Thursday, March 14, 2013

Dự thảo xử phạt mũ bảo hiểm dỏm tốn kém và không hiệu quả

Sau khi bộ trưởng Thăng tuyên bố“Chất lượng MBH rởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể bắt người dân phải chịu trách nhiệm được, không thể phạt người dân vì đội MBH rởm hay mũ kém chất lượng" thì ngay trong buổi họp báo chiều cùng ngày ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An Toàn Giao Thông (ATGT) khẳng định“CSGT chỉ xử phạt đối với hành vi không đội MBH có đủ 3 lớp: vỏ mũ, đệm bảo vệ hay còn gọi là xốp cứng và quai đeo. Người điều khiển phương tiện đội chiếc mũ chỉ có 1-2 lớp, đã ghi rõ ràng dòng chữ “mũ dành cho người đi xe đạp” sẽ bị xử phạt về hành vi không đội MBH” để giải thích cho việc tiếp tục dự thảo phạt mũ bảo hiểm không hợp quy cách. Rõ ràng là ngay giữa các ban ngành chức năng cũng không có sự thống nhất trong việc xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

1. Thế nào là mũ bảo hiểm dỏm?

Trước hết, ông Đinh Mạnh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) có lý khi nhận xét rằng: "Các phóng viên đó có lẽ là thế nào đó, thiểu năng gì đó, có gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ rởm, mà cứ phải đưa ra bằng những lời lẽ, những giả thiết.", tuy nhiên để phân biệt được mũ thật và mũ dỏm thì ngay cả người không thiểu năng thậm chí thông minh kiệt xuất cũng chưa chắc đã làm được.

Cách đây 5 năm Bộ Khoa Học và Công Nghệ đã ban hành quy Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe máy (QCVN 2:2008/BKHCN). Theo đó, kể từ ngày 15.11.2008, tất cả MBH sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường khi đạt chất lượng, được chứng nhận hợp quy (dán tem CR). Tức là những mũ bảo hiểm được dán tem CR mới là mũ xịn còn lại thì cho dù có hợp quy cách hay không đều là dỏm. Quy chuẩn kỹ thuật quy định rất chi tiết về mũ bảo hiểm, khái niệm hợp quy cách mà ủy ban ATGT đưa ra là dựa trên mục 2.1 của quy chuẩn kỹ thuật

Tuy vậy, mũ bảo hiểm có dán tem CR cũng chưa hẳn là mũ xịn vì chỉ hai tháng sau khi áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì mũ dỏm dán tem CR đã tràn lan trên thị trường, điều này đã được ông Lương Thanh Liêm - Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà sản xuất mũ bảo hiểm thời trang xác nhận, mũ bảo hiểm dỏm hoàn toàn hợp quy cách với đủ cả vỏ, đệm và quai đeo đúng như hướng dẫn của ủy ban ATGT được bán công khai không chỉ ở lề đường mà còn ngay cả trong các siêu thị lớn. Có lẽ người ta chỉ còn biết hy vọng rằng những nhà sản xuất tên tuổi dán tem CR đàng hoàng sẽ cung cấp mũ bảo hiểm xịn, nhưng (lại một lần nữa nhưng) phần lớn các mũ có dán tem CR của các nhà sản xuất có đăng ký khi được đem đi kiểm định đều không đạt chuẩn, theo tin do báo Đất Việt đưa ngày 13.03.2009, tức là vẫn có thể dỏm.

Mũ bảo hiểm không hợp quy cách là một dạng của mũ bảo hiểm dỏm, chắc chắn không được phép lưu hành theo quy chuẩn của bộ KH&CN nhưng mũ bảo hiểm nào là xịn thì cũng chưa chắc đã có ai có thể khẳng định được. 

2. Tại sao người ta dùng mũ bảo hiểm không hợp quy cách hay mũ dỏm?

Lý do sử dụng thường được nêu ra là vì mũ đó rẻ và để đối phó với cảnh sát giao thông chứ không phải vì lý do an toàn, theo số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, có tới 70% người tham giao thông đội MBH không đảm bảo chất lượng song có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, người ta sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng thì khác với mũ bảo hiểm không đúng quy cách vì mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng thường là vẫn đúng quy cách, điều này có nghĩa là ủy ban ATGT cũng không nắm rõ được số lượng người sử dụng mũ bảo hiểm không hợp quy cách. Thứ hai, người ta sử dụng mũ đó như thế nào thì hầu như không thấy nêu ra.

Muốn biết người ta sử dụng mũ bảo hiểm dỏm như thế nào thì chỉ cần ra phố nhìn mấy bác xe ôm là thấy ngay, mấy bác tài xế thường sắm một cái mũ xịn cho mình và 1 hoặc 2 cái mũ dỏm dành cho khách vì khách đi có một chốc thì tốn tiền trang bị mũ xịn làm gì. Lãng mạn hơn một chút có thể liên tưởng đến một chàng sinh viên cuối buổi học đột nhiên có cô bạn gái học cùng đi nhờ, không lẽ lấy lý do không có mũ bảo hiểm để từ chối, thôi thì chạy ra vỉa hè mua đại cái mũ dỏm cho cô ấy xài đỡ (chớ phải mua mũ xịn đắt tiền thì kêu cô ấy đi taxi cho lẹ). Thực dụng hơn nữa thì xài mũ bảo hiểm dỏm chính là để chống trộm, các bãi gửi xe không nhận trông coi mũ bảo hiểm, nên người ta xài cái mũ dỏm rẻ tiền treo luôn ở xe cũng không sợ bị chôm mất. Mũ bảo hiểm dỏm được sử dụng phổ biến không hẳn là để cố tình vi phạm luật pháp hay đùa giỡn với sự an toàn của bản thân mà là để đối phó với hoàn cảnh nhiều hơn.

3. Nếu dự thảo được thông qua, ai sẽ có lợi?

Có ba nhóm chính được hưởng lợi trong việc xử phạt này. 

Nhóm thứ nhất là nhà sản xuất mũ, quy định xử phạt sẽ khiến nhu cầu về số lượng mũ bảo hiểm hợp quy chuẩn tăng vọt, các nhà sản xuất mũ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. 

Nhóm thứ hai là cơ quan kiểm định chất lượng và cấp tem cho mũ, các nhà sản xuất mũ sẽ phải xếp hàng chờ được kiểm định và cấp tem CR. Những nhà sản xuất nào biết lo liệu thì chắc chắn sẽ thuận lợi còn không thì cứ xếp hàng chờ tới lượt.

Nhóm thứ ba là kẻ ăn trộm mũ, trước kia các bãi giữ xe toàn mũ dỏm không đáng tiền thì bây giờ đầy mũ xịn đắt tiền, nghề ăn trộm mũ bảo hiểm chắc chắn hốt bạc.


4. Nếu dự thảo được thông qua, ai sẽ xử phạt?

Việc xử phạt mũ bảo hiểm không hợp quy cách hay mũ bảo hiểm dỏm rất nhiêu khê. Cảnh sát giao thông không có quyền dừng xe phạt mũ bảo hiểm dỏm, họ chỉ có quyền dừng xe để phạt khi người ta vi phạm luật giao thông. Việc xử phạt mũ bảo hiểm không hợp quy cách thuộc về cơ quan quản lý thị trường, bộ KH&CN và hải quan (vì trên thị trường có cả mũ nhập khẩu được lưu thông), nhưng các cơ quan có quyền xử phạt thì lại không có quyền dừng xe để phạt.

Để xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm dỏm thì sẽ phải lập các đội xử lý liên ngành bao gồm: cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, bộ KH&CN và hải quan. Các đội liên ngành này cũng không có quyền dừng xe khi phát hiện mũ bảo hiểm dỏm mà chỉ có thể dừng các xe vi phạm luật giao thông rồi kiểm tra luôn mũ bảo hiểm. Tức là người ta đội mũ bảo hiểm dỏm mà không vi phạm luật giao thông thì vẫn không sao hết nhưng lỡ vi phạm luật giao thông thì cho dù có đội mũ xịn vẫn có thể bị kiểm tra mũ. Việc phạt mũ bảo hiểm dỏm như vậy rõ ràng là không hiệu quả mà rất tốn kém nhân lực của chính quyền. Theo ước tính của ủy ban ATGT thì có thể ước đoán số lượng người đội mũ bảo hiểm dỏm vào khoảng 22,68 triệu người đang xài mũ dỏm, không biết cần bao nhiêu tổ liên ngành để kiểm tra một số lượng lớn như vậy?

Cuối cùng, muốn xử phạt thì phải có cơ sở để xử phạt. Cơ sở về mặt luật pháp thì phải dựa vào quy chuẩn kỹ thuật của bộ KH&CN, nhưng làm thế nào để đánh giá mũ bảo hiểm có đúng quy chuẩn ấy không thì không thể kiểm tra đầy đủ được theo đúng quy trình mà chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan của người xử phạt. Tới đây, có một vấn đề lớn đặt ra, đánh giá cảm quan thế nào là chính xác và thuyết phục đối với người bị phạt. Một cái mũ phải có đủ vỏ cứng, đệm và quai nhưng: Vỏ cứng bằng bìa carton có phải là vỏ cứng không? Mũ được lót thêm cái khăn mặt được coi là đệm không? Quai mũ là dây thừng có được coi là quai mũ không? Mũ xịn nhưng bị đứt quai, mất xốp, hay nứt vỏ cứng có được coi là hợp quy chuẩn không?...Rõ ràng là phạm vi có thể xử phạt rất hẹp, chỉ có thể xử phạt mũ không đủ ba thành phần. Không phải tự nhiên mà quy chuẩn kỹ thuật quy định việc kiểm tra một cách chi tiết và đầy đủ, tách riêng một mục nhỏ trong quy chuẩn kỹ thuật ra để kiểm tra sẽ không đem lại hiệu quả.

Dự thảo được thông qua sẽ khiến cơ quan nhà nước tốn kém rất nhiều nhân lực và tài nguyên nhưng lại chỉ có thể kiểm tra xử phạt một phạm vi rất nhỏ và không đem lại nhiều hiệu quả.

4. Nếu dự thảo không được thông qua, ai sẽ có lợi?

Bộ trưởng bộ Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng!