Tuesday, October 16, 2012

Tham nhũng nhìn từ nhân tố con lừa

Có hai con lừa cùng đi thồ hàng, một con lừa tên là Quan, một con lừa tên là Dân. Người chủ hàng hết hàng lên lưng con lừa Dân còn con lừa Quan được đi không thảnh thơi. Con lừa Dân thấy thế liền bảo con lừa Quan rằng thồ hộ nó ít hàng cho nhẹ, con lừa Quan liền trả lời rằng muốn nó thồ bớt thì phải có gì cho nó mới được. Con lừa Dân chả có gì cho, cũng chả bắt con lừa Quan thồ hàng được, cứ cố thồ hàng một mình kết quả là mệt quá gục xuống chết, thế là người chủ chất hết hàng chỗ hàng lên con lừa Quan.

Chuyện lừa này được viết để bình luận cái bài : "Tham nhũng-Nhìn từ nhân tố con người" tại trang Bauxit Việt Nam
Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là hiểm họa thực sự trên con đường phát triển của dân tộc. Nó không đứng riêng rẽ trong bức tranh tổng thể chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam mà ngược lại, tham nhũng đã, đang thể hiện sự liên hệ ràng buộc logic giữa các vấn đề xã hội với nhau. Nó là nguyên nhân, là chủ thể trong lĩnh vực này nhưng đồng thời cũng là hệ quả, là khách thể trong lĩnh vực khác.

Tham nhũng là một vấn đề xã hội và nó phải dựa trên những điều kiện xã hội nhất định còn không nó chỉ đem lại tai họa cho chính bản thân cái người tham nhũng mà thôi, giống như cái chuyện lừa ở trên. Mặt khác nếu thấy tham nhũng có nghĩa là tạo ra lợi ích nào đó cho các bên tham gia thì rõ ràng tham nhũng không phải là thảm họa, ngược lại còn giúp xã hội vận hành trơn tru hơn, nếu con lừa Dân có thể cho con lừa Quan một ít cỏ tươi chẳng hạn thế là hàng hóa sẽ được hai con cùng thồ, sẽ không có con nào phải chết vì thồ hàng quá nặng cả.

Trước hết, tham nhũng xuất phát từ tư tưởng “thích làm quan”, “một người làm quan cả họ được nhờ” đã ăn sâu vào  tiềm thức bao thế hệ người Việt chúng ta. Tư tưởng này có cội rễ từ chế độ phong kiến, chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ tư tưởng Nho giáo, lấy con đường khoa cử làm công danh sự nghiệp, trở thành “phụ mẫu chi dân” được “ăn mâm trên, ngồi chiếu trước” trong xã hội.
Bất cứ con lừa nào cũng thích làm quan cũng giống như con lừa Quan, được đi thảnh thơi trong khi con khác phải thồ hàng nặng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nó kiếm chác được thứ gì đó từ con lừa Dân, bởi vì muốn làm điều đó thì con lừa Dân phải có cái gì có thể cho được đã.

Thứ hai, lòng tham trong mỗi chúng ta chính là cội nguồn của tham nhũng. Lòng tham tồn tại trong con người là một điều kiện sinh học – xã hội tất yếu, khi điều kiện xã hội “cho phép”: cơ chế quản lý lỏng lẻo, hệ thống luật pháp sơ hở, không nghiêm minh lòng tham sẽ có cơ hội bùng phát. 
Con lừa Quan thật là tham lam, nó muốn nhận được cái gì đó của con lừa Dân để thì mới chịu thồ hàng. Nhưng sự tham lam cũng có giá của nó, muốn tham lam thì con lừa Quan phải thồ hàng giúp con lừa Dân, nếu không thì cho dù con lừa Dân có gì cho nó thì nó cũng chẳng thể tham lam được. Việc tuyên bố lòng tham là một yếu tố sinh học, có nghĩa là có sẵn trong bản thân con lừa,  đồng thời là yếu tố xã hội tất yếu, có nghĩa là có sẵn trong quan hệ giữa những con lừa cũng giống như việc tuyên bố sự ngu xuẩn của một số người là điều kiện sinh học xã hội tất yếu vậy.
Thái độ bàng quan, thờ ơ, vô tất trách trước những xấu xa, sai trái và khiếp sợ, yếu hèn trước cường quyền là nguyên nhân thứ ba. Không biết từ lúc nào, câu cửa miệng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành tiền lệ, là luật bất thành văn của xã hội Việt Nam khi cần làm việc với các cơ quan nhà nước. 
Giả sử con lừa Dân có một ít cỏ tươi nên đưa cho con lừa Quan, vậy là hai con san sẻ gánh nặng với nhau. Đột nhiên bây giờ có một con lừa thứ ba xuất hiện, nó sẽ to mồm tố cáo con lừa Quan xấu xa, sai trái và tố cáo con lừa Dân là khiếp sợ trước cường quyền, rồi đòi con lừa Quan phải thồ hàng mà không được lấy cỏ tươi thì kết quả ra sao? Cả hai con lừa kia sẽ đá cho nó một đá rụng hàm!
Cuối cùng, chống tham nhũng đòi hỏi cần có tập thể những cá nhân khát khao thực thi công lý, dám đương đầu với các nhóm thế lực, dũng cảm đấu tranh vì một xã hội công bằng và minh bạch.
Vậy là phải có con lừa trung thực và khát khao công lý, dũng cảm đứng ra tố cáo con lừa Quan tham lam xấu xa, tố cáo con lừa Dân hèn nhát trước cường quyền để nhằm mục đích làm cho con lừa Quan phải thồ bớt hàng giúp con lừa Dân. Chuyện đó không có gì nực cười hơn, nếu thế thì con lừa trung thực và khát khao công lý ấy chả cần phải mất công tố cáo gì nhiều, nó hãy thồ hàng giúp con lừa Dân, vậy là sẽ chả có tham nhũng nào nữa. Tất nhiên trong trường hợp con lừa dân có cỏ tươi thì cũng không có gì đảm bảo con lừa trung thực và khát khao không lý ấy từ chối cả.
Chống quốc nạn tham nhũng trong bài toán tổng thể phức tạp của dân tộc bằng các biện pháp đổi mới hệ thống pháp luật, thay đổi thể chế quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế chỉ mang tính chất cục bộ, “giật gấu vá vai” và tạm bợ trước bối cảnh hiện tại. Yêu cầu cấp thiết phải giải quyết nhân tố con người mới chính là chiến lược mang tầm nhìn dài hạn. 
Sau khi lòng vòng với con lừa Trung Thực và Khát Khao Công Lý thì quay lại trường hợp hai con lừa. Như vậy, vấn đề là gửi đám lừa vào trại cải tạo dài hạn để tạo ra con lừa Quan sẵn sàng giúp con lừa Dân thồ hàng mà không đòi hỏi gì cả, và tạo ra con lừa Dân có khả năng bắt con lừa Quan thồ hàng mà không đưa bất cứ cái gì cả. Nhưng lũ lừa vốn ngu dốt không hiểu điều này, chúng sẽ chỉ hỏi lại rằng tại sao phải làm thế khi ngay từ đầu người chủ có thể chất đều hàng hóa lên cả hai con lừa. Khi người chủ chất hàng đều lên hai con lừa để hai con cùng phải thồ hàng thì rõ ràng là mọi chuyện về trung thực, khát khao công lý hay tham nhũng đều là chuyện tào lao. Rõ ràng là cái con lừa có tên Trung Thực và Khát Khao Công Lý đang xun xoe với người chủ, nó coi cái việc người chủ chất gánh nặng lên hai con lừa kia một cách bất hợp lý là hoàn toàn hợp lý, nó coi vấn đề chỉ là ở chỗ hai con lừa kia không đủ thông minh để thỏa thuận với nhau thôi. Có lẽ nó đã nhìn thấy bó cỏ tươi nào đó trong tay người chủ chăng?