Wednesday, November 21, 2012

Một cái nhìn thiển cận về đất đai, giáo dục và tự do

Viết cái này nhân đọc bài "Đất đai, giáo dục và tự do" của Phạm Hồng Sơn đăng trên Pro&Contra.
Năm 1215 tại Anh quốc một nhóm chủ đất đã hợp nhau lại bắt vua phải cam kết tôn trọng một số quyền tự do của họ, trong đó, đương nhiên, có quyền định đoạt, sở hữu về đất và các lợi tức từ đất. Cam kết đó có cái tên Latin rất nổi tiếng: Magna Carta (Đại Hiến chương 1215). Tinh thần tự do cho đất, độc lập với kẻ cầm quyền của Magna Carta, dù phải trải qua rất nhiều thử thách, đã được duy trì và bảo tồn cho tới tận ngày nay. Anh quốc hiện là một trong những nước tự do nhất và là một nền dân chủ mạnh và bền vững tới mức không cần có văn bản có tên là hiến pháp.
Hiến chương Magna Carta được ký giữa các lãnh chúa và vua Anh  với các điều khoản chủ yếu là chính trị chứ không phải là đất đai vì đất đai trên thực tế thuộc về lãnh chúa. Nhưng các lãnh chúa lại chưa bao giờ tự mình canh tác đất đai mà họ giao chúng vĩnh viễn cho các nông nô cày cấy, cuộc sống của nông nô hoàn toàn lệ thuộc vào các lãnh chúa phong kiến. Vì vậy sự độc lập của các lãnh chúa có nghĩa là tự do bóc lột nông nô, tự do chém giết cướp bóc lẫn nhau. Hạn chế quyền lực của nhà vua có nghĩa là nông nô bỏ trốn khỏi lãnh địa không thể tìm thấy sự che chở của các thành thị nữa. Cái được gọi là "tinh thần tự do cho đất" là kiếp lệ thuộc vĩnh viễn của nông nô, không ở đâu sự tự do của giới quý tộc phải đánh đổi bằng tự do của giới bình dân nhiều đến thế. Nước Anh tư bản ngày nay đã xé bỏ cái Hiến Chương 1215 từ lâu vì chế độ tư bản đòi hỏi sự tự do của lao động, giới quý tộc cũng đã biến thành giới chủ doanh nghiệp, cái vương triều Anh giờ chỉ còn là món đồ trang sức cũ kỹ còn sót lại từ thời trung cổ.
Hơn 700 năm sau, tại Nga cùng một số nước châu Âu, rồi lần lượt tới Trung Quốc lục địa, Bắc Việt Nam và một số nơi khác, lại xảy ra một hiện tượng ngược lại: quyền sở hữu, định đoạt đất và các lợi tức từ đất đã được (bị) chuyển hoàn toàn cho nhà nước – thực chất là những người cầm quyền kiểu vua chúa theo chủ thuyết cộng sản. Ngày nay Trung Quốc, Việt Nam (thống nhất) vẫn tiếp tục duy trì quyền sở hữu và sự định đoạt tuyệt đối của nhà nước đối với đất và hiện là những quốc gia thuộc hạng thiếu tự do, phi dân chủ nhất thế giới. Còn Nga và những nước khác đã có những tự do, dân chủ hơn, ở nhiều mức khác nhau, kể từ khi quyền sở hữu đất được trao lại tay người dân.
Chỉ có sự thiếu hiểu biết đến nực cười về lịch sử mới có thể tuyên bố như vậy, mấu chốt để hiểu về thời kỳ phong kiến ở các đế quốc phương Đông chính là tình trạng không có chế độ sở hữu đất đai tư nhân. Suốt 700 năm ấy toàn bộ đất đai thuộc về nhà vua, nông dân hoàn toàn không có quyền sở hữu đối với mảnh đất mà họ cày cấy. Chế độ Xô viết sụp đổ của Đông Âu đã khiến cho một phần lớn nông dân tự do phá sản ngay trên chính mảnh đất mà họ giành được quyền sở hữu do mất đi những hỗ trợ cần thiết từ chính quyền. Nếu có ai đó sống ở Đức thì cũng không xa lạ với dòng người từ các nước Đông Âu đổ sang Đức vào mùa hè để làm thuê, phần lớn trong số họ là nông dân vẫn có đất đai nhưng lại không có đủ vốn để canh tác. Tức là quyền sở hữu đất đai cũng không là gì cả nếu phải chết đói trên mảnh đất ấy, vì không hiểu được ý nghĩa của quyền sở hữu đất đai nên tác giả chỉ có thể lựa chọn cái quyền tự do chết đói mà thôi.
Đã và đang có rất nhiều quốc gia vẫn mất tự do, vẫn đói nghèo và còn thêm cả chiến tranh, bạo loạn mặc dù đất và giáo dục không bị nhà nước thôn tính, thậm chí còn được thả nổi. Nhưng, nếu lấy mốc khoảng 100 năm nay, có một mối tương quan luôn thuận chiều và tất yếu: đã là nước tự do, văn minh và thịnh vượng thì chắc chắn giáo dục và đất đai đã phải được tự do.
Hãy nhìn sang châu Phi, từ hàng ngàn năm nay đất đai vốn thuộc về các bộ tộc sau đó các chủ doanh nghiệp phương Tây đi đến tuyên bố chế độ sở hữu tư nhân rồi cướp sạch đất đai khiến cho các người châu Phi chìm trong chiến tranh và đói nghèo. Hãy nhìn sang nước Mỹ, từ hàng ngàn năm nay đất đai thuộc về các tộc người da đỏ nhưng khi người châu Âu đến thì tự do sở hữu tư nhân về đất đai có nghĩa là dùng súng đạn quét sạch người da đỏ. Nếu lấy mốc 100 năm trở lại đây thì tự do đất đai là lời nguyền của quỷ sứ đặt lên cuộc sống của người châu Phi cũng như người da đỏ ở Mỹ.
Năm 1897, John Dewey[i], “thủ lĩnh” của Giáo dục cấp tiến, nhấn mạnh: “Giáo viên không phải là người đến trường để áp đặt một vài suy nghĩ lên trẻ em, hoặc cũng không phải để tạo ra một thói quen nào đó cho người học, mà ở đó họ (vẫn) là một thành viên của xã hội đến để tìm xem những gì sẽ ảnh hưởng, tác động tới người học và trợ giúp người học có được sự đáp ứng đúng đắn trước những ảnh hưởng, tác động đó.”, “Để chuẩn bị cho cuộc đời tương lai của người học có nghĩa là phải trao cho người học quyền quyết định, định đoạt về chính bản thân họ; cũng có nghĩa là huấn luyện để anh ấy/chị ấy/em ấy sẽ huy động được và luôn sẵn sàng huy động và sử dụng được một cách đầy đủ mọi khả năng, tài năng của mình.[ii] Đương nhiên, Giáo dục cấp tiến, với cái nền dân chủ, không chấp nhận bất cứ lực lượng nào trong xã hội, kể cả nhà nước, có quyền khống chế hay chăm sóc tuyệt đối giáo dục.
Tác giả trích dẫn John Dewey để ca ngợi giáo dục cấp tiến nhưng hoàn toàn không hiểu gì về giáo dục cấp tiến. Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản cho thấy một quá trình biến đổi từ nhà tư bản-chủ xưởng sang nhà tư bản-người quản lý và hiện giờ là nhà tư bản-nhà đầu tư. Triết lý giáo dục của John Dewey, vốn là một triết gia, đã đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn ấy. Nếu như trước kia nhà tư bản đồng thời là nhà quản lý nên đòi hỏi một sự phục tùng kỷ luật máy móc của người lao động thì giờ đây chính người quản lý cũng là người làm thuê như công nhân. Một mặt người quản lý ấy có quyền lực lớn lao với công nhân nhưng mặt khác bản thân họ cũng là người làm thuê, tức là phải là người bạn đồng hành đáng tin cậy của công nhân, cơ chế ấy không thể tồn tại nếu nền giáo dục không đào tạo người lao động theo những chuẩn mực phù hợp với nó. Nền giáo dục ấy phản ánh mối quan hệ giữa người lao động làm thuê và người quản lý làm thuê, đó là sự lắng nghe, hướng dẫn dựa trên thuyết phục nhiều hơn là áp đặt bằng quyền lực và phát huy năng lực tự chủ của mỗi cá nhân. Giáo dục cấp tiến suy cho cùng hoàn toàn không phải là cái gì đó hướng tới tự do như tác giả vẫn ảo tưởng, về bản chất giáo dục cấp tiến vẫn là giáo dục của chế độ tự do làm thuê. Giáo dục không thể thoát khỏi sự kiểm soát của chế độ ấy, ở bất cứ đâu nó cũng bị giám sát để đi theo đúng cái đường đã được chọn. Giai cấp tư sản trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nhà nước cung cấp tài chính, cung cấp con người, đặt ra các quy chế để vận hành hệ thống giáo dục, bất cứ phe phái chính trị nào nắm được được nhà nước thì đồng thời cũng nắm lấy hệ thống giáo dục, bắt nó phục vụ cho phương thức sản xuất đã được lựa chọn.

Buộc chặt nông dân vào đất đai là phương thức nô dịch thời trung cổ, tự do làm thuê là phương thức nô dịch thời hiện đại, giáo dục luôn chỉ làm cái công việc là đào tạo ra các cá nhân phù hợp với cái phương thức sản xuất ấy. Nếu  coi giáo dục là phương tiện để giải thoát con người khỏi phương thức sản xuất cũ tức là tự do thì đồng thời nó cũng dẫn đến việc buộc con người lệ thuộc vào phương thức sản xuất mới tức là đánh mất tự do. Cái ảo tưởng sở hữu tư nhân đất đai và tự trị giáo dục đem đến tự do ấy sẽ sớm tan như bóng bóng xà phòng mà thôi.


Cập nhật:

Cái Magna Carta Libertatum nổi tiếng ấy đã hoàn toàn phá sản vào thời kì mà giới quý tộc nhân danh quyền tư hữu thiêng liêng đuổi nông dân ra khỏi ruộng đất của họ với 4000 đạo luật về rào đất kéo suốt trong hơn hai trăm năm. Những người nông dân mất hết đất đai phải sống lang thang khổ sở được tiếp đón bằng các đạo luật về người lang thang cho phép người ta có thể đóng dấu sắt nung lên mặt họ và bắt họ làm nô lệ. Một nhà sử học Anh đã phải kêu lên rằng: Xưa kia khi người Mông Cổ xâm lược Trung Quốc họ định san bằng xứ ấy để làm đồng cỏ chăn nuôi, cái ý tưởng ấy đã được người Anh thực thi ngay trên đất của mình với đồng bào của mình.