Sunday, October 7, 2018

Thời gian và chủ nghĩa tư bản

Nhân đọc lại cuốn sách của G. Carchedi về chủ nghĩa duy vật lịch sử và nhớ đến câu hỏi của một bạn về nhận thức luận trong cuộc hội thảo hôm trước, bạn đó chưa hiểu rõ vấn đề là ngay ý thức của con người cũng là sản phẩm của một lịch sử cụ thể, nên tôi đã dịch một đoạn nói về đồng hồ và sự hình thành quan niệm về thời gian của con người trong cuốn sách của G. Carchedi, để minh họa cho điều đó.


Dưới đây là ví dụ về một kiến thức vừa mang tính liên thời đại vừa mang tính liên giai cấp: khái niệm thời gian.170 Nhận thức về thời gian của chúng ta bị quy định bởi loại hình xã hội mà chúng sống trong đó. Khái niệm về thời gian của những xã hội trước đây là tuần hoàn – có nghĩa là được gắn liền với các vòng tuần hoàn của tự nhiên, như sự kế tiếp của ngày, mùa và năm – cụ thể và định tính, được gắn liền với công việc cụ thể được gán cho những phần khác nhau trong một ngày. Cho dù được tạo thành từ thợ săn hay thợ cày, các xã hội đó cũng được gắn chặt với các sự kiện cụ thể lặp đi lặp lại. Trong khi các xã hội săn bắn được điều chỉnh bởi các sự kiện sinh thái thì các xã hội nông nghiệp tính toán thời gian dựa vào việc quan sát vị trí của các hành tinh và các ngôi sao. Nếu khái niệm đồng hồ tồn tại thì tự nhiên chính là đồng hồ của họ.171 Trái lại, trong chủ nghĩa tư bản, thời gian trở thành tuyến tính – có nghĩa là đi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, mà tương lai không phải là sự lặp lại của quá khứ, cứ như thể là đi theo một đường thẳng – và trừu tượng, có nghĩa là định lượng bởi vì các khoảng thời gian không còn gắn liền với những hoạt động cụ thể: mọi hoạt động đều có thể thực hiện trong bất cứ khoảng thời gian nào.172 Do đó, thời gian dần dần được chia thành những đoạn nhỏ. Chỉ trong khái niệm thời gian đó thì khái niệm tiến bộ mới có thể xuất hiện, đó là điều không thể tưởng tượng được trong các tôn giáo truyền thống và thế giới quan tin vào sự lặp lại theo chu kỳ của lịch sử. Tương lai không còn cố định trong sự phát triển và lặp lại của quá khứ, trái lại là bỏ ngỏ.

Dấu hiệu quan trọng trong sự xuất hiện khái niệm mới về thời gian là đồng hồ. Đồng hồ chia thời gian thành giờ, phút và giây. Đồng hồ cơ khí được dòng tu Benedictine áp dụng vào thế kỷ thứ bảy sau Công Nguyên. Dòng tu Benedictine khác với các dòng tu khác ở chỗ họ cầu nguyện và thực hiện các công việc tín ngưỡng suốt ngày. Thời gian là khan hiếm và không thể lãng phí. Thời gian cho việc cầu nguyện, thời gian cho việc ăn uống, thời gian để tắm giặt, thời gian để làm việc và thời gian để ngủ. Dòng tu Benedictine dùng giờ làm đơn vị thời gian (xã hội thời trung cổ hiếm khi sử dụng đơn vị giờ). Mọi hoạt động đều được gắn với một giờ cụ thể. Ví dụ, bốn giờ đầu tiên của ngày là dành cho các hoạt động thiết yếu. Bốn giờ tiếp theo để đọc kinh, và cứ tiếp tục như vậy. Điều này có thể coi như là khái niệm hiện đại về thời gian đã xuất hiện ở dòng tu Benedictine. Nhưng các giờ trong ngày vẫn là thời gian cụ thể: mỗi giờ được sử dụng cho một hoạt động cụ thể. Trong chủ nghĩa tư bản thì điều đó sẽ trở thành phi lý, người ta không thể nào hình dung được các hoạt động gắn với một giờ cụ thể: thời gian trở thành trừu tượng.

Đồng hồ ra đời trong hoàn cảnh đó. Nó mang lại nhịp điệu cơ giới cho đời sống thường nhật, do vậy nó được sử dụng trong chủ nghĩa tư bản sau này, khi nhịp điệu cơ giới bắt đầu định hình công việc và đời sống thường nhật của con người. Khái niệm lao động trừu tượng của Marx, một ý tưởng xuất hiện trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, là sự hao phí năng lượng của con người bất kể là loại lao động nào được thực hiện, tìm thấy chỗ trú ẩn trong khái niệm thời gian trừu tượng. Không phải ngẫu nhiên mà đồng hồ đạt được sự ổn định và tính chính xác chỉ sau khi Galileo phát hiện ra chuyển động con lắc vào năm 1649, Huygens ứng dụng chuyển động con lắc cho đồng hồ vào năm 1656. Phút và giây trở thành cảm nhận thường nhật khi chúng xuất hiện trên mặt đồng hồ. Nội dung xã hội của khái niệm thời gian và đồng hồ, vai trò của chúng đối với tái sản xuất của kinh tế tư bản và xã hội, đã được thể hiện rõ. Giờ đây, các hoạt động thương mại và công nghiệp phức tạp được tổ chức một cách sinh lợi dựa vào việc tái cấu trúc lại ngày theo các đơn vị thời gian trừu tượng, bất kể là hoạt động gì, đều có thể được nhồi nhét vào trong một đơn vị thời gian nhỏ dần, cũng giống như tiền. Thời gian trở thành tiền bạc. Kinh tế cũng trở thành kinh tế về thời gian. Cuộc sống của con người và bắt đầu với cuộc sống của người lao động, bị thống trị bởi nhịp điệu của đồng hồ cơ học và sau đó là máy móc, nhịp điệu của chúng cũng đều đặn như đồng hồ. Các khái niệm sinh thái học và vũ trụ về thời gian bị thay thế bằng tiếng tích tắc trống rỗng của đồng hồ.

Dẫu sao khái niệm thời gian này còn có thể hình dung được. Máy tính đưa ra một đơn vị thời gian mà con người không còn hình dung được nữa, nanosecond, một phần tỷ của một giây. Khái niệm về thời gian đó vượt qua khỏi kinh nghiệm của con người và chỉ có máy móc ‘nhận thức’ và đếm được. Như đã nói ở trên, nội dung xã hội của khái niệm này được thể hiện bằng việc áp dụng ý tưởng mới về sự hoàn hảo, người giống như máy hoặc máy giống như người có khả năng nhận thức thời gian như máy tính. Tất cả những phần còn lại của đời sống con người bị tiêu chuẩn hóa, bần cùng hóa, dễ dàng thao túng bằng kỹ thuật gen và hoàn toàn phục tùng tư bản. Đó là khuynh hướng nội tại của khoa học tự nhiên và kỹ thuật hiện nay. Ngay cả nơi trú ẩn cuối cùng của khái niệm thời gian tuần hoàn, chiếc đống hồ có hai kim và hoàn tất chu kỳ sau mỗi 12h, cũng bị thay thế bằng đồng hồ kỹ thuật số và đồng hồ đeo tay, trên đó thời gian chỉ là con số. Mọi sự liên hệ với quá khứ và tương lai đều bị xóa sạch trong đồng hồ kỹ thuật số. Chỉ có hiện tại là tồn tại. Đồng thời, tiếng tích tắc của đồng hồ cơ khí cũng bị thay thế bằng đồng hồ điện tử. Như Rifkins đã bình luận chính xác, đồng hồ kỹ thuật số là ẩn dụ về một xã hội mà trong đó quá khứ cũng như tương lai đều chỉ là chức năng của hiện tại: quá khứ là một tập hợp thông tin có thể truy xuất lại trong ngân hàng dữ liệu và tương lai chỉ là một trong số các sự kết hợp khả thi của những đơn vị thông tin đó. Tương lai không phải là sự hiện thực hóa của những tiềm năng đang trú ẩn trong thực tại đã diễn ra mà chỉ là sự tái kết hợp những thành phần của thực tại đã diễn ra. Vũ trụ không còn được coi là một chiếc đồng hồ vĩ đại, theo truyền thống Newton, mà được nhiều nhà khoa học coi là một dạng hệ thống thông tin tự hành khổng lồ, một dạng máy tính khổng lồ. Cuộc sống được coi là mã hóa của của hàng tỷ đơn vị thông tin, có thể tái cấu trúc tùy ý cho mục đích tạo ra dạng sống mới. Đó là nguồn gốc văn hóa của kỹ thuật gen.

Do vậy, nhờ vào những mâu thuẫn nội tại của hiện tượng xã hội, khai niệm thời gian có thể được kết hợp vào khái niệm hóa mang tính chức năng cho cả sự thống trị của tư bản cũng như sự phản kháng. Ngay cả trong trường hợp sau thì sự phản kháng cũng phụ thuộc vào khái niệm thời gian mang tính chức năng đối với sự liên tục của sự thống trị. Lao động bị buộc phải sử dụng khái niệm thời gian này để chống lại sự thống trị của tư bản, nhưng đồng thời, nó cũng sử dụng khái niệm do tư bản quy định và có nội dung giai cấp ủng hộ tư bản, do vậy, đồng thời vừa tái sản xuất vừa thay thế sự thống trị của tư bản đối với lao động.

170 Much of what follows on this point has been received from Rifkin 1989.
171 Rifkin 1989, pp. 64–5.
172 It has been argued that the notion of concrete time is abstract too, because it is the result of human abstraction. This is trivially true. But concrete vs. abstract here refers to time to be spent for specific activities versus time which can be spent on any activity.

( Phía trên là bản dịch từ trang 264-267, đoạn trích bàn về khái niệm thời gian của chủ nghĩa tư bản, trong cuốn sách "Behind the Crisis" của G. Carchedi.)

Sản xuất tri thức và sản xuất vật chất

Guigliemo Carchedi có một cuốn sách đáng chú ý về chủ nghĩa duy vật lịch sử tên là Behind The Crisis, trong đó có một chương bàn về vai trò của tri thức trong xã hội tư bản.

Trước hết cần phải hiểu là Carchedi phủ nhận lối phân chia lao động trí óc và lao động chân tay, ông phân chia thành hai loại lao động là lao động tinh thần (mental labour) và lao động vật  chất (objective labour), và cả hai loại lao động này đều cấu thành từ lao động trừu tượng và lao động cụ thể, ông phủ nhận lao động trí óc hay lao động chân tay thuần túy, mà coi mọi loại lao động đều bao gồm cả chân tay và trí óc.

Carchedi đặt vấn đề tri thức là vật chất, dựa trên cơ sở quá trình sản xuất ra tri thức cũng là quá trình vật chất, do có sự hao phí sức lao động của con người. Song không phải mọi loại tri thức đều là vật chất, trong quá trình sản xuất ra tri thức thì người lao động sử dụng tri thức chủ quan (công cụ lao động) để biến đổi tri thức khách quan (đối tượng lao động), đã được vật chất hóa, ví dụ một sáng kiến được lưu trong máy tính, thành tri thức mới. Theo quan điểm của Carchedi thì tri thức khách quan mới là vật chất, hay nói cách khác, tri thức đã được vật chất hóa.

Tại sao điều đó lại cần thiết? Bởi vì nó là cơ sở để giải thích quá trình sản xuất và tích lũy tri thức xã hội, nó bác bỏ quan niệm của giới tri thức về việc đồng nhất tri thức chủ quan với khách quan và dẫn đến quan niệm kiểu workerism.

Trong chương về tri thức, G. Carchedi phê phán quan niệm của phái workerism, phái này dựa vào một đoạn trích dẫn Marx nói về vai trò của tri thức chung, tức là tri thức chung trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Họ lập luận rằng dưới chủ nghĩa tư bản thì tri thức xã hội tăng lên không ngừng, được khuếch tán rộng rãi khiến cho nhà tư bản không còn dựa vào lao động trực tiếp được nữa mà ngày càng phải dựa vào tri thức chung của xã hội để tồn tại, mà tri thức này lại nằm trong tay công nhân. Do đó xã hội tư bản sẽ tự biến đổi thành xã hội của công nhân. G. Carchedi chỉ ra rằng các nhà kinh tế chính trị theo phái workerism đã lảng tránh vấn đề sản xuất tri thức trong chủ nghĩa tư bản. Dựa trên phân tích về sản xuất tri thức theo phương pháp phân tích hàng hóa của Marx, tức là phân tích giá trị sử dụng và giá trị, quá trình sản xuất giá trị đồng thời là sản xuất giá trị thặng dư, G. Carchedi chỉ ra rằng, tri thức xã hội chung là món quà tặng miễn phí mà chủ nghĩa tư bản chiếm được, nó chỉ tạo ra giá trị sử dụng, không tạo ra giá trị, rất nhiều tri thức được tạo ra nhằm phục vụ trực tiếp cho sản xuất hoặc phi sản xuất nhưng không bán được cũng không phải là sản xuất giá trị. Bên cạnh đó, việc sản xuất tri thức để bán, tức là sản xuất giá trị ngày càng phát triển, tức là trái ngược với hình dung của phái workerism, việc sản xuất tri thức lại ngày càng rơi vào sự kiểm soát của tư bản, thay vì công nhân.

G. Carchedi nhấn mạnh vào phần sản xuất tri thức trở thành sản xuất giá trị, tức là để đem bán. Việc sản xuất đó hoàn toàn diễn ra trong các điều kiện của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và không cần đến sự thay thế nó. Phái workerism hình dung rằng việc tri thức xã hội trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội theo tiến trình tự nhiên. Carchedi phê phán quan niệm này và chỉ ra là chủ nghĩa tư bản có khả năng kiểm soát việc sản xuất tri thức.

Tóm lại, trong chủ nghĩa tư bản thì sản xuất tri thức ngày càng trở thành sản xuất giá trị, tức là để đem bán lấy tiền. Các nhà khoa học, kỹ sư vĩ đại ngồi trên ngai vàng lấp lánh của chúng ta luôn mơ đến ngày họ sẽ biến thế giới này thành một cỗ máy do họ điều khiển, thay cho những nhà tư bản béo mập, nhưng thực tại đập vào mặt họ là cần phải bán những tri thức họ tạo ra lấy tiền đã, còn không thì về mặt giá trị xã hội họ còn thua cả anh chàng dọn vệ sinh bẩn thỉu mà họ vẫn thường gọi một cách khinh bỉ là đám lao động chân tay hạ đẳng.