Tuesday, November 4, 2014

Ba Lan gửi quân đội đến biên giới phía đông

Nội chiến ở Ukraina ngày càng nghiêm trọng. Mới đây nhất Ba Lan đã chuyển hàng ngàn lính sang phía đông, về phía biên giới với Ukraina. Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài viết "Poland to send troops to eastern border" của Sonja Bach để biết thêm chi tiết. 

Ba Lan gửi quân đến biên giới phía đông

Chính quyền Ba Lan đang chuyển hàng ngàn quân đến biên giới phía đông trong một sự tái tập hợp mang tính lịch sử của quân đội. Sự di chuyển được Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Tomasz Siemoniak công bố vào tuần trước,  sau hội nghi thượng đỉnh NATO vào tháng 9, khi khối đồng minh do Hoa Kỳ lãnh đạo quyết định gia tăng đối đầu quân sự với Nga

Cho tới hiện giờ, đại đa số trong 120,000 lính Ba Lan đã đóng quân ở nửa phía tây của quốc gia. Hiện nay, hàng ngàn lính sẽ được triển khai tới các căn cứ quân sự ở phía đông, vốn đang được hiện đại hóa và nâng cấp. Năng lực của ba căn cứ, trong đó có Trung Tâm Phòng Không Siedlce, được gia tăng từ 30 đến 90%. 

Bên cạnh đó, chính quyền đang lập kế hoạch mua sắm các trực thăng mới bà trang bị tên lửa AGM-158 không đối đất cho các chiến đấu cơ phản lực F-16. Vào tháng 3, Hoa Kỳ đã đưa 12 máy bay loại đó đến Ba Lan.

Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng nói di chuyển quân đội là cần thiết bởi sự thay đổi trong “tình hình địa chính trị”. Ông ta nói với hãng thông tấn AP rằng Ba Lan coi đó là “cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh” và phải “rút ra các kết luận từ điều đó”.

Siemoniak nhắc tới các sự kiện ở Ukraina mà không đề cập rằng chính quyền Ba Lan đã can dự sâu sắc vào việc kích động cuộc khủng hoảng, vốn được NATO sử dụng để biện minh cho đối đầu quân sự với Nga.

Vào tháng hai, phong trào đối lập bài Nga do Vitali Klitschko, Arseniy Yatsenyuk và gã phát xít Oleh Tyahnybok dẫn đầu giành quyền lực ở Kiev và lật đổ tổng thống dân cử Viktor Yanukovych. Ba Lan là một trong những tác nhân chính của cuộc đảo chính, vốn được Hòa Kỳ và Đức cổ vũ cũng như tài trợ.

Người sau này là bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, Radoslav Sirkorski, đã hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy Hiệp Ước Gia Nhập giữa EU và Ukraina với mục đích phá vỡ ảnh hưởng của Nga tại nước cộng hòa cựu thành viên Soviet và mở cửa cho các nhà đầu tư Châu Âu cũng như liên minh quân sự với NATO. 

Khi Yanukovych từ chối ký Hiệp Định, biểu tình nổ ra ở Maidan (Quảng Trường Độc Lập), chính quyền Ba Lan đã ngay lập tức ủng hộ phong trào đối lập. Theo một số báo cáo, nhiều bộ phận của những nhóm du kích cực hữu đóng vai trò mũi nhọn trong cuộc đảo chính đã được huấn luyện ở Ba Lan.

Chính quyền mới của Ukraina có cả đảng phát xít Svoboda, họ được nắm giữ ba ghế bộ trưởng. Đảng này có nguồn gốc là Tổ Chức Độc Lập Quốc Gia Chủ Nghĩa (OUN), trước đây hợp tác với Phát xít Đức và phải chịu trách nhiệm về hàng loạt các vụ thảm sát ở Ba Lan tại khu vực biên giới của Volhynia và Đông Galacia trong thế chiến thứ II. Hiện nay các thành viên đảng Svoboda vẫn kỷ niệm các sự kiện kinh hoàng – trong đó lực lượng phát xít Ukraina đã giết hại hơn 100,000 người Ba Lan, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, ở khu vực Ba Lan bị phát xít chiếm đóng – như là chiến thắng “cuộc xâm lược của Ba Lan-Đức”.

Kể từ các sự kiện Maidan và diễn biến tiếp theo ở Crimea, Ba Lan, vốn đã gia nhập NATO vào năm 1999, đã đóng vai trò trung tâm trong cuộc đối đầu với Nga. Vào tháng tư, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, người sau này là thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã kêu gọi NATO gửi nhiều quân hơn đến quốc gia của ông ta. 

Kể từ đó, 9 tàu chiến NATO đã được gửi tới Biển Đen. Vào tháng 3,600 lính đã được gửi tới Ba Lan và các nước vùng Baltic. Một cuộc tập trận tiếp theo đã được tổ chức vào tháng 9 ở gần Lvov tại phía tây Ukraina với sự tham gia của quân đội Ba Lan. 

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales đã phác thảo một kế hoạch quân sự chi tiết để tăng cường lực lượng chống lại Nga. Thông cáo chính thức của hội nghị thượng đỉnh được phát ra vào cuối tháng 9 kêu gọi một “sự tiếp tục hiện diện trên không, trên bộ, trên biển và các hoạt động quân sự hữu ích ở phần phía đông của Liên Minh” 

Điều này bao gồm cả việc thiết lập một “lực lượng phản ứng nhanh” từ 3,000 đến 5,000 lính, để có thể gửi tới khu vực khủng hoảng trong ít ngày. Do các tài liệu thiết lập của Hội Đồng NATO-Nga vào năm 1997 cấm đóng quân NATO tại các nước cộng hòa cựu Soviet, quân đội đã được giữ tại các doanh trại của họ cho đến hiện tại. 

Trong bài phát biểu nhậm chức vào ngày 1 tháng 10, người kế vị Tusk, Ewa Kopacz nói rằng Ba Lan sẽ đáp ứng yêu cầu triển khai của NATO bằng cách gia tăng chi tiêu quân sự. Ngân sách quốc phòng sẽ được tăng thêm 190 triệu vào năm 2016, chiếm 2% GDP – mục tiêu được tổng thống Obama đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh. Đồng thời Kopacz kêu gọi sự hiện diện lớn hơn của quân đội Hoa Kỳ ở Ba Lan.

Chính sách quân sự của quốc gia hợp tác chặt chẽ với Đức. Vào tháng 3, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Đức Ursula von Leyen tham dự một cuộc họp công vụ ở Warsaw. Trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng của NATO vào tháng 6, được tổ chức ở Brussels, cả hai quốc gia đã cùng kêu gọi gia tăng nhân sự của Quân Đoàn Đa Quốc Gia Đông Bắc đóng ở Stettin của Ba Lan.

Một cuộc gặp tiếp theo của hai bộ trưởng đã được tổ chức vào tháng 6, tại đó “sự tăng cường và phát triển tiếp theo của quan hệ quốc phòng Đức-Ba Lan” đã được thảo luận, theo quan chức Đức.

Mới đây nhất, sau một gặp tại Hội Nghị Bundeswehr (quân đội Đức) ở Berlin vào ngày 29 và 30 tháng 10, bộ trưởng quốc phòng Ba Lan đã bình luận, “Rất dễ dàng để cho xe tăng, vũ khí phòng không và máy bay vào viện bảo tàng”. Cả hai quốc gia đã đồng ý phối hợp bộ binh.

Phía sau chính sách quốc phòng liên minh chặt chẽ với Đức và Hoa Kỳ của Ba Lan là tham vọng bành trướng khu vực ảnh hưởng của quốc gia về phía đông. Sự hợp tác với lực lượng phát xít bài Ba Lan như Svoboda và chính sách quân sự hiếu chiến nóng vội cho thấy rõ ràng là tầng lớp thượng lưu Ba Lan sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để kết thúc. Một sự khiêu khích quân sự của thành viên NATO có thể nhanh chóng biến thành cái cớ cho một cuộc chiến thảm họa với nước Nga được trang bị vũ khí hạt nhân.


No comments:

Post a Comment