Thursday, April 25, 2013

Tại sao vàng miếng là vàng nhưng lại không phải là vàng?

Cách đây hơn hai trăm năm, các nhà kinh tế học đã phải nghĩ nát óc để giải thích tại sao tiền vàng là vàng nhưng giá trị của nó lại chả liên quan gì đến vàng. Đủ các loại học thuyết đã được đưa ra rồi bị quên lãng. Giờ đây, Việt Nam lại đang đối mặt với câu hỏi đó.

1. Vàng miếng là vàng

Về mặt chất liệu thì vàng miếng cũng là vàng, khi mua bán thì người ta cũng coi nó là vàng không khác với gì vàng được dùng làm đồ trang sức hay đồ dùng. Vàng miếng vì vậy mang giá trị của vàng. Song có một vấn đề trong thực tế là vàng miếng mặc dù cũng là vàng nhưng lại không được sử dụng làm đồ trang sức hay chế tác đồ trang sức, tức là không được sử dụng như vàng, mà thường chỉ dùng để thanh toán hoặc tích trữ thay cho tiền mặt.

2. Vàng miếng không phải là vàng

Vàng miếng khi được sử dụng để thanh toán hay tích trữ thay cho tiền mặt thì nó không còn là vàng nữa mà đóng vai trò như tiền tệ. Nếu đem vàng miếng ra khỏi phạm vi Việt Nam thì nó lại trở lại thành vàng. Khi được sử dụng như là tiền tệ thì vàng miếng không còn mang giá trị của vàng nữa mà mang giá trị của tiền tệ, giá của vàng miếng lúc này chịu sự chi phối của cung cầu về tiền tệ. Tại sao vàng miếng trở thành tiền tệ thì đó là một câu chuyện dài về lịch sử kinh tế. Vàng miếng trong vai trò là tiền tệ không thích hợp với giao dịch của người dân bình thường, không ai mang vàng miếng đi chợ mua rau cả, nhưng lại rất thích hợp với giao dịch của những tổ chức tài chính lớn ví dụ như ngân hàng. Do vậy, muốn hiểu được tại sao vàng miếng có vai trò tiền tệ thì cần phải nghiên cứu lịch sử việc sử dụng vàng miếng trong ngân hàng, song những tài liệu về vấn đề đó có lẽ là không có sẵn hoặc nếu có sẵn thì cũng khó có thể tiếp cận được. 

3. Vàng miếng trở thành tiền tệ như thế nào? 

Thoạt nhìn thì quá trình biến đổi vàng thành vàng miếng rất đơn giản, doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu về, đem dập thành vàng miếng có trọng lượng 1 cây, đóng gói rồi đem bán trên thị trường. Ẩn giấu sau đó là những quy luật kinh tế hoàn toàn khác nhau chi phối mà người ta không thể hiểu được nếu không tách biệt giá trị sử dụng của vàng và vàng miếng. Khi doanh nghiệp mua vàng về dập thành vàng miếng thì vàng miếng đó vẫn chỉ là vàng, chỉ khi nó được trao vào tay người mua thì mới trở thành phương tiện giao dịch. Trong tay doanh nghiệp thì vàng miếng có giá trị của vàng nhưng khi được bán cho người mua thì nó bị biến thành tiền tệ, tức là có giá trị của tiền tệ. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể dập vàng thành vàng miếng, song chỉ có vàng miếng của một số doanh nghiệp nhất định mới có thể lưu thông trên thị trường như là vàng miếng, điều đó phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.

4. Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước lại độc quyền kinh doanh vàng miếng?

Khi hầu hết các chủ doanh nghiệp và ngân hàng có tiềm lực tài chính lớn đổ xô vào kinh doanh vàng miếng, tức là kinh doanh tiền tệ thì điều đó ảnh hưởng tới lợi ích của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN). Một trong những hệ quả thấy rõ là việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tạo sức ép lên tỷ giá hối đoái mà NHNN muốn duy trì ổn định, tình trạng nhập khẩu vàng kéo dài sẽ làm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ. Quyền lực của NHNN là phát hành tiền, khi có một loại tiền tệ khác xuất hiện cạnh tranh với tiền của NHNN thì NHNN phải tìm cách loại bỏ loại tiền tệ ấy. Ban đầu, NHNN tìm cách loại bỏ vai trò tiền tệ của vàng miếng song nỗ lực ấy không mấy hiệu quả nên đã nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng, tức là độc quyền phát hành vàng miếng với tư cách là tiền tệ. Ở đây cần chú ý, vàng miếng là tiền tệ nhưng lại không phải lại ngoại tệ bởi vàng miếng chỉ có giá trị là vàng miếng trong phạm vi quốc gia khi ra khỏi phạm vi đó thì vàng miếng cũng chỉ là vàng nguyên liệu, ngược lại vàng nguyên liệu không phải là tiền tệ trong nước nhưng lại là tiền tệ quốc tế vì có thể dùng để trao đổi giữa các quốc gia với nhau.

5. Hệ quả của vàng miếng trong vai trò tiền tệ

Khi NHNN độc quyền kinh doanh vàng miếng thì vai trò tiền tệ của vàng miếng càng trở nên vững chắc, giá cả vàng miếng giờ đây sẽ phụ thuộc vào cung cầu vàng miếng với vai trò là tiền tệ chứ không chịu sự chi phối của thị trường vàng nguyên liệu. Vì vậy vàng miếng sẽ có giá hoàn toàn khác so với vàng nguyên liệu cho dù là trên thị trường vàng nguyên liệu trong nước hay thị trường thế giới. Mọi nỗ lực của NHNN sẽ tập trung vào việc kiểm soát giá cả vàng miếng với vai trò là tiền tệ chứ không phải là vàng miếng với vai trò là vàng. 

Bán lẻ vàng miếng là hoàn toàn không khả thi, do vậy NHNN buộc phải bán buôn cho các tổ chức có năng lực tài chính. Sau đó, các tổ chức này sẽ bán lẻ lại cho người mua khác. Điều này có nghĩa là giá vàng miếng do NHNN bán ra trên thị trường bán buôn sẽ phải thấp hơn giá giao dịch trên thị trường bán lẻ. Khoản chênh lệch giữa giá bán buôn với giá bán lẻ vàng miếng sẽ tạo ra lợi nhuận cho tổ chức kinh doanh, phần lớn các tổ chức kinh doanh lại là các ngân hàng nên nảy sinh ra một hệ quả khác đối với nền kinh tế. Nếu lợi nhuận từ mua bán vàng miếng lớn hơn lợi nhuận thu được từ việc cho vay thì các ngân hàng giảm cho vay và tăng cường mua bán vàng miếng, ngược lại nếu lợi nhuận thu được từ việc cho vay cao hơn từ việc mua bán vàng miếng thì ngân hàng sẽ giảm mua bán vàng miếng và tăng cường cho vay. Điều này có nghĩa là giá mua vào cũng như bán ra của vàng miếng mà các tổ chức tham gia đấu thầu đặt ra sẽ phụ thuộc vào sự biến động của tình hình sản xuất và kinh doanh trong nước.

Dập vàng miếng là công việc tốn thời gian nên NHNN sẽ phải dự trữ một khối lượng lớn vàng miếng để luôn kịp thời cung cấp cho thị trường. Hiện nay, giá vàng miếng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì nhiều người sẽ nghĩ NHNN lãi lớn trong việc kinh doanh vàng miếng, vì chỉ việc mua vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới rồi về dập thành vàng miếng đem bán để hưởng chênh lệch. Song sự thực không phải như vậy, NHNN luôn phải dự trữ một khối lượng lớn vàng miếng nhưng vàng miếng trong kho của NHNN thì chưa phải là vàng miếng với tư cách tiền tệ mà nó vẫn chỉ là vàng nên chịu sự chi phối của giá vàng nguyên liệu, tức là khi giá vàng thế giới giảm thì giá của nó cũng giảm còn khi giá vàng thế giới tăng thì giá của nó cũng tăng. Khoản tiền chênh lệch giữa giá vàng miếng đã bán và vàng nguyên liệu phải bù đắp cho sự biến động về giá trị của số vàng trong kho dự trữ. Trong trường hợp NHNN mua vào vàng miếng, nếu thoạt nhìn thì NHNN sẽ phải mua giá cao hơn giá trên thị trường bán lẻ, tức là có cảm giác lỗ, song khoản chênh lệch đó lại được bù đắp bởi giá trị tăng lên của số vàng dự trữ. Giá mua tối đa và giá bán vàng miếng tối thiểu của NHNN hoàn toàn có thể tính được dựa trên các tham số như: số lượng vàng miếng dự định mua vào hay bán ra, khối lượng vàng dự trữ và sự biến động của giá vàng trên thị trường thế giới. Doanh thu thực của NHNN có thể ước tính dựa trên chênh lệch giữa giá đề xuất của NHNN và giá trúng thầu mua bán vàng miếng. Lợi nhuận mà NHNN thu được chắc chắn là nhỏ hơn rất nhiều so với khoản chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu và giá vàng miếng (như đã nói ở trên, phần lớn khoản chênh lệch phải được trích lập quỹ dự phòng giảm giá vàng). 

Khi giá vàng trên thị trường thế giới có xu hướng giảm thì giá trị của kho vàng miếng dự trữ trong tay NHNN cũng giảm xuống, do vậy NHNN sẽ chịu áp lực phải bán ra. Ngược lại, khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng thì giá trị kho vàng dự trữ trong tay NHNN cũng tăng lên do vậy NHNN sẽ phải mua vào. Trong ngắn hạn thì NHNN có thể mua vàng nguyên liệu trên thị trường thế giới rồi dập thành vàng miếng nhưng trong dài hạn thì không thể làm như vậy vì hai lý do chính: thứ nhất là việc dập vàng miếng bị giới hạn bởi công suất hoạt động của doanh nghiệp nên có thể sẽ không kịp thời và thứ hai là việc mua vàng trên thị trường thế giới cần có ngoại tệ, tức là sẽ làm ảnh hưởng tới dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Như vậy, trong dài hạn khi thị trường vàng miếng đạt tới quy mô nhất định thì NHNN sẽ phải mua vàng miếng chủ yếu từ thị trường trong nước còn nguồn vàng nguyên liệu từ thị trường thế giới sẽ chỉ đóng vai trò bổ sung.

Trên thị trường vàng miếng, NHNN cũng sẽ phải cân nhắc các quyết định mua bán để giữ giá vàng miếng ổn định. Khi giá vàng miếng có xu hướng giảm thì NHNN phải mua vào và ngược lại khi giá vàng miếng có xu hướng tăng thì NHNN phải bán ra. Mọi vấn đề sẽ là đơn giản trong hai trường hợp: giá vàng thế giới có xu hướng giảm đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng tăng và giá vàng thế giới có xu hướng tăng đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng giảm. Song rõ ràng là thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi như vậy, rất có thể xảy ra trường hợp khác như: giá vàng thế giới có xu hướng giảm đồng thời giá vàng miếng trong nước cũng có xu hướng giảm và giá vàng thế giới có xu hướng tăng đồng thời giá vàng miếng trong nước có xu hướng tăng, khi đó NHNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành thị trường vàng miếng cũng như duy trì quỹ dự trữ vàng.  

Kết luận

Quy luật kinh tế đã khiến cho vàng miếng là vàng nhưng lại không còn là vàng khi được ném vào lưu thông, đã khiến cho thị trường vàng trong nước chịu ảnh hưởng của thị trường vàng thế giới nhưng lại tách thị trường vàng miếng khỏi thị trường vàng. Nếu không hiểu được quá trình đó thì sẽ không thể hiểu được sự biến động khác nhau giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới.