Wednesday, January 15, 2014

Kinh tế học hay giáo lý?

Vào năm 2000, một nhóm sinh viên trường đại học thuộc hạng danh tiếng nhất ở Pháp đã phát động phong trào phản đối môn kinh tế học phi thực tế và lạm dụng toán học, đòi hỏi việc giảng dạy môn kinh tế phải đa nguyên nghĩa là tiếp cận tất cả học thuyết kinh tế. Phong trào của sinh viên Pháp chống lại môn khoa học tự kỷ (kinh tế học theo cách gọi của họ) nhanh chóng lan rộng và được cả các giáo sư giảng dạy môn kinh tế học ở châu Âu ủng hộ. 

Trước đó ba năm, Mark Blaug, một giáo sư kinh tế hàng đầu người Anh, đã mở đầu bài viết nổi tiếng của mình bằng tuyên bố kinh tế học đã trở thành một trò chơi trí tuệ vì lợi ích của bản thân nó chứ không nhằm giải thích thực tiễn, các nhà kinh tế đã biến mọi chủ đề kinh tế thành một dạng toán học xã hội, mà sự chặt chẽ về mặt toán học là tất cả còn phù hợp với thực tế không là gì cả (Mark Blaug 1997; 3).  

Hệ quả của điều đó là các nhà kinh tế học hiện nay hiểu về thị trường còn ít hơn Leon Walras hay Adam Smith, các nhà nghiên cứu kinh tế cách đây hàng trăm năm (Mark Blaug 1997; 4). Những sinh viên Pháp tham gia phong trào phản đối kinh tế học chính thống sau khi so sánh các cuốn sách giáo khoa về kinh tế học của ba học giả hàng đầu thế giới là P. Samuelson (1998), G. Mankiw (1998) và J. Stiglitz (1997) đã chỉ ra rằng các học giả này không hề giải thích được cơ chế thị trường hoạt động ra sao (Edward Fullbrook 2003;83-85). 

Mark Blaug cho rằng khó để thay đổi thực trạng nói trên bởi vì lý do là kinh tế học phương Tây bị thống trị bởi kinh tế học Mỹ, mà kinh tế học Mỹ lại bị thống trị bởi một cái vòng khép kín là các tiến sĩ mới hàng năm muốn kiếm việc làm có thu nhập cao tại các cơ sở giảng dạy của Mỹ thì phải viết các bài báo khoa học theo lối chính thống để được đăng tại các tờ báo khoa học (Mark Blaug 1997; 7).

Nguyên nhân của tình trạng ấy bắt đầu từ xa hơn nhiều, cần phải quay lại thời kỳ ra đỉnh cao của môn kinh tế chính trị học cổ điển. Khi ấy, các nhà kinh tế chính trị học cổ điển đã phát hiện ra lý thuyết giá trị lao động và sử dụng nó làm vũ khí chống lại các thế lực phong kiến. Marx đã phê phán học thuyết giá trị lao động và trên cơ sở đó tạo ra một thứ vũ khí mạnh mẽ giúp giai cấp công nhân chống lại chủ nghĩa tư bản. Để loại bỏ học thuyết kinh tế chính trị của Marx, các nhà kinh tế chính trị học đã từ bỏ môn kinh tế chính trị cổ điển và xây dựng môn kinh tế học, họ không nghiên cứu quá trình sản xuất nữa mà chỉ tập trung vào nghiên cứu quá trình trao đổi (Michael Perelman 1996; 14). Khoa kinh tế học đã loại bỏ một phần lớn hoạt động kinh tế của loài người ra khỏi phạm vi nghiên cứu thì các giả định của nó tất yếu cũng phải rất hạn hẹp. Do vậy, kinh tế học không có cách nào bao quát được hiện thực, không có cách nào tiếp cận được thực tiễn và ngày càng trở thành một thứ mang tính giáo lý hơn là khoa học.

Sinh viên ở Mỹ khi mới học kinh tế luôn bày tỏ sự phản kháng về tính phi thực tế, các mô hình quá đơn giản, kèm theo hàng tá các câu hỏi nghi vấn tới giáo sư. Song cùng với thời gian, những sinh viên nào tiếp tục phản kháng sẽ bị loại khỏi việc nghiên cứu kinh tế. Những người còn lại sẽ tập trung chủ yếu vào rèn luyện các kỹ năng toán học và thống kê để có thể diễn giải các vấn đề theo phương thức truyền thống. Khi tốt nghiệp họ phải thuyết phục một hội đồng gồm những thành viên bảo thủ mà việc chống lại là hoàn toàn không thể. Sinh viên học được rằng họ có thể làm bất cứ thứ gì miễn là đừng có đi chệch ra khỏi truyền thống. Hệ thống sẽ thưởng cho họ ngay cả khi họ trình bày những vấn đề giống nhau nhưng biết cách trang trí bằng các kỹ thuật toán học hay thống kê mới (Michael Perelman 1996; 20-21).

Nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế dựa trên sự bảo hộ và trợ cấp của chính quyền thành công nhất trong lịch sử kinh tế thế giới nhưng chính người Mỹ lại không ngừng ca ngợi và truyền bá lý thuyết kinh tế về thị trường tự do. Đó là tín điều hay khoa học?

Tài liệu tham khảo:

1.Edward Fullbrook "The crisis in economic/ The post-austistic economics movement:  The first 600 days", Routledge London 2003
2.Mark Blaug "The ugly currents in modern economics" September 1997
3.Michael Perelman "The end of economics", Routledge London 1996

No comments:

Post a Comment