Monday, November 5, 2012

Tiếng nói vớ vẩn các loại của kẻ cơ hội

Tình cờ đọc được bài "Đừng bắt nông dân gánh chủ nghĩa xã hội treo!" của tác giả Hoàng Kim đăng trên boxitvn.net, thật ngạc nhiên khi một bài viết ngây ngô, đầy những thiên kiến chống lại lợi ích chính đáng của đa số nông dân lại được đăng trên diễn đàn dành cho trí thức phản biện của Việt Nam. Mặc dù không phải là nông dân học hết lớp bốn trường làng nhưng cũng cố viết dăm ba dòng để ông/bà Hoàng Kim khỏi cảm thấy dương dương tự đắc về những điều vớ vẩn mạo xưng là bảo vệ quyền lợi của nông dân.

1) Chế độ sở hữu đất đai toàn dân là bảo vệ quyền lợi của nông dân cá thể:

Dưới tác động của những hoàn cảnh đặc biệt về mặt lịch sử nên Việt Nam bị tách ra khỏi thị trường nông sản thế giới, nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa mới manh nha hình thành dưới thời Pháp thuộc đã bị phá sản, các diện tích đất đai canh tác lớn buộc phải xé nhỏ để chuyển cho các hộ nông dân cá thể canh tác nhằm mục đích tự cấp tự túc sau đó tiến dần lên hình thức sản xuất hàng hóa giản đơn.

Ban đầu với năng suất lao động thấp, nông dân muốn tồn tại được trên mảnh đất canh tác nhỏ với lao động của gia đình thì cần phải có hai điều kiện khác kèm theo. Thứ nhất là hệ thống thủy lợi đủ lớn để tưới tiêu nước, thứ hai là một diện tích đất đai nhất định phải được sử dụng chung. Đất công được sử dụng chung làm bãi chăn thả trâu bò cung cấp sức kéo để cày bừa cũng như chuyên chở nông sản, và cung cấp cấp các nguyên liệu phục vụ chăn nuôi gia súc gia cầm hoặc khai thác thủy sản. Việc chăn nuôi gia súc gia cầm không chỉ cung cấp thực phẩm cho nông dân mà còn cung cấp cả nguồn phân bón quan trọng cho nông nghiệp. Tất cả những yếu tố cần thiết để duy trì chế độ sản xuất dựa trên hộ gia đình như hạn chế về thời gian, diện tích và mục đích sử dụng đất, phân chia đất đai, bảo vệ hệ thống đất công và thủy lợi chỉ có thể tiến hành được khi những quyền đó nằm trong tay nhà nước. Chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam chính là xuất phát từ quyền lợi, từ tâm tư nguyện vọng chính đáng của nông dân.

Việt Nam dưới thời kỳ phong kiến thì mọi đất đai thuộc về nhà vua, nông dân không có quyền sở hữu đất đai. Đại thể cũng chia làm công điền do làng quản lý và phân chia cho nông dân cày cấy, với tư điền của địa chủ, song hình thức sở hữu đó hoàn toàn không phải là sở hữu tư nhân theo nghĩa ngày nay, tư điền cũng gắn bó chặt chẽ với hệ thống thủy lợi và đất công của các làng.

Chỉ có những vị ngây ngô như ông/bà Hoàng Kim mới có thể tưởng tượng ra một chế độ sở hữu đất đai đi ngược với quyền lợi của nông dân, bởi vì chế độ sở hữu đó không bao giờ thể tồn tại được, đòi hỏi nhà nước phải đối xử với nông dân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong khi điều kiện kinh tế của nông dân hoàn toàn khác hẳn thì chính là phản bội lại lợi ích của nông dân. Khi mà ông/bà cố tình viện dẫn đến đời cụ kỵ tổ tông của mình để chứng minh về quyền sở hữu đất đai thì người ta sẽ trả lời ông/bà rằng dưới chế độ phong kiến thì mọi đất đai ở xứ sở này thuộc về nhà vua, nông dân có thể chiếm hữu và sử dụng nhưng không có quyền sở hữu.

2) Mở rộng quyền sở hữu của các thành phần kinh tế khác là một bước tiến của xã hội:

Kinh tế hộ của nông dân cá thể phát triển trong một thời gian dài cùng với hệ thống thủy lợi được cải thiện dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất là tăng mức độ thâm canh trên đồng ruộng, từ làm một vụ lúa trong một năm lên hai hay thậm chí ba vụ trong một năm. Thứ hai là sự thu hẹp của phần đất công, theo nghĩa tuyệt đối là do chính quyền địa phương giao cho nông dân canh tác hoặc nông dân tự lấn chiếm để canh tác, theo nghĩa tương đối là quy mô của phần đất sử dụng chung không đủ để đáp ứng nhu cầu đã gia tăng của kinh tế hộ. Phần đất công không đủ để nuôi trâu bò cung cấp sức kéo, không cung cấp đủ nguyên liệu để nuôi gia súc gia cầm và qua đó không đủ để cung cấp phân bón ruộng, điều này có nghĩa là cần phải có máy móc nông nghiệp và phân bón tổng hợp để bổ sung. Trong khi đó, thâm canh trên đồng ruộng lại khiến cho đất đai chậm hồi phục và tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển do vậy cần nhiều phân bón cũng như thuốc trừ sâu hơn. Ở những tỉnh sát với Hà Nội ví dụ như Hưng Yên do tốc độ đô thị hóa nhanh phần đất công hoàn toàn biến mất, nông dân không có gì để nuôi trâu bò, chi phí cho máy cày lại quá đắt đỏ, nên xảy ra tình trạng người phải đi kéo cày thay cho trâu. Nông nghiệp dựa trên hộ nông dân cá thể muốn tiếp tục tồn tại thì buộc phải có một nền công nghiệp phát triển để cung cấp các đầu vào cần thiết như: máy nông nghiệp, phân bón và thuốc trừ sâu... Việc chuyển một phần đất nông nghiệp và lao động sang phát triển công nghiệp là tất yếu, để đáp ứng nhu cầu thực tế của sản xuất nông nghiệp. Với cái tư duy thiển cận của ông/bà Hoàng Kim thì sẽ hoàn toàn không thể hiểu nổi việc chuyển đổi đất đai sang sử dụng cho công nghiệp đem lại lợi ích lớn như thế nào cho nông dân, mà chỉ có thể phỉnh phờ bịp bợm bằng cái điều khôi hài rằng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai là để cướp bóc nông dân.

Công nghiệp muốn phát triển thì đòi hỏi không chỉ đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn đòi hỏi cả thị trường mua bán tự do, việc nhà nước mở rộng quyền sở hữu cho các thành phần sản xuất công nghiệp là một bước tiến bộ lớn không chỉ là của công nghiệp mà còn là của toàn xã hội.

Nông dân đã thông qua nhà nước nắm lấy công nghiệp, tài trợ cho công nghiệp bằng quyền sử dụng đất đai để công nghiệp có thể nhanh chóng cung cấp các sản phẩm đầu vào cần thiết của sản xuất nông nghiệp. Đất đai được giao cho doanh nghiệp với giá rẻ thì cũng có nghĩa là các hàng hóa thiết yếu như: máy nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu... phải được cung cấp cho nông dân với giá rẻ, chính sách trợ giá đầu vào cho nông dân đã được nhà nước thực hiện rất tốt trong suốt một thời gian dài giúp cho nông nghiệp Việt Nam có sản lượng không những đủ để nuôi sống cư dân mà còn xuất khẩu với khối lượng lớn vào loại nhất thế giới.

3) Sự phân hóa trong nội bộ nông dân dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích:

Nông nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào công nghiệp dẫn đến sự phân hóa lớn trong nội bộ nông dân. Ở những nơi mà sản phẩm công nghiệp được cung cấp đủ cho nông dân với giá rẻ thì các phần đất công trở nên thừa, nông dân sẽ tìm cách chiếm lấy đất công để sử dụng riêng rồi mua đi bán lại, một phần lớn các hồ sơ kiện tụng tranh chấp về quyền sử dụng đất sinh ra chính từ đây. Ở những nơi mà sản phẩm công nghiệp không được cung cấp đủ thì đất canh tác bị bỏ hoang hoặc trả lại cho chính quyền, nông dân di cư ra thành phố kiếm việc làm. Tình trạng nông dân ở các vùng đó không đóng các loại thuế và phí cho chính quyền địa phương phổ biến đến nỗi chính quyền địa phương phải lập những sổ nợ để khi nông dân nhận được khoản trợ cấp nào là họ khấu trừ thẳng hoặc khi nông dân cần chứng nhận giấy tờ thì truy thu cho bằng được, tức là gây ra xung đột giữa nông dân và chính quyền trong quản lý hành chính. Công nghiệp phát triển cũng dẫn đến việc một bộ phận nông dân tách ra khỏi sản xuất nông nghiệp biến thành tầng lớp trung lưu sống bằng việc buôn bán hay làm dịch vụ, tầng lớp này rất phổ biến ở các vùng nông thôn tiếp giáp với các đô thị lớn. Họ vẫn có quyền sử dụng đất đai nhưng không còn quyền lợi gắn trực tiếp với sản xuất nông nghiệp nữa vì vậy cái mà họ nhìn thấy ở đất đai chỉ còn là một tài sản có giá và muốn được tự do mua bán cái tài sản đó để kiếm tiền. Đây là nguồn lớn thứ hai phát sinh tranh chấp kiện tụng về đất đai, nhất là trong việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất. Quan điểm về chế độ sở hữu đất đai của ông/bà Hoàng Kim không hề đại diện cho toàn thể nông dân như vẫn tự xưng mà chỉ đại diện cho một bộ phận rất nhỏ nông dân vẫn còn ruộng đất nhưng chỉ muốn bán để kiếm lợi.

Trả lại quyền sở hữu đất đai cho nông dân có nghĩa là gì? Đối với hàng triệu nông dân đang chiếm hữu đất công có nghĩa là đất đai của họ sẽ bị tịch thu và bán đấu giá. Đối với hàng triệu hộ nông dân cá thể đang làm ăn bình thường có nghĩa là không còn đất công nữa, giá cả hàng công nghiệp sẽ tăng vọt và làm họ phá sản hoàn toàn. Đối với hàng triệu hộ nông dân cá thể đã phá sản có nghĩa là gánh nặng thuế khóa sẽ trở nên nặng nề hơn nữa. Đối với chính quyền có nghĩa là một khối lượng khổng lồ xung đột về lợi ích sẽ nổ ra mà không có cách nào xử lý được. Vì vậy nếu đem chế độ sở hữu đất đai theo kiểu của ông/bà Hoàng Kim ra trưng cầu ý kiến nông dân thì có thể là 99.99% nông dân sẽ lôi ông/bà ra đấu tố không thương tiếc, phần còn lại tất nhiên được trừ hao vì họ bận cung cấp cà chua trứng thối để cho những người kia ném ông/bà.

4) Kết luận:

Với sự ngây ngô của ông/bà Hoàng Kim thì không cần đến một chục chuyên gia cao cấp của Đảng và nhà nước, bất cứ nông dân học hết lớp bốn trường làng nào cũng đủ mở mắt cho ông/bà về chế độ sở hữu đất đai.

Số lượng khiếu nại, tranh chấp về đất đai sẽ tăng lên khủng khiếp nếu ngay lập tức áp dụng chế độ sở hữu đất đai tư nhân. Không chỉ nông dân kiện cáo lẫn nhau hay kiện chính quyền, mà ngay cả chính quyền cũng sẽ đưa nông dân ra tòa về các vấn đề liên quan tới đất đai. Khi đó không chỉ có nông dân than khóc về mất đất, mà còn có công nhân sẽ than khóc về mất việc làm, tiểu thương sẽ than khóc vì phá sản. Chế độ sở hữu đất đai không đơn giản là cái quyền ký vào khế ước bán đất, đằng sau nó là cả một lịch sử biến động đầy phức tạp trong sự phát triển sức sản xuất của nông dân. Cái mâu thuẫn trong chế độ sở hữu không thể diễn giải một cách hời hợt thành sự mâu thuẫn giữa chính quyền và nông dân mà phải nhìn nhận một cách thực tế từ sự phân hóa trong trình độ sản xuất của của chính người nông dân. Nếu ai đó mong muốn xây dựng một chế độ sở hữu phù hợp với người nông dân thì cần đưa ra một phân tích tổng thể về trình độ sản xuất của nông dân chứ không thể dựa vào dăm ba câu đạo đức giả.

Nếu như chế độ sở hữu đất đai toàn dân có tạo kẽ hở cho doanh nghiệp mua chuộc quan chức nhà nước để chiếm đoạt đất đai của với nông dân giá rẻ thì nó cũng đồng thời tạo kẽ hở cho nông dân cấu kết với quan chức nhà nước bắt chẹt doanh nghiệp phải mua đất giá cao. Bộ mặt đạo đức của ông/bà Hoàng Kim lộ rõ chính ở điểm này khi chỉ ca thán về thiệt hại của nông dân để ăn vạ mà lờ tịt đi lợi thế nông dân được hưởng. Ông/bà Hoàng Kim trích dẫn về số lượng 1 lượt triệu tố cáo về đất đai trong đó có một nửa là tố cáo đúng và cho rằng số lượng dân oan lên có thể lên đến 2 triệu người. Thứ nhất, cái số liệu của bên tư pháp dẫn ra kia thì mục đích của họ chỉ là muốn làm nghiêm trọng vấn đề lên để vận động tăng thêm ngân sách cho họ, cái mà họ muốn chính là những cái lưỡi gỗ như ông/bà giúp họ rêu rao khắp nơi. Thứ hai, số lượng đơn thư đó nếu được phân loại ra thì sẽ thấy nó không chỉ bao gồm đơn kiện về việc chính quyền thu hồi đất đâu mà còn bao gồm rất nhiều đơn kiện về việc lấn chiếm và tranh chấp đất công, về tranh chấp đất đai giữa những người dân, về thu hồi và quy hoạch đất ở đô thị nhưng người ta đã cố tình lờ nó đi. Thứ ba, ngay cả khi con số nửa triệu đơn kiện là đúng thì ông/bà Hoàng Kim cũng không thể hiểu nổi nửa triệu đơn kiện sai kia là cái gì và tại sao lại có. Nếu như nửa triệu đơn kiện đúng tạo ra 2 triệu dân oan theo lập luận của ông/bà thì thử hỏi nửa triệu đơn kiện sai tạo ra bao nhiêu cán bộ chính quyền oan? Nếu như ông/bà nghĩ thanh gươm dân oan sẽ treo trên đầu Đảng thì tại sao không tự hỏi tại sao dân lại treo trên đầu mình thanh gươm cán bộ oan? Tất cả những vấn đề đó tất nhiên nằm ngoài sự tưởng tượng của ông/bà.

Vì đứng trên góc nhìn đầy hạn hẹp của nông dân đã rời bỏ nông nghiệp chỉ khăng khăng đòi bán mảnh ruộng của mình với giá cao nên ông/bà Hoàng Kim không thể hiểu được nỗ lực của chính quyền trong việc sửa đổi luật đất đai. Nếu như trước kia chính quyền địa phương hoàn toàn tự do ban hành khung giá đất dựa trên một khung giá đất rất rộng và phức tạp của chính quyền trung ương, tức là tạo ra một mê hồn trận về giá đất đai, thì giờ đây chính họ với quyền tự ban hành khung giá ấy phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn với nông dân địa phương về giá đất đai. Những kẽ hở tuy vẫn còn nhưng sẽ bị hạn chế hơn so với trước kia.
Chế độ sở hữu đất đai cần phải được thay đổi, nhưng nó phải dựa trên sự thay đổi bắt nguồn từ phương thức sản xuất của nông dân chứ không phải bằng các trò cơ hội để bán rẻ nông dân như ông/bà Hoàng Kim đang cố gắng bày ra.

Với việc đăng bài viết "Đừng bắt nông dân gánh chủ nghĩa xã hội treo!" của ông/bà Hoàng Kim thì trang boxitvn.net nên đổi cái khẩu hiệu nổi tiếng "Tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức" thành "Tiếng nói vớ vẩn các loại của kẻ cơ hội".