Showing posts with label John Kerry. Show all posts
Showing posts with label John Kerry. Show all posts

Tuesday, September 23, 2014

Những vụ bắn hạ máy bay trong hệ thống tuyên truyền

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Plane Shootdowns in the Propaganda System" của giáo sư người Mỹ chuyên nghiên cứu về kinh tế và chính trị quốc tế Edward S. Herman, để có một cái nhìn so sánh về cách thức truyền thông chính thống đưa tin các vụ bắn hạ máy bay dân sự.

Cách thức truyền thông Hoa Kỳ đổ lỗi vụ bắn hạ máy bay dân sự số hiệu 17 của hãng hàng không Malaysia cho “những người ly khai” miền đông Ukraina và đặc biệt là Putin và Nga, tuân thủ theo một kịch bản đã có từ lâu về việc chấp nhận nhanh chóng và đầy phẫn nộ các cáo buộc chính thống phục vụ cho chính trị, bất chấp các kỷ lục lừa dối đã có về vấn đề này. Nếu chúng ta tập trung vào hành xử của truyền thông trong các trường hợp Hoa Kỳ hay Israel bắn hạ máy bay dân sự, sự tương phản và tiêu chuẩn kép sẽ đầy bi kịch và thậm chí là lố bịch.

Khi Họ làm điều đó

KAL-007. Trường hợp yêu thích của tôi là vụ Soviet bắn hạ máy bay KAL-007 của hãng hàng không Hàn Quốc vào ngày 31 tháng 8 năm 1983. Đó là thời kỳ mà chính quyền Reagan đang trong thời kỳ chạy đua vũ trang và liên minh tấn công “đế chế ma quỷ”. Như âm mưu ám sát Giáo hoàng vào năm 1981, sự kiện đó đã được chào đón như một cơ hội tuyên truyền tuyệt vời, chính quyền lên án Liên Bang Soviet nhanh chóng và đầy phẫn nộ. Chiếc máy bay đã rời quá xa đường bay và bay trên bầu trời Soviet cũng như phía trên căn cứ hải quân của Soviet, nó cũng không phản hồi lại điện đàm của máy bay chiến đấu Soviet. Một trường hợp tốt nhất có thể tạo ra là chiếc máy bay thực hiện nhiệm vụ quân sự đồng thời chuyên chở hành khách dân sự (P.Q. Mann, “Reassessing the Sakhalin Incident,” Defense Attache, June 1994; David Pearson, “K.A.L. 007,” the Nation, August 25, 1984). Cáo buộc của chính quyền Reagan là Soviet đã cố ý bắn hạ máy bay dân sự – được biên tập cho truyền thông để phục vụ cho lời tuyên truyền dối trá – mặc dù các trao đổi thông điệp điện đàm đã cho thấy là Soviet không xác định được chiếc máy bay đó là dân sự. 

Truyền thông tham gia chiến dịch tuyên truyền này rất hăng hái, lên án Soviet là “man rợ” và can dự vào vụ “sát hại máu lạnh”. Tờ New York Times đã đăng 147 tin tức về vụ bắn hạ chỉ riêng trong tháng 9 năm 1983, tổng số cột báo dài tới gần 71 m, và trong 10 ngày liên tục họ xuất bản các bản đặc biệt của tạp chí về sự kiện này. “Hành động dã man” của Liên Bang Soviet theo như James Reston mô tả là “tự gánh lấy sự căm hờn của thế giới văn minh” (NYT, September 4, 1983). Bài xã luận của tờ Times vào ngày 2 tháng 9 đề cập rằng “Không thể có lời xin lỗi chính đáng đối với bất kỳ quốc gia nào bắn hạ máy bay dân sự vô hại”.

Chiến dịch tuyên truyền là một thành công lớn của Hoa Kỳ, khi Liên Bang Soviet bị tổn hại danh tiếng và phải chịu sự tẩy chay tạm thời ở khắp các sân bay trên thế giới. Như phóng viên Bernard Gwertzman ghi nhận một năm sau thảm kịch, các quan chức Hoa Kỳ “xác nhận sự chỉ trích toàn cầu đối với hành xử của Soviet trong cuộc khủng hoảng đã gia tăng sức mạnh cho Hoa Kỳ trong các tác động với Moscow” (NYT, August 31, 1984). Khi các bằng chứng cho thấy KAL-007 thực hiện nhiệm vụ do thám, và khi chính quyền Reagan lặng lẽ thừa nhận rằng phi công Soviet không biết đó là máy bay dân sự, bằng chứng mới đó đã bị tảng lờ, hoàn toàn không được chú ý tới hay bị coi như chưa được chứng minh hoặc tuyên truyền của Soviet. Nó hoàn toàn không gây trở ngại cho chiến thắng của truyền thông. Gwertzman không cần phải dè dặt khi tuyên bố về một chiến thắng mãn nguyện của chiến dịch truyền thông chính thống trước sự dã man.

Vào ngày 18 tháng 1 năm 1988, tờ New York Times xuất bản bài xã luận có tiêu đề “Lời nói dối rằng đó không phải là bắn hạ”. Trong đó các biên tập viên thừa nhận rằng chính quyền Reagan đã biết trong vòng vài giờ sau vụ bắn hạ là Soviet không coi máy bay 007 là máy bay dân sự và chính quyền đã “đánh lừa người dân Mỹ cũng như thế giới”. Nhưng bản thân tờ báo cũng là một phần của chương trình nói dối, khi nó nhảy bổ vào các lên án phẫn nộ và đưa tin ồ ạt mà không có chút hoài nghi hay bất cứ nỗ lực điều tra nào. Cần biết rằng năm năm sau đó tờ báo đã thừa nhận rằng họ là một thành viên có lỗi của truyên truyền và đã không thực hiện bất cứ điều tra nào để đưa ra kết luận. Sau năm năm, tờ báo đã bỏ qua hay lảng tránh đưa thông tin về các nỗ lực điều tra nhằm tìm kiếm sự thật về vụ việc, các biên tập viên ưu tiên bỏ qua việc lời nói dối mà họ đã hung hăng và cấp tốc gieo rắc khắp nơi được làm rõ bởi những người khác.

Pan Am-103. Tờ Times và các đồng sự chính thống của họ làm báo rất tệ nhưng tuyên truyền rất tốt trong vụ đánh bom và rơi máy bay Pan Am-103 vào tháng 12 năm 1988 tại Lockerbie, Scotland , khiến 270 người thiệt mạng. Ngay lập tức Iran bị nghi ngờ là đứng sau vụ đánh bom, và vụ việc nhanh chóng trở thành lời cáo buộc Tổng Chỉ Huy Mặt Trận Nhân Dân Giải Phóng Palestine (PFLP-GC) hành động theo lệnh của Iran. Vụ việc được tin rằng là để trả đũa việc Hoa Kỳ bắn hạ máy bay số 655 của hãng hàng không Iran, một máy bay dân sự với 299 người thiệt mạng, vào tháng 7 năm 1988, chỉ 5 tháng rưỡi trước vụ Lockerbie. Việc PFLP-GC có liên hệ với Iran được truyền thông chấp nhận và phát tán đúng lúc. Nhưng chỉ một năm sau, sự thay đổi của địa chính trị do Hoa Kỳ và Anh quốc muốn xoa dịu Syria, nơi trú ẩn của PFLP, và Iran, có ảnh hưởng ở Lebanon, để giúp họ đối đầu với Iraq và giải cứu con tin ở Lebanon. Chỉ trong thời gian ngắn, cáo buộc đối với PFLP (và gián tiếp là Iran) bị đặt sang một bên, những gã quê mùa của Muammar Qaddafi và Lybia bị coi là kẻ đánh bom.

Sự lạc quan chính trị trong vụ này đã thất bại trong việc báo động truyền thông chính thống, họ đưa tin theo mục tiêu mới mặc dù họ vẫn giữ mục tiêu cũ (khi mà mọi thứ đã được chuẩn bị tốt hơn). Lybia bị cưỡng bách phải bắt giữ hai công dân của họ, những người bị cáo buộc là thực hiện vụ tấn công và khi họ từ chối thực hiện thì “cộng đồng quốc tế” áp đặt các trừng phạt đắt giá đối với Lybia, cho tới khi họ đầu hàng và đồng ý chịu xét xử theo luật Scotland bởi quan tòa Scotland tại Camp Zeist ở Hà Lan. Các quan tòa đã phán quyết một trong số hai người Libya có tội mặc dù họ thừa nhận rằng mọi bằng chứng là “suy diễn”.

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy sự can thiệp ngay từ ban đầu khi CIA và FBI có mặt tại hiện trường vụ Lockerbie chỉ hai giờ sau khi máy bay rơi và dường như được nhà cầm quyền Scotland trao quyền (for a good account, see John Ashton and Ian Ferguson, Cover-Up of Convenience: The Hidden Scandal of Lockerbie). Quyết định là một cú sốc đối với các chuyên gia như giáo sư luật Scotland Robert Black và nhà quan sát Hoa Kỳ Hans Kochler, cả hai người cảm thấy “không thể hiểu nổi” và là “thất bại mất mặt nhất trong lịch sử tư pháp Scotland hàng trăm năm nay” (Black, in Scotsman, November 1, 2005). Lời kêu gọi và quyết định vào tháng 6 năm 2007 của Ủy Ban Thẩm Tra Các Vụ Án Hình Sự Scotland giải thích sáu cơ sở riêng biệt của quyết định năm 2001 có thể là sai lầm. Nhưng trước khi phiên tòa mới được mở, tù nhân Ali Al-Megrahi đã được thả vì lý do sức khỏe và trở về Lybia. 

Truyền thông chính thống thất bại trong việc ghi nhận sự kỳ quặc về việc chỉ một trong số những người cáo buộc bị buộc tội, khi mà các quan tòa Scotland, dưới sức ép chính trị nặng nề và định kiến của truyền thông, đã quyết định rằng họ phải quăng ít nhất một khúc xương cho những con chó như là biện pháp chính trị cần thiết. Truyền thông, trong khi thừa nhận với các quan tòa về sự suy diễn của vụ án, đã không kêu gọi sự chú ý đối với hàng loạt các vi phạm đáng chú ý trong quản lý bằng chứng và thủ tục tố tụng, điều mà Black, Kochler và dường như là Ủy Ban Thẩm Tra của Scotland. Trong số 15 bài xã luận của tờ Times về vụ hạ máy bay Pan Am 103 và liên hệ với Libya, không có bất cứ bài nào biểu lộ sự e dè dù là nhỏ nhất về quy trình hay sự xác thực của cáo buộc chống lại những người Lybia. Truyền thông tỏ ra phẫn nộ với việc phóng thích về lý do sức khỏe của Al-Megrahi, nhưng khi họ lảng tránh các quyết định và phân tích căn bản của Hội Đồng Thẩm Tra, thì họ cũng bỏ qua khả năng trong đó công bố là biện pháp tốt nhất để tránh các hệ quả của đánh giá đó. Hai người Libya bị xét xử - đặc biệt là Al-Megrahi, và Libya trong suốt nhiều năm bị trừng phạt và Kaddafi cũng như Lybia bị tô vẽ như kẻ khủng bố - đã nhận những đòn nặng nề. Đồng thời Phương Tây tô điểm cho hình ảnh của họ là chiến sĩ đấu tranh cho công lý, luật pháp và trật tự toàn cầu, trái với sự thật trong vụ việc này, các lãnh đạo của họ đã lạm dụng nghiêm trọng các nguyên tắc danh nghĩa về tư pháp dựa trên cơ sở mà họ đưa ra một cách giả định cho vụ việc.

Khi Chúng Ta làm điều đó 

Iran Air Flight 655. Chiếc máy bay dân sự của hãng hàng không Iran bị bắn hạ vào tháng 7 năm 1988 theo lệnh của chỉ huy tàu chiến USS Vincennes, khi thi hành nhiệm vụ tại Vịnh Ba Tư trong chiến dịch hỗ trợ cuộc chiến xâm lược Iran của Saddam Hussein. Không giống như chiếc máy bay 007, chiếc 655 không rời khỏi đường bay và cũng không tạo ra mối đe dọa đối với binh lính Hoa Kỳ. Tờ New York Times, đã có một xã luận mang tiêu đề “Sát hại” liên hệ với vụ hạ máy bay 007 và nhắc lại năm 1983 rằng, “Không thể có lời xin lỗi chính đáng đối với bất kỳ quốc gia nào bắn hạ máy bay dân sự vô hại,” dường như là một dự đoán cho trường hợp chiếc 655: “sự cố vẫn không được coi như là một tội ác [chỉ riêng “sát hại”] mà chỉ là một sai lầm và là một bi kịch.” Cả Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ lẫn Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng đều không lên án Hoa Kỳ về hành động đó, mặc dù cả hai đã làm điều đó với Soviet trong vụ KAL-007. Tất nhiên, Hội Đồng An Ninh đã tiến hành một hoạt động trả đũa Lybia trong vụ Pan Am 103. Không có bất cứ trừng phạt nào đối với thuyền trưởng Will Rogers (được biết tới với biệt danh Rambo), người được “chào đón như người hùng” khi trở về San Diego năm tháng sau vụ bắn hạ (Robert Reinhold, “Crew of Cruiser That Downed Iranian Airliner Gets a Warm Homecoming,” NYT, October 25, 1988), và tiếp đó được trao tặng phần thưởng Legion of Merit cho “hành xử phi thường xứng đáng được khen ngợi trong khi thi hành nhiệm vụ nổi bật.”

Người Iran đã giận dự với sự đón tiếp và cách đối xử với người đàn ông phải chịu trách nhiệm về sinh mạng của 290 thường dân Iran và cảm thấy phẫn uất về hoạt động của hệ thống tư pháp quốc tế cũng như tác động của nó đối với họ. Các khảo sát cho thấy sự đón tiếp nồng nhiệt Rogers nhận được ở San Diego là một sự lầm lạc – công chúng hài lòng với những gì ông ta đã hoàn thành. 

Điều này phản ánh sự thật là truyền thông đưa tin về vụ bắn hạ 655 đã tập trung vào các cáo buộc chính thống về nguyên nhân của hành động chết chóc, chứ không phải hoàn cảnh của các nạn nhân và nỗi đau khổ của gia đình họ - những thứ được tập trung mạnh mẽ và liên tục trong cả vụ chiếc 007 lẫn Pan Am 103. Sự đau khổ của thuyền trưởng Rogers nhận được nhiều sự chú ý hơn sự đau khổ của 290 nạn nhân và gia đình của họ. Chúng ta quay trở lại sự tương phản giữa nạn nhân “đáng giá” và “không đáng giá” và “mục đích hữu ích” của sự tập trung chú ý, như chính quyền và truyền thông Hoa Kỳ thấy.

Israel bắn hạ máy bay Libya 

Vào ngày 21 tháng 2 năm 1973, chiếc máy bay dân sự số 114 của hãng hàng không Libya, đi lệch đường bay trong một trận bão cát, lấn vào vùng trời bán đảo Sinai, và đã bị chiến đấu cơ Israel bắn hạ, 108 người thiệt mạng. Israel bị Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế lên án và bị Hoa Kỳ chỉ trích, mặc dù là họ biết rằng đã bắn hạ máy bay dân sự, nhưng không có bất cứ sự trừng phạt nào, không có tố cáo nào đối với Israel. Họ không bị buộc tội sát nhân, tấn công, tàn ác hay man rợ - những từ ngữ được áp dụng cho Soviet năm 1983. Lãnh đạo Israel Golda Meier được chào đón tới Washington trong vòng một tuần sau sự cố mà không có bất cứ câu hỏi gây ngạc nhiên nào của truyền thông hay chính giới. 

Tờ New York Times đã có 25 bài báo về vụ bắn hạ (so với 147 trong vụ chiếc 007), và không có số tạp chí đặc biệt nào cho vụ việc. Đáng chú ý nhất là các xã luận của họ về sự cố, khẳng định rằng “Không có mục đích hữu ích nào trong tranh luận về các chi tiết của cáo buộc đối với vụ hạ máy bay của hãng hàng không Libya tại bán đảo Sinai tuần qua” (Ngày 1 tháng 3 năm 1973).

Nhưng cũng như truyền tải cấp tốc và tranh luận cho mục đích hữu ích trong vụ chiếc 007, giúp biến “đế chế ma quỷ” thành ác quỷ, thì truyền tải tối thiểu và lảng tránh tranh luận phục vụ cho lợi ích của đồng minh Israel. Chúng ta thấy sự thừa nhận công khai về tiêu chuẩn kép và chính trị hóa báo chí.

Nga và đối tác Ukraina có thể đã bắn hạ máy bay 

Vụ bắn hạ máy bay số 17 của hãng hàng không Malaysia vào ngày 17 tháng 7 là một của trời cho về tuyên truyền đối với phe cánh hiếu chiến Hoa Kỳ và đối tác Ukraina của họ, cũng như tiếp tục nuôi dưỡng việc biến Putin và nước Nga hung hăng thành ác quỷ, có thể biện minh cho các chính sách khắc nghiệt đối với Nga, tăng thêm viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev và ủng hộ cuộc chiến bình định của họ. Sự tương đồng với vụ 007 là rất rõ ràng, khi việc sử dụng vụ bắn hạ năm 2014 để giành lợi thế cho phe hiếu chiến tương tự như chính quyền Reagan đối đầu với “đế chế ma quỷ” vào năm 1983.

Sự khác biệt quan trọng trong hai trường hợp là vào năm 1983 xác định phe bắn hạ máy bay là rõ ràng, mặc dù chính quyền Reagan lựa chọn sự dối trá về động cơ của Soviet để đạt được mục đích, trong khi vụ chiếc 17 thì ai bắn hạ vẫn chưa được xác định tại thời điểm này (ngày 2 tháng 8). Obama và Kerry nhanh chóng cáo buộc “những người ly khai” miền đông Ukraina, cùng với Nga, đã cung cấp cho họ tên lửa. Nga cũng bị cáo buộc là đã không ngăn chặn những người ly khai và che chở cho cuộc kháng chiến.

Obama và Kerry nhanh chóng khẳng định rằng những người ly khai-người Nga có lỗi trong vụ bắn hạ, khẳng định về các bằng chứng vững chắc, mà họ không cung cấp để kiểm tra công khai. Nga đã phủ nhận trách nhiệm của họ và người ly khai, đồng thời cung cấp bằng chứng cho Liên Hiệp Quốc và công chúng thấy rằng chiếc 17 đã rời khỏi đường bay và bị hai chiến đấu cơ phản lực của Không Quân Ukraina bám đuổi, thậm chí chỉ cách chiếc máy bay của Malaysia khoảng từ 3 đến 5 km (see letter dated July 22 from the Permanent Representative of the Russian Federation to the United Nations addressed to the Secretary-General. One can actually watch this on a 29-minute video at the RT website). Trung tướng Nga A. V. Kartapolov hỏi: “Tại sao máy bay quân sự lại bay vào đường bay dân sự hầu như cùng lúc và cùng trạng thái với máy bay dân sự? Chúng tôi muốn câu hỏi này được trả lời.” Nga đã liên tục kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế để tìm ra chân tướng vụ việc, đồng thời thúc giục Hoa Kỳ cung cấp các bằng chứng cho việc điều tra.

Điều chưa rõ ràng là ai đã bắn hạ máy bay, nhưng điều rõ ràng là người ly khai và Nga không có lợi ích gì khi làm điều đó, nên nếu họ có trách nhiệm thì đó sẽ là một sai lầm tệ hại và đắt giá về mặt chính trị đối với họ. Chính quyền Kiev, trái lại, có lợi ích khi làm điều đó nếu nó có thể gán cho người ly khai và Nga, và nó đã được gán ngay cả khi các bằng chứng chưa rõ ràng. Như vụ 007 và Lockerbie, sức mạnh tuyên truyền Hoa Kỳ có thể tạo ra dối trá về chuyến bay (007) và kẻ hung đồ có thể được chọn cũng như thay đổi để phục vụ cho lợi ích chính trị (Lockerbie, từ Iran sang Libya), cùng với các đòn tuyên truyền khổng lồ về vụ chiếc 17 thì mục tiêu đã đạt được trước khi sự thật được phơi bày. Chiến thắng tuyên truyền dựa trên hãng truyền thông, chiến dịch tuyên truyền của truyền thông trong vụ này cũng tương tự như vụ 007 và Lockerbie. Điểm chủ chốt của chiến dịch tuyên truyền là chấp nhận một cách phổ biến khẳng định của Obama-Kerry về trách nhiệm của người ly khai-Nga trong vụ bắn hạ. Cũng như vụ chiếc 007, không có câu hỏi nào được đưa ra và sự chân thực trong khẳng định của Kerry về bằng chứng được chấp nhận mà không cần phải thấy bằng chứng, bất chấp kỷ lục về các tuyên bố sai lệch của Kerry (On these false statements, and more, see Veteran Intelligence Professionals for Sanity Steering Committee, “Obama Should Release Ukraine Evidence,” ConsortiumNews.com, July 29, 2014.) Một đặc trưng khác của truyền thông là sự chấp nhận giả định của Obama/Kerry về trách nhiệm tối cao của tất cả những gì khó chịu đang diễn ra ở miền đông Ukraina thuộc về Putin và chính sách của ông ta – sự ủng hộ của ông ta đối với “những người ly khai” và thất bại của ông ta trong việc ngăn chặn họ cũng như chấp nhận hay thậm chí là ủng hộ nỗ lực bình định của Kiev.

Xã luận của tờ Times, “Vladimir Putin có thể ngăn chặn cuộc chiến này” (ngày 18 tháng 7) là mẫu mực về sự thiên lệch. Hoa Ky có thể ngăn chặn cuộc chiến dễ dàng hơn nhiều băng cách thuyết phục chính quyền tay sai Kiev ngừng cuộc tấn công của họ ở miền đông và đàm phán một giải pháp với “những người ly khai”. Điều đó không được bàn luận ở tờ Times và truyền thông chính thống một cách rộng rãi hơn.

Đối với truyền thông, Hoa Kỳ có quyền hỗ trợ tích cực chính quyền Kiev, ở rất xa biên giới Hoa Kỳ; nhưng Nga thì không có quyền hỗ trợ những người ly khai láng giềng trong một cuộc nội chiến kết hợp với chiến tranh tay sai của Hoa Kỳ nhắm chống lại Nga. Trong khi cáo buộc Nga đã giật dây các hoạt động ly khai ở miền đông (Sabrina Tavernise, “Orchestrated Conflict,” NYT, June 15, 2014) thì Hoa Kỳ không bao giờ “giật dây” các xung đột, chỉ là sự giúp đỡ từ bên ngoài đối với chính quyền Ukraina hợp pháp trong việc ổn định và chống trả xâm lược nước ngoài. Đó là những sự thật được thể chế hóa trong hệ thống tuyên truyền hoạt động đẹp đẽ, đôi khi là sống sượng.

Friday, August 8, 2014

Những điều John Kerry thực sự đã làm ở Việt Nam

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "What John Kerry Really Did in Vietnam" của tác giả Jeffrey St. Clair. Một bài viết rất lý thú mổ xẻ tiểu sử của đương kim ngoại trưởng Mỹ John Kerry, về những chiến công mà người hùng chiến tranh này có ở Việt Nam.

[Lời dẫn của tác giả]

John Kerry trong một chức vụ hoàn toàn theo kiểu Henry Kissinger, lượn lờ khắp khu vực Trung Đông, ép buộc những người Palestin và đồng minh của họ trong khu vực cũng như châu Âu phải ký vào một thỏa ước hòa bình nhục nhã để phục vụ cho lợi ích của Israel và Hoa Kỳ, rất đáng để xem xét tiểu sử của người kiến tạo hòa bình này, đặc biệt là trong những năm tháng ngài ngoại trưởng khắc tên mình lên thân cây trong rừng rậm Đông Nam Á. Mặc dù Kerry thể hiện như là một nhà hoạt động chống chiến tranh, hợp đồng dài hạn ngắn ngủi ở Vietnam và Cambodia vẫn rất đáng chú ý đối với cả những hành động tàn bạo cũng như thiếu sự ăn năn về việc ông ta can dự vào những hành động tàn bạo mà ở một xã hội có lương tâm sẽ bị coi là tội ác chiến tranh. – JSC 

[Nội dung bài viết]

Trong năm cuối cấp ở Yale vào năm 1966, John Kerry đăng nhập Hải Quân Hoa Kỳ, với việc nhập ngũ dự định vào mùa hè sau khi ông ta tốt nghiệp. Đã được nhận thấy một cách rõ ràng về khát vọng chính trị, ông ta chứng tỏ bản thân mình trong vị trí hàng đầu tại liên minh chính trị của Yale, đồng thời nhập ngũ.

Trong khi George W. Bush, học sau Kerry 2 năm, cố bán một gói cocain nặng cỡ một ounce ở Yale, (gợi nhắc lại quá khứ) Kerry vẫn chăm chú theo dõi không khí chính trị và nhận thấy xung đột giữa việc tham gia chiến tranh của bản thân và tinh thần phản chiến của đám đông, mà ông ta hy vọng một trong số đó sẽ bỏ phiếu cho ông trong một thời gian không xa.

Đó là thời kỳ cho những quyết định quan trọng và Kerry cân nhắc về việc gia nhập quân ngũ và lẩn trốn trên một hòn đảo ở sông St Lawrence. Ông ta đã quyết định đúng đắn khi vứt bỏ bài diễn văn về chủ đề “cuộc sống sau tốt nghiệp”, chọn lựa việc lên án chiến tranh một cách cuồng nhiệt và một LBJ. Bài diễn văn được đón nhận bởi sinh viên và một số giáo sư. Phần lớn phụ huynh đều kinh hoàng, nhưng bố mẹ của Kerry thì không.

Không như Bill Clinton và George Bush, Kerry đã tình nguyện nhập ngũ. Sau một năm huấn luyện ông ta được biên chế vào chiến hạm USS Gridley, triển khai tới Thái Bình Dương, có vẻ như là chở tên lửa hạt nhân. Bị xâm chiếm bởi sự buồn bã, Kerry nhận được tin một trong những người bạn tốt của ông ta, cháu nội của “Black Jack” Pershing đã bị giết ở Việt Nam. Kerry đầy tức giận và bị kích động về việc trả thù, theo như ông ta kể lại nhiều năm sau đó cho người viết tiểu sử Douglas Brinkley. (Cuốn tiểu sử được khuyến nghị do Brinkley viết, Chuyến du hành của trách nhiệm: John Kerry và chiến tranh Việt Nam, cung cấp nhiều đoạn tường thuật cho các độc giả siêng năng. Hầu hết dựa trên toàn bộ nhật ký của Kerry và thư từ hồi đó). 

Kerry dàn xếp để được thuyên chuyển tới đơn vị tuần tra bằng tàu cao tốc. Chiến dịch tấn công Tết Mậu Thân đã dẫn đến hàng loạt các chiến dịch tìm diệt khủng khiếp của Hoa Kỳ ở Việt Nam, bao gồm cả các chương trình ám sát như Phượng Hoàng. Một phần của Hải Quân Hoa Kỳ cũng tham gia hành động, đô đốc Elmo Zumwalt và người đồng đội thân tín đại úy Roy “Latch” Hoffman đã xây dựng “Chiến Dịch Chúa Tể Biển Khơi”, theo đó các tàu cao tốc sẽ tuần tra các con kênh và dòng chảy thứ cấp trên châu thổ sông Mekong, đặc biệt chú trọng vào các khu vực gần biên giới Campuchia. Kế hoạch cơ bản, sau này được nhiều cựu binh tàu cao tốc thừa nhận, là khủng bố để nông dân phải chống lại Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, hay còn gọi là Việt Cộng. Toàn bộ khu vực, ngoại trừ một số được coi là “những làng thân thiện”, là vùng nổ súng tự do, có nghĩa là người Mỹ sẽ bắn tùy thích và coi mọi người mà họ giết là Việt Cộng.

Đến Việt Nam vào ngày 17 tháng 11 năm 1968, Kerry được giao tuần tra quanh vịnh Cam Ranh và đã dàn xếp thành công để được chỉ định tiếp tục vào việc tìm diệt. Ông ta không phải là Al Gore, bình yên hút cần sa, bắn bia trong doanh trại ở Việt Nam và viết về nhà những bài luận phê phán chiến tranh về mặt đạo đức. “Tôi phản đối chiến tranh hơn bao giờ hết”, Kerry nói với Brinkley vào năm 2003, “mặc dù vậy chiến đấu do bị thôi thúc bởi lòng yêu nước. Tôi cho rằng nếu chừng nào anh còn ở đó thì anh vẫn sẽ muốn thử làm như vậy”.

Ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, những chiếc tàu cao tốc rẽ sóng, xua đuổi và thường xuyên giết hại dân làng, ngư dân và nông dân. Trong chương trình ấy, nhằm quấy rối nông dân để buộc họ phải tuân phục, Kerry đã tỏ ra rất sốt sắng. Một trong những đại úy hải quân dưới quyền ông ta, James R. Wasser, đã mô tả ông ta bằng những từ ngữ như sau: “Kerry là một sĩ quan cực kỳ hung hăng và tôi cũng như vậy. Tôi thích ông ta chiến đấu với kẻ thù, ông ta dẻo dai và gan góc – không ngần ngại phải đổ máu cho tổ quốc”.

Vào ngày 12 tháng 12, Kerry đi tuần chuyến đầu tiên trên những con kênh. Đã gần nửa đêm khi lính nhìn thấy một chiếc xuồng tam bản. Các quy tắc không yêu cầu đụng độ, cũng không thấy rõ ai ở trên xuồng tam bản. Kerry bắn một phát pháo sáng, ra hiệu cho lính của ông ta thổi bay chiếc xuồng với hai khẩu súng máy và súng trường M16. Kerry mô tả ngư dân “chạy trốn như linh dương”.

Kerry bị một vết thương rất nhỏ ở tay, dường như là do mảnh vỡ từ chiếc tàu của ông ta văng ra. Vết xước đó đã mang lại cho ông ta Trái Tim Tím đầu tiên, một mề đay cho những người bị thương trong chiến trận. Thực tế không có bằng chứng nào cho thấy có bất cứ ai bắn trả hay Kerry ở trong chiến trận, điều đó hoàn toàn rõ ràng khi chúng ta đọc một đoạn trong nhật ký của ông ta về cuộc hành quân tiếp đó, được viết vào ngày 11 tháng 12 năm 1968, 9 ngày sau sự kiện mà Kerry nhận được mề đay. “Một bầu không khí tự mãn về sự vô địch bao quanh kênh Lòng Tàu, bởi vì chúng tôi vẫn chưa bị bắn, và người Mỹ trong chiến tranh mà chưa bị bắn thì được phép tự mãn”. 

Ông ta nhận được thêm hai mề đay Trái Tim Tím nữa, cả hai cho những vết thương tương đối nhỏ. Rõ ràng là Kerry không bao giờ quên ngày làm nhiệm vụ mà nhờ đó nhận được mề đay về thương tích.

Khát khao nhiều hoạt động hơn, Kerry xin được điều chuyển đến An Thới, mũi cực nam Việt Nam, một trong những trung tâm mà làn sóng giết chóc Phượng Hoàng quét qua và là nơi có trại thẩm vấn không mấy danh tiếng đang giam giữ khoảng 30,000 tù nhân.

Nhiệm vụ đầu tiên của Kerry trong khuôn khổ chương trình Phượng Hoàng là chuyên chở một đơn vị biệt kích cấp tỉnh (PRU) của quân đội miền Nam Việt Nam, được chỉ huy bởi một gã mũ nồi xanh hoặc một viên chức CIA. Sau khi thả hết nhóm biệt kích xuống, Kerry đưa tàu cao tốc vào phía sau rặng đước. Hai giờ sau đó, một pháo hiệu màu đỏ cho họ biết là nhóm biệt kích cần “can thiệp” khẩn cấp. Tàu của Kerry tới đón nhóm PRU, cùng với hai tù nhân. Trưởng nhóm PRU nói với Kerry rằng khi họ bắt cóc hai dân làng (trong đó có một cô gái) ở trong lều, họ nhìn thấy có 4 người trên xuồng tam bản và đã giết chết hết ngay lập tức. Hai tù nhân bị bắt chỉ là một phần trong lộ trình bắt bớ thông thường nhằm cung cấp các nạn nhân cho trại thẩm vấn và tra tấn An Thới.

Những lời kể của Kerry cho Brinkley về những điều đã xảy ra – và xuất hiện rất nhiều trong thời gian ngắn của ông ta ở Việt Nam – là “sự tàn bạo ngoài ý muốn”.

Trong các nhiệm vụ vào ban ngay, tàu cao tốc được trực thăng chiến đấu Cobra hộ tống, họ sẽ bắn phá hai bên bờ sông và phần xác rừng còn lại sau khi đã bị tàn phá bởi bom na-pam và chất độc màu da cam. “Helos quật ngã VC [có nghĩa là bất kỳ ai đó trên mặt đất] nhiều hơn bất cứ thứ gì mà chúng ta có thể có”, Kerry nói với Brinkley, “và bất cứ cơ hội nào mà chúng ta có họ đi cùng thì đều được hoan nghênh”.

Một ví dụ về hoạt động của Cobra. Vào ban ngày, dân chúng không bị thiết quân luật. Tàu của Kerry đi ngược dòng kênh, với một chiếc Cobra hộ tống phía trên đầu. Họ bất thình lình bắt gặp một chiếc tam bản với vài người. Trực thăng lượn phía trên chiếc tam bản, sau đó trút sạch đạn súng máy vào đó, giết chết tất cả mọi người và đánh chìm chiếc tam bản. Kerry, trong nhật ký của ông ta, không than vãn về việc chết chóc nhưng lại phàn nàn về việc lính trực thăng Cobra sử dụng đạn lãng phí, khi viên phi công trực thăng “yêu cầu cho phép rời đi để bổ sung đạn dược, trong một chiến dịch đã để lại chúng tôi không được hộ tống hơn 45 phút ở một khu vực mà sự hộ tống là rất cần thiết”.

Đêm Giáng Sinh 1968, Kerry chỉ huy tuần tra ngược dòng kênh dọc theo biên giới Campuchia. Việc ngừng bắn nhân dịp Giáng Sinh có hiệu lực. Vậy nên chiếc tàu cao tốc làm gì ở đó là một câu hỏi. Họ phát hiện hai chiếc xuồng tam bản và dồn chúng vào một làng chài nhỏ. Tàu bị bắn vài phát đạn bắn tỉa, (hay ít nhất là Kerry nói như vậy). Kerry ra lệnh cho xạ thủ súng máy James Wasser bắn yểm hộ.

Trong một đoạn ghi chép về sự ân hận, nhưng không phải của Kerry, Wasser kể cho Brinkley nghe anh ta đã thấy mình bắn chết một ông già đang dắt trâu. “Tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt của ông già đó. Ông ấy chỉ làm công việc nông nghiệp hàng ngày, không làm tổn hại ai. Ông ấy bị bắn vào ngực bằng đạn súng máy M-60. Đó có thể là đêm Giáng Sinh, nhưng tôi thực sự buồn rũ rượi sau đó…khi nhìn ông già bị bắn gục”. Thực tế là tàu của Kerry đã bắn vào một trong số các làng “thân thiện”, với một đơn vị đồn trú lính cộng hòa miền Nam, hai trong số họ đã bị thương.

Sự buồn bã của Wasser trái ngược với thái độ tự cho mình là đúng đắn của Kerry trong nhật ký của ông ta về những vụ bắn giết, thường xuyên nhằm vào lãnh thổ Campuchia. “Đôi khi chúng tôi bắn qua biên giới khi bị kích động bởi lính bắn tỉa hay phục kích, nhưng không có sai phạm để bị chính quyền Campuchia lên án chính thức hay dẫn đến các cáo buộc tấn công cũng như vô ý giết hại thường dân. Tôi không hoài nghi rằng đôi khi một số người vô tội bị bắn nhầm, nhưng không phải mọi trường hợp ở Việt Nam đều có thể coi là thảm sát, điều này hoàn toàn là sai”.

Rất mâu thuẫn khi chúng ta không bao giờ tìm thấy trong bất cứ nhật ký hay thư từ nào của Kerry một ấn tượng nhỏ về sự ăn năn hay hối tiếc – và Brinkley chắc chắn sẽ đánh dấu chúng nếu như Kerry từng viết những từ ngữ như vậy. Kerry không bao giờ viết, trong sự nghiệp sau này khi là ngôi sao tự phong của phong trào chống chiến tranh, thậm chí ngay cả trong những lời ba hoa về tai nạn của chiến tranh, hay như những cựu chiến binh khác vô tình để lộ cảm xúc của họ về sự kinh hoàng mà họ đã gây ra.

Không phải là ông ta không thể gợi lên cho cử tọa một vài đoạn khủng khiếp. Ví dụ, vài tuần sau sự cố ở biên giới Campuchia tàu của Kerry tiến vào sông Cửa Lớn chảy ra vịnh Square, khi một trong số lính hét lên về “xuồng tam bản chắn mũi tàu”. Kerry ra lệnh cho súng máy bắn vào thuyền cá. Chiếc xuồng tam bản dừng lại và Kerry cùng với lính nhảy sang. Họ tìm thấy một người phụ nữ đang ôm một đứa trẻ sơ sinh, và cạnh cô ta là xác của một đứa trẻ bị thủng lỗ chỗ bởi đạn súng máy, mặt úp vào giữa những túi gạo. Kerry nói với Brinkley rằng ông ta không muốn nhìn đứa trẻ chết, ông ta nói, “khuôn mặt này sẽ theo tôi suốt phần đời còn lại và tốt hơn không nên biết nó cười hay nhăn nhó, là trai hay gái”. Phương thức được Kerry ưa chuộng luôn chỉ có một. “Nhiệm vụ của chúng tôi”, ông ta nói với Brinkley sau đó vài trang, “là phá hủy tất cả những cái chòi và xuồng tam bản mà chúng ta tìm thấy”.

Trong chiến dịch Chúa Tể Biển Khơi, Kerry chở người Nùng trong các nhiệm vụ ám sát. Người Nùng được trả tiền để giết chóc, và Kerry mô tả tương phản họ một cách thích thú với vệ binh PF của Nam Việt Nam, gọi một cách chế giễu vệ binh là “Cream Puffs” [một loại bánh nhân kem]. Một lần, Kerry chở người Nùng tới một ngôi làng, ở đó họ bắt được một ông già và buộc ông ta phải làm máy dò mìn sống, đi trước họ một khoảng xa. Không có mìn và người Nùng cũng không chạm trán với kẻ thù. Nhưng đối với với ông già thì đó là hành trình một đi không trở lại. Người Nùng cắt cổ ông già, moi ruột và để lại lời cảnh báo trên xác chết.

Khi Kerry được tặng thưởng Ngôi Sao Bạc, ông ta được đô đốc Elmo Zuwalt cài nó lên ngực và tại lễ mừng ông ta có cơ hội gặp tư lệnh Adrian Lonsdale, chỉ huy chiến dịch Chúa Tể Biển Khơi. Kerry đã nắm lấy cơ hội để chỉ trích cách chỉ đạo chiến tranh: “Không phải là binh lính sợ đi trên các dòng sông”, ông ta nói với Lonsdale. “Cũng không phải là họ không sẵn sàng mạo hiểm mạng sống, hay họ không đồng ý với những nguyên tắc đã được thực hiện ở đây. Chỉ là họ muốn có một cơ hội công bằng để làm điều gì đó mang lại kết quả và những gì họ đang làm không mang lại gì hết. Nếu chúng ta ủng hộ họ, một số thứ sẽ đảm bảo rằng chúng ta sẽ thu được gì đó, nhưng đối với một quốc gia với tất cả quyền lực mà chúng ta có, chúng ta đang buộc binh lính chiến đấu theo kiểu bất chấp lý do… Điều mà chúng ta cần, thưa ngài, là một số đơn vị để quét sạch các khu vực và bảo vệ chúng sau khi chúng ta rời đi; nếu không chúng ta sẽ bị đẩy vào địa ngục sau khi chúng ta đi qua, và chằng thu hoạch được gì”.

Vâng, đây cũng chính là Kerry, người vào năm 2004 tại đỉnh điểm cuộc nổi dậy của người Sunni đã kêu gọi gửi thêm 40.000 lính Mỹ đến Iraq.

Cách ông ta giành được những Ngôi Sao Bạc và Đồng

Sự kiện bất ngờ khiến cho đại úy Hải Quân Hoa Kỳ John Kerry nhận được Ngôi Sao Bạc, do đó biến ông ta trở thành một “người hùng chiến tranh”, xảy ra vào ngày 28 tháng 2 năm 1969. Tàu cao tốc của ông ta chở “các chuyên gia chất nổ” Hoa Kỳ và một số lính miền Nam Việt Nam đi trên dòng sông Đông Cung. Sau khi thả người xuống, tàu của Kerry bị tấn công bằng hỏa lực nhẹ. Kerry quay tàu về phía phát ra tiếng súng, cập bờ và bắn vào rừng với súng máy trên tàu.

Khi cho tàu cập bờ thì Kerry đã không tuân thủ theo các mệnh lệnh tiêu chuẩn vốn cấm điều đó, bởi mặt đất thuộc về máy bay và lính trên tàu chỉ là các cầu thủ dự bị. Động cơ của Kerry là gì? Một lính trên tàu Michael “Duke” Medeiros giải thích cho người viết tiểu sử của Kerry, Douglas Brinkley, đó là vấn đề về kỹ năng xác minh. “Chúng tôi không bao giờ biết được chúng tôi có giết được VC hay không. Khi nổ súng, ông ấy [Kerry] muốn cập bờ và xông vào tóm lấy kẻ thù”.

Súng máy của tàu cao tốc đã giết chết một người Việt Nam, được coi là “du kích VC”, và họ mang bằng chứng [không được mô tả] về cái xác.

Chiếc tàu tiếp tục đi xuôi dòng và tiếp tục bị bắn một lần nữa, bằng súng phóng đạn rốc két. Dưới đây là những phần tường thuật có sự mâu thuẫn rõ ràng về sự kiện, phụ thuộc vào lợi ích của những người kể lại. Phần trích dẫn cho Ngôi Sao Bạc của Kerry mô tả sự kiện như sau: “Với sự kiên quyết bất chấp an toàn của bản thân và đạn rốc két của kẻ thù, ông ấy đã ra lệnh tấn công kẻ thù, cập bờ chỉ cách vị trí bắn rốc két của kẻ thù mười feet, và tự mình dẫn đội đổ bộ lên bờ đuổi theo kẻ thù. Ngay lập tức rà soát để phát hiện ra phần còn lại của kẻ thù và khu vực tiếp tế đã bị phá hủy. Sự can đảm phi thường và sự dũng cảm cá nhân của Đại úy (cấp bậc thấp) Kerry trong cuộc tấn công với một lực lượng vượt trội về số lượng khi phải đối mặt với hỏa lực mãnh liệt là nguyên nhân dẫn đến một nhiệm vụ rất thành công. 

Trích đoạn này, được đô đốc Admiral Elmo Zumwalt cung cấp, dựa trên báo cáo về sự kiện, được viết bởi John Kerry. Cái thiếu trong phần trích dẫn của Zumwalt là cuộc đối đầu bi kịch được Kerry mô tả 27 năm đó, vào năm 1996, tại tâm điểm của cuộc chiến tái cử bẩn thỉu chống lại đại biểu phe cộng hòa William Weld, khi Kerry tìm cách trúng cử thượng nghị sĩ nhiệm kỳ thứ ba. Kerry truyền đạt cho Jonathan Carrol, viết cho dân New York, một câu chuyện như sau: Ông ta đã đối mặt với một Việt Cộng, đứng cách ông ta vài feet với khẩu một khẩu B-40. “Cũng không biết là chuyện đó bất ngờ với hắn hay với chúng tôi”, Kerry nói với Carroll. “Điều đó rất đơn giản. Tôi không biết tại sao lại không phải là chúng tôi – Tôi muốn nói rằng, ngay cả bây giờ. Hắn ta chĩa súng vào tàu của chúng tôi. Hắn như chui ra từ địa ngục vậy, không ai trong chúng tôi thấy hắn cho tới khi hắn đứng trước mặt chúng tôi, chĩa súng bắn rốc két vào chúng tôi, và không hiểu vì lý do gì, hắn không kéo cò súng – hắn quay lưng và chạy. Hắn bị choáng váng khi nhìn thấy tàu của chúng tôi ngay trước mặt. Nếu hắn kéo cò súng, tất cả chúng tôi đã chết. Tôi không nói về chuyện đó. Tôi không nói và không thể. Câu chuyện đó thật sự khiến tôi không bao giờ kể với ai. Sẽ không có ai hiểu đâu”.

Ông ta có thể không muốn nói nhưng chắc chắn là ông ta thích ghi hình. Lần đầu tiên Kerry đưa ngôi sao Hollywood Dana Delaney về nhà ở Eighties, cô kể lại rằng ông ta đã cho cô thấy một đoạn video ghi lại thời kỳ ông ta trong hải quân ở Việt Nam. Cô ấy không bao giờ đi lại với ông ta nữa. (Khi ông ta chuẩn bị dọn đường cho mình tại đại hội đảng Dân Chủ ở Boston, câu chuyện là Kerry diễn lại cuộc đụng độ, ghi hình với máy quay 8mm cho các mục đích chính trị sau này.) 

Hai lính của Kerry, Medeiros và xạ thủ súng máy Tommy Belodeau, không cho là có gì huyền bí khi VC không bóp cò súng B-40. Người Việt Nam đã hết đạn. Anh ta chưa kịp nạp đạn lại sau phát bắn đầu tiên vào tàu của Kerry khi nó đi xuôi dòng sông.

Sau đó vào năm 1996 Belodeau mô tả toàn bộ sự kiện cho David Warsh của tở Boston Globe. Belodeau kể với Warsh rằng anh ta khai hỏa khẩu súng máy M-60 vào người Việt Nam ở cự ly mười feet sau khi họ cập bờ. Đạn súng máy bắn trúng chân người Việt Nam, và người đàn ông bị thương bò vào sau một cái lều gần đó. Vào lúc ấy, Belodeau nói, Kerry cầm lấy khẩu M-16, nhảy ra khỏi tàu, tiến tới chỗ người đàn ông mà Belodeau nói đã gần chết, và kết liễu anh ta.

Khi tờ Globe xuất bản hồi ký mà Warsh ghi theo lời kể của Belodeau, đó là cáo buộc Kerry về tội ác chiến tranh, chiến dịch của Kerry nhanh chóng dẫn Madeiros tới báo chí và ông ta mô tả người Việt Nam sau khi bị súng máy của Belodeau bắn ngã, đã vùng dậy, tóm lấy khẩu súng bắn rốc két và chạy theo đường mòn vào rừng và biến mất ở lối rẽ. Họ chạy vòng tới góc khuất và thấy người Việt Nam một lần nữa chĩa súng B-40 vào họ ở khoảng cách chỉ 10 feet. Anh ta không bắn và Kerry bắn chết anh ta bằng khẩu súng trường. 

Trên trang web của cựu chiến binh vào đầu năm 2004 có một thư điện tử của Mike Morrison, người cũng như Kerry nhận được Ngôi Sao Đồng ở Việt Nam. Morrison là người sau này viết bài diễn văn cho Lee Iacocca, đã rất hoài nghi về chiến công của Kerry. Trong lá thư viết cho em trai Ed, ông ta viết như sau: 

“Tôi đã nghĩ từ rất lâu rằng thành tích của Kerry là giả mạo. Chúng ta sẽ nói về điều đó khi em ở đây. Đó hoàn toàn là bản năng bởi vì, như em đã biết, không bất cứ người nào giành được mà lại khoe khoang nó không hề xấu hổ cho những lợi ích chính trị”.

“Tôi đã ở khu vực châu thổ ngay sau khi ông ta rời khỏi. Tôi biết rất rõ về khu vực. Tôi biết những chiến dịch mà ông ta đã tham gia. Tôi biết các chiến thuật và học thuyết được áp dụng. Tôi biết về trang thiết bị. Mặc dù tôi được chỉ định vào CTF-116 (PBRs) nhưng tôi đã ở trong CTF-115 (đơn vị tàu cao tốc) một thời gian khá dài, đơn vị mà Kerry là chỉ huy”. 

Đây là những vấn đề và sự nghi vấn: 

“(1) Kerry chỉ mới ở đó ít hơn 4 tháng và giành được một Ngôi Sao Đồng, một Ngôi Sao Bạc và 3 Trái Tim Tím. Tôi chưa từng thấy bất cứ ai trong mọi binh chủng mà tôi từng cùng làm việc (bao gồm Đặc Nhiệm Lính Thủy Đánh Bộ, Sói Biển, Riverines và Lực Lượng Tuần Tra Đường Thủy) có thể kiếm mề đay nhanh như vậy, và với những hành động tẻ ngắt như vậy. Tàu cao tốc đã thực hiện những công việc đáng được tuyên dương. Nhưng nhiệm vụ không phải là những điều tồi tệ mà bạn có thể vẽ ra. Họ chỉ hoạt động dọc theo bờ biển và trên các dòng chảy chính (Bassac và Mekong). Những vấn đề khó khăn trong các khu vực nóng bỏng được xử lý bằng các PBRs nhỏ hơn và nhanh hơn. Đáng nghi.”

“(2) Ba Trái Tim Tím mà không bị què. Mọi vết thương đều nhỏ tới mức không phải nghỉ dưỡng thương. May mắn đến kinh ngạc. Hay là ông ta tự trao mề đay cho mình mỗi khi ông ta va đầu vào cửa phòng lái tàu? Đụng độ trên tàu phần lớn là ở cự ly gần. Bạn không thể có những vết thương nhỏ. Ít nhất là không thường xuyên. Không phải ba lần liên tiếp. Sau đó ông ta dùng ba Trái Tim Tím để yêu cầu được về nhà tám tháng trước khi kết thúc nghĩa vụ. Đáng nghi.”

“(3) Chi tiết về sự kiện mà ông ta nhận được Ngôi Sao Bạc chả có nghĩa lý gì cả. Đột nhiên, một quả đạn B-40 bắn về phía tàu và trượt. Charlie nhảy lên với khẩu B-40 trong tay, xạ thủ súng máy bắn ngã anh ta, Kerry cập bờ, nhảy xuống, bắn hạ Charlie, và cướp được khẩu súng. Nếu sự thật như vậy, ông ta đã làm sai hết. (a) Thủ tục tiêu chuẩn khi bạn bị nã rốc két là quay đuôi tàu và chạy khỏi đó. Một khẩu B-40 có tầm bắn là 25 yard, nên bạn giữ khoảng cách 50 yard hay giữa bạn và bờ sông, sau đó sử dụng súng máy. (Bạn có thấy ai bị bắn hạ bằng súng cỡ 50 ly mà đứng dậy được không? Người đó chắc chắn chết hoặc hấp hối. Khẩu B-40 không có đạn. Thế nên chả có lý do gì đuổi theo anh ta (trừ khi bạn biết rằng anh ta không còn nguy hiểm – chỉ là ném mình vào đâu đó trong cơn hấp hối, và bạn muốn có hành động gan dạ trong báo cáo chiến sự). Và chúng tôi không bắn người bị thương. Chúng tôi cũng có luật cấm việc đó.”

“Kerry ra khỏi tàu. Đây là sự vi phạm thủ thục nghiêm trọng. Không có bất cứ thành viên nào được rời tàu trong khu vực nổ súng. KHÔNG BAO GIỜ! Lý do rất đơn giản. Nếu bạn để mọi người lên bờ thì tàu của bạn không được bảo vệ. Nó không thể chạy và cũng không thể bắn lại. Thật là ngớ ngẩn khi đưa lính của mình vào nguy hiểm. Ông ta phải bị cách chức và bị quở trách. Tôi chưa từng thấy bất cứ lính thủy nào rời tàu trong khi hay sau khi đọ súng.” 

“Một số thứ rất khả nghi”

“Câu chuyện có ý nghĩa đối với tôi là của Belodeau. Đó là ba khẩu súng đầy uy lực máy trên tàu và một người Việt Nam ở cự ly gần trên mặt đất và Belodeau nói khẩu súng máy của ông ta đã hạ mục tiêu. Ngay cả khi chiến binh Việt Nam vùng dậy một cách kỳ diệu và chạy xuôi theo đường mòn, thì lần thứ hai bắn anh ta vào một phần nào đó ở chân. Dường như tàu đã sử dụng súng máy lần nữa, làm rõ những Kerry kể về việc họ làm, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác?”

Ngôi Sao Đồng của Kerry vào ngày 13 tháng 3 năm 1969, hai tuần sau câu chuyện khiến ông ta nhận được Ngôi Sao Bạc được Kerry coi phần cuối cùng trong cuộc chiến đấu. Nó đem lại cho ông ta Ngôi Sao Đồng và Trái Tim Tím thứ ba, điều đó có nghĩa là ông ta có quyền yêu cầu được thuyên chuyển khỏi Việt Nam. 

Kerry nhận được Ngôi Sao Đồng nhờ việc kéo một đại úy khác ra khỏi mặt nước sau khi tàu cao tốc của người đó va phải mìn. Vụ nổ mình đó hất Kerry văng vào vách ngăn trên tàu, làm thâm tím tay của ông ta. Đó được coi là một vết thương, có nghĩa là Trái Tim Tím thứ ba. Sau đó, giữa làn đạn súng trường, Kerry điều khiển tàu tới chỗ đại úy Rassman và lôi ông ấy lên bong.

Cả hai con tàu thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau, chở Lính Mũ Nồi Xanh, Đặc Nhiệm Hải Quân và sát thủ người Nùng tới một ngôi làng. Một lần nữa họ lại nhầm lẫn tấn công vào làng thân thiện, ở đó họ khai hỏa vào nhóm lính miền nam Việt Nam đang thẩm vấn một nhóm phụ nữ và trẻ em xếp hàng dọc theo một bức tường.

Khi đám mũ nồi xanh và đặc nhiệm hải quân khai hỏa, lính miền nam Việt Nam nhảy qua bức tường và để lại ít nhất mười phụ nữ và trẻ em bị giết. Khi đó, trái với mệnh lệnh, Kerry đã rời tàu, đứng cùng với đám người Nùng và ra lệnh bằng lời nói, “bắn và thổi bay những thứ đó đi”. Một người Nùng ném lựu đạn vào chiếc lều chất đầy những bao gạo. Kerry bị gạo rơi vào đầu và một mẩu kim loại găm vào mông, vết thương nặng nhất mà ông ta nhận được ở Việt Nam.

Với ba Trái Tim Tím, Ngôi Sao Bạc và Ngôi Sao Đồng, Kerry sẽ được thuyên chuyển sang làm trợ lý riêng cho một sĩ quan cấp cao ở Boston, New York hay Washington DC. Ông ta quyết định chọn New York để làm việc cho đô đốc Walter F. Schlech ở New York. Vào tháng giêng năm 1970 ông ta xin được giải ngũ. Theo như ông ta viết, ông ta quyết định tham gia phong trào phản chiến nhưng trong khuôn khổ hệ thống và cố gắng giành một ghế trong quốc hội của quận 

Zumwalt: “Thành tích của Kerry sẽ ám ảnh ông ta”

Một cựu trợ lý bộ trưởng bộ quốc phòng và giáo sư trường ngoại giao Fletcher, W. Scott Thompson, nhắc lại một đoạn đối thoại với đô đốc Elmo R. Zumwalt Jr. mà trong đó có sự khác biệt rõ ràng với hồi ký của Kerry về cuộc tranh luận: “Vị chỉ huy huyền thoại và xuất sắc của các chiến dịch hải quân, đô đốc Elmo Zumwalt, nói với tôi – 30 năm trước khi ông ấy vẫn là CNO [chỉ huy hải quân ở Việt Nam] trong thời kỳ ông ấy chỉ huy lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở Việt Nam, mối bận tậm lớn nhất của ông ấy trong vai trò CNO, là anh chàng Kerry trẻ tuổi đã gây ra hàng mớ các vấn đề lớn cho bản thân và các chỉ huy cấp cao, bằng cách giết hại rất nhiều thường dân và theo đuổi các mục tiêu phi quân sự khác.

“Chúng tôi đã phải mặc áo người điên cho anh ta để kiểm soát được anh ta”, đô đốc nói. “Bud” Zumwalt có lý khi ông ấy đánh giá Kerry có tham vọng lớn – nhưng cam đoan rằng sự nghiệp ở Việt Nam sẽ ám ảnh ông ta nếu ông ta đạt đến tầm quốc gia.”