Showing posts with label Helen Ward. Show all posts
Showing posts with label Helen Ward. Show all posts

Wednesday, December 16, 2015

Chủ nghĩa Marx đối đầu với chủ nghĩa đạo đức về nạn mại dâm

Khi cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa mại dâm diễn ra ở Việt Nam mới đây, thật kỳ lạ là hoàn toàn không có ai sử dụng chủ nghĩa Marx để phân tích vấn đề đó. Dường như chủ nghĩa Marx đang bị hắt hủi trong thực tiễn ở Việt Nam (một nước công khai theo chủ nghĩa Marx-Lenin), có lẽ điều đó khiến cánh cực hữu và những kẻ thờ phụng chủ nghĩa đế quốc phương Tây vui mừng hơn nhiều so với sự bôi nhọ chủ nghĩa Marx một cách bỉ ổi hàng này của họ.

Việc sử dụng chủ nghĩa Marx để phân tích các vấn đề thực tế không phải là hiếm hoi trên thế giới ngược lại nó đang ngày càng trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén hơn của người lao động trên khắp thế giới.

Cũng về vấn đề mại dâm, Helen Ward trong bài "Marxism versus Moralism on Prostitution", đăng trên Permanent Revolution Winter 2007, đã dựa trên luận điểm Marxist cho rằng mại dâm là mặt trái của chế độ hôn nhân một vợ một chồng (chỉ đối với phụ nữ), phân tích việc biến mại dâm thành hàng hóa trong xã hội tư bản và cấu trúc giai cấp của mại dâm. Mỗi bộ phận trong lĩnh vực mại dâm thuộc về một giai cấp khác nhau, tương ứng với cấu trúc giai cấp của xã hội tư sản, do vậy khi đấu tranh chống lại nạn mại dâm thì cũng cần có phương thức liên kết và đấu tranh thích hợp với cấu trúc giai cấp đó. 

Nếu như ở nước Anh mại dâm là hợp pháp thì công việc của người vô sản anh là đoàn kết với công nhân tình dục để chống lại sự áp bức của giai cấp tư sản thì ở Việt Nam, nơi mà mại dâm là bất hợp pháp, thì công việc của người vô sản không phải là đấu tranh để hợp pháp hóa nó mà ngược lại phải tìm cách xóa bỏ nó. Do ở những nước như Anh, khi mà mại dâm được hợp pháp hóa thì trong những điều kiện của chủ nghĩa tư bản điều đó có nghĩa là nạn mại dâm đã trở lên phổ biến và biến thành chế độ làm thuê phổ biến, cách thức đấu tranh hợp lý là đoàn kết với những người bị áp bức. Còn ở Việt Nam, nạn mại dâm vẫn chưa đạt đến quy mô công nghiệp, vẫn chỉ hạn chế chủ yếu ở giai cấp tiểu tư sản và tầng lớp vô sản lưu manh, thì điều tiên quyết là chống lại mọi mưu toan công nghiệp hóa nó, phát triển nó thành một dịch vụ phổ biến, bởi vì sự hủy hoại ấy trước hết sẽ nhằm vào những người lao động.

Chủ nghĩa Marx đối đầu với chủ nghĩa đạo đức về mại dâm

“Mại dâm chỉ là một biểu hiện cụ thể của nạn mại dâm phổ biến của người lao động.”[1] Câu trích dẫn này của Marx có thể cho thấy rằng đối với những người xã hội chủ nghĩa thì mại dâm là một vấn đề rất rõ ràng, nhưng thay vì được chứng minh trong các cuộc đấu tranh thực tế, cánh tả thường dao động giữa việc biện minh cho sự áp bức và xóa bỏ, hay hình sự hóa và công đoàn hóa.

Phần lớn các tranh luận mới đây tập trung xem xét về việc mại dâm có thể được coi là công việc hay là một dạng áp bức đối với phụ nữ.[2] Hai phe đối lập đã dẫn đến hai chiến lược đối lập hoàn toàn. Nếu như mại dâm là công việc thì đấu tranh cho việc tự tổ chức và các quyền là vấn đề chủ chốt của những người xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu như mại dâm là sự áp bức và nô lệ hóa thì những người tham gia là nạn nhân cần phải được giải thoát. Kathleen Barry, nhà tổ chức của hội nghị nữ quyền quốc tế về buôn bán phụ nữ vào năm 1983, đã theo đuổi quan điểm thứ hai khi bà từ chối tranh luận với nhà hoạt động của lao động tình dục Margo St. James, lập luận rằng “hội nghị là về nữ quyền và không ủng hộ thiết chế mại dâm…(sẽ là)…không thích hợp để thảo luận về nô lệ tình dục với phụ nữ bán dâm.”[3] Gần đây hơn, nhà văn Julie Bindell đã ủng hộ quan điểm này, viết về quyết định mở một chi nhánh cho lao động tình dục của GMB, bà lập luận, “làm sao một công đoàn có thể vừa chống lại việc áp bức phụ nữ lại vừa dung nạp điều đó? Thay vì để xã hội coi đó là một sự lựa chọn nghề nghiệp, mại dâm cần phải được thể hiện đúng bản chất – sự áp bức đối với phụ nữ. Công đoàn hóa không thể bảo vệ phụ nữ trong ngành công nghiệp đồi bại này.”[4] Mới đây nhất Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Scottland (SSP) đã gia nhập chiến tuyến và tuyên bố rằng mại dâm là sự áp bức đối với phụ nữ [xem trang 17].

Một quan điểm Marxist về mại dâm 

Mại dâm là trao đổi tình dục lấy tiền. Mặc dù vậy, khi mà có sự trao đổi này diễn ra trong những bối cảnh khác nhau – ví dụ như trong một số dạng hôn nhân – hầu hết các định nghĩa của từ điển đều rộng hơn một chút. Trong Từ Điển Tiếng Anh Oxford, một gái bán dâm là “một phụ nữ cho thuê cơ thể để phục vụ cho bất kỳ quan hệ tình dục nào.” 

Từ điển Encyclopaedia Britannica có định nghĩa rộng hơn, mại dâm là “sự tham gia vào hoạt động tình dục, thường xuyên là với các cá nhân khác không phải là vợ chồng hay bạn tình, để đổi lấy khoản thanh toán tức thời dưới dạng tiền hay các vật đáng giá khác.” Những định nghĩa này bổ sung thêm từ “bất kỳ” hay “không phải vợ chồng” để cố gắng tóm lược điều mà chúng ta đều ngầm hiểu – mại dâm là tình dục nằm bên ngoài những mối quan hệ mà trong đó tình dục thường được chấp nhận. 

Khái niệm mại dâm có lẽ hàm chứa nhiều người khác nhau cũng nhiều mối quan hệ khác nhau theo thời gian. Những nữ tu của Hy Lạp cổ đại, geisha của Nhật Bản, kỹ nữ của Châu Âu, gái đứng đường khu Soho và công nhân nhà thổ ở Mumbai, tất cả đều mang tên gái mại dâm. Vẻ bề ngoài tồn tại phi thời gian, nằm trong câu sáo ngữ về “nghề cổ xưa nhất”, che giấu nhiều quan hệ xã hội khác nhau. Những phụ nữ đó đều có một thứ chung đó là họ thực hành quan hệ tình dục bên ngoài khuôn khổ gia đình, tức là tình dục không gắn kết với sự tái sản xuất và duy trì một hộ gia đình.

Đây chính là thứ quan trọng để tiến đến cốt lõi của vấn đề - mại dâm chỉ có thể được khám phá trong mối quan hệ với chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Như Engels đã viết, “Chế độ một vợ một chồng và mại dâm thực sự mâu thuẫn nhau nhưng là sự mâu thuẫn không thể tách rời, là hai cực của cùng một trạng thái xã hội.”[5] Bebel, viết về phụ nữ và chủ nghĩa xã hội vào những năm 1880, đã giải thích, “Mại dâm trở thành một thiết chế xã hội cần thiết của xã hội tư sản, cũng giống như cảnh sát, quân đội thường trực, nhà thờ và giai cấp tư sản.”[6] Để hiểu được sự biện chứng này, tức là “sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập”, trước hết chúng ta cần phải xem xét bản chất của mại dâm trong chủ nghĩa tư bản, xem xét sự biến đổi của nó theo phương thức sản xuất và sau đó quay trở lại khám phá quan hệ giữa tình dục riêng tư và công cộng cũng như sự áp bức phụ nữ.

Mại dâm: hàng hóa 

Giống như hầu hết các giao dịch thương mại của chủ nghĩa tư bản, mại dâm dựa trên việc bán và mua một hàng hóa. Theo nhận thức thông thường, gái bán dâm bán “cơ thể của cô ta”. Nhưng đây là một sự hiểu lầm, do khi kết thúc giao dịch thì khách hàng không “sở hữu” cơ thể của gái mại dâm. Thứ mà khách hàng mua là là dịch vụ tình dục. Một số nhà nữ quyền và người xã hội chủ nghĩa phản đối ý tưởng cho rằng phụ nữ bán dịch vụ chứ không phải bán cơ thể, nhưng cũng thừa nhận rằng việc bán đó chỉ là tạm thời, mô tả việc bán là để sử dụng cơ thể gái bán dâm để đem lại sự thỏa mãn tình dục cho khách hàng.

Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì vẫn là sự nhầm lẫn. Nếu anh đến bất cứ nơi nào có mại dâm, bất kể là trên đường phố, trong một nhà thổ hay thông qua một kẻ môi giới, anh sẽ thấy có bảng giá cụ thể. Thông thường chúng không được liệt kê vì lý do pháp luật nhưng rõ ràng là có giá cả cho việc phục vụ bằng tay, giá sẽ cao hơn khi phục vụ bằng miệng, giao hợp bình thường và giao hợp đường hậu môn. Một dịch vụ hộ tống sẽ tính tiền theo giờ, nhưng cũng nói rõ rằng dịch vụ tình dục bao gồm những gì và không bao gồm những gì, tất nhiên là kèm theo mức phí đã được tính. Hàng hóa là tình dục – hay chính xác hơn là một dịch vụ tình dục cụ thể.

Việc tình dục bị biến thành hàng hóa được nhiều người coi là “tội” tổ tông của mại dâm. Mhairi McAlpine của SSP viết, “mại dâm là việc thương phẩm hóa quan hệ tình dục, tách ra khỏi phạm vi thỏa mãn lẫn nhau và đưa vào phạm vi của thị trường.”[7] Tôi cũng có những cuộc thảo luận tương tự về chủ đề này với nhiều đồng chí trong nhiều năm – liệu có chắc chắn là hành vi thân mật đó không bao giờ nên bị biến thành thứ xa lạ có thể bị đem mua bán? Quan điểm lãng mạn cho rằng tình dục là sự thỏa mãn lẫn nhau đã cho thấy sự trừu tượng hóa từ các mối quan hệ xã hội. Dưới chủ nghĩa tư bản và các xã hội phân chia giai cấp trước đó, tình dục được điều tiết chặt chẽ và có khuynh hướng kinh tế. Sự điều tiết dựa trên nhu cầu bảo vệ sở hữu tư nhân thông qua thừa kế.

Trong cuốn sách “Nguồn Gốc Gia Đình, Chế Độ Tư Hữu Và Nhà Nước”, Engel đã phác họa cách thức chế độ một vợ một chồng (đối với phụ nữ) phát triển cùng với sở hữu tư nhân. Gia đình một vợ một chồng “thoát ra từ gia đình đối ngẫu…Nó dựa trên sự thống trị của đàn ông, thể hiện mục đích tạo ra con cái mà không có sự tranh chấp về quan hệ cha con; quan hệ cha con này là cần thiết bởi vì con cái sau này sẽ trở thành người thừa kế tài sản tự nhiên của người cha.”[8]

Hình thức gia đình đã thay đổi qua các dạng xã hội phân chia giai cấp khác nhau nhưng không phải là tôn giáo và phong tục đã đảm bảo cho sự tập trung của chế độ một vợ một chồng đối với phụ nữ, khi chế độ đó giải thích về phạm vi và các luật lệ ổn định. Không phải mại dâm thực hành tình dục “bên ngoài phạm vi của sự thỏa mãn lẫn nhau” mà chính gia đình một vợ một chồng được dùng để bảo vệ sở hữu tư nhân. Những cô con gái trở thành tài sản để được mua cũng như đem bán cái khả năng tạo ra người thừa kế của họ nhằm đổi lấy đất đai, gia súc hay tiền bạc.[9]

Mại dâm cũng phát sinh từ quá trình đó, do không có bất cứ xã hội nào có thể áp đặt chế độ một vợ một chồng cho nam giới cũng như nữ giới. Demosthenes, một nhà hùng biện Hy Lạp, đã tóm tắt vị thế của phụ nữ trong xã hội chiếm hữu nô lệ của Athen, “Chúng ta thỏa mãn bằng kỹ nữ, có những nàng hầu đáp ứng nhu cầu hàng ngày và cưới nhiều vợ để sinh cho chúng ta những đứa con hợp pháp cũng như làm người bảo vệ đáng tin cậy cho sức khỏe của chúng ta.”[10] 

Liệu quan điểm này đã lỗi thời chưa? Liệu có chắc chắn là vào thế kỷ 21 thì tình dục chủ yếu là để thỏa mãn lẫn nhau thay vì tạo ra người thừa kế hay đổi lấy tiền mặt? Trước đây hơn bốn mươi năm đã có một sự giải phóng tình dục, do sự thay đổi trong địa vị xã hội của phụ nữ và sự phát triển của các biện pháp tránh thai hiệu quả, mại dâm không phải là dạng tình dục ngoài hôn nhân duy nhất. Mặc dù vậy, các cấu trúc xã hội vẫn tiếp tục ủng hộ quan hệ tình dục một vợ một chồng liên quan tới sở hữu, phụ nữ khắp thế giới vẫn bị coi là đĩ điếm khi họ công khai tìm kiếm quan hệ tình dục không mang tính chất một vợ một chồng.

Cấu trúc giai cấp của mại dâm 

Bề ngoài của mại dâm không phù hợp với các phân loại kinh tế tiêu chuẩn. Một nhà sử học đã viết: 

“…gái mại dâm không hành xử giống như bất kỳ hàng hóa nào khác; cô ta chiếm một vị trí độc nhất, tại trung tâm của một hệ thống kinh tế phi thường và đồi bại. Cô ta có thể đại diện cho mọi khái niệm trong phạm vi sản xuất tư bản chủ nghĩa; cô ta đồng thời là người lao động, đối tượng trao đổi và người bán. Cô ta đóng vai trò như công nhân, hàng hóa và nhà tư bản, cô ta xóa mờ các phân loại kinh tế tư sản theo cùng cách thức mà cô ta thách thức những ràng buộc của đạo đức tư sản…Do vậy, khi là hàng hóa, gái mại dâm vừa củng cố vừa xuyên tác mọi đặc trưng truyền thống của kinh tế học tư sản.”[11]

Không chỉ sai lầm về việc một gái mại dâm có thể đại diện cho mọi yếu tố của sản xuất tư bản chủ nghĩa mà nhà sử học cũng không chỉ ra được những vai trò khác nhau của gái mại dâm. Họ thực sự có thể xuất hiện như là công nhân, hàng hóa, người bán và thậm chí là nhà tư bản, nhưng những gái mại dâm khác nhau có thể có những quan hệ khác nhau với hàng hóa mà họ bán.

Hàng hóa có giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng trong mại dâm là thỏa mãn sự ham muốn của khách hàng, cung cấp sự thỏa mãn tình dục. Giá trị trao đổi là lao động xã hội kết tinh trong hàng hóa, có nghĩa là lao động thể chất và tinh thần liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tình dục. Giá trị này tương đương với thứ mà công nhân tình dục cần để tái sản xuất bản thân dưới các điều kiện xã hội trung bình đối của ngành này.

Giống như nhiều dịch vụ và một số lĩnh vực sản xuất khác của chủ nghĩa tư bản, mại dâm diễn ra theo nhiều cách khác nhau, gái mại dâm cũng có mối quan hệ khác đối với tư liệu sản xuất và mua bán mỗi loại tư liệu sản xuất. Nhiều gái mại dâm là lao động làm thuê: họ được một cá nhân, doanh nghiệp thuê và buộc phải làm việc trong một số giờ nhất định. Đây là tình cảnh của hàng triệu phụ nữ đang làm việc trong các nhà thổ, quán xông hơi và quán bar khắp thế giới. Họ được trả lương theo số giờ làm việc hoặc số khách hàng phải tiếp.

Trong trường hợp này họ không trực tiếp bán dịch vụ tình dục cho khách hàng – họ bán sức lao động cho chủ. Chủ của họ (tú ông, tú bà, chủ nhà thổ hoặc quán bar) nhận tiền từ khách hàng và chia một phần cho công nhân tình dục (hoặc đòi một phần phí mà công nhân tình dục nhận được). Theo nghĩa này thì công nhân tình dục cũng giống như các lao động làm thuê khác, có thể nói rằng họ “bán thân thể”, tức là họ bán khả năng lao động. Tuy vậy, như Marx đã giải thích trong Quyển I của bộ Tư Bản, đây không phải là bán thân: 

“…chủ sở hữu của sức lao động [công nhân – HW] chỉ bán nó trong một khoảng thời gian xác định, nếu như anh ta bán nó vĩnh viễn thì anh ta cũng bán luôn bản thân mình, biến anh ta từ một người tự do thành một nô lệ, từ chủ sở hữu một hàng hóa thành một hàng hóa.”[12]

Thực sự là hiện nay có những lao động tình dục sống trong các điều kiện nô lệ - khi mà bản thân họ bị bán và mua như hàng hóa và sau đó làm việc cho các chủ sở hữu nô lệ. Sự hồi sinh của chế độ nô lệ hiện đại, hầu hết được tường thuật trong hoạt động mua bán người, không phải là chỉ riêng đối với mại dâm mà còn diễn ra trong công việc nội trợ và hầu hạ. Thực tế về chế độ nô lệ tồn tại trong một số bộ phận của công nghiệp tình dục không bác bỏ thực tế là đa số hoạt động mại dâm diễn ra trong điều kiện thông thường của chế độ nô lệ làm thuê.

Hầu hết công nhân tình dục không phải là nô lệ hay công nhân làm thuê – phần lớn bởi vì sự cấm đoán của luật pháp nhằm hạn chế sự bành trướng của ngành công nghiệp “chính đáng” và đặt nó dưới bóng tối của thị trường bất hợp pháp và kinh tế tội phạm. Nhiều công nhân tình dục là người bán hàng trực tiếp; họ không làm việc cho ai mà trực tiếp giao dịch với khách hàng. Trong trường hợp này thì họ vẫn bán hàng hóa nhưng không phải là sức lao động mà là hàng hóa chứa đựng lao động kết tinh của họ, tức là dịch vụ tình dục, họ cũng bán dịch vụ này trực tiếp cho khách hàng. Trên thực tế, họ là người tự kinh doanh, mặc dù tại hầu hết các quốc gia họ không thể đăng ký một cách hợp pháp. Một số người có của cải và sở hữu hoặc thuê các tư liệu sản xuất – như nhà ở, điện thoại và các công cụ thương mại khác. Họ thuộc giai cấp tiểu tư sản.

Nhưng đa số các phụ nữ trong trường hợp đã nêu khó có thể mang hình ảnh của tầng lớp trung lưu, người tự kinh doanh. Hầu hết họ đều nghèo với một ít của cải và đối với một số người thì sự trao đổi có dạng rất sơ khai. Ví dụ khi dịch vụ tình dục được trực tiếp trao đổi lấy hiện vật, như thực phẩm và nơi ở, hay ma túy. Những người này chỉ tham gia một cách hời hợt vào nền kinh tế tư bản – họ là một phần của thứ mà Marx gọi là tầng lớp vô sản lưu manh.

Cũng có những gái mại dâm thuê người khác làm việc cho họ. Một số công nhân tình dục tự tổ chức công việc kinh doanh của họ, đóng vai trò như là tú bà và chủ nhà thổ. Khi làm chủ thì họ sở hữu các tư liệu sản xuất và bóc lột lao động của người khác, trong khi vẫn thường xuyên tiếp tục, mặc dù không liên tục, bán dâm. Như vậy, một số gái mại dâm là công nhân, một số là nô lệ, đa số là tiểu tư sản và một số ít là tư sản.[13]

Bóc lột hay áp bức?

Ở mức độ trừu tượng hóa rất cao – của hàng hóa, giá trị sử dụng và giá trị trao đổi – mà Marx coi là bản chất của sự bóc lột. Công nhân bị nhà tư bản bóc lột không phải bằng lừa dối hay gian lận mà dựa vào bản chất của chế độ làm thuê: công nhân đổi một hàng hóa lấy tiền lương. Hàng hóa không phải là sản phẩm của lao động của họ mà là năng lực lao động, tức là sức lao động của họ.

Sự bóc lột tồn tại trong sự khác biệt giữa giá trị của sức lao động và giá trị của hàng hóa mà họ sản xuất ra trong thời gian sức lao động của họ được nhà tư bản sử dụng. Sự bóc lột là kết quả của thực tế là công nhân không sở hữu sản phẩm của lao động của họ mà chỉ sở hữu năng lực lao động của họ. Ngay cả khi tiền lương được trả đúng bằng giá trị của sức lao động, một sự trao đổi công bằng theo khái niệm tư bản chủ nghĩa, người công nhân vẫn bị bóc lột.

Roberta Perkins, viết về công nghiệp tình dục ở Australia, cung cấp một định nghĩa hữu ích về cách thức điều này vận hành trong lĩnh vực kinh doanh tình dục:

“Nhà thổ, hay nhà chứa (bordellos, bagnios, stews, seraglios) cũng tương tự như các nhà xưởng cỡ nhỏ và vừa, một khách sạn hoặc một tòa nhà khác được sử dụng làm nơi làm việc, đòi hỏi một khoản tư bản ứng trước lớn, chi phí cao và một khoản lợi nhuận định kỳ lớn. “Chủ sở hữu tư liệu sản xuất” có thể là cá nhân, liên doanh hoặc một doanh nghiệp cổ phần, thuê mướn nhân công hỗ trợ như quản lý, lễ tân, người đứng quầy bar, hoặc người dọn vệ sinh và nhân viên bán hàng hoặc gái mại dâm. Gái mại dâm làm việc theo kiểu vô sản truyền thống, tức là lao động của họ được thuê và được trả tiền. Giá trị trao đổi của gái mại dâm thường là bằng nửa giá trị trao đổi của hàng hóa (tình dục) được khách mua (khách hàng hay người tiêu dùng). Tiền hoa hồng [hay tiền lương – HW] của cô ta theo thỏa thuận phân chia với chủ, người có sở hữu phần giá trị thặng dư, từ phần giá trị thặng dư đó chủ sẽ trả lương cho người lao động hỗ trợ, thanh toán tiền thuê nhà, tiền điện, tiền điện thoại, quảng cáo và các chi phí khác, cũng như tích lũy tư bản để tái đầu tư cho công việc kinh doanh (ví dụ, cải tiến hoặc mở rộng). Phần còn lại của giá trị thặng dư là lợi nhuận của chủ.”1[14]

Cũng như đối với các lao động làm thuê khác, sự bóc lột và lợi nhuận nằm trong sự chênh lệch giữa chi phí thuê công nhân tình dục và thu nhập mà cô ta có thể tạo ra bằng cách cung cấp hàng hóa. Đối với những người tiểu tư sản thì không có sự bóc lột theo nghĩa này và lợi nhuận được tạo ra bằng cách nâng giá bán cao hơn chi phí kinh doanh. 

Phân tích này bị các nhà nữ quyền phản đối, họ cho rằng khách hàng trực tiếp bóc lột công nhân tình dục. Dĩ nhiên trong mối quan hệ gái mại dâm-khách hàng thì khách hàng luôn có vị thế đặc quyền về kinh tế nhưng anh ta không bóc lột gái mại dâm. Vai trò của anh ta trong mối quan hệ này là người tiêu dùng. Có nhiều người khác bóc lột cô ta – chủ của cô ta có thể là tú ông, doanh nghiệp hay tú bà – nhưng theo nghĩa kinh tế thì chắc chắn không phải là khách hàng.[15] 

Sự liên hệ của Engel giữa mại dâm với chế độ một vợ một chồng là chính xác. Trong gia đình thì người chồng có nhiều lợi thế về quyền lực trong phạm vi gia đình đối với người vợ, thu nhập sẵn có và thoát khỏi nhiều công việc tầm thường. Nhưng nhìn chung anh ta không đạt được điều này bằng cách bóc lột kinh tế vợ của mình – anh ta “được thừa hưởng” điều đó từ địa vị chung của nam và nữ giới trong phạm vi chủ nghĩa tư bản.

Khi cho rằng gái mại dâm không bị khách hàng bóc lột thì không có nghĩa là họ không bị khách hàng áp bức. Nhiều công nhân tình dục bị khách hàng áp bức tàn bạo, họ thường làm nhục hoặc dùng bạo lực với gái mại dâm. Nhà nước cũng đối xử với công nhân tình dục theo cách đó, thường xuyên phủ nhận các quyền con người và pháp lý cơ bản của họ. Ví dụ, cho đến gần đây ở Anh, một phụ nữ có tiền án mời chào mua dâm vẫn được coi là “gái mại dâm công khai”. Một khi điều đó đã được ghi vào hồ sơ thì cô ta có ít quyền hơn bất cứ người nào khác. Các truy tố khác sẽ không cần đến hai nhân chứng mà chỉ cần sự khẳng định của một viên cảnh sát và tiền án của cô ta sẽ được trưng tại tòa án.

Ở nhiều nước, phụ nữ với tiền án mại dâm bị cấm đi lại, họ không được quyền nuôi con và hiện nay thì gái mại dâm đứng đường ở Anh sẽ bị kết án có hành vi phản xã hội, tức là có thể bị quản thúc về một tội thực sự không mang tính chất hình sự. Ví dụ khắc nghiệt nhất về sự áp bức đối với gái mại dâm là tỷ lệ sát nhân và tấn công bạo lực cao, cũng như cách thức hằn học mà truyền thông đưa tin về gái mại dâm. Phụ nữ “bị coi” là gái mại dâm có thể bị gia đình và bạn bè xa lánh, mất quyền nuôi con và không bao giờ kiếm được công việc “bình thường”. Họ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những sự trừng phạt về pháp lý và xã hội không chỉ tác động đến phụ nữ đứng đường; chúng vươn sang cả những phụ nữ bị coi là “đĩ”. Nhưng rõ ràng những phụ nữ dễ tổn thương nhất – những người không có tiền bạc, ít học và ít được hỗ trợ về mặt xã hội – là những người phải gánh chịu đau khổ nhiều nhất. Họ bị xô đẩy từ mọi phía. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người trong số họ nghiện ma túy hoặc rượu và có các vấn đề về tâm thần khác. Nhưng kiểu phụ nữ rập khuôn phổ biến như bị lạm dụng khi còn bé rồi trở thành gái mại dâm để “thỏa mãn” sự nghiện ngập không phải là tình huống phổ biến nhất.

Thông thường là sự kết hợp giữa các tình thế đưa đẩy phụ nữ đến với mại dâm và nguyên nhân phổ biến không phải là nghiện ma túy hay sự lạm dụng, mặc chúng là động cơ, mà là thiếu tiền. Sự thiếu tiền có thể là tuyệt đối hoặc tương đối – nhiều phụ nữ tìm thấy ở ngành công nghiệp tình dục một sự lựa chọn tốt hơn so với những công việc lương thấp và bị bóc lột dữ dội ở các lĩnh vực thông thường.

Tình hình này cũng phổ biến ở các quốc gia khác. Công nhân tình dục ở Ấn Độ đưa ra tuyên ngôn vào năm 1997, trong đó có giải thích về lý do phụ nữ bán dâm:

“Phụ nữ bán dâm vì lý do tương tự như khi họ lựa chọn bất cứ sinh kế có sẵn nào. Trường hợp của chúng tôi không khác biệt gì so với công nhân từ Bihar đến kéo xe tay ở Calcutta, hay công nhân từ Calcutta làm việc bán thời gian tại một nhà máy ở Bombay. Một số người trong chúng tôi bị bán vào ngành này. Sau khi bị ràng buộc với tú bà đã mua chúng tôi trong một số năm thì chúng tôi có được mức độ độc lập nhất định trong ngành công nghiệp tình dục. [Chúng tôi] đi đến bán dâm sau khi trải qua nhiều kinh nghiệm trong đời, thường là miễn cưỡng, không hoàn toàn hiểu biết về mọi tác động của việc trở thành gái mại dâm. Nhưng từ khi nào đa số phụ nữ chúng tôi có sự lựa chọn trong và ngoài phạm vi gia đình? Liệu chúng tôi có tình cờ tự nguyện trở thành lao động nội trợ? Liệu chúng tôi có thể lựa chọn người mình muốn kết hôn và khi nào kết hôn? “Sự lựa chọn” hiếm khi là hiện thực đối với hầu hết phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo.”[17]

Công và tư 

Phân tích mang tính Marxist này thể hiện rằng mại dâm xuất hiện như là mặt trái của chế độ một vợ một chồng, một chế độ sinh ra để bảo vệ sở hữu tư nhân và quan hệ tình dục không thể hoàn toàn tách khỏi quan hệ kinh tế trong xã hội phân chia giai cấp. Sự áp bức đối với phụ nữ bắt nguồn từ sự tác biệt công việc nội trợ và tái sản xuất tư nhân khỏi sản xuất xã hội và đời sống xã hội.

Mại dâm tạo thành sự đe dọa đối với xã hội bởi vì nó đe dọa xóa mờ sự phân chia rõ ràng – tách tình dục ra khỏi gia đình và ném vào thị trường. Sau đó nó cho thấy rằng dưới chủ nghĩa tư bản thì gái mại dâm không phải là một tầng lớp đơn lẻ. Chương trình của chúng ta về mại dâm phải phản ánh sự hiểu biết này và không nên dựa trên ý tưởng lãng mạn về tình dục cũng như sự kinh hoàng của chúng ta về sự bóc lột thậm tệ nhất đối với công nhân tình dục.

Công nhân tình dục tự tổ chức 

Trong những năm gần đây có một sự phát triển lớn lao trong các tổ chức của công nhân tình dục. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu có nhiều tổ chức đã phát triển từ các nhóm phụ nữ và các phong trào xã hội khác, nhưng phải đoạn tuyệt với lập trường nữ quyền về công việc tình dục để bảo vệ quyền của họ. Nhiều nhà nữ quyền muốn xóa bỏ mại dâm, coi đó chỉ đơn giản là sự áp bức đối với phụ nữ. Họ cho rằng điều đó phải được xóa bỏ bằng cách trừng phạt những người quản lý và khách hàng cũng như tiến hành cách cuộc giải cứu gái mại dâm. Nhiều tổ chức sẽ không nói về gái mại dâm, hay nói về công nhân tình dục, mà sử dụng khái niệm “phụ nữ bán thân”. Thứ ngôn ngữ kẻ cả của họ đã cho thấy thái độ của họ - họ coi công nhân tình dục là người bị lừa bịp và theo họ thì không có vai trò gì trong việc giải phóng bản thân khỏi sự áp bức hay sự bóc lột đang phải chịu đựng.

Sự xung đột giữa những cứu tinh nữ quyền và các nhóm đấu tranh cho quyền của lao động tình dục rất sâu sắc nên hiếm khi họ có chung một cương lĩnh. Thư Viện Phụ Nữ ở London gần đây đã tổ chức trưng bày về mại dâm và không cho phép bất cứ sự xuất hiện nào của các tổ chức công nhân tình dục, dẫn tới biểu tình của Công Đoàn Công Nhân Tình Dục Quốc Tế (IUSW) ở bên ngoài.18 Lập trường cực đoan nhất là của nhà văn Julie Burchill, người đã viết, “Mại dâm là chiến thắng tối thượng của chủ nghĩa tư bản. Khi cuộc chiến tranh tình dục kết thúc, gái mại dâm sẽ bị xử tử vì sự phản bội khủng khiếp của họ đối với tất cả phụ nữ, vì đám hắc ín và lông gà đạo đức mà họ đã mang đến cho phụ nữ bản địa, những người kém may mắn phải sống trong cái mớ hỗn độn mà họ đã tạo ra.”[19] 

Các tổ chức của công nhân tình dục bị phê phán về việc lãng mạn hóa mại dâm và chỉ đại diện “nghề nghiệp” của tầng lớp trung lưu. Nhưng ở Ấn Độ có một tổ chức quần chúng của công nhân tình dục tồn tại và mang quan điểm tương tự. Ủy Ban Durbar Mahila Samanwaya (hay “Durbar”, theo tiếng Bengali có nghĩa là không lùi bước hoặc không thể khuất phục) được thiết lập ở Tây Begal, Ấn Độ và phát triển từ sáng kiến Sonagachi nhằm ngăn chặn bệnh AIDS. Durbar có 65.000 thành viên, làm việc tại những khu vực nghèo khổ nhất của quốc gia: 

“Durbar bày tỏ rõ ràng mục tiêu chính trị, đấu tranh đòi công nhận lao động tình dục là một công việc và công nhân tình dục được coi là công nhân, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân tình dục và con cái của họ. Durbar yêu cầu phi hình sự hóa dịch vụ tình dục và vận động thay đổi các luật hạn chế nhân quyền của công nhân tình dục, vốn có khuynh hướng hình sự hóa và hạn chế các quyền công dân của họ.”[20] 

Tuyên ngôn năm 1997 của họ, đã được trích dẫn trước đây, thể hiện một sự hiểu biết về áp bức tình dục có thể khiến nhiều người xã hội chủ nghĩa phải xấu hổ: 

“Sở hữu tài sản tư nhân và duy trì chế độ gia trưởng đòi hỏi phải có sự kiểm soát đối với sự tái sản xuất của phụ nữ. Từ khi tài sản được duy trì bằng những người thừa kế hợp pháp và chỉ có quan hệ tình dục giữa đàn ông và đàn bà là tạo ra sự sinh sôi, những sự trừng phạt của chế độ gia trưởng tư sản chỉ áp dụng cho sự kết nối này. Tình dục được coi là phương tiện căn bản và hầu như là duy nhất để tái sản xuất, phủ nhận mọi phương diện khoái lạc và khát khao bản năng đối với nó…Những thanh niên tìm kiếm sự gần gũi thể xác, những người đàn ông đã kết hôn tìm kiếm sự tương tác với phụ nữ “khác”, những công nhân nhập cư bị tách ra khỏi vợ, đang cố tìm kiếm sự ấm áp và sự chiều chuộng ở khu phố đèn đỏ, đều không thể bị coi là đáng nguyền rủa hay hư hỏng, để làm điều đó thì sẽ phải xóa bỏ toàn bộ lịch sử tìm kiếm khoái lạc, sự âu yếm và nhu cầu của loài người.” 

Các tổ chức của công nhân tình dục là chìa khóa để chống lại sự bóc lột cũng như áp bức. Khi có sự phân chia giai cấp trong mại dâm, những tổ chức này cần được công nhân tình dục vận hành để phục vụ cho công nhân tình dục, những người được thuê mướn hoặc tự kinh doanh, cũng như tạo ra khuôn khổ tuyển dụng cho những người muốn thuê mướn và bóc lột người khác. Công đoàn và các tổ chức cộng đồng của công nhân tình dục cần phải có mối liên hệ mạnh mẽ với các tổ chức công nhân khác – khi là một phần của phong trào công nhân thống nhất và hùng mạnh, họ sẽ có thể chiến đấu tốt hơn chống lại các định kiến phổ biến.

Trong suốt thập kỷ qua, một số công đoàn đã đồng ý tổ chức và đại diện cho công nhân tình dục. Ở Anh, IUSW đã thuyết phục tổng liên đoàn GMB thành lập chi nhánh công nghiệp tình dục ở Soho và họ đã công đoàn hóa thành công một nhà thổ cũng như đàm phán được thỏa thuận công nhận ở các câu lạc bộ thoát y vũ. Công nhân tình dục cũng được gộp chung vào tổng liên đoàn ở Đức (Verdi) và Hà Lan (FNV).[21]

Mại dâm và chủ nghĩa xã hội 

Cuộc sống của công nhân tình dục thường khó khăn và nguy hiểm, ít nhất là bởi vì những công nhân tình dục tố cáo sự lạm dụng của tú bà và khách hàng bị truy tố và đàn áp. Nhiều công nhân tình dục không hạnh phúc với công việc của họ và sẽ rời bỏ nếu như có một cơ hội thực tế nào khác. Nhưng đó cũng sẽ là một dạng lao động bị tha hóa như mọi loại lao động khác trong chủ nghĩa tư bản.

Mại dâm dưới dạng này sẽ không tồn tại trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, cũng như cả gia đình và công việc dưới dạng hiện thời của chúng. Những chuyên gia hoặc diễn viên tình dục chuyên biệt có thể tồn tại, nhưng được giải phóng khỏi mối quan hệ với sở hữu tư nhân và tình trạng một vợ một chồng được thần thánh hóa hay áp đặt, quan hệ tình dục sẽ tiến hóa theo những cách thức mà chúng ta chỉ có thể dự báo. Vấn đề chủ chốt là sự tách biệt giữa công và tư, theo nghĩa là công việc xã hội công cộng và tái sản xuất tư nhân, sẽ bị xóa bỏ và trong quá trình đó phụ nữ sẽ thực sự được giải phóng.

Về tác giả 

Helen Ward, là một người ủng hộ PRN, một bác sĩ sức khỏe cộng đồng và nhà nghiên cứu đã làm việc với nhiều công nhân tình dục ở London và Châu Âu trong hơn 20 năm. Cùng với nhà nhân học Sophie Day, bà đã nghiên cứu HIV và các bệnh khác, sự biến đổi mang tính nghề nghiệp và vòng đời trong công việc tình dục, thiết lập một trong những dự án lớn nhất cho công nhân tình dục ở Anh. Bà là người ủng hộ Công Đoàn Công Nhân Tình Dục Quốc Tế.

Chú thích của tác giả

1. Marx K. Bản thảo kinh tế triết học, 1844. Đoạn trích này và các đoạn trích kinh điển khác có đăng tại : www.marxists.org

2. Trong bài báo này, tôi sử dụng khái niệm mại dâm và công việc tình dục. Một cuộc tranh luận nghiêm túc về vấn đề này rất được hoan nghênh, công việc tình dục nói chung được các nhà hoạt động sử dụng và đề cập tới một nhóm lớn người rộng hơn tham gia vào công nghiệp tình dục. Mặc dù vậy, các cuộc tranh luận trong lịch sử và gần đây về vai trò của tình dục thương mại trong xã hội có khuynh hướng đề cập tới mại dâm (ví dụ trao đổi tình dục hơn là khiêu dâm) và do vậy tôi cho rằng cần phải tiếp tục sử dụng nó. Tôi cũng chỉ đề cập tới công nhân tình dục nữ và khách hàng nam khi trình bày về những đặc tính chung của mại dâm, bởi vì đây là dạng thống trị và có liên hệ gần gũi nhất với sự áp bức tình dục nói chung. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là phủ nhận một số lượng lớn nam giới cũng bán dâm. Chính phủ Anh ước tính hiện nay có khoảng 70.000 công nhân tình dục ở Anh. 

3. R. S. Rajan, “Những câu hỏi về mại dâm. Nhân viên (nữ), tình dục và công việc" trong Buôn bán, công việc tình dục, mại dâm , Tái bản 2, 1999

4. J. Bindell, The Guardian, 7 July 2003

5. F. Engels, Nguồn gốc gia đình chế độ tư hữu và nhà nước Chương II phần 4, Lawrence and Wishart, 1972

6. A. Bebel, Phụ nữ dưới chủ nghĩa xã hội, Schocken Books, 1971

7. Mạng Lưới Phụ Nữ Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Scottland (SSPWN) “Mại dâm: một đóng góp tranh luận”, 2006, tại www.scottishsocialistparty.org/pages/prostitution.html

8. F. Engels, op cit

9. Phong Trào Cộng Sản Cách Mạng Quốc Tế 1986, “Nguồn gốc và bản chất sự thay đổi sự áp bức đối với phụ nữ”, Trong Luận Đề về Sự Áp Bức đối với Phụ Nữ, tại www.permanentrevolution.net/?view=entry&entry=375

10. J. A. Symonds, “Một vấn đề trong đạo đức Hy Lạp”, 1901, tại: www.sacredtexts.com/lgbt/pge/pge00.htm

11. S. Bell S., Đọc, viết và viết lại về phụ nữ mại dâm, Indiana University Press, 1994

12. K Marx, Capital, Volume 1, Penguin, 1976 (emphasis added).

13. Tính không đồng nhất giai cấp này không phải độc nhất đối với mại dâm. Điều này có thể liên hệ với nông dân, bao gồm từ nông nô bị gắn chặt vào đất đai, tiểu nông chỉ dựa vào sức lao động của bản thân (cộng với gia đình) để bán các sản phẩm, hay các nông dân giàu có thuê người khác làm việc. 

14. R. Perkins, Lao động nữ: gái mại dâm, cuộc sống và sự kiểm soát xã hội, Australian Institute of Criminology, 1991

15. Dĩ nhiên khách hàng có thể và thường áp bức gái mại dâm bằng cách không trả tiền cho dịch vụ tình dục mà họ nhận được nhưng đây là trộm cắp chứ không phải là bóc lột.

16. Trường hợp ngoại lệ là khi gia đình đóng vai trò của một đơn vị sản xuất, rất phổ biến trong các xã hội nông nghiệp và tiền công nghiệp, người chồng vừa là chủ của gia đình vừa là chủ của công việc kinh doanh, làm việc cùng với vợ và con cái. 

17. Dự án Sonagachi, Tuyên ngôn của công nhân tình dục, Calcutta, 1997, at www.bayswan.org/manifest.html

18. Chi tiết hơn về cuộc triển lãm này, được kéo dài tới cuối tháng 3 năm 2006, xem tại: 

19. http://en.wikiquote.org/wiki/Julie_Burchill

20. Durbar Mahila Samanwaya Committee www.durbar.org

21. G Gall, Tổ chức công đoàn của công nhân tình dục, Palgrave Macmillan, 2006