Sunday, November 2, 2014

Putin chỉ rõ nguy cơ chiến tranh

Lịch sử đang lặp lại theo đúng quy luật của nó. Nếu như trước đây giai cấp tư sản đã dựa vào nhà nước quốc gia dân tộc để đánh bại các lãnh chúa phong kiến xây dựng lên các quốc gia tư bản chủ nghĩa, thì giờ đây chính các quốc gia dân tộc đang ngày càng trở nên chật hẹp đối với giai cấp tư sản. Đã đến lúc giai cấp tư sản phải thanh toán các quốc gia dân tộc để mở đường cho một cấu trúc siêu quốc gia, cho một giai cấp tư sản thế giới. Các quốc gia dân tộc đang vỡ nát dưới sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, không phải vì chúng vô đạo đức hay tàn bạo, mà trước hết là vì chúng đã phá sản về mặt kinh tế. Một mặt các quốc gia dân tộc không còn có thể bảo vệ cho giai cấp tư sản khỏi sự thôn tính lẫn nhau về kinh tế, mặt khác chính các quốc gia dân tộc dưới sự thống trị của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bên cạnh việc phát triển sức sản xuất không ngừng lại đang lãng phí một cách vô độ các tài nguyên và lao động của quốc gia, sự lãng phí đó là nguồn nuôi dưỡng vô tận các phong trào cực đoan phản động nhất. Sự phá sản về kinh tế thể hiện ra thành sự phá sản về mặt chính trị khi các quốc gia dân tộc không ngừng đối đầu với nhau với quy mô ngày càng lớn và các lực lượng cực đoan phản động không ngừng gây ra các cuộc xung đột khu vực dữ dội. Trong cuộc đối đầu không thể tránh khỏi giữa chủ nghĩa tư bản và quốc gia dân tộc, giai cấp tư sản sẽ một lần nữa buộc phải đặt vũ khí vào tay giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản với vũ khí trong tay sẽ không đứng về phía đế quốc này để chống lại đế quốc kia, sứ mệnh của giai cấp vô sản là thanh toán chủ nghĩa tư bản đã phá sản hoàn toàn và xây dựng chủ nghĩa xã hội.


Để hiểu thêm về sự đối đầu giữa các đế quốc hiện nay, mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài viết "Putin points to growing war dangers" của tác giả Nick Beams. 

Putin chỉ rõ nguy cơ chiến tranh đang gia tăng 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thắn cảnh báo các hoạt động của Washington, vi phạm các quy tắc đã chi phối quan hệ quốc tế kể từ khi thế chiến thứ II kết thúc, có thể dẫn đến chiến tranh. 

Tuyên bố của ông ta xuất hiện trong một bài diễn văn vào ngày 20 tháng 10 tại một cuộc mít-ting được Câu Lạc Bộ Thảo Luận Quốc Tế Valdai tổ chức ở khu nghỉ dưỡng mùa đông Sochi của Nga. Chủ đề của cuộc thảo luận, có sự tham gia của các nhà báo, chuyên gia về chính sách đối ngoại, và các học giả của Nga cũng như quốc tế, là Trật Tự Thế Giới: Quy Tắc Mới hay Cuộc Chơi không Quy Tắc 

Putin đã mở đầu, “công thức này mô tả chính xác điểm nút lịch sử mà chúng ta đạt tới hôm nay và sự lựa chọn mà tất cả chúng ta phải đối mặt … Sự thay đổi của trật tự thế giới – và những gì chúng ta thấy hôm nay là những sự kiện ở quy mô này – thường xuyên được xác nhận bởi, nếu không phải là chiến tranh và xung đột toàn cầu, thì cũng là các chuỗi xung đột sâu sắc ở quy mô khu vực”. 

Bài phát biểu của Puti bao gồm hàng loạt các lên án đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh. Ông ta nói, Hoa Kỳ đã tự tuyên bố là người chiến thắng, không thấy nhu cầu cần phải thiết lập “một cân bằng quyền lực mới, cấp thiết để duy trì trật tự và ổn định” và thay vào đó “tiến tới đẩy hệ thống vào mất cân bằng nghiêm trọng và sâu sắc”. 

Mặc dù vậy, điểm nhấn mạnh của Putin không chỉ là sự lên án đối với Hoa Kỳ mà cũng là hệ quả của việc Kremlin giải tán Liên Bang Soviet vào năm 1991 để khôi phục chủ nghĩa tư bản. Vào lúc đó, tất cả tầng lớp quan liêu chủ nghĩa Stalin đều nhất trí phủ nhận khái niệm chủ nghĩa đế quốc, coi đó là một điều hư cấu chính trị do Lenin và Đảng Bolshevik sáng tạo ra 

Kể từ đó, sự hình thành tầng lớp tư bản tài phiệt kinh doanh siêu giàu, xa lạ với nhân dân, cai trị một tập hợp các nước cộng hòa Soviet cũ dựa trên nền tảng của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, đã tạo ra cho các quyền lực đế quốc NATO một mảnh đất màu mỡ để gieo trồng “cách mạng màu” và nội chiến sắc tộc. Điều đó dẫn đến cuộc đảo chính do Hoa Kỳ và Đức hậu thuẫn ở Ukraina vừa qua, đẩy Nga và NATO đến bờ vực chiến tranh. 

Putin kết nối các hoạt động của Hoa Kỳ với hành vi của những kẻ mới phất, “khi họ đột ngột kiếm được một tài sản lớn, trong trường hợp này là dưới dạng sự lãnh đạo và thống trị thế giới. Thay vì quản lý của cải của họ một cách khôn ngoan, tất nhiên là vì lợi ích của bản thân họ, tôi cho rằng họ đã gây ra nhiều điều rồ dại.” 

Trong thập kỷ qua, Putin nói, luật pháp quốc tế đã bị cưỡng bức phải thoái lui dưới hình thức của “chủ nghĩa vô chính phủ pháp lý”. Các quy định pháp lý đã bị thay thế bởi “sự diễn giải độc đoán và đánh giá thiên kiến.” Đồng thời, “kiểm soát toàn diện truyền thông toàn cầu đã tạo ra khả năng, nếu muốn, biến trắng thành đen và đen thành trắng.” 

Liên hệ với những sự tiết lộ về các chiến dịch của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, tổng thống Nga nói “đại ca” đang chi “hàng tỷ dollar để theo dõi toàn bộ thế giới, bao gồm cả các đồng minh thân cận nhất”. 

Phê phán các hoạt động của Hoa Kỳ ở Trung Đông, Afghanistan và Ukraina, Putin nói sự áp đặt độc đoán đơn phương thay vì dẫn đến hòa bình và thịnh vượng, đã tạo ra các kết quả trái ngược. “Thay vì giải quyết các xung đột thì dẫn đến sự leo thang của chúng, thay vì chủ quyền và quốc gia ổn định thì chúng ta thấy sự mở rộng của hỗn loạn, và thay vì dân chủ thì những lực lượng rất đáng ngờ, từ phát xít mới cho đến cực đoan Hồi giáo được hỗ trợ.” 

Ở Syria, Hoa Kỳ và đồng minh của họ có những kẻ nổi loạn được vũ trang và cung cấp tài chính, cũng như cho phép họ thu nhận lính đánh thuê từ nhiều quốc gia khác nhau. “Hãy cho tôi hỏi rằng những kẻ nổi loạn lấy tiền, vũ khí và chuyên gia quân sự từ đâu? Tất cả mọi thứ đến từ đâu? Làm thế nào mà nhóm ISIL khét tiếng trở thành một nhóm đầy quyền lực, một lực lượng vũ trang căn bản?” 

Không có gì phải hoài nghi khi Washington và các đồng minh Châu Âu đã đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh bằng cách chống lưng cho những tay sai Hồi giáo Sunni bảo thủ có liên hệ với Al Quaeda ở Trung Đông, và lực lượng phát xít như du kích Right Sector ở Ukraina. 

Tuy nhiên, sự phê phán của Putin là trống rỗng và bất lực về mặt chính trị. Chính phủ của ông ta dựa trên các gã côn đồ và du côn chủ nghĩa quốc gia để kiểm soát các khu vực thuộc Nga bị chia rẽ bởi chiến tranh sắc tộc, như Chechnya và Bắc Caucasus, cũng như ủng hộ du kích phản động Shiite do Iran hậu thuẫn ở Iraq và khắp Trung Đông. Các bình luận của Putin rút cục phản ánh nỗ lực triển khai thỏa thuận với các bộ phận của tầng lớp thống trị ở Hoa Kỳ cũng như Châu Âu, vốn đang quan ngại sự tin cậy của Hoa Kỳ đối với Al Qaeda và phát xít Ukraina có thể quá rủi ro đối với chính sách. 

Putin thúc giục một sự thừa nhận lớn hơn đối với các lợi ích của Kremlin, cho rằng thời kỳ đơn cực dưới sự thống trị của Hoa Kỳ đã cho thấy chỉ có một trung tâm quyền lực không làm cho chính trị thế giới dễ điều khiển hơn. Điều đó đã mở ra con đường cho sự thổi phồng tự hào quốc gia, thâu tóm ý kiến công chúng và “để cho những kẻ mạnh bắt nạt và đàn áp kẻ yếu. Về căn bản, thế giới đơn cực đơn giản là công cụ biện minh cho chế độ độc tài đối với nhân dân và quốc gia”. 

Putin cảnh báo rằng nếu không có một hệ thống các hiệp ước và cam kết rõ ràng để quản trị quan hệ quốc tế, cùng với cơ chế quản lý và xử lý các tình huống khủng hoảng, “hội chứng vô chính phủ toàn cầu sẽ gia tăng không thể tránh khỏi.” 

“Nhiều quốc gia không thấy con đường nào khác để đảm bảo chủ quyền của họ ngoài việc với lấy những quả bom của họ. Điều này cực kỳ nguy hiểm”, ông ta nói thêm. 

Những bình luận thẳng thắn của người đứng đầu một quốc gia trong số các quốc gia chính yếu sở hữu vũ khí hạt nhân là sự cảnh báo sâu sắc đối với giai cấp lao động. 

Mặc dù vậy, trong sự leo thang quân sự này, nguy cơ chủ yếu đối với giai cấp lao động quốc tế là chủ nghĩa sô vanh phản động Nga của chính quyền Putin. Thù địch mọi lời kêu gọi tình cảm chống chiến tranh của tầng lớp lao động quốc tế, mà họ sợ là sẽ gây nguy hiểm cho của cải phi nghĩa của họ, chính quyền Putin đã phản ứng với cuộc khủng hoảng Ukraina bằng cách gia tăng chủ nghĩa quân phiệt Nga và hoan nghênh chính quyền kiểu Sa hoàng. 

Trong bài phát biểu vào ngày 1 tháng 8 tại lễ kỷ niệm 100 năm thế chiến thứ I ở đồi Poklonnaya của Moscow, Putin đề cao cuộc tấn công “huyền thoại” của tướng Sa hoàng Aleksei Brusilov và lên án những người Bolshevik cũng như Cách Mạng Tháng Mười. Ông ta nói: “Chiến thắng đã bị đánh cắp khỏi đất nước. Chiến thắng bị đánh cắp bởi những kẻ kêu gọi sự bại trận của tổ quốc và quân đội, gieo mầm bất hòa cho trong nước Nga, và bất thình lình giành quyền lực, phản bội các lợi ích quốc gia”. 

Chủ nghĩa quốc gia phản cách mạng Nga sẽ phá sản hoàn toàn khi đối mặt với sự bùng nổ mới của khiêu khích và chiến tranh đế quốc. 

Bình luận mới nhất của Putin dường như được thúc đẩy, ít nhất là một phần, bởi nỗi sợ hãi đối với việc giá dầu toàn cầu sụt giảm nhanh chóng, cùng với các biện pháp trừng phạt được áp đặt ngoan cố của Hoa Kỳ, sẽ phá hủy kinh tế Nga. 

Giá dầu giảm, từ khoảng 100 dollar xuống 80 dollar/ thùng, có thể làm giảm 2 điểm phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội của Nga và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngân sách của chính quyền, do đó gây mất ổn định chính quyền Putin, vốn dựa trên một mạng lưới các tư bản tài phiệt hùng mạnh. 

Bất kể động cơ của bài phát biểu là gì, nguy cơ chiến tranh mà nó chỉ ra là có thực và đang gia tăng. Vấn đề được Putin công khai về vai trò của Hoa Kỳ không cần phải hoài nghi là sẽ được thảo luận sau những cánh cửa đóng kín tại các phòng họp chính trị ở các quốc gia chủ chốt. 

Tác động của giá dầu giảm đối với Nga đã cho thấy, những cẳng thẳng địa chính trị sẽ được thổi bùng lên bởi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hơn và khuynh hướng dẫn đến giảm phát cũng như trì trệ kinh tế khắp thế giới. 

Nguy cơ chiến tranh mà Putin mô tả được nhấn mạnh trong các bình luận về hội thảo của một chuyên gia Hoa Kỳ về Nga, Christopher Gaddy của viện Brookings. Hai ngày trước khi Putin phát biểu. Gaddy nhắc đến "Người Mộng Du", một cuốn sách về nguồn gốc thế chiến thứ I của nhà sử học Christopher Clark, và đưa ra sự tương đồng với tình hình hiện tại. 

“Tôi rất sợ rằng .. có các thành phần mộng du trong chính sách của những người chơi chủ chốt trên thế giới ngày nay”, Gaddy nói, đề cập rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga được Hoa Kỳ thiết kế và lôi kéo bởi một nhóm nhỏ với mục tiêu không rõ ràng cũng như kết quả đáng ngờ. 

No comments:

Post a Comment