Saturday, November 3, 2012

Lan man chuyện tấu hài

Có một dạo người ta tranh luận về tấu hài, đại thể chia làm hai loại là tấu hài kiểu miền Nam và tấu hài kiểu miền Bắc, rồi tranh cãi chê bai lẫn nhau ỏm tỏi cả lên. Tỏi mà phi với mỡ lợn thì tất nhiên thơm điếc mũi hàng xóm. Thời bao cấp hay phổ biến chuyện cười kiểu như nhà chả có gì nhưng bữa nào cũng phi tỏi thơm lừng để tỏ vẻ nhà mình ăn sang lắm.

Tranh cãi về tấu hài thì thường là dựa vào những định kiến chung chung kiểu như: Tấu hài miền Nam thì nhạt nhẽo chỉ cốt chọc cười nên chóng quên còn tấu hài miền Bắc thì thâm sâu không cốt chọc cười nên đã hiểu thì khó quên. Ngày nào mà cũng phải ngửi mùi tỏi phi với mỡ lợn thì tất nhiên đến lúc ăn món gì có cái mùi đó thì dễ bị lợm giọng, nuốt không nổi.

Hôm rồi có cuộc thi tấu hài, cái đề thi được đặt như vầy.

Có hai người nói chuyện với nhau.

Người thứ nhất nói: "Em nói rồi mà anh đâu có chịu nghe, cứ hứa hẹn đủ thứ rồi làm tới, giờ có hậu quả rồi nè. Anh tính sao đây?"

Người thứ hai nói: "Tại lúc đó sướng quá nên anh chả nhớ được gì ráo, mà hậu quả sao em?"

Người thi tấu hài sẽ phải nói tiếp để chọc cười, có hai người làm được, một người theo kiểu miền Nam còn người kia theo kiểu miền Bắc.

Người tấu hài theo kiểu miền Nam nói: "Thiệt ra em thấy hậu quả cũng chưa rõ lắm, hay mình làm lại lần nữa cho chắc ăn nghe cưng."

Người tấu hài theo kiểu miền Bắc nói: "Anh không thấy em phải đứng từ nãy giờ đó hả, có ngồi nổi nữa đâu."

Mới đây có bà đại biểu Quốc Hội đưa ra một đề xuất như sau:

498 đại biểu và toàn bộ thành viên của Chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”.

Đối với cán bộ công chức trong bộ máy Nhà nước, theo nữ đại biểu này, những ai đã lỡ tham nhũng thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố, nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản bất minh đã có được.
Có thể thấy đề xuất này là một chuyện hoàn toàn nghiêm túc, không phải là đầu bài cho một cuộc thi tấu hài. Mà lỡ ra nếu có kẻ nào táo gan dám đưa chuyện hứa hẹn đàng hoàng đó ra làm đầu bài thi tấu hài thì cuộc thi sẽ bể, cho dù có tấu hài kiểu Nam hay kiểu Bắc cũng sẽ không thể nào chọc cười người ta được như trong cuộc thi ở trên. Mọi cố gắng sẽ chỉ đem lại những điều nhạt nhẽo vô bổ, khán giả sẽ bỏ về sạch cho thí sinh tấu hài đứng đó mà diễn với nhau.

Nói chung, tỏi vẫn phải phi với mỡ lợn mới tra tấn được lỗ mũi hàng xóm chớ cho vào nước để luộc thì chỉ có phí tỏi.



Wednesday, October 31, 2012

Tăng phí dịch vụ y tế có làm dân bớt khổ?

Nếu có ai đó đi một vòng quanh hệ thống cơ sở y tế của Việt Nam thì sẽ nhận thấy một điều kỳ lạ, có những bệnh viện chật cứng người đến khám chữa bệnh trong khi những cơ sở khác vắng tanh. Ở những bệnh viện đông khách thì bệnh nhân xếp hàng chen chúc khổ sở trong khu vực khám chữa bệnh chính thức theo đơn giá nhà nước quy định, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu với đơn giá riêng của bệnh viện, nơi mà mọi sự đều hết sức dễ chịu, người bệnh được phục vụ nhanh chóng với trang thiết bị tốt hơn.

Hệ thống y tế ở Việt Nam về bản chất là một hệ thống cung cấp dịch vụ y tế công ích, nó được phân bổ theo khu vực hành chính chứ không theo nhu cầu khám chữa bệnh thực tế của dân cư. Trải qua một thời gian dài sự phát triển của kinh tế khiến nhu cầu khám chữa bệnh và bản thân việc khám chữa bệnh cũng biến đổi tương ứng, hệ thống y tế phân bổ theo khu vực hành chính không thể thích ứng được với tình hình một số lượng lớn dân cư dồn vào các thành phố lớn, cũng như giao thông đã được cải thiện đáng kể. Một số lượng lớn cư dân có thể dễ dàng tiếp cận các bệnh viện có chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn hơn trong hệ thống và bỏ qua các cơ sở chỉ cung cấp những dịch vụ tối thiểu ở địa phương. Hệ quả tất yếu là các cơ sở y tế tốt ở đô thị luôn bị quá tải trong khi các cơ sở ở địa phương lại hầu như không có bệnh nhân. Việc tiếp tục duy trì hệ thống không theo nhu cầu thực tế như vậy sẽ tạo ra một gánh nặng tài chính lớn, do một mặt phải không ngừng đầu tư cho các cơ sở y tế đông bệnh nhân mà vẫn phải bù lỗ cho các cơ sở y tế vắng khách ở các địa phương.

Sự phát triển của nền kinh tế cũng tạo ra sự phân hóa trong khối bệnh nhân, nếu như trước kia cái khối đó chỉ gồm toàn những người không có nhiều khả năng chi trả cho dịch vụ y tế thì giờ đây đã xuất hiện một số lượng lớn những người sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những dịch vụ y tế tốt hơn. Song đó chỉ là một nửa của vấn đề nếu không nhìn nhận thấy rằng chính bản thân ngành y tế cũng đã thay đổi, từ chỗ chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu hạn chế trước kia thì giờ đây đã có thể đáp ứng những nhu cầu cao hơn. Ở các bệnh viện mà bệnh nhân dồn về đông đã xuất hiện các hình thức khám chữa bệnh theo yêu cầu, tức là đáp ứng yêu cầu cao hơn và với đơn giá thỏa thuận khác với đơn giá của nhà nước, về bản chất chính là hoạt động kinh doanh vì phần lớn thu nhập từ phần khám dịch vụ sau khi khấu trừ chi phí sẽ được chuyển thành thu nhập của các nhân viên y tế.

Hệ thống khám chữa bệnh theo dịch vụ một mặt đáp ứng nhu cầu cao hơn của người bệnh, mặt khác cũng tạo ra sự cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế. Một ví dụ dễ thấy là việc bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh với chất lượng tốt hơn, đó chính là làm kinh doanh một cách phi chính thức. Vấn đề là ở chỗ cũng bệnh viện ấy, cũng những y bác sĩ ấy, cũng hệ thống trang thiết bị y tế đó giờ phải đáp ứng cho cả hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh. Khi nhu cầu và thu nhập từ phần kinh doanh càng ngày càng trở nên lớn hơn phần công ích thì tất yếu cơ sở vật chất, thời gian hoạt động của y bác sĩ sẽ được phân bổ sang phần kinh doanh nhiều hơn trong khi vẫn phải duy trì dịch vụ công ích ở mức độ đúng theo quy định của nhà nước. Những nguồn lực dành cho dịch vụ công ích tất yếu sẽ bị bớt xén dưới nhiều hình thức khác nhau và do đó chất lượng dịch vụ y tế công ích sẽ giảm sút.

Hệ thống khám chữa bệnh theo yêu cầu cần phải được đánh giá theo cơ chế thị trường tức là được phải được thể hiện qua việc hạch toán độc lập chi phí và lợi nhuận, nhưng ở ngành y tế thì không diễn ra như vậy. Có hai khía cạnh có thể nhận thấy là một mặt thì doanh thu của dịch vụ này không được hạch toán đầy đủ, mặt khác là chi phí của phần dịch vụ vẫn được các cơ sở y tế hạch toán như là chi phí của phần công ích, như vậy rất khó có thể biết được lợi nhuận, thứ duy nhất tồn tại công khai là bảng giá dịch vụ. Ví dụ như việc bác sĩ nhận phong bì để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn thì tiền trong phong bì chính là doanh thu của dịch vụ nhưng sẽ không được hạch toán, cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư khi sử dụng cho phần dịch vụ sẽ chỉ được bù đắp chi phí đầu tư mà không tính đến chi phí cơ hội. Phần khám chữa bệnh theo yêu cầu là do cơ sở tự chủ nên Bộ Y Tế hầu như là không nắm được con số cụ thể. Những vấn đề như: Phần kinh doanh của các bệnh viện thực tế là lỗ hay lãi? Nếu lỗ thì khoản lỗ đó được hạch toán vào đâu? Nếu lãi thì khoản lãi đó đi đâu? Có thể so sánh lỗ lãi giữa các cơ sở y tế có dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để đánh giá hiệu quả không? Các cơ sở y tế có đóng thuế thu nhập cho phần kinh doanh không? Hoàn toàn không thể có câu trả lời, đây chính là khoảng trống trong quản lý của ngành y tế. Điều này cũng dẫn đến một hệ quả khác, khi các cơ sở y tế công không phải tính toán chi phi cơ hội của các khoản đầu tư thì họ có khả năng cung cấp các dịch vụ có chất lượng tương đương với giá thấp hơn các cơ sở tư nhân, tức là tạo ra cạnh tranh không bình đẳng với các cơ sở tư nhân.

Hệ thống y tế phải đối mặt với sự lộn xộn về tài chính do hạch toán chi phí không hợp lý ngay chính trong bản thân các cơ sở y tế. Nếu chỉ đơn thuần tăng chi phí dịch vụ khám chữa bệnh công ích lên mà không tách bạch phần hai phần chi phí kinh doanh và chi phí công ích cũng như đánh giá hiệu quả tài chính của phần kinh doanh thì sẽ không thay đổi được hiện trạng. Khi các bệnh viện phải gia tăng chất lượng dịch vụ y tế công ích, một phần lớn bệnh nhân sẽ chuyển từ dịch vụ theo yêu cầu sang dịch vụ công ích, điều đó làm giảm sút thu nhập của nhân viên y tế, thì việc tiếp theo mà các bệnh viện sẽ làm là gia tăng chất lượng hơn nữa cho phần dịch vụ theo yêu cầu để giữ chân bệnh nhân, tức là sẽ phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn nữa cho phần kinh doanh. Các nguồn lực cho dịch vụ công ích có thể tăng thêm trên sổ sách nhưng phần lớn nó sẽ bị hút vào phần dịch vụ theo yêu cầu.

Bảo hiểm y tế có thể giúp gia tăng số lượng người bệnh có khả năng chi trả cho dịch vụ công ích nhưng chính nó cũng lại gia tăng sức ép lên phần dịch vụ công ích của các cơ sở y tế, chất lượng dịch vụ y tế công ích vì thế sẽ khó có thể được cải thiện.

Việc gia tăng đầu tư cơ sở vật chất cũng như tăng số lượng bác sĩ cho các cơ sở y tế tuyến dưới có thể trở thành sự lãng phí khi các cơ sở đó không thu hút được nhiều bệnh nhân hơn, nhưng ngay cả khi thu hút được nhiều bệnh nhân hơn thì lại hoàn toàn có thể rơi vào trường hợp rối loạn về tài chính do không hạch toán chi phí của phần kinh doanh đúng theo giá trị thực.

Mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh đang bị quá tải hay xây thêm cơ sở mới đều có thể làm tình trạng quá tải về tài chính trở nên trầm trọng hơn, vì hệ thống tài chính y tế sẽ gánh vác phần bất hợp lý về chi phí lớn hơn. Tăng lương cho các nhân viên y tế cũng khó lòng cải thiện được chất lượng dịch vụ vì nguyên nhân chính của chất lượng dịch vụ kém chính là hệ thống y tế bị quá tải khi vừa phải đáp ứng các chỉ tiêu ngày càng tăng của Bộ Y Tế về khám chữa bệnh công ích vừa phải cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu.

Gia tăng đầu tư cho khu vực y tế công nhưng không hạch toán chi phi cơ hội và minh bạch hóa doanh thu của phần dịch vụ sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa cơ sở y tế công và tư nhân, các cơ sở công có cơ hội đặt giá thấp hơn đối với dịch vụ có chất lượng tương đương để thu hút bệnh nhân và khiến cho các cơ sở tư nhân không phát triển được.

Bộ Y Tế tăng phí dịch vụ khám chữa bệnh khi thấy rằng phí đó đã quá lạc hậu so với thực tế là việc làm hoàn toàn cần thiết, song nếu việc đó không đi cùng với hai việc, thứ nhất là sắp xếp lại mạng lưới y tế theo nhu cầu sử dụng dịch vụ, thứ hai là hạch toán phần kinh doanh tách bạch khỏi phần công ích thì có thể sẽ không giải quyết được tình trạng lộn xộn về tài chính cũng như không cải thiện được chất lượng dịch vụ y tế. Tăng chi phí dịch vụ y tế vì vậy có thể không làm người dân đỡ khổ nếu Bộ Y Tế không thay đối cách thức quản lý đối với các cơ sở y tế.

Tài liệu tham khảo:

1) Dân phải chịu khổ vì giá dịch vụ y tế thấp
2) Liệu có sự phân biệt giàu-nghèo trong khám chữa bệnh
3) Nghị định số 43/2006/NĐ-CP


Monday, October 29, 2012

Mốt sách

Sách giờ là mốt. Người đẹp chụp ảnh thì phải giở "Vô Tri" của Milan Kundera còn trí thức dân chủ thì cũng phải chìa gáy "Chính Thể Đại Diện" của J.S. Mill. 

Hồi ông Vũ Trọng Phụng còn viết phóng sự, có cô đầu ngày nào cũng bắt em út đi mua nhật báo về đọc. Thời ấy có tới hơn 95% dân chúng mù chữ, gái làng chơi mà biết đọc báo thì sang chả kém mấy ông tiến sĩ biết nói tiếng ngoại quốc. 

Nhắc đến tên Milan Kundera thì tuyệt đại đa số dân Việt Nam chả biết là ai, còn "Chính Thể Đại Diện" xuất bản có 1.500 cuốn. 

Một em gái làng chơi bị khách bùng tiền lên mạng chửi đổng: Cùng là kiếp ca-ve mà Thúy Kiều được vào sách giáo khoa kể chuyện, còn bà đây bị quịt tiền đếch biết kêu ai. 

Cả đám nhẩy bổ vào hỏi lao xao: "Đứa nào mua dâm?" 

Chủ hiệu sách đóng cửa, miệng lầm bầm: "Phen này ông quyết đi buôn bao cao su!" 

Saturday, October 27, 2012

Ngân hàng có lợi gì khi huy động vàng?

Thị trường vàng đang rung chuyển sau khi nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng và buộc các ngân hàng chấm dứt huy động vàng. Tại sao ngân hàng huy động vàng? Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước lại muốn chấm dứt điều đó? Tất cả những câu hỏi đó đều sẽ không thể trả lời được nếu không hiểu ngân hàng kinh doanh như thế nào với vàng.

Trong thời kỳ lạm phát cao và giá vàng gia tăng ổn định thì người dân thường chuyển các khoản tiền tiết kiệm của mình sang vàng, đó hoàn toàn là một việc bình thường và thiết thực để bảo vệ lợi ích của bản thân. Khi nhận thấy một khối lượng vàng lớn được tích tụ lại trong dân cư thì ngân hàng sẽ tìm cách khai thác khối giá trị đó để kinh doanh, việc huy động vàng ra đời trong bối cảnh như vậy.

Ngân hàng sẽ nhận vàng gửi của người dân và sử dụng số vàng đó vào việc kinh doanh khi hết hạn gửi thì người dân sẽ nhận lại số vàng đã gửi vào ngân hàng kèm theo một khoản tiền lãi nhất định tính theo giá trị bằng tiền của số vàng đã gửi tại thời điểm gửi vào. Nếu nhìn một cách hời hợt theo bề ngoài của quan hệ này thì ngân hàng hoàn toàn không có lợi gì khi huy động vàng mà thậm chí còn thiệt vì phải trả lãi suất. Khi vàng ở trong tay người dân chỉ là phương tiện tiết kiệm, còn ở trong tay ngân hàng thì là phương tiện kinh doanh, sẽ không thể hiểu được lợi ích của ngân hàng khi không dõi theo cách thức họ kinh doanh. 

1) Các mô hình kinh doanh của ngân hàng

Giả sử một ngân hàng huy động được 10 lượng vàng của người gửi với lãi suất 1,6%/năm, giá vàng tại thời điểm huy động là 47 triệu, lãi suất huy động tiền mặt là 9%, lãi suất cho vay là 14%. Ngân hàng sẽ kinh doanh như sau:

Cách thứ nhất: 

Ngân hàng có thể bán đi 9 lượng vàng để thu được: 9x47= 423 triệu, chỉ cần giữ lại 1 lượng để thanh toán cho người gửi đến hạn. 

Khi huy động 10 lượng vàng trị giá 10x47= 470 triệu với lãi suất 1,6% thì số tiền lãi ngân hàng phải trả cho người gửi là: 470x1,6%= 7,52 triệu. 

Ngân hàng thu được 423 triệu tiền mặt, số tiền này khi phải huy động tiền gửi là tiền mặt với lãi suất 9% thì khoản tiền lãi mà ngân hàng phải trả cho người gửi là: 470x9%= 42,3 triệu. Sở dĩ có con số 470 ở đây vì muốn có 423 triệu khả dụng thì ngân hàng phải huy động 470 triệu, tức là giữ lại 47 triệu để trả cho người rút tiền đến hạn.

Chênh lệch tiền lãi phải trả giữa huy động tiền mặt và huy động vàng là 42,3-7,52= 34.78 triệu.

Việc huy động vàng giúp ngân hàng có được nguồn tiền mặt với chi phí  thấp hơn huy động tiền mặt rất nhiều, tiết kiệm tới: 34,78/42,3 = 82,22%. 

Ngân hàng có thể đem số tiền 423 triệu cho vay với lãi suất 14% tức là sẽ thu được khoảng tiền lãi là: 423x14%= 59.22 triệu. Lợi nhuận khi huy động vốn bằng vàng sẽ là: 59,22 - 7,52= 51,7 triệu, trong khi đó lợi nhuận khi huy động vốn bằng tiền mặt là: 59,22 - 42,3 = 16,92 triệu, có thể dễ dang nhận thấy lợi nhuận khi huy động vốn bằng vàng cao gấp 3 lần lợi nhuận khi huy động vốn bằng tiền mặt.

Điều này giải thích tại sao các ngân hàng ưa thích huy động vốn bằng vàng. Tuy nhiên, cách kinh doanh này cũng có một khía cạnh bất lợi nhất định, đó là rủi ro về giá vàng. Khi giá vàng giảm thì ngân hàng đương nhiên có lợi nhưng khi giá vàng tăng thì ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận vì phải mua vàng giá cao hơn để trả lại cho người gửi, có thể dễ dàng tính được mức giá vàng khiến các ngân hàng mất hết lợi nhuận: (423+ 51,7)/9 = 52,74 triệu. Giá vàng phải tăng từ 47 triệu lên 52,74 triệu, tức là tăng 12,2% thì mới làm cho lợi nhuận của ngân hàng bằng 0.

Cách thứ 2: 

Ngân hàng sẽ phát hành tín phiếu được đảm bảo bằng vàng, chứ không bán số vàng huy động được để lấy tiền mặt. Ngân hàng sẽ bán những tín phiếu ghi 1 lượng vàng cho người mua với giá 47 triệu và mua lại những tín phiếu này khi người đó muốn bán với giá vàng tại thời điểm thanh toán.

Với 10 lượng vàng trị giá 470 triệu huy động được thì ngân hàng có thể phát hành 100 tín phiếu với giá trị mỗi tín phiếu là 47 triệu, theo nguyên tắc đảm bảo 10% dự trữ như ở cách thứ nhất, số tiền ngân hàng thu được sẽ là 47x100= 4700 triệu.

Muốn huy động số tiền 4700 triệu này bằng tiền mặt thì ngân hàng sẽ phải trả khoản lãi là: 4700x9%= 423 triệu. Ở cách thứ nhất đã tính được chi phí huy động vàng là: 7,52 triệu, ngân hàng thông qua cách này đã tiết kiệm được: 423-7,52= 415,48 triệu. Khoản tiết kiệm được lên tới 98,22% tổng chi phí, cao hơn con số 82,22% ở cách thứ nhất rất nhiều.

Nếu ngân hàng cho vay khoản tiền 4700 triệu với lãi suất 14% thì tiền lãi thu được là 4700x14%= 658 triệu. Lợi nhuận sẽ là; 658 - 7,52 = 650,48 triệu.

Trong khi đó nếu huy động 4700 triệu với lãi suất 9% và cho vay 4230 triệu với lãi suất 14% thì ngân hàng chỉ thu được lợi nhuận là: 4230x14% - 423 = 169,2 triệu.

Có thể thấy lợi nhuận từ phát hành tín phiếu đảm bảo bằng vàng cao gấp 3,84 lần so với huy động tiền mặt. Trong cách kinh doanh thứ hai này ngân hàng cũng có thể gặp rủi ro khi giá vàng tăng lên, trường hợp khiến cho lợi nhuận của ngân hàng bằng 0 là khi, giá vàng tăng lên mức: 47 + (50,48/10) = 52,048 triệu, tức là giá vàng phải tăng lên 11,66 %.

Tổng kết lại các trường hợp:

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vốn bằng tiền mặt: 16,92 triệu

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vàng, bán lấy tiền và cho vay: 51,7 triệu, mức độ rủi ro liên quan đến giá vàng tăng 12,2%

- Lợi nhuận của ngân hàng khi huy động vàng và phát hành tín phiếu: 650,48 triệu, mức độ rủi ro liên quan đến giá vàng tăng 11,66%.

2) Tại sao Ngân Hàng Nhà Nước buộc các ngân hàng ngừng huy động vàng?

Việc huy động vốn vay bằng vàng đem lại cho ngân hàng lợi nhuận rất lớn so với việc huy động tiền mặt. Điều này hoàn toàn trái ngược với những quan điểm nông cạn cho rằng việc huy động vàng làm thiệt hại cho ngân hàng. Với phương pháp phát hành tín phiếu thì ngân hàng có thể tiền tệ hóa vàng miếng và cung cấp một lượng vốn rất lớn để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế. Ngân Hàng Nhà Nước hoàn toàn nắm rất rõ điều này.  

Rủi ro duy nhất mà ngân hàng khi huy động vàng đó chính là vấn đề giá vàng, trong trường hợp giá vàng đột ngột tăng hoặc giảm mạnh. Song với việc các ngân hàng tính toán các thời hạn huy động vàng một cách hợp lý thì rủi ro từ việc tăng giá vàng không phải là quá lớn. Mặt khác các ngân hàng còn có tài khoản vàng tại thị trường quốc tế để tiến hành các nghiệp vụ tự bảo hiểm về giá vàng, nên rủi ro là có thể kiểm soát được. Có thể thấy rủi ro về giá vàng không phải là nguyên nhân lớn nhất của việc nhà nước cấm ngân hàng huy động vàng.

Một khả năng rất lớn có thể xảy ra là sau khi nắm độc quyền kinh doanh vàng miếng, đưa vàng miếng vào dự trữ ngoại hối quốc gia theo như khoản 2 điều 16 của nghị định 24/2012/NĐ-CP, thì nhà nước sẽ nắm lấy các quỹ dự trữ vàng và độc quyền phát hành các tín phiếu đảm bảo bằng vàng. Quyền huy động vàng của các ngân hàng cần phải được chấm dứt sẽ hoàn toàn là dễ hiểu. Các ngân hàng có thể không vay vàng của dân cư để kinh doanh nữa, song không có gì ngăn cản họ mua vàng rồi phát hành tín phiếu cho số vàng đó, tất nhiên phương án đó tốn kém hơn nhiều so với việc vay vàng, nhưng vẫn còn tốt hơn là không có vàng để phát hành tín phiếu. Do vậy, bước tiếp theo có thể thấy được trong lộ trình nắm quyền tiền tệ hóa vàng miếng của nhà nước là đánh thuế thật cao với việc mua bán vàng để ngăn chặn việc các ngân hàng mua vàng và giữ vàng.

Vấn đề cần làm rõ là tại sao nhà nước lại muốn độc quyền tiền tệ hóa vàng miếng, việc đó giúp nhà nước thu được một nguồn tiền lớn từ tay các ngân hàng nhưng mục tiêu của nhà nước không phải là kinh doanh. Điều này không thể giải thích bằng chính quan hệ vay mượn vàng mà cần được nhìn nhận trên một góc độ rộng hơn. Nhà nước đã áp trần lãi suất huy động tiền gửi trong một thời gian dài nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng, để duy trì được trần lãi suất đó thì nhà nước cần có một nguồn tiền rất lớn bơm vào hệ thống ngân hàng. Kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, các nguồn thu của nhà nước bị co hẹp, trái phiếu chính phủ khó phát hành thậm chí còn bị ế, dự trữ ngoại tệ cũng giảm nhanh do xuất khẩu giảm sút, tất cả những điều đó cho thấy phương án nắm lấy quyền tạo tiền từ vàng là khả thi hơn cả để tiếp tục bảo trợ cho hệ thống ngân hàng.

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay có sự phân chia thành hai nhóm: Các ngân hàng yếu về thanh khoản cần sự bảo trợ của nhà nước để tiếp tục tồn tại,  nhóm kia là các ngân hàng mạnh có khả năng tự huy động vốn tiền mặt hay vàng thậm chí đủ uy tín để phát hành tín phiếu trên số vàng huy động được, nhóm thứ nhất không thể cạnh tranh được với nhóm thứ hai trong việc huy động vốn dù là tiền mặt hay vàng. Nhà nước muốn nắm lấy quyền tiền tệ hóa vàng miếng thì sẽ phải tước cái quyền đó từ tay các ngân hàng mạnh. Những vụ án bất ngờ gần đây liên quan đến các ngân hàng lớn, tin tức dồn dập trên phương tiện truyền thông đại chúng về nợ xấu, sự lũng đoạn của các chủ ngân hàng, sở hữu chéo, gian lận tài chính, thua lỗ do vay và kinh doanh vàng, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng.. tình cờ đã giúp cho nhà nước có cơ hội rất lớn để thực hiện việc nắm lấy quyền kinh doanh vàng.

Việc nhà nước hạn chế người dân sở hữu vàng miếng và đánh thuế cao trên giao dịch vàng miếng sẽ giúp nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng, độc quyền tạo tiền từ vàng và ngăn chặn các ngân hàng tự do tạo tiền từ vàng, nhưng hoàn toàn không ngăn chặn được người dân giao dịch vàng miếng tự do khi nhu cầu tích trữ vẫn còn. Một thị trường chợ đen về vàng miếng chắc chắn sẽ hình thành, người dân giao dịch trên thị trường chợ đen sẽ không nhận được sự bảo vệ thích hợp của pháp luật và sẽ phải chịu tất cả mọi nguy cơ rủi ro từ các giao dịch đó.   








Wednesday, October 24, 2012

Trần lãi suất tiền gửi có lợi cho ai?

Hiện nay trên phương tiện thông tin đại chúng đều phổ biến quan điểm cho rằng nếu không áp trần lãi suất tiền gửi thì các ngân hàng sẽ đua nhau nâng lãi suất tiền gửi dẫn đến nâng lãi suất cho vay và gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn. Điều này hoàn toàn là phi lý và không có bất cứ cơ sở thực tế nào. Thứ nhất, các ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi thông thường là các ngân hàng gặp khó khăn trong thanh khoản nên phải nâng lãi suất để thu hút tiền gửi nhằm có tiền trả cho những người rút. Như vậy, lãi suất tiền gửi được nâng lên thì cũng không làm gia tăng lượng vốn khả dụng, tức là lượng tiền có thể cho vay của ngân hàng đó. Khi lãi suất tiền gửi không thể gia tăng vốn khả dụng thì cũng không ảnh hưởng đến cung tiền cho vay do đó không ảnh hưởng được đến lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Thứ hai, trong trường hợp một số ngân hàng nâng lãi suất huy động tiền gửi thì các ngân hàng khác dồi dào thanh khoản cũng nâng lãi suất theo, nhưng chính các ngân hàng này cũng thừa nhận là việc nâng lãi suất chỉ để giữ chân khách hàng, tức là không làm gia tăng vốn khả dụng. Ngay cả trong trường hợp các ngân hàng lớn thu hút được nhiều tiền gửi hơn làm tăng thêm vốn khả dụng thì họ cũng không thể nâng lãi suất cho vay nếu như doanh nghiệp không gia tăng nhu cầu vay vốn, thậm chí trong trường hợp đó họ có thể còn phải giảm lãi suất cho vay để tìm kiếm khách hàng mới cho số tiền mới huy động được. Người ta cũng có thể phản bác điều này bằng cách đưa giả định có doanh nghiệp sẵn sàng vay vốn nên ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất cao tương ứng để cho vay, nhưng điều đó có nghĩa là lãi suất cho vay tạo ra lãi suất huy động tiền gửi cao, chứ không phải là ngược lại. Tóm lại, lãi suất huy động tiền gửi hoàn toàn không thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay.

Các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản thường xuyên khi phải huy động tiền gửi với lãi suất cao sẽ gặp rủi ro lớn. Họ phải vay lãi suất cao nhưng không thể cho vay thêm, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận sút giảm, điều này nếu kéo dài sẽ làm họ thua lỗ và thậm chí phá sản. Ngân hàng nhà nước áp dụng trần lãi suất huy động tiền gửi, lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường tự do và cố định, chính là để bảo vệ các ngân hàng thiếu thanh khoản khỏi rủi ro. Việc áp trần lãi suất khiến các ngân hàng thiếu thanh khoản sẽ không huy động được đủ vốn từ thị trường nên bắt buộc phải vay trên thị trường liên ngân hàng hoặc vay Ngân Hàng Nhà Nước. Vay trên thị trường liên ngân hàng thì sẽ không thể kéo dài được vì vốn khả dụng tạm thời nhàn rỗi của hệ thống ngân hàng không thể dồi dào như nguồn tiền gửi và thời hạn cho vay thường là rất ngắn, do vậy các ngân hàng thiếu thanh khoản thường xuyên sẽ phụ thuộc vào nguồn vay từ Ngân Hàng Nhà Nước, chính điều đó làm gia tăng quyền lực của Ngân Hàng Nhà Nước đối với hệ thống ngân hàng.

Ngân Hàng Nhà Nước bảo vệ các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản thường xuyên bằng trần lãi suất tiền gửi cũng tạo ra một hiệu ứng phụ đối với các ngân hàng trong hệ thống. Các ngân hàng có thanh khoản tốt có thể cho vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, mặt khác lại được huy động vốn với lãi suất trần thấp hơn lãi suất thị trường tự do, tức là sẽ có lãi lớn hơn. Điều này được thể hiện qua các báo cáo lãi khủng của nhiều ngân hàng trong thời gian trần lãi suất được duy trì.

Trần lãi suất tiền gửi cũng có mặt tiêu cực, người gửi tiền khi thấy lãi suất thấp hơn mức kỳ vọng thì họ sẽ rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng sẽ bị suy giảm, do đó ngay cả khi lãi suất cho vay không thay đổi thì một số doanh nghiệp sẽ không thể vay được vốn. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn vay để sản xuất kinh doanh, không phải vì lãi suất vay cao hay thấp mà vì ngân hàng không có đủ vốn để đáp ứng. Người gửi rút tiền ra khỏi ngân hàng thì sẽ mua sắm hàng tiêu dùng hoặc các tài sản có giá khác như vàng hay ngoại tệ mạnh. Ngân Hàng Nhà Nước muốn duy trì trần lãi suất huy động tiền gửi thì sẽ phải tìm cách ngăn chặn việc người gửi tiền rút tiền ra khỏi ngân hàng và mua sắm. Thị trường vàng và ngoại tệ hiển nhiên được Ngân Hàng Nhà Nước can thiệp để hạn chế sự gia tăng giao dịch, nhưng Ngân Hàng Nhà Nước lại không thể can thiệp vào thị trường hàng tiêu dùng, do đó nhu cầu hàng tiêu dùng sẽ gia tăng.

Tóm lại, duy trì trần lãi suất huy động tiền gửi trong một thời gian dài thì có lợi cho hệ thống ngân hàng, có lợi cho ngân hàng nhà nước trong việc kiểm soát hệ thống ngân hàng nhưng sẽ dẫn đến việc làm giảm nhu cầu tiết kiệm của dân cư và gia tăng tình trạng thiếu vốn của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1) 8 năm thăng trầm lãi suất
2) Thống đốc NHNN: Chưa thể bỏ trần lãi suất huy động
3) Ngân hàng lại chạy đua vượt rào lãi suất

Friday, October 19, 2012

Chính quyền bênh cán bộ hay bênh dân?

Theo lối thông thường xưa nay người ta vẫn nghĩ chính quyền bênh cán bộ hơn bênh dân, nhưng chuyện mới đây cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Số là Bộ Công Thương có xin Quốc Hội cho thu phí điều tiết điện lực với lý do là chi phí hoạt động này vẫn do Tập đoàn Điện lực gánh giúp một phần, giờ Bộ muốn Tập đoàn Điện lực không gánh nữa thì phải thu của dân.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại đứng lên và phân bua thêm: “Lâu nay chúng tôi chưa thu, nhưng do tính chất hoạt động của Cục là nhiều việc không được phân bổ kinh phí thường xuyên. Để đảm bảo hoạt động, lâu nay chúng tôi có trao đổi với EVN và họ cũng có gánh vác giúp một phần kinh phí này”.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, do nhiệm vụ của Cục điều tiết điện lực là giám sát hoạt động của thị trường điện lực nên việc phải “xin” hỗ trợ kinh phí từ phía EVN sẽ khiến cho giám sát thiếu khách quan. Nên giải pháp là phải thu thêm phí để bù đắp.
Nguồn: Bộ Công Thương vẫn đòi thu phí điện lực

Việc Bộ Công Thương nhận tiền của Tập đoàn Điện lực để trang trải chi phí hoạt động cũng giống như bác sĩ nhận tiền phong bì của bệnh nhân, giáo viên nhận phong bì của phụ huynh học sinh, cán bộ nhận phong bì của dân thường... đều là do dân đồng ý gánh vác giúp một phần kinh phí hoạt động của nhà trường, của bệnh viện, của bộ máy hành chính để cho công việc được thuận lợi cả.

Nhưng cái việc bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, giáo viên nhận phong bì của phụ huynh học sinh, cán bộ nhận phong bì của dân thường thì truyền thông với chính quyền đều phê phán dữ lắm. Người ta thường nói đó là nghĩa vụ phải làm, kinh phí có nhà nước cấp rồi, cớ chi nhận thêm nữa. Vậy nên cũng không lạ khi Quốc Hội không đồng ý cho Bộ Công Thương thu phí.

Rõ ràng là chính quyền bênh người dân chớ đâu có bênh cán bộ, vì nếu bênh cán bộ thì đã đồng ý cho thu phí rồi. Mà không chỉ có vậy đâu, giờ Quốc Hội biết là Bộ Công Thương lấy tiền của Tập đoàn Điện lực thì cũng sẽ không cho lấy nữa, tức là bênh cả Tập đoàn Điện lực. Bộ Công Thương sẽ vẫn phải chi phí mọi việc như cũ mà lại thiệt mất một khoản thu nhập.


Tuesday, October 16, 2012

Tham nhũng nhìn từ nhân tố con lừa

Có hai con lừa cùng đi thồ hàng, một con lừa tên là Quan, một con lừa tên là Dân. Người chủ hàng hết hàng lên lưng con lừa Dân còn con lừa Quan được đi không thảnh thơi. Con lừa Dân thấy thế liền bảo con lừa Quan rằng thồ hộ nó ít hàng cho nhẹ, con lừa Quan liền trả lời rằng muốn nó thồ bớt thì phải có gì cho nó mới được. Con lừa Dân chả có gì cho, cũng chả bắt con lừa Quan thồ hàng được, cứ cố thồ hàng một mình kết quả là mệt quá gục xuống chết, thế là người chủ chất hết hàng chỗ hàng lên con lừa Quan.

Chuyện lừa này được viết để bình luận cái bài : "Tham nhũng-Nhìn từ nhân tố con người" tại trang Bauxit Việt Nam
Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là hiểm họa thực sự trên con đường phát triển của dân tộc. Nó không đứng riêng rẽ trong bức tranh tổng thể chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam mà ngược lại, tham nhũng đã, đang thể hiện sự liên hệ ràng buộc logic giữa các vấn đề xã hội với nhau. Nó là nguyên nhân, là chủ thể trong lĩnh vực này nhưng đồng thời cũng là hệ quả, là khách thể trong lĩnh vực khác.

Tham nhũng là một vấn đề xã hội và nó phải dựa trên những điều kiện xã hội nhất định còn không nó chỉ đem lại tai họa cho chính bản thân cái người tham nhũng mà thôi, giống như cái chuyện lừa ở trên. Mặt khác nếu thấy tham nhũng có nghĩa là tạo ra lợi ích nào đó cho các bên tham gia thì rõ ràng tham nhũng không phải là thảm họa, ngược lại còn giúp xã hội vận hành trơn tru hơn, nếu con lừa Dân có thể cho con lừa Quan một ít cỏ tươi chẳng hạn thế là hàng hóa sẽ được hai con cùng thồ, sẽ không có con nào phải chết vì thồ hàng quá nặng cả.

Trước hết, tham nhũng xuất phát từ tư tưởng “thích làm quan”, “một người làm quan cả họ được nhờ” đã ăn sâu vào  tiềm thức bao thế hệ người Việt chúng ta. Tư tưởng này có cội rễ từ chế độ phong kiến, chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ tư tưởng Nho giáo, lấy con đường khoa cử làm công danh sự nghiệp, trở thành “phụ mẫu chi dân” được “ăn mâm trên, ngồi chiếu trước” trong xã hội.
Bất cứ con lừa nào cũng thích làm quan cũng giống như con lừa Quan, được đi thảnh thơi trong khi con khác phải thồ hàng nặng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nó kiếm chác được thứ gì đó từ con lừa Dân, bởi vì muốn làm điều đó thì con lừa Dân phải có cái gì có thể cho được đã.

Thứ hai, lòng tham trong mỗi chúng ta chính là cội nguồn của tham nhũng. Lòng tham tồn tại trong con người là một điều kiện sinh học – xã hội tất yếu, khi điều kiện xã hội “cho phép”: cơ chế quản lý lỏng lẻo, hệ thống luật pháp sơ hở, không nghiêm minh lòng tham sẽ có cơ hội bùng phát. 
Con lừa Quan thật là tham lam, nó muốn nhận được cái gì đó của con lừa Dân để thì mới chịu thồ hàng. Nhưng sự tham lam cũng có giá của nó, muốn tham lam thì con lừa Quan phải thồ hàng giúp con lừa Dân, nếu không thì cho dù con lừa Dân có gì cho nó thì nó cũng chẳng thể tham lam được. Việc tuyên bố lòng tham là một yếu tố sinh học, có nghĩa là có sẵn trong bản thân con lừa,  đồng thời là yếu tố xã hội tất yếu, có nghĩa là có sẵn trong quan hệ giữa những con lừa cũng giống như việc tuyên bố sự ngu xuẩn của một số người là điều kiện sinh học xã hội tất yếu vậy.
Thái độ bàng quan, thờ ơ, vô tất trách trước những xấu xa, sai trái và khiếp sợ, yếu hèn trước cường quyền là nguyên nhân thứ ba. Không biết từ lúc nào, câu cửa miệng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành tiền lệ, là luật bất thành văn của xã hội Việt Nam khi cần làm việc với các cơ quan nhà nước. 
Giả sử con lừa Dân có một ít cỏ tươi nên đưa cho con lừa Quan, vậy là hai con san sẻ gánh nặng với nhau. Đột nhiên bây giờ có một con lừa thứ ba xuất hiện, nó sẽ to mồm tố cáo con lừa Quan xấu xa, sai trái và tố cáo con lừa Dân là khiếp sợ trước cường quyền, rồi đòi con lừa Quan phải thồ hàng mà không được lấy cỏ tươi thì kết quả ra sao? Cả hai con lừa kia sẽ đá cho nó một đá rụng hàm!
Cuối cùng, chống tham nhũng đòi hỏi cần có tập thể những cá nhân khát khao thực thi công lý, dám đương đầu với các nhóm thế lực, dũng cảm đấu tranh vì một xã hội công bằng và minh bạch.
Vậy là phải có con lừa trung thực và khát khao công lý, dũng cảm đứng ra tố cáo con lừa Quan tham lam xấu xa, tố cáo con lừa Dân hèn nhát trước cường quyền để nhằm mục đích làm cho con lừa Quan phải thồ bớt hàng giúp con lừa Dân. Chuyện đó không có gì nực cười hơn, nếu thế thì con lừa trung thực và khát khao công lý ấy chả cần phải mất công tố cáo gì nhiều, nó hãy thồ hàng giúp con lừa Dân, vậy là sẽ chả có tham nhũng nào nữa. Tất nhiên trong trường hợp con lừa dân có cỏ tươi thì cũng không có gì đảm bảo con lừa trung thực và khát khao không lý ấy từ chối cả.
Chống quốc nạn tham nhũng trong bài toán tổng thể phức tạp của dân tộc bằng các biện pháp đổi mới hệ thống pháp luật, thay đổi thể chế quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế chỉ mang tính chất cục bộ, “giật gấu vá vai” và tạm bợ trước bối cảnh hiện tại. Yêu cầu cấp thiết phải giải quyết nhân tố con người mới chính là chiến lược mang tầm nhìn dài hạn. 
Sau khi lòng vòng với con lừa Trung Thực và Khát Khao Công Lý thì quay lại trường hợp hai con lừa. Như vậy, vấn đề là gửi đám lừa vào trại cải tạo dài hạn để tạo ra con lừa Quan sẵn sàng giúp con lừa Dân thồ hàng mà không đòi hỏi gì cả, và tạo ra con lừa Dân có khả năng bắt con lừa Quan thồ hàng mà không đưa bất cứ cái gì cả. Nhưng lũ lừa vốn ngu dốt không hiểu điều này, chúng sẽ chỉ hỏi lại rằng tại sao phải làm thế khi ngay từ đầu người chủ có thể chất đều hàng hóa lên cả hai con lừa. Khi người chủ chất hàng đều lên hai con lừa để hai con cùng phải thồ hàng thì rõ ràng là mọi chuyện về trung thực, khát khao công lý hay tham nhũng đều là chuyện tào lao. Rõ ràng là cái con lừa có tên Trung Thực và Khát Khao Công Lý đang xun xoe với người chủ, nó coi cái việc người chủ chất gánh nặng lên hai con lừa kia một cách bất hợp lý là hoàn toàn hợp lý, nó coi vấn đề chỉ là ở chỗ hai con lừa kia không đủ thông minh để thỏa thuận với nhau thôi. Có lẽ nó đã nhìn thấy bó cỏ tươi nào đó trong tay người chủ chăng?