Thursday, May 28, 2015

GMO và sự phá sản của Argentina

Ngay cả ở những nước có quy mô canh tác nông nghiệp lớn như Argentina thì việc phát triển các sản phẩm biến đổi gien cũng khiến họ phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và sức khỏe con người. Sau nữa, các sản phẩm biến đổi gien không phải là phương thuốc chữa trị cho đói nghèo, ngược lại, chúng gia tăng sự đói nghèo nhanh hơn, đó có lẽ sẽ là kinh nghiệm quan trọng cho Việt Nam khi xử lý vấn đề cây trồng biến đổi gien. 

Dưới đây là bản dịch chương 13 "In Argentina: Soybeans of Hunger" trong cuốn sách "The World According to Monsanto" của tác giả Marie-Monique Robin, bản tiếng Anh của George Holoch, nhà xuất bản New Press, New York, Hoa Kỳ, phát hành năm 2010.

Ở Argentina: Đậu nành đói khát

Sự gia tăng diện tích canh tác toàn cầu là bằng chứng về lợi ích của cây trồng kháng thuốc diệt cỏ, trong đó có các tác động môi trường tích cực.
—Monsanto, Báo cáo Cam kết, 2005

Đó là ngày 13 tháng 4 năm 2005, ở Buenos Aires, Miguel Campos khó có thể kiềm chế sự giận dữ. Trong nhiều tuần, bộ trưởng nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp và thực phẩm Argentina đã tham gia vào một cuộc đấu tranh gay go với Monsanton. Kỹ sư nông nghiệp này không chỉ phản đối công nghệ sinh học, trái lại, ông được bổ nhiệm, cũng giống như những người tiền nhiệm khác trong 10 năm trước đó, chính xác là bởi vì ông là người ủng hộ vô điều kiện cho GMO. Trong suốt hai giờ đối thoại, ông thường xuyên tán dương lợi ích nông nghiệp và tài chính của đậu nành RR đồng thời cố gắng thuyết phục tôi rằng đạo đức của Monsanto tồi tệ đến mức không thể giải thích được.

“Monsanto chưa bao giờ có thể áp đặt bản quyền gien RR ở Argentina bởi vì luật pháp của chúng tôi không cho phép điều đó,” ông giải thích, nói một cách đầy thuyết phục. “Công ty đã đồng ý bãi bỏ phí bản quyền và hứa rằng không kiện những nông dân tái canh tác một phần vụ thoạch của họ, như họ đã làm, hoàn toàn hợp pháp. Giờ Monsanton lại nuốt lời hứa, đòi 3 dollar cho mỗi tấn đậu nành hoặc bột đậu nành xuất đi từ các cảng của Argentina, hoặc 15 dollar khi chuyến hàng cập bến ở các cảng của Châu Âu. Điều đó không thể chấp nhận được.”

Bắt cóc Argentina

Miguel Campos trông chán nản, giống như một học sinh giỏi bị giáo viên mà anh ta yêu quý đánh giá bất công. Nếu có quốc gia nào mà Monsanto có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn mà không có bất kỳ trở ngại nhỏ nào thì chắc chắn đó là Argentina. Khi Campos nói với tôi, một nửa diện tích canh tác của quốc gia này được trồng đậu nành biến đổi gen – 14 triệu ha và thu hoạch 37 triệu tấn đậu nành, 90% số đó được xuất khẩu, chủ yếu là sang Châu Âu và Trung Quốc. Nếu đạt được mục tiêu đã đề ra, Monsanto sẽ nhận được 160 triệu dollar mỗi năm chỉ riêng phần xuất khẩu sang Châu Âu – giải độc đắc.

“Ông không nghĩ rằng đó là cái bẫy?” Tôi hỏi.

Dường như Campos không chịu hiểu, “Một cái bẫy?” “Đầu tiên Monsanto tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến đậu nành RR khắp đất nước, sau đó công ty yêu cầu anh trả tiền.”

“Nếu đó là chiến lược thì chiến lược đó là sai lầm. Anh không thay đổi luật chơi của 10 năm sau.”

“Ông sẽ trả tiền chứ?”

“Cuộc tranh chấp rất nghiêm trọng bởi vì Monsanto đe dọa sẽ tấn công lĩnh vực xuất khẩu của Argentina.” Trong một tuyên bố được tường thuật trên kênh tin tức Dow Jones vào ngày 17 tháng 3 năm 2005, Campos đã thẳng thừng lên án “thái độ giống như kẻ du côn” của Monsanto.

Mặc dù vậy, mười năm trước đây cuộc phiêu lưu biến đổi gien đã bắt đầu giống như chuyện cổ tích ở đất nước của gia súc và những người chăn bò này. Khi FDA cho phép bán đậu nành RR trên thị trường Bắc Mỹ năm 1994, Monsanto đã để mắt tới vùng đất phía Nam. Dĩ nhiên mục tiêu của họ là Brazil, nhà cung cấp đậu nành lớn thứ hai thế giới. Nhưng thỏa thuận khó có thể đạt được do hiến pháp Brazil yêu cầu cây trồng biến đổi gien phải trải qua các thử nghiệm ban đầu về tác động môi trường trước khi được cấp phép. Do vậy Monsanto chuyển hướng sang Argentina, chính quyền Carlos Menem, theo sự dẫn dắt của chính quyền Bush nhiệm kỳ đầu tiên, đã thường xuyên ủng hộ tự do hóa. Trong mười năm cai trị (1989-1999), Menem, người bị ra tòa vào tháng 11 năm 2008 vì tội buôn bán vũ khí trái phép, đã cố gắng hết sức để hoàn thành công việc đã bắt đầu dưới chế độ độc tài quân sự (1976-1983): ông ta vô hiệu hóa những gì đảm bảo cho Argentina là nhà nước phúc lợi, tư nhân hóa bất cứ thứ gì có thể và mở rộng cửa cho tư bản ngoại quốc. Chính sách này đã tàn phá khu vực nông nghiệp, các hàng rào bảo hộ bị dỡ bỏ để đặt toàn bộ sản xuất vào sự điều khiển của các quy luật của thị trường.

Monsanto đã chuẩn bị và thâm nhập qua lỗ hổng vào đầu những năm 1990, trở thành đối tác đặc quyền của Conabia, Ủy Ban Giám Sát Công Nghệ Sinh Học Nông Nghiệp Quốc Gia, do Menem thành lập vào năm 1991 để xây dựng luật pháp cho Argentina với sự xuất hiện của GMO. Ủy ban này, dưới sự giám sát của Bộ Nông Nghiệp, chỉ có vai trò cố vấn và có sự tham gia của các cơ quan công cộng, như Viện Hạt Giống Quốc Gia (INASE) hay Viện Công Nghệ Nông Nghiệp Quốc Gia (INTA) và tổ chức tư nhân trong công nghệ sinh học như Syngenta, Novartis và dĩ nhiên là Monsanto, sự can thiệp thường xuyên của họ không khó để hình dung. Các ý kiến của Conabia trực tiếp dựa trên các mô hình Bắc Mỹ; ngay từ đầu họ đã áp dụng nguyên tắc tương đồng về giá trị, như website của họ khẳng định: “Tiêu chuẩn của Argentina dựa trên đặc trưng và các rủi ro của sản phẩm công nghệ sinh học và không dựa trên quá trình sản xuất.” Cụ thể hơn, ủy ban không làm gì ngoài việc phân tích các dữ liệu do các tập đoàn đa quốc gia cung cấp; nếu các kiểm tra được triển khai, mục đích duy nhất của chúng là đánh giá khả năng áp dụng hạt giống biến đổi gien trong các điều kiện nông nghiệp của Argentina.

Vào năm 1994, Monsanto bán giấy phép cho các công ty hạt giống chủ chốt của quốc gia này như Nidera và Don Mario, họ đã cấy gien kháng thuốc diệt cỏ Roundup Ready cho các giống trong danh mục của họ. Một sự trùng hợp tình cờ, hai tờ tạp chí lớn nhất nước, Nación và đặc biệt là Clarín (có số lượng phát hành lớn nhất nước), nhảy vào xúc tiến – một số người gọi là tuyên truyền – công nghệ sinh học, chụp mũ những người phản đối, thậm chí cả những người ôn hòa nhất, là những kẻ cuồng tín phản tiến bộ hoặc những kẻ lạc hậu, theo lời của cựu bộ trưởng Nông Nghiệp Dan Glickman* dưới thời Bill Clinton. Hàng sa số các bài xã luận ca tụng cuộc cách mạng công nghệ sinh học với các lập luận gợi nhớ đến những điều đã được một công ty cụ thể ở Missouri trình bày: “Với GMO, khoa học đã có một đóng góp quyết định vào cuộc chiến chống lại nạn đói,” ví dụ như tuyên bố của Carlos Menem trên một tờ báo nông nghiệp.1 William Kosinski, “nhà đào tạo công nghệ sinh học” của Monsanto khẳng định:

“Công nghệ sinh học đã tạo ra các vụ thu hoạch có chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn và một nền nông nghiệp bền vững bảo vệ môi trường.”2

“Việc nhập khẩu GMO vào Argentina đã diễn ra mà không hề có tranh luận công khai hay tranh luận ở quốc hội,” theo Walter Pengur, một kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây trồng biến đổi gien ở trường đại học Buenos Aires mà tôi gặp ở Buenos Aires vào tháng 4 năm 2005.3 “Vẫn chưa có luật kiểm soát việc marketing của cây trồng biến đổi gien và xã hội dân sự, thậm chí chưa có mặt ở Conabia, vẫn bị đặt ngoài các quyết định. Sau khi chúng được cấp phép vào năm 1996, đậu nành RR được phổ biến khắp Argentina với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử nông nghiệp: trung bình hơn tám trăm ngàn ha mỗi năm. Giờ đây chúng ta thấy sa mạc xanh đang nuốt chửng một trong những giỏ bánh mỳ lớn nhất thế giới.”




Hạt giống thần kỳ

Khi ra khỏi Buenos Aires về phía bắc, anh sẽ sửng sốt: chạy hết tầm mắt là đậu nành và đậu nành, điểm xuyết là những bãi cỏ với đàn bò lớn. Tôi ở đó vào tháng mùa thu phương nam, đúng vụ thu hoạch và con đường quốc lộ số 9 chật cứng những xe tải chạy qua lại giữa kho chứa đậu nành và các cảng của Río Parana. Đây là trái tim của pampas, đồng bằng huyền thoại của Argentina bao phủ 20% diện tích lãnh thổ quốc gia, 250.000 dặm vuông nằm ở phía nam khu vực Chaco, phía tây của Río Parana, phía bắc là Río Colorado và phía đông là dãy Andes. Cũng màu mỡ như vành đai ngũ cốc của Hoa Kỳ, llanura pampeana là một trong những vùng đất canh tác tốt nhất thế giới và từ thế kỷ 19 đã trở thành khu vực phát triển nông nghiệp thần tốc, trước khi GMO xuất hiện, cây trồng ở đây là ngũ cốc (ngô, lúa mỳ, kê), cây cho dầu (hoa hướng dương, lạc, đậu nành) cũng như rau cỏ và cây ăn trái, đó là chưa kể đến sản xuất sữa, thứ đã phát triển tốt trong khu vực  được coi là “bể sữa”. Trên phương diện quốc gia, pampas được coi là niềm tự hào của quốc gia, có khả năng sản xuất thực phẩm đủ cho 10 lần dân số của nó và do đó đủ cho xuất khẩu. “Canh tác nông nghiệp là phụng sự quốc gia,” đó là lời của một tranh cổ động ở lối vào trụ sở Hiệp Hội Nông Thôn Argentina.

Người đàn ông mà tôi gặp sau khi lái xe 5 giờ đồng hồ thuộc về một gia đình nông dân thực thụ với tầm nhìn hữu ích về nông nghiệp. Khoảng 40 tuổi, Héctor Barchetta canh tác 125,6 ha ở cách thủ đô Rosario của đế chế biến đổi gien 35 dặm. Một thành viên của Hiệp Hội Nông Dân Argentina, một hiệp hội có 17 ngàn nông dân nhỏ và vừa, ông thú nhận rằng ông đã “thất bại hoàn toàn”. Khi đi dạo trên các cánh đồng đậu nành RR đang chiếm tới 70% diện tích nông trại, ông kể với tôi câu chuyện về sự kỳ diệu đã biến thành ác mộng. Vào những năm 1990, ông đối mặt với một vấn đề mà mọi nông dân ở pampas đều bị ảnh hưởng: sự thoái hóa của đất canh tác do sự khai thác quá mức. Theo INTA, sản lượng thu hoạch đã giảm xuống 30%. “Chúng tôi không biết làm thế nào,” ông nói với tôi, “và đó là khi đậu nành RR xuất hiện. Đầu tiên, chúng là thực sự là hạt giống thần kì, bởi vì chúng tôi lại có sản lượng cao, với chi phí giảm và công việc ít hơn.” Trên thực tế, cũng giống như ở Hoa Kỳ, nông nghiệp biến đổi gien được phát triển với kỹ thuật “gieo hạt trực tiếp” (siembar directa), cho phép gieo hạt trực tiếp mà không cần cày xới đất, ngay trên những gì còn sót lại của vụ trước. Aapresid, Hiệp Hội Nông Dân Không Canh Tác Argentina, khuyến khích và cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật, cũng giống như đồng nhiệm Hoa Kỳ, họ chịu ảnh hưởng lớn của Hiệp Hội Đậu Nành Hoa Kỳ (ASA).

Tập hợp của 15 nhà sản xuất lớn, Aapresid là tác nhân chủ chốt thúc đẩy đậu nành RR và là đồng minh trung thành nhất của Monsanto ở Argentina. “Kỹ thuật siembra directa là phần không thể tách rời của mô hình canh tác biến đổi gien,” theo nhà nông học Walter Pengue. “Trước hết nó dẫn đến sự hồi phục độ màu mỡ của đất canh tác thông qua sự gia tăng các thành phần hữu cơ do phế phẩm trên bề mặt cung cấp, đồng thời chúng cũng giữ nước. Kỹ thuật này không thể tách khỏi cái mà Monsanto gọi là “hành trang kỹ thuật”, hạt giống biến đổi gien và thuốc diệt cỏ Roundup được bán cùng nhau, công ty thể hiện kỹ năng tuyệt vời của họ bằng cách chuyển giao “hành trang” với giá chỉ bằng 1/3 so với ở Hoa Kỳ.” Trên thực tế, giá cả thấp đến mức các nhà sản xuất Bắc Mỹ, ngay cả khi họ được trợ cấp nhiều, đã kêu la trong một cuộc biểu tình chống lại “sự cạnh tranh không lành mạnh” này.

Barchetta là người đã đón nhận miếng mồi một cách nồng nhiệt. Ông nói với tôi, “Trước đây, để diệt cỏ dại thì tôi phải phun thuốc diệt cỏ bốn đến năm lần, nhưng với đậu nành RR thì chỉ cần hai lần là đủ. Sau đó, cuộc khủng hoảng bò điên đã khiến giá đậu nành tăng vọt và tôi đã ngừng canh tác ngô, lúa mỳ, hoa hướng dương và đậu lăng, giống như những người hàng xóm của tôi.” Châu Âu cấm các thức ăn gia súc có nguồn gốc động vật dẫn tới nhu cầu tăng vọt về đạm thực vật, trong đó có bột đậu nành. Giá đậu nành cao lịch sử, dẫn đến một cuộc đổ xô đi tìm vàng xanh ở pampas.

“Nhờ vào sự bùng nổ của đậu nành nên tôi đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng,” ông nói tiếp. “Mọi thứ được làm để bảo vệ nhà sản xuất. Trong khi lãi suất tăng vọt thì chúng tôi có thể nhận được “hành trang” của Monsanto và không cần phải trả tiền cho đến vụ thu hoạch”.

Vào năm 2001, Argentina ở bên bờ vực phá sản. Chính phủ Fernando de la Rúa bị buộc phải từ chức dưới sức ép của công chúng. Trong khi piqueteros – những người nổi dậy – chiếm đóng đường phố, sự nghèo khổ thống trị đất nước, 45% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Bị trói buộc bởi khoản nợ nước ngoài khổng lồ, chính phủ Eduardo Duhalde và sau đó là Néstor Kirchner đã dùng đậu nành làm cứu cánh. “Đó là động lực của nền kinh tế,” theo Campos. “Nhà nước thu 20% thuế đối với dầu và 23% đối với hạt giống, khoảng 10 tỷ dollar [mỗi năm], mang lại 30% lượng tiền mặt quốc gia. Không có đậu nành thì quốc gia đã sụp đổ.”

Đậu nành bắt cóc đất nước

Cuộc khủng hoảng của Argentina là cơ hội để Monsanto thực hiện những khát vọng hoang dại của họ. Đậu nành RR lan ra từ pampas như lửa cháy rừng, lan sang phía Bắc đến các tỉnh Chalco, Santiago del Estero, Salta, và Formosa. Từ chỗ chỉ có 36.000 ha vào năm 1971, đậu nành đã lan ra 8 triệu ha vào năm 2000, 9,6 triệu ha vào năm 2001, 11,6 triệu ha vào năm 2002, và hơn 15,6 triệu ha vào năm 2007, chiếm tới 60% diện tích đất canh tác. Hiện tượng này thu hút sự chú ý tới mức có hội thảo về sojisación đất nước, một từ mới được tạo ra để chỉ sự tái cấu trúc sâu sắc ngành nông nghiệp, nhưng tác động tai hại của chúng sẽ sớm xuất hiện.

Đầu tiên, bất chấp những cuộc khủng hoảng tàn phá kinh tế quốc gia, giá đất đai tăng vọt, bởi vì chúng trở thành khoản đầu tư an toàn mang lại lợi nhuận đáng kể một cách nhanh chóng. Héctor Barchetta nói, “Ở vùng của tôi, giá của 0,4 ha đất tăng từ 800 dollar lên 3.000 dollar. Những nhà sản xuất yếu nhất đã bán sạch đất đai, dẫn đến sự tập trung sở hữu đất.” Trong vòng một thập kỷ, quy mô trung bình của nông trại ở pampas tăng từ 246,8 ha lên 531,2 ha và số lượng nông trại giảm xuống 30%. Theo một điều tra nông nghiệp của Viện Thống Kê và Điều Tra Quốc Gia (INDEC), 150.000 nông dân đã từ bỏ kinh doanh trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2001, 103.000 người trong số họ rời bỏ sau khi đậu nành biến đổi gien bắt đầu được gieo trồng. Vào cuối giai đoạn đó, 6.000 chủ đất chiếm hữu một nửa diện tích đất canh tác của quốc gia, trong khi 15,6 triệu ha đã nằm trong tay người nước ngoài, một quá trình đã được gia tốc kể từ khi đó.

Theo Eduardo Buzzi, chủ tịch của Hiệp Hội Nông Nghiệp Argentina, “Chúng ta đã chứng kiến một sự mở rộng chưa từng thấy của kinh doanh nông nghiệp, nông nghiệp công nghiệp hóa hướng tới xuất khẩu, gây thiệt hại cho canh tác gia đình đang dần biến mất. Nông dân bỏ đi được thay thế bằng những người không thuộc về lĩnh vực nông nghiệp: các quỹ hưu trí hoặc các nhà đầu tư ném tiền của họ vào “bể hạt giống”, những người lao vào độc canh đậu nành RR, hợp tác với các doanh nghiệp đa quốc gia như Cargill và Monsanto, tất cả đều với tổn thất của cây lương thực.”

Khi đậu nành RR tiếp tục phát huy sức mạnh không thể kháng cự của chúng, biến giỏ bánh mỳ của thế giới thành nhà sản xuất thức ăn gia súc cho thị trường Châu Âu, các nhà sản xuất thực phẩm teo lại với tốc độ cực nhanh. Theo số liệu chính thức, từ năm 1996-97 đến 2001-2, con số tambos (nông trại sữa) giảm đi 27% và lần đầu tiên trong lịch sử, Argentina đã phải nhập khẩu sữa từ Uruguay. Tương tự, sản xuất gạo đã giảm 44%, ngô giảm 26%, hạt hướng dương giảm 34% và thịt lợn giảm 36%. Cùng với sự biến động đó giá các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu đã tăng liên tục: ví dụ vào năm 2003, giá bột mỳ tăng 162%, giá đậu lăng – thành phần quan trọng trong bữa ăn của quốc gia – tăng 272% và giá gạo tăng 130%. Theo Pengue, “Người Argentina trung bình ăn ít hơn 30 năm trước đây. Điều nực cười là chúng ta được khuyến khích thay thế sữa bò và thịt bò, một phần của thực đơn quốc gia, bằng sữa đậu nành và bít tết đậu nành.”

Bình luận của Pengue không phải là chuyện khôi hài mà là mô tả hiện thực. Ở một quốc gia mà  dulce de leche (kẹo sữa) và carne de vaca (thịt bò) là các thành phần quan trọng của di sản văn hóa, bộ trưởng bộ nông nghiệp Miguel Campos nhanh nhảu giới thiệu cho anh địa chỉ của một nhà hàng sojero ở Buenos Aires. Ông ấy ca tụng sự hào phóng của chương trình Soja Solidaria được Aapresid phát động năm 2002, để “giúp đỡ” 10 triệu người bị suy dinh dưỡng, trong đó có 1/6 là trẻ em, theo cách của họ. Ý tưởng rất đơn giản: “Trích ra 1 kg đậu nành từ mỗi tấn xuất khẩu.” Chương trình được các hãng truyền thông chủ chốt ủng hộ, nhanh chóng giới thiệu Soja Solidaria như là một “ý tưởng tuyệt vời sẽ thay đổi lịch sử.”4 Héctor Huergo, biên tập viên của tờ Clarín Rural, đã khuyến nghị chính quyền “thay thế các chương trình phúc lợi xã hội hiện nay bằng một chuỗi các hoạt động đoàn kết mà không tốn phí nhờ vào mạng lưới phân phối đậu nành, một trong những thực phẩm hoàn hảo nhất chỉ mới được du nhập vào văn hóa của chúng ta.”5 Những người ủng hộ GMO tham gia một cách rộng rãi vào chương trình: nhờ vào dầu diesel miễn phí của Chevron-Texaco, các chuyến hàng đậu nành được chuyên chở đến hàng trăm ngân hàng thực phẩm và nhà ăn trường học ở các khu dân cư nghèo và ổ chuột, nhà tế bần, bệnh viện và tất cả các loại tổ chức từ thiện ở Argentina. Khắp đất nước, các cuộc hội thảo được tổ chức và các tình nguyện viên – đại học Thiên Chúa Giáo Córdoba gọi họ là “chiến sĩ đậu nành” – dạy cách nấu nướng, cách làm sữa, bánh hamburger và các loại thịt thay thế khác từ đậu nành. Ví dụ trên website nutri.com, người ta được thấy một chương trình đào tạo sáu ngàn người ở Chimbas, một tỉnh hẻo lánh của San Juan, cách “tiêu dùng đậu nành” và hàng ngàn tình nguyện viên đã đi khắp nơi để phân phối sữa đậu nành cho 12 ngàn trẻ em.

Khi Soja Solidaria tổ chức lễ kỷ niệm lần đầu tiên, Victor Trucco, chủ tịch của Aapresid, không che dấu sự hài lòng của mình. Ông viết trên tờ Clarín rằng, “Vào lúc này, chúng ta sẽ còn nhớ đến năm 2002 khi đậu nành được du nhập vào bữa ăn của người Argentina.”6 Ông đưa ra một bảng tổng kết: “Chúng ta đã đóng góp 700.000 tấn đậu nành, tương đương với hơn 600.000 pound protein giá trị cao, 8 triệu quart sữa, 5 triệu pound trứng hay 3 triệu pound thịt.” Thống kê dường như được thiết kế để cho thấy mục tiêu mà trang web của Soja Solidaria tóm tắt trong một câu: “Kế hoạch hỗ trợ việc phổ biến đậu nành” tại quốc gia này.7

Đậu nành nổi loạn: Tiến tới thoái hóa đất canh tác

Hôm đó, Walter Pengue sắp xếp chuyến viếng thăm Jésus Bello, một nông dân ở pampas đã trồng đậu nành RR từ năm 1997. Trong 7 năm, Pengue đã theo dõi một số nông trại trong vùng và kiểm tra cẩn thận sản lượng thu hoạch của họ. Ông nói, “Lúc đầu, tôi ủng hộ đậu nành biến đổi gen bởi vì tôi cho rằng với phương thức luân canh và sử dụng thuốc diệt cỏ một cách hợp lý, chúng có thể tốt cho môi trường và cho sổ sách của nhà sản xuất, do diệt cỏ chiếm tới 40% chi phí sản xuất. Nhưng giờ thì tôi rất lo lắng, bởi vì mọi thứ đều đang báo động đỏ.” Bello gật đầu đồng ý: “Chúng tôi đã lao đầu vào tường. Chúng tôi tiêu tốn ngày càng nhiều tiền và đất canh tác bị thoái hóa.” Bello, cũng giống như Héctor Barchetta ở cách đó hai trăm dặm, cũng phải đối mặt với vấn đề đang tồi tệ hơn mỗi năm: cỏ dại đề kháng thuốc diệt cỏ. “Trên phương diện nông học, điều đó đã được biết từ trước,” Pengue nói. “Trước khi đậu nành biến đổi gien được canh tác, nhà sản xuất sử dụng 4 hay 5 loại thuốc diệt cỏ khác nhau, một số rất độc như 2,4-D, Atrazine và Paraquat.** Nhưng sự luân chuyển các sản phẩm khác nhau ngăn chặn sự phát triển sức đề kháng đối với từng loại thuốc diệt cỏ. Hiện giờ, việc sử dụng quá mức Roundup vào mọi thời điểm trong năm đã dẫn tới sự xuất hiện của cỏ dại kháng thuốc diệt cỏ; để diệt loại cỏ dại đó thì cần phải tăng liều lượng thuốc diệt cỏ. Cỏ dại kháng thuốc diệt cỏ đã được thấy ở một số khu vực của pampas.”

“Quảng cáo thương mại của Monsanton về công nghệ Roundup Ready làm giảm việc sử dụng thuốc diệt cỏ là sai lầm?”

“Hoàn toàn sai lầm,” Bello nói. “Tôi phải phun thuốc diệt cỏ hai lần, lần thứ nhất sau khi trồng, lần thứ hai là hai tháng trước khi thu hoạch. Trước kia, tôi sử dụng chưa đến một lít thuốc diệt cỏ cho 0,4 ha; giờ thì tôi phải phun gấp đôi.”

Pengue nói thêm: “Trước khi đậu nành RR được trồng, người Argentina sử dụng trung bình 1 triệu lít thuốc diệt cỏ mỗi năm. Vào năm 2005, chúng tôi dùng tới 150 triệu tấn. Monsanto không phủ nhận vấn đề kháng thuốc diệt cỏ và thông báo về một loại thuốc diệt cỏ mới, mạnh hơn với thế hệ GMO mới, nhưng đó không phải là cách thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này.”

Phí tổn đối với nhà sản xuất là rất lớn. Đã qua rồi cái thời, để kích cầu, Monsanto giảm giá tới 2/3 cho thuốc diệt cỏ của họ. Giá cả nhanh chóng trở lại bình thường, khiến cho các nhà sản xuất quay sang các loại thuốc diệt cỏ phổ thông (chủ yếu là Trung Quốc) ngay khi bản quyền của công ty hết hạn vào năm 2000. Nhưng cùng lúc đó thì một vấn đề mới nổi lên dẫn đến các khoản chi phí gia tăng khác: đó là “đậu nành nổi loạn” ở Argentina (“các tình nguyện viên” ở Canada), cho thấy rằng ở Nam cũng như Bắc Mỹ thì cùng một nguyên nhân dẫn đến cùng một kết quả. Như ở Hoa Kỳ, Syngenta, đối thủ cạnh tranh người Thụy Sĩ của Monsanto, nhà chế tạo Atrazine và Paraquat, đã nắm lấy cơ hội: vào năm 2003, một trong những quảng cáo chủ chốt của họ tuyên bố, “Đậu nành là cỏ dại.”

Thêm vào đó, sử dụng tập trung Roundup có khuynh hướng làm đất đai cằn cỗi. “Tôi thường xuyên phải sử dụng khối lượng phân bón tăng lên, Bello thừa nhận. “Nếu không mùa màng sẽ thất bại.” Khó có thể kỳ vọng rằng thuốc diệt cỏ tiêu diệt mọi loại thực vật lại có thể bảo vệ hệ vi thực vật cần thiết cho sự màu mỡ của đất canh tác. Theo Pengua, “Sự biến mất của những vi khuẩn nhất định khiến đất đai bị trơ lỳ, ngăn cản quá trình phân rã và thu hút ốc sên không vỏ và nấm như fusarium.”

Trên hết, vào năm 2004 giá đậu nành bắt đầu giảm, tiếp tục cho đến năm 2005, tới mức khiến cho các nhà sản xuất như Bello và Barchetta lo lắng.*** “Chúng ta đang làm gì vậy?” Barchetta hỏi, đôi mắt của ông nhìn đăm đăm về phía thửa đất đang thu hoạch. “Trước kia, tôi canh tác 15 loại cây thực phẩm khác nhau; giờ tôi chỉ trồng đậu nành biến đổi gien. Có thể chúng tôi đã rơi vào bẫy. Có thể chúng tôi đang hy sinh Đất và tương lai của con cái.”

Thảm họa sức khỏe cộng đồng

Bác sĩ Darío Gianfelici bực bội khi lái xe dọc theo con đường: “Hãy nhìn này! Ngay cả các rãnh bên đường họ cũng trồng đậu nành. Khi họ phun thuốc diệt cỏ, anh cũng hoàn toàn chìm trong thuốc. Cơ quan sức khỏe công cộng của đất nước này hoàn toàn vô trách nhiệm.” Khi tôi gặp ông vào tháng 4 năm 2005, Gianfelici là bác sĩ ở Cerrito, một thành phố nhỏ với 5.000 dân cách  Paraná ba mươi dặm đường, ở tỉnh  Entre Ríos, ngay trung tâm của vương quốc đậu nành. Ở khu vực đã từng được chú ý về sự đa dạng nông nghiệp của pampas, diện tích canh tác đậu nành tăng từ 0,6 triệu ha vào năm 2000 lên gần 1,2 triệu ha ba năm sau đó. Trong cùng thời gian ấy, diện tích canh tác lúa giảm từ 148.000 ha xuống 51.200 ha.8 Ít nhất là hai lần một năm, máy bay phun thuốc hoặc mosquistos (thiết bị nông nghiệp được kéo bằng máy kéo để phun thuốc diệt cỏ với những cánh tay cơ khi dài có hình dạng như những chiếc cánh) dìm ngập khu vực với Roundup, thường xuyên đến tận cửa nhà, do đậu nành RR đã xâm chiếm toàn bộ khu vực.

“Điều đó giống như cơn sốt, một dạng bệnh dịch,” Gianfelici nói, đề cập tới món xúc xích cay chorizo, các bể chứa nước sốt cay nằm dọc theo vệ đường bởi vì chả còn chỗ nào để chứa khối lượng đỗ tương khổng lồ ấy. Bác sĩ trở thành nhà hoạt động chống GMO không phải xuất phát từ lý tưởng mà do ông lo lắng về sự tiến triển của các loại bệnh tật mà ông bắt gặp trong hoạt động chữa bệnh. “Tôi không biết là công nghệ sinh học nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng hay không, nhưng tôi lên án sự tàn phá sức khỏe do phun thuốc Roundup với quy mô lớn gây ra, cũng như việc sử dụng quá mức đậu nành RR.” Ông đề cập tới sự độc hại của thuốc diệt cỏ và nhất là chất hoạt động bề mặt, chất này giúp cho thuốc diệt cỏ thấm vào thực vật, như polyethoxylated tallowamine. Ở Argentina, hiều hơn bất cứ nơi nào khác, quảng cáo của Monsanto đảm bảo rằng Roundup là “phân hủy sinh học” và “tốt cho môi trường” khiến cho mọi người không phòng ngừa khi phun thuốc, có nghĩa là chất đó lây nhiễm toàn bộ môi trường: không khí, đất canh tác và nguồn nước. Trong khi đó đại diện của nhà nước, Miguel Campos khẳng định một cách hoàn toàn hài lòng rằng “Roundup là loại thuốc diệt cỏ ít độc nhất”. Gianfelice nói rõ: “Một số đồng nghiệp trong khu vực và tôi đã quan sát thấy sự gia tăng đáng kể trong việc tái sản xuất ra các biến dị như sảy thai và chết bào thai đẻ non; rối loạn chức năng tuyến giáp, hệ thống hô hấp – như sưng phổi – thận và hệ thống nội tiết; các bệnh gan và da; nhiều vấn đề về mắt. Chúng tôi cũng lo ngại về tác động Roundup có thể gây ra khi thâm nhập vào cơ thể người ăn đậu nành, bởi vì chúng tôi biết một số chất hoạt động bề mặt gây rối loạn nội tiết. Chúng tôi đã quan sát thấy một số lượng đáng kể chứng hở tinh hoàn và hở niệu đạo **** ở bé trai, rối loạn chức năng hormone ở bé gái, một số có kinh nguyệt khi ba tuổi.

Chỉ có một số ít người như Gianfelici không ngại ngần lên tiếng chống lại các tác động phá hoại của chính sách đậu nành. Dĩ nhiên là các tổ chức như Greenpeace và các nhà sinh thái học cực đoan của tổ chức Grupo de Reflexión Rural đã lên án việc thương mại hóa GMO và chỉ ra những nguy cơ của công nghệ sinh học, nhưng họ chỉ nói với cái đầu gối. “Cùng với khủng hoàng, có hàng ngàn vấn đề khác,” theo Horacio Verbitsky, nhà báo của tờ nhật báo cánh tả Página 12, ông đã viết rất nhiều bài báo về đậu nành biến đổi gien. “Tôi thừa nhận rằng thậm chí tôi chẳng biết gì về chúng.” Điều ngạc nhiên là chương trình Soja Solidaria đã dẫn đến những cảnh báo hợp pháp đầu tiên – không phải là về GMO và là về nguy cơ đối với những đứa trẻ ăn quá nhiều sản phẩm từ đậu nành. Ví dụ vào năm 2002, Cosejo Nacional de Coordinación de Políticas Sociales tổ chức một diễn đàn về chủ đề có đề cập tới việc “sữa đậu nành không nên được gọi là “sữa” và nó không bao giờ có thể thay thế sữa.” Các chuyên gia về sức khỏe đã chỉ ra rằng đậu nành có ít calcium hơn sữa bò và sự tập trung cao độ của acid phytic ngăn sự hấp thụ kim loại như sắt và kẽm của cơ thể, gia tăng nguy cơ của bệnh thiếu máu.***** Trên hết, họ cực lực lên án việc cho trẻ em dưới 5 tuổi ăn các sản phẩm từ đậu nành, vì một lý do đơn giản: đậu nành rất giàu isflavone, có tác động như hormone thay thế đối với phụ nữ tiền mãn kinh và do vậy có thể gây ra sự mất cân bằng hormone đáng kể ở cơ thể đang lớn. ††

“Chúng tôi đang gieo trồng hạt giống của thảm họa sức khỏe cộng đồng,” theo Gianfelici, “nhưng đáng tiếc là nhà cầm quyền không chịu thừa nhận và bất cứ ai dám nói về điều đó cũng bị coi là một người điên rồ chống lại phúc lợi của quốc gia.”

Vào ngày đó, bác sĩ có cuộc hẹn ở trường học Thiên Chúa Giáo của một nữ tu người Đức. Tòa nhà kiểu thuộc địa nổi bật nằm giữa những thảm đậu nành khổng lồ. Nữ tu hiệu trưởng nói, “Tuần trước, họ phun Roundup ngay trước khi trời mưa. Sau đó ánh nắng làm bốc hơi. Nhiều học sinh bắt đầu nôn mửa và kêu đau đầu.” Bà yêu cầu cơ quan y tế tỉnh điều tra và họ xác định đó là một loại “virus”. “Họ đã phân tích nước nhưng không tìm thấy gì.”

“Họ có xem xét khả năng nhiễm độc do các sản phẩm hóa chất không?” bác sĩ hỏi.

“Không,” Angela, một giáo viên, trả lời. “Khi chúng tôi nhắc tới giả thuyết đó, họ phủ nhận ngay lập tức.”

Angela biết bà nói về chuyện gì. Bà sống trong một căn nhỏ có cánh đồng đậu nành bao quanh. Mỗi khi họ phun thuốc, bà bị đau nửa đầu dữ dội, buồn nôn, ngứa mắt và đau khớp. “Tôi đã nói với các kỹ thuật viên,” bà nói. “Điều duy nhất mà tôi được nhận lại là họ cảnh báo tôi khi chuẩn bị phun thuốc diệt cỏ và tôi rời khỏi nhà, cùng với gia đình, trong hai ngày. Họ đề nghị tôi bán căn nhà, nhưng tôi sẽ đi đâu? Đậu nành đáng giá hơn cuộc sống của chúng tôi.”


Đập đầu người khác vào tường

Khi tôi thấy cách Campos nổi nóng về câu hỏi liên quan đến các tác động đối với sức khỏe và môi trường của Roundup, tôi hiểu rằng đó không phải là đối tượng được chính quyền ưu tiên. “Một câu hỏi vinh dự của một phóng viên Châu Âu,” ông nói dứt khoát. “Mức độ sử dụng thuốc diệt cỏ của chúng tôi thấp hơn Pháp. Chúng tôi là quốc gia ít ô nhiễm nhất thế giới.”

Bộ trưởng bộ nông nghiệp rõ ràng là đã không đọc các tờ tạp chí của nước mình. Ví dụ, khi xem chúng, bạn sẽ thấy một thẩm phán mở cuộc điều tra ở Rosario, sau khi một cặp vợ chồng có nhà nằm ở giữa cánh đồng đậu nành khiếu nại. Con trai của họ sinh ra không có ngón chân ở bàn chân trái và nhiều vấn đề về tinh hoàn và thận.9 Tương tự, ở Córdoba, các bà mẹ trong khu dân cư Ituzaingó tổ chức biểu tình cộng đồng ngăn cản việc phun thuốc trên cách cánh đồng quanh đó, sau khi họ nhận thấy tỷ lệ bệnh ung thư bất thường, đặc biệt là ở trẻ em và thiếu nữ. Sự kiện gây ra một vài xáo trộn ở nghị viện trước khi mất hút trong hệ thống tư pháp hỗn độn. “Mọi thứ luôn như vậy,” nhà nông học Luis Castellán làm việc cho tổ chức phát triển nông nghiệp ở Formosa, miền bắc Argentina nói. “Bất cứ khi nào có vấn đề môi trường nghiêm trọng, anh không thể tìm được một chuyên gia nào sẵn sàng chống lại sự vận động hùng mạnh của đậu nành.” Castellán hiểu điều mà ông nói: vào tháng 2 năm 2003, các nông dân ở vùng nông thôn Colonia Loma Senés của tỉnh Formosa gần biên giới với Paraguay đã liên lạc với ông. Họ đã tìm kiếm vô vọng một chuyên gia để chứng nhận những thiệt hại mà việc phun thuốc Roundup và 2,4-D trên thửa ruộng rộng 30 ha bị “đậu nành nổi loạn” xâm thực đã gây ra cho cây lương thực của họ. Họ có một người hàng xóm sống ở Paraná, người này cho một công ty ở tỉnh Salta thuê đất, công ty này lại thuê một công ty khác để gieo hạt và phun thuốc.

Hoan nghênh đến với vương quốc của GMO! “Kỹ thuật viên” – thường là lao động công nhật không có đồ bảo hộ, tự đầu độc bản thân vì đồng lương chết đói – đến vào một sáng thứ bảy và phun thuốc cho tới sáng chủ nhật. “Hôm đó rất nóng và có gió mạnh trong vùng,” nông dân Felipe Franco canh tác 10 ha nhớ lại. “Thuốc diệt cỏ bay hơi rất nhanh và bị cuốn đi khoảng 365 m.” Hai mươi ba gia đình đang sống trong các căn nhà bằng gạch xỉ bị nhiễm độc. “Khi tôi tới đó, mắt của họ đỏ và họ có các vết lớn trên mặt và thân trên. Nhiều người bị đau đầu dữ dội và buồn nôn, phàn nàn về phát nhiệt và khô cổ.” Một số người không bao giờ khỏi, một bà già đã được chăm sóc 8 tháng ở Buenos Aires và vẫn phàn nàn về sự đau khớp và xương không thể chịu nổi. Khu dân cư yêu cầu cơ quan y tế tỉnh viết báo cáo, nhưng họ kết luận vệ sinh kém là nguyên nhân của mọi vấn đề. Các gia đình đưa đơn kiện ở tòa án El Colorado, nhưng vụ kiện bị từ chối vì không có báo cáo sức khỏe. Chỉ có Castellán đồng ý chuẩn bị một mô tả khoa học về những thiệt hại đối với cây trồng.

“Chúng tôi mất tất cả,” Franco nói. “Sắn, khoai lang, bông đều bị tàn phá. Gà và vịt chết; một số lợn nái bị sảy thai còn một số khác đẻ ra lợn con gầy nhẳng. Vào ngày phun thuốc, ngựa kéo cày bị tiêu chảy và ngã ra sàn; một số bị chết.”

Castellán chụp ảnh và lấy mẫu các cây trồng bị ảnh hưởng, ông đem chúng đi phân tích ở phòng thí nghiệm của trường đại học Littoral ở Santa Fé. “Tôi suy nghĩ rất nhiều trước khi tham gia vào việc này, bởi vì tôi biết là sẽ phải gánh rủi ro.” Ông thú nhận.

“Tất cả các nhà nông học của Bộ Kinh Tế và Sản Xuất đều từ chối, chúng tôi phải đối mặt với cảnh sát và các chính khách muốn chúng tôi im lặng. Một số người hàng xóm đã bỏ cuộc và chuyển tới các khu ổ chuột ở Formosa.” Franco xác nhận.

“Monsanton nói rằng đậu nành biến đổi gien có thể cùng tồn tại với cây lương thực. Ông nghĩ sao?” Tôi hỏi

“Điều đó là không thể, nhất là ở những khu vực như thế này, nơi những nhà sản xuất nhỏ bị các cánh đồng GMO lớn bao quanh. Nếu có điều gì đó tương tự xảy ra một lần nữa, tôi không biết bao còn bao nhiêu nhà sản xuất nhỏ sẽ tiếp tục ở lại.”

Franco tiếp tục: “Vấn đề cũng là mục đích của mô hình sản xuất này. Những người trồng đậu nành biến đổi gien chỉ có mục đích thương mại thuần túy; họ không sống ở nơi họ canh tác, do vậy họ không phải gánh chịu các thiệt hại liên đới. Còn chúng tôi sản xuất để sống. Chúng tôi chú ý tới môi trường và chất lượng của những gì sản xuất ra, bởi vì chúng tôi tiêu dùng chúng hoặc bán ở chợ. Công nghệ biến đổi gien không phục vụ cho nông dân mà là cho các doanh nghiệp kinh doanh, chủ của chúng sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để trở nên giàu có.”

Trục xuất và phá rừng

Mili là một xã nông thôn nhỏ có 98 hộ gia đình sống trong khu vực bán khô hạn rộng 6.800 ha cách Santiago del Estero thuộc miền bắc Argentina 35 dặm. Anh đi đến đó bằng con đường đất đỏ đầy ổ gà, xuyên qua những đồng cỏ đuôi chồn, đây đó xuất hiện một số cây quebrachos, loại cây gỗ quý có nguy cơ tuyệt chủng. Phong cảnh đặc trưng của vùng Gran Chao, trải dài tới tận biên giới Bolivian.

“Ở đây, chúng đơn giản được gọi là el monte,” luật sư Luis Santucho của tổ chức nông dân Mocase nói, đó là khi tôi gặp ông vào tháng 4 năm 2005. “Trước khi GMO xuất hiện, chả ai thèm quan tâm đến vùng đất khốn khổ này, hàng ngàn nông dân nhỏ đã sống kiểu tự cấp tự túc trong vài thế hệ.” Santucho háo hức được gặp lãnh đạo của xã Milli, sự tồn tại của xã đang bị các nhà sản xuất đậu nành đe dọa, họ thường xuyên mở rộng phạm vi canh tác về phía bắc. Một năm trước chuyến viếng thăm, quan tòa địa phương đã xuất hiện với quân lính và máy ủi. “Đây là đất công, không có chứng nhận sở hữu, nhưng với tiền của đậu nành thì mọi mưu mẹo đều có thể.” Santucho giải thích. Các Sojeros đã thay đổi chiến thuật. Họ cố gắng chia rẽ cộng đồng bằng cách trả tiền mặt cho 10 ha của một số gia đình, những người đó do dự vì họ chưa từng thấy nhiều tiền như vậy.

“Điều này dẫn đến rất nhiều rắc rối, nhưng chúng tôi không chấp nhận, bởi vì đây là đất công, nó không thuộc về riêng bất cứ ai. Chúng tôi sẽ đi đâu? Cuộc sống ở đây thật sự vất vả, nhưng chúng tôi đủ ăn hàng ngày.” Gà, vịt và một gia đình lợn đen đang chạy quanh khoảnh sân đất nện. Đằng sau túp lều nhỏ gần rãnh nước là một con bò cái và một con ngựa đang ăn cỏ. Tất cả các gia đình đều trồng sắn, khoai tây và một khoảng nhỏ gạo hay ngô. “El monte là cách sống, nhưng sự đa dạng sinh vật và thực vật của nó đang bị đe dọa.” 

Tỉnh Santiago del Estero có đặc trưng đáng buồn là tỉnh có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới. Mỗi năm trung bình có 0,81% rừng rậm bị đốn hạ, so với tỷ lệ trung bình thế giới là 0,23%. Ví dụ, từ năm 1998 đến 2002, 216.000 ha rừng đã biến thành khói và được thay thế bằng đậu nành RR.****** Từ năm 1998 đến 2004, gần 800.000 ha đã bị đốn hạ ở Argentina,” giám đốc phụ trách rừng của Bộ Môi Trường và Phát Triển Bền Vững Jorge Menéndez giải thích. “Tình hình đáng lo ngại đến mức tôi không ngủ được. Tất cả bosques natives [rừng nguyên sinh] đều bị đe dọa: chúng là các khu rừng rậm đa dạng sinh thái với hệ động thực vật có từ trước khi Châu Mỹ được phát hiện. Một số loài động vật như báo, báo đốm Mỹ, mèo Andes và heo vòi, không thể sống ngoài hệ sinh thái đặc biệt này. Nếu chúng ta không kiểm soát việc canh tác đậu nành, thiệt hại sẽ không thể sửa chữa được.”

“Chức năng của bộ có phải là xây dựng các luật lệ không?”

“Đúng, nhưng chúng tôi không có nhiều trọng lượng.”

Để thấy được quy mô của thảm họa, mọi người chỉ cần đi dọc theo con đường quốc lộ số 16 theo hướng Salta hoặc Chaco. Các thân cây thường được chất đống bên lề đường. Đôi khi khói đen bốc lên tiết lộ hoạt động của carboneros, hay những người đốt than, thường là các nông dân nhỏ đã bỏ đất đai và đáng bán sức lao động để kiếm sống.

Hoàn toàn cay đắng: bị sự hung bạo dồn đuổi, họ phải giảm đi để nuôi dưỡng chúng. Một lính canh kiểm soát lối vào khu vực. Tôi thuyết phục và anh ta cho tôi vào. Bốn bánh xe đi dọc theo con đường hoang vắng. Chạy dài hết tầm mắt là những bụi cây câm lặng, những thân cây sứt sẹo và các bụi rậm bị moi ruột. “Máy ủi,” Guido Lorenz thì thầm. Lorenz là nhà địa lý học người Đức của trường đại học Santiago del Estero. Cùng với Pedro Colonel, kỹ sư lâm nghiệp, ông thường xuyên đi quanh khu vực để đo lường phạm vi của tai họa. Chúng tôi tiến lại gần các lò đốt than. Những người đàn ông ám bồ hóng đang dỡ xe gỗ. Đâu đó có âm thanh của điệu tango. Ông trưởng nhóm giải thích rằng ông bị mất việc và tìm được công việc này, kéo dài ít nhất hai năm. Đó là dọn sạch khu đất 1.600 ha thuộc về con trai thống đốc của tỉnh Tucumán lân cận. Bản thân vị thống đốc đó cũng sở hữu hàng ngàn ha khác không xa đây. “Chúng tôi đốn hạ, đốt, sau đó trồng đậu nành,” người đàn ông nói.

Chúng tôi đi tiếp. Lorenz và Colonel đã nghe thấy tin đồn về một chiến dịch phá rừng bất hợp pháp rất lớn cách đấy một trăm dặm. Chuyện đó liên quan đến khu đất rộng 24.000 ha mà một nhà đầu tư mới giành được. Trên giấy tờ, luật pháp Argentina rất chặt chẽ: để có thể đốn hạ cây, chủ sở hữu phải xin giấy phép về tỷ lệ rừng được đốn hạ, phụ thuộc vào kiểu đất canh tác. Trong khu vực được xếp hạng “dễ tổn thương” này, con số có thể không quá 15%. “Nhưng một lần nữa, tiền của đậu nành đã dàn xếp mọi chuyện.” Colonel nói. Tham nhũng và thiếu trừng phạt đã để cho các máy ủi tự do san phẳng mọi thứ đến hết tầm mắt.

“Họ nói đang mở rộng nông nghiệp nhưng họ thực sự để lại phía sau một sa mạc,” Colonel tiếp tục. “Họ trồng đậu nành trong một hay hai năm, sau đó họ sẽ buộc phải bỏ đi. Sự màu mỡ của đất canh tác gắn liền với thực vật một ngàn năm tuổi; khi chúng biến mất, đất canh tác sẽ sớm bị thoái hóa.”

“Đây là môi trường dễ tổn thương, bởi vì chúng ta đang ở khu vực khí hậu khô hạn hoặc bán khô hạn,” Lorenz giải thích. “Việc phá rừng dẫn đến suy giảm dự trữ các tổ chức hữu cơ, khiến đất canh tác bị thoái hóa, do chúng mất khả năng giữ nước. Ở mức độ của toàn bộ hệ tuần hoàn nước, nước từ kênh mương gây ra ngập lụt ở các khu vực khác. Phá rừng là nguồn gốc của nước lụt bất thường mà chúng ta được chứng kiến gần đây ở tỉnh Santa Fé. Thêm vào đó, với kỹ thuật gieo trực tiếp, Roundup tồn lại trên bề mặt; khi mưa xuống, thuốc diệt cỏ tồn dư được dòng nước đưa đi xa và gây ô nhiễm ở các khu vực khác trong hệ tuần hoàn nước. Nước khiến các động vật có vú bị nhiễm độc khi uống và do vậy nhiễm vào sữa bò.”

“Bất hạnh thay, đó không chỉ là vấn đề sojeros,” Colonel nói. “Họ là các doanh nghiệp hoặc thương nhân lớn đến từ Santa Fé hay Córdoba và coi đậu nành như nguyên liệu thô. Một nhà thầu phụ gửi người với máy gieo trồng đến, một nhà thầu phụ khác gửi người với máy bay phun thuốc đến, và nhà thầu thứ ba đến cùng với máy liên hợp để thu hoạch đậu và mang chúng đi. Họ không sử dụng lao động địa phương, ngoại trừ khi họ đốn hạ cây.”

“Chúng tôi thật sự đang ở trong tình trạng khẩn cấp, nhưng không một quan chức nào hiểu điều đó,” Lorenz kết luận. “Điều này rất nghiêm trọng, bởi vì thiệt hại là không thể bù đắp được.”

Chú thích:

*Người ủng hộ GMO quan trọng nhất ở Argentina là Héctor Huergo, biên tập viên phụ san Clarín Rural.

**Cần phải nhắc lại rằng 2,4-D là thành phần của chất độc màu da cam; theo lý thuyết là bị cấm ở Liên Minh Châu Âu và Hoa Kỳ vào năm 2003. Atrazine bị cấm ở Liên Minh Châu Âu vào năm 2003. Còn Paraquat, cũng giống như Roundup, một trong những loại thuốc diệt cỏ phổ biến nhất thế giới, bị cấm ở Liên Minh Châu Âu vào ngày 10 tháng 7 năm 2007.

Chúng là Parietaria debilis, Petunia axilaris, Verbena litoralis, Verbena bonariensis, Hybanthus parviiflorus, Iresine diffusa, Commelina erecta, and Ipomoea sp.

***Sau khi đạt mức 230 dollar/tấn vào năm 2003, giá giảm xuống 200 dollar/tấn vào năm 2004, sau đó là 150 dollar/tấn vào giữa năm 2005. Nhưng vào năm 2006, có sự hồi phục ngoạn mục, đạt tới đỉnh cao vào năm 2007, chủ yếu là để chế tạo nhiên liệu sinh học.

****Cryptorchism là dị tật bẩm sinh như tinh hoàn hở; hypospadias là dị dạng niệu đạo (nó không dài tới đỉnh dương vật).

*****Phytates là hỗn hợp phốt pho liên kết với một số kim loại cụ thể, ví dụ như sắt, ngăn cản ruột hấp thụ chúng.

†† Thường được gọi là “phyto-estrogens,” isoflavones tương tự như estrogen của nữ giới.

******Trong cùng thời kỳ, 116.000 ha rừng ở tỉnh lân cận Chaco và 168.000 ha rừng khác ở tỉnh Salta đã bị đốn hạ.

1.    Ámbito financiero, Sec. Ámbito agropecuario, August 11, 2000, 4–5.
2.     La Nación, July 23, 2000.
3.     See Walter Pengue, Cultivos trnasgénicos: Hacia dónde vamos? (Buenos Aires: Lugar Editorial, 2000).
4.     Revista Gente, January 29, 2002.
5.     Ibid.          
6.     Clarín, January 11, 2003.
7.     www.sojasolidaria.org.ar (no longer accessible).
8.     La Nación, February 14, 2003.
9.     La Capital, March 25, 2005.

Sunday, May 24, 2015

Hạt giống tự tử ở Ấn Độ và bài học cho Việt Nam

Monsanto đã quay trở lại Việt Nam, cùng lúc đó TPP với các điều khoản bí mật về thương mại và bản quyền đang được đàm phán. Qua trường hợp của Ấn Độ thì có thể thấy rõ rằng các sản phẩm của những công ty như Monsanton chỉ phù hợp với các nhà sản lớn và họ cần có luật bảo vệ bản quyền chặt chẽ để có thể kinh doanh. Rõ ràng TPP là một hiệp định nhằm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp lớn, nếu không tính đến các ý đồ chính trị của Hoa Kỳ. Ấn Độ đã phải chứng kiến nạn dịch tự tử của nông dân trồng bông biến đổi gien Bt của Monsanto và những quả bom sinh thái đang chờ nổ, sau những hoạt động theo đuổi lợi nhuận bất chấp luật pháp, khoa học, từ hối lộ đến mua chuộc và lừa dối của Monsanto. Kinh nghiệm của Ấn Độ cũng có thể rất hữu ích đối với Việt Nam trong việc xử lý vấn đề sản phẩm biến đổi gen và bản quyền.


Dưới đây là bản dịch chương 15 "India: The Seeds of Sucide" trong cuốn sách "The World According to Monsanto" của tác giả Marie-Monique Robin, bản tiếng Anh của George Holoch, nhà xuất bản New Press, New York, Hoa Kỳ, phát hành năm 2010.

Ấn Độ: Hạt giống của tự tử


Sản phẩm của chúng tôi đem lại lợi ích ổn định và rõ ràng cho cả các nông trại lớn và nhỏ. Nông dân luôn có thể tạo ra các vụ thu hoạch chất lượng cao hơn và thu nhập tốt hơn.
—Monsanto, Báo cáo cam kết, 2006

Đó là tháng 12 năm 2006, chúng tôi vừa mới tới nơi khi đoàn đưa đám đi vòng qua góc hẻm nằm giữa những bức tường sơn trắng, phá vỡ sự uể oải của một ngôi làng Ấn Độ nhỏ dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Mặc trang phục truyền thống – áo dài trắng bằng vải bông và quần dài – những người đánh trống dẫn đoàn về phía bờ sông, nơi giàn hỏa thiêu đã được sắp sẵn. Ở giữa đoàn đưa tang, một người phụ nữ đang khóc tuyệt vọng, bám vào một thanh niên cường tráng với khuôn mặt  u sầu đang mang chiếc cáng được phủ đầy những bông hoa sặc sỡ. Xúc động, tôi nhìn lướt qua khuôn mặt của người chết: đôi mắt nhắm nghiền, mũi khoằm, ria mép màu nâu. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng thoáng qua ấy, thứ đã biến những hứa hẹn hào nhoáng của Monsanto thành sự ô nhục.

Ba vụ tự tử một ngày

“Chúng ta có thể quay phim không?” Tôi hỏi, đột nhiên bối rối khi người quay phim hỏi tôi với cái hất đầu. “Dĩ nhiên,” Tarak Kate nói, nhà nông học lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên về canh tác hữu cơ này đã đi với tôi xuyên qua khu vực trồng bông ở Vidarbha, tây nam bang Maharashtra của Ấn Độ. “Đó là lý do Kishoir Tiwari đưa chúng ta tới làng này. Ông ấy biết ở đây có lễ tang của một nông dân đã tự tử.”

Kishoi Tiwari là lãnh đạo của tổ chức Vidarbha Jan Andolan Samiti (VJAS), một phong trào nông dân có thành viên là những người bị cảnh sát quấy nhiễu vì họ đã quyết liệt lên án “thảm họa” mà giống bông Bt gây ra cho khu vực nông nghiệp này, chất lượng “vàng trắng” của nó trước đây từng được ca ngợi. Tiwwari gật đầu khi ông nghe thấy câu trả lời của Kate. “Tôi không nói bất cứ điều gì với anh vì lý do an toàn. Người làng thông báo cho chúng tôi bất cứ khi nào nông dân tự tử và tất cả chúng tôi đều tới lễ tang. Hiện giờ có ba vụ tự tử trong một ngày ở khu vực này. Người thanh niên này đã uống một lít thuốc trừ sâu. Đó là cách nông dân tự tử: họ dùng thứ hóa chất mà bông biến đổi gien được cho là sẽ giúp họ tránh phải dùng.” 

Khi đoàn đưa tang đi thẳng đến bờ sông, nơi thi hài nạn nhân trẻ sẽ sớm được hỏa thiêu, một nhóm đàn ông tiến lại gần người quay phim của tôi. Họ tỏ ra nghi ngờ nhưng sự có mặt của Tiwari đã trấn an họ: “Hãy nói với thế giới rằng bông Bt là một điều bất hạnh,” một ông già nói đầy giận dữ. “Đây là vụ tự tử thứ hai trong làng của chúng tôi kể từ đầu vụ thu hoạch. Nó chỉ có thể tệ hơn bởi vì hạt giống biến đổi gien không đem lại gì cả.”

“Họ đã nói dối chúng tôi,” người trưởng làng nói thêm. “Họ nói rằng những hạt giống thần kỳ này sẽ giúp chúng tôi kiếm được tiền, nhưng tất cả chúng tôi đều nợ nần và vụ thu hoạch biến mất. Chúng tôi sẽ ra sao đây?”

Sau đó, chúng tôi thẳng tiến đến làng Bhadumari kế bên, ở đó Tiwari muốn giới thiệu tôi với góa phụ trẻ 25 tuổi có chồng tự tử ba tháng trước đây. “Cô ấy đã trả lời một phóng viên của tờ New York Times,” ông nói với tôi, “và cô ấy sẵn sàng làm lại điều đó. Điều này rất hiếm hoi bởi vì thông thường các gia đình sẽ xấu hổ.”1 Rất trang nghiêm trong chiếc sari màu xanh, người phụ nữ trẻ gặp chúng tôi trong khoảng sân trước căn nhà đất giản dị của cô. Đứa bé nhất trong số hai con trai của cô, một đứa ba tuổi và đứa kia mới mười tháng, đang ngủ trên chiếc võng mà cô dùng tay đu đưa trong khi nói chuyện, cùng lúc bà mẹ chồng đứng cạnh cô lặng lẽ chìa bức ảnh con trai đã chết của bà. Góa phụ nói, “Anh ấy tự tử ở ngay đây. Anh ấy lợi dụng lúc tôi vắng mặt để uống can thuốc trừ sâu. Khi tôi trở về thì anh ấy đã hấp hối. Chúng tôi không thể làm gì cả.”

Khi tôi lắng nghe cô, tôi nhớ đến một bài báo được xuất bản trên tờ International Herald Tribune vào tháng 5 năm 2006, một bác sĩ mô tả sự kinh hoàng của những nạn nhân bị hiến tế cho trường thiên tiểu thuyết biến đổi gien. “Thuốc trừ sâu tác động lên hệ thần kinh – đầu tiên họ bị co giật, sau đó hóa chất làm thủng dạ dày và dạ dày bắt đầu chảy máu, sau đó là suy hô hấp ở phổi – họ đều khó thở - sau đó tim của họ ngừng đập.”2
Anil Kondba Shend, chồng của góa phụ trẻ, mới 35 tuổi và canh tác khoảng 1,4 ha. Vào năm 2006, anh ấy quyết định thử trồng bông Bt của Monsanto, còn được gọi là “Bollgard”, được quảng bá bằng quảng cáo truyền hình của công ty. Trong những quảng cáo đó, cây bông biến đổi gien đã thoát khỏi những con sâu bướm béo mập: “Bollgard bảo vệ bạn! Phun thuốc ít hơn, lợi nhuận cao hơn! Hạt giống bông Bollgard: sức mạnh chế ngự côn trùng!” Người nông dân đã vay tiền để mua hạt giống quý giá, đắt hơn  hạt giống truyền thống bốn lần. Anh ấy phải gieo ba lần, góa phụ nhớ lại, “bởi vì mỗi lần anh ấy gieo hạt thì chúng không chịu được mưa. Tôi nghĩ rằng anh ấy nợ đại lý 60.000 rupees.* Tôi sẽ không bao giờ biết rõ bởi vì vào những tuần trước khi chết thì anh ấy đã không nói gì hết. Anh ấy bị ám ảnh bởi nợ nần.”

“Đại lý là ai?” Tôi hỏi.

“Đó là người bán hạt giống biến đổi gien,” Tiwari trả lời. “Họ cũng cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu và cho vay tiền với lãi suất cắt cổ. Nông dân bị nợ nần trói buộc vào các đại lý của Monsanto.”

“Đó là một vòng tròn xấu xa,” Kate nói thêm, “một thảm họa nhân đạo. Vấn đề là cây trồng biến đổi gen (GMO) không hoàn toàn thích ứng với đất canh tác của chúng tôi, vốn ngập nước ngay khi gió mùa về. Thêm vào đó, hạt giống khiến nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào các lực lượng thị trường: không chỉ khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho hạt giống mà cũng phải mua phân bón và thuốc trừ sâu nếu không mùa màng sẽ thất bát, bởi vì Bollgard có thể chống lại sự phá hoại của sâu nang bông nhưng không chống lại được các loại sâu hút nhựa cây. Trái ngược với những gì quảng cáo khẳng định, nếu anh tính thêm rằng Bollgard không đủ sức đánh bại sâu nang thì anh sẽ có thảm họa, bởi vì anh cũng vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu.”

“Monsanto nói rằng GMO phù hợp với tiểu nông: anh nghĩ thế nào?” Tôi hỏi, nghĩ đến tuyên bố của hãng trong Báo cáo Cam kết năm 2006 của họ. “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy điều đó là dối trá.” Nhà nông học nói, “Trong trường hợp tốt nhất, chúng có thể phù hợp với những nông dân lớn có đất tốt nhất và có phương tiện để tưới tiêu theo nhu cầu, nhưng không phải là đối với những tiểu nông chiếm 70% dân số của quốc gia này.”

“Hãy nhìn xem,” Tiwari chen ngang, trải ra một bản đồ rất lớn mà ông ấy lấy từ thùng xe.

Cảnh tượng thật sửng sốt: tất cả những điểm thuộc về vành đai bông ở Vidarbha đều được đánh dấu bằng một hình đầu lâu. “Đây là tất cả những vụ tự tử mà chúng tôi thống kê lại từ giữa tháng 6 năm 2005, khi bông Bt được nhập vào bang Maharashtra, đến tháng 12 năm 2006,” nhà lãnh đạo nông dân nói. “Có tất cả 1.280 cái chết. Cứ tám giờ có một người chết. Đó lá lý do khiến chúng tôi nói rằng bông Bt đang trong quá trình gây ra một nạn diệt chủng thực sự.”**

Kate chỉ cho tôi thấy một khoảng trống nhỏ không có hình đầu lâu. “Đây là khu vực Ghatanji ở huyện Yavatamal,” ông mỉm cười. “Đây là nơi hiệp hội của tôi thúc đẩy canh tác hữu cơ với 500 hộ gia đình trong 20 làng. Anh thấy đấy, chúng tôi không có vụ tự tử nào cả.”

“Đúng vậy, nhưng nạn tự tử của nông dân trồng bông chẳng có gì mới. Chúng tồn tại trước khi GMO xuất hiện.”

“Điều đó đúng. Nhưng với bông Bt, chúng đã tăng nhanh. Anh có thể quan sát thấy điều tương tự ở bang Andhra Pradesh, là bang đầu tiên cho phép canh tác hạt giống biến đổi gien, trước khi họ lao vào cuộc chiến với Monsanto.”

Theo chính quyền bang Maharashtra, trong toàn bang có 1.920 nông dân đã tự tử trong khoảng từ 1 tháng 1 năm 2001 đến 19 tháng 8 năm 2006. Hiện tượng này đã tăng tốc sau khi hạt giống Bt xuất hiện trên thị trường vào tháng 6 năm 2005.3
  
Bắt cóc ngành bông Ấn Độ

Trước khi tôi bay sang bang lớn Andhra Prahdesh ở đông nam Ấn Độ, Kishor Tiwari tha thiết chỉ cho tôi chợ bông của Pandharkawada, chợ lớn nhất ở Maharashtra. Trên đường đi tới đó, chúng tôi cắt ngang qua một đoàn xe trâu chở đầy những bao bông. “Tôi cảnh báo anh,” Tiwari nói, “chợ đang bên bờ sụp đổ. Nông dân dân đang mệt mỏi, vụ thu hoạch thất bại và giá bông thấp chưa từng thấy. Đây là kết quả của việc chính quyền Hoa Kỳ trợ giá cho nông dân của họ, có tác động phá giá đối với giá cả thế giới.”***

Chúng tôi chỉ vừa đi qua vòm cổng uy nghi để vào chợ thì đã bị bao vây bởi hàng trăm nông dân trồng bông giận dữ khiến chúng tôi không thể đi tiếp. “Chúng tôi ở đây đã nhiều ngày với hàng hóa của mình,” một trong số họ nói, hai tay giơ hai nắm bông. “Thương lái đưa ra giá thấp đến mức không thể chấp nhận được. Chúng tôi còn có nợ phải trả.”

“Anh nợ bao nhiêu?” Tarak Kate hỏi.

“52.000 rupee,” người nông dân trả lời.

Sau đó là một khung cảnh hiếm thấy khi hàng tá nông dân ngẫu nhiên lên tiếng, hết người này đến người khác, số nợ của họ: 50.000 rupee, 20.000 rupee, 15.000 rupee, 32.000 rupee, 36.000 rupee.

Dường như không gì có thể ngăn lời cầu nguyện này lan truyền trong đám đông giống như một làn sóng thủy triều không thể cưỡng lại được.

“Chúng tôi không muốn bông Bt nữa!” một người đàn ông hét lên, tôi không thể xác định vị trí của người đó trong đám đông.

“Không!” hàng tá giọng nói hùa theo.

Kate tiến lại gần và hỏi: “Bao nhiêu người trong số các anh sẽ không trồng bông Bt vào năm tới?”

Một rừng cánh tay giơ lên, thật thần kỳ là người quay phim, Guillaume Martin, đã quay được phim, ngay cả khi chúng tôi bị chen giữa đám đông, khiến cho việc quay phim cực kỳ khó khăn. Kate nói, “Vấn đề là các nông dân này sẽ khó mà tìm được hạt giống bông không biến đổi gien bởi vì Monsanto thực sự kiểm soát toàn bộ thị trường.” 

Bắt đầu vào đầu những năm 1990 – trên thực tế là cùng lúc với việc thiết lập cơ sở ở Brazil, nhà sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới – Monsanto đã chuẩn bị cẩn thận cho việc nhập GMO của họ vào Ấn Độ, nhà sản xuất bông lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Loại cây mang tính biểu tượng ở quê hương của Mahatma Gandhi, người biến việc trồng bông thành mũi nhọn trong phong trào đấu tranh bất bạo động chống lại sự chiếm đóng của người Anh, bông đã được trồng hơn năm ngàn năm trên tiểu lục địa Ấn Độ. Hiện giờ là sinh kế của 17 triệu gia đình, chủ yếu ở các bang phía nam như (Maharashtra, Gujarat, Tamil Nadu, và Andhra Pradesh).

Được thành lập ở Ấn Độ từ năm 1949, Monsanto là một trong những nhà cung cấp sản phẩm bảo vệ thực vật chủ yếu của quốc gia. Đây là thị trường lớn của thuốc diệt cỏ và đặc biệt là thuốc trừ sâu, bởi vì bông rất dễ bị tổn thương bởi nhiều loại sâu bọ khác nhau, như sâu nang, sâu đục thân, mọt bông, sâu ăn bột, ve nhện và rệp vừng. Trước cuộc “cách mạng xanh”, cuộc cách mạng đã mở rộng việc độc canh bông với các giống lai ghép có năng suất cao, nông dân Ấn Độ kiểm soát sự phá hoại của các loại sâu bọ bằng một hệ thống đảo vụ và sử dụng thuốc trừ sâu hữu cơ chiết xuất từ lá cây neem. Đặc tính hữu ích của loại cây này, được tôn kính như là “cây tự do” ở tất cả các làng của tiểu lục địa, nổi tiếng đến mức các công ty quốc tế đã đăng ký hàng tá bản quyền, các trường hợp sao chép sinh học rõ ràng đã dẫn đến các tranh chấp bất tận ở cục bản quyền. Ví dụ vào tháng 9 năm 1994, công ty hóa chất Hoa Kỳ W.R. Grace, một đối thủ cạnh tranh của Monsanto, đăng ký bản quyền ở Châu Âu cho việc sử dụng dầu cây neem làm thuốc trừ sâu, ngăn chặn các công ty Ấn Độ đưa sản phẩm của họ ra nước ngoài, trừ khi họ trả tiền bản quyền cho các công ty đa quốc gia, đang bán đầy rẫy thuốc trừ sâu hóa học ở đất nước này.4

Thuốc trừ sâu hóa học đã dẫn đến làn sóng tự tử đầu tiên của những nông dân trồng bông bị nợ nần vào cuối những năm 1990. Việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu vô cơ dẫn đến hiện tượng mà các nhà côn trùng học quen thuộc: sự phát triển sức đề kháng của côn trùng đối với các sản phẩm được tạo ra để tiêu diệt chúng. Kết quả là để chống lại sâu bọ, nông dân phải tăng liều lượng và sử dụng ngày càng nhiều các hóa chất độc, đến mức mà ở Ấn Độ bông chỉ chiếm 5% diện tích đất canh tác nhưng tiêu thụ tới 55% thuốc trừ sâu.

Sự mỉa mai của câu chuyện này là khả năng kiếm lợi hoàn hảo của Monsanto từ vòng xoáy chết chóc do sản phẩm của họ tạo ra, cùng với sự sụt giảm của giá bông (từ 98,20 dollar/1 tấn vào năm 1995 xuống 49,10 dollar/tấn vào năm 2001), đã dẫn đến cái chết của hàng ngàn nông dân nhỏ. Công ty ca ngợi các đặc tính tốt của bông Bt là phương thuốc bách bệnh tối cao sẽ làm giảm hoặc thủ tiêu nhu cầu phun thuốc chống sâu nang, như website công ty con của họ ở Ấn Độ tuyên bố.

Vào năm 1993, Monsanto đàm phán hợp đồng giấy phép công nghệ Bt với công ty hạt giống lai ghép Maharashtra (Mahyco), công ty hạt giống lớn nhất Ấn Độ. Hai năm sau, chính quyền Ấn Độ cấp phép nhập khẩu cho loại bông Bt sinh trưởng ở Hoa Kỳ (Cocker 312, chứa gien Cry1Ac) để các kỹ thuật viên của Mahyco có thể lai chéo chúng với các giống lai ghép địa phương. Vào tháng 4 năm 1998, Monsanto thông báo rằng họ đã có 26% cổ phần của Mahyco và họ thành lập một công ty liên doanh 50-50 với đối tác Ấn Độ, Mahyco Monsanto Biotech (MMB), cho mục tiêu thương mại hóa các hạt giống bông biến đổi gien của tương lai. Cùng lúc, chính quyền Ấn Độ cấp phép cho công ty trồng thử nghiệm thực địa bông Bt lần đầu tiên.

“Quyết định này là trái pháp luật”, Vandana Shiva nói, tôi gặp bà ở văn phòng tại Quỹ Nghiên Cứu Khoa Học, Công Nghệ và Sinh Thái ở New Delhi vào tháng 12 năm 2006. Bà có bằng tiến sĩ vật lý, là một người nổi tiếng quốc tế trong phong trào phản đối toàn cầu hóa, được nhận “Giải Nobel tương đương” vào năm 1993 cho những đóng góp của bà về sinh thái và những nỗ lực chống lại việc các công ty hóa chất nông nghiệp đa quốc gia kiểm soát nông nghiệp Ấn Độ. “Vào năm 1999”, bà nói với tôi, “tổ chức của tôi kêu gọi Tòa Án Tối Cao phán quyết việc thử nghiệm của Mahyco Monsanto là bất hợp pháp. Vào tháng 7 năm 200, mặc dù kiến nghị của chúng tôi vẫn chưa được xem xét, việc thử nghiệm đã được cấp phép cho quy mô lớn hơn, trên bốn mươi địa điểm ở sáu bang, mặc dù kết quả không bao giờ được công bố, bởi vì chúng tôi được nghe rằng chúng là bí mật. Ủy Ban Chấp Thuận Biến Đổi Gien đã yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với bông Bt, sử dụng như là cỏ khô cho bò và trâu, chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa, cũng như dầu hạt giống được con người tiêu thụ, nhưng điều đó không bao giờ được thực hiện. Trong vài năm, Monsanto đã bắt cóc ngành bông Ấn Độ với sự đồng lõa của quan chức chính quyền, những người mở cửa cho GMO bằng cách bỏ qua các nguyên tắc đề phòng mà Ấn Độ đã luôn theo đuổi.”

“Điều đó diễn ra như thế nào?” Tôi hỏi.

“Phải, Monsanto đã vận động hành lang một cách đáng kể. Ví dụ vào tháng 1 năm 2001, một đoàn đại biểu pháp lý và khoa học Hoa Kỳ đã gặp Chánh Án A.S. Anand của Tòa Án Tối Cao rất đúng lúc và ca ngợi lợi ích của công nghệ sinh học vào ngay thời điểm mà tòa án phải đưa ra quyết định về kiến nghị của chúng tôi. Đoàn đại biểu do Viện Khoa Học, Sức Khỏe Einstein và tòa án dẫn đầu đã đề nghị thiết lập một hội thảo để đào tạo cho các quan tòa về các vấn đề liên quan đến GMO.5 Monsanto cũng tổ chức một số chuyến viếng thăm trụ sở của họ ở St. Louis cho các nhà báo, nhà khoa học và quan tòa Ấn Độ. Báo chí đã nhanh chóng được sử dụng để tuyên truyền các tin tức tốt. Thật không khó để biết xem có bao nhiêu người có khả năng chống chọi một cách kiên cường đối với công nghệ sinh học khi họ thực sự không biết gì về nó.”

Cũng cần phải ghi nhận rằng không chỉ có người Ấn Độ quy phục Monsanto. Một thông cáo báo chí của công ty được phát hành vào ngày 3 tháng 7 năm 2002 đưa tin với sự hài lòng rõ ràng rằng một đoàn đại biểu Châu Âu đã viếng thăm Chesterfied Village, trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học ở St. Louis. “Đoàn khách đại diện cho các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các viện khoa học, nông dân, người tiêu dùng và báo chí từ 12 nước, có liên quan đến công nghệ sinh học và an toàn thực phẩm,” theo thông cáo báo chí công bố.6

“Bà có cho rằng đó cũng là một dạng tham nhũng?” Tôi hỏi.

“Tốt thôi,” Shiva trả lời tôi với nụ cười, tìm từ ngữ, “Tôi không có bằng chứng nào, nhưng tôi cũng không thể loại trừ điều đó. Hãy xem những gì xảy ra ở Indonesia.”

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2005, Ủy Ban Giao Dịch Chứng Khoán Hoa Kỳ (SEC) tiến hành một thủ tục hai gọng kìm chống lại Monsanto, cáo buộc về tham nhũng ở Indonesia. Theo SEC, những phát hiện của họ được đăng tải trên web, đại diện của Monsanto ở Jakarta hối lộ khoảng 700.000 dollar cho 140 quan chức chính quyền Indonesia từ năm 1997 đến 2002 để được triển khai bông Bt tại nước này.7 Ví dụ họ đã cung cấp 374.000 dollar cho vợ của một quan chức cao cấp ở Bộ Nông Nghiệp để xây một căn nhà xa hoa. Những món quà hào phóng đó đã được che dấu bằng các hóa đơn thuốc trừ sâu giả, SEC khẳng định như vậy. Thêm vào đó, vào năm 2002, công ty con Châu Á của Monsanto được cho là đã hối lộ một quan chức cấp cao ở Bộ Môi Trường 50.000 dollar để nhận được đánh giá tác động môi trường cho bông Bt trước khi nó được tung ra thị trường. Không chống lại các cáo buộc, Monsanto ký một thỏa thuận với SEC vào tháng 4 năm 2005 về khoản tiền phạt 1,5 triệu dollar. “Monsanton thừa nhận toàn bộ trách nhiệm về các hành động trái phép này và chúng tôi thành thực xin lỗi về việc những người thừa hành lệnh của Monsanto đã tham gia vào cách hành động đó.”8 

Thất bại thảm hại của bông biến đổi gien của Monsanto

Sự thật là vào ngày 20 tháng 2 năm 2002, ngày rất thất vọng của các tổ chức nông dân và sinh thái, Ủy Ban Chấp Nhận Biến Đổi Gien Ấn Độ đã bật đèn xanh cho việc canh tác bông Bt. Mahyco Monsanto Biotech đã vượt qua mọi rào cản: họ thuê một ngôi sao Bollywood để quảng bá GMO trên truyền hình (có lượng khán giả lớn ở Ấn Độ), đồng thời hàng chục ngàn tranh cổ động được dán khắp đất nước thể hiện các nông dân cười tươi đứng cạnh những máy kéo mới tinh, như thể được mua bằng lợi nhuận của bông Bt.

Năm đầu tiên, 55.000 nông dân, 2% số người trồng bông Ấn Độ, đã đồng ý tham gia vào cuộc phiêu lưu biến đổi gien. “Tôi được nghe là hạt giống thần kỳ này sẽ giải phóng tôi khỏi việc phun thuốc trừ sâu,” một nông dân 26 tuổi từ bang Andhra Pradesh, một trong số những bang đầu tiên cấp phép cho việc thương mại hóa GMO (vào tháng 3 năm 2002), nói với tờ Washington Post vào năm 2003. “Vụ mùa trước, mỗi khi tôi nhìn thấy sâu bọ, tôi phát hoảng, tôi phun thuốc trừ sâu lên bông khoảng 20 lần. Vụ mùa này, với hạt giống mới, tôi chỉ phải phun thuốc 3 lần.”9

Bất chấp lợi thế rõ ràng này (sớm biến mất do côn trùng phát triển sức đề kháng với cây bông Bt), phần còn lại của bức tranh cũng kém sáng sủa, khi tờ Washington phỏng vấn nông dân vào cuối vụ thu hoạch GMO đầu tiên. “Tôi nhận được ít tiền hơn từ bông Bt bởi vì người mua trên thị trường nói rằng chiều dài của sợi bông ngắn hơn,” một người nói. Thu nhập cũng không được cải thiện. “Giá hạt giống rất cao, giờ tôi tự hỏi là nó có thực sự đáng giá vậy không.”10

Trên thực tế, do bản quyền hạt giống (cho đến hiện giờ) vẫn bị cấm ở Ấn Độ, Monsanto không thể áp dụng hệ thống tương tự như ở Bắc Mỹ, có nghĩa là bắt buộc nông dân mua hạt giống của họ hàng năm bằng cách đe dọa về mặt pháp lý. Để bù đắp cho “tổn thất”, họ quyết định tăng giá hạt giống lên bốn lần: trong khi một gói 450g hạt giống truyền thống được bán với giá 450 rupee thì khối lượng tương đương hạt giống Bt có giá 1.850 rupee.

Cuối cùng, tờ Washington Post đưa tin, “mọt hại nang cũng không biến mất.” Thành quả hiếm hoi không ngăn cản Ranjana Smetacek, giám đốc quan hệ công chúng của Monsanto Ấn Độ**** tuyên bố một cách hài lòng: “Bông Bt đã có kết quả rất tốt ở cả năm bang được trồng.”11 Mặc dù vậy, câu chuyện do tờ Washington Post trình bày đã được một số nghiên cứu xác nhận. Đầu tiên là cáo buộc của Liên Minh Bảo Vệ Đa Dạng (CDD) Andhra Pradesh, tập hợp của 140 tổ chức dân sự, trong đó có Hiệp Hội Phát Triển Deccan (DDS), một NGO rất có uy tín, chuyên sâu về canh tác an toàn và phát triển bền vững. CDD đã yêu cầu hai nhà nông học, tiến sĩ Abdul Qayum, cựu quan chức Bộ Nông Nghiệp bang và Kiran Sakkhari, so sánh các kết quả nông nghiệp và kinh tế của Bollgard với các giống bông không biến đổi gien ở huyện Warangal, nơi có 12.300 nông dân nghe theo những lời hứa hẹn của Monsanto.

Hai nhà khoa học tuân theo một phương pháp chặt chẽ dựa trên quan sát hàng tháng các vụ mùa biến đổi gien, được trồng vào khoảng từ tháng 8 năm 2002 tới cuối vụ vào tháng 4 năm 2003, trong 3 nhóm thí nghiệm. Ở hai làng, nơi có 24 nông dân trồng GMO, bốn nông dân được chọn ngẫu nhiên. Vào giữa vụ (tháng 11 năm 2002), 22 nông dân ở 11 làng được hỏi về tình hình vụ canh tác biến đổi gien, sau đó là viếng thăm cánh đồng của họ. Cuối cùng, vào cuối mùa, tháng 4 năm 2003, một khảo sát được thực hiện với 225 nông dân nhỏ, chọn ngẫu nhiễn trong số 1.200  nhà cung cấp bông trong huyện, 38,2%  trong số đó sở hữu ít hơn 2 ha, 37,4% sở hữu từ 5 đến 10 ha, 22,4% có hơn 10ha (nhóm cuối cùng được coi là nông dân lớn ở Ấn Độ). Trong cùng một thời kỳ đó, họ cũng ghi lại năng suất của các nhà cung cấp bông truyền thống (nhóm kiểm soát). Tôi đưa ra tất cả những chi tiết này để khẳng định rằng nghiên cứu khoa học đáng để nêu ra cho những nỗ lực kiểu này, nếu không sẽ chả có gì ngoài gió và mây. Kết quả nghiên cứu quy mô lớn này được tổng kết: “Chi phí canh tác bông Bt nhiều hơn bông không phải là Bt là 1092 rupee bởi vì chỉ có một sự giảm bớt không đáng kể trong việc tiêu thụ thuốc trừ sâu cho canh tác bông Bt. Tính trung bình thì có một sự giảm bớt đáng kể (35%) trong tổng thu nhập của bông Bt, trong khi tổn thất ròng là 1295 rupee/ trong canh tác bông Bt so với bông không phải Bt, lợi nhuận ròng là 5368 rupee/-. Khoảng 78% nông dân canh tác Bollgard trong năm nay nói rằng họ sẽ không canh tác Bt vào năm tới.”12

Để làm cho nghiên cứu khoa học không thể chê trách được này thêm sinh động, DDS bổ sung vào sáng kiến một nhóm “phụ nữ quay phim chân đất”, theo cách nói của P. V. Satheesh, người sáng lập và giám đốc của tổ chức sinh thái. Sáu phụ nữ, tất cả đều là nông dân mù chữ và là dalits (tiện dân, lớp dưới cùng của hệ thống đẳng cấp xã hội truyền thống), được hướng dẫn các kỹ thuật quay phim trong một hội thảo do DDS tổ chức vào tháng 10 năm 2001 ở làng nhỏ Patapur với cái tên Community Media Trust. Từ tháng 8 năm 2002 tới tháng 4 năm 2003, họ đã quay phim hàng tháng 6 nhà cung cấp bông Bt nhỏ ở huyện Warangal tham gia vào nghiên cứu nông học. Kết quả là một bộ phim tư liệu phi thường về sự thất bại của hạt giống biến đổi gien.

Nó cho thấy trước hết mọi hy vọng mà nông dân đã đặt vào hạt giống Bt. Mọi thứ đều tốt trong hai tháng đầu: cây bông khỏe mạnh và không có sâu bọ. Sau đó là sự thất vọng. Cây bông rất nhỏ và quả bông ít hơn so với các cánh đồng bông truyền thống ngay bên cạnh. Vào mùa khô tháng 10, khi sâu bọ tàn phá bông truyền thống, các cây bông biến đổi gien bị rầy và ruồi trắng bao vây. Vào tháng 11, khi vụ thu hoạch bắt đầu, có thể thấy sự thất vọng trên khuôn mặt của nông dân: sản lượng rất thấp, quả nang khó nhặt, đuôi sợi bông ngắn hơn, điều đó có nghĩa là giá giảm mất 20%.

Tôi gặp những người làm phim vào tháng 12 năm 2006 ở cánh đồng bông Warangal, nơi họ tới để quay phim cùng với hai nhà nông học. Tôi rất ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp của những phụ nữ phi thường này, họ mang theo những đứa trẻ đang ngủ trên lưng, sắp đặt máy quay, chân đế, mic và gương phản xạ để phóng vấn một nhóm nông dân đang thất vọng vì sự thất bát của vụ canh tác bông Bt.

Kể từ khi báo cáo đầu tiên được hai nhà nông học công bố, tình hình đã tệ hơn, châm ngòi cho làn sóng tự tử thứ hai, sớm tiến đến bang Maharashtra. Lo lắng vì tình trạng bi kịch này, chính quyền bang Andhra Pradesh đã triển khai một nghiên cứu, xác nhận các kết luận của Qayum và Sakkhari.13 Nhận thức được tác động đến kết quả bầu cử của thảm họa này, lãnh đạo của Bộ Nông Nghiệp, Raghuveera sau đó đã yêu cầu Mahyco hoàn tiền cho các nông dân bị mất mùa, nhưng công ty đã từ chối yêu cầu đó.

Tuyên truyền và độc quyền

Để tự bảo vệ, Monsanto tung ra một nghiên cứu được công bố rất đúng lúc trên tờ Science vào ngày 7 tháng 2 năm 2003. 14 Ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học rất lạ lùng khi chúng dựa trên các bài báo uy tín, hiếm khi hoặc không bao giờ xác thực nguồn của các dữ liệu được trình bày. Matin Qaim, ở trường đại học Bonn, và David Zilberman ở trường đại học California, Berkeley, cả hai đều “chưa từng đặt chân đến Ấn Độ,” như Vandana Shiva cho biết, đã chỉ ra rằng theo các thử nghiệm thực địa diễn ra tại “các bang khác nhau của Ấn Độ,” bông Bt “giảm thiểu một cách chắc chắn thiệt hại của sâu bọ và gia tăng sản lượng … tới 88%.” “Điều đáng phiền là bài báo mô tả hiệu quả phi thường của bông Bt lại dựa hoàn toàn trên dữ liệu do công ty sở hữu bông Bt, Mahyco-Monsanto, cung cấp,” tờ Times of India bình luận. “Dữ liệu được các tác giả trình bày  … không dựa trên vụ thu hoạch bông Bt đầu tiên -  như được kỳ vọng – mà dựa trên thu hoạch của một số thửa ruộng được lựa chọn thuộc về công ty, cũng không có dữ liệu từ các cánh đồng của nông dân kèm theo trong bài báo.”15 Mặc dù vậy, tờ tạp chí ghi nhận rằng “bài báo đó đã được nhiều cơ quan trích dẫn rộng rãi làm bằng chứng cho hiệu quả đặc biệt của hạt giống GMO” – vốn là mục đích của việc công bố trên tờ Science.

Bài báo cũng được bình luận dài trong báo cáo năm 2004 của FAO có tiêu đề “Công nghệ sinh học nông nghiệp có đáp ứng được nhu cầu của người nghèo?”16 Tài liệu này đã khiến người ta tốn rất nhiều giấy và mực vì đó là một lập luận bảo vệ GMO. Nó khẳng định rằng chúng có khả năng “gia tăng tổng thể năng suất nông nghiệp” và chúng “có thể giúp giảm bớt các thiệt hại môi trường do hóa chất độc hại gây ra,” theo lời giới thiệu của Jacques Diouf, tổng giám đốc của tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Bản báo cáo đã làm Monsanto rất hài lòng, họ đã nhanh chóng đưa nó lên mạng.17

Tương tự ở Pháp, ngay trước khi bài báo trên tờ Science được công bố, hãng AFP đã phân phát một bản thuyết trình tán dương nó. Tôi trích dẫn một đoạn, bởi vì nó minh họa hoàn hảo cho cái cách mà sự đánh lạc hướng được lặng lẽ triển khai thông qua truyền thông, cho dù điều này khó có thể lên án hãng thông tấn, bởi vì trên hết là họ chỉ ngoại suy từ các đề xuất ngầm được tính toán cẩn trọng trong bài báo gốc: “Bông được biến đổi gien để kháng lại các côn trùng có hại có thể tăng sản lượng thu hoạch lên 80%, theo các nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm ở Ấn Độ cho biết,” bài dẫn khẳng định. “Kết quả công việc của họ rất đáng kinh ngạc: trước đây chỉ có một sự gia tăng nhỏ trong sản lượng được quan sát thấy trong các thử nghiệm tương tự ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.”18 Người ta có thể tưởng tượng ra tác động của thông tin này – được truyền thông đón nhận rộng rãi, ví dụ như tờ Le Bullentin des Agriculteurs ở Quebec – đối với những nông dân cỡ nhỏ và vừa thường xuyên phải đấu tranh để sinh tồn. Đặc biệt là trường hợp này bởi vì, bỏ qua mọi dữ liệu được thu thập trên cánh đồng, Qaim nhấn mạnh vào khẳng định rằng “ngay cả khi chi phí cho hạt giống cao, nông dân đã tăng thu nhập lên 5 lần với bông biến đổi gien.” Đồng nghiệp David Zilberman đã vô tình tiết lộ mục tiêu thực sự của nghiên cứu này trong bài phỏng vấn của tờ Washington Post vào tháng 5 năm 2003: “Thật là xấu hổ khi nỗi sợ hãi về GMO tiếp tục ngăn cản công nghệ quan trọng này đến với những người được hưởng lợi nhiều nhất từ nó.”19

Tờ Times of India thậm chí còn sáng tạo hơn. “Ai sẽ trả tiền cho thất bại của bông Bt?”, tờ báo hỏi, chỉ ra rằng một đạo luật được thông qua vào năm 2001, Luật Bảo Vệ Đa Dạng Thực Vật và Quyền của Nông Dân, yêu cầu nhà cung cấp hạt giống phải bồi thường cho những nông dân bị mất mùa do hạt giống mà họ bán để đảm bảo “sản lượng, chất lượng, kháng sâu bọ,” và vân vân.20

Đó chính là đạo luật mà bộ trưởng Nông Nghiệp của Andhra Pradesh định áp dụng. Khi không thể làm như vậy, ông ấy đã quyết định cấm ba loại bông Bt do Mahyco Monsanto cung cấp trong phạm vi bang vào tháng 5 năm 2005 (các giống bông này được được bán không lâu sau đó ở bang Maharashtra.)21 Vào tháng 1 năm 2006, xung đột với Monsanto đã tiến đến một mức mới: Bộ trưởng Nông Nghiệp Raghuveera Reddy đưa đơn kiện Mahyco Monsanto tại Ủy Ban Hạn Chế Thương Mại và Độc Quyền (MRTPC), cơ quan Ấn Độ chịu trách nhiệm về quản lý thương mại và luật chống liên kết, phản đối giá cắt cổ của hạt giống biến đổi gien cũng như sự độc quyền của Monsanto ở tiểu lục địa Ấn Độ. Vào ngày 11 tháng 5 năm 2006, MRTPC đã đáp ứng đòi hỏi của bộ trưởng và yêu cầu giá một gói hạt giống 450 g phải được giảm xuống bằng giá mà Monsanto bán ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, tối đa là 750 rupee (thay vì 1.850 rupee). Năm ngày sau đó, công ty phản đối quyết định đó tại Tòa Án Tối Cao, nhưng sự kháng cáo bị phủ quyết với lý do quyết định đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của bang.22 Đó là tình hình khi tôi tới Andhra Pradesh vào tháng 12 năm 2006. Mahyco Monsanto cuối cùng cũng phải giảm giá hạt giống theo yêu cầu của chính quyền bang, nhưng xung đột vẫn chưa kết thúc, bởi vì vấn đề bồi thường tài chính gai góc vẫn tồn tại. “Vào tháng 1 năm 2006,” Kiran Sakkharin nói với tôi, “bộ Nông Nghiệp đe dọa sẽ thu hồi giấy phép thương mại hóa của công ty nếu họ không chịu bồi thường cho nông dân ba vụ thu hoạch mới đây.”

“Nhưng tôi nghĩ là Andhra Pradesh đã cấm ba loại bông Bt vào năm 2005.”

“Đúng vậy. Nhưng Mahyco Monsanto đã ngay lập tức thay thế chúng với các loại biến đổi gien mới. Chính quyền không thể ngăn chặn chúng, họ đã từng yêu cầu New Delhi cấm hoàn toàn GMO. Kết quả chỉ là tại họa như chúng ta đã thấy trong nghiên cứu thứ hai.23 Vụ thu hoạch năm nay còn tệ hơn bởi vì như anh thấy, trên các cánh đồng bông Bollgard, bệnh rhizoctonia khiến cây bông bị thối ở phần giữa rễ và thân. Cây bông khô đi và chết. “Nông dân nói họ chưa bao giờ thấy chuyện này,” Addul Qayum nói. “Trong nghiên cứu đầu tiên, chúng tôi thấy bệnh chỉ xuất hiện ở một số ít cây bông Bt. Nhưng nó lan nhanh và giờ tôi có thể quan sát thấy ở nhiều cánh đồng bông Bt đã bắt đầu làm nhiễm bệnh sang các cánh đồng bông không biến đổi gien. Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là sự tác động qua lại giữa cây chủ và gien được cấy vào. Nó khiến cây bông suy yếu và không kháng được bệnh rhizoctonia.”

“Nói chung,” Sakkhari nói tiếp, “bông Bt không đề kháng được các điều kiện khắc nghiệt như khô hạn hay mưa nhiều.”

“Nhưng,” tôi nói, “theo Monsanto, doanh số của hạt giống biến đổi gien tăng đều đặn ở Ấn Độ.”24

“Đó là khẳng định của công ty và nói chung là đúng, ngay cả khi số liệu mà họ trình bày khó có thể xác thực. Nhưng tình hình nhìn chung có thể giải thích bằng sự độc quyền mà họ có thể tạo ra ở Ấn Độ, rất khó có thể tìm thấy các hạt giống không biến đổi gien. Điều này rất đang lo ngại bởi vì, như chúng tôi đã phát hiện trong nghiên cứu thứ hai, những hứa hẹn về việc bông Bt sẽ làm giảm mức độ sử dụng thuốc trừ sâu đã thất bại; nếu không nói là ngược lại.”

Sâu bọ kháng cây bông Bt: Một quả bom hẹn giờ

Các nhà nông học cho tôi xem kết quả của nghiên cứu thứ hai, bao quát vụ mùa 2005-2006. Trong khi ở vụ mùa 2002-2003, năm sau khi triển khai hạt giống Bt, việc sử dụng thuốc trừ sâu thấp hơn ở cây bông biến đổi gen thấp hơn một chút so với cây bông truyền thống, ba năm sau “lời hứa vĩ đại” đã hoàn toàn bị chôn vùi: chi tiêu cho thuốc trừ sâu trung bình đối với cây bông truyền thống là 1.311 rupee cho 0,4 ha và 1.351 rupee đối với cây bông Bt. “Kết quả không khiến chúng tôi ngạc nhiên, nó chỉ có thể tệ hơn,” Qayum giải thích, “bởi vì bất cứ nhà nông học hay côn trùng học nghiêm túc nào cũng biết rõ rằng côn trùng phát triển sự đề kháng đối với các sản phẩm hóa học dùng để chống lại chúng. Việc cây bông Bt thường xuyên tạo ra chất độc kháng côn trùng là một quả bom hẹn giờ mà chúng tôi sẽ phải trả giá vào một ngày nào đó, cái giá có thể rất cao, cả từ quan điểm kinh tế lẫn sinh thái.”

Quan điểm côn trùng gây hại cho bông (hoặc ngũ cốc) sẽ biến đổi bằng cách phát triển sức đề kháng với chất độc của cây bông Bt đã được xới lên trước cả khi Monsanton đưa GMO của họ ra thị trường. Vào giữa những năm 1990, chiến lược mà công ty áp dụng, theo thỏa thuận với EPA, thuyết phục các nông dân trồng bông Bt bằng hợp đồng duy trì các thửa ruộng bông không Bt, được gọi là “nơi trú ẩn,” nơi các côn trùng bình thường được sinh sôi để lai chéo với các anh em họ đã kháng lại Bacilus thuringiensis, gây ra sự pha loãng gen. Khi côn trùng thường xuyên đối mặt với một hàm lượng thuốc độc chết chóc theo lý thuyết, chúng đều bị loại bỏ, ngoại trừ một số nhóm nhỏ được sự hỗ trợ của các gien kháng chất độc. Các côn trùng sống sót sẽ kết hợp với đồng loại, có thể chuyển các gien đó cho thế hệ kế tiếp, tiếp tục trong vài thế hệ. Đây là sự “đồng tiến hóa,” suốt chiều dài lịch sử của sự sống, đã cho phép các giống loài bên bờ vực tuyệt chủng thích nghi để sống sót sau các dịch bệnh chết chóc. Để giữ cho hiện tượng này không phát triển ở các côn trùng gây hại cho bông Bt, các học trò của phù thủy cho rằng họ chỉ cần duy trì một số lượng côn trùng khỏe mạnh ở các thửa ruộng bông không biến đổi gien – nơi trú ẩn – để chúng có thể kết hợp với anh em họ kháng Bt, qua đó ngăn chặn các côn trùng kháng Bt sinh sôi.

Khi điều đó được thực hiện thì vấn đề chỉ là quyết định quy mô của nơi trú ẩn để kế hoạch thành công. Chủ đề này dẫn đến các thương lượng gay go giữa Monsanto và các nhà khoa học, với sự ghi nhận kết quả của EPA. Đầu tiên, một số nhà côn trùng học lập luận rằng khu vực bề mặt của nơi trú ẩn ít nhất cũng phải tương đương với khu vực biến đổi gen. Dĩ nhiên là Monsanton phản đối, cho rằng bề mặt khu vực trú ẩn chỉ nên chiếm 3% diện tích trồng GMO. Vào năm 1997, một nhóm nghiên cứu đại học làm việc ở vành đai ngũ cốc trung tây đã can đảm tham gia vào trận chiến với khuyến nghị rằng nơi trú ẩn nên chiếm 20% diện tích các thửa trồng biến đổi gen , thứ hai là các thửa đó nên được phun loại thuốc sâu khác với thuốc sâu dùng ở các thửa trồng bông Bt.

Điều này là quá nhiều đối với Monsanto, như Daniel Charles tường thuật trong Lords of the Harvest. ““Monsanto xem xét khuyến nghị và nói, “chúng ta không thể sống được với điều này,”” Scott McFarland nói, ông là một luật sư trẻ đang làm việc cho tổ chức Pioneer.” Công ty liên hệ với “Hiệp Hội Canh Tác Ngũ Cốc Quốc Gia (NCGA), cũng có trụ sở ở St. Louis. Đại diện của Monsanto thuyết phục lãnh đạo của NCGA rằng khu vực trú ẩn lớn sẽ ảnh hưởng đến việc tự do canh tác bông Bt của nông dân.”25 Điều này diễn ra cho đến tháng 9 năm 1998, khi các bên gặp nhau ở thành phố Kansas để thỏa hiệp. Khi các cuộc thảo luận được quy thành tranh luận về tỷ lệ tùy ý, một nhà kinh tế nông nghiệp của đại học Minnesota đã khẳng định rằng theo các nghiên cứu của ông thì khu vực trú ẩn chiếm 10% diện tích canh tác biến đổi gien, sau đó sâu ngũ cốc bore – côn trùng gây hại mục tiêu của ngũ cốc Bt – sẽ có 50% cơ hội phát triển sức đề kháng trong ngắn hạn và khiến nông dân khá tốn kém. Do trực tiếp bị ảnh hưởng đến túi tiền nên nông dân đã đứng về phía các nhà côn trùng học.

Đó là lý do trên khắp thế giới, các hướng dẫn trồng Bt đều yêu cầu rằng khu vực trú ẩn phải tương đương tối thiểu là 20% diện tích canh tác GMO. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng con số đó cũng chắp và và tùy hứng, bởi vì không có nghiên cứu nghiêm túc nào được thực hiện để xác nhận rằng tỷ lệ đó – được thảo ra ở một góc của Missouri – có giá trị khoa học. Khi Michael Pollan hỏi các đại diện của Monsanto về chủ đề này cho tờ New York Time vào năm 1998, họ trả lời: “Nếu mọi thứ đều tốt, sự đề kháng có thể bị trì hoãn trong hơn 30 năm,” chỉ có thể gọi là chính sách ngắn hạn.26 Khi Pollan tiếp tục với Jerry Hjelle, phó chủ tịch quan hệ đối ngoại của Monsanto, cố gắng tìm hiểu điều gì xảy ra sau thời kỳ đó, “câu trả lời [còn] đáng ngại hơn … “Có một ngàn loại Bt khác … Chúng tôi có thể xử lý vấn đề với những sản phẩm mới … Những người chỉ trích không biết chúng tôi có những gì … Hãy tin ở chúng tôi.””

Trong thời gian đó, mười năm sau khi bắt đầu canh tác Bt, có thể phác thảo một đánh giá ban đầu về bộ máy quan liêu. Đầu tiên, bản tin của AP đã cho thấy vào tháng 1 năm 2001, theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000, “30% số nhà cung cấp ngũ cốc Bt [Mỹ] không tuân thủ theo các khuyến nghị về quản lý sự đề kháng,” bởi vì họ cho rằng chúng quá nghiêm khắc.27 Phải nói thật là tôi hiểu họ. Nhưng dĩ nhiên là họ nên ngừng ủng hộ hệ thống nực cười này, thứ sớm hay muộn cũng sẽ sụp đổ như ngôi nhà bằng quân bài, theo như nghiên cứu vào năm 2006 của các chuyên gia nghiên cứu đại học Cornell hợp tác với Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc cho thấy.28 Họ đã chỉ ra rằng “lợi nhuận đáng kể mà họ thu được trong nhiều năm nhờ tiết kiệm thuốc trừ sâu đã bị ngốn sạch.” Theo các tác giả này, trong 3 năm đầu sau khi gieo trồng Bt, nông dân “đã giảm thuốc trừ sâu đi hơn 70% và kiếm được nhiều hơn 36% so với các nông dân gieo trồng bông truyền thống,” vào năm 2004 “họ đã phun thuốc sâu nhiều như các nông dân truyền thống, khiến cho thu nhập ròng thấp hơn 8% so với các nông dân truyền thống, do hạt giống Bt đắt gấp ba lần hạt giống truyền thống.” Cuối cùng, sau 7 năm, “côn trùng đã tăng lên nhiều đến mức nông dân phải phun thuốc tới 20 lần trong một vụ.” Kết luận của các nhà nghiên cứu, bất chấp sự ủng hộ của họ đối với GMO, rất tai hại:

“Kết quả này cảnh báo các nhà nghiên cứu và chính phủ rằng họ cần phải có các hành động cứu trọ nông dân trồng bông Bt. Nếu không, các nông dân này sẽ ngừng sử dụng bông Bt và điều đó sẽ rất bất hạnh.”

Khẳng định này khiến Abdul Qayum và Kiran Sakkhari mỉm cười. “Ở Ấn Độ, nơi có đa số nông dân canh tác từ 0,8 đến 2 ha, chiến lược trú ẩn thật là nực cười. Nó cho thấy rằng GMO, phiên bản mới nhất của cách mạng xanh, được phát minh ra cho các nông dân lớn ở bán cầu Bắc.”

Chú thích:

*Khoảng 1.200 dollar (1 dollar tương đương với 50 rupee). Không có mức lương tối thiểu ở Ấn Độ nhưng đa phần công nhân kiếm được ít hơn 6.000 rupee một tháng vào năm 2006.

**Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2007, VJAS ghi nhận có 1.168 vụ tự tử.

***Trợ cấp cho nông dân Hoa Kỳ là 18 tỷ dollar vào năm 2006. Xem Somini Sengupta, “Về nông nghiệp Ấn Độ, một nạn dịch tự tử,” New York Times, 19 tháng 12 năm 2006. Ba ngày sau khi chúng tôi quay phim, một vụ bạo loạn nổ ra ở chợ và cảnh sát đã bắt giam một số người, trong đó có Kishor Tiwari.

****Bạn đọc sẽ nhớ tới tên của những nhà khoa học giả mạo đã tiến hành chiến dịch bôi nhọ Ignacio Chapela về ngũ cốc Mexico; một người trong số họ có tên là “Andura Smetacek,” Jonathan Matthews, nhà nghiên cứu người Anh đã khám phá ra sự thật, đã bình luận về những cái tên bất thường này. Dĩ nhiên là những kẻ chủ mưu ở St. Louis đã đơn giản là lấy chúng từ các nhân viên Ấn Độ.


1. Somini Sengupta, “On India’s Farms, a Plague of Suicide,” New York Times, September 19, 2006.
2. Amelia Gentleman, “Despair Takes Toll on Indian Farmers,” International Herald Tribune, May 31, 2006.

3. Jaideep Hardikar, “One Suicide Every 8 Hours,” DNA India. In this article, the Mumbai newspaper specifies that, according to government sources, 2.8 million cotton farmers in the state (out of a total of 3.2 million) are in debt.

4. This was patent no. 0436257 B1 (see my film Les Pirates du vivant).

5. Gargi Parsai, “Transgenics: US Team Meets CJI,” The Hindu, January 5, 2001.

6. “Food, Feed Safety Promote Dialogue with European Delegation,” Monsanto news release, July 3, 2002.

7. www.sec.gov/litigation/litreleases/lr19023.htm. See also Peter Fritsch and 354 notes to pages 253–297
Timothy Mapes, “Seed Money: In Indonesia, Tangle of Bribes Creates Trouble for Monsanto,” Wall Street Journal, April 5, 2005; Agence France-Presse, January 7, 2005.

8. Quoted by Fritsch and Mapes, “Seed Money”; Agence France-Presse, January 7, 2005.

9. Rama Lakshmi, “India Harvests First Biotech Cotton Crop; Controversy Surrounds Policy Change,” Washington Post, May 4, 2003.

10. Ibid.

11. Ibid.

12. Abdul Qayum and Kiran Sakkhari, “Did Bt Cotton Save Farmers in Warangal? A Season Long Impact Study of Bt Cotton—Kharif 2002 in Warangal District of Andhra Pradesh,” AP Coalition in Defense of Diversity and Deccan Development Society, Hyderabad, June 2003, www.ddsindia.com/www/pdf/English%20Report.pdf.

13. “Performance Report of Bt Cotton in Andhra Pradesh: Report of State Department of Agriculture,” 2003, www.grain.org/research_files/AP_state.pdf.

14. Matin Qaim and David Zilberman, “Yield Effects of Genetically Modified Crops in Developing Countries,” Science 299 (February 7, 2003): 900–2.

15. Times of India, March 15, 2003.

16. The State of Food and Agriculture 2003–2004; Agricultural Technology Meeting the Needs of the Poor? FAO, Rome, 2004, www.fao.org/docrep/006/Y5160E/Y5160E00.HTM.


18. “Le Coton génétiquement modifié augmente sensiblement les rendements,” Agence France-Presse, February 6, 2003.

19. Washington Post, May 4, 2003.

20. Times of India, March 15, 2003.

21. Hindu Business Line, January 23, 2006. These were Mech-12 Bt, Mech-162 Bt, and Mech-184 Bt.

22. “Court Rejects Monsanto Plea for Bt Cotton Seed Price Hike,” The Hindu, June 6, 2006.

23. Abdul Qayum and Kiran Sakkhari, “False Hope, Festering Failures: Bt Cotton in Andhra Pradesh 2005–2006. Fourth Successive Year of the Study Reconfirms the Failure of Bt Cotton,” AP Coalition in Defense of Diversity and Deccan Development Society, November 2006, www.grain.org/research_files/APCIDD%20report-bt%20cotton%20in%20AP-2005-06.pdf.

24. “Monsanto Boosts GM Cotton Seed Sales to India Five-Fold,” Dow Jones Newswires, September 7, 2004. According to this article, the company sold 1.3 million packets of Bt seeds in 2004, compared to 230,000 in 2003.

25. Daniel Charles, Lords of the Harvest: Biotech, Big Money, and the Future of Food (Cambridge, MA: Perseus, 2002), 182. notes to pages 297–304 355

26. Michael Pollan, “Playing God in the Garden,” New York Times Magazine, October 25, 1998.

27. “Farmers Violating Biotech Corn Rules,” Associated Press, January 31, 2001.

28. Susan Lang, “Seven-Year Glitch: Cornell Warns that Chinese GM Cotton Farmers Are Losing Money Due to ‘Secondary’ Pests,” Cornell Chronicle Online, July 25, 2006, www.news.cornell.edu/stories/July06/Bt.cotton.China.ssl.html.