Monday, June 26, 2017

Grab/Uber Bike và xe ôm truyền thống

Mỗi khi ai đó nhắc đến sự bùng nổ của mấy mô hình kinh doanh kiểu Grab Bike hay Uber Bike và sự suy tàn của xe ôm truyền thống, tôi thường được nghe thấy câu kết luận rằng: Xe ôm truyền thống cứ cải thiện chất lượng dịch vụ, hạ giá, làm ăn nghiêm chỉnh minh bạch như Grab/Uber Bike đi, đừng lừa đảo bắt chẹt khách nữa, thì lo gì không có khách.

Câu hỏi ngược lại thường khiến người kết luận im lặng ngay lập tức: Ngay cả khi xe ôm truyền thống làm ăn nghiêm chỉnh minh bạch như Grab Bike hay Uber thì họ có cạnh tranh được về thương hiệu, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà và hệ thống tiếp cận khách hàng với mấy hãng kia không?

Những người làm xe ôm truyền thống hầu hết là người nghèo, không trình độ, vốn liếng chỉ có chiến xe máy rẻ tiền, họ không bao giờ có hàng triệu dollar để ném vào các chương trình quảng cáo, giảm giá, tặng quà và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin như Grab hay Uber. Trong cuộc chiến này, họ đã thua chắc chắn.

Thông thường người ta thấy giá một cuốc xe hay tính trên km của xe ôm truyền thống đắt hơn của Uber hay Grab, họ sẽ cho rằng xe ôm truyền thống tính đắt hơn. Song người ta sẽ không khó để hiểu được điều này, xác suất kiếm được khách hàng của xe ôm truyền thống thấp hơn Grab/Uber, ngược lại xác xuất kiếm được khách hàng của Grab/Uber cao hơn rất nhiều do họ kết nối với số lượng lớn khách hàng qua một hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cực kỳ tốn kém. Do vậy, mặc dù xe ôm truyền thống tính phí/km cao hơn nhưng thu nhập một ngày của họ thấp hơn rất nhiều so với người chạy Grab/Uber, ngược chính điều này cho phép  người chạy xe Grab/Uber tính phí/km thấp hơn nhưng vẫn có thu nhập lớn hơn xe ôm truyền thống. 

Hơn nữa, Grab/Uber hiện giờ đang là những doanh nghiệp start-up, tức là họ chưa cần phải tính toán đến lợi nhuận, họ lại nhận được một khoản tiền khổng lồ để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Sức cạnh tranh của họ rất khủng khiếp với các chương trình khuyến mại giảm giá, tặng quà và quảng cáo mạnh mẽ. Liệu có xe ôm truyền thống nào có đủ tiền để đối đầu với họ? 

Cơn bão start-up đã cho thấy rõ cách thức mà các start-up phát triển. Nó cần phải thu hút được đủ tiền để làm phá sản các doanh nghiệp hoặc những người kinh doanh nhỏ trên thị trường và sau đó nó sẽ đủ lớn để kiếm lợi. Công nghệ hay tính hữu dụng chỉ là vỏ bọc phù phiếm. Những vụ mua bán start-up trị giá nhiều triệu dollar cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá hủy.

Một điều chắc chắn là phần lớn những người chạy xe ôm truyền thống hiện nay sẽ thất nghiệp, tạo ra một gánh nặng mới cho xã hội. Đó là cái giá phải trả thứ hai của cơn mê start-up. Khác với doanh nghiệp taxi, vốn đóng thuế nhiều cho nhà nước, có thể lên tiếng đòi nhà nước bảo vệ, tiếng nói của những người chạy xe ôm truyền thống lẻ loi sẽ chẳng có ai lắng nghe.

Nhưng phần còn lại của xe ôm truyền thống sẽ ra sao? Họ sẽ vẫn tồn tại, chỉ có điều theo cách khác. Nếu tiếp tục hoạt động đơn lẻ, họ chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Nếu họ đầu quân cho các doanh nghiệp vận tải kiểu mới với ứng dụng tương tự như Grab hay Uber thì họ sẽ bị chúng nuốt chửng và trở thành người làm thuê.

Cách duy nhất giúp xe ôm truyền thống tiếp tục tồn tại là hợp tác hóa. Điều này đã xuất hiện tại nhiều nơi nhưng ít người để ý. Các lái xe sẽ kết hợp với nhau thành một kiểu hợp tác xã, dùng điện thoại để liên hệ, điều phối xe và đón khách. Việc đó giúp họ có thể tăng xác suất kiếm được khách, hạ giá cước, cũng như thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều mấu chốt trong cách làm này là họ cần phải thực hiện việc hợp tác hóa và chiếm lấy những thị trường Grab/Uber chưa vươn tới, để khi Grab/Uber bắt đầu vươn sang những thị trường đó thì xe ôm truyền thống đã đứng vững với cách kinh doanh mới rồi.