhập khẩu hàng hóa khan hiếm, các khoản vay bằng đồng dollar cũng như các lợi thế khác giúp cho họ độc quyền trên thị trường. “Tỷ lệ chênh lệch 3:1 của tỷ giá thị trường ngoại hối chính thống và chợ đen có thể khiến bất cứ ai cũng có thể tức thì trở nên giàu có nếu như anh ta tiếp cận được việc trao đổi ngoại tệ” và vào lúc đó Rhee phê chuẩn mọi khoản giao dịch ngoại tệ lớn hơn 500 dollar (Kim, 1971, p.24). Đảng Tự Do được cho là đã thu được 50% giá trị của mọi dự án tư nhân nhận viện trợ của Hoa Kỳ (Kim, 1976, p.152). Nền kinh tế bị bóp nặn thông qua việc phân bổ lợi tức đã tài trợ cho Rhee, đảng Tự Do và giới cảnh sát. Rhee đã tẩy chay việc lập kế hoạch và phát triển một giới công chức kinh tế độc lập.

Trong môi trường này, sự tăng trưởng chủ yếu xuất phát từ các hoạt động kinh tế “tổng bằng 0”, sự hình thành lợi nhuận thông qua các hoạt động tìm kiếm lợi tức phi sản xuất (Jones&Sakong, 1980). Việc kinh doanh được phát triển thông qua độc quyền nguồn cung tài chính, đầu vào và hàng hóa tiêu dùng. Samsung và nhiều doanh nghiệp khác đã mở rộng hoạt động trong thời kỳ này, nhưng có thể nói rằng không có viện trợ của Hoa Kỳ thì nền kinh tế sẽ sụp đổ (Mason, 1980, pp.192–205) [1]. Lĩnh vực kinh doanh vẫn yếu về kinh tế và không được ủng hộ về chính trị, đặc biệt là do các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận trong Chiến Tranh Triều Tiên và thời kỳ thắt lưng buộc bụng những năm 1950. Nói chung, “Hàn Quốc vào những năm 1950 thể hiện đặc trưng chính trị rõ ràng là thù địch với việc lập kế hoạch phát triển. Chính quyền kém được bảo vệ trước các đòi hỏi của khu vực tư nhân và bị các mạng lưới bảo trợ-thân hữu thâm nhập. Bộ phận quản lý kinh tế là đối tượng can thiệp chính trị của cả bộ phận hành pháp cũng như giới hành chính.” (Haggard, Moon & Kim, 1991, p.855). Người ta có thể nói một cách có lý rằng nếu Hàn Quốc tiếp tục đi theo quỹ đạo đó thì họ sẽ lặp lại kịch bản của Philippines. Trong các khảo sát về triển vọng phát triển tốt nhất vào những năm 1950, Hàn Quốc hiếm khi xuất hiện so với những nước như (nực cười thay) Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon.

Cuộc đảo chính quân sự của Park Chung Hee đã đem tới những sự thay đổi quan trọng nhưng cũng vẫn tiếp tục với tham nhũng và tăng trưởng. Park cũng thu gom các viện trợ quốc cần thiết, tạo ra sự độc quyền, cung cấp các khoản vay giá rẻ, các tiếp cận đặc quyền đối với trao đổi ngoại tệ và cấp miễn phí các lợi ích phi chính thống cho doanh nghiệp. Giới hành chính bị chính trị hóa. Tuy vậy, chính quyền mới cũng tạo ra những thay đổi quan trọng. Đó là sự kết hợp của những điều cần thiết cho việc giải thích sự cộng sinh giữa tham nhũng và tăng trưởng. Tham nhũng bị giới hạn bởi những nhân tố cụ thể, cho tới mức độ nhất định mà nhà nước quốc hữu hóa hoàn toàn tham nhũng.

Tham nhũng và chủ nghĩa quốc gia dưới chính quyền Park Chung Hee

Thực tiễn tham nhũng đã tuân thủ khuynh hướng phát triển quốc gia. Bốn nhân tố sẽ được xem xét để giải thích quá trình này:

Hệ tư tưởng nhà nước

Mối quan hệ giữa hệ tư tưởng và tổ chức vật chất là phức tạp nhưng có thể chấp nhận rằng hệ tư tưởng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội, một quá trình rõ ràng ở Hàn Quốc. Cuộc đảo chính năm 1961 đã không chỉ mang đến sự thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức chính trị - từ nền dân chủ trục trặc đến chính quyền do quân đội hậu thuẫn – nó cũng mang đến sự thay đổi chủ chốt trong hệ tư tưởng, với hệ quả tác động đến sự phát triển kinh tế và tham nhũng. Park Chung Hee, lãnh đạo của cuộc đảo chính, cũng như một số các sĩ quan trẻ khác đều chịu ảnh hưởng và trộn lẫn các hệ tư tưởng thu được từ kinh nghiệm của người Nhật. Park thể hiện rõ ràng sự thán phục các nhà lãnh đạo Trung Hưng Minh Trị ở Nhật Bản và công thức “Nước giàu, Quân mạnh”, có nghĩa là mối liên hệ chặt chẽ giữa an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, người Nhật cũng khẳng định khái niệm phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết xã hội và quay trở lại củng cố sự gắn kết đó. Trung tâm của dạng hợp tác xã này là quan niệm cho rằng các lợi ích cục bộ phải bị đàn áp: cả lao động và doanh nghiệp đều phải chấp nhận quyền lực của nhà nước và phục vụ cho sự phát triển của quốc gia. Park Chung Hee (nực cười thay khi là người quốc gia Hàn Quốc) đã phục vụ quân đội Hoàng Gia Nhật Bản ở Mãn Châu Lý, chứng kiến trước hết quá trình công nghiệp hóa do nhà nước chỉ đạo để phục vụ cho an ninh quốc gia. [2]

Park triển khai những ý tưởng đó sau cuộc đảo chính. Doanh nghiệp đối mặt với một nhà nước chuẩn bị cưỡng ép và quấy rối cũng như hỗ trợ. Chỉ những doanh nghiệp hành động theo lợi ích quốc gia bằng cách tuân thủ sự hướng dẫn của nhà nước và chuyển sang sự tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu mới nhận được các lợi ích. Tham nhũng vốn tràn lan dưới thời Syngman Rhee, vẫn tiếp tục trong phạm vi một khuôn khổ mới. Doanh nghiệp nhận được trợ cấp nhờ vào nguồn gốc địa phương của họ hay họ có quan hệ với tầng lớp thượng lưu nhà nước hoặc với Park (Clifford, 1994; Chon, 1992) và có thể nhận được sự đảm bảo bổ sung khi đóng góp tiền bạc. Tuy vậy, nếu họ không thực hiện thì sự hỗ trợ bị cắt giảm hay hủy bỏ: các khoản tiền của doanh nghiệp đảm bảo thái độ thân thiện hoặc tốt đẹp của nhà nước, nhưng hiếm khi là sự đáp ứng tự động và thường xuyên. Khi sao chép cách tiếp cận kiểu doanh nghiệp, các khoản đóng góp sẽ thường xuyên được dựa trên các nguyên nhân xã hội có thể chấp nhận được, như “nạn nhân lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác…tổ chức Chữ Thập Đỏ, quốc phòng, tổ chức USO kiểu Hàn Quốc, liên đoàn chống cộng sản, các tổ chức phúc lợi, các tổ chức thể thao, các quỹ thể thao, các quỹ giáo dục, xây dựng đường tàu điện ngầm” và vân vân (Woo, 1991, p.236 n.82), trên thực tế là sự bổ sung cho hệ thống thuế chưa hoàn chỉnh. [3]

Do đó, vai trò của hệ tư tưởng, tập trung vào sự ảnh hưởng và sự hấp dẫn của hệ tư tưởng “hiện đại” từ các nguồn cụ thể (Nhật Bản và Hoa Kỳ) và hiện thực lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng về một khái niệm phát triển cụ thể, cũng như vai trò của tham nhũng trong sự phát triển, của giới thượng lưu quân sự ở Hàn Quốc.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc có thể hữu ích khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Không giống quân đội Hàn Quốc, có tổ chức cấp bậc bắt nguồn từ lý tưởng về chủ nghĩa tư bản quốc gia của Nhật Bản và hệ tư tưởng quản lý của Hoa Kỳ (Lee, 1968), quân đội Thái Lan áp dụng nghệ thuật lãnh đạo nhà nước truyền thống Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại, trong lĩnh vực đối nội thì dựa trên thuốc phiện và một số lĩnh vực kinh tế năng động nhất định để đảm bảo sự cai trị của quân đội (McCoy, 1991, pp.180–192). Việc Hoa Kỳ sử dụng Thái Lan làm căn cứ logistic khổng lồ cho Chiến Tranh Việt Nam đã củng cố kịch bản này. Những năm 1960 là đỉnh điểm của sự hậu thuẫn cho các tướng lĩnh Thái Lan, với việc Hoa Kỳ viện trợ chính thức 2 tỷ dollar từ năm 1965 đến 1975 1975 (Girling, 1981, p.96 n.85) để đảm bảo “một hệ thống phù hợp với Hoa Kỳ sẽ được duy trì ngay cả khi có sự thay đổi về nhân sự (Girling, 1981, p.94). Một sư đoàn Thái Lan tham chiến ở Việt Nam nhưng đóng góp chủ yếu của nước này là căn cứ logistic mà Hoa Kỳ dùng để vận chuyển cho chiến trường Miền Nam Việt Nam, bao gồm đường sá, doanh trại, hậu cần, các cơ sở nghỉ ngơi và giải trí cho lính Mỹ (khoảng 50.000 vào năm 1968-69). Việc đó kéo theo một sự gia tăng lớn bất ngờ về gái bán dâm (Girling, 1981, p.236 n.15). Miền Nam Việt Nam, cũng được Hoa Kỳ tạo ra và hậu thuẫn, lặp lại những kịch bản đó ở cấp độ rất cao. Các ngành thuốc phiện và mại dâm bùng nổ cùng với sự hiện diện quy mô lớn của người Mỹ. Vào năm 1967, một người quan sát đã viết “hoạt động kinh tế ở miền Nam thực tế đã ngừng lại ngoại trừ phục vụ cho chiến tranh; Sài Gòn là một nhà thổ khổng lồ; nằm giữa những người Mỹ, đang cố gắng ít nhiều thúc đẩy một bản sao xã hội của họ ở đất Việt Nam, và đám đông dân chúng đang cố gắng “tái thiết” là những con mèo béo ú ở Sài Gòn” (Sayle được trích dẫn trong Knightley, 1989, p.384). Tham nhũng và chủ nghĩa bè phái quân sự/hành chính trở nên phổ biến, chế độ đã tan rã từ trước khi Bắc Việt thống nhất đất nước (McCoy, 1991, p.260).

Nếu việc Syngman Rhee tiếp tục nắm quyền ở Hàn Quốc, điều đó có thể được coi như là một sự hối lộ khổng lồ và vô ích tại nhà nước chống nổi loạn ở Đông Nam Á. Rhee và Diệm, lãnh tụ Nam Việt Nam từ năm 1955 đến 1962, có sự tương đồng. Cả hai đều cho rằng họ có thể dựa vào sự ủng hộ quân sự của Hoa Kỳ để bảo vệ nền dân chủ yếu kém tham nhũng của họ. Mặc dù Rhee bị sinh viên lật đổ và không có sự can thiệp quân sự, Diệm bị quân đội lật đổ, song quỹ đạo phát triển của hai nước này rất khác nhau. Như đã nói, các sĩ quan trẻ ở Hàn Quốc có nhiều lý tưởng khác nhau về sự phát triển chính trị và kinh tế của Hàn Quốc. Mặc dù các chính sách bắt nguồn từ những lý tưởng này thường mờ nhạt vào lúc đầu và phản ánh sự khác biệt nội bộ của những người đảo chính quân sự, song cùng với thời gian thì họ đã phát triển gắn kết hơn và kết hợp đầu vào từ Hoa Kỳ và Nhật Bản. Do vậy, ở Hàn Quốc, những sĩ quan dưới thời Park Chung Hee đã bắt đầu ngập ngừng và sau đó quyết đoán tái cấu trúc kinh tế, mối quan hệ chính quyền-doanh nghiệp và thậm chí là cả xã hội. Ở Nam Việt Nam và Thái Lan, chính quyền quân sự đã củng cố thêm các thực tiễn trong kinh tế và xã hội. “Giống như ở phần còn lại của Đông Nam Á, các dạng quan liêu lạc hậu của phương Tây đã bám chặt lấy tầng lớp thượng lưu quyền lực truyền thống, tạo ra một sự kết hợp của tham nhũng, truyền thống và hiện đại” (McCoy, 1991, p.200) [4], với những nước như Thái Lan và Nam Việt Nam, chịu tác động bởi sự giao thoa của những ảnh hưởng văn hóa/tư tưởng và tiến trình lịch sử khác nhau, với những liên hệ quốc tế đang thúc đẩy kịch bản quyền lực và thực tiễn chính trị hiện tồn.

Sự độc lập của nhà nước

Sự độc lập của nhà nước đối với các nhóm xã hội có tổ chức là một nhân tố quan trọng để giải thích các quỹ đạo phát triển. Tuy vậy, trong thực tế điều này thường được sử dụng theo cách quá “gọn gàng” trong các phân tích cánh tả hoặc cấu trúc, vốn tập trung vào việc nhà nước/giới hành chính duy lí tách biệt triển khai các chiến lược dài hạn (Haggard, 1990). Sau cuộc đảo chính, giới hành chính được bảo vệ khỏi sức ép xã hội. Tuy vậy, các cơ quan nhà nước và hành chính ở Hàn Quốc vẫn có đặc trưng tham nhũng – trên thực tế việc họ bóp nặn tiền từ doanh nghiệp và cung cấp các lợi ích cho những nhóm nhất định chính là dấu hiệu của sự độc lập mà nhiều tác giả đã tập trung làm rõ. Độc lập với các nhóm xã hội dân sự cho phép nhà nước đặt ra các khuôn khổ của quan hệ bảo trợ-thân hữu và các quy tắc cho tham nhũng, có nghĩa là quốc hữu hóa thực tiễn tham nhũng.

Sau thời kỳ mở rộng nhanh chóng vào những năm 1950, quân đội đã mở rộng về tổ chức, nguồn lực và năng lực. Cuộc đảo chính năm 1961 – được một số chính khách Hàn Quốc coi là không thể tránh khỏi – đã xác nhận các cơ quan quân sự và an ninh là lực lượng thống trị ở Hàn Quốc. Các nhóm xã hội dân sự là tương đối yếu. “Quan hệ trường đại học-báo chí” đã lật đổ Rhee không thể tiếp tục hoạt động như là một nhà nước thay thế hay vận động trong thời gian dài.

Người lao động thì suy yếu và không được tổ chức. Tầng lớp kinh doanh – một trong những nguyên nhân là – bất chấp mối quan hệ với nhà nước dưới thời Rhee, vẫn yếu đuối về chính trị và văn hóa. “Do các doanh nhân truyền thống không có được địa vị đáng kính trọng trong xã hội Hàn Quốc, sự trỗi dậy của họ vào những năm 1950 tạo ra một sự oán giận và nghi ngờ được củng cố thêm bằng mức độ tham nhũng hiện hành” (Cole&Lyman, 1971, p.83). Khi chế độ do quân đội hậu thuẫn được hình thành, một sự tái tổ chức các mối quan hệ nhà nước-xã hội đã diễn ra và sự kiểm soát đối với kinh tế được củng cố, cải cách hay mở rộng. Điều quan trọng là sự kiểm soát nhà nước đối với hệ thống tài chính thông qua quốc hữu hóa đã đạt tới mức độ rất lớn, [5] và dòng tư bản quốc tế từ Hoa Kỳ và từ Nhật Bản vào cuối những năm 1960 chảy vào hệ thống đã giúp cho tầng lớp thượng lưu nhà nước độc lập về tài chính đối với giới kinh doanh bản địa. Tuy vậy, cũng cần phải ghi nhận rằng sự độc lập của nhà nước không đủ để làm cơ sở cho một chiến lược phát triển hiệu quả. Năng lực của nhà nước, tầm ảnh hưởng và phạm vi của nhà nước, phải được kết hợp với tính chất hợp tác của nhà nước; có nghĩa là khả năng tạo dựng và thi hành chính sách thành công (Evans and Rueschemeyer, 1985).Tham nhũng hoạt động trong phạm vi cấu trúc nhà nước này.

Sự độc lập và chính sách

Sức mạnh chính trị bắt nguồn từ các mối liên hệ bảo trợ-thân hữu được tổ chức để phục vụ cho sự phát triển quốc gia. Doanh nghiệp không thể đảo ngược các ưu tiên phát triển của nhà nước trong khi nhà nước có thể quyết định nhóm nào sẽ được cấp nguồn lực để đổi lấy sự ủng hộ. Quá trình tham nhũng trong việc kinh doanh nói chung là trả một khoản tiền lớn mà không có đảm bảo về sự trợ giúp, chỉ là đảm bảo chọn đúng phe nhà nước, trả các khoản lại quả cho nhà nước vì sự trợ giúp trong các dự án phát triển kinh tế hay đóng góp chính trị cho giới thượng lưu nhà nước về các dự án từ thiện hoặc cho phép giới thượng lưu nhà nước xây dựng các căn cứ quyền lực. Tuy vậy, những khoản chi này không được coi là khinh suất do chúng là một phần của quan hệ động lực tổng thể.

Mặc dù cả Chung Ju Yung (Hyundai) và Kim Woo-choong (Daewoo) đều có quan hệ cá nhân với tổng thống Park và nhận được sự hỗ trợ rộng rãi nhưng Park được cho là sẽ chọn người thắng cuộc. Chung xuất sắc trong việc phát triển công nghiệp xây dựng ở Hàn Quốc và nhận được sự hỗ trợ phi chính thống cần thiết khi đáp ứng được mục tiêu phát triển công nghiệp đóng tàu của Park. Kim phất lên nhờ cải cách các ngành thua lỗ. Cho Chung-hun của Hanjin nhận được sự hỗ trợ lớn hơn sau khi thay đổi tình hình của hãng hàng không Hàn Quốc từng thuộc về nhà nước vào những năm 1960. Mặc dù các hãng khác cũng nhận được sự bảo trợ nhưng nếu thất bại thì sự bảo trợ sẽ bị thu hồi. Yonhap Steel, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc vào những năm 1960, có sự bảo trợ của Lee Hu Rak, giám đốc KCIA, nhưng thất bại khi chuyển đổi sang tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu, dẫn đến sự suy thoái của họ (Clifford, 1994, p.57). Các hãng cần phải có hiệu quả bởi vì họ sẽ thực hiện để nhận được sự hỗ trợ tiếp theo và phải trả một khoản phần trăm trên sự hỗ trợ nhận được cho nhà nước dưới dạng quỹ chính trị. Các khoản vay được cấp cho doanh nghiệp với điều kiện khoản lại quả được trả cho tổng thống và đảng cầm quyền [6] nhưng đáng chú ý là hành vi này phải tuân thủ hiệu quả về kinh tế.

Một nhà kinh tế học ước lượng rằng khoản lại quả thêm vào mà các hãng xuất khẩu phải trả cho việc được vay với lãi suất ưu đãi đã khiến cho lãi suất vay vốn tương đương với lãi suất thông thường (Patrick, 1994, p.337). Điều tương tự cũng áp dụng với thuế. Các công ty có thành tích cảm thấy sự mập mờ của nhà nước hoặc thậm chí được khuyến khích né tránh đóng thuế. Nói chung là “hệ thống tín dụng và thuế khóa tạo ra một cơ chế tặng thưởng cho thành tích tốt và trừng phạt thành tích tồi. Trong khi sự ảnh hưởng của ủng hộ chính trị hầu như bị xóa bỏ trong hệ thống thuế khóa, các trừng phạt kinh tế vẫn tiếp tục là một phần của việc thu thuế, cả phần thưởng cũng như sự trừng phạt đều là những khía cạnh quan trọng của hệ thống tín dụng” (Mason et al., 1980, p.322). Nói tóm lại, mối quan hệ bảo trợ-thân hữu, sự trợ giúp phi chính thức tiếp đó và sự khuyến khích trong các hoạt động phi pháp đã tồn tại, nhưng trên cơ sở sự hiệu quả thay vì chỉ dựa trên sự ủng hộ chính trị. Sự tương phản sâu sắc với mối quan hệ nhà nước-doanh nghiệp của Châu Phi là rõ ràng.

Ngay cả sự tham nhũng phổ biến dưới thời Chun Doo Hwan cũng tuân thủ khuôn khổ hiệu quả. Ví dụ vào năm 1985, tập đoàn Kukje, là tập đoàn lớn thứ bảy của Hàn Quốc, bị nhà nước giải tán, bề ngoài là do cấu trúc nợ quá hạn nhưng trên thực tế là do chủ tịch của tập đoàn này thể hiện thái độ không sẵn sàng đóng góp cho các quỹ “từ thiện” của Chun, như Ilhae. Tuy vậy, tập đoàn này được tái phân phối cho các tập đoàn khác đã đóng góp hào phóng và nhiều doanh nghiệp nói chung tiếp tục có lợi nhuận dưới trướng của chủ nhân mới (Clifford, 1994, Chapter 16). Trong mối quan hệ mà nhà nước thu gom các khoản đóng góp khổng lồ từ doanh nghiệp, các chiến dịch chống tham nhũng không đóng vai trò như là chính sách theo dõi thường trực để đảm bảo giới hành chính hay nền kinh tế trong sạch, trái lại để “kiểm soát” doanh nghiệp, và cụ thể là những doanh nghiệp kém hiệu quả hay hành động theo cách phá hoại quyền lực nhà nước. Quan hệ tham nhũng nhà nước-doanh nghiệp cần được xem xét trên góc độ động lực.

Tham nhũng đã là một phần tích hợp của mối liên hệ nhà nước-doanh nghiệp và quá trình phát triển thay vì là một hiện tượng bất thường. Doanh nghiệp thường xuyên phàn nàn về “khoản thuế thứ cấp” khổng lồ mà họ buộc phải trả, và vào năm 1992, sau cuộc dân chủ hóa mà Chung Ju Yung của Hyundai đứng về phe tổng thống cũng như tạo ra tư bản chính trị bằng cách chấm dứt khoản đóng góp khổng lồ mà chaebol được “khuyến khích” trả cho các tổng thống Park, Chun và Roh trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, sự trợ giúp phi chính thống/phi pháp mà nhà nước cung cấp cho những công ty thành công như Hyundai là thiết yếu đối với sự phát triển của họ.

Quyền lực chính trị của nhà nước cũng không thể tránh khỏi việc điều chỉnh và triển khai chính sách phát triển. Như Woo đã nói thẳng thừng: “nhà nước làm tiền trở thành mặt trái của nhà nước phát triển tốt lành” (1991, p.199-200). Động lực này phải được phân tích trong câu chuyện về sự phát triển của Hàn Quốc cho dù là từ góc độ kinh tế vĩ mô hay nghiên cứu chính sách công hoặc lịch sử kinh doanh tư nhân (xem Kirk, 1994 hay sau đó). Lập luận được phác thảo ở đây dẫn đến một sự khác biệt nhỏ so với Michell. Ông khẳng định rằng “hệ thống các quan hệ cá nhân phi chính thống đan xen các cấu trúc chính thống (và) quan hệ chính quyền/doanh nghiệp theo cách thức mà ở quốc gia khác sẽ dẫn đến sự phổ biến tham nhũng” đã không hoạt động ở Hàn Quốc bởi vì “kẻ thù bên ngoài và sự hấp thụ mạnh mẽ chủ nghĩa quốc gia kinh tế” (1984, p.36). Trái lại, sự tham nhũng phổ biến ở đây đã được quốc hữu hóa.

Những sức ép bên ngoài

Hai sức ép có tác dụng củng cố khuôn khổ quốc gia đã được mô tả phía trên. Thứ nhất, mối quan hệ bên ngoài với Hoa Kỳ và Nhật Bản tạo thuận lợi cho cả sự phát triển cũng như tham nhũng. Viện trợ bên ngoài và sức ép ngoại giao của Hoa Kỳ đã thúc đẩy Hàn Quốc chuyển từ chiến lược phát triển vốn tạo thuận lợi cho loại tham nhũng làm suy yếu – Công Nghiệp Hóa Bằng Thay Thế Nhập Khẩu – sang một dạng có trật tự hơn – Công Nghiệp Định Hướng Xuất Khẩu (Haggard,Moon & Kim, 1991). Viện trợ của Hoa Kỳ được hứa hẹn khi Hàn Quốc chuyển hướng từ chiến lược sang tự lực cánh sinh và qua đó giảm thiểu viện trợ của Hoa Kỳ. Các khoản tài trợ công không hoàn lại giảm xuống và bị thay thế bằng các khoản cho vay. Mặc dù các khoản cho vay tiếp tục đổ vào Hàn Quốc cho tới cuối những năm 1960 song sự thay đổi đáng kể là sự gia tăng mạnh mẽ của tài chính tư nhân từ Hoa Kỳ, Nhật Bản (do Hoa Kỳ khuyến khích) và Châu Âu, theo sau sự thay đổi trong chiến lược phát triển (Wade & Kim, 1977; Chang, 1982). Nực cười là mức độ gia tăng viện trợ tài chính và các viện trợ khác cho Thái Lan và Nam Việt Nam lại khiến Hoa Kỳ tìm cách tạo ra nền kinh tế tự cường ở Hàn Quốc.

Sự hấp thụ và tăng trưởng kinh tế trong những năm 1960 đã thu hút tài chính tư nhân quốc tế và kết hợp với sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đã tạo ra một nhóm đoan chính mà tham nhũng đóng vai trò nổi bật trong đó. Nhật Bản quan tâm tới sự phát triển của Hàn Quốc vì mục tiêu của họ, cũng giống như các doanh nghiệp và tổ chức Hoa Kỳ đang cho vay hoặc đầu tư. Khoản lại quả khổng lồ là một phụ phẩm của những mối liên hệ tích cực này. Khoảng 2 tỷ dollar tiền lại quả được tạo ra cho nhà cầm quyền Hàn Quốc từ thỏa thuận với các hãng Nhật Bản trong việc xây dựng hệ thống đường tàu điện ngầm Seoul, giám đốc KCIA Lee Hu Rak nhận được 500.000 triệu dollar (Kim, 1978, p.53). Các mối liên hệ giữa công ty Nhật Bản, doanh nghiệp Hàn Quốc và giới thượng lưu nhà nước Hàn Quốc được gọi là yuchaku (cùng nhau phát triển). Một lần nữa, động lực lại là tham nhũng tích cực, cũng như đối với các công ty Hoa Kỳ đầu tư ở Hàn Quốc, không chỉ là tập trung vào hợp đồng của chính quyền mà còn tham gia vào việc mở rộng có lợi nhuận các cơ sở công nghiệp. Do đó, “ít nhất 8,5 tỷ dollar từ quỹ hợp tác của Hoa Kỳ đã chảy vào túi đảng cầm quyền ở Hàn Quốc trong cuộc bầu cử năm 1971” (Congressional Quarterly Almanac, 1978, p.811). Các công ty dầu lửa Hoa Kỳ và các doanh nghiệp lớn khác đã có mối quan hệ đầy lợi nhuận với các quan chức chủ chốt của Hàn Quốc (Kim, 1978, pp.51–52).

Thứ hai, mối đe dọa bên ngoài từ Bắc Triều Tiên cũng làm nổi bật động lực phát triển quốc gia. Ít nhất vào những năm 1950, có thể nói rằng Bắc Triều Tiên hợp pháp hơn Nam Triều Tiên và hơn nữa nếu miền Nam tiếp tục tình trạng mạo hiểm thì miền Bắc có thể tiếp tục tấn công. Một trong những động cơ của cuộc đảo chính năm 1961 là an ninh quốc gia: sự tham nhũng của Rhee không chỉ cản trở các quân nhân chuyên nghiệp, nó còn làm kinh tế đình đốn. Sau cuộc đảo chính, miền Bắc tấn công, mối đe dọa trở thành thường trực, trong đó có việc cử đội ám sát tới ám sát tổng thống Hàn Quốc vào năm 1968 và suýt thành công trong việc ám sát tổng thống Chun Doo Hwan vào năm 1983. Nhưng sự hùng mạnh của kinh tế Hàn Quốc đã củng cố tình hình an ninh quốc gia của họ cũng như ngăn cản chiến lược lật đổ và thống nhất đất nước của miền Bắc.

Những mối liên hệ bên ngoài

Cách thức mà các nhà nước-quốc gia tham gia vào kinh tế thế giới là sống còn trong việc xác định các ưu tiên, nhận thức và quỹ đạo phát triển của nhà nước. Như đã đề cập trước đây trong sự kết hợp với lập luận về hệ tư tưởng và thực tiễn nhà nước, sự tham gia của Thái Lan vào thị trường toàn cầu trong Chiến Tranh Việt Nam đã dựa trên du lịch (và ít lãng mạn hơn là gái mại dâm) như là nguồn thu nhập quốc tế. Tương tự, viện trợ của Hoa Kỳ đã khuyến khích sự tiếp tục cầm quyền của một quân đội trung thành với lợi nhuận của việc buôn bán ma túy toàn cầu (McCoy, 1991). Hàn Quốc không có đặc điểm đó. Mặc dù là một quốc gia hấp dẫn song các cơ hội du lịch và “nghỉ ngơi” dường như là không khả thi trên bán đảo bị chiến tranh tàn phá và một cuộc chiến khác có thể tiếp diễn vào bất cứ lúc nào. Với một ít tài nguyên tự nhiên (không có thuốc phiện và rừng nhiệt đới của Thái Lan) và triển vọng về sự cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ, chiến lược phát triển được áp dụng là hướng tới việc hội nhập quốc tế trên lĩnh vực thương mại. [7] “Chiến lược” kinh tế Công Nghiệp Hóa Thay Thế Nhập Khẩu được theo đuổi dưới thời Syngman Rhee đã thúc đẩy tham nhũng do nó bảo vệ công nghiệp nội địa khỏi sự cạnh tranh đồng thời tạo ra các thiên đường thuận lợi cho việc tìm kiếm lợi tức. Công Nghiệp Hóa Định Hướng Xuất Khẩu (EOI) lại giúp nền kinh tế Hàn Quốc hội nhập vào trật tự kinh tế quốc tế tự do. Tác động của việc đó là các doanh nghiệp Hàn Quốc được đặt vào kỷ luật thị trường thế giới. Các doanh nghiệp nhận được các khoản vay nhờ vào các quan hệ địa phương hoặc cá nhân phải thành công trên thị trường thế giới để tiếp tục nhận được sự trợ giúp (cũng như thiên đường lợi nhuận của họ dưới dạng độc quyền nội địa) do những sự trợ giúp chính thức và phi chính thức của chính quyền được cấp trên cơ sở các lệnh xuất khẩu được đáp ứng (Lim 1981). “Các nhà xuất khẩu có thành tích nổi bật được miễn thế chấp cho các nghĩa vụ hải quan đặc biệt cũng như các nghĩa vụ hải quan nói chung, không phải chịu các cuộc thanh tra thuế bất thường và được ưu tiên trong việc phân bổ ngoại tệ cho các hoạt động kinh doanh” (Kim, 1975, p.272).

Kết luận

Viêc tập trung vào các chi tiết lịch sử cho thấy sau cuộc đảo chính năm 1961 một loạt các nhân tố đan xen với nhau tạo ra một động lực và một khuôn khổ có thể “kiềm chế” tham nhũng. Tham nhũng không giải thích được sự phát triển kinh tế ở Hàn Quốc bằng bất cứ sự liên tưởng nào, nhưng nó cộng sinh với sự tăng trưởng thần tốc và ở một số lĩnh vực thì tạo ra sự linh hoạt cho chính sách kinh tế vốn coi sự chuyển giao nguồn lực cho một số doanh nghiệp có khả năng nhất là cách sử dụng chúng tốt nhất. Người ta có thể lập luận rằng tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế ở Hàn Quốc – điều này là đúng trong trường hợp những năm 1950 – nhưng điều này sẽ là võ đoán trong trường hợp công nghiệp hóa cực nhanh và thành công của những năm 1960.

Rõ ràng là tham nhũng là sự bế tắc trong các nghiên cứu về sự phát triển của Đông Á dựa trên các khái niệm “thuần khiết” về sự độc lập của nhà nước, các mối liên hệ nhà nước-xã hội và vai trò của chính sách công đối với sự phát triển. Bài báo này cố gắng thúc đẩy các nghiên cứu tiếp theo thể hiện phân tích lịch sử xuyên suốt về các thức hình thành chính sách một cách chính xác và sự triển khai được thực hiện trong môi trường mang tính chính trị. Đây là tính chất chung cho hoàn cảnh của tham nhũng tại các nước NICs ở Đông Á (nhà nước mạnh, giới kinh doanh bản địa yếu, sự phổ biến của các mạng lưới phi chính thống). Tuy vậy, kinh nghiệm không điển hình của Hàn Quốc ở đây không phải là sự biện minh cho lập luận chung rằng tham nhũng vừa tích cực vừa tiêu cực. Hơn nữa, tham nhũng luôn đi kèm với những phí tổn cụ thể, ngay cả khi nó cộng sinh với sự phát triển nhanh thần tốc: “tham nhũng có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi đặc tính của nó nhưng quan trọng nhất là không bị phá hủy” (Werner, 1983, p.638). Bằng chứng về phí tổn của tham nhũng là rõ ràng, như hệ thống tài chính đang cần có sự tái cấu trúc và là cốt lõi của các bê bối chính trị và trên góc độ phát triển chính trị nói chung. Trong hiện tại, bằng chứng cho thấy rất khó có thể xóa bỏ tham nhũng mang tính cấu trúc trong kinh tế chính trị Hàn Quốc và nhấn mạnh sự thật rằng sự cộng sinh của tham nhũng và phát triển kinh tế có những tác động dài hạn mà giờ mới bộc lộ rõ ràng, nếu không nói đến những tác động ngắn hạn.

Chú thích

1. Theo các công trình mới được điều chỉnh (Michell, 1981; Lie, 1997), sự tăng trưởng kinh tế nghèo nàn không chỉ là lỗi của chính quyền Rhee mà còn do chính quyền Hoa Kỳ, vốn đang kiểm soát các lĩnh vực quan trọng của chính sách kinh tế Hàn Quốc, thúc giục ổn định hóa và tiêu dùng thay vì đầu tư, vốn có thành tích nghèo nàn dưới thời Rhee. Tuy vậy, điều vẫn còn gây tranh cãi là nếu không có ảnh hưởng của Hoa Kỳ thì giới hành chính, vẫn mong muốn một chính sách công nghiệp và phát triển tích cực, có ảnh hưởng gì không, khi mà Rhee quyết định sử dụng kinh tế để đảm bảo cho sự tồn tại của ông ta thông qua các quan hệ bảo trợ-thân hữu với các doanh nhân đầu cơ trục lợi.

2. Quân đội Quan Đông Nhật Bản đã xâm lược Mãn Châu Lý, đổi tên thành tỉnh Manchukuo. Quốc gia độc lập trên hình thức này trên thực tế do quân đội điều hành như là một thực thể độc lập và hoạt động như phòng thí nghiệm cho quá trình phát triển kinh tế và tập trung hóa chính trị dưới sự kiểm soát của nhà nước.

3. Vào đầu những năm 1970, thuế của nhà nước chiếm 14% GPD (Wade and Kim, 1977, p.118) Vào năm 1987 giảm xuống còn 2% (Kwack and Lee, 1991, p.14).

4. Quan hệ bảo trợ-thân hữu đặc trưng của Đông Nam Á thời thuộc địa và độc lập là một hỗn hợp của “hiện đại” – quan hệ đảng phái, các chương trình phát triển, các doanh nghiệp bị quốc hữu hóa, vân vân, và các mạng lưới huyết thống và quê quán truyền thống. “Ở bất kỳ dạng cụ thể nào của chúng, mạng lưới bảo trợ-thân hữu vẫn đóng vai trò là cơ sở chính của các hệ thống liên minh giữa những người không phải họ hàng khắp Đông Nam Á” (Scott, 1972, p.105). Các quan hệ bảo trợ-thân hữu vận hành trong các xã hội và kinh tế kém hiện đại (trên góc độ sự phát triển tổ chức và thể chế) cũng được đặt dưới thống trị của những ảnh hưởng hệ tư tưởng và văn hóa khác nhau ở Đông Nam Á.

5. Khoản tài chính nước ngoài lớn đã tạo ra cho quân đội các quỹ lớn và sự ảnh hưởng thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước. “Không có nhà nước nào ngoài khối xã hội chủ nghĩa có thể đạt được biện pháp kiểm soát đó đối với các nguồn lực có thể đầu tư của nền kinh tế” (Datta-Chaudhuri được trích dẫn trong Harris, 1987, p.212 n.9). Viện trợ/khoản vay của Hoa Kỳ cho Hàn Quốc vào giai đoạn 1946-1976 là 12,6 tỷ dollar; viện trợ/khoản vay của Nhật Bản là 1 tỷ dollar; các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp 1,9 tỷ dollar E. Mason et al. (eds. 1980, p.165). Đảng Dân Chủ Tự Do, được quân đội thành lập ngay sau cuộc đảo chính đã nhận được 2/3 ngân quỹ từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong giai đoạn 1961-1965  (Woo, 1991, p.86).

6. “Do các khoản vay tư nhân đều phải được chính quyền phê chuẩn và đảm bảo trả nợ, phía Hàn Quốc nhận được các khoản vay nước ngoài phải trả một tỷ lệ nhất định (phổ biến được cho là 10-15% và đôi khi là 20% tổng số tiền) để nhận được sự bảo lãnh của chính quyền”
(Kim, 1976, p.264).

7. Mặc dù Hàn Quốc đi theo con đường tăng trưởng nhờ thương mại, mức độ hội nhập của nền kinh tế nội địa – chịu ảnh hưởng rõ ràng của con đường này – vẫn ở mức thấp: tư bản nước nước ngoài được tìm kiếm bằng con đường vay mượn thay vì FDI và hiếm thấy đầu tư nước ngoài được phê duyệt.

Tài liệu tham khảo

M. Alam (1989) Anatomy of Corruption: An Approach to the Political Eonomy of Underdevelopment. American Journal of Economics and Sociology Vol.48 No.4.

D.-J. Chang (1982) Japanese Corporations and the Political Economy of South Korea-Japanese Relations 1965–1979. PhD Diss. University of California: Berkeley.

S. Chon (1992) Political Economy of Regional Development in Korea. in R. Appelbaum and J. Henderson (eds.), “States and Development in the Asian Pacific Rim.” London: Sage.

M. Clifford (1994) Troubled Tiger: Businessmen. Bureaucrats and Generals in South Korea. East Gate Press: ME Sharpe.

D. Cole and P. Lyman (1971) Korean Development: the Interplay of Politics and Economics. Cambridge Mass: Harvard University Press.

Congressional Quarterly Almanac (1978) “Congress Ends ‘Koreagate’ Lobbying Probe.” Congressional Quarterly Almanac Vol. 34.

B. Cumings (1984) The Origins and Development of the Northeast Asian Political Economy.International Organisation Vol. 38 No. 1.

D. della Porta and A. Pizzorno (1996) The Business Politician: Reflections from a Study ofPolitical Corruption. in M. Levi and D. Nelken (eds.), “The Corruption of Politics and the Politics of Corruption.” Oxford: Blackwell.

P. Evans and D. Rueschemeyer (1985) The State and Economic Transformation. in T. Skocpol, P. Evans and D. Rueschemeyer (eds.), “Bringing the State Back In” Cambridge: Cambridge University Press.

J.L. Girling (1981) Thailand: Society and Politics. Ithaca: Cornell University Press.

S. Haggard (1990) Pathways from the Periphery. Ithaca: Cornell University Press.

S. Haggard, B-K Kim and C. Moon (1991) The Transition to Export-Led Growth in South Korea. The Journal of Asian Studies Vol. 50, No. 4.

N. Harris (1987) The End of the Third World. London: Penguin.

S. Huntington (1968) Political Order in Changing Societies. New Haven: Yale University Press.

L. Jones and I. Sakong (1980) Government, Business and Entrepreneurship in Economic Development: the Korean Case. Cambridge: Harvard.

M. Khan (1996) The Efficiency Implications of Corruption. Journal of International Development Vol. 8, No. 5.

M. Khan (1998) Patron-Client Networks and the Economic Effects of Corruption in Asia Paper presented at the UNDP-PACT and OECD Conference, Corruption and Integrity Improvement Initiatives in the Context of Developing Countries, Paris.

J. Kim(1975) Recent Trends in the Government’s Management of the Economy. in E.R. Wright (Ed) “Korean Politics in Transition” Seattle: University of Washington Press.

J.A. Kim (1976) Divided Korea: the Politics of Development. Cambridge Mass: Harvard University Press.

H. Kim (1978) Statement of Kim Hyung Wook, Former Director Korean Central Intelligence Agency to US Congress Subcommittee on International Organisations, Investigation of Korean-American Relations Part 7.

D. Kirk (1994) Korean Dynasty: Hyundai and Chung Ju Yung. Hong Kong: East Gate Press.

P. Knightley (1989) The First Casualty. London: Pan.

T.W. Kwack and K.S. Lee (1991) Tax Reform in Korea. Korea Development Institute Paper No. 9103.

H.B. Lee (1968) Korea: Time, Change and Administration. Honolulu: East-West Center Press.

N. Leff (1964) Economic Development Through Bureaucratic Corruption. American Behavioural Scientist Vol. 8.

R. Leiken (1997) Controlling the Global Corruption Epidemic. Foreign Policy No.105.

J. Lie (1997) Aid Dependence and the Structure of Corruption: The Case of Post-Korean War South Korea International Journal of Sociology and Social Policy Vol. 17, No. 11–12.

Y. Lim (1981) Government Policy and Private Enterprise: Korean Experience in Industrialisation. Centre for Korean Studies, Berkeley: California.

A. McCoy (1991) The Politics of Heroin. CIA Complicity in the Global Drug Trade. Lawrence Hill Books: USA.

E. Mason et al. (eds. 1980) The Economic and Social Modernisation of the Republic of Korea. Cambridge Mass: Harvard University Press.

T. Michell (1984) Administrative Traditions and Economic Decision-making in South Korea. IDS Bulletin Vol. 15, No. 2.

T. Michell (1989) Control of the Economy During the Korean War: the 1952 Coordination Agreement and its Consequences. in J. Cotton and I. Neary (eds.), “The Korean War in History.” Manchester: Manchester University Press.

M. Naim (1995) The Corruption Eruption. Brown Journal of World Affairs Vol.II, No.2.

H.T. Patrick (1994) Comparisons, Contrasts and Implications. in H.T. Patrick and Y.C.

Park (eds.), ‘The Financial Development of Japan, Korea and Taiwan.’ Oxford: Oxford University Press.

S. Rose-Ackerman (1978) Corruption: A Study in Political Economy. New York: Academic Press.

J.C. Scott (1972) Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia. The American Political Science Review Vol. 66, No. 1.

R. Theobald (1990) Corruption, Development and Underdevelopment. Durham: Duke University Press.

L. Wade and B. Kim (1977) The Political Economy of Success. Seoul: Kyung Hee Press.

R. Wade (1990) Governing the Market. Princeton: Princeton University Press.

S.B.Werner (1983) The Development of Political Corruption: a Case Study of Israel. Political Studies Vol.XXXI.

L. Westphal et al. (1979) Foreign Influences on Korean Industrial Development Oxford Bulletin of Economics and Statistics Vol. 41, No. 4.

J.-E.Woo (1991) Race to the Swift: State and Finance in Korean Industrialisation. Columbia: Columbia University Press.


Jon Moran is Senior Research Assistant, DFD Corruption Project on corruption and anti-corruption strategies, Liverpool Business School, Liverpool John Moores University.