Monday, November 10, 2014

Một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam phản đối chủ nghĩa quân phiệt Hoa Kỳ

Vào ngày 11 tháng 11 hàng năm, Hoa Kỳ sẽ vinh danh những anh hùng chiến tranh của họ. Nhưng nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ lại nghĩ khác, xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch "Reclaim Armistice Day and Honor the Real Heroes" của tác giả Arnold Olivier để biết tâm sự của họ. Tiêu đề bài viết do người dịch đặt.

Khôi phục Ngày Đình Chiến và vinh danh những người hùng chân chính

Không ít những cựu binh, tổ chức Cựu Chiến Binh Vì Hòa Bình cũng trong số họ, đang bối rối vì cái cách mà người Mỹ kỷ niệm lễ Cựu Chiến Binh vào ngày 11 tháng 11. Nguyên gốc của ngày lễ đó là Ngày Đình Chiến*, được Quốc Hội thông qua vào năm 1926 để “duy trì hòa bình bằng ý nguyện tốt lành và sự thấu hiểu đầy thiện cảm giữa các quốc gia, (và sau đó) là một ngày đặc biệt dẫn đến hòa bình thế giới”. Trong nhiều năm, rất nhiều nhà thờ đã rung chuông vào giờ thứ 11 của ngày 11 tháng 11 – giờ khắc mà súng ngừng bắn tại Mặt Trận Phía Tây, cho tới lúc đó 16 triệu người đã chết.

Cần phải nói thẳng ra là vào năm 1954, Ngày Đình Chiến đã bị một quốc hội quân phiệt chiếm đoạt, và ngày nay rất ít người Mỹ còn hiểu mục đích ban đầu của sự kiện đó, hay là nhớ tới nó. Thông điệp tìm kiếm hòa bình đã biến mất. Hiện giờ ngày đó được coi là Ngày Cựu Chiến Binh, nó đã tiến triển thành một dạng lễ tưởng niệm tôn kính theo kiểu chủ nghĩa quốc gia quá khích đối với chiến tranh và các chiến binh được cho là dũng cảm tham chiến. 

Đây là tin tức mới. Hầu hết những gì xảy ra trong thời chiến thật ra là phi anh hùng, và những người hùng trong chiến tranh rất ít cũng như rất thưa thớt.

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về thời gian tôi ở Việt Nam, tôi không phải là người hùng, và tôi không chứng kiến bất cứ chủ nghĩa anh hùng nào trong những năm tôi ở đó, đầu tiên là binh nhì và sau đó là trung sĩ quân đội Hoa Kỳ.

Đúng như vậy, có chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh Việt Nam. Ở cả hai phía tham gia xung đột đều có những hành động cao quý như hy sinh bản thân và dũng cảm. Quân lính trong đơn vị của tôi ngạc nhiên về việc quân lính Bắc Việt có thể kiên trì đối mặt suốt nhiều năm với hỏa lực dữ dội của Hoa Kỳ. Các y tá của quân đội Hoa Kỳ đã có những hành động dũng cảm khó tin để giải cứu thương binh dưới làn đạn.

Nhưng tôi cũng chứng kiến một số lượng đáng kể những hành vi xấu, một số là của bản thân tôi. Việc thiếu tôn trọng và lạm dụng thường dân Việt Nam, trong đó có rất nhiều tội ác chiến tranh, là phổ biến. Hơn nữa, mọi đơn vị đều có, và vẫn có các thành phần tội phạm, lừa đảo và côn đồ. Thiếu anh hùng nhất là các lãnh đạo quân sự và dân sự của Hoa Kỳ, những người này lập kế hoạch, dàn dựng và kiếm lợi lớn từ cuộc chiến hoàn toàn có thể tránh khỏi đó.

Sự thật rùng mình là cuộc xâm lược và chiếm đóng Việt Nam của Hoa Kỳ không liên quan gì đến việc bảo vệ hòa bình và tự do của Hoa Kỳ. Trái lại, chiến tranh Việt Nam đã chia rẽ Hoa Kỳ một cách cay đắng, và chiến tranh là để ngăn chặn chứ không phải bảo vệ sự độc lập của Việt Nam.

Không may mắn, Việt Nam không phải là ví dụ duy nhất. Nhiều cuộc chiến của Hoa Kỳ - trong đó có cuộc chiến tranh Mexico-Hoa Kỳ năm 1846, cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ năm 1898, và cuộc chiến tranh Iraq (danh sách không phải là đầy đủ) – được tiến hành với cái cớ ngụy tạo để chống lại các quốc gia không hề đe dọa Hoa Kỳ. Khó có thể hiểu được anh hùng ra sao khi lao vào những cuộc chiến tranh phi nghĩa. 

Nhưng nếu đại đa số các cuộc chiến không diễn ra bởi các lý do cao quý, và chỉ có một ít binh lính là anh hùng, thì có anh hùng thực sự nào đã bảo vệ cho hòa bình và tự do không? Nếu có thì họ là ai?

Tốt thôi, có rất nhiều, từ thời Chúa Jesus cho đến hiện giờ. Tôi liệt kê Gandhi, Tolstoy, tiến sĩ Martin Luther King, Jr. trong cùng một danh sách với nhiều người dòng Quaker và Mennonite. Cũng không nên quên tướng Smedley Buttler, người đã viết rằng “Chiến tranh là một thủ đoạn làm tiền”, và thậm chí là những loại như Robert McNamara, người đã đến vào phút chót.

Ở Việt Nam, chuẩn úy Hugh Thompson đã ngăn chặn không cho vụ thảm sát Mỹ Lai trở nên tồi tệ hơn.

Một ứng cử viên khác là cựu chuyên gia quân đội Hoa Kỳ Josh Stieber, người đã gửi thông điệp này tới người dân Iraq: “Trái tim nặng nề của chúng tôi vẫn nuôi hy vọng rằng chúng tôi có thể khôi phục sự thừa nhận trong nội bộ quốc gia của chúng tôi đối với bản chất con người của các bạn, thứ mà các bạn đã được dạy phải phủ nhận”. Hãy cân nhắc về một triệu người Iraq đã chết. Chelsea Manning ngồi sau chấn song sắt để trưng bày điều đó và những sự thật khác.

Những người hùng thật sự là những người chống lại chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt, thường là với thiệt hại cá nhân rất lớn.

Bởi vì chủ nghĩa quân phiệt đã tồn tại từ rất lâu, ít nhất từ khi Gilgamesh cùng với chiếc khiên lưới đi tới Sumeria vào khoảng 5000 năm trước đây, người ta cho rằng điều đó luôn luôn ở bên chúng ta. Nhưng nhiều người cũng nghĩ rằng bắt phụ nữ làm nô lệ và nô dịch sẽ tồn tại mãi mãi, và họ đã được chứng minh là sai. Chúng ta hiểu rằng chủ nghĩa quân phiệt sẽ không biến mất sau một đêm, loại bỏ nó là điều bắt buộc nếu chúng ta muốn tránh phá sản về mặt kinh tế cũng như đạo đức.

Như vị tướng nội chiến W. T. Sherman đã nói ở West Point, “Tôi thú nhận không hề xấu hổ rằng tôi mệt mỏi và phát ốm vì chiến tranh”. Chúng tôi sát cánh với bạn, người anh em.

Ngày 11 tháng 11 năm nay, Cựu Chiến Binh Vì Hòa Bình sẽ khôi phục lại truyền thống ban đầu của Ngày Đình Chiến. Hãy tham gia với chúng tôi và để cho những cái chuông được rung lên.

Arnold “Skip” Oliver writes for Peace Voice and is Professor Emeritus of Political Science at Heidelberg University in Tiffin, Ohio. A Vietnam veteran, he belongs to Veterans For Peace, and can be reached at soliver@heidelberg.edu.

*Chú thích của người dịch: Ngày Đình Chiến là ngày lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ I

5 comments:

  1. Hồi gì em có đọc bài của Trương Tưu về văn hóa nô dịch của Hoa Kỳ và bè lũ tay sai từ rất lâu rồi, từ khi cụ chưa gặp phải vụ Nhân văn giai phẩm, thì biết là những giáo sư kiểu như thế này (tức là đóng góp làm thức tỉnh người dân) rất dễ bị mất việc ở Hoa Kỳ, không biết những người này có gặp khó khăn gì không vào thời bây giờ? Hay là Hoa Kỳ có chiến thuật gì khiến những tiếng nói của những người này trở nên ngày càng yếu ớt, không đáng kể so với truyền thông?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Các quy luật kinh tế có sức mạnh lớn hơn các biện pháp chính trị nhiều. Một ông giáo sư muốn thành công và giàu có thì phải có nhiều sinh viên theo học. Sinh viên sẽ theo học những ông giáo sư nào có nhiều dự án nghiên cứu và thường xuyên xuất hiện trên truyền thông để truyền bá quan điểm. Song nếu quan điểm và đường lối của ông giáo sư này chống lại doanh nghiệp và chính quyền thì sẽ không có mấy ai tài trợ cho các dự án nghiên cứu của ông ấy, vì nguồn tài trợ chủ yếu là chính quyền và doanh nghiệp. Sau nữa truyền thông chính thống sẽ không đăng tải các quan điểm của ông giáo sư đó. Họ sống bằng tiền quảng cáo của doanh nghiệp, bằng nguồn tin của chính quyền nên không dại gì đăng tải các quan điểm chống doanh nghiệp hay chống chính quyền. Thế là ông giáo sư ấy sẽ đói, tiếng nói của ông ấy cùng lắm chỉ xuất hiện được ở những trang phi chính thống ít người biết.

      Đó là vấn đề kinh tế, không phải là văn hóa. Khi những giáo sư nhận thức được vấn đề kinh tế thì họ sẽ có xu hướng tự kiểm duyệt bản thân, đó mới là văn hóa.

      Bên cạnh đó, chính quyền vẫn có thể áp dụng các biện pháp hành chính để gây sức ép sa thải, kiểm duyệt truyền thông, đóng cửa các tổ chức, hay kiện các cá nhân nếu cần thiết.

      Delete
    2. vâng ạ, em cám ơn anh. Em cũng thấy sáng sủa hơn hẳn :D không biết là mấy vị có mác GS ở VN mà đăng đàn bày tỏ "bất đồng chính kiến" thì có nhận tài trợ của doanh nghiệp nào không mà hung hăng thế :D

      Delete
    3. "Bất đồng chính kiến" mà hung hăng thì phải hỏi mấy cái NGO như NED, Freedom House, Human Rights Watch... hoặc đại sứ quán Hoa Kỳ hay đại sứ quán Anh ấy. Mấy vị bày tỏ chính kiến với tối kiến thuộc thể loại khác rồi.

      Delete
    4. à, cám ơn anh đã chính xác từ ngữ lại :D

      Delete