Showing posts with label Iran. Show all posts
Showing posts with label Iran. Show all posts

Tuesday, September 23, 2014

Những vụ bắn hạ máy bay trong hệ thống tuyên truyền

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Plane Shootdowns in the Propaganda System" của giáo sư người Mỹ chuyên nghiên cứu về kinh tế và chính trị quốc tế Edward S. Herman, để có một cái nhìn so sánh về cách thức truyền thông chính thống đưa tin các vụ bắn hạ máy bay dân sự.

Cách thức truyền thông Hoa Kỳ đổ lỗi vụ bắn hạ máy bay dân sự số hiệu 17 của hãng hàng không Malaysia cho “những người ly khai” miền đông Ukraina và đặc biệt là Putin và Nga, tuân thủ theo một kịch bản đã có từ lâu về việc chấp nhận nhanh chóng và đầy phẫn nộ các cáo buộc chính thống phục vụ cho chính trị, bất chấp các kỷ lục lừa dối đã có về vấn đề này. Nếu chúng ta tập trung vào hành xử của truyền thông trong các trường hợp Hoa Kỳ hay Israel bắn hạ máy bay dân sự, sự tương phản và tiêu chuẩn kép sẽ đầy bi kịch và thậm chí là lố bịch.

Khi Họ làm điều đó

KAL-007. Trường hợp yêu thích của tôi là vụ Soviet bắn hạ máy bay KAL-007 của hãng hàng không Hàn Quốc vào ngày 31 tháng 8 năm 1983. Đó là thời kỳ mà chính quyền Reagan đang trong thời kỳ chạy đua vũ trang và liên minh tấn công “đế chế ma quỷ”. Như âm mưu ám sát Giáo hoàng vào năm 1981, sự kiện đó đã được chào đón như một cơ hội tuyên truyền tuyệt vời, chính quyền lên án Liên Bang Soviet nhanh chóng và đầy phẫn nộ. Chiếc máy bay đã rời quá xa đường bay và bay trên bầu trời Soviet cũng như phía trên căn cứ hải quân của Soviet, nó cũng không phản hồi lại điện đàm của máy bay chiến đấu Soviet. Một trường hợp tốt nhất có thể tạo ra là chiếc máy bay thực hiện nhiệm vụ quân sự đồng thời chuyên chở hành khách dân sự (P.Q. Mann, “Reassessing the Sakhalin Incident,” Defense Attache, June 1994; David Pearson, “K.A.L. 007,” the Nation, August 25, 1984). Cáo buộc của chính quyền Reagan là Soviet đã cố ý bắn hạ máy bay dân sự – được biên tập cho truyền thông để phục vụ cho lời tuyên truyền dối trá – mặc dù các trao đổi thông điệp điện đàm đã cho thấy là Soviet không xác định được chiếc máy bay đó là dân sự. 

Truyền thông tham gia chiến dịch tuyên truyền này rất hăng hái, lên án Soviet là “man rợ” và can dự vào vụ “sát hại máu lạnh”. Tờ New York Times đã đăng 147 tin tức về vụ bắn hạ chỉ riêng trong tháng 9 năm 1983, tổng số cột báo dài tới gần 71 m, và trong 10 ngày liên tục họ xuất bản các bản đặc biệt của tạp chí về sự kiện này. “Hành động dã man” của Liên Bang Soviet theo như James Reston mô tả là “tự gánh lấy sự căm hờn của thế giới văn minh” (NYT, September 4, 1983). Bài xã luận của tờ Times vào ngày 2 tháng 9 đề cập rằng “Không thể có lời xin lỗi chính đáng đối với bất kỳ quốc gia nào bắn hạ máy bay dân sự vô hại”.

Chiến dịch tuyên truyền là một thành công lớn của Hoa Kỳ, khi Liên Bang Soviet bị tổn hại danh tiếng và phải chịu sự tẩy chay tạm thời ở khắp các sân bay trên thế giới. Như phóng viên Bernard Gwertzman ghi nhận một năm sau thảm kịch, các quan chức Hoa Kỳ “xác nhận sự chỉ trích toàn cầu đối với hành xử của Soviet trong cuộc khủng hoảng đã gia tăng sức mạnh cho Hoa Kỳ trong các tác động với Moscow” (NYT, August 31, 1984). Khi các bằng chứng cho thấy KAL-007 thực hiện nhiệm vụ do thám, và khi chính quyền Reagan lặng lẽ thừa nhận rằng phi công Soviet không biết đó là máy bay dân sự, bằng chứng mới đó đã bị tảng lờ, hoàn toàn không được chú ý tới hay bị coi như chưa được chứng minh hoặc tuyên truyền của Soviet. Nó hoàn toàn không gây trở ngại cho chiến thắng của truyền thông. Gwertzman không cần phải dè dặt khi tuyên bố về một chiến thắng mãn nguyện của chiến dịch truyền thông chính thống trước sự dã man.

Vào ngày 18 tháng 1 năm 1988, tờ New York Times xuất bản bài xã luận có tiêu đề “Lời nói dối rằng đó không phải là bắn hạ”. Trong đó các biên tập viên thừa nhận rằng chính quyền Reagan đã biết trong vòng vài giờ sau vụ bắn hạ là Soviet không coi máy bay 007 là máy bay dân sự và chính quyền đã “đánh lừa người dân Mỹ cũng như thế giới”. Nhưng bản thân tờ báo cũng là một phần của chương trình nói dối, khi nó nhảy bổ vào các lên án phẫn nộ và đưa tin ồ ạt mà không có chút hoài nghi hay bất cứ nỗ lực điều tra nào. Cần biết rằng năm năm sau đó tờ báo đã thừa nhận rằng họ là một thành viên có lỗi của truyên truyền và đã không thực hiện bất cứ điều tra nào để đưa ra kết luận. Sau năm năm, tờ báo đã bỏ qua hay lảng tránh đưa thông tin về các nỗ lực điều tra nhằm tìm kiếm sự thật về vụ việc, các biên tập viên ưu tiên bỏ qua việc lời nói dối mà họ đã hung hăng và cấp tốc gieo rắc khắp nơi được làm rõ bởi những người khác.

Pan Am-103. Tờ Times và các đồng sự chính thống của họ làm báo rất tệ nhưng tuyên truyền rất tốt trong vụ đánh bom và rơi máy bay Pan Am-103 vào tháng 12 năm 1988 tại Lockerbie, Scotland , khiến 270 người thiệt mạng. Ngay lập tức Iran bị nghi ngờ là đứng sau vụ đánh bom, và vụ việc nhanh chóng trở thành lời cáo buộc Tổng Chỉ Huy Mặt Trận Nhân Dân Giải Phóng Palestine (PFLP-GC) hành động theo lệnh của Iran. Vụ việc được tin rằng là để trả đũa việc Hoa Kỳ bắn hạ máy bay số 655 của hãng hàng không Iran, một máy bay dân sự với 299 người thiệt mạng, vào tháng 7 năm 1988, chỉ 5 tháng rưỡi trước vụ Lockerbie. Việc PFLP-GC có liên hệ với Iran được truyền thông chấp nhận và phát tán đúng lúc. Nhưng chỉ một năm sau, sự thay đổi của địa chính trị do Hoa Kỳ và Anh quốc muốn xoa dịu Syria, nơi trú ẩn của PFLP, và Iran, có ảnh hưởng ở Lebanon, để giúp họ đối đầu với Iraq và giải cứu con tin ở Lebanon. Chỉ trong thời gian ngắn, cáo buộc đối với PFLP (và gián tiếp là Iran) bị đặt sang một bên, những gã quê mùa của Muammar Qaddafi và Lybia bị coi là kẻ đánh bom.

Sự lạc quan chính trị trong vụ này đã thất bại trong việc báo động truyền thông chính thống, họ đưa tin theo mục tiêu mới mặc dù họ vẫn giữ mục tiêu cũ (khi mà mọi thứ đã được chuẩn bị tốt hơn). Lybia bị cưỡng bách phải bắt giữ hai công dân của họ, những người bị cáo buộc là thực hiện vụ tấn công và khi họ từ chối thực hiện thì “cộng đồng quốc tế” áp đặt các trừng phạt đắt giá đối với Lybia, cho tới khi họ đầu hàng và đồng ý chịu xét xử theo luật Scotland bởi quan tòa Scotland tại Camp Zeist ở Hà Lan. Các quan tòa đã phán quyết một trong số hai người Libya có tội mặc dù họ thừa nhận rằng mọi bằng chứng là “suy diễn”.

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy sự can thiệp ngay từ ban đầu khi CIA và FBI có mặt tại hiện trường vụ Lockerbie chỉ hai giờ sau khi máy bay rơi và dường như được nhà cầm quyền Scotland trao quyền (for a good account, see John Ashton and Ian Ferguson, Cover-Up of Convenience: The Hidden Scandal of Lockerbie). Quyết định là một cú sốc đối với các chuyên gia như giáo sư luật Scotland Robert Black và nhà quan sát Hoa Kỳ Hans Kochler, cả hai người cảm thấy “không thể hiểu nổi” và là “thất bại mất mặt nhất trong lịch sử tư pháp Scotland hàng trăm năm nay” (Black, in Scotsman, November 1, 2005). Lời kêu gọi và quyết định vào tháng 6 năm 2007 của Ủy Ban Thẩm Tra Các Vụ Án Hình Sự Scotland giải thích sáu cơ sở riêng biệt của quyết định năm 2001 có thể là sai lầm. Nhưng trước khi phiên tòa mới được mở, tù nhân Ali Al-Megrahi đã được thả vì lý do sức khỏe và trở về Lybia. 

Truyền thông chính thống thất bại trong việc ghi nhận sự kỳ quặc về việc chỉ một trong số những người cáo buộc bị buộc tội, khi mà các quan tòa Scotland, dưới sức ép chính trị nặng nề và định kiến của truyền thông, đã quyết định rằng họ phải quăng ít nhất một khúc xương cho những con chó như là biện pháp chính trị cần thiết. Truyền thông, trong khi thừa nhận với các quan tòa về sự suy diễn của vụ án, đã không kêu gọi sự chú ý đối với hàng loạt các vi phạm đáng chú ý trong quản lý bằng chứng và thủ tục tố tụng, điều mà Black, Kochler và dường như là Ủy Ban Thẩm Tra của Scotland. Trong số 15 bài xã luận của tờ Times về vụ hạ máy bay Pan Am 103 và liên hệ với Libya, không có bất cứ bài nào biểu lộ sự e dè dù là nhỏ nhất về quy trình hay sự xác thực của cáo buộc chống lại những người Lybia. Truyền thông tỏ ra phẫn nộ với việc phóng thích về lý do sức khỏe của Al-Megrahi, nhưng khi họ lảng tránh các quyết định và phân tích căn bản của Hội Đồng Thẩm Tra, thì họ cũng bỏ qua khả năng trong đó công bố là biện pháp tốt nhất để tránh các hệ quả của đánh giá đó. Hai người Libya bị xét xử - đặc biệt là Al-Megrahi, và Libya trong suốt nhiều năm bị trừng phạt và Kaddafi cũng như Lybia bị tô vẽ như kẻ khủng bố - đã nhận những đòn nặng nề. Đồng thời Phương Tây tô điểm cho hình ảnh của họ là chiến sĩ đấu tranh cho công lý, luật pháp và trật tự toàn cầu, trái với sự thật trong vụ việc này, các lãnh đạo của họ đã lạm dụng nghiêm trọng các nguyên tắc danh nghĩa về tư pháp dựa trên cơ sở mà họ đưa ra một cách giả định cho vụ việc.

Khi Chúng Ta làm điều đó 

Iran Air Flight 655. Chiếc máy bay dân sự của hãng hàng không Iran bị bắn hạ vào tháng 7 năm 1988 theo lệnh của chỉ huy tàu chiến USS Vincennes, khi thi hành nhiệm vụ tại Vịnh Ba Tư trong chiến dịch hỗ trợ cuộc chiến xâm lược Iran của Saddam Hussein. Không giống như chiếc máy bay 007, chiếc 655 không rời khỏi đường bay và cũng không tạo ra mối đe dọa đối với binh lính Hoa Kỳ. Tờ New York Times, đã có một xã luận mang tiêu đề “Sát hại” liên hệ với vụ hạ máy bay 007 và nhắc lại năm 1983 rằng, “Không thể có lời xin lỗi chính đáng đối với bất kỳ quốc gia nào bắn hạ máy bay dân sự vô hại,” dường như là một dự đoán cho trường hợp chiếc 655: “sự cố vẫn không được coi như là một tội ác [chỉ riêng “sát hại”] mà chỉ là một sai lầm và là một bi kịch.” Cả Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ lẫn Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng đều không lên án Hoa Kỳ về hành động đó, mặc dù cả hai đã làm điều đó với Soviet trong vụ KAL-007. Tất nhiên, Hội Đồng An Ninh đã tiến hành một hoạt động trả đũa Lybia trong vụ Pan Am 103. Không có bất cứ trừng phạt nào đối với thuyền trưởng Will Rogers (được biết tới với biệt danh Rambo), người được “chào đón như người hùng” khi trở về San Diego năm tháng sau vụ bắn hạ (Robert Reinhold, “Crew of Cruiser That Downed Iranian Airliner Gets a Warm Homecoming,” NYT, October 25, 1988), và tiếp đó được trao tặng phần thưởng Legion of Merit cho “hành xử phi thường xứng đáng được khen ngợi trong khi thi hành nhiệm vụ nổi bật.”

Người Iran đã giận dự với sự đón tiếp và cách đối xử với người đàn ông phải chịu trách nhiệm về sinh mạng của 290 thường dân Iran và cảm thấy phẫn uất về hoạt động của hệ thống tư pháp quốc tế cũng như tác động của nó đối với họ. Các khảo sát cho thấy sự đón tiếp nồng nhiệt Rogers nhận được ở San Diego là một sự lầm lạc – công chúng hài lòng với những gì ông ta đã hoàn thành. 

Điều này phản ánh sự thật là truyền thông đưa tin về vụ bắn hạ 655 đã tập trung vào các cáo buộc chính thống về nguyên nhân của hành động chết chóc, chứ không phải hoàn cảnh của các nạn nhân và nỗi đau khổ của gia đình họ - những thứ được tập trung mạnh mẽ và liên tục trong cả vụ chiếc 007 lẫn Pan Am 103. Sự đau khổ của thuyền trưởng Rogers nhận được nhiều sự chú ý hơn sự đau khổ của 290 nạn nhân và gia đình của họ. Chúng ta quay trở lại sự tương phản giữa nạn nhân “đáng giá” và “không đáng giá” và “mục đích hữu ích” của sự tập trung chú ý, như chính quyền và truyền thông Hoa Kỳ thấy.

Israel bắn hạ máy bay Libya 

Vào ngày 21 tháng 2 năm 1973, chiếc máy bay dân sự số 114 của hãng hàng không Libya, đi lệch đường bay trong một trận bão cát, lấn vào vùng trời bán đảo Sinai, và đã bị chiến đấu cơ Israel bắn hạ, 108 người thiệt mạng. Israel bị Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế lên án và bị Hoa Kỳ chỉ trích, mặc dù là họ biết rằng đã bắn hạ máy bay dân sự, nhưng không có bất cứ sự trừng phạt nào, không có tố cáo nào đối với Israel. Họ không bị buộc tội sát nhân, tấn công, tàn ác hay man rợ - những từ ngữ được áp dụng cho Soviet năm 1983. Lãnh đạo Israel Golda Meier được chào đón tới Washington trong vòng một tuần sau sự cố mà không có bất cứ câu hỏi gây ngạc nhiên nào của truyền thông hay chính giới. 

Tờ New York Times đã có 25 bài báo về vụ bắn hạ (so với 147 trong vụ chiếc 007), và không có số tạp chí đặc biệt nào cho vụ việc. Đáng chú ý nhất là các xã luận của họ về sự cố, khẳng định rằng “Không có mục đích hữu ích nào trong tranh luận về các chi tiết của cáo buộc đối với vụ hạ máy bay của hãng hàng không Libya tại bán đảo Sinai tuần qua” (Ngày 1 tháng 3 năm 1973).

Nhưng cũng như truyền tải cấp tốc và tranh luận cho mục đích hữu ích trong vụ chiếc 007, giúp biến “đế chế ma quỷ” thành ác quỷ, thì truyền tải tối thiểu và lảng tránh tranh luận phục vụ cho lợi ích của đồng minh Israel. Chúng ta thấy sự thừa nhận công khai về tiêu chuẩn kép và chính trị hóa báo chí.

Nga và đối tác Ukraina có thể đã bắn hạ máy bay 

Vụ bắn hạ máy bay số 17 của hãng hàng không Malaysia vào ngày 17 tháng 7 là một của trời cho về tuyên truyền đối với phe cánh hiếu chiến Hoa Kỳ và đối tác Ukraina của họ, cũng như tiếp tục nuôi dưỡng việc biến Putin và nước Nga hung hăng thành ác quỷ, có thể biện minh cho các chính sách khắc nghiệt đối với Nga, tăng thêm viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev và ủng hộ cuộc chiến bình định của họ. Sự tương đồng với vụ 007 là rất rõ ràng, khi việc sử dụng vụ bắn hạ năm 2014 để giành lợi thế cho phe hiếu chiến tương tự như chính quyền Reagan đối đầu với “đế chế ma quỷ” vào năm 1983.

Sự khác biệt quan trọng trong hai trường hợp là vào năm 1983 xác định phe bắn hạ máy bay là rõ ràng, mặc dù chính quyền Reagan lựa chọn sự dối trá về động cơ của Soviet để đạt được mục đích, trong khi vụ chiếc 17 thì ai bắn hạ vẫn chưa được xác định tại thời điểm này (ngày 2 tháng 8). Obama và Kerry nhanh chóng cáo buộc “những người ly khai” miền đông Ukraina, cùng với Nga, đã cung cấp cho họ tên lửa. Nga cũng bị cáo buộc là đã không ngăn chặn những người ly khai và che chở cho cuộc kháng chiến.

Obama và Kerry nhanh chóng khẳng định rằng những người ly khai-người Nga có lỗi trong vụ bắn hạ, khẳng định về các bằng chứng vững chắc, mà họ không cung cấp để kiểm tra công khai. Nga đã phủ nhận trách nhiệm của họ và người ly khai, đồng thời cung cấp bằng chứng cho Liên Hiệp Quốc và công chúng thấy rằng chiếc 17 đã rời khỏi đường bay và bị hai chiến đấu cơ phản lực của Không Quân Ukraina bám đuổi, thậm chí chỉ cách chiếc máy bay của Malaysia khoảng từ 3 đến 5 km (see letter dated July 22 from the Permanent Representative of the Russian Federation to the United Nations addressed to the Secretary-General. One can actually watch this on a 29-minute video at the RT website). Trung tướng Nga A. V. Kartapolov hỏi: “Tại sao máy bay quân sự lại bay vào đường bay dân sự hầu như cùng lúc và cùng trạng thái với máy bay dân sự? Chúng tôi muốn câu hỏi này được trả lời.” Nga đã liên tục kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế để tìm ra chân tướng vụ việc, đồng thời thúc giục Hoa Kỳ cung cấp các bằng chứng cho việc điều tra.

Điều chưa rõ ràng là ai đã bắn hạ máy bay, nhưng điều rõ ràng là người ly khai và Nga không có lợi ích gì khi làm điều đó, nên nếu họ có trách nhiệm thì đó sẽ là một sai lầm tệ hại và đắt giá về mặt chính trị đối với họ. Chính quyền Kiev, trái lại, có lợi ích khi làm điều đó nếu nó có thể gán cho người ly khai và Nga, và nó đã được gán ngay cả khi các bằng chứng chưa rõ ràng. Như vụ 007 và Lockerbie, sức mạnh tuyên truyền Hoa Kỳ có thể tạo ra dối trá về chuyến bay (007) và kẻ hung đồ có thể được chọn cũng như thay đổi để phục vụ cho lợi ích chính trị (Lockerbie, từ Iran sang Libya), cùng với các đòn tuyên truyền khổng lồ về vụ chiếc 17 thì mục tiêu đã đạt được trước khi sự thật được phơi bày. Chiến thắng tuyên truyền dựa trên hãng truyền thông, chiến dịch tuyên truyền của truyền thông trong vụ này cũng tương tự như vụ 007 và Lockerbie. Điểm chủ chốt của chiến dịch tuyên truyền là chấp nhận một cách phổ biến khẳng định của Obama-Kerry về trách nhiệm của người ly khai-Nga trong vụ bắn hạ. Cũng như vụ chiếc 007, không có câu hỏi nào được đưa ra và sự chân thực trong khẳng định của Kerry về bằng chứng được chấp nhận mà không cần phải thấy bằng chứng, bất chấp kỷ lục về các tuyên bố sai lệch của Kerry (On these false statements, and more, see Veteran Intelligence Professionals for Sanity Steering Committee, “Obama Should Release Ukraine Evidence,” ConsortiumNews.com, July 29, 2014.) Một đặc trưng khác của truyền thông là sự chấp nhận giả định của Obama/Kerry về trách nhiệm tối cao của tất cả những gì khó chịu đang diễn ra ở miền đông Ukraina thuộc về Putin và chính sách của ông ta – sự ủng hộ của ông ta đối với “những người ly khai” và thất bại của ông ta trong việc ngăn chặn họ cũng như chấp nhận hay thậm chí là ủng hộ nỗ lực bình định của Kiev.

Xã luận của tờ Times, “Vladimir Putin có thể ngăn chặn cuộc chiến này” (ngày 18 tháng 7) là mẫu mực về sự thiên lệch. Hoa Ky có thể ngăn chặn cuộc chiến dễ dàng hơn nhiều băng cách thuyết phục chính quyền tay sai Kiev ngừng cuộc tấn công của họ ở miền đông và đàm phán một giải pháp với “những người ly khai”. Điều đó không được bàn luận ở tờ Times và truyền thông chính thống một cách rộng rãi hơn.

Đối với truyền thông, Hoa Kỳ có quyền hỗ trợ tích cực chính quyền Kiev, ở rất xa biên giới Hoa Kỳ; nhưng Nga thì không có quyền hỗ trợ những người ly khai láng giềng trong một cuộc nội chiến kết hợp với chiến tranh tay sai của Hoa Kỳ nhắm chống lại Nga. Trong khi cáo buộc Nga đã giật dây các hoạt động ly khai ở miền đông (Sabrina Tavernise, “Orchestrated Conflict,” NYT, June 15, 2014) thì Hoa Kỳ không bao giờ “giật dây” các xung đột, chỉ là sự giúp đỡ từ bên ngoài đối với chính quyền Ukraina hợp pháp trong việc ổn định và chống trả xâm lược nước ngoài. Đó là những sự thật được thể chế hóa trong hệ thống tuyên truyền hoạt động đẹp đẽ, đôi khi là sống sượng.